Pages

Wednesday, September 1, 2010

TRẦN BÌNH NAM * NGUYỄN CHÍ VỊNH

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam
Ông là ai?

Trần Bình Nam

Trong hai tháng qua, kể từ cuộc họp hằng năm của Diễn Đàn Asean Forum (Asean Regional Forum – ARF) quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ, Trung quốc và Việt Nam có một chuyển dịch quan trọng. Bà bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary R. Clinton tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 23/7/2010 rằng “Hoa Kỳ xem việc tự do lưu thông, tự do lui tới và sự tôn trọng luật lệ quốc tế trên Biển Đông phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ”. Đồng thời bà Clinton nói Hoa Kỳ ủng hộ các cuộc thương thuyết đa phương để giải quyết các tranh chấp về Biển Đông.


Lời tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi lập trường của Hoa Kỳ từ một thái độ bàng quang từ năm 1975 đến nay sang lập trường quan tâm vào cuộc. Lập trường của Hoa Kỳ được sự ủng hộ của 11 nước khác (trong đó có Việt Nam) trong số 27 nước tham dự. Nhìn cung cách báo chí Việt Nam chạy tin (vốn chỉ được phép đi trong lề do đảng cộng sản vạch ra) Trung quốc thừa biết đảng cộng sản Việt Nam đã đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp quyền lợi trên Biển Đông.


Và nhìn sự ủng hộ nồng nhiệt chính sách mới của Hoa Kỳ của các nước trong vùng Đông Nam Á châu, Trung quốc giận dữ tưởng chừng như bị phục kích. Không gì làm Trung quốc uất ức bằng khi thấy chính chiếc hàng không mẫu hạm George Washington vừa tham dự cuộc tập trận trên miền Bắc ngoài khơi bờ biển Nam Hàn chạy xuống Biển Đông đi qua vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (nơi Trung quốc từng tuyên bố thuộc chủ quyền của Trung quốc) cách bờ biển Việt Nam khoảng 200 hải lý đón nhận bộ đội và viên chức Việt Nam từ Đà Nẵng được máy bay Hoa Kỳ đưa ra thăm viếng và xem diễn tập.


Dư luận, từ những nhà đấu tranh dân chủ trong nước đến cộng đồng Việt Nam hải ngọai rất lưu tâm đến biến chuyển ngoại giao ngoạn mục này và đặc biệt quan sát mọi động thái của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ Quốc phòng, một nhân vật được xem là thân Trung quốc. Tìm hiểu chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam qua sự quan sát các động thái của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh là quan sát đúng đối tượng. Tuy nhiên có một vấn đề. Ông Nguyễn Chí Vịnh từ bao năm nay mang nhãn hiệu thân Trung quốc. Trong khi đảng cộng sản Việt Nam mang nhãn hiệu nhu nhược qua các đối sách đối với việc lấn chiếm đất liền, biển đảo của Trung quốc, nên các suy diễn từ sự quan sát động thái của đảng cộng sản Việt Nam và của tướng Nguyễn Chí Vịnh lần này có thể thiếu tính vô tư vì bị ám ảnh bởi chiêu bài nghe đã quen tai và hợp nhĩ với cộng đồng.



Cần tạm quên các nhãn hiệu, nhìn vào bức tranh chính trị và ngoại giao đang diễn tiến trước mắt để suy đoán tình hình một cách thực tiễn may ra có được một cái nhìn sát sự thật. Từ đó có thái độ hành xử thích đáng giúp bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ và an ninh đất nước đồng thời tạo đòn bẩy đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do tại Việt Nam. Tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai của tướng Nguyễn Chí Thanh (TBN: viên tướng duy nhất dám coi thường tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng tướng Giáp có tiếng mà không có miếng) từng nắm Tổng Cục 2 làm việc rất gần gũi với tình báo Hoa Nam của Trung quốc.



Quá trình ông Nguyễn Chí Vịnh làm việc với tình báo Trung quốc là một quá trình do nhu cầu khi Việt Nam cần dựa vào Trung quốc sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Ông thân Trung quốc - do nhu cầu công tác – nhưng chưa có bằng chứng ông sẵn sàng bán nước cho Trung quốc. Trong thời gian chiến tranh trước năm 1975, tại miền Nam có «Đặc ủy Trung ương Tình báo» trên danh nghĩa là một cơ sở tình báo Việt Nam nhưng hoàn toàn được Trung ương Tình báo Hoa Kỳ (CIA) tài trợ và điều khiển. Nhưng không vì vậy các vị từng làm giám đốc Đặc Ủy Trung ương Tình báo – tuy là những nhân vật thân Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ đề nghị vào chức vụ đó – đều là người không biết phục vụ cho quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa. Đảng cộng sản Việt Nam cũng vậy. Đảng độc tài, đảng tham nhũng, đảng làm băng hoại xã hội, đảng đã tỏ ra nhu nhược không bảo vệ nổi ngư dân đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật quốc tế, nhưng cấp lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản Việt Nam không đến nổi «ngu» đồng một lòng đem nước bán cho Trung quốc.


Có dấu hiệu từ nhiều năm qua họ trăn trở tìm một con đường thoát nanh vuốt của Trung quốc. Và khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách Đông Á – Thái Bình Dương vì chính sự an nguy của Hoa Kỳ thì đây là một cơ hội cho những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Động thái chuyển hướng ngoại giao của đảng cộng sản Việt Nam không thể nhầm lẫn được (ngoại trừ chúng ta nhắm mắt không muốn nhìn thấy): (1) Ủng hộ lời tuyên bố của bà Hillary Clinton tại Hà Nội (2) Cho báo chí đăng tải đầy đủ chính sách mới của Hoa Kỳ tại Biển Đông (3) Cho bộ đội và viên chức ra thăm mẫu hạm George Washington khi mẫu hạm này chạy qua vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, (4) Đón tiếp nồng hậu chiến hạm USS John S. McCain tại cảng Đà Nẵng (5) Đặt tên con đường lớn dài 13 km chạy dọc bờ biển thành phố Đà Nẵng từ Tiên sa đến ranh giới tỉnh Quảng Nam là đường Hoàng Sa – Trường Sa trong một buổi lễ đóng tên đường được phổ biến rộng rãi.


Tuy nhiên Hà Nội vẫn phải theo đuổi chính sách «cân đối» giữa Trung quốc và Hoa Kỳ. Và trong khi Trung quốc nghi ngờ, giận dữ, chất vấn, dọa nạt không ai tốt hơn đi làm công tác ngoại giao với Trung quốc bằng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Để chuẩn bị cho Hội nghị đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng của khối Asean cộng với 8 nước liên hệ gồm Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Trung quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan (Asean Defense Ministers Meeting Plus - ADMM+) sẽ triệu tập tại Hà Nội trong hai ngày 11 & 12/10 năm nay, tướng Nguyễn Chí Vịnh có chương trình gặp đại diện quốc phòng của hai quốc gia chính yếu là Hoa Kỳ và Trung quốc để trao đổi quan điểm. Ngày 17/8 ông Nguyễn Chí Vịnh gặp đại diện bộ quốc phòng Hoa Kỳ tại Hà Nội và ngày 25/8 ông gặp đại diện quốc phòng Trung quốc tại Bắc Kinh. Sau cuộc gặp gỡ tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có một cuộc họp báo trả lời các câu hỏi khá hóc búa của đại diện báo chí thân Bắc Kinh (http://www.qdnd.Việt Nam/QDNDSite/vi-VIệT NAM/61/43/10/50/50/122178/Default.aspx) trong đó có câu hỏi quan trọng do Mạng Hoàn Cầu (Trung quốc) đặt ra.

Hỏi: Xin đồng chí đánh giá vai trò của Trung Quốc đối với các nước ASEAN? Có một số phân tích cho rằng hiện nay Mỹ đang tìm kiếm đồng minh quân sự của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng chí có đồng ý với đánh giá đó không và Việt Nam có trở thành đồng minh quân sự của Mỹ hay không? Trả lời: Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với các nước ASEAN nói chung cũng như sự có mặt của Bộ Quốc phòng Trung Quốc có vai trò hết sức quan trọng trong diễn đàn ADMM+ nói riêng. Nói như thế trước hết vì Trung Quốc là một nước lớn, có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, là một nước đang phát triển mạnh mẽ và có vị trí địa lý nằm ngay gần với các nước ASEAN. Bên cạnh đó, lĩnh vực mà ADMM+ đang hướng tới là đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống.


Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc rất có kinh nghiệm, có trách nhiệm. Về các phân tích cho rằng Mỹ đang tìm kiếm đồng minh quân sự tại khu vực này hay không, thì tôi cho rằng không nên vội vàng khi đánh giá về chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Về phần Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ. Và không chỉ với Mỹ, Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào.


Chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước chúng tôi thể hiện nhất quán phương châm “ba không”: (1) Không tham gia các liên minh quân sự, hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; (2) Không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; (3) Không dựa vào nước này để chống nước kia. Theo phân tích của tôi đây là câu trả lời khéo léo nhất trong thế chuyển hướng hiện tại vừa thân Hoa Kỳ vừa làm yên lòng Trung quốc. Khi ông Nguyễn Chí Vịnh nói “chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ. Và không chỉ với Mỹ, Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào.” ý của ông Nguyễn Chí Vịnh khá rõ rằng chính sách 3 không là “không” với cả Hoa Kỳ và Trung quốc .


Trong bối cảnh chiến lược hôm nay tại Đông Á – Thái Bình Dương, chọn chính sách 3 không như trên là một sự lựa chọn đúng đắn. Việt Nam không cần phải liên minh quân sự trên giấy trắng mực đen với ai. Việt Nam không cần có căn cứ quân nước nào tại Việt Nam mới có thể hổ trợ Việt Nam nếu bị Trung quốc tấn công. Khi bị tấn công chỉ cần một lời kêu gọi chính thức của chính quyền Việt Nam Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới vẫn có thể can thiệp. Và việc nói ra chính sách 3 không như trên không nên được diễn dịch một cách sai lạc cố ý như là một chính sách “thân Tàu chống Mỹ”. Trái lại nếu xét nhu cầu đặt căn cứ tại Việt Nam, Trung quốc rất cần căn cứ Cam Ranh để dễ dàng thực hiện chính sách khống chế Biển Đông thì chính sách 3 không có thể làm buồn lòng Trung quốc hơn là Hoa Kỳ.


Trong mọi trường hợp không có một căn bản lý luận nào để phán đoán một cách cưỡng chế rằng lời tuyên bố của ông Nguyễn Chí Vịnh là do Trung quốc mớm như một số nhà bình luận trong cộng đồng Việt Nam nghĩ vậy. Một câu hỏi khác của Đài Tiếng Nói Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh. Hỏi: “Xung quanh mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian gần đây, một số báo chí nước ngoài, trong đó có báo chí Trung Quốc đã bình luận rằng Việt Nam đang muốn dựa vào Mỹ, lôi kéo Mỹ để kiềm chế và cân bằng với Trung Quốc, xin Thứ trưởng cho nhận xét về vấn đề này?”


Trả lời: “Câu hỏi của anh có hai khía cạnh, trước hết là Việt Nam có muốn dựa vào Mỹ và lôi kéo Mỹ hay không? Tôi khẳng định, Việt Nam không dựa và không lôi kéo Mỹ vào bất kỳ mục đích gì, đặc biệt là các mục đích về an ninh. Ý thứ hai là kiềm chế Trung Quốc? Việt Nam không bao giờ có ý định kiềm chế Trung Quốc ở bất kỳ lĩnh vực nào, ở thời điểm nào. Việt Nam vui mừng khi thấy Trung Quốc phát triển. Sau khi tôi tham dự Đối thoại Quốc phòng Việt - Mỹ, báo chí cũng có câu hỏi gần giống như thế. Tức là, Trung Quốc phát triển mạnh như vậy, phát triển quốc phòng mạnh như vậy thì Việt Nam suy nghĩ gì?


Tôi đã trả lời: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có quan hệ đại cục rất tốt đẹp, cho nên trước sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có phát triển quốc phòng, Việt Nam ủng hộ và vui mừng. Sự ủng hộ ấy xuất phát từ mong muốn và niềm tin rằng, Trung Quốc sẽ không sử dụng sức mạnh của mình để làm phương hại tới chủ quyền và lợi ích của các nước khác và cũng không sử dụng sức mạnh ấy làm phương hại tới hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới. Ví dụ, sức mạnh quốc phòng Trung Quốc mà tham gia tích cực vào ADMM+ trong cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa thì quả thật là điều tốt cho cả Trung Quốc lẫn khu vực.


Tôi mong muốn báo chí thông tin trung thực, khách quan nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, trong đó có quan hệ quốc phòng. Quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung và quan hệ quốc phòng nói riêng hiện nay có rất nhiều chuyện, nhiều vấn đề tích cực, nhiều tấm gương sáng. Về quan hệ quốc phòng, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin với các bạn để chúng ta có được một cái nhìn đúng đắn, có thiện cảm và tin cậy lẫn nhau.” Trong câu trả lời ông Nguyễn Chí Vịnh dùng chữ “phát triển quốc phòng” của Trung quốc và “quan hệ quốc phòng” giữa Việt Nam và Trung quốc nhưng trong bản tin sớm nhất bằng Anh ngữ của Tân Hoa Xã ngày 25/8 (do mạng Bauxit dịch ra Việt ngữ cùng ngày)

http://news.xinhuanet.com/english2010/china/2010-08/25/c_13461951.htm Tân Hoa Xã cố tình viết chệch ra là phát triển quân sự và làm cho thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh trở thành đề tài chỉ trích của dư luận.



Trong ngôn ngữ ngoại giao “phát triển quốc phòng” và “phát triển quân sự” có ý nghĩa khác nhau. “Phát triển quốc phòng” có thể bao gồm sự phát triển các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự và có tính tự vệ, trong khi “phát triển quân sự” có tính “phóng tầm sức mạnh” (power projection) ra ngoài và đe dọa lân bang. Nếu tướng Nguyễn Chí Vịnh ủng hộ phát triển quân sự của Trung quốc thì quả ông quá ngây ngô. Người Việt trong và ngoài nước từng đấu tranh với đảng cộng sản Việt Nam độc tài để xây dựng tự do dân chủ cho Việt Nam. Mục tiêu đó không bao giờ thay đổi. Nhưng hiện giờ trước mắt chúng ta có thêm một công tác khác là bảo vệ tổ quốc trước ý đồ xâm lăng của Trung quốc. Nếu đất nước rơi vào tay Trung quốc thì cuộc tranh đấu cho độc lập, dân chủ, tự do trở thành vô vọng.


Cho nên chúng ta, ít nhất là khối người Việt hải ngoại cần tỉnh táo quan sát tình hình để nếu người cầm quyền trong nước có chính sách tích cực trong công cuộc chống xâm lăng của Bắc phương chúng ta cần nhanh chóng ủng hộ.

Thời sơ khai khi thế giới mơ ước thiên đường xã hội chủ nghĩa ảo tưởng của sáu thập niên trước đã qua rồi. Trong không khí tàn tạ của chủ nghĩa xã hội hiện nay nhất là khi nhu cầu dân chủ là một thúc bách trong cuộc vận động nội lực của toàn dân, ý thức dân chủ sẽ có sức mạnh trở về đánh tan mọi tàn tích của độc tài đảng trị. Ông Nguyễn Chí Vịnh có thể đã làm nhiều điều sai trái trong quá khứ và đã bị nhiều cựu sĩ quan và tướng lãnh chỉ trích. Nhưng trong sự chuyển hướng chính sách trước mắt, ông Nguyễn Chí Vịnh đã thi hành công tác ngoại giao/chính trị của Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam một cách hoàn hảo xứng hợp với chức vụ thứ trưởng Bộ quốc phòng của ông.


Nội dung cuộc họp báo của tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Bắc Kinh ngày 25/8 cho thấy sự khéo léo - như thể của một nhà ngoại giao dày dạn- của ông trong một tình huống rất tế nhị của đất nước và của chính cá nhân ông. Ông Nguyễn Chí Vịnh là ai? Vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng không vì thế mà chúng ta chụp lên đầu ông mọi thứ mũ ! Trần Bình Nam August 30, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com


No comments:

Post a Comment