Pages

Tuesday, August 10, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * TƯ TƯỞNG CỘNG SẢN CỦA TẢN ĐÀ



I. SƠ LƯỢC VỀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Cộng sản chủ nghĩa ra đời chính thức với bản Tuyên Ngôn của đảng Cộng Sản do Karl Marx và Engels viết năm 1848.Một số trí thức Nga đã chịu ảnh hưởng của Marx nên đã lập các tổ chức Cộng sản để lật đổ Nga hoàng. Cuộc cướp chính quyền thất bại, sau Trotsky và những người khác đứng lên làm cuộc nổi dậy tháng Mười 1917. Lúc bấy giờ tại Nga có hai đảng Cộng sản, một là Menchevish do Martov lãnh đạo, và một là Bolchevish do Lenin lãnh đạo. Phe Menchevish chủ trương phải xây dựng dân chủ trước, còn Lenin chủ truơng cộng sản chuyên chính. Hai phe tranh đấu với nhau gây nên cuộc nội chiến. Lenin và Stalin dùng thủ đoạn gian ác cho nên đã diệt phe Nga hoàng và phe Menchevish mà lập chế độ cộng sản độc tài tại Nga.

Tại Trung Quốc, người đầu tiên theo chủ thuyết cộng sản là Trần Độc Tú.Trần Độc Tú du học đại học Tokyo, sau tham gia cách mạng tân hơi 1911, rồi ông dạy học ở Đại học Bắc Kinh mà Mao Trạch Đông là học trò của trường ông. Sau 1917, Trần Độc Tú chịu ảnh hưởng cách mạng Nga nên theo chủ trương cộng sản. Ông lập ra đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921, và được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau ông chống đường lối của Stalin và đệ tam quốc tế mà ngả theo Trotsky nên năm 1925, ông bị Mao cướp quyền. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh gia nhập đệ tam quốc tế năm 1923, và năm 1930, ông theo lệnh Đệ tam quốc tế thống nhất các đảng cộng sản trong nước. Cũng trong lúc này, nhóm đệ tứ quốc tế do Tạ Thu Thâu lãnh đạo đã hoạt động tại Miền Nam từ 1928.

II. TẢN ĐÀ VÀ TƯ TƯỞNG CỘNG SẢN

Tản Đà sau việc hỏng thi năm 1911, ông ở nhà đọc sách tân thư, cho nên từ lúc này ông đã đọc Marx và các sách triết học Tây phương. Có lẽ từ đây, một đệ tử Nho gia, ông đã thâu thập tư tưởng xã hội và tư tưởng cộng sản.

Thật ra tư tưởng xã hội và tư tưởng Marx vốn là một, và Nho gia và trào lưu xã hội cũng là một.
Chủ nghĩa cộng sản vốn khởi đầu bằng chủ nghĩa xã hội nhân bản. Khổng tử, Plato vốn là những triết gia nhân bản, chủ trương mọi người trong quốc gia sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, không ai nghèo khổ, bất hạnh.( NGUYỄN THIÊN - THỤ * CỘNG SẢN LUẬN)

Nhưng Marx cho rằng mọi đường lối xã hội như thế là sai lầm, là không rốt ráo, chỉ có đường lối cướp của giết người của ông là hay nhất, thực tế nhất. Trong bản Tuyên Ngôn của đảng Cộng sản, ông kết tội tất cả những tư tưởng gia và trào lưu xã hội thời ông và trước đó. Để phân biệt phong trào xã hội với chủ trương của ông nên ông đã mạnh bạo dùng chữ "cộng sản" mặc dầu một đôi khi ông , Engels và Lenin cũng dùng từ " chủ nghĩa xã hội".

Như đã trình bày, Tản Đà cũng cho rằng chủ nghĩa cộng sản cũng là chủ nghĩa xã hội nhân bản cho nên trong bài thơ chúc Tết xuân 1927, trên An Nam tạp chí, ông có câu:
"Trọng nghĩa khinh tài lòng cộng sản."

Tản Đà là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia và cũng là một tư tưởng gia. Tư tưởng của Tản Đà đã thể hiện trong tác phẩm Giấc Mộng Con. Tác phẩm này có hai quyển:
+Giấc Mộng Con I, 1917
+Giấc Mộng Con II, 1932.
Tác phẩm này còn liên hệ đến bài thơ Hầu trời có lẽ được sáng tác sau 1920 vì có nhắc đến Lên Sáu, Lên Tám.
Ngay trong quyển Giấc Mộng Con I (GMC I), tức là từ 1917, Tản Đà đã có tư tưởng Cộng sản. Tác phẩm này in năm 1917, nghĩa là ông viết trước 1917, và ông đã ôm ấp tư tưởng cộng sản trong lòng trước đó, có lẽ khoảng 1911-1916. Còn quyển GMC II in lần đầu 1932, nhưng trang cuối, Tản Đà ghi ngày 16 Juin 1920. Như vậy là tư tưởng Cộng sản của Tản Đà có trước khi đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời (1921), và trước khi Hồ Chí Minh gia nhập đệ tứ quốc tế (1923).


III.TƯ TƯỞNG CỘNG SẢN TRONG TÁC PHẨM CỦA TẢN ĐÀ

1. CÙNG ĂN, CÙNG LÀM, BỎ TƯ HỮU

"Cõi đời mới" trong GMC I là một cảnh Đào nguyên thế ngoại, mà cũng là một công xã, công trường, một Hợp Tác xã, trong đó mọi người sống chung, ăn chung, làm chung, tài sản chung, xóa bỏ tư hữu như điều mà Plato và Thomas More đã suy nghĩ.

Việc " làm ăn hàng ngày trong một thôn thời phần khó nhọc, phần vui sướng đều nhau cả.. . . Mỗi năm, các việc mùa màng, hoa quả, than củi, săn bắn. . . . các thôn trưởng liệu xuất dân trong thôn ra làm, trai, gái, già, trẻ, hạng nào đi hạng ấy, tùy sức mà cắt việc. Lại như một đôi khi có việc công trong cù lao như làm nhà học , nhà máy, khai mỏ hay lập thêm thôn nào, các thôn trưởng đều phải xuất hết tráng đinh trong thôn dân lên tại sở Thống trưởng để ứng dịch. Kể đại lược về phần phải khó nhọc độ như thế.Còn cách ăn ở thời giản lắm: Mỗi thôn có một sở bếp và nhà ăn. Đến bữa, trừ hai vợ chồng ông thôn trưởng, còn thời suốt dân trong thôn, trai, gái, già, trẻ, đều đến tại nhà ăn, cũng hạng nào ngồi theo hạng ấy. Cho nên mỗi thôn 15 nóc, chỉ là chỗ đoàn tụ riêng của bố mẹ, vợ chồng, con cái mà không nhà nào có của riêng. (GMC I, tr.62-63)

2. BỎ MUA BÁN, BỎ TIỀN BẠC

Chế độ này chỉ có sản xuất như thời " cộng sản nguyên thủy" mà không có sự trao đổi sản phẩm bởi vì "không có sự mua bán thời không có chợ búa gì" (GMC I, 63). Do đó cũng không có tiền bạc. Tiền bạc trở thành dấu tích của quá khứ nay không còn tồn tại:" bởi có học sách thời biết rằng ở "Cõi đời cũ" có đặt ra một vật gọi là tiền dùng để mua bán. . .(GMC I, 63)
Tư tưởng này cũng giống như quan điểm kinh tế của Mao Trạch Đông cho rằng xã hội cộng sản vật chất thừa mứa, không ai cần tích trữ, tiền bạc trở thành tờ giấy lộn, và ngay cả vàng, bạc, kim cương cũng trở thành vô giá trị, chỉ để dùng lót cầu tiêu!


Trong GMC II, Tản Đà lại dựng lên một thế giới cộng sản khác. Thế giới cộng sản trong GMC I là một cảnh Đào Nguyên hay Bồng Lai, Phương Trượng ở Bắc Mỹ. Còn thế giới cộng sản trong GMC II là Cõi Trời, là Thiên Đường.
Ở đây toàn là người tốt cả, là chư tiên, là tinh hoa của nhân loại. Họ đã chia ra ba hạng người căn cứ vào đạo hạnh và tài năng: hạng đạo đức, hạng tiết liệt và hạng tài hoa.
Trong khi ở GMC I, con người phải lao động, còn ở GMC II, con người sống thanh nhàn tuy rằng mỗi người đều phải có một việc.

Thế giới cộng sản ở Bắc Mỹ không có chợ búa, mua bán, còn trên Thiên giới có chợ búa.Nhưng cả hai đều không dùng tiền bạc.
Chợ ở đây chính là nơi cung nhu cầu thiết yếu cho chư tiên theo như lời Karl Marx: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" (From each according to his abilities, to each according to his needs -- các tận sở năng, các thủ sở nhu):
Chợ Trời không phải là chỗ để buôn bán, mà ở nơi tiên giới có dùng chi đến tiền. Vậy thời sao? Nguyên sự thể ở Thiên đình, mỗi người một việc- cũng có phần ít người không có việc thời đối với chư tiên có phần kém giá trị - mà các vật cần dùng thời ở chỗ chợ đó là của chung cho khắp cả ai ai. Rượu ai muốn uống, tha hồ uống; hoa ai muốn lấy,tha hồ lấy; quả, ai muốn ăn, tha hồ ăn; sách, ai muốn coi, tha hồ coi. ..(GMC II, 107)

Thiên Đình không chia ra các bộ viện như ở trần gian mà chia theo các ngành như trong một đại học Bách Khoa hay trường trung học nào là ban Đạo đức, ban Triết học, ban Khoa học, ban Văn Chương. . . (GMC II ,113)
Tản Đà ca tụng các cảnh giới do ông lập ra và đó là niềm ao ước của ông nhằm đi tìm một xã hội lý tưởng cho loài người.
Về xã hội cộng sản ở Bắc Mỹ, ông cho rằng đây là một xã hội có đủ " tự do và độc lập", và là một xã hội hạnh phúc " không có sự thiên tai, không có sự địa biến, không có sự trộm cướp, không có sự án tù, không có sự kiện cáo, không có sự buôn danh bán lợi, không có câu thế thái nhân tình." (GMC I, 64)
Về xã hội cộng sản trên Thiên Đình, ông ca tụng một là tự do (GMC II), hai là phồn vinh no ấm
" thủ nhi bất cấm, dụng chi bất kiệt"! Thật là chí công vô tư. Nghĩ cho cái tư tưởng đại đồng ở hạ giới mà có ngày được thực hiện như thế chăng, thời thật là hạnh phúc cho nhân loại biết bao! (GMC II, 108)


IV. NHẬN ĐỊNH VỀ TƯ TƯỞNG TẢN ĐÀ

Tư tưởng của Tản Đà là tư tưởng xã hội nhân bản như là tư tưởng của Khổng tử, Plato, Thomas More, Thiên Chúa giáo.. . Ngày nay, trong tư bản chủ nghĩa, người ta đang thực hiện đường lối xã hội nhân bản này như Đài Loan, Do Thái, Mỹ, Pháp, Canada, Úc, Thụy Điển, Thụy Sĩ. . . nghĩa là chú trọng đến đời sống dân nghèo. Họ dùng biện pháp ôn hòa để lấp hố sâu giai cấp. Nay ở các nước tư bản, nhà nước cung cấp cho dân chúng một nền giáo dục miễn phí, y tế miễn phí và một nền an sinh xã hội, trong khi cộng sản hô hào tự do, bình đẳng, thịnh vượng nhưng chỉ làm giàu cho giai cấp mới tức giai cấp tư sản đỏ, là loại có quyền thế trong đảng, còn dân nghèo bị cướp đất, đuổi nhà, phải trả học phí và viện phí rất cao.

Tản Đà phạm một số sai lầm như Thomas More và những người khác khi chủ trương sống tập thể, và bãi bỏ tư hữu. Ở trong khuôn khổ một bài báo, tôi xin chỉ trình bày một vài điểm.

(1). Chủ trương bãi bỏ tư hữu và làm ăn tập thể là một sai lầm vì:
+Tư hữu là một quyền thiêng liêng của con người.
+Không có tư hữu, con người sẽ không tích cực lao động. Nay Trung Cộng và một số nước cộng sản đã công nhận quyền tư hữu của con người.
+Làm ăn tập thể tức là cưỡng bách lao động, cả nước phải làm nô lệ cho cộng sản bóc lột, tàn bạo, phi dân chủ.
+Tài sản chung thì một là không ai cai quản, hai là dễ bị một người hay một nhóm người cướp đoạt làm tư hữu. Cộng sản coi ruộng đất là tài sản chung cho nên chúng đã cướp đất của dân, và bán tổ quốc lấy tiền bỏ túi.
+Một khi quyền bính lọt vào tay một người hay một nhóm người sẽ đi đến độc tài, tham nhũng. Stalin, Mao, Hồ đã giết hàng trăm triệu người vì chủ trương sắt máu của cộng sản.
+Tài sản quốc gia lọt vào những kẻ thiếu chuyên môn, thiếu hiểu biết lại nhiều tham vọng như kinh tế lãnh đạo của Lenin, Stalin và bước nhảy vọt của Mao đã làm hàng chục triệu người chết đói.

(2). Mua bán và dùng tiền tệ là nguyên tắc chung trong đời sống kinh tế. Một người đánh cá muốn đổi cá lấy gạo, và một anh nông dân cũng muốn đổi gạo lấy thịt do đó mà có sự trao đổi, mua bán trong xã hội. Tiền tệ cũng như lửa, kim loại là những phát minh của nhân loại, làm cho đời sống kinh tế dễ dàng thuận lợi. Không thể quay lại kinh tế thời nguyên thủy.


Tản Đà ở vào thời cộng sản khai sinh nên người ta chưa thấy bộ mặt thật của cộng sản, và những sai lầm ghê gớm của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, tư tưởng xã hội nhân bản của Tản Đà khác xa đường lối Marx-Lenin và Mao Trạch Đông:
1. Dân chủ và tự do
Xã hội cộng sản Bắc Mỹ là một xã hội hài hòa, gồm các sắc dân , và có việc bầu cử dân chủ trong khi cộng sản bầu cử dối trá, mang danh dân chủ mà phản dân chủ như bầu cử gian lận, quốc hội bù nhìn, quyền của tổng bí thư quá lón, không dân chủ, cha truyền con nối, dân mất tự do. . .
2. Đạo đức
Xã hội thiên đình là một xã hội đạo đức, có văn hóa ( GMC II, 100-108) trong khi cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp, coi trọng công nông, dùng những kẻ vô học thất đức theo đường lối chuyên chính vô sản.
3. Văn minh, thịnh vượng
Thế giới cộng sản tàn bạo, nghèo đói và khoa học kỹ thuật kém trong khi thế giới Bắc Mỹ và Thiên đình khoa học tiến bộ, vật chất đầy đủ (GMC I, 57-60, GMC II, 108).


Tản Đà chỉ là con người thi sĩ mơ mộng. Ông không phải là con người hành động, một kẻ khát máu, tàn ác, trong đầu óc chứa đựng bao mưu sâu độc kế như Stalin, Mao, Hồ. Ông là một nghệ sĩ, một nho gia sống theo nhân nghĩa lễ trí tín cho nên ông khác xa với bọn cộng sản quá khích và mù quáng. Là con người nhân hậu, ông thấy xã hội nhân bản là một con đường tốt đẹp. Tản Đà đã kết hợp tư tưởng Khổng tử ,Plato trong khi xây dựng một thế giới lý tưởng đại đồng cho nhân loại nhưng tư tưởng này khó lòng thực hiện vì đa số nhân dân muốn sống tự do, muốn tự quyết đinh đời sống của mình, không cần ai lãnh đạo, nhất là nhân dân rất sợ bọn sâu bọ nhảy lên làm người và cai trị thế giới bằng cái tâm độc ác, ngu xuẩn và gian dối!
____

Nguyễn Thiên Thụ
Ottawa ngày 9-8-2010

THAM KHẢO
Tản Đà. Giấc Mộng CON I, II. Hương Sơn, Hà Nội.194?
NGUYỄN THIÊN - THỤ * CỘNG SẢN LUẬN

No comments:

Post a Comment