Pages

Tuesday, August 10, 2010

NHIỀU TÁC GIẢ * NHỮNG NGƯỜI CON TRAI CỦA TẢN ĐÀ



Con trai thi sĩ Tản Đà




Mỗi người một số phận, mỗi người một tính cách nhưng 3 người con của thi sĩ Tản Đà đều mang dòng máu ngông của ông.


Nhà thơ Tản Đà sinh con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Khắc Xương. Đứa bé ấy có nốt ruồi son ở đầu vật giống, nhà thơ tin sau này nó sẽ nên người nếu trời để sống. Nhưng sáu tháng sau đứa bé ấy qua đời. Vì quá thương tiếc nó nên khi vợ chồng sinh đứa thứ hai, nhà thơ vẫn đặt tên con là Nguyễn Khắc Xương.

Nguyễn Khắc Xương học tú tài thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông được nhận vào ngành Công an, công tác ở Hải Phòng. Do nói tiếng Pháp thành thạo nên ông được cử hỏi cung một nữ gián điệp. Vì nữ gián điệp mặt hoa da phấn, chân trắng như ngó cần, thế là Nguyễn Khắc Xương không giữ được vẻ mặt nghiêm khắc nữa, ông quay ra... tán tỉnh kẻ thù. Về việc này ông bị đồng đội báo cáo với cấp trên và sau đó ông được điều lên khu X và cho ra vùng tạm chiếm.

Ở Phú Thọ ông gặp được ông Trần Ngọc Lưu, Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Phú Thọ kiêm Phó chủ tịch Hội Văn hóa Liên khu X. Ông Lưu là trí thức, quý hiền tài bèn xin con trai nhà thơ Tản Đà về cơ quan mình. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp gay go nhưng ông Trần Ngọc Lưu đến ông Đặng Văn Đăng (Bút Tre) đã thấy trước việc phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền trong việc xây dựng phát triển nền văn hóa mới. Họ đã cử cán bộ, có ông Nguyễn Khắc Xương cùng với văn nghệ sĩ trung ương như Anh Thơ, Chu Minh, Nguyễn Đình Nghi… đi điền dã hàng năm trời khắp các vùng tự do trong tỉnh, cả vùng địch giáp ranh để sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian.

Ông Nguyễn Khắc Xương có thời kỳ làm công tác thư viện, bảo tàng nhưng việc chính vẫn là sưu tầm văn nghệ dân gian. Vì quen sống tự do cộng thêm chút máu ngông cha truyền, ông đi bạt chiêng, thỉnh thoảng mới về cơ quan lĩnh trợ cấp, sau này là lĩnh lương. Ông rất lười họp cơ quan và công đoàn. Vì thủ trưởng nào cũng “bao che” cho ông nên về sau anh em trong cơ quan cũng chẳng ai thắc mắc. Nhưng những công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông đã góp phần sáng soi lịch sử văn hóa thời đại Hùng Vương ở trên vùng Đất Tổ.

Những sáng tác đầu tay của nhà thơ Tản Đà được ra đời ở Phú Thọ, rồi ông dạy học ở huyện Thanh Sơn. Sau này ông lại làm nhà ở Dốc Láp, Vĩnh Yên. Vì sợ tiếng tăm và ảnh hưởng của nhà thơ nên viên quan tuần phủ Vĩnh Yên Đào Trọng Vận đã sai tri huyện Tam Dương cùng hào lý địa phương đến trục xuất gia đình Tản Đà ra khỏi đất Vĩnh Yên.

Vì nhà thơ Tản Đà từng có những kỷ niệm với Đất Tổ Vĩnh Phú nên Hội Văn nghệ Vĩnh Phú mới có dịp tổ chức kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ. Tới dự buổi kỷ niệm ấy có anh em văn nghệ sĩ địa phương và các vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Phần giới thiệu thân thế Tản Đà, người ta mời Nguyễn Khắc Xương là trưởng nam của nhà thơ phát biểu.

Ông Xương cho biết thời phong kiến thực dân ấy cha ông chúa ghét những hạng người sống khom lưng. Nhà thơ cấm các con làm ba nghề:

- Phu kéo xe tay.
- Ăn mày.
- Quan lại.

Khi ông Xương nói đến đây, một anh nhà văn bèn giật áo vỗ mông ra hiệu cho ông thôi nói kẻo chạm nọc các vị lãnh đạo tỉnh. Nhưng ông Xương không những không thôi mà còn nhấn mạnh thêm là cha ông còn xếp quan lại dưới bọn phu xe và ăn mày vì quan lại phải khom lưng nhiều nhất.

Cũng may vì ông “trọc đầu” lại có tuổi nên không bị ai “chấp”.

Còn Nguyễn Khắc Phục, người con thứ của Tản Đà hồi bé học ở Huế cũng một thời dọc ngang, không biết sợ ai. Một đêm đưa anh trai Nguyễn Khắc Xương mới vào thăm đi chơi phố, cậu gào thét ầm ĩ. Cảnh sát bắt cậu vào đồn. Cậu chỉ tay xuống bàn thét viên đồn trưởng:

- Nước!
Viên đồn trưởng xuống giọng, hỏi:
- Cậu là ai ạ?
Phục bèn vỗ ngực, nói:
- Nguyễn Khắc Phục ở trong dinh quan án.

Biết là người nhà quan án sát đô thành Huế là con rể ông Phạm Quỳnh quan thượng thư, viên đồn trưởng xanh mắt thét cấp dưới:

- Chúng bay mau pha nước mời cậu đi.
Vì đẹp trai, học giỏi, con nhà thơ Tản Đà nổi tiếng lại ở trong dinh quan án bữa ăn nào cũng có lính lệ đứng khoanh tay chờ cậu sai bảo, Nguyễn Khắc Phục được nhiều em tiểu thư xinh đẹp con nhà khuê các ở kinh đô Huế đem lòng yêu mến. Khi rời Huế ra Hà Nội thăm nhà, chàng công tử bỏ lại tất, từ vali, catáp, túi xách… Cậu chỉ ôm theo cái cháp đựng đầy thư tình và kỷ vật của các người yêu.

