Pages

Monday, January 30, 2012

CHUYỆN TÁI SINH


Câu chuyện tái sinh của Jenny
Tâm Diệu chuyển ngữ

Vào mùa xuân năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi, tên là Jenny, đang sinh sống với chồng và hai con ở thành phố Northamptonshire Anh quốc, đã đoàn tụ với năm người con của bà trong đời sống trước, tại Malahide, một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Aí Nhĩ Lan.

Mùa xuân năm nay 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình của chương trình 20/20 ABC, Hoa Kỳ, đã đến tận nơi đây làm phóng sự về câu chuyện tái sinh của bà mẹ này, cùng hội họp với những người con trong kiếp sống trước của bà. Ðây là câu chuyện tái sinh có thực, đã xảy ra vào cuối thế kỷ thứ hai mươi này, một câu chuyện cảm động về một người mẹ đi tìm con vượt biên cương, trở về kiếp quá khứ.

Ngay từ nhỏ, cô Jenny luôn luôn nhớ ra rằng mình đã có một đời sống ở kiếp trước, nơi một ngôi làng nhỏ bên bờ biển xứ Ái Nhĩ Lan, với tên là Mary. Mary, một người đàn bà trẻ, tầm vóc trung bình, đã từ trần 21 năm trước khi Jenny được sinh ra ở Anh Cát Lợi.



Jenny Cockell

Một trong những giấc mơ luôn luôn hiện lên trong trí nhớ của Jenny là giây phút lìa đời của Mary, trong nỗi đơn độc đau khổ của mình, và lo âu về tương lai đầy bơ vơ của các con, mà đứa lớn nhất mới có 13 tuổi. Nỗi lo âu và đau khổ này đã ám ảnh, hiển hiện thường trực trong tâm trí nàng từ lúc còn nhỏ.

Ngay từ khi mới bắt đầu cầm được cây bút, Jenny đã vẽ bản đồ làng, với những con đường dẫn đến một căn nhà mái tranh nơi Mary ở, đến nhà thờ, ga xe lửa, các cửa hàng bách hóa... và sau này so sánh với bản đồ Ái Nhĩ Lan của nhà trường, Jenny đã khám phá ra rằng, bản đồ mà nàng đã vẽ từ trí nhớ, và trong những giấc mơ tiền kiếp, đã thật giống với bản đồ một làng nhỏ nằm ở phía bắc thành phố Dublin Ái Nhĩ Lan, có tên gọi là Malahide.



Mary Sutton và con

Theo năm tháng, Jenny lớn dần cùng với hình ảnh căn nhà mái tranh, với từng căn phòng, góc bếp, với hình ảnh nhà thờ quán chợ, nơi thị trấn hiền hòa Malahide càng lúc càng rõ rệt. Trong tâm tưởng, nàng vẫn cảm thấy có lỗi với các con, khi bỏ chúng lại bơ vơ nơi cõi trần, nên nàng quyết định đi tìm con.

Jenny sắp đặt kế hoạch, nhưng lại không đủ khả năng tài chánh cho chuyến đi qua xứ Ái Nhĩ Lan, nên đành hoãn lại và tình nguyện làm một người thôi miên, cho một thôi miên gia chuyên môn tìm hiểu quá khứ. Qua thôi miên Jenny đã mô tả chi tiết căn nhà, từng bức hình treo trên tường, kể cả một tấm hình của Mary. Jenny cũng mô tả và vẽ ra hình nhà thờ.

Cuối cùng Jenny đã để dành đủ tiền, để thực hiện một chuyến du hành qua Ái Nhĩ Lan, đi tìm những dấu tích của căn nhà mái tranh, của những đường xưa lối cũ. Ðến Malahide, nàng đã đứng lặng trước một căn nhà, mà bên kia là ngã ba đường, dẫn về thành phố. Nàng thấy hình ảnh này sao mà quen thuộc quá, giống như trong trí tưởng, giống như bản đồ nàng đã vẽ.

Sau chuyến đi, Jenny trở về Anh quốc và bắt đầu thực hiện kế hoạch tìm con. Nàng viết thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan, các tổ chức sử học, các văn phòng hộ tịch, các chủ phố, và dân làng Malahide để yêu cầu giúp đỡ về tin tức của một người đàn bà tên Mary, chết vào năm 1930, cùng với tin tức về những người con của bà này.

Một thời gian lâu sau đó, Jenny nhận được thư của một chủ đất ở Malahide cho biết ở đó trước đây có một gia đình mà người mẹ tên là Mary đã chết sau khi sinh đẻ một thời gian ngắn, để lại sáu đứa con còn sống. Last name của người đàn bà bất hạnh đó là Sutton, và sau khi bà Sutton qua đời, những đứa con đã được gửi vào các cô nhi viện.



Nhà thương Rotundra Hospital nơi Mary qua đời

Ðúng như trong trí tưởng, và trong các giấc mơ về nỗi lo âu của Mary khi lìa đời, các con của bà đã thực sự bơ vơ đi vào các trại mồ côi. Jenny đau khổ gửi thư cho tất cả các viện mồ côi ở Ái Nhĩ Lan, để dò hỏi tin tức và cuối cùng một vị giáo sĩ của một nhà thờ thành phố Dublin đã hồi âm. Sau khi thư từ qua lại với các cơ sở họ đạo và bộ giáo dục Ái Nhĩ Lan, vị giáo sĩ này cho biết tên của tất cả sáu người con bà Mary, và nói rằng sáu đứa trẻ này đã trở thành Ki Tô hữu tại nhà thờ Thiên Chúa Giáo Saint Sylvester tại Malahide. Lá thư của vị giáo sĩ không dài lắm, nhưng đã mang lại niềm tin và hy vọng lớn lao cho Jenny.

