Pages

Monday, January 4, 2010

TRẦN BÌNH NAM * LỊCH SỬ BIỂN ĐÔNG


*
Lịch sử tranh chấp Biển Đông qua các thời đại

Trần Bình Nam



Tài liệu sau đây trích từ cuốn sách “Security and International Politics in the South China Sea” (Chính trị quốc tế và An ninh trong vùng Biển Đông) gồm nhiều bài viết do Sam Bateman & Ralf Emmers biên soạn và gồm nhiều tác giả. Mỗi tác giả đóng góp một mặt trong vấn đề “Chính trị quốc tế và An ninh trong vùng Biển Đông”.

Đề tài “Lịch sử tranh chấp Biển Đông qua các thời đại” tôi tóm lược sau đây do Geoffrey Till viết với nhan đề “The South China Sea dispute: An international history”.Tài liệu này trình bày sự tranh chấp Biển Đông dưới góc cạnh lịch sử và tác giả trích dẫn rất nhiều tài liệu. Trong khi lược thuật tôi ghi lại một số trích dẫn để những ai muốn nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về đề tài này có thể xử dụng. Tài liệu này nói giúp chúng ta một điều: Trong lịch sử dài và có khi mờ nhạt qua 6 thế kỷ từ khi Biển Đông lọt vào mắt xanh của thế giới, Việt Nam đã đặt một căn bản chủ quyền trên các hải đảo trong Biển Đông một cách vững chắc hơn bất cứ một quốc gia liên hệ nào khác trong đó có Trung quốc, Pháp, Anh, Nga, Hoa Kỳ …


Giáo sư Geoffrey Till là một chuyên viên nghành Nghiên Cứu Biển (Maritime Studies) tại đại học Tham mưu Liên quân và là thành viên trong Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng, một bộ phận của Nhóm Nghiên cứu Chiến tranh thuộc đại học King ở Luân Đôn (Professor Greoffrey Till is Professor of Maritime Studies at the Joint Services Command and Staff College and a member of the Defence Studies Department, part of the War Studies Group of King’s College London). Nhập đề: Sự tranh chấp tại Biển Đông (người Việt Nam gọi là Biển Đông, và thế giới quen gọi là South China Sea – Biển Nam Trung quốc - ) hiện nay cho thấy ý đồ của các quốc xa gần chung quanh, đặc biệt là Trung quốc. Trong khung cảnh hiện nay Trung quốc là một quốc gia có khả năng đóng góp vào sự ổn định thế giới hay đe dọa sự ổn định của thế giới. Và chính sách của Trung quốc đối với Biển Đông sẽ là một thước đo khá chính xác hướng hành động của Trung quốc trên cả hai lĩnh vực địa phương và quốc tế.


Trong đó vai trò mạnh yếu của hải quân Trung quốc là một yếu tố chủ yếu (Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea, London: Methuen, 1982 p.6). Năm 1995 Trung quốc chiếm mõm đá ngầm Mischief (Mischief Reef) là dấu hiệu rõ ràng và từng bước một Trung quốc muốn chứng tỏ mình là một thế lực địa phương (Felix K. Chang, “Beijing’s Reach in the South China Sea”, Orbis. Summer 1996, pp 353-374. Ivan Storey, “Creeping Assertiveness: China, the Philippines, and the South China Sea”, Contemporary Southeast Asia 21, 1, April 1999 pp 95-118).



Nhưng đồng thời, Trung quốc đề nghị một gỉải pháp dung hòa với các nước trong khu vực như không dùng vũ lực và cùng nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên có thể là một chỉ dẫn Trung quốc muốn tìm một giải pháp ổn thỏa tại địa phương trong khi chờ đợi. Và cung cách này cũng có thể là khuynh hướng giải quyết các tranh chấp quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa. Cuộc tranh chấp Biển Đông hiện nay có sắc thái một cuộc tranh chấp quốc tế. Khi quan hệ chiến lược giữa các quốc gia thay đổi cuộc tranh chấp thay đổi màu sắc và cường độ. Ngược lại cường độ tranh chấp cũng ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược giữa các nước với nhau. Cuộc tranh chấp Biển Đông trải qua 3 thời kỳ. Thời kỳ tiền hiện đại (premodern), thời kỳ hiện đại (modern) và thời kỳ hậu hiện đại (postmodern).


