Pages

Sunday, April 8, 2012

VẾ PHAN KHÔI

-
ĐỌC LẠI CHƯƠNG DÂN THI THOẠI
CỦA PHAN KHÔI
-----------------------------
Tặng : Ts. Nguễn Văn Hoa
Thi thoại là "Sách bình luận thi văn hoặc chép chuyện Thi nhân". Đó là một dạng Phê bình thơ, xuất hiện từ đời Tống : Âu Dương Tu (1007-1072) có "Lục nhất thi thoại" cùng mổi tiếng với "Thạch Lâm thi thoại" của Diệp Mộng Đắc. Sau này sáng giá nhất là "Tùy Viên thi thoại" của Viên Mai (1716-1797).

Ở Trung Hoa và ta xưa nay coi đọc" Thi thoại chẳng khác nào được một người chơi hoa sành sỏi dắt ta di xem và kể cho ta nghe câu chuyện lạ lùng về từng loài hoa một" (theo Nguyễn Hiến Lê). Vì thế Thi thoại thường được hoan nghênh hơn thơ.
Biên soạn Thi thoại rất khó : phải là người có tài, có uy tín lớn, phải đọc nhiều Sách, nghiền ngẫm, từng trải, quen biết nhiều Thi nhân, bản thân không chỉ làm thơ hay mà còn phải viết văn cũng hay nữa.

Ở ta có Phan Khôi (1887-1959) là Nhà văn đạt tiêu chí như thế : về văn nghiệp , trước Cách mạng tháng 8-1945 để lại tập "Chương Dân thi thoại"-( năm 1931). Tập sách tuy mỏng, nhưng với tinh thần nhập thế và niềm say mê cái mới đã đưa Phan Khôi vào vị trí 2 lần đi tiên phong vừa là "ông tổ thơ mới" vừa là "ông tổ cuả thi thoại" nước ta.

Chương Dân Thi thoại là sách phê bình thơ của Chương Dân tiên sinh (tên hiệu - bút danh của Phan Khôi) là tập hợp các bài viết đã đăng trên các tờ báo khác nhau :
Mở đầu là giải thích : -Thơ là một lối văn có vần theo âm thanh từ điệu của một thứ tiếng (ngôn ngữ) mà thi nhân sáng tác ra. - Thi thoại là lối trứ thuật chuyên nói về chuyện làm thơ.


Trong Thi thọai thường sưu tầm các bài thơ, câu thơ hay và kèm đôi lời "bình"...cốt lưu truyền những câu thơ HAY của tao nhân mặc khách để giới làm thơ thưởng thức học tập nâng cao phát triển... Trong Chương Dân Thi thoại , Phan Khôi đề cao 2 quan điểm về thơ:
-Thơ Hay có 2 cách ; 1 là cách tự nhiên, 1 cách đúc đắn. Cách tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúc đắn thì có phần trang nghiêm. Nhưng trang nghiêm thì được bên văn từ, mất bên tình tính, còn lưu lợi thì có thể lưỡng toàn hơn (hiểu đơn giản là chỉ nên viết khi thật hứng khởi, tự do, phóng khoáng, không nên quá lý trí gò theo niêm luật "thôi xao" ?)

.Phan Khôi chủ trương : "làmThi thoại không được bỏ sót thơ HAY, nhất là khi cả nước đã thành ra 1 cái vô hình thi xã" (nói như kiểu hôm nay là không được phân biệt thơ Trung ương/ thơ địa phương, thơ Hội viên/ thơ câu lạc bộ...mà chỉ có một tiêu chuẩn là thơ HAY mà thôi). Vì thế trong Chương Dân thi thoại , Phan Khôi đã chọn bình thơ từ Miên Thẩm, Hồ Xuân Hương, Tú Xương...đến các tác giả vô danh trong thiên hạ, không phân biệt địa vị xã hội, nam/nữ với mục đích ủng hộ sự đổi mới thi ca.

Câu chuyện thú vị là : có bài "tống biệt" của một ông ở Bình Thuận đọc lên để làm trò cười lúc tiễn bạn :
Trái Mù U trên núi
Chảy xuống cửa Phan Rang.
Anh đi về ngoài nớ
Trong lòng tôi chẳng an.
Bao giờ anh trở vô
Gặp tôi ở giữa đàng.
Nắm tay nói chuyện chơi
Uống rượu cười nghênh ngang.