Sau đó, qua niên giám điện thoại, Jenny đã gửi thư đến tất cả những ai mang họ Sutton tại Aí Nhĩ Lan. Nàng cũng nhận được một bản sao giấy khai tử của Mary, và hai bản sao giấy khai sinh của hai người con, nhưng vẫn không tìm ra tung tích. Một lần nữa Jenny lại gửi thư cho tất cả các báo ở Dublin, và thư cho giáo sư Tiến sĩ Stevenson, một chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng của đời sống quá khứ để nhờ giúp đỡ. Stevenson giới thiệu Jenny với Gitti Coast, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan truyền thông Anh quốc BBC.

Một thời gian khá lâu sau đó, Jenny nhận được điện thoại từ người con thứ hai ở Ái Nhĩ Lan. Cuộc nói chuyện hết sức khó khăn, với nhiều tình cảm lẫn lộn, nhưng nói chung có những dấu hiệu tốt đẹp. Jenny hứa sẽ gửi toàn bộ hồ sơ lưu trữ từ nhiều năm qua. Tư tưởng của nàng lúc này cũng lộn xộn. Mặc dầu biết là các con của Mary bây giờ đều đã ở vào lứa tuổi 50 và 60, nhưng Jenny vẫn có cảm giác mạnh mẽ về tình mẫu tử, vẫn có cảm giác mình là mẹ của họ.

Giai đoạn cuối của công cuộc tìm kiếm đã tới. Nàng thông báo đầy đủ diễn tiến mới cho Gitti Coast của đài BBC. Câu chuyện kỳ lạ của nàng đã khiến cho đài BBC muốn dự án tìm con của Jenny, trở thành một tài liệu sống của ban nghiên cứu, nên đã thương lượng với Jenny. Phần Jenny, nàng chỉ yêu cầu có một điều duy nhất, là đặt sự phúc lợi và niềm an bình hạnh phúc của gia đình lên trên hết.

Chờ mãi không thấy thư của người con thứ hai, mà Jenny đã nói chuyện qua điện thoại, nàng quyết định liên lạc với Sonny, hiện đang ở thành phố Leeds Anh quốc.


Sonny Sutton và Jenny

Sonny là người con đầu của Mary Sutton, khi Mary qua đời cậu mới 11 tuổi, và vào ngày Thứ Ba 15 tháng 5 năm 1990 sắp tới, Sonny đã 71 tuổi. Qua cuộc điện đàm, Jenny mô tả cho Sonny biết về quá khứ của cậu, về hình ảnh căn nhà mái tranh, về tính nết của cậu, về những lời nói hay câu mắng của Mary với cậu hồi đó. Ði từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và khó có thể ngờ được người đầu dây bên kia lại chính là mẹ mình. Sonny ngỏ ý muốn được gặp Jenny ngay.

Như đã thỏa hiệp với đài BBC, Jenny thông báo những biến chuyển mới cho họ biết. Ðài BBC muốn phỏng vấn Sonny trước, và trong thời gian này hai người không được liên lạc với nhau. Họ muốn nghiên cứu tường tận về Sonny, rồi phân tích và so sánh với những dữ kiện mà họ đã có về Jenny. Cũng trong thời gian này, họ đã phỏng vấn thêm Jenny về những điểm chưa sáng tỏ.

Cuộc điều tra của đài BBC kéo dài 4 tháng, và cuối cùng Jenny đã đích thân lái xe đưa cả gia đình của nàng đến thành phố Leeds hội ngộ cùng Sonny. Cuộc đoàn tụ đã diễn ra thật cảm động; Giấc mơ đi tìm con của Jenny đã trở thành sự thực, hai mẹ con, mẹ trẻ con già, đã ôm nhau với những dòng nước mắt tuôn trào.

Sonny cũng như Jenny đều đã nhận được bảng phân tích và so sánh dữ kiện của đài BBC trước đó. Các chuyên gia đài BBC đều không thể ngờ được rằng những sự kiện hiện ra trong tâm trí lại có thể đúng một cách chính xác với thực tế như vậy, và chuyện có một đời sống sau khi chết đang hiển hiện rõ ràng.

Năm 1993, với sự giúp đỡ của Sonny, Jenny đã hội ngộ với tất cả 5 người con còn sống. Hơn 60 năm từ khi mẹ họ qua đời, anh em mới được đoàn tụ với nhau, và đặc biệt hơn cả là đoàn tụ với người mẹ đã tái sinh, trẻ trung trong kiếp sống này, để đi tìm họ.



Gia đình Sutton

Năm 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình chương trình 20/20 đài ABC Hoa Kỳ, đã một lần nữa mang Jenny và 5 người con trở về thị trấn Malahide đoàn tụ với nhau, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 75 của Sonny.

Trong dịp này, Jenny đã được người con cả, nay đã 75 tuổi, dẫn đến thăm mộ phần của nàng kiếp trước. Đứng trước phần mộ và ống kính thu hình, nàng đã nói rằng:

"Không có ai trong mộ này. Cái còn lại trong đó chỉ là những mảnh xương khô, thực sự không là gì cả, phần năng lực tinh thần hiện nay đang ở trong tôi."

Tâm Diệu
Theo tài liệu của chương trình 20/20, đài ABC,
phát hình vào lúc 10 giờ đêm Thứ Sáu ngày 10 tháng 6 năm 1994


Chuyện Tái Sinh Của Samten
Thích Nguyên Tạng

Thượng tọa Thubten Zopa Rinpoche, sáng lập viên Hội Bảo vệ Truyền thống Phật giáo Đại thừa (năm 1975, văn phòng trung ương đặt tại bang California, Hoa Kỳ). Hiện tổ chức này có gần một trăm chi nhánh trên khắp các châu lục. Vừa qua, một tu viện tại Nepal đã cử hành lễ "thụ phong" cho một chú bé bốn tuổi mà giới PG Tây Tạng xem đây là người tái sinh của cụ bà Amala (cố mẫu thân của Thượng tọa Thubten Zopa Rinpoche). Dưới đây là bài viết của Sư cô Robina Courtin, người Hoa Kỳ, đúc kết lại những gì đã nghe và thấy về cuộc "hành trình chuyển tiếp" khá lý thú này.

"Tôi đã tìm thấy được mẹ tôi", Ngawang Samten, chị của Thượng tọa Zopa, la lên một cách vui sướng khi vừa gặp lại cô Merry Colony (người Anh), vào tháng Tám năm 1993, sau hai năm vắng mặt từ ngôi làng bé nhỏ, nằm trong vùng núi đá lởm chởm thuộc vùng Khumbu, nước Nepal.

Trong thực tế, cụ bà Amala, bà thân sinh của Thượng tọa Zopa Rinpoche, được rất nhiều người biết đến, đã qua đời vào đầu năm 1991. Merry nghĩ rằng chắc Ngawang Samten muốn ám chỉ một điều gì đó có liên quan đến sự tái sinh của cụ Amala. Merry rất thân với cụ Amala và Ngawang Samten trong dịp cô đến tu thiền trong một hang động gần đó và thường đến thăm họ ở Chùa Lawudo. Cả hai đều là nữ tu, công việc chính của họ là chăm sóc các hang động và ngôi Chùa này. Họ đến đây từ Thami, Tây Tạng.

"Gia đình tôi rất nghèo", Ngawang Samten nhớ lại, "bố tôi qua đời lúc em trai tôi, Sangye, còn trong bụng mẹ. Mẹ tôi suốt ngày đi chặt củi đổi lấy gạo để nuôi cả gia đình. Bà chỉ kiếm vừa đủ để nuôi anh em chúng tôi và bà thường lượm những mảnh vải người ta vứt trong thùng rác để may áo quần cho chúng tôi.”

"Và bà ta thường đến biên giới Tây Tạng (hai ngày đi bộ) mua muối", Merry nói, "đem về bán cho người ở trong làng. Bà cụ là một người nhỏ nhắn nhưng rất khỏe mạnh, bà đã làm mất đi nhiều ngón tay của mình khi chặt củi. Giống như nhiều người ở miền núi, bà cụ không biết chữ, bà cũng không biết nhiều về giáo lý. Nhưng bà tin tưởng đức Bồ Tát Quán Thế Âm và siêng năng thọ trì câu thần chú "Án ma mi bát di hồng" trong mọi lúc, mọi thời, và bà cụ rất tận tụy với các Tăng Ni. Mỗi ngày bà đều chăm sóc hang động, quét dọn, cúng dường hương đăng trên các bàn thờ.”

Gần đây, Thượng tọa Zopa Rinpoche cũng cho biết rằng: "Sau khi làm xong mọi việc trong Chùa mỗi ngày, bà cụ đều đến đảnh lễ Phật và cầu nguyện cho tôi. Bà cụ nói là bà cầu nguyện cho tôi 3 lần trong một ngày: sáng, trưa và buổi tối.”

"Mẹ cầu nguyện những gì?", tôi hỏi bà cụ, "bà nói rằng bà chỉ cầu mong chư Phật gia hộ cho tôi vượt qua mọi chướng ngại trên con đường tu học của mình.”

Vào tháng 12 năm 1990, cụ Amala muốn đi thăm đức Đạt Lai Lạt Ma (ở Ấn Độ) trước khi cụ qua đời. Già và yếu, nhưng bà vẫn cố gắng băng núi đèo để đến Kathmandu, và rồi đến đỉnh Sarnath (Bắc Ấn), đi cùng với bà có cậu út Sangye và Ngawang Samten.

"Đó là ngày trăng tròn tháng Giêng năm 1991", Sangye nhớ lại, "cũng là ngày cuối cùng của khóa tu Mật tông Kalachakra. Suốt ngày hôm đó, cụ Amala, chị Ngawang và tôi đã dự lễ điểm đạo của đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó chúng tôi trở lại túp lều và cụ Amala bảo: "Mẹ muốn nghỉ ngơi, đừng quấy rầy mẹ.”

"Chúng tôi linh cảm là có một điều gì đó sắp xảy ra, chúng tôi quanh giường của cụ khoảng mấy phút sau, cụ trở mình nghiêng bên phải và rồi "mất" tại đó. Khuôn mặt của bà như đang ngủ.” "Bà cụ vẫn nằm trong tư thế "kiết tường" như vậy trong 3 ngày, nét mặt đẹp hơn, sáng hơn. Chúng tôi không chạm đến thi thể của cụ cho đến chiều ngày thứ ba, nét mặt vẫn không thay đổi. Chúng tôi tiến hành tang lễ và hỏa táng sau đó. Có hơn 200 Tăng Ni và Phật tử đến dự.” "Rõ ràng vào ngày cụ Amala qua đời là ngày trăng tròn, người dân trong vùng Lawudo (ở Nepal) nhìn thấy một con chim ưng lông trắng bay lượn ba vòng ở trong vùng rồi sau đó bay về hướng Đông Tây Tạng. Sau này họ nói với tôi về điều đó, họ nói là họ rất ngạc nhiên.

Trên đây là toàn bộ câu chuyện mà Ngawang đã kể cho cô Merry nghe, khi cô đến thăm Lawudo vào tháng Tám năm 1993.

Vào đầu tháng Bảy năm đó (1993), Ngawang Samten hay tin một người bạn láng giềng của chị là Lhakpa bị tai nạn, vì thế chị quyết định đi thăm cô ta. Ngawang không gặp cô ta từ khi cụ Amala qua đời. Gia đình cô dời về ở một ngôi làng Genukpa cách Chùa Lawudo khoảng mười lăm phút đi bộ.

Đó không phải là nơi gần với Lawudo, nên Ngawang Samten và Lhakpa ít khi gặp nhau. Lhakpa bị thương ở chân nhưng không nặng lắm. Cô ta rất mừng khi gặp lại Ngawang Samten. Lhakpa có 4 đứa con, đứa nhỏ nhất là một cậu bé được sanh sau khi cụ Amala mất vài tháng ở Ấn Độ. Lhakpa bắt đầu nói với Samten về đứa con trai út của mình. Nó là một đưá trẻ thông minh lạ thường, cô ta nói, từ khi nó tập nói lúc 2 tuổi, chú bé thường nhắc đến Chùa Lawudo, một ngôi Chùa mà chú chưa từng biết đến bao giờ. Vì thế, điều này làm cho cô ta và cả gia đình rất kinh ngạc.

Và khi Ngawang Samten gặp riêng chú bé, chú dường như nhận ra chị, và chú yêu cầu chị đưa chú đi thăm Chùa Lawudo. Chú bé là một đứa trẻ đẹp và khỏe mạnh, chú bày tỏ sự quen thuộc đối với Lawudo: nhắc đến tên của 3 con bò chẳng hạn. Và chú tiếp tục nói là chú muốn đi đến đó: "Đó là nơi mà cháu đã từng sống", chú nói. Ngawang Samten rất ngạc nhiên và chị bắt đầu đến thăm chú bé thường xuyên hơn và luôn luôn tìm thấy những điều tương tự. Chú yêu cầu chị: "Hãy đưa cháu về Lawudo đi.”

Một điều đáng chú ý hơn, là chú thường nhắc đến Sangye, Thượng tọa Zopa Rinpoche và ngôi tu viện Kopan của Ngài, trong khi tu viện đó ở dưới thung lũng Kathmandu. "Cháu tự hỏi không biết khi nào Thượng tọa và Sangye sẽ đến thăm cháu, chú nói. Ngawang Samten đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chú đưa ra những thông tin mới hơn: "con đường đi đến tu viện Kopan rất xấu, có lẽ họ đang bận rộn sửa sang lại nó.” Rõ ràng, đó là sự thật. Chú bé cũng thường bày tỏ ý định muốn đến Kopan một mình.

Một ý tưởng nảy sinh, phải chăng chú bé này là một bằng chứng tái sinh của mẹ chị? Ý tưởng đó đã ngự trị và trở nên rối bời trong đầu óc của Ngawang Samten nghĩ rằng mình không thể ngạc nhiên và bỏ qua cơ hội này và chị quyết định trắc nghiệm chú bé.

Cuối cùng, chị đưa chú bé về thăm Chùa Lawudo. "Ngay khi bước vào phòng ăn", chị nhớ lại "chú bé bắt đầu mô tả nhà bếp, những băng ghế, cái lò sưởi và điều đáng chú ý là chú chạy lên Chánh điện và đi kinh hành mấy vòng, giống như cụ Amala đã từng làm, dù ở đây chú hay bị vấp và té, bởi vì chú nhỏ quá.”

Ngawang Samten cùng kiểm tra với Hòa thượng Wangchuk, một Lạt Ma địa phương lừng danh trong việc quan sát các trường hợp như thế. Và Ngài đã xác nhận chú bé này đúng là người tái sinh của cụ Amala.
(Theo tạp chí Mandala, tháng 11/1997)


Chuyện cậu bé “tái sinh”

- Chuyện "hóa kiếp", "đầu thai" hay con người có biểu hiện nhớ lại về "tiền kiếp" của mình diễn ra trong quá khứ đều được gọi chung là kiếp luân hồi đã tồn tại hàng ngàn năm trong triết lý nhà Phật khi nhắc đến chuyện tái sinh.

Cho đến nay phần lớn người ta vẫn cho rằng đó là một bí ẩn, chưa có một bằng chứng khoa học nào có thể lý giải về những trường hợp đã từng xảy ra như vậy. Thông thường có một cách lý giải – đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên! Vậy kiếp luân hồi có thực là sự ngẫu nhiên và mang lại cho con người điều gì?

Kỳ I: Thần bí hay sự bù đắp hoàn hảo

Kiếp luân hồi dễ nhận thấy ở người trẻ?

Câu chuyện về kiếp luân hồi đã không còn mới tại Việt Nam, cách đây vừa tròn 80 năm nước ta lần đầu tiên ghi nhận về trường hợp cậu bé Phạm Văn Non được đăng trên tờ “Cao Đài Tạp Chí” (Revue Caodaiste) xuất bản bằng tiếng Pháp, số ra tháng Giêng năm 1931 dưới ngòi bút ông Hiến Pháp. Câu truyện được thuật lại như sau: Trong một lần tình cờ cậu bé Non gặp một ông lão và buột miệng dự đoán ông ta chỉ sống thêm 10 ngày nữa rồi sẽ về miền cực lạc. Không chấp đứa trẻ ranh vì cho rằng nó đùa cợt, về nhà ông kể lại cho bố mẹ nó nghe và để dạy nó cách ứng xử.

Thế rồi đúng 10 ngày sau ông lão chết thật, cậu bé Non trở nên nổi tiếng khắp vùng, nhiều kẻ hiếu kỳ đổ xô đến nhà Non để dự báo cho mình chuyện sống chết, tuy nhiên có một điều đặc biệt là nó chỉ dự báo cho những người có bản chất tốt, còn đối với kẻ không lương thiện thì trả lời bằng giọng miễn cưỡng và vắn tắt.

Câu chuyện được chú ý bằng việc Non nói về tiền thân của mình (nghĩa là kiếp trước): “Trước kia, tôi đầu thai làm đàn bà, mẹ của một vị hương chức tên C ở Sông Tra (Đức Hòa). Hiện giờ, trước ngôi nhà cũ của tôi có một hàng cây. Tôi nhớ rõ có một cây đinh đóng lút vào thân cây cau, ngày nay vẫn còn. Trong ngày này, giờ này, người ta đang làm đám giỗ tôi. Rất tiếc là tôi không đến dự được!”. Lời tiết lộ lạ lùng và đột ngột ấy đã khêu gợi tính hiếu kỳ của một vài người, nên họ đích thân đến Sông Tra điều tra xem có đúng như vậy không.

Và họ hết sức ngạc nhiên khi mọi chi tiết đều chẳng sai chút nào. Đứa bé còn quả quyết rằng, cùng “đầu thai” với nó có một đứa con gái tên Tang, con của một cô đào hát ở gần đó. Nghe vậy người ta dẫn nó tới rạp hát, nó chỉ ngay đứa con gái ấy giữa một đám đông con gái khác đang ngồi xem hát. Người ta hỏi thăm ngày sinh, tháng đẻ của Tang thì cũng y như ngày sinh, tháng đẻ của Non. Và bài báo theo lời người ta thuật lại, càng lớn Non càng quên dần những việc về kiếp trước của mình. Phải chăng vì không muốn bị người ta làm phiền mà Non bảo thế?

Rồi đến năm 1932, trên tờ “Đuốc Nhà Nam” đăng ngày 6/9 tại Sài Gòn có bài viết “Một hiện tượng ly kỳ về Thần linh” về đứa trẻ 4 tuổi có tên Mọi. Điều kỳ lạ bởi nó thỉnh thoảng nhìn nhận cha mẹ nó là một người nó không hề biết. Chuyện ly kỳ được bắt đầu khi tự dưng cậu bé đến ngồi trước cửa một gia đình có cô con gái đã mất gần nhà trước đó. Chuyện buồn chưa nguôi nhưng đứa trẻ hàng ngày cứ đứng trước cửa nhà, dù có đuổi nó vẫn một mực kêu rằng: “Cha mẹ tôi đây, nhà tôi đây, cớ sao lại đuổi?”. Chiều đến, khi cha mẹ nó tới đưa về, nó nhất mực không chịu theo, ngọt nhạt thế nào cũng không được. Cực chẳng đã, cha mẹ nó đành tạm để nó ở lại rồi buồn bực ra về.

Kể từ đó, “vị khách nhí không mời” ở trong căn nhà lại biết rõ từng ngóc ngách, vị trí đồ đạc chỗ nào cũng quá quen thuộc, dường như đã ở lâu lắm rồi.

Chuyện không còn mới

Hai câu chuyện tái sinh trên đều là trường hợp chết bất đắc kỳ tử, có điểm chung dễ thấy họ đều là những người còn rất trẻ. Trở về với hiện tại, tôi có chút liên tưởng đến một trường hợp “con lộn” tức là sự “tái sinh” được ghi nhận tại Hòa Bình. Cái tên Nguyễn Phú Quyết Tiến, chắc hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ, cách đây vài năm báo chí đã tốn không ít giấy mực và tràn ngập thông tin trên mạng về cậu bé này. Mặc dù thực hư chuyện ra sao nó cũng chỉ được coi là một sự kiện lạ và trùng hợp, có người tin và người không tin. Theo thời gian nó lại xóa nhòa như biết bao trường hợp khác. Nhưng với tôi mọi chuyện đều không quan trọng, đằng sau là một câu chuyện đầy cảm động. Trước khi lên đường, tôi chủ động liên hệ với anh Tân bố cháu Quyết Tiến khá nhiều lần, tuy nhiên anh không nhấc máy. Bất đắc dĩ tôi đánh liều để lại dòng tin nhắn ngắn ngủi đợi chờ đến chiều tối thì anh gọi lại và bảo rằng: “Chuyện có gì đâu, các anh lại viết về con tôi để “câu khách” phải không?”.

Cuối cùng tôi nhận lời hẹn xuống đến thị trấn Vụ Bản, tới sân vận động huyện anh sẽ ra đón. Nhưng khi đặt chân đến nơi, tôi muốn tự tìm đến nhà anh để xem “tiếng tăm” cậu bé này “nổi” đến cỡ nào. Xóa bỏ mọi hoài nghi, quả thật trăm nghe… nhưng đúng bằng một thấy, không quá khó để hỏi thông tin của cậu bé nổi tiếng này vì bất cứ ai cũng có thể dẫn tôi đến tận nhà nếu cần. Tạt vào một quán nước toàn người dân tộc, bà chủ quán nói tiếng Kinh bằng giọng lơ lớ: “Nó qua đây vẫn trêu suốt à, nó đang trong nhà đấy!”. Nói xong bà ta chỉ tay hướng về ngôi nhà khang trang vừa được xây lại, nằm quay lưng lại dòng sông Bưởi.

