Pages

Monday, January 18, 2010

TRUYỆN KHÔI HÀI * ĐẠI HỌC HỒNG BÀNG


**



Văn hóa - giải trí (Báo Người lao động online)

Thứ sáu, 15/01/2010 | 00:48GMT+7



ĐH Quốc tế Hồng Bàng: In, hủy 5.000 tờ lịch dung tục

(NLĐ) - Ngày 14-1, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết đã hủy toàn bộ số lịch tờ có bức tranh vẽ Góc phố An Nam do trường này in nhân dịp Tết và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, bức tranh vẽ trong tờ lịch này có giá trị văn hóa siêu vật thể góp phần làm rõ một loại hình ngôn ngữ dân gian với những tiếng chửi thề và hình vẽ tục. Bức tranh đã ra đời cách đây 100 năm, có nội dung phê phán quan lại thối nát thời phong kiến.





Tuy nhiên, khi tờ lịch ấn hành đã bị dư luận phản ứng gay gắt vì nội dung của bức tranh rất dung tục. Phía bên phải bức tranh có ghi dòng chữ Hán dịch nghĩa là: “Đ. mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này”. Trong bức tranh, trên vách tường ngôi nhà có vẽ thêm một hình tam giác trông rất dung tục.


Bức tranh Góc phố An Nam được in trong tờ lịch 2010 của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng giải thích bức tranh này do các nhân viên kỹ thuật lấy từ trong kho tư liệu của trường ra in thành lịch nhưng chưa hỏi ý kiến ông.

Số lượng lịch đã in là 5.000 tờ, trong đó đã phát cho sinh viên và quan khách khoảng 300 tờ. Sau khi phát hành, cơ quan chức năng đã mời ông Hùng lên giải trình và yêu cầu hủy ngay toàn bộ số lịch này.

*****


CHỬI TỤC TRÊN LỊCH XUÂN

Mà lại là lịch của một trường đại học dành mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chuyện thật gây sốc ấy đã diễn ra trên ấn phẩm lịch tường của đại học Hồng Bàng, vừa phát hành rộng rãi tại TPHCM.

1. Tấm lịch ấy là một xuất bản phẩm hợp pháp, có ghi “số ĐKKHXB: 422-2009/CXB/587-29/HNV, in tại nhà in báo Nhân Dân TPHCM” hẳn hoi. Trên tờ lịch ấy, ghi trang trọng dòng chữ khổ lớn: “Để góp phần chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, bên dưới là dòng chữ “Đại học quốc tế Hồng Bàng” như một chỉ dấu cho sự tham gia hướng về lễ kỷ niệm quan trọng ấy. Đây là loại lịch tường, theo kiểu 12 tháng in trên 1 trang, với hình ảnh minh họa là các bức tranh trích từ bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger vẽ cảnh sinh hoạt của Hà Nội vào những năm 1908-1909.

2. Bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger vừa được Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội tái bản trong năm 2009. Khác với nguyên mẫu các tranh trong tập sách, tờ lịch của đại học Hồng Bàng sử dụng các tranh này nhưng có tô thêm màu, làm cho hình ảnh trên trang lịch thêm sinh động. Tác giả tờ lịch đã chọn bức tranh “Phố An Nam” của Oger để in tràn to khắp cả tấm lịch, trong tranh là hình vẽ “Nhà hàng đồng” (ghi chú bằng chữ Nôm) với cảnh buôn bán các vật dụng bằng đồng, có cả cảnh xe kéo, người đi chợ với các quang gánh thúng mẹt – những vật dụng của người An Nam mà tác giả Henri Oger rất chú ý. Điều đáng chú ý là trên vách hông (bên phải) của ngôi nhà hàng đồng trong tranh có một câu gồm 10 chữ Nôm, nội dung là câu chửi tục, nguyên văn là (rất xin lỗi bạn đọc): “Đéo mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này”. Bên cạnh bức tranh, là một hình tam giác được vẽ cách điệu để ai nhìn vào cũng hiểu đây là cái tam giác “chành ra ba góc da còn thiếu” trong thơ Hồ Xuân Hương. Chữ và hình vẽ trong tranh khắc rõ ràng, in lại trên lịch màu càng tạo sự chú ý (ảnh 1).