Bài thơ chợt tưởng "Quê mùa", nhưng ngẫm nghĩ thì : 2 câu đầu là thể hứng, mà cái ý hứng rất kỳ. Câu thứ 6 trông lại nhau mà gặp" ở giữa đàng" thì lại có cái biệt thú. Toàn bài "nhất khí quán hạ", thêm cùng cái cảnh tượng "trái mù u trên núi chảy xuống cửa Phan Rang" thật là vừa tự nhiên , vừa lưu lợi chảng thua gì một bài tuyệt tác .

BI KICH PHAN KHÔI : đúng như Tố Như đã tiên tri " càng tài tình lắm càng oan trái nhiều", hồi 1956-1957 Phan Khôi bị coi là "đầu sỏ Nhân văn Giai Phẩm"...rồi đành phải bó gối ngồi chơi xơi nước tại gia với bà vợ già...đầu năm 1957 : Phan khôi làm bài thơ tự mừng thọ mình, mở đầu bằng 2 câu :

Lên bảy mươi rồi, mẹ nó ơi !
Thọ ta, ta chúc nọ phiền ai...
Bài thơ không được đăng báo , nhưng đến tai Nguyễn Công Hoan, Nhà văn này liền làm bài "họa" :
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi !
Thọ mi, mi chúc, chớ hòng ai .
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc,
Tiết tháo ! Tiên sư cái mẽ ngoài.
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó,
Nhân văn nay lại hít gì voi.
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục,
Thêm nhục cơ trời chẳng thấy gai.
Là dân "Quảng Nam hay cãi..." nên Phan Khôi có bài thơ như kiểu trần tình tự biện hộ cho mình :
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chảng làm sao.
Cuối năm 1957, sau cuốn "Nắng chiều" không được in, Phan Khôi từ đó ngừng mọi chuyện viết lách...Già yếu, cô đơn, bệnh tật, ông từ trần lúc 11 giờ sáng ngày 16-1-1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội
Suốt đời Phan Khôi sống (bảo thủ-không tùy thời) đúng theo châm ngôn của Đại Nho Mạnh Tử "Phú quí bất năng dâm,bần tiện bất năng di,uy vũ bất năng khuất"...Ông phải chăng đáng là một Văn Hào của Việt Nam ta trong thế kỷ 20 ! ?
Quê Đình Bảng, ngày hội đền Đô , 15-3-ta (2012)
Nguyễn Khôi - cẩn bút...


Kỷ niêm 53 năm, ngày mất Nhà văn Phan Khôi

NHỚ CỤ TỔ THƠ MỚI PHAN KHÔI


* NGUYỄN KHÔI

Tặng :BNN & Lý Phương Liên



Thơ Việt đến ông :gặp thời "đột phá"
-Hãy gác sang bên Lý, Đỗ, Bạch, Tô (1)
-Hãy cất về xưa Truyện Kiều, Hoài cổ (2)
Cho "Tình Già" khởi sắc hồn thơ...


Ừ có "vận" (có vần), bỏ đi niêm luật
Giải phóng tình thơ phới phới bay lên
"Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ
Thương là thương, chỉ anh với em."


Ôi đã 53 năm "về" miền thiên cổ (3)
Mà hồn thơ tự do... Người mở sáng thi đàn
Những Chế Lan Viên, những Hàn Mặc Tử
Quang Dũng- Vi Thùy Linh...bi tráng - ĐẸP trời Nam...


Chao, Phan Khôi - "Cụ Tổ" nền Thơ Mới
Mặc ai người vùi dập...đã xong đời !
-Không mộ chí, cả một thời cấm kỵ
Ai nhớ Phan Khôi : tưởng vọng "vái" lên Trời .



-(1) -Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha
-(2) -Truyện Kiều của Nguyễn Du,, "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan
-(3)- Sống gửi , thác về.


Góc Thành Nam Hà Nội 15-1-2012
Nguyễn Khôi


Phan Khôi - Bài 3: Con đường văn hóa


Bìa hai tác phẩm của Phan Khôi
Bìa hai tác phẩm của Phan Khôi
DR

Thụy Khuê

Phan Khôi cùng đường lối văn hoá với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, trong việc dịch thuật, giới thiệu tư tưởng Tây phương và đặt nền móng quốc ngữ : phát triển từ vựng và nghiên cứu tiếng Việt. Lại vừa đối lập với hai vị học giả này, trong cách đưa tinh thần phản biện vào triết học, sử học, văn học và xã hội học.

