Pages

Wednesday, July 29, 2009

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC

Đặng Phùng Quân
Khởi thảo lịch sử triết học
Dưới lăng kính siêu quốc
(tiếp theo)


Những thời kỳ trục trong lịch sử tư tưởng
Karl Jaspers không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp, song ông đã phát kiến ra khái niệm trục, trong một tinh thần tri thức cởi mở, ngay từ mở đầu tác phẩm Vom Ursprung und Ziel der Geschichte/Nguồn và đích của lịch sử, 1949:

“Trong thế giới phương Tây, triết học lịch sử xây dựng trên niềm tin Cơ đốc. Trong một chuỗi vĩ đại những công trình liên tục từ Augustin đến Hegel, niềm tin này thể hiện vận động của Thượng đế xuyên suốt lịch sử. Những hành vi mặc khải của Thượng đế biểu hiện những tuyến phân chia quyết định. Cho nên Hegel có thể vẫn nói: toàn thể lịch sử tiến hành và bắt nguồn từ Chúa. Con của Thượng đế xuất hiện là trục của lịch sử thế giới… Song niềm tin Cơ đốc chỉ là một niềm tin, không phải là niềm tin của nhân loại. Vì thế quan điểm lịch sử phổ quát như vậy rõ ràng là thất bại vì nó chỉ có giá trị cho những tín đồ Cơ đốc…

