Pages

Saturday, April 17, 2010

HỒI KÝ NHÀ TÙ CỘNG SẢN

*

Viết lên không trung

Giữa mùa hè 1977. Vào khoảng nửa đêm một tối không trăng. Trại 1, Liên trại 3, Yên Bái được đánh thức bởi những bước chân nặng nề của bọn cán bộ. Những ánh đèn pin lóe lên. Và một giọng nói với thứ thanh âm lùa qua tử thi xoáy vào lỗ nhĩ đám tù nhân đang ngon giấc sau một ngày lao tác.

- Dậy! Dậy! Điểm danh!
- Tất cả ra ngoài tập họp!
Khoảng năm phút sau, chúng tôi đã có mặt trên sân trại. Mỗi đội đứng đúng vị trí thường lệ. Có người ngồi bẹp, gục xuống đầu gối ngủ gà ngủ gật.
Mặc dầu đã điểm danh, đã đếm đủ đầu người, tên trưởng trại vẫn đích thân vào trong từng chiếc lán chiếu đèn kiểm soát. Trở ra ngoài, hắn dõng dạc ra lệnh, vẫn một thứ âm thanh lạnh lùng sắt máu :

- Các đồng chí vệ binh triển khai công tác!

Từ bốn góc sân, có những bóng đen nón cối súng dài, lặng lẽ di chuyển. Có tiếng trả lời ngắn gọn :

- Báo cáo, rõ!

Tiếng lách cách lên đạn của toán vệ binh càng khiến tình trạng trở nên căng thẳng. Chúng tôi lo lắng, thầm thì trao đổi với nhau về số phận mình.

- Thủ tiêu chăng?

- Có trời mới biết.

- Suỵt! Suỵt!

Tên trực trại quét một ánh đèn pin, hô lớn :

- Tất cả chú ý, nghiêm!

Hướng về phía tên trưởng trại.

- Báo cáo đồng chí Thủ trưởng. Trại tập họp xong. Chờ lệnh.

- Rõ. Cho tất cả ngồi xuống!

Chúng tôi chỉ chờ có vậy và lại bắt đầu “tọa thiền” gà gật. Khi trật tự vãn hồi, tên trưởng trại dõng dạc tuyên bố :

- Do nhu cầu cách mạng, một số các anh sẽ được điều động đến một vị trí mới. Anh nào được gọi tên sẽ vào nhà thu xếp hành trang, trở ra xếp hàng ngay phía tay trái tôi đây. Nhớ rằng các thứ phải thật gọn nhẹ. Những người khác ngồi yên tại chỗ. Cấm di chuyển, cấm liên hệ. Tuyệt đối yên lặng và trật tự.

Hướng về đám cán bộ và vệ binh :

- Các đồng chí thi hành khẩn trương.

Danh sách chuyển trại khoảng 300 người. Đa số gồm thành phần chiến tranh chính trị, an ninh tình báo. Trong đó dĩ nhiên có tôi, gốc tâm lý chiến, đạo din truyền hình điện ảnh.

Nhà bếp đã được lệnh bí mật sửa soạn cơm nắm từ hồi nào. Bây giờ được phân phát cho những kẻ lên đường. Chúng tôi tức tưởi chia tay nhau. Triệt để yên lặng. Cả đến ánh mắt từ giã cũng không có. Đêm rừng Tây Bắc đen kịt như tương lai của kẻ chiến bại tù đày.

Bị còng từng cặp. Tay xách nách mang. Cứ thế nương vào nhau, vượt mấy cây số đường rừng, tiến ra quốc lộ. Tại đây, đoàn tù dược chất lên mấy chiếc Molotova cà tàng. Trực chỉ phương trời vô định, giữa đêm không trăng sao, dày đặc sương mù.

*


Trại mới mang bí số K4, gần Phố Lu thuộc tỉnh Lào Cay cũ, chỉ cách biên giới Việt Trung khoảng 10 cây số đường chim bay. Tại đây chúng tôi được gặp một số anh em biệt kích. Có người “nhảy toán” từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Họ thuộc diện rộng. Nghĩa là được tự do di chuyển trong vùng, min là bảo đảm chỉ tiêu lao động do cán bộ khoán. Đối diện trực tiếp với chúng tôi, họ mới tin là Việt Nam Cộng Hòa thực sự đã sụp đổ. Lúc đầu tay bắt mặt mừng, có món gì cũng chiêu đãi mấy “ông thầy” ốm đói.

Tiếc rằng có những “ông thầy” quá sệ. Giành ăn, giành uống, bon chen, bợ đỡ cán bộ. Các đấng biệt kích lắc đầu thất vọng. Sau cùng ngó lơ luôn...

Tôi cũng gặp một số đồng hương Thái Bình gốc “phong kiến, cường hào địa chủ” được đảng chỉ định cư trú tại vùng nầỵ Họ thực tâm ái ngại. Biết tôi cùng quê, có người dám nói thẳng :

- Mòn mỏi chờ các anh Bắc Tiến. Ai ngờ các anh lại bị tụi nó tóm cổ ra đây! Nhưng thôi, cũng được hưởng mấy năm thoải mái. Ráng mà gìn giữ sức khỏe.

*


Ở đây tôi chỉ muốn nói về Kim Nam. Người nữ văn công cộng sản.

Tại K4, tôi được “biên chế” vào đội 11. Nhiệm vụ chính là xây dựng những con đường tới những trại mới dựng bởi các anh bên biệt kích. Dụng cụ là những bàn tay tù đói và một số xẻng cuốc cũ.

Tiết trời chuyển sang đông. Mùa đông thượng du Bắc Việt đến với đoàn người thiếu dinh dưỡng, teo cơ. Quả là một bản án tử hình, sẵn sàng được thi hành bất cứ lúc nào. Thường vào những tiết đại tiểu hàn, đại tiểu tiết âm lịch, nghĩa trang K4 lại tăng thêm mả mới.

Trong thời kỳ đó. Liên Trại tổ chức một chiến dịch lớn : Mở đường, dựng trại. K4 với K2 hợp đồng đắp một con đường mới dài khoảng 5 km vào cánh đồng mía. K2 là một phân trại giam nữ can phạm hình sự. Đội 11 được tăng cường một số nữ tù. Dịp nầy tôi gặp Kim Nam. Chẳng riêng tôi, mà tất cả đám cải tạo đều trầm trồ chiêm ngưỡng “đóa hoa đen” nổi bật trong đám tù nhân rách rưới, nhếch nhác.

Cô bé khoác một chiếc áo choàng nhung đen nhánh, tương đối còn mới. Chiếc quần Âu đồng màu đúng thời trang Hà Nội. Đặc biệt mái tóc dài buông xõa ngang lưng. Nhìn xa lẫn với sắc áo tưởng như cắt tóc ngắn. Kim Nam có khuôn mặt bầu bĩnh. Nổi bật cặp chân mày dài, cong, mịn, nhỏ như nét mực tàu trên tờ giấy hoa tiên. Đôi mắt hơi xếch, ướt át, long lanh nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. Trong đó có chút gì còn lại của ngây thơ, thuần hậu và dễ tin.

Và đôi mắt ấy luôn luôn đồng hành với chiếc miệng nhỏ, với cặp môi mộng hơi bĩu, với hàm răng đều đặn, trắng nuốt mỗi khi cười nói. Chẳng biết nàng giữ gìn bằng cách nào, mà cái lạnh khô của núi rừng Việt Bắc không làm cho làn da bị nứt nẻ. Trái lại vẫn mịn màng, vẫn trắng trẻo.

Và trên đôi gò má, phơn phớt ánh hồng của đóa hoa anh đào chớm nở. Giữa khuôn mặt ấy là chiếc sống mũi cao, thẳng, với đôi cánh mỏng, chúm lại thật duyên dáng bên chóp mũi hình bầu dục tựa túi mật.