3. Cần nói thêm về xuất xứ các bức tranh của Henri Oger: Đây là những bức tranh quý giá, vẽ lại cảnh vật sinh hoạt của người An Nam ở Hà Nội, vẽ trung thực như chụp ảnh, bởi Henri Oger đã cùng một họa sĩ làm việc theo phương pháp: Oger lập dàn ý ghi chép trên cơ sở trao đổi với người An Nam, sau đó trao cho họa sĩ, khi bức vẽ hoàn thành lại được đưa cho những người An Nam "có đầu óc phê phán tốt" để thẩm định bình luận. Mỗi bức tranh đều kèm một số chữ Hán, Nôm ghi tiêu đề hoặc chú thích ngắn gọn nội dung. Như vậy, ngôi nhà hàng đồng trong bức tranh trên với dòng chữ chửi tục trên vách hông đã được Oger “sao y” từ thực tế lúc bấy giờ vào tranh vẽ. Đã có nhiều người xem bức tranh này, và nhận định đây là câu chửi cửa miệng của người dân lúc bấy giờ. Cách “cắt lớp” hiện thực cuộc sống và lưu lại bằng tranh vẽ như vậy đã làm nên giá trị tác phẩm của Oger. Với cuộc sống dân dã thời Pháp thuộc, việc người dân chửi nhau bằng cách người này ghi lên vách nhà người kia một câu tục tĩu, là chuyện bình thường.

4. Điều bất thường là ông hiệu trưởng đại học Hồng Bàng đã chọn đúng bức tranh này để in lên một tấm lịch xuân. Trên tờ lịch ấy còn ghi rõ (bằng tiếng Anh) tranh này “trích từ tập “Kỹ thuật của người An Nam” của H. Oger thực hiện ở Hà Nội (1908-1909), do tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng khám phá, và sau đó được giới thiệu trong một luận án nghiên cứu lịch sử của ông Nguyễn”. Như vậy, hơn ai hết, ông hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã “khám phá”, “nghiên cứu” các bức tranh này, và trong bộ tranh đồ sộ 4200 bức của Oger, ông đã chọn bức tranh có câu chửi tục rất rõ ràng sống động ấy. Ông vô tình? Hay ông không đọc được chữ Nôm? Nhưng ông vốn là tiến sĩ sử học và từng nhận là đã làm luận án về bộ tranh của Oger. Có nhà giáo sau khi cầm tờ lịch của đại học Hồng Bàng trên tay, đã hết sức ngỡ ngàng nói rằng “không thể ‘góp phần chào mừng’ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội bằng một câu chửi tục như vậy được”. Giới quan sát cũng không ai cho rằng vị hiệu trưởng đại học Hồng Bàng không đọc được chữ Nôm, có điều thông điệp “trong ngôi nhà này” mà ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra có thể còn nhiều ngụ ý chưa được làm rõ.


5. Ý tưởng về một tờ lịch mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội xuất phát từ một trường đại học, vốn dĩ cũng bình thường như bao ban ngành đoàn thể đang hướng về lễ kỷ niệm trọng đại ngàn năm một thuở - đúng với nghĩa đen – này. Tuy nhiên, việc ông hiệu trưởng đại học Hồng Bàng cho in câu chửi tục lên trang lịch tết như vậy, điều này trở thành sự kiện “ngàn năm một thuở” theo nghĩa bóng – tức chuyện phi văn hóa gây sốc đến hy hữu ít ai ngờ được nó xảy ra tại môi trường đại học Việt Nam ở đầu thế kỷ 21 này.

06-01-2010
Lam Điền


*

VĂN HÓA ONLINE

Trường ĐH Hồng Bàng giải trình về tờ lịch “lạ” (15/01/2010)


(VH)- Sáng 14.1, tại Sở TT & TT TP.HCM, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH QT Hồng Bàng đã có buổi làm việc tại Phòng Báo chí – Xuất bản (BC - XB) để giải trình về việc xuất bản tờ lịch “lạ” mà Báo Văn Hóa đã phản ánh.

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã cung cấp 2 giấy phép xuất bản của NXB Hội Nhà văn, 2 mẫu lịch đã in và cuốn sách (bản pho to) Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng do NXB Trẻ ấn hành năm 1986. Trong cuốn sách này, ở trang 154, 155 là phần giới thiệu bức tranh đã in trong tờ lịch với lời chú dẫn bằng tiếng Việt, giải thích rất rõ về nội dung, ý nghĩa và nội dung của chữ Nôm đúng như Báo Văn Hóa đã nêu. Như vậy, không những TS. Nguyễn Mạnh Hùng biết mà còn “rành sáu câu” về bức tranh “Phố Hàng đồng”.

Giải trình vì sao chọn bức tranh này, TS. Hùng cho biết: “Khi chuẩn bị mẫu để in lịch năm 2010, Bộ phận văn phòng đề xuất chọn 2 mẫu tranh về Hà Nội xưa để chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có bức tranh “Phố Hàng đồng”, tôi đã đồng ý ngay mà “quên” mất bức tranh này phần chữ Nôm có nội dung rất “dung tục”.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng phải) đang giải trình tại Sở TT & TT TP.HCM

TS. Hùng đã nhận trách nhiệm sự sai sót này và sẽ có giải trình bằng văn bản cho Sở TT & TT và cùng hợp tác với Sở để khắc phục hậu quả. Về số lượng 5 ngàn tờ của mẫu lịch này, ông chỉ mới phát hành có... 300 tờ. Số còn lại đang còn trong kho do phát hiện có nội dung xấu.

Lãnh đạo Phòng BC-XB đề xuất hướng xử lý: Trước mắt, đưa toàn bộ số lịch chưa phát hành về Sở để tiến hành tiêu hủy, tích cực thu hồi những tờ lịch đã phát ra bên ngoài để tránh sự phát tán rộng rãi.

Việc thu hồi và tiêu hủy được thực hiện trong tuần tới theo đúng quy trình tiêu hủy ấn phẩm có nội dung xấu.

Không thể ngờ...

Tôi cũng như rất nhiều đại biểu khác “được” nhận tờ lịch “lạ” này vào cuối tháng 12 vừa qua, tại một hội thảo về giáo dục ĐH do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tại TP.HCM, có rất nhiều giáo sư đầu ngành giáo dục tham dự.

Tôi thấy rất buồn cười về nội dung trong tờ lịch này, nó rất dung tục, không thể ngờ rằng một trường ĐH mà lại cho in nội dung này trên tờ lịch – vốn sẽ phổ biến rộng rãi cho rất nhiều đối tượng xem. Tôi nói thế bởi nội dung một số câu trong đó rất thiếu tế nhị, vừa phản văn hóa, phản giáo dục và phản cảm. Có thể một số người không biết chữ Hán - Nôm thì không để ý nhưng như chúng tôi đọc vào là thấy bực mình ngay. (PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)

Chúng tôi bị tặng món quà phản văn hóa !

Không riêng gì hội thảo giáo dục ĐH nói trên mà tại một cuộc họp khác với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các giáo sư, nhà giáo lão thành thì tờ lịch này cũng “được” tặng. Khi xem nội dung, chúng tôi thấy ngạc nhiên quá vì không biết tại sao lại “tặng”như thế? Chúng tôi bị tặng món quà phản văn hóa! (GS. Phạm Phụ, ĐH Bách khoa TP.HCM)

Nguồn gốc của bức tranh

Tiếp tục tìm hiểu bức tranh, chúng tôi có đầy đủ hơn thông tin về nguồn gốc ra đời của bức tranh. Bức tranh ra đời cách đây hơn một thế kỷ, được in lần đầu tiên trong tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” (1909) với 4.200 bức vẽ và tranh khắc của tác giả Henri Oger (người Pháp). Lần đầu tiên được in với số lượng rất ít, chỉ 60 bản.

Nói về quá trình hình thành tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Trung Tín – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM cho biết: Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Henri Oger (viên chức Pháp) sang Việt Nam và cảm kích những vấn đề về văn hóa Việt Nam nên đã thuê thợ vẽ ở Hải Dương khắc nên bức tranh này. Do đó, tác giả của bức tranh là người Việt Nam, còn Henri Oger là tác giả của đề tài “Kỹ thuật của người An Nam”. Trong đó bức tranh “Phố Hàng đồng”, người vẽ đã tả thực cảnh tốt xấu, những nét văn hóa và phản văn hóa của Hà Nội cũ. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, đây là tác phẩm rất quý, giống như một cuốn lịch sử hình ảnh đầy đủ về thời đó. Nếu không có tác phẩm này chúng ta không biết thế nào về con người thời đó. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ còn một bộ gốc hoàn chỉnh được lưu giữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, các bản gốc còn lại được lưu giữ tại Pháp và Nhật.

Theo tìm hiểu của Văn Hóa, tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” đã được Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM hợp tác tái bản bằng 3 thứ tiếng Pháp, Anh , Việt dưới dạng sách (gồm 3 tập) và ấn phẩm điện tử. Sách đã do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành số lượng 2.000 cuốn, khổ 31,5x24cm. Bức tranh mà Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng dùng để in thành bộ lịch nằm ở trang 531, tập 3 của tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam”.

Nhóm PV VH-VN*

*

No comments:

Post a Comment