Pages

Thursday, December 10, 2009

NGUYỄN THIÊN THỤ * KIM CỔ KỲ QUAN * PHỤ LỤC

*
KIM CỔ KỲ QUAN * PHỤ LỤC
*

Để quý độc giả có đủ tài liệu nghiên cứu, chúng tôi xin phép trích lục các tài liệu của Phật giáo Hòa Hảo vào đây.
Sơn Trung

*
ÔNG NGUYỄN VĂN THỚI

A. Thế-hệ

Ông Nguyễn-văn-Thới (tục gọi là ông Ba Thới) sanh năm Bính-dần (1866), đời vua Tự-Đức thứ 19. Thân sinh của ông là ông Nguyễn-văn-Đỏ, thân mẫu là bà Nguyễn-thị-Buôn, sanh được bốn người con: hai trai hai gái. Người trưởng là Nguyễn văn Chơi thứ là Nguyễn-văn-Thới (tức ông Ba đây) rồi thứ nữa là Nguyễn-thị-Tánh và Nguyễn-thị-Kẹo.

Khi ông Ba lớn lên, thân sinh của ông cưới Bà Nguyễn-thị-Thìn cho ông làm vợ. Bà nầy là con của ông Nguyễn-văn-Hóa và bà Thị-Nhứt, người đồng thôn. Về sau ông bà Ba sanh hạ được tám người con, nhưng mất đi từ lúc nhỏ hết bốn, nên chỉ còn biết được có bốn là ông Nguyễn văn Tuấn, Nguyễn-văn-Kiệt, Nguyễn-văn-Từ và bà Nguyễn-thị-Chín.

Quê-quán ở làng Mỹ-Trà, ấp Long-Hậu, tổng Phong-Thạnh quận Cao Lãnh (SaĐec), ông Ba tướng người cao lớn nước da trắng, râu tóc nhiều mỗi khi tóc buông ra thì chấm đất có dư, khi về già râu bạc và dài xuống tới rún. Tánh tình cương quyết, nóng-nảy thích ngắm kiểng xem hoa, thường hút thuốc điếu và một đôi khi cũng có ăn trầu.
Thuở nhỏ ông có học vừa hiểu biết chữ nho, lúc trưởng thành thì làm nghề thợ mộc rồi sau lại, cũng biết làm thợ chạm.

Bởi sống trong một gia-đình cần-lao kiệm-phác cho nên ông Ba đã quen sự chịu khó-nhọc từ buổi thiếu thời. Bình sinh việc chi ông không làm thì thôi, nếu đã làm thì làm cho kỳ được, không hề bỏ dở. Mặc dầu nóng tính, ông Ba vẫn có được một bộ óc thẩm-mỹ cùng đôi bàn tay rất tinh xảo.

B. Phát đạo tâm.

Mùa đông năm Binh-Ngọ (1906), ông Ba bỗng nhiên phát đạo tâm, ông từ-giã gia-đình rồi thẳng lên vùng núi Sam, vô trại ruộng Thới-Sơn (cạnh Thất-Sơn) để tầm sư học đạo (a). Đâu đâu ông cũng nghe người đời ca tụng đạo-đức cao-siêu của ông Hai Trần-văn-Nhu. Ông bèn trở xuống Láng-linh để tìm cho tận mặt, và sau khi biết rõ được giáo lý, ông xin quy-y với ông Hai.

Trở về nhà ăn Tết xong, mùa xuân năm Đinh-Mùi (1907), ông Ba dời cả gia-đình về Láng cất nhà gần chùa Bửu-Hương Tự. Ở đây, ông siêng-năng trau-giồi hạnh đạo, chất-phác làm ăn, được ông Hai coi là đại đệ-tử.

Một ngày nọ, ông Ba phát ra ngây ngây, ông bảo bà Ba dọn-dẹp cho ông một căn phòng sạch-sẽ, rồi ở luôn trong đó. Ngót ba năm dài đăng-đẳng, ông Ba không đi đâu hết. Thậm chí sự tắm rửa hay đại tiểu tiện, ông để đêm đến mới đi ra. Chính trong khoảng nầy, ông cũng viết được ba quyển: Vân-Tiên, Thiện-Từ, Cổ Vãng Kim Lai, mà ngày nay nhiều người vẫn còn biết.

Ngày mùng một tháng giêng (Tết năm nào không nhớ), ông Ba ra khỏi buồng. Trước khi đến viếng ông Hai, ông Ba sắm một bộ khay hộp, trong có để ba trái ớt hiểm và ở trên có để ba cây roi rồi mới bưng vào trước mặt ông Hai mà quì xuống thọ tội, vì lẽ năm qua Ông không làm tròn hiếu-nghĩa đối với Thầy.
Lúc ấy ông Hai miễn tội, ông Ba cảm động lắm, ngâm lên hai câu Nam:
Nghiêng vai lãnh bức tờ mây.
Trung vương thổ giã Thầy ở lại (b)

Từ đây ông Ba rất sáng-suốt thấu được lẽ diệu-huyền của Phật pháp, ông có một bổn-phận quan-trọng đối với nhà chùa.

C. Bửu-Hương tự bị bao vây

Vì có sự tị-hiềm của Nguyễn-văn-Phẩm nên chùa Bửu-Hương Tự bị nhà cầm quyền Pháp bao vây (ngày 21 tháng 2 năm Quí-Sửu 1913). Lúc ấy tuy ông Ba thoát khỏi được, nhưng ông Hai thì phải xiêu-lạc khổ-sở còn con trưởng của ông là Nguyễn-văn-Tuấn lại bị bắt cùng một một lượt với 56 người đồng đạo đến cúng chùa.

Thấy tình đời đen bạc, vả lại đứng trước cảnh sư đệ rã-rời, phụ tử chia-ly, nên ba hôm sau (24-2-1913), vào giờ ngọ, ông Ba dùng dao cạo cắt họng để tự sát. Vết thương đứt tới phân nửa cuống họng, nhưng ông không chết. Người nhà hốt-hoảng, chiều tối lại chở lên nhà thương Châu-Đốc điều trị. Nơi đây, người ta thấy tóc ông đanh nhiều nên cắt đi cho gọn rồi băng bó thuốc men nhưng ông quyết định không dùng một món chi của người Pháp. Ông cự tuyệt và gỡ bỏ hết.
Độ vài tháng sau liệu bịnh-tình ông Ba không thể chữa được, lương-y cho đem bỏ ông ra nhà xác. Ông trốn được ra ngoài rồi nhờ người nhà chở về.

