Pages

Saturday, August 30, 2008

VI. NGƯỜI BỐ LIỆT SĨ

Thôn Mai Sơn là một làng quê hẻo lánh, ở cạnh Trường Sơn. Thôn xóm cũng khá đông đúc khoảng vài trăm nóc gia. Dân chúng làm nghề hái củi, đốt than ,làm rẫy và làm nghề nông. Đất miền núi khô cằn, quanh năm đa số ăn khoai, bắp, sắn thay cơm. Cách thôn độ vài cây số là một ga nhỏ. Từ trước 1945 cho đến nay, ga Mai Sơn đã nổi danh trộm cướp. Ban đêm bọn cướp phục kích tại các chỗ vắng trên đường từ ga về. Họ ẩn nấp tại các khu đồi sim rập rạp, chờ khách từ ga về lẻ tẻ không đề phòng là họ xông ra cướp đồ đạc của cải của khách. Công an cũng làm ngơ vì không làm gì được vì trong công an cũng có nhiều đạo tặc. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Người trong huyện đã nghe danh ga Mai Sơn trộm cướp khiến cho họ một là không dám đi xe lửa, hai là nếu đi xe lửa,họ chọn xuống ga vào lúc ban ngày.Và dù đêm hay ngày, họ phải chờ nhau đi thành đoàn mới dám đi qua truông Mai Sơn.


Làng này văn học cũng khá, thầy Bảo dạy lớp nhất của tôi ở tại làng này. Lớp tôi đã đến nhà thầy một lần trong dịp thân mẫu của thầy tạ thế. Ngôi nhà của thầy là một nhà gạch lợp ngói khá khang trang. Trong vườn trồng ổi, mít và cau , cây trái sum sê.
Sửu và Khoai là hai học sinh cùng ở thôn Mai Sơn, cùng học trường trung học Vĩnh Hòa, là một trường cấp hai cách Mai Sơn vài cây số. Hai người cùng một lứa tuổi. Sửu mạnh khoẻ và đẹp trai hơn Khoai. Lúc học lớp bảy, cả hai cùng yêu Mai là một nữ sinh khá xinh đẹp, người thôn Thượng . Sửu chiếm được trái tim của Mai khiến cho Khoai đau khổ, ghen tức. Nhưng mối tình này cũng như hoa sớm nở chiều tàn vì gia đình Mai bỏ làng đi kinh tế mới tại Pleiku. Năm sau, cả mấy tỉnh miền Trung liên tiếp bị đói , mất mùa và bão lụt. Học sinh nghỉ học hàng loạt. Lúc này nhà nước cũng có chính sách sa thải công nhân viên. Các công xưởng chỉ có giám đốc và thủ kho là vào chánh ngạch, còn tất cả là hợp đồng. Trường cấp hai Vĩnh Hòa cũng chung số phận, một nửa trường đóng cửûa và một nửa giáo viên thất nghiệp. Sửu và Khoai cùng đi bán nước chè trên xe lửa. Sửu nhanh nhẹn hơn, kiếm được nhiều tiền hơn Khoai cho nên Khoai càng hận thù Sửu.

Bố Khoai là một bần cố nông, đã có thành tích đấu tố địa chủ thẳng tay, đuợc vào đảng viên từ năm 1953, hiện phụ trách ủy viên an ninh xã. Năm Khoai 17 tuổi , bố Khoai vận động cho Khoai làm việc xã đội. Khi viên xã đội trưởng lên làm việc tại huyện đội, Khoai leo lên chức xã đội trưởng, có nhiệm vụ trông coi quân sự trong xã, trong đó có việc bắt lính. Lúc này, Sửu được một người bà con mách nước, khuyên Sửu xin cho đi học Trường Công Nhân tại trung ương. Sửu thi và đậu nhưng khi kết quả gửi về xã thì bị bố con Khoai nhận chìm, họ ghi tên Sửu vào danh sách tân binh rồi tháng sau, Sửu đuợc trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, và phải lên đường đi Căm Pu Chia làm nghĩa vụ quốc tế.

Sửu và các trai trong xã được ở chung một trung đội, cứ ba người là một tổ tam tam, đi đâu cũng có nhau. Không biết trong hồ sơ của Sửu, xã ủy đã phê như thế nào mà viên chính ủy đại đội và viên trung đội trưởng luôn luôn nhìn Sửu bằng cặp mắt hận thù, hoặc thiếu thiện cảm.

