Pages

Tuesday, October 11, 2011

KÝ TƯỞNG NĂNG TIẾN

Chuyện Cái Nhà & Cái Ấm


Nguyễn Quang Thiều rề rề kể chuyện:

Ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của một gia đình Mỹ đang đi nghỉ cuối tuần. Một người bạn của tôi lần đâu đến Mỹ đã không thể hiểu vì sao một ngôi nhà đẹp như thế, nhiều đồ đạc như thế mà không khóa cửa. Tôi đã giải thích nhưng người bạn ấy vẫn băn khoăn mãi đến gần hết chuyến đi. Trong cái đêm đầu tiên ấy, khi người bạn đi ngủ bèn mang theo cả chiếc túi sách đựng hộ chiếu và một ít tiền lên giường vì sợ đang đêm kẻ trộm mò vào nhà ăn cắp. Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nỗi ám ảnh về những chuyện mất mát ở khách sạn hay trong chính nhà mình đã theo đuổi bạn tôi không rời.”

Trong những ngày cuối cùng ở Mỹ, một người bạn nhờ con trai tôi mua giúp một

cái ipad2 qua mạng. Một chiều đi chơi về, tôi thấy chiếc ipad2 được đóng gói cẩn thận để trên bậc cầu thang trước cửa nhà sát ngay vỉa hè khu phố. Cho dù đã bắt đầu hiểu một phần nào đó nước Mỹ nhưng bạn tôi vẫn rất bị “sốc”. Chiếc Ipad2 được đóng gói để một nơi rất dễ nhìn thấy và chỉ cách lối đi bộ một hai bước chân mà thôi. Đấy là một khu phố vắng vẻ gần như nhà nào biết nhà ấy. Nếu ai đó muốn lấy cái ipad2 kia thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần bước ba bước và nhặt lên. Tất cả quá dễ dàng và an toàn. Nhưng không ai lấy chiếc ipad2 đó. Không ai lấy bất kỳ những gì mà những người vận chuyển hàng hóa để trước cửa nhà của khách hàng.”

“Người già đi qua không lấy. Người trẻ đi qua không lấy. Những người làm công việc vệ sinh môi trường đi qua cũng không lấy. Và có lẽ những người vô gia cư đi qua cũng không lấy.” “Lối sống ấy không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống nghèo khó hay thiếu thốn… Đó là lối sống của văn hóa, luật pháp và lòng tự trọng. Đương nhiên không phải tất cả những người Mỹ sống như vậy.

Nhưng cách sống ấy là cách sống của đại đa số người Mỹ...” “Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội....”

Nguyễn Quang Thiều
– tranh Nguyễn Hữu Khoa


Hết chuyện Mỹ, bác Thiều bắt qua chuyện Nhật:

Trong chuyến đi này, khi quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo, tôi đã phải mở cái thùng giấy của mình cho an ninh cửa khẩu Nhật khi họ soi thấy có một số bật lửa ga trong đó. Sau khi kiểm tra xong, họ đã tự tay dán băng dinh chiếc thùng giấy của tôi một cách cẩn thận như chính họ đang dán chiếc thùng của họ vậy.”

Chuyện lạ đường xa của bác Nguyễn Quang Thiều quả là thú vị nên đã xuất hiện trên mọi trang net, bất kể là lề trái hay lề phải. Độc giả phản hồi, bình luận rôm rả quá xá.


J.B Nguyễn Hữu Vinh

Sự kiện này, dường như, có làm cho bác Nguyễn Hữu Vinh hơi… sốt ruột! Bởi vậy, dù mấy lúc ần đây chả đi được đến đâu (ngày nào cũng chỉ loanh quanh trên mấy con đường quen thuộc của phố phường Hà Nội) bác Nguyễn Hữu Vinh vẫn cứ nhất định kể chuyện làm quà:

Mấy tuần liền ở Hà Nội không có biểu tình, nói theo ngôn ngữ Hà Nội mới, thì nắng vàng rực rỡ bên bờ hồ Hoàn Kiếm và Hà Nội, Thành phố vì hòa bình luôn bình an. Sáng nay, 18/9 cũng như mọi sáng Chủ nhật trước, tôi lại đến bờ hồ ngắm nghía cảnh quan xem có gì khác nhau ở những ngày Chủ nhật?