Từ ấy, vết thương của ông Ba mỗi ngày một giảm lần, mặc dầu cuống họng chưa lành (mỗi khi ăn uống đều phải dùng khăn bó rịt lại cho khỏi rớt vật ăn ra), tinh-thần ông Ba vẫn tĩnh-táo sáng suốt như thường.

Thấy chùa Bửu-Hương Tự bị Pháp nghi-nan dò xét mãi, và liệu ở đấy không yên được nên vào khoảng tháng bảy năm Giáp-Dần (1914) ông Ba dời nhà về doi Lộ-Lở (làng Kiến-An, tổng Định Hòa, Long Xuyên), giả dạng người thường, ruộng rẫy làm ăn cho qua ngày.

Hồi nầy, người ta có thấy ông Ba lên xuống nhà thờ Cù-lao-Giêng ba lần để tiếp-xúc với vị Linh-mục nơi đây, và nhờ can-thiệp với nhà cầm quyền Châu-Đốc đặng minh oan cho công việc của Thầy mình (ông Hai Nhu) và anh em đồng đạo (c) đã bị tên Phẩm vu cáo. Nhưng việc ấy nhà cầm quyền Pháp ở Châu-Đốc làm lơ.

D. Ông Ba với chuỗi ngày tàn

Tình Thầy nợ Nước, mênh-mang bao-mối cảm hoài, khiến tâm hồn ông Ba trong chuỗi ngày tàn hầu như tan nát. Ông ký thác lòng mình vào những quyển : Ngồi Buồn, Kiểng Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Tứ-Đại và Thừa Nhàn, mà ngày nay, mỗi khi đọc qua, ta cảm thấy ngập-tràn bao nổi bi-thương ưu-ái.

Dưới đây là một ít lời lẽ về tâm trạng của ông Ba hồi ấy :

Đêm năm canh thổn-thức chẳng yên,
Ngày sáu khắc sầu riêng mỗi đạo.
Tưởng ái quốc cơ-đồ sáng tạo,
Nhìn lẽ dân cường-bạo đa đoan.
Chúa mỏi lòng chúa nghỉ thân an,
Tôi mệt dạ còn mang nạn cả.
Thời quân nhược quả kia báo quả,
Thế thần cường giày-giã trung cang.

Hay là :

Bước chân ra đoái lại nước nhà,
Chim xanh vỡ ổ rừng già thiết tha !
Ai đi
Nỡ chẳng tưởng quốc gia ngay thảo,
Dạ nào vong Tam-Bảo giáo truyền.
Thầy ôi !
Nước nghiêng-nghèo vận khiến đảo-điên,
Phân ly diện sầu tuôn đoạn đoạn !

Ngoài việc sáng tác những tác phẩm kể trên ra, ông Ba còn đương một tấm thành-vọng (mặt khại), chính giữa có ba chữ triện: Quốc (hàng trên) và Thần Vọng Sư (hàng dưới), dựng ngay trước bàn thờ để biểu-lộ tấm lòng ưu-ái giang-sơn Thầy-Tổ. Tấm thành-vọng nầy ngày nay còn thấy tại nhà con ông ở Láng-Linh.

Sau mười bốn năm, kể từ khi chùa Bửu Hương Tự bị bao vây, vết thương nơi cổ ông Ba vẫn chưa lành hẳn, nó gom lại bằng mút chìa vôi nhưng trong mình ông vẫn mạnh. Một đêm kia, ông Ba kêu người nhà mà hỏi thăm giờ. Người nhà cho biết là mười giờ đêm. Ông bảo: « Bây-giờ đến năm giờ sáng thì còn lâu quá !»

Thế là đúng năm giờ sáng (giờ dần), ngày mùng chín tháng tư năm Bính-Dần (1927), ông Ba tịch. Lúc ấy ông hưởng thọ vừa đúng 61 tuổi, sau khi đã để lại cho đời chín văn phẩm kiệt tác về đạo-đức lẫn văn-chương, và một tấm gương tiết-tháo kiên-trinh bất hoại.

Hiện giờ, mộ-phần của ông Ba còn tại doi Lộ-Lở, được bồi-đắp và có người ở săn-sóc cẩn-thận. Tại nền nhà củ ông (cũng ở Lộ-Lở gần ngôi mộ), có dựng lên một cái đền thờ rộng lớp, uy-nghi, hằng năm, đến ngày mùng chín tháng tư thì có hội, bá tánh thập phương đến chiêm-bái rất đông.


Ngoài các bậc siêu-phàm trong vùng Thất-Sơn mà chúng tôi đã chép trên đây, còn có nhiều vị khác nữa như: bà Hai Mun, nghĩa tử của Đức Phật-Thầy Tây-An, có tài trị bịnh và nuôi con (mộ phần nay còn ở sau Phước-Điền Tự), - ông Đạo Sang, lấy cốt trầu phun ra mà chữa bịnh và có lắm thần-thông (ở đình ngả ba Cái-Dầu, Châu-Đốc), - ông Đạo Thạch, tịch ở đình Thạnh-Mỹ, khi tịch có hào-quang, - ông Sáu Bình, đệ-tử của ông Hai Nhu có phép đốt chưn cháy thành than rồi đạp vào chỗ đau của người bịnh… Nhưng chúng tôi chưa tìm ra được tài liệu chính xác.

Trong phái Phật-Thầy, ông Ba có thể kể là người sáng tác nhiều nhứt và công-trình trước-thuật của ông là một áng văn-chương không kém phần giá-trị. hềm vì những áng văn ấy không phải là truyện diễm-tình như Nhị-Độ-Mai hay Lục-Vân-Tiên mà là những lời tiên-tri khuyến thiện, nên ít ai để ý đến. Thật thế công-trình sáng-tác của ông Ba Thới là một áng văn có thể nói là ngang hàng với Lục-Vân-Tiên của cụ Nguyễn-đình-Chiểu. Câu văn đã điêu-luyện thanh-tao mà ý nghĩa rất thâm- thuý nữa.

Một điều đáng nói là ông Ba Thới phóng ra một lối thi lạ nhứt trong văn-chương Việt-Nam. Người ta thường thấy nhiều lối thi thuần-tuý Việt-Nam như lục-bát, hay song thất lục bát. Ông Ba mở ra một thể thi mới : lối thất bát nghĩa là câu trên bảy chữ câu dưới tám chữ, đọc nghe vừa mạnh, vừa véo von. Dưới đây xin trích bốn câu để quí bạn đọc thử :

Từ Mạnh-Tử ra mắt nước Lương,
Nhan-Hồi đoản mạng cám thương thần-đồng.
Tu quốc-vương có vợ có chồng,
Có con có cháu nồi dòng an bang.

