Pages

Wednesday, August 25, 2010

RFA * TƯỚNG LƯU Á CHÂU


Đằng sau bài nói chuyện của ông Lưu Á Châu
2010-08-25

Bài nói chuyện của ông Lưu Á Châu, một sĩ quan cao cấp của QĐND Trung Hoa được dịch và đăng lại trên tuần VietnamNet đã khiến nhiều người tìm đọc vì nội dung được cho là cấp tiến và cái nhìn bao quát về hiện trạng của Hoa Kỳ và Trung Quốc.


AFP photo

Quân đội Giải phóng nhân dân trong lễ diễu hành ở Bắc Kinh hôm 17 tháng 5 năm 2010.



Tuy nhiên, đằng sau bài nói chuyện ấy chứa đựng một nội dung khác, chống Việt Nam và ủng hộ cuồng nhiệt sự đàn áp trong biến cố Thiên An Môn.

Ngay sau khi bài nói chuyện xuất hiện, hàng ngàn người trẻ tuổi viết những comment gửi đi cho bạn bè và mời nhau vào xem bài viết do Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch. Tuy nhiên, nhiều người lại tin rằng đây chỉ là một tác phẩm xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc, mạo nhận một cái tên của một viên chức quốc phòng nhằm kích thích sự trỗi dậy của một nước Trung Hoa có quá nhiều khiếm khuyết.

Lời Tòa Soạn của VietnamNet đi kèm với bài viết xác nhận tác giả không thể là một nhân vật giấu mặt, ông tên là Lưu Á Châu, sinh năm 1952, là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, từng là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Stanford Mỹ. Theo VietnamNet giới thiệu thì đây là phần lược dịch bài nói ngày 11/9/2002 của ông - Trung tướng không quân Lưu Á Châu, lúc đó là Chính ủy bộ đội không quân Quân khu Thành Đô Trung Quốc, trước các cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn trở lên tại căn cứ không quân Côn Minh, Vân Nam.

Khác biệt Mỹ - Trung

Bài nói chuyện phân tích một cách sâu sắc hiện thực văn hóa và cách ứng xử giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà theo tác giả thì Trung Quốc khó lòng theo kịp Mỹ trong đạo đức sống, tinh thần dân chủ hay các chính sách đối với các nước trên thế giới. Ông Lưu dẫn đầu bài nói chuyện với những lời như tâm sự, nhưng thật ra lý luận thật vững chắc cho những quan sát của ông về một nước Mỹ mà ông cho là khác rất xa với Trung Quốc, ông nói:

Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ.

Ô. Lưu Á Châu


"Tôi từng nghiên cứu kỹ sự khác biệt giữa Trung Quốc với Mỹ. Trên mặt công việc quốc tế, về cơ bản Trung Quốc mềm mỏng, còn trên mặt công việc trong nước thì cứng rắn. Nước Mỹ ngược lại, họ rắn trên mặt công việc quốc tế, mềm trên mặt công việc trong nước. Chẳng còn nhớ trong một cuốn sách nào đấy tôi có đề cập vấn đề này, có lẽ là cuốn Đánh giá nguy hiểm tác chiến với Đài Loan, và kết luận: Chuyện này là do sự khác biệt văn hóa quyết định."

Ông Lưu cho rằng sự khác biệt văn hóa lớn lao giữa hai cường quốc là yếu tố dẫn tới sự khác biệt, ông nói:

"Văn hóa Trung Quốc có tính khép kín, kín đáo, hướng nội. Văn hóa Mỹ thì cởi mở, hướng ngoại. Tư tưởng đại nhất thống cũng là tư tưởng kiểu hướng nội. Điều đó giải thích vì sao trước bọn xâm lược nước ngoài thì chúng ta là bầy cừu, trước đồng bào mình thì chúng ta là lang sói. Ngót trăm lính Nhật là đủ để áp giải 50 nghìn tù bình quân Quốc Dân Đảng đến Yến Tử Cơ [một địa danh thuộc tỉnh Giang Tô - ND] xử bắn. Chưa nói đến chống lại, các tù binh này chẳng có cả tới dũng khí bỏ chạy nữa kia."

