Pages

Sunday, April 8, 2012

CỘNG SẢN VIỆT NAM TÀN ÁC


Vụ Đoàn Văn Vươn khơi dậy tranh cãi về bất công xã hội tại VN

Quy định dân chỉ có quyền sử dụng, chứ không có quyền sở hữu đất đai là lý do khiến hồ sơ khiếu kiện đất đai chiếm nhiều nhất trong số các đơn thư khiếu nại trong nước. Phương châm ‘đất thuộc toàn dân do nhà nước quản lý’ đã đẩy biết bao nhiêu gia đình ra khỏi mảnh đất nương thân mà họ nhọc công gầy dựng từ chính mồ hôi, nước mắt, sức lao động lương thiện của mình cũng như gây ra bao cuộc tranh chấp mà kết cục thường bất lợi cho người dân đi khiếu kiện, đôi khi còn dẫn tới án mạng hoặc án tù.

Phát súng mới đây của người nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) chống lại lực lượng võ trang tới cưỡng chế bất hợp pháp đất canh tác của gia đình ông đã vang dội thành một tiếng súng cảnh tỉnh về cuộc khủng hoảng tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân tại Việt Nam. Trong cuộc thảo luận hôm nay, 4 bạn trẻ là Tiến Nam ở Yên Bái, Lê tại Sài Gòn, Quốc Anh từ Khánh Hòa, và Thạch Vũ ở Hà Nội sẽ nói lên cảm nghĩ của họ về sự kiện hiếm thấy này.

Nhà ông Đoàn Văn Vươn bị phá hủy

Thạch Vũ: Người Việt Nam đang ấn tượng trước tiếng súng hoa cải của của anh Đoàn Văn Vươn. Tuy vụ việc này là sai pháp luật nhưng nó đã đánh thức ý thức của người dân về các vấn đề liên quan đến đất đai. Sau vụ anh Vươn, hàng loạt những sai sót khác trong việc cưỡng chế đất đai ở Việt Nam cũng đã được lôi ra ánh sáng.

Quốc Anh: Vụ của anh Đoàn Văn Vươn đánh lên hồi chuông lớn cho tất cả dân oan trong nước, buộc nhà nước phải ngồi vào giải quyết.

Lê: Theo mình, đây là hiện tượng ‘tức nước, vỡ bờ’. Sống trong xã hội Việt Nam ngày nay, mình thấy chuyện dân oan bị chiếm đoạt đất đai, ruộng vườn trên diện rộng cả nước mà bấy lâu nay dân kêu cứu, kiện tụng không được giải quyết. Việc anh Vươn đã khiến cả chính phủ, Thủ tướng cũng phải vào cuộc để giải quyết. Hành động của anh Vươn vừa tự vệ vừa đáp trả lại hành vi phạm pháp của thế lực cầm quyền, nhưng theo mình, ‘người ta’ có phần đã thành công trong vụ này.

Trà Mi: ‘Người ta’ ở đây có thể hiểu là ai?

Lê: Là các phe phái trong nội bộ chính quyền.

Trà Mi: Sự kiện chưa ngã ngũ, mình cũng chưa biết ai được ai mất phải không, nhưng trước khi đi sâu hơn vào chi tiết, xin mời ý kiến của Nam.

Tiến Nam: Phát súng anh Vươn cảnh tỉnh nhà cầm quyền về xử lý các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề hiến pháp và pháp luật đang bị họ sử dụng để áp chế dân. Luật sở hữu đất đai ở Việt Nam cho dân được quyền sử dụng chứ không được sở hữu. Vậy nên khi nhà cầm quyền hay thế lực nào đó cần hay có ý đồ tư lợi, họ có thể lấy đất của dân bằng mọi giá.

Trà Mi: Ngoài tác dụng cảnh tỉnh giới hữu trách, đối với dân chúng nói chung, và với người trẻ nói riêng, vụ việc này có tác động, ảnh hưởng ra sao?

Tiến Nam: Nó làm cho giới trẻ tỉnh ngộ ra nhiều khi thấy rằng tự do, công bằng, công lý không thể nói suông mà có những cách đòi lại các quyền tự do căn bản phải có.

Trà Mi: Theo các bạn, vì sao vụ này lại nổ lớn như vậy?

: Thứ nhất là khi lòng dân hội đủ, ức chế hội đủ. Thứ hai, ngay trong nội bộ chính quyền cũng muốn làm chuyện này lớn lên.

Trà Mi: Vì sao, có lợi ích gì chăng?

Tiến Nam: Họ có mâu thuẫn nội bộ với nhau và muốn lợi dụng vụ này để đấu đá nội bộ lẫn nhau.

Quốc Anh: Vụ này nổ lớn vì trong đó chính quyền đưa cả hệ thống an ninh, quân đội, chó nghiệp vụ tới cưỡng chế nhà anh Vươn. Phía anh Vươn có mìn tự chế, súng hoa cải. Hai bên đều có dùng tới võ khí và bạo động rồi cho nên nó gây được tiếng vang, tiếng nổ toàn quốc.

Thạch Vũ: Một vụ cưỡng chế đất với các công an phải nhập viện vì trúng đạn hoa cải nên đủ tạo ra dư chấn.

Trà Mi: Về lý do khiến vụ này nổ lớn có bạn cho rằng do bản chất sự việc độc đáo, hiếm thấy tại Việt Nam khiến người ta tò mò. Có bạn nói là do báo chí trong nước vốn bị nhà nước kiểm soát chặt mà được phép khai thác nhiều khía cạnh của vấn đề cũng khiến cho vụ việc được quan tâm hơn. Chính quyền để cho vụ này nổ lớn, liệu chăng họ không cảm thấy việc này sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho nhà nước?

Tiến Nam: Mình xin kể một câu chuyện. Có một ông vua để cho quan lại tham ô, áp bức dân lành khiến uy tín của ông trên bờ vực dễ bị dân nổi dậy. Một đại thần hiến kế, mách vua cho một quan tham phải chết vì khi đó dân sẽ tung hê ông vua như một minh quân.

Lê: Người ta đang đạt được điều mong muốn. Liên đới với câu chuyện Nam kể, rõ ràng kết quả đang diễn tiến đúng như vậy khi mà hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mờ nhạt, đang đi xuống trong dư luận từ các vụ tham nhũng Vinashin, bauxite Tây Nguyên…

Trà Mi: Các bạn cho rằng không ngẫu nhiên mà một vụ có thể bất lợi cho nhà nước lại được báo chí trong nước để ý, lưu tâm tới như vậy, phải có một dụng ý nào đó.

Tiến Nam: Như một người đang ngấp ngoái chết đuối tự nhiên vớ được cái phao. Vụ anh Vươn như một cái phao dành cho Thủ tướng Dũng.

Quốc Anh: Mình cho rằng việc báo lề trái lên tiếng mạnh mẽ khiến không thể che dấu được nữa, buộc chính quyền phải cư xử cho minh bạch một chút.

Trà Mi: Lập luận này của Quốc Anh có thuyết phục các bạn không?

Tiến Nam: Còn có những vụ khác ghê gớm và dữ hơn vụ này mà không được nổ lớn.

Trà Mi: Nam phản bác ý kiến của Quốc Anh rằng còn nhiều vụ nghiêm trọng hơn mà không được nổi là cũng do ý của nhà cầm quyền muốn cho vụ nào nổi hay chìm. Nếu suy đoán của các bạn đúng, điều này cho các bạn suy nghĩ gì? Nếu vụ anh Vươn được khai thác với dụng ý chính trị nhằm lấy lòng dân, được và mất đối với mỗi bên ra sao?

Tiến Nam: Anh Vươn đã chuẩn bị trước. Nếu anh chấp nhận bị cưỡng chế để rồi cầm đơn đi khiếu kiện đất đai như những người dân oan khác thì hằng ngày anh phải ăn chực nằm chờ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà thôi. Đôi khi một người chấp nhận hy sinh để đòi lại xương máu, những mất mát của họ.

Trà Mi: Ý Nam là hy sinh tự do tức thời để được dư luận quan tâm. Đó là cái được và mất đối với những người cùng cảnh ngộ với anh Vươn. Thế còn về phía chính quyền?

Quốc Anh: Chính quyền cũng chẳng muốn xử cho anh Vươn có lợi vì sợ tạo ra tiền lệ. Xử có lợi cho chính quyền cũng không được vì chính quyền sai trái hoàn toàn ngay từ ban đầu. Cho nên, cái được ngay lúc này là chính quyền phải thật thà, thi hành đúng pháp luật.

Trà Mi: Quốc Anh cho rằng chính quyền đang bị đặt vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ xử được cho anh Vươn cũng khó, xử được cho chính quyền lại càng làm dâng tràn uất nghẹn, bức xúc trong dân chúng.

Tiến Nam: Mình không đồng ý với Quốc Anh. Những vụ như cải cách ruộng đất, đánh tư sản trước năm 1980. Sau đó, họ cũng có trả lại một số đất đai nhưng đâu phải là trả lại tất cả đâu. Đâu phải ai đứng lên đòi là được trả đâu, càng đòi càng bị xử lý.

Lê: Những vụ như thế này ở Việt Nam không hiếm đâu. Còn có vụ xảy ra án mạng nữa kia như ở Hưng Yên, Bắc Giang, hay Bến Tre, Cồn Dầu Đà Nẵng..v.v.. Chuyện cưỡng chiếm đất đai nhan nhản, đầy rẫy khắp mọi nẻo phố phường Việt Nam. Dân tình lầm than kêu trời không thấu. Nếu vụ này theo ý chủ quan của nhà cầm quyền muốn làm cho lớn, cái được của họ là cần phải lấy lại hình ảnh trong khi dân điêu linh không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Còn cái mất chỉ là vài ba con tốt thôi.

Trà Mi: Cái được của chính quyền, theo Lê, là lấy lại hình ảnh. Các bạn khác có đồng ý là nhà nước đạt được mục tiêu đó hay không?

Thạch Vũ: Họ chả được. Nếu được chỉ trong mắt vài ai đó. Trước đây có rất nhiều vụ như biểu tình chống Trung Quốc, giáo xứ Thái Hà, vụ Cồn Dầu, vụ Tòa Khâm Sứ.. Chính quyền muốn lấy lại lòng dân, nhưng có được hay không khi mà hướng giải quyết các sự việc như thế.

: Tỷ lệ người xem đọc báo lề trái không cao so với báo lề phải. Cho nên khi các báo lề phải đưa tin về vụ này, dân thấy ồ bây giờ nhà nước vẫn còn quan tâm đến dân, sẵn sàng xử lý các tên quan tham. Còn những người hiểu sự việc cặn kẽ không nhiều.

Trà Mi: Các bạn có người cho rằng thủ thuật chính trị qua vụ này cũng thành công một phần vì nhiều người đọc báo lề phải. Có bạn cho rằng không thành công vì dân bất mãn quá rồi.

Tiến Nam: Dân bất mãn nhưng mấy người biết vào internet để đọc tìm thông tin đa chiều. Đa số dân Việt Nam bây giờ tiếp nhận các luồng thông tin qua TV, sách báo của nhà nước. Cho nên khi đọc báo trong nước họ có thể nghĩ rằng nhóm lãnh đạo này xấu xa nhưng ông Dũng tốt lắm. Vụ anh Vươn là con cờ và là ván bài của ông Dũng muốn vớt vác lại uy tín của mình.

Trà Mi: Vậy theo các bạn để lấy lại hình ảnh hợp lòng dân nhất, cần phải giải quyết vụ này thế nào?

Tiến Nam: Tôi nghĩ vụ này sẽ kết cục ‘vừa đấm vừa xoa’.

: Là những người theo sát sự việc, mình mong muốn khác, nhưng với một người dân bình thường sống trong chế độ này bao nhiêu năm bị mất đi khả năng suy đoán, tự do và dân chủ, thì mong muốn của họ khó hiểu lắm. Có thể họ chỉ muốn đầy đủ cơm áo gạo tiền. Nhưng mong muốn của mình thì xa hơn thế. Mình mong nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải biết quan tâm đến dân thật sự, ngay lập tức cải tổ bộ máy chính trị để xã hội Việt Nam tiến lên nền tự do, dân chủ, có công lý, hòa bình.

Trà Mi: Lê cho rằng để hợp lòng dân, kết cục không chỉ nằm trong vụ này mà còn phải thể hiện qua những trường hợp khác, những vấn đề bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Thạch Vũ: Chúng ta ngồi nói chuyện thế này với mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam.

Trà Mi: Với khao khát đó, người trẻ có thể góp phần thế nào để biến ước mơ thành hiện thực?

Thạch Vũ: Muốn đất nước phát triển, ít ra phải hạ thấp cái tôi cá nhân để không có gì có thể gây trở ngại cho việc lên tiếng vì những bất công xã hội.

Trà Mi: Ý kiến các bạn khác, từ vụ việc của anh Vươn các bạn nghiệm ra điều gì?

Quốc Anh: Bài học từ vụ này là ‘mềm thì cắn, rắn thì buông’. Cho nên, mình nghĩ đôi khi cũng cần gửi một lời cảnh cáo đến chính quyền rằng không phải chúng ta dễ thuần, dễ bảo để họ muốn làm gì thì làm. Chúng ta cũng có sự căm giận và bất bình.

Lê: Việt Nam chúng ta nếu cứ tiếp tục bám víu vào chế độ cộng sản xã hội chủ nghĩa và trông chờ vào sự đổi mình hay hoàn lương nào đó thì khó có thể xảy ra nếu trong chính mỗi bạn trẻ không góp sức mình qua lời nói và hành động.

Trà Mi: Các bạn có kỳ vọng một kết cục tốt đẹp trong vụ anh Vươn không?

Lê: Mình không hề mảy may kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp cho anh Vươn và gia đình anh trong sự việc này. Người lãnh hậu quả nặng nề nhất sẽ là gia đình anh và liên đới là toàn bộ đồng bào dân oan Việt Nam nói chung. Chúng ta phải có sự nhìn nhận thấu đáo.

Thạch Vũ: Chính quyền muốn xoa dịu công luận thì không nên xử nặng gia đình anh Vươn.

Quốc Anh: Mình mong nhà cầm quyền cư xử hợp lòng dân và trả lại những mất mát về vật chất và tinh thần cho anh Vươn cũng như những dân oan đấu tranh vì mất đất đai. Mình muốn nhà cầm quyền và mọi người hãy quan tâm hơn tới họ và cùng lên tiếng cho họ vì họ bị rơi vào hoàn cảnh rất khốn khổ.

Trà Mi thân mời các bạn nghe đài cùng thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA và cùng trao đổi ý kiến bình luận với các độc giả khác trong các chủ đề của Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục đặc biệt trên trang chính. Để trực tiếp góp tiếng trong giờ phát thanh Tạp chí, xin quý vị gửi số phone về vietnamese@voanews.com, Trà Mi sẽ liên lạc mời quý vị tham gia.

Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một chủ đề mới vào giờ này, tuần sau.

ww.voanews.com/vietnamese/news/farmer-gunfight-ignites-debate-on-social-injustice-04-06-12-146466865.html



Báo động tình trạng công an bạo hành tại Việt Nam

Nạn công an hành hung, tra tấn, đánh chết dân đã lên tới mức báo động với hàng chục người thiệt mạng ngay tại đồn công an trong vài năm qua. Nhiều lỗi vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm nhưng rốt cuộc đã phải trả giá bằng cả mạng sống dưới bàn tay của công an, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho xã hội và tính mạng người dân. Những nghịch lý đang diễn ra đã khiến nhiều người mất niềm tin và sợ hãi trước lực lượng công quyền này. Đó cũng là cảm nghĩ mà 4 bạn trẻ: Trần Sơn, Kim Tiến ở Hà Nội, Trung từ Vũng Tàu, và Thanh Tùng tại Dak Lak chia sẻ trong cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay.

Công an Việt Nam trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 17/7/2011
Công an Việt Nam trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 17/7/2011

Trà Mi: Ấn tượng chung của các bạn về người công an và ngành công an Việt Nam như thế nào?

Thanh Tùng: Tôi cảm thấy lực lượng công an Việt Nam đã có những hành xử thiếu dân chủ và tôn trọng dân.

Trung: Em có ấn tượng không tốt về họ. Em là người tu luyện Pháp Luân Công, luôn bị họ cư xử không đúng.

Kim Tiến: Trước khi bố em bị công an đánh chết, tuy em không thích công an vì những tiêu cực trong ngành công an như tham ô, hành xử không lễ độ với người dân, nhưng em cũng còn tin tưởng điều gì đó. Đến khi xảy ra chuyện bố em bị công an bắt giữ vô cớ, bị họ đánh chết oan ức thì niềm tin ấy trong em cũng dần mất đi. Hình ảnh người công an trong em trở nên rất tồi tệ. Em có biết và tìm hiểu về những trường hợp khác cũng bị chết oan dưới bàn tay của công an.

Trà Mi: Tiến vừa chia sẻ những kinh nghiệm mà gia đình bạn đã trải qua khi đối diện với công an. Lúc nãy Trung nói cũng có những kinh nghiệm ‘đau thương’ với công an. Bạn có thể cho biết bạn đã gặp những gì khiến bạn có ấn tượng không tốt về họ?

Trung: Khi em đi giới thiệu về Pháp Luân Công, họ cũng bắt em. Em lên TPHCM ngồi thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc để thỉnh nguyện cho 2 đồng tu bị bắt oan là Thành và Trung, cũng bị công an bắt. Thường khi họ bắt về đồn, họ không nói lý lẽ gì cả. Họ muốn làm gì mình thì làm. Họ cứ động thủ tùy thích. Công an ngoài Hà Nội là kinh khủng nhất. Khi em ra Hà Nội ngồi thiền trước đại sứ quán Trung Quốc, họ cũng bắt em. Về tới đồn, họ không nói gì, cứ ra tay đánh, hỏi một câu là đánh một cái. Vô lý nhất là gần đây em ra công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn tập công Pháp Luân Công và ngồi tọa thiền một mình cũng bị công an kết hợp với bảo vệ công viên đánh ngay tại chỗ rồi lôi kéo em về đồn đánh rất dữ. Sau đó, họ còn đưa em vào trung tâm giáo dục. Nói chung có nhiều cái vô lý vậy đó.

Trà Mi: Theo các bạn, nguyên nhân nào gây ra tình trạng công an lạm dụng quyền lực, cư xử thô bạo với dân, dẫn tới rất nhiều trường hợp tử vong dưới tay công an?

Kim Tiến: Tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến vì không được ngăn chặn kịp thời, không được đưa ra ánh sáng, và người dân còn chưa biết cách xử lý tình huống. Công an đánh chết dân hiện là một ổ dịch lan tràn có sức công phá mà hầu như các bản án dành đưa ra rất hiếm. Ngoài ra, mức án và tội danh dành cho nó cũng chưa thỏa đáng.

Thanh Tùng: Mọi nguyên nhân dẫn tới nạn công an lạm quyền là do thể chế. Với thể chế tại Việt Nam hiện thời, công an là lực lượng bảo vệ chính quyền, được sự nuông chiều và bao che của chính quyền.

Trà Mi: Vì sao bạn cho rằng ‘thể chế nuông chiều lực lượng công an’?

Thanh Tùng: Ở Việt Nam là chế độ độc đảng và lực lượng công an và quân đội nhân dân phục vụ cho chế độ đó, phải bảo vệ cho chế độ đó. Ngược lại, chế độ đó cũng bảo vệ cho lực lượng công an. Lẽ ra, công an ‘nhân dân’ và quân đội ‘nhân dân’ phải phục vụ dân, nhưng thực ra họ lại phục vụ cho chính quyền. Dân chủ lại ít được nghĩ đến.

Trà Mi: Từ ý kiến của Tùng, vấn đề đặt ra là lực lượng công an Việt Nam bảo vệ ai, chính quyền hay nhân dân? Ý kiến các bạn khác thế nào?

Trung: Công an Việt Nam giống như một cỗ máy vận hành theo mệnh lệnh ở trên. Họ lại không được quang minh chính đại, thường mặc thường phục giả làm côn đồ hoặc sử dụng côn đồ để trấn áp dân. Công an nước mình khác với công an các nước khác trên thế giới ở chỗ không quang minh chính đại.

Trà Mi: Điều gì khiến các bạn nghĩ rằng những trường hợp đã xảy ra không phải là những vi phạm của các cá nhân? Có yếu tố nào cho các bạn suy nghĩ ngược lại không?

Trần Sơn: Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Phú Trọng có họp với lực lượng công an và tuyên bố lực lượng công an thề tuyệt đối trung thành với đảng. Đảng, công an, hay quân đội đều ăn lương của dân thì tất cả bộ máy đó đều phải phục vụ dân. Một thể chế dân chủ, một nhà nước dân sự phải thực hiện điều đó. Ở đây thì ngược lại, tạo cho công an thái độ ‘kiêu binh’ vì dẫu họ có vi phạm pháp luật đi nữa cũng dễ dàng được cho qua. Lỗi hệ thống nằm ở chỗ đó.

Trà Mi: Chính tuyên bố rằng lực lượng công an phải thề trung thành tuyệt đối với đảng đã khiến bạn nghĩ rằng công an là lực lượng bảo vệ đảng trước rồi mới bảo vệ dân. Tiến có đồng ý với Sơn không hay có ý kiến nào khác không?

Kim Tiến: Các trường hợp chết dưới bàn tay công an trong những năm gần đây đang gia tăng và sẽ gia tăng tiếp nếu không được ngăn chặn kịp thời. Các hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức nghề nghiệp của ngành công an mà họ thường tuyên bố là những người thực thi pháp luật. Họ là những người hiểu biết pháp luật mà lại chà đạp lên luật pháp.

Thanh Tùng: Rất khó đối diện với một người công an để biết được là họ đang làm nhiệm vụ hay đang không làm nhiệm vụ.

Trà Mi: Có khác nhau thế nào chăng? Bạn chuẩn bị tư tưởng và tinh thần khi đối diện với họ trong trường hợp họ đang làm nhiệm vụ và đang không làm nhiệm vụ thế nào?

Thanh Tùng: Mình khó biết được là người ta đang lợi dụng mình hay đang thực thi trách nhiệm.

Trà Mi: Đó là cảm giác của Tùng khi đối diện trước công an. Còn Sơn, bạn có cảm giác ‘an toàn’ khi đối diện với công an không?

Trần Sơn: Qua các vụ việc đã diễn ra, đôi khi tôi cũng có cảm giác mất an toàn như Tùng, không biết họ đang làm việc hay đang mưu đồ cá nhân.

Trà Mi: Khi đứng trước họ, bạn có sợ hãi không?

Trần Sơn: Không, mình đàng hoàng, không có lỗi thì mình không sợ.

Trà Mi: Một tâm lý chung thường thấy là nhiều người khi đối diện trước công an cảm thấy sợ, chưa biết mình có lỗi gì hay không đã run trước rồi…

Trần Sơn: Nếu mình hiểu biết và hành xử đúng thì buộc người công an phải thực thi đúng pháp luật. Cho nên, trước hết mình nên có thái độ rõ ràng, đứng đắn, đàng hoàng, và hiểu biết pháp luật. Muốn hiểu biết pháp luật thì mình phải học, đọc, và tự tìm hiểu thôi.

Trà Mi: Bàn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng công an bạo hành, các bạn cho rằng không chỉ là do thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công an lạm quyền, mà chính người dân do thiếu hiểu biết pháp luật cũng góp phần vào tệ trạng đó.

Trần Sơn: Chính xác.

Trà Mi: Tuy nhiên, có một số người lý giải rằng nghề nào cũng có những rủi ro và tai nạn nghề nghiệp. Công an, nghề thường xuyên phải đối phó với tội phạm trong trọng trách bảo vệ an ninh, chắc chắn không thể tránh được những rủi ro gây đả thương hay tử thương cho người khác. Cho nên, việc công an làm chết người trong lúc thi hành công vụ cũng là chuyện có thể xảy ra ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát thôi. Ý kiến các bạn thế nào?

Kim Tiến: ‘Làm chết người trong khi thi hành công vụ’ cần phải xem công vụ đó là gì, có đúng đó là công vụ không. Phải rõ ràng những việc anh đang xử lý có đúng với công vụ anh đang làm hay không.

Trà Mi: Với trách nhiệm bảo vệ an ninh, công an được giao quyền và nhiệm vụ có thể sử dụng võ lực trong trường hợp cần thiết. Cho nên, nhiều khi hơi quá tay họ cũng có thể giải thích là có thể có các biện pháp trấn áp mạnh tay trong trường hợp cần thiết. Ý kiến các bạn ra sao?

Trần Sơn: Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam không được rõ ràng. Có quá nhiều khoản tùy nghi dẫn tới lạm quyền. Thế nào là ‘thi hành công vụ’? Như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn chẳng hạn, vụ này xuất phát từ quyết định sai trái của Ủy ban huyện Tiên Lãng. Cho nên, dưới góc độ pháp luật, người ta không coi những người công an đi thi hành cưỡng chế đó là ‘thi hành công vụ’ mà là đi cướp. Chuyện thế nào là ‘thi hành công vụ’ cũng không được giải thích rõ ràng trong pháp luật. Không phải cứ anh mặc quần áo cảnh sát là anh đang thi hành công vụ. Thứ hai, trường hợp nào công an được dùng võ lực và trường hợp nào không. Tất nhiên trong trường hợp khống chế một tên cướp đang dùng súng tự thủ thì dùng võ lực là chính đáng.

Thanh Tùng: Ý thức pháp luật và ý thức dân chủ của người công an, người ta tự đặt mình cao hơn dân vì họ đang bảo vệ chính quyền. Cho nên họ coi thường dân và hành xử không đúng pháp luật. Họ đang phục vụ chính quyền đó thì phải được chính quyền đó bảo vệ. Một đứa con được nuông chiều như vậy, có quyền như vậy thì những hành xử đó mới xảy ra thường xuyên và mang tính hệ thống.

Trà Mi: Ý bạn là có sự dung dưỡng mới có sự lộng hành. Vậy những công dân trẻ như các bạn có thể làm gì để góp phần chống lại những sự dung dưỡng và lộng hành đó, ngăn chặn những tệ nạn đe dọa tính mạng người dân?

Thanh Tùng: Bằng báo chí, lên tiếng nói.

Kim Tiến: Mỗi người dân cần ý thức được quyền lợi của mình và hiểu được quyền hạn của công an đến đâu để có thể tự bảo vệ mình.

Trà Mi: Công an lạm quyền đánh dân, giết dân dĩ nhiên là điều không thể chấp nhận, nhưng làm thế nào để biến nó thành điều không thể tồn tại? Ý kiến Sơn thế nào?

Trần Sơn: Muốn chữa bệnh cần phải tìm hiểu nguyên nhân bệnh cho đúng. Nãy giờ chúng ta đã phân tích khá nhiều về nguyên nhân. Chúng ta chỉ hy vọng là nạn này giảm bớt thôi chứ chưa dám mơ tới chuyện lạm quyền hoàn toàn biến mất. Cần nhớ rằng nơi nào có quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối, tức tội ác. Nói lên điều này rõ ràng cần đến công luận. Hy vọng buổi phát thanh này có nhiều bạn nghe và tác động đến họ phần nào. Việt Nam chừng nào chưa có nền báo chí tự do, tự do ngôn luận thì tệ trạng này còn tiếp diễn. Công luận lên tiếng mạnh mẽ buộc chính quyền phải giải quyết tới nơi tới chốn. Ở Việt Nam, hành pháp, lập pháp, và tư pháp đều chung một hệ thống lãnh đạo, không khách quan, không độc lập. Với thực trạng này thì câu hỏi của chị rất khó trả lời. Tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào cả. Phải tự đọc, tự học, tôn trọng pháp luật không để xảy ra những vụ việc liên quan đến công an. Pháp luật Việt Nam có tính tùy nghi quá nhiều, không rõ ràng, nhập nhằng. Chính những điều đó bảo kê, chống lưng cho việc phạm pháp và lạm quyền của ngành công an. Rất khó chị ạ.

Kim Tiến: Chỉ có một cách là dân phải tôn trọng pháp luật, đừng để phải vào đồn công an thôi. Còn vào trong đó rồi, những gì xảy ra trong đó rất khó lường.

Trà Mi: Khi cảm thấy đang đứng trước sự nguy hiểm trước công an, làm thế nào để tự vệ?

Trần Sơn: Tự tin, không sợ hãi, và kiến thức pháp luật tự trang bị cho mình cũng là phương pháp tự vệ, sẽ quyết định cách hành xử của người công an đối với mình, giảm thiểu sự lạm quyền.

Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của 4 bạn trẻ trong nước về nạn bạo hành trong lực lượng công an Việt Nam. Quan điểm của bạn nghe đài về những người được mệnh danh là ‘Vì nước quên thân, vì dân phục vụ’ như thế nào? Xin chia sẻ cùng chúng tôi và các độc giả khác trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục-Tường trình đặc biệt. Xin quý vị nhấp chuột 2 lần vào 3 khung hình giữa trang chính.

Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại qúy vị và các bạn trong một đề tài mới, vào giờ này, tuần sau.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-widespread-police-brutality-04-06-12-146455955.html

No comments:

Post a Comment