Nếu phải nghiên-cứu và trình bày những áng văn-chương kiệt-tác ấy, ít ra phải viết thành một quyển sách dày. Ở đây chúng tôi chỉ xét về vấn-đề Tận-Thế và Hội Long-Hoa thôi.


Nói về Hạ-Nguơn và Tận-Thế Cũng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai, ông Ba Thới nhận thời-kỳ này là thời-kỳ Hạ-Ngươn, thời-kỳ Tận-Thế :

Phật sanh Phật, ma lại sanh ma/Hạ-Nguơn Tận-Thế Phật ma lộn cuồng.

Bởi thời-kỳ Hạ-ngươn, thời-kỳ Phật ma lộn lạo, nên ông ba khuyên :

Ai ai nhẫn chí để dành/Hạ-Nguơn Tận-Thế tu hành cần năng.

Danh từ Hạ-Ngươn Tận-Thế vẫn được lập đi lập lại mãi. Đứng trước cuộc đời này Phật cũng chắt lưỡi, bởi chúng-sanh quá-tham lam tàn ác :

Việc Hạ-Nguơn mội việc mỗi tham,
Phật chắt lưỡi khó đam lại đủ.
Kẻ lo ăn người thời lo ngủ,
Kẻ làm chủ, người phủ, làm quan,
Lợi dụng mưu làm quấy làm gian,
Đoạt của thế lo toan bất-chánh.
Vì quá tham-lam mãi dụng mưu làm quấy,
đã thế khuyên dạy lại không nghe,

cho nên :
Đáo Hạ-Nguơn Trời đất xử tiêu/Nhiều lời giáo dụ chẳng siêu việc lành.

Chính đó là cơ tận-diệt. Ông ba cho biết để mà dừng có khinh khi :
Việc đời thận tốc, Dị bốc tiên tri/Người nào khinh khi, Hậu ly đạo Phật.

Ấy thế mà người đời vẫn khinh thường, mãi lo bề giữ của :

Người đời vẫn gẫm chẳng bao lâu/Lo bề giữ của lo sau không màng.

Ông Ba thương-xót mà cho biết rằng :

không khéo rồi đây nước sẽ ngập tời cổ :
Việc thấy người phải lo âu,
Nước đà tới ngập cổ ngập sâu hụt giò.
Người đời quá hững-hờ,

vì người đời không thấy. Mặc dầu là chưa thấy, nhưng ông Ba cho hay sắp tời, rồi đây sẽ thấy : Việc không thấy nói trước cho rồi/Từ nay sắp tời lần hồi coi chơi.

Nhưng muốn coi đời, ông ba khuyên hãy rán bền lòng, đừng nản chí, dù phải trải qua bao nhiêu cành gian-lao :
Đói lòng ăn bắp với khoai,/ Chờ cho tời lúc chiếu mai coi đời.

Nói về Hội Long-Hoa Như ông Ba cho biết cuộc đời đã mỏng-manh lắm rồi, nhưng cuộc đời sẽ đi về đâu ? Ông cho biết, cũng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai, rồi đây sẽ mở Hội Long-Hoa, dựng bản Phong-Thần chọn người hiền đức. Ông cũng nhận đó là một cuộc thi :

Chí cầu may niệm Phật lần lần/Lập đông mãn tiết Phong-Thần ứng khoa.

Nhưng cuộc thi đây không phải là cuộc thi văn hay võ giỏi mà thi về đức, thi về tấm lòng hiền : Phật thi đức, trào quốc thi văn/Nhơn tùng thi chánh, nhơn tăng thi lòng.

Một cuộc thi mà người đời muốn đi đến phải chịu bao nhiêu cuộc nhồi nhả để trả quả :

Người đổi người, lời lại đổi lời/Phong-Trần trả quả thấy thời điếc tai.

Đó là một cuộc trả quả cho nên người đời phải chịu bao nhiêu cuộc thử thách gian-lao khổ sở : Thân nhồi nhả rời rả chưa thôi/Mười sầu mười thảm thương ôi! Thân người.

Sự khổ ấy một ngày một tăng lên và tiến tiến mãi mãi :

Bịnh khắc được đã khó định phân/Từ nay sắp tới khổ thân hoài hoài.

Nói rằng khổ, nhưng sự khổ ấy diễn ra bằng cách nào ? Ông Ba cho biết sự khổ nhứt của người đời phải chịu là nạn đói :
Sợ ngày sau nhiều kẻ khóc la/ Nằm co chịu đói Phật ma mới tường.

Cái nạn đói này rất dai-dẳng, nó kéo dài trong ban năm đăng đẳng. Mà sở-dĩ xảy ra nạn đói là vì có-nạn hạn hán làm cho đồng khô cỏ cháy :

Dạy làm lảnh niệm Phật Nam-mô/Tam niên hạn hán phơi khô thân hình.

Người đời vì đó mà chết đói la-liệt, đến nhà không người ở, xác không người chôn, chợ không người nhóm :

Thương ban năm không chợ nhóm chiều,
Nhà không người ở niệm nhiều Nam-mô.
Thây không lấp mà để phơi khô,
Không nước mà uống Nam-mô đạo nào.

Nhà đã không người ở, chợ không người nhóm, thì ruộng không ai làm gì có người làm :

Tới đó thì hay việc gió dông/Nhà không người ở ruông không người làm.

Bởi thế, ông Ba thường khuyên người đời hãy rán chịu tham-khổ cho quen, có sống lây lất muối dưa hẩm-hút sau này mới chịu nổi nạn đói. Người ta quá đói, không còn tìm chi ăn được đến phải ăn đá :

Đói ăn bắp đói nữa ăn khoai/Hết khoai hết bắp, chiều mai ăn đá.

Nhưng danh-từ “đá” đây , theo ông Ba có nghĩa khác, duy những người tu theo phái Phật-Thầy mới hiểu được. Chẳng những chịu đói mà thôi, người đời còn chịu bao nhiêu tai nạn âm binh :
Có Phật ra mới thấy việc linh/Gặp Trời loạn động âm-binh dấy loàn.

Có nạn ác thú :
Có hổ lang ác thú tời nhà/ Hùm tha thú bắt trẻ già thương ôi!

Những hiện-tượng này đã thấy ông Sư-Vãi Bán-Khoai nói đến rồi. Ngoài ra còn nạn nước lụt :

Nghèo sắm xuồng, giàu có sắm ghe/ Để chờ có nước chèo le lên giồng.

Còn nạn chiến-tranh khốc-liệt sát hại sanh linh :

Hạ-Ngươn hồn phách tiêu tro,
Chớ đừng thấy vậy ăn no vui cười.
Tôi nói có chứng chín mười,
Không phải một người nói chuyện bất minh.
Ngày sau các nước lai chinh,
Tây-dương Anh-quốc chiêu binh qua rày.
Nữ-phiên công-chúa tài hay,
Trận đồ bát-quái đánh nay nửa lừng.
Tương tranh quờn, ấn trong rừng,
Lòng buồn nói chuyện nhớ chừng mà chơi.
Ai ai bền chí ở đời,
Chừng ghe sấm đất của Trời mở ra.

Trong các Thiên tai Địa ách mà người đời phải chịu, kể ra cũng thảm khổ quá rồi, nhưng chưa quan-trọng bằng tiến sấm nổ, bời đó là sự biến chuyển của vũ-trụ cán-khôn. Tiếng sấm nổ ấy đã diễn ra nhiều cảnh-tượng :

1. Làm thay đồi địa-hình, như nhiều cù-lao sụp đổ
Hâu nhứt thinh tiêu hết cù-lao/ Nhị niên chí khổ đề lao chen người.

Như biển nổi thêm hòn :
Biển minh mông Phật nổi lên hòn/Đất bằng sánh núi Trời còn không hay.

Như nhiều dãy núi vỡ tan :

Núi biển ít sao lại nổi thêm /Đồng-nai Bắc-địa không êm núi nào.

Trong lúc đó nhiều núi vỡ thì trái lại có nhiều núi nổi lên :

Cửa Ngả-bát có nổi nhị sơn,
Núi Sam tiêu mất, Thất sơn điện đền.
Chí anh hùng lập chí cho bền,
Sông ngang ngay thẳng vô đền Bửu-Sơn.

2. Làm cho con người đê-mê bất tỉnh :

Tam thinh quên tuổi quân tên/Quên dòng quên họ khá nên cải tà.

Dầu cho có được tỉnh dậy đi nữa, ngay vợ chồng cũng không còn biết nhau :
Đạo vợ chồng con cháu buộc chùm/ Ngủ đêm thức dậy đứt đùm không hay.

Đến lúc đó biết ai là người có căn. Theo ông Ba thì Nam kỳ lại có căn nhiều hơn hết :

Xuất Tam thinh mặc sức lăng-xăng/Nam-kỳ niệm Phật có căn giữ hình.

Nhưng người có căn đều được Phật đến giải mẻ cho:

Khá bủa câu lả lưới đợi chờ/Phật có tài phép một giờ thoát mê.

Chẳng những thoát mê, mà những người hữu căn hữu phước còn thay hồn đổi xác nữa :

Tam giới hội xử việc bất miêng/Thay hồn đồi xác cõi Tiên đem về.

Chính lúc đó tam-giới mở hội để lập lên đời Thượng-Ngươn :

Mãn nhứt thinh các nước đều vô,
Đầu sơn giao chiến Nam-mô tranh tài.
Thập bát quốc vây phủ ở ngoài,
Thiền trung xuất trận phép tài quan thiên,
Đoái Ngũ-Long tiền trận nữ Phiên,
Giao chinh lam trận chư Tiên lai đều.
Phật thâu phép chư quốc chu hầu,
Qui lai thiền nội ừng hầu Phật-Vương.
Đồng chúc Thánh vạn thọ an khương,
Tuế tăng vạn tuế Phật-Vương thọ trường.
Phán chư quốc cống lễ minh tường,
Tiểu bang lãnh sắc thường thường thọ an.
Đãi yến diên chư quốc an phân,
Phân ngôi phân thứ định phần quan dân,
Chúc Hớn trào miên viễn hoàng ân,
Trường sanh thọ tuế muôn dân thanh-nhàn.
Lập Thượng-Ngươn hưởng thọ khôn càn,
Đặt chung tứ bỗn vẹn toàn hiếu-trung.


Như thế là đời Thượng-Ngươn đã lập, con người sẽ ra sao, đời sống của cõi đó ra thế nào ? Nói về đời Thượng-Nguơn Trong hàng môn-đệ của Đứa Phật-Thầy, ông Ba Thới kể ra là người viết nhiều về đời Thượng-Ngươn hơn hết. Phải chăng ông Ba nghĩ rằng : Nếu nói đời Thượng-Ngươn là đẹp mà không cho người đời biết thì làm sao người đời ham-hố cố-gắng tu hành để đi đến, nên chi ông Ba viết rõ về đời Thượng-Ngươn ?

Trong kinh Di-Lặc và quyển Qui-Nguyên trực-Chỉ, quốc-độ của Phật Di-Lặc đã được mô tả, là đẹp-đẽ trang nghiêm nhứt. Đây chúng ta nghe ông Ba mô tả để so sánh coi có khác những điều mà kinh Di-Lặc và quyển Qui-Nguyên Trực-Chỉ đã nói không ?

Ông Ba cho biết rằng khi lập đời lại thì đất địa bằng thẳng, không bồi không lở, biển không nổi cù lao nữa :

Sau đất bằng không thấp không cao,
Biển sông không nỗi cù-lao nữa rồi.
Mé sông không lở không bồi,
Sanh sau y vậy nói rồi sau coi.

Chẳng những thế, nước trong chớ không đục, lại không ròng không lớn :

Nước một bực thanh-thuỷ biên Trời/Không ròng không lớn thuận đời chảy xuôi.

Đất địa đã tốt đẹp như thế, thời tiết lại chỉ có hai mùa : xuân và hạ :
Lòng niệm Phật hản dạ chí tu/Ngày sau lập lại xuân thu hai mùa.

Bởi thế khí trời ấm-áp :

Gió hai ngọn xuân nhựt nguyệt thu,
Không lạnh không nực chí tu để trời.

Có điều không thể tưởng-tượng được mà hễ ban ngày thì có mặc trời mọc, còn ban đêm khi mặc trời lặn thì mặt trăng mọc, đêm nào cũng như đêm nấy :

Đến chừng nào nhựt nguyệt hiệp căn,
Ngày thời ông mọc đêm trăng sáng hoài.

Chẳng những thế, lúc mọc lúc lặn không như thời nay vì thời-tiết mà sai dịch :

Tới ngày sau Tý-Ngọ bất di,
Thìn thời ông mọc bất tri giờ nào.
Đêm giờ Tý, ngày Ngọ hiệp vào,
Tý Ngọ đứng bóng giờ nào lại tranh.
Ngày sáu giờ, đêm sáu giờ canh.
Nguyệt xuất giờ Tuất, không tranh giờ nào.

Thời-tiết điều-hoà như thế nên năm không có tháng nhuần :
Tới ngày sau phong võ có chừng/Năm mười hai tháng không nhuần như nay.

Năm đã không nhuần, tháng cũng không có tháng thiếu :
Nhứt ngọc tam thập nhựt chiều mai/ Không dư không thiếu, khỏi tai khỏi nàn.

Thời-tiết đã điều-hoà như thế, tất nhiên đất địa không phải như thời nay sanh cỏ như gai gốc mà sanh ra toàn là lúa trời, muôn ăn khỏi cần xây giã, vì nó lớn bằng trái dừa :

Hột lúa trời đỏ ruột điềm khuyên/Trái dừa nhằm sức của Tiên cho mình.

Lúa chỉ có hai giống chớ không nhiều, giống như ngày nay :

Sao không nếp mà quết bánh phòng/Còn hai giống gạo giữ lòng làm ăn.

Những chẳng phải lúa ấy giữ nguyên hình mãi đâu, vì qua thời-kỳ Trung-Ngươn, bởi chịu ảnh hưởng của thời-tiết đổi thay mà nó biến hình đi :

Sau hột lúa võ trắng thiệt hình,
Trong ruột thời đỏ thế bình bất đi.
Trước võ vàng ruột trắng phân- ly,
Trung-Ngươn khiến biến người khi tiêu-điều.

Mùa tiết đã thuận, đất đai đã tốt, sanh toàn lúa thì hẳn không còn loại côn trùng hay các loại thú vô-ích nữa. Ông Ba cho biết chỉ có hai loài thú nào có ích cho loài người mới sanh ra cho người dùng mà thôi :

Núi lao xao lập hậu Trời Nghiêu,
Cao điền đất Thuấn tiêu diêu độc trùng.
Sau vật nào trời Phật cho dùng,
Phật đem trở lại dưỡng cùng vạn gia,
Tồn nhị thú phạm luật quốc-gia,
Con trâu con chó cỡi ta không vìa (về).

Tại đâu đời sau không có loài trâu loài chó ? Điều ấy rất dễ hiểu. Đã nói rằng loài thú nào có ích cho người mới sanh ra, ngày sau lúa đã mọc sẵn, người ta không còn cày cấy nữa thì con trâu dù có được sanh cũng không còn ích lợi nữa. Còn loài chó sanh ra để giữ nhà mà đời sau là đời Nghiêu, Thuấn, mà không đóng cửa, của rơi không người lượm thì còn đâu trộm cướp mà phải cần có con chó giữ nhà. Quả thật là đời Nghiêu, Thuấn; nào là nhà không đóng cửa :

Tri sự tiền lập hậu chánh minh/Nhà không đóng cửa quảng thinh đêm ngày.

Nào là của rơi không ai lượm :
Họ hàng khơi chiều mai ngó thấy/Qua ngày sau của rơi chẳng lấy.

Ông Ba cho biết ngày sau con người có tài trí cao-siêu lắm :
Lo việc hậu mới được lâu dài/ Ngày sau nhiều kẻ phép tài trí tri.

Và họ vẫn biết hay như xà đặng hoá rồng vậy :

Đạo trung-dung xà đắc hoá long/ Người thời không cánh không lông bay rày.

Muốn kiến-thiết thế-giới tốt đẹp như thế, ông Ba cho biết : việc sắp-đặt phải mất ba năm mới xong :

Lập ba năm đều đủ dưới trên,
Đồng chư quốc lập nên một cuộc.
Thông minh tánh nhiều người không thuộc,
Vận Trời xuôi nhứt cuộc hưng bang.
Nơi rơi đều phú lúc hiển vang,
Chốn chốn hưởng an bang vận đạt.

Về gia-đình thì năm bảy người cùng ở một nhà thuận hoà trên dưới. cái tục lệ hát ca như đời nay không còn nữa :

Qua ngày sau không hát không ca,
Năm bảy người ở lại nhứt gia.
Vọng Đức Phật Thích-Ca chí lý.
Năm bảy chủ hiệp tình nhứt ý,
Phật độ người tận lý quang minh.

Vì người đời hiền lương, nhà nhà đều phú túc, cho nên không sanh ra trộm cướp. Bởi thế không có nhà ngục, nhưng ở mỗi tỉnh vẫn còn lập toà-án để hoà-giải những việc bất đồng ý-kiến nhỏ nhặt, cùng xem chừng việc trị-lý trong dân-gian :

Có toà-án các tình sâm soi/Không đường ngục thất sau coi để đời.

Nhà ngục đã không có, cho nên cả pháp-luật lập ra để răn phạt người, làm gì lại có :

Của người Tây trả cho người Tây,
Tân trào phế luật thẳng tay trổ tài.
Kiểng Tiên gia sau đặng lâu dài,
Vô cùng mưu trí phép tài mới nên.

Một điều mà xã-hội này không có là đời sau dân chẳng có làm xâu nạp thuế chi cả :

Phật lập chánh chư quốc chư hầu,
Bán buôn lui tới phải đầu nước Nam.
Phật dạy đều lòng dạ đừng tham,
Không sưu không thuế nước Nam thanh-nhàn.
Mười tám nước ăn ở một tràng,
Chợ nào không góp xóm làng an-ninh.

Sở-dĩ các nước cùng sống thuận hoà, người người đều hiệp ý không gây-gổ, không sanh ra chiến tranh, là vì ngày sau chỉ có một tôn-giáo :

Qua ngày sau không miễu không đình,
Hội-tề công-sở nhứt tình quốc-gia.
Nước Tây Phiên nhà thờ không cha,
Niệm Trời niệm Phật quốc-gia an hoà.
Mười tám nước như con một nhà,
Đều thời niệm Phật Di-Đà công-phu.

Một nước chỉ tu có một chùa và các ngày lễ vẫn như nhau :

Một nước thì tu có một chùa.
Nhà không phượng-tự hai mùa xem minh.
Cỗ hai ngày lễ bái tưởng kinh,
Ba mươi mùng một chánh minh nhứt trường.
Ngày mười lăm mười sáu lập thường,
Niệm Trời, niệm Phật nhị trường an khương.
Lệ ngươn-đán hạ nhứt xuân vương,
Chánh ngoại sơ nhứt lễ bà chánh-chung,
Nhơn bất ác tích thiện vi trung,
Lệ xuân ngươn-đán chánh-chung hai mùa.
Lệ Thượng-ngươn gia kết tại chùa,
Trung-ngươn thu nhựt thủ vừa hương rơi.
Nơi nơi đều ngợi chữ thảnh thơi,
Ca ngâm xứ xứ vui chơi thanh nhàn.


Đời sống đã vui thú như thế, còn con người thì tướng dạng ra sao ? Ông Ba cho biết rằng : đời sau trầu thuốc đều bỏ cho nên răng thì trắng, tóc thì dài, da trắng và châu thân thì không có lông :
Nhịn trầu thuốc biếng nói biếng cười,
Ngày sau răng trắng như người Quảng-Đông.
Nội châu thân không có mọc lông,
Tóc dài da trắng phụng long dạng hình.

Con mắt thì sáng ngời, miệng thì thơm
Con mắt sao ngó thấy sáng ngời,
Trong như mắt cọp miệng cười ngọt thơm.
Răng thì trắng thiệt người ăn cơm,
Lưỡi sao răng vậy gạo thơm ngọt-ngào.


Hình dạng đã đẹp-đẽ như thế, người người lại không trẻ, không già, tám mươi tuổi sấp lên mới có con so, song trong mười người mới có một người sanh sống lâu đến muôn tuổi :

Đâu đâu không trẻ cũng không già,
Tám mươi mới có vậy mà con so.
Ngoài muôn dân lạc-nghiệp đủ no,
Mười người sanh đặng con so một người.
Người tốt tươi ăn nói vui cười,

Nhưng tuổi thọ ấy quan Trung-Ngươn thì so le, giảm xuống còn trên một ngàn, cũng như hạt lúa bằng trái dừa qua Trung-Ngươn biến hình trở lại nhỏ :

Người ăn nói bằng thẳng thiệt thà,
Trình thưa dậm dạ giữ mà phép khuôn.
Lập Thượng-Ngươn tuổi có một muôn,
Trung-Ngươn giữ dạ phép khuôn trên ngàn.

Con người ăn ở đều có lễ nghi khuôn phép cho nên không có sự loạn luân loạn dâm .

Ngày sau nhơn bất loạn dâm,
Người nào nghịch tánh binh âm vật rồi.
Phật cho tâm tánh định hồi,
Man-ri mọi rợn tiêu rồi sạch trơn.
Thiên sanh tiền hải hậu sơn,
Tiền Tần hậu Hớn mang ơn cũng nhiều.

Ông Ba cho biết rằng vợ chồng đời nay chỉ là oan khiên túc trái, vai trả lẫn nhau, chỉ qua đời sau mới là thiệt vợ chồng. Những vị làm quan có đến năm bảy vợ, đâu đấy đều hoà-mục, giữ trinh-tiết thờ chồng, có lẽ vì số đàn bà nhờ sự tu-hành ở đời này mà được sống qua đời đó quá nhiều, sấp năm bảy lần số đàn ông. Phải chăng ngày nay chúng ta thấy số đàn bà đi chùa và tín-ngưỡng Trời Phật nhiều hơn đàn ông ?

Qua ngày sau thiệt nợ thiệt dươn,
Đàn bà trinh-tiết vì ơn nuôi chồng.
Năm bảy vợ hiệp ý một lòng,
Thượng hoà hạ mục nuôi chồng làm quan.

Một điều lạ nhứt là đàn bà ở đời Thượng-Ngươn không có đường kinh-nguyệt nữa :

Đường kinh-nguyệt sau Phật xử tiêu,
Đời này ngang dọc phất diêu lõa lồ.

Con người nhờ khí-hậu điều-hoà, đất đai tinh-khiết cho nên được sống lâu đến muôn tuổi, không ai bịnh hoạn. Nhờ đó mà sau này không có thuốc men :
Việc thuốc Nam thuốc bắc vô ân,
Ngày sau thôi cũng vô phân thuốc rồi.

Trên quốc-lộ vô cùng trang nghiêm đẹp-đẽ ấy, nước Việt-Nam sẽ ra sao ? Người Việt-Nam sẽ có vai-trò gì quan trọng chăng ? Nói về nước Việt-Nam sao này Sau khi quả địa-cầu biến hình, trên thế-giới sẽ ra sao ? Ông Ba cho biết sự sụp đổ đất liền thành biển, biển nổi trên đất liền, làm thay đổi địa-hình : chừng đó trên thế giới chỉ có mười tám nước mà thôi :

Cộng tồn thập bát quốc hội an/Xử tiêu ma quỉ dị-đoan tiêu-điều.
Hay là :
Tồn thập bát quốc chỉ noi Nghiêu/ Ngoại trừ các nước quần yêu xử là.

Nhưng trong mười tám nước đó, Việt-Nam lại hữu phước hơn hết, vì nước Nam có nhiều bật thông-minh tài-trí thâu các nước phải phục-tùng :

Sau nước Nam ít kẻ vụng về,
Thông-minh trí huệ người giỏi hay.
Không có cánh đi đặng trên mây,
Phép tài văn võ hơn nay nước nào.
Hữu quân-sư thượng-trí anh hào,
Dạy mười tám nước chỗ nào văn thơ.
Mười tám nước tài phép trơ trơ,
Phật thâu trả quả ngẩn-ngơ chư hầu.
Mười tám nước lai giáng hàng đầu,
Thường năm cống lễ ứng hầu Hớn-bang.
Phật thâu hết các chữ đa đoan,
Chỉ tồn nhứt tự Nam-bang tiếng mình.
Người khác người ăn nói thật tình,
Binh thơ đồ trận nước mình tài năng.
Qui nhứt thống hiệp lại nhứt căn,
Thượng thiên giáng thế tài năng phong trần,
Đến ngày sau có Thánh có Thần,
Ai lòng tà vạy âm thần xử thân.



Những hưỡng được cảnh vinh-quang ấy, hởi ôi ! người Việt-Nam chúng ta trong mười người chỉ còn lại có ba người. Đất Bắc-Việt sau này đổi thành ruộng sâu, trong mười người chỉ còn có một người, phải chăng vì tội làm thịt cáo cầy mà trong kinh Phật đã cấm :

Việc Nam-bang nhiều kẻ khôn lanh,
Thất phần dư tử thiểu sanh tam phần.
Thấy việc xa chẳng biết việc gần,
Việc Nam còn mấy việc Tần như nhau.
Đất Bắc-kỳ sau lại ruộng sâu,
Mười phần thác chín khó âu cho người.