Nếu bàn tay Kim Nam có những ngón tay thon dài như những cánh hoa, thì bàn chân trắng hồng của nàng cũng là một tuyệt tác của Hóa Công. Mười ngón là mười nụ hàm tiếu, yểu điệu trên những bước đi.

Qua những phút giải lao ngắn ngủi bên bếp lửa anh nuôi. Được biết nghề nghiệp cũ của nhau - điện ảnh - Kim Nam đã cho tôi rõ đôi nét sơ lược về nàng. Một thiếu nữ Hà Nội xuất thân diễn viên kịch nghệ. Đã được tham dự một vài bộ phim, tuy chưa phải là diễn viên chính.

Mấy tháng trước đây, trong cuộc lưu diễn tại Tây Âu, Kim Nam đã quyết định “chém vè” tỵ nạn chính trị tại Pháp. Việc bất thành, người đẹp văn công bị dẫn độ về Việt Nam, tống giam Hỏa Lò. Và tuần trước được chuyển lên đây thi hành án phạt cải tạo. Nàng cũng cho biết thêm về gia đình :

- Đúng ra bố cháu cũng có mặt trong hàng ngũ các chú ở đây. Bố cháu trước kia là sĩ quan quân đội quốc gia. Năm 1954 bị kẹt lại. Rồi bị chết tại vùng nầy, mất xác. Sở dĩ cháu được tuyển vào đoàn văn công là nhờ sự đỡ đầu và bảo lãnh của ông thân sinh người bạn trai. Ông ấy là cán bộ cao cấp và cũng là bố chồng tương lai của cháu.

- Sao cháu không cầu cứu ông ấy?

- Cháu còn mặt mũi nào nhìn ông ta nữa! Sự nghiệp cách mạng của ông ấy có thể tiêu ma vì việc làm của cháu rồi.

- Thế còn người bạn trai?

- Chính anh ấy khuyên cháu nên tìm đường tiến thân ở một xã hội khác. Nếu thành công, cháu có thể giúp đỡ thiết thực cho mẹ và đám em nhỏ lúc nào cũng thiếu thốn. Riêng anh ấy sẽ cố gắng xin xuất ngoại du học. Chừng đó chúng cháu sẽ tìm lại nhau. Bằng có chuyện gì, anh ấy sẵn sàng hy sinh. Min sao cháu có được cuộc sống phù hợp với con người và khả năng. Bây giờ thì thật là... Ồ sao cháu lại bắt chú gnhe câu chuyện không vui của cháu. Nhất là chú cũng đang...

- Tù như cháu chứ gì! Nhưng thôi, cháu đừng có lo. Nhan sắc và tài nghệ của cháu sẽ cứu cháu. À, cháu bao nhiêu tuổi rồi? Xin lỗi nhé, nghệ sĩ không có tuổi, nhưng chú coi cháu như con nên muốn biết.

- Cám ơn chú, cháu 22 tuổi ta. Biết đâu những ưu điểm chú nói lại là điều hại cháu. Các chú chưa biết hết mặt trái của xã hội nầy đâu.

Buổi chiều hôm ấy, trước khi thu dẹp dụng cụ, tôi được Kim Nam gọi tới một góc vắng. Gió rừng thổi ào ào. Sương giăng bốn phía, lạnh thấu xương. Kim Nam trao vội cho tôi một ống tre bọc kín bằng lá chuối :

- Chắc chú khoái cái nầy. Cháu còn một ít, tặng chú.

Tôi mở ra, cà phê bốc hương ngào ngạt. Tôi nhìn sững cô bé, không nói lên lời. Ly cà phê được mấy anh em chúng tôi chuyền tay nhấm nháp, như uống cả một “ mùa hè đỏ lửa” Kim Nam...

