Pages

Wednesday, August 25, 2010

RFA * TRUNG QUỐC & VIỆT NAM

Không thể thấy rõ, thấy hết… Trung Quốc ngay từ đầu
2010-08-25

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất dành riêng cho RFA của ông Dương Danh Dy, một chuyên gia về Trung Quốc, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Kinh. Mời quý vị theo dõi.

RFA PHOTO.

Từ trái sang: Cựu Tổng thống Bill Clinton, Đại sứ Việt Nam Lê Công Phụng và Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell tại lễ Kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam hôm 14/07/2010 ở Washinhton DC.

Nhận thức một đất nước là một quá trình

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 năm bình thường quan hệ Việt-Mỹ, đầu tháng 7 năm 2010 vừa qua, nhiều cuộc hội thảo khoa học, trao đổi ý kiến… giữa một số chính khách, cựu chính khách, học giả, sinh viên… hai nước Việt, Mỹ đã được tiến hành tại Hà Nội (có cuộc đông tới hơn 150 người).

Tôi là người may mắn được tham dự 3 cuộc và đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc trực tiếp với năm ba, học giả, người phụ trách một lĩnh vực nào đó của phía Mỹ nhưng là người Mỹ gốc Việt liên tiếp trong một số ngày. Các anh, các cháu ấy đều nói thành thạo tiếng Việt, với tôi điều này quả thật là một hạnh phúc. Trong câu chuyện riêng tư, một anh (tôi xin phép không nêu tên) đã hỏi tôi: bác nhận ra bộ mặt “bá quyền bành trướng” của những nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lúc nào?

Tôi đã không ngần ngại nói với anh mấy điều dưới đây:

Nhận thức rõ một vấn đề, một đất nước… là một quá trình, nhưng đối với mỗi người tùy theo trình độ, hoàn cảnh ... mà có thể dài ngắn khác nhau. Đối với tôi, nhận thức Trung Quốc là một quá trình khá dài, từ tin tưởng đến chỗ từng bước từng bước thấy được một phần rồi phần lớn sự thực, và đến bây giờ vẫn chưa chưa dám nói là đã hiểu hết .

Đầu năm 1954, sau thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi được trang bị quân phục mới do nước bạn Trung Quốc cung cấp. Chúng tôi đều thích những chiếc ba lô gọn nhẹ, những đôi giày vải còn thơm mùi cao su, nhưng gây ấn tượng với tôi là chiếc bi đông nhôm đựng nước.

Trên đường hành quân trước đây, ngoài vũ khí, balô quần áo và chiếc ruột tượng đựng gạo ra, hai vật bất ly thân thời đó của chúng tôi là chiếc xẻng (để đào công sự bảo vệ mình và vũ khí) và một đoạn ống vầu vừa cồng kềnh vừa nặng dùng để đựng nước uống khi hành quân và chiến đấu (khi nào hỏng thì tạt vào rừng chặt một ống mới thay thế), nên khi nhận chiếc bi đông mới, việc đầu tiên của tôi là cắt chiếc áo len dệt mà mẹ đã gửi từ vùng địch hậu ra cho, chia làm mấy phần cho mấy anh em cùng tiểu đội để bọc chiếc bi đông đó (một sự lãng phí ghê gớm và đánh mất một kỷ niệm quí báu của người thân, nhưng tuổi trẻ là thế đó).

Sau khi có trang bị mới, chúng tôi được Bác Hồ và Bác Mao (lúc đó hầu như mọi người ở vùng giải phóng đều gọi như vậy) khao quân. Bữa tiệc khao quân, ngoài các món ăn Việt Nam có thêm món thịt lợn hộp Trung Quốc và thuốc lá Trung Quốc là quà của Bác Mao. Sau những ngày rít thuốc lào, ấn tượng về hai điếu thuốc lá thơm này mạnh đến mức tôi đã nhớ nhãn hiệu của nó (dù lúc đó chưa biết chữ Hán) để sau này khi sang Trung Quốc mới biết đó là thuốc lá Hằng Đại do Thượng Hải sản xuất.

Cảm giác thân thiện với nước Trung Hoa mới đến với tôi như vậy đấy. Rồi thắng lợi tại hội nghị Geneve, ta có một nửa nước. Tôi theo sư đoàn về tiếp quản thị xã Bắc Ninh. Câu thơ “Xưa là rừng núi là đêm, Giờ thêm sông biển lại thêm ban ngày” của Tố Hữu đã nói đúng tâm trạng, ít nhất là của những người lính chúng tôi trên đường ra trận chỉ đánh bạn với đêm đen, nay thoải mái, đàng hoàng đi giữa ban ngày mà không sợ máy bay địch oanh tạc.

Việt Nam - món hàng có giá của Trung Quốc

“Nước bạn Trung Quốc đã giúp ta rất lớn trong thắng lợi này …”, cấp trên phổ biến cho chúng tôi. Sao lại không tin chứ? Thế nhưng nếu lúc đó biết được rằng, như sau này tôi ngộ ra: bắt đầu tại hội nghị ấy, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thấy Việt Nam là một “món hàng có giá” có thể dùng để trao đổi, mua bán với mấy nước lớn khác nhằm phục vụ lợi ích chủ yếu của họ thì sự thể sau này sẽ khác đi rất nhiều. Nhưng tiếc rằng ngoài Hồ Chí Minh ra, hình như ít người thấy được sự lợi dụng tinh tế đó.

NixonChuAnLai2-250.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh hôm 25-2-1972. Photo courtesy National Archives & Records Administration

Năm 1957, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Có một hành động - không biết là thực lòng hay thủ đoạn tinh vi, vị thủ tướng nổi tiếng khôn ngoan mềm mỏng này đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng. Hành động này được đông đảo dân miền Bắc Việt Nam, kế cả người ở vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và vùng đồng bằng Bắc Bộ cho là Trung Hoa cộng sản đối với ta có khác Tầu Tưởng và phong kiến Trung Quốc!

Năm 1958, tôi chuyển ngành sau khi thi đỗ vào Khoa Hóa khóa 3 Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Trung Quốc đang thực hiện phong trào “Nhảy vọt lớn”, chúng tôi háo hức theo rõi tình hình, rục rịch làm theo. May mắn là dưới sự lãnh đạo của thầy Tạ Quang Bửu và sau đó là thầy Hoàng Xuân Tùy, ĐH BK Hà nội không luyện thép bằng lò cao thủ công v.v. nhưng tôi còn nhớ, Đại học Nông nghiệp ở mạn Văn Điển lúc đó mấy đêm liền đèn điện sáng một góc trời để đón khách tham quan xem thành quả cấy dầy “em bé có thể đứng trên ngọn lúa" mà không tụt ngã. Ôi cái thời ấu trĩ!

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư máy móc Hóa Chất khóa đầu tiên của ĐHBK Hà nội năm 1962, tôi được phân công về làm việc tại một đơn vị thuộc Bộ Ngoại thương và tháng 8 năm 1966 được cử sang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. Không biết có phải là cái duyên, cái nghiệp hay không mà ngày tôi tới Bắc Kinh cũng là ngày các tiểu tướng Hồng Vệ Binh công khai xuất hiện trên đường phố, dùng dao rạch quần ống loe, chặt nát giầy mõm nhái, bắt thay đèn đỏ, tín hiệu dừng xe vì cho rằng màu đỏ là màu cách mạng chỉ tiến không dừng v.v.

Tôi gắng sức tự học để nâng nhanh trình độ Trung Văn, bắt đầu đọc được báo chữ lớn và nghe hiểu tin trên VTTH. Tôi lần lượt được thấy cảnh ông Bành Chân bị các “tiểu tướng” bóp lè lưỡi, cảnh tướng Lã Chính Thao, Bộ trưởng Bộ Đường sắt, đầu đội mũ bằng giấy cao hơn 1m, không khăn quàng cổ bị “võ đấu” trong một tối mùa đông giá lạnh…, rồi các bài báo chính thống phê phán nặng nề Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Trú, Hạ Long, Bành Đức Hoài.. và một số văn nghệ sĩ, trí thức… nổi tiếng là những “tên phản bội , đầu hàng, quân phiệt, công đoàn vàng, cơ hội hữu khuynh, chống phá tư tưởng Mao Trạch Đông…” những người trong một thời gian dài đã là “bạn chiến đấu thân cận” của “người cấm lái, người thày… vĩ đại”.

Một câu hỏi không thể không đặt ra: đồng chí ra sống vào chết với nhau mà họ còn đối xử tàn tệ như vậy, thì ta là cái thá gì? Lần đầu tiên tôi ngầm tự đặt cho mình câu hỏi đó và bước đầu tìm được câu trả lời.

Song song với những sự việc trên là một số thái độ “nước lớn, trịch thượng” với đủ thủ đoạn mánh khóe lúc trắng trợn lúc xảo quyệt đã được tung ra khi chúng ta làm khác họ, không theo họ.

Không kể những bất đồng xảy ra giữa hai bên trước đó mà tôi được các bậc cha chú tin cậy nói cho biết, nhưng vì chưa thấy tận mắt nên chưa ăn sâu vào dạ. Phải đến năm 1967 khi chúng ta chuẩn bị tiến hành đàm phán với Mỹ tại Paris về vấn đề Việt Nam tôi mới có dịp trông thấy nhãn tiền. Lúc này đàm phán cấp đại sứ Trung Mỹ đang bị gián đoạn.

Lo ngại Việt Nam trực tiếp tiếp xúc với Mỹ sẽ khiến giá trị của Trung Quốc đối với Mỹ kém đi, trong nội bộ họ vừa phê phán chúng ta là không dám kiên trì chiến đấu, vừa tìm cách trì hoãn đón đoàn cấp cao của ta sang xin viện trợ. Khi đoàn chuyên viên của ta trình bày khó khăn và đề xuất con số cụ thể về viện trợ lương thực, một Vụ phó Trung Quốc đã nói: thời kỳ Trường Chinh, Hồng quân của chúng tôi phải ăn cả cỏ để chống đói và luộc thắt lưng da để ăn cho có chất béo!

Những người Việt Nam có mặt hôm đó không thể nào quên câu nói “đắng họng” này. (Với kỷ luật rất nghiêm của chúng tôi thời đó, câu chuyện này rất ít người biết.) Ấy thế mà sau khi chắp nối được với Mỹ họ lại “khảng khái, vô tư” viện trợ cho Việt Nam và còn bảo: nên lấy một ít miến, táo, mì chính… về cho đồng bào thủ đô Hà Nội ăn tết! Rồi còn nhiều cái hớ (hớ chứ không phải là hứa như phóng viên Mặc Lâm đài RFA đã ghi nhầm khi phỏng vấn tôi) mà chỉ sau một thời gian mới thấy.

Ôi, trong cái cảnh còn phải nhờ vả người ta, cứ ấm ức rồi lại cám ơn, cảnh giác rồi lại tin cậy … như một mớ bùng nhùng, gỡ mãi mới tìm ra đầu mối (nhưng đến tận bây giờ vẫn còn một số ít người chưa thấy đấy). Chỉ nhờ vào thực tiễn và những bài học cay đắng, cộng với nỗ lực tìm hiểu phân tích…, chúng tôi mới dần dần hiểu ra. Sự tỉnh ngộ dù chỉ là ban đầu đã mất nhiều thời gian công sức và trả giá như vậy đó, bạn ơi! (Tôi không muốn nói đến bao nhiêu cuộc họp hành nội bộ, đấu tranh gay gắt với nhau nhằm tìm ra chân lý)

Còn ai bảo tôi ngu, tôi xin nhận và cám ơn. Xin nói không phải là để bào chữa cho sự kém cỏi của mình, ngay đến Khorutsov, nhân vật nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ đã phải cay đắng thốt lên: “chỉ có những thằng ngu mới tin được Trung Quốc” sau khi bị họ lừa một cách vô cùng khôn khéo! Và không ít người Mỹ cũng đã ăn phải quả đắng của Trung Quốc đấy!

Cho nên nói rằng, ngay từ đầu đã hiểu ngay, hiểu sâu, hiểu hết ..Trung Quốc không bị hớ với họ chỉ là thể hiện sự không hiểu gì về Trung Quốc thôi.

Anh bạn mới quen, nhưng có lẽ vì cũng là dân cùng nghiệp nên đã lặng lẽ tỏ vẻ tán đồng.

Tháng tám năm 2010.


Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Can-not-see-china-clearly-at-the-beginning-08252010140725.html


No comments:

Post a Comment