Khi vào bộ đội Nguyễn Khắc Phục đã in rất nhiều thơ. Nhà thơ Xuân Diệu đã có những buổi bình thơ của Chiến Bồng (bút danh của Nguyễn Khắc Phục). Nhưng giải ngũ ông về quê vợ, sống với hai cô thôn nữ là chị em gái. Ông, từ một trí thức trở thành chiến binh kiêm thi sĩ để rồi trở thành lão nông tri điền (nông dân thuần túy) là do ông sống tốt quá, chung thủy quá, thương người quá và cũng vì ông có dòng máu ngông của người cha thi sĩ Tản Đà di truyền sang.

Đến người con trai út của Tản Đà là Nguyễn Khắc Đại thì được bố “bấm số” biết trước là sẽ học hành thông minh nhất nhà, tài ba nhưng đoạn trường lận đận. Để đời con đỡ bị “khắc” nhà thơ đã nhờ lý trưởng sở tại chữa trong khai sinh từ Nguyễn Khắc Đại thành Nguyễn Tất Đại. Lớn lên đi kháng chiến, Nguyễn Khắc Đại đã không hiểu thâm ý ấy của cha vẫn khai lý lịch theo họ cha Nguyễn Khắc.

Đầu kháng chiến ông Đại từng hoạt động trong nhóm kịch ở Khu III cùng với Trần Hoàn và Đào Mộng Long. Ông học thiếu sinh quân cùng với Phùng Quán. Ông học văn rất giỏi, luôn được thầy sai chấm bài hộ. Khi Phùng Quán viết “Vượt Côn Đảo” ông cũng viết cuốn tiểu thuyết về Sầm Sơn đánh Pháp.

Sau hòa bình, nhà xuất bản Minh Đức mời ông đến ký hợp đồng tái bản thơ Tản Đà. Khi sách ra, Bộ Văn hóa sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm ngày sinh Tản Đà. Nhiều nhà văn nhà thơ đã viết bài ca ngợi thơ yêu nước của Tản Đà. Nhưng Hà Nội chưa kịp kỷ niệm Tản Đà thì ở Sài Gòn, Ngô Đình Diệm đã tổ chức kỷ niệm Tản Đà rất om sòm.

Một số ông ca ngợi Tản Đà nay thấy chính quyền Sài Gòn ca ngợi Tản Đà lại quay sang viết bài đả kích thơ Tản Đà thế nọ thế kia. Dịp ấy, một số bạn bè văn sĩ và người thân của ông Đại lại bị vu oan, thế là ông tức, xé bỏ bản thảo và thề sẽ không bao giờ dây vào văn chương thơ phú. Sau này ông là một chuyên viên kinh tế, có tài chuyên môn, thuần túy làm chuyên môn, không dây (và cũng không được dây) vào chuyện chức sắc của cơ quan. Có lẽ ông nhiễm nặng nhất máu ngông của cha mình là thi sĩ Tản Đà.

Ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cùng vợ.

Nguồn: Công an Nhân dân
[Trích e_văn]

http://www.tanvien.net/GT/con_trai_tan_da.html">http://www.tanvien.net/GT/con_trai_tan_da.html




Người con trai Tản Đà với hát Xoan

Xem tin gốc

Báo TTVH - 1 tháng trước 8 lượt xem

Nguoi con trai Tan Da voi hat Xoan

Hôm nay, 15/6, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) phối hợp với Sở VH, TT& DL tỉnh Phú Thọ, tổ chức hội thảo về nhà nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, tại trụ sở Hội, 160 Lê Quý Đôn, TP Việt Trì. Chủ tịch Hội - họa sĩ Đỗ Dũng, chủ trì hội thảo.

Nguyễn Khắc Xương

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương sinh ngày 25/10/1922, tại làng Khê Thượng, Ba Vì, là con trai trưởng của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939). Xứ Đoài đã sinh ra bao anh tài, mà dù đi đâu cũng làm quê hương nức tiếng. Lên Phú Thọ từ 1949, thời kháng Pháp, rồi định cư gắn bó nơi này, Nguyễn Khắc Xương đã không hổ danh cha, một thi nhân lớn.

Tôi rất bất ngờ khi ông lão tóc bạc trắng ấy, dù chưa một lần gặp, đã đến dự cuộc giao lưu, nghe thơ của tôi tại Công ty Hải Hà Land, chiều 22/3/2010. Cập nhật lớp trẻ, tuổi 88 vẫn lao động mẫn tiệp, Nguyễn Khắc Xương là một trong những tên tuổi uy danh của giới nghiên cứu nước nhà.

Nhìn danh mục tác phẩm của Nguyễn Khắc Xương, thấy rõ ông dành cả cuộc đời mình để làm hai công trình lớn, kéo dài: nghiên cứu về Tản Đà và truyền thuyết văn hóa dân gian Phú Thọ. Quê gốc và quê hương thứ hai chảy trong mạch sống của ông.

Qua các tác phẩm, công trình nghiên cứu, Nguyễn Khắc Xương khẳng định vị thế của mình là nhà Tản Đà học. Kế thừa di sản tinh thần của cha, ông đã chủ biên và viết nhiều cuốn sách giá trị về Tản Đà: Tuyển tập Tản Đà (NXB Văn hóa, 1989), Giai thoại Tản Đà (NXB Văn học, 1990), Tản Đà - thơ và đời, Tản Đà đời văn (đều ra mắt năm 1995, NXB Văn học và NXB Văn hóa), Tản Đà trong lòng thời đại (NXB Hội nhà văn, 1997).

Chính ông là người dày công nghiên cứu và công bố: Truyền thuyết Hùng Vương (1971); Hát xoan, hát ghẹo Phú Thọ (1979); Tục ngữ ca dao dân ca Phú Thọ (1994). Trong bài tổng quan kết luận hội thảo, nhà thơ Kim Dũng đã đánh giá sự nghiệp của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương có 3 nét chính: là nhà Tản Đà học; nghiên cứu về truyền thuyết Hùng Vương và sự ra đời nhà nước Văn Lang; học giả sưu tầm hát xoan Phú Thọ. Cống hiến bền bỉ và đặc biệt nhất của ông, công trình nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian hát xoan được sử dụng như một nguồn tài liệu để UBND tỉnh làm hồ sơ trình lên các cơ quan chức năng để gửi tới UNESCO xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương đã được trao giải thưởng VHNT Hùng Vương đợt 1 (1985) - giải thưởng cao nhất (5 năm xét một lần) cho sự nghiệp của một tác giả, Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam. Nơi kinh đô Văn Lang, thành phố ngã ba sông, trên đất thiêng trung du, người của Xứ Đoài mây trắng Nguyễn Khắc Xương, đã coi Phú Thọ là quê hương thứ hai và đất này cũng trân trọng ông như một di sản.


VI THÙY LINH (nhà thơ)

http://thethaovanhoa.vn/173N20100615084308579T133/nguoi-con-trai-tan-da-voi-hat-xoan.htm

Gặp trưởng nam của thi sĩ Tản Đà

(Toquoc)- Nguyễn Khắc Xương được giới văn sĩ, trí thức biết đến với một vị trí đặc biệt: trưởng nam của thi sĩ Tản Đà. Nhưng ông cũng là người làm rạng danh người cha của mình với những đóng góp không nhỏ trong nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa Đất Tổ Phú Thọ và hát Xoan.Người đặt nền móng cho nghiên cứu hát XoanTrước Nguyễn Khắc Xương cũng đã có những nghiên cứu về hát Xoan, song chưa có nghiên cứu nào hệ thống và khoa học mà chỉ là những nghiên cứu nhỏ phục vụ cho một vài công trình của các tác giả. Khi lập hồ sơ hát Xoan để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại cần được bảo vệ khẩn cấp, các nhà khoa học không thể không kể đến công lao của Nguyễn Khắc Xương.

Nguyễn Khắc Xương là con trai của thi sĩ Tản Đà; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ (được mệnh danh là nhà Phú Thọ học; nhà Tản Đà học xuất sắc) và tuy chưa được công nhận, song ông chính là nhà nghiên cứu hát Xoan một cách đầy đủ, hệ thống và khoa học nhất. Với hơn 40 năm nghiên cứu về hát Xoan, có thể nói, ai muốn tìm hiểu về hát Xoan, không thể không gặp Nguyễn Khắc Xương.Chính từ những nghiên cứu của ông, đặc biệt là cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ” (xuất bản năm 2008) là nền móng và hệ thống khoa học cho Viện Âm nhạc Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian VN nghiên cứu và lập hồ sơ về hát Xoan.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ Nguyễn Khắc Xương

Cuốn sách được các nhà nghiên cứu hát Xoan thừa nhận là công trình duy nhất nghiên cứu tổng hợp dưới nhiều khía cạnh về hát Xoan và những khía cạnh có liên quan như tín ngưỡng tổ tiên, tín ngưỡng phồn thực, ngôn ngữ, lịch sử hát xoan. Nguyễn Khắc Xương đã đi sâu phân tích cho người đọc hiểu mọi đặc điểm của hát Xoan, không chỉ cái cốt lõi là âm nhạc đến hình thức diễn xướng của từng quả cách mà cả về mọi tục lệ của nó như tục giữ cửa đình, tục kết chạ, tục tế lễ, tục phường họ…

Từ năm 1967, Nguyễn Khắc Xương đã nghiên cứu về hát Xoan. Ông kể, những năm 1965- 1966, ông về đầu quân cho Ty văn hóa Phú Thọ, “dưới trướng” của người lãnh đạo có tầm Đặng Văn Đăng (nhà thơ Bút Tre). Năm 67, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh thành lập, ông được giao nhiệm vụ sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ. “Khi về các xã vận động, phát triển hội viên và sưu tầm dân ca, tôi được dự một hai buổi hát Xoan, và tôi nhận thấy, đây là điều mình cần tìm”- ông chia sẻ về những ngày đầu chú ý tới hát Xoan.Say mê hát Xoan, ông cứ lặn lội và “cắm xã” không về cơ quan. Chính việc sống cùng các nghệ nhân già, học hỏi từ họ mà hát Xoan đã “ngấm” vào máu thịt ông.

Cũng nhờ việc “ba cùng” với người dân mà ông đã sưu tầm được văn bản cổ nhất của 14 quả cách hát Xoan bằng văn bản chữ Nôm. Một tâm hồn Xoan tươi trẻNhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương minh mẫn và tinh anh kỳ lạ so với tuổi 88 của mình. Mái tóc bạc trắng bồng bềnh rất nghệ sĩ, gương mặt vẫn lưu giữ nhiều dấu vết cho thấy thời trẻ là đây là một người đàn ông đẹp và hào hoa. Bất ngờ hơn là khi trao đổi với ông, chúng tôi còn phát hiện một tâm hồn nghệ sĩ hài hước, trẻ trung.Thực lòng, khi đến gặp ông, chúng tôi cũng lo. Gặp ông biết nói gì, viết gì? Bởi người viết về ông cũng đã nhiều, mà viết về hát Xoan cũng không ít. Nhưng cứ lan man đủ chuyện, không ngờ cuộc gặp đầu tiên giữa chúng tôi (thế hệ 8x) với ông cụ 88 tuổi lại vui vẻ đến thế.


Ông Nguyễn Khắc Xương đã dành hơn 40 năm nghiên cứu về hát Xoan


Ông kể, trong Xoan, Ghẹo, hát đúm là một hoạt cảnh đối đáp giữa nam và nữ. Đây cũng là lối hát hấp dẫn nhất, cuốn hút tuổi trẻ nhất cho nên người ta còn gọi phường Xoan là phường Đúm. Một cô đào trong phường Đúm đứng ra giữa chiếu, tay cô cầm một “quả đúm” (một miếng vải tròn lại) đưa mắt nhìn khắp mặt “ đàn anh” trong làng rồi cất cao giọng hát:-
- Phải đôi phải lứa thì xe,
Đúm tìm cho tới ai the đúm vào
Đúm vào người hỏi làm sao
Em là quả đúm, em vào kết duyên...

Dứt câu hát, cô ném qủa đúm vào một quan viên nào đó.

Nhưng trước khi ném quả đúm, cô gái đã có những động tác dứ rất uyển chuyển, làm mọi người hồi hộp không biết quả đúm sẽ vào tay ai. Người nhận được quả đúm mở ra lấy trầu cau ăn rồi gói miếng trầu cau khác vào (có khi là một đồng tiền thưởng), trao cho một trai làng hoặc đứng lên hát đáp một câu đúm, hát xong tung quả đúm trả lại cho cô đào. Cứ như thế quả đúm bay đi ném lại cùng với những câu hát tình tứ và tiếng cười tán thưởng của người xem.Hay khi người trai hát:

Anh xin nàng chút huê trong đụn
Người gái hát: Huê trong đụn anh thuận huê gì?
- Huê trong đụn anh thuận huê lúa
- Huê lúa mùa này nó chưa nở!
Để một mai nó nở.
Thiếp lại bẻ cho chàng.
Sợ chàng chẳng yêu.
Sợ chàng chẳng dấu.
Để nụ héo.
Huê hỡi là huê.

Hay khi bên trai hỏi một câu, nếu bên gái không trả lời được hay muốn bên trai trả lời thì sẽ hỏi lại câu đó “chàng hỏi thì thiếp lại nhờ chàng trả lời” và bên trai lại hát trả lời...

Cứ như thế, hát đến hết đêm mà vẫn không cạn lời.Bởi thế, nên câu chuyện giữa chúng tôi với ông cũng không dứt. Lan man hết chuyện hát Xoan đến chuyện văn hóa Phú Thọ… đôi khi, chúng tôi hỏi và ông lại chêm vào một câu Xoan: “Nàng hỏi vậy nhờ nàng trả nhời”… khiến chủ và khách cười nghiêng ngả.Nói về hát Xoan, ông hồ hởi: “Trên thế giới không nước nào có ngày Giỗ Tổ và biểu hiện nghệ thuật của nghi thức giỗ Tổ là hát Xoan. Nghệ thuật bắt nguồn từ mảnh đất kinh đô đầu tiên của dân tộc nên rất có giá trị. Có hai phần chính trong hát Xoan, là lễ và hội. Phần lễ (nghiêm trang, thành kính) cầu chúc cho các Vua Hùng về phù hộ cho làng chạ; sau lễ là hội (với những trò vui chơi, giải trí) trong đó có Xoan: ca hát và múa. Hát Xoan cũng là dân ca duy nhất có múa”.

Chia sẻ về việc nhiều người không hiểu hát Xoan, ông cho hay: “Phải nâng phần hát giao duyên lên nhiều hơn là thể hiện phần lễ. Lập hồ sơ và trình diễn thì diễn phần lễ, nhưng để hát Xoan đến được với lòng người thì nên chú ý phần hội. Cứ nghe những câu hát “Phải đôi phải lứa thì xe/ Đúm tìm cho thấy áo the đúm vào” (Hát Đúm) hay “Nhỡ mai bên Tấn bên Tần/ Bây giờ bưng trống mới gần được nhau” (hát trống quân Đức Bác)… thì sao không mê được?”. “Không chỉ người già mà người trẻ cũng sẽ yêu hát Xoan nếu những bài ca như thế được phổ biến nhiều hơn”- ông tin tưởng.

Chia tay ông, chia tay Đất Tổ giữa những ngày tháng Ba Giỗ Tổ, chúng tôi cũng có một niềm tin như thế. Và trong tâm thức cũng tin rằng, mấy ngàn năm trước, nơi địa linh ấy đã sinh ra điệu hát độc nhất vô nhị này, đã nuôi dưỡng được những con người như Nguyễn Khắc Xương, thì không lẽ gì, không làm sống lại được khúc hát Xoan- khúc hát mùa xuân.

Bài&ảnh: Hà An

http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Chan-Dung-Nghe-Sy/Gap-Truong-Nam-Cua-Thi-Si-Tan-Da.html

Người thừa kế sự nổi tiếng của Tản Đà
Chủ nhật, 22 Tháng bảy 2007, 10:59 GMT+7
Nguoi thua ke su noi tieng cua Tan Da

Tags: Tản Đà, Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Hữu Nhàn, Hà Nội, Ngô Quý Tiếp, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Thị xã Phú Thọ, sự nổi tiếng, người thừa kế, người đàn ông, nhà nghiên cứu, nhà thơ, văn hóa, không thể, người ta, mình

Chuyến công vụ cách đây hơn hai mươi năm, buổi sáng mưa thu, khi ngang qua thị xã Phú Thọ 100 tuổi, thì sếp Nguyễn Hữu Nhàn sau khi khụt khịt ngoáy mũi hất hàm hỏi tôi : - Này, mày có thích vào nhà ông Nguyễn Khắc Thịt không? Con trưởng cụ Tản Đà.

Nguoi thua ke su noi tieng cua Tan Da
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương và vợ

Nửa thế kỷ phục hồi di sản của cha

Tôi thắc mắc về cái tên nồng mùi thực phẩm ấy thì Nguyễn Hữu Nhàn tưng tửng, rằng đó chỉ là tếu danh của trưởng nam Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tên là Nguyễn Khắc Xương, người được thừa kế sự nổi tiếng của bố, nhưng vẫn tạo lập được danh tiếng riêng bằng thực tài ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian.

Ngôi nhà tranh thẫm mưa, vách trát vữa vôi lên khung tre ken nứa, chìm lỉm giữa màu xanh cây vườn vươn cao. Bao nhiêu là hoa nhài, hoa huệ, hoa sói, hoa ngâu mọc xen kẽ đâu đó nơi gốc cây ăn trái lưu niên nơi góc tường nhà bể nước.

Và khá nhiều cây cà phê chè quả sai như chuỗi hạt. Ngôi nhà nép bên rìa sân bay quân sự cũ người Pháp đã làm trong chiến tranh Đông Dương, tuy ở vị trí trũng thấp nhưng trước nhà là hun hút đường băng hoang phế phơ phơ cỏ may dưới mưa xiên.

- Ông Xương, ông Xương có nhà thì liệu mà ra đón khách văn đến vật nhà ông đây này...- Nguyễn Hữu Nhàn gọi.

Có tiếng radio. Có tiếng người ho khan. Tiếng bước chân thình thịch. Một người đàn ông đẹp, mà cái đẹp trời cho ông được đẹp bất kỳ ở độ tuổi nào. Nhưng là một cái đẹp bị bủa vây vô hình, giới hạn nào đó tôi không thể gọi ra được. Người đàn ông sơ mi trắng cổ lộn, quần nâu thắt dải rút cúi xuống thật thấp, hài hước.

- Xin được chào các văn nhân…

Nhanh, hoạt và cởi mở nhưng Nguyễn Khắc Xương vẫn cứ khiến cho tôi một cảm giác là một ông giáo cấp III bất đắc chí hay một trưởng phòng văn hóa thị xã về hưu sớm. Và tôi bỗng áy náy về khoảng lặng trống vắng, xa cách bên trong con người ông với sự định khuôn của tinh thần. Thì ra hậu sinh của Tản Đà là thế này đây.

Nguyễn Khắc Xương sốt sắng dọn xấp bản thảo đang ở công đoạn sửa lỗi trước khi in. Bản thảo về Tản Đà trên mặt bàn giữa nhà, chiếc kính lúp chèn ngang.

- Các ông dùng cà phê nhé? Trà nhé? Nhà có bánh gai, và cả bánh tai bà nhà tôi trước khi xuôi Hà Nội thăm cháu đã kịp mua về.

Bánh tai, bánh gai, càphê rồi cả chè tất cả đều được chúng tôi chiếu cố. Hai người lớn chuyện vãn. Tôi nhìn lên bàn bát hương lưa thưa chân nhang, nhích cao phía trên bức chân dung Tản Đà vẽ chì than ngả màu. Thấp hơn một chút, tấm ảnh Nguyễn Tất Hiển liệt sĩ chống Mỹ cháu trai đích tôn của Tản Đà. Bỗng Nguyễn Khắc Xương kéo tôi ra khỏi những suy tư vẩn vơ.

Nguoi thua ke su noi tieng cua Tan Da
Nhà thơ Tản Đà thời trẻ
- Thế cái ông trẻ trẻ này làm gì mà xanh mướt thế này?

Nguyễn Khắc Xương quan sát tôi hồi lâu, hỏi tuổi rồi phán xanh rờn như một nhà chiêm tinh bói toán có hạng.

- Dung khí thoạt thì tươi lâu thì trầm. Sau cũng nổi cơ đồ nhưng kiến tạo việc lớn không bao giờ một lần mà được. Giỏi kết giao. Được người hơn tuổi quí mến. Chơi cả với người chỉ rình đập vào đầu mình.

Thân tự lập thân. Càng ở xa quê xa bố mẹ anh em ruột thịt thì càng tốt. Ngoài ba mươi tuổi mới ổn định… Ông làm rể tôi thì tốt cho cả ông lẫn con gái tôi. Nhưng còn cái duyên cái phận ghê gớm lắm…

Là con của nhà thơ nổi tiếng Tản Đà được dư dả sung sướng về tinh thần là đương nhiên. Nhưng với áo cơm thì sáng cao lâu tửu quán tối đã nhịn meo nằm khan. Có những lần hết tiền Tản Đà bảo vợ con đi giật nóng, ra phố gặp bạn quen rủ đi chơi, Tản Đà đi liền 3 tháng mới về nhà.

Cậu bé Nguyễn Khắc Xương không ít lần trắng đêm ngồi trông em cho mẹ chịu tiền xích lô đi đón bố say rượu còng keo ở đâu đó. Lên 9 tuổi Nguyễn Khắc Xương về ở với ông bác Nguyễn Mạnh Bổng, Tản Đà lúc đó đã lỡ vận phải mở cửa hàng xem tử vi, mở lớp Hán văn diễn giảng, Quốc văn hàm thụ.

Những phương thức mưu sinh này đều được Tản Đà cho quảng cáo trên báo Ngày nay của Tự Lực Văn đoàn. Năm 1939, Nguyễn Khắc Xương 17 tuổi, Tản Đà mất đêm ngày 7/6 (ngày 20/4 Kỷ Mão) tại nơi thuê trọ 71 đường Cầu Mới, Ngã Tư Sở. Nguyễn Khắc Xương đã nằm bên cái xác lạnh cứng của Tản Đà. Lúc đó trong nhà còn không đầy 2 kilôgam gạo, mươi đồng bạc lẻ.

Cho đến bây giờ, cả một đời đã gần xong Nguyễn Khắc Xương 85 tuổi và Nguyễn Khắc Xương thuở 17 vẫn hằn nguyên cái cảm giác xác người cha nguội dần, nguội dần và cóng lạnh.

Ông không thể rời xa cha, mà có muốn rời cũng không thể vì không có chỗ nào khác. Bởi vì gian buồng trong chật hẹp cũng chỉ một chiếc giường thì mẹ và 3 em nhỏ đã nằm.

Chiến cuộc đẩy đưa Nguyễn Khắc Xương về Phú Thọ. Với ý thức tự thân và sự tác động qua lại của những người bạn vong niên của cha, Nguyễn Khắc Xương đã tính đến công trình tập hợp biên tập lại toàn bộ tác phẩm và di cảo Tản Đà.

Những năm 1956 - 1958 Nguyễn Khắc Xương về Hà Nội thăm họ hàng, có dịp tìm đến cụ Ngô Quý Tiếp một thời là thư ký tòa soạn An Nam tạp chí của Tản Đà. Người thư ký năm xưa lộn lạo thư phòng bụi bặm đưa cho Nguyễn Khắc Xương hai tập vở viết tay của Tản Đà.

Trong đó Tản Đà ghi rõ đây là những bài viết do ông mới học quốc ngữ mà viết nên. Quả nhiên Nguyễn Khắc Xương run run lần đọc thì thấy quá nhiều lỗi chính tả trong mỗi trang dòng. Nhìn Nguyễn Khắc Xương, cụ Ngô Quý Tiếp trầm giọng:

Nguyễn Khắc Xương sinh năm 1922 tại Hà Nội, trưởng nam của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nguyên quán Khê Thượng - Ba Vì - Hà Tây. Tú tài toàn phần.

Từng phụ trách bộ phận Văn nghệ của Đoàn Tuyên truyền xung phong do Nguyễn Hữu Đang tổ chức, cán bộ Công an tại Hải Phòng, cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú (Phú Thọ), Trưởng phòng Thư viện, Trưởng phòng Bảo tàng… Sáng lập viên Hội VNDG Vĩnh Phú.

Tác phẩm chính: Tuyển tập Tản Đà, Ông thần ngông, Tản Đà thơ và đời, Tản Đà, một đời văn, Tản Đà trong lòng thời đại, Truyền thuyết Hùng Vương, Nữ tướng thời Trưng Vương… và một số công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian miền đất Tổ.
- Là trưởng nam của Tiên sinh, thừa kế sự nổi tiếng của Tiên sinh thì anh phải có trách nhiệm làm cho những thứ này- cụ Tiếp chỉ vào hai tập vở ố vàng - là thứ cảo thơm này sáng trong trở lại…

Sở dĩ Ngô Quý Tiếp nói vậy, vì thời kỳ này có một số ý kiến về thơ văn Tản Đà là thứ phù phiếm hão huyền , ngông ngạo, kêu gọi sự hồi cố hưởng lạc kiểu phong kiến.

Về nhân cách thì nhận sự bố thí của Bảo Đại, khen Tây. Nhưng may mắn, giữa lúc lình sình thì có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ Nguyễn Khắc Xương nghiên cứu phục hồi những đóng góp có giá trị của Tản Đà cho văn học Việt.

Hơn ai hết Nguyễn Công Hoan là người sốt sắng thúc Nguyễn Khắc Xương bắt tay ngay vào việc. Cuộc gặp ở tư gia Nguyễn Công Hoan có Nguyễn Tuân, Tú Mỡ. Rượu mơ Hương Tích, cốm vòng, chuối tiêu, lạc rang cả vỏ, làm nhịp cho câu chuyện.

Nguyễn Tuân nâng chén rượu lão mơ xoay xoay tóp mũi hít hương rượu bàn.

- Chính nhà thơ phải lên tiếng bênh vực nhà thơ trước tiên. Đó là cách đẹp nhất làm trong sạch và trả lại tiếng thơm cho Tản Đà và cho các nhà mang danh nhà thơ Việt Nam.

Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ cười khẩy nhay nhay cặp kính thuốc nơi sống mũi.

- Một người yêu tiếng Việt, khai sáng ra thơ tiếng Việt hiện đại coi cả đời là một cuộc chơi rong, coi danh tiếng tiền nghìn bạc vạn như gió thoảng. Một người như thế mà dám bảo người ta nịnh Tây ư ?...

Nguyễn Khắc Xương tìm đến Xuân Diệu. Nhà thơ vung cả hai tay chém chém vào khoảng không trước mặt.

- Người ta nghiên cứu Tản Đà chỉ bằng trí tuệ, nhưng mình với Xương nghiên cứu Tản Đà thì bằng cả tâm hồn và trí tuệ...

Dường như linh hồn Tản Đà và tâm tình tri ngộ của bạn bè ông giờ cũng là người thế giới vô ảnh đã truyền cho Nguyễn Khắc Xương một sức bền, một nhẫn chịu và nhiều khước từ công danh làm trọn vai trò người thừa kế di sản là sự nổi tiếng.

Gần nửa thế kỷ, Nguyễn Khắc Xương đã hoàn thành được tâm nguyện của mình, và của những đấng bậc sang trọng trong văn nghệ nước nhà về việc phục hồi tái bản toàn bộ tác phẩm Tản Đà gồm 5 tập gần 3.000 trang. Trả lại vị trí xứng đáng của Tản Đà cho văn học sử...

Tự nhận mình chỉ là ánh sáng que diêm

Bây giờ Nguyễn Khắc Xương đã 85 tuổi, tôi chỉ cần bấm phím điện thoại. Chuông đổ hồi. Roạch.

- A lô, kính chào nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, trưởng nam của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu kiêm nhà Tản Đà học ạ.

- A, lại ông hả, quí hóa quá, đặt bài hay trả nhuận bút cho tôi đấy?

Lập tức phía bên kia vui vẻ ngay. Nhưng nếu tôi mà không gọi đủ ba cái chức danh nổi tiếng kia thì thái độ người nghe sẽ nhạt như nước mía non.

Tôi tiếp tục ỡm ờ:

- Dạ thưa hôm nay thì có cả hai ạ. Vừa trả nhuận bút vừa kính mời đặt nhà Tản Đà học số nhất Việt Nam một bài cho số Tết ạ.

- Bao nhiêu chữ và trả bao nhiêu tiền…

Tôi kính cẩn bẩm báo. Không đầy một giây Nguyễn Khắc Xương OK ngay. Nhưng còn một điều tôi không được quên là phải nói ngày giờ lấy bài, ngày giờ gửi tiền và yêu cầu ông phải ghi lại vào lịch bàn.

Đúng hẹn, trước 10 phút tôi đã có mặt trước cửa nhà ông mà đứng. Dẫu ông có nhìn thấy tha thiết mời vào nhà thì tôi cũng nhất quyết đây đẩy từ chối. Phải đúng giờ hẹn không thừa không thiếu một phút thì tôi mới bước vào nhà.

Lúc này thì lại không thể gọi là nhà nghiên cứu hay nhà Tản Đà học được nữa mà là phải đổi ngay cách xưng hô sao cho trẻ trung rôm rả.

- Em chào anh, hôm nay thần sắc anh trông thật tươi nhuận. Bộ pijama này màu sắc trông sang trọng quá…

Nguyễn Khắc Xương hối hả quay vào nhà gọi ời ời bà vợ đã hơi nghễnh ngãng ra đón khách cùng chồng bằng được. Người đàn bà phúc hậu, tóc cước kẹp ngang lưng kiểu những năm 50 thế kỷ trước, khẽ khàng bước ra mỉm cười. Nguyễn Khắc Xương liền ôm lấy vai bà thơm chụt một cái lên gò má nhăn nheo nhưng vẫn kịp ửng lên màu hồng. Tôi cúi mình thi lễ nghiêm cẩn.

- Ông xem chúng tôi có đẹp đôi không? - Nguyễn Khắc Xương hỏi vậy nhưng lại ngướn cổ lên hất hàm - Này, ông có mang xìn đến cho tôi không đới?

Nắn nắn chiếc phong bì, giơ lên cao nhưng Nguyễn Khắc Xương nhất quyết không mở ra ngay mà lẹp xẹp lê dép vào buồng văn. Trên quãng đường không đầy 6 mét ông đã kịp hé miệng phong bì, đã kịp đếm tiền.

Tiếng tủ kẹt mở nhanh, khép nhanh. Nhưng có điều là tiền đưa đủ hay đưa thiếu thì ông cũng không để ý. Đếm chỉ để mà đếm như kiểu thấy tiền vào túi thì đếm chơi. Từ trong buồng ông vọng ra:

- Thế ông sẵn chứng từ để tôi ký cốp chứ nhỉ.

Tôi không thể gặp Tản Đà, nhưng qua Nguyễn Khắc Xương người con trưởng của thi nhân thì cũng hình dung được một phần con người Nguyễn Khắc Hiếu hàng ngày thế nào.

Đểnh đoảng, riết róng, nhưng thoải mái, luôn luôn đưa ra những yêu cầu này nọ, nhưng chỉ cần có vậy, chỉ cần người ta đồng ý miệng với mình là không đòi hỏi gì thêm, hay kiểm tra lại những yêu cầu của mình xem người ta đã thực hiện hay chưa.

Nhận được bản thảo đúng thời gian của Nguyễn Khắc Xương không có nghĩa là tôi nhận được những thứ mình cần. Tôi cần phải đọc lại ngay, nếu có gì không ổn thì còn phải điều chỉnh.

Nếu như điều chỉnh sau thì sẽ bị Nguyễn Khắc Xương dọa kiện. Nhưng may là ông chưa bao giờ thực sự kiện vì lý do bài vở bị cắt cúp theo yêu cầu thực tế. Nhưng muốn đọc ngay tại chỗ thì tôi cũng không được suồng sã đọc mà không xin phép một cách đặc biệt.

- Liếc qua vài chữ đã biết là chất lượng bài viết cao ngất ngưởng. Nhưng để lâu mà không thưởng lãm áng văn chương lồng lộng này thì khó chịu lắm thay. Em xin phép anh ạ.

Nguyễn Khắc Xương liếm môi cười.

- Hừ ông nói hay như tướng tuồng rạp Quảng Lạc, rạp Thắng Ý…

Chẳng lẽ ông đã thấu tâm can tôi, hay là ông chỉ nhắc đến hay cái tên rạp hát ngày xưa đã dựng diễn tuồng của Tản Đà soạn vở. Nhưng vẫn còn cách để có bài viết về Tản Đà không phải dùng đến tiền tươi mà vẫn hiệu quả.

Tất nhiên là phải mẹo mực với một nửa sự thật. Một là phải nhờ người gọi điện kiểm tra xem Nguyễn Khắc Xương chắc chắn ở nhà. Người cần đặt bài phóng xe xông đến với điệu bộ vội vã gấp gáp, gõ cửa dồn dập. Nguyễn Khắc Xương ra mở cửa thì phải nói liến thoắng…

- Gay quá, có mấy ông giáo sư tiến sỹ Viện X ở dưới Hà Nội đột ngột ghé qua. Họ nói rằng muốn tới chào anh một tiếng nhưng không kịp vì bên tỉnh mời cơm thân mật. Chối không được, họ bèn nhờ tỉnh, tỉnh lại lệnh cho em đến anh xin một bài viết cho tạp chí Y.

Em cũng định nhắc đến nhuận bút cho anh, nhưng ngặt nỗi đang ở chỗ long trọng mũ cao áo dài nên không thể há miệng ra được. Nhuận bút trả sau nhưng sẽ khá cao… Anh xem thế nào, nếu không ổn để em báo cáo tỉnh…

Người nói câu ấy làm điệu bộ sẽ quành xe máy đi ngay, vê vê côn nháy nháy ga làm tàng. Chần chừ. Nguyễn Khắc Xương cũng chần chừ. Nhưng không qua nửa phút. Vỗ trán đánh tẹt, ông lão kiên quyết đi vào nhà.

- Được, để tôi cho ông cái này bốn trang thôi.

Và cách cuối cùng thì gọi là khổ nhục kế. Người đặt bài ủ rũ ngồi trước cửa nhà, đợi Nguyễn Khắc Xương ra mở cửa thì cầu khẩn.

- Báo cáo anh, chuyến này anh mà không cứu em thì em sẽ bị đuổi việc.

- Vì sao họ đuổi ông. Ông năng lực năng nổ đến thế kia mà…

Liếc quanh, thì thào vẻ xấu hổ.

- Chẳng giấu gì anh, em mới có một đám sắc nước hương trời không chịu được, nên đã quên mất là phải đặt bài anh. Em và người đẹp vừa mới đi biển về đến đây thì nhận được mật báo tình hình. Anh phải cứu em phen này…

Đang ngáp vắn dài Nguyễn Khắc Xương thủng câu chuyện liền tỏ vẻ lo lắng như chính việc của mình. Lom khom, ông cúi xuống.

- Nghiêm trọng đến thế kia à. Ừ, cái vụ này không đùa được. Được, tớ sẽ giải thoát cho cậu tai nạn này. Người ta mà mang nguyên tắc hành chính ra là ông no đòn rồi. Ngày xưa tôi cũng tam phen tứ phen mắc tội khi cơ quan. May mà lãnh đạo ngành ta bao giờ cũng biết dùng những người luôn biết làm việc hiệu quả...

Những ngày đầu ngành Văn hóa Phú Thọ đã có những người lãnh đạo thực sự có tầm nhìn chiến lược như ông Trần Văn Liu, Bút Tre Đặng Văn Đăng. Họ để Nguyễn Khắc Xương tự do lập kế hoạch, tự sưu tầm điền dã khắp các vùng miền trong tỉnh, không vướng vào ba cái chuyện hành chính.

Không ít lần Văn phòng Ty Văn hóa Phú Thọ cứ phải bố trí phòng khách tiếp đón những cô giáo, kỹ sư nông nghiệp, lâm nghiệp tự nhận là có quan hệ với con trai trưởng nhà thơ Tản Đà và đang bị hậu quả nghiêm trọng. Người ta cho gọi Nguyễn Khắc Xương đến đối chất.

Nhiều cô vừa nhìn thấy Nguyễn Khắc Xương đã ôm chầm lấy mà khóc nức nở. Nhưng thực ra chỉ vì Nguyễn Khắc Xương quá đẹp trai, quá hào hoa, chỉ vì các cô quá mê thơ Tản Đà...

Nhiều dịp hầu trà Nguyễn Khắc Xương, và tôi thường phải nghe câu chuyện hay được ông hồi cố nhất, đó chính là cái tai nạn đầu tiên đời công chức.

- Kể từ lần 1952 mình hỏi cung nghi can điệp báo của Pháp. Một cô gái tư sản, học thức, sành piano, mê văn chương, thuộc Tản Đà lẫn Xuân Diệu, Huy Cận. Đáng lẽ căn vặn truy tìm chứng cứ phạm tội thì mình lại quay sang đàm đạo thơ văn Tản Đà với cô ta.

Một mỹ nhân mà lại bị hệ tư tưởng làm hố sâu ngăn cách. Mình bị kiểm điểm là đáng thôi, nhưng từ đó buộc phải dằn lòng, phải vật lộn với chính mình mà gìn giữ để có được sự trung thành và chung thủy. Nhưng đôi lúc cuộc đời suýt đẩy mình trượt ngã, thì mình lại nhớ lại chuyện hỏi cung nọ. Thế là tỉnh táo.

Và, lạ lùng. Không, không nên cho là lạ lùng mới phải. Tôi đã thấy Nguyễn Khắc Xương ở tuổi 60, tuổi 70, tuổi 80. Dù ở tuổi nào Nguyễn Khắc Xương vẫn là người đàn ông đẹp. Trong bất kỳ hội nghị hay đám đông, vây quanh người đàn ông tóc cước vẫn là những chị những em nhan sắc. Hai bên tự dưng cứ bị hút lại gần nhau. Chẳng biết họ nói với nhau chuyện gì, nhưng thi thoảng lại cứ toá lên cười vui. Tỏ ý thán phục thì ông cười buồn.

- Tôi bây giờ thì nước non gì. Chỉ kéo pháo vào lại kéo pháo ra… Số tôi nó thế, cũng là ánh sáng nhưng chỉ là ánh sáng của que diêm chứ không phải hoả diệm sơn như ông cụ tôi. Ông cụ dám cuốc nền phòng khách gạch men nhập khẩu từ Pháp nhà người trồng rau thơm.

Tôi chỉ dám cuốc đất vườn nhà trồng sắn khoai. Ông cụ bỏ nhà đi hoang còn có người biếu tiền rượu, tiền hát cô đầu. Tôi bỏ nhà ba ngày thì vợ tôi ốm, con tôi đói, cơ quan đuổi việc. Cả một thời dài những kiểu đàn ông như tôi luôn bị thê tróc tử phọc (vợ trói con buộc) lại còn gạo tem củi phiếu thì làm được từng ấy đã là may...

Mới đây tôi mang ít nhuận bút còm của cơ quan trả ông. Vẫn hài hước. Vẫn bắt tôi gọi bằng anh. Vẫn xa vắng và khuôn định như thuở nào tôi gặp. Vẫn chè sen. Bánh gai. Bánh tai Phú Thọ gửi xuống.

Vẫn chuyện thế kỷ trước, không buồn phiền mà cũng không dửng dưng. Đều đều thấm ngấm vào đâu đó. Hôm đó tôi bỗng bạo dạn hỏi ông, rằng làm con của người nổi tiếng thì thế nào. Lặng đi, ông vuốt mái tóc bất chợt xõa trước mặt.

- Cũng tự hào. Đáng tự hào. Nhưng không nên dựa vào danh tiếng cũ để ăn theo. Có thể vẫn làm mọi cách để làm sáng hơn nữa, vang hơn nữa danh tiếng có sẵn đó, nhưng mình phải đứng ngoài danh tiếng đó. Tốt nhất là tìm kiếm được một danh tiếng độc lập. Lớn, bé thì cũng là của mình...

7/2007

Nguyễn Tham Thiện Kế
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)
http://vietbao.vn/Van-hoa/Nguoi-thua-ke-su-noi-tieng-cua-Tan-Da/70092045/181/


No comments:

Post a Comment