Pages

Monday, February 8, 2010

TRẦN BÌNH NAM * CHÍNH SÁCH CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

*



Các chính sách của Obama & hội chứng Carter

Trần Bình Nam

Nói chung mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ có một chính sách ngoại giao khác nhau, nhưng đều có thể phân loại một cách tổng quát trong 4 chính sách mẫu mực gọi là chính sánh Hamilton, Jefferson, Jackson hay Wilson.

Ông Alexander Hamilton (bộ trưởng bộ tài chánh Hoa Kỳ sinh năm 1755, mất năm 1804 chủ trương Hoa Kỳ cần một chính phủ và một quân đội hùng mạnh và cần theo đuổi một đường lối ngoại giao thực tế toàn cầu nhắm phát triển kinh tế phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ trong cũng như ngoài nước. (TBN: trong bài viết này danh từ “chính sánh Hamilton” được dùng khi nói đến chính sách/đường lối ngoại giao này). Tiêu biểu cho chính sách Hamilton là các tổng thống Theodore Roosevelt và George H. W. Bush (Bush lớn).

Tổng thống Woodrow Wilson (tổng thống thứ 28, Dân Chủ 1913-1921) chủ trương Hoa Kỳ cũng cần một chính sách ngoại giao toàn cầu như Hamilton nhưng chiến lược chính yếu là tạo điều kiện thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên thế giới (TBN: gọi là “chính sánh Wilson”). John F. Kennedy là vị tổng thống điển hình của chính sách Wilson.

Chính sách ngoại giao của tổng thống Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3, thuộc đảng Jeffersonian 1801-1809) ngược lại với các chính sách Hamilton và Wilson. Jefferson chủ trương Hoa Kỳ không cần lo chuyện bao đồng của thế giới và do đó không cần xây dựng một bộ máy an ninh tốn kém. (TBN: chính sách này gọi là “chính sánh Jefferson”). Các tổng thống Quincy Adams, Dwight D. Eisenhower từng theo đuổi đường lối Jefferson.

Sau cùng tổng thống Andrew Jackson (tổng thống thứ 7, Dân Chủ 1829-1837) chủ trương tập trung quyền hành vào tay hành pháp, chính yếu là tổng thống, bành trướng lãnh thổ và khuyến khích dân chúng tham gia việc nước (populist trong một nghĩa nào đó). Người theo chủ trương Jackson cho rằng chính sách Wilson là thơ ngây và chính sách Jefferson là yếu đuối. Tổng thống Ronald Reagan tiêu biểu chính sách Jackson.

Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, tổng thống George H. W. Bush theo đuổi chính sách Hamilton. Trong khi đó Clinton theo đuổi chính sách giữa Hamilton và Jefferson. Dưới ảnh hưởng của chính sách Hamilton, tổng thống Clinton đã chậm chạp trong quyết định can thiệp tại Bosnia và Rwanda, cũng như không cứng rắn với Trung quốc về mặt nhân quyền để khỏi tổn thương thương mãi. George W. Bush theo đuổi chính sách Jackson và Wilson. Hai đường lối này đụng chạm nhau làm cho chính quyền Bush (nhỏ) mất tính thống nhất và đã dọn đường cho Thượng nghị sĩ Barack Obama vào Bạch Ốc.

Người ta không ngạc nhiên thấy sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 giết gần 5000 người, dân chúng Hoa Kỳ đã ủng hộ một chính sách Jackson của Bush đánh Afghanistan rồi sẵn đà đánh Iraq. Sau khi sa lầy tại Iraq vì không được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, tổng thống Bush giải thích chiến tranh tại Iraq là để gieo rắc dân chủ. Chủ trương Wilson bỗng trở thành cột trụ của chính sách ngoại giao Mỹ tại Trung đông. Khuynh hướng Jackson không thích công việc gieo rắc dân chủ nhưng vốn chủ trương “sức mạnh và không chịu thua ai” nên mặc nhiên ủng hộ Bush. Cử tri thuộc hai khuynh hướng Wilson và Jackson đã giúp Bush đắc cử nhiệm kỳ 2 (2005-2008) dễ dàng.

Đến tổng thống Obama .

Obama tranh cử và thắng lợi nhờ chủ trương Jefferson vào lúc mà đa số người Mỹ nhất là giới trẻ trí thức không thích con đường cực đoan bất nhất của Bush. Đắc cử tổng thống, ông Obama chọn chính sách ngoại giao cho Hoa Kỳ là đường hướng Jefferson. Và con đường của Obama không êm thắm như những tháng đầu năm 2009 vì khung cảnh của thế giới đã thay đổi.

**

Thử nhìn lại khung cảnh thế giới trong thế kỷ 19. Thời gian đó, Anh quốc là quốc gia cầm cân nẩy mực duy trì trật tự thế giới, Hoa Kỳ không phải lo gì nên theo đuổi chính sách Jefferson một cách thoải mái.

Bước vào thế kỷ 20, đế quốc Anh yếu dần, Hoa Kỳ đứng trước hai lựa chọn . Hoặc thay thế nước Anh tạo ổn định mới hay cứ theo chủ trương Jefferson trong một thế giới thiếu ổn định.Thoạt tiên Hoa Kỳ chọn chủ trương Jefferson. Trong suốt 2 nhiệm kỳ đầu tổng thống Franklin Roosevelt (Dân Chủ 1933-1945) (*), theo chính sách không can thiệp tại Âu châu và Á châu. Các nước Đức, Nhật và Stalin không bị kềm chế, kết quả là chiến tranh tại Âu châu, Thái Bình Dương và sau đó Trung quốc rơi vào tay cộng sản.

Bị buộc phải nhảy vào cuộc chiến, giúp đánh bại Đức và Nhật kết thúc Thế chiến II, Hoa Kỳ thay đổi chính sách và trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới tự do qua sức mạnh kinh tế và quân sự. Thành phần chủ trương Jefferson trở thành cái thắng giúp Hoa Kỳ không đi quá lố trong chính sách ngoại giao toàn cầu. Nhưng cái khó là dung hòa các chính sách để vừa phục vụ cộng đồng thế giới, phục vụ quyền lợi Hoa Kỳ, xiển dương tinh thần dân chủ mà vẫn duy trì được cảm tình của thế giới. Về mặt này Hoa Kỳ thường không khéo léo trong sự cân bằng các chính sách, xử sự theo cung cách huynh trưởng, quá thực tế, và đó là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng mâu thuẫn là Hoa Kỳ mạnh, đôi khi rộng rãi với các nước khác nhưng không nhận được cảm tình đáp lại như cái vốn đã bỏ ra.

**

Tổng thống Obama triển khai một chính sách ngoại giao nặng về chủ trương Jefferson và ông thấy ngay rằng trong thế giới “trong suốt” hôm nay chủ trương Jefferson không còn đất dụng võ.Từ thực tế đó ông Obama điều chỉnh chính sách ngoại giao lúc thiên về quyền lợi nước Mỹ, lúc ngã về các giá trị tinh thần của Hoa Kỳ (như ra lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo, cấm tra tấn trá hình, vội vàng nhận giải hòa bình Nobel 2009). Cuối cùng ông Obama được gĩ? Trong năm đầu tiên ông không xác định được một chính sách đối ngoại rõ ràng đã làm hao mòn cái vốn liếng chính trị to lớn ông mang vào tòa Bạch Ốc.

Phe Wilson và phe Jackson cho hành động của tổng thống Obama không tiếp đức Dalai Lama trước khi đi Trung quốc (tháng 11/2009) là hèn nhát. Và khi tổng thống Obama không lên tiếng ủng hộ nhiệt tình các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Iran thì cử tri chủ trương Hamilton cho rằng tổng thống Obama đang làm suy yếu thế chính tri của Hoa Kỳ tại một vùng có tính quan trọng chiến lược.

Áp dụng đường lối Jefferson, tổng thống Obama hòa hoãn với Liên bang Nga, Iran và Venezuela (của tổng thống Hugo Chavez); hoà giải với khối Hồi giáo; ấn định lịch trình rút quân ra khỏi Afghanistan (sau khi tăng quân); kêu gọi các nước đồng minh chia sẻ trách nhiệm với Hoa Kỳ.

Các chính sách này có thể thành công không?

(1) Liên bang Nga và Iran có muốn hòa giải với Hoa Kỳ không hay xem chính sách của Obama là yếu và lấn tới?

(2) Thành phần Hồi giáo quá khích trên thế giới có vì chính sách mới của tổng thống Obama mà ngưng các cuộc khủng bố hay càng bạo dạn hơn trong hành động?

(3) Rút quân ra khỏi Afghanistan nhưng có bảo đảm Afghanistan không còn là nơi dung thân của khủng bô không?

(4) Hòa với Venezuela có làm cho Hugo Chavez bớt “chống Mỹ” không?

(5) Các quốc gia (đồng minh) khác trên thế giới có chia sẻ bớt gánh nặng của Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ giảm trách nhiệm quốc tế không?

Ít nhất cho đến giờ này câu trả lời của các câu hỏi trên đều là KHÔNG. Nền chính trị thế giới không “tử tế” như những người ngoài đường chờ đợi .

Cái dùng dằng của tổng thống Obama giữa cái điều ông muốn làm (vì lòng ông muốn vậy và nhờ đó mà đắc cử) với cái điều đã phải làm (vì thực tế chính trị buộc như vậy) làm cho các chủ trương chính trị Jefferson, Wilson hay Jackson đều tìm thấy nơi ông chuyện để than phiền và đe dọa tư thế lãnh đạo chính trị của ông.

Cũng giống như tổng thống Jimmy Carter (1977-1980). Carter theo trường phái Jefferson, nhưng lòng không dứt bỏ được hoài bảo một thế giới Wilson. Vừa muốn thôi không làm “cảnh sát quốc tế” vừa muốn đẩy mạnh lý tưởng tự do dân chủ với nước bọt, tổng thống Carter đã thất bại. Hoa Kỳ vào những năm cuối của Carter giống như một chiếc thuyền buồm rách, gió lặng, dấu hiệu của những triệu chứng thành tên: Hội chứng Carter.

Ngày 20/1/2001 khi nhậm chức tổng thống ông Obama thành thật nói: “Chúng ta cần gạt bỏ cái quan niệm đặt an ninh quốc gia lên những lý tưởng của chúng ta” (We reject as false the choice between our safety and our ideals). Nhưng ông đã bị xâu xé mãnh liệt giữa ông với bộ máy của đảng Dân Chủ, giữa ông với các cố vấn của ông và đôi khi đã phải bỏ lý tưởng vì quyền lợi và an ninh quốc gia. Tổng thống Obama vẫn phải viện trợ cho Pakistan dù có bằng chứng cơ sở tình báo của nước này ngầm giúp nhóm Taliban tại Afghanistan. Ông Obama vẫn nhẹ nhàng với chính quyền Iran khi chính quyền này trấn áp người biểu tình bất bạo động bằng bạo lực. Tổng thống Obama vẫn dùng chính sách cũ ca rốt với chính quyền Soudan khi chính quyền này theo đuổi chính sách diệt chủng tại Darfur. Tất cả những việc làm trên có phải là làm ngơ không đoái hoài đến dân chủ nhân quyền vì quyền lợi/an ninh quốc gia không?

Các chính sách tổng thống Obama hứa như đóng cửa trại tù Guantanamo trong vòng một năm; sẽ cho điều tra các viên chức vi phạm nhân quyền của chính phủ Bush; sẽ thông qua luật “Cap and Trade Bill” (**) trước hội nghị quốc tế Copenhagen là những công việc phục vụ lý tưởng Hoa Kỳ (American ideals) ông Obama đã không thực hiện được.

Đó là chưa nói đến những vấn nạn trên thế giới sẽ đến trong năm 2010 buộc tổng thốngg Hoa Kỳ phải có đối sách:

(1) Vòng đàm phán Doha có thể sẽ không mang lại kết quả gì và tư thế của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) yếu dần khó làm nhiệm vụ trọng tài để chận đứng một trận chiến tranh thương mãi.

(2) Miền nam Soudan có khả năng tuyên bố độc lập với Khartuom và một trận nội chiến tàn khốc gấp bội lần vụ Darfur không thể tránh.

(3) Yemen kỷ niệm 20 năm ngày lập quốc, và cũng có thể là ngày chấm dứt sự tồn tại của Yemen biến Yemen thành một vùng đất dung thân cho quân khủng bố.

Còn nữa, nếu giá dầu thô lên cao và tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak (năm nay 81 tuổi) một trong những đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong thế giới Hồi giáo rời chính trường.

Các chính sách phản ảnh khuynh hướng Jefferson như thuyết “be bờ” (containment) của George Kennan (***) sau Thế chiến II, và chủ thuyết Monroe (****) đầu thế kỷ 19 đã có thể áp dụng một thời gian dài với những kết quả cụ thể. Nhưng trong thế giới hôm nay các vấn đề quốc tế tròng tréo vào nhau một cách phức tạp và các chính sách xuất phát từ chủ trương Jefferson không thể giúp ổn định thế giới.

Khi bước vào Bạch Cung tổng thống Carter có ước vọng gỉam chấm dứt chiến tranh lạnh với chính sách Jefferson. Nhưng 4 năm sau, khi ông rời chức vụ tổng thống thì Hoa Kỳ đang tích cực giúp du kích Hồi giáo chống Liên bang Nga tại Afghanistan, ngân sách quốc phòng tăng và Hoa Kỳ đang chuẩn bị đưa quân qua Trung đông.

Tổng thống Obama vào Bạch Ốc cũng với chương trình (Jefferson) chấm dứt chiến tranh Iran và Afghanistan. Nhưng không ai đoán được chiến tranh Afghanistan có thể chấm dứt sau nhiệm kỳ I của ông không mặc dù ông đã có chương trình rút hết quân vào tháng 6 năm 2011. Đó là chưa nói đến vào thời điểm đó quân đội Hoa Kỳ có đang chiến đấu tại một mặt trận nào khác không. Lại những dấu hiệu của Hội Chứng Carter!

**

Khung cảnh của thế giới đổi thay một cách căn bản trong thế kỷ 21 này. Trọng tâm các vấn đề lớn chuyển từ vùng Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Nhiều nước mất ảnh hưởng (Âu châu …), nhiều nước vươn lên (Trung quốc, Ấn Độ …). Cho nên Hoa Kỳ cần lượng định lại chính sách đối ngoại trong khung cảnh mới sao cho phù hợp với tiềm lực của mình. Mọi chính sách không dựa vào khả năng và vốn liếng của mình sẽ thất bại.

Tổng thống Obama là một người có lý tưởng. Ông may mắn được lịch sử dành cho một cơ hội. Nhưng chính sách ngoại giao dựa trên thiện chí của ông không đủ và cần một chính sách mới uyển chuyển hơn.

Tổng thống Obama đang lúng túng ở ngả ba đường và sự lúng túng đã làm cho các khuynh hướng chính trị Wilson, Jefferson. Hamilton, Jackson đều có cớ để bất mãn với ông. Nếu tổng thống Obama không tìm ra một chính sách đối ngoại phù hợp với thực tế thế giới và hợp với khả năng của Hoa Kỳ thì tương lai chính trị của ông cũng sẽ không khác tương lai của vị tổng thống đạo đức Jimmy Carter.

Hôm 26/2/2010, một ngày trước khi tổng thống Obama đọc diễn văn về tình trạng liên bang, bà Diane Sawyer của đài ABC đã phỏng vấn ông. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục các chương trình trong nước ông đã đề ra, và ông nhấn mạnh rằng: “Chẳng thà tôi được tiếng là một tổng thống tốt một nhiệm kỳ, hơn là một tổng thống hai nhiệm kỳ tầm thường” (I’d rather be a really good one-term president than a mediocre two-term president”.

Câu trả lời này có phải là một tiên đoán cho tương lai chính trị của chính ông không? Hãy chờ đến cuối năm 2011 khi cuộc bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ (2013-2016) bắt đầu.

Trần Bình Nam

Feb. 8, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

Ghi chú:

(*) Tổng thống Franklin Roosevelt không tuân theo quy ước bất thành văn (một người chỉ làm tổng thống 2 nhiệm kỳ) và ra ứng cử nhiệm kỳ 3. Do đó quốc hội Hoa Kỳ đã tu chính Hiến Pháp (tu chính số 22, hiệu lực từ ngày 27/2/1951) giới hạn 2 nhiệm kỳ.

(**) “Cap and Trade Bill”: dự luật cho phép công ty nào sản xuất khí nhà kiếng (chính yếu là khí CO2) dưới tiêu chuẩn ấn định sẽ được điểm thưởng (gọi là credits) và có thể bán điểm này cho công ty nào sản xuất nhiều khí nhà kiếng trên tiêu chuẩn. Giới sản xuất tại Hoa Kỳ không thích dự luật này.

(***) George F. Kennan (1904-2005), nhà ngoại giao, sử gia, chuyên về khoa học chính trị và là cha đẻ của thuyết “be bờ” chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

(****) Do tổng thống James Monroe (Cộng Hòa, 1917-1925), công bố năm 1823 chia vùng ảnh hưởng trên thế giới giữa Âu châu và Mỹ châu và kêu gọi Âu châu chấm dứt bành trướng thuộc địa.

Tài liệu tham khảo:

1. “The Carter Syndrome”, Foreign Policy, Jan. & Feb. 2010.

2. “Tick, Tock: The bombs awaiting Barack Obama in 2010”, Foreign Policy, Jan. & Feb. 2010.

3. Google

No comments:

Post a Comment