Trục của lịch sử thế giới, nếu thực sự hiện hữu phải được phát kiến về mặt thường nghiệm, như một sự kiện có thể được mọi người, kể cả người theo Cơ đốc chấp nhận như vậy.”
Jaspers là một tín đồ Cơ đốc, song đã mạnh dạn đánh giá thời kỳ trục này vào thời khoảng 800-200 trước tây lịch. Theo ông, những sự biến phi thường nhất tập trung trong thời kỳ này: tất cả những trường phái triết học Trung hoa xuất hiện, như Khổng, Lão, Mặc, Trang, Liệt tử v.v.., ở Ấn độ như Upanishad, Phật là những đỉnh cao tri thức xuống đến phái hoài nghi, duy vật, ngụy biện và hư vô luận, ở Ba tư Zarathustra dạy một thế giới quan tương tranh giữa thiện và ác, ở Palestine xuất hiện những tiên tri như Elijah, Isaiah, Jeremiah, ở Hy lạp như Homer, những triết gia như Parmenides, Heraklit, Platon, những nhà viết kịch, những sử gia, Archimedes. Những công trình của họ phát triển để lại cho nhân loại to lớn ra sao, dường như ai cũng rõ, mặc dầu vào thời kỳ vùng này không biết vùng kia.
Jaspers nhận xét: Trong cả ba vùng của thế giới, điều mới lạ về thời đại này là con người có ý thức Hữu thể như một toàn thể, về chính con người và những hạn chế của mình. Con người kinh qua khủng cụ của thế giới và không có quyền năng của chính mình. Con người biết đặt những vấn đề, đối diện với khoảng không, con người biết phấn đấu cho giải thoát và ân sủng, trong khi nhận biết giới hạn của mình, con người đề ra những mục tiêu cao cả. Con người kinh qua tuyệt đối trong sâu xa của bản ngã và trong sáng của siêu việt.
Ý thức tự ngã, tư duy trở thành đối tượng của chính con người, những xung đột tinh thần diễn ra giữa con người với tha nhân, mới sinh ra tranh biện, những phạm trù cơ bản, những tín ngưỡng phổ quát - tất cả điều đó minh họa thế nào là một thời kỳ trục.
Điểm nổi bật nhất trong giai đoạn này của lịch sử nhân loại là quá độ từ thời đại thần thoại bước sang thời đại triết lý:
- Lý tính và kinh nghiệm dưới ánh sáng thuần lý tương tranh với thần thoại; các nhà triết học dầu là Hy lạp, Ấn hay Trung hoa cũng vượt khỏi tính thần bí trong những nhận thức quyết định.
- Con người không còn đóng kín tự thân, ngộ đuợc cái bất xác, mở ra những khả năng mới, không hạn chế, biết nghe và hiểu những gì trước đây không tự vấn; cùng với thế giới và chính tự ngã, Hữu trở nên nhậy cảm với con người, song không có nghĩa là chung cuộc.
- Lần đầu tiên xuất hiện những triết gia, dầu lang thang hay ẩn cư ở Trung hoa, hay những nhà khắc kỷ ở Ấn, những minh triết ở Hy lạp, hay những tiên tri ở Do thái. Nhà triết học là người chứng tỏ khả năng tương phản chính bản thân với vũ trụ ngoại tại, phát hiện trong tự thân nguyên ủy đã đưa tự thân vuơn lên tự ngã và thế giới.
- Trong tư duy suy luận, triết gia nhận ra Hữu mà không sa vào chỗ nhị nguyên do vượt khỏi chỗ phân biệt chủ thể và khách thể, nhận ra trùng hợp những mặt đối lập.
- Trong thân phận con người, vây bủa trong thân thể, bản năng, đi tìm giải thoát và cứu chuộc từ thế giới này, hướng về ý niệm, từ bỏ vô cảm/ataraxie, đắm đuối trầm tư, nhận thức ngã/giới như thể tiểu ngã/atman, kinh nghiệm niết bàn/nirwana, hòa hợp với đạo/Tao, hay dâng mình cho Thiên ý - mọi ngả phân hóa do tín niệm và tín điều, song hội tụ ở chỗ đạt tới cảnh giới toàn Hữu lên đường một mình, như một cá thể. Triết gia có thể từ khước mọi của cải trần gian, đi vào sa mạc, ẩn nơi rừng sâu, núi cao, phát hiện ra quyền năng sáng tạo của cô độc như một ẩn sĩ, cũng có thể trở lại cuộc thế như một kẻ sở hữu tri thức, như một hiền triết, một tiên tri. Tất cả điều đó về sau được gọi là lý trí và nhân cách chỉ được giác ngộ lần đầu tiên ở thời kỳ trục này.
Chân dung triết gia, nếu muốn minh họa lên hào quang của con người xuất chúng ấy, rõ ràng là khoảng cách rộng giữa đỉnh tiềm năng nhân tính này với đám đông thật là lớn lao vào thời đại này, chưa từng thấy trong lịch sử - nơi một cá nhân làm thay đổi toàn bộ, cả nhân loại có một bước nhẩy vọt.
Quang cảnh ấy hiện ra là hằng hà những quốc gia và những đô thị, tương tranh liên khối, phát triển lan tỏa, trù phú và đầy nghị lực ở khắp chốn, cát cứ từ Trung, Ấn, qua Hy lạp và Cận đông. Thời kỳ trục bao dung những nền văn minh cổ hàng ngàn năm đã cùng tận và khởi sự những hình thái văn hóa mới, có khả năng thông cảm hỗ tương, trong khi những dân tộc ngoài vùng trục này vẫn còn sống trong mông muội.