Gặp anh trong không khí cởi mở, sau này anh giải thích chuyện “né” cánh báo chí rằng: “Cu cậu sang tuần là vào lớp 4, muốn để cháu tập trung cho việc học tập”. Cũng có nhiều nhà báo, nhà ngoại cảm, hay khách vãng lai ở nơi khác tìm đến nhưng tôi từ chối cả. Đối với người dưới xuôi cảm thấy lạ lẫm, chứ ở đây lại rất bình thường – anh Tân cho biết. Đã quá trưa, cũng là lúc Tiến (tên thật là Bình đã “lộn về”) đang ngủ, trong lúc chờ đợi để hỏi chuyện cậu bé.

Anh Tân cởi mở nhắc lại chuyện cũ: Nguyễn Phú Quyết Tiến chính là cậu con trai duy nhất của anh chị Tân – Thuận, cháu sinh năm 1992 và đến khi 5 tuổi thì tai họa ập xuống, cháu ngã dưới dòng sông Bưởi ngay sau nhà và bỏ cha mẹ sang một thế giới khác. Đau khổ, suy sụp khi vợ chồng anh đã mất đứa con duy nhất dứt ruột đẻ ra và chị Thuận cũng không còn khả năng sinh con vì lý do sức khỏe.

Đến năm 2006, tại Xóm Cọi cách đó không xa có cậu bé Mường có tên Bùi Lạc Bình, được gần 4 tuổi nhưng có nhiều biểu hiện rất lạ kỳ, có thể nhận thức được toàn bộ chuyện “tiền kiếp” bằng tiếng Kinh của mình như thế nào. Cha mẹ người Mường nhưng từ khi biết nói nó lại chỉ thạo tiếng Kinh, mặc dù không ai dạy. Người đầu tiên phát hiện ra câu chuyện là cô giáo Đông, người dạy Tiến khi còn sống học ở Trường mầm non Hoa Hồng cách nhà mấy bước chân. Tình cờ một lần cô giáo Đông vào xóm Cọi gặp Bình đang chuẩn bị vào mẫu giáo, cô Đông hỏi cháu bé muốn học ở đâu thì đột nhiên cháu bé bảo: “Muốn học ở Trường Hoa Hồng gần nhà tại thị trấn”. Sao cháu lại biết được trường đó, cô Đông thắc mắc không hiểu tại sao một thằng bé 4 tuổi, chưa bao giờ được mẹ đưa xuống thị trấn và nói tiếng Kinh một cách rành rọt đến vậy.

Nghe cô hỏi, Bình đáp lại một cách hồn nhiên: “Nhà cháu gần nhà ông Lai (tức hàng xóm nhà anh Tân) nên cháu biết”. Nghe đến đây, cô Đông như bủn rủn chân tay, mọi chi tiết đều trùng khớp một cách kỳ lạ, cô linh cảm một điều rất khó tin về Tiến đã mất con anh Tân đang liệu có trở về. Tuy nhiên, sợ chuyện “khó tin” này đem kể ngay cho vợ chồng anh Tân, cô Đông sợ gia đình chỉ nhận thêm nỗi buồn bởi chuyện này quá kỳ lạ. Kể từ đó cô âm thầm để ý thằng bé, và người thứ 2 biết đến dấu hiệu bất thường của Bình chính là chị Dự, một người phụ nữ bất hạnh – Mẹ đẻ cháu Bình. Hai người phụ nữ đều nhận thấy biểu hiện lạ lùng của Bình tâm sự với nhau.

Cô Đông đem chuyện kể lại với những giáo viên trong trường, trong đó có cô giáo Phương là bạn thân của chị Thuận vợ anh Tân, thế rồi cô Phương đem chuyện kể lại với cô Thuận rằng: “Có đứa bé 4 tuổi bên xóm Cọi tính tình y hệt thằng Tiến nhà chị, cứ đòi về đúng nhà, học đúng trường”. Bán tín bán nghi, chị Thuận đem chuyện kể lại cho chồng… Anh chị bắt đầu hành trình đi tìm con theo những lời tiên ứng trùng khớp trước đó.

Kể đến đây, anh Tân hút điếu thuốc rồi đôi mắt nhìn xa xăm nghĩ về điều dự báo của hai người thầy bói lẽ nào có ngày thành sự thật. Anh nhớ ngày Tiến mất có bà thầy bói Mường bảo: “Nó thiêng lắm, rồi sẽ sớm về thôi”. Nghĩ lại, anh chẳng tin gì vào mấy chuyện đó cả, nỗi đau chưa thể nào quên, anh cho rằng có thể họ muốn an ủi mình. Thấm thoắt Tiến đã mất được 3 năm, vào năm 2000 cũng là lần thứ 2 anh đi xem bói ở chỗ thầy Di trên Hòa Bình để xem ngày lành, tháng tốt sang cát cho con, lần này cũng vậy, thầy dự báo trước sau gì nó cũng “lộn” về. Không cần sang cát chỉ xây đắp mộ con thêm chắc chắn.

