Pages

Wednesday, February 8, 2012

KINH TẾ TOÀN CẦU


Triển Vọng Hoa Kỳ
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-02-01

Sau khi vụ khủng hoảng tài chính chớm nở tại Hoa Kỳ rồi lây lan ra toàn cầu, dư luận nhiều nơi đã nói về trào lưu suy tàn của nước Mỹ, hiện tượng đã xảy ra cho các đại cường trong lịch sử nhân loại.

AFP photo

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói về sử dụng năng lượng thiên niên và kinh tế Mỹ tại một cơ sở vận chuyển hàng hóa (UPS) ở Las Vegas, Nevada hôm 26/1/2012.

Cũng vì đó, một số giá trị tinh thần của nước Mỹ như quy luật thị trường, quyền tự do cá nhân, nguyên tắc dân chủ chính trị trong một xã hội cởi mở, v.v... đã trở thành vấn đề, thậm chí bị hoài nghi.

Diễn đàn Kinh tế của đài Á châu Tự do sẽ xoáy vào đề tài đó để tìm hiểu những chuyện thực hư đằng sau các vấn đề gọi là nổi cộm này. Mời quý vị theo dõi phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài kỳ này do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau những biến động kinh tế và chính trị từ năm 2008 đến nay, ta lại nghe thấy một số lý luận về khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa hoặc sự suy tàn của nước Mỹ vì dù sao, những biến động ấy khởi đi từ vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Trong chương trình kỳ này đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về sự thể đó vì với nhiều quốc gia thì các giá trị tinh thần của Hoa Kỳ đã có sức quyến rũ đáng kể và sự hoài nghi về tương lai của xứ này có thể dẫn đến nhiều ngả chọn lựa khác. Ông nghĩ sao về đề tài này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật ra, tôi rất ngần ngại khi đề cập đến Hoa Kỳ vì có thể gây hiểu lẩm.
Thứ nhất, xứ nào nào cũng có đặc tính xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa riêng, xuất phát từ hoàn cảnh địa dư và lịch sử của họ nên nét đặc thù của xã hội Mỹ chưa chắc có thể áp dụng tại các xứ khác như một mẫu mực. Thứ hai, vì mình sinh hoạt trên đất Hoa Kỳ nên có điều kiện hiểu rõ xứ này nhưng khen chê gì thì lại có thể gây ngộ nhận là theo "chủ nghĩa phục Mỹ" trong khi bản thân tôi trên nhiều diễn đàn khác cũng có những bình luận mang tính phê phán, có khi cũng bị xem là... "chống Mỹ". Tuy nhiên, giữa trào lưu hoài nghi chung của thiên hạ về tương lai của Hoa Kỳ thì ta cũng nên đề cập đến đề tài này một cách lạnh lùng. Đôi khi có thể giúp thính giả nhìn thấy sức mạnh của một quốc gia nằm ở đâu.

Vũ Hoàng: Như vậy, ta khởi sự từ câu hỏi sức mạnh của quốc gia nằm ở đâu. Hoặc đi vào chuyện cụ thể, ta có thể nêu câu hỏi là vì sao nhiều học giả Mỹ cũng nói về sự suy tàn của Hoa Kỳ và thậm chí đả kích lãnh đạo của họ?

Trăm năm qua, dân Mỹ thực tế giàu gấp tám và thành phần gọi là nghèo của họ ngày nay vẫn có mức sống của dân trung lưu tại nhiều xứ khác.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Để trả lời cho câu hỏi đó mà vì thời giờ của lại có hạn tôi xin thu hẹp nội dung vào một số điểm chính mà thôi.
Tôi nghiệm thấy một đặc điểm của Hoa Kỳ - ít thấy ở xứ khác – là biệt tài phanh phui và điều tra về những thất bại của họ trong mọi lãnh vực từ kinh tế, xã hội, đến ngoại giao, an ninh, v.v. Nếu cứ tin vào đó thì ta dễ kết luận là xứ này khó khá! Thật ra đấy là sức mạnh của Hoa Kỳ vì không ai có độc quyền chân lý và kiểm soát thông tin mà ai ai cũng có quyền phê phán, nhờ vậy mà họ tránh tái diễn sai lầm và khiếm khuyết.

Thứ hai là qua hơn hai trăm năm hình thành, cứ dăm chục năm tức là hai thế hệ thì nước Mỹ lại có tranh luận gay gắt về tương lai và tranh luận đó có dẫn tới những đổi thay chính trị. Lý do là mỗi thế hệ lại gặp một bài toán mới mà giải pháp của thế hệ đi trước không giải quyết được. Nếu chỉ theo dõi các mâu thuẫn hay tranh luận ấy - thí dụ như giữa thế hệ lập quốc có sắc thái quý tộc ở vùng Đông Bắc với thế hệ di dân tới sau và khai phá lãnh thổ như những kẻ phiêu lưu, hoặc giữa thế hệ nông gia đã mở mang trang trại bạt ngàn với thế hệ những người khoanh vùng xây dựng đô thị – thì ta nghĩ rằng nước Mỹ thường xuyên có loạn! Thật ra sức mạnh của họ chính là tinh thần hòa đồng và tiếp nhận kinh nghiệm, nhất là sau cuộc Nội chiến thảm khốc trong lịch sử. Và ngay khi cuộc nội chiến chấm dứt, cách hành xử phải nói là hào hiệp và văn minh giữa hai phe chiến thắng và chiến bại cũng nói lên sức mạnh đó.

Tổ chức và sáng tạo

Vũ Hoàng: Chuyện ấy khiến ta nghĩ đến Việt Nam sau năm 1975! Nhưng trở về đề tài, ông nói đến những giá trị tinh thần của nước Mỹ khiến người ta có thể đặt các cuộc tranh luận hiện nay, vào khuôn khổ tương đối của xứ này nếu nhìn trong viễn ảnh dài của lịch sử. Nhưng phải chăng Hoa Kỳ còn một lợi thế mà ít xứ nào có được, đó là vị trí địa dư và hình thể của lãnh thổ?


000_GYI0057387508-250.jpg

Người tìm việc tại một hội chợ việc làm ở New York hôm 08/5/2009. AFP

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi cứ hay nói đùa là khi nhận định về lẽ thịnh suy của một quốc gia hay bất cứ một biến cố chính trị kinh tế nào đó thì ta cần có tấm bản đồ để xác định không gian và tờ lịch để nhìn ra diễn tiến thời gian trước sau, may ra thì thấy được tương quan nhân quả.

Về trường hợp Hoa Kỳ thì quả thật địa dư hình thể có thể giải thích ra sức mạnh mà không xứ nào có được, từ các đế quốc xa xưa đến các cường quốc hiện đại như Nga, Tầu, Đức, Nhật. Quốc gia này có diện tích bát ngát và vuông vức ở giữa hai đại dương lớn nhất địa cầu, bên trong có châu thổ của năm con sông lớn đan kết chứ không biệt lập với nhau, lại nằm tại vùng ôn đới khả canh, có thể đầu tư, canh tác và chuyên chở để buôn bán dễ dàng. Việc tiếp giáp với đại dương còn mở mang khả năng giao dịch quốc tế và chi phối xứ khác.

Cũng xin nói thêm rằng Hoa Kỳ là nơi mà lực lượng lao động thiểu số là nông gia lại được mua chuộc bằng đạo luật canh nông để kiềm chế sản xuất hầu giữ giá nông sản khỏi sụt trong khi nhiều xứ khác cầy xới mãi chưa đủ ăn, kể cả và nhất là Trung Quốc. Nhưng sức phát triển của nước Mỹ không chỉ có vậy vì còn cái đầu.