Ở tác phẩm Những triết gia lớn/Die grossen Philosophen,1957 Jaspers nói đến cái hùng đại/Größe của những nhà tư tưởng đầu tiên của Ấn như Yajnavalkya, Sandilya, Kapila, những người khai sáng triết học Trung hoa cổ đại, những minh triết Ai cập như Imhotep, Ptahotep. Gilgamesch vùng Lưỡng hà. Triết gia là những nhà tư tưởng, tương phản với những phương tiện như hành động, ảnh tượng, thi ca, song sử dụng những khái niệm và khai triển khái niệm đạt tới chỗ hùng đại [1]. Jaspers dẫn lời Dikaiarch (là người nói vào khoảng năm 320 trước tây lịch) về bẩy hiền triết không chỉ triết lý bằng lời, mà chủ vào việc thực hiện những công trình tốt đẹp; ông cũng so sánh với những thánh hiền Trung hoa được coi là khai sáng văn hóa, trật tự, lý thức mọi sự vật.
Về mặt biên niên sử, trong thời kỳ trục này có thể kể những sự biến như những nhà khai thác Etrucan đến Ý khoảng 900 tr. TL, giai đoạn thác thực ở Hy lạp, Kushites chinh phục Thượng Ai cập vào 750 tr.TL,, Đế quốc Assyrian thành hình khoảng 750-612 tr.TL., Đế quốc Chaldean khoảng 626-539 tr.TL., Phật Thích ca sống trong khoảng 563-483, thời đại Tây Chu ở Trung hoa, những nền văn minh Olmec ở Mễ, Chavin ở quần đảo Andes, trong khoảng 500 tr.TL. đã xuất hiện Cộng hoà La mã, đô thị Hy lạp, phát động chiến tranh Ba tư, Peloponnesus, đế quốc Ba tư (549-333 tr.TL), Alexander xâm lăng Ấn khoảng 327/326 tr.TL., Chandragupta thành lập đế quốc Maurya khoảng 321-301 tr.TL., Ashoka trị vì 269-232 tr.TL., Khổng sống khoảng 551-479 tr.TL., triều đại Tần là đế chế đầu tiên ở Trung hoa khoảng 221-206 tr.TL.,rồi triều đại Hán khoảng 202 tr.TL
Để củng cố luận cứ, Jaspers dẫn Lasaulx trong Neuer Versuch einer Philosophie der Geschichte: Dường như không phải tình cờ mà sáu trăm năm trước Ki-tô, có Zarathustra ở Ba tư, Phật Thích ca ở Ấn, Khổng tử ở Trung hoa, những nhà tiên tri ở Do thái, vua Numaq ở La mã và những triết gia đầu tiên tại Ionia, Doris, Elea ở Hy lạp, tất cả xuất hiện đồng thời như những người cải cách tôn giáo dân tộc.
Một học giả khác, Viktor von Strauss trong bình giảng Lão tử cũng nhận xét: trong những thế kỷ mà Lão và Khổng sống ở Trung hoa, có một vận động tinh thần lạ lùng thông qua mọi dân tộc văn minh, như Jeremiah, Habakkuk, Daniel và Ezekiel ở Israel rao giảng tiên tri và trong một thế hệ mới (521-516) dựng ngôi giáo đường thứ hai ở Jerusalem, trong khi ở Hy lạp thời Thales vẫn còn sống đã có Anaximander, Pythagoras, Heraklit, Xenophanes xuất hiện và Parmenides mới ra đời, ở Ba tư giáo hỗ cổ của Zarathustra được cải cách, và ở Ấn có Thích ca mâu ni khai sáng ra Phật giáo.
Tuy nhiên, những học giả nói trên chỉ ghi nhận những sự kiện song không thông suốt quan niệm tổng thể, nhìn ra những nét song hành phổ quát để có thể trả lời cho những phản bác, như yếu tố chung ấy chỉ có tính ngoại vi, trong khi những khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, lịch sử quá lớn, hay Thời kỳ trục chỉ là sản phẩm của phán đoán giá trị, hay song hành này không mang tính lịch sử chung vì không có giao ngộ tinh thần. Jaspers đưa ra những lý chứng thuyết phục, như yếu tố chung ấy khởi từ ba nguồn trong khu vực nhất định, khả năng tri thức gia tăng, cơ bản là lĩnh hội ý nghĩa giá trị tự nhiên của nó. Sự khác biệt giữa Jaspers và Hegel ở chỗ, Hegel quan niệm Trung hoa, Ấn và phương Tây như những bước trong quá trình biện chứng của phát triển tinh thần, trong khi Jaspers quan niệm hoàn cảnh thực là hiện diện đồng đẳng, bên cạnh nhau, có nghĩa là nhiều con đường từ những nguồn khác nhau hướng về chung một mục đích. Trung, Ấn và phương Tây là ba cội rễ độc lập của một lịch sử sau cùng trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành một thể thống nhất. Quan niệm của Jaspers, theo tôi, mang ý nghĩa siêu quốc như Kant, và đó là cơ sở nền tảng chống lại ý đồ bá quyền trong lịch sử nhân loại, sẽ nói đến sau.
Heiner Roetz trong Die chinesische Ethik des Achsenzeit. Eine Rekonstruktion unter dem Aspekt des Durchbruchs zu postkonventionellem Denken/Đạo đức trung hoa thời kỳ trục. Tái tạo dưới dạng tiếp cận tư tưởng hậu cổ, 1992 (bản Anh ngữ của chính tác giả: Confucian Ethics of the Axial Age, 1993) lấy lại ý niệm “thời kỳ trục” của Jaspers với ba chiều kích: chiều đồng đại chiếu theo những tiến triển tư tưởng đồng thời theo trục địa chí từ Địa trung hải tới Đông Á; chiều lịch đại chiếu theo ảnh hưởng trải dọc theo những phát triển về sau của những nền văn hóa tương ứng; chiều phổ quát chiếu theo thử thách thông giao vô hạn, nghĩa là viễn tượng của một tương lai chung của nhân loại.

