Pages

Wednesday, February 8, 2012

KÝ BÙI MỸ DƯƠNG

Quê tôi

Quê tôi, hình ảnh thân yêu xa xưa chắc chỉ còn trong giấc mơ !

Nhạc sĩ Dương thiệu Tước trong bài “Ôi quê xưa” đã diễn tả cảnh cũ người xưa không bao giờ còn thấy, mọi thứ đều thay đổi làm đau lòng người.

“Rồi một chiều thu, trông về cố hương ; lòng mặt sầu vương…”

Xa quê đã 60 năm, nhạc sĩ Y-Vân có bản nhạc: “ 60 năm cuộc đời”, nghĩa là một đời người thế mà tôi được Trời, Phật, Tổ-tiên và tiến bộ khoa-học cho sống thêm để vào làng “lão Lai” hay ở tuổi “ tri thiên mệnh”

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Mới đó mà con bé sống ở làng quê 12 năm rồi mới ra tỉnh, xa lìa nơi đã bảo bọc mình những ngày ấu thơ…bây giờ con cháu mở tiệc mừng sinh-nhật đã gọi lễ “thượng thọ” nếu mai này về “ miền miên viễn” báo sẽ đăng “ hưởng thọ”. Vậy đời sống dù cả trăm năm cũng coi như một giấc mộng mà thôi….

Giờ đây nghĩ lại, cảm thấy vui vui vì đã sống qua hai thế-kỷ (20-21) ở nhiều nơi từ vùng quê đến thành thị, từ Hà nội vào Sài-gòn rồi sang đất Hoa-Kỳ, qua 5 tiểu bang: Wisconsin, Iowa, Oklahoma, Louisiana, California, từ làng nhỏ Fenwood, Edgar, Bogalus đến Tỉnh lớn Des moines, Oklahoma city, Monroe, Kenner, mật độ vài trăm đến cả triệu người …. cuộc sống phong phú khi đã dàn trải qua gần cả thế-kỷ và không gian rộng lớn từ trong nước tới hải-ngoại

Bây giờ xin kể về quê tôi : được cha mẹ cho ra đời tại nhà thương tỉnh-lỵ Thái-Bình do bác-sĩ Vũ ngọc-Anh điều hành; theo mẹ nói tôi được Tam hợp nghĩa là ngày Thìn, tháng Thìn và năm Thìn, (12-3-thìn ) giờ sinh không rõ vì “ Nhật” đã đổi giờ suy ra ngày dương lịch (14-4-1940). Cụ nội bà thương quí con chắt nội đầu tiên muốn khai sinh tại quê nhà để mãi mãi nhớ dù có phiêu bạt nơi nào. Vậy nên trong giấy khai-sinh ghi: làng Trình-Phố, phủ Kiến-Xương, tỉnh Thái Bình.

Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre.
Quê-hương tuổi thơ đi qua đời tôi.
(TCS)

Sơ lược qua lịch sử, địa-lý :Tỉnh Thái-Bình là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Hồng-Hà, miền bắc Việt-Nam, trung tâm tỉnh là thị xã. Thị xã Thái-Bình cách Hà-Nội 110km về phía đông nam, cách Hải-Phòng 70km về phía tây nam. Thái-Bình tiếp giáp với 5 thành phố : Hải-Dương, Hưng-Yên, Hải-Phòng, Hà-Nam và Nam-Định. Thái Bình có bờ biển dài 52km, tỉnh này có 4 con sông chảy qua : sông Hóa, sông Luộc, sông Hồng và sông Tra-Lý. Dân số vào khoảng gần 2 triệu người, Thái-Bình như một cù-lao ba bề là sông, một bề là biển.

Thái-Bình thành lập vào năm thư hai niên hiệu Thành-Thái 1890.

“ Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh bên suối về Nam…”( Trung Quân)

Làng Trình-Phố thuộc phủ Kiến-Xương, tỉnh Thái-Bình xưa có tên là Trình-Phả đã mang dáng dấp một làng cổ: có cây đa cao ngất đầu làng, giếng đá trong veo giữa thôn. Nơi đây có sông uốn khúc, gò muỗm ( như soài trong Nam) xanh tươi, có đình lớn bề thế, văn chỉ tôn nghiêm, chùa cổ kính tịch mịch…Làng còn giữ lại những tên như Gò Hến ( gò chất cao vỏ hến ) cây đa bến Chài ( xưa là bến đỗ thuyền) nhắc nhở nơi đây từng là chân sóng biển đông) Ngòi Ba Đình, gốc đa ông Hậu, Ngoại Đê, Diêm- Điền ….gợi nhớ những năm tháng vật lộn với bão biển, sình lầy, khai hoang lập làng

Năm 1828 cuộc khẩn hoang của cụ Nguyễn công Trứ, 1893 Kiến-Xương cắt về tỉnh Thái-Bình. Xưa có đình Nhớn thờ Thành-hoàng, chùa Trúc thờ Phật, điện thờ Đức Thánh Trần Hng-Đạo.

Mỗi bước chân đi, mỗi lạ lùng,
Quê-hương ta đó, đẹp vô cùng
( BBL)

Làng Trình Phố đất rộng người đông chia làm 3 thôn: thôn Nhất, thôn Nhì, thôn Trung, có giếng nước trong đào từ ngày mở làng. Mỗi năm vào ngày 1 Tết Nguyên-đán mở chợ Giếng để cho dân làng vui xuân mua lộc và gặp gỡ chúc Tết.

Thôn Nhất có nhiêu nhà giầu, đường đi lát đá nên mùa mưa bớt lầy lội . Trường tiểu học công lập Trình-Phố ngay cạnh quốc-lộ 39, bố tôi cụ Bùi văn Bảo là hiệu trưởng từ 1946 tới 1952 thì rời khỏi làng đi Hà-Nội. Trường trung-học công lập xa tận trên thị xã, để tiện cho học sinh trong làng cụ Đinh văn Lô mở trường trung-học tư-thục Bùi-Viện, Bố tôi được mời dậy thêm Việt văn và Pháp văn.

Bà cô thứ ba ở làng Diêm-Điền, chị em tôi thường được bà đón xuống cho ăn uống, tắm ao hái trái sung, bắt cá rất vui. Bà cô út ở tận vùng biển Hưng-Long, những ngày tao loạn gia-đình tôi phải chạy xuống lánh nạn.

Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Những câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào … (TCS)

Gia-đình tôi ở thôn Trung, cuối thời Nguyễn nơi đây có hai danh-nhân Ngô quang Bích và Bùi Viện hai ông vừa lo việc dân-sinh vừa viết thơ văn. Ngô Quang Bích có “Ngư phong thi tập” Bùi Viện có “Bất tố kỳ nam, bất xuất quan”. Cụ Bùi Viện xây từ đường họ Bùi lớn nhất làng, trải qua bao năm tháng rồi chiến tranh hư hại nhiều, con cháu họ ở Hải-ngoại đã đóng góp trùng tu lại nên rất khang trang, đẹp và được coi là khu văn-hoá.


Việc điều hành và hành chính ở tỉnh là tuần phủ ( tỉnh trưởng), quận là tri huyện ( quận trưởng) xã là xã trưởng, làng là lý trưởng. Muốn thông báo chi tiết luật lệ làng xã đã có anh mõ, nay có báo chí, truyền thanh, truyền hình dễ dàng hơn.

Mõ này cả tiếng lại dài hơi . ………
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi (LTT)

Đồng ruộng phì-nhiêu thẳng cánh cò bay thuộc quyền sở-hữu của một số điền chủ. Sự phân chia không đều, giầu nghèo chênh lệch quá nên Cộng-sản len lỏi tuyên truyền lấy lòng dân. Vụ “ cải cách ruộng đất” kinh hoàng làm chết bao nhiều người dân vô tội và kết cục cả nước đều nghèo cho hợp với chủ trương “ san bằng giai cấp” của Cộng-Sản!

Nước tôi là nước nông nghiệp, 80% dân số, đời sống gắn liền với đất mẹ thân yêu. Trải bao nhiêu thế hệ , những người một đời đổ mồ hôi trên luống cầy, đa số không hề được làm chủ mảnh ruộng, thước vườn, cha truyền con nối cầy cấy chăm nom.

Nói đến nông-thôn, người ta thường nghĩ đến ruộng mạ xanh, đồng lúa vàng …nghĩ đến thóc gạo nông phẩm chính.

Em là con gái nhà quê
Chân bùn, tay lấm, quen nghề nhà nông. (BBL)


Ngoài thóc gạo, thôn quê còn cung cấp cho ta nhiều nguồn lợi khác.

Tháng Chạp là tháng trồng khoai
Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà,
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô (CD)

Năm nào mưa gió thuận hoà cũng tạm đủ ăn, năm nào mất mùa là thiếu thốn, đèo thêm công nợ.

Ca dao nói về những vất vả của nhà nông :

Ai ơi ăn bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Nước tôi nhỏ bé sống cạnh láng giềng phương bắc Trung-Hoa đất rộng người đông luôn nuôi mộng thôn tính các nước lân bang, chính họ đã cai trị nước Việt cả ngàn năm nên Tổ Tiên dân tộc tôi luôn chống trả để giữ được độc-lập vì thế nước tôi nghèo lắm.

“ Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi; mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn (PĐC)

Tôi lớn lên tại làng, nên biết những nhọc nhằn của nhà nông để có hạt gaọ nuôi sống bao người: từ việc cầy, bừa, gieo mạ, cấy lúa, rải phân, tát nước, làm cỏ…bao nhiêu công lao mới đến ngày gặt lúa.

Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đợi khi lên mạ thì ta nhổ về
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê
Cấy xong rồi mới về nhà nghỉ ngơi
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi đầy còn độ một hai
Ruộng cao thì một gầu dai
Ruộng thấp thì phải đóng hai gầu sòng
Chờ cho luá có đòng đòng
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt lúa ta đem về nhà
Phơi khô quạt sạch , ấy là xong công (ca dao)


Bao giờ nông dân thoát cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau“?

Ngày gặt lúa, mùa thu hoạch không khí nhộn nhịp trên cánh đồng từ hừng đông đến hoàng hôn; những bác thợ gặt khỏe mạnh, tay cầm hái ( dụng cụ cắt lúa, dao có răng cưa vòng cong, có cán) cắt lúa. Người gặt, người bó, người gánh, người mót lúa (người nghèo lượm bông lúa rơi rụng hay thợ gặt để sót) những câu hát hò cho quên mệt khiến không khí vui tươi rộn ràng, tạo sinh khí khắp cánh đồng.

Mênh mông, mênh mông gánh lúa mênh mông,
lúc trời rạng đông, rạng đông….
Chơi vơi, chơi vơi gánh lúa chơi vơi dân làng ơi, làng ơi….
Gánh về gánh về, gánh thóc về gánh thóc về ( Phạm Duy tả cảnh gánh lú
a)

http://nguyentl.free.fr/Public/Fontenas/aql2palanches17.jpg

Tranh vẽ của ông Alain FONTENAS (05/07/2003)

Bông lúa cắt khỏi cây buộc thành bó, gánh về trải trên sân phơi vài nắng rồi trục

( ống bằng đá to dài một sải tay giữa ống có lỗ để sỏ dây vào kéo trên những bông lúa mới) cho thóc rớt khỏi nhánh lúa, cọng còn lại là rơm. Rơm đầy nhà, người ta xếp cao gọi là đánh đống, rơm còn để làm ổ nằm cho ấm nhất là vào những đêm gió bấc, mưa phùn.

Hôm nay rơm mới đầy nhà,
Em làm một chiếc giường ngà cho anh,
Rơm vàng em bện chung quanh,
Rơm mềm lót giữa, mời anh vào nằm. (BBL)

Cây rơm

Thóc phơi khô quạt sạch để dành đổ vào cót ( cót chứa được nhiều thóc, chân cót là cái nong, nong to hơn nia, chung quanh quấn bằng phên nứa hay tre dẻo cuộn lại được).

