Pages

Saturday, March 13, 2010

NGÔI LÀNG VIỆT NAM TẠI MỸ

*
Một ngôi làng Việt... tên gọi Versailles


GHI CHÚ : Nhớ đón coi phim này sẽ được trình chiếu trên đài PBS vùng Orange County vào ngày Thứ Ba 25/5/2010.
VILLAGECALLE_photo_select_0.jpg
Dân Versailles trở về coi tổn thất sau trận bão Katrina, 2005 –
ảnh: Mary Queen of Vietnam Church/ITVS.

Trn Hương
Một e mail từ một cái tên khá xa lạ, Mary Lugo, báo cho tôi biết về một cuốn phim tài liệu có cái tên rất giản dị: Một ngôi làng tên gọi Versailles (A Village Called Versailles). Dĩ nhiên là cuốn phim này có dính dáng đến người Việt, nên người làm marketing mới thông tin cho báo Việt Nam.
Versailles là tên một khu gồm nhiều chung cư nằm sát nhau thuộc vùng New Orleans East, về phía Đông của New Orleans, thuộc một vùng đất thấp nằm sát bên con sông Mississippi. Làng Versailles là một nơi không giống ai trên đất Mỹ, chỗ mà người ta có thể sống như một người Việt Nam trăm phần trăm. Mỗi tuần đều có chợ chồm hổm giống hệt Việt Nam, nơi tất cả các người bán hàng đều ngồi chổm hổm, bán cá thịt tươi sống và rau xanh rờn trồng ngay tại làng. Làng Versailles đã có mặt trên nước Mỹ trên 30 năm qua, thành lập bởi những thuyền nhân, đa số là từ hai làng đánh cá Phước Tĩnh và Vũng Tàu. Họ quây quần sống bên nhau, ít gây chuyện phản đối, dù bị kỳ thị, ít giao thiệp với những cộng đồng khác, dù con cái họ lớn lên cũng nói tiếng Mỹ và trở thành người Mỹ. Rồi biến cố Katrina xẩy ra năm 2005, làm đảo lộn tất cả. Dân Việt làng Versailles đã cho người bản xứ học một bài học về sự đoàn kết và lòng quyết tâm.
Truyện phim
Trước biến cố Katrina, Versailles là một cộng đồng Việt chừng 8.000 người sống quây quần bên nhau. Tuy cuộc sống vật chất đã trở nên thoải mái, sau thời gian phấn đấu khó khăn lúc ban đầu, cộng đồng này, cũng như bao nhiêu cộng đồng di cư bạn, vẫn chưa quyết định rõ cái “căn cước” của mình. Người già thì cho rằng đám trẻ chỉ thích loại nhạc kích động ồn ào là mất gốc, trong khi người trẻ cho rằng người già đã hết thời, không còn thích ứng nổi với cuộc sống Mỹ. Tuy là công dân Mỹ trên giấy tờ, nhưng họ vẫn không thấy thoải mái khi làm người Mỹ. Họ trở thành những kẻ sống bên lề ở New Orleans, bị chính phủ bỏ mặc không ngó ngàng tới. Cứ như vậy họ sống 30 năm qua.
VILLAGECALLE_01.jpg
Hải Âu Huỳnh (trái) và dân biểu liên bang Anh “Joseph” Cao (phải) đang biểu tình bên ngoài City Hall ở New Orleans, 2006 –
ảnh: James Dien Bui/ITVS.
Trận bão kinh hoàng Katrina thổi tới vào tháng 8-2005. Rất nhiều cư dân Versailles ở lại, không di tản. Nhưng khi các con đê đều vỡ đem nước dâng cao không thể tưởng, thì họ phải ra đi. Tới đâu? Tới cái lò New Orleans Convention Center, rồi được phân phối đi Houston, Fort Chaffee, Dallas...
Nhưng khi thị trưởng New Orleans là ông Nagin cho phép dân chúng trở về chỉ để nhìn qua và ra đi, “look and leave”, thì một số lớn cư dân Versailles đã trở về, trong đó có người lãnh đạo của họ là cha Nguyễn Viễn. Thay vì ra đi, tất cả đã ở lại, để bắt đầu việc tái thiết và trùng tu ngôi nhà thờ, không chờ sự giúp đỡ nào của chính phủ. Chỉ 6 tuần lễ sau cơn bão, một thánh lễ đã được tổ chức trong nhà thờ còn nhiều chỗ rách nát. Có tới 300 người tham dự. Và 1 tuần sau, 800. Tuần sau nữa, 1.200...
Tới tháng 1-2006, trong khi đa số dân New Orleans còn bàng hoàng trong cơn ‘sốc’, không biết phải làm gì và trông chờ vào chính phủ, hơn một nửa cư dân Versailles đã trở về xây dựng lại cuộc đời, những cuộc đời đã đánh dấu 2 lần di tản, từ Bắc vào Nam và từ Việt sang Mỹ. Rời Versailles đi lánh nạn lụt là lần di tản thứ ba. Nhưng khác với 2 lần trước, lần này họ nhất quyết trở về quê hương thứ hai của mình, làm lại cuộc đời.
Chưa hết, họ bị bỏ rơi trong dự án tái thiết New Orleans. Khi biết được, họ đã tràn ngập phòng họp của thành phố và đem về chiến thắng với dự án xây dựng lại Versailles cho quy củ, có nhà hưu dưỡng cho người già, có phòng sinh hoạt cộng đồng, có khu trồng trọt, có chợ...
Nhưng một biến cố lớn xẩy ra. Thị trưởng New Orleans dùng quyền quyết định khẩn cấp, cho mở khu đổ rác Chef Menteur chỉ cách Versailles vài dặm đường, và có thể làm ô nhiễm con sông chảy qua Versailles, nguồn cung cấp nước cho rau trái trồng tại đây. Một lần nữa, Versailles chỉ biết được điều này, sau khi một người có cảm tình với cộng đồng báo cho họ biết. Lập tức, toàn cư dân Versailles, dưới sự lãnh đạo của hai cha Viễn và Luke, đã thực hành quyền công dân Mỹ của mình, để phản đối quyết định tồi tệ này. Sát cánh với các tổ chức bạn như Congregations Together-ACT, Southern Christian Leadership Conference, Sierre Club..., họ đã tranh đấu đến cùng ở cấp tiểu bang và liên bang, và nhận được lời hứa sẽ hoãn chuyện đổ rác, để thực hành những thử nghiệm về sự độc hại của rác.
VILLAGECALLE_02.jpg
Cô Mimi C. Nguyễn (tận cùng bên trái), cha Luke Nguyễn (giữa) và các bạn trẻ của Versailles ăn mừng chiến thắng
trong cuộc biểu tình ở bãi đổ rác Chef Menteur Landfill, 2006 - ảnh: Yoojin Janice Lee/ITVS.
Nhưng lời hứa không được giữ, rác có chứa chất độc phế thải vẫn được chở tới bãi đổ rác này. Versailles bèn tổ chức biểu tình ngay tại bãi đổ rác, khiến xe rác không vào được. Trong cuộc biểu tình này, người già người trẻ đã cùng sát cánh bên nhau tranh đấu cho mục đích chung. Những khẩu hiệu tiếng Mỹ và tiếng Việt được hô lên, những đôi mắt cương quyết chiếu sáng, những bàn tay quả quyết giơ cao. Và họ đã thắng, thị trưởng Nagin phải đóng cửa vĩnh viễn bãi đổ rác này.
Chiến thắng đã đem lại cho Versailles một căn cước mới, một niềm hãnh diện mới. Sự quyết tâm trở về xây dựng cộng đồng của họ đã làm cho các cư dân New Orleans khác, nhất là vùng thấp Ninth Ward, cảm thấy phấn khởi, để cùng nhau trở về xây dựng lại, không chờ sự giúp đỡ của thành phố, vốn ù lì không hiệu quả.
Chiến thắng của Versailles cũng đã khiến họ có một tiếng nói chánh trị không ai có thể bỏ qua được. Cha Viễn nói: “Bây giờ thì không ai dám nói đến chuyện tái thiết New Orleans mà không hỏi đến cộng đồng chúng tôi. Vì họ biết rằng chúng tôi đã trở lại, chúng tôi ở ngay đây.”
Xưa kia, Versailles được biết đến như một nhóm người Việt tị nạn nhỏ bé và im ắng, nằm xa cách về phía Đông của thành phố. Nhưng bây giờ thì họ đã trở thành những người Mỹ gốc Việt của New Orleans, những người Mỹ chính cống.
Thực hiện
Đạo diễn S. Leo Chiang, người thực hiện” Versailles”, sinh trưởng và lớn lên ở Đài Loan, đến Mỹ trong tuổi vị thành niên. Anh theo học về phim ở USC và có bằng Master of Fine Arts, đã thực hiện khá nhiều phim tài liệu và phim ngắn. Có lẽ vì cũng là người di cư sống nơi xứ lạ, anh thông cảm được tâm tình của người xa xứ, điển hình là những người Việt cao tuổi sống ở Versailles.
VILLAGECALLE_07.jpg
Một bà cụ chuyên trồng trọt rau xanh ở Versailles đang tạm nghỉ ngơi, 2006- ảnh: Lucas Foglia/ITVS.
Cuốn phim “Versailles” được anh thực hiện khá công phu, với rất nhiều đoạn phim tài liệu từ những năm 1954 về cuộc di cư của dân miền Bắc vào Nam, những cuộc vượt biên từ Việt Nam tới Mỹ và những thước phim về trận bão Katrina, cũng như những cuộc tranh đấu của Versailles. Tất cả được lồng trong tiếng kể chuyện của cha Viễn, nhân vật chính của cuốn phim. Cha Viễn tỏ ra là một người ăn nói lưu loát, cương quyết và có cái nhìn xa cho cộng đồng. Cha đã dẫn dắt con chiên của mình một cách tuyệt diệu, để đưa họ đến những hiểu biết về quyền công dân của mình trên một đất nước dân chủ. Cha có sự giúp sức của những người trẻ như cô Mimi Nguyễn, một thiện nguyện viên đến từ miền Bắc California, để rồi ở lại cùng tranh đấu vói dân làng, và những người trẻ lãnh đạo cộng đồng với tiếng Anh lưu loát và ý thức sâu xa về quyền công dân như Minh Nguyễn, Tâm Trần... Tất cả đã nói lên sự hợp tác ưu việt của người trẻ và người già, sự quyết tâm và đứ c tin mãnh liệt của cả một cộng đồng.
Chiếu phim
Phim tài liệu này sẽ được chiếu trên đài PBS vào ngày thứ Ba 25-5-2010 trong vùng quận Cam. Quý độc giả nên check kỹ giờ chiếu phim, để theo dõi cho được cuốn phim này, một cuốn phim làm chúng ta cảm động và hãnh diện.


No comments:

Post a Comment