Pages

Sunday, December 20, 2009

LÊ DINH * NGUYỄN MẠNH CÔN

*
Người Bạn Tù Nguyễn Mạnh Côn
Lê Dinh


Hơn 31 năm sau kể lại chuyện buồn:

Chủ nhật 30 tháng tư năm nay, lúc 3 giờ chiều, trong tâm trạng đau buồn của một người tỵ nạn CS đúng 31 năm sau ngày mất nước, tôi mở máy để nhận vi thư. Trong số những e-mail gửi đến ngày hôm nay, ngoài những bài vở mà các cộng tác viên gửi đến có một bài tựa đề «Ta thắp hương lòng» của nhà văn Công Tử Hà Đông do một độc giả ở Thụy Sĩ chuyển tới. Trong bài này, tác giả Công Tử Hà Đông nhắc một vài kỷ niệm của ông với 3 người bạn của ông là nhà văn Dương Hùng Cường (Dê Húc Càn), nhà báo Nguyễn Mạnh Côn và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.


Tác giả viết bài này để kỷ niệm ngày mất nước đúng 31 năm. Oái oăm thay, kế tiếp e-mail của nhà văn Công Tử Hà Đông, có một e-mail khác gửi về chúng tôi, có tựa đề «Về quãng đời Trịnh Công Sơn», người viết là Lê Thanh Ty hay Nguyễn Thanh Ty gì đó. Tôi bèn xóa ngay e-mail vì không cần đọc nội dung bài này, chúng tôi cũng thừa biết cái ông Thanh Ty (hay bà Thanh Ty) này viết bài về Trịnh Công Sơn để gửi đi đúng vào ngày 30 tháng tư với dụng ý gì rồi. Cũng xin nói thêm là sau e-mail của ông (hay bà) Nguyễn Thanh Ty này có một e-mail khác của nhà văn Dư thị Diễm Buồn ở Yupa City (CA) gửi cho bạn bè nguyên văn như sau: «Xin để một phút hồi tưởng và ngậm ngùi ngày 30 tháng tư năm 1975, Cộng sản và tay sai cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam». Hoan hô nhà văn nữ Dư thị Diễm Buồn!


Đọc bài «Ta thắp hương lòng» của Công Tử Hà Đông, chúng ta thắm thía nỗi buồn đau của những văn nghệ sĩ phải chết tức tưởi trong tù đày của CS. Trong bài, tác giả có nhắc tới nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, trước kia cùng làm việc ở đài Phát thanh Saigon với chúng tôi và sau năm 1975 - khi tôi bị bắt giam trại Phan Đăng Lưu vào tháng 8 năm 1977 vì tội vượt biên - thì gặp anh Phạm Mạnh Côn cũng bị nhốt trong đó. Phòng của chúng tôi là Phòng 1, khu B.

Nhắc lại, vào giữa tháng 6 năm 1977, tôi được một bà bạn giới thiệu chúng tôi với một người mà theo lời bà là hiệu trưởng một trường Trung học ở miền Tây, vì thù ghét CS, nên đang đóng tàu để vượt biên. Vì biết chúng tôi cũng có ý định trốn khỏi «thiên đường CS» nên bà bạn này mới rủ chúng tôi đóng góp với ông bạn hiệu trưởng của bà để có thể thực hành ý định. Phần đóng góp là 3 cây vàng cho mỗi người.


Chúng tôi phải bán đổ bán tháo vài thứ gì còn lại trong nhà để tom góp cho đủ 15 cây vàng cho gia đình chúng tôi, gồm vợ chồng và 3 đứa con. Buổi gặp gỡ sơ khai được tổ chức tại quán nhà hàng Hoàng Gia ở đường Tự Do. Ông hiệu trưởng là một người khoảng trên 40, cao ráo, đẹp trai ăn mặc đúng là dân Saigon. Ông nói về dự tính, chương trình cuộc hành trình của ông cùng ngày lên đường để chúng tôi chuẩn bị. Nửa tháng sau, chúng tôi cùng với bà bạn xuống bắc Mỹ Thuận, đến điểm hẹn bên kia sông để trao vàng cho ông ta rồi trở về Saigon. Ngày lên đường là ngày 27 tháng 7 năm 1977.