Phần thân dưới của cây lúa gọi là rạ, cọng rạ lớn và cứng hơn rơm; rơm rạ dùng lợp nhà hay đun bếp ( thổi). Gốc rạ phần chìm dưới đất nát ra được cầy bừa vỡ sửa soạn trồng mầu như một thứ phân bón.

xay-lua-1-090207.jpg

Cảnh xay lúa, giã gạo ngày trước

Sau nhiều giai đoạn lao động cực nhọc mới có hạt thóc ( lúa), muốn có hạt gạo trắng, cơm dẻo thơm ngon phải trải qua công việc xay, giã, dần, sàng. Người làm những việc này gọi là “hàng sáo” gồm: xay lột bỏ vỏ hạt thóc bằng cách đổ lúa vào cối xay, hạt lúa được lột vỏ, quạt để bỏ vỏ trấu. Sàng cho thóc và trấu tách khỏi gạo, gạo còn nguyên lớp vỏ bọc cám, cần phải giã và giần loại bỏ cám.

Đời sống ở thôn quê tuy vất vả nhưng êm đềm , họ không có nhiều tiền, nhu cầu vật chất được đất mẹ ban cho:

“ Dĩ nông vi bản” tất nhiên nhiều vất vả lo âu:

Nhà nông lo đủ trăm chiều
Mưa to lo ngập, nắng nhiều lo khô

Tính tình chất phác không làm gì được đành chấp nhận và tự an-ủi.

“ Có trời mà cũng có ta,
Can chi mà phải lo xa lo gần … ………
Trời đẻ thì trời phải nuôi,
Trời không để đói mà người phải lo!”

Nói đến làng quê mà không kể đến con trâu là điều thiếu sót lớn, con trâu là con vật rất quen thuộc của người dân quê. Hình ảnh con trâu gắn liền với đồng quê, bờ tre ruộng lúa, quả thực con trâu làm việc quần quật giúp người mà nuôi trâu lại không tốn kém nên trâu là con vật hữu ích vô cùng. Những xứ sống về nông nghiệp, kỹ thuật canh tác còn thô sơ …Thiếu trâu là thiếu tất cả, trâu xứng đáng là bạn quí của nông dân.

“Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cấy cầy vốn nghiệp nông-gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúc có bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn ( ca dao)

Áo quần che thân là nhu cầu thiết yếu một dạo vải khan hiếm người ta phải trồng bông, nuôi tằm. Cây bông trồng ở ruộng vào tháng mười sau khi gặt hái xong, hoa bông trắng nở đầy đồng, trước hết hái bông mang về, bật bông cho hạt tách rời, kéo thành sợi nhỏ, hồ cho sợi chắc, guồng đánh thành con chỉ lên khung cửi thành hàng dọc, đánh suốt, đưa thoi làm ngang, khổ vải chỉ rộng khoảng 30cm.

Bài ru con đã nói lên tâm hồn bình dị của dân-tộc và quê-hương

Ru con, con ngủ cho say,
Để u dệt tấm vải dày ruộm nâu,
Cắt quần, cắt áo u khâu.
Để thầy con mặc cày mầu bừa chiêm. (BBL)

Áo mầu nâu đã có củ nâu trên rừng, quần đen ngâm bùn dưới ao.

Muốn lụa tơ óng đẹp, phải nuôi tằm, tiến trình công việc vất vả không kém : khởi đầu mua trứng tằm đẻ trên mảnh giấy bản, hàng ngàn trứng nhỏ li-ti khoảng 1 tháng sau trứng nở thành ấu trùng, thức ăn là lá dâu, tằm lớn dần phải đổi chỗ bắt ra nhiều nong hay nia, (thứ để đựng tằm, đan bằng tre hay nứa), thức ăn phải cung cấp đầy đủ cho tằm mau lớn. Người ta thường ví “ ăn như tằm ăn rỗi” nghĩa là nó ăn nhanh và nhiều nên người nuôi phải chạy ngược chạy xuôi đi mua dâu, đủ thời lượng con tằm có màu vàng tươi nghĩa là tằm chín.

Bao giờ cho đến tháng năm,
Cho tằm ăn rỗi, cho tằm nhả tơ
Để anh có tứ làm thơ,
Để em dệt lụa may vừa áo anh,
Tằm vừa chín, dâu vừa xanh,
Ngày đêm dưới mái nhà tranh rộn ràng ..(BBL)

Người nuôi bắt tằm chín cho vào liếp ( liếp đan bằng nứa thường đan kín để làm cửa nhà tranh vách đất, nhưng liếp cho tằm làm tổ thì đan thưa có lỗ lớn bằng nắm tay trẻ em cho dễ nhồi rơm vào), tằm nhả tơ làm tổ gọi kén. Người nuôi phải nhớ ngày khi tằm nhả hết tơ sẽ biến thành nhộng, nhộng hoá thành con ngài, ngài có cánh sẽ cắn kén bay ra như thế là tơ bị đứt . Kén được cho vào nồi nước sôi, người kéo lấy một mối tơ một tay dùng đũa cản , một tay kéo tơ nhịp nhàng để những sợi óng nuột màu vàng trên cái sàng gọi là mớ tơ. Mớ tơ được guồng thành con chỉ và lên khung dệt, tơ lớp ngoài hơi thô là đũi, tơ phìa trong mỏng và óng nuột đẹp . Ngày kéo tơ là cả nhà có thêm thức ăn : món nhộng rang lá chanh rất bùi và ngon.

Đầy nong óng nuột tơ vàng
Em ngồi đánh suốt, cho chàng quay tơ (BBL)

Ăn mặc đã lo đủ, cho đời thêm thú vị thì trà , rượu và thuốc lào như tự thưởng gây thú đam mê. Trà tươi trồng trong vườn, hái trà xanh hãm một ấm, trưa hè cầy bừa mệt mỏi có bát nước chè tỉnh người. Một quán lá dưới gốc đa cho người đi đường hay nông phu nghỉ trưa, vài cái bánh nắm, bánh nếp, uống bát chè tươi bớt mệt.

“ cô hàng nước, cô hàng chè xanh”…. ( Vũ-Huyến)

Buổi sáng ngủ dậy chưa rít một hơi thuốc, người bần thần khó chịu, ở quê có điếu cầy ( Làm bằng ống tre hay nứa) nhà giầu là điếu ống ( điếu làm bằng sành, có ống hút dài)

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên ( ca dao)

Cây thuốc lào trồng ở ruộng, thường nơi cao ít nước người ta không trồng lúa mà trồng mầu như rau, đậu, bông hay thuốc lào.

Cây thuốc cao từ 1 tới 2 mét, lá dài khoảng 30cm, lá hái về bỏ cuộng sắt nhỏ phơi tẩm đóng vuông như viên gạch gọi là bánh thuốc. Trồng thuốc cũng vất vả không kém: hai sương một nắng. Sâu thuốc thường ăn lá và đẻ trứng vào lúc mặt trời chưa mọc vì thế tờ mờ sáng người ta đã phải ra đồng bắt sâu. Trứng sâu dính chặt vào lá, để khỏi rách phải dùng sôi hay cơm nếp ép vào lá cho trứng sâu rời ra. Thuốc lào Vĩnh-Bảo nổi tiếng ở ngoài Bắc thuộc tỉnh Kiến-An, miền Trung có thuốc Cẩm-Lệ tỉnh Quảng-Nam, còn miền Nam có thuốc Gò-vấp tỉnh Gia-Định.

Ngày Tết, đình-đám ngoài làng hay giỗ chạp phải có chút rượp nhắp môi vì.

Nam vô tửu như kỳ vô phong

Ngoài Bắc gọi là rượu trắng , trong Nam kêu rượu đế, rượu nấu bằng gạo ủ lên men, Pháp muốn bán rượu của họ nên cấm, ai cất giữ bị phạt nặng với tội danh “rượu lậu”.

Xin kể sơ qua đời sống của một nhà giầu nơi làng quê “ nhà ngói cây mít” có của ăn của để. Ngôi nhà chính để ở còn vài gian mái tranh là bếp nơi đặt cối xay thóc, chày giã gạo, phía sau là chuồng gà vịt, chim bồ câu, chuồng lợn. Sân gạch cạnh nhà phơi lúa, ao thả bèo, rau muống, nuôi cá, dẻo đất nhỏ trồng rau đậu, vườn trồng cây ăn trái như chanh, bưởi, chuối, ổi, mít, na. Trước hiên nhà giàn thiên lý ngát hương, hoa lý nấu canh rất ngon.Vài cây cau giữa sân, dưới gốc để chum, vại hứng lộc trời ban, nước mưa hãm một bình trà tươi thật tuyệt. Hoa cau nở vàng toả mùi thơm nhẹ, buồng cau chi chít quả tượng trưng cho sự phồn thịnh, chuyện tích Trầu Cau mang ý nghĩa chung thủy được dùng trong lễ cưới hỏi vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Bạn ở xa đến chơi, gà, vịt, lợn sẵn trong chuồng con nào béo đem làm thịt đãi khách khỏi phải như cụ Nguyễn-Khuyến giãi bầy.

Trẻ thì đi vắng chợ thời xa…..
Bác đến chơi đây ta với ta ..

Ngày xuân ở quê xưa thật vui không khí nhộn nhịp của những ngày giáp tết, các món ăn truyền thống được thể hiện; giết lợn mừng năm mới: bát tiết canh đỏ tươi hoà cùng mầu xanh húng quế ngò gai, đĩa giò thủ, giò nạc, lòng heo nóng hổi : nào dồi, tim, gan, tràng là mồi cho chư vị nhuốm máu Lưu-Linh. Thịt đông, thịt kho với dưa cải chua hành nén, thịt ba chỉ dành gói bánh chưng, thứ bánh của Tổ Tiên truyền từ thời vua Hùng.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Tết còn vui hơn khi tát ao: có cá, tôm, lươn, trạch phần đem bán phần nhà ăn đúng với câu “ no ba ngày Tết”.

Đa số dân làng chỉ sống quanh quẩn với ruộng đồng nên cần lao là chính họ làm đủ mọi việc để mưu sinh, không có ruộng thì làm thuê làm mướn đi cấy đi cầy kiếm vài bát gạo. Nhà đông đủ nhân công thì thuê ruộng, cấy rẽ ăn chia gọi là tá điền. Nhiều việc không gọi là nghề vì chẳng phải huấn luyện như mót lúa là nhặt những bông luá rơi rụng hay thợ gặt để sót. Cây cối bón bằng phân người ( phân bắc) nên nhà nào nhà nấy đều giữ cho ruộng vườn của mình.. có nơi gần như cả làng đi gắp phân hoặc lên thành phố đổ thùng rồi mang bán, có người sống bằng nghề gắp phân chó.

Gần sông ngòi người ta lưới cá , úp lươn, ngâm tôm, đó tép, móc rốc ( bắt cua) Có gạo cần thức ăn đưa cơm vội chạy ra đồng bắt mớ cua về nấu bát canh rau đay với muớp trên giàn, canh suông rau bát nháo: rau rền, rau mảnh bát, rau ngót thêm quả cà chua. Cho mặn miệng ra sông hay bờ ao đó mẻ tép kho khế, cà pháo sau vườn muối sổi ròn tan.

Họ là những người quê non nước Việt.
Sống cần lao bên ruộng lúa, đồng khoai,
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi,
Nước Việt sống nhờ mồ hôi họ đổ. (BBL)

Nghèo và nhu cầu ít nên chợ Huyện mỗi tháng họp 6 lần vào những ngày 3,7, 13, 17, 23,27, tại đây bán đủ thứ: quần áo, vải vóc, lợn gà, trâu bò ..v..v.. thôn xóm họp chợ Đình mỗi ngày để dân làng trao đổi lá rau, con cá…

Gia đình tôi nghèo, văn vẻ là “ thanh-bạch” như đã nói cụ anh lớn làm quan nên các em “ giấy rách phải giữ lấy lề” không thể lam lũ, lao động vì “ nhất sĩ nhì nông”

Nhà cụ tôi chỉ có mấy sào ruộng hương-hỏa, nông tang phải thuê người.

“Gia huấn” đã qui định: trai “kiếm cung”, gái “ canh cửi ” các bà cô theo lề lối sách vở chỉ chăn tằm hái dâu, dệt vải đôi khi ruộng cần nước phải ra đồng tát vụng ban đêm.

Thật trái ngược ngày xưa các cụ hãnh diện nghèo, Nguyễn công Trứ có bài “ Hàn nho phong vị phú” , thi vị hoá cái nghèo nhưng người ta cũng khổ và sợ mọi người biết mình nghèo.?? Trong sách “ Vang bóng một thời “ của Nguyễn Tuân đề cập tới một gia-đình bà Phán hay bà Huyện, khi gia đình sa sút, cơm chỉ muối dưa song vẫn phải tỏ cho mọi người thấy cuộc sống như xưa là ngày ngày mang bát chén Giang tây ra ao rửa ???

Từ-đường họ Bùi tại làng Trình-Phố tỉnh Thái Bình (11/2002)

Họ Bùi nhà tôi xất phát từ Thanh-Hoá theo gia-phả cụ Tổ Bùi Ngọc đời thứ bẩy đến Thái-Bình lập nghiệp. Đời thứ tám, cụ Cả Bùi-Viện còn gọi là cụ Tham, cụ thứ hai Bùi Phủng hay cụ Án, cụ Ba Bùi Lạp, cụ Tư Bùi chi Xuyện, cụ năm Bùi Hiệp, cụ Sáu Bùi đình Thụ, cụ Bùi Bẩy và cụ Tám Bùi Gia mất lúc trẻ, cụ Chín Bùi quí Miêu.

Các cụ quây quần ở thôn Trung, với trí nhớ của người rời làng lúc 12 tuổi, chỉ biết khi đi từ tỉnh lỵ về thấy căn nhà tây cao ngất 2 tầng ở làng An-Bồi (nhà ông Hàn) là biết sắp tới nhà mình. Trên quốc lộ 39 ngõ rẽ vào: nhà cụ Năm ( Bùi Hiệp) ở giữa hai cụ Chín ( Bùi quí Miêu) và cụ Sáu ( Bùi đình Thụ) hai bên. Đi thêm vài trăm mét là nhà cụ Hai ( Bùi Phủng), cụ Tư ( Bùi chi Xuyện).

Đã hơn nửa thế-kỷ xa quê tưởng khi trở về làng, tuy không mong nước giầu mạnh bằng các nước Âu-Mỹ nhưng cũng phải sánh ngang với các nước lân bang Thái-Lan, Phi Luật Tân….Thất vọng vô cùng khi làng quê còn nghèo nàn tụt hậu người dân cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Nông dân làm cật lực “con trâu đi trước, cái cầy đi sau” đôi khi người phải cầy thay trâu, phân bắc vẫn dùng bón ruộng, nước ao, nước giếng còn thông dụng.

Thương quê hương đất nước bị đầy đoạ mãi không thôi bây giờ chỉ biết cầu xin Trời, Phật, Tổ-Tiên phù hộ cho dân Việt Nam thoát khỏi kiếp sống đo đầy, để Dân-chủ, Tự-do, Công-bình, Bác-ái trải khắp nơi trên non sông.

Cảm nghĩ về quê hương trong những ngày đầu năm Nhâm-Thìn-2012

Bùi Mỹ Dương

No comments:

Post a Comment