Đêm ấy, 27/12/1977. Đã lâu không có chất nước đen mà đen như đêm trừ tịch. Dẫu chỉ uống mấy ngụm cũng làm tôi trằn trọc suốt đêm. Tôi bật dậy, kiếm mảnh giấy nhỏ, khoác mền xùm xụp bên ánh đèn chai. Phải viết một bài để tặng lại Kim Nam. Chút quà văn nghệ hôm sau. Tiếng gà núi đầu tiên vẳng tới là lúc tôi viết xong câu cuối cùng...

Nhưng bài thơ ấy chẳng bao giờ Kim Nam nhận được. Nàng vắng mặt trong số nữ can phạm tăng cường cho đội làm đường chúng tôi. Cũng như không bao giờ hiện diện nữa trong cõi đời nầy!

Được biết, đêm trước vào lúc tắt đèn đi ngủ. Kim Nam đã lãnh một búa chí tử, bể đầu. Nàng chết tức khắc trên chiếc sạp tre xộc xệch, lạnh lẽo, đầy rệp của trại tù. Tôi ngẩn ngơ như vừa lỡ tay làm bể một chiếc bình cổ. “Con người thế ấy, thác oan thế này”.

Tôi lặng lẽ rút bài thơ giấu trong mình. Châm lửa. Một làn khói nhẹ bay lên. Tàn tro nằm vật vờ giữa lòng bàn tay một lát rồi theo gió bay đi. Thế là hồn thơ theo gió lên trời, theo tàn xuống đất. Biết ở thế giới bên kia, con người bạc mệnh có nhận được chút quà tôi trao gửi?

Theo sự bàn tán của đám nữ tù, Kim Nam chết vì bị ghen tuông. Nữ đội trưởng của Kim Nam, vốn là gái gọi trên các công viên. Vào trại, trở thành tình nhân của một cán bộ Nhưng khi Kim Nam xuất hiện. Tên dê xồm liền “có đó bỏ đăng, có trăng quên đèn”.

Một dư luận khác thì cho rằng Kim Nam chết vì đám tù cũ ngỡ cô bé có nhiều của cải mang theo. Chúng làm áp lực bắt giao nộp. Không được toại nguyện, chúng đe dọa. Sợ Kim Nam tố cáo, chúng liền quyết định thủ tiêu.

Riêng đối với tôi, dù với nguyên nhân nào thì Kim Nam cũng đã chết. Nàng chết, kéo theo một số người khác ở Hà Nội bị thương. Trong đó chắc chắn có người bạn trai. Còn tôi thì cứ thẫn thờ với tâm trạng Nguyễn Bính trong bài thơ “Khóc người trinh nữ”, với kết luận bằng 2 câu Đường thi :

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.


Hơn 10 năm trôi qua. Giờ nầy có mặt tại Paulo Bidong. Trong những ngày chờ đợi. Tôi giết thì giờ bằng những trang hồi ký mang tên “Trầm tư lục của kẻ chiến bại”. Một đoạn mang tựa đề và cũng là đề tựa của bài thơ.

Viết lên không trung

Em đẹp sao em cũng ở đây
Chim lồng xuân rụng đã bao ngày
Tóc lơi buông dáng kiều đô thị
Cá chậu mơ nguồn sông tiếp mây
Tháng chạp vùng cao buốt giá đông
Cũng chưa phai lạt má em hồng
Áo đơn có ấm bờ vai nhỏ
Sao gót chân son bước ngại ngùng
Suối sâu em đẩy từng xe cát
Đèo dốc ta san phẳng một đường
Đường cát tháng năm đời thiếu ngọt
Lào “cay” sầu “đắng” vị hoài hương
Em nhớ người yêu biệt dưới xuôi
Ta thương bếp lửa lạnh phương trời
Sài Gòn Hà Nội xa xôi lắm
Sương xuống chiều lên người mỗi nơi
Lòng đấy lòng đây bờ bến khác
Cơ hồ chung một ý chờ mong
Tàn năm Bảy Bảy (77) hoa còn nở
Kết đóa thơ gai lên khoảng không.



