Pages

Saturday, April 3, 2010

TRẦN KHẢI THANH THỦY * TRUYỆN NGẮN

*
Tôi gánh ở trong tim này...

Trần Khải Thanh Thủy




“... các bản trẻ hãy mạnh dạn từ bỏ quá khứ "tốt đẹp", để đi vào con đường... phạm tội như tôi, con đường mà cả dân tộc sẽ phải đi trong nay mai ...”

Hồi ức nhân ngày rời hang đá

1.

Tính đến giờ phút này tôi đã chính thức rời khỏi "hang đá" 9 ngày (26-11 âm) tức 22 -12 -2008. 9 ngày qua quả thực là một sự thăng hoa sau bao nhiêu khổ đau, bất hạnh. Thành thực được sinh ra làm người, tôi không hiểu sao kiếp người ở Việt Nam lại khổ ải, nhọc nhằn đến thế! Từ bé, tôi đã nghe bà nội bảo: "Đời là bể khổ, là kiếp nạn", song khổ như tôi và bao nhiêu triệu người Việt Nam giữa thế kỷ 21 thì quả là không sao hình dung nổi! Nỗi khổ làm tôi bao nhiêu lần ước mình... hoá đá, bởi những đớn đau luôn vượt quá sự chịu đựng của thân kiếp con người.

5 tuổi anh tôi mất, 7 tuổi bà ngoại mất, 17 tuổi đến lượt bà nội, rồi 25 tuổi đầu, vừa chân ướt chân ráo ra khỏi trường đại học sư phạm, chưa kịp làm gì để báo hiếu, đã thể nghiệm nỗi đau chôn bố. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì đến 27 tuổi, lại phải chôn em... Cả nhà có 6 người thì ba thuộc về cõi âm, và 3 thuộc về dương thế. Những cái chết thật là phi lý. Anh tôi chết vì phải xa mẹ, xa em theo bố đi sơ tán tận trường đại học Hàng Hải (Hải Phòng) trong thời kỳ giặc giã chiến tranh (1967), khi vừa sang tuổi thứ 9. Một cỗ quan tài bé xíu, bị vùi lấp trong sân trường tiểu học của làng nơi trường đại học sơ tán, mà 36 năm sau gia đình tôi mới tìm lại được. Tôi đã khóc như mưa, như gió khi ngồi trước nấm mộ anh, mà không sao lý giải được sự khổ đau, bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống gia đình mình. Em tôi - một chàng trai 26 tuổi đẹp trai, dữ dằn, chết ngay sau khi gia nhập quân đội 4 năm, 7 tháng; bị kỷ luật, tước quân tịch vì không chịu tuân lệnh cấp trên, thực chất là không chịu... ăn cắp. Giữa thập kỷ 80, nhà tù Hoả Lò chứa chật ních tù thường phạm, thụ án không quá 3 năm vì tội ăn cắp vặt (mũ cối, đồng hồ, xe đạp, ví tiền, đôi dép, tem phiếu v.v) thì trong quân đội, các chiến sĩ quân đội nhăn răng Việt Nam cũng được lãnh đạo đơn vị huấn luyện cho ăn cắp... dưới danh từ mỹ miều là “làm kinh tế”, lấy tiền nộp lãnh đạo. Sáng sáng được phát 2 bò gạo tiêu chuẩn rồi đi lang thang gõ cửa nhà dân để xin tre, pheo cho đơn vị dựng lán trại, hoặc bán lấy tiền gây quỹ. Xin mỏi mồm chẳng được, cuối cùng túng thì phải tính, trong khi 4,5 thằng mò vào nhà dân, giở trò lừa gạt "bố bố con con" thì một thằng xuống bếp vác dao rựa ra bụi tre của bố, chọn cây to nhất để chặt trộm rồi tất cả lặng lẽ rút lui, mặc bố khi phát hiện ra... chết lịm, đứng như bóng dừa, tóc dài bay trên... trán hói (!) tha hồ chửi, thì nó im lặng theo dõi, im lặng đứng ngoài cuộc, sau khi đã can gián các chiến sĩ trong tiểu đội năm lần, bảy lượt không được. Thà về viết bản kiểm điểm vì không hoàn thành nhiệm vụ chứ không thể để lương tâm không cắn dứt, để bị bà con dân làng gộp tất cả lực lượng chủ lực của nước nhà vào thành câu chửi: "Bộ đội mà lừa đảo, ăn cướp thế à? Tưởng bộ đội với dân như cá với nước, hoá ra lại thành cá với thớt à?

Bao nhiêu lần đơn vị tăng gia sản xuất, lợi dụng lúc trời còn nhá nhem tối, lãnh đạo sai cả đại đội mò vào bãi để phân của hợp tác xã xúc trộm gánh lớn gánh nhỏ bón cho ruộng của tiểu đội mình, nó cũng... lặng lẽ đứng nhìn, vì không đang tâm sống dựa trên nỗi khổ, nỗi mất mát thua thiệt của chính những người mình từng mang ơn... Lại càng không thể ngửa tay xin mẹ những đồng tiền còm cõi để nộp cho đơn vị, mỗi lần về phép, dưới dạng cuốc, xẻng, ấm chén (dù chỉ là 5, 7 chiếc, hoặc vài ba bộ). Thế là bị chỉ trích, mắng mỏ, bị viết kiểm điểm, bị nhận kỷ luật hết lần này rồi lần khác.


Con giun xéo mãi cũng phải quằn, huống hồ con người. Biết mình có chữ, nó cãi lý rồi bị đánh, bị dìm xuống nước, khiến con người đạo đức nổi loạn, phải uất ức đánh trả ngay chính cái gọi là... đội trưởng, cấp trên, lãnh đạo của mình. Bị đuổi khỏi đơn vị, sau 4 năm 7 tháng cống hiến... không hộ khẩu, không tem phiếu, không tương lai, không tình cảm vì bị người yêu lừa dối, cướp hết tất cả những gì thiêng liêng trân quý nhất từ những món quà tặng đầy ý nghĩa, đến tình cảm sâu nặng, đành chấp nhận... bỏ cuộc và treo cổ tự tử giữa nhà khi tuổi đời chưa tròn 26, hừng hực sức trai và bao mơ ước không thành... Sinh 1962- tuổi Dần, đa mưu túc trí, nó có thể làm được biết bao nhiêu việc tốt đẹp cho mình, cho đời nếu được gieo cấy vào môi trường tốt. Tiếc rằng đôi bàn tay tài hoa và cái đầu đa mưu của nó, vừa giỏi mộc, yêu thích văn thơ, vẽ đẹp, nét vẽ tài hoa, sống động, ai trông cũng thích, ai nhìn cũng ưa, ai nghe kể chuyện - dù chỉ một lần cũng tin cậy, yêu mến... đã lặng lẽ tan rữa hết trong chính cái quyết định của những kẻ đồi bại, vô học, chuyên chính vô sản ở cuộc đời, khiến bao nhiêu lòng ái mộ của bạn bè, người thân biến thành sự ái... ngại suốt những năm sau đó.


Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghe ai nhắc đến tên Trần Khải Ca- nhà đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc, tôi lại giật mình đau đớn, vì đó chính là đầy đủ họ và tên của đứa em cùng nguồn cội với mình. Nếu nó cũng như tôi, biết vượt lên trên định mệnh thì cái mà ông đạo diễn Trần Khải Ca làm được, chắc gì nó không làm được ? Một điều đau xót nữa mà chỉ một mình tôi biết, một mình tôi hay, đó là chính nó đã đi thay số phận tôi, nếu không vì cái chết của nó và của anh trai trước đó, chắc chắn tôi đã không tồn tại lâu dài ở cõi đời trần tục, ô trọc này làm gì. Tôi vốn không mưu cầu gì cho riêng mình cả, chỉ vì chứng kiến cảnh nhà rộng rênh hoang vắng, mẹ già ngã quỵ trước cái chết đường đột của em - bị ám ảnh suốt đời bởi sợi dây treo cổ giữa nhà, đến mức bấn loạn tâm thần, mà phải chấp nhận ở lại để vực sự sống và tương lai cho gia đình mình dạy.

