Pages

Sunday, March 28, 2010

ĐÀO VŨ ANH HÙNG *HỒI KÝ

**





Mùa Xuân tưởng nhớ Trần Việt Hoài


Đào Vũ Anh Hùng



Năm 77, vài ba tuần sau khi qua tới Mỹ, nhà văn Mai Thảo đã cùng giáo sư Vũ Khắc Khoan, đi với Trần Lam Giang, Nguyễn Thượng Hiệp dự trại Lộc Uyển của Gia đình Phật tử họp mặt lần đầu tiên tại Hoa kỳ do lời mời của trưởng Đặng Đình Khiết tổ chức tại Oklahoma City. Trại Lộc Uyển tổ chức ba ngày.


Sau ngày bế mạc trại, Mai Thảo, Trần Lam Giang và Đặng Đình Khiết theo anh Đặng Văn Đệ về Dallas, ghé nhà tôi chơi, ăn một bữa cơm. Anh em trò chuyện, bao nhiêu điều han hỏi và ôn nhớ. Chuyện tháng Tư đen còn đang hôi hổi. Chuyện Saigon. Chuyện anh em bằng hữu trong giới văn nghệ, báo chí ở lại điêu linh, sống khổ, sống nghèo, sống bất an, bị theo dõi, khủng bố, bắt bớ, cầm tù. Cộng sản đã thù hằn, đầy đọa và ức chế nhân dân miền Nam thuộc mọi thành phần, bằng những thủ đoạn dã man, độc ác, cực cùng đê mạt. Mai Thảo lúc mới qua, gầy và đen xạm, phong trần. Anh có vẻ mệt mỏi, bơ phờ như vừa trải qua đợt “sóng cấp 3 vịnh Thái Lan” mà tôi vẫn hay nói đùa, đó là tựa một loạt bài anh viết trên Ngày Nay về cuộc vượt biển bằng thuyền của anh.


Trông Mai Thảo có vẻ chán chường, thật chán chường. Anh vốn mảnh khảnh nhưng bấy giờ lại gầy ốm hơn, nét mặt buồn bã hơn. Tôi nhìn anh, thấy rõ một điều là sau cuộc đổi đời, anh cũng nhiều thay đổi, mà cái đổi thay dễ nhận ra nhất là anh dễ tính hơn ngày xưa. Ngày xưa ở Saigon, dễ gì mà chúng tôi, bọn trẻ thuộc lớp đàn em đi sau - được anh chịu khó ngồi nói chuyện ngang hàng như bây giờ? Được anh không thấy phí lời trước những câu hỏi mang tính chất tò mò lẩm cẩm và hắt vào mặt câu mắng, “Cậu hỏi thối bỏ mẹ!”…


Hồi đó mấy đứa tôi thường tránh né không thích đến gần anh. Chúng tôi cho rằng anh cao ngạo, ngang chướng, làm dáng, lập dị, xem thường “bọn trẻ” nhà văn, nhà báo. Anh ở “chiếu trên”, phải ngồi ngang hàng với những bậc tiên chỉ trong làng, cỡ Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Nam, Nguyễn Sĩ Tế, Trần Thanh Hiệp, Hiếu Chân, Nguyên Sa, Tạ Tỵ, vv… Gặp lại Mai Thảo ở Mỹ, tôi ái ngại thương anh. Anh đã rời bỏ quê hương, xa cái thế giới văn chương và cái xã hội quen thuộc của riêng anh, lạc lõng và cô đơn, luống cuống trước cảnh sống xa lạ, bất ưng nhưng đành cam chịu. Anh không còn cái dáng nét khinh khỉnh khó thương của một nhà văn tên tuổi được trọng vọng, có nếp sống phong lưu trí thức tiểu tư sản, khinh mạn nhìn đời với ly rượu mạnh trong tay, áo quần lúc nào cũng giặt ủi tươm tất, đi một bước là vẫy taxi hay ngự xích lô, ăn cơm ở những nhà hàng quen thuộc và ký sổ...


