Người viết: TRẦN QUỐC SỸ
Bài số 1162-1770-482- vb4271206
Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam . Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam . Định cư tại Nam California từ 1975. Nghề nghiệp: Kỹ sư cho Rainbow-Mykotronx Inc. Torrance. "Nghề tay trái" của ông là giảng viên traffic school tại National Traffic Safety Institute (NTSI). Tới với giải thưởng ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ là tác giả góp nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2002. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Lời tác giả:
"Identity Theft" hay "Ăn Cắp Dữ Kiện Cá Nhân" là đề tài của bài viết này. Tác giả đã loay hoay suy nghĩ một thời gian khá lâu nhưng vẫn không biết phải đặt tựa bài viết này như thế nào? Vì đem hai chữ "Identity Theft" của tiếng Anh dịch ra tiếng Việt thì chẳng có chữ nào nghe xuôi tai cả. Chẳng lẽ lại dùng "Ăn Cắp Dữ Kiện Cá Nhân" cho tựa đề một bài viết? Vì thế, tác giả xin được tạm dùng hai chữ "Danh Tặc" làm tựa cho bài viết này. Mời các bạn đọc.
Một buổi sáng vào khoảng giữa năm 2005, tôi nhận được một phong bì vàng gởi tới bởi phòng an ninh của công ty nơi tôi đang làm việc. Mở ra, bên trong là một xấp tài liệu viết bằng Anh Ngữ với tiêu đề "Identiy Theft When Bad Things Happen To Your Good Name" (Danh Tặc Khi Điều Xấu Xảy Ra Cho Cái Tên Tốt Của Bạn"). Tập tài liệu dài hơn một chục trang, đề cập tới những vấn đề liên quan tới sự ăn cắp dữ kiện cá nhân của người khác bởi những kẻ gian và dùng những dữ kiện này vào những mưu đồ bất chánh để trục lợi. Tập tài liệu cũng trình bày về những hậu quả tai hại về tài chánh và pháp lý của người bị ăn cắp dữ kiện cá nhân, những phương cách để giải quyết và những lời khuyên hữu ích hầu trong tương lai có thể tránh được tệ nạn này trong tương lai.
Sau khi đọc lướt qua một vài trang, tôi đã định quăng tập tài liệu này vào sọt rác vì nghĩ nó chẳng liên quan gì đến mình và tôi cũng không nghĩ là chuyện này sẽ xảy ra cho tôi. Nhưng, bỗng có một cái gì đã loé sáng lên trong đầu, tôi đã dừng lại suy nghĩ vài giây và sau đó thay vì quăng cái phong bì màu vàng vào sọt rác, tôi đã cất nó vào tủ hồ sơ.
Chuyện cái phong bì vàng qua đi vào quên lãng..
Vào cuối năm 2005, vào một buổi tối, tôi đang ngồi xem Tivi trong phòng gia đình thì tiếng của Hồng trong phòng làm việc vọng ra hỏi:
-Anh Sỹ, anh mới xin thẻ tín dụng tại Best Buy hả?
Tôi đáp:
-Không. Anh xin thẻ Best Buy làm gì?
-Đây nè, họ gởi thẻ tín dụng cho anh nè.
Tôi cười:
-Ờ, chắc họ gởi thơ dụ mình đó mà. Em biết rồi, họ làm chuyện này hoài.
Hồng từ phòng làm việc đi ra, trên tay cầm một phong thơ và một cái thẻ tín dụng, nghiêm giọng nói:
-Đây không phải là thơ chiêu dụ cấp thẻ mà là họ gởi thẻ tín dụng với tên của anh đàng hoàng. Anh coi nè.
Tôi nhận lấy cái thẻ tín dụng của Best Buy và lá thư từ tay Hồng. Cái thẻ tín dụng mới toanh với tên của tôi còn lá thư thì đại ý chúc mừng tôi cùng những điều linh tinh khác. Đọc xong lá thư, tôi bảo Hồng:
-OK, để mai anh gọi cho Best Buy hỏi cho ra lẽ và bảo họ huỷ cái trương mục tín dụng này.
Hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Best Buy để xin huỷ bỏ trương mục. Trên điện thoại, người nhân viên của Best Buy cho biết là "chính tôi", tuần trước, đã đến tiệm mua hàng và đồng thời "chính tôi" cũng đã mở một trương mục tín dụng. Số tiền mà "tôi" đã mua và nợ trong trương mục là hơn năm ngàn đô la. Tôi nói với người nhân viên này là từ vài tháng nay tôi chưa đến Best Buy, không xin thẻ tín dụng và cũng không mua gì đến hơn năm ngàn đô la cả. Sau hơn mười lăm phút điện đàm, cuối cùng, tôi mới vỡ lẽ ra là tuần trước, đã có người nào đó dùng tên, tuổi, số bằng lái xe và cả số an sinh xã hội của tôi để mua hàng và mở một trương mục tín dụng với Best Buy.
Đến chiều về đến nhà, mở hộp thơ thì tôi mới tá hoả tam tinh khi nhận được thêm hai thẻ tín dụng nữa, một từ Comp USA và một từ Home Depot. Liên tiếp trong những ngày sau đó, tôi nhận được tổng cộng 11 thẻ từ các công ty bán lẻ như Fry s, Pier 1 Import, Sony, Old Navy, Kohl, Mervyn, Macy và một thẻ của tiệm nữ trang nổi tiếng Bailey Banks & Biddle. Tổng số tiền mà kẻ gian đã dùng tên tôi để mua hàng, chỉ trong vòng năm ngày, lên đến hơn ba mươi ngàn đô la. Vâng, hơn ba mươi ngàn đô la chỉ trong năm ngày.
Bàng hoàng, sững sờ trước sự việc xày ra, chưa biết phải giải quyết thế nào thì tôi bỗng sực nhớ ra cái phong bì màu vàng và tập tài liệu về Danh Tặc mà nửa năm trước đó tôi đã định quăng vào thùng rác. Mở tủ hồ sơ, lấy cái phong bì vàng và lôi tập tài liệu ra, tôi đọc thật kỹ những tin tức, dữ kiện, những điều phải làm và những phương cách hành động và đề phòng chuyện này tái diễn.
Theo sự hướng dẫn của tập tài liệu, việc đầu tiên là tôi gọi cho sở cảnh sát địa phương để tường trình nội vụ. Sở cảnh sát Huntington Beach đã gởi nhân viên cảnh sát đến tận nhà, lấy lời khai của tôi và những dữ kiện cần thiết. Ông ta làm biên bản, giao cho tôi bản sao cùng những số điện thoại để liên lạc khi cần. Kế đến, tôi gọi cho Federal Trade Commission (FTC) để lập hồ sơ khai báo. Người nhân viên của FTC cũng lấy mọi dữ kiện, cho tôi những số điện thoại cần thiết để liên lạc. Sau đó, tôi gọi cho ba công ty chuyên về hồ sơ tín dụng là Exquifax, Eperian và TransUnion để báo cáo và cũng để kiểm soát xem có còn những trương mục nào đã được mở mà tôi không được biết. Tôi yêu cầu ba công ty này cài đặt báo động và xin cho tôi biết ngay lập tức nếu có gì bất bình thường với hồ sơ tín dụng của tôi. Sau cùng, tôi gọi cho từng công ty bán lẻ đã cấp thẻ tín dụng cho tôi, cho họ biết tôi đã bị danh tặc, có người mạo danh tôi để trục lợi. Các nhân viên của ban thẩm tra về "tội ác danh tặc", sau khi lấy lời khai và dữ kiện, liền gởi cho tôi một bản khai chứng nhận không trách nhiệm (Affidavit of Non-Liability) , bảo tôi điền đầy đủ dữ kiện, ký tên và gởi lại cho họ.
Sau hai tháng khai báo với cảnh sát, khai báo với FTC, mỗi ngày trên điện thoại hằng giờ với các công ty bán lẻ, thư đi, thư về, cuối cùng thì tôi cũng thoát khỏi chuyện rắc rối, không phải trả một đồng xu nào và những vết xấu trong hồ sơ tín dụng của tôi đã được hoàn toàn tẩy sạch.
Qua kinh nghiệm trên, tác giả xin được trình bày nơi đây những gì mà chúng ta cần biết, cần làm, trong trường hợp không may bị danh tặc, để sau này khỏi phải trả những món nợ không do chúng ta tạo nên, và cũng để bảo vệ hồ sơ tín dụng của chúng ta cho được hoàn hảo và nhất là để tránh chuyện không may này xày ra lần thứ nhì.
Dưới đây là những câu hỏi và trả lời liên quan đến vấn đề danh tặc. Những dữ kiện này tác giả đã sưu tập từ những thông tin trên mạng lưới internet.
Danh tặc là gì?
Danh tặc xảy ra khi một người nào đó dùng dữ kiện cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ cư ngụ, số bằng lái xe hay số an sinh xã hội, số thẻ tín dụng, v.v..., của chúng ta làm điều bất chánh để trục lợi cho cá nhân họ..
Những kẻ làm chuyện phi pháp này có thể là một cá nhân, làm việc đơn độc, nhưng cũng có thể là một tổ chức với hằng trăm người, có đường dây hoạt động không những chỉ tại Hoa Kỳ mà còn trên khắp thế giới nữa.
Làm thế nào kẻ gian có thể ăn cắp dữ kiện cá nhân của tôi ?
Kẻ gian có thể dùng nhiều phương tiện, đơn giản hay phức tạp, để ăn cắp dữ kiện cá nhân của bạn. Những thí dụ điển hình mà kẻ gian thường làm gồm có:
1. Họ lấy dữ kiện cá nhân của bạn từ những công ty bán lẻ, ngân hàng, hay các công ty tín dụng bằng những cách sau:
o Ăn cắp hồ sơ chứa dữ kiện cá nhân của bạn từ những nhân viên làm cho các công ty tín dụng.
o Toa rập với nhân viên nhận đơn tại các tiệm bán lẻ hay các nhân viên có thẩm quyền cứu xét và cấp thẻ tín dụng, để lấy dữ kiện cá nhân của bạn (tác giả có thể đã bị trường hợp này).
o Hối lộ nhân viên có thẩm quyền giữ hồ sơ chứa dữ kiện cá nhân của bạn tại các công ty hay ngân hàng.
o Lường gạt nhân viên có thẩm quyền gìn giữ hồ sơ của bạn.
o Xâm nhập máy điện toán (hacking) của các công ty bán lẻ, các công ty tín dụng, các công ty địa ốc, các công ty bán điện thoại viễn liên, hay ngân hàng để đánh cắp dữ kiện cá nhân của bạn.
o Đánh cắp máy điện toán xách tay của nhân viên có chứa dữ kiện cá nhân của bạn.
2. Họ moi, bới lục các thùng rác nhà của bạn, thùng rác của các công ty hoặc những nơi đổ rác để tìm dữ kiện cá nhân của bạn.
3. Họ xin hồ sơ tín dụng có chứa dữ kiện cá nhân của bạn từ những công ty tín dụng bằng cách giả làm chủ nhà, chủ đất, nhân viên ngân hàng, hay những nhân viên có thẩm quyền duyệt xét hồ sơ của bạn.
4. Họ ăn cắp thẻ số thẻ tín dụng của bạn và những dữ kiện cá nhân bằng một dụng cụ đặc biệt gọi là skimming device, bán khoảng 50 đô (hành động này gọi là "skimming", người làm chuyện này gọi là "skimmer"). Skimming thường xảy ra tại các nhà hàng. Sau khi dùng bữa, bạn móc bóp lấy thẻ tín dụng đưa cho người hầu bàn. Anh ta đi vào trong và một lúc sau trở lại với hoá đơn cho bữa ăn của bạn. Những thành phần bất hảo mua chuộc hay toa rập với những người hầu bàn và người này chỉ cần "cà" thẻ của bạn vào một cái máy nhỏ, bán khoảng 50 đô, thì những dữ kiện trên thẻ của bạn sẽ được thu vào máy. Sau đó, họ bán lại những dữ kiện thu được cho kẻ gian. Thẻ tín dụng của bạn cũng bị "cà hai lần" khi bạn đi mua sắm tại những tiệm bán lẻ bởi những nhân viên bán hàng không lương thiện.
Tại nhà hàng Outback ở Charlotte, North Carolina, hai người hầu bàn tên Benjamin Gadson and Juan Canales, đã bị câu lưu vì nghi ngờ đã dùng skimming device để "cà" hơn 650 thẻ tín dụng của khách hàng, sau đó đã bán lại với giá 25 đô cho mỗi số thẻ.
Đôi khi, kẻ gian cũng cài cái máy này vào những máy lấy tiền (ATM) đặt trong những thương xá.
5. Họ ăn cắp ví hoặc xách tay có dữ kiện cá nhân của bạn trong đó.
6. Họ ăn cắp thơ của bạn, gồm cả những thơ từ ngân hàng, các công ty tín dụng hay từ sở thuế.
7. Họ ra bưu điện, điền mẫu đổi địa chỉ của bạn, để thư từ của bạn được gởi tới một địa chỉ khác.
8. Họ lấy dữ kiện cá nhân của bạn bằng cách lường gạt những người nhẹ dạ, dễ tin. Họ có thể làm một trong hai việc sau đây:
o Gọi điện thoại và giả làm nhân viên của ngân hàng, nhân viên công lực hay nhân viên công ty tín dụng. Họ cho bạn biết trương mục trong ngân hàng của bạn đang có người xâm nhập, trương mục của bạn thiếu tiền, thẻ tín dụng của bạn đang có vấn đề, trương mục của bạn không tiền bảo chứng, bạn đang nợ họ, v.v... và họ cần những dữ kiện cá nhân của bạn để, điều tra, hồi phục hay điều chỉnh
o Gởi thơ điện tử (email) và giả làm ngân hàng, công ty tín dụng (trên thơ có các nhãn hiệu như thật của ngân hàng hay công ty tín dụng. Loại thơ này gọi là "spoofs"). Họ cho bạn biết trương mục trong ngân hàng của bạn đang có người xâm nhập, trương mục của bạn thiếu tiền, thẻ tín dụng của bạn đang có vấn đề, trương mục của bạn không tiền bảo chứng, bạn đang nợ họ, v.v... và họ cần những dữ kiện cá nhân của bạn để, điều tra, hồi phục hay điều chỉnh (hành động gởi thơ loại này gọi là "phishing". Tác giả hiện đang lưu giữ hàng chục "spoofs" emails loại này).
Ai có quyền giữ và xem hồ sơ tín dụng hay dữ kiện cá nhân của tôi?
Bất cứ một cá nhân hay công ty nào được xem là "có thương vụ chính đáng" đều có quyền vào và xem hồ sơ tín dụng của bạn. Những cá nhân hay công ty này bao gồm:
1. Những công ty phát hành hay cấp thẻ tín dụng cho bạn.
2. Chủ đất.
3. Công ty bảo hiểm.
4. Công ty sắp sửa mướn bạn (với sự đồng ý của bạn).
5. Ngân hàng.
6. Công ty bán xe.
7. Những công ty xem xét đơn xin việc của bạn với chính phủ.
8. Cơ quan chính phủ chuyên lo về việc cấp dưỡng con cái..
9. Cơ quan an ninh của chính phủ.
10. Các công ty đòi nợ.
Nếu bị danh tặc, hậu quả sẽ ra sao?
Qua phần trình bày ở trên về trường hợp của tác giả, các bạn cũng có thể thấy được hậu quả như thế nào. Khi kẻ gian lấy được dữ kiện cá nhân của bạn, họ sẽ:
1. Đi mua sắm thả giàn với số hoặc thẻ tín dụng của bạn (họ có thể làm giả thẻ căn cước hay bằng lái xe). Họ mua những món đồ đắt tiền như computers, nhẫn kim cương, hay những thứ mà họ có thể dễ dàng bán lại.
2. Họ có thể mở một loạt trương mục tín dụng, xin thẻ tín dụng dưới dữ kiện cá nhân của bạn và mua sắm thả giàn những món hàng đắt giá, dễ bán lại (đây là trường hợp của tác giả). Sau đó, họ sẽ không trả tiền và bạn sẽ lãnh số nợ đó. Hồ sơ tín dụng của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
3. Sau khi họ đổi địa chỉ của bạn tại bưu điện, thơ sẽ không về nhà bạn, do đó bạn sẽ không biết là bạn đang bị danh tặc. Phải một thời gian sau, sau khi bạn biết được điều này thì họ đã cao bay xa chạy (theo lời người cảnh sát thẩm vấn tác giả, tệ nạn này rất khó truy lùng, các công ty thường chịu lỗ và lấy lại bằng cách cộng vào giá hàng. Cuối cùng, người thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng).
4. Mượn tiền nhà băng hay đi mua xe mới dưới tên của bạn.
5. Mở đường dây điện thoại nhà hay điện thoại di động dưới tên của bạn.
6. Làm giả ngân phiếu, thẻ tín dụng và rút hết tiền trong trương mục của bạn.
7. Khai khánh tận dưới tên của bạn để khỏi trả nợ..
8. Đưa tên tuổi của bạn khi bị cảnh sát chận hỏi. Nếu họ được thả và sau đó không ra hầu toà, bạn sẽ là người bị trát truy nã (arrest warrant).
Làm sao tôi biết được rằng tôi là nạn nhân của danh tặc?
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang hay đã bị danh tặc gồm có:
1. Trương mục trong ngân hàng của bạn bị mất mát hay dọn sạch.
2. Tự nhiên bạn không nhận được thư, hoá đơn hay báo cáo hằng tháng của ngân hàng hay các công ty tín dụng. Đây là dấu hiệu kẻ gian đã đổi địa chỉ của bạn.
3. Nhận được thẻ tín dụng từ các công ty bán lẻ và công ty tín dụng mà bạn không hay chưa hề làm đơn xin (trường hợp của tác giả).
4. Bị từ chối khi mượn tiền hay mua xe mà không có lý do rõ ràng.
5. Nhận được điện thoại hay điện báo của công ty đòi nợ hay công ty bán lẻ về những món hàng mà bạn chưa hề mua.
Phải làm gì sau khi bạn đã bị danh tặc?
Nếu không may bạn khám phá ra rằng bạn đã bị kẻ gian mượn tên làm những chuyện bất chánh, điều đầu tiên là bạn phải giữ bình tĩnh đừng hốt hoảng. Bạn nên làm ngay những việc sau đây:
1. Gọi điện thoại cho cảnh sát địa phương để làm thủ tục khai báo.
2. Gọi cho Federal Trade Commision (FTC) để làm thủ tục khai báo.
1-800-FAIR CREDIT (1-800-324-7273)
3. Gọi cho ba cơ quan sau đây để khai báo, xin hồ sơ tín dụng khẩn cấp và yêu cầu họ khoá, cài đặt báo động hoặc thông báo đến bạn những hành động bất thường về hồ sơ tín dụng của bạn. Theo luật, bạn sẽ được một hồ sơ tín dụng hoàn toàn miễn phí.
o Equifax: 1-800-525-6285; www.equifax. com
o Experian: 1-888-EXPERIAN (397-3742); www.experian. com
o TransUnion: 1-800-680-7289; www.transunion. com
4. Gọi cho từng công ty bán lẻ mà kẻ gian đã mua sắm, khai báo và cho họ biết là bạn là nạn nhân của danh tặc và yêu cầu họ đóng ngay trương mục tín dụng. Họ sẽ gởi cho bạn một bản chứng thực không trách nhiệm (Affidavit of Non-Liability) . Sau khi nhận được bản chứng thực này, bạn phải điền vào gởi trả lại công ty ngay tức thời kèm theo hồ sơ khai báo của cảnh sát và FTC. Nhớ làm một bản sao cho hồ sơ của bạn.. Mỗi công ty, sau khi điều tra và nếu tin lời bạn, họ sẽ gởi cho bạn một bức thư cho bạn biết là bạn không phải chịu trách nhiệm cho món nợ đó.
5. Theo dõi sự chi tiêu trương mục tín dụng của từng công ty cho đến khi mọi chuyện êm xuôi. Theo dõi tất cả các trương mục khác của các công ty mà bạn đang có thẻ tín dụng.
Làm cách nào để tránh không trở thành nạn nhân của danh tặc?
Đề phòng và đề cao cảnh giác là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại danh tặc. Để tránh trở thành nạn nhân, bạn nên làm những việc sau đây:
1. Thường xuyên theo dõi trương mục checking hay saving của bạn. Để ý đến những khoản chi tiêu khả nghi không thể giải thích. Nếu có gì nghi ngờ, gọi cho công ty tín dụng hay ngân hàng ngay lập tức.
2. Không bao giờ cho biết số an sinh xã hội, số trương mục, số bằng lái xe của bạn qua điện thoại hoặc qua internet, ngoại trừ khi bạn chắc chắn là đường dây điện thoại hoặc trang nhà trên internet hoàn toàn được bảo vệ và an toàn (protected and secured).. Khi mua hàng và cho dữ kiện cá nhân trên mạng, bạn cần để ý đến địa chỉ trang nhà của công ty bạn đang trả tiền. Nếu địa chỉ trang nhà của công ty đó có chữ https:// (có chữ s theo sau http), hoặc dưới cuối trang có hình ổ khoá, dấu hiệu cho bạn biết trang nhà đó được bảo vệ và an toàn. Nếu không có hai điều này, đừng để lộ dữ kiện cá nhân của bạn.
3. Cẩn thận khi dùng thẻ tín dụng tại các nhà hàng hay đi mua sắm. Bạn nên dùng một thẻ tín dụng có mức giới hạn thấp để mua sắm, ăn uống. Lỡ có mất hay bị lấy dữ kiện của thẻ đó, cũng đỡ.
4. Nếu ngôi nhà của bạn là nơi thường xuyên tiếp đãi bạn bè, bạn nên cất những dữ kiện cá nhân vào tủ khoá lại, đừng để chúng trên bàn hay những nơi dễ dàng trông thấy.
5. Đừng mang theo thẻ an sinh xã hội trong bóp hoặc ví da. Cất nó ở nhà vào chỗ an toàn. Bạn nên tập ghi nhớ số anh sinh xã hội của mình, bằng lái xe cùng những dữ kiện cá nhân khác.
6. Thùng rác của bạn là nơi dễ xâm nhập nhất. Bất cứ ai cũng có thể vào thùng rác của bạn khi bạn để chúng ở lề đường vào ngày đổ rác. Không bao giờ vất dữ kiện cá nhân, bản báo cáo trương mục hay tín dụng hàng tháng vào thùng rác. Khi dọn dẹp giấy tờ, trước khi vất những thứ có dữ kiện cá nhân, bạn hãy dùng máy cắt (shredder) để cắt chúng ra thành từng sợi nhỏ.
7. Luôn luôn đề cao cảnh giác với những emails báo cho bạn biết là trương mục của bạn đang thâm thủng hay đang có vấn đề (loại "spoof" emails). Không bao giờ trả lời hoặc nhấn chuột vào đường nối địa chỉ (links) trên những emails loại này. Nếu nghi ngờ, bạn nên gọi điện thoại trực tiếp cho ngân hàng hay công ty tín dụng để kiểm chứng.
Lời cuối:
Khoa học kỹ thuật ngày nay đem nhiều tiện lợi cho đời sống của chúng ta. Nhờ vào trương mục tín dụng và những thẻ mà chúng ta có thể mua sắm, ăn uống, mua xe hay mua nhà trả góp. Nếu không có chúng, khó lòng mà chúng ta để dành đủ tiền mua một chiếc xe để đi làm, kiếm sống, hay mua một căn nhà để ở, để che mưa, nắng. Tuy nhiên, kỹ thuật dù tân tiến đến đâu cũng có nhiều kẽ hở mà xã hội ngày nay dẫy đầy những kẻ gian luôn rình rập, lợi dụng những kẽ hở hay sự nhẹ dạ của chúng ta để làm chuyện bất chánh và trục lợi cho cá nhân họ. Chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác và đề phòng hạng người này để bảo vệ cho chính chúng ta.
Chúc các bạn một ngày vui và nhớ hãy luôn kiểm soát túi tiền của mình.
No comments:
Post a Comment