Vũ Hoàng: Chúng tôi đoán rằng ông sẽ nói về cách tổ chức và sáng tạo của dân Mỹ....

Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả như vậy và sau khi nói chuyện bản đồ thì tôi xin cầm lấy tờ lịch!
Năm 1902, một đại trí thức có tinh thần gọi là "cách mạng" khá tiêu biểu của "Cựu thế giới" tại Âu châu là ông Lenin của nước Nga đã viết cuốn sách có tiêu đề là "Làm gì?" Chúng ta thấy ra kết quả là tư tưởng hàm hồ của Karl Marx được "đưa vào áp dụng" nhờ kỹ thuật cướp chính quyền! Nó làm thay đổi bộ mặt của thế giới một cách khá bi thảm trong suốt thế kỷ 20, cho tới khi Liên Xô tan rã cách nay 20 năm. Nhắc lại vậy thì mình cũng nhớ đến chuyện trăm năm trước.

Đầu năm 1912, Hoa Kỳ vừa ra khỏi hai năm suy trầm kinh tế - và trong trăm năm đó đã bị gần hai chục lần suy trầm - khiến dân Mỹ lại có dịp tự hỏi hoặc dằn vặt nhau y như ngày nay là "làm gì bây giờ đây?" Nhưng họ không chỉ tự hỏi rất trừu tượng như vậy, mà nhiều người thực tiễn bắt tay vào việc. Kết quả là Hoa Kỳ mở đường điện khí hóa, dùng điện thoại, phát minh thép không rỉ, đã bập bẹ bật radio và tập tành lái xe tự động, v.v.... Cuộc cách mạng công nghiệp bùng phát từ đó đã đảo lộn hệ thống sản xuất và trao đổi kinh tế của nước Mỹ rồi toàn cầu trong cả thế kỷ.

Trăm năm qua, dân Mỹ thực tế giàu gấp tám và thành phần gọi là nghèo của họ ngày nay vẫn có mức sống của dân trung lưu tại nhiều xứ khác. Đáng yêu nhất là thành phần này có quyền ta thán khiếu nại và trở thành vấn đề mà xã hội phải giải quyết chứ không bị bỏ tù hay bắt vào "lao cải" như ở nhiều xứ khác ngay trong thế kỷ 21.

Đầu thế kỷ 21, việc công nghiệp hóa lại chuyển và cách mạng tín học với khoa điện toán đã bung rất mạnh, còn dẫn tới nạn bong bóng đầu tư bị bể rồi kinh tế suy trầm. Khi ấy, nước Mỹ cũng tranh luận và kết án lung tung khi nhiều đại gia phá sản vì thay đổi không kịp! Ngày nay, giữa sự hoài nghi bải hoải của nhiều người, một cuộc cách mạng khác đã xuất hiện ngay trên đất Mỹ mà ít ai chú ý.

Vũ Hoàng: Ông muốn nói đến cuộc cách mạng gì? Hay là chuyện doanh nghiệp Kodak rất nổi tiếng cũng vừa khai báo phá sản vào đầu năm nay như nhiều nước đã mỉa mai nói tới?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vào dịp nào đó ta sẽ nói chuyện Las Vegas, của tiểu bang Nevada, là "thành phố ảo" vì được dựng lên rất hào nhoáng giữa sa mạc chẳng có tài nguyên gì. Người ta cứ nhắc đến nơi đó như thiên đường của dân đánh bạc mà ít ai chú ý đến các hội chợ hay trung tâm "đấu xảo" do tư nhân tổ chức để triển lãm các sản phẩm công nghệ tiên tiến mà thị trường sẽ tiêu thụ sau này. Trong ngần ấy doanh nghiệp tham dự, họa hoằn có vài cơ sở Đông Á như Nhật Bản hay Nam Hàn mà chả thấy cơ sở nào của Âu châu. Còn lại thì toàn công ty Mỹ, với loại sản phẩm tưởng là chỉ có trong phim khoa học giả tưởng! Tức là khi Kodak bị loại thì cả trăm cơ sở khác đã xuất hiện như Kodak vào năm 1889. Hiện tượng ấy phản ảnh hai ba chuyện về Hoa Kỳ...

Một cuộc cách mạng

Vũ Hoàng: Xin hỏi ngay một câu rằng hình như với ông thì chuyện Kodak một doanh nghiệp từng chiếm lĩnh thị trường máy ảnh của thế giới từ cả thế kỷ bị phá sản cũng chẳng là điều lạ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nhớ cảm giác khi hãng hàng không Pan Am bị phá sản, rồi tiêu vong cách nay đúng 20 năm, thì mình cũng thấy lạ vì hãng này gần như là biểu trưng của Mỹ với thế giới bên ngoài. Dần dần rồi mới hiểu ra thực tế là sự đổi thay thường trực của Hoa Kỳ.

Thí dụ khác là Chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones do tư nhân lập ra trên thị trường chứng khoán. Nó có 30 doanh nghiệp tiên tiến và tiêu biểu của nước Mỹ. Danh sách này thay đổi 48 lần trong 116 năm hiện hữu và Kodak có mặt vào năm 1930 thì bị loại từ năm 2004. Thật ra chẳng cơ sở nào tại Mỹ mà tồn tại mãi trên đỉnh như mình có thể đã thấy tại rất nhiều nước khác.

000_136142964-250.jpg
Một cửa hàng giảm giá dịp cuối năm 2011. AFP

Vũ Hoàng: Trở lại chuyện công nghệ tiên tiến ông vừa nhắc đến, rằng điều ấy phản ảnh hai ba chuyện về nước Mỹ, đó là những chuyện gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Các học giả có thể nói về sự thịnh suy của Mỹ hay của kinh tế chính trị học Hoa Kỳ, thật ra nước Mỹ vừa trải qua một cuộc cách mạng khác mà thiên hạ chưa kịp thấy.

Thứ nhất là khả năng vận trù - là sử dụng và khai thác - một lượng thông tin vĩ đại trong thởi khoảng cực ngắn. Ngày nay mọi phương tiện đối thoại, thông tin và trình bày bằng điện thoại hay máy điện tử cầm tay đều vận trù cả tỷ tỷ dữ liệu với vận tốc gọi là tức thời. Từ đó, loài người sẽ giải quyết vấn đề của mình trong không gian theo phương thức khác với kết quả phát triển kinh tế chưa thể lường được. Mà trẻ em Mỹ thì đã thực tế sống trong không gian đó rồi.

Thứ hai là khả năng chế biến, tức là thiết kế và sản xuất, cũng đổi khác từ khâu đầu tiên là tư duy, là thử nghiệm sáng kiến trong không gian ba chiều, cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Từ khi người Mỹ nghĩ ra tiến trình sản xuất quy mô, như xưởng ráp chế xe hơi cách nay trăm năm, cho đến ngày nay thì hệ thống sản xuất đã đổi và sẽ còn đổi khác rất nhanh. Quan hệ giữa con người trong hệ thống đó cũng đã và sẽ còn thay đổi theo cái hướng thông minh và tinh tế hơn.

Thứ ba là dân Mỹ đã đi vào thế giới gọi là "vô tuyến" – wireless – và điều ấy giải phóng con người còn triệt để hơn là khi phát minh ra điện thoại. Chẳng những vậy, hiện tượng vô tuyến đã huy động con người vào mạng lưới hay "đám mây điện toán" với giá cực rẻ và tầm liên kết cực rộng, thực ra là toàn cầu. Ta nên học hỏi thêm từ các kỹ sư và giới xã hội học về hiện tượng này.