Thời kỳ tiền hiện đại là thời kỳ các quốc gia còn trong tình trạng nông nghiệp làm ra chỉ đủ sống và không có ảnh hưởng kinh tế lẫn nhau. Thời kỳ hiện đại là thời kỳ một số quốc gia tại Âu châu bắt đầu sản xuất kỹ nghệ, và thời kỳ hậu hiện đại là thời kỳ thế giới mở rộng biên cương hợp tác với nhau và lệ thuộc vào nhau do ảnh hưởng của tin học. Cuộc tranh chấp Biển Đông thay đổi hình dạng qua hai thời kỳ tiền hiện đại và hiện đại, và hình như đang biến chuyển qua một dạng tranh chấp mới trong thời hậu hiện đại. Thời kỳ tiền hiện đại: Từ nhiều thế kỷ trước người Trung quốc đã biết dùng đường biển băng qua Biển Đông để buôn bán với Ấn độ, Trung đông và một số nước tại Âu châu.



Người Trung quốc biết trên đường qua Biển Đông có hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa là những chướng ngại nguy hiểm cần phải tránh. Có bằng chứng cho thấy đoàn thuyền của đô đốc Zheng He đời nhà Minh đã ghé lại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng không có một dấu vết nào chứng tỏ ông ta muốn biến chúng thành đất của nhà Minh. Triều đình nhà Minh không xem các thương vụ này là quan trọng vì tuy nó có đóng góp vào sinh hoạt kinh tế Trung quốc, nhưng không thay đổi gì nhiều đến căn bản của nền kinh tế nông nghiệp của Trung quốc và không có ảnh hưởng gì đến chính sách của triều đình. Ngược lại, vào đầu thế kỷ thứ 15, nhà Minh thấy rằng biển cả là con đường du nhập những tư tưởng có hại cho ổn định quốc gia và làm cho quần chúng xao lãng việc bảo vệ lãnh thổ nên không mấy mặn nồng với biển, mặc dù đô đốc Zheng He trong 7 chuyến du hành nước ngoài trong thời gian từ 1405 đến 1433 đã mở rộng chân trời cho người Trung quốc.



Vì lẽ đó, khi Âu châu bắt đầu đặt chân vào Ấn Độ Dương vào cuối triều Minh, Trung quốc vẫn còn xa lạ với biển cả. Và khi ảnh hưởng của Tây phương xuất hiện trong Biển Đông thì không một quốc gia nào trong vùng kể cả Trung quốc và nhất là Việt Nam cận kề có tư thế đối chọi. Biển Đông biến thành một vùng biển bỏ ngỏ ai mạnh và muốn thì có thể chiếm lĩnh. Thực tế là vậy, nhưng không một quốc gia nào muốn chiếm lĩnh vì vào thời đại này không ai thấy có lợi gì để đầu tư tiền bạc và quân đội vào việc đó. Do đó có thể kết luận rằng trong thời kỳ tiền hiện đại không có sự tranh chấp về Biển Đông theo nghĩa tranh chấp hôm nay. Thời kỳ hiện đại: Thời kỳ hiện đại gồm nhiều giai đọan như (1) thời Âu châu (European period), (2) thời hậu Âu châu (post-European period), (3) thời Chiến tranh lạnh (Cold War period) và (4) thời hậu chiến tranh lạnh (post-Cold War period).


Thời kỳ hiện đại bắt đầu từ thế kỷ thứ 16 khi người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha và sau đó người Hòa Lan, người Pháp, người Anh đến. Tuy nhiên một phần do các nước Tây phương giành giựt ảnh hưởng lẫn nhau, một phần do phản ứng –tuy giới hạn - của các vua chúa trong vùng, nên đến đầu thế kỷ thứ 19 Anh, Pháp và Hòa Lan mới đặt chân vững chắc trong vùng Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ thứ 19 không một thế lực nào – Âu châu hay địa phương – có kế hoạch giành chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoại trừ năm 1816 vua Gia Long cho một đội thủy quân ra chiếm giữ Hoàng Sa một cách chính thức. Trong thời đại này các nước Tây phương xem Hoàng Sa và Trường sa là những chướng ngại hải hành cần tránh hơn là những hải đảo có lợi ích kinh tế và chiến lược. Cho nên năm 1921 khi chính phủ Trung hoa Dân quốc tuyên bố sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào đảo Hải Nam, Pháp không chính thức phản đối. (Stein Tennesson, “The South China Sea in the Age of European Decline”, Modern Asian Studies 40, 1 p.3) .