Ngày Tiến trở về ngôi nhà cũ mọi chuyện cũng trở nên bình thường, em cũng học hành vui chơi cùng bè bạn. Trong con mắt người dân nơi đây, Tiến là đứa trẻ ngoan, được bà con xóm làng rất quý mến. Chẳng ai tỏ ra thắc mắc hay khó tin về câu chuyện đó nữa và đây cũng không phải trường hợp trẻ “tái sinh” đầu tiên ở Vụ Bản mà còn nhiều trường hợp “con lộn” khác cũng nói về tiền kiếp của mình tương tự như Tiến, biết ai là cha mẹ, tên tuổi người thân của mình trong “kiếp” trước.

Điểm khác biệt duy nhất ở trường hợp này là Tiến quay về ăn ở hẳn trong ngôi nhà khác mà cậu cho rằng mình được bố mẹ sinh ra. Nghĩ một chút về những người “hưởng” kiếp luân hồi xem ra cũng chẳng có gì quá đặc biệt bởi một lẽ họ sống hòa nhập bình thường như mọi người. Không có khả năng gì thần thánh hay siêu phàm mà ta nghĩ họ từ cõi chết “lộn” lên, điều đó cũng là lý do chưa có trường hợp nào lợi dụng việc “hơn người” để tăng tính dị đoan vì một mục đích nào đó gây ảnh hưởng đến xã hội.

Quyết Tiến - một đứa trẻ hàn gắn nỗi đau

Bất chợt tôi nghĩ đến chị Dự, tự hỏi rằng kiếp luân hồi có quá vô tình khi “cướp đi” linh hồn đứa con đẻ của chị Dự mang sang gia đình khác, có phải số phận đã quá bất công với người phụ nữ khi mà cha mẹ và chồng của chị đã mất cả, còn mỗi Bình là người con dứt ruột đẻ ra cũng không thừa nhận chị là mẹ đẻ từ khi nó mới biết nói. Trong tiềm thức của nó chỉ có anh Tân, chị Thuận mới là người sinh thành, vô tâm tôi nghĩ còn mỗi đứa con là tài sản lớn nhất cũng đã xa rời nốt, người mẹ đó hiện đang sống ra sao. Vậy kiếp luân hồi có sự bù trừ nào công bằng không?


Đang băn khoăn thì cũng là lúc Tiến vừa ngủ dậy, nhìn qua cũng chẳng thấy em có gì “khác người”, đôi mắt sáng trong, giọng nói lanh lợi lễ phép chào tôi. Tiến học rất giỏi, hiện đang là học sinh lớp chọn của Trường THCS Vụ Bản. Anh Tân trêu: “Anh này làm cùng mẹ Dự muốn đón con về bên xóm Cọi chơi ít hôm đấy”. Nghe xong, nó ngượng nghịu quay mặt đi chỗ khác tỏ vẻ lo lắng lắm, trước khi chia tay anh Tân cậu bé đã dẫn tôi đi 1 vòng qua ngôi Trường Hoa Hồng để lên UBND xã. Có nhiều người bảo những trường hợp như thế này thường thì qua một Giáp, nghĩa là sau 12 tuổi đứa trẻ càng lớn thì càng quên dần về quá khứ của nó.

Anh Tân cũng nhận xét đúng là cháu Tiến đang quên dần về “tiền kiếp”, nó cũng rất ít thể hiện điều đó cho người lạ biết, trừ khi làm nó bực tức nếu bắt ép về xóm Cọi (nhà mẹ đẻ) thì nó mới thể hiện lời nói “lạ”. Cháu không còn tự nhận bằng vai phải lứa với đám bạn đã gần 20 tuổi kiểu “mày – tao” như còn bé. Khi tôi hỏi Tiến có còn nhớ chỗ mình ngã xuống sông thì cháu lắc đầu, tôi hỏi nhớ mẹ Dự không, cháu trả lời lí nhí là không nhớ. Theo anh Tân, tương lai cháu Tiến còn dài phải lo cho cháu nên người, có hay không chuyện cháu quên “tiền kiếp” và lựa chọn cuộc sống cho riêng mình sau này hay không là điều mà anh quá coi trọng.

Chia tay anh Tân, tôi tìm về ngôi nhà bên xóm Cọi mà Bình – Tiến đã sinh ra. Nhìn căn nhà nghèo xơ xác không một bóng người, nằm cô quạnh trong buổi xế chiều. Hỏi ra, chị Dự đang làm trên Hà Nội đã lâu…

Tôi hẹn gặp được chị Dự cũng là lúc chị vừa gạt xong những giọt mồ hôi kết thúc một ngày làm việc đầy vất vả ở một công trường tại Hà Nội, hỏi ra mới biết công việc chị làm phụ hồ trên này cũng được gần 2 năm. Nhìn thân hình mảnh mai, gầy gò của chị, tôi hỏi: “Sao chị không tìm công việc gì thích hợp hơn?”. Chẳng chút đắn đo, chị bảo: “Dù làm bất kể việc gì cũng tôi chẳng nề hà, có thế nào vẫn hơn ở quê, mình nuôi được thân mình không phiền đến ai” – chị Dự nói.

Gặp tôi lần đầu, cách nói chuyện của chị xem ra rất khiêm nhường và có điều gì đó rất cảnh giác với người lạ. Để đến khi tôi mang bức ảnh cháu Bình khoe với chị khi chụp ở nhà anh Tân và sang tuần Bình vào lớp chọn của Trường Vụ Bản, đã lâu chị không được về thăm con nghe tin của tôi nét mặt chị rạng ngời hẳn lên. Đem những thắc mắc cá nhân chia sẻ với chị Dự, chị kể lại cuộc đời mình trái hẳn với suy nghĩ của tôi. Một người mẹ nghèo và can trường, sống chịu đựng và đầy cao cả. Cha mẹ mất sớm, chị lập gia đình một cách miễn cưỡng. Cùng một mái nhà nhưng tình cảm vợ chồng chẳng mặn mà, đến năm Bình lên 3 thì chuyện lạ kỳ đó xảy ra… Khi cháu biết nói thì rất thạo tiếng Kinh, lớn hơn một chút không hiểu tại sao cứ vào ngày Rằm, mùng Một hằng tháng, nó lại lăn ra ốm rất nặng và nằng nặc đòi về dưới thị trấn.

Trời xui đất khiến, tôi nào có biết ngôi nhà đó là của ai. Tháng nào cũng phải đèo nó đến số nhà 25 đường Hữu Nghị như một liệu pháp chữa bệnh kỳ quặc, khi về nhà nó đỡ thật. Nhớ một lần, hôm đó 2 mẹ con đang ngồi dưới cái nắng chang chang như chẳng một lý do nào cả, khi đó chị Thuận đi làm về theo thói quen chị đóng cửa. Mắt nó nhìn chằm chằm vào chị Thuận, trên đường về nó tỏ vẻ giận dỗi: “Lần sau mẹ đừng bao giờ đưa con đến ngôi nhà đó nữa”. Sau này tôi mới hiểu, nó trách chị Thuận đã không nhận ra và mở cửa cho nó vào nhà – chị Dự kể.

Có hôm dở chứng, nó đòi về nhà thay quần áo. Chị nghĩ trẻ con nói vu vơ, trách nó: “Mẹ có nghèo nhưng chẳng để con thiếu thốn, rách rưới, nhà mình đây sao con phải bắt mẹ đèo đến nhà người ta xin quần áo như thế”. Giận con chị đánh nó mấy cái, bỗng dưng nó gào khóc: “Mẹ mà đánh con sẽ chết lần nữa cho mà xem…”. Ngày anh Hoan mất, gọi cháu vào thắp bên linh cữu cha nó nén nhang nó cũng không vào. Mãi về sau, nó lặng lẽ an ủi chị Dự: “Mẹ đừng buồn, có thật là cha đã mất rồi không?”.

Nhớ lại ngày anh Tân sang làm thủ tục nhận con trên huyện, chị khóc thương con rất nhiều, gạt đi nước mắt chị nghĩ, vợ chồng anh Tân cũng đáng thương, đặc biệt là chị Thuận không còn khả năng sinh con nữa, đó mới chính là điều mất mát quá lớn của một người mẹ. Bằng sự cảm thông của hai người phụ nữ, ngẫm lại số phận cũng thật công bằng. Cháu Bình ra đời có sự sắp đặt rất thấu tình đạt lý, 5 năm đã qua chị chứng kiến cháu ngày một khôn lớn, không thể phủ nhận tình cảm hết mực yêu thương của anh Tân, chị Thuận. Mặc dù đã thay tên, đổi họ Tiến vẫn mãi là con đẻ của chị. Có thể không nói ra bằng lời, nhưng trong sâu thẳm chị hiểu nó rất hạnh phúc khi đang sống trong sự yêu thương của 2 người mẹ. “Thỉnh thoảng nó cũng dành thời gian động viên, tâm sự với tôi qua điện thoại” – chị Dự nói.

Kiếp luân hồi diễn ra với bất kỳ ai?

Anh Tân nhớ có lần cháu Tiến buột miệng trả lời câu hỏi vì sao lại bỏ bố mẹ không lời từ biệt như thế rằng: “Con có bỏ bố mẹ mà chết đâu, tại nó đẩy con xuống sông đấy chứ”. Anh tự nhủ “nó” là ai và nhớ lại cái ngày Tiến ngã sông chết, nghe tin dữ anh vội chạy ra bờ sông thì quá muộn, ôm chặt con mình mà lòng đau quặn thắt. Khi hỏi kỹ ra anh chợt nhớ đến có con bé hàng xóm vì tranh chỗ rửa chân nên đã đẩy nó ngã xuống, sang nhà hỏi chuyện thì nó chùm chăn khóc thút thít.

Chuyện đã qua, anh chỉ hỏi nó một câu: “Vậy con có oán hận người bạn đã đẩy con xuống không?”. Thì nó tròn mắt trả lời như ông cụ non: “Để xem con bé đó sau này có bằng được con không?”. Nghe điều này, anh cho rằng, chứng tỏ ở sâu tâm hồn nó không có chuyện hận thù với con bé kia, mà chỉ nói một cách vu vơ là sau này không bằng nó, có thể nó cho rằng, nó sẽ hơn con bé kia ở điểm nào đó chưa được diễn ra. “Tôi chỉ cười, nghĩ nó sau này thành người có ích cho xã hội” – anh Tân nói. Theo anh đó cũng là ý kiến khá thuyết phục về kiếp luân hồi hay thấy xảy ra vào những đứa trẻ ngây thơ, dễ hiểu nó khác người lớn ở chỗ chưa dính chút bụi trần, tự nhiên phải bỏ mẹ cha nên “trời thương” mà cho“sống” lại.

Tôi đồng quan điểm với anh, thế nhưng trên thế gian này có hàng triệu sinh linh bé nhỏ cũng có thể chết oan uổng như vậy, liệu các em có được hưởng vòng xoay của kiếp luân hồi như trường hợp may mắn và lạ kỳ như con anh Tân được không?

Mạnh Kiên

No comments:

Post a Comment