Quan trọng nhất, ngần ấy phát minh đều do tư doanh chứ chẳng phải là một bộ máy phi thường nào của nhà nước hay do kỹ nghệ chiến tranh hoàn thành với các nhà bác học mặc áo công chức. Hoa Kỳ tạo cơ hội cho những Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zuckerberg phát huy sáng kiến đến thành công, có thể là trên sự hoang tàn của nhiều doanh nghiệp khác. Nếu chỉ thấy sự sa sút của các đại gia bị lão hoá, như IBM hay Hewlett-Packard, thì ta chưa thấy ra sức năng động của văn hoá và xã hội Hoa Kỳ. Kinh tế xứ này cũng thế, nó sẽ phải thay đổi và có khả năng thay đổi.

Hoa Kỳ tạo cơ hội cho những Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zuckerberg phát huy sáng kiến đến thành công, có thể là trên sự hoang tàn của nhiều doanh nghiệp khác.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến chữ "lão hóa", phải chăng Hoa Kỳ có khả năng xin tạm gọi là "chống lão hóa"?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng ngoài địa dư hình thể, sức mạnh của một quốc gia tùy thuộc vào dân số, dân trí và dân chủ. Hoa Kỳ có dân số khá đông với năng suất rất cao, mà lãnh thổ còn thừa sức hấp thụ một dân số gấp ba thì mới có mật độ tương tự như nhiều xứ khác. Nhờ đón nhận di dân, xứ này lại có dân số trẻ nhất trong các nước công nghiệp hoá - và mươi năm tới sẽ trẻ hơn dân Trung Hoa - nên không bị hiện tượng lão hóa như đã có tại Nhật, Nga hay Đức rồi sẽ thấy tại Trung Quốc. Sau cùng, nền dân chủ ưa ồn ào tranh cãi như ta đang thấy còn khiến các giải pháp và cơ chế vận hành trong xã hội không bị xơ cứng trong thành quả nhất thời.

Kết luận thì cứ vài chục năm dân Mỹ lại la trời về khủng hoảng rồi lại đổi thay mà đi tới và họ có quyền đi trước cả nhà nước. Giữa vụ khủng hoảng trầm trọng hiện nay, xứ này vừa lặng lẽ hoàn tất một cuộc cách mạng về "thuật lý", technology, mà vài chục năm nữa thiên hạ mới thấy hết hậu quả. Vì vậy, tôi cho là người ta đừng vội nói về sự suy tàn của nước Mỹ!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/american-renaissance-vh-02012012163522.html

Thoát Khỏi Nguy Nan
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-01-11

Với viễn ảnh kinh tế vẫn kém sáng sủa cho nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, câu hỏi đặt ra cho mọi người là giới hữu trách sẽ đối phó ra sao, có những chính sách gì khả dĩ tránh khỏi kịch bản u ám đó.

AFP photo Từ phải sang: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, Bộ trưởng Kinh tế và Tiền tệ Liên minh châu Âu Olli Rehn và Thủ tướng Estonia Andrus Ansip tại một cuộc họp báo của các nhà lãnh đạo European Liberal tại London vào ngày 09 tháng 1 năm 2012.

Tiếp theo chương trình tổng kết kỳ trước, Diễn đàn Kinh tế tuần này sẽ tìm hiểu về các chính sách thoát khỏi nguy nan kinh tế. Vũ Hoàng có cuộc trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do về đề tài này.
Khủng hoảng niềm tin

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Như đã hẹn kỳ trước, tuần này, xin đề nghị ông phân tích cho quý thính giả của chúng ta những giải pháp mà các quốc gia trên thế giới có thể áp dụng để tránh khỏi tình trạng mà ông gọi là "cùng nhau hạ cánh". Như thông lệ, xin yêu cầu ông trình bày cho bối cảnh của vấn đề.
\
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng trước hết, người ta thường phân biệt các nền kinh tế thế giới thành hai khối lớn. Khối công nghiệp hoá "đã phát triển" gồm vài chục quốc gia với tổng sản lượng trị giá khoảng 40% sản lượng toàn cầu, đứng đầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Khối thứ hai là mấy trăm quốc gia hay thị trường "đang phát triển", với sản lượng tổng cộng khoảng 60% còn lại, trong số này có nhiều nền kinh tế thuộc loại "tân hưng" hoặc mới nổi.

Thứ hai, và ngược với kỳ vọng của nhiều người, sức mạnh của các nền kinh tế đang phát triển vẫn tùy thuộc vào giao dịch hàng hóa và tư bản với khối công nghiệp hoá, chủ yếu là với các nước Tây phương đã sớm theo kinh tế tự do trong chế độ chính trị dân chủ.

Thứ ba là trong năm 2012 vừa bắt đầu, người ta e ngại khối kinh tế đang phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, chủ yếu là do ảnh hưởng bất lợi từ khối kinh tế công nghiệp hoá. Đà tăng trưởng toàn cầu, tính theo phương pháp trung bình gia trọng có thể xê dịch giữa mức bình quân là từ 3,5 đến 3,8%, tức là mấp mé tình trạng khá bất lợi của năm 2009, khi thế giới bị nạn "Tổng suy trầm 2008-2009". Đó là kịch bản gọi là "cùng nhau hạ cánh".

Trong hoàn cảnh chung đó, các nền kinh tế Á châu ngoài Nhật cũng bị ảnh hưởng nặng chứ chưa thể thoát ra ngoài và dự báo căn bản nhất là chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân là dưới 7%. Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 7,5 đến 7,7%, tức là dưới cái ngưỡng sinh tử về xã hội cho xứ này là 8%, và thua xa tốc độ 10% họ đã thấy trong mấy chục năm liền. Còn về Việt Nam thì tình hình cũng kém sáng sủa với đà tăng trưởng còn thấp hơn năm nay, có thể từ 5,5 đến 5,7%, đi cùng nguy cơ lạm phát. Đó là kịch bản khái quát, với hệ số rủi ro cao hơn là hy vọng thoát hiểm.

Vũ Hoàng: Trong hoàn cảnh đó, có phải là chính quyền các nước đều phải tìm ra đối sách thích hợp hầu tránh khỏi kịch bản khái quát này? Thưa ông, rút kinh nghiệm từ những gì đã áp dụng năm ngoái, người ta nên dự trù những gì về chính sách? Trung Quốc và cả Việt Nam cũng bắt đầu thấy mình đi vay quá đà và sử dụng tiền vay mượn đó mà bất kể đến hiệu năng sản xuất nên khủng hoảng ngân hàng vì mất nợ cũng là một kịch bản thực tế.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa Nguyễn Xuân Nghĩa: Tất nhiên là mỗi nhóm kinh tế, thậm chí mỗi quốc gia, đều có hoàn cảnh đặc thù chứ không thể có cùng một chính sách ứng phó đồng dạng. Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ rằng bài toán chung vẫn là khả năng xoay trở của khối kinh tế công nghiệp hoá vì ảnh hưởng quá lớn của nhóm này. Tức là chìa khoá quan trọng nhất vẫn nằm trong các nước Âu-Mỹ. Trong khi ấy, người ta cùng thấy ra một sự thất vọng của người dân mọi nơi mà trong một kỳ trước diễn đàn này gọi là cuộc khủng hoảng niềm tin. Thuần về kinh tế, và quan trọng nhất, đó là sự thất vọng trong quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư. Vũ Hoàng: Ông có thể giải thích rõ hơn về sự thất vọng ấy hay không?

000_136142964-250.jpg

Một phụ nữ trong một cửa hàng Sears hôm 27/12/2011 tại Milford, Connecticut. AFP photo Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta chỉ có thể gia tăng sản xuất và nhờ đó mà tạo ra việc làm và nâng cao lợi tức cho mọi người khi có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải có tiền, tức là có tài sản của người tiết kiệm, được chuyển hóa từ lợi tức dư dôi của họ thành phương tiện sản xuất cho người khác.

Người có tiền tiết kiệm phải có lời khi ký thác tài sản đó vào ngân hàng hoặc đem cho vay;
người đầu tư phải dùng tài sản được huy động ấy sao cho có lời để trang trải chi phí đi vay và tích lũy doanh lợi để tiếp tục mở mang cơ sở; ở giữa là chính quyền phải đảm bảo được sự ổn định của vật giá và chức năng chuyển hóa tiết kiệm thành đầu tư cho minh bạch thông thoáng.

Từ nhiều năm qua và cao điểm là năm 2011 vừa kết thúc, người ta thấy sự sụp đổ của hệ thống chuyển hóa tài chính đó giữa tiết kiệm và đầu tư khi nhà nước và doanh nghiệp đi vay quá sức hoàn trả khiến cho người tiết kiệm bị thiệt khi mất nợ. Phản ứng chung của mọi người là thu vén phương tiện để thủ thân làm cho đầu tư sút giảm.
Vì đầu tư sút giảm, sản lượng không tăng, nhà nước khó thu được thuế nên càng gây thêm bội chi ngân sách và càng phải vay mượn khiến lãi suất càng tăng nên càng gây trở ngại cho đầu tư trong một vòng luẩn quẩn khó gỡ. Đó là bài toán của năm 2012, nhưng xuất phát từ vấn đề tích lũy từ mấy chục năm nay là tình trạng nợ nần quá nặng của quá nhiều quốc gia đã tiêu thụ và vay mượn quá khả năng.

Ngày nay, người ta đến giờ tính sổ, tức là gặp yêu cầu gia tăng tiết kiệm và thanh toán nợ nần trong khi doanh nghiệp thì ngần ngại tung tiền ra đầu tư vì e sợ lỗ lã. Cũng xin nói thêm rằng đấy không phải là vấn đề đặc thù của riêng khối kinh tế Âu-Mỹ vì Trung Quốc và cả Việt Nam cũng bắt đầu thấy mình đi vay quá đà và sử dụng tiền vay mượn đó mà bất kể đến hiệu năng sản xuất nên khủng hoảng ngân hàng vì mất nợ cũng là một kịch bản thực tế.

Vũ Hoàng: Bây giờ, chúng ta bước qua phần thứ hai là các đối sách đã gây thất vọng trong năm ngoái và trở thành bài toán đe dọa cho năm nay. Thưa ông, đó là những chính sách gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng kỳ trước chúng ta nói đến bốn nhóm chính sách ứng phó với tình trạng giảm nợ, hoặc "trả lại đòn bẩy" sau khi vay mượn tiền bạc như tìm một đòn bẩy về kinh doanh. Đó là nâng mức tiết kiệm để trả nợ, tức là giảm sức chi tiêu; thứ hai là nâng mức sản xuất với hiệu suất đầu tư cao hơn; thứ ba là tái cơ cấu nợ nần, cụ thể là xoá nợ cho một số khách nợ để có một nền tảng chi thu quân bình hơn hầu mọi người cùng có thể "làm lại cuộc đời" và mỗi người bị thiệt một chút thay vì chết chùm với nhau; và sau cùng là giảm bớt gánh nợ qua biện pháp kích thích lạm phát, là một điều thực tế mà người ta cứ tưởng là hãn hữu. Trong mấy năm qua, bốn loại biện pháp ấy đã là thách đố sinh tử cho khối kinh tế công nghiệp hoá và năm nay sẽ là ẩn số cho kinh tề toàn cầu.

Vũ Hoàng: Như đã hẹn tuần trước, xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta từng loại biện pháp này, nhờ đó mình có thể hiểu rõ hơn nội dung của các cuộc tranh luận mà hàng ngày ta nghe thấy truyền thông loan tải.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Có một vấn đề thật ra không lạ mà ta nên nhắc tới là từng cá nhân hay một hộ gia đình đều có thể ý thức được là đã tiêu xài hay vay mượn quá trớn nên qua năm mới bèn "hạ quyết tâm" là cả nhà sẽ tần tiện dè xẻn để còn trả bớt nợ thay vì tìm ra đồng nào thì mất đồng ấy vì phải trả tiền lãi hoặc tài sản sinh hoạt sẽ bị chủ nợ tịch biên. Chuyện ấy, ai cũng biết.

Nhưng một quốc gia hay cả một nền kinh tế thì không thể đối phó như vậy được vì nếu mọi người đều tiết giảm chi tiêu thì số cầu sa sút. Sinh hoạt đình trệ đó khiến hệ thống sản xuất co cụm, thất nghiệp tăng và căn bản thọ thuế của cả nước bị thu hẹp với hậu quả là công quỹ không thu được tiền hầu có thể trả nợ và người người đều nghèo đi thì làm sao thanh toán nợ nần?

Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu đang gặp bài toán đó và đấy cũng là cuộc tranh luận gay gắt năm nay khi ta nghe nói đến hai yêu cầu thật ra là mâu thuẫn là giảm bội chi ngân sách và đẩy lui thất nghiệp. Mà đấy không chỉ là bài toán của nước Mỹ trong một năm tranh cử vì hầu như xứ nào cũng rơi vào cảnh ngộ nan giải là phải xuất khẩu nhiều hơn để kích thích bộ máy sản xuất nội địa trong khi các nước đều muốn nhập khẩu ít đi. Thực tế thì mọi người đều lãnh hậu quả của những quyết định sai lầm hoặc quá lạc quan trong quá khứ và đến khi lâm nạn thì càng khó đồng ý với việc xoá nợ cho người khác.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì chuyện thanh toán nợ nần ở cấp quốc gia lại liên quan đến hồ sơ mậu dịch và ngoại thương, có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế và ta lấy ngay một thí dụ thời sự tại Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ giảm bội chi thí dụ là 1% của Tổng sản lượng Nội địa GDP thì sẽ lãnh hậu quả là làm tiêu thụ nội địa có thể giảm trong một hai năm tới và đà tăng trưởng giả dụ như 2% có khi sẽ mất 0,60% tức là chỉ còn 1,4% thôi. Trong hoàn cảnh ấy thì làm sao đẩy lui thất nghiệp?

Một giải pháp cho bài toán giảm chi để trả nợ là kiếm tiền ở nơi khác qua ngả xuất khẩu. Khi ấy ta mới thấy rằng ba đầu máy xuất khẩu mạnh nhất thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức chỉ tăng trưởng nhờ bán hàng ra ngoài. Mà trong ba quốc gia đó, vấn đề nợ nần thật ra cũng rất đáng quan ngại, kể cả Trung Quốc và xứ mắc nợ số một thế giới là nước Nhật.

Khi đó, chính sách thắt lưng buộc bụng để trả nợ đòi hỏi một sự phối hợp giữa các nước mua và bán, giữa khối quốc gia đạt xuất siêu với các nước bị nhập siêu. Làm sao phối hợp và chịu chung thiệt hại nếu xứ nào cũng nghĩ đến chuyện "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng ai nào người ấy giữ"? Bối cảnh đó khiến chúng ta nên chú ý đến ngoại thương, ngoại giao và thậm chí nguy cơ chiến tranh mậu dịch theo kiểu làm cho bạn hàng của mình cùng nghèo đi như ta nói tuần trước.
Đẩy mạnh tăng trưởng
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ ghi nhận vấn đề này khi mình theo dõi thời sự kinh tế thế giới. Bây giờ, ta bước qua loại chính sách thứ hai là làm sao đẩy mạnh tăng trưởng. Nó đã gặp trở ngại gì?

Một cửa hàng kim khí điện máy ở Hà Nội những ngày giáp Tết 2012. RFA photo Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta nghĩ đến thực tế kế toán là tỷ lệ nợ nần so với sản lượng. Muốn giảm nợ mà thấy khó thì mình nâng sản lượng. Nhưng ta không quên một động lực chìm, chậm rãi và rất mạnh, đó là dân số và hiệu năng sản xuất của từng nền kinh tế.

Ngoài trừ Hoa Kỳ, các nước công nghiệp hóa đều có chung hoàn cảnh là tỷ lệ dân số già lão gia tăng và trong hoàn cảnh thất nghiệp quá cao hiện nay, các nhà làm chính sách đều tránh đụng tới hồ sơ lao động. Và khi mọi người đều mất niềm tin vào chính sách của nhà nước thì các doanh nghiệp đều ngại ngần đầu tư thêm vào thiết bị hay công nghệ cao. Một thí dụ cụ thể là doanh lợi của các công ty Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục và các doanh gia thì bị công luận lên án qua các vụ biểu tình tự phát. Thực tế thì họ ngồi trên số thanh khoản rất cao mà lại đầu tư rất ít vì sợ những rủi ro trước mặt, và rủi ro lớn nhất là bị đánh thuế, hoặc bị đả kích.

Nhìn rộng ra ngoài, khi một xứ đã mắc nợ tới cái ngưỡng sinh tử là 100% tổng sản lượng thì khó nâng sản lượng để thoát khỏi nợ nần. Kết cuộc thì năm qua người ta đổ lỗi cho nhau và người có khả năng sản xuất để tạo ra việc làm lại là thành phần bị mất niềm tin! Tại Việt Nam thì đó là hiện tượng các đại gia ngồi mát ăn bát vàng nhờ tác động của các nhóm lợi ích trong khi cả vạn doanh nghiệp tư nhân bị đe dọa phá sản. Đấy cũng là một nghịch lý về chính sách.

Vũ Hoàng: Bây giờ ta bước qua chuyện xoá nợ để như ông nói là "làm lại cuộc đời"....
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta không nên quên rằng mình đang ở vào giai đoạn tính sổ kế toán sau nhiều năm lạc quan vay mượn. Chính quyền và doanh nghiệp lẫn chủ đầu tư của từng xứ đều phải chia sẻ trách nhiệm trong việc đi vay và tính toán rủi ro, nhưng chia sẻ trách nhiệm thì cũng là chia sẻ sự lỗ lã. Nhiều chính quyền nợ nần quá nhiều nên không còn khả năng gánh vác mức lỗ lã của mình và bị nguy cơ vỡ nợ. Các doanh nghiệp mắc nợ thì sợ chính quyền sẽ tăng thuế để bù lỗ nên càng lâm vào thế kẹt. Các ngân hàng thì vừa lo trả nợ vừa sợ bị mất nợ nên càng ngần ngại cấp phát tín dụng hoặc sẽ đòi phân lời rất cao nên càng gây trở ngại cho yêu cầu đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng.

Thực tế thì mọi người đều lãnh hậu quả của những quyết định sai lầm hoặc quá lạc quan trong quá khứ và đến khi lâm nạn thì càng khó đồng ý với việc xoá nợ cho người khác. Hãy tưởng tượng đến hoàn cảnh của các ngân hàng tại Việt Nam đã bung ra quá mạnh và bị nguy cơ vỡ nợ trong khi chính quyền ngần ngại san sẻ một phần của sự lỗ lã này vì ngân sách đã bị bội chi và thực tế thì cũng đã vay mượn hoặc bảo lãnh nợ nần quá khả năng.

Vũ Hoàng: Sau cùng thì chỉ còn giải pháp kỳ lạ mà ông nói tới là chủ động gây ra lạm phát! Thưa ông, đó là cái gì vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Giải pháp lạm phát thật ra không có gì là kỳ lạ hay hãn hữu đâu vì rất nhiều quốc gia đã cố ý hoặc vô tình áp dụng mà không biết! Chính quyền và doanh nghiệp lẫn chủ đầu tư của từng xứ đều phải chia sẻ trách nhiệm trong việc đi vay và tính toán rủi ro, nhưng chia sẻ trách nhiệm thì cũng là chia sẻ sự lỗ lã.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong cụ thể thì đó là giữ lãi suất khá lâu ở dưới mức tăng trưởng và kết quả là có đà tăng trưởng rất cao trên mệnh giá với hậu quả là người đi vay có lợi hơn người cho vay. Từ vụ Tổng suy trầm 2008 đến nay, các nước đều có áp dụng giải pháp đó khi hạ lãi suất ở mức "cận âm" là gần với số không nếu so với lạm phát và còn ào ạt in tiền để bơm vào kinh tế. Kỳ vọng ở đây là gây ra mối lo về lạm phát khiến dân chúng không dám trữ tiền mà đem ra xài và nâng cao số cầu. Nhưng kết quả trong khối kinh tế công nghiệp hoá lại không được như vậy, phương tiện sản xuất vẫn dư dôi mà lạm phát không xảy ra và mọi người đều kẹt. Trong khi ấy, và chúng ta sẽ trở lại chuyện này trong kỳ khác, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam lại chóng mặt vì nạn lạm phát!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về phần tổng kết này và xin hẹn ông kỳ tới.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/policy-challenges-
vh-01112012153020.html

AFP photo

Trung tâm thành phố New York bên sông Hudson

Mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu câu giải đáp qua cuộc trao đổi sau đây do Vũ Hoàng thực hiện cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa trong chương trình diễn đàn kinh tế đầu tiên của năm 2012. Thưa ông, kinh tế thế giới trong năm mới sẽ lên xuống ra sao? Đây là câu hỏi trong tâm tư mọi người sau một năm có quá nhiều bất trắc và tai họa cho cả địa cầu. Theo dõi các phân tích và chẩn đoán từ nhiều xuất xứ, ông có thể làm một dự đoán tổng kết cho thính giả hay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta có thể đoán sai và tôi còn mong rằng phần dự báo của chúng ta cho năm mới sẽ sai nhiều hơn đúng! Nói chung là sau một năm 2011 u ám, năm 2012 vẫn chưa khởi sắc. Dù sao thì năm nay chưa thể là "tận thế" như sấm ký của thổ dân Maya tại Trung Mỹ!