Lý do chính là vào thời điểm này phong trào chống thuộc địa bắt đầu bộc phát, ảnh hưởng kinh tế và quân sự của các nước đế quốc Âu châu đang suy giảm, trong khi tại Á châu Nhật Bản đang trở thành một lực lượng hùng mạnh. Năm 1895 Nhật chiếm Đài Loan, và mãi hơn 30 năm sau (1930) chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương mới dè dặt cho chiến hạm Malicieuse ra chiếm cứ Trường Sa với sự đồng ý miễn cưỡng của chính phủ Pháp. Và Pháp không tuyên bố ồn ào sự chiếm hữu Trường Sa vì ngại phản ứng của Nhật. Chính quyền Pháp ở Đông Dương cũng muốn xây một căn cứ tàu ngầm tại Cam Ranh để tăng thế lực trong Biển Đông, nhưng Paris không chấp thuận. Trước hành động của Pháp, Anh chỉ phản đối lấy lệ. Anh nghĩ Pháp đang làm một điều Anh cũng muốn làm là chận không cho Nhật Bản đặt chân vào Biển Đông. Sau này Trung quốc nói chính phủ Trung hoa Dân quốc có phản đối nhưng không có một bằng chứng hay văn kiện nào chứng minh. Nhật là nước phản đối Pháp mạnh mẽ nhất bằng lời và bằng hành động.

Năm 1937 Anh phát giác rằng hải quân Nhật đã thiết lập một căn cứ tàu ngầm tại đảo Itu Abu trong quần đảo Trường Sa. Điểm nổi bật trong tòan bộ bức tranh là dù kèn cựa nhau ba nước Anh, Pháp và Trung quốc không nước nào quyết định đầu tư vốn liếng và sức mạnh quân sự để chiếm lĩnh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoại trừ Nhật. Lúc này Pháp và Anh quan tâm nhiều đến Âu châu và Địa Trung Hải với viễn ảnh chiến tranh với Đức nên chính sách chung là không đụng chạm với Nhật tại Á châu.


Phần Nhật tuy còn bận tâm với Trung quốc và lo ngại phản ứng của Nga Sô và Hoa Kỳ, mặt khác chương trình Đại Đông Á của Nhật chưa lên kế hoạch một cách hoàn chỉnh Nhật cũng không bỏ lỡ cơ hội (Anh và Pháp đang bận tâm tại Âu châu) thực hiện một số hành động dò dẫm. Sau khi thiết lập căn cứ tàu ngầm tại đảo Itu Abu, tháng Hai năm 1939 Nhật chiếm đảo Hải Nam của Trung quốc, tháng Ba chiếm Trường Sa, và tháng Tư tuyên bố toàn bộ đảo Prata, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Nhật. Anh phản đối nhưng tránh đụng chạm vũ lực với Nhật. Anh cho rằng, Pháp (đang là chủ nhân của Đông Dương) mới là nước đáng lên tiếng phản đối hay dùng vũ lực nếu cần.


Hơn nữa Anh cho rằng Nhật sẽ không dám đụng chạm đến quyền lợi của Anh tại Á châu nếu Anh chưa thua tại Âu châu. Với quan niệm chiến lược đó ngay cả Singapore Anh cũng không tăng cường bảo vệ chưa nói gì đến Hòang Sa và Trường Sa. Mùa hè năm 1940 sau khi Hitler chiếm nước Pháp, một chính phủ Pháp thân Đức lấy thành phố Vichy ở miền nam nước Pháp làm trung tâm hành chánh (gọi là chính phủ Vichy) và chính quyền Pháp ở Đông Dương đặt mình dưới sự lãnh đạo của chính phủ Vichy. Ưu tiên của chính quyền Pháp ở Đông Dương là tồn tại để làm chủ lực xây dựng Pháp sau khi chiến tranh chấm dứt, và do đó thỏa hiệp với Nhật tại Đông Dương (TBN: sự thỏa hiệp này là tự nhiên vì Đức, Nhật, Ý đã liên minh với nhau). Sau trận Trân Châu Cảng tháng 12/1941 Nhật chiến thắng khắp nơi trên đất liền và kiểm soát Thái Bình Dương, nhưng Nhật vẫn nhường cho Pháp cai trị Đông Dương (TBN: như một tiện lợi chiến thuật).