Cuộc chiến ở Căm Phu Chia thật gay go. Ban ngày, họ là bạn đấy, nhưng ban đêm, bất cứ người Căm Pu Chia nào cũng sẵn sàng nhả đạn vào lính Việt. Chiều xuống, lính Việt không dám ra khỏi trại. Ban ngày hành quân trong rừng, hễ vừa đặt lưng ngồi dựa gốc cây chưa đầy năm phút là quân PoL Pot đã bắn hạ. Họ dùng súng Trung cộng có ống ngắm rất chính xác. Khắp nơi là mìn, là bẫy đủ thứ. Nhất là mìn do Trung cộng chế tạo. Nó không nổ lớn, gây thiệt mạng, nhưng cái độc hiểm là gây cụt tay, cụt chân. Chết là hết chuyện nhưng không chết mới gây thiệt hại cho đối phương. Này nhé, khi một người chết, các đồng đội vẫn có thể xông lên, nhưng khi một người bị thương thì hai người khác phải tới giúp bạn, đưa bạn về trạm xá. Như vậy mỗi quả mìn loại đuợc ba tay súng. Một người chết nằm xuống người ta chỉ đào lỗ chôn, và thế là xong, nhưng khi một lính bị thương, nhà nước phải tốn thuốc men, cơm gạo nuôi nấng, và còn bao nhiêu chuyện khác nữa như là bác sĩ, y tá, trạm xá, xe chuyển vận?. Khi người thương binh xuất viện, xã hội phải mang gánh nặng. Nhà nước phải kiếm việc cho thương binh, hoặc phải nuôi nấng, trợ cấp nhà cửa,luơng thực, tiền bạc cho họ. Nếu không đủ, họ sẽ bất mãn. Họ ngang nhiên đi buôn lậu, mở sòng bài, chứa gái , cướp của hoặc đi biểu tình, phản đối, gây ra biết bao tệ trạng xã hội. Nhưng cái đau khổ cho lính Việt ở Căm Pu Chia là cô đơn, vì bốn bề là kẻ thù, dù bất cứ người Miên nào, dù là phe Pol Pot, phe Sihanouk hay phe Son Sen cũng đều muốn giết người Việt.

Trong một trận tập kích, quân Pol Pot đông bấp ba, tiêu diệt trọn đại đội của Sửu. Sửu và vài người bạn trong đại đội bị bắt làm tù binh. Sửu bị quân Pol Pot đánh đập, tra tấn dã man. Sửu đã chết đi sống lại không biết mấy phen. Sau một thời gian bị nhốt chuồng cọp, Sửu và các tù binh khác bị giam trong rừng. Ban ngày họ phải lên rừng đốn cây, hoặc trồng khoai sắn dưới roi vọt của những tên Khmer đỏ. Ban đêm về trại, họ bị nhốt lại dưới những hầm sâu có nắp đậy.

Ngày tháng trôi qua, Sửu bị bắt đã ba năm. Ở trong tù, Sửu không còn ý thức được thời gian, và Sửu cũng không biết một chút tin tức về thế giới bên ngoài. Cha me, anh em, làng xóm đã trở thành dĩ vẵng, một quá khứ xa xăm của muôn năm trước.
Một hôm, không biết quân Son Sen hay quân Sihanouk tấn công trại. Binh sĩ Khmer đỏ chống cự mãnh liệt nhưng cuối cùng phải rút lui vì thiệt hại quá lớn trước vũ lực quá mạnh của địch. Vì bị tấn công quá rát, quân Khmer đỏ đã không kịp giết tù binh trước khi rút. Nhưng cuộc tấn công đã làm một số tù nhân chết và bị thương. Sửu và các bạn tù khác nhân dịp tháo chạy. Cùng chạy trốn với Sửu có Nựu là một người ở thôn Lâm Hạ, là một thôn cách Mai Sơn vài ba cây số. Cả hai cứ ban ngày nấp trốn, ban đêm bương bải vượt suối trèo non mới về đến gần một làng xóm Miên. Họ vẫn tiếp tục ngày trốn, đêm di chuyển để tránh tai mắt dân Miên và Khmer đỏ. Một đêm nọ, cả hai đến một ngôi chùa khá lớn. Cả hai tính vào chùa kiếm chác. Họ tính vào trộm thức ăn, và vàng bạc. Những ngày sang đất Miên, Sửu và Nựu đã theo chân các đồng đội vào các chùa đập phá tượng Phật lấy vàng. Kẻ lấy chân, người lấy tay, bẻ thành từng miếng nhỏ cho dễ chia nhau, dễ cất giấu và mua bán. Sửu đã lấy được một số vàng bạc, châu báu để trong ba lô nhưng sau cuộc tấn công cuả Khmer đỏ, tài sản của anh thu vén đuợc đã mất sạch. Nay hai chàng cũng muốn trở lại nghề cũ, mong kiếm chác chút ít để sinh sống trong cơn túng quẫn. Hai anh buớc vào chùa đã nửa đêm nhưng khi buớc vào đại điện, họ bị phát giác. Nựu nhanh chân chạy thoát, riêng anh bị một nhà sư nắm lại, anh phải dùng dao đâm một nhát, nhà sư ngã xuống, máu tuôn như suối. Cả chùa xôn xao cứu chữa nhà sư, anh chạy thoát đuợc và theo kịp Nựu. Cả hai anh cứ ngày trốn, đêm đi, đến gần biên giới Việt Miên. Hai anh làm đủ nghề, gánh thuê, gặt mướn, nhiều khi trộm cướp nữa mới có đủ tiền mua vé xe lửa và sắm sửa hành trang về quê.



Ba năm trước, gia đình anh đã nhận được thư của đơn vị gửi về làng báo tin anh tử trận, và tên anh đã được nằm trong danh sách liệt sĩ của tỉnh. Theo luật lệ hiện hành, gia đình liệt sĩ mỗi quý ( ba tháng) được lãnh khoảng 30 ngàn đồng tương đương $3 CAN, nhưng vì tỉnh nghèo, huyện nghèo hoặc bị xén bớt, gia đình anh chỉ nhận được vài ký khoai, sắn hoặc bắp tượng trưng. Ngay cả các giáo viên cũng vậy. Trong khi các giáo viên cấp hai ở Sài gon lãnh hai trăm ngàn mỗi tháng, giáo viên cấp hai ở đây lãnh 30 kí lúa mỗi tháng ( tương đương 14 ký gạo). Có hơn không. Dẫu sao thì đó cũng là một niềm an ủi cho gia đình thương binh liệt sĩ. Gia đình Sửu chỉ có hai chị em. Chị Hợi của Sửu lấy chồng người cùng thôn, đã được hai con. Bố Sửu 60 tuổi, làm ruộng, lúc rảnh lên rừng hái củi về bán tại chợ Dinh. Nhưng ông còn một nghề nữa là thỉnh thoảng kiếm ăn tại ga. Một đêm như thường lệ, cha của Sửu phục kích tại truông. Trời mưa to, gió lớn. Ông thấy từ xa đi tới là một người mang áo mưa nhựa, đi xe đạp, vai mang hành lý cồng kềnh. Ông mừng rỡ vô cùng. Ông tiến tới và đánh liên tiếp chục gậy trên đầu khiến nạn nhân bể óc, máu và óc bắn tứ phía. Người đó ngã xuống, ông đem vùi nông xác xuống một cái hố. Ông lấy xe đạp và mọi thứ trên người kể cả áo quần, đồng hồ, viết máy rồi nhanh nhẹn ra về.

Vài tháng sau đó, Nựu tìm đến nhà Sửu. Anh chào bố Sửu rồi hỏi:
- Anh Sửu đâu rồi?
Bố Sửu ngạc nhiên vô cùng. Ông nói:
-Sửu đã tử trận từ lâu, ở nhà đã đuợc giấy đơn vị báo tin Sửu đã hy sinh trong khi làm nghĩa vụ quốc tế tại Kăm Pu Chia.
Nựu bèn thuật lại mọi chuyện, kể từ khi hai đứa ở chung một trung đội, rồi bị Khmer đỏ bắt làm tù binh, sau cả hai trốn thoát và cùng về quê một lần trên tàu Thống Nhất.
Bố Nựu hỏi:
- Các anh trốn thoát, tại sao lại không gửi thư về nhà?
Nựu đáp:
- Chúng con luôn luôn ở trong rừng, không có giấy bút, không có tem, không thấy bưu điện ở đâu cả, lúc cuối mua đuợc vé thì hối hả lên tàu, cho nên không thể nào viêt thư được.
Nựu nói tiếp:
- -Con và anh Sửu cùng xuống tàu Thống Nhất tại nhà ga Mai sơn lúc 12 giờ đêm 23 tháng 8, cách đây bốn tuần, lúc trời mưa gió. Thế thì anh Sửu đi đâu? Thật là lạ lùng!
Bố của Sửu ngẩn ngơ, choáng váng. Ông ra sân tiễn Nựu ra về. Ông nhìn thấy chiếc xe đạp của Nựu khóa để ngoài sân , rất giống chiếc xe chiến lợi phẩm của ông.
Ông hỏi:
-Xe này anh mua ở đâu?
Nựu đáp:
-Con và anh Sửu ghé một tiệm ở Sài Gòn, cùng mua hai chiếc xe đạp hiệu Giải Phóng, màu sắc, và kích thước giống nhau như đúc, giá mỗi chiếc 200 đồng, thật là rẻ..
Lúc này thì ông đã rõ. Vì chiếc xe đạp, vì mấy thước vải, vì cái đài, chính ông đã giết thằng con yêu quý của ông

No comments:

Post a Comment