Ông Lưu còn đi xa hơn khi nhìn thẳng vào sự thật mở mang bờ cõi của hai nước. Ông cho rằng Mỹ đang tạo một thế lực chính trị bằng cách lấy lòng dân nước đó, còn đối với Trung Quốc ông Lưu lo rằng không chóng thì chầy sẽ mất đi tất cả vì thiếu yếu tố lòng dân:

"Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế.

Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược."

Và kết luận của ông Lưu cũng làm nhiều người vỗ tay khi ông nói:

"Sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai họa ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng. "

Ông Lưu tuyên dương nước Mỹ một cách mạnh mẽ và bài nói chuyện có tiếng vang trong lòng nhiều lớp trẻ. Họ tin rằng đây là một ngôi sao mới nổi lên từ phương Đông có thể thay đổi nhận thức của một Trung Hoa già nua và hãnh tiến để các dân tộc cùng xây dựng tương lai một cách bình đẳng.

Thế nhưng một việc đáng buồn xảy ra khi nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đã phát hiện bài nói chuyện không chứa đựng có từng ấy câu chữ. Phần đầu của bài nói chuyện hướng về Việt Nam và biến cố Thiên An Môn không được giới thiệu trên VietnamNet nên độc giả chỉ biết có phân nửa sự thật. Ông Lưu nói về Việt Nam và biến cố Thiên An Môn với cái nhìn khác, cái nhìn của một đảng viên trung thành với chủ tịch Đặng Tiểu Bình và là một chiến sĩ trong đạo quân bành trướng Bắc Kinh.

Cuộc chiến với VN

1979-250.jpg
Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979. Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước (hướng mũi tên đen). Photo courtesy of wikipedia

Ông nói về cuộc chiến tranh 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam với ngôn từ thật khác xa khi nói về nước Mỹ:

"Một lần nữa là cuộc đánh trả tự vệ đối với Việt Nam năm 1979 và sau đó là cuộc chiến đấu tại “Lưỡng Sơn” (tức vùng Pháp Ca Sơn). Đặc biệt là cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979, rất nhiều đồng chí chúng ta không nhận thức được ý nghĩa của cuộc chiến tranh này. Đương thời đã có người nói: chúng ta và người Việt Nam đánh nhau, bây giờ hy sinh là liệt sĩ, tương lai một khi quan hệ hai nước tốt, bọn họ sẽ là cái gì? Tôi nói: “vẫn là liệt sĩ”.

Vì sao vậy? Chúng ta cần xem xét cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của chiến tranh luôn luôn ở ngoài chiến tranh. Cuộc chiến tranh này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để cho hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là bọn Mỹ. Năm 1978 đồng chí Tiểu Bình được phục hồi, tháng 1 năm 79 thăm Mỹ, tháng 2 đánh nhau. Xem xét từ chính trị thấy, trận đánh này không đánh không được.

Vì sao vậy? Sau khi đồng chí Tiểu Bình phục hồi ý tưởng chiến lược cải cách mở cửa Trung Quốc đã hình thành trong tim gan đồng chí, muốn thực hiện ý tưởng chiến lược đó cần phải xây dựng được quyền uy tuyệt đối trong đảng. Phải đánh một trận. Lúc đó “lũ bốn người” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong đảng chống Đặng càng chống đường lối và chính sách của ông hơn. Muốn cải cách cần phải có quyền uy. Biện pháp nhanh nhất để xây dựng quyền uy là đánh nhau….

Sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai họa ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng.

Ô. Lưu Á Châu


Ta cho Việt Nam bài học. Lúc đó Việt Nam chạy theo ai? Chạy theo Liên Xô, lúc đó đồng chí Tiểu Bình phát động cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam là đã vạch ranh giới giữa Trung Quốc với cái gọi là mặt trận xã hội chủ nghĩa Liên Xô… Mười năm trước đồng chí Tiểu Bình đã nhìn rõ điểm này, dùng cuộc chiến tranh đó để vạch rõ ranh giới với anh…"

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy kể lại việc ông cố tìm cho bằng được nguyên bài viết này:

"Đọc bài đăng trên VietnamNet về Lưu Á Châu thì tôi thấy rất kỳ quặc. Làm sao một anh chàng có thể suy nghĩ như thế này? Không giấu gì anh tôi vào Google thì nó ra ngay thôi. Chịu khó đối chiếu một tí thì thấy ngay. Tôi có quen người dịch bài này thì tôi thấy anh ấy cũng tốt, bản lãnh cũng khá nhưng có thể là nhận thức về Trung Quốc của anh ấy chưa tinh. Bởi vì với Trung Quốc tôi xin mạn phép là phải không những “tinh” mà còn “quái” nữa mới thấy ra được. Có mấy anh bạn của tôi gọi điện nhà tôi bảo, gớm, sao mấy anh Trung Quốc họ tự do tư tưởng và tiến bộ thế? Cái động lực nó thúc đẩy tôi là như thế."

Biến cố Thiên An Môn

Tank_Man-250.jpg
"Người biểu tình vô danh" đứng trước đoàn xe tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1976. Photo courtesy of wikipedia

Ông Lưu Á Châu nhìn biến cố Thiên An Môn như một chiến thắng của quân đội Trung Quốc trước những kẻ thù địch, mặc dù ông biết hơn 1.000 nạn nhân chỉ là những sinh viên hiền lành, ông nói:

"Con mắt toàn thế giới tập trung nhìn vào quảng trường Thiên An Môn. Chủ tịch nước Dương Thượng Côn lúc đó nói: “Trên quảng trường Thiên An Môn sáng sớm hôm đó nếu có một Trung đội có vấn đề là nguy vô cùng”. Thế nhưng quân đội của chúng ta là quân đội do đảng lãnh đạo. Không có Trung đội nào có vấn đề cả. Quân đội đã trải qua thử thách. Quân đội đã trả giá nặng nề cho “6-4”… có người Bắc Kinh đã hạ độc thủ để ngăn cản quân đội vào thành, có một Trung đội trưởng bị đánh bị thương rồi bị đem ra thiêu sống, có hai Tiểu đội trưởng sau khi bị thiêu chết rồi còn bị treo lên… Quân đội Trung Quốc đã phát huy tác dụng quan trọng trong sự kiện “6-4”, ổn định giang sơn, đó là một lần cống hiến của quân đội trong thời kỳ mới."

Với tính chất như thế trong bài nói chuyện của một tướng lãnh cao cấp Trung Quốc, ông Dương Danh Dy nhận định yếu tố Trung Quốc dù dưới sự lãnh đạo của ai, có biến đổi cách mấy và được xây dựng trên lý thuyết nào thì cũng đều nguy hiểm, ông nói:

"Tôi nói câu rất ngắn trong lời mở đầu cho dù Trung Quốc có đi con đường của Mỹ, nghĩa là Trung Quốc biến thành một nước như Mỹ thì tôi nói thẳng rằng bá quyền nước lớn của họ còn đáng sợ hơn Mỹ nhiều! Nếu như hai cái anh nước lớn Trung Quốc và Mỹ mà chẳng may mình mạt kiếp mình phải chọn một anh thì nói thật với anh, tôi theo Mỹ chứ tôi không theo Trung Quốc đâu.

Tính chất bá quyền nước lớn của người Trung Quốc vẫn còn hoang dã. Nó phong kiến nó hoang dại khác xa với Mỹ. Mỹ thì ít nhất họ tôn trọng nhân quyền. Những giai đoạn trước thì có phân biệt chủng tộc, phân biệt người giàu người nghèo nhưng bây giờ kinh tế đi lên thì họ đã khác xa rồi. Nhiều người vẫn chưa nhận ra điều này, vẫn mơ hồ ở chỗ đấy, không thấy rõ sự khác nhau dù cùng đồng chất, nhưng Trung Quốc vẫn có bản chất riêng đó là bá quyền nước lớn."

Bài nói chuyện của ông Lưu Á Châu tuy đã được đọc cách đây gần 10 năm nhưng xem ra vẫn còn như mới. Trung Quốc cũng thế, sau bao năm biến đổi của lịch sử vẫn một mực tin rằng họ là tâm điểm của thế giới và Việt Nam làm gì thì cũng chỉ là chư hầu mà thôi.


Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment