Pages

Sunday, November 13, 2011

PHƯƠNG TÂY NHÌN VIỆT NAM



Phương Tây nhìn người Châu Á thế nào?
Cập nhật: 12:34 GMT - thứ sáu, 11 tháng 11, 2011
London

Nhiều nước Phương Tây đã quen với xã hội đa văn hóa

Trong bài Bấm tiểu luận trước, tôi đã đề cập đến những vấn đề, góc nhìn và sự phát triển gần đây mà người Việt cần biết trước khi họ mạo hiểm sang Phương Tây.

Tuy nhiên, tôi đã sao nhãng một câu hỏi rất quan trọng: “Nói chung, người Tây nhìn và đối xử với người Việt và người Châu Á như thế nào?”

Tin mừng là người Tây nói chung nhìn người Châu Á cũng giống như mọi người khác. Vì đạo đức tự do được phổ biến và cá nhân được đề cao, nhiều nước Phương Tây tin tưởng rằng mọi người nên được đối đãi bình đẳng và công bằng. Có pháp luật ở mỗi nước khuyến khích và bảo vệ lý tưởng này, tức là trong việc làm và cả trong đời sống công cộng, không phân biệt nam hay nữ, gia đình, giới tính, tôn giáo, dân tộc hoặc là chủng tộc. Quan trọng nữa là những đạo luật này phản ánh sự cởi mở và quyết tâm có công bằng xã hội mà đã giúp cho phương Tây thành công và đáng được đến thăm hay định cư.

Nhưng dĩ nhiên, xã hội phương Tây, như bất cứ xã hội nào, không phải lúc nào cũng sống đúng theo lý tưởng của mình. Mặc dù những vụ phân biệt chính thức hay quá khích ít xảy ra, nhưng sự phân biệt thực sự vẫn còn. Theo kinh nghiệm của tôi sau khi ở Úc hơn 30 năm, rất hiếm khi xảy ra các vụ tấn công bạo lực do kỳ thị chủng tộc. Vì vậy, mỗi người đi nước ngoài, dù phải lo về an toàn cá nhân, nhưng không phải vì thế mà ngần ngại làm chuyến “Tây du ký”.

Tệ phân biệt mà người Châu Á nên chú ý hơn là sự phân biệt “tinh tế hơn”, hiện hữu trong những cửa hàng và quán ăn nơi mà người bán hàng và hầu bàn có vẻ đối xứ với mình cộc lốc và uể oải hơn những khách không phải là người Châu Á. Đôi khi chúng ta bị bắt gặp đang nói chuyện to bằng tiếng Việt và người qua đường nhìn chúng ta với thái độ khinh miệt. Và chúng ta có thể nhận ra khi người khác cười khẩy vì những điều bình thường đại loại như râu tóc, ngón tay nhỏ dài, một món ăn không quen hay cách ta đậu xe hơi.

Hình mẫu rập khuôn

"Người Châu Á ở các nước phương Tây nhiều khi bị coi như hoàn toàn khác biệt với người Tây và đồng thời hoàn toàn đồng nhất đối với tất cả người Châu Á khác. Tóc “ta” luôn luôn đen và thẳng, mắt luôn luôn nghiêng, làm việc luôn luôn vất vả, học toán luôn luôn giỏi và luôn luôn có hiếu. Đương nhiên, ấn tượng bất di bất dịch này không phải là vấn đề xấu thực chất; vấn đề ở đây là vấn đề rập khuôn."

Ở nhiều nước phương Tây người Châu Á được xem như di dân thành công và hòa nhập tốt với cộng đồng mới. Vì vậy, sự phân biệt không phải là thách thức hay bất công to lớn nhất. Thay vào đó, nhà trí thức Úc, Waleed Aly, đã nói rất đúng khi miêu tả rằng ở Úc (và có lẽ ở nhiều nước khác), “có mức độ cao của sự phân biệt chủng tộc mức thấp”. Có nghĩa là người Châu Á bị ép buộc một cách vô hình sống theo sự mong chờ của người phương Tây và bị phê bình hay nhạo báng khi họ không tuân theo.

