Pages

Sunday, December 20, 2009

TRẦN KHẢI THANH THỦY * KÝ



*

Trần Khải Thanh Thủy
Honorary Member of English PEN.
Hellman/Hammet Reward Winner.
Người được đảng cộng sản đặc biệt quan tâm!

Thursday, March 19, 2009
Ký Sự Từ Một Vùng Đất Nóng




Trần Khải Thanh Thủy

1/ Đất làng vừa một tấc:
Về lại Hà Nam - nơi con sông Đáy hiền hoà chảy, phía trên là cả dãy núi đá vôi chạy dài thơ mộng, cũng là nơi ẩn chứa trong lòng bao nhiêu di tích, danh lam thắng cảnh và huyền thoại, từ chùa Long Đọi Sơn(tên chữ là Diên Linh tự) do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054, đến Bia Sùng Thiện Diên Linh, do vua Lý Nhân Tông chủ động làm từ 1118 đến 1121, rồi Đền Lăng, thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Hai vị vua đã cùng các tướng lĩnh xây dựng lực lượng chống thù trong giặc ngoài, gìn giữ độc lập dân tộc...


Tất cả mọi thứ đều có tuổi thọ cả nghìn năm, thứ được coi là đệ nhất danh thắng của trấn Sơn Nam (Chùa Long Đọi Sơn) với 18 pho tượng La Hán, 6 pho tượng Kim Cương, một pho tượng Di Lặc bằng đồng (nặng một tấn, đúc năm 1864), thứ là bảo vật quốc gia (Bia Sùng Thiện Diên Linh) ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết đất nước và việc làm nhân hậu bao dung của Thái hậu Ỷ Lan thông qua việc cúng 72 mẫu ruộng, để nhà chùa trồng cây trái hoa màu, làm đèn nhang phục vụ cho việc cầu siêu tịnh độ cho quê hương đất nước và các tín chủ mười phương tìm về. Ở mặt sau, phía dưới là bài thơ của Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa.



Trước đó, năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm công tác tịch điền dưới chân núi Đọi, nhân dân nô nức tới xem. Biết tin, hai anh em nhà Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Đạt liền làm một chiếc trống lớn ra dự lễ đón vua. Khi gióng lên, tiếng kêu như sấm, âm vang cả một vùng non nước, vua thấy hay liền hỏi cách làm và tôn vinh là Trạng Sấm. Từ đó nghề làm trống hình thành và kéo dài cho tới nay. Hiện tại, trong làng Đọi Sơn vẫn có hơn 500 hộ làm trống, sản sinh ra hàng chục nghệ nhân lão luyện, đem trống đi khắp nước...



Chừng như chưa đủ cho một vùng đất nổi tiếng là lễ trọng, đất thiêng, thu hút bao nhiêu du khách xa gần tìm về trong các dịp lễ hội, tham quan, du lịch...Lịch sử tỉnh Hà Nam còn cất giấu cả huyền tích về Lê Lộc(cha đẻ Lê Hoàn) bị con hổ trắng (do chính mình nuôi để trông cá) vồ chết. Khi nhận ra mình cắn nhầm người chủ tốt, Hổ đã cõng ông về núi Cõi giấu xác, rồi bỏ ăn bỏ ngủ, ngày đêm canh gác xác cho đến lúc chết vì đau khổ, ân hận, xa xót. Sau đó mối đùn lên thành mộ, dân trong vùng gọi là Mả Dấu hay “mộ hổ táng” hết mực linh thiêng.



Ngồi bên cạnh tôi là chị Cao Thúy Hòa - người của thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nhớ về cái tuổi thần tiên, thơ trẻ của mình, chị ngậm ngùi kể :
Ngày trước quê chị đẹp đẽ, thanh bình, êm ả và thơ mộng lắm, ngủ dạy bước chân xuống đất là nhìn thấy núi, thấy sông. Núi nằm vắt ngang trước nhà, lúc trường tồn khoẻ khoắn như hổ rình mồi, lúc đủng đỉnh oai phong như trâu gặm cỏ, lúc vươn mình như ngựa phi dưới nắng chiều tà, lúc trầm mặc tôn nghiêm như người con gái quàng khăn voan trắng ngủ quên cả nghìn năm trên đỉnh núi . Còn con sông thì hiền hoà, êm ả chảy ngay dưới chân...Cả tuổi thơ trẻ hồn nhiên của chị cùng lũ bạn gắn bó với nó, vừa tắm táp, bơi lội thoả thích, vừa hò hét chạy đuổi theo nhau suốt dọc triền sông. Chính vì sống trong cảnh mơ mộng lãng mạn ấy mà chị nuôi ước mơ được làm công tác nghệ thuật và trở thành cán bộ của đài truyền hình Hà Nội... Không ngờ càng về già càng xa xót, bàng hoàng khi chứng kiến cảnh "chùm khế ngọt" quê mình bị lũ người cơ hội, thực dụng, hư hỏng từ nơi khác kéo về trèo leo, bứt phá, trở thành khế chát, khế chua, khế còi và sớm hay muộn cũng sẽ thành khế ngạt, khế độc, đầy đoạ cuộc sống của thôn, trong đó có gia đình chị.


Suốt chặng đường dài, ngồi nghe chị kể về cuộc sống quê mình hiện tại: bần hàn, lam lũ, hoang mang, lo lắng, khác hẳn với cuộc sống yên bình, lặng lẽ trước kia, tôi bất giác thở dài, nhớ về câu thơ của nhà thơ Ngô Xuân Sách:
Đất làng vừa một tấc
Mà bao kẻ đến cày.
Thóc giống còn mấy hạt
Đợi mùa sau sẽ hay.
Câu thơ hoạ chân dung nhà văn Nguyễn thị Ngọc Tú, với tác phẩm "Đất làng " ,"Thóc giống" ,"Đợi mùa sau", cũng là ngầm chê bai thói trăng hoa của bà, hoà cái tôi chân chính vào trong cái chúng ta tầm thường giả dối, biến con người mình thành người của làng (văn học nghệ thuật), biến cơ thể phồn thực nảy nở mà tạo hoá ban tặng cho mình thành một miếng đất thịt ở giữa làng để cho hết bồ nọ, bồ kia tìm đến, cày bừa, xáo xới, gây không ít tai tiếng, đến mức có mấy đứa con là "hạt giống", cũng không thể rõ là con của ai? Đành đợi vụ mùa thu hoạch xong, cũng là thời gian sàng lọc, mới hay mọi sự, mới tỏ mọi nhẽ, mới rõ mọi đàng...


Tìm về ngôi nhà nhỏ- nơi chị gắn bó cả quãng đời thơ ấu, mới thấy hết những điều chị kể. Thiên nhiên quả là ưu ái cho thôn Bồng Lạng - quê chị- một diện tích chỉ vẻn vẹn 1,1km2 nằm gọn lỏn giữa núi và sông, phía Tây là núi đá vôi, phía Đông là núi đất sét, dọc núi đá và núi đất là con sông Đáy hiền hoà chảy qua, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên môi trường đẹp đẽ, cũng là nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, vô cùng thuận lợi cho việc khai thác xi măng.


Cũng chính vì nhận ra lợi ích trước mắt này mà những kẻ thực dụng đã bất kể cảnh êm thấm, yên bình từ nghìn đời của người dân nơi đây để nhảy vào khai thác, bằng cách xây dựng liên tiếp 4 nhà máy xi măng, bỏ qua mọi hiểm hoạ rình rập và làm đảo lộn cuộc sống của 800 hộ gia đình( 3.000 nhân khẩu), trong đó chiếm 2/3 là phụ nữ trẻ em, người già cả.



Đầu tiên là Xi măng Hoàng Long, khởi công xây dựng từ 2003, với giá đền bù rẻ như bèo (7,5 triệu /sào -360 m2) kèm bao lời hứa hẹn ồn ào. Nào sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho chính những người trong độ tuổi lao động ở trong thôn, đào tạo họ từ nông dân thành công nhân thời đại khoa học kỹ thuật. Nào đảm bảo sự thu nhập của các gia đình tự nguyện bán ruộng, giao nộp mặt bằng cho nhà máy. Nào sẽ cộng tác và hỗ trợ tích cực cùng địa phương, nhằm góp phần biến đổi bộ mặt của thôn Bồng Lạng từ thôn quê hẻo lánh thành đô thị nhộn nhịp v.v… và v.v…


Hơn 50 ha đất trong tổng số 450 ha quỹ đất của làng bị cái lưỡi của công nghiệp Hoàng Long nuốt gọn, không những không gây ra điều tiếng gì mà còn giúp bà con nuôi một hy vọng ảo về một sự đổi mới tư duy của đảng, sự đổi đời thoát kiếp của bản thân, không phải nông dân chân lấm tay bùn, sống phụ thuộc vào thiên nhiên, nay nóng mai lạnh, sớm nắng, chiều mưa nữa mà là thu nhập ổn định trong nhà máy xí nghiệp, trong cơ chế thị trường.



Trên cở sở thu hồi đất một cách qúa ư dễ dàng đó, 3 nhà máy khác gồm xi măng Thanh Liêm, Xi măng Tràng An, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và hóa chất tiếp tục vào cuộc liếm hết 300 ha đất trên tổng số 450 ha đất của làng.
Đến lúc này sau gần 5 năm bị mất đất vô cớ, trong khi cả làng vạ vật không công ăn việc làm, con cái có nguy cơ bị đuổi khỏi trường học vì bố mẹ không đủ tiền đóng góp, song công ty xây dựng, phát triển và đầu tư Xuân Thành vẫn ngang nhiên nhảy vào chiếm đất như lũ đàn anh ích kỷ, hẹp bụng trước đó, người dân trong thôn mới bừng tỉnh trước một hiểm hoạ nhỡn tiền.

2/ Tiếng nói người dân:
Ông Đinh Xuân Hải, chi hội trưởng Chi hội Nông dân( tổ 3) cho biết: Trước đây, thôn có 450 mẫu đất canh tác. Sau khi các dự án của 4 nhà máy xi măng và chế biến thức ăn gia súc đổ bộ vào, số đất này chỉ còn lại 166 mẫu. Nếu như Công ty Xuân Thành cố tình triển khai dự án, biến dự án thành dự...ớn, đồng nghĩa với việc trải oan khiên lên đầu 3.000 người dân chúng tôi, vì ngoài khói bụi xi măng, chất thải và thán khí các loại, cùng tiếng ồn suốt ngày đêm chúng tôi còn gì để sống, lấy gì để ăn?


Ông Như Văn Thử, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND xã Thanh Nghị cho biết: Hết đất dân thôn Bồng Lạng chỉ còn một cách duy nhất...bồng bế nhau đi lên tận trung ương mà ăn mày lòng tốt của thiên hạ, hay lãnh đạo đảng và nhà nước. Cứ cho rằng cả 5 nhà máy đều có chế độ tuyển dụng như lời cam kết khi cắm mốc xây dựng, giải phóng mặt bằng, thì chỉ những lao động trong độ tuổi 20 - 25 còn có cơ may được tuyển dụng, còn số lao động quá tuổi như chúng tôi biết làm gì để khỏi bị chết đói đây?


Bà Nguyễn Thị Phương, bày tỏ đầy bức xúc:
Cả nhà tôi có 6 nhân khẩu, chỉ có 18m2 đất sản xuất nông nghiệp và nhiều gia đình khác trong thôn cũng chẳng hơn gì. Nếu Nhà máy xi măng Xuân Thành cứ cố tình làm thì 18m2 đất của gia đình tôi cũng biến thành bụi khói xi măng nốt... thật trần đời chưa có bao giờ lại khốn khổ, khốn nạn như lúc này. Cứ bảo dân bất ly hương, sao ông đảng và chính phủ Việt Nam lại chỉ đạo cho người lấy hết đất của chúng tôi để chúng tôi thành...ắt ly hương? già rồi chỉ có hai bàn tay trắng, mà còn phải tha phương cầu thực ở quê người, làm sao chúng tôi sống nổi, mất đất rồi thì tương lai con cái chúng tôi sẽ ra sao?


Ông Lê Minh Tài chán ngán:
Cứ bảo nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", vậy mà chúng tôi kêu gào cả 5,7 năm nay nhưng xã, huyện, tỉnh có ai thèm nghe đâu? Chúng tôi mất đất thì cứ mất mà nhà máy làm thì cứ làm, sống chết mặc dân, còn tiền lãi lờ thì lãnh đạo nhà máy hưởng, lãnh đạo tỉnh, huyện được chia phần, chỉ chết cái thằng thấp cổ bé họng chúng tôi : Kêu trời thì trời cao, kêu đất thì đất dày, kêu lãnh đạo thì từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương, mặt họ còn dày hơn... đất thó.