Chủ nhật này không giống cái chủ nhật 21/8, hôm đó quanh khu vực bờ hồ đã có đến 4 sân khấu lớn nhỏ hoạt động từ sớm. Hôm nay thì không, có lẽ các cháu gái mệt vì hôm đó ướt mưa lại do ăn mặc phong phanh sexy nên cảm lạnh chăng? Hay bố mẹ các cháu thấy hình ảnh con gái mình ăn mặc hở hang trước tượng đài tiền nhân là hỗn láo nên đã về nhà dạy bảo lại? Chưa rõ nhưng hôm nay không thấy.

Các góc phố, các ghế đá bờ hồ vẫn đầy công an, cảnh sát, an ninh, dân phòng và xuất hiện thêm nhiều thành phần khác nhau nữa. Ngoài những chiếc áo màu xanh dan trời của thanh niên Cộng sản lại xuất hiện nhiều nơi những chiếc áo màu xanh nõn chuối không biết là của tổ chức nào, có phải là cộng sản không?

Dạo quanh bờ hồ và khu vực Đại sứ quán Trung Quốc, lại vẫn công an với công an, xe công an các loại, rào sắt và bình xịt… màn màn lớp lớp, nhóm thì kê ghế ngồi vỉa hè (Không biết có xin phép vì tụ tập đông người chư? Vì lượng chiếm vỉa hè, gây cản trở giao thông này nhiều hơn 5 người theo quy định của nhà nước). Một đám thanh niên cộng sản (thông quá cái áo đang mặc) đang quét vỉa hè công viên trước tượng đài Lenin. Người đi đường ngạc nhiên ngoái lại vì đây là hiện tượng hiếm có.”

Không chỉ ngồi ngoài hè đường vì chắc không đủ chỗ, công an còn vào hẳn trong công viên ngồi tán chuyện cho đỡ buồn, khổ cho các cụ tập thể dục buổi sáng thôi. Công an ngồi ngắm thế này thì hồn vía đâu mà tập với tành...

Trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, hai ba chiếc xe công an đang đứng đợi ai đó, một chiếc xe vòi rồng đứng ẩn mình bên đường Lê Thạch.

Nhóm mấy người tụ lại bên bờ hồ thì lập tức vây quanh là các gương mặt lạ – lạ ở đây không phải là từ lạ như tàu lạ nhà nước hay dùng, mà lạ ở đây là lạ với những người yêu nước, tuy hai cái lạ đó cũng gần giống nhau về nội dung.

Mấy người quen mặt trong các cuộc biểu tình yêu nước vừa qua đứng một lúc thì giải tán, hai xe công an cũng hết việc để làm, các tụ điểm công an cũng hết việc, dân phòng ngồi ngáp vặt cho hết buổi.”

Trong quán cafe bên cạnh Nhà hát múa rối, thấy mấy phụ nữ đang ngồi có Phương Bích và Bích Hằng, lập tức các bàn bên cạnh được tấp đầy bằng những chiếc áo công an xanh lè. Không biết những bàn đó có thu được tiền hay không? Nếu thu được, hôm nay chắc phải cảm ơn những người yêu nước vì bán hàng đột ngột đông khách.

Vòng qua bên kia bờ hồ, văn phòng báo Hà Nội mới vẫn còn treo cờ Việt Nam.

Khoảng hơn 10 h, nhận được điện thoại mời lên 102 Trấn Vũ là một quán cafe ven hồ, yên tĩnh và thoáng, một người đi biểu tình yêu nước mời anh em đến để nói lời cảm ơn vì vừa qua anh đến thăm những người biểu tình yêu nước bị bắt về đồn, thì anh lại bị bắt và giam 5 ngày vì tội gây rối trật tự công cộng do ai đó tưởng tượng ra.