Người Châu Á ở các nước phương Tây nhiều khi bị coi như hoàn toàn khác biệt với người Tây và đồng thời hoàn toàn đồng nhất đối với tất cả người Châu Á khác. Tóc “ta” luôn luôn đen và thẳng, mắt luôn luôn nghiêng, làm việc luôn luôn vất vả, học toán luôn luôn giỏi và luôn luôn có hiếu. Đương nhiên, ấn tượng bất di bất dịch này không phải là vấn đề xấu thực chất; vấn đề ở đây là vấn đề rập khuôn.

Như tôi sẽ giải thích dưới đây: chúng ta nên chống lại mẫu rập khuôn này vì chúng ngăn trở sự quan hệ cá nhân và công việc chuyên nghiệp của người Châu Á ở nước ngoài và đôi khi cả ở trong nước. Hơn nữa, chúng ta nên phản đối sự phân biệt này không phải là vì sự tiến bộ trong đời sống của “người Ta” thôi, mà còn để nâng cao nền đức hạnh và văn minh của Phương Tây nữa. Như ông Martin Luther King đã dạy, “sự bất công ở bất kỳ nơi nào cũng là sự đe dọa bất công khắp mọi nơi”.

Quan hệ tình yêu

Có nhiều điều đáng kính trọng về mối quan hệ giữa người châu Á và người phương Tây. Quan hệ này có thể là cầu nối ở giữa hai xã hội khác nhau.

Cơ bản là, và chắc chắn là việc này không làm ai ngạc nhiên, phụ nữ Châu Á hấp dẫn với nam giới Tây hơn nam giới Châu Á hấp dẫn với phụ nữ Tây. Theo số liệu điều tra dân số ở Mỹ, khả năng phụ nữ Mỹ gốc Châu Á kết hôn với người ngoài chủng tộc cao gấp đôi nam giới Mỹ gốc Châu Á lấy vợ ngoài chủng tộc.

Một lý do giải thích sự chênh lệch này là hình tượng của phụ nữ Châu Á ở phương Tây là thanh lịch, quyến rũ và đẹp kỳ lạ. Một bằng chứng hiển nhiên là trong những phim nổi tiếng như Rambo: First Blood Part II, Good Morning Vietnam, Đông DươngNgười Mỹ Thầm Lặng (cả hai bản làm 1958 và 2002), các diễn viên nữ Việt Nam chính trong phim này rất xinh, nhưng cũng thần bí và có nhiều trắc trở trong đời sống.

Các học giả về giới và Châu Á học khẳng định rằng việc Tây Phương ham thích phụ nữ Châu Á gắn liền với cái nhìn cho rằng họ mềm mỏng và dễ phục tùng. Vì vậy, việc đàn ông Tây theo đuổi đàn bà Châu Á gắn với mộng tưởng cứu giúp, thuần hoá và truyền bá văn minh cho xã hội Châu Á. Ngoài ra, mẫu đàn bà hiền lành và nghiêm trang dễ thu hút những đàn ông Tây có quan niệm truyền thống – họ ngờ vực ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền lên sắc đẹp và vai trò về giới.

Cần nói rõ là tôi không có ý cho rằng mọi đàn ông Tây quan hệ với phụ nữ Châu Á đều có mộng tưởng thuộc địa hoặc luyến tiếc quá khứ. Tôi chỉ muốn nói là hai sự thôi thúc này đã đóng góp đưa tới hình tượng thống trị của phụ nữ Châu Á ở Phương Tây và có thể giúp giải thích tại sao quan hệ giữa “nữ Ta” và “nam Tây” phổ biến hơn quan hệ giữa “nữ Tây” và “nam Ta”.