Nói về chuyện đúng sai thì ngay tại Hoa Kỳ, vốn là nơi có thông tin khá cập nhật, vào đầu năm 2011 giới kinh tế đoán là sau 18 tháng suy trầm và 30 tháng èo uột, kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc. Vậy mà tới giữa năm sự thể lại không như vậy nên người ta lại e rằng kinh tế Mỹ có thể đụng đáy hai lần, là suy trầm nữa. Rồi vào quý bốn, khi thấy dân Mỹ cà thẻ tín dụng và lấy tiền tiết kiệm đi mua sắm, người ta mong là qua năm 2012 tình hình sẽ khả quan hơn. Đến cuối năm mới thấy dự báo đó là lạc quan và yêu cầu tiết giảm bội chi ngân sách sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tình hình sản xuất trong năm nay. Vì khung cảnh bất trắc ấy mình mới cần thường xuyên kiểm lại các dự báo.

Về dự báo cho năm tới thì đa số cùng nói đến hai hiện tượng liên hệ là "hạ cánh" và "trả nợ". Hạ cánh là khi đà tăng trưởng sẽ giảm. Còn hạ cánh thế nào thì nhẹ nhàng là bị suy trầm, hạ cánh nặng nề là bị suy thoái, hoặc hạ cánh tan tành là bị khủng hoảng. Điều ấy còn tùy hoàn cảnh từng nước. Về dự báo trả nợ thì thuật ngữ kinh tế gọi là "deleveraging". Khi vay mượn thì như dùng đòn bẩy để chuyển được một vật nặng hơn sức mình. Bây giờ là lúc... trả lại đòn bẩy, tức là nhiều nước phải cùng lúc thanh toán nợ nần lưu cữu từ lâu.

Hạ cánh và trả nợ

044_B37572114-250.jpg
Mô hình căn nhà được xếp bằng tiền Euro. Photononstop

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi đi từ dự đoán tổng quát đó. Thưa ông, trước khi nói đến chuyện nợ nần thì xin ông giải thích vì sao kinh tế thế giới lại cùng hạ cánh trong năm nay?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong thế giới hội nhập về kinh tế thì địa cầu vẫn là hình tròn của vòng liên hoàn vì các quốc gia buôn bán và trông cậy lẫn nhau nhiều hơn là ta nghĩ. Ví dụ như Úc, tức là Australia, hay xứ Brazil đều cần bán khoáng sản cho Trung Quốc chế biến để lại bán hàng qua Âu Châu hay Hoa Kỳ. Khi thị trường Âu Mỹ đều co cụm thì cả ba xứ Úc, Tầu và Brazil đều gặp bất lợi. Cụ thể hơn, doanh nghiệp Việt Nam mua hàng của Tầu về chế biến để bán qua Mỹ thì cũng bị khó khăn khi Hoa Kỳ cần chặn bớt hàng của Trung Quốc và cũng giảm mức nhập khẩu vì dân chúng mua sắm ít hơn. Nói chung, sau 30 năm tăng trưởng đều với tốc độ cao, thế giới đang cùng đi vào chu kỳ điều chỉnh, mà nếu xứ này phải tiết kiệm chi tiêu thì xứ khác bị ế khách.

Nhân đây, xin được nhắc lại rằng đầu năm ngoái, khi tổng kết về kinh tế, diễn đàn của chúng ta nhận định là Việt Nam "đi vay thuốc bổ để chạy đua với thiên hạ", với phẩm chất và hiệu năng rất kém của đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng đó mới dẫn đến khác biệt trong hạ cánh, nặng hay nhẹ....

Vũ Hoàng: Ông vừa trình bày rất cô đọng một lúc hai vấn đề. Thứ nhất là chiều hướng suy trầm chung của kinh tế toàn cầu trong năm 2012. Đó là "hiện tượng hạ cánh". Thứ hai là tình trạng vay mượn quá đà nay đã "đến kỳ trả nợ". Mà dường như trả nợ là động lực của chuyện hạ cánh cho nên ta có thể nào khởi sự từ vụ nợ nần đó được không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin tóm lược thế này để thính giả mường tượng ra toàn cảnh.
Nói cho dễ nhớ, địa cầu có hiện tượng "tứ/lục", gồm một bên là thiểu số vài chục nước ta gọi là "công nghiệp hoá" đóng góp 40% sản lượng toàn cầu. Bên kia là vài trăm nước mà ta gọi là "đang phát triển" thì tạo ra 60% sản lượng còn lại, trong số đó có kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam "đi vay thuốc bổ để chạy đua với thiên hạ", với phẩm chất và hiệu năng rất kém của đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhóm công nghiệp hóa này là các nước sớm theo kinh tế tự do và chính trị dân chủ nên đã lên tới trình độ phát triển cao mà cũng có thay đổi về cơ cấu dân số và hình thái sinh hoạt. Rất đại lược thì đấy là các hội viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển, gọi tắt là OECD, thành hình từ năm 1961, nay đã có 34 thành viên. Đa số trong nhóm này là các nước Tây phương, từ châu Âu, Bắc Mỹ qua châu Úc. Còn lại là mấy trăm nước mới theo kinh tế thị trường và cố gắng vươn lên trình độ phát triển ấy, với rất nhiều dị biệt và cả nhu cầu cạnh tranh giữa từng nước với nhau.

Vũ Hoàng: Bây giờ đến chuyện tại sao đến thời kỳ điều chỉnh, thưa ông, có phải là sự điều chỉnh trong khối công nghiệp hoá tiên tiến hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy. Người ta kiểm ra là 30 năm qua, từ 1980 đến 2010, 18 quốc gia cốt lõi của tổ chức OECD tiên tiến này đã vay gấp đôi, từ 160% lên tới 320% Tổng sản lượng nội địa GDP của họ. Nếu kể cả chi phí hưu liễm và y tế do dân số bị lão hóa của nhiều nước Âu Châu thì mức nợ của Tây phương thật ra còn nặng hơn và không thể kéo dài, chưa kể đến núi nợ quá lớn của doanh nghiệp tài chính. Bốn năm nay, họ phải xoay trở với bài toán đó và kết cuộc thì chu kỳ 30 năm bành trướng tín dụng đã chấm dứt và đảo ngược vì nhu cầu trả nợ.

Trút gánh lo cho xứ khác

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày, những nước tiên tiến này xoay trở thế nào mà sau cùng vẫn đi tới việc phải trả lại cái đòn bẩy của sự thịnh vương đó?

000_Par6142939-250.jpg
cảng Marseille chụp hôm 16/3/2011. Ảnh minh họa. AFP
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, bốn năm qua, các nước đó loay hoay với bốn loại giải pháp để giảm gánh nợ mà không thành. Bốn loại giải pháp đó là 1) nên tiết kiệm nhiều hơn để trả nợ, là 2) cần đạt mức tăng trưởng cao hơn để còn thu thêm thuế cho công khố, hoặc 3) tái cơ cấu nợ nần, nôm na là xoá bớt gánh nợ, hoặc 4) chủ động gây ra lạm phát với lãi suất nằm ở số âm trong nhiều năm liền, với dụng ý là lạm phát có lợi cho kẻ đi vay hơn là cho chủ nợ.

Những loại giải pháp rất chuyên môn ấy đã gây tranh luận chính trị và khủng hoảng về niềm tin như chúng ta nói kỳ trước vì biện pháp nào cũng có hậu quả xã hội mà chưa chắc sẽ đạt mục đích yêu cầu về kinh tế. Vì ngần ấy việc đều không thành nên năm nay, người ta e rằng việc trả nợ sẽ dẫn tới chu kỳ tăng trưởng thấp trên toàn cầu, và có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

Vũ Hoàng: Như vậy, một hậu quả của việc thu vén để trả nợ sẽ là nạn suy trầm toàn cầu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu gọi là suy trầm thì vẫn còn là lạc quan vì nếu xứ nào cũng thu vén chi tiêu, công như tư, thì sản lượng toàn cầu sẽ giảm, thất nghiệp tăng và mâu thuẫn quyền lợi dễ bùng nổ do phản ứng bảo hộ mậu dịch. Thuật ngữ kinh tế gọi đó là "beggar thy neighbour" tức là trút gánh lo cho xứ khác, làm cho mọi người đều bị thiệt hại. Tôi xin giải thích về chuyện đó.

Khi gặp khó khăn nội bộ, xứ nào cũng cố bán nhiều hơn mà mua ít đi qua biện pháp thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu hoặc can thiệp vào ngoại hối. Hậu quả của chiến lược gọi là "bần cùng hóa bạn hàng" là làm mọi người đều nghèo đi và nạn suy trầm dễ kéo dài lan rộng thành suy thoái. Hiện tượng đáng tiếc này đã xảy ra sau vụ Tổng khủng hoảng năm 1929-1933.

Suốt năm qua, người ta chỉ chú ý đến Hoa Kỳ, dù sao vẫn có nền kinh tế số một và dân số khá trẻ trong các nước công nghiệp hóa. Thật ra nguy cơ suy sụp nặng nhất lại đến từ Âu Châu vì vụ Euro và vai trò cột trụ của nước Đức. Ngoài ra còn có hoàn cảnh của Nhật Bản là quốc gia bị dân số lão hóa rất nặng và chưa ra khỏi 20 năm trì trệ của họ. Nói chung thì xứ nào cũng vậy, từ Trung Quốc đến Nhật hay Đức và Mỹ, đều muốn giảm chi và ráo riết xuất khẩu để thoát hiểm. Nhưng họ sẽ bán cho ai khi mà nước nào cũng muốn mua ít hơn trước?

Không xứ nào là vô hại

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì đấy là hoàn cảnh của vài chục xứ tiên tiến đã góp phần sản xuất ra 40% sản lượng toàn cầu. Chứ mấy trăm xứ khác đã sản xuất ra 60% còn lại. Họ không thể xoay trở được sao, và vì lý do gì các xứ này không là đầu máy kinh tế mới?

Mua-xang-dau-250.jpg
Một trạm mua bán xăng dầu ở Hà Nội chụp tháng 01/2012. RFA photo

Nguyễn Xuân Nghĩa: Điều ấy mới đáng nói vì trong nhóm này có Trung Quốc và Việt Nam!
Đầu tiên, người ta cứ tưởng một số quốc gia thuộc nhóm "đang phát triển" hoặc lên đến bậc "tân hưng" đã có định mệnh kinh tế riêng khả dĩ tách rời khỏi nhóm công nghiệp. Sự thật thì đa số các nước tạo ra 60% sản lượng toàn cầu vẫn lệ thuộc nặng vào việc bán hàng cho thị trường Tây phương. Bây giờ thị trường Âu Mỹ phải thu vén chi tiêu và gia tăng tiết kiệm, cho nên số cầu sút giảm khiến các nước đang phát triển đều bị ảnh hưởng.

Về ảnh hưởng cho các nền kinh tế trong nhóm 60% này thì ta vẫn quan tâm đến Trung Quốc và Việt Nam hơn cả. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm qua chúng ta nói đến hoá nhàm rằng Việt Nam nên chú ý đến việc mở rộng thị trường nội địa và cải thiện hạ tầng vận chuyển bên trong để ít bị lệ thuộc hơn vào xuất nhập khẩu. Bây giờ thì đã đến giờ tính sổ. Thứ hai, từ vài năm qua, ta còn thấy một sự lạ là kinh tế Trung Quốc và Việt Nam đã lại vay mượn quá sức sau khi ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế và thổi lên bong bóng đầu cơ.

Xin ngẫm lại mà xem, các nước công nghiệp hóa đều đạt trình độ phát triển cao và quan tâm tới yêu cầu xã hội cho người dân nên đi vay quá khả năng trả nợ và giờ này bị điêu đứng vì quy luật gọi là "có vay có trả". Trung Quốc và Việt Nam thì chưa lên đến trình độ ấy, mà cũng chẳng cho người dân được hưởng, rồi lại đi vay và bơm tiền vào các dự án ảo để chỉ một thiểu số ở trên là có lợi mà thôi. Một chế độ kinh tế chính trị bất công đó cũng có quy luật vay trả, chứ không thể vượt qua được.

Vũ Hoàng: Ông nói tới bốn loại giải pháp các nước cố áp dụng từ bốn năm qua mà không xong, trong các chương trình tổng kết kế tiếp chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về từng giải pháp cụ thể. Nhưng để kết thúc chương trình kỳ này thì ông nghĩ sao về quy luật vay trả đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đã đi vay thì có ngày phải trả, cả vốn lẫn lời, lãi đơn cùng lãi kép. Khi đã đi vay thì nghĩa vụ trả nợ vẫn thực tế đè nặng lên việc chi thu. Đó là hoàn cảnh éo le của các nước dân chủ đến kỳ phải thu vén chi tiêu để trả nợ khi họ vẫn cần kích thích sản xuất để đạt mức tăng trưởng cao hơn hầu còn kiếm ra tiền trả nợ. Đó là một vòng luẩn quẩn khó gỡ và nhiều phần thì sẽ tai họa suy trầm cho thiên hạ.

Còn các chế độ độc tài và bất công thì cứ tưởng rằng sẽ thoát hiểm nhờ bơm tín dụng, tăng chi và còn cạo sửa kế toán đến độ hết biết là ai vay ai và vay bao nhiêu nữa. Chúng ta đã nói đến hiện tượng này với chuyện nợ nần của Trung Quốc hay hồ sơ Vinashin điển hình của Việt Nam.

Đến ngày tính sổ, mấy xứ độc tài ấy càng dễ hạ cánh tan tành vì thất vọng kinh tế có tác dụng cộng hưởng với bất mãn xã hội.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Khi gặp khó khăn thì với bên ngoài, họ phủ nhận các cam kết và trở lại chế độ bảo hộ mậu dịch để ngăn ngừa cạnh tranh. Với bên trong thì họ quỵt nợ quốc dân, bồi thường không thoả đáng và bị dân chúng phản đối thì đàn áp. Đến ngày tính sổ, mấy xứ độc tài ấy càng dễ hạ cánh tan tành vì thất vọng kinh tế có tác dụng cộng hưởng với bất mãn xã hội. Nôm na là khi kinh tế sa sút thì chế độ bất công càng dễ sụp đổ. Mà sự sa sút đó đã bắt đầu....

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, một cách ngắn gọn thì những rủi ro gì có thể xảy ra năm nay?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi e là ta sẽ thấy nhiều bất trắc hơn những gì đã gặp năm 2008, tức là một kịch bản khá đen tối!
Đà tăng trưởng bình quân của toàn cầu có khi sụt đến cái đáy nguy nan là 2,5% một năm, là định mức về "suy trầm toàn cầu". Chuyện ấy xảy ra nếu giới hữu trách của khối công nghiệp hóa không lấy được chính sách đúng đắn, là điều rất khó cho nên ta càng phải tìm hiểu thêm.

Trong hoàn cảnh chung đó, mức tăng trưởng của Việt Nam lại giảm nữa mà nếu không khéo thì còn bị tai họa kép, là vừa suy trầm vừa lạm phát. Năm nay, yêu cầu cải cách được chính quyền Hà Nội nói đến sẽ là chuyện sinh tử, về cả kinh tế lẫn chính trị.

Nhìn trên toàn cảnh, và đây là nghịch lý nên phải nói ra cho giới buôn bán: so với các nước, Hoa Kỳ vẫn là nơi an toàn hơn cả nên giới có tiền đầu tư vẫn tìm đến. Vì vậy, Mỹ kim sẽ lên giá, ngay trong giả thuyết thị trường tín dụng Mỹ bị hạ điểm nữa! Ngược lại, giá vàng thế giới có thể sụt, khá nhanh và mạnh, ngay cả trong giả thuyết có đột biến về an ninh tại Trung Đông.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này. Qua bài tổng kết kỳ tới, chúng ta sẽ nói thêm về từng giải pháp cụ thể của các nước mà ông đã tóm lược trong kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/landing-convergence-vh-01042012143222.html



Triển vọng kinh tế châu Á năm con rồng
Cập nhật: 05:48 GMT - thứ ba, 3 tháng 1, 2012

Công trường xây dựng ở Jakarta, Indonesia

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ duy trì tăng trưởng trong năm 2012

Kịch bản nào cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2012? BBC trân trọng giới thiệu phân tích của ông Rajiv Biswas, kinh tế trưởng phụ trách khu vực này của công ty phân tích kinh tế và tài chính IHS Global Insight.

Theo cách tính can chi của người Trung Quốc, năm 2012 là năm con rồng – đánh dấu một năm chuyển giao, bất ổn và thay đổi.

Các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đối mặt với những biến động cũng như gió ngược chiều đáng kể trong năm 2012.

Khu vực đồng euro đã đi vào suy thoái vào cuối năm 2011, trong khi cơ hội để kinh tế Mỹ phục hồi – mặc dù cũng có những tín hiệu đáng khích lệ trong những tháng gần đây – tốt nhất cũng chỉ ở mức vừa phải.

Năm con rồng cũng năm được đánh dấu bởi những biến số chính trị với các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Pháp cũng như chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc.

Vào mùa thu năm 2012, Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ bầu ra Ban chấp hành trung ương và Thường vụ Bộ chính trị mới.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đương nhiệm sẽ rút khỏi Thường vụ Bộ chính trị để dọn đường cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp để từ đó tiếp nhận các vị trí chủ tịch nước và thủ tướng vào tháng Ba năm sau.

Duy trì tăng trưởng

Một người đẩy hàng ở thành phố Hồ Chí Minh

Áp lực lạm phát ở Việt Nam đã giảm bớt nhưng đời sống người dân vẫn rất khó khăn

Bất chấp những biến động kinh tế và chính trị mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối măṭ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của kinh tế thế giới trong năm 2012 với tốc độ tăng trưởng là 5,3% so với 4,5% trong năm 2011.

Dự báo này dựa trên kịch bản được xây dựng bởi IHS Global Insight rằng khu vực đồng euro sẽ chỉ trải qua suy thoái nhẹ trong năm 2012 với tổng sản phẩm quốc nội khu vực giảm chỉ 0,7% trong khi Hoa Kỳ duy trì tăng trưởng dương nhẹ ở mức 2%.

Sự tăng trưởng nhu cầu ở thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại trong khu vực châu Á sẽ giúp cân bằng tác động của sự suy giảm nhu cầu ở các nước khu vực đồng euro vốn đang trải qua suy thoái.

Có ba nhân tố chủ chốt làm nên sự dẻo dai trong tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2012. Thứ hai, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể sẽ ‘hạ cánh mềm’ trong năm 2012, với tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ còn 7,8% chứ không bị suy giảm nặng nề như nhiều người lo sợ.

Nhu cầu của thị trường nội địa sẽ là nhân tố củng cố cơ hội tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc với các số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tháng 11 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu tư vào các tài sản cố định tháng 11 cũng tăng 21,2% so với năm 2011.

Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu một chương trình xây dựng 36 triệu đơn vị nhà ở cho những gia đình có thu nhập thấp trong giai đoạn từ năm 2011 cho đến 2015. 10 triệu đơn vị nhà ở đầu tiên đã bắt đầu được xây dựng trong năm 2011.

Thứ ba, kinh tế Nhật Bản được trông đợi sẽ phục hồi một ít vào năm 2012 do sản xuất công nghiệp sẽ trở lại bình thường và gói kích thích tài chính phát huy tác dụng trong khi quá trình tái thiết sau thảm họa tăng tốc.

Sản xuất công nghiệp của Nhật được dự đoán sẽ tăng 9,5% trong năm 2012 sau khi đã giảm 2,8 trong năm 2011. Sự phục hồi tăng trưởng của Nhật Bản là nhân tố quan trọng thứ ba giúp giảm nhẹ tác động của sự suy thoái trong khu vực sử dụng đồng euro.

Mặc dù các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có sự thích nghi tốt trong các hoàn cảnh khó khăn, những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều hơn ở Đông Á như Singapore, Malaysia và Hong Kong được dự đoán sẽ giảm nhẹ tăng trưởng do nhu cầu yếu đi ở khu vực đồng euro.

Còn đó nguy cơ

Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc ở cảng Thanh Đảo, tin̉h Sơn Đông

Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc là nhân tố giúp duy trì tăng trưởng trong khu vực

Cơ hội tăng trưởng của Ấn Độ cũng đang yếu đi do tác động của 13 lần tăng lãi suất kể từ tháng Ba năm 2010 khi ngân hàng trung ương nước này phải đối phó áp lực lạm phát kéo dài.

Tuy nhiên, ở những quốc gia khác trong khu vực, áp lực lạm phát đang giảm bớt. Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia đã chứng kiến lạm phát đi xuống trong những tháng gần đây.

Triển vọng trong năm 2012 đối với hầu hết các ngân hàng trung ương của các quốc gia châu Á mới nổi là theo đổi các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn – mặc dù vẫn phải thận trọng – trong bối cảnh áp lực lạm phát đã yếu đi. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ khu vực đồng euro.

Nếu như nỗ lực bình ổn kinh tế của các chính phủ khu vực đồng euro thất bại thì khu vực này có thể bước vào khủng hoảng kinh tế ngày càng leo thang.

Bất cứ một biến động nào như thế cũng có nguy cơ làm bùng phát suy thoái trên phạm vi toàn cầu với các cú sốc trầm trọng lan đến châu Á khi thương mại giảm sút, tín dụng toàn cầu càng bị thắt chăṭ và dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi để tránh rủi ro.

Nguy cơ thứ hai là trường hợp kinh tế Trung Quốc không thể hạ cánh mềm với tốc độ tăng trưởng giảm sâu hơn xuống dưới mức 5%.

Trong khi kịch bản này có khả năng không cao, chỉ vào khoảng 25%, thì tình trạng mất cân đối và dễ bị tổn thương của kinh tế Trung Quốc đã tăng lên trong hai năm qua.

Yếu tố gây tổn thương chủ yếu đối với kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến 50% trong hai năm 2009-2010 và cùng với nó là sự gia tăng nhanh chóng các khoản vay mượn của chính quyền địa phương, dẫn đến hậu quả là các khoản nợ phi kinh doanh trung hạn của khu vực ngân hàng Trung Quốc đã gia tăng đáng kể.

Chính vì vậy, mặc dù triển vọng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2012 là vẫn duy trì khả năng ứng phó trong khó khăn, năm con rồng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến số.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/01/120103_apac_economies_outlook_2012.shtml

No comments:

Post a Comment