Pages

Wednesday, August 5, 2009

NGUYỄN PHÚ THỨ * VĂN NGHỆ

Để tưởng nhớ những Nghệ Sĩ Vang Danh Một Thời
nay không còn nữa

LTS : Để tưởng nhớ, nữ nghệ sĩ Phùng Há vừa qua đời lúc 0giờ 30 sáng ngày 5 tháng 7 năm 2009 tại Việt Nam, thượng thọ 99 tuổi, Bà là cây cổ thụ của nền sân khấu cải lương Việt Nam và các nghê sĩ khác vang danh một thời không còn nữa như : Út Trà Ôn, Bảy Nam, Hữu Phước, Việt Hùng & Ngọc Nuôi... xin giới thiệu đến quý độc giả bốn phương, bài viết của Hàn Lâm Nguyễn Phú Thừ, tác giả là người lúc nào cũng có tấm lòng Ăn Trái Nhớ Kẻ Trồng Cây, biết ơn các nghệ sĩ đem nghệ thuật trình diễn cho khán, thính giả khắp nơi thưởng thức như sau :
Nữ nghệ sĩ Phùng Há Vừa Qua Đời lúc
0 giờ 30, ngày
05-7-2009, thượng thọ 99 tuổi
Được biết, nữ nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sanh ngày 30 tháng 4 năm 1911 (Tân Hợi) tại thị xã Mỹ Tho, Cha là người Trung Hoa quý danh Trương Nhân Trưởng, Mẹ người Việt Nam quý danh Lê Thị Mai, bà Phùng Há là nữ nghệ sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật sân khấu cải lương lâu đời nhứt gần 1 thế kỷ trôi qua và với sự nghiệp cao dày lớn lao của bà qua các gánh hát từ Tái Đồng, Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú cho dến Năm Châu... cho nên bà đã thủ các vai diễn xuất rất nổi tiếng như : Lữ bố (tuồng Lữ Bố Hí Điêu Thuyền), Nguyệt (tuồng Tô Ánh Nguyệt), Lựu (tuồng Đời Cô Lựu), Dương Quý Phi (tuồng Dương Quý Phi), Nguyệt Nga (tuồng Kiều Nguyệt Nga), Thúy Kiều (tuồng Kim Vân Kiều), An Lộc Sơn (tuồng Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện), Luật Sư (tuồng Đoạn Tuyệt trong DVD Lạc Hồng thực hiện)...
Ngoài ra, bà đã góp công sức để tham gia giảng dạy tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ để đào tạo các nghệ sĩ nối tiếp như các nghệ sĩ : Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Tô Kim Hồng, Thanh Nguyệt, Thành Được, Thanh Sang, Nam Hùng, Hoài Thanh, Minh Phụng...cũng đã vang danh một thời trên sân khấu nghệ thuật Cải Lương như bà, tuy vậy, các nghệ sĩ đó thường gọi là Má Bảy, thật dễ thương.
Ảnh Ns Bạch Tuyết và Bà Phùng Há
Đến tuổi gần cuối đời, bà lại sáng lập Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ ở Quận 8 Saigòn để nuôi dưỡng và chăm sóc các nghệ sĩ già yếu neo đơn. Ngoài ra, bà còn kêu gọi đóng góp tài chánh để lập Chùa Nghệ SĩNghĩa


Nhân đây, xin trích dẫn những nghệ sĩ vang danh một thời đã lần lượt từ trần như sau :