Hình tượng phụ nữ Việt Nam gắn liền với chiếc áo dài

Đàn ông Á Châu tương đối không hấp dẫn ở phương Tây nói chung vì bị xem là quá yểu điệu về cơ thể và quá gia trưởng về xã hội. Trong văn hóa phương Tây, tính điển hình của đàn ông Châu Á là đầy sát khí và thủ đoạn (nổi tiếng nhất là Hoàng Đế Nhà Minh tàn ác trong Flash Gordon). Những đàn ông Châu Á đáng yêu thường là hơi lập dị và tức cười (Jackie Chan, Pat Morita hay John Cho). Trong cả hai trường hợp (kẻ hung ác và bạn tri kỷ), nhân vật Châu Á không bao giờ bằng được anh hùng Phương Tây rắn chắc và tự tin, và ít khi giành được người đẹp.

Trong khi đàn bà Châu Á có thể đáp ứng quan niệm truyền thống của Tây Phương về phụ nữ, đàn ông Châu Á trở nên kém hấp dẫn hơn khi được so với quan niệm truyền thống ở Tây Phương về nam giới. Người đàn ông Phương Tây lý tưởng là vạm vỡ và quả quyết, còn người đàn ông Châu Á lý tưởng là khéo léo và kín đáo.

Quan niệm của Phương Tây về đàn ông Châu Á có thể thay đổi trong tương lai, nhất là nếu thế kỷ này tiến triển thành “Thế kỷ của Châu Á”. Tuy thế, cũng giống như không có môn thể thao hay trò chơi nào lại cao cấp hơn môn thể thao hay trò chơi khác, có lẽ nam giới Châu Á thực ra không khá hơn hay kém hơn đàn ông phương Tây, tối thiểu là về mỹ học? Có lý do nào trong thế kỷ 21 để ta tin rằng to lớn hơn thì luôn luôn tốt hơn?

Như vậy, quan trọng hơn là ta đối đầu với định kiến rằng đàn ông Châu Á không hấp dẫn vì nó không sáng tỏ và có tính chất sô vanh. Chúng ta cũng nên nghi ngờ tư tưởng Nho giáo đặt đàn ông vào vị trí cao nhất trong gia đình và cộng đồng. Những hệ thống cấp bậc gia trưởng đã lỗi thời và bất công, không chỉ làm phụ nữ Tây phát chán, mà phụ nữ Châu Á cũng thấy thế khi họ “đoạn tuyệt” với những truyền thống và đạo đức đã bắt họ ở nhà và sống dưới quyền hành của đàn ông.

Trong Tạp chí Châu Á và Hoa Kỳ Học nhà nghiên cứu Kumiko Nemoto đã phỏng vấn vài chục phụ nữ Hoa Kỳ gốc Châu Á, những người đã từng hẹn hò hay lấy chồng da trắng. Tất cả những phụ nữ này thể hiện sự buồn giận với đàn ông Châu Á vì họ nhìn thấy sự lạc hậu, thiếu thông cảm và hờ hững. Theo một người được phỏng vấn, đàn ông Châu Á, “không phải là người hào hoa phong nhã…Họ không trìu mến…Tôi nghĩ cá tính của tôi không phù hợp với nhiều đàn ông Châu Á vì tôi quá tự lập.…tôi có tinh thần hướng ngoại quá cao.”

Tôi đã từng nghe những người phụ nữ Việt Nam ở những độ tuổi khác nhau và ở những nơi khác nhau thể hiện sự buồn giận tương tự về đàn ông Việt. Mới đây, khi tôi ráng “làm mối” một người bạn nam cho một người nữ, tôi nhấn mạnh anh này chu đáo và hiện đại, anh ấy trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn nên biết lo cho mình và chăm sóc cho người khác, anh ấy nấu ăn ngon lành và lau nhà sạch sẽ.

"Các học giả về giới và Châu Á học khẳng định rằng việc Tây Phương ham thích phụ nữ Châu Á gắn liền với cái nhìn cho rằng họ mềm mỏng và dễ phục tùng. Vì vậy, việc đàn ông Tây theo đuổi đàn bà Châu Á gắn với mộng tưởng cứu giúp, thuần hoá và truyền bá văn minh cho xã hội Châu Á. Ngoài ra, mẫu đàn bà hiền lành và nghiêm trang dễ thu hút những đàn ông Tây có quan niệm truyền thống – họ ngờ vực ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền lên sắc đẹp và vai trò về giới."

Chị ấy trả lời, “Tất cả điều đó sẽ thay đổi khi anh ấy có vợ.” Câu này làm cho tôi phải cân nhắc rằng đàn ông Châu Á nên suy nghĩ lại thái độ của mình đối với tình bạn và tình yêu, công việc trong nhà và công việc nuôi con nếu muốn tránh cảnh cô đơn suốt đời.

Cái trần bằng tre

Tác giả Mỹ gốc Hàn Quốc, Wesley Yang, mới viết bài tranh luận trong New York Magazine khẳng định nhiều phòng làm việc ở Mỹ đã xuất hiện cái “trần bằng tre” có khả năng trấn áp một cách kín đáo người Châu Á không cho họ vươn lên. Ông Yang xác nhận trong những nghề làm ăn qua nhiều thập kỷ, người gốc Châu Á đã chiếm ưu thế như kinh doanh, luật, y khoa và công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay có rất ít người Châu Á giành được vị trí quản lý và giám đốc.

Ông Yang tố cáo cái “thành kiến vô thức” này, nhưng lại phê bình nặng nề hơn những người Châu Á làm cho thành kiến kéo dài. Đặc biệt, sự bất tài của người Đông Á trong thể hiện tình cảm, sáng kiến và ý chí của họ, có nghĩa là có định kiến nhìn người Châu Á như người máy hơn là con người.

Nói cách khác, người Châu Á ở Phương Tây được đánh giá như xe máy Honda chắc chắn và bền, nhưng còn thiếu điểm đặc trưng hiện đại và mốt của xe máy Vespa và thua xa xe hơi BMW mạnh mẽ và sang trọng. Nghĩa là ở phương Tây nhân viên Châu Á được đánh giá xuất sắc, miễn là họ cúi đầu làm việc chăm chỉ và không đòi hỏi nhiều quá.

Tôi cũng thích sự hăng hái của ông Yang, nhưng tự hỏi liệu có phải ông Yang chống đối đạo đức Châu Á chỉ để phục tùng lý tưởng Mỹ về công việc và sự lãnh đạo. Hình như ông Yang đang kêu inh ỏi, “Chúng ta người Châu Á cũng trở thành phương Tây được!”

Điều này đưa ra một câu hỏi, “Người Châu Á có thể đạt được thành công và đóng góp cho phương Tây trong lúc còn trung thành với Châu Á không?” Tôi hy vọng câu trả lời là “Có thể”.

Châu Á hơn nữa

Việc thứ nhất mà người Châu Á trẻ nên suy xét là học thêm về cội nguồn của chính mình. Người Châu Á muốn di chuyển đến phương Tây nên nắm lịch sử, văn hóa, mâu thuẫn, thách thức và sắc thái xã hội gốc của chính mình. Không có kiến thức này, thì không bao giờ thay đổi định kiến về Châu Á ở Phương Tây được.

Đối với nhiều du học sinh Châu Á, việc thông thạo kiến thức xã hội, thời sự và di sản văn hóa của mình có nhiều lợi ích cho việc học tập. Nhiều khi, tôi chứng kiến sinh viên Châu Á ở Úc không thành công trong bài tiểu luận và công trình nghiên cứu hoặc không tham gia vào thảo luận trong lớp, không phải là vì kém tiếng Anh, mà vì thiếu những ví dụ, vấn đề và ý tưởng được rút ra từ kinh nghiệm của đất nước mình.

Tôi thường nghe nói những loại suy nghĩ và học hành kiểu Châu Á (cụ thể ở Việt Nam) là quá bị động, nên phải cải tạo cho năng động và sáng tạo hơn. Có thể ý kiến này đúng, tuy nhiên có mâu thuẫn trong việc đấu tranh để cho năng động và sáng tạo hơn nhưng rốt cuộc chỉ thành ra “như phương Tây thôi”.

Cuốn sách gây tranh cãi và bán chạy như tôm tươi của bà Amy Chua, Khúc chiến ca của Hổ mẹ, thăm dò những sự khác biệt rõ ràng trong phương pháp nuôi con của người Trung Quốc và người Tây. Bà Chua mô tả những chuyện kinh khiếp và hài hước khi nuôi hai đứa con gái: bắt chúng thi điểm cao nhất, từ chối niềm vui phù phiếm và bắt buộc học bài và tập chơi nhạc vài tiếng mỗi ngày.

"Người thanh niên Việt Nam chuyển đến phương Tây không cần sợ bị ô nhiễm văn hóa xa lạ làm cho mình mất thiêng. Chúng ta tồn tại ở giữa phương Đông, phương Tây và những nơi khác, và đồng thời vẫn là người Việt đầy kiêu hãnh."

Bà Chua nói học gạo “bị đánh giá thấp ở Hoa Kỳ”, trong khi bà cho rằng học gạo giúp làm tăng tiến trí óc, dũng cảm chịu đựng và cho ta cảm giác mình đạt thành tích nhờ gắng sức. Sau khi con mình trở nên xuất sắc – trong trường học, khi chơi piano, bơi lội – con mình sẽ thấy hoạt động ấy vui hơn và giá trị hơn (ý niệm này cũng được thể hiện rõ trong loạt phim TheKarate KidKung Fu Panda). Bà mẹ hổ cho rằng: hổ con kiên tâm chứ không yếu đuối, bà mẹ luôn chuẩn bị chúng cho tương lai và chứng minh tình yêu của mẹ hổ qua hy sinh lớn lao.

Khi làm việc với vài trăm sinh viên Tây mỗi năm, tôi thấy là họ cũng nên mang tính Châu Á hơn một chút. Nhiều khi họ bỏ quên hai bổn phận chính của sinh viên: im lặng và nghe lời. Sinh viên Tây thường nghĩ họ có lợi khi tweet, blog, SMS, hơn là cần phải học từ thầy cô giáo hoặc trong sách vở. Đôi khi vì họ rất bận “multi-tasking” (làm nhiều công việc trong một lúc), họ không thu được kết quả gì. Đương nhiên, hiện nay nhiều sinh viên Châu Á cũng thiếu tập trung và thiếu sự rèn luyện trí óc; những người này cũng nên mang tính Châu Á hơn.

Để hiểu người Tây thấy người Ta như thế nào, bạn nên biết là mỗi bên không phải là hoàn hảo và mỗi bên đều có những điểm và tính cách có thể giúp bên kia. Dĩ nhiên người Việt đã biết điều này từ lâu. Trong lịch sử lâu dài, người Việt nhiều lần phải vay mượn, thích nghi, và pha trộn ảnh hưởng từ nước ngoài, những ảnh hưởng mà sau một thời gian người Việt xem chúng là “của mình”.

“Không có văn hóa tinh khiết,” là lời nhắc của nhà nghiên cứu Hữu Ngọc. “Tất cả là sự pha trộn.” Quan niệm này được chứng minh trong thần thoại nguồn gốc dân tộc (“con Rồng cháu Tiên”), ngôn ngữ (quốc ngữ), tôn giáo (tam giáo), thời trang (áo dài) và thức ăn (phở). Vì vậy, nếu quá khứ là hướng dẫn cho hiện tại, thì người thanh niên Việt Nam chuyển đến phương Tây không cần sợ bị ô nhiễm văn hóa xa lạ làm cho mình mất thiêng. Chúng ta tồn tại ở giữa phương Đông, phương Tây và những nơi khác, và đồng thời vẫn là người Việt đầy kiêu hãnh.

Tiến sĩ Kim Huỳnh là giảng viên tại Đại Học Quốc Gia Úc, đã đăng tiểu sử về gia đình mình trong cuốn Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008) và là một trong hai chủ bút của cuốn sách The Culture Wars: Australian and American Politics in the 21st Century (Palgrave MacMillan 2009). Bản gốc tiếng Việt được bà Hà Thị Thu Hương từ Trung tâm Integrated Culture and Language Studies (ICLS) chỉnh sửa đôi chút và BBC biên tập lại.

Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/11/111111_kimhuynh_west_asia.shtml

No comments:

Post a Comment