Pages

Wednesday, January 11, 2012

KÝ TRẦN MỘNG TÚ




Tạp bút:

Trần Mộng Tú

Câu Hỏi Cuối Cùng.

Chó là một loài gia súc được thương yêu và thân mật với người nhất, vì chó thông minh và thân thiện. Ngoại trừ chó săn và chó dùng trong quân đội để phụ với các binh sĩ trong lãnh vực trinh sát, hành quân, thì không được thân thiện lắm vì nó được huấn luyện cứng rắn ngang với một binh sĩ, nhưng loại chó này cũng rất chí tình với chủ, nó có hữu ích về mặt thi hành nhiệm vụ ngang với một quân nhân.

Ngày cuối cùng kết thúc sứ mạng của các chiến sĩ Hoa kỳ ở Iraq rồi cũng phải đến. Vào ngày thứ bẩy 17 tháng 12 năm 2011, tổng thống Mỹ chào mừng những chiến sĩ cuối cùng vừa rút ra khỏi mặt trận Iraq sau gần chín (9) năm trong nắng, cát nóng và gió Trung Đông. Tổng cộng, Hoa Kỳ mất 4500 binh sĩ và hơn 33 ngàn binh sĩ khác bị thương. Những chiến sĩ hy sinh mạng sống này trung bình ở tuổi 26; gần 1,300 người ở tuổi 22 hoặc trẻ hơn và 511 người trên tuổi 35.(*)

Tuy nhiên, người ta quên liệt kê, song song cùng với các chiến sĩ này, một lớp chiến sĩ khác cũng vào sinh, ra tử trong cát nóng và gió chướng. Đó là những chiến sĩ bốn chân, được mệnh danh là “Quân Khuyển”, tức là “lính chó” (soldier dogs). Con số những chú chó anh hùng tham gia vào cuộc chiến này lên đến 1000 con và bao giờ chúng cũng ở tiền tuyến.

Chó được tuyển vào Quân Khuyển phần đông thuộc giống Belgian Malinois và German Shepherds, một số nhỏ là Labrador .

Dùng chó trong chiến tranh thật ra không có gì mới mẻ, người ta đã dùng từ thời Đệ Nhất Thế Chiến. Nhưng khi những con chó được gửi vào chiến trường Iraq thì quả thật những binh sĩ là chiến hữu của chúng, nghĩa là chúng cùng với những binh sĩ phải phấn đấu với gió cát và sức nóng trên 300 độ. Nhiệm vụ của những con chó này rất cần thiết và không kém phần nguy hiểm cho chính sinh mạng của chúng. Chúng phụ trách mang đạn tới cho binh sĩ, dò bom trên đường hành quân và thám thính bằng cách đánh hơi những nguy hiểm đang rình rập. Những công việc này chúng được huấn luyện tại Camp Pendelton’s Canine Training Unit hay ở Lackland Air Force Base in Texas. Chúng luôn luôn đi sát binh sĩ, thật ra là đi trước để đón nguy hiểm thay cho người. Nếu binh sĩ phải đi bộ, tuần tra một con lộ có khi dài đến 10 dặm, luôn luôn chó được mang theo. Từng cặp một, họ là hai chiến hữu cùng sống chết có nhau, cùng ăn cùng ngủ với nhau. Những binh sĩ khi về phép, trở lại chiến trường đã khóc khi bị thay một con chó khác vì nhớ bạn cũ. Họ lại phải làm quen với chiến hữu mới, lại bắt đầu lại từ đầu, họ bảo chẳng khác gì mất một người bạn thân.

Số chó bị hy sinh ở chiến trường thì ít, nhưng số bị thương nặng khá nhiều. Chó cũng được giải ngũ ít lâu rồi lại tái ngũ như binh sĩ, nên cũng bị tổn thương tâm thần như người. Có những con chó, sau khi từ cuộc chiến trở về đã bị khủng hoảng, sợ tiếng động, sợ thấy người mặc đồng phục, và đáng thương hơn cả, chúng trở thành những con chó tàn tật vô chủ.

Đã có nhiều trang mạng kêu gọi lòng thương súc vật của loài người đến lãnh một cựu chiến binh chó về chăm sóc nuôi nấng hộ. Nhìn những con chó nằm trong cũi với đôi mắt buồn rầu, ươn ướt như đang khóc, khuôn mặt hóp vào, đám lông xác xơ mà thương quá. Tưởng tượng ra những lúc trầm mình trong bão cát và trong cái nóng kinh hoàng sa mạc nó đã cùng các chiến sĩ nằm sống, chết, kề cận bên nhau, cùng chịu đựng gian khổ với nhau. Nếu nó biết nói chắc nó đã kể cho chúng ta cái chiến tranh do loài người gây ra cho nhau đau thương và tàn nhẫn đến thế nào.