1. UT TRÀ ÔN
Vua vọng cổ Út Trà Ôn đã mất lúc 19 giờ, ngày 13-8-2001, hưởng thọ 83 tuổi.
Được biết, nghệ sĩ Út-Trà-Ôn, tên thật là Nguyễn-Thành-Út, sanh năm 1918 tại Quận Trà Ôn, Tỉnh Vĩnh-Long, khi khôn lớn sống bằng nghề làm ruộng tiếp nối theo song thân, nhưng có gọng ca rất hay và muồi mẫn, nhứt là sáu câu vọng cổ, cho nên mỗi khi nghỉ ăn cơm trưa hoặc sau mỗi buổi đồng áng xong hoặc những đêm trăng thanh gió mát, các bạn nhà nông thường xúm lại quay quần tổ chức biểu ca nghe chơi, càng nghe càng ghiền, có khi ngồi ca tới sáng không hay, không những các bạn đồng niên mà cả ông già bà cả cũng thích nghe những bài ca vọng cổ nữa. Từ đó, quý bà con trong xóm làng xúi giục anh nông dân Nguyễn-thành Út có giọng ca thiên phú đi theo gánh hát may ra có khá hơn và ít cực như nghề làm ruộng.
Thế rồi, anh nghe tin có gánh hát Tiến-Hóa ở miệt Sa-Đéc cũng không xa mấy với quận Trà-Ôn (Vĩnh-Long), đang tuyển chọn đào kép để lập gánh, anh bèn vô thi đại, ông bầu gánh Tiến-Hóa là ông Trúc-Viên, ngó anh Út là nông dân tay lắm chân bùn, lại quê mùa bèn lắc đầu và nói :"Cái thằng này coi tướng xấu quá làm sao làm kép được bây?". Nhưng khi thử ca vọng cổ, thì ông bầu giựt mình, nói rằng : "Tuy nó có tướng không đẹp, nhưng có giọng ca hay dữ lắm, ăn đứt những đứa có tướng tốt mà ca không ra ôn gì". Từ đó, anh nông dân Nguyễn-Thành-Út trở thành kép chánh của đoàn Tiến Hóa và nhờ phấn son tô điểm cộng với giọng thiên phú mùi riệu của anh qua những bài ca vọng cổ, đã làm cho ông bầu Trúc-Viên rất hài lòng, vì mỗi đêm ông bầu đã thâu được tiền bán vé càng lúc càng nhiều thêm.

Rồi anh nông dân Nguyễn-Thành-Út càng ngày càng nổi tiếng, các ông bầu đại ban lần lượt mời anh về thủ vai chánh, để rồi anh Út trở thành ông Út-Trà-Ôn (Sở dĩ, anh nông dân Nguyễn-Thành-Út có tên là Út-Trà-Ôn, bởi vì lấy tên Út và ghép thêm Trà-Ôn là nơi quê hương xứ sở của ông) và sau bao năm làm kép chánh ở đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bảng.

Khoảng cuối năm 1959, Út-Trà-Ôn mới hợp tác với kép độc Hoàng-Giang và mời soạn-giả Vân-An viết thường trực cho đoàn, để thành lập đại ban Thống-Nhứt, từ đó Út-Trà-Ôn đã đóng những vai như : Mã-Khắc-Sinh trong tuồng Mắt em là bể oan cừu; Yên-Ly-Sơn trong tuồng Giọt lệ chinh phu .v.v. đã hát cả tháng tại rạp Quốc-Thanh, không còn ghế trống.

Đặc-biệt, trong vai Mã-Khắc-Sinh là vị nguyên soái nước Triều-Tiên (Đại-Hàn), bị quân Nguyên (Trung Hoa) xâm lược, mặc dù chiến đấu rất oanh liệt, nhưng bị thua trận, vợ là Ngọc-Hà (được đào thương Diệu-Hiền thủ vai cũng làm khán giả khóc từng hồi) bị hoàng đế Thiết-Mộc-Chân của quân Nguyên bắt về làm vợ trong lúc mang thai Mã-Khắc-Huy, trong tuồng Mắt Em là bể oan cừu ông Út-Trà-Ôn đã đóng rất hay làm cho khán giả phải khóc sướt mướt qua lời ca cùng diễn xuất độc đáo qúy hiếm ít có kép chánh nào thời đó thực hiện nổi.

Ngoài ra, chúng ta có thấy tuồng Tuyệt Tình Ca tức Ông Cò Quận 9 ông Út-Trà-Ôn đã thủ vai Ông Cò rất xuất sắc và trung-thực trong vỡ tuồng tình-cãm xả-hội. Đây là một trong những tuồng hay nhứt đã đi vào bất tử của quý bà con đồng hương chúng ta. Vào năm 1991 cách đây 10 năm, nếu quý bà con đồng hương có dịp xem băng hình tuồng cải lương Nhạc lòng năm cũ, với vai Ông Hội Đồng do Út-Trà-Ôn thủ vai và Út-Bạch-Lan với vai Bà Hội Đồng nay đã già yếu, hợp cùng các nghệ sĩ hữu danh : Lệ-Thủy, Minh-Vương, Phượng-Liên, Phương-Quang, Hữu-Tài v.v cũng làm khán giả rơi lệ, không những về bố cục tác-phẩm mà do các vai của các nghệ-sĩ thủ tròn các vai.
Nhân đây, tôi cũng xin giới-thiệu đến quý bà con đồng hương băng hình tuồng cải lương Nguyệt-Khuyết do các nghệ-sĩ : Bạch-Tuyết, Minh-Vương, Thoại-Mỹ, Thanh-Ngân, Trinh-Trinh, Linh-Tâm, Chí-Linh và bé Gia-Bảo thực hiện.

Đây là, một tuồng cải lương tình-cãm xả-hội đáng xem, bởi vì không những nội-dung của tác-phẩm rất hay và trung thực của nó, đã được các nghệ-sĩ hữu-danh thực-hiện các vai rất độc đáo, vì đã lột trần hết sự thật của nó, nhứt là vai Hường do nữ nghệ sĩ trẻ Thanh-Ngân, tài danh đang lên để nối tiếp các nữ nghệ-sĩ kỳ cựu sáng giá như: Út-Bạch-Lan, Bạch-Tuyết, Lệ-Thủy v.v nay đã già.
Một đặc điểm khác nữa, mới đây nữ nghệ sĩ Thanh-Ngân vừa trình diễn trong diã DVD Suối Nguồn Từ Bi tuyệt đẹp, (Nếu không tin tôi, xin mời xem băng hình cải lương Nguyệt-Khuyết và Suối Nguồn Từ Bi sẽ thấy lời nói của tôi trung thực).

Khoảng năm 1961, soạn giả Viễn-Châu tức Bảy Bá làm giám đốc kỷ thuật hảng dĩa Asia, thì hảng nầy mới mời đệ nhứt danh ca vọng cổ Út-Trà-Ôn. Khi về hảng dĩa Asia, chính soạn Viễn-Châu, người ở Trà-Cú thuộc Trà-Vinh viết bài riêng để Út-Trà-Ôn ca, từ đó soạn giả Viễn-Châu đã viết trên 2.000 bài ca vọng cổ đặc biệt, để cho Út-Trà-Ôn ca, để rồi soạn-giả Viễn-Châu cũng trở thành "vua viết bài ca vọng cổ". Bởi vì, các bài ca vọng cổ nào của soạn giả Viễn-Châu và Út-Trà-Ôn ca cũng được mọi giới thích thú và ngưỡng mộ, ví như các bài :Tôn Tẩn Giả Điên, Sầu Vương Biên Ải, v.v đặc biệt bài Tình Anh Bán Chiếu, là một bài vọng cổ đã đưa vào lòng dân tộc chúng ta bất diệt, mặc dù Út-Trà Ôn cũng như tác-giả bản ca Vọng Cổ do Ông Cao-Văn-Lầu (1892-1976) tức Sáu Lầu đã thực-hiện ngày nay không còn nữa.
Giờ đây, ông Út Trà Ôn đã nằm xuống, nhưng tiếng hát của Ông vẫn mãi mãi ghi tâm khảm của mọi người, nhứt là quý bà con ở lục tỉnh Miền Tây đất nước chúng ta, rất thương nhớ và tâm đắc không khác "Bá Nha và Tử Kỳ" vậy.

2. NGHỆ SĨ BẢY NAM
Nữ Nghệ Sĩ Bảy Nam đã mất ngày 18-08-2004,hưởng thọ 92 tuổi
Được biết, nữ nghệ sĩ Bảy Nam, thân mẫu của nữ kich sĩ Kim Cương từ trần, tại số 9 đường Hoàng Diệu, phường 10 (Phú Nhuận), ngày 18-08-2004 vừa qua, hưởng thọ 92 tuổi.
Bà Bảy Nam sinh năm 1913 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, năm 19 tuổi đã bắt đầu thành lập đoàn cải lương Nam Hưng, rồi sau đó là các đoàn Phước Cương, Tam Phụng,Nam Lân, Năm Phỉ, Kim Cương. Bà cũng là tác giả của gần 20 tuồng cải lương như : Nỗi đau lòng Mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Lê Lợi khởi nghĩa, Phấn hậu cung, Điều Tam Xuân phục hận...

Ngoài ra, Bà Bảy Nam còn là diễn viên nổi tiếng của sân khấu cải lương, kịch và màn ảnh, làm cho cả triệu người rơi lệ nhứt là trong vai bà mẹ già nghèo khổ đi thăm con gái, bị bà sui giàu có hà hiếp, đuổi xuống bếp, để rồi lặng lẽ ra về trong nỗi buồn đau tủi hận, qua vỡ tuồng "Lá Sầu Riêng" cũng như đóng vai má Bảy đã ra tay cứu giúp người con gái vì tình chửa hoang không được mẹ của người tình giàu có chấp nhận cưới hỏi, để rồi phải mang thai dạ chửa đến với nhà Bà để khai hoa nở nhụy ra một đứa con trai, với hành động và lời nói của Bà thật xúc động, nếu độc giả có xem trong màn ảnh vở Bên Giòng Sông Trẹm sẽ thấy cảnh này. (Theo tôi nếu vở Bên Giòng Sông Trẹm đừng kéo dài phần hai và kết thúc ở phần một sau khi đứa con trai đó chết vì bị đặt mìn để cho khán giả tự suy nghĩ kết luận thì vở này có giá trị vô cùng).

Suốt mấy tháng qua, Bà Bảy Nam bị bịnh nặng, Cô Kim Cương không cho mẹ trở lại sân khấu, bắt bà phải an dưỡng bịnh trong một căn phòng nhỏ ở tư gia, được các con cháu cận kề săn sóc. Những ngày dưỡng bịnh Bà vẩn để hết tâm trí vào sân khấu, nhớ ánh đèn màu, bà lầm thầm lại lời đối thoại của các vai mà bà diễn xuất trước đây, rồi mới nói : "Kiếp sau, có đầu thai lại cũng xin làm nghệ sĩ". Nghe vậy, Kim Cương chọc mẹ "Nghệ sĩ khổ muốn chết, sao má không xin làm nghề khác cho sung sướng?" Bà liền đáp: "Đâu có, nghệ sĩ mới sướng chứ con. Nghề gì thì con chỉ làm hoài có một thứ, còn làm nghệ sĩ thì má được làm vua nè, rồi làm quan, làm nông dân, buôn bán... đủ hết, không có chán".
Những ngày nằm ở bịnh viện, bà vẫn còn óc khôi hài. Bà nói khi phải thở bằng ống dưỡng khí với giọng hài hước : "Chỉ cần không hít vô một hơi là... đi luôn. Vậy mà sao người đời dữ quá". Bà ngẩm nghĩ về sự sống chết của cuộc đời, lẽ vô thường của trời đất, thanh thản, chuẩn bị cho chuyến hành trang xa xôi về miền miên viễn.

3. Nghệ Sĩ Hữu Phước :

Nghệ sĩ hữu danh này quê quán tại Sóc Trăng, đã người đã đem trọn cuộc đời 40 năm hiến dâng cho nghệ thuật, qua các đoàn cải lương như : Kim Thoa, Kim Chưởng, Thanh Hương, Thanh Minh Thanh Nga (tại đại ban Thanh Minh Thanh Nga này, nghệ sĩ Hữu Phước đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1960)...
Đặc biệt nghệ sĩ Hữu Phước đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu khán thính giả, bằng chứng qua các vai :
- Cậu Tư Kiêng trong vở tuồng Con Gái Chị Hằng.
- Tấn trong vở tuồng Tấm Lòng Của Biển.
- Cang trong vở tuồng Nữa Đời Hương Phấn...
Ngoài ra, nghệ sĩ Hữu Phước đã đóng góp hầu hết các hãng dĩa hát lớn như : Asia, Hoàng Sơn, Tứ Hải, Continental... và hợp tác với các ban và nhiều chương trình của đài truyền hình, đài phát thanh...
Hơn nữa, nghệ sĩ Hữu Phước còn có ái nữ là nghệ sĩ Hương Lan là nữ nghệ sĩ tài danh cả tân lẫn cỗ nhạc.

Sau 30-4-75, nghệ sĩ Hữu Phước có quốc tịch Pháp nên cả gia đình sang định cư tại Paris. Nhưng vẫn nặng tình nghiệp dĩ, cho nên nghệ sĩ Hữu Phước, lập đoàn cải lương để trình diễn góp phần giúp vui cho khán giả ở quê người không những tại Pháp hay các nước Âu Châu mà còn sang trình diễn cả Hoa Kỳ (Mỹ Châu) nữa cho đến hết cuộc đời, qua các vai trong các vở tuồng như sau :
-Hai Tất trong vở tuồng Sông Dài, trong khi đó : nữ nghệ sĩ Hương Lan trong vai Lượm và nam nghệ sĩ Chí Tâm trong vai Niễng.
- Ông Tú (tức Ông Tú Tài ngày xưa) trong vở tuồng Lan Và Điệp, trong khi đó nữ nghệ sĩ Hương Lan trong vai Lan, nam nghệ sĩ Chí Tâm trong vai Điệp và cố nghệ sĩ lão thành Việt Hùng thủ vai Sư Ông (trụ trì một ngôi chùa).

4. Cặp nghệ sĩ Việt Hùng & Ngọc Nuôi :

Khi nhắc đến nghệ sĩ Việt Hùng, chúng ta không bao giờ quên nghệ sĩ Việt Hùng đã từng thủ vai Thân con của Bà Phán Lợi, lúc bấy giờ do Bà Năm Sa đéc thủ vai trong vỡ tuồng Đoạn Tuyệt thật độc đáo.
Được biết, nghệ sĩ lão thành Việt Hùng tên thật là Nguyễn Hữu Hùng, sinh ngày 7 tháng 7 năm 1923 tại Huế, đã từ trần vào lúc 22 giờ 45 phút tối ngày 31 tháng 12 năm 2001 tại thành phố Laguma Hills, quận Cam (California- Hoa Kỳ), Ông rất mê hát và bắt đâu xin vào hát cho gánh hát của cặp nghệ sĩ Từ Anh - Ngọc Sương.
Tháng 6 năm 1949 ông cùng vớí các nghệ sĩ Sáu Tửng, Ba Cường, Tư Bé, Tư Huỳnh, Ngọc Nữ và Tám Thừa đi Pháp thâu dĩa nhạc.

Năm 1950, ông giữ vai chánh đầu tiên, đó là vai : Chánh Bằng trong vở tuồng Lửa Thù của soạn giả Mộng Vân, vai này đã từng được nghệ sĩ Út Trà Ôn thủ diễn, cũng nhờ duyên sân khấu, ông gặp nữ nghệ sĩ Ngọc Nuôi và cũng vào năm 1950, hai người đã thành hôn và sau naỳ sanh được 6 người con, 4 trai 2 gái.

Khi rời gánh hát của soạn giả Mộng Vân, cặp nghệ sĩ Việt Hùng & Ngọc Nuôi về cộng tác với các đoàn Hương Hoa, Thanh Minh, Hoa Sen... Sau đó, kết hợp cùng nghệ sĩ Minh Chí để thành lập đoàn Việt Hùng Minh Chí...
Trên sân khấu cải lương, cặp nghệ sĩ Việt Hùng & Ngọc Nuôi đã chứng tỏ được phong cách diễn xuất các vai đa năng, đa dạng... đã được khán thính giả nhiệt liệt khen ngợi.
Nay, cặp nghệ sĩ này không còn nữa, nhưng danh tiếng vẫn còn mãi mãi mỗi khi có dịp nhắc đến.

5. Nghệ Sĩ Dũng Thanh Lâm :

Được biết, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm tên thật là Paul Robert Bùi Văn Tâm (mang hai dòng máu Việt - Pháp), sanh 26-5-1944, tại xã Linh Đông, quận Thủ Đức tỉnh Gia Định, là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, có tên thánh là Francisco, là một trong những nghệ sĩ tài danh đã được khán thính giả cải lương nồng nhiệt tán thưởng, lại đẹp trai, có giọng ca mùi đặc biệt, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm đến Paris sau năm 1975 để cùng nghệ sĩ Hữu Phước lập gánh hát, nhưng cuối cùng không thành công, bởi vì số khán thính giả không đông bằng ở Hoa Kỳ và nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm phải sang Hoa Kỳ để sanh sống. Cuối cùng, cố nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm bị ngả bịnh gan tái phát và mất tại Orange County, Nam California, lúc 01 giờ 15 trưa ngày 29 tháng 11 năm 2004, hưởng thọ 60 tuổi.

6. Danh hài và tài tử minh tinh màn bạc La Thoại Tân

Được biết, nghệ sĩ La Thoại Tân, sanh năm 1937, tên thật là Phạm Văn Tần, có pháp danh Nhật Biện, đã lập gia đình với Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, sanh được hai người con:Anna Phạm (con gái) 30 tuổi và Alex Phạm (con trai) 26 tuổi, đã qua đời vào chiều ngày thứ năm 13 tháng 3 năm 2008 tại Los Angeles, miền Nam California, hưởng thọ 72 tuổi.
Trước kia, khi nhắc đến cải lương và nhứt là bài ca vọng cổ, người ta thường nhớ biết đến vua vọng cổ Út Trà Ôn, còn về ca kịch, đóng phim thì phải biết ngay : Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Kim Cương, Túy Hoa …và đặc biệt Bà Bảy Nam.

Riêng các danh hài thì gổm có : La Thoại Tân, Văn Chung, Thanh Việt, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Hùng Cường, Ngọc Đức…Nhưng, bình tâm mà xét thì La Thoại Tân xem như vua hài trội hơn cả, được xem ngang hàng với Louis de Funès của Pháp vậy.
Danh hài La Thoại Tân, có mã đẹp trai, thân hình cân đối, lại diễn xuất có duyên, cho nên được các bầu gánh hay chương trình Tiếu Vương Hội và đài phát thanh lúc bấy giờ mời hợp tác, đặc biệt trong ban kịch Túy Hồng, góp phần cho kháng thính giả có được những nụ cười để đời.

Ngoài ra, danh hài La Thoại Tân còn được mời đóng phim nổi tiếng trước năm 1975, như : Lệ Đá, Tứ Quái Sài Gòn, Năm Vua Hề Về Làng, Gánh Hàng Hoa, Biển Động... đóng chung với nữ tài tử : Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Túy Hồng … hiệp cùng với các nam tài tử như : Vân Hùng, Trần Quang… để trở thành nam tài tử minh tinh màn bạc.

Khi đến định cư tại miền Nam California sau Tháng Tư 1975, danh hài và tài tử minh tinh La Thoại Tân tiếp tục hoạt động văn nghệ trong cộng đồng Việt Nam, xin đơn cử Hài kịch, cải lương và đóng phim.
1/- Hài kịch : Nhạc Sĩ Bất Đắc Dĩ đóng chung với Túy Hồng, Mai Lệ Huyền, Nhật Minh, Hoàng Cầm (La Thoại Tân thủ vai Thợ máy) - Phép Trị Vợ đóng chung với Xuân Phát, Hữu Phước, Hà Mỹ Hạnh, Diễm Chi (La Thoại Tân thủ vai Tư người giúp việc ) do Trung Tâm Parsi By Night Thúy Nga thực hiện DVD phát hành.
2/- Cải lương : Sông Dài đóng chung với Hương Lan, Chí Tâm, Hữu Phước, Hà Mỹ Hạnh, Băng Châu, Nhật Minh, Hữu Bình (La Thoại Tân thủ vai Ông Chủ hảng phim ) do Trung Tâm Parsi By Night Thúy Nga thực hiện DVD phát hành.
3/- Đóng phim “Vì Em Tìm Tự Do”... tại Hoa Kỳ.
Danh hài và tài tử minh tinh màn bạc La Thoại Tân mất đi, người Việt khắp nơi mất một thiên tài, cồng hiến cho chúng ta tràng nụ cười, đem lại cho mọi nhà đầy sức sống. Bởi vì, nụ cuời là than thuốc bổ vậy.

7. Nghệ sĩ MINH PHỤNG qua đời tại Việt Nam

Nghệ sĩ Minh Phụng tên thật Nguyễn Văn Hoài, sinh năm 1945 tại Mỹ Tho. Nghệ sĩ Minh Phụng đã hát các đoàn như Tân Đô, Hoa Thảo-Hậu Tấn... với các vở tuồng như : Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Bích Vân Cung kỳ án, Kiếm Sĩ Người Dơi, Tâm sự loài chim biển, Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau... Ông thường diễn chung với các nữ nghệ sĩ như : Lệ Thủy, Mỹ Châu...Ngoài ra, Ông còn trình diễn các bài vọng cổ rất muồi mẫn như : An Lộc Sơn, Nước mắt quê hương, Thương về cố đô... được lòng khán thính giả khắp nơi ngưỡng mộ.

Đặc biệt, năm 2007, Ông được Trung Tâm Băng Nhạc ASIA, Califronia, Hoa Kỳ mời để thực hiện và phát hành. băng DVD Mùa Hè Rực Rỡ (Yêu Đời, Yêu Người), Ông đã góp mặt trong tuồng trích đoạn cải lương của soạn giả Viễn Châu : Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà.
Ngoài ra, trong bản Cô Gái Bán Sầu Riêng chúng ta thấy dĩa DVD Hát Với Thần Tượng, Ông trình diễn với con Ông là nữ nghệ sĩ Y Phụng được tán thưởng nhiệt liệt, để rồi Ông trở về Việt Nam, đến sáng ngày 16-11-2008, vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu và từ giã cõi đời, lễ nhập quan vào lúc 3 giờ chiều ngày 29 tại nhà riêng, số 791/7D đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, Sài Gòn và lễ động quan được cử hành lúc 6 giờ sáng ngày 6 -12, sau đó được an táng tại Chùa Nghệ Sĩ, Gò Vấp…

Nhân đây, tôi xin nghiêng mình kính cẩn cầu nguyện hương hồn các nghệ sĩ quá cố sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc và trân trọng biết ơn các nghệ sĩ đã đem nghệ thuật trình diễn cho khán, thính giả thưởng thức trong đó có tôi.

Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ


No comments:

Post a Comment