Pages

Saturday, April 3, 2010

VĨNH KHANH * HỒI KÝ VƯỢT BIÊN



Vĩnh Khanh
Trích: "Hồi Ký Vượt Biên"
Thương tặng con trai L.V.S.

Giữa năm 1980, gia đình tôi từ rẩy đã bỏ về Saigon ở, tuy cũng rất vất vả, nhưng chuyện sinh kế có phần dễ thở hơn trước. Trước đó không lâu, có người bà con giúp cho em trai tôi đang ở vào tuổi nghĩa vụ đi vượt biên, và chuyến đi đó đến được Mã Lai thành công. Mấy tháng sau, lại có một gia đình ở miền Tây đang tổ chức vượt biên, trước đây chịu ơn của gia đình tôi rất nhiều, thấy tình cảnh của gia đình tôi khó khăn nên thật lòng giúp đỡ lại. Họ dành một chổ cho tôi và đứa con trai đi không lấy tiền. Con gái của tôi lúc đó chưa tròn một tuổi, tôi thật không đành lòng bỏ vợ và con gái ở lại, nhưng mọi người kể cả vợ tôi cũng khuyến khích và đồng ý để hai cha con chúng tôi ra đi.

Khoảng tháng 10 năm 1980, một người dẫn đường hướng dẫn cha con chúng tôi xuống ếm tại Kinh 5, gần Rạch Giá. Chúng tôi hẹn nhau tại Xa Cảng Miền Tây lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó, rồi cùng nhau đón xe đi Rạch Giá, độ 6 giờ chiều thì tới kinh 5. Dân địa phương ở đây hầu hết là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, được chính phủ Ngô Đình Diệm đưa về đây lập nghiệp, vùng này ngày xưa còn hoang vắng lắm, sau đó dưới sự hổ trợ của chính phủ đã được khai phá dần, những người dân miền Bắc định cư dọc theo những con kinh đào với mục đích dẫn thủy nhập điền. Từ đó kinh 1, kinh 2, 3, 4, 5… cho đến kinh 11 đã trở thành những cột móc địa lý quen thuộc của người dân ở đây. Đi xe đò mà bảo tài xế, hoặc lơ xe cho xuống kinh 5, 6… thì họ ngừng ngay tại chổ mình muốn liền.

Xuống xe chúng tôi được một người khác chờ từ trước, đưa xuồng đi dọc theo con kinh thật lớn thêm khoảng hơn tiếng đồng hồ nữa mới tới chổ ếm chờ ngày đi, đến nơi thì trời tối mịt rồi.. Chúng tôi được đưa vào nhà của hai vợ chồng còn rất trẻ, độ khoảng 20 tuổi là cùng. Sau khi giới thiệu lẩn nhau, được biết người chồng tên B. sẽ đi cùng chuyến sắp tới với chúng tôi. Hai vợ chồng này rất nhiệt tình và hiếu khách, đã dành cho cha con tôi một chổ tạm trú tươm tất. Hai ngày tạm trú tại đây, mặc dù không đi đâu được và rất lo lắng, nhưng nhờ sự tử tế của gia đình trẻ này, hai cha con chúng tôi cũng thấy bớt căng thẳng.

Hai ngày sau, chưa tới 4 giờ sáng, B. và cha con tôi đã được sắp xếp từ trước đi trên một chiếc xuồng ba lá nhỏ. Tôi ngồi phía trước chèo mũi, B. ở phái sau chèo lái, con trai tôi ở chính giữa. Thật sự thì tôi có biết chèo xuồng hồi nào đâu, lúc còn học sinh có đôi lần đi cắm trại, cũng có dịp ngồi lên xuồng chèo chơi, nhưng đó là chuyện đi chơi, chiếc xuồng đôi lúc quay vòng vòng cũng không sao.... còn bây giờ là lúc phải chèo thật. Nói thì nói vậy, chứ tôi ngồi phía trước là để ngụy trang thôi, lâu lâu cũng quơ quơ phụ mấy cái cho ra vẻ một chút, chứ ngoài ra anh chàng B. "thầu" hết.

Đúng là ở đâu thì quen đó. B. chèo gần như một mình từ kinh 5 đi len lỏi theo các sông rạch chằng chịt - chứ không dám đi theo con sông lớn - từ sáng sớm như vậy cho đến chạng vạng tối thì gần đến cửa biển mà không thấy anh ta than mệt một lần nào, trong khi đôi cánh tay tôi như muốn rã ra hết.

Chúng tôi tấp vào một vùng dừa nước rộng, núp sau các tàng lá ô rô lớn nghỉ ngơi và ăn uống chờ trời tối hẳn mới dám đi tiếp. Đoạn đường từ đây đi ra cửa biển là đoạn mà chúng tôi lo lắng nhất. Có bị bắt dọc đường từ sáng đến giờ thì còn có lý do để chống chế, chứ từ chổ này đi ra cửa biển mà bị bắt thì hết chối cải. Bao nhiêu giấy tờ giả như cán bộ, công nhân viên chức đi công tác, đi phép… từ đoạn này trở đi, khi bị bắt thì giấy tờ thiệt cũng trở thành giấy tờ giả cả,vì đi đâu mà ra cửa biển giờ này, ngoại trừ đi vượt biên thôi... Chúng tôi yên lặng chèo, cố lợi dụng bóng tối và các khoảng có ô rô, dừa nước để tránh tầm quan sát của công an biên phòng, lòng thật hồi hợp, căng thẳng. Tôi phải dặn con tôi từ trước là không được lên tiếng hỏi han, không được ho, ngay cả muỗi cắn thì ráng xua tay đuổi chứ đừng lên tiếng. Xuồng cứ thế hướng ra điểm hẹn ngoài cửa biển. Gió lúc này đã có pha hương vị mặn và mát lạnh của biển lúc ban đêm rồi.


Chúng tôi đến điểm hẹn an toàn. Không nhận thức được lúc đó khoảng mấy giờ nữa, trời tối đen như mực, chúng tôi tắp xuồng vào một khoảnh rừng tràm nhỏ đầy bùn trên một doi đất nhô ra biển mà B. đã biết từ trước. Đây là điểm dừng chân chờ "con cá lớn" của chúng tôi. Lúc còn chèo xuồng, muỗi đã nhiều rồi, nhưng khi tắp vào chổ này, muỗi còn nhiều gấp bội nữa. Cứ giơ tay ra rồi nắm lại thật nhanh, ít nhất cũng bắt được một vài con muỗi trong lòng bàn tay, ngay sát biển mà tiếng muỗi bay vo ve nghe rõ mồn một. Cũng may B. đã lo liệu từ trước nên có mua sẵn thuốc thoa chống muỗi, nhờ vậy nên cũng đỡ. Tôi ôm con trai tôi vào lòng, phủ kín mít lên người nó thêm một bộ đồ của tôi mang theo, vậy mà thỉnh thoảng nó vẫn xuýt xoa khe khẻ vì bị muỗi cắn. Chúng tôi ngồi trên xuồng mà hai tay hoạt động lia lịa để đuổi muỗi.

Đến thật khuya "con cá lớn" từ từ lộ dạng. Từ trong bãi núp, chúng tôi có thể thấy bóng của nó lù lù trên nền trời đen. B. đập đập nhẹ trên xuồng ra hiệu cho tôi. Chúng tôi yên lặng chờ cho đến khi thấy một ánh đèn nhỏ chớp lên 3 lần báo hiệu bãi đáp an toàn. B. và tôi hối hả chống xuồng ra khỏi rừng tràm đầy muỗi đó, bao nhiêu sức lực đổ dồn vào tay chèo hướng về phía “cá lớn”. Cũng ngay trong lúc đó, từ các khu rừng tràm nhỏ gần bên, khoảng mấy chục chiếc ghe, xuồng đến núp từ hồi nào trong đó cũng túa ra như đàn ong, tranh nhau cặp vào "cá lớn"…


Tài công và mấy người trên "cá lớn" hình như đã tiên liệu được tình trạng lộn xộn có thể xảy ra, cho nên ở hai bên hông "cá lớn" đã có người đứng cầm sẵn mấy cây tre thật dài ngăn không cho các xuồng nhỏ tấp vào sát, mỗi bên họ chỉ chừa một lối vào duy nhất cho một chiếc ghe hoặc xuồng được cặp vào mà thôi, sau khi kéo người trên xuồng nhỏ lên "cá lớn" xong, họ giở cao thanh tre lên và đạp chiếc xuồng đó ra, để chiếc kế tiếp vào… cứ thế cho đến chiếc cuối cùng, mọi người được kéo lên xuồng trong vòng tương đối trật tự theo phương pháp này và sự việc chỉ xảy ra trong vòng 15 phút là xong.Trên cửa biển lúc bấy giờ trôi lềnh bềnh những chiếc xuồng không người bị đạp ra lúc nảy, trông thê thảm như một bãi chiến trường.

Sau đó "con cá lớn" nổ máy hết ga hướng ra biển, mấy người địa phương rành đường nằm ngay trước mũi "cá lớn" cầm đèn pin rọi phía trước, lâu lâu la lớn lên:

- Coi chừng vướng đáy ở đằng trước, coi chừng vướng đáy ở đằng trước...

Mọi người la chuyền câu đó ra phía sau để báo cho tài công tránh các đáy cá của ngư dân đóng ở những bãi cát bồi, chờ nước lớn lên bắt cá kẹt lại trong đáy…

Hoặc thỉnh thoảng mọi người lại chuyền nhau la lên:

- Bẻ qua trái, bẻ qua trái … có bãi cát bồi đàng trước.

Ai nấy đều phấn khởi ra mặt, la hét rùm trời mặc cho gió lạnh ào ào thổi. Chúng tôi đã ra giữa biển rồi. Gió mát lạnh hòa lẩn mấy giọt nước biển văng lên bắn tung toé vào mặt làm tôi tỉnh hẳn. Bao nhiêu lo âu, căng thẳng cả ngày bây giờ hình như đã được trút bỏ hết. Tôi ôm con trai vào lòng, hòa chung niềm vui với mọi người mà lòng không khỏi chạnh nghĩ về gia đình. Như vậy bây giờ chúng tôi đã thật sự xa gia đình rồi sao??


Chúng tôi bắt đầu ổn định lại vị trí cho mọi người. Đa số đàn bà và trẻ em đã được sắp xếp xuống dưới khoang hầm ngay sau khi được kéo lên “cá lớn” trước rồi. Tôi bế con tôi bước xuống mấy bực thang gổ ngay miệng hầm. Một ngọn đèn bão treo lủng lẳng giữa khoang tõa ra những vệt sáng vàng vọt tù mù, nhưng cũng đủ để thấy được khắp cả khoang. Ở dưới hầm đông nghẹt người nằm, ngồi chen chúc nhau, tuy chật chội nhưng ai nấy đều vui vẽ lắm, tiếng dổ con nít và tiếng người thân gọi hỏi thăm nhau ơi ới, ồn ào khắp cả khoang. Vì xuống dưới hầm sau, nên cha con tôi ở ngay vị trí gần dàng máy, trên đầu là cửa lên xuống.


Tuy có hơi ồn vì gần ngay khoang máy, nhưng được cái thoáng mát và không bị ngộp. B. cũng xuống hầm một lượt với tôi, anh ta nằm cạnh tôi, ngay sát dàng máy nên được giao nhiệm vụ phụ máy, châm nước giải nhiệt vào máy từ các “can” nylon 30 lít khi cần thiết. Phía trên khoang có ai đó chuyền xuống mấy cái thau nhựa để rải rác dưới khoang hầm cho những ai bị say sóng ói mửa, hoặc tiểu tiện … thì có thể xử dụng ngay vào đó. Trật tự ổn định dần và mọi người sau một ngày mệt mỏi cũng bắt đầu ngủ. Nhìn thấy con trai tôi đã ngủ say, tôi cũng thấy an tâm. Lúc này thì tôi thấy mệt mỏi thật sự, nằm lim dim nghe tiếng máy nổ đều đều và tiếng người nói loáng thoáng phía trên, tôi rơi vào giấc ngủ hồi nào không hay.


Khi giật mình tỉnh dậy, con tôi vẫn còn ngủ say, nghe tiếng dỗ và tiếng con nít khóc đâu đó ở phía trong. Tôi không ngủ lại được nữa, cánh tay tê cứng vì ôm đứa con trong một tư thế quá lâu. Tôi rón rén đặt nó nằm xuống sát bên B., anh chàng này cũng đang ngủ say sưa, thằng bé trở mình ú ớ gì đó nghe không rõ rồi ngủ lại, nhìn nét mặt của nó thật dễ thương. Tôi leo lên trên khoang thuyền nhìn ra phía trước. Trời đã mờ mờ sáng trên biển, gió lạnh đập vào mặt ào ào làm tôi tỉnh hẳn. Tôi đi ra phía sau cabin nói chuyện với tài công và mấy người nữa đang đứng hút thuốc, thấy tôi đi tới, họ mời tôi hút thuốc rồi cười hỏi:

- Bộ nhớ nhà không ngủ được hả??

Tôi cười cười không trả lời và thật ngạc nhiên khi một người nhìn đồng hồ rồi cho tôi biết chỉ mới có hơn 4 giờ sáng thôi mà trời đã sáng, thấy rất rõ trên biển. Anh chàng tài công tên H. là người địa phương, gia đình sống bằng nghề đánh cá trên biển ngay từ khi anh chưa ra đời và cứ thế truyền tới anh cũng lập nghiệp bằng nghề này. Anh H. cho tôi biết trên biển trời sáng sớm lắm. Lúc mọi vật sáng tỏ hẳn, tôi có dịp quan sát kỷ thì ra con "cá lớn" chỉ là một chiếc ghe đánh cá dài độ 16 thước, ngang độ 3 thước. Trong giới vượt biên lúc bấy giờ, một con cá "lớn"“ như vậy là ngon lắm rồi. Nhiều chuyến tổ chức khác ghe còn nhỏ hơn nhiều.


Chuyến đi này, gần như toàn bộ đám tổ chức vượt biên rút hết, mang theo gia đình đi cùng, hơn phân nữa hành khách là dòng họ bà con của mấy tay tổ chức, cho nên được chuẫn bị khá chu đáo. Tổng cộng số người trên ghe kể cả trẻ em là 106 người. Họ đem theo khoảng 3 thùng phuy nước, chưa kể mấy "can" nhựa 30 lít nước giải nhiệt có thể dùng để uống khi cần thiết… thực phẩm rất đầy đủ gồm bánh tét, bánh ú, củ sắn, cơm vắt, chả lụa… ngoài ra mấy người địa phương còn thủ sẳn một nồi cơm và một nồi thịt kho bự tổ chảng, ngay cả hơn một chục cây thuốc lá thơm Sa Mít của Thái Lan và 3 kí lô cà phê cũng được dự trù… máy chính thì là máy 2 blocks đầu bạc và một máy F10 "sơ cua", nhiên liệu cũng được tính toán mang đủ cho cả những tình huống xấu… cho nên phải nói là trong vấn đề tổ chức lần này, không gì có thể chê trách được.

Anh T., người đứng đầu trong nhóm tổ chức cho chúng tôi biết, anh và các anh em khác đã chi ra hơn 20 cây vàng, chỉ để lo lót cho đám công an biên phòng và công an địa phương, bằng nhiều ngã khác nhau vận chuyển số nhiên liệu và thực phẩm “khổng lồ” đó đến nơi an toàn, đợi đến giờ G thì bốc lên ghe. Khi nghe anh T. cho biết như vậy, tôi thấy rất yên lòng và cảm thấy mình may mắn đi trong một chuyến được tổ chức kỷ càng như vậy.

Chính gia đình anh T. này là người trước đây chịu ơn gia đình chúng tôi, Má của anh và rất nhiều bà con dòng họ anh đã được cô em tôi chữa hết bệnh mà gia đình tôi không lấy một khoảng thù lao nào. Cho nên khi Má của anh biết gia đình tôi khó khăn, chính bà đã dẫn anh T. lên Saigon đến gặp và giới thiệu anh với Má tôi. Trước mặt chúng tôi, bà này đã nói với anh T. là anh phải cố gắng giúp cho chúng tôi, vì nhờ gia đình tôi mà bà và nhiều bà con còn sống đến ngày hôm nay… anh T. có hứa bằng mọi cách sẽ lo cho chúng tôi, đồng thời khi anh biết tôi "đọc được đồng hồ và xài được giấy, thước kẻ …" (tiếng lóng của dân vượt biên nói về việc sử dụng được hải bàn, hải đồ và thước đo tọa độ), thì anh thích lắm vì anh cần một người như vậy, chứ còn mấy tài công đánh cá thì đánh cá ven biển theo kinh nghiệm, chứ không biết sử dụng những đồ nghề đi biển này.

Trước đây, khi còn trong quân trường, tôi có được huấn luyện căn bản về chuyện này, mặc dù không chuyên môn về hải hành, nhưng những căn bản sử dụng hải bàn và la bàn thì như nhau thôi. Vả lại sau khi nghiên cứu trên hải đồ cho lộ trình sắp tới, tôi đã vẽ một hải trình 220 độ từ điểm xuất phát đi qua Mã Lai theo hướng Tây Nam... Khi anh T. nghe tôi giải thích những tình huống bẻ góc để tránh chướng ngại phía trước, sau đó tính toán để đi lại hướng củ, anh có vẻ tin tưởng tôi lắm. Anh bàn với tôi để tài công lái từ cửa biển đi ra, sau đó tôi sẽ hướng dẫn tài công đi theo đúng như lộ trình tôi đã vẽ… Từ đó chúng tôi liên lạc nhau thường xuyên mỗi khi anh T. lên Saigon bốc thêm khách… cho đến ngày đi.

Ghe chúng tôi đi đến trưa không có gì quan trọng xảy ra, ngoài một vài lần thấy xuất hiện trước mặt một chấm đen của một tàu hoặc thuyền nào đó đang di chuyển, thì chúng tôi bẻ góc về phía trái hoặc phải… đối nghịch lại hướng của chiếc trước mặt, sau đó đợi khi nó khuất dạng thì tôi nói tài công bẻ góc ô vuông, tính thời gian từ lúc bắt đầu bẻ góc lần đầu tiên đi, sau đó trở lại hướng củ trực chỉ về hướng Mã lai.

Trời xanh trong, sóng lúc này khoảng cấp 2, 3 tương đối yên, dưới khoang mọi người tuy vật vả vì mệt và say sóng, có vài người ói mửa, nhưng chưa thấy ai than phiền gì cả.. Chúng tôi bày ra ăn uống, tôi mang một ít cơm xuống hầm cho con tôi. Thằng bé có vẻ mệt mỏi, khóc rấm rức và không muốn ăn, tôi ép nó ráng ăn mấy muỗng cơm và cho nó ngậm một viên kẹo Vitamin C mà chúng tôi mang theo, sau đó tôi nhờ B coi chừng nó dùm rồi lên phía trên ngồi với tài công H và anh T. Khoảng 2 giờ sau thì bên tay trái chúng tôi xuất hiện xa xa một hòn đảo mà tài công H cho biết đó là Hòn Sơn Rái.



Chúng tôi tiếp tục đi đến khoảng gần 4 giờ chiều thì gặp một chấm nhỏ xuất hiện bên tay phải, chúng tôi bẻ góc tránh nhưng bị rượt theo, sau vài lần bẻ góc như thế mà vẩn bị rượt theo, chúng tôi biết là nguy rồi. Không biết tàu đó là ai, nhưng chắc không phải hải tặc Thái Lan, vì chúng tôi còn ở sâu trong hải phận VN, hải phận quốc tế còn xa lắm... Mọi người nhốn nháo hẳn lên, anh T chuyền xuống hầm tàu cho biết nếu ai có vàng bạc gì thì hảy tìm cách dấu đi.. Nhiều người trong khoang hầm đã bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Con trai tôi cũng sợ quá mếu máo khóc, tôi ẳm nó lên phía trên với tôi và dỗ dành nó, lòng lo lắng vô cùng.



Chiếc tàu đó đuổi theo càng lúc càng gần, ban đầu chúng tôi nghĩ rằng đó là tàu tuần của công an biên phòng, nhưng đến khi đến gần thì chúng tôi nhận ra đó là tàu đánh cá KIÊN GIANG 2 qua cái tên được vẽ thật lớn ở hai bên mũi. Chiếc tàu đánh cá này rất lớn so với thuyền của chúng tôi, ít nhất là lớn hơn gấp 5, 6 lần và có trang bị súng đại liên M60 ngay trước mũi, một tên đang đứng sau khẩu đại liên, tay lăm lăm trong tư thế sẵn sàng . Chúng tôi chưa biết phản ứng ra sao thì một loạt súng đại liên nổ chát chúa lướt qua đầu làm mọi người hoảng hồn nằm sát xuống boong thuyền, một tên bên tàu này cầm loa nói to:

- Ai nấy nằm im úp mặt xuống sàn, hai tay ngược ra đàng sau, ai ngước mặt lên hoặc rục rịch tao bắn chết mẹ hết. Đ. M. tụi bây dám đi vượt biên hả.

Hắn lập đi lập lại lệnh này và chưởi thề lung tung, sau đó lại thêm mấy tràn súng thị uy nữa vèo vèo trên đầu chúng tôi. Rồi tiếng loa vang lên:

- Tụi tao cho người qua đây, đứa nào nhúc nhích tao bắn bỏ liền.

Tôi kéo thằng con tôi nằm xít lại gần, an ủi nó:

- Không sao đâu con, đừng sợ.Con đừng khóc nghe, đừng khóc thì họ không làm gì con đâu.

Tội nghiệp nó sợ quá, nhưng không dám khóc lớn, chỉ thút thít:

- Mẹ ơi, Mẹ ơi... con sợ quá. Ba dẫn con đi làm chi, con muốn ở nhà với Mẹ mà Ba dẫn con đi làm chi vậy.

Nó cứ nói như vậy và khóc thút thít hoài. Trong lòng tôi, một niềm đau xót khôn tả, mỗi lời của con thơ như dao đâm vào lòng tôi. Thấy thương nó và tự nhiên ân hận vô cùng. Lúc đó tàu Kiên Giang 2 đã cặp sát vào ghe chúng tôi. Hai tên bên đó nhảy qua, chúng mang theo một bó dây nylon, ra lệnh tất cả đàn ông thanh niên ở dưới hầm lên hết bên trên. Con trai tôi vì đã ở trên sẵn rồi nên chúng để yên cho nó ngồi cạnh tôi, còn bao nhiêu đàn bà con nít khác thì ở dưới hầm không dược lên. Chúng lần lượt trói thúc ké chúng tôi lại, sau đó cho chúng tôi ngồi dậy. Cũng may chúng không trói con trai tôi. Con tôi thấy hai tên kia thì sợ hải lắm, ngồi nép vào tôi trốn.

Chúng bắt đầu lục xét ghe khiêng đi cái máy F10 sơ cua và lấy đi cả chục can dầu. Thậm chí những thức ăn để lâu được như bánh tét, chả lụa… cũng bị bọn chúng mang qua tàu chúng nó. Bọn cướp vừa chuyền nhau ăn bánh tét vừa cười cợt khả ố lắm. Ban đầu tưởng chúng đuổi theo để bắt chúng tôi, nhưng bây giờ vỡ lẻ ra, chúng chỉ là những tên hải tặc bẩn thỉu, không khác gì hải tặc Thái Lan cả. Sau đó chúng xét đến chúng tôi, nhưng không phát giác được vàng bạc gì cả. Chúng nó bắt đầu nổi cáu lên, hỏi chúng tôi đi vượt biên mang theo bao nhiêu vàng bạc thì tự động khai ra đi, nếu không khai, tụi nó xét thấy được thì sẽ bắn bỏ. Ai nấy đều im lặng, chờ một lát, chúng nó hỏi ai là tài công, ai là chủ ghe, ai là người tổ chức trong chuyến đi này…

Chúng tôi đã sắp xếp từ trước khi phát giác ra mình bị rượt đuổi, cho nên ai nấy đều trả lời là:

- Không ai thực sự là tài công, cũng không biết chủ chiếc ghe này là ai, và người tổ chức thì lại càng không biết, vì khi mới xuất phát từ ghe nhỏ ra thì bị bể, mọi người bỏ chạy tán loạn…và người lái ghe bây giờ cũng chỉ là một người khách đi thường thôi, vì biết lái nên đành phải ngồi vào cabin lái chứ anh ta không phải là tài công thực sự của chuyến đi.

Lúc đó trời đã chiều lắm rồi, mấy tên cướp của tàu đánh cá Kiên Giang 2 sốt ruột lắm, chúng quát tháo, chưởi thề liên tục. Tên đang ở sau cây đại liên bên tàu Kiên Giang 2 nóng lòng lắm, cứ thúc dục hai tên bên ghe chúng tôi lẹ lên, lẹ lên… Cuối cùng không tìm được gì thêm, chúng định rút lui và cho biết sẽ để chúng tôi đi. Anh T lúc đó lên tiếng xin lại cái máy F10 và mấy "can" dầu, nói rằng:

- Mấy anh cho chúng tôi đi mà lấy hết dầu thì có khác nào giết chúng tôi.

Chúng nó nói nếu chúng tôi có vàng đổi lấy máy F10 và dầu thì tụi nó sẽ cho đổi.

Anh T hỏi:

- Các anh muốn bao nhiêu??

- 10 cây.

- 10 cây nhiều quá, chúng tôi đi vượt biên đâu có ai mang theo nhiều vàng như vậy??

- Vậy thì 8 cây….

Cuộc mặc cả tiếp tục như vậy cho đến khi chúng chấp nhận 2 cây vàng đổi lấy lại máy F10 và mấy can dầu. Chúng nó cắt dây trói cho anh T để anh chui xuống dưới khoang gom góp vàng của tất cả bà con cho đủ số 2 cây vàng, anh bảo tụi nó đừng xuống, vì bà con thấy chúng sẽ sợ hải và không dám đưa ra. Một lúc sau anh đi lên đưa cho chúng 10 cái khâu, mỗi cái 2 chỉ mà sau này anh cho chúng tôi biết là đã dấu ở dưới đáy ghe, đàng sau một miếng ván, không ai có thể biết được.

Lúc bấy giờ, trời đã chạng vạng tối, chúng nhận được vàng từ anh T. rồi, thì cười hô hố và chưởi thề:

- Đ.M. Tụi bây đi vượt biên mà sao nghèo quá vậy?? Có hai cây thì còn khuya mới đổi máy F10 cho tụi bây. Bao nhiêu dầu còn lại cho tụi bây, đủ đi tới Thái Lan rồi, còn đòi gì nữa.


Xong chúng nhảy trở về tàu Kiên Giang 2 và quay mũi đi mất. Chúng tôi ai nấy còn bàng hoàng về diễn tiến vừa qua, mọi người cởi trói cho nhau và kiểm điểm lại dầu nhớt, lương thực xem còn bao nhiêu. Tình trạng quả thật thê thảm! Lương thực không còn nhiều chỉ có một nồi cơm to, cũng đã bị hai thằng hồi nảy đá đổ vương vãi trên sàn ghe, một ít củ sắn, một ít bánh tét và bánh ú… ngoài ra đã bị chúng nó cướp đi hết rồi. Dầu thì chỉ còn lại 3 can, trong máy vẫn còn nhiều. Theo như sự tính toán của tài công H. với lộ trình mới tôi vẽ và đo lại thẳng qua Thái Lan thì cũng đủ cho chúng tôi đi được tới Thái Lan. Nước còn nguyên nên không sợ thiếu, mọi người họp lại bàn bạc và quyết định đổi hướng đi Thái Lan. Chúng tôi sẽ dè sẽn lương thực, nếu không có xảy ra thì nhịn đói 2, 3 ngày nhằm nhò gì, ưu tiên lương thực cho trẻ em và đàn bà. Cái chúng tôi lo lắng là nhiên liệu, nhưng chuyện đã tới nước này rồi thì đành liều thôi.


Ghe chúng tôi đi thêm không bao lâu thì trời nổi gió càng lúc càng lớn, từng cơn gió giật mạnh dữ dội, những đợt sóng dâng cao như một tòa nhà đen thui khổng lồ đổ ập xuống chiếc ghe nhận chìm nó rồi thình lình nâng bổng nó lên lại, như thể ghe chúng tôi là một chiếc lá trong một thau nước lớn và có ai đó giơ tay quậy mạnh thau nước lên. Đây là điều mà trong khi nói chuyện hồi sáng sớm, tôi có nghe anh T. và tài công H. đề cập và lo sợ: Đó là mùa này thỉnh thoảng có gió chướng nổi lên. Không ai biết được chính xác lúc nào có gió chướng. Đôi khi trời đang tốt đẹp, thình lình gió nổi lên thật dữ dội như một cơn bảo lớn trong một thời gian ngắn chừng mấy tiếng đồng hồ, sau đó trở lại êm như không có gì... Cái nguy hiểm của gió chướng là gió giật mạnh từ nhiều hướng khác nhau, cho nên rất khó nương theo chiều gió để lướt sóng… và thiệt là xui xẻo, chúng tôi đang lâm vào cảnh này đây!!!


Trừ tài công H. và một tài công phụ ở trên cabin, mọi người rút xuống hết dưới hầm. Ghe chòng chành như muốn lật và rung chuyển thật dữ dội theo từng đợt lên xuống như vậy. Trong hầm chúng tôi nghe tiếng răng rắc chuyển mình của thân ghe vang lên mà không khỏi hải hùng. Chúng tôi có cảm tưởng chiếc ghe chỉ đứng một chổ chịu trận với sóng gió chứ không tiến thêm được chút nào cả!! Trong hầm ai nấy đều hoảng hốt lo sợ, tôi ôm con trai trong lòng miệng lâm râm cầu nguyện không ngừng, một số người đạo Công giáo bắt đầu hát thánh ca cầu xin Đức Mẹ, nhiều người đã ói mửa tùm lum, ban đầu còn chuyền cho nhau những thau nhựa để hứng, nhưng ghe chòng chành quá mạnh, mọi người ngã chúi vào nhau, nên bao nhiêu đồ ói mửa văng tung toé cả lên, sau đó thì ai buồn nôn thì cứ việc ói mửa tại chổ, không ai còn để ý đến những tiểu tiết gì nữa. Tiếng con nít khóc la, tiếng người nhốn nháo khắp nơi hoà lẩn với tiếng hát thánh ca cầu nguyện đã bắt đầu tạo nên một sự hổn loạn, mất trật tự trong khoang hầm!!


Sau khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ như vậy tình trạng chẳng những không khá chút nào mà xem ra còn có phần tồi tệ hơn. Chúng tôi bàn với nhau là phải tính như thế nào chứ không thể tiếp tục đi như vầy được nữa. Về phía bên tay phải, chúng tôi có thể thấy mờ mờ đảo Phú Quốc nhưng còn quá xa , bên tay trái thì Hòn Sơn Rái gần hơn. Chúng tôi quyết định phải tìm cách tránh bão trước rồi mới đi tiếp. Nếu đi về phía đảo Phú Quốc thì chúng tôi vẫn tiến về phía đàng trước của lộ trình, nhưng xa quá không biết chiếc ghe có thể chịu nổi với cơn bão không. Còn quay lại Hòn Sơn Rái bên phía trái gần hơn, nhưng quay trở lại như vậy là ngược với lộ trình sẽ phải tốn nhiều nhiên liệu hơn. Vì số đàn bà trẻ em trên ghe đông quá, chúng tôi không dám liều nên sau khi bàn bạc chúng tôi quyết định bẻ trái quay về Hòn Sơn Rái với dự tính núp tránh về hướng dưới gió, chờ qua cơn bão rồi sẽ đi tiếp.


Chiếc ghe vượt sóng, lê lết mãi cũng tới được Hòn Sơn Rái, lúc đó đã khoảng 11 giờ đêm rồi. Tài công vòng lại phía sau và ép sát từ từ vào hòn đảo để núp gió. Bổng ghe va chạm vật gì, trườn lên nó vang lên những tiếng động liên tục nghe thật khiếp vía. Có tiếng nhiều người la lớn:

- Đụng đá ngầm rồi, đụng đá ngầm rồi. Coi chừng, lùi lại mau.

Tài công H. cố lui ghe trở lại, nhưng bị mắc kẹt không xoay chuyển gì được cả, chúng tôi ngồi trong hầm nghe tiếng lườn ghe chạm đá dưới nước vang lên những tiếng rợn cả người. Té ra vì trời tối không thấy đá ngầm dưới nước và vì không rành vùng biển chung quanh Hòn Sơn Rái, nên tài công đi lạc vào vùng đá ngầm hồi nào không hay, đến khi bị kẹt thì đã muộn rồi, xoay trở cách nào cũng không ra được. Cuối cùng chân vịt chém vào đá ngầm cũng bị gảy luôn. Ghe vẫn nổ máy nhưng không điều khiển được nữa cứ thế lắc lư theo sóng lớn đập ra đập vào trên đá. Nước bắt đầu tràn vào dưới lườn ghe, mọi người nhốn nháo, náo động hẳn lên.


Chúng tôi đưa một số đàn bà và trẻ em lên trên khoang cho trống chổ rồi thi nhau tát nước bằng tất cả dụng cụ có thể kiếm được trong lúc đó: thau nhựa, lon, các can nhựa cắt ra phân nữa… nhưng không thể nào tát hết nổi. Cuối cùng chuyện tới phải tới: Ghe bắt đầu bể ! Mọi người được kéo nhau rời khỏi khoang hầm lên trên, cũng may nước lúc đó tràn vào nhưng vẫn còn ở dưới lườn ghe, mới vừa ngấp nghé lên khoang hầm chứ chưa ngập nhiều. Tôi dựng con trai tôi ngồi dậy vì nó đang say sóng, nằm dật dờ. Con tôi mở mắt ra nhìn tôi và trong cảnh hổn loạn như vậy, nó hỏi tôi một câu mà suốt đời không bao giờ tôi có thể quên được:

- Tới rồi hả Ba??

Tôi ứa nước mắt, trả lời con:

- Không phải đâu con, ghe bị vô nước rồi mình sẽ phải nhảy xuống…

Tôi cố giữ bình tĩnh dặn dò thằng bé:

- Con phải nhớ kỷ. Ôm Ba cho chặt, không được buông tay ra, con nhớ chưa?? Ba sẽ bơi vào bờ, dù có xảy ra chuyện gì con cũng phải ôm chặc cổ Ba nghe. Nếu con buông tay ra là bị trôi đi mất, Ba không cứu được, con biết không??







Tôi dặn đi dặn lại thằng bé như vậy, nó sợ hải quá đến độ không khóc nổi nữa, chỉ biết trả lời dạ dạ và gật đầu lia lịa. Tôi chụp một can 30 lít nước dùng để giải nhiệt máy, đổ nước ra hết với ý định sẽ dùng nó như một cái phao. Vừa đổ nước trong can ra, tôi vừa nói thầm với con như thay cho một lời trối:

- Con ơi nếu có mệnh hệ nào, xin con đừng trách Ba. Ba muốn cho tương lai con tốt đẹp mới dẫn con đi theo, chứ Ba đâu muốn dẫn con vào chổ chết đâu... - Rồi tôi bắt đầu cầu nguyện liên tục -.

Lúc này mọi người trong hầm hầu hết đã lên khoang trên, có nhiều người đã nhảy xuống biển rồi. Ghe thì nghiêng bên này, lật bên kia theo nhịp sóng đập vào, rút ra… Tiếng la hét, tiếng gọi tên nhau ơi ới… chen lẩn với tiếng gào thét của sóng gió thành một cảnh tượng hải hùng chưa từng có. Tôi cõng con lên vai, bắt nó bám thật chặc cổ tôi, xong ôm cái can không 30 lít, dặn dò thằng bé một lần nữa rồi loạng choạng bước ra mép ghe để chuẩn bị nhảy xuống. Khi đến mép ghe nhìn xuống, tôi thấy một thanh niên trẻ đang đứng dưới nước, mực nước chỉ ngang đến ngực cậu ta mà thôi. Té ra chiếc ghe đã vào đến gần bờ quá mà không hay, mực nước không có sâu như tôi đã lo sợ. Tôi mừng quá la lên và gọi cậu ta thật to, chàng thanh niên ngước lên nhìn chúng tôi. Tôi la lớn:

- Em ơi ! Em làm ơn đỡ dùm con tôi một chút cho tôi nhảy xuống…

Cậu ta đưa hai tay lên đón, tôi nằm sát xuống sàn ghe, chuyền thằng con xuống an toàn xong xuôi rồi mới nhảy xuống nước.

Nếu phải kể hết những giây phút vui mừng, sung sướng nhất trong đời mà tôi đã từng trãi qua, thì đây chính là một trong những giây phút này! Tôi cõng con lại trên vai mà lòng tràn ngập một niềm vui không tả được, mặc dầu vẫn còn trong vòng nguy hiểm nhưng cái cảm giác sợ hải lúc nảy tự nhiên biến mất, khi biết mình còn hy vọng sống sót .

Trời tối thui! Chung quanh lúc bấy giờ bà con cũng đã nhảy xuống đầy hết, mọi người dắt dìu nhau lội nước đi vào bờ. Tiếng la hét gọi tên người thân ầm ỉ náo động cả một vùng. Đoạn đường từ chổ chúng tôi nhảy ra khỏi ghe vào đến bờ không xa, nhưng vì sóng lớn quá và lổ chổ đầy đá ngầm dưới nước nên rất khó đi, cứ nương theo sóng đi vào được mấy bước, lại bị sóng cuốn ngược trở ra, đôi khi bị té chúi nhủi xuống nước. Chật vật thật lâu cuối cùng cha con tôi cũng vào được ghềnh đá lớn tiếp giáp với bờ. Nơi đây không có bờ cát, chỉ toàn là đá với đá. Tôi loay hoay leo lên ghềnh đá đó, mặt đá trơn tuột và đầy những con hào bám vào làm tay tôi bị cứa đứt hết, mà vẫn không leo lên được, định đi vòng kiếm chổ thấp hơn, nhưng sau một hồi mò mẩm, không thấy có chổ nào thấp hơn cả.


Tôi quặp ngược và cõng con tôi về phía trước bụng, rồi một tay giữ nó, một tay lần mò cởi áo, sau đó tôi cõng con ra lại sau lưng, xé áo cuộn vào hai cánh tay và tìm cách leo lên lại ghềnh đá để vào bờ. Nhờ vải áo cuộn chung quanh đôi tay nên tôi bám vào những con hào trên đá không còn bị tuột xuống nước nữa, tôi nương theo một đợt sóng lớn vổ vào, trườn lên được trên ghềnh đá, sau đó tiếp tục trườn về phía trước cho đến khi sóng không còn tới chổ chúng tôi nữa, tôi mới đứng dậy, lần mò đi vào bờ.

Đến đây thì đã qua cơn nguy hiểm. Tôi hỏi thăm con tôi thì may mắn quá nó không bị gì cả , ngoài cái lạnh làm nó cứ run lên bần bật không ngừng và vì sợ quá nó cứ ôm chặt lấy tôi, rấm rức khóc chứ không dám kêu ca tiếng nào. Còn tôi thì người mệt rã rời, hai cánh tay và cả người rát rạt vì bị hào cứa nát như có ai lấy vật gì bén nhọn cắt ngang dọc cùng khắp . Tôi kiếm một hốc đá to khuất gió cởi áo quần con tôi vắt khô và phơi trên đá, sau đó ôm thằng bé vào lòng lấy thân nhiệt trong người hơ ấm nó và cố dỗ cho nó ngủ.

Chúng tôi trãi qua một đêm lạnh giá trong hốc đá như thế, cũng may thằng bé mệt quá nên cuối cùng cũng ngủ được. Tôi ôm con trong lòng nằm chờ trời sáng mà lòng dạ rối bời, đầu óc cứ nghĩ ngợi lung tung không biết số phận mình rồi sẽ ra sao?




Trời mới vừa tờ mờ sáng, đã nghe tiếng người nói chuyện, gọi nhau inh ỏi làm con tôi giật mình thức giấc. Quần áo của nó phơi trên tảng đá bên cạnh nhờ gió nên cũng ráo hết nước, tôi lấy mặc lại cho con. Đến lúc này thằng bé mới xuýt xoa kêu đau. Té ra hai chân và đầu gối của nó cũng bị trầy trụa khá nhiều mà đêm qua có lẽ vì sợ quá nên nó không biết đau và tôi cũng không phát giác được. Nó vừa đau đớn vừa sợ khi thấy cả người tôi bị chằn chịt những vết cắt nát bấy nên cứ khóc rấm rức hoài, miệng thì cứ kêu Mẹ ơi, Mẹ hỡi nghe thật là não lòng... Tôi vỗ về an ủi và bồng nó ra khỏi hốc đá.

Mọi người đang đứng trên các ghềnh đá chỉ trỏ xôn xao. Tôi đến gần thì thấy chiếc ghe đêm qua đã bị sóng đánh, đập vào đá tan nát hết, những mảnh gỗ và đồ vật cá nhân trôi lềnh bềnh cả một khoảng rộng. Cũng may tôi tìm lại được cái túi xách nylon đựng vài bộ quần áo, thuốc tây và những thứ cần thiết mang theo cho chuyến vượt biên đang trôi gần đó. Mọi thứ còn y nguyên trong túi xách nhờ thế tôi có áo để thay. Chúng tôi hỏi thăm từng người xem có ai bị gì không… rồi chia nhau ra các hốc đá kêu tìm những người còn ẩn núp đâu đó. Mặt trời bắt đầu lên, chúng tôi tập họp lại và thật là may mắn, không một ai trong chúng tôi bị thương nặng cả. Đa số chỉ bị trầy trụa do đá và hào cắt mà thôi.

Chưa một ai trên đảo phát giác ra chúng tôi. Té ra phía sau của Hòn Sơn Rái này đầy đá và địa thế hiểm trở, cho nên không có ai ở phía này cả. Lan ra xa cả 2 phía là vách đá dựng đứng và biển, không có đường nào đi vòng. Chúng tôi bàn tán một hồi rồi quyết định leo núi đi lên, sau đó sẽ tìm đường đi vòng ra phía trước tìm gặp cơ quan địa phương trên đảo để nộp mình, chứ không còn cách nào khác hơn. Anh T. và hai người trong đám tổ chức dặn dò mọi người khi trình diện sẽ khai y như lời anh ta dặn, đại khái giống như lúc nói với đám hải tặc của tàu Kiên Giang 2 là chuyến đi này không biết ai tổ chức, không biết ai là tài công… các ghe nhỏ trên đường ra cá lớn thì bị bể nên những người tổ chức và tài công trốn mất rồi… Anh T. nói rằng giá nào anh cũng sẽ trốn vào đất liền để lo cho cả ghe trong đó có gia đình và bà con của anh nữa… Nếu anh bị kẹt thì không có ai lo được… anh cho biết là những chuyến tổ chức vượt biên bị bắt mà không có chủ chốt thì sẽ dễ lo hơn…

Qua chuyến đi này, mọi người đã biết là gia đình của những người tổ chức chiếm hơn phân nữa, trong đó có cả vợ con họ… và biết những người tổ chức này rất thật lòng cho nên chúng tôi tin lời các anh. Chúng tôi nói có cơ hội tới thì cứ trốn, còn chúng tôi sẽ khai y như vậy. Sau đó già trẻ lớn bé 106 người bắt đầu leo núi tìm đường vòng ra phía trước đảo để trình diện cơ quan địa phương. Người lớn bồng bế con nít, người khoẻ dìu người yếu… chúng tôi cứ thế men theo những tảng đá, đi lên núi sau đó tìm đường mòn đi vòng ra phía trước như đã bàn tính.


Khi những người dân đầu tiên trên đảo nhìn thấy chúng tôi thì mặt trời đã lên cao lắm rồi. Họ ngạc nhiên nhìn chúng tôi bồng bế nhau đi cả đoàn như thể từ một hành tinh xa xôi nào lạc loài tới. Sau khi nghe kể vắn tắt câu chuyện bị nạn bể ghe đêm qua… họ hướng dẫn chúng tôi đi xuống làng. Dọc đường đi, dân chúng trên đảo túa ra xem, họ nhìn đám đàn bà trẻ con chỉ trõ bàn tán xôn xao và tỏ vẻ thương hại lắm. Một người nào đó mang nước ra, lập tức tiếp theo nhiều người khác cũng chạy vào nhà mang nước, bánh trái, có nhiều người chặt dừa cho chúng tôi uống nữa... được một lúc thì có hai tên công an đi tới giải tán đám đông dân chúng và hướng dẫn chúng tôi đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã Sơn Rái. Tại đây chúng tôi kể lại câu chuyện vượt biên bị nạn, chúng tôi cũng kể luôn vụ bị tàu đánh cá Kiên Giang 2 cướp… và khai y như đã sắp đặt từ trước.

Lúc này tôi để ý thì anh T. và hai người khác thuộc nhóm tổ chức đã trốn đâu mất hồi nào không biết, trong khi dân chúng túa ra xem và cho chúng tôi ăn uống, họ đã nhân cơ hội này lặn mất tiêu… nên chính thức trình diện kể cả trẻ em chỉ còn có 103 người. (Sau này mới biết anh T và hai người kia móc nối được một ngư dân trên đảo trong khi ngồi uống nước, họ đã tung vàng ra mua chuộc được người này, đưa trước cho ông ta 2 cây vàng và bảo đảm nếu đưa được họ vào bờ an toàn, ông ta sẽ được thêm 6 cây vàng nữa… nên nhớ là vào thời bấy giờ 1 cây vàng rất lớn).

Làm thủ tục "nạp mạng" tại UBND Xã xong, vì không có chổ chứa hết tất cả mọi người, họ cho chúng tôi đi vào làng xin dân chúng chổ tá túc, dặn chúng tôi mỗi ngày hể nghe loa thì phải tập hợp lại điểm danh, chờ tàu trong đất liền ra đón về nhốt.

Dân cư trên Hòn Sơn Rái này chỉ độ mấy chục nóc gia, hầu hết sống bằng nghề đánh cá hoặc làm nước mắm. Dân chúng trên đảo khá sung túc và không ai tha thiết tới chuyện vượt biên cả . Công an hoặc nhân viên trong Xã đa số là thân nhân của dân trên đảo, họ lập nghiệp nhiều đời nên mọi người đều quen biết lẩn nhau và thân tình lắm. Một điều chúng tôi không bao giờ quên là người dân ở đây rất hiếu khách và tốt bụng. 103 người chúng tôi tãn mác ra, ai ai cũng được đón tiếp rất niềm nở, chúng tôi chia nhau ra xin tá túc khắp làng. Cha con chúng tôi được gia đình của bác Bảy cho tá túc. Tôi không bao giờ quên được gia đình này, bác Bảy lúc đó đã hơn 70 tuổi rồi mà còn khoẻ mạnh lắm, Bác gái thì lúc nào cũng vui vẽ, hai con của bác lập gia đình rồi cũng cất nhà ở sát bên cho nên gần như là một đại gia đình. Mọi người nhìn thấy con tôi đều thương lắm và cứ trách tôi là nó còn nhỏ quá, dẫn nó đi vượt biên làm chi cho khổ dữ vậy. Bác Bảy nói:

- Mấy người chính quyền ở đây không dám làm khó tụi tui đâu. Họ mà rục rịch một cái là ngủ một đêm tới sáng đảo này trống trơn liền. Nhà nào cũng có ghe cộ và sống với biển cả từ nhỏ đến lớn. Chuyện vượt biên đối với tụi tui quá dễ, nhưng mà còn làm ăn được thì đi làm chi. Mấy "ổng" cũng biết vậy nên không dám khó dễ tụi tui chút nào hết.

Chúng tôi ở nhà hai bác được cho ăn uống thoải mái, tôm cá mực tươi rói. Bác gái còn bảo con dâu của bác may gấp cho con trai tôi hai bộ quần áo và cho tôi hai cái quần đùi. Con trai của hai bác mang cho tôi một bộ quần áo còn mới tinh. Chúng tôi từ chối hoài không được. Hai bác nói:

- Mấy ngày nữa đây, tàu sẽ ra đón hai cha con vào tỉnh Kiên Giang nhốt chưa biết chừng nào mới được về, nếu không nhận thì ở trong tù lấy gì mà thay đổi.

Tôi thật sự cảm động vô cùng, trong bước đường sa cơ, hoạn nạn của chúng tôi vẫn còn có những tấm lòng bác ái, nhân đạo đáng quý như gia đình bác Bảy đây cứu giúp.

Chúng tôi ở trên đảo Sơn Rái mỗi buổi sáng nghe loa tập hợp điểm danh một lần, sau đó lại tản mác khắp nơi. Được ba ngày thì tàu của tỉnh Kiên Giang ra. Sau khi làm thủ tục bàn giao với những tay công an trên tàu , chúng tôi bị lùa lên tàu rời đảo ngay. Dân chúng trên đảo tụ tập thật đông trên bờ chia tay với chúng tôi. Tất cả những người trong gia đình Bác Bảy đều có mặt. Trước khi đi bác Bảy Gái cho chúng tôi một chai nước mắm nhỉ đặc sản của gia đình bác, một trăm đồng mà bác dặn là để dành mua thêm gì cho con trai tôi ăn khi vào trong tù… bánh trái để ăn dọc đường và khi chúng tôi lên tàu rồi, bác Bảy trai còn thảy lên cho tôi thêm một cái mền nữa. Tôi đã ứa nước mắt trước buổi chia tay thật cảm động đó.


Chúng tôi được đưa về giao cho công an Xã ở kinh thứ 11, về đến nơi thì đã chiều rồi. Tại đây chúng tôi bị phân ra làm hai: đàn ông thì bị nhốt vào những cái chuồng trông giống y như chuồng khỉ đóng bằng cây tràm lớn bằng 2 cườm tay, vuông vức mỗi cạnh khoảng 5 mét, bề cao khoảng hơn 1 mét cho nên không đứng thẳng người được, khi di chuyển phải lom khom đi mà thôi. Những chuồng này được dựng lên gần nhau, trong đó đã lố nhố người ta đầy ra rồi. Đàn bà và trẻ em thì được ở trong một căn nhà chứa rơm cách đó không xa. Con trai tôi lẽ ra ở bên căn nhà rơm đó, có mấy người đàn bà đi chung ghe đồng ý chăm sóc dùm, nhưng nó cứ khóc và nhất định không rời tôi một bước. Cuối cùng thì công an đành phải cho nó ở chung trong chuồng với tôi.

Khi thấy chúng tôi bước vào, mấy người trong chuồng tỏ vẻ bất mãn lắm, vì không gian đã chật chội rồi, nay lại thêm người thì càng chật thêm. Mọi người trong chuồng ai nấy đều nằm dưới đất, trừ một người có một cái giường gỗ nằm tuốt trong góc. Chổ cửa ra vào có để một thùng dùng để tiểu tiện, một miếng các tông đậy trên đó nhưng mùi hôi thối nồng nặc không thể nào tránh khỏi được. Theo luật "bất thành văn" ở đây, ai vào sau thì sẽ phải nằm ở gần chổ thùng tiêu tiểu này… Cha con tôi và 16 thanh niên khác bị chọn vào chuồng này. Mấy người tù củ nhích dần vào trong để cho chúng tôi vào sau tuần tự sắp xếp nằm ở phía ngoài chung quanh chổ tiểu tiện. Trong chuồng lúc này đã chật chội lắm rồi, tất cả mọi người chia làm 4 hàng nằm đâu chân lại với nhau mà vẫn chật như nêm. Tiếng chưởi thề, càu nhàu của các người tù cũ vang lên không ngớt, qua đó chúng tôi được biết từ trước tới giờ chưa bao giờ chuồng này bị chật chội như vậy.

Trong khi những người cũ và mới loay hoay sắp xếp chổ như vậy thì người đang nằm trên chiếc giường bên trong bổng lên tiếng gọi cha con chúng tôi:

- Cái cậu có con nhỏ đó, lại đây dzới tôi.

Tôi ngước mắt lên nhìn kỷ, thì ra đó là một người đàn ông độ khoảng 55 – 60 tuổi đang giơ tay ngoắc ngoắc. Tôi còn đang ngơ ngác, thì ông ta gọi tôi một lần nữa và ra dấu bảo tôi lại gần. Trên mặt đất lúc đó đầy cả người mà ai cũng đang loay hoay tìm cho mình một tư thế thoải mái trên phạm vi chật hẹp, tôi chần chừ vì không có chổ bước đi tới. Ông ta bổng nạt ngang:

- Tụi bây nép ra một chút cho người ta đi tới được không?

Mấy người dưới đất gần chổ ông này nghe nạt như vậy vội nép sát vào nhường chổ cho tôi bước tới. Gọi đó là cái giường cho có vẻ đặc biệt so với hoàn cảnh hiện tại, chứ thật ra chổ của ông này nằm chỉ là mấy miếng gỗ tạp nhạp được đóng sơ sài thành một mặt phẳng nhỏ vừa đủ cho một người nằm, nhưng như vậy cũng chứng tỏ sự đặc biệt của ông này ở đây lắm chứ không phải đùa. Trong bụng tôi liên tưởng tới mấy tay anh chị giang hồ đàn anh, một loại Đại Bàng trong tù mà tôi có dịp đọc trong sách truyện hoặc nghe kể trước đây… nhưng qua hình dáng của ông này, ngoài cái vẻ ông ta có thể là người lớn tuổi nhất trong chuồng, còn lại thì thấy bề ngoài cũng hiền hậu chứ đâu có gì đâu mà mọi người lại có vẻ sợ ông ấy như vậy.?


Khi tôi tới gần, ông ta ra dấu bảo tôi ngồi xuống ngay sát giường của ông, lúc này tôi mới để ý thấy hai chân của ông bị một sợi lòi tói xiềng ngang, ăn luồn với một cái cùm to xuyên luôn ra ngoài chuồng. Ông ta vò đầu con trai tôi hỏi:

- Cháu bao nhiêu tuổi rồi??

Thằng con tôi thấy chân ông ta bị xiềng như vậy thì sợ quá, lí nhí trả lời:

- Dạ con 5 tuổi rưỡi.

Ông ta cười lớn ra vẻ thích thú lắm, nói giọng miền Nam rặt:

- 5 tuổi thì nói 5 tuổi, còn có dzụ 5 tuổi rưỡi nữa.

Rồi ông hỏi thăm tôi về gia cảnh, công ăn việc làm… về chuyến vượt biên vừa rồi… sau đó lấy một cái mùng nhỏ dưới đầu nằm ra đưa cho tôi và bảo mấy người dưới đất nhường chổ để cho cha con tôi nằm sát chân giường của ông ta, một chổ tương đối sạch sẽ... Lúc này trời đã bắt đầu sập tối, một vài người tù cũ thắp lên mấy ngọn đèn dầu trong hũ chao nhỏ, tim đèn được se bằng vải, ánh sáng heo hắt rọi lên một lũ người lúc nhúc trong một cái chuồng lớn như vầy, thật không biết phải tả làm sao hết cái cảm khái của một kiếp người !

Đồ đạc của mọi người đều phải treo tòn ten dọc theo các cây tràm trên đầu nằm. Không có gì trải dưới nền đất cả, tôi phải lấy cái mền gia đình Bác Bảy trên đảo cho ra trải dưới đất cho con tôi nằm. Phạm vi dành cho cha con chúng tôi chỉ khoảng 7 tấc bề ngang, nhưng nhờ ăn gian vào dưới lòng chiếc giường nhỏ, khi nằm chân tôi chéo vào dưới gầm giường nên khoảng co giãn tương đối rộng rải hơn các người khác. Tội nghiệp anh chàng B. và những thanh niên khác vào chung chuồng với tôi, chổ nằm đã chật chội lại còn vướng vào cái thùng tiêu tiểu rất là khổ sở.

Sau khi tạm ổn định thì chúng tôi trò chuyện làm quen với nhau. Qua câu chuyện, tôi được biết tất cả những người tù ở đây là người địa phương, đa số bị tội hình sự cướp giật, đâm chém người khác… chờ ngày giải ra Tỉnh Kiên Giang xử. Riêng trường hợp của ông già nằm trên giường có hơi khác một chút. Ông ta tên Thời, là một người khá giả có tiếng tăm ở địa phương.


Đất ruộng của ông khá nhiều, đa số bà con hoặc con cháu của ông là công an hoặc cán bộ chức sắc rải rác khắp tỉnh Kiên Giang chứ không riêng gì địa phương ở kinh thứ 11 này. Ông có tới 3 bà vợ và an bài mỗi bà một cuộc sống tương đối sung túc lắm. Một hôm ông ta phát giác tại trận bà vợ thứ ba ngoại tình với một người khác. Ông ta lấy mã tấu chém hai người chết liền tại chổ, sau đó bình tĩnh cầm mã tấu còn vấy máu đi ra trụ sở công an đầu thú. Gia đình ông và tất cả dân trong vùng khi hay tin đều sửng sốt, vì bình thường tuy ông ít nói nhưng hiền hậu lắm.



Lẽ ra ông đã bị di chuyển đi ra tỉnh nhốt chờ ngày ra tòa lâu rồi, nhưng vì gia đình chạy chọt và các công an ở đây đa số đều là bà con, nên ông mới còn được giữ tại chỗ này, đến khi chúng tôi vào thì ông ở trong chuồng cũng được hơn nửa năm rồi. Ban đầu thì ông không có bị xiềng, nhưng một buổi sáng công an mở cửa cho người trong tù ra ngoài đi vệ sinh và khiêng thùng phân tiểu đi đổ… thì có một tên công an, vai vế là cháu gọi ông bằng cậu, nói gì đó làm ông nổi giận quất cho nó một đấm vào mặt, máu mũi phun tùm lum… hai tên công an khác nhào vô can bị ông rượt đánh luôn, chúng nó có súng nhưng không thằng nào dám bắn, vì tay công an trưởng đồn ở đây cũng là bà con gì đó với ông. Từ đó tay trưởng đồn dù muốn che chở nhưng cũng phải ra lịnh xiềng ông lại. Ngay cả mỗi sáng khi cho tù ra ngoài, chúng cũng chỉ cởi còng để ông đi ra, chứ chân vẫn bị xiềng. Mấy người tù trong chuồng ai cũng sợ ông, cái thành tích giết người lạnh lùng cộng với chuyện rượt đánh công an đủ làm cho biệt danh Thời Mã Tấu nổi tiếng từ đó.

Nhờ có cái mùng nhỏ của ông Thời cho mượn nên cha con tôi khỏi bị muỗi đốt, nhưng đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Sau khi an ủi,vổ về thằng con ngủ xong, tôi cứ thao thức hoài, phần vì chật chội, lại không dám động đậy sợ đánh thức con tôi dậy, phần vì lo lắng đủ thứ, đã vậy chuột ở đâu ban đêm ra nhiều quá, lâu lâu lại có tiếng người bực bội la lên vì bị chuột chạy lên mình… rồi thỉnh thoảng lại có người len lỏi đi ra phía cửa để đi tiểu, đạp nhằm lên chân hoặc đầu của ai đó đang nằm … thì lại nghe tiếng càu nhàu chưởi thề vang lên… cả đêm cứ tiếp diễn như vậy, đến khi chính tôi mắc tiểu, tôi phải ráng nhịn, không dám đi .

Anh chàng B. và mười mấy thanh niên nằm như cá hộp thành bốn hàng phía gần cửa cũng không ngủ được, tôi thấy họ lăn qua trở lại và giơ tay phe phảy tờ báo làm quạt đuổi muỗi liên tục mà thấy thương cảm vô cùng, đã vậy thỉnh thoảng có người bên trong lom khom ra đi tiểu, họ lại phải ngồi nép dậy chừa chổ cho người đó đi tiểu, thật là khổ! Tôi ngồi trong mùng chứng kiến những cảnh đó qua ngọn đèn tù mù mà lòng lo buồn vô hạn. Nếu cứ bị nhốt ở đây với điều kiện tồi tàn như vầy thì sớm muộn gì cũng bị bệnh. Lo nhất là cho con tôi, lỡ mà bị bệnh lúc này thì quả thật là khổ.


Trời mới tờ mờ sáng, xa xa vừa nghe có tiếng gà gáy đợt nhất, thì trong chuồng đã có người lục đục dậy rồi. Tiếng ho khọt khẹt đâu đó và tiếng diêm quẹt mồi thuốc gây cho tôi cái cảm giác bớt cô đơn trống trải hơn đêm vừa qua. Lòng tự an ủi rằng sau tai nạn bể ghe cha con tôi vẫn còn sống... sau đêm dài, trời lại sáng, không có gì phải buồn lo cả… Với ý nghĩ đó, tôi tự tin hơn và chuẩn bị chờ đón một ngày mới.

Một lúc sau, mấy người đàn bà ở trong căn nhà chứa rơm gần đó túa ra mấy cái chuồng nhốt tụi tôi hỏi thăm tíu tít. Ôi thôi vợ chồng con cái người trong chuồng, kẻ bồng con đứng xa xa bên ngoài nói chuyện, có người khóc lóc trông thật hết sức thương tâm. Được chẳng bao lâu thì một tên công an chạy ra xua đuổi mấy đàn bà trẻ con trở vào lại trong nhà chứa rơm. Khoảng hơn 6 giờ sáng, chúng đìểm danh chúng tôi bằng cách đếm số người. Người ngồi bên ngoài đếm 1, người kế tiếp đếm 2 …cho đến số 36 là hết. Sau đó chúng mở cửa cho chúng tôi ra ngoài phía sau ruộng tiểu tiện và tắm rửa tại một cái ao lớn, mỗi lần như vậy khoảng 8, 9 người ra ngoài và chỉ được khoảng 15 phút là phải trở vào, hai thanh niên đi chung ghe với tôi được cử khiêng thùng nước tiểu ra ngoài đổ và rửa thùng, họ được ưu tiên nữa tiếng đồng hồ cho việc này và làm vệ sinh cá nhân .

Trong khi chúng tôi ra ngoài, có mấy tên công an cầm súng đứng canh xa xa. Cha con chúng tôi được dẫn ra phía ruộng đàng sau, tôi bảo con tôi phải ráng tiêu tiểu, không mắc cũng ráng đi, chứ đừng để khi vào trở lại, rủi mắc đi lúc đó thì khổ lắm… Thằng bé chắc cũng hiểu được hoàn cảnh khó khăn hiện tại như thế nào cho nên tôi bảo gì nó cũng nghe, không dám cãi lại. Mọi chuyện vệ sinh cá nhân, tắm rửa qua loa rồi cũng xong. Khi chúng tôi vào lại hết bên trong rồi mới tới phiên ông Thời, một tên công an mở khóa và rút còng từ phía ngoài chuồng, với sợi lòi tói còn xiềng ngang hai chân, ông lom khom đi ra. Riêng ông ta, chúng cho ở ngoài gần cả tiếng đồng hồ mới vào tra còng lại như cũ. Sau đó chúng điểm số người lại.


Buổi sáng tình hình có vẻ khá hơn, mấy người tù cũ xem ra thông cảm và thân thiện hơn hôm qua nhiều, họ mời thuốc lá và nói chuyện với chúng tôi cởi mở lắm. Riêng ông Thời hình như mến cha con tôi thật sự, ông lấy bánh in trong túi xách treo trên đầu nằm cho con trai tôi ăn. Bên ngoài, mấy tên công an bày ra một cái bàn nhỏ, pha cà phê và bán bánh ú, bánh tét, thuốc lá cho tù... Mấy người tù bên chuồng này gọi qua chuồng kia hỏi thăm lẩn nhau, chen lẩn tiếng gọi mua cà phê thuốc lá tạo nên một không khí sôi động hẳn lên. Ông Thời mua cho tôi một ly cà phê, chúng tôi phì phèo thuốc lá thơm Sa Mít, nhấm nháp cà phê nói đủ thứ chuyện trên đời ra vẽ nhàn hạ lắm. Trong đời tôi đã gặp không biết bao nhiêu là cảnh ngộ đặc biệt, nhưng phải nói buổi sáng hôm đó là một buổi sáng tôi không thể nào quên được. Hảy thử tưởng tượng cái khung cảnh mà mấy chục con người chen chúc nhau trong lồng củi y như một chuồng thú vật, một cảnh tượng mà hình như chỉ có thể nghe nói trong một thời đại dã man xa xôi nào đó, chứ không phải là ở vào thế kỷ hai mươi văn minh này, vậy mà tôi đã hiện hữu ở đó và vẫn có thể ung dung ngồi nhâm nhi cà phê thuốc lá… lại còn tán gẩu với một tên tù sát nhân ra chiều tương đắc lắm, thì hỏi không đặc biệt sao được?? Cảm giác của buổi sáng hôm ấy bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy như phảng phất đâu đây. Không biết ông Thời Mã Tấu đó giờ này có còn trên dương thế hay không. Tôi viết lên mấy dòng này như là một phút hồi tưởng đến ông, tâm trí vẫn còn nhớ rõ dáng ông ngồi trên chiếc giường nhỏ, tay phe phẩy cái quạt mo cau vào một buổi sáng cuối tháng 10 năm 1980 tại kinh thứ 11, tỉnh Kiên Giang.


Trong lúc nói chuyện, chúng tôi mới cảm thông cho những người tù cũ về thái độ không mấy thân thiện hôm qua. Trước khi chúng tôi vào, trong tù đã chật rồi, nhưng ít ra vẫn còn có thể di chuyển qua lại tương đối dễ dàng. Chổ để thùng tiêu tiểu ngay góc gần cửa ra vào riêng biệt một nơi và ai cần thì có thể đến đó tiểu mà không phiền đến các người khác, ngay cả ban đêm. Nhưng hôm qua hai cha con tôi cùng 16 thanh niên khác vào, con số bổng trở thành quá sức đông cho một không gian nhỏ hẹp như thế, sự di chuyển trong chuồng trở nên khó khăn, đã vậy thêm số người thì thêm đồ dùng cá nhân treo lủng lẳng chung quanh càng làm cho chật chội thêm, cho nên hầu như không ai muốn giăng mùng, vì không có đủ chổ cho tất cả mọi người, vả lại giăng mùng hết lên nóng lắm họ chịu không nổi. Riêng ông Thời, vì bị còng chân nên ông ta đi tiểu vào một cái bình nhựa nhỏ có nắp đậy, còn việc đại tiện thì ngoại trừ trường hợp "chẳng đặng đừng" ông sẽ kêu to lên để công an mở còng cho ông đi, ngoài ra thì đợi đến buổi sáng lúc được mở cửa chuồng …

Qua tin tức của mấy tên công an bán cà phê thuốc lá cho hay, chúng tôi chỉ ở tạm đây mấy ngày thôi, sau đó sẽ được chuyển ra nhà tù Cầu Ván ở Rạch Sỏi. Nghe như vậy tôi cũng hơi yên tâm, chứ với hoàn cảnh khó khăn thế này, tôi sợ con tôi sẽ sinh bệnh thì thật là khổ.

Khoảng hơn 9 giờ sáng, từng người trong nhóm chúng tôi bị gọi lên căn nhà dùng làm văn phòng Công An để thẩm vấn, họ chỉ lấy khẩu cung lý lịch sơ sài thôi.


Mến tặng các bạn đã từng lênh đênh trên biển Đông qua những đêm ngày hải hùng sau biến cố 30-4-75
HÀNH KHÚC CỦA NHỮNG THUYỀN NHÂN
nhạc lời NGHIÊU MINH
tiếng hát SƠN HÀ
Video clip HD
MP3

*
Truyện-Vượt Biên


No comments:

Post a Comment