Thời kỳ trục của Jaspers không chỉ một thời đại quan trọng về mặt lịch sử, còn chỉ ra “một tiêu điểm định hướng cho việc quan tâm đến lịch sử và liên hệ với nước ngoài…Nó chứa đựng nhiều tiêu chuẩn làm cơ sở cho phân tích nhiều mặt, như ý thức lịch sử, vượt thần thoại qua lý trí, phát kiến cá nhân, giải quyết những lựa chọn mâu thuẫn nhất v.v…”


Chính trong tiêu điểm định hướng đó, Jaspers viết phần đầu tác phẩm về những triết gia lớn dưới tiêu đề những người lãnh đạo mẫu mực nhân quần/die maßgebenden Menschen như Sokrates, Phật, Khổng, Jesus. Thật ra ngay vào cuối thế kỷ XIX, Đàm Tự Đồng (1865-1898) trong Nhân học khi phân tích khái niệm nhân, đã nhìn ra điểm chung thể hiện nơi Khổng là tương ái, tự nhiên, nơi Mặc là kiêm ái, nơi Phật là Phật tính, từ bi, nơi Giê su là tâm, yêu người như yêu mình, xem kẻ thù như bằng hữu, cho nên Đàm coi tam giáo như một thể.


Thời kỳ trục của Karl Jaspers không giải thích được sự kiện có nhiều nền văn hóa ngoài vận động phát triển này, tuy trong sơ đồ, ông vẽ ra một phổ hệ từ một nguồn của nhân loại, kinh qua giai đoạn tiền sử, đi lên giai đoạn những nền văn minh cổ, gồm Lưỡng hà, Ai cập, Ấn, Hoàng hà, những dân tộc nguyên thủy , tới thời kỳ trục gồm Ấn, Hoa, Đông-Tây hội nhập những dân tộc tiền sử vào thế giới Thời đại trục, lên thời kỳ khoa học-kỹ thuật với châu Mỹ, Âu, Nga, Islam, Ấn, Hoa, Phi châu …đánh dấu một thế giới con người trên mặt đất.


Trong quá trình tiến hóa tư tưởng con người trải qua thời kỳ trục tới thời kỳ toàn cầu chỉ ra không chỉ có một nền văn minh, văn hóa, triết học mà có nhiều văn minh, văn hóa, triết học: không chỉ có một đế chế Tần Thủy hoàng ở Trung hoa, Maurya ở Ấn, La mã ở phương Tây ghi dấu chung cuộc. Những công trình về lịch sử triết học thế giới ngày nay khởi sự “những phát triển song song trong tư tưởng triết học” (Hajime Nakamura), nới lỏng những giới hạn giữa vấn đề “triết học” và “tôn giáo” trong nghiên cứu tỉ giảo với nhiều khu vực Đông/Tây, châu Phi, châu Mỹ La tinh tiền-Columbus v.v.., đóng góp quan trọng về ngôn ngữ và dân tộc học trong nghiên cứu tư tưởng ở những địa bàn mới này.

Những vấn đề đặt ra như:
Quan niệm về “Thời đại mới/Modern Age” hiểu trong ngữ cảnh triết học phương Tây thường vẫn bắt đầu từ Descartes (1598-1650), với hai mặt: nội chuyển hướng về cơ sở của tự phản tư và ngoại chuyển từ bản ngã ra ngoại giới, từ thế kỷ 17, có thể áp dụng vào những khu vực khác? Không thể, chẳng hạn trong lịch sử triết học Hoa, bước cắt có thể khởi từ thế kỷ XI, ở Ấn, xâm nhập của người Hồi chấm dứt phát triển của Phật giáo Ấn song xuất hiện chủ nghĩa chiết trung.

Quan niệm về “tính thông ước/commensurability”, “tha tính/alterity”, “khu biệt/difference”, “phức thể/plurality” là những chỉ dấu trong khai thác tư tưởng áp dụng vào lịch sử triết học trên cơ sở nào? Chẳng hạn, khó thể có đáp án “tri thức luận nào là đúng” cho những lý luận tri thức trong triết học Ấn. Vấn đề đặt ra là phải chăng chỉ có phi thông ước về nhận thức và chân lý?
Những tranh biện về phi thông ước khả hữu hay phi lý dẫn đến vấn đề khả thể của một chủ nghĩa đại đồng, hay toàn cầu hóa trong trật tự phương Tây?

Cũng từ bình diện đó, Karl-Otto Apel nghi vấn về một đạo đức vĩ mô hành tinh cho nhân loại có cần thiết và khả hữu?
Nếu quan niệm lịch sử triết học không là một hồi lang của những ngôn hành ngu xuẩn/Gallerie der Narrheiten, vấn đề đặt ra là: ngày mai, tại sao người ta vẫn phải đọc Khổng, Lão, Trang, Long Thọ, Platon, Aristote, Kant, Hegel, Heidegger, Derrida, Đặng v.v..?
(còn nữa)

[1](Sie) sind die Denker, die im Unterschied zu den Mitteln der Tat, des Gebildes, der Dichtung vielmehr im Mitteln der Begriffe und der Operation mit Begriffen zu dem kommen, was jed

No comments:

Post a Comment