Về Bắc-kỳ, ông Ba quả-quyết như vậy, cho nên nhiều nơi ông thường lặp lai.
Đất Bắc-địa giăng câu đặt lọp,/Ăn cá đồng không cọp ở rừng.

Chắc sao cũng có người hỏi: nước Việt-Nam nhỏ bé như thế này làm gì lại đứng đầu các nước? ông Ba cho biết rằng sau khi quả địa-cầu biến-hình, nhiều chỗ đất bằng sụp đổ, nhiều nơi biển cả nổi lên đất liền, nước Việt-Nam với sự thay hình đó sẽ trở thành một đại-quốc.

Hậu Bắc-địa tứ trấn cõi ngoài,/ Nam-bang đại quốc lâu dài trường sanh.

Ông Bà còn cho rằng: sau cuộc đại chiến-thiên, về đời Thượng-Ngươn, ranh giới nước Việt-Nam sẽ lên đến Lèo hạ:

Có sông dọc lên khỏi Nam-vang,
Lên đèo xuống dốc nhà sang dẫy đầy.
Từ Lèo hạ sấp xuống dưới này,
Kiểng vui Nam-quốc lời Thầy di-ngôn.

Và nước Nam ở thời-kỳ Thượng-Ngươn ấy, sẽ lấy quốc-hiệu là Hớn-bang:

Mười tám nước lai giáng hàng đầu/ Thưởng năm cống lễ ứng hầu Hớn-bang.

Không thấy Ông Ba cho biết các nước khác sau này sẽ thay đổi ra sao, chỉ thấy nói nhiều về nước Nam thôi.Phải chăng Ông Bà nghĩ rằng các nước khác dầu có nói cũng không quan-thiết cần-ích cho dân mình,tốt hơn là mình nên biết mình để mà sớm sửa-sang lo-liệu tu-hành. Về thế-giới các nước sau này, theo chúng tôi được biết, thì Đức Bổn-Sư núi Tượng có để lại một bản Đồ-thơ(1) nghe đâu hiện nay trong môn-đệ của Ngài con giữ, nhưng tiếc vì chúng tôi không được thấy để coi cho biết nước nào còn nước nào mất và mười tám nước còn lại là những nước nào? Duy có nước Nam thì thấy Ông Ba cho biết một vài biến đổi về địa-hình, như vài đoạn dưới đây.

Đây nói về Cần-thơ và Mỹ-tho:

Cửa Cần-thơ Phật khiến xuất sơn/Mỹ-tho phát hậu ký an một hòn.

Về Bạc-liêu và Hà-tiên, Ông Bà cho biết:
Sau lập lại Bạc-liêu thiếu muối,
Sau có nổi năm mười hòn núi;
Đem lộn về muối núi Hà-tiên,
Phép Phật Trời nhiều kẻ chẳng kiêng.

Nói về sông rạch và đường xe lửa:
Có sóng dọc nhiều chỗ dị kỳ/ Đường ngồi xe lửa chạy thì Bạc-liêu.

Về sông thì có sông dọc, sông ngang:
Giác bần tiện, giác việc giàu sang,
Hồng-ngự sau có sông ngang Sơn-chà.
Giác lời ví việc chánh việc tà,
Sông dọc Cần-lố khỏi mà Mỹ-tho.

Ngoài sông dọc, đồng Cần-lố (Sađéc) còn nổi lên nhiều núi:

Đồng Cần-lố núi nổi giáp vòng,/ Sông ngang sông dọc tại lòng Phật Tiên.

Nói về sự biến đổi của Thất-Sơn ở Châu-Đốc:
Cửa Ngả-bát có nổi nhị sơn.
Núi Sam tiêu mất Thất-Sơn điện đền.
Chí anh hùng lập chí cho bền.
Sông ngang ngay thẳng vô đền Bưu-Sơn.

Và đây nói về sự thay đổi sau này của đất Sài-gòn và Châu-đốc:
Gia-đình còn, sau mất Sài-gòn,/Châu-đốc mất trước tiếng còn An-giang.

Ông Ba còn cho biết rằng sau này ở Nhà-bàn (Châu-đốc) sẽ là tràng ứng-khoa luyện-tập văn-võ: Lập chí trai tới chốn Nhà-bàn/ Võ-văn luyện-tập viễn tràng ứng thi.

Như Ông Ba cho biết, trong nước Việt-Nam sau này phần Nam-Việt là tốt đẹp hơn hết. Nhưng chỗ nào ngày sau được hưởng cảnh an vui khoái lạc thì nơi đó phải chịu nhiều cảnh khổ cảnh cũng như hiện nay cảnh nào vui sướng thì sau này phải chịu nhiều sự biến thiên, và đó là luật tuần-hoàn.

Chốn thị-thành sau lại hoá rừng/Chát chua trong dạ ớt rừng xát tâm.

Chính vì luật tuần-hoàn đó mà phần đất Nam-Việt chịu nhiều cảnh khổ-hạ:

Xử việc trong Lục-tỉnh hao mòn/ Nam-bang khổ-hạ chìu lòn hết hơi.

Mà cảnh khổ nhất là thảm-hoạ sau này cửa lộ Văn-Giáo là con đường đi từ núi Sam vào Nhà-bàn:

Về lộ Văn-Giáo, Ông Bà còn cho biết:
Qua hậu xự Văn-Giáo giáo giăng,
Thây phơi ngọn cỏ vô căn Phật Trời.
Con trong nhà nói chẳng nghe lời,
Huống chi hàng xóm nói đời ai nghe.

Dó là những điều mà Ông Ba cho biết về nước Việt-Nam ở đời thượng-Ngươn, nhưng chừng nào đến giao đoạn chuyển biến? Những điều tiên tri Muốn hiển chừng nào đến giai-đoạn chuyển-biến, cần phải xét coi những điều tiên-tri của Ông Ba có phần nào thực hiện chưa? Đứng về phương-diện nhận xét, đã thấy nhiều điều thực hiện rồi, như cuộc đảo chánh của Nhựt vừa qua là một; Ông Ba cho biết:

Tây chưa mãn tới việc U phân/ Ngồi buồn thấy khổ muôn dân não nề.

Câu này đủ cho ta thấy tình-hình Việt-Nam từ ngày Nhựt để chơn lên đất này. Khô còn lúc nào dân khổ cho bằng lúc đó trở đi. Ông Ba còn cho biết từ năm mươi năm về trước, thời-kỳ chiếm đóng của Nhựt dây dưa cho đến năm tuất (chó):
Trâu Nhựt-bổn Nam-Việt bắt cày/ Gay go chó sửa hằng ngày sủa dai.