Những người giầu có trên đất Mỹ khi nuôi một con “chó nhà” đã cung phụng cho con chó đó đủ các thứ: Từ đi bác sĩ chăm sóc sức khỏe, đi “Dog Saloon” cắt móng tay móng chân, cắt tóc, làm đẹp. Quần áo của các cô cậu chó này cũng thay đổi thời trang, đồ chơi cũng nhiều kiểu như cho trẻ nhỏ con của loài người. Khi chó chết có nghĩa trang, khi chủ của chó chết có người viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con chó thân yêu. Nhiều thành phố bên Mỹ có những đội ngũ đi cứu chó bị bỏ rơi, bị đói. Lòng yêu thương súc vật của người Mỹ quả thật bao la, nhưng đầy thiên vị: đặt nặng phần cho chó.

Riêng câu chuyện của con chó có tên là Hero, hai tháng tuổi được mang về Mỹ từ chiến trường Iraq thật hãn hữu. Khi Justin Collins, một quân nhân Mỹ mới 22 tuổi, thuộc binh chủng Không Quân, năm 2007 anh đang tham dự vào cái chiến trường khốc liệt Samarra, Iraq. Một hôm anh tìm thấy ngay đằng sau cái nắp bàn vệ sinh lưu động của mình, một đàn tám con chó nhỏ vừa sanh, anh chọn một con lên nhận làm bạn với mình. Anh cùng người bạn Jason Wheeler ôm con chó chụp hình. Anh gửi về nhà khoe với người bạn gái, với cha mẹ con chó con mình vừa tìm được. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó anh chết bởi một trái bom vệ đường (roadside bomb hay IED -improvised explosive device -). Thi thể anh được gửi về nguyên quán cho gia đình ở New Hampshire. Không biết thi thể anh và tấm ảnh anh gửi được về nhà, cái nào đến trước.

Sau khi chôn cất, người đại diện cho binh chủng của anh đến nói lời an ủi với gia đình anh:

- Chúng tôi có thể làm được gì để ông bà vơi được nỗi đau buồn này?

Mẹ anh đáp:

- Có, tôi muốn chú chó con đã chụp trong bức hình với con trai tôi vài giờ trước khi con tôi tử trận, được gửi về đây cho chúng tôi.

Yêu cầu, mới nghe qua, thì là một yêu cầu giản dị, nhưng thật khó mà thực hành. Sau khi Justin chết, chú chó con lúc đó chưa mở mắt biết trôi giạt về đâu trong cái trại lính đó.Nó còn sống hay đã chết. Nào ai biết được trong cái vũng lửa đạn đó.

Cô bạn gái của Justin nhờ tới vị dân biểu của tiểu bang can thiệp. Điện thoại và giấy tờ được gửi đi. Ở Samarra, Iraq, Jason Wheeler người bạn chụp chung hình với Justin và con chó ra công tìm kiếm cái ổ chó cách đây mấy tháng sau cái nắp bàn vệ sinh lưu động. Chẳng biết cái bàn vệ sinh lưu động đi đến đâu rồi, cái đàn tám con chó đó còn sống hay đã chết hết vì nóng, cát, gió Trung Đông.

Cuối cùng, Jason kiếm được nó, nó đã mở mắt. Lại tiếp tục bao nhiêu cú điện thoại, bao nhiêu giấy tờ chuyển đi từ văn phòng Dân Biểu New Hampshire đến đơn vị Không Quân ở chiến trường Iraq, nơi Justin tử trận. Con chó được cấp thông hành nhập cảnh vào Mỹ.

Mẹ của Justin muốn đặt tên cho con chó là Hero để tưởng nhớ đến con bà. Con chó được gửi thẳng đến văn phòng Dân Biểu Paul Hodes của New Hampshire. Cha mẹ, bạn gái của Justin có mặt để chào đón nó mang về nhà mình. Bà mẹ Justin khi ôm con Hero trên tay, chắc phải nhỏ bao nhiêu nước mắt khi hình dung lại hình ảnh con mình ôm con chó này vài giờ trước khi chết.

Đằng sau câu chuyện cảm động về cái chết của Justin và sự xuất cảnh của con chó từ chiến trường Iraq vào nước Mỹ này bao nhiêu câu hỏi được đặt ra:

Liệu ngoài nước Mỹ, có nước nào trên thế giới làm được cái việc này? Bà mẹ của Justin được an ủi phần nào khi ôm con chó vào lòng? Chính phủ Mỹ có thấy bớt ân hận về cái chết của con bà khi thực hiện được nhiệm vụ (mission) này không?

Con chó Hero đó sẽ được nuôi đúng tiêu chuẩn một con “chó nhà” của người Mỹ, nó còn được người ta nhắc nhở đến nó như một anh hùng thật sự. Nó có biết rằng nhờ cái chết của một chàng trai trẻ Mỹ trong chiến tranh Trung Đông mà nó được may mắn như vậy không?

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra: Biết bao bà mẹ thường dân vô tội Iraq có con chết trận, có ai mang đến cho bà một vật gì khả dĩ để bà ôm vào lòng cho nguôi ngoai nỗi đau bây giờ?

(Ngày 29/12/2011)

Nguồn: (*)VOA & Wikipedia

No comments:

Post a Comment