Qua tìm hiểu, gia đình ông thuộc diện phải giải toả phục vụ dự án xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành. Ngoài số đất canh tác 3 vụ lúa, khoai, lạc ra, gia đình ông còn có đất khai hoang từ năm 1960 để trồng cây lâu năm. Nhưng số đất có bề dày 40 năm tuổi thọ này lại không hề được tính trong bảng áp giá đền bù, dù chỉ là với cái giá...chết đói: 7,5 triệu/sào. Khi ông xót của thắc mắc, bị phó trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Thanh Liêm Lê Hồng Sơn gắt:
Đất này không hợp pháp, đất đai là sở hữu của nhà nước, của địa phương, sao ông dám tự tiện khai hoang, bỏ qua cho ông băm mươi mấy năm trời là may mắn qúa rồi , giờ nhà nước cần trưng thu để làm công trình lớn, phục vụ nhu cầu dân sinh thì lấy lại chứ sao?


Không đúng, tại sao nhiều vật liệu kiến trúc không được ghi trong bảng giá, thậm chí còn bị trừ 20% số tiền ? Chả lẽ vật liệu này do chúng tôi bỏ tiền túi ra mua cũng là của nhà nước sao?
Vớ vẩn, nhiều vật kiến trúc không được đền bù là do...chưa có “cơ chế giá”chứ sao(?!)”Còn bị trừ 20% số tiền là do số lượng vượt mức so với khi lập bảng giá, thế thôi?


Bị trừ đầu trừ đuôi, trên cơ sở cả lừa đảo lẫn ăn cướp, đàn ông Bồng Lạng chỉ còn nước tự di dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình vào tận phía Nam mưu sinh kiếm sống, bỏ lại vợ con, bố mẹ già, cắt đặt thay phiên nhau, vài năm giành dụm đủ tiền mới dạt về quê một lần, mặt bủng, môi chì vì cuộc vật lộn mưu sinh khốn khó nơi chân trời lạ.
Số còn lại, kiên quyết bám trụ, bám đất bằng cách gửi đơn khiếu nại, khiếu tố vượt cấp, lại bị coi là "chống lại các chủ chương chính sách tốt đẹp của đảng và nhà nước", vì vậy, dân không chịu đảng thì đảng phải trị dân, kết quả kẻ có tiền, quyền kê được chỗ đứng giữa lòng đảng thì lộng hành công khai, còn người dân không quyền hành, tiền bạc bị dồn tới nước chết...

3/ Buồi sáng kinh hoàng.

Ngồi trong căn nhà nhỏ của chị Hoà, đối diện với con sông Đáy lững lờ chảy, chúng tôi đang trò chuyện cùng người cha già 86 tuổi của chị thì có tiếng lao xao ngoài cửa, hoá ra thấy chiếc xe đỗ ngay cạnh nhà, biết tin chị về, họ hàng làng nước kéo đến chơi. Chưa qua được cơn chấn thương tinh thần do công ty Xuân Thành đưa lại, người nào người nấy bừng bừng phấn kích:
Chưa khi nào người dân chúng tôi gặp cảnh kinh khiếp hãi hùng đến thế, bà Nguyễn thị Dậu 75 tuổi, bần thần kể lại:
Hôm ấy là sáng 16-12-2008, tôi vừa trở dạy, đang lúi húi cơm nước dọn dẹp trong nhà ngoài sân thì nghe tiếng con tôi hốt hoảng thông báo:
U ơi, công an bắt chị Nhan rồi, cả 18 người của công ty Đại Xuân nữa.


Không tin vào tai, vào mắt mình, tôi lật đật chạy lên nhà con trai, con dâu thì thấy khắp đường làng ngõ xóm, khắp trong rừng, trong núi, công an vây kín...dễ có đến 500 người, người nào người ấy nanh ác, dữ tợn, tay cầm dùi cui điện, dùi cui gỗ, tay che kính chắn ghi rõ 4 chữ CSCĐ(Cảnh sát cơ động). Chưa kể vòi rồng phun nước, bình xịt hơi cay...phía sau lù lù xe chở tù, chở họ...cả đoàn xe không dưới 20 cái
Biết con trai và cháu nội không có nhà, chỉ còn một mình con dâu, tôi cố kiết đi bằng được đến chỗ nó để xem xét tình hình... Vậy mà nhất định họ không cho tôi đi, họ cản tôi lại, đầy lạnh lùng, thô bạo:
Bà ơi, bà về đi, đây là nơi cơ quan an ninh đang làm việc!
Mặc! Tôi nguẩy ra khỏi sự lôi kéo, ngăn cản của họ, tiến lên:- Tôi phải gặp bằng được con tôi, chúng nó có tội tình gì mà các ông bắt bớ đánh đập dã man thế, các ông có phải con người không?


Cuối cùng, sau bao nhiêu liều lĩnh, cố gắng, tôi cũng tiến về được phía chiếc xe tù, nơi con dâu tôi bị tống lên đó. Đập mạnh vào cánh cửa xe, tôi gào lên:
Thả con tôi ra, bớ làng nước, tôi là mẹ chồng của nó đây, chồng con nó đi vắng, có gì cũng phải thông báo cho gia đình chúng tôi một tiếng chứ, tự nhiên không đâu lại kéo quân bắt người vô tội à?
Chị ấy chống người thừa hành công vụ.


Chống ai, ai chống, lấy gì mà chống, nó thân cô, thế cô, liễu yếu đào tơ, sức vóc học trò, lấy tay không chống lại vũ khí dã man hiện đại của các ông à?
Mặc cho tôi đứng phía dưới đập nát tay vào cánh cửa xe tù, chúng không hề mảy may rung động , những bộ mặt lạnh tanh máu cá, mất hết cả tính người, nên bao nhiêu tiếng gào thét, kêu cầu, nài xin, phẫn nộ của người mẹ già cả đều không ảnh hưởng tới trái tim thú của chúng nó, một bầy súc vật đi hai chân, nói tiếng người, đánh đập người vô tội...


Bên cạnh tôi là đám người làng xanh xám, người lên tiếng phản đối việc làm ác độc của chính quyền huyện, tỉnh, người bày tỏ sự cảm thông đau xót với con dâu tôi và 18 người vừa bị bắt của công ty Đại Xuân :
Khiếp qúa, chúng nó xộc vào dùng dùi cui điện đánh phủ đầu anh em nhà chị Nhan, sau đó ông Chất, công an tỉnh, ra lệnh:"
Vào trong, bắt nốt con kia ra, nhanh lên!" Thế là nó lao vào, lôi xềnh xệch chị ấy ra, không cho chị ấy được mở miệng thanh minh lấy một tiếng...Sợ chị ấy kêu gọi, nhắn nhủ đám anh em công nhân dưới quyền hay sao mà chúng nó, đứa tốc áo chị, đứa dúi dùi cui điện vào người, làm chị ấy bị điện giật co rúm người lại, đái vãi cả ra quần, rồi ngất lịm

Tôi tối tăm mặt mũi, chưa kịp bày tỏ gì , thì bà con dân làng đã kể tiếp:
Cái con Lò Thế Giang, công an ấy, ác qúa bà ạ, nó dúi dùi cui vào miệng cái Nhàn, làm con bé ngất sỉu, gẫy hai cái răng cửa, máu trào ra, cả chú lái xe cho công ty Đại Xuân cũng bị chúng đánh, ngã dúi ngã dụi, rồi cả bọn xông vào tống lên xe tù...Giờ chắc cả chị Nhan, cô Ngà chết ngất rồi, chẳng nghe thấy tiếng bà gào đâu


Chị Hoàng thị Huệ, hội viên hội phụ nữ, ngồi bên cạnh bà Dậu, bàng hoàng kể:
Từ ngày rời vú mẹ, chập chững biết đi đến bây giờ, hơn 40 tuổi đầu, em mới chứng kiến cái cảnh hãi hùng, công an đánh người làng mình như thế: Chị Nhan giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Xuân bị chúng nó dùng cui gỗ, đánh thục mạng vào đầu gối, chưa đủ, còn dí dùi cui điện vào người vào lưng, co rúm người lại, ngất xỉu, thế là chúng nó, xốc nách chị lôi ra xe tù ấn vào ca bin...Lôi mạnh đến nỗi lật hết cả quần áo chị ấy ra, hở cả khoảng lưng tím bầm vì bị dùi cui nện
Nhưng lý do tại sao, tôi ngơ ngác hỏi: Chị Nhan làm sao? Sao lại bị bắt?
Chị ấy là doanh nghiệp trẻ có tiếng của thôn, người tạo công ăn việc làm cho cả làng trong suốt 20 năm trời nay, cũng là người đứng đơn phản đối không đồng ý cho công ty xy măng Xuân Thành đổ bộ vào thôn cướp nốt mảnh đất ba vụ cuối cùng của dân làng
Thì ra là cá lớn nuốt cá bé, tôi cay đắng nghĩ!


Ngồi uống rựơu cùng chú lái xe, anh Nguyễn văn Tiến, em rể chị Hoà, lên tiếng xác nhận:
Ba cái nhà máy xi măng Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An ngoạm 80% đất làng rồi, giờ công ty Xuân Thành nhảy vào nữa thì coi như dân nhẵn như chùi, chẳng còn tí đất cắm dùi...Trong khi quyền lợi của người dân thì chẳng thấy đâu? Ba công ty hứa hẹn nhận 650 người làng vào làm việc trong nhà máy, cuối cùng cả vài năm nay rồi, tất cả chỉ được 50 đứa làm bảo vệ, lương 500.000/ tháng. Qúa là ngửa tay xin việc, ngửa váy hứng dừa, hứng cả ngày giời mà dừa rơi đâu hết. Tiền công không đủ để ăn sáng, nói gì đến khẩu phần vợ, con? Vì thế, đến lần qúa tam...năm bận này, dân làng hội họp, bàn bạc rồi ra quyết định tẩy chay Xuân Thành, không bán đất với giá rẻ, bàn giao mặt bằng cho họ nữa. Ba keo mèo mở mắt rồi, gầy còm xơ xác lắm rồi, một cái lưỡi mèo không đủ để cho 4 anh em họ hàng nhà xi măng cùng xâu xé nữa...Thế là có chuyện




Nghĩa là chúng nghi chị Nhan cùng hai bên gia đình nội ngoại có mặt trong công ty, đứng đầu phong trào phản kháng tẩy chay này, nên mua chuộc lãnh đạo tỉnh, ký giấy thuê giám đốc công an tỉnh, điều động 500 quân nhảy vào cưỡng chế, để dằn mặt Đại Xuân, dằn mặt dân làng, cắm mốc bằng được phải không? Tôi lờ mờ hiểu ra nút thắt bí ẩn của câu chuyện, hỏi lại bà con:
Không một chút e dè, sợ sệt, Huệ rắn rỏi đáp:
Đúng đấy chị ạ, công an cậy lệnh, cậy đông, lấy thịt đè người, bắt chị Nhan và 18 người, trong đó có 9 người là người của công ty Đại Xuân còn lại là người làng, chiếm đa phần là con thương binh, liệt sĩ, rồi nhốt họ vào giam tại trại Mễ, bắt họ phải nhận, phải khai tội "chống người thi hành công vụ", tội "lôi kéo người nhà, anh em công nhân trong công ty chống lại chính quyền", rồi lần lượt thả về, còn chị Nhan không chịu ký thì bị giam đúng một tháng hai ngày, ngất lên ngất xuống, cuối cùng chồng chị phải làm giấy bảo lãnh theo đúng ý họ, kèm bao nhiên tiền đút lót mới được tại ngoại chờ ngày xét xử:


Xe tù chở chị Nhan và 18 người đem về trại Mễ ( thị xã Phủ Lý , tỉnh Hà Nam) giam giữ
Trời đất, thời này là thời nào mà chúng cố tình đổi trắng, thay đen thế, lại còn đưa ra xử cơ à? Không biết lũ chúng nó- những kẻ coi miếng ăn hơn cả đạo lý, tình người sẽ trả lời công luận thế nào, nếu cố tình đưa ra ánh sáng ? Cho dù quan toà, viện kiểm sát và công an có cố tình toa rập chị, còn lòng dân đang phẫn nộ, làm sao chúng có thể bưng bít sự thật mãi được ? Cái kim trong bọc cũng lòi ra nữa là cả núi tội ác của lũ chúng nó giữa thanh thiên bạch nhật ?
4- Tìm gặp nhân chứng:
Trước mắt tôi là chị Nguyễn thị Nhan, cao, gầy, chân tay lều nghều như nhện, tiếng nói còn chưa tròn vành rõ tiếng - di chứng của cuộc tra tấn ngày 16-12 và 32 ngày nằm bệt, chết ngất trong tù.
Đầy bàng hoàng đau xót chị kể:


Tất cả với em vẫn như một cơn ác mộng, không hề có lệnh cưỡng chế, không thông báo qua điện thoại, bỗng dưng 5, 600 công an đổ bộ về làng, chặn ngõ, ngăn đường bằng cả dãy hàng raò sắt, rồi cứ thế đánh đập người nhà em, từ em dâu, em trai cho đến công nhân của em, 18 người tất cả, em là nạn nhân thứ 19, cũng là người phải chịu nhiều oan trái nhất
Chị có thể cho biết căn nguyên, lý do

Đang ngồi, chạm vào câu hỏi của tôi, chị giãy nảy như chạm phải sâu róm- Đến em cũng không biết vì sao mình lại bị đối xử thô bạo thế. Từ bé, em chưa bao giờ làm việc gì thất đức cả. 16 tuổi đi thanh niên xung phong, làm theo lời đảng gọi: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua", Trở về làng lấy chồng, cả hai vợ chồng đều bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, buôn từng con cá, lá rau ngoài chợ, rồi vào rừng kiếm củi, xuống đầm san lấp...khổ không để đâu cho hết, khổ đến mức chỉ dám đẻ một đứa, dù là con gái. Sau đó vay vốn ngân hàng....

Cả nhà, anh em bên chồng, bên vợ cùng dồn sức vào thành lập hợp tác xã khai thác đá rồi công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Xuân. Thuế nộp đủ, tiền vay ngân hàng trả đúng hạn, lương của 200 công nhân không hề thiếu một xu, cũng không để bất kỳ trường hợp nào gặp phải tai nạn đáng tiếc...Hiện hợp đồng khai thác đá 5 năm đã hết hạn từ mấy tháng rồi, riêng hợp đồng khai thác điện mới ký được một năm, đến giữa năm 2012 mới hết hạn, cho nên công ty vẫn tiếp tục sử dụng...


Chợt giọng chị trùng xuống, khuôn mặt cương nghị rắn rỏi ánh lên những nét bực bội, buồn phiền, chán nản: - Vậy mà không bồi thường, không thoả thuận, không giải thích, đơn phương chấm dứt hợp đồng, rồi kéo cả tiểu đoàn về cắt điện, cưỡng chế
Đưa mắt quan sát căn phòng làm việc của chị, mắt tôi vô tình vập vào tấm giấy xác nhận của uỷ ban nhân dân xã Thanh Nghị về việc chị đóng góp công đức cho chùa triền, tiền làm đường xá cho dân làng đi lại, tiền ủng hộ quỹ thiên tai bão lụt, quỹ vì người nghèo v.v...


Chưa kịp lên tiếng hỏi rõ hơn về lĩnh vực này, ngồi bên chị Hoàng thị Huệ đã cất tiếng:
Ở góc độ xã hội, chị Nhan là một cựu chiến binh, một doanh nghiệp trẻ , tạo việc làm cho hơn 200 lao động trong suốt 20 năm qua, được cả làng cả xã cả huyện Thanh Liêm biết đến, đặc biệt trong lĩnh vực từ thiện, nào tiền công đức cho đình chùa miếu mạo 17 triệu, tiền làm đường, rải gạch, rải đá san lấp chỗ trũng cho các cháu đi lại 20 triệu, rồi quỹ ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, quỹ ’vì người nghèo" v.v hết năm này sang năm khác, không biết bao nhiêu mà kể. Cánh chị em trong hội phụ nữ, hễ có khó khăn là chỉ biết tìm đến chị vì chị giàu lòng nhân ái, không bao giờ để cho họ phải về không, hay nài nỉ dài dòng, đặt mình vào mối quan hệ con người cầu xin con người. Ngày 15-12 -2008 chị vinh dự nhận giấy mời dự đại hội toàn quốc của các doanh nghiệp trẻ, diễn ra trong 4 ngày( từ 20 đến 24-12) thì sáng 16-12 chị bị bắt.


Trong tù họ đối xử với chị như thế nào? Có đánh đập gì không? Sao luật pháp Việt Nam lại cho phép bắt người dễ dàng thế nhỉ. Tôi hỏi, và không kiềm chế được lòng mình, những ý nghĩ tuôn trào nhảy nhót trong óc, ý nọ đuổi theo ý kia:
Bỗng dưng không đâu, ký lệnh điều quân xộc đến bắt 19 người vào tù, quả là luật rừng chứ đâu phải luật pháp? Bản thân chị là doanh nghiệp giỏi, thuộc diện vua biết mặt, chúa biết tên, coi việc cứu người -phúc đẳng hà sa làm trọng mà còn như thế, thử hỏi những người thấp cổ bé họng, dân ngu cu đen thì còn bị chà đạp, hà hiếp đến đâu?


Vô tình chạm đến nỗi đau chị kể:
Đến bây giờ em vẫn không thể nào có được giấc ngủ trọn vẹn, mệt qúa thiếp đi thì thôi, cứ mở mắt ra là bàng hoàng tự hỏi mình là người như thế nào? Sao bỗng dưng lại bị biến thành can phạm, bị tra tấn dã man, rồi phải vào ngồi tù, 31 ngày khổ ải nằm bẹp ngất lên ngất xuống vì bị đòn cân não, rồi phải mất tiền triệu để được chồng bảo lãnh chờ ngày ra toà, không lẽ pháp luật Việt Nam bây giờ suy đồi đến thế? Biến trắng thành đen, không thành có, đúng thành sai...
Đúng thế, tôi giảng giải :Luật nào cũng tồn tại trên cơ sở đạo đức. Nói chính xác hơn: đạo đức là nguốn sống của luật pháp. Vì thế luật pháp mà không có đạo đạo đức làm nền tảng, lẽ sống, thì luật ấy là luật rừng, cá lớn nuốt cá bé, lấy số đông đàn áp số ít, cậy vũ khí để trừng phạt người lương thiện, biến lương thiện thành tội phạm, còn kẻ có tiền thành quan toà, tước đoạt danh dự mạng sống của người tốt ? Xã hội như thế thì sự suy đồi đạo đức là việc nhỡn tiền chứ còn gì nữa, đâu có xứng đáng để tồn tại.


Chia tay tôi, chị bày tỏ:

Em đã đọc hết quyển "tố tụng hình sự" rồi, sẽ thuê luật sư để bảo vệ mình, để nhanh chóng lấy lại danh dự và tài sản đã mất. Dù thế nào thì em vẫn tin xã hội phải còn những người tốt, niềm oan khuất trái ngang của mình sẽ được làm sáng tỏ...


Vì thời gian có hạn, lượng thông tin thu nạp được trong một ngày đi thăm người già, người ốm, cũng đã đầy, tôi cùng chị Cao Thúy Hòa trở lại Hà Nội, lòng day dứt không nguôi về những chuyện đau lòng vừa phải chứng kiến ở một vùng quê qúa hiền lành nhu mì - như một cô gái xinh xắn, giữ nguyên chất hương rừng, gió núi nên đã bị lũ ác nhân, ích kỷ, lực điền cậy khoẻ, cậy đông, cậy sự thiếu hiểu biết của người dân đè đầu cưỡi cổ, gây bao thảm cảnh cho họ cũng là cho hai vợ chồng nhà doanh nghiệp trẻ cùng 18 người liên quan ... và tôi tự nhủ: Nhất định tôi sẽ trở lại vùng đất này, tìm gặp lại bà con, tìm gặp 18 người bị bắt và bị đánh cùng chị Nhan để xem bản chất của sự việc cưỡng chế, bắt người của công an tỉnh Hà Nam và uỷ ban tỉnh ra sao? Việc làm này có được lòng dân ủng hộ hay không? Tại sao Đảng và nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cứ gieo rắc tai hoạ cho dân theo kiểu: "cho dân và vì dân" mãi thế này?

Bồng Lạng 12-3-2009
Trần Khải Thanh Thủy
* Chùm ảnh do người dân Bồng Lạng cung cấp

(Theo Web Hội Quán Nhà Việt Nam)

Posted by Trần Khải Thanh Thủy at 10:24 PM


*

No comments:

Post a Comment