Tại Biển Đông cũng như tại Đông Dương Nhật có quyền xử dụng bất cứ hải đảo hay căn cứ nào. Tình trạng này kéo dài cho đến đầu năm 1945 thế của Nhật yếu dần trước cuộc phản công của Anh và Mỹ. Tháng Giêng năm 1946 đô đốc William Halsey đưa một hải đội đến tảo thanh các lực lượng hải quân Pháp và Nhật trong Biển Đông để yểm trợ cho cuộc đổ bộ của tướng MacArthur lên vịnh Lingayan ở Phi Luật Tân, đồng thời phá hủy căn cứ Cam Ranh không cho Nhật xử dụng. Lo ngại Pháp sẽ ngả về phía Mỹ, đêm 9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp và trực tiếp nắm quyền hành chánh tại Đông Dương. Biển Đông lúc này ở trong tay của Hoa Kỳ cho thấy rằng sự kiểm soát Biển Đông lệ thuộc vào tình hình quân sự trên đất liền, tại các đảo xa xôi trên Thái Bình Dương, tại Trung quốc cũng như tại Miến Điện chứ không do những tranh chấp quân sự trực tiếp trên Biển Đông. Thời kỳ hậu Âu châu: Một năm sau khi Nhật đầu hàng, Trung quốc và Pháp bắt đầu kèn cựa về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ưu tiên trước nhất là xóa bỏ chủ quyền của phe bại trận Nhật Bản, và điều này được thực hiện bởi Hiệp ước San Francisco tháng 9/1951.


Nhưng Hiệp ước San Francisco cũng như một Hiệp ước riêng rẽ Nhật ký với chính quyền Trung hoa Dân quốc (KMT) tháng 4/1952 gạt Nhật Bản ra khỏi bàn cờ Biển Đông không xác định rõ nước nào có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 1/1947 Trung hoa Dân quốc chiếm đảo Woody. Pháp, dựa vào Hoa Kỳ đã trở lại Đông Dương, phản ứng bằng cách gởi chiến hạm Tonkinois ra định gây sự, nhưng sau đó hai bên dàn xếp và Pháp để yên cho Trung quốc chiếm Woody. Tuy nhiên chính quyền Việt/Pháp tại Việt Nam vẫn tìm cách hiện diện tại những hòn đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa dựa vào chủ quyền vua Gia Long đã xác định năm 1816. Tuy nhiên do cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập tại Việt Nam, và sau Hiệp Định Geneva 1954, Việt Nam bị chia đôi thành hai nước qua vĩ tuyến 17 nên vấn đề chủ quyền các hải đảo trên Biển Đông không ai có thì giờ đặt ra một cách rốt ráo, ngoại trừ tại Hoàng Sa Người Pháp đã thiết lập một trạm khí tượng thu thập dữ kiện thời tiết, và sau này các chính quyền miền Nam do tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục duy trì sau khi người Pháp rời khỏi Đông Dương để chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam. Cho đến ngày 19/1/1974 Trung quốc dùng sức mạnh đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa.


Về phía người Tàu, sau khi chính quyền Koumingtang thua Mao chạy ra đảo Đài Loan (1949), tháng 5/1950 Tưởng giới Thạch rút quân ra khỏi Woody (trong Hoàng Sa), và Itu Aba (trong Trường Sa – do Nhật bại trận bỏ lại). Mao hài lòng thấy sự rút lui này nhưng không có động thái nào, cho đến tháng 12/1955 mới chiếm đảo Woody và 30 năm sau (1988) mới lấn chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Phi Luật Tân là nước kế tiếp nhảy vào cuộc chơi Biển Đông. Lúc đầu chỉ là việc riêng của anh em nhà họ Cloma chiếm một số hải đảo nhỏ nằm giữa Trường Sa và Phi lập một đất tự do gọi là “Freedomland”. Đương nhiên cá nhân không có quyền chiếm hữu hải đảo, nhưng cho đến năm 1971 chính phủ Phi cũng còn do dự chưa biết phải hành xử thế nào đối với Freedomland. Tuy nhiên sự việc này tạo ra sự chú ý đối với Biển Đông và thúc đẩy các nước chung quanh hành động.


Tháng 6/1956 chính phủ Đài Loan chiếm lại đảo Ibu Aba. Đồng thời chính quyền Nam Việt Nam và Trung quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi Trung quốc chiếm Hoàng Sa (tháng 1/1974) các nước Indonesia, Mã Lai Á và Brunei lo ngại Trung quốc lấy đà lấn tới cũng nhập cuộc tuyên bố chủ quyền đối với các hải đảo cận kề. Thực tế, thập niên 1980 là thập niên chứng kiến nhiều sự đòi hỏi và tranh chấp trong Biển Đông. Thời kỳ Chiến tranh lạnh: Vào giữa thập niên 1950 khi cuộc chiến Triều Tiên chấm dứt và chiến tranh quốc – cộng giữa miền Bắc và miền Nam tại Việt Nam bắt đầu, ảnh hưởng của Anh, Pháp, Hòa Lan tại Á châu phai mờ dần. Vùng Tây Thái Bình Dương và Biển Đông trở thành nguyên nhân tranh chấp giữa khối Cộng Á châu với các nước Tây phương, nổi bật nhất là Hoa Kỳ. Đối với người Pháp nếu Hà Nội thắng thì các quần đảo trên Biển Đông sẽ rơi vào tay khối cộng sản. Trong khi đó Hoa Kỳ quan tâm đến việc bảo vệ Đài loan trước ý đồ lấn chiếm của Mao. Với sự hiện diện thường trực của hạm đội 7 trong vùng Biển Đông do nhu cầu chiến tranh Việt Nam, Trung quốc không thể mơ tưởng việc đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.


Hơn nữa Mao còn đang bận thanh toán nội bộ với cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Riêng Hà Nội, một phần bận tâm với cuộc chiến tranh Bắc Nam, một phần đang cần sự trợ giúp tiền của và vật liệu chiến tranh của Trung quốc nên cũng không ở tư thế kèn cựa với Trung quốc dù cho Trung quốc có đòi hỏi gì tại Biển Đông (TBN: tình trạng này dẫn đến Công hàm ngày 14/9/1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng gây nhiều tranh cãi).


Sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung quốc giảm bớt trong vùng, vấn đề Biển Đông bỗng trở nên sôi nổi giữa Việt Nam, Trung quốc và Nga Sô. Anh, Pháp và Hoa Kỳ im lặng quan sát chờ đợi xem tình hình ngả ngủ ra sao đã trước khi có thái độ. Tháng Hai năm 1979 khi Trung quốc tấn công qua biên giới phía Bắc Việt Nam, hạm đội Nga đã có mặt trong Vinh Bắc Việt để phòng ngừa một cuộc đổ bộ của Trung quốc vào miền trung Việt Nam (Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea, London: Methuen, 1982 p.149). Sau đó Việt Nam ký giao kèo cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh 24 năm. Vào cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nga sô có nhiều vấn đề nội bộ nên Trung quốc bớt lo về cuộc tranh chấp biên giới với Nga. Mặt khác, quan hệ với Hoa Kỳ trở nên tốt đẹp hơn, nên Trung quốc bắt đầu quan tâm đến vấn đề tranh giành Biển Đông với Việt Nam (quốc gia hay cộng sản), nhất là từ năm 1975 sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản. Sau trận hải chiến chiếm Hoàng Sa tháng 1/1974 là cuộc đụng độ tại Trường Sa năm 1988-1989, và tháng Hai năm 1992 Trung quốc công bố Luật Lãnh Hải (Territorial Water Law). Thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh: Sau Chiến tranh lạnh, sự tranh chấp trên Biển Đông trở thành một vấn đề địa phương, và đã tạo ra nhiều ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế.


Năm 1988 Hải quân Trung quốc chiếm bãi đá ngầm Johnson Reef của Việt Nam. Năm 1994 quan hệ Trung quốc và Việt Nam căng thẳng do bất đồng về việc khai thác dầu khí và một vài bất đồng khác trên biên giới mặc dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1992. Tháng Hai năm 1995 Trung quốc chiếm thêm bãi đá ngầm Mischief Reef. Trước các hành động này, Nhật Bản lo ngại. Giáo sư Masashi Nishara, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật tại Tokyo nói: “Biển Đông là con đường giao thông huyết mạch của chúng tôi, không chỉ với Đông Nam á mà cả với Trung đông và Âu châu.


Nền kinh tế của chúng tôi dính liền với sự giao thông này.” (“Oil Drives Territorial Dispute in South China Sea”, International Herald Tribunes, 4/24/1995. Và “Creeping Irredentitism in the Spratly Islands”, London: The International Institute for Strategic Studies, March 1995, Strategic Comments). Sự lo ngại của Nhật Bản chính đáng vì các hành động của Trung quốc vi phạm nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông qua thỏa ước về “nguyên tắc ứng xử” năm 1992.


Tuy nhiên, sau các lấn chiếm này đối với Việt Nam, Trung quốc dùng phương pháp thương thuyết tay đôi với từng nước trong Hiệp Hội Asean, xác định lại thái độ không dùng vũ lực, trước hết là đối với Phi Luật Tân (TBN: đây là phương án bàn tay sắt bọc nhung và chia để trị của Trung quốc) Trong bối cảnh đó, trong thập niên 1990 Biển Đông ít thấy dậy sóng và hình như các nước trong vùng dò dẫm một công thức ôn hòa để giải quyết các tranh chấp. Hoa Kỳ ngồi yên quan sát, tin rằng với hạm đội 7 tại chỗ Hoa Kỳ vẫn còn thế để hành động khi cần thiết.


Những lý do của cuộc tranh chấp Biển Đông trong thời hiện đại: Như đã được trình bày, trước thập niên 1970, không quốc gia nào cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là quan trọng để đầu tư, xây cất và thiết lập một sự hiện diện chủ quyền dứt khoát nên chủ quyền hai quần đảo này vẫn còn được tranh cãi. Bước vào thập niên 1970 khi Hoa Kỳ sửa soạn rút quân ra khỏi Việt Nam, thế chiến lược tại Tây Thái Bình Dương thay đổi, và do đó thái độ của Trung quốc đối với Biển Đông thay đổi một cách căn bản. Trung quốc xem chủ quyền của mình trong Biển Đông không phải chỉ là một vấn đề liên quan đến căn cứ và kinh tế mà còn là một vấn đề uy tín. Vị trí chiến lược và kinh tế đều quan trọng như nhau.


Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam không ai nghĩ đến chuyện khai thác dầu trong vùng Tây Trường Sa vì sự hiện diện của hạm đội 7. Nhưng sau chiến tranh vắng bóng hạm đội Mỹ vấn đề ai có thể khai thác dầu trong vùng biển đó trở thành lý do tranh chấp [Paul McDonald “Scrambling for Oil in Asia”. The World Today (October 1992), pp 174-175; Chang Pao-Min, “A New Scramble for the South China Sea islands”, Comtemporary Southeast Asia 12,1 (June 1990) pp 20-39]. Rõ nét nhất là giữa Việt Nam và Trung quốc . Tiềm năng kinh tế của Hoàng Sa và Trường Sa: Trong quá khứ các nước chung quanh không tranh chấp nhau một cách mãnh liệt vì chưa thấy giá trị kinh tế của hai quần đảo, ngoài giá trị về ngư nghiệp là vùng nước ấm có nhiều cá, nước nào có khả năng bao nhiêu thì đánh bấy nhiêu. Ngư dân tự do ghé hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bắt rùa và gặt hái hoa quả thiên nhiên mọc ở đó như dừa, breadfruit (một thứ trái cây nhiệt đới ăn được), đu đủ, thơm, chuối, nhựa cây trên một số đảo có điều kiện thích hợp. Ngoài ra còn có phân chim.

Tuy nhiên các nguồn lợi này không đáng kể, và chính quyền các nước trong vùng chưa để tâm đến Biển Đông một cách thích đáng. Nhưng sau khi Luật Biển được Liên hiệp quốc ban hành (1982) xác định rõ vùng đặt quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone) 200 hải lý cách bờ của mỗi nước thì sự đánh cá không còn tự do như trước, kéo theo sự đụng chạm giữa ngư dân các nước buộc nhà cầm quyền phải quan tâm. Nhưng nếu quốc gia chưa quan tâm, một số cá nhân mạo hiểm đã dò dẫm vùng Biển Đông từ đầu thế kỷ 20. Năm 1907 ông Nishizawa Yoshiji người Nhật chiếm đảo Prata. Giữa thập niên 1950 anh em nhà họ Cloma người Phi Luật Tân chiếm một số hải đảo bỏ hoang và thiết lập tại đó một trung tâm đánh cá gọi là Freedomland (For the Cloma brothers’ role in all this, see Samuels pp 81-84). Trong khi đó ngư dân Trung quốc tại Hải Nam dùng thuyền lớn chạy xa đánh cá trong vùng Biển Đông và thiết lập nhiều khu tạm trú tại các hải đảo. Sự việc này kéo quốc gia liên hệ dính líu vào.


Và khi giá trị kinh tế của các hải đảo được xác định, cuộc tranh giành trở nên có tầm vóc quốc gia, nhất là từ thập niên 1960 sau khi các khám phá cho thấy vùng Biển Đông cũng là vùng giàu dầu hỏa. Giá trị chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa: Giáo sư Alfred Mahan, một sĩ quan hải quân kiêm chiến lược gia Hoa Kỳ từng nói: “Hải lực gồm một hải quân và một đội thương thuyền. Và muốn duy trì một hạm đội mạnh cần phải có căn cứ để hạm đội neo và tiếp vận”. Hơn một thế kỷ trước các vua chúa Việt Nam (khi đó còn mang tên Đại Việt) đã nhìn thấy vấn đề đó và tuyên bố giành quyền làm chủ quần đảo Hoàng Sa, cho rằng Hoàng Sa là giới hạn biển của Việt Nam (Samuels, p.44). Trong ý nghĩa của thuyết Mahan, Hoàng Sa và Trường Sa là những cứ điểm neo và tiếp vận tốt cho hải quân và cùng với cảng Cam Ranh của Việt Nam là những chốt giúp kiểm soát đường biển vào Ấn Độ Dương. Cam Ranh có một ví trí thiên nhiên đặc biệt của nó, chỉ nằm cách đường hải hành từ eo biển Malacca lên bắc Thái Bình Dương 50km.


Năm 1905 trên đường từ biển Baltic qua Á châu, hạm đội Nga Hoàng do đô đốc Rozhdestvensky chỉ huy đã mượn Cam Ranh của Pháp để nghỉ ngơi. Và năm 1979, sau khi Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, Nga Sô đã bí mật trở lại Cam Ranh. Vì lợi ích chiến lược, trong Thế chiến 2 Nhật đã cho xây căn cứ tàu ngầm tại đảo Itu Aba trong Trường Sa, và vào năm 1990 Trung quốc cũng như Việt Nam đua nhau xây dựng phi trường, cầu tàu và đồn trại cho quân đội trên một số đảo. Sau khi Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, một nhà báo Trung quốc biện minh cho hành động của Trung quốc viết: “Biển Đông nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một vùng chiến lược quan trọng. Nó là cái cổng của lục địa Trung quốc đi ra thế giới bên ngoài. Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ đường biển nối liền các thành phố Canton, Hồng Kông, Manila và Singapore.


Do đó Hoàng Sa và Trường Sa rất là quan trọng cho chúng tôi” [Kuang-ming Jih-pao (Canton) 24 Nov. 1975 p.2, cited in Samuels p. 139]. Giữa hai trận thế chiến Pháp và Anh sợ Nhật Bản dùng Hoàng Sa và Trường Sa làm chỗ dựa tấn công chiếm Đông Dương thuộc Pháp. Pháp và Anh nghĩ rằng Hoàng Sa va Trường Sa có thể làm nơi để đặt căn cứ tiếp vận nhiên liệu, neo, hoặc làm nơi xuất phát các cuộc tấn công bằng máy bay phóng pháo hay tàu ngầm. Tuy nhiên lập căn cứ ở Hoàng Sa và Trường Sa cần có một lực lượng bảo vệ hùng hậu rất tốn kém, nên cuối cùng không quốc gia nào thiết lập cái gì quan trọng tại đó. Và trong cuộc tranh hùng giữa hải quân Hoa Kỳ và hải quân Nhật trong Thế chiến II Hoàng Sa và Trường Sa không đóng một vai trò nào quan trọng cả. Hoa Kỳ đã không dùng hai vị trí Hoàng Sa và Trường Sa trong các kế hoạch tấn công trong vùng.


Thậm chí trên bản đồ do Hoa Kỳ in người ta không thấy đảo Hoàng Sa! Một tài liệu của Anh ghi rằng: “Trước Thế chiến 2, Hoàng Sa và Trường Sa không có một giá trị chiến lược nào, ngoại trừ một đầm nước cạn (lagoon) có thể làm nơi đáp cho thủy phi cơ. Không có đảo nào đủ lớn để làm phi trường trừ khi có phương tiện biến cải và xây cất tốn kém. Thiết lập các trạm nghe ngóng điện tử thì tốt nhưng rất khó phòng thủ.” (Minute by R.S. Milwark 30 Dec. 1949, FO 371/76038, TNA cited in ibid., p.139) Các hòn đảo trong Hoàng Sa và Trường Sa đều nhỏ, và chỉ được xem là những chướng ngại cho sự đi biển.


Năm 1816 khi vua Gia Long phái một hải đội ra đảo Hoàng Sa cũng với mục đích thu góp phẩm vật của các tàu bị chìm hay tấp vào đảo (Samuels p.43). Đối với Hoa Kỳ, việc tự do lưu thông qua Biển Đông là mối quan tâm nhất. Năm 1995 Hoa Kỳ công bố lập trường rằng: “Sự lưu thông không bị cản trở của tàu bè và máy bay qua Biển Đông là điều kiện cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng của vùng Á châu Thái Bình Dương và của Hoa Kỳ. (US Warns Against Restriction in South China Sea”, Strait Times 12 May 1995) Giá tri tượng trưng của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Không có một quốc gia nào trên thế giới có đủ phương tiện để lo phòng thủ chống lại mọi đe dọa ở gần cũng như từ xa.


Nước nào cũng ưu tiên lo chuyện gần biên giới. Xa thì còn tùy các biến chuyển và khả năng của mỗi quốc gia. Đó là lý do tại sao các hải đảo xa xôi như Hoàng Sa và Trường Sa từng bị lơ là, kinh tế không phát triển, cư dân ít, quản trị hành chánh sơ sài, và không ai tính chuyện chiếm hữu. Khi Pháp và Anh là hai thế lực duy nhất trong vùng cả hai nước đều không thấy có nhu cầu tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa, ngọai trừ chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền đối với một vài hòn đảo khi thấy Nhật xuất hiện như một lực lượng sau Thế chiến 1. Riêng Trung quốc chỉ thấy có nhu cầu tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông sau khi bị Anh đánh bại trong hai trận chiến tranh nha phiến (Opium Wars) 1839-1841, và Pháp trong trận 1884-1885 (TBN: tâm lý hành động của Trung quốc là thua trên đất thì giành biển). Và đó có thể là lý do thúc đẩy chính phủ KMT của Trung quốc xác định lãnh thổ của mình bao gồm cả “vùng biển hình lưỡi bò” trong Biển Đông tháng


Năm năm 1947. Cũng với tâm lý đó, khi chạy ra đảo Đài Loan, chính phủ Tưởng Giới Thạch vẫn tiếp tục giành chủ quyền đảo Itu Aba. Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, tháng 9 năm 1973 ban hành quyết định sát nhập đảoTrường Sa vào tỉnh Phước Tuy. Và quyết định sát nhập này có thể là một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc tấn công tháng Giêng 1974 của Trung quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. (TBN: lý do khác là sự thỏa thuận giữa Trung quốc và Hoa Kỳ trước khi mất miền Nam vào tay Hà Nội. Chiếm Hoàng Sa Trung quốc sẽ thay Hoa Kỳ chận ảnh hưởng của Nga Xô vào vùng Biển Đông. Xem www.tranbinhnam.com: Trang Bình Luận, Biển Đông Dây Sóng, tài liệu số 118 ngày 10/1/2004,. Một thời đại mới?: Người ta tự hỏi phải chăng sự tranh chấp Biển Đông đang chuyển qua một hình thức mới trong thời đại toàn cầu hóa? Nghĩa là các nước liên hệ và các thế lực quốc tế trong đó có Liên hiệp quốc đi đến sự đồng thuận cùng nhau khai thác Biển Đông và tránh dùng vũ lực để gỉải quyết tranh chấp.


Tuy nhiên toàn cầu hóa để cùng phát triển kinh tế thì nước nào cũng cần có thế riêng để có lợi nhiều nhất, như là quản lý sự giao thông đường biển và quản lý các nguồn năng lượng. Và đó là hai yếu tố quan trọng của Biển Đông. Cho nên trong khung cảnh toàn cầu hóa sự tranh chấp Biển Đông vẫn có thể trở nên căng thẳng bất cứ lúc nào, nhất là giữa Trung quốc và Việt Nam hiện nay. Đó là chưa nói đến khung cảnh chiến lược của Biển Đông đối với thế giới, nhất là Hoa Kỳ và Ấn Độ. Nhìn trong bối cảnh này thì chừng nào hải quân Hoa Kỳ còn là một lực lượng vô địch tại Thái Bình Dương thì tình hình Biển Đông – dù căng thẳng đến đâu – cũng ở trong mức độ dưới chiến tranh với sự trọng tài của Hoa Kỳ. Trung quốc không thể làm gì khác hơn là chấp nhận thực trạng đó cho đến lúc hải quân Trung quốc đủ mạnh để đương đầu với hải quân Hoa Kỳ.


Trong khi Trung quốc mua thời gian và chờ đợi, Việt Nam có đủ thì giờ để tìm một thế sống còn và bảo vệ quyền lợi xứng đáng của mình trên Biển Đông. Dân chủ hóa đất nước, huy động sức mạnh của toàn dân, kỹ nghệ hóa xứ sở, canh tân quân đội, và quan trọng hơn cả là phát huy một chính sách ngoại giao để triển khai một giải pháp quốc tế cùng khai thác Biển Đông. Giải pháp này cần có giá trị như một bộ Luật quốc tế thế nào để khi Trung quốc đủ mạnh để đương đầu với Hoa Kỳ Trung quốc cũng không có sự tự do hành động trước trật tự chung của thế giới.

Trần Bình Nam
Jan. 4, 2010 binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

*

No comments:

Post a Comment