Điều đáng nói là quá trình đó, bố anh mất và mọi người đến thăm viếng làm anh cảm động và hôm nay anh mời mọi người đến để nói lời cảm ơn. Ở đây, trước đến nay khi đông khách thì vẫn lấy vỉa hè làm nơi ngồi uống. Nhưng ngồi trên vỉa hè chưa được ấm chỗ thì bỗng đâu xe công an từ hai phía ập đến, dẹp trật tự. Thế rồi nhìn quanh nhung nhúc những người cầm máy quay, máy ảnh chĩa vào anh chị em đang uống cafe. Có điều là họ không dám công khai mà rình và núp như cảnh sát giao thông rình bắt người lưu thông vậy. Mọi người đều hiểu họ là ai và vì sao họ làm thế, tiếc rằng sao họ không làm đàng hoàng mà phải lén lút như thế, một người bật lên một câu chửi thề “Đ.m. sao nó hèn thế không biết”.

“Thế là anh em chia tay ra về...

Bước chân vào ngõ, chợt một hình ảnh làm tôi giật mình, đó là một cái ấm đung nước bắng bếp than tổ ong của nhà ai đó đã đặt ngay cạnh cửa ra vào, vẫn phải mang theo sợi dây xích khổng lồ, nếu không, cả ấm và nước cùng bốc hơi...”

Hà Nội, 18/9/2011

Thật là chán mớ đời cho cái bác Nguyễn Hữu Vinh nhà tôi. Chuyện bác kể nghe sao lảng xẹt! Vậy mà cũng bầy đặt “giật mình” làm chi (cho má nó khi) cha nội?

Ở Việt Nam người còn bốc hơi ào ào chứ nói chi đến cái ấm nước sôi. Chỉ trong vòng hai tháng, tháng 8 và tháng 9 năm 2011, đã có cả chục công dân Việt Nam cũng đã “bốc hơi” mất tiêu đấy thôi.

Ngoài những người được công luận nhắc đến như ông Nông Hùng Anh, ông Nguyễn Văn Mỹ, ông Nguyễn Minh Nhật và bà Tạ Phong Tần, qua bức ”thư ngỏ” (gửi đi vào ngày 2 tháng 9 vừa qua) của thân nhân của các thanh niên, sinh viên Công Giáo, người ta còn được biết thêm rằng hiện nay trong số “15 người bị bắt giữ thì chỉ có 3 người được thả. Còn lại 12 người, đích xác chỉ biết 6 người đang bị giam ở nhà tù Thanh Liệt, Hà Nội. Sáu người kia không biết chắc chắn ở đâu và sức khỏe ra sao.”

Biển đảo, núi rừng, tài sản, ngân qũi quốc gia, nhà cửa, đất đai canh tác của hàng triệu lương dân mà còn lần lượt bốc hơi hết ráo thì cái ấm nước (“dù đã đặt ngay cạnh cửa ra vào”) vẫn cứ phải quấn một sợi xích thật to vào rồi khóa lại – cho nó chắc ăn – là chuyện cũng … đúng thôi. Cẩn tắc vô áy náy chớ bộ.

Tưởng cũng nên nói thêm là sau khi kể chuyện đường xa, bác Nguyễn Quang Thiều (bỗng) thở dài đánh thượt:

“Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được…”

Cứ với cái cơ chế hiện hành thì không phải mất cả trăm năm mà chỉ cần mươi năm nữa thôi người Việt Nam sẽ phải khoá luôn mấy cái ly uống nước, dù đã cất kỹ trong nhà, chứ chả phải chỉ cái ấm không mà xong đâu. Cũng với cái chế độ ưu việt hiện tại thì giấc mơ về thế giới đại đồng – nơi mà nhà không cần khoá, mấy cái ipad2 vứt ở ngoài cửa không ai thèm nhặt – chắc phải chờ đến một kiếp (xa xôi) nào khác quá.

Tưởng Năng Tiến
9/2011

No comments:

Post a Comment