Pages

Wednesday, January 11, 2012

THU TỨ * NGUYỄN GIA THIỀU

NGUYỄN GIA THIỀU

Thu Tứ
Cung oán: tổng quan tác phẩm
- Trước hay sau Chinh phụ?
- Khác Chinh phụ thế nào?
- Tại sao không nổi tiếng bằng Chinh phụ?
- Giá trị nghệ thuật và chỗ đứng trong văn học sử
Cung oán: cảm nhận từng đoạn
- Thương quá mình ơi
- Tây Thi mất vía
- Nghĩ thân phù thế
- Ðêm ấy đêm gì
- Khi chi chút trên tay
- Lúc thờ ơ nhạt nhẽo
- Bi thương sực nức
- Thèm miếng rau dưa
- Cười nên tiếng khóc
- Than hờn nhớ trách
- Buồn gần, lo xa…

TỔNG QUAN TÁC PHẨM
Trước hay sau Chinh phụ?
Cung oán do Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) sáng tác bằng tiếng Việt. Còn Chinh phụ đây là một bản diễn nôm từ nguyên tác Hán văn của Ðặng Trần Côn.
Khúc ngâm nào ra đời trước là chuyện chưa ai biết chắc, vì có hai ý kiến khác nhau về tác giả đích thực của bản Chinh phụ diễn nôm phổ biến rộng rãi.
Nếu cho rằng tác giả là Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) thì hiển nhiên Chinh phụ viết trước Cung oán. Còn nếu cho rằng tác giả là Phan Huy Ích (1751-1822) thì có lẽ Cung oán viết trước Chinh phụ.
Khác Chinh phụ thế nào?
Hai thi phẩm đều viết theo thể song thất lục bát, và theo Phạm Thế Ngũ (trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên) thì đều có bố cục đại khái như một bài phú. Nhưng:
Về từ ngữ, Cung oán dùng nhiều từ Hán hơn và cũng nhiều điển cố hơn.
Về văn phong, vẫn theo Phạm Thế Ngũ Cung oán như một bản nhạc căng, một bức tranh màu tối trong khi Chinh phụ là nhạc êm tranh sáng!
Tại sao không nổi tiếng bằng Chinh phụ?
Thiết tưởng do cả hình thức lẫn nội dung.
Lời Cung oán vừa cầu kỳ khó hiểu vừa buồn cách khó chịu (!) vì xuất phát từ tâm trạng oán trách tuyệt vọng của một cung nữ. Thế gian ai chú ý đến cung nữ (ngoại trừ vài trường hợp “quậy” thật dữ dằn như Ðắc Kỷ, Bao Tự, Dương Quý Phi)!
Vẫn biết Nguyễn Gia Thiều vừa “cung oán” vừa “quan oán”, vừa tả nỗi lòng cung nữ thất sủng vừa diễn tâm trạng ông quan hoạn lộ trắc trở là mình. Nhưng tâm trạng quan thì bất quá quan khác quan tâm, chứ đông đảo người đọc đâu hề chú ý!
Cung oán kén người thưởng thức. Trong khi Chinh phụ được đa số thưởng thức, do lời vừa dễ hiểu hơn vừa buồn cách dễ chịu hơn vì xuất phát từ tâm trạng nhớ mong hy vọng rất bình thường của một người vợ chờ chồng chinh chiến…
Giá trị nghệ thuật và chỗ đứng trong văn học sử
Cung oán tuy dùng nhiều từ Hán và điển cố văn chương Tàu nhưng tiếng Việt viết lắm chỗ cực kỳ già dặn, tài tình.
Suốt bốn thế kỷ 15, 16, 17, 18, trong hoàn cảnh bất lợi là thái độ trọng Hán khinh Việt của đa số trí thức Việt (!), văn chương bác học tiếng Việt vẫn phát triển mạnh mẽ để đến thế kỷ 18 thì bắt đầu “kết” được những cái “quả” thật xuất sắc. Trong số trái cây chín đầu mùa, “ngon” nhất là hai khúc ngâm Cung oán và Chinh phụ.
Cung oán và Chinh phụ như âm và dương, tuy tương phản nhưng không tương khắc mà bổ túc nhau, cùng nhau làm cặp quả tuyệt vời báo trước một “mùa cổ điển” vô cùng rực rỡ trong lịch sử thi ca Việt Nam!
CẢM NHẬN TỪNG ÐOẠN
Từ cảm nhận riêng, chúng tôi chia Cung oán ngâm khúc thành 11 đoạn như sau.
Thương quá mình ơi
Cái tâm sự người cung nữ mất lòng yêu của vua, hình như bên Tàu chỉ hiện ra thành mấy bài thơ ngắn, chẳng hạn bài Hậu Cung Từ của Bạch Cư Dị, bài Cố Hành Cung của Nguyên Chẩn.
Bên ta vua chúa không lắm cung nữ như bên Tàu, thế mà lại có hẳn một tác phẩm trường thiên về nội dung ấy.
“Nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình”…
Tác giả có đồng cảm sâu sắc với nhân vật mới viết nên lời gợi cảm.
Nguyễn Gia Thiều dòng dõi đại quý tộc vậy mà…, vậy nên có phải cứ hễ là con vua cháu chúa thì không đáng thương đâu.
———-
Trải vách quế gió vàng hiu hắt (1)
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.
Duyên đã may cớ sao lại rủi (5)
Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang
Vì đâu nên nỗi dở dang
Nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình.
Tây Thi mất vía
Người đâu mà đẹp thế! Ðến nỗi cá lặn chim sa, hoa ngơ trăng ngẩn, người đẹp khác sững sờ. Ðẹp mà không tượng, mà vô cùng gợi cảm, đến nỗi “cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”! Trách nào mới nghe tin gió, bướm ong đã đùng đùng phát bệnh… dê!
Tiếng đã “vang lừng trong nước”, nhưng người thì vẫn náu kỹ trong buồng:
“Thâm khuê còn giấm mùi hương khuynh thành”.
Bao khách công hầu gấm ghé, vô ích! Vì hương kia đã bay tận mũi một người…
———-
Trộm nhớ thủa gây hình tạo hóa (9)
Vẻ phù dung một đóa khoe tươi
Nhụy hoa chưa mỉm miệng cười
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.
Áng Ðào Kiển đâm bông não chúng (13)
Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành
Bóng gương lấp loáng dưới mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa!
Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn (17)
Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý (21)
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên rượu thánh ai đang
Lưu Linh Ðế Thích là làng tri âm.
Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư mã (25)
Ðịch lầu thu đọ gã Tiêu lang
Dẫu mà tay múa miệng xang
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê Thường trong trăng.
Tài sắc đã vang lừng trong nước (29)
Bướm ong càng xao xác ngoài hiên
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.
Hoa xuân nọ, còn phong nộn nhụy (33)
Nguyệt thu kia, chưa hé hàn quang
Hồng lâu còn khóa then sương
Thâm khuê còn giấm mùi hương khuynh thành.
Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ (37)
Khách công hầu gấm ghé mong sao
Vườn xuân bướm hãy còn rào
Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương.
Gan chẳng đá khôn đường há chuyển (41)
Mặt phàm kia dễ đến Thiên Thai
Hương trời sá động trần ai
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.
Nghĩ thân phù thế
Cái đoạn sau đây chứa nhiều câu thường được trích dẫn nhất trong Cung oán ngâm khúc.
Dẫn là đúng quá, vì những câu ấy hay tuyệt. Chẳng hạn:
“Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê”,
“Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”.
Cầu kỳ, mà không khô khan. Ðiêu luyện, mà sáng tạo!
Thơ đã đẹp, lại thơm, thơm phức mùi… dâu.(1) Xưa kia hễ đã nếm nhiều nhiều dâu bể tang thương, người Việt Nam hay hướng về cửa thiền…
Tiểu sử Nguyễn Gia Thiều sơ lược, nhưng cũng đủ để biết tuy là cháu ngoại chúa Trịnh hoạn lộ của ông không suông sẻ lắm ngay từ khi còn chúa, rồi đến khi Tây Sơn lấy Bắc hà thì bế tắc luôn vì ông không ra hợp tác.
Cái sự bất như ý của một người, có khi nó có lợi cho văn học không biết bao nhiêu!
———-
Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế (45)
Sợi xích thằng chi để vướng chân
Vắt tay nằm nghĩ cơ trần
Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên.
Kìa thế cục như in giấc mộng (49)
Máy huyền vi mở đóng khôn lường
Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn tiền định khá thương lọ là.
Ðòi những kẻ thiên ma bách chiết (53)
Hình thì còn bụng chết đòi nau
Thảo nào khi mới chôn nhau
Ðã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế (57)
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thủa bạc đầu
Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần?
Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc (61)
Lớp cùng thông như đốt buồng gan
Bệnh trần đòi đoạn tâm can
Lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da.
Gót danh lợi bùn pha sắc xám (65)
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.
Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ (69)
Ðường thế đồ gót rỗ khi khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh.
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán (73)
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
Ðền vũ tạ nhện giăng cửa mốc (77)
Thú ca lâu dế khóc canh dài
Ðất bằng bỗng rấp chông gai
Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương.
Mùi phú quí nhử làng xa mã (81)
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc Nam Kha khéo bất tình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Sân đào lý giâm lồng man mác (85)
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng
Cánh buồm bể hoạn mênh mang
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.
Quyền họa phúc trời tranh mất cả (89)
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Hình mộc thạch vàng kim ố cổ (93)
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong
Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng huyễn côn trùng cũng hư.
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ (97)
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy (101)
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì.
Mùi tục lụy dường kia cay đắng (105)
Vui chi mà đeo đẳng trần duyên
Cái gương nhân sự chiền chiền
Liệu thân này với cơ thiền phải nao.
Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật (109)
Mối thất tình quyết dứt cho xong
Ða mang chi nữa đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình.
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa (113)
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
Ý cũng rắp ra ngoài đào chú (117)
Quyết lộn vòng phu phụ cho cam
Ai ngờ trời chẳng cho làm
Quyết đem dây thắm mà giam bông đào.
Hẳn túc trái làm sao đây tá (121)
Hay tiền nhân hậu quả xưa kia
Hay Thiên cung có điều gì
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi.
Kìa điểu thú là loài vạn vật (125)
Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng
Có âm dương có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.
Ðường tác hợp trời kia giong ruổi (129)
Lọt làm sao cho khỏi nhân tình
Thôi thôi ngảnh mặt làm thinh
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao?
Ðêm ấy đêm gì
Trong đoạn sau đây, người ta hay nhắc hai câu
“Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng đồ mi chập chùng”.
Bóng lồng bóng, “bạo” thực. Nhưng đã thấm gì so với “mây mưa mấy giọt chung tình”!
Chẳng những “dâm thư” cổ điển Trung Quốc như Tây Sương ký, Kim Bình Mai chữ nghĩa rụt rè hơn, mà ngay văn chương “hậu hiện đại” thế kỷ 21 hình như cũng không thường “giọt” kia “giọt” nọ…
Dĩ nhiên chỉ bạo không thôi thì có gì hay. Ðây thơ vừa bạo vừa hay.
———-
Tay Nguyệt lão khờ sao có một (133)
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng đồ my chập chùng.
Khoa thược dược mơ mòng thụy vũ (137)
Ðóa hải đường thức ngủ xuân tiêu
Cành xuân hoa chúm chím chào
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.
Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió (141)
Áo vũ kia lấp ló trông trăng
Sanh ca mấy khúc vang lừng
Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô.
Ðệm hồng thúy thơm tho mùi xạ (145)
Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh
Mây mưa mấy giọt chung tình
Ðình Trầm Hương khóa một cành mẫu đơn.
Khi chi chút trên tay
Ðã đẹp ơi là đẹp, lại còn chịu khó nín cười, “nhăn mày liễu”, “nhíu gót sen”, “uốn éo thân”, còn đàn địch nỉ non thánh thót nữa, thì bảo sao Chí Tôn khỏi “tê tái lòng”!
“Ðóa lê ngon mắt cửu trùng” quá, nên “Cửu” đã cho “bóng dương lồng bóng đồ my” không biết mấy lần rồi. Lồng đi lồng lại, mà vẫn “không thuốc mà say”…
Say rồi chỉ chim chỉ cây mà thề. Nhưng “má hồng” chớ khá cả tin lời thốt của người được đều đều dưng lê mới!
———-
Tiếng thánh thót cung đàn thúy dịch (149)
Giọng nỉ non ngón địch đan trì
Càng đàn càng địch càng mê
Càng gay gắt điệu càng tê tái lòng.
Mày ngài lẫn mặt rồng lồ lộ (153)
Sắp song song đôi lứa nhân duyên
Hoa thơm muôn đội ơn trên
Cam công mang tiếng thuyền quyên với đời.
Trên chín bệ mặt trời gang tấc (157)
Chữ xuân riêng sớm chực trưa chầu
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.
Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt (161)
Lúc cười sương cợt tuyết đền phong
Ðóa lê ngon mắt cửu trùng
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.
Vẻ vưu vật trăm chiều chải chuốt (165)
Lòng quân vương chi chút trên tay
Má hồng không thuốc mà say
Nước kia muốn đổ thành này muốn long!
Vườn Tây uyển khúc trùng Thanh dạ (169)
Gác Lâm xuân điệu ngã Ðình hoa
Thừa ân một giấc canh tà
Tờ mờ nét ngọc lập lòa vẻ son.
Trên trướng gấm Chí tôn vòi vọi (171)
Những khi nào gần gũi quân vương
Dẫu mà ai có nghìn vàng
Ðố ai mua được một tràng mộng xuân.
Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu (177)
Ghẹo hoa kia lại nhíu gót sen
Thân này uốn éo vì duyên
Cũng cam một tiếng thuyền quyên với người.
Lan mấy đóa lạc loài sơn dã (181)
Uổng mùi hương vương giả lắm thay
Gẫm như cân trất duyên này
Cam công đặt cái khăn này tắc ơ.
Tranh tỹ dực nhìn ưa chim nọ (185)
Ðồ liên chi lần trỏ hoa kia
Chữ đồng lấy đó mà ghi
Mượn điều thất tịch mà thề bách niên.
Lúc thờ ơ nhạt nhẽo
“Ðóa lê ngon mắt cửu trùng” được “quân vương chi chút trên tay” cho hưởng đủ thứ “mùi”, “càng lâu càng lắm mùi hay”, chợt một hôm thấy mùi sủng ái hình như nhạt đi, rồi quả thật nhạt đi, rồi cứ thế nhạt thêm mãi… “Bóng dương” đã dời soi sang góc khác của ngự viên!
Thoạt mất soi, cố kéo bóng về, nhưng “… cá no mồi cũng khó nhử lên”. Ở đằng kia “muôn hồng nghìn tía” mới mẻ lạ miệng, một miếng mồi ngon nhưng nhàm mong gì làm cá trở lại…
Ðược nhiều thì mất nhiều. Mất nhiều thì oán trách nhiều:
“Khoảnh làm chi bấy chúa xuân
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi”,
“Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Ðể gầy bông thắm để xơ nhụy vàng”,
thì cay đắng nhiều, đến mức muốn… đạp:
“Tay Nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
Ðang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”!
Khúc ngâm đoạn này lắm câu gần thuần nôm đích đáng.
———-
Hạt mưa đã lọt miền đài các (189)
Những mừng thầm cá nước duyên may
Càng lâu càng lắm mùi hay
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm.
Ai ngờ bỗng một năm một nhạt (193)
Nguồn cơn kia chẳng tát mà vơi
Thôi đi đâu biết cơ trời
Bỗng không mà hóa ra người vị vong.
Ðuốc vương giả chí công là thế (197)
Chẳng soi cho đến khóe âm nhai
Muôn hồng nghìn tía đua tươi
Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.
Vốn đã biết cái thân câu trõ (201)
Cá no mồi cũng khó nhử lên
Ngán thay cái én ba nghìn
Một cây Cù mộc biết chen cành nào.
Song đã cậy má đào chon chót (205)
Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người
Nào hay con tạo trêu ngươi
Hang sâu chút hé mặt trời lại giâm.
Trong cung quế âm thầm chiếc bóng (209)
Ðêm năm canh trông ngóng lần lần
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi!
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ (213)
Gác thừa lương thức ngủ thu phong
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Gương loan bẻ nửa giải đồng xẻ đôi.
Chiều ủ dột giấc mai trưa sớm (217)
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ
Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ (221)
Dấu dương xa đám cỏ quanh co
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu
Gối loan tuyết đóng chăn cù giá đông.
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng (225)
Ðêm năm canh tiếng lắng chuông rền
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u
Tranh biếng ngắm trong đồ Tố nữ (229)
Mặt buồn trông trên cửa Nghiêm lâu
Một mình đứng tủi ngồi sầu
Ðã than với nguyệt lại rầu với hoa!
Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải (233)
Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ
Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Ðể gầy bông thắm để xơ nhụy vàng.
Ðêm năm canh lần nương vách quế (237)
Cái buồn này ai dễ giết nhau
Giết nhau chẳng cái Lưu cầu
Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa.
Tay Nguyệt lão chẳng xe thì chớ (241)
Xe thế này có dở dang không
Ðang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.
Bi thương sực nức
Ðây kia, dấu vết được “cưng” hãy còn sờ sờ, thế mà người cưng nay đã… mất tích, để người được cưng phải “bực mình hoài xuân”.
“Cành hoa tàn nguyệt” không phải bực vừa vừa, mà “lửa hoàng hôn như cháy tấm son”.
Bực đến chực cháy cả lòng, nhưng vừa “mơ hồ nghĩ tiếng xe ra” đã vội vội vàng vàng “đốt phong hương hả mà hơ áo tàn”, đã “nghiêng bình phấn mốc mà giồi má nheo”!
“Khí bi thương sực nức hè lạc hoa”.(2) Tình cảnh ngẫm có đáng lời.
———–
Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái (245)
Ðóa hồng đào hái buổi còn xanh
Trên gác phượng dưới lầu oanh
Gối Du tiên hãy rành rành song song.
Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng (249)
Ðể thân này cỏ úng tơ mành
Ðông quân sao khéo bất tình
Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.
Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ (253)
Cành liễu mành bẻ thủa đương tơ
Khi trướng ngọc lúc rèm ngà
Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.
Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy (257)
Ðể thân này nước chảy hoa trôi
Hóa công sao khéo trêu ngươi
Bóng đèn tà nguyệt nhử mùi ký sinh.
Cảnh hoa lạc nguyệt minh dường ấy (261)
Lửa hoàng hôn như cháy tấm son
Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng
Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa.
Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng (265)
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn
Tình buồn cảnh lại vô duyên
Tình trong cảnh ấy cảnh bên tình này.
Khi trận gió lung lay cành bích (269)
Nghe rì rào tiếng mách ngoài xa
Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra
Ðốt phong hương hả mà hơ áo tàn.
Ai ngờ tiếng dế ran ri rỉ (273)
Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng
Vắng tanh nào thấy vân mồng
Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh.
Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc (277)
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai
Ðè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi
Nghiêng bình phấn mốc mà giồi má nheo.
Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả (281)
Ðiệu thương xuân khóc ả sương khuê
Lạnh lùng nào thấy ủ ê
Khí bi thương sực nức hè lạc hoa.
Thèm miếng rau dưa
“Mùi quyền môn thắm rất nên phai”. Thơ thế kỷ 18 mà lời mới mẻ như thơ Xuân Diệu!
Khi “thắm rất” thôi rồi, người ta mới thấm:
“Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon”.
Chao ôi, biết lợm, biết ngon, thì “cái hoa đã trót gieo cành”, “biết sao”!
“Lau nhau ríu rít cò con cũng tình”. Hạnh phúc giản dị, xin hẹn kiếp sau!
———-
Tiếng thúy điện cười già ra gắt (285)
Mùi quyền môn thắm rất nên phai
Nghĩ nên tiếng cửa quyền ôi
Thì thong thả vậy cũng thôi một đời.
Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng (289)
Dẫu thuê tiền cũng chẳng buồn tênh
Nghĩ mình lại ngán cho mình
Cái hoa đã trót gieo cành biết sao.
Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm (293)
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon
Cùng nhau một giấc hoành môn
Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.
Mình có biết phận mình ra thế (297)
Giải kiết điều óe ọe làm chi
Thà rằng cục kịch nhà quê
Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này.
Cười nên tiếng khóc
“Ngoại hỏa” tránh được, chứ “tâm hỏa” biết né làm sao. Lửa trong lòng đốt ngày đêm khiến nét liễu rầu, đã rầu mà cố cười thì chỉ “cười nên tiếng khóc”!
Tưởng tượng một người ngồi uống trà mà sốt ruột đến nỗi trà mới pha lần đầu đã thôi không muốn uống nữa, mà lại cứ đem hương ra đốt dồn mãi để mong rước vua!
“Dơ buồn đến thú cỏn con”…
Tám câu thơ, cả một giây phút thẫn thờ.
——–
Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ (301)
Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn
Muốn đem ca tiếu giải phiền
Cười nên tiếng khóc hát nên giọng sầu.
Ngọn tâm hỏa đốt rầu nét liễu (305)
Giọt hồng băng thấm ráo làn son
Dơ buồn đến thú cỏn con
Trà chuyên nước nhất hương dồn khói đôi.
Than hờn nhớ trách
“Cung oán ngâm” mà. Ðã ngâm nga trách móc một thôi rồi (từ câu 189 đến câu 244), lại ngâm nga trách móc thêm một thôi nữa.
“Sinh ly đòi rất thời Ngâu
Một năm còn thấy mặt nhau một lần”…
Ấy bởi chàng Ngưu chỉ có nàng Chức, trong khi chàng “Vua” có vô số nàng. Khi hoàn cảnh bất lợi như thế thì không có “thắm nào nhuộm lại tơ hồng cho tươi” được đâu. Ðành cứ tiếp tục “phòng không” mà khao khát “mây mưa”, mà mơ “giọt mưa cửu hạn” thôi.
Lần trước oán, rồi “bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”. Lần này oán, phản ứng có dịu hơn một chút:
“Chống tay ngồi ngẫm sự đời
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm”.
Kêu thì nhẹ hơn đạp, và cũng “thương” hơn.
———
Trong gang tấc mặt trời xa mấy (309)
Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu
Sinh ly đòi rất thời Ngâu
Một năm còn thấy mặt nhau một lần.
Huống chi cũng lạm phần son phấn (313)
Luống năm năm chực phận buồng không
Khéo vô duyên với cửu trùng
Thắm nào nhuộm lại tơ hồng cho tươi.
Vườn Thượng uyển hoa cười với nắng (317)
Lối đi về ai chẳng chiều ong
Doành Nhâm một giải nông nông
Bóng dương bên ấy đứng trông bên này.
Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục (321)
Chốn phòng không như giục mây mưa
Giấc chiêm bao những đêm xưa
Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày.
Trên chín bệ có hay chăng nhẻ (325)
Khách quần thoa mà để lạnh lùng
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.
Tay Tạo hóa cớ sao mà độc (329)
Buộc người vào Kim ốc mà chơi
Chống tay ngồi ngẫm sự đời
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm.
Nơi lạnh lẽo nơi xem gần gặn (333)
Há phai son nhạt phấn ru mà
Trêu ngươi chi bấy trăng già
Sao cho chỉ thắm mà ra tơ mành.
Buồn gần, lo xa…
“Muốn đạp tiêu phòng mà ra”, “muốn kêu một tiếng cho dài”, nhưng rốt cục người cung nữ bị “rún rẩy” không đạp không kêu mà chỉ ngồi trông “cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao” để nghe “lòng ngán ngẩm buồn tênh mọi nỗi”…
“Buồn này mới gọi buồn sao
Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình”…
Buồn chết được nhưng vẫn sống. Còn sống, còn chút xuân, thì “những hương sầu phấn tủi sao xong”, thì vẫn phải lo “giữ sao cho được má hồng như xưa” “phòng khi động đến cửu trùng”…
“Cửu” ơi có biết, nơi góc ngự viên “cửu” từng năng lui tới đóa đồ mi năm ấy giờ đêm đêm vẫn còn thao thức đợi bóng dương!
———
Lòng ngán ngẩm buồn tênh mọi nỗi (337)
Khúc sầu tràng bối rối dường tơ
Ngọn đèn phòng động đêm xưa
Chòm hoa tịnh đế trơ trơ chưa tàn.
Mà lượng thánh đa đoan kíp mấy (341)
Bỗng ra lòng rún rẩy vì đâu
Bõ già tỏ nỗi xưa sau
Chẳng đem nỗi ấy mà tâu ngự cùng.
Ðêm phong vũ lạnh lùng có một (345)
Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh
Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh
Vách sương nghi ngút đèn xanh lờ mờ.
Mắt chưa nhắp đồng hồ đã cạn (349)
Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao
Buồn này mới gọi buồn sao
Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình.
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi (353)
Những hương sầu phấn tủi sao xong
Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa.
_______________
(1) Chữ “mùi” trong “nắng nám mùi dâu” hẳn nghĩa là màu (như trong câu “Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh” – Tỳ bà hành, bản dịch Phan Huy Vịnh). Ðây chúng tôi dùng chữ “mùi” với nghĩa là mùi. Màu dâu hay mùi dâu, cũng đều từ cái ý “biển xanh biến thành ruộng dâu”, tức ý đời người có thể thay đổi hết sức lớn lao.
(2) Nhiều bản in là “Khí bi thu…”. Dù sao, câu này nghĩa “Một không khí buồn thương dậy mùi nơi hè đầy hoa rụng” (theo trang vi.wikisource.org).

No comments:

Post a Comment