Ảnh hưởng Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh

Người đầu tiên Phan Khôi chịu ảnh hưởng trong nghề báo là Nguyễn Văn Vĩnh. Bởi lối viết vừa đàm vừa luận của Nguyễn Văn Vĩnh trên Đăng Cổ Tùng Báo (1908) sau này sống lại trong lối hài đàm của Phan Khôi. Hai nhân vật mà Phan Khôi đặc biệt kính trọng trong địa hạt văn học và thương mại là Nguyễn Văn Vĩnh và Bạch Thái Bưởi.

Mục Nam âm thi thoại trên Nam Phong mở đầu văn nghiệp của Phan Khôi (2/1918).Nhưng Phạm Quỳnh mới thật là người "tiên phong" và khuyến khích Phan Khôi vào con đường này. Lời mở đầu Nam âm thi thoại ít nhiều ảnh hưởng bài Thơ Ta thơ Tây của Phạm Quỳnh [viết năm 1917; có lẽ là bài lý thuyết thơ sớm nhất của Việt Nam. 1922, Phạm Quỳnh đọc bài diễn văn La poésie annnamite (Thi ca Việt Nam) tại Paris, một tác phẩm giá trị khác về bình thơ]. Nam Âm thi thoại phê bình thơ theo lối Tầu, nhưng đã có những nhận thức mới lạ về ngữ học, đặc cách Phan Khôi: trực bút, cô đọng, dùng chữ độc sáng, bất ngờ. Khi Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến viết thay, mục này không còn thú vị nữa.

Phạm Quỳnh bình văn từ 1917, nhưng cách phê bình của ông (lược truyện và nói cái hay và cái dở) nay đã lỗi thời; ngược lại, tiểu luận, triết học, ngữ học, biên khảo và dịch thuật của Phạm Quỳnh có giá trị bất biến.

Phan Khôi bình văn sau Phạm Quỳnh. Bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên PNTV số 84 (28/5/1931) là một sáng tạo độc đáo: Đọc Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh, ông nhận thức ý nghiã cái cười của người Việt: tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên, nhưng vô ý thức, gì cũng cười, cười cả sự tật nguyền của người khác, "cái cười vô nghiã lý, vô ý thức, cái cười vừa ngu dại, vừa độc ác" ấy "đã thấm vào máu dân tộc nầy". Đây là bài phê bình xã hội học sớm nhất của văn chương Việt Nam. Bài này đã làm Tản Đà nổi giận, viết loạt bài Bài trừ cái nạn Phan Khôi ở Nam Kỳ [An Nam tạp chí, Hà Nội từ số 26 (1/1932)] buộc tội Phan phỉ báng dân tộc và đòi "giết" Phan trên văn đàn. Phan Khôi đi trước thời đại là như vậy.

Dù chỉ cộng tác với Nam Phong hơn một năm (2/1918-5/1919), nhưng ảnh hưởng Phạm Quỳnh trên Phan Khôi khá rõ. Sau này, Phan tiếc đã bỏ Nam Phong (có lẽ vì hai cá tính độc đáo không thể ngồi chung, Phạm Quỳnh nhỏ hơn Phan Khôi năm tuổi, mà làm xếp, không dễ). Dù hai người có tranh luận, nhưng vẫn tương kính nhau. Phan Khôi đã học được tinh thần phê bình, óc lý luận của Phạm Quỳnh.

Phan Khôi, một đời tự học

Phan Khôi học chữ Hán với ông nội, cha và 10 năm với Trần Quý Cáp, rồi tự học quốc ngữ và tiếng Pháp từ 1906; dịch Kinh Thánh trong 5 năm (1920-1925): những "trường rèn luyện" ấy, đã tạo nên Phan Khôi, nhà báo và học giả uyên thâm hai nền văn hoá Đông Tây.

Năm 10936, Phan Thị Nga, viết về việc ông học tiếng Pháp như sau:

"Ông xuống Nam Định học với ông Nguyễn Bá Học, gặp thầy hay, ông thấy sức học mình tấn tới, nhưng rủi mới học được ba tháng ông lại bị bắt giải về Quảng. Người ta kết án ông (ông Phan Thành Tài người Quảng Nam (Bảo An tây) trước làm phán toà sau về dạy học can vào việc vua Duy Tân, bị xử tử). Ba năm trong lao, ông tìm cách đưa sách vào học như Lecture courante, Manuel v.v... Đọc sách chỗ nào không hiểu ông lại lật tự vị ra tra. Hồi ấy, ông nghe nói có thày Ưng Điển dạy giỏi, ông viết thư nhờ thày Điển ra bài cho. Làm đâu được vài bài vừa bị ông án Trần Văn Thống khám xét thâu hết sách Tây ta, bút, giấy và nói một câu nghe rất ý vị: "Các anh còn học làm gì nữa vì có ai cho các anh thi nữa mà học!"

