Pages

Tuesday, August 10, 2010

HÀ ĐÌNH NGUYÊN * TẢN ĐÀ THƠ RƯỢU VÀ NGÔNG



Tản Đà - thơ, rượu và ngông
"Trời sinh ra bác Tản Đà"
02/05/2010 23:23
Tản Đà - Ảnh: t.l
Trên bầu trời văn chương Việt, Tản Đà là một ngôi sao lạ thường, nằm riêng biệt, không lẫn vào những tinh tú khác bởi cuộc đời ông là một tài năng khác thường nằm trong một số phận khác thường...

Cái sự tài hoa đó được khẳng định bởi hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân. Năm 1941 khi viết cuốn Thi nhân tiền chiến, không phải ngẫu nhiên mà họ đã "thỉnh" anh linh cố thi sĩ Tản Đà vừa qua đời trước đó 2 năm (1939) về mở đầu cho cuốn sách và phong cho ông là chủ súy trên chiếu Tao Đàn:

"Hội Tao Đàn hôm nay đông đủ hầu khắp mặt thi nhân, chúng tôi một lòng thành kính rước anh linh tiên sinh về chứng giám. Anh em ở đây, tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ 20. Trên hội Tao Đàn, chỉ tiên sinh là người hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc người kế tiếp. Ở địa vị ấy còn ai xứng đáng hơn tiên sinh?

...Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa... với chúng tôi, tiên sinh vẫn là một bậc đàn anh... Tiên sinh còn giữ được của thời trước cái phong thái vững vàng, cái cốt cách ung dung... Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 với tấm lòng bình thản một người thời trước... những cảnh éo le thường phô bày ra trước mặt không làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng phu

...Thôi, Hội Tao đàn đã đến lúc mở. Xin tiên sinh hãy khai hội..." (Cung chiêu anh hồn Tản Đà - Thi nhân Việt Nam).

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Vỹ khi viết cuốn Văn thi sĩ tiền chiến (1970) cũng đã chọn Tản Đà là người "mở hàng". Vậy chân dung thi sĩ Tản Đà ra sao? Hãy nghe ông "tự giới thiệu":

"Trời sinh ra bác Tản Đà/Quê hương thời có, cửa nhà thời không/Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly/Túi thơ đeo khắp ba kỳ/Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng..." (Thú ăn chơi).

Tuy nhiên để có được một chân dung Tản Đà "cận cảnh" đành phải hình dung ông qua ngòi bút của nhà văn Vũ Bằng với ít nhiều đường nét hý họa: "Tóc ông cắt ngắn kiểu ăng-bốt nửa muối nửa tiêu, không để râu, nói lè nhè mà lại hơi cà lăm, không gầy mà cũng không mập quá, mới trông thì có vẻ khỏe mạnh, cổ ngắn, mắt hơi ngầu đục. Đặc biệt nhất trên khuôn mặt ông là cái mũi dẹt, to, trông như một quả cà tô-mát chưa chín hẳn mà ai đã nghịch ngợm cắm vào giữa hai má khá đầy, trên một cặp môi đỏ mà hơi mỏng so với mặt..." (Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ - NXB Văn học, 1970).

Thực ra lúc "phác họa" bức chân dung này thì Tản Đà đã mất trước đó 31 năm. Lúc này, Vũ Bằng đã là nhà văn có đôi chút tiếng tăm, cho nên mới dám "vẽ" bậc thi sĩ tiền bối như thế, chứ khi Vũ Bằng hãy còn là cậu học trò "thò lò mũi xanh" ở Hà Nội thì: "Chiều nào, bất cứ bận việc gì, tôi cũng tà tà đi đến trước cửa nhà Thăng Long, dán mũi vào cửa kính nhìn vào trong để xem ông Tản Đà vừa quạt cái hỏa lò con để trên giường vừa nhắm rượu một mình. Tôi sợ ông như một ông tiên..." (Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ).

