Pages

Monday, October 24, 2011

NGUỲỄN THỊ CỎ MAY * CÁCH MẠNG TOÀN CẦU


Một cuộc Cách mạng Xã hội toàn cầu?

_____________________________________________________________________
Nguyễn thị Cỏ May
“United for a Global Change” hay “Tous ensemble pour un changement total” đó là khẩu hiệu kêu gọi một cuộc biểu tình toàn cầu ngày 15/10/2011. Phong trào phản kháng của “Những người phẫn nộ” đã biểu tình tại 951 thành phố của 82 quốc gia. Đây là lần đầu tiên một phong trào phản kháng biểu dương lực lượng trên toàn thế giới với đặc tính độc đáo “Không người lãnh đạo và không biên giới”.

Nửa triệu người biểu tình ở Madrid


Xuất phát từ phong trào “Những người phẫn nộ” tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, ngày 15 tháng 5 vừa qua, nay phong trào lan qua Mỹ, chiếm lấy Wall Street “Occupy Wall Street” và tổ chức “OWS” trong lúc đó nhiều cuộc biểu tình khác diễn ra từ sáng sớm tại nhiều thành phố ở Mỹ. Người ta ghi nhận dân chúng, phần lớn thanh niên từ 20 tới 30 tuổi, hăng say hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình ngày 15 Oct trải dài từ Tokyo, Hongkong tới Vancouver, từ Sydney, Melbourne đến Paris, Bruxelles, Franfort, từ Madrid qua La-mã, …Các cuộc biểu tình đều ôn hòa tuy có nơi đông hàng trăm ngàn người, ngoại trừ ở La-mã đã xảy ra xung đột gây thương tích và đốt phá làm thiệt hại tài sản vật chất của dân chúng.
Protesters affiliated with Occupy Wall Street moved uptown on Tuesday to demonstrate outside of some of New York’s richest residents’ homes.


Tính toàn cầu thời đại
Một Thông điệp ngắn gọn, súc tích, nhắm thẳng vào điểm nhạy cảm trung tâm của vấn đề xã hội toàn cầu ngày nay được phổ biến trên mạng 15october. net để động viên dân chúng toàn thế giới: “Từ Âu sang Á, từ Châu phi đến Châu Mỹ, người dân hãy vùng lên để đòi một nền dân chủ thật sự. Những siêu cường chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số ít mà quên đi nguyện vọng của người dân. Tình trạng này phải được chấm dứt”. Lời kêu gọi biểu tình được hưởng ứng ở khắp nơi, nhưng rất khác nhau, không đồng đều nhau.


Theo tin của AFP, có khoảng 500 người tuần hành tại khu tài chính của Hồng Kông để phản đối những bất công của một mô hình tư bản quá độ. Một người biểu tình cho biết anh tham gia phong trào mang tên “Occupy Central” để bày tỏ tình liên đới với người biểu tình ở Wall Street. Đảo quốc Hồng Kông là một biểu tượng của thế giới tư bản do thành phố với 7 triệu dân này đã trở thành một trong những thị trường tài chánh hàng đầu của châu Á, đồng thời đây cũng là địa bàn hoạt động của nhiều tập đoàn đa quốc gia

Cuộc tuần hành tại Sydney huy động được khoảng 600 người. Trong lúc tại thủ đô Nhật Bản, chỉ có khoảng hơn 100 người biểu tình hô to khẩu hiệu “chiếm lấy Tokyo” và theo ban tổ chức thì người dân xuống đường, đúng hơn, là để bày tỏ phẫn nộ sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ở Hàn Quốc, có khoảng 200 người biểu tình bị cảnh sát dùng vòi rồng xịt nước giải tán.

Trong lúc đó phải chăng vì Phong trào Những người Phẫn nộ phát xuất từ Âu châu mà phong trào biểu tình ở Âu châu chống tư bản tài chánh có sức thu hút cao hơn. Ở La-mã, Thủ đô Ý, có hơn 200 000 người xuống đường vào chiều ngày 15 Oct. Chánh phủ Ý huy động 1500 nhân viên cảnh sát để bảo vệ trật tự. Tại Thủ đô Luân Đôn, cũng đã có khoảng 300 người tập hợp tại khu tài chánh City và chỉ một giờ sau khi khởi phát, các cuộc đụng độ với cảnh sát đã diễn ra. Tại Bruxelles, có từ 6000 tới 10 000 người biểu tình diễn hành trên đường phố của Thủ đô Âu châu không xảy ra xung đột đáng tiếc. Đoàn biểu tình hô bằng nhiều thứ tiếng khác nhau cùng những khẩu hiệu được sử dụng từ Á sang Âu châu để phản kháng



Thị trường tài chánh và tính ham tiền và phi đạo lý của các ngân hàng, sự bất lực hoặc sự đồng lõa của Chánh phủ, chống lại những biện pháp thắt lưng buộc bụng. Những khẩu hiệu chung của họ là “Chúng tôi là 99 % (dân chúng), chúng nó chỉ có 1 %”, “Đoàn kết để thay đổi toàn thế giới”, “Một thế giới khác là điều khả thi”, hoặc điểm mặt những người cầm quyền “Quí vị không còn đại diện chúng tôi nữa”. Những người biểu tình nằm luôn trước các ngân hàng, gào lên Ngân hàng là “những tội phạm” và dùng băng keo dán bít những máy tự động phát tiền trên đường họ đi ngang qua. Đoàn biểu tình tỏ vẻ phẫn nộ trước ngân hàng Dexia vì hai quốc gia chủ nhơn Pháp-Bỉ sắp bỏ ra hàng tỷ euros để cứu ngân hàng khỏi bị sập tiệm. Đoàn người tiến tới trụ sở Ủy Hội Âu châu, cảnh sát vội bủa ra ngăn chận.


Ở Bồ-đào-nha và Ý, hai nước đang bị khủng hoảng nặng nề nhứt, đoàn biểu tình có tới hằng nhiều vạn người tham dự. Ở La-mã, nhiều nhóm biểu tình chiếm đường phố cả ngày, rồi chiếm khách sạn sang trọng, đốt xe, đốt cửa hàng và cả Bộ Quốc phòng Chi nhánh. Cảnh sát can thiệp, làm cho 135 người bị thương. Ngày khói lửa kết thúc bất ngờ khi ông Mario Draghi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý, sẽ làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu vào tháng 11 tới đây, bày tỏ sự ủng hộ phong trào biểu tình “Những người biểu tình tức giận chống lại thế giới tài chánh và tôi thông cảm với họ”.

Riêng ở Madrid, cái nôi những người Phẫn nộ, phong trào biểu tình gồm đủ thành phần xã hội, tuổi tác: dân lao động, trí thức, sinh viên, học sinh, thanh niên, dân thất nghiệp đông cả 500 000 cùng diễn hành như một cuộc lễ, hoàn toàn không xảy ra tai nạn hay xung đột. Sáu nhóm biểu tình cùng hướng về Trung tâm Thủ đô, Công trường Cổng Trời. Một phụ nữ đẩy xe có con nhỏ đi biểu tình, trên ngực cài khẩu hiệu “Tôi muốn tương lai của tôi. Không việc làm, không tiền, không có nhà giữ trẻ, không có hưu bổng cho người già, … Đâu là tương lai của chúng tôi?” Có người hô khẩu hiệu “Chúng tôi không có tương lai. Những người cầm quyền cũng không được ngủ yên giấc”! Hiện tình xã hội cần một cuộc cách mạng? Đúng 5 tháng sau khi phong trào những người Phẫn nộ ra đời tại Công trường Cổng Trời ở Thủ đô Madrid, phong trào biểu tình ngày nay, 15 Oct. tiếp nối nhưng không thay đổi mục tiêu ban đầu. Trong một bản Tuyên ngôn bằng 18 thứ tiếng khác nhau, Phong trào luôn luôn đòi hỏi “một nền dân chủ thật sự”. “Cùng thống nhứt trong một tiếng nói chung, chúng tôi sẽ nói cho những người cầm quyền và những thành phần ưu tú về tài chánh mà những người cầm quyền phục vụ biết là chính chúng tôi, dân chúng, mới là người quyết định tương lai của chúng tôi”. Những người biểu tình khi nhìn thấy phong trào trải rộng ra khắp thế giới chỉ trong vòng 5 tháng sau đều lấy làm phấn khởi vì như vậy, phong trào có đủ chánh nghĩa. Họ không liên hệ với những đoàn thể như nghiệp đoàn hay các tổ chức chánh trị để được yểm trợ và mở rộng phong trào. Họ chỉ phổ biến lời kêu gọi qua mạng lưới thông tin điện tử. Nên phong trào mang tính hàng ngang và không giống những cuộc biểu tình của các tổ chức quần chúng khác. Đặc biệt là cho tới nay, phong trào biểu tình của những người Phẫn nộ ở khắp nơi đều không có lãnh tụ, không có những yêu sách cụ thể. Mục tiêu chung của họ là chỉ nhằm chống đối giới cầm quyền chánh trị quốc gia, giới tài phiệt làm giàu trong lúc sự khủng hoảng kinh tế xã hội đang làm băng hoại các giới nghèo và trung lưu. Hôm 15 Oct đã trở thành ngày toàn cầu phẫn nộ. 99 % là dân chúng nghèo vì bị 1 % tóm thâu tài sản của đất nước làm giàu. Trong 99 % ngày nay có cả giới trung lưu. Mà giới trung lưu là lực lượng sản xuất làm giàu đất nước. Nhờ đó, họ sống khá giả hơn lớp phụ huynh của họ trước kia nhưng sẽ kém hơn lớp con cháu của họ ngày mai. Đó là sự phát triển xã hội. Nhưng ngày nay, họ không thấy có tương lai nữa. Sự phát triển đó đã dừng lại vì thanh niên học xong thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp. Nợ tiền học không trả được. Bịnh tật không được chữa trị. Phẫn nộ! Phong trào biểu tình phản kháng phát xuất từ sự phẫn nộ tập thể. Ông Stéphane Hessel năm nay 94 tuổi, người từng tham gia soạn thảo bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhơn quyền năm 1948, lý giải phải phẫn nộ. Ông cho xuất bản một quyển sách nhỏ, cả bìa, chỉ có 32 trang, với tựa đề “Hảy phẫn nộ (và phản kháng)”. Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán được 3, 5 triệu quyển. Trả lời một sinh viên của Đại học Columbia ở NV hỏi ông lời khuyên phải làm gì tiếp theo phong trào phản kháng, ông bảo “Hãy tìm những phương pháp đủ mạnh để khống chế những kẻ mà các bạn đang chống đối”. Lúc đầu, nhiều người nghi ngờ khả năng tranh đấu cho công bình xã hội của phong trào, nhưng khi tiếp xúc với phong trào, họ tỏ ra tin tưởng ở phong trào tuy những đòi hỏi hãy còn mơ hồ nên truyền thông chưa thật sự quan tâm ở những ngày đầu. Nội lực của phong trào là ở 99 %, tức ý muốn nói 99 % dân chúng phẫn nộ có chung những nguyện vọng. Nếu ngay những ngày đầu mà phong trào xác định rõ mục tiêu, đường lối tranh đấu, tổ chức cơ cấu, thì chắc chắn sẽ không có được một phong trào toàn cầu như ngày nay, trái lại sẽ bị tan rã.


Thông điệp mang rõ nội dung chống chánh trị thiếu dân chủ, tài phiệt làm nghèo đất nước, nhưng lại rất mở, rất phóng khoáng. Chiến thuật động viên người là tập hợp lớn nên nhờ đó mà phong trào mới mở rộng ra khắp thế giới trong một thời gian kỷ lục và đã áp lực mạnh lên giới cầm quyền. Người Việt Nam có biết phẫn nộ không? Xã hội Việt Nam hiện nay còn tồi tệ hơn bất kỳ xã hội nào khác ở Tây phương. Người cầm quyền ở các cấp đều chỉ lo kiếm tiền và kiếm thiệt nhiều tiền. Bằng đủ mánh khóe bất lương hạ cấp, như cướp đoạt, lật lộng, biển thủ, …


Kẻ dốt khi cầm quyền thì lòng tham lam lại vô tận và cách kiếm tiền thường đê tiện hơn kẻ có học. Khoảng cách giàu nghèo ở xã hội tây phương ngày càng khoét sâu thì sự bất bình đẳng trong xã hội việt nam dưới chế độ độc tài phải lớn hơn nhiều. Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, …mỗi tháng kiếm được bao nhiêu tiền và tới nay tích lũy được bao nhiêu trong lúc đó, người dân hay đảng viên bình thường với học lực tương đương, lợi tức hàng tháng là bao nhiêu và tài sản của họ là bao nhiêu? Nguyên nhơn căn bản của chống đối, tranh đấu là sự phẫn nộ. Những người trước kia đi theo cộng sản vì biết phẫn nộ dân tộc bị nô lệ. Họ đã hiên ngang đưa cao ngọn đuốc châm lửa đốt ngôi nhà của mình để hưởng ứng chánh sách tiêu thổ.

Ngày nay, họ bị đảng cộng sản độc tài phản bội lý tưởng kháng chiến, đang đưa đất nướcvào vòng lệ thuộc Tàu nặng nề hơn thực dân ngàn lần, sao chưa thấy những người kháng chiến cũ phẫn nộ? Thanh niên, sinh viên, học sinh, những người thất nghiệp, … trên khắp thế giới đều hăng hái hưởng ứng ngày 15 Oct biểu tình đòi công bằng xã hội, tại sao không thấy tuổi trẻ việt nam tham gia? Tuổi trẻ việt nam có thể bắt tay với phong trào. Nếu bị cộng sản độc tài đàn áp thì có cả một phong trào toàn cầu ủng hộ. Tuổi trẻ không tranh đấu vì quyền lợi riêng tư sẽ không bỏ nhau khi tranh đấu cùng mục tiêu. Phải chăng vì tuổi trẻ Việt Nam chưa thấy cần phẫn nộ?
Nguyễn thị Cỏ May

No comments:

Post a Comment