Mãn tù ông ra Huế xin học trường dòng (...) ông vô học đứng chót đội sổ trong hai tháng qua tháng thứ ba đến kỳ hạch ông trở nên đứng đầu. Gặp đại tang, ông thôi học, về quê mở lớp dạy chữ Nho và quốc ngữ. Hai năm sau có nghị định bỏ thi, ông thôi dạy, bảo học trò: "Dạy các anh cho giỏi chữ Nho tôi vẫn dạy được, nhưng bây giờ các anh học giỏi ra chẳng làm gì được hãy học chữ Tây đi".

Thôi dạy, ông lại cắp sách đến trường học thầy Lê Hiển, ông cùng học với học trò của ông. Qua năm sau, ông Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm Nam Phong. Ông bước vào nghề báo từ lúc ấy (1918) viết được một năm, ông xuống Hải Phòng làm thơ ký cho Bạch Thái Bưởi. Đơn từ bằng chữ Tây ngăn ngắn ông có thể xem được và viết được.

Thôi làm thơ ký, ông lại vào Nam viết cho Lục Tỉnh Tân Văn. Làm được ít lâu, ông viết một bài kịch liệt quá, người ta buộc ông thôi, ông lại ra Bắc làm cho hội Tin Lành. Ông chuyên dịch Kinh Thánh chữ Nho ra quốc ngữ. (...). Ông sóng Kinh thánh Tây với Kinh thánh Tàu rồi dịch, chấm câu rất rành mạch. Làm được một năm ông lại thôi, vào Nam kiếm việc" (Phan Thị Nga, Lối tự học của những bậc đàn anh nước ta, Hà Nội báo, số 10, 11/3/1936, Thanh Lãng soạn, tài liệu đánh máy của Tạ Trọng Hiệp).

Từ 1911 đến 1917, Phan Khôi tìm cách thoát khỏi bị quản thúc ở làng sau khi ra tù:

"Ra tù từ năm 1911, cho đến năm 1917, chẳng có cơ hội nào cho mình vượt khỏi cổng làng. Điều ấy, tôi tự lấy làm uất ức đã đành, mà tiên quân tôi, người lại còn lo cho tôi hơn nữa. Muốn ra đi, cái chí của tôi ở chỗ khác; nhưng thầy tôi thì chỉ mong làm sao cho tôi có đường xoay xở hầu mau thoát khỏi cái lốt tù. Vậy mà năm 1918 ra Hà Nội làm Nam Phong tạp chí nửa chừng lại bỏ mà về" (Bạch Thái Công ty thơ ký viên- một tự truyện của Phan Khôi, Dân Báo, Sài gòn, số 201, số Tết, 1940, tài liệu của Lại Nguyên Ân).

Trong thời gian này, Phan Khôi vẫn liên lạc với những hoạt động yêu nước. Phan Thành Tài, thầy dậy Pháp văn của ông, tham dự vào cuộc khởi nghiã Duy Tân, 1916, và bị tử hình; Phan Khôi cũng được Thái Phiên rủ vào, nhưng ông từ chối. Vì đã lựa chọn con đường văn hoá? Vì không tin ở khả năng những người cầm đầu? Hay vì sự cấm đoán của cha? (Nguyễn Công Hoan sẽ vin vào cớ Phan từ chối Thái Phiên để buộc tội Phan làm chỉ điểm cho Tây).

Đến năm 1918, được Nguyễn Bá Trác mời vào Nam Phong, cơ hội tốt để thoát ly gia đình và bước vào nghề cầm bút. Nhưng chỉ được hơn một năm. Bỏ Nam Phong vào Nam làm báo, Phan Khôi lại gặp khó khăn với Lục Tỉnh Tân Văn:

"Năm 1919 vào Sàigòn, trước làm cho Quốc dân diễn đàn, sau làm cho Lục tỉnh tân văn, không bao lâu bị giải chức. Những lúc ấy, về ở nhà, tôi đôi khi cũng nghĩ đến sự mình mà ân hận: Té ta tôi chẳng những là thằng người không biết chiều đời mà còn là thằng con không biết chiều cha.

Ở Sàigòn về nhà đầu mùa thu năm 1919, nằm khoèo cho đến mùa xuân năm sau, tôi thấy chán sự đeo đuổi theo đời, nhưng còn thấy chán hơn nữa là cái cảnh phẳng lỳ với vợ với con. Ấy thế mà mỗi khi bẩm mạng cùng thầy tôi xin lại đi nữa, thì người một hai ngăn trở không cho, lấy cớ rằng vận hạn của tôi còn xấu lắm, dẫu có đi cũng chưa làm gì được.

Tôi biết làm sao có được tự do như [...] đây. Xin phép mà không được là phải chịu. Suốt một mùa đông tôi ngày nào cũng phải nốc rượu và thường thường ban đêm trốn đi đánh cờ đánh kiệu ờ nhà hàng xóm" (Bạch Thái Công ty thơ ký viên).

Những dòng tâm sự trên đây nói rõ nỗi khổ tâm của ông trên đường lập thân.

Tháng 3/1920, một cơ hội nữa, giúp Phan Khôi thoát ly gia đình lần thứ nhì: Người em họ là Phan Hạnh (em Phan Thanh) chết tại Thanh Hoá, Phan được chú ủy thác ra Thanh Hoá lo liệu; ông đưa hành lý của người đã khuất ra Hà Nội, rồi xuống Hải Phòng lấy tàu về Trung. Nhưng tại đây, tình cờ kiếm được việc làm thư ký cho Bạch Thái Bưởi, lương tháng 50 đồng.

Làm 8 tháng (1/5/1920- 31/12/1920), Phan xin nghỉ vì điều kiện làm việc quá vất vả.

1921- 1925, dịch Kinh Thánh

Sở dĩ Phan Khôi xin nghỉ, vì đã tìm được việc mới ở Hà Nội: dịch sách cho Hội Tin Lành của Mỹ, vừa cao lương hơn vừa phù hợp với chí hướng của ông: trau dồi tiếng Pháp và tìm hiểu tư tưởng Tây Phương. (Trong vụ NVGP, người ta sẽ vin vào cớ này để buộc tội Phan làm gián điệp cho Mỹ). Phan nghỉ việc ngày 31/12/1920, và có viết thư bảo đảm báo trước một tháng. Như vậy có thể xác định: Phan đã nhận dịch Kinh Thánh vào khoảng tháng 11/1920.

Phan Khôi viết: "Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà mục sư W. Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu -vì bà biết đến 13 thứ tiếng- để chọn lấy nghiã nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân ướcmột phần ba Cựu ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành". (Bàn về việc dịch kinh Phật, Trung Lập 5/9/1931, Phan Khôi 1931, Lại Nguyên Ân sưu tầm, trang 352).

Trong bài "Giới thiệu và phê bình Thánh Kinh Báo", có một câu xác định rõ thời gian dịch: "Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào" [PNTV, số 74 (16/10/1930), Phan Khôi 1930, LNA, trang 568]. Bài này, Phan Khôi phê bình một câu trong Kinh Thánh Báo, mà Cadman viết sai một chữ.

Việc dịch Kinh Thánh, Hội Công Giáo bắt đầu từ 1872, và Hội Tin Lành, từ 1916.

Phước Nguyên viết: "Năm 1916 các nhà lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành đã bắt đầu cho phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt. Công trình này kéo dài gần 10 năm và đến năm 1926, các tín hữu Tin Lành Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình" (Phước Nguyên, Quá trình phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, Báo Linh Lực, tháng 1/1996, baolinhluc.org)

Phước Nguyên viết lại lịch sử những bản dịch xuất hiện từ 1892 đến 1919. Trong giai đoạn này, Kinh Thánh chỉ mới được dịch từng đoạn, từng phần. Đến 1926, với sự đóng góp của Phan Khôi, bộ Kinh Thánh mới hoàn tất và được Hội Tin Lành in năm 1926.

"1923, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội. Toàn bộ Kinh Thánh được thực hiện xong vào năm 1925, và xuất bản năm 1926 tại Thượng Hải.

Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có cụ Phan Khôi, ông bà giáo sĩ William C. Cadman, giáo sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có cụ: Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Đẳng Đông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi.

Trong suốt 70 năm qua, bản Kinh Thánh nầy được tục bản nhiều lần tại Anh Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Đức, Đại Hàn và Việt Nam. Đây là bản Kinh Thánh được ấn hành và sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Mặc dù chúng ta không có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính mỗi lần tái bản Kinh Thánh từ 5000 đến 10.000 cuốn; trong suốt 70 năm qua, số Kinh Thánh phát hành đã được vài trăm ngàn cuốn. Có lẽ đây là cuốn sách Việt Ngữ được phát hành nhiều nhất từ trước đến nay." (Phước Nguyên, bđd)

Sau đó tác giả liệt kê việc dịch kinh thánh từ 1925 đến ngày nay, ra chữ quốc ngữ và chữ nôm. Và ông cho biết:

"Năm 1995, toàn bộ Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành đã được tái bản tại Đà Nẵng (Việt Nam). Bộ Kinh Thánh tái bản lần này là bản Kinh Thánh 1926. Việc tái bản này do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thực hiện với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS). Đây là bản Kinh Thánh đầu tiên được phép in và phát hành dưới chế độ cộng sản Việt Nam". (Bài đã dẫn).

Chúng ta thử so sánh một đoạn trong kinh Tân ước, bản Tin Lành với bản Công giáo, để thấy cách dịch của Phan Khôi.

Phúc âm Matthieu (L'Évangile selon Saint Matthieu), đoạn nói về chúa giáng sinh, bản Tin Lành dịch:

Phúc âm Mã-Thi

Chúa giáng sinh

Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu diễn tiến như sau: Cô Ma-ri đã đính hôn với Giô-sép, nhưng khi còn là trinh nữ, nàng chịu thai do Thánh Linh. "Giô-sép, vị hôn phu của Ma-ri là người ngay thẳng, quyết định kín đáo từ hôn, vì không nỡ để nàng bị sỉ nhục công khai. Đang suy tính việc ấy, Giô-sép bỗng thấy một thiên sứ đến báo mộng: "Giô-sép, con cháu Đa- vít! Đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ! Vì cô ấy chịu thai do Thánh Linh. Ma-ri sẽ sinh con trai, hãy đặt tên là Giê-xu vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi xiềng xích tội lỗi" (Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, Thánh Kinh Hội quốc tế xuất bản, Văn Phẩm Nguồn Sống phát hành, 1994, trích Kinh Tân Ước, sách Phúc âm Mã-Thi, Chúa giáng sinh, trang 1).

Bản Công giáo dịch:

Tin mừng theo thánh Mát-Thêu

Truyền tin cho ông Giu-se

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Kinh Thánh Tân Ước, nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000, trang 68).

So sánh hai đoạn văn, chúng ta thấy ngay tài năng của Phan Khôi: đoạn trên ngắn hơn đoạn dưới hơn một dòng, lại rõ nghiã và hay hơn. Ví dụ Évangile dịch là Phúc âm (Hán-Việt) hay hơn Tin mừng (tiếng Việt). Không kể sự vô lý ở đoạn dưới: chưa chung sống thì sao gọi là vợ chồng? Bản tiếng Pháp phổ thông cũng ghi: "Marie, sa mère, était fiancée à Joseph". (Bà Marie, mẹ người, là vợ chưa cưới của Joseph).

Tóm lại: Bản Kinh Thánh phổ biến hiện nay của Hội Tinh Lành, là do Phan Khôi (dịch giả chính) đã dịch Tân ước1/3 Cựu Ước. Ông đã làm trong 5 năm (1921-1925). Qua cách dùng chữ, có thể tạm xác định: 1/3 bản Cựu ước mà Phan Khôi dịch thuộc phần đầu.

Thời kỳ dịch Kinh Thánh là thời kỳ chủ chốt, đã rèn luyện ngòi bút Phan Khôi. Nhờ sự tiếp xúc sâu sắc với Kinh Thánh, ông đã hiểu văn minh Tây phương, từ nguồn cội, vì Thánh Kinh là nguồn cội các điển tích và chủ đề lớn trong văn học Tây Phương. Việc dịch Thánh Kinh là một trường ngữ học nghiệt ngã, khiến sau này ở địa vị "ngự sử văn đàn", không những Phan viết tiếng Việt đúng mà ông còn đòi hỏi những nhà văn khác phải viết tiếng Việt cho đúng. Kinh nghiệm dịch thuật để rèn luyện tri thức của ông, đáng noi gương hậu thế.

