Pages

Sunday, August 31, 2008

TRUNG QUỐC KHIÊU KHICH HOA KỲ

Trần Bình Nam



Hôm chủ nhật 20/7/2008, tờ báo South China Morning Post phát hành tại Hồng Kông trong một bài báo nhan đề “Oil giant is warned over Vietnam Deal” do phóng viên Greg Torode viết (1) loan tin rằng trong nhiều tháng qua các giới chức ngoại giao Trung quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã tiếp xúc với các viên chức của công ty dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ yêu cầu rút lại các giao kèo khai thác dầu hỏa tại hai vùng trong Biển đông đã ký với công ty quốc doanh PetroVietnam. Một vùng nằm trên thềm lục địa Việt Nam; vùng kia ở xa hơn về phía nam (xem bản đồ).

Vùng thứ nhất nằm sát bờ biển Quảng Nam và Quảng Ngãi gồm một hình tam giác ép sát bờ biển diện tích 2.166 km2 (2) và một hình chữ nhật chiều cao 153km, chiều ngang 105km, diện tích 16.065 km2 . Tổng cộng diện tích vùng thăm dò này dựa vào bản đồ chừng 18.231km2. Đường biên ngoài cùng của vùng này cách thành phố Đà Nẳng 162 km.

Vùng thứ hai là một hình chữ nhật chiều cao 96km, chiều ngang 148km, diện tích chừng 14.200 km2 phủ lên các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường và Phúc Nguyên nằm về phía đông nam Vũng Tàu cách thành phố Sàigòn 440 km, và cách đảo Côn Sơn 374 km trực chỉ hướng 4 giờ. Vùng này nằm trong quần đảo Trường Sa.

Lên tiếng chính thức về vấn đề này hôm Thứ Ba 22/7 phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung quốc xác nhận đã yêu cầu công ty ExxonMobil ngưng tiến hành việc khai thác dầu khí với Việt Nam nói là những vùng đó thuộc lãnh thổ Trung quốc. Dưới nhãn quan của Trung quốc, vùng phía bắc lấn qua vùng khai thác kinh tế của đảo Hoàng Sa Trung quốc chiếm năm 1974, trong khi vùng phía nam nằm trong quần đảo Trường Sa Trung quốc từng tuyên bố là đất của mình .

Việc trong mấy tháng qua Trung quốc áp lực hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ cho thấy có sự chuyển động căn bản trong mối quan hệ tay ba Việt Nam-Hoa Kỳ-Trung quốc. Tháng 3 năm 2007 hãng dầu BP (British Petroleum, một công ty liên doanh Anh-Hòa Lan) ký giao kèo dò tìm dầu mỏ với Việt Nam cạnh vùng phía Nam (một trong hai vùng vừa ký với hãng ExxonMobil) Trung quốc cũng đã áp lực BP rằng nếu tiếp tục dò tìm dầu hỏa theo giao kèo với Việt Nam, Trung quốc sẽ không ký một giao kèo làm ăn nào với BP tại Trung quốc trong tương lai. Trước áp lực, công ty BP đã ngưng các cuộc dò tìm. Tuy nhiên bài báo nói trên của ký giả Greg Torode cũng tiết lộ rằng gần đây khi công ty ExxonMobil tiến hành các cuộc thảo luận với Việt Nam, công ty BP đã chuẩn bị trở lại thực hiện các cuộc dò tìm dự trù vào cuối năm nay.

Áp lực của Trung quốc không làm cho công ty ExxonMobil ngưng tiến hành các cuộc thảo luận với Việt Nam, và vào cuối tháng 6/2008 khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm viếng Hoa Kỳ công ty ExxonMobil và PetroVietnam đã công bố giao kèo sơ khởi khai thác dầu khí trong Biển đông. Hoa Kỳ và Việt Nam đã chọn thái độ tiếp tục làm những gì trong quyền hạn. Đối với Việt Nam đất của mình mình khai thác bất chấp áp lực kinh tế, nếu không muốn nói cả áp lực quân sự và chính trị của Trung quốc. Đối với Hoa Kỳ nơi nào có thể làm ăn hợp pháp thì làm ăn bất chấp sự bất bình của Trung quốc là một quốc gia đang lớn mạnh và có khả năng làm khó Hoa Kỳ về mặt tài chánh (3).

Ai cũng biết mục tiêu chiến lược của Trung quốc là làm mọi cách để trở thành một siêu cường kinh tế và chính trị, và đối tượng tranh chấp thế lực tối hậu sẽ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên biết mình còn thua kém Hoa Kỳ về nhiều phương diện nên Trung quốc từ trước tới nay hết sức thận trọng trong các bước đi để tránh đụng chạm với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng vậy, kềm chế Trung quốc một cách khéo léo và thận trọng.

Về mặt quốc tế Trung quốc giúp Hoa Kỳ trong những vụ việc không thiệt thòi quyền lợi của mình, đồng thời cũng có lợi cho mình. Trung quốc giúp Hoa Kỳ trong việc thương thuyết với chính quyền Bắc Hàn để dẹp bỏ chương trình phát triển hỏa tiễn và vũ khí nguyên tử cũng như không dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống việc ban hành các biện pháp trừng phạt có giới hạn đối với Iran để áp lực Iran ngưng chương trình tinh chế uranium (một bước trong tiến trình chế vũ khí nguyên tử). Nhưng Trung quốc không vì cần mua chuộc Hoa Kỳ mà từ bỏ chương trình kết bạn khắp năm châu, bành trướng thế lực, mở rộng không gian sinh tồn và tìm kiếm năng lượng.

Trung quốc bắt tay với mọi chế độ trên thế giới không phân biệt dân chủ hay độc tài, thân hay không thân Hoa Kỳ. Nam Mỹ, Phi châu nơi nào Trung quốc cũng vung tiền và phương tiện kỹ thuật để mua chuộc và bảo đảm sự cung cấp dầu hỏa và vị trí chiến lược tương lai cho hải quân. Trung quốc chơi với Venezuela và Sudan vì dầu hỏa dù tổng thống Chavez (của Venezuela) công khai chống Mỹ và Sudan áp dụng chính sách diệt chủng tại Darfur. Trung quốc yểm trợ chính quyền quân nhân toàn trị tại Miến Điện để mở cửa ngỏ chiến lược vào Ấn Độ Dương.

Trong vùng Thái Bình Dương Trung quốc xem là sân nhà nên thao tác có vẻ tự do. Đối với Đài Loan Trung quốc nói không úp mở nếu Đài Loan tuyên bố độc lập Trung quốc sẽ khởi binh chiếm đóng bất chấp sự hiện diện của Đệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ trong eo biển Đài Loan. Và gần đây lượng định Hoa Kỳ đang trong mùa tranh cử tổng thống, kinh tế đang có chiều suy thoái, Bush sắp mãn nhiệm lại đang bận tay với hai chiến trường Iraq và Afghanistan, nên Trung quốc bắt đầu đi những nước cờ thăm dò bạo dạn hơn.

Tháng 12/2007 Trung quốc ban hành nghị định thành lập huyện Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù đang còn tranh chấp với Việt Nam và vài quốc gia trong khối Asean. Còn nữa, cả hai quần đảo đều nằm trên thủy đạo quan trọng nối liền Ấn Độ Dương với bắc Thái Bình Dương, con đường chuyển vận 80% dầu hỏa cho Nhật Bản một đồng minh then chốt của Hoa Kỳ trong vùng tây Thái Bình Dương. Dù vậy Hoa Kỳ cũng không lên tiếng, ít nhất về mặt chính thức .

Kế tiếp là việc Trung quốc áp lực Việt Nam không tiếp thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte vào cuối tháng 1/2008 khi ông này dự định đến Việt Nam sau một cuộc thăm viếng thường lệ Trung quốc. Trong khi đó Trung quốc âm thầm xây dựng căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại thành phố Sanya cực nam đảo Hải Nam để chuẩn bị triển khai lực lượng tàu ngầm nguyên tử có khả năng chơi trò đuổi bắt và săn tìm với hạm đội tàu ngầm của Hoa Kỳ trên biển cả gồm Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nếu không muốn nói cả Đại Tây Dương .

Hoa Kỳ đã im lặng trước các động thái khiêu khích của Trung quốc và âm thầm chuẩn bị đánh những đòn trả lại. Hoa Kỳ tìm cách thuyết phục Việt Nam về mối nguy của Trung quốc, và hình như đã thành công phần nào về mặt này. Bản thông cáo chung sau chuyến thăm viếng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ cuối tháng 6/2008 vừa qua chứa đựng một số ngôn từ làm giới quan sát quốc tế ngạc nhiên.

Bản thông cáo ghi nhận Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ “trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cao cấp của hai nước. …. sẽ ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”.

Sau cùng Hoa Kỳ “tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”

Với chính sách mới công ty dầu hỏa ExxonMobil đã ký giao kèo với PetroVietnam khai thác dầu hỏa.

Không như áp lực đối với công ty BP, áp lực của Trung quốc đối với hãng dầu ExxonMobil là một hành động có tính khiêu khích Hoa Kỳ. Quyết định này đặt ra một vấn nạn chẳng những cho Hoa Kỳ và còn cho cả Việt Nam.

ExxonMobil không thể đơn giản rút lui như công ty BP đã làm năm trước, và chính phủ Hoa Kỳ cũng không thể không lên tiếng. Về phía Việt Nam bị dồn vào chân tường, Việt Nam khó chọn thái độ đẩy đưa như trước mà không mạnh mẽ làm bất cứ những gì cần thiết để chứng tỏ chủ quyền lãnh thổ của mình. Giới chức công ty ExxonMobil (có nghĩa là Hoa Kỳ) gợi ý rằng nếu việc tranh chấp chủ quyền trên biển được đưa ra quốc tế Việt Nam có nhiều điều kiện để thắng.

Với việc áp lực hãng ExxonMobil, Trung quốc đang mở ra một mặt trận mới trực diện đối đầu với Hoa Kỳ và đặt Việt Nam vào một thế phải chọn lựa. Và dù nền ngoại giao nước lớn sẽ biến chuyển như thế nào để giải quyết vụ ExxonMobil-PetroVietnam này, quan hệ tay ba Hoa Kỳ - Trung quốc - Việt Nam sẽ kinh qua một giai đoạn mới./.



Trần Bình Nam

23 July 2008

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com



(1) Link: http://www.scmp.com/portal/site/SCMP/menuitem.2c913216495213d5df646910cba0a0a0/?vgnextoid=a65d98111ab3b110VgnVCM100000360a0a0aRCRD&vgnextfmt=teaser&ss=China&s=News

(2) Các con số trong bài này dựa vào độ đo trên bản đồ nên chỉ là những con số phỏng chừng .

(3) Trung quốc mua nhiều trái phiếu của Hoa Kỳ nên Trung quốc được xem là chủ nợ của Hoa Kỳ

No comments:

Post a Comment