Vốn mơ mộng lãng mạn từ nhỏ, tôi không sao chấp nhận nổi sự thực nghiệt ngã khi những lớp men hạnh phúc mỏng manh của mình cứ liên tục bị những viên đá thực tế ném xuống làm rạn nỡ, nứt toác, khiến trái tim nhỏ nhoi, yếu đuối của tôi thường xuyên bị rỉ máu... Hồi đó tôi quan niệm, chết nghĩa là hết, là một giấc ngủ dài, không đau đớn, không mộng mị, hơn nữa cái chết trẻ còn để lại trong tôi một dư vị ngọt ngào, một ngôi mộ đắp đầy những vòng hoa trắng, những giọt nước mắt tiếc thương chân thành của người đời... Trang thơ của tôi khi ấy tràn ngập những dòng chữ gợi nhớ về cái chết trẻ, chết đẹp: Từ "Đêm định mệnh", "Thần chết", "Bóng đêm", "Cho tôi về", "Lời người dưới mộ"... Bằng trí tưởng tượng tuôn trào phong phú, tôi tự ngắm cái chết của mình và tả lại vô cùng sinh động, khiến ai đọc cũng phải rùng mình lo sợ...

Lời người dưới mộ

Tôi nằm lại đây chốn nghĩa trang
Trạm cuối cùng cuộc đời bao số kiếp
Đất phủ kín mình tôi gía lạnh
Khói nhang thơm mách nẻo đi về

Quà chia tay bạn hữu tặng trao
Nhị rữa nát hám hôi mùi nghĩa địa
Gió cứ thổi vật vờ khoang đất trống
Quạ tru rên từ khoang đất không người

Cỏ đã xanh rờn chân, tóc, tai
Hồn tôi thoát tục để băng ngàn
Lang thang rừng thẳm muôn nơi ngắm
Cõi trần ai người sống đoạ đầy

Thôi hãy xanh cùng với đất đai
Tạo hoá anh minh đã mỉm cười.

2.

Cái chết của cậu em đã mở mắt cho tôi nhìn sâu hơn vào nỗi khổ đau của mẹ, của kiếp người, khiến tôi bừng ngộ...Tôi hiểu, em tôi đã là vật thế mạng của tôi rồi, tôi không có quyền đầu hàng số phận như nó nữa, không có quyền cướp công nuôi dưỡng sinh thành của mẹ, vì như vậy là quá tàn nhẫn với người mẹ của mình. Với phụ nữ, hạnh phúc đích thực là những đứa con, cả cuộc đời mẹ có 3 nạng chống, thì anh tôi mất rồi, mẹ tôi phải đẻ thêm một người con nữa, nay em tôi lại bỏ đi, mẹ làm sao trụ nổi? Nếu tôi và đứa em còn lại (kém tôi 9 tuổi) không tự nguyện đứng ra làm nạng chống tinh thần cho mẹ trong suốt quãng đời nhọc nhằn, khổ ải, vui ít buồn nhiều này? Cả chồng và hai đứa con trong số 4 đứa con của mẹ đã hoá thân thành cây cỏ, nay tôi lại... bỏ đi, để mẹ hoá đá giữa đời sao? Chính vì thế trong thời gian ngắn ngủi này, tôi hoàn toàn thay đôỉ quan niệm.

Chết nghĩa là vĩnh viễn
Chấm dứt muôn đời sau
Làm người ta đã nguyện
Vượt lên mọi khổ đau.

Khi đã tự trang bị được ý nghĩa cuộc sống cho mình rồi, tôi quyết không cúi đầu tuân phục, mà phải sống bằng tất cả nội lực, tâm huyết của mình để khẳng định, để cống hiến, để toả sáng, để sống thay cho cả phần đời của người anh xấu số và cậu em tài hoa, bạc mệnh của mình:

Ta không thể lặng im
Vào hư vô bế tắc
Sống là phải dốc sức
Làm sáng lên cuộc đời

Trước đó (5-6-1985) bố tôi chết vì suy dinh dưỡng, hưởng dương ở tuổi 65. Vốn là con của một ông thông ông phán, chuyên làm nhiệm vụ phiên dịch cho Pháp, lương mỗi tháng tương đương 5 cây vàng... Nhà ngang dãy dọc, con sen thằng ở, vú nuôi đàng hoàng, “cách mạng” đến thành anh bộ đội cụ Hồ... Cả cuộc đời trẻ trai say chí lớn, đến khi giật mình ngoảnh lại tóc điểm sương, mới phát hiện ra mình sinh ra không phải để theo con đường binh nghiệp, mà là nghiên cứu khoa học. 39 tuổi lấy vợ, cũng là 39 tuổi nằng nặc xin ra khỏi quân đội, thành cán bộ, kỹ sư của cục quân giới, bộ công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, và cuối cùng là cán bộ trường đại học hàng hải, rồi không thể thích nghi với lề lối làm việc của những kẻ bất tài, vô dụng, ngồi trên đầu, trên cổ mình, buộc phải xin nghỉ hưu non giữa chừng, khi tuổi đời mới tròm trèm 49.

Suốt cuộc đời- 65 năm làm người, thì trừ 25 năm đầu sống trong nhung lụa, 45 năm còn lại, chết trong mòn mỏi kiệt quệ... Không phải chịu thua số phận ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp như đứa em đẹp trai bạo liệt mà xấu số của tôi, mà chịu thua khi sự nghiệp vẫn còn dang dở, và bản thân đang ở độ tuổi chín của trí tuệ và tư duy. Vốn đầy mình sách vở cộng với khả năng đào sâu suy nghĩ, chiêm nghiệm, ông là người đầu tiên phát minh ra luật đường biển, viết giáo trình về luật đường biển cho học sinh của trường học, sau đó được bác tôi - cũng là giáo viên của trường đại học Hàng Haỉ hoàn thiện và nâng cao... Vậy mà không một lần được tắm gội trong vinh quang. Chết đi chỉ có hai bàn tay trắng, 24 năm phục vụ trong guồng máy nhà nước, hết binh nghiệp lại giảng dạy mà không có nổi căn nhà để ở, đã thế còn phải thế chấp căn hộ 26,5 m2 mặt đường tại số nhà 53 phố Hàng Bông để lấy căn hộ tập thể 10,5 m2 trong khu tập thể của viện thiết kế bộ thuỷ lợi nơi mẹ tôi làm, để hoà đồng với quần chúng, để con thơ được gửi trẻ trong nhà trẻ của bộ, để không phải bế đi quá xa, trong điều kiện non nớt, trứng nước, mắc chứng bệnh sưng phổi, thấp khớp v.v.

Vật có giá nhất đối với ông khi ấy là những tấm huân chương (nếu bây giờ đem đổi cũng được hai triệu đồng tiền thưởng) và lô lốc giấy khen, riêng tấm thẻ đảng viên với bề dày 38 năm tuổi đảng thì nằng nặc trả lại, xin ra khỏi đảng... dù bị bạn bè gia đình kịch liệt phản đối.

Sau khi cùng gia đình chôn cất bố, tôi ngồi ngẫm ngợi về cuộc đời ông, cuộc đời của những con người bị đảng lừa cho trắng mắt ... những vần thơ của tuổi 25 tuôn trào trên đầu ngòi bút, mà già nua như bà lão 60...