Hết




Chuồng người

Chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch xong vụ mùa. Tôi được miễn đi lao động, vì cái chân đau. Hôm qua lúc chuyển lúa vào bồ, tôi vô ý vấp ngã nơi bậc thềm nhà kho. Mặc dù đã được nắn bóp, sửa trặc, nhưng khớp xương mắc cá chân vẫn sưng đỏ, đau nhức.

Khi các đội đã xuất trại, tôi chống cây gậy ra cửa, đứng nhìn lên sân trại. Giữa sân có đặt ba cái thùng phuy, dùng chứa phân người. Sau một đêm bài tiết của anh em trong trại, phân được xúc từng gánh đem đổ vào thùng. Hàng ngày, người của đội rau xanh sẽ chuyển ba cái thùng này bằng xe cải tiến đến vườn rau. Đổ phân xuống hố, lấp phủ lên một lớp đất. Ủ phân. Một thời gian sau, phân từ màu vàng như đất sét nhão, biến thành màu xám như bùn,đã tới lúc có thể dùng được, xúc lên làm phân bón rất tốt. Phân được chế biến kiểu này gọi là phân Bắc. Mới đầu, anh em đội rau xanh rất tởm phân Bắc, nhưng thời gian lâu dài, tiếp xúc mãi thành quen, thấy cũng không có gì đáng gớm ghiếc, và khám phá ra cái công dụng tuyệt vời của nó. Chỉ cần rau muống nếm một chút phân Bắc, rau trở nên xanh tốt, tăng trưởng rất nhanh.

Từ trong đội cải tạo hình sự, có hai tên cầm que đi đến thùng phuy. Nó bươi móc thứ gì trong đó. Một trong hai tên này, tôi quen. Hồi mới quen, tôi hỏi nó:

- Mày tên gì?

- Ný!

- Tên ngộ quá! Họ gì?

- Nê!

- Cái gì? Làm gì có họ Nê?

- Có chứ! Rất nhiều!Tên họ của cháu: Nê văn Ný.

Tôi chợt hiểu, bật cười:

- Mày nói ngọng. Tên họ của mày là Lê văn Lý.

- Người miền Nam của các chú thường nói thế. Ở đây chúng cháu gọi Nê Văn Ný!

Từ đó trở đi, tôi cũng gọi nó là thằng Ný.

Thấy nó bươi móc trong thùng phuy, tôi kêu lớn:

- Ný! Mày làm cái gì đó?

Nó quay lại nhìn tôi, rồi bỏ cái que, đi lại gặp tôi.

- Hôm nay sao chú được nghỉ?

- Tao bị bong gân chân. Còn mày?

- Cháu chờ để trưa gánh đồ ăn thông tầm cho đội!

- Mày tìm gì trong thùng phân?



- Nhà bếp vừa đổ rác trong ấy. Cháu kiếm chút rau cải vụn. - Ăn uống dơ bẩn, có ngày bỏ mạng con ơi!

- Cháu mang về rửa sạch, cho vào ca cống, đun sôi, vi trùng nào chả chết! Tôi nhìn thân hình gầy gò, cái mặt hốc hác của nó, và nghĩ đến mình. Tôi có khác nó gì đâu. Cùng một hoàn cảnh khốn khó, người ta không cần tỏ lòng trắc ẩn cho nhau. Đứng tần ngần một lúc, nó hỏi:

- Chú có thuốc nào, cho cháu xin một bi!

- Vô đây!

Tôi dẫn nó vào lán, ngắt trong cái bọc nhỏ, cho nó một bi thuốc lào. Rít xong hơi thuốc, nó nói:

- Hôm nay, đội cháu có mấy thằng được chỉ đđịnh nên khung, mổ nợn cho cán bộ bồi dưỡng. Cháu không được đi. Tiếc thật!

- Mổ lợn đâu có gì thích mà mày tiếc?

- Thích chứ! Được xơi thịt!

- Cán bộ cho ăn hả?

- Không. Làm gì có người tốt thế!

- Vậy ăn bằng cách nào?

- Khi được chỉ định đi mổ nợn, thằng nào cũng phải măc hai nớp quần. Nớp trong được bó sát vào bìu dái như cái quần xì của người miền Nam. Đến núc xẻ thịt thì xén vài cục, nén dấu vào quần, dưới bìu dái. Trước khi về, cán bộ bắt đứng xế hàng, mò xét khắp người, nhưng không mò dưới bìu dái. Thế nà thoát!

- Tụi mày tài thật!

- Cách này dùng mãi, bị phát giác. Chúng nó bắt cởi đồ, chỉ còn độc cái quần trong, thò tay sờ vào quần, sờ nắn trong háng, nhột bỏ mẹ. Bắt gặp có dấu thịt, chúng nó dần cho nát đòn và cùm vào nhà kỷ nuật.

- Khó khăn, nguy hiểm như vậy, tụi mày không sợ?

- Trong khó khăn nẩy sinh sáng tạo. Chúng cháu nghĩ ra được cách giấu thịt, chỉ có trời biết.

Nó ngừng lại, chỉ tay vào túi tôi:

- Chú cho cháu thêm bi thuốc!

- Mày có tài thật, đang kể chuyện tới hồi gây cấn là ngừng lại, đòi thứ này, thứ nọ.

Dù cằn nhằn nhưng tôi vẫn ngắt cho nó bi thuốc lào thứ hai. Nó cẩn thận cho bi thuốc vào nỏ điếu, châm mồi lửa, rít một hơi dài...Tôi giục:

- Kể tiếp đi. Cái mánh lới giấu thịt của mày!

- Thằng nào được chỉ định đi mổ lợn, khi trở về đội cũng phải nạp cho thằng đội trưởng hai cục thịt bằng ngón chân cái. Không có, nó thụi vào bụng cho thổ huyết!

- Tao không muốn nghe chuyện thằng đội trưởng của tụi mày. Hãy kể phương pháp dấu thịt mà mày cho rằng sáng tạo.

- Vâng! Phương pháp này không cần phải chuẩn bị đồ nghề gì cả. Lúc xẻ thịt, nếu cán bộ không để ý, cứ xén từng cục, cho vào mồm xơi tươi!

- Ăn thịt sống hả?

- Vâng! Xơi thịt sống thì đã có sao?

- Tụi mày ăn uống như người tiền sử!

- Người tiền sử nà người xứ nào mà ăn uống như chúng cháu?

- Chẳng phải xứ nào cả! Đó là tổ tiên của chúng ta nhiều triệu năm về trước. Khi chưa tìm ra lửa, loài người phải ăn thịt sống.

- Đấy! Họ vẫn khỏe mạnh, sinh tồn đến ngày nay. Cọp beo cũng thế!

- Hãy nói vấn đề lấy thịt. Tụi mày ăn tại chỗ, nhưng làm sao lấy về cho thằng đội trưởng?

- Chúng cháu xén sẵn vài cục, khi có nệnh về nà cho vào mồm nuốt ngay. Bọn cán bộ dù có con mắt thánh cũng không bắt gặp. Xét xong, chúng cháu vội về đội, móc họng, nôn ra niền, nạp đủ số cho thằng đội trưởng.

- Rồi thằng đội trưởng ăn bằng cách nào?

- Hắn rửa cục thịt sạch chất nhớt, cho vào ca cống, đun lên nà có được bữa ăn ngon. Nói xong, thằng Ný đứng dậy:

- Cháu phải về gánh cơm cho đội thông tầm. Cái chân chú đau, không nên đi đứng nhiều.

Nó quay lưng, ra khỏi lán.

Nhìn đôi vai gầy guộc của nó rút lại như đôi vai của người bệnh ho lao, tôi gọi:

- Ný! Mày trở lại lấy vài bi thuốc lào, đêm nay hút cho đỡ lạnh!

Vào những ngày cuối năm, trời bỗng dưng trở lạnh. Mưa phùn lất phất trên những vòm cây. Đồi nương ẩm đục. Ngày hai mưới chín tháng Chạp,đđẽược phép trại trưởng, các đội khỏi phải xuất trại lao động bên ngoài. Thay vào đó, anh em được giao công tác dọn dẹp và làm vệ sinh trong trại, chuẩn bị đón Tết.

Tôi đang ngồi nhổ cỏ dọc theo những chân tường ngăn chia các đội. Thăng Ný đi ra. Hôm nay nó mặc bộ đồ lành lặn, sạch, mặt hiện niềm vui. Tôi nói:

- Chưa Tết mà ngó mày, tao đã thấy mùa xuân!

Nó báo tin:

- Cháu được mẹ từ Vĩnh Yên nên thăm. Bộ đồ này cháu mượn của thằng bạn, để mẹ cháu không nhìn thấy cháu rách. Cháu đang chờ cán bộ dẫn ra nhà thăm nuôi.

- Mày ngon rồi! Vừa có đồ ăn của trại, vừa được mẹ tiếp tế thêm. Tết này mày huy hoàng!

- Vâng! Huy hoàng thật! Cháu không ngờ may mắn đến thế!

Khoảng hai giờ chiều, cán bộ dẫn thằng Ný về trại, tay ôm bụng, mặt nhăn nhó, tái nhợt. Ngờ nó bị trúng gió, tôi theo nó vào lán. Nó năm vật lên sạp, lăn lộn, kêu đau bụng và lạnh. Tôi hỏi mượn mấy thằng bạn của nó ve dầu nóng để cạo gió.

Thằng đội trưởng hình sự đứng nhìn một lúc, nói:

- Chả phải trúng gió đâu! Nó bị bội thực đấy! Móc họng nôn ra là khỏi ngay! Nhiều thằng khác lao nhao:

- Nôn đi! Nôn đi!

Thằng Ný trườn về bìa sạp, rướn cổ, thò đầu ra ngoài, cho ngón tay vào miệng. Có thằng la lớn:

- Hãy khoan!

Và nó chạy ra ngoài, đem vô một cái thau bằng nhựa, bưng thau kề sát miệng thằng Ný:

- Hãy nôn vào đây!

Thằng Ný móc họng, ụa mửa. Đồ ăn lẫn nhớt dãi tuôn trào xuống thau. Thằng bưng thau bóc lên những miếng thịt còn dính lòng thòng nhớt dãi, đưa lên miệng ăn. Một thằng khác đang đói cũng ăn. Có thằng nhăn mặt:

- Gớm quá!

Thằng bưng thau nói:

- Gớm gì? Từ bụng kia sang bụng nọ mà thôi!

Sáng mồng một Tết, mọi người quy tụ ra sân trại coi anh em văn nghệ trình din. Có đàn và trống xập xình vui tai. Tôi gặp thằng Ný đđang lóng ngóng coi hát. Tôi hỏi:

- Mày khỏe hẳn chưa?

- Hôm sau nà khỏe ngay!

- Mẹ mày thăm nuôi, sao tao thấy mày đi vào tay không?

- Nhà cháu nghèo, không có tiền sắm sửa. Thăm nuôi là thăm cho có nệ thế thôi! Mẹ cháu chỉ mang cho cháu một con gà nuộc, và một cân xôi.

- Sao không đem vô trại, để dành ăn từ từ?

- Nếu đem vô trại, mấy thằng đầu gấu, chúng nó giành giựt cả. Thế cháu mới xơi hết tại chỗ!

Tôi trợn mắt:

- Mày ăn một lần hết con gà và cân xôi?

- Vâng! Không còn cách nào khác! Lúc thì dư thừa phải nôn ra, bây giờ thì đói.

Nhìn thằng Ný, tôi thấy nó đang tàn tạ, khô héo dần. Nó không có mùa Xuân.

Hết

http://www.hungviet.org/ncct/ncct3.html

*

No comments:

Post a Comment