Ba năm ở ẩn tại Cà Mau (1922-1925)

Một dấu hỏi: Tại sao khoảng 1921-1922, Phan Khôi đang ở Hà Nội, đã có việc dịch Kinh Thánh và viết báo (Hữu Thanh và Thực Nghiệp dân báo), lại bỏ vào Sài Gòn? Hữu Thanh, tờ báo của Ngô Đức Kế, một trong những thành viên chính của phong trào Duy Tân và Đông Du, vừa từ Côn Đảo trở về. Vậy Phan Khôi vào Nam, vì nhiệm vụ, hay chỉ tình cờ? Nhất là vào Sài Gòn rồi phải trốn xuống Cà Mau. Phan Thị Nga viết:

"Gặp hồi chưa có việc ông dùng thì giờ rỗi để học, ông ở tại đồn điền của một bạn ở Cà Mau, đồn điền ấy hẻo lánh quá, không có ai nói chuyện cho vui, ông vụt cầm bút viết bức thư thứ nhất, bức thư chữ Tây cho ông Dejean. Rất ngạc nhiên và khen bức thư của ông viết trôi chảy, ông Dejean bảo ông có thể dạy ông Phan trong 6 tháng, ông ta có thể viết được báo chữ Tây. Từ đó về sau ông Phan thường dịch các bài của ông Dejean viết ở các báo Tây.

Lối học của ông Phan hồi ấy là gặp chữ chi khó là hỏi, hỏi rồi tra tự vị lại cho chắc chắn và biên vào sổ con, gặp bài gì thích thì dịch" (Phan Thị Nga, bài đã dẫn).

Phan Thị Mỹ Khanh viết: "Rồi nhân có một vụ việc gì đó xẩy ra ở thành phố, ông bị mật thám tình nghi, đe dọa, phải chạy xuống Cà Mau tạm trú tại nhà một người quen thân làm chủ đồn điền tại đây. Thời gian ở ẩn ăn không ngồi rồi khá lâu, mất đến gần 3 năm, nhưng cha tôi biết tận dụng nó để làm một việc có ích là tiếp tục học tiếng Pháp bằng cách trao đổi thư từ, bài tập qua đường bưu điện với một nhà báo người Pháp ở Saigòn, tên là Dejean" (...) (Nhớ cha tôi, Đà Nẵng, 2001, trang 39).

Có một số nghi vấn:

1- Nếu không có nhiệm vụ gì, tại sao đang có việc ở Hà Nội, Phan Khôi lại vào Sài Gòn ?

2- Phan làm gì mà bị Pháp tình nghi, phải chạy xuống Cà Mau ở ẩn trong ba năm ?

3- Phan vào Nam để bắt liên lạc với Nguyễn An Ninh, vừa từ Paris về nước năm 1922 ?

4- Việc Phan Khôi học tiếng Pháp với Dejean de La Bâtie, chứng tỏ ông có liên lạc với nhóm La Cloche fêlée (Chuông rè). Xin nhắc lại: Dejean de La Bâtie, Pháp lai, đồng chí của Nguyễn An Ninh, từng làm chủ nhiệm báo Chuông rè. Phan Văn Hùm trong Ngồi tù khám lớn [Bảo Tồn, Sàigòn, 1929, Phan Tùng Mai (con Phan Văn Hùm) tái bản, Sài Gòn, 1957] cho biết: lần vào tù năm 1928, Dejean được giam cùng với người Pháp, còn Nguyễn An Ninh, thì các cai tù Pháp rất nể trọng, gọi là Monsieur.

Vậy trong ba năm ở ẩn tại Cà Mau, Phan Khôi học tiếng Pháp hàm thụ với Dejean de la Bâtie và tiếp tục dịch Kinh Thánh. Sau, người ta sẽ chắp nối hai sự kiện này, để xuyên tạc Phan Khôi làm mật thám cho Tây, cho Mỹ.

1925, viết sách Phan Châu Trinh

Tài liệu 241 của sở mật thám Nam Kỳ, mật báo ngày 1/6/1926, gửi thống đốc Nam Kỳ và Phủ toàn quyền Hà Nội, ghi:

"Tú tài Phan Khôi mà tôi đã báo Ngài cách đây mấy tháng như là một đồ đệ của Phan Châu Trinh, đã viết một tác phẩm mang tên đơn giản là "Phan Châu Trinh" tôi đã có trong tay tập sách đó với 94 trang đánh máy.(...)

Kèm theo tiểu sử của Phan Châu Trinh, tác phẩm này chứa đựng các bình luận về đời sống chính trị, tư tưởng, các dự án và công việc tuyên truyền ở Đông Dương, ở Pháp và ở nước ngoài, những quan điểm chính trị của con người được dân An Nam coi là nhà đại ái quốc. Nếu được in ra, chắc chắn sách này sẽ được hoan nghênh và kích động những người An Nam đọc chống đối chính phủ bảo hộ.