Nhà văn Nguyễn Vỹ cũng thế, ông kể: "...12 tuổi, tôi đã mê thơ văn của thi sĩ Tản Đà và ao ước được biết ông. Lúc đó ông là "thần tượng" của tôi... Khi học ở Hà Nội năm 1928, tôi không dám đến tìm nhà Thi sĩ (Nguyễn Vỹ viết hoa chữ này - NV). Tôi vẫn yêu cái hình vẽ "gánh văn lên bán chợ Trời" trên các bìa sách của "Tản Đà thư cục", bán rất chạy vào những năm 1925-1930. Tôi cắt hình đó dán lên bàn học của tôi... Một hôm, vào khoảng 1930, đi qua phố Hàng Da, xế nhà ông Phạm Quỳnh, tôi thấy trên tường một căn nhà có treo tấm bảng "An Nam Tạp Chí", tôi liền đánh bạo giả vờ vào mua một quyển Giấc mộng con để thấy mặt Thi sĩ. Tôi bước vào không thấy ai. Sẵn tính tò mò, tôi ngó lên một chiếc bàn kê sát vách, một điếu hút thuốc lào bằng tre, thứ "điếu cày" bình dân, bên cạnh một cái đèn liu riu, vài que đóm bỏ bừa bãi, với một mảnh giấy trắng. Tôi lén dòm trên giấy hai câu thơ viết chữ loằng ngoằng, tôi đọc thật lẹ, và còn nhớ mãi đến bây giờ: "Đi ra rồi lại đi vào/Vẩn vơ chỉ tốn thuốc lào mà thôi!". Tôi nhịn cười không được, bật cười to lên. Bỗng từ trong nhà bước ra một ông mái tóc lâm râm, cúp rẽ một bên, áo lương thâm dài cũ mèm, quần trắng hơi bẩn, mang đôi giày mòn mỏi. Đôi mắt ông sáng quắc, nhìn tôi. Tôi lễ phép chấp hai tay cúi đầu chào, theo kiếu người Bắc: Lạy cụ ạ. Ông gật đầu: Tôi không dám, cậu hỏi gì?... Tôi bỡ ngỡ hỏi thẳng cụ: Thưa cụ, cụ có phải là Thi sĩ Tản Đà không ạ? - Phải. Tôi mừng quá. Nhưng không hiểu sao, đứng trước Nhà Thơ bằng thịt bằng da mà tôi hằng kính phục, tôi bối rối không biết nói gì nữa. Tôi cúi đầu chào từ biệt... Tôi sung sướng và hãnh diện, đã thấy mặt nhà Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tôi khoe cùng các bạn học của tôi..." (Văn thi sĩ tiền chiến).

Không chỉ Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ mà cả đến một con người nổi tiếng cương cường, trực ngôn như Phan Khôi cũng bị "ngợp" khi lần đầu tiên đối diện với Tản Đà. Đó là vào năm 1918, trên căn gác của Báo Nam Phong, khi được giới thiệu người trước mặt là Nguyễn Khắc Hiếu thì ngay lập tức Phan Khôi cảm thấy "...như có điện chạy trong người, ghê rợn, vùng đứng dậy! Thật thế. Cái tên Nguyễn Khắc Hiếu bấy giờ không phải vừa, đối với tôi lại càng long trọng lắm. Tôi nghe mà rùng rợn lên, có thế thật!..." (Tôi với thi sĩ Tản Đà - Tao Đàn 1939).

Còn đây là chân dung Tản Đà qua ngòi bút của nhà văn Lan Khai: "...Thi sĩ Tản Đà là một người đàn ông đẫy đà, hơi thấp, đầu đội chiếc khăn xếp không che kín mái tóc cắt kiểu bàn chải, mình mặc áo sa bóng. Thi sĩ có một gương mặt nở nang và thường đỏ hồng vì men rượu. Tiên sinh nổi tiếng về rượu cũng như về thơ, tiên sinh lại tự bào chữa trước sự đùa cợt của thế nhân bằng hai câu thơ rất tài tình: "Đất say, đất cũng lăn quay/Trời say, mặt cũng đỏ gay ai cười?". Gương mặt ấy sáng tươi luôn luôn bởi cái miệng môi mỏng lúc nào cũng mủm mỉm cười và bởi đôi mắt cười nhiều hơn miệng... Thi sĩ Tản Đà rất người, thành thử dù ai khó tính đến đâu cũng phải yêu mến..." (Phác họa hình dung và tâm tình thi sĩ Tản Đà -Tao Đàn 1939).

Hà Đình Nguyên

No comments:

Post a Comment