Đó là một giai-đoạn người Việt-Nam bắt trâu Nhựt-bổn cày cho mình, Ông Ba cho biết còn một giai-đoạn nữa người Việt-Nam bắt trâu Chệt cày:

Trâu của Chệt Nam-Việt bắt cày/ Khỏi sưu khỏi thuế khỏi rày lao-đao.

Tuy Ông Bà cho biết phải có trâu của Chệt cày, nhưng khi nói đến nước Tàu thì Ông Ba không khỏi đau thương mà thống trách:

Đường giang (gian) -nan dễ giấu khó bày/ Căm hờn Tàu tặc hại rày Nam-bang.

Ông thương hại cho Tàu là ví phải tội bày ra bán hình bán tượng của Phật và tranh hành chiếm đoạt nước Nam:
Tội Tàu man ước chất như thành /Bán hình bán tượng tranh hành nước Nam.

Bởi thế khi lập đời lại, người Tàu chỉ sống sót có một người trong mười người:
Tội Đại-Thanh bán tượng bán tranh/ Hoạ bán Phất bất sanh chín phần.

Ngoài nước Tàu, Ông Ba còn cho biết Ấn-độ cũng mang đại khổ:
Trời khiến xui ách nước từ đây/ Chà-và hai nước mất thây chẳng còn.

Ông Ba không cho biết vì lý do gì Ấn-độ bị đại nạn như Tàu, nhưng điều này làm cho người ta kinh-ngạc là Ông Ba gọi Chà-và không phải là một nước mà là hai nước đúng như hiện-tình chia rẽ của Ấn-độ làm hai nước Hồi, Ấn.

Một nước ở gần ta nhứt là nước Tần, Ông Bà cho biết sẽ gặp nhiều tai nạn như Tàu và Ấn-độ:
Có ai từng ăn óc không gai /Ăn cơm không đũa đại tai nước Tần.

Và sau này nước Tần sẽ hiệp về với Hớn-bang ở thời kỳ Thượng-Ngươn:

Ai từng làm ruộng không trâu/ Nước Tần sau lại lai thâu Hớn-trào.

Nhưng trước khi đi đến Hội Long-Hoa, nước Tần phải trải qua một thời gian đói khó:

Cao-miên phải lo dùng cơm gói,
Người khá lo đói trước bấy giờ.
Việc minh mông chưa tới bực bờ,
Thấy Tần-quốc vật-vờ hồn phách.
Nhìn đói lạnh chớ than chớ trách,
Một con sâu làm đổ trách canh.

Chịu nạn đói lạnh như thế là vì con sâu làm đổ trách canh, do nước Tần khởi loạn trước làm cho Việt-Nam lâm vào cảnh khổ:
Việc trước thì Tần khởi loạn ra,/ Sát nhơn-vật người ta thậm khổ.

Tần khởi loạn, theo Ông Ba là một điềm mở màn cho biết cuộc đời đã tới. Nhưng muốn xác định thời giờ ông Ba cho biết rằng: khi đời tới thì tự nước nào đánh nước nấy:

Mình hại mình nói việc có căn,/Nước nào hại nấy lăng xăng trở đời.
Sự tận-diệt của loài người theo ông Ba, sẽ diễn ra bằng cuộc nội chiến của mỗi nước, cùng một lúc xãy ra nước nào đánh nước nấy:

Giặc dậy lăng-xăng,
Lăng-xăng giặc dậy.
Đánh nhau tầm bậy,
Tầm bậy đánh nhau.
Nước nào ở đâu,
Ở đâu đánh đó.
Vận nghèo thấy ngó,
Thấy ngó vận nghèo.
Người thác bá bèo,
Bá bèo người thác.
Đâu đâu tan nát,
Tan nát đâu đâu. …………

Thật là những điều quá sức tưởng tượng, ngoài ý nghĩ của mọi người. Ông Ba cũng vẫn biết: người đời sẽ có kẻ không tin:

Tôi cho người thấy/ Việc máy thiên-cơ/ Người cũng ngó lơ/ Tôi ngơ ngẩn dạ.

Nhưng vì quá thương đời cho nên ông phải tỏ bày để sau người đời không trách:

Thương chúng sanh Phật mới tỏ bày/ Chẳng nghe lời Phật hội này rã thây.

Với những người thiện-căn, Ông bảo ghi nhớ những lời của Ông rồi sẽ biết:
Nói rồi cho nhớ lời ghi,
Chừng nào thấy việc loạn ly biết lời.
Nơi nơi khổ não cho đời,
Dư trăm việc khổ biết lời để ghi.

Nhưng hỡi ôi! mặc dầu Ông hết tiếng nhắc-nhở mà người đời vẩn hí-hởn không lo:

Bây giờ hý-hởn không lo,
Gặp cơn bát loạn nằm co kêu Trời.
Lo giàu ít kẻ đời,
Gặp cơn bát loạn kêu Trời thấu đâu.

Và chính vì dó mà các đấng Phật, Tiên bởi quá thương xót chúng sanh, nên lâm-phàm, chẳng dứt ra Sấm kinh, Cơ bút thức tỉnh người đời. Với sứ mạng cao cả ấy, các đấng thiêng-liêng còn mượn xác một cậu nhỏ chín tuổi để viết bộ Tứ-Thánh cho ngừơi đời thấy thế có tin.

PHẬT GIÁO HÒA HẢO
CALIFORNIA
*


http://www.hoahao.org/LanguageID_2_CatID_310_ArticleID_4070_.aspx


__

Chú thích của Hòa Hảo
(a).Có thuyết nói ông Ba nhân đi bán cá trên miền Láng, nghe danh ông Hai đạo-đức cao-siêu mà quy-y theo. Nhưng theo lời ông Nguyễn-văn-Tuấn là trưởng tử của ông ba thì ông tự nhiên phát đạo tâm rồi đi tầm sư học đạo như trên đã nói.
(b).Ý nói ông vì có sứ-mạng phải lãnh bức thư vẽ mây chép sự-trung thành cùng quốc vương thủy thổ cho nên mới phải giã Thầy một thời gian ấy.
(c).Lúc nầy ông Hai Nhu đã tịch rồi ở Trà-Bang, song công việc hành đạo của giáo-phái Phật-Thầy bị dòm ngó rất gắt và bổn-đạo tên-tuổi nhiều người phải bị bắt, bị đày.
http://www.hoahao.org/LanguageID_2_CatID_212_ArticleID_3429_.aspx


*

No comments:

Post a Comment