Phan Châu Trinh đã cho gọi tú tài Phan Khôi vào Nam Kỳ với ý đồ cho y viết tác phẩm này và nhiều tác phẩm chính trị khác. Nhưng tình hình sức khoẻ không cho ông ta thực hiện hoàn toàn ý đồ đó. Phan Khôi đang soạn thảo ra một tác phẩm theo dạng đó với những thông tin do các bạn cũ thân cận của Phan Châu Trinh cung cấp, trong đó có Huỳnh Thúc Kháng. Phan Khôi tính dựa vào nhà in "Bảo Tồn thư xã" đang chuẩn bị ra đời để xuất bản tác phẩm của y (...)

Phan Khôi ở nhà họa sĩ Ky đường Martin des Pallières. Y quan hệ thường xuyên với Nguyễn Pho và Dejean de la Bâtie." Ký tên P. Arnoux (tài liệu của Lê Thị Kinh, in lại trong Nhớ cha tôi, trang 279-280). Đây lại là một chứng nữa về việc Phan có giao du với Nguyễn An Ninh vì Bảo Tồn thư xã do gia đình Nguyễn An Ninh thiết lập.

Từ 1925 đến 1928, Phan Khôi viết cho Thần Chung, Đông Pháp, Văn học ở Sài Gòn và gởi bài cho Đông Tây ở Hà Nội. Hiện nay chưa có sưu tập các bài viết trong thời gian này. Đây là giai đoạn Pháp đã bình định nền cai trị, tuy nhiên vẫn có những yếu tố quan trọng:

- Đám tang vĩ đại của Phan Châu Trinh, mà Phan Khôi đã viết bài Hiệu triệu quốc dân.

- Phan Bội Châu bị bắt, nhưng Pháp không dám áp dụng án tử hình (đã xử vắng mặt), chỉ đem về quản thúc ở Huế: Nguyễn Thế Truyền đã góp phần quan trọng trong việc vận động Hội nhân quyền và viết bài trên báo Le Paria, tại Pháp.

- Sự tung hoành của ngòi bút Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường trên các báo La cloche fêlée và L'Annam, tại Nam Kỳ.

- Pháp phải cải cách giáo dục: bỏ ý định Pháp hoá người Việt (thay chữ Hán bằng chữ Pháp). Lần đầu tiên mở cấp sơ học ở Trung và Bắc, năm 1924, dậy tiếng Việt cho học trò từ nhỏ, nhờ sự vận động của Phạm Quỳnh. (Sẽ nói rõ hơn trong bài phụ lục về Nam Phong).

Phan Khôi càng thấy sức mạnh của ngòi bút, ông chuẩn bị bước vào giai đoạn nòng cốt: Phụ Nữ Tân Văn.

1928-1932: Thời kỳ Phụ Nữ Tân Văn

Từ năm 1928 đến 1932, ngòi bút Phan Khôi tả xung hữu đột trên tất cả các "mặt trận" tranh đấu xã hội và văn hoá. Hầu như ông chỉ ở trong Nam, thỉnh thoảng có viết bài cho báo Bắc, nhưng Nam Kỳ vẫn là chính. Lập luận đấu tranh dựa trên khí giới: phê bình.

1928: Phê bình Trần Huy Liệu trên báo Đông Pháp. Đặt vấn đề: Phải viết sử cho đúng.

1929: Phê bình Khổng Giáo ở Thần Chung. Tranh đấu nữ quyền và Đòi hỏi viết tiếng Việt cho đúng trên Phụ Nữ Tân Văn.

1930: Tranh luận với Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim trên Phụ Nữ Tân Văn.

1931: Phê bình cuốn Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh trong bài Cái cười của con rồng cháu tiên trên PNTV. Đây là bài phê bình văn học đầu tiên viết theo lối hiện đại.

1932: Công bố Một lối "thơ mới" trình chánh giữa làng thơ và bài Tình già, cả hai được coi là bản tuyên ngôn của Thơ mới,trên Tập văn mùa xuân, báo Đông Tây, rồi PNTV. Tư tưởng và phong cách Phan Khôi được xác định ở thời kỳ Phụ Nữ Tân Văn: cùng dòng chẩy với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, trong việc dịch thuật, giới thiệu tư tưởng Tây phương và đặt nền móng quốