Pages

Saturday, April 3, 2010

RFA * CHỦ NGHĨA MARX

*





Có nên từ bỏ “Chủ nghĩa Mác-Lê” hay không?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-04-02

Mới đây, thêm một đảng viên lên tiếng phản đối việc chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng cụm từ “Chủ nghĩa Mác-Lênin” trong khi vận hành nền kinh tế đặc thù của chủ nghĩa Tư bản.

Photo courtesy of Wikipedia

Các Mác - Lê Nin

Quan điểm mới

TS Đỗ Xuân Thọ, một đảng viên kỳ cựu và là người đưa ra ý kiến này cho rằng nếu không mạnh dạn từ bỏ học thuyết này thì nhà nước đang trực tiếp làm cho nội bộ Đảng phân hóa và tiếp tay với tình trạng tham nhũng hiện nay. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với TS Thọ, để biết thêm những quan điểm của ông về vấn đề này.

Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi được biết ông có một bài viết phân tích về việc nên từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin để thay vào đó là chủ nghĩa Dân Tộc, thưa sau khi bài viết được phổ biến thì ông có nhận được phản hồi nào từ phía chính quyền hay không ạ?

TS Đỗ Xuân Thọ: Tất cả các đồng chí trong Viện đều là những người đồng đội của tôi, kể cả những đồng chí đã cùng chiến đấu ở Quảng Trị cùng với tôi hồi xưa, mấy bác ở phường đến đây họ đều khuyên là phải ngừng lại bởi vì là có một số người đã đăng trên mạng và có những lời bình luận không được hay lắm.

Thực ra là tôi tranh luận với các bác thì các bác hiểu rõ cái lập luận của tôi rồi cho nên tôi không trình bày một cách kỹ lưỡng, tôi bị một khuyết điểm là lẽ ra là có thể được bảo lưu ý kiến cho đến tận Ban chấp hành Trung ương, nhưng không được tung trên mạng. Họ phê bình cái chuyện đó.

Nếu mà Đảng không lấy chủ nghĩa Dân tộc làm nền tảng tư tưởng thì cái chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ bằm nát Đảng lại. Với những mũi nhọn tấn công từ phía ngoài, nó chỉ cần đánh vào cộng sản và đánh tham nhũng là tan Đảng rồi.

TS Đỗ Xuân Thọ

Mặc Lâm: Trước tinh thần đó thì ông có bảo lưu ý kiến của mình hay không?

TS Đỗ Xuân Thọ: Quan điểm của tôi rất là trong sáng. Tôi 56 tuổi rồi, tôi không có một ý định làm quan, làm chức gì cả. Bố tôi cũng là người nuôi các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, rồi nói chung là tôi không nhờ vả, không cậy thần cậy thế gì cả. Tôi đi bộ đội về rồi tôi phục viên, tôi vào đại học rồi cố gắng học lên tiến sĩ. Nói chung là tất cả mọi cái tôi đều hết sức cố gắng nhưng mà một cái điều không thể nào rứt ra được là lúc nào tôi cũng nghĩ về đất nước.

Mặc Lâm: Ông vừa nói là rất quan tâm về đất nước, ông có thể cho biết cụ thể hơn những quan tâm đó là gì ạ?

TS Đỗ Xuân Thọ: Tôi nghĩ đến vấn đề đất nước hàng chục năm nay rồi. Cái lần Đại hội đảng lần thứ 10 tôi cũng đã viết một bức thư lên Ban chấp hành Trung ương Đảng là hãy loại bỏ tính giai cấp ra khỏi nội hàm khái niệm đảng, mà thay vào đó là tính Dân Tộc, và cũng đổi tên đảng là Đảng Lao động Việt Nam, nhưng mà đảng nghe có một nửa thôi, họ đã phải chỉnh lại, tất nhiên không phải chỉ có mình tôi.

Họ phải chỉnh lại cái điều lệ đảng là: Đảng CSVN là đội quân tiên phong của dân tộc Việt Nam, của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời họ phải nèo vào một câu như thế. Hồi đầu tiên thì tôi uất ức, cái thời sống ở thời bao cấp ghê gớm, chẳng hạn như là những cái người mà về sau này tôi nghĩ ngay cả Khrushev, Honecker ở Đức, rất nhiều người còn lầm tưởng đấy là cái chủ nghĩa tuyệt vời nhất có thể xây dựng được một cái xã hội tốt đẹp, cho nên họ mới làm như thế.

Đúng là cũng đáng trách thật nhưng mà tôi không thù hận gì nữa, nhưng bây giờ tôi có thể bỏ qua và thông cảm được.

Quan điểm của tôi, nếu mà Đảng không lấy chủ nghĩa dân tộc làm nền tảng tư tưởng thì cái chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ bằm nát Đảng lại. Với những mũi nhọn tấn công từ phía ngoài, nó chỉ cần đánh vào cộng sản và đánh tham nhũng là chết rồi, là tan Đảng rồi.

Tôi là người không chủ trương đa đảng, vì đa đảng lúc này là nội chiến ngay, tôi nghĩ là như thế.

Chuyện nội bộ Đảng

Dung-Triet-Manh-afp-250.jpg

Bộ ba lãnh đạo VN, các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nông Ðức Mạnh (từ trái sang) tại phiên họp Quốc hội hôm 20-5-2009 ở Hà Nội. AFP photo

Mặc Lâm: Ông từng cho rằng chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã làm mất tình đoàn kết trong nội bộ Đảng, ông có thể giải thích thêm được hay không ạ?

TS Đỗ Xuân Thọ: Mất đoàn kết là như thế này: Thực chất công cuộc đổi mới là chúng ta dám phá bỏ những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là đấu tranh giai cấp, toàn bộ Mác là muốn giai cấp công nông là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thì cái đó là chúng ta phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin trong cái thời đổi mới này, cho nên mới được như ngày hôm nay.

Thế thì cái công cuộc đổi mới đang được tiến hành, tức là chúng ta càng phát triển cái nền kinh tế nói là kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng mà thực chất là kinh tế tư bản chủ nghĩa, có nghĩa là càng đổi mới thì càng phá bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, thế mà cái chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn được ghi vào điều lệ là nền tảng tư tưởng, vì thế cho nên là có một cái mâu thuẫn đảng bị chia ra làm ít nhất là có hai phe: phe thứ nhất bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, phe thứ hai là không quan tâm đến sự thắng thua của chủ nghĩa Mác-Lênin mà tất cả vì dân giàu nước mạnh, tất cả vì dân tộc và ái quyền lợi kinh tế nữa chứ.

Và ngoài ra nó còn bị thọc từ bên ngoài vào bởi những cái bọn phản động sẽ tấn công vào những cái thứ mà chúng ta đang làm trái chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng nó đang hô hào công nông kiện cáo đấu tranh, chúng nó làm đúng chủ nghĩa Mác-Lênin đấy. Chúng nó làm như thế coi như là trong đảng bị phân rã ngay. Tôi có thể khẳng định là ngay trong Bộ Chính Trị đã có sự phân rã nếu như chúng ta còn giữ chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Chủ nghĩa Mác-Lênin này nó làm cho chúng ta nhầm lẫn giữa ý thức hệ và dân tộc, ý thức dân tộc và ý thức hệ tư tưởng.

Tôi có thể khẳng định là ngay trong Bộ Chính Trị đã có sự phân rã nếu như chúng ta còn giữ chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.

TS Đỗ Xuân Thọ

Mặc Lâm: Vừa mới đây Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố là Việt Nam tiếp tục tiến theo con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội trong đó mô hình kinh tế thị trường vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy đề nghị của ông sẽ đi ngược lại với lời tuyên bố này hay sao ạ?

TS Đỗ Xuân Thọ: Tôi nghĩ là cái khẩu hiệu "xã hội chủ nghĩa" nó rất mù mờ. Tôi là một trong những người đưa ra đầu tiên cái khẩu hiệu là "tất cả vì dân giàu nước mạnh", về sau này họ mới thêm là "xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Đấy là mục tiêu của dân tộc ta, chứ còn tôi không tán thành cái mục tiêu "xã hội chủ nghĩa". Tất nhiên là tôi sẽ bảo lưu ý kiến đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thực chất khi mà Đảng hỏi ý kiến thì tôi sẽ phát biểu ý kiến đó lại một lần nữa, và nếu mà có thể đối thoại được với TBT Nông Đức Mạnh thì tôi cũng sẽ nói như nói với anh vậy thôi. Tuy nhiên, tôi là một đảng viên cho nên khi mà ý kiến của tôi vẫn chưa được tán thành thì tôi vẫn chấp hành tuyệt đối những nghị quyết của Đảng.

Tôi chỉ quan tâm đến sự hùng mạnh của dân tộc Việt Nam, chứ nếu mà theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì là còn phải quan tâm đến cả giai cấp công nông và Mỹ, Pháp nữa cơ, lo cho họ thất nghiệp. Nói thật với anh là tôi chỉ lo cho dân tộc Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Trên đây là cuộc phỏng vấn TS Đỗ Xuân Thọ về một số ý kiến của ông có liên quan đến vấn đề từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê. Chúng tôi xin nhắc lại ý kiến của TS Thọ không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tụ Do, xin cám ơn quý vị.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/One-more-party-member-raise-his-voice-against-Leninism-Mlam-04022010140625.html?searchterm=None


*

No comments:

Post a Comment