Ôi khuôn mẫu mô hình lý tưởng
Hiện thực đây: Trại lính giam cầm
Bao tư tưởng dân lành trói nghẹt
Triệu cái tôi cho một cái chúng ta

Đất nước này liệu có đáng ngợi ca?
Bao vô lý tạo cuộc đời đang sống
Giống đứa trẻ lộn ngược đầu trồng chuối
Xã hội này cũng thế, không hơn

Ngoe nguẩy trên đầu là một lũ con buôn
Cậy chỉ, cậy cây, đa ngôn phè phỡn
Trí thức nghèo, đồng lương khốn đốn
Lặn ngụp, ngóp ngoi... tít tắp đáy tận cùng

Cuộc đời này liệu còn nữa tình thương?
Sự hiền lành không cần cho đời nữa
Có văn hoá, sẽ trở thành kẻ yếu
Triết lý ư ? Vô văn hoá không đùa

Ngẫm đời nay càng thấm mãi chuyện xưa
Ác thắng thiện đã trở thành bi kịch
Quyền cởi trói văn học ơi hư ảo
Bão động đầy trời, thơ mãi chẳng... rung rinh

Nhầm lẫn rồi hỡi bác kính yêu
Chủ nghĩa xã hội đang trên đường tắt lụi
Giữa đất nước của Lê Nin vĩ đại
Cách mạng Nga làm lịch sử thụt lùi

Thế kỷ nghèo sinh sản bác vĩ nhân
Bầy con cháu gắng gánh tròn hậu quả
(Là ngư dân bác chỉ lo được thế
Đất nước đói nghèo nhờ...di chúc thiêng liêng)

Xã hội này nặn tạo những quái thai
Bần cùng hoá nông thôn, đô thành nông thôn hoá
Những kẻ nghèo, hèn, đói cơm, rách áo
Tri thức mù lãnh đạo công nông

Suốt đời ông đã lầm lẫn mẹ ơi
Nghe đảng gọi, cầm vàng theo kháng chiến
Ngày cải cách : gông cùm, uất hận
Rạch ruột mình bằng... mắt kính bẻ đôi

Sao lời ông chẳng vọng đến ngàn năm?
Cha gian khổ trải đời theo kháng chiến
Vết thương nhức mỗi khi chiều trở gió
Cuối cuộc đời- bàn tay trắng trinh nguyên

Từ giã đời... vật trang trí cỏ xanh
Dâng hào phóng quanh nghĩa trang thành phố
Đời con nghèo lẽ nào tại số?
Đảng làm chủ cuộc đời, định đoạt số phận con

Đảng độc tài lại càng vĩ đại hơn
Ngày bác mất đảng trở thành... vợ goá(!)
60 triệu con côi chìm trong tăm tối
Trọn một lòng son, dâng đảng đời đời

Ba bố dượng Đồng, Chinh, Lê Duẩn
Chẳng làm cha mà chỉ thích làm chồng
Bác Linh ơi quả điều vô nghĩa quá
Chúng con đói nghèo, mẹ đảng đã già nua

Hãy để con định đoạt lấy đời con
Tự cứu mình trước khi trời cứu
Xin giải thoát khỏi mẹ già độc đoán
Con muốn bay lên bằng đôi cánh của mình

Ôi lòng tham mẹ đảng kiệt cùng
Và bố đảng gian manh như loài sói
Con bán mình nhọc nhằn khốn khó
Còn bắt con phải nộp lãi bẩy phần (1)

Anh chị con cũng sống kiếp lầm than
Bố mẹ bỏ lắt lay không đủ sống
Phải lê lết bên hè đường kiếm sống
Giơ lưng ra để đóng thuế hàng năm

Con biết tìm no ấm ở nơi đâu?
Bác ruột con cũng nghèo nàn, tăm tối
Cũng trói buộc, cũng độc tài, vô lối
Cải tổ, mị dân, đổi mới, bao giờ? (2)

Kẻ thù ở ngay sát vách nhà ta
Người đã một thời được con coi là bác (3)
Biết mẹ hèn, bác giang tay lấn đất
Cha Hồ ơi, lăng vắng nghĩ suy gì ?

Ôi cuộc đời sao giống cuộc đỏ, đen
Xưa đồng chí, nay mặt mình ...tự vả
(Đã cướp đất nay còn đòi ơn cũ
Anh lớn hơn sao cậy khoẻ đánh em?)

3.

... Vẻn vẹn 3 năm trời, giữa mùa xuân của cuộc đời, tôi cỗi cằn héo úa vì chứng kiến cái chết của hai con người thân yêu nhất. Nỗi đau cộng gộp này tích tụ cùng nỗi đau mất anh trước đó khiến tâm hồn tôi nặng trĩu suy tư về cuộc đời, số kiếp... Không hề biết cõi âm ra sao nhưng tôi thấy cõi dương thật khổ, tưởng người với người là bạn mà trong xã hội cộng sản, do ngấm máu độc, máu đen của đảng vào từng tế bào, vỏ não, tim óc, gan ruột, nên người với người toàn là kẻ thù, lừa miếng nhau, và lừa miếng cộng đồng. Câu thơ truyền khẩu của thời đại đồ đểu Hồ Chí Minh cứ được thể vang lên khắp chốn: "Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm".


Thiên hạ toàn những người khôn, ai cũng đòi được ăn cơm, chẳng ai dại dột ăn cháo mãi, thế là những kẻ thật thà hết đất sống. Một xã hội mà chất lượng công dân vô cùng thấp kém, toàn cảnh cá lớn nuốt cá bé, thằng dốt trị thằng giỏi, không phải "đức năng thắng số" mà "lưu manh thắng... đa số". Càng có văn hoá càng trở thành kẻ yếu, lạc điệu, hụt hơi. Càng vô văn hoá lại càng trở thành kẻ mạnh. Một xã hội chỉ dựa trên hai thứ là tiền và quyền. Cứ "đô la là cha mọi thằng", "đô la đi trước, mực thước theo sau", "đô la lân la xin chữ ký", "đô la vật ngã thủ trưởng", vật ngã quan toà, viện kiểm sát v.v.


Trong ứng xử đời thường, giữa người với người thì gậy và quả đấm là biểu tượng của khoa học giáo dục. Không dài dòng văn tự, triết lý, nghĩa tình gì, cứ con người đạo đức nổi loạn là mượn gậy và quả đấm để trả lời nhau, biến tư duy con người thành tư duy bày đàn, bản năng, luôn tuân thủ những con đầu đàn, dù những con này xuất thân từ đói, dốt, rách, ba đời củ chuối măng mai. 9,10 tuổi không có hột chữ bỏ bụng đã đành, còn không có cả hột cơm bỏ miệng, phải làm nô lệ cho cái đói, cái lạnh cái rét suốt bao nhiêu năm trời, trở thành ti tiện, hẹp hòi, khốn nạn, đểu giả. Ấy thế mà lại được đề cao theo khẩu hiệu của một thời cổ lổ : "Trí phú địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ". Kết quả, lũ thất phu lên cầm đầu, đè đầu cưỡi cổ dân, ban hành bao điều sai trái, dìm tương lai dân tộc trong vũng lầy của sự đói nghèo, lạc hậu...

Sống trong cái xã hội bày đàn ấy, bản thân tôi - một kẻ còn mang nặng đạo lý thánh hiền bị chèn ép về đủ mọi mặt. Đang là con nhà dòng dõi khoa bảng, chỉ biết đặt sách vở lên trên cuộc đời, lao vào nhặt cho hết bồ chữ nghĩa của ông cha, từ đông tây kim cổ, nào thơ văn Lý Trần, sách Nội Kinh Trung Quốc từ thế kỷ 14, đến triết học, rồi duy vật biện chứng:"vật chất có trước, ý thức có sau" v.v. và v.v.. Vậy mà đi đến đâu cũng cảm thấy thừa, bước vào đâu cũng bị ám ảnh bởi câu thành ngữ: "Giàu nó ghét, nghèo nó khinh, tài giỏi thông minh, nó không sử dụng". 10 tuổi đã ôm mộng làm thơ viết báo, được mẹ thắt lưng buộc bụng cho đi học một mạch lên đại học, rồi ra trường, vì "hèn mẹ cha", 3 năm chen chân bẹp ruột với lũ "lợn tháu", "trống choai", "dê cỏn" con nhà cán bộ khá giả không được (dù nhận bao nhiêu giải thưởng, từ chuyện vui, nụ cười dự thi đến diễn đàn vẻ đẹp tuổi trẻ...luôn được coi là hoa hậu trong lĩnh vực thi thố, chữ nghĩa), vậy mà chầu chực bao nhiêu năm trời không xin nổi vào bất kỳ toà soạn báo nào, chỉ đơn giản vì không có thực để vực tình người của các đồng chí, phải chấp nhận cảnh núi đỏ rừng xanh, lặng lẽ cúi đầu trong tiếng nấc, trên dặm đường trăn trở những sầu đau.

29 tuổi mới được về lại cửa ngõ thủ đô, nhân cơ hội tách tỉnh từ Hoà Bình, Hà Tây ra khỏi Hà Sơn Bình, và tách luôn cả chút của cải còm cõi đạm bạc mà chẵn 30 năm trời công tác trong ngành Thuỷ Lợi mẹ mới gây dựng được để kê chỗ đứng cho mình, không phải giữa mảnh đất nghìn năm văn vật mà giữa đất Hà Tây quê lụa, nơi "Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Rẽ"- những con người nổi tiếng anh dũng trong lời ca câu hát của thời lửa đạn, chiến tranh, lại trở thành nổi tiếng về tài "tháu cáy"(ăn cắp), anh chị, trong thời hoà bình, hậu chiến... Chỉ cần có mặt sau 8 gìơ tối cho đến trước 5 giờ sáng là những người hiền lành, vô tội, không mất nhẫn, mất ví đồng hồ xe đạp cũng là cú đạp đá oằn người vì nạn trấn cướp...

Là giáo viên phải dạy cho học sinh cái hay cái đẹp ở đời, mà tầm mắt đi đâu cũng chỉ nhìn thấy cảnh nghèo, cái đói. Bao nhiêu lý tưởng bị bội phản, bao nhiêu gía trị làm người bị tước đoạt, lương tâm bị giày xéo, còn lại chỉ là xác chết ngổn ngang của những mơ mộng không thành... Những cái vô lý làm nên cuộc đời, bào mòn và huỷ hoại những nhân cách cao đẹp, tạo ra một khung cảnh u ám, thê lương mà con người luôn là kẻ nhẵn túi, thua cuộc, con người đã bị phân nhỏ ra thành những phần tử đơn độc để đảng dễ bề cai trị, đầu độc, luôn tuân theo ý đảng để tồn tại theo kiểu nô bộc.

Quan sát bao nhiêu năm trong cuộc đời 48 năm làm người của mình, tôi nhận thấy tất cả cái gì rơi vào tay đảng đều trở thành thảm hại, tấm thường đến mức đê hèn, bỉ ổi, ngay cả ngành giáo dục mà tôi nguyện cống hiến hết cuộc đời mình, hoá ra cũng chỉ là "nghề cau có trong những nghề cau có", không hề cao quý chút nào như cố thủ tướng Phạm văn Đồng từng ví von so sánh. Đơn giản vì bất cứ ngành nghề gì trong xã hội cộng sản, chỉ để đào tạo ra những công cụ, kẻ tay sai, thừa hành, chứ không hề đẻ ra con người theo đúng nghĩa của từ này. Một thứ công cụ để kiếm tiền, bất chấp lương tâm, danh dự, phẩm giá và đạo đức truyền thống thừa hưởng từ ông bà cha mẹ, đến mức khai bút đầu năm tôi phải chán chường thốt lên:

Ta lánh xa mày - cuộc sống ơi
Đâu còn mộng mơ giữa cõi đời
Mà là tất cả niềm tin tắt
Nhìn cuộc sống tương lai ta thấy
Cuộc đời ta là cả chuỗi thê lương.

Tình yêu sơ khởi nhất của loài người, từ đứa bé lẫm chẫm bước đi, đến người già gần đất xa trời - đó là tình yêu cuộc sống, thế mà tình yêu đầu đời của tôi, một cô giáo bản, giáo làng, giữa tuổi đời 29, 30 đã bị dập tắt. Không chịu nhốt đời mình trong chiếc ao làng chật hẹp, tôi quyết tâm làm một cuộc "đào tẩu, vùng thoát, vượt lên không ngừng của chính trí tụệ mình", để trở thành nhà báo giữa tuổi đời 33, khi vừa kịp có mệnh trời. Hai từ mệnh trời nghe qua có vẻ duy tâm, nhưng nhìn bằng con mắt duy vật biện chứng thì là tổng hoà của mọi mối quan hệ thuận lợi đến với mình. Bình thường 9 điều thuận, một điều chống cũng vứt, còn mười điều thuận cả mười thì cầu được ước thấy, ước mơ trở thành phóng viên của tôi đã thành hiện thực, khi báo Cựu Chiến Binh ra đời và sau một năm ra thêm báo tuần...


Là con của Cựu Chiến Binh từ năm 1948, tôi may mắn được bạn bè bố tôi giới thiệu vào làm, sau khi đã thử thách tay nghề cả năm trời trước đó. Điều chống duy nhất cũng là điều thuận cuối cùng khi đó của tôi là... không tốt nghiệp khoa văn!.. Chỉ vì thông qua các bài viết của tôi mà ông Lê Kim -trưởng ban văn hoá ban nghệ đinh ninh rằng tôi là giáo viên dạy văn, nên đã hào hứng nhận vào. Khi kiểm tra lý lịch, biết tôi chỉ tốt nghiệp khoa sinh, đại học sư phạm I Hà Nội, thì mọi sự đã rồi, ông ta chỉ còn biết kêu trời: "Bỏ mẹ, hoá ra mày là giáo viên dạy sinh à? Trời ơi, biết bao nhiêu con bé dạy văn muốn nhảy vào mà tao không dám nhận, vì cứ tưởng mày có bằng cử nhân văn chương hẳn hoi... Chết, chết, mày cướp của tao một cơ hội vàng. Sao ông Trần Minh Bắc (tổng biên tập báo) lại nhận mày mà không chịu kiểm tra lý lịch gì cả, làm tao bị nhầm. Nếu biết mày chỉ học về sinh, thì tao có cớ để gạt mày ra khỏi toà soạn ngay từ đầu, để nhận con ông bạn tao, hoặc cháu ruột của tao vào rồi. Trời ơi, đũa gỗ mà lại chòi mâm son, trong khi bao nhiêu đũa vàng, đũa bạc thì lại xếp đầy trong xó của các góc chạn chật chội tối om".

4.

Ở trong lòng "mâm son" chưa được bao lâu thì tôi không chịu nổi cung cách làm báo của mấy ông già cổ hủ, công thần, láng cháng. Trong khi tôi đề nghị được đi công tác để tăng tính xã hội cho bài viết thì ông trưởng phòng tổ chức - người điều động xe cộ của toà soạn - một từ chuyên sâu không biết, cáu tiết đập bàn quát tháo:

- Báo này là báo hội, chỉ cần tính hội không phải báo Phụ Nữ, Tiền Phong, Văn Nghệ mà cần tính xã hội...

Một tuần có 7 ngày thì hai ngày họp, loanh quanh mấy vấn đề cũ rích, nhai đi nhai lại như chó nhai giẻ rách, càng họp càng nát càng chống phá nhau, càng tăng mâu thuẫn. Tờ báo không có nội dung, màu sắc, tư tưởng gì, cứ xám xịt, ngây ngô như tờ báo tường của những năm 1960. Câu què, ý cụt, nội dung đơn điệu, nghèo nàn theo kiểu:

Đảng là gì hở em ơi
Là không quen biết mà ngồi với nhau.

Khi tôi kịp nhận biết và định nghĩa lại cho chính xác:

Đảng là gì hở ...má ơi
Là quân ăn cướp cùng ngồi trung ương.

Thông qua một loạt bài viết về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, với các tựa đề gợi cảm, lay động trái tim mỗi người: "Nước mắt chưa khô trên má mẹ hiền", "Bão thổi không ngừng trong những vành tang trắng", "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên", "Đói khát, đau thương đeo đuổi đến bao giờ ?", "Nhà không, vườn trống tàn hoang", "Đêm đêm nhang cháy đỏ bàn thờ"... để nói về sự vô ơn của các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đối với các bà mẹ liệt sĩ, cướp mồ hôi xương máu của cả người đã chết lẫn người đang sống, lập tức bị treo bút ra khỏi báo, và cuộc đời cứ lênh đênh theo ghềnh thác... Hết thoát ra khỏi bến đục, bờ nông này lại... sa chân vào bến nông, bờ đục khác.

Khi vào được báo Văn hoá văn nghệ công an, tưởng chim khôn chọn được cành cao để đậu, ai ngờ lại đậu phải cành thành phần 5C và 5D*. Cho dù tôi được đích danh phó tổng biên tập gọi về làm việc đi chăng nữa, nhưng tư tưởng nổi loạn, bất tuân của tôi, cùng sự đố kỵ, hẹp hòi, ghen ăn tức ở của cánh chị em khiến tôi nhanh chóng bật khỏi báo. Trong lúc người đời quan niệm: "Đời là một cái chợ, càng chơi nhiều càng lãi", tôi không bao giờ tham gia vào bất cứ trò chơi mất phẩm giá nào vì bảo vệ quan điểm riêng của mình: "Nếu coi đời là một cái chợ khổng lồ, thì mình chỉ đi chợ nhân cách thôi", dù sống giữa chạ người cũng vậy.

Ngưỡng của đạo lý trong thời buổi cộng sản - thả nổi các gía trị làm người - thật vô cùng mỏng manh, chỉ cần tặc lưỡi là có thể bước qua, nhưng tôi lại tự trói buộc mình bởi bao ước lệ đạo đức, bao câu chữ của đạo thánh hiền từ thời ông, cha để lại, nên không thể nào vượt nổi, cứ đau đáu bên mình những gía trị bất biến, lỗi thời: Nào "nhân nào quả nấy", "Gieo gió gặt bão", "Gieo đức hạnh gặt vinh quang, gieo tai ương gặp...quả báo". Rồi "thật thà ma vật không chết", "Có công, có đức, mặc sức mà ăn", "Trồng cây phúc để quả đức cho con" ngược hẳn với câu: "Một đời làm lại, tam đại dở hơi"...

Chính vì quyết tâm làm người, không làm lại (tay sai, nha lại), hay trở thành công cụ, kẻ thừa hành, hại người ngay để con cháu ba đời phải khổ lây, mà tôi thành kẻ bơi ngược dòng lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam, không chịu tắm mình trong dòng sông đảng(mà đặc điểm chủ yếu là mị dân, tham nhũng, và khủng bố, dối lừa) ngược lại chỉ thích trồng cây phúc để quả đức cho con ...Tu nhân, tích đức, để về già...mặc sức mà ăn, tôi đã phải trả giá cho những quan niệm "lạc mốt, lỗi thời" của mình. Vì thật thà, tôi đã bị đủ thứ mưu ma chước qủy của đảng vật. Hết bắt lên đồn, tra vấn thẩm cung ngày này, ngày khác lại giáo dục đấu tố giữa cộng đồng... Khủng bố giữa sân vận động của khu tập thể cả nghìn người không xong, lại tràn vào nhà trấn áp, đánh đập cả chồng và hai con gái tiếp.


Hai, ba lần, vẫn không vật chết tư tưởng trong sạch, thể hiện quyền làm người của chính tôi, vẫn không khiến chồng và con xa lánh, sợ sệt. Ngược lại, từ ánh mắt trẻ thơ, đến ánh nhìn của một giáo viên trường tiểu học trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đều toát lên sự bất cần, khinh bỉ bọn giòi bọ, sâu mọt, chó đói một cách rõ ràng. Chúng càng thể hiện sự trắng trợn, điên cuồng hơn, quyết dồn tôi vào ngõ cụt, đường cùng của sự thiếu đói, uất ức. Chỉ trong vòng 6 tháng trời, 3 lần công an các cấp phòng, từ bộ sở, cục, quận, phường, phụ trách văn hoá phản động, chống gián điệp, khủng bố, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ an ninh v.v. nhận lệnh quan thầy, tràn vào nhà tịch thu toàn bộ phương tiện làm việc, máy móc, sách vở, tư liệu của cả gia đình tôi... nâng số vi tính bị cướp lên thành 4 cái, cùng 6 điện thoại di động, 2 máy scan, một máy ghi âm, một xe spacy, hàng chục ổ USB, hàng nghìn đầu tài liệu, đơn thư của bà con dân oan. Nếu tính thành tiền Việt, không dưới 200.000.000 (hai trăm triệu). Số tiền mà một đời cả nhà đi làm việc cho nhà nước, cũng không thể nào có được.


Đơn giản vì ở Việt Nam, đồng lương đi làm cho nhà nước rất thấp, ăn còn không đủ nói gì đến chuyện mua sắm, tích luỹ? Vì vậy mất là đồng nghĩa với sự trắng mắt, trắng tay, không thể có cơ hội sắm lại được, huống hồ tôi còn bị đảng ra cả chiến dịch cướp bóc 3 lần... mà tôi... càng phẫn càng phát, không những không lo sợ nao núng, còn phát tiết tinh hoa ra ngoài qua việc lên án việc làm đồi bại thối tha của đảng, biểu lộ rõ quan điểm của mình... khiến đảng như một con thú hoang bị dư luận tiến bộ trên thế giới dồn vào ngõ cụt đường cùng, trở thành ú ớ, ra sức dùng mặt nạ, lưỡi gỗ che chắn cũng không xong... Không làm gì được tôi sau bao nhiêu lần ra chiêu độc, đảng liền bắt tôi vào tù...để tôi có cơ hội nghiền ngẫm những việc làm quá khích của mình, để văn hoá đảng đè chết văn hoá đạo đức truyền thống dân tộc đã thấm sâu vào huyết quản mình, để tôi vĩnh viễn không còn là tôi nữa, mà ngược lại là một sự phục tùng, ngoan ngoãn, câm nín, tả tơi...

Thật không ngờ, văn hoá truyền thống lại có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng người Việt đến vậy. Ngay tại quốc nội, khi tôi bị bắt, trừ những kẻ tự nguyện biến mình thành công cụ, thành chó săn trung thành của đảng quỷ, tất cả những ai còn chút lương tri làm người đều xa xót trước cảnh tôi bị cùm tay trong tiếng khóc xé vải của con, sự đau đớn thắt ruột của mẹ già, sự bàng hoàng phẫn uất của người chồng bấy lâu nay vốn chỉ biết hiền lành như một thứ cỏ trong vườn, sự hẫng hụt của con gái lớn, khi sáng ra còn ôm eo mẹ đến hiệu thuốc rồi chào mẹ để đến trường cùng bố và em, mà khi trở về, mẹ đã bị bắt... Tất cả những hình ảnh thương tâm, bất công vô lý đập vào giác quan, thính giác, thị giác họ, làm họ phải âm thầm cất lên những tiếng nói phẫn uất, dù yếu ớt:

"Cả xã hội dối trá, mình cái Thuỷ dám nói sự thật nên bị bắt, thật là thời đại chó má, đồ đểu Hồ Chí Minh chứ tư tưởng gì?".

Hoặc:

-Cứ phải có vài trăm đứa như con Thuỷ, xã hội này mới khá lên được.

Và:

- Phản động gì nó, có mà cấp tiến thì có, xem mấy người ăn nói được như nó, vào nhà chỉ toàn sách với giấy chứng nhận bản quyền của cục xuất bản cấp, đọc ba bài viết của nó là biết ngay nó giỏi hay dốt, ngu hay khôn? Cả bộ chính trị cộng lại cũng không có nổi một nhúm tư tưởng của nó ấy chứ ... Bộ chính là trung tâm lừa đảo, còn nó chỉ vì viết lại chuyện lừa đảo của bộ chính trị mà bị đảng bắt.

Một số bà con dân oan thì bảo:

- "Sống trong xã hội chủ nghĩa nên toàn bị những con người mới xã hội chủ nghĩa lừa, kể từ đứa bé 12 tuổi đến con mẹ học lớp 7 ở Trại Nhãn, rồi bao nhiêu dân oan tận đẩu tận đâu cũng lừa được v.v. và v.v.

5.

Cái giá của tự do, của quyền làm người vô cùng đắt, nhưng ngược lại cái giá của sự can đảm cũng vô cùng lớn. Cứ mỗi lần đảng dùng mưu ma, chước quỷ, đòn phép, thủ đoạn để đánh vỗ mặt tôi, vật chết tươi tư tưởng của tôi, dù ở trong hay ở ngoài tù thì lập tức đảng nhận được bàn thua trông thấy. Bao nhiêu tiếng gà gáy sáng vọng về từ bên kia bờ đại dương, bắt đảng phải chui lủi vào trong bóng đêm ma quỷ. Bao nhiêu bàn tay nhân hậu chìa ra đỡ đần, che chắn, khiến đảng dù lợi dụng cảnh tranh tối tranh sáng để triệt hạ người ngay lại lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, bị chửi bới, la ó khắp thế giới. Cứ liên tục vấp vào bức tường nhân ái của bà con Hải ngoại che chắn như vậy. Từ hội bảo vệ, hội văn bút quốc tế, nhóm bạn hữu, đến đường dây, tổ chức mà tôi hân hạnh được ngồi vào, cùng cả triệu đồng bào có lương tri trên toàn thế giới nên đảng chán, đành phải coi tôi như một kẻ bất trị, một thứ nước lớn giữa dòng, một thứ thép đã tôi trong lò lửa cộng sản... không những không chịu mòn, gỉ, mà càng tôi luyện càng hồng rực lên, chặt không đứt, dứt chẳng ra, bẻ không cong, nhốt không yên... đành phải tha... làm phúc.

Thế là tôi thành kẻ bất tử, cứ chọc thẳng vào gan ruột đảng, nhè vào tư tưởng nhân danh, vô cùng phản động của đảng mà vạch trần ra cho mọi người biết rõ chân tướng, chưa đủ còn xông vào triều đình mà "cởi khố" đảng ra -đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, là búa liềm cờ đỏ, là tà thuyết Mác Lê- những thứ đã làm ô nhiễm môi trường của 87 triệu đồng bào, làm bầu khí quyển của nước nhà trở nên khắm lặm. Thử hỏi một thứ khố mục ruỗng, 39 năm trời không thay, giặt, phơi phóng, thì bẩn tưởi, lạc mốt đến mức nào? (tư tưởng Hồ Chí Minh) không kể tà thuyết Mác Lê đã bị lịch sử ném vào sọt rác nhân loại cả 200 năm, còn cờ đảng thì sặc tanh mùi máu, máu đồng bào đồng chí, anh em trong các cuộc cải cách ruộng đất, chỉnh huấn chỉnh quân cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân. Búa liềm cào và đập nát bao khối óc trái tim con người thuộc đủ các thành phần công, nông binh sĩ nguỵ Sài Gòn, đặc biệt là sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm. Tất cả đầu độc cuộc sống của 87 triệu dân, làm điêu linh bao số phận lành hiền, vô tội trên khắp 64 tỉnh thành cả nước.

Để dọn đường cho dư luận, trước khi tống tôi vào tù, đảng ra cả một chiến dịch đánh phá, bôi nhọ tôi trên mặt báo cũng như phương tiện truyền thông. Nào "Trần Khải Thanh Thuỷ và con đường phạm tội", nào "kẻ suy đồi đạo đức, làm tay sai cho lưu vong phản động nước ngoài", nào "từ bỏ quá khứ tốt đẹp", nào "kẻ đội lốt dân oan", rồi "mặt thật của Trần Khải Thanh Thuỷ" v.v và v.v song cũng nhờ tất cả những điều này, nhờ đi ngược lại lợi ích đảng, mà được bà con Hải ngoại biết tới, không những la ó, kêu gào kịch liệt phản đối, mà còn nối dài cánh tay nhân hậu tới các tổ chức nhân quyền thế giới, như thủ tướng Úc, Đaị sứ quán Mỹ, Pháp, Thụy Điển ở Việt Nam v.v. Chính vì thế, ngồi sau song sắt tôi làm thơ:

Nơi ngục tối là nơi sáng nhất
Nơi ta tìm ra sức mạnh cộng đồng
Vần thơ chắp cánh tung bay
Tâm hồn sải cánh đợi ngày tự do.

Sau 9 tháng 10 ngày thai nghén đau thương trong tù ngục, để sinh nở cái oai hùng giữa lòng đảng độc tài, tôi đã được bạn bè săn sóc thuốc men, cũng như đời sống, được kê chỗ đứng giữa lòng cộng đồng, được thành người có ích, có thu nhập ổn định, ngoài việc chữa bệnh, nuôi mình còn là chỗ dựa cho cả nhà, và bây giờ sau bảy năm "kỷ nguyên chó nằm gầm trạn", 12 năm "Hà Nội mở rộng", "Hà Nội quá đà"(1996-2008) hôm nay tôi đã được về lại giữa thủ đô, gần mẹ, gần em trai, như lời cầu nguyện gần 20 năm, ngay sau khi lập gia đình. Còn sống giữa lòng đảng, đi theo tiếng gọi của đảng, còn bám vào "quá khứ tốt đẹp" do đảng dựng tạo, tôi tin mình không bao giờ có được điều vinh hiển này, trái lại, đúng như lời bài hát tôi viết khi vừa tròn 33 tuổi, đang là phóng viên báo đảng:

Đời mình

(Theo điệu: "Đời mình là một khúc quân hành")

I
Đời mình là một vũng ao tù
Đời mình là mưu sinh khốn khó
Ta kêu lên: Trời ơi đất nước này
Làm sao ta có thể sống như là người ?

Điệp khúc:

Mãi mãi đời chúng ta
Giam cầm trong ngục tối
Mãi mãi lòng chúng ta
Trong quẩn quanh nghèo đói ...

II

Đời mình là một khúc ca buồn
Đời mình là bài thơ chán ngán
Ta than van: Trời ơi thân xác tàn...
Rồi ngày sau có được hoá thân đổi đời???

Điệp khúc:

Mãi mãi chỉ thế thôi
Dăm đồng lương nghèo đói
Mãi mãi đành mất đi
Bao tài hoa, đạo lý

III

Đời mình là một kiếp tu hành
Còn họ là những vua chúa mơí
Bao thơm tho
Nào đâu có đến lượt chúng ta mà chờ

Mãi mãi đành thế thôi
Không tự do hạnh phúc
Mãi mãi là nhân danh
Xin đừng tin bạn hỡi

Có nơi nào khá hơn
Tôi sẽ xin cùng đi
Thà là ra nước ngoài mà sống như là người
Còn hơn bần hàn chìm trong tăm tối

Điệp khúc:

Mãi mãi đời chúng ta
Ca bài ca cởi trói
Mãi mãi đảng chúng ta
Luôn già nua mục ruỗng
Đừng trông vào những nghị quyết kia mà lầm.

6.

Nhờ trườn mình ra biển lớn, dìm lăng Hồ Chí Minh giữa hội nhập toàn cầu, nâng niu những số phận khổ đau, bất hạnh, tôi đã được cộng đồng đón nhận, được Cơ sở thi nhân Cội Nguồn và Nhà xuất bản Tân Văn phát hành ba cuốn sách: Đó là Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân (khi còn ở trong tù, ngày - 15 tháng 9-2007) và Hồ Chí Minh nhân vật trăm tên nghìn mặt, Nghĩ cùng thế sự (sau khi đã ra khỏi tù, ngày 3-12-2008). Chính nhờ số tiền nhuận bút sách này (11.000 USD) cùng dăm bảy giải thưởng trong lĩnh vực nhân quyền, quốc hận, cộng với số lương hàng tháng do báo Người Việt và đường dây trả, tiền hỗ trợ của các tổ chức yêu nước, đấu tranh trong các đợt tôi bị đảng hành, đảng cướp phương tiện làm việc, đảng giam giữ trong tù, hoặc bà con cho khi tôi ốm phải nằm bệnh viện cả trước và sau khi vào tù v.v. mà trong vòng 30 tháng tôi đã gom đủ số tiền 300 triệu đồng để đổi từ "Hang đá" ven ngoại ô thành một ngôi nhà đúng nghĩa giữa lòng Hà Nội, trong sự sặc tiết ghen tuông của đảng cướp sạch. Ơn này sống để dạ chết mang theo, không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết bày tỏ bằng cách viết lại tâm trạng mình:

Tôi gánh ở trong tim này
Niềm biết ơn suốt đêm ngày... Bạn ơi

Từng viên gạch, mảng tường, hành lang, tay vịn cầu thang đang hiện hình trong căn nhà 39 m2 của tôi đều là dấu ấn tình thương của bà con mình, những người đối với tôi còn hơn cả máu mủ ruột già, từ anh Nguyễn Hải, Trần Hùng, Song Nhị, Đỗ Thông Minh (những anh hùng cứu mỹ nhân khỏi tay đảng độc tài, đểu giả) đến anh Trúc Lê, Phương Duy, Phùng Mai, trong Hội bảo vệ - những người đã thầm lặng ở bên tôi từ những ngày cam go nhất trong cuộc đấu tranh chống lại độc tài, ác đảng, kể từ 18-11-2006, cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau (khi chế độ độc đảng bất nhân, phi lý chấm dứt trên mảnh đất nghèo nàn cằn cỗi của Việt Nam).

Không những lên tiếng với Thủ tướng Úc trong thời gian tôi bị cầm tù, còn kêu gọi những tấm lòng bạn bè cùng sẻ chia, đùm bọc hỗ trợ tôi về mặt sức khoẻ, tinh thần sau khi tôi ra khỏi tù, đồng thời cùng xúm tay lại để hàn gắn bể khổ trong lòng chị Trần Thị Lệ- mẹ Lê Thị Công Nhân thông qua việc đưa Nhân vào danh sách bảo vệ của hội. Mỗi lần các nhà dân chủ bị bắt, bị đàn áp dã man là hội - với khả năng bé nhỏ và khiêm nhường của mình lại đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ Bạch Ngọc Dương, đến anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê thị Kim Thu, Phạm Thị Thanh Nghiên, Vũ Hùng...

Chú Nguyên Hoàng Bảo Việt - người đã bắc cầu vồng ngũ sắc đưa tôi từ đáy ao ngầu bọt vì yếm khí, đến tận đỉnh cao lung linh chói lọi là trung tâm Văn bút quốc tế, để tôi có thể vượt vũ môn hoá rồng. Bắt cá chép trong ao xã hội chủ nghĩa thật dễ song bắt rồng bay phương múa trên bầu trời dư luận, quả là vượt xa tầm với của đảng, vì thế dù đảng có rắp tâm bắt tôi phải sống trong cảnh "rồng vàng tắm nước ao tù" đi chăng nữa, cũng đành trơ mắt ếch, phải mở cửa tù thả tôi ra về với nắng nỏ trời cao rợn ngợp cả tâm hồn, sau 9 tháng trời giam giữ.

Còn biết bao tấm lòng nhân ái khác trên toàn thế giới mà trong phạm vi một bài viết tôi không thể nào kể và nhớ hết được.
Trong số 5000 USD tiền nhuận bút sách anh Đỗ Thông Minh gửi về lần đầu có tới 3.000 USD là tiền của các tổ chức và bạn bè ủng hộ, từ người anh hùng Lý Tống đến anh Quốc Thắng, chị Phan Khanh, chị Ngô Thị Hiền, chị Hoà, chị Cúc v.v., những người vì phong trào dân chủ của Việt Nam, cũng vì căm ghét tội đồ dân tộc Hồ Chí Minh mà thưởng cho lòng dũng cảm của tôi, khi sinh ra giữa lòng đảng, bác, lại không chịu để "cha mẹ sinh con, đảng, đoàn, chủ nghĩa xã hội sinh tính" mà ngược lại dám "sinh tính" cho đảng độc tài, còn chỉ rõ bộ mặt thật gian giảo của cha già dâm tặc Hồ Chí Minh với dân với nước, dù biết mọi điều tồi tệ có thể xảy ra.

Nén nhang đầu tiên tôi thắp trong căn nhà mới của mình, xin dành cho con người tôi yêu quý và cũng biết ơn sâu nặng nhất, đó là chú Đoàn Văn Linh- người đã đứng ra quyên góp giúp tôi và một số nhà dân chủ Việt Nam như anh Trần Anh Kim (Thái Bình) Đỗ Nam Hải (Sài Gòn) Lê Thị Công Nhân (Hà Nội) trong suốt thời gian tôi bị ốm và phải vào tù. Tất cả câu chuyện của chú kể về người vợ nghĩa tình của mình, tôi đều không quên. Từ việc chú là phóng viên mặt trận, được cử sang Pháp công tác và bị kẹt lại sau ngày 30-4-75, rồi một mình trước toà đại sứ yêu cầu cộng sản phải để cho vợ con sang Pháp đoàn tụ, nếu không sẽ tự tử... đến việc chú khuyên tôi không nên quá đau buồn vì bệnh lao phổi, ho ra máu do lao lực, vì chính chú từ hồi trong nước đã mắc căn bệnh hiểm nghèo đó sau một thời gian phải làm việc quá sức...


Tuy ở xa nửa vòng trái đất, song mỗi lời nói của cô chú, như những mảnh bông gạc thấm đẫm e te, chườm vào chỗ đau đớn, nhức buốt nhất nơi bản thể tôi. Trong tù tôi luôn nghĩ về chú với tấm lòng đặc biệt yêu mến, mà không thể ngờ chú lại ra đi nhanh đến thế, trong khi điều linh cảm không lành tôi lại cảm nhận vô cùng chính xác về sự ra đi của bác Hoàng Minh Chính.

Chính sự đường đột này đã được cô Linh - vợ chú xác nhận trong thư gửi chồng tôi:

Tân mến!
Cô xin lỗi vì hồi âm chậm trễ.
Cô mỏi mệt quá Tân ơi, ! Chú ra đi quá bất ngờ
Cô lặng người, cô ngẩn ngơ như kẻ không hồn,
Nỗi đau mất nước cộng nỗi đau mất người chồng kính yêu,
Cô trở thành kẻ khùng khùng điên điên trên cõi đời này...

Là nhà báo, đồng cảm sâu sắc với tôi trong việc cầm bút, ông tin cậy tôi có thể dùng ngòi bút của mình (cùng sự hợp lực của các cây bút dân chủ khác) làm đòn xoay chế độ cộng sản thối nát, bất công, nên đã không ngần ngại tuổi già, sức yếu cũng như lấn cấn về uy tín danh dự, hay sự hiểu lầm để đặt mình vào mối quan hệ con người đề nghị, cầu xin con người, quyên góp giúp tôi, mong tôi dù có bị công an cộng sản gây khó dễ, cũng vẫn có người giúp, không đến nỗi gục ngã giữa đời thường, vì con người là một thực thể vật chất, cần phải có vật chất mới tồn tại, nhất là trong điều kiện bị bao vây hay triệt hạ kinh tế. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn, tôi hiểu là mình mắc nợ ông từ lần đầu tiên nhận được món quà ân nghĩa đó. Vậy mà, khi ông từ giã cõi đời này, tận ngày ra tù tôi mới biết? Để rồi phải cay đắng thốt lên:

Buốt lòng cháu lắm chú ơi
Nỗi đau khấn... Bốn phương trời còn đau (!)

Giờ thì ông đã yên nghỉ được gần hai năm rồi, dù tiếng kèn nhân quyền của ông tôi chưa một lần được nghe, nhưng mỗi lần nghĩ đến ông cả trong song sắt trại tù cũng như khi viết những dòng chữ này tôi vẫn thấy như đang văng vẳng đâu đây...

7.

Thay cho lời kết: Viết lại câu chuyện này tôi chỉ muốn nói rõ một điều. Cuộc đời tôi chính là một minh chứng cụ thể nhất cho những gì ông bà đã đúc kết: "Gieo gì gặt nấy". Nhờ gieo yêu thương cho bà con dân oan, vạch sự ác độc, dã man của đảng độc tài giữa thanh thiên bạch nhật, trong dư luận quốc tế, mà tôi đã gặt về sự vinh quang cho mình, theo đúng lời ông bà dạy: gieo đức hạnh gặt vinh quang, gieo tai ương, gặt quả báo...

Từ hang đá lạnh lẽo bao năm, hay trong ngăn tù bẩn thỉu, âm u tà khí, bao nhiêu hạt giống, mầm ươm tư tưởng, dân chủ, tự do của tôi đều vùng thoát ra ngoài, nơi ba triệu đồng bào hải ngoại sinh sống và luôn hướng về manh chiếu rách quê hương, với một niềm yêu thương, xót xa và căm phẫn khôn nguôi. Nơi không hề có bóng dáng độc tài, nên tư tưởng "phạm tội" của tôi đã được "phản động" chấp nhận, ủng hộ và khích lệ tận tâm, giúp tôi không những đứng thẳng làm người, còn vượt hẳn lên so với tầm kích thật của mình... Khiến bao nhiêu làn gió quẩn, gió đen, gió độc của đảng và lũ công an đốn mạt đều phải nằm lại dưới cánh diều tư tưởng bay bổng của tôi, đầy hậm hực tức tối.

Nếu được phép đưa ra một lời khuyên hay sự nhắn nhủ cho thế hệ sau đang phải sống trong ách kìm kẹp, bưng bít dối lừa của đảng, tôi xin nói thật lòng mình: Hỡi các bản trẻ hãy mạnh dạn từ bỏ quá khứ "tốt đẹp", để đi vào con đường... phạm tội như tôi, con đường mà cả dân tộc sẽ phải đi trong nay mai... chính nhờ con đường này mà tôi đã gặt hái vinh quang tột đỉnh cho mình. Trở thành hội viên hội văn bút quốc tế, cùng 5 đầu sách (cả in chung lẫn riêng) ở hải ngoại- những viên ngọc toả sáng lung linh mà bất kể hội viên hội nhà văn Việt Nam nào cũng ao ước, song khó lòng có được vì sự đớn hèn, bạc nhược hiện tại...


Ngoài hàng loạt các giải thưởng cả trong lĩnh vực dân chủ cũng như báo chí, văn học, tôi còn được sống trong muôn vạn trái tim, từ người Việt Hải ngoại đến bạn bè quốc tế như Marie-Louise Thaning (Thuỵ Điển), Ben Stocking (Mỹ), Chirstian Marchant (Mỹ), Peter Gitmark (Na uy), Aude Genet (Pháp) v.v. , không kể những người bạn trong trung tâm văn bút tại Anh Quốc, nơi tôi là hội viên mà tôi không thể nào nhớ hoặc viết hết tên của họ...dù đã bao lần nhận được thư từ khắp các nẻo đường họ đặt chân tới, từ Đài Loan, Úc, Pháp, Singapore.


Nếu Lê Thị Công Nhân có cả một ô tô thư từ của bạn bè bốn phương tám hướng gửi tới, thì tôi cũng có một góc nho nhỏ, đủ để làm tâm hồn mình xao động, lâng lâng, xua tan những độc khí hàng ngày nơi bầu khí quyển ô nhiễm vị đảng... Còn gì vui hơn khi giữa lòng đảng độc tài mình trở thành bất tử, được sống thật với lòng mình và chứng kiến những giờ phút trọng đại của dân tộc, như điều mình đã viết và đang chiêm nghiệm:

Nhân dân sau phút thở dài
Xắn tay đóng vội quan tài thật to
Người đông đất chật chẳng lo
Triệu người xúm lại mà cho đảng vào.

Ngày ấy, Ngày ấy sẽ không xa và chính tôi là người chiến thắng. Còn đảng cướp sạch phải chết theo hồ, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, như lời thơ tôi từng đúc kết sau khi xem lại cả trăm câu thơ của Sấm Trạng Trình và những gì đã và đang hiển hiện phơi bày:

Đảng tan năm sửu, cung đoài
Tuổi thọ bác với độc tài như nhau
Bác đi trước, đảng theo sau
Bảy mươi chín tuổi ...vùi sâu đáy mồ (4)
Việt Nam gây dựng cơ đồ
Toàn dân thoát ách cộng hồ từ đây.

Sau tất cả những gì đã trải nghiệm, tôi tin độc lập tự do sẽ đến với mảnh đất này cũng như tin rằng niềm biết ơn trong tôi là có thật, luôn vĩnh hằng, bất biến, dù thời thế thay đổi ra sao, trong tôi vẫn tràn đầy lòng nhiệt huyết và sự biết ơn:

Tôi gánh ở trong tim này
Niềm biết ơn suốt đêm ngày... Bạn ơi

Khâm Thiên 1-1- 2009, Khai bút đầu xuân
Trần Khải Thanh Thuỷ

____

CHÚ

(1) Các đối tượng hợp tác lao động đều phải nộp lại 70% lương cho nhà nước, chưa kể khi ra đi phải chịu nhiều khoản tiền đóng góp phi lý, hoặc chạy cửa
(2), (3): Đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc
(4) Tuổi Đảng (1930 – 2009), Bác (1890-1969)






No comments:

Post a Comment