Tôi hỏi anh thích ăn món gì để đãi anh một bữa gọi là chào mừng người mới đến miền đất hứa của tự do. Anh gạt đi, bảo: - Cậu cho ăn cái gì cũng được! Ở Việt Nam thiếu thốn đủ thứ, không có mà ăn nên tôi không dám đòi hỏi. Qua đây thấy cái gì cũng muốn ăn. Thịt gì cắt từng khoanh để trong hộp sắt tròn tròn, mở ra ăn bốc. Chỉ nghĩ đến nó thôi, cũng thèm… Tôi cười, nói đó là thịt hộp “ba lát”, phần C-Ration quân đội do Mỹ viện trợ, phát cho lính tráng Việt Nam. Bữa cơm hôm đó có cả rượu mạnh do anh Đặng Văn Đệ đem tới để hai con sâu rượu thù tạc nhau. Mai Thảo ăn rất ít. Anh chỉ ngồi nhấm nháp ly cognac và nói chuyện. Mai Thảo kể khi Việt cộng vào Saigon, anh và vô số anh em phải trốn tránh các cuộc lùng bắt. Anh nói tên những văn nghệ sĩ miền Nam ở Saigon bị công an “văn hóa” và công an khu vực nửa đêm đập cửa, còng tay dẫn lên xe bít bùng đem đi.


Nói đến cái không khí ngột ngạt những đàn áp và khủng bố nhắm vào thành phần “phản động, đồi trụy” bị kẹt lại sau ngày Saigon đổi chủ. Khi nhắc đến Duyên Anh, Mai Thảo cười thành tiếng: - Mình đang buồn nẫu cả ruột gan vì sống hồi hộp bất an, như con thú bị thợ săn vây bắt mà khi gặp Duyên Anh, nghe nó pha trò Việt cộng bắn súng “èng èng” cũng phải cười đau cả bụng. Cái thằng đó công nhận là nói chuyện có duyên và có tài diễu cợt. Nhờ thế mà tinh thần cũng bớt căng thẳng, bớt sợ hãi. Sống với bọn đầu trâu mặt ngựa sợ bỏ mẹ. Sợ thường xuyên, không biết nó bắt mình lúc nào…


Mai Thảo kể cho chúng tôi nghe về cái chết của thi sĩ Vũ Hoàng Chương mà anh rất thân, rất gần gũi. Ngày xưa tôi học thầy Vũ Hoàng Chương môn Việt Văn trong một lớp luyện thi tại trường Văn Lang của ông Ngô Duy Cầu, đường Trần Quý Khoách, Tân Định. Văn Lang có nhiều giáo sư trường công nổi tiếng nên rất đông học trò. Lớp học chứa khoảng tám chục, có khi đến cả trên trăm mạng ngồi chen chúc như cá hộp, nóng bức, chật chội. Sáu chiếc quạt trần lúc nào cũng quay vù vù trên đầu nhưng không đủ phát ra gió mát. Những buổi trưa nắng gắt, nóng toát mồ hôi…


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương không phải là một giáo sư Việt Văn xuất sắc trên bục giảng. Lúc nào ông cũng mặc bộ complet màu mỡ gà, tóc chải ra sau, rẽ ngôi rất thẳng. Ông giảng bài với giọng đều đều nghe thật buồn ngủ. Lớp học vào giờ ông, khi nào cũng ồn ào bởi bọn học trò nghịch như quỷ sứ. Những lúc ồn quá và cảm thấy lời mình không nghe được, ông ngưng nói, yên lặng nhìn xuống đám nhất quỷ nhì ma bằng thái độ chịu đựng một cách lạnh lùng điềm đạm như nhìn vào cõi chân không.