Ông bảo chúng tôi ngồi tại một quán hủ tíu Tàu trong Phú Lâm, đợi xe đến rước đi về miền Tây. Đúng giờ ấn định, một chiếc xe van màu trắng (đã cho biết trước số xe) đến đón chúng tôi. Xe chạy trên đường về hướng Mỹ Tho, chưa qua khỏi Phú Lâm, chúng tôi thấy lố nhố phía trước có khoảng vài chục tên áo vàng (công an) chờ sẵn. Thế là tất cả đều chung vào rọ, bị đưa về đường Trần Hưng Đạo, vào chỗ Tổng Nha Cảnh sát cũ. Đâu khoảng 60 người ngồi trên sân tennis, tự lột hết đồng hồ, viết máy, kính mát, bóp phơi, tiền bạc... trao cho công an. Bà bạn môi giới chuyến đi này có một chiếc vòng cẩm thạch rất đẹp, hai ba tên công an xúm lại tuột ra không được mặc dù họ đã lấy xà bông nhúng nước thoa vào để làm cho trơn nhưng cũng không làm sao lấy ra được. Bà đau quá rên siết om sòm và cuối cùng một tên công an đưa ra tờ giấy bảo bà viết rồi ký tên vào, nói rằng còn thiếu lại công an... một chiếc vòng cẩm thạch. Thì ra, chuyến vượt biên giả này do CS tạo ra để gài bẫy những người cả tin như chúng tôi.

Tên đóng vai hiệu trưởng giả có bí danh là Ba Sơn, một tên có vẻ như người quốc gia chứ không phải như người CS mà sau này, những ai vượt biên bị bắt vào trại Phan Đăng Lưu, cả người Việt gốc Hoa, đều nói là do Ba Sơn gài bẫy. Thì ra Ba Sơn là một tên công an do chúng đưa ra làm mồi để gạt những ai muốn vượt biên. Chúng tôi bị giam trong trại Phan Đăng Lưu 4 tháng rưỡi và trong thời gian này có cả chục chuyến vượt biên giả đều do Ba Sơn tổ chức, người bị bắt phần đông là người Việt gốc Hoa vì lúc đó chưa có phong trào vượt biên gọi là bán chính thức do CS nặn ra để hốt vàng của người Tàu.

Xong màn trấn lột, tất cả bị đưa về trại Phan Đăng Lưu ở Bà Chiểu. Đàn bà và trẻ con được thả về 7 ngày sau đó. Đàn ông con trai bị giam vào các phòng thuộc Khu A và Khu B trong trại Phan Đăng Lưu. Riêng tôi bị đưa vô Phòng 1, khu B và nơi đây, tôi gặp anh Nguyễn Mạnh Côn. Vào tù mà gặp người quen cũng vui. Nghe đâu anh bị bắt vàøo đây từ tháng 3 năm 1976. Chỉ một năm sau từ ngày bị hốt, người vốn đã ốm yếu sẵn, anh Côn trông càng ốm yếu hơn, với bộ xương sườn như trong quyển sách cách trí, vì trong phòng giam, ai ai cũng ở trần trùi trụi, chỉ mặc võn vẹn có chiếc quần xà lỏn.


Vừa trông thấy tôi, anh Nguyễn Mạnh Côn mừng rỡ, tíu tít hỏi tôi đủ mọi chuyện, nhất là ở ngoài đời... có gì lạ không? Trả lời cho anh là tôi cũng trả lời cho hết khoảng hơn 20 bạn tù khác trong phòng vì tất cả cũng đều muốn biết những gì đã xảy ra trong thời gian đó. Phòng 1 khu B rộng chừng 25 thước vuông nhưng có khoảng 25 người tù, ăn uống, đi tiêu, đi tiểu gì cũng trong đó. Người nào may mắn nằm xa chỗ tiêu tiểu chừng vài thước thì còn đỡ, chứ năm ngay đó thì ôi thôi... đành chịu!

Ngay đêm đầu tiên, khoảng nửa đêm, tôi nghe những tiếng rên la từ phía anh Nguyễn Mạnh Côn. Người nằm bên cạnh tôi là bác Kính nói nhỏ vào tai tôi: «Ông Côn thiếu thuốc nên bị hành dữ lắm. Đêm nào cũng vậy, khoảng nửa đêm là ổng rên la om sòm, bọn chấp pháp phải chạy lại phòng quát lên bảo ổng yên. Ổng nằm yên đôi chút nhưng rồi cũng bắt đầu rên la nữa». Đêm thứ hai, anh Nguyễn Mạnh Côn cũng lại kêu lên đau đớn, nhức mỏi, nhưng lần này, anh ấy kêu chính danh tôi: «Lê Dinh ơi, lại bóp tay bóp chân giùm moa, đau quá Lê Dinh ơi».

Tôi bèn phải đi lại chỗ anh Côn và đấm bóp cho ảnh một hồi, khi thấy anh bớt đau, tôi mới trở về chỗ nằm. Những khi không đau đớn, thường là về ban ngày, anh Nguyễn Mạnh Côn kể những mẫu chuyện vui trong cuộc đời làm báo của anh, về những bài phân tích chính trị của anh hoặc những nhận xét của anh về những sáng tác văn nghệ của bằng hữu. Có một lần, anh nói với tôi và anh em trong phòng về một sáng tác của Trần Thiện Thanh. Anh bảo: «Trần Thiện Thanh ghê lắm đó, các toa biết không?» Chúng tôi ngơ ngác, không hiểu anh Côn muốn nói về chuyện gì, cuộïc đời tình ái của Trần Thiện Thanh chăng, hay về gì gì khác? Thấy chúng tôi im lìm, anh mới nói: «Các toa biết không, trong bài «Anh không chết đâu anh» của nó, mấy toa không để ý cái gì sao? Đoạn chót, có những câu:
«Không, anh không chết đâu em, anh
chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh, cho anh».

Rồi anh chẫm rãi tiếp: Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân, moa hỏi mấy toa, chứ «lóng lánh dấu ái ân» là nghĩa gì, dấu ái ân là dấu gì, mà sao lại lóng lánh. Chúng tôi nghiệm ra và thấy anh Côn là người có óc nhận xét thật sắt bén, rất đáng phục anh và tuy đã trọng tuổi, mà vẫn còn những ý tưởng yêu đời của tuổi thanh xuân. Mà thật như vậy, nếu trong tù mà không có những ý nghĩ lạc quan pha chút lãng mạn như vậy thì thế nào cũng điên thôi. Mỗi lần anh Côn lên cơn đau nhức, la lối như thế, bọn chấp pháp lại xách xâu chìa khóa xuống - dù ban ngày hay đêm khuya - lẻng kẻng mở cửa sắt vào và bảo anh im. Chúng thường nói: «Cái bọn trưởng giả ngụy, chống phá cách mạng như tên Côn này phải chặt 3 cái đầu mới đền hết tội lỗi đối với nhân dân»(?)

Hơn 4 tháng sau, trước Giáng sinh một tuần lễ, bất ngờ bọn chấp pháp đến phòng gọi tên tôi bảo sắp xếp đồ đạc và trả tự do cho tôi. Sau đó, tôi có đến khám Chí Hòa thăm vài người bạn tù cũ ở phòng 1, khu B trại Phan Đăng Lưu ngày trước, nhưng vẫn còn bị giam cầm và được chuyển qua khám Chí Hòa. Tôi có hỏi thăm tin tức của anh Nguyễn Mạnh Côn thì được anh em cho biết là anh Côn bị đưa lên trại tù khổ sai Xuyên Mộc và anh đã chết trong trại tù này vài năm sau đó. Cuộc đời của những văn nghệ sĩ khí tiết, khẳng khái như Nguyễn Mạnh Côn sao quá ư khổ tận dưới chế độ CS. Bọn chấp pháp tại trại Phan Đăng Lưu không cần phải chặt 3 cái đầu của Nguyễn Mạnh Côn mới xứng đáng với tội của anh - như bọn chúng thường rêu rao mỗi khi đối diện với anh - nhưng chúng chẳng làm gì được anh vì thà chịu chết chứ anh quyết không thở chung không khí với bọn người tàn ác.

~Để nhớ lại ngày mất nước, 31 năm sau~


Nguồn: Nguyệt San Nghệ Thuật 147 - June 2006

No comments:

Post a Comment