Cho đến khi lũ học trò không nghe tiếng thầy, giật mình im tiếng, bấy giờ thầy mới thản nhiên tiếp tục bài giảng, vẫn bằng một giọng đơn điệu nghe dễ nản. Sau này tôi gia nhập làng báo, thường gặp thầy Vũ Hoàng Chương nhưng ở một môi trường khác. Tờ báo đầu tiên tôi đầu quân, làm phóng viên chạy ngoài là tờ Ngày Nay của ông Hiếu Chân, toà soạn đặt trên đường Nguyễn Văn Thinh. Hồi đó là đầu năm 64, thời kỳ sau ngày cách mạng lật đổ chế độ của anh em ông Diệm mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương có góp phần vào ngọn triều đấu tranh chung bằng một bài thơ dài nổi tiếng được nhiều người biết đến.


Bài thơ “Lửa Từ Bi” gây chấn động trong hàng ngũ Phật giáo đồ và là tiếng chuông báo tử cho chế độ. Nhật báo Ngày Nay có hai phóng viên thường trực là anh Khuất Duy Hải và tôi. Khuất Duy Hải là phóng viên chiến trường đầu tiên bỏ mình ngoài mặt trận khi đi theo một cuộc hành quân ở vùng 3, cuối năm 65. Vào những buổi chiều khi ghé lại tòa báo đưa bài, hay gặp bà quản lý Bùi Tường Chưng lãnh tiền, hầu như lần nào tôi cũng thấy mấy gương mặt quen thuộc nắm vận mệnh tờ báo ngồi quây quần quanh cái bàn vuông, trên đặt bộ ấm tách nước trà và bình điếu thuốc lào để những nhân vật “cái bang trưởng lão” của tờ Ngày Nay nhấm nháp tách trà, hút thuốc lào và bàn luận công việc tòa báo, chuyện thời cuộc: Nhà văn Hiếu Chân, chủ nhiệm, giáo sư Vũ Khắc Khoan, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, họa sĩ Thái Tuấn, nhà văn Hoàng Hải Thủy và đôi khi có cả luật sư tập sự Nguyễn Thượng Hiệp.


Những nhân vật này hầu như không chiều nào vắng bóng ở tòa soạn. Nghe Mai Thảo nhắc đến Vũ Hoàng Chương, tôi nhớ lại toàn vẹn bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm cũ và ngậm ngùi thương, tiếc cho bậc thi tài đã chết khổ đau một cách hẩm hiu và âm thầm như thế. Mai Thảo buồn bã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ cuối cùng coi như di cảo của thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết tặng Mai Thảo trước đó ít ngày, hôm anh lén lút tìm thăm khi nghe tin Vũ quân vừa được thả về: Cứ coi như từ biệt Liền tay thảo một chương Bút vạch không thành nét Chữ viết không ra hàng Từ nay trở về trước


Là mây trôi dọc ngang Từ đây là bóng tối Chia hai từ dao vàng - “Thảo một chương..” là Mai Thảo và Vũ Hoàng Chương đấy! Mai Thảo giải thích rồi bùi ngùi nói tiếp: - Trường hợp Trần Việt Hoài cũng tương tự. Ông ấy bị bệnh nặng nên được chúng trả về cho gia đình và chết hôm mùng ba Tết năm ngoái, trước khi tôi vượt biển…


Giọng nói của anh buồn bã và gương mặt trầm ngâm u uất. Anh im lặng sau câu nói đó. Tôi nghe Mai Thảo cho biết Trần Việt Hoài đã chết, bàng hoàng, tim hụt một nhịp đập: - Ôi tội nghiệp..! Trần Việt Hoài chết rồi sao anh? Anh em đưa tiễn anh ấy có đông không? - Anh nào cũng rét vì xuất hiện ở một nơi như thế là “lạy ông tôi ở bụi này”, chúng nó tóm ngay. Tôi không đi đưa đám vì đang bị chúng nó rình rập, chỉ nghe kể lại… Tôi ngồi lặng im, bần thần hình dung ngay ra cái vóc dáng gầy còm của Trần Việt Hoài và nhớ đến những kỷ niệm đặc biệt đã có cùng anh, cay cay trong mắt, lòng trĩu nặng nỗi buồn. Tôi gặp và quen Trần Việt Hoài ở trong tù, cuối năm 63.


Chúng tôi bị tù vì tham gia phong trào Phật giáo tranh đấu chống chế độ của anh em ông Diệm, bị mật vụ bắt giam trong Câu Lưu Xá Tổng Nha CSQG. Những người chống đối chế độ bị bắt hàng loạt, đủ mọi thành phần, từ sinh viên, học sinh đến kỹ sư, bác sĩ, nhà tu Phật giáo, văn nghệ sĩ, ký giả và ngay cả những người Thiên Chúa giáo ủng hộ hay có dính líu đến phong trào cũng bị cho vào tù. Trần Việt Hoài thuộc thành phần văn nghệ, báo chí chống đối. Anh là một trong nhóm tù lớn tuổi, như nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, giám đốc Tinh Hoa Miền Nam, xuất bản và phát hành nhạc.


Đại đức Thích Giác Đức từ Nhật về. Giáo sư Trần Quang Thuận, sau này làm Tổng Trưởng Xã Hội. Dược sĩ Bùi Hoành, cư sĩ Huyền Linh Tử, nhạc sĩ Cung Tiến, sinh viên Nguyễn Hữu Đống, sinh viên Nguyễn Quốc Khải, học giả Vũ Tài Lục, nhà thơ Tú Kếu, Trần Dạ Từ, ký giả Uyên Thao, Hồ Nam, Võ Hà Anh, ký giả Hoài Việt – tức ‘‘Ông Già Nam’’ - thân phụ của hai anh em nhạc sĩ Nam Lộc và cô ca sĩ Quỳnh Mai, vv…

Trần Việt Hoài viết báo châm chọc chế độ, làm thơ châm biếm Trần Lệ Xuân nên bị bắt. Tôi ở trong nhóm sinh viên Tổng Hội bị mật vụ thuộc đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của Ngô Đình Cẩn do Dương Văn Hiếu cầm đầu, từ Huế vào, đến tận nhà bắt đêm trước ngày bầu cử Quốc Hội. Trong tù, Trần Việt Hoài thường hay kể chuyện tiếu lâm và là tổ sư làm thơ tục, đọc oang oang khiến cả phòng cười bò ra, cũng khuây quên được cảnh chim lồng. Những câu thơ tục trứ danh này của anh, tôi chỉ nhớ lõm bõm vài câu nhưng không thể viết ra đây cho mọi người cùng đọc…


Trần Việt Hoài xem tôi như bạn vong niên, ngay từ ngày còn ở trong tù, anh bắt tôi phải xưng hô “mày tao” với anh khiến tôi bối rối không ít. Anh luôn luôn “mày tao” với tôi như cách xưng hô với bạn bè cùng trang lứa. Còn tôi, sau phút giây bối rối ban đầu, tôi tìm ra cách để xưng hô với anh cho phải phép. Tôi không dùng hai chữ “ông, tôi” nữa mà gọi anh là “bác”, xưng “em”, như thế cũng tiện vì anh đáng tuổi bố tôi, làm sao tôi dám “mày tao” với anh, dù được chính anh nhất định bắt buộc tôi phải xưng hô như thế! Ngày đó, thoạt trông thấy anh ngồi rít thuốc lá trong cellule, mặc trần sì có cái quần đùi kẻ sọc màu xanh dương, bao nhiêu xương sống xương sườn phơi ra hết, như một đệ tử thần Phù Dung có hạng, tôi ngờ ngợ. Trông anh quen lắm nhưng không thể nhớ được là đã gặp anh trong trường hợp nào và gặp ở đâu? Sau này biết được anh là con cụ Á Nam Trần Tuấn Khải thì tôi nhớ ra ngay.



Nhớ ngày xưa ở Hà Nội anh có đến nhà tôi một vài lần. Anh là bạn của bố tôi! Ngày đó anh đi chiếc xe đạp “cuốc” đến nhà tôi, cũng đội cái mũ phớt và nói chuyện với bố tôi oang oang “mày tao chi tớ” khiến mấy đứa lỏi chúng tôi trố mắt ra vì ngạc nhiên, tự hỏi tại sao ông bố mình và cái bác ấy lại xưng hô “mày tao” với nhau như thế? Thủa đó bố tôi và bạn bè của ông đều còn trẻ, khoảng trên dưới ba mươi, nhưng chúng tôi kính trọng và nể sợ một phép, thưa gửi đàng hoàng và tối kỵ không bao giờ được lại gần hóng chuyện, nhất là dám “nói leo”. Tôi nhìn ông bố mình và các bác như những ông thánh sống hay bậc thần linh, đứng đắn, đạo mạo, nghiêm nghị, khó khăn, ở một tầng cao chót vót chẳng bao giờ mình với tới…


Thành ra hồi đó thằng bé sáu bảy tuổi là tôi cứ thắc mắc và bị ám ảnh bởi cái cảnh lạ lùng. Các vị cũng cãi cọ, “mày tao chi tớ” loạn cào cào, cười cợt, vui đùa rinh rích với nhau như lũ nhóc..! Tôi cũng nhớ một đôi lần bố tôi nói đến chuyện cụ Á Nam suýt nữa lấy bà cô tổ của tôi - tức cô của bố tôi - nhưng chẳng hiểu sao cuộc nhân duyên bất thành. Khi biết Trần Việt Hoài là con cụ Á Nam Trần Tuấn Khải và là bạn học của bố mình, tôi tìm anh, nói: - Chết thật. Em mà “mày tao” với bác, bố em biết được bố em chửi cho mục mả! Bác có biết bố em là bạn học với bác ngày xưa ngoài Hà Nội không? Em đâu dám hỗn! Trần Việt Hoài nhìn tôi ngạc nhiên, nhướng mắt hỏi: - Thế… “thằng bố mày” là thằng nào?

Tôi nói tên bố tôi và nhắc anh là ngày xưa gia đình tôi ở số 6 phố Hàng Vôi, sau dọn về phố Châu Long và anh có đến chơi một đôi lần… Trần Việt Hoài ngẫm nghĩ một lúc rồi điềm nhiên nói: - Tao nhớ ra nó rồi. Nhưng mày là bạn vong niên của tao thì vẫn là bạn vong niên của tao, chẳng có gì thay đổi. Bây giờ... “thằng bố mày” làm gì? Tôi buồn cười, nhớ lại hồi mới quen, nghe anh đề nghị lối xưng hô “mày tao” và tôi từ chối, anh giống như trẻ con, vùng vằng, giận lẫy không nói chuyện với tôi đến mấy ngày.


Sau có lẽ buồn tình vì trong tù không ai hợp ý để nói chuyện nên anh cũng thôi không giận nữa và lơ cho tôi muốn gọi thế nào cũng chẳng phàn nàn. Tôi nghĩ anh “già” rồi, răng cỏ rụng gần hết rồi, muốn “dối già” bằng cách chơi với bọn trẻ, nằn nì, ép buộc, bắt bọn trẻ gọi anh bằng hai tiếng “mày tao” cho có vẻ “bạn vong niên”, tự dối lòng nghĩ mình chưa lão, cùng trang phải lứa với đám thanh niên. Có lẽ đúng như vậy thật. Sau ngày cách mạng 1-11-63, chúng tôi ra tù. Tôi gặp Trần Việt Hoài thường hơn khi còn làm báo. Cuối năm 64, tôi vào Không Quân, du học khóa phi hành rồi về nước, thảng hoặc viết lách vớ vẩn kiếm mớ tiền còm và vẫn giữ liên lạc với anh em trong làng văn, xóm báo. Do đó, mỗi khi về Saigon, thỉnh thoảng tôi với Phạm Hồ hay Thế Phong thường ghé Con Ong rủ Minh Vồ, Dương Hùng Cường ra Ngã Sáu ăn sáng.


Tòa soạn Con Ong cùng nằm trong căn phố đặt tòa soạn báo Quyết Tiến của ông Hồ Văn Đồng, nên tôi nhân tiện bước qua rủ Trần Việt Hoài và Cao Đắc Bửu đi luôn. Thường chỉ có Cao Đắc Bửu nhận lời. Trần Việt Hoài viện cớ bận và không có thói quen ăn sáng, cáo lỗi không đi. Cao Đắc Bửu là tổng thư ký tờ Quyết Tiến. Trần Việt Hoài là biên tập viên thường trực, chuyên làm tin, dịch tin, viết phiếm luận và chăm nom việc ấn loát. Anh dùng bút hiệu Thiết Bản Đạo Nhân cho những bài thơ trào phúng, những hài văn châm biếm cuộc đời hay châm chích chính quyền. Mỗi khi ghé tòa soạn thăm anh, tôi lần nào cũng thấy Trần Việt Hoài, như một ông công chức chân chỉ hạt bột ngồi quay lưng ra ngoài, đầu đội cái mũ phớt, chăm chú làm việc trước cái bàn gỗ cũ kỹ hình chữ nhật kê gần nơi nhà in nóng như lò lửa, xầm xập tiếng máy in chạy rung chuyển căn nhà…


Cái mũ phớt lúc nào cũng đội sùm sụp trên đầu là dấu hiệu đặc biệt để nhận ra Trần Việt Hoài từ phía sau. Anh có thói quen ngồi làm việc cũng đội trên đầu cái mũ phớt. Anh hớt tóc cao, nên phía sau gáy trắng nhìn rất rõ cái hũm sâu, dáng ngồi gù gù nom còm cõi tội nghiệp. Bao giờ tôi cũng xúc động khi nhìn thấy cái hốc sâu phía sau ót của anh và không thể nào quên được cái mũ phớt độc đáo anh luôn đội trên đầu. Kỷ niệm mới mẻ nhất tôi còn giữ mãi đến bây giờ là hôm tôi gặp cả hai vợ chồng Thiết Bản Đạo Nhân trong buổi ra mắt cuốn băng thơ của chị Hồ Điệp do nhà phát hành băng nhạc Hoa Xuân tổ chức, khoảng đầu năm 74. Địa điểm tổ chức là trên lầu tiệm vàng Thành Hưng, đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận nhưng thiệp mời ghi sai địa chỉ đến một trăm căn trên con phố chính sầm uất của quận Tân Bình.



Tôi đậu xe trước cái địa chỉ ghi trong giấy mời, nhìn lên cái bảng số nhà, bỡ ngỡ. Đó không phải là nơi hội họp dành cho văn chương, thi phú. Mà là một tiệm hủ tíu bình dân của một chú ba tàu hay một thím xẩm nào đó gần dốc cầu Kiệu. Tôi ngồi trong xe đợi chừng mươi phút thì thấy anh Phạm Kim Vinh tức bình luận gia Trương Tử Phòng lái chiếc vespa trờ đến. Anh vội vàng, giục tôi chạy ngay đến tiệm vàng Thành Hưng phía dưới kia, để anh ở lại đón những khách đến lầm địa chỉ. Tiệm vàng Thành Hưng ở mãi gần ngã tư Chi Lăng, Võ Tánh trên đường Võ Di Nguy, bên cạnh ngõ hẻm vào trụ sở Hội đồng xã Phú Nhuận, trường tiểu học Võ Tánh và đình Tân Kiểng.


Thành ra chiều hôm đó buổi họp mặt văn nghệ trên căn gác ấm cúng của tiệm vàng Thành Hưng đã khai mạc trễ nhưng chẳng ai lấy đó làm phiền. Tôi gặp nhiều người quen. Ngoài nhà báo Phạm Kim Vinh, tất nhiên là có chị Hồ Điệp, người thực hiện cuốn băng thơ và là giọng ngâm chính đêm hôm đó. Giọng ngâm nam là nghệ sĩ Quang Minh. Quan khách có nhà thơ Thẩm phán Hà Nguyên Phu, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhà thơ trào phúng Trạng Đớp, anh chị Cung Trầm Tưởng, vợ chồng nữ thi sĩ Hoàng Hương Trang, vợ chồng anh Xuân Trường, chủ nhà phát hành Hoa Xuân ở đường Nguyễn Thiện Thuật, ông bà chủ tiệm vàng Thành Hưng, vợ chồng nhà thơ Trần Việt Hoài cùng một số quan khách khác, có người tôi không quen biết.


Đó là lần gặp gỡ cuối cùng để rồi chẳng bao giờ tôi trông thấy Trần Việt Hoài trên cõi đời này nữa. Tôi nhớ rất rõ kỷ niệm đêm hôm đó, một đêm sinh hoạt văn nghệ với số người chọn lọc và vừa phải trong căn phòng ấm cúng, được uống nước trà, ăn bánh ngọt, xôi vò chè đường và nghe Hồ Điệp, Quang Minh luân phiên ngâm những bài thơ trong cuốn băng sắp phát hành của chị Hồ Điệp và thơ của khách tham dự. Nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà “tức cảnh sinh tình”, làm ngay tại chỗ một bài lục bát tặng chị Hồ Điệp, nói lên cảm tưởng của anh về đêm hôm đó. Khách tham dự, đa số là thi nhân đều được Hồ Điệp yêu cầu ai có bài nào ưng ý, viết đưa cho chị ngâm. Tôi nghĩ Trần Việt Hoài có lẽ đã được căn dặn trước, nên đem theo một bài thơ viết tay trên tờ giấy in báo gập làm tư mở ra trao cho chị Hồ Điệp. Giọng ngâm lảnh lót cực cùng điêu luyện của người nữ sĩ tài danh vang lên…


Trần Việt Hoài sáng tác bài thơ này năm 1955, hồi mới di cư vào Nam, làm cán bộ ở Ty Thông Tin tỉnh Long An. Bài thơ có tựa đề là gì, tôi không còn nhớ. Chỉ nhớ anh có câu mào đầu để tặng các anh em văn nghệ sĩ người miền Nam, như lời chào để làm quen và cám ơn của một thi nhân Hà nội di cư tìm tự do, tìm đời sống và đất sống, gặp anh em cùng giới đưa tay hào hiệp ân cần tiếp đón. Trước đây tôi chỉ được nghe toàn những bài thơ tục của Trần Việt Hoài chứ chưa từng nghe một bài thơ đứng đắn của anh, nên khi chị Hồ Điệp ngâm dứt, mọi người đều cảm động, vỗ tay nồng nhiệt. Tôi rất thích bài thơ ý nghĩa và rung động này. Trước khi ra về, tôi hỏi xin để giữ làm kỷ niệm. Anh trao cho tôi và nói: - Mày giữ lấy. Còn mấy bài nữa cũng hay, để hôm nào tiện tao chép cho mày luôn thể…

Hôm đó chị Hồ Điệp nhất định nằn nì tôi phải có một bài để chị ngâm mặc dù tôi từ chối mấy lần. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà anh Phạm Kim Vinh nói tôi có làm thơ và làm thơ “hay” nữa mới chết đứng. Có lẽ anh nghe Thế Phong “bốc” tôi. Chả là hồi sau Tết Mậu Thân tôi có làm một bài thơ về vụ thảm sát Mậu Thân 1968 ở Saigon của cộng sản mà tôi chứng kiến, bài “Kẻ Thù Ta Đâu Phải Là Người”, lấy tựa một bài hát Phạm Duy làm tựa bài thơ, gửi cho Lý Tưởng của Không Quân. Thế Phong đã đưa bài thơ ấy lên đài Saigon cho Hoàng Thư ngâm trong “Chương Trình Tao Đàn, Thi Văn Miền Tự Do” mà tình cờ trong một chuyến bay đêm tôi đang trên không phận Biên Hòa, đưa tay mở đài Saigon, sững sờ thú vị nghe được đoạn cuối, không bao giờ nghĩ rằng thơ mình được đưa lên Tao Đàn và lại do Hoàng Thư trình bày nữa…!



Biết thoái thác không được, tôi phải chiều lòng chị Hồ Điệp, xin tờ giấy chép lại một bài lục bát tôi làm trong tâm trạng đau đớn, xúc động bởi cái chết của Trần Thế Vinh ở mặt trận Đông Hà vào mùa Hè đỏ lửa 1972. Tôi trao cho chị Hồ Điệp và chị đã ngâm lên. Bài thơ có hai câu mở đầu “Nẻo xa mây núi giăng mờ. Xé không gian, vượt bến bờ yêu em…” chẳng có gì đặc sắc, chẳng qua chỉ là những giọt nước mắt tôi nhỏ xuống cho một người bạn cùng khóa rất thân thiết, một cánh chim Không Lực đã hy sinh vì đất nước khi tuổi còn trẻ, tóc còn xanh, cuộc tình đang nồng thắm với Thy Thy bỗng trở thành dang dở...


Trần Việt Hoài nghe xong gật gù khen bài thơ tôi làm có khẩu khí Không Quân. Xuống tới đường, anh khoác vai tôi, hỏi “Mày đi xe gì?”. Tôi chỉ cái pick-up màu xanh Không quân đậu sát bờ tường con hẻm vào trường tiểu học Võ Tánh. Anh reo lên: - Mày cho tao quá giang về nhà được không? Đỡ phải vẫy taxi…. Tôi nói: - Được chứ! Hai bác lên cả đây để em chở về luôn thể. Cả ông Trạng Đớp nữa, càng vui. Nhà Trần Việt Hoài ở đường Võ Tánh, Phú Nhuận. Trạng Đớp ở gần cuối đường Võ Di Nguy nối dài, lối lên Gò Vấp. Còn tôi ở đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận nên đưa vợ chồng Trần Việt Hoài và Trạng Đớp về rồi về sau cũng chẳng có gì bất tiện. Tôi mời cả ba người ngồi băng trước. Trần Việt Hoài hỏi tôi: - Tao nghe thằng Duyên Anh nói mày lấy vợ rồi phải không? Vợ chồng mày ở đâu?


Con cái đã có đứa nào chưa? Có tậu nhà tậu cửa gì không?… Anh hỏi tôi một loạt câu hỏi nhưng không cần nghe trả lời, nói luôn: - Thằng Minh Vồ có tới hai cái nhà trong làng Báo Chí mà không ở. Mày bảo nó chia cho một cái? Hay để tao bảo Thanh Thương Hoàng ký cho mày cái giấy chứng nhận là ký giả, sẽ mua được rẻ…? Tôi cười: - Cám ơn bác. Em ở trong cư xá sĩ quan, chật chội một tí cũng chả sao.



Mua nhà làm gì cho phiền. Mà có muốn mua dù với giá rẻ cũng chẳng có đồng xu dính túi thì mua với bán cái gì? Tuy vậy, Trần Việt Hoài cũng hẹn tôi lần sau về ghé tòa soạn gặp anh và căn dặn tôi nhớ nhắc anh việc này để anh nói với Minh Vồ hoặc Thanh Thương Hoàng về vụ mua nhà trong làng Báo Chí. Tôi chỉ ậm ừ cho anh hài lòng, vòng qua mở cửa xe cho hai vợ chồng anh xuống, đi vào con hẻm tối mờ. Tôi nhìn theo dáng đi gù gù của Trần Việt Hoài. Cái hũm sâu phía sau gáy thấy rất rõ dưới ánh điện vàng vọt chiếu chênh chếch từ cột điện ngay đầu con hẻm. Đêm hôm đó tôi không thấy anh đội cái mũ phớt.



Đào Vũ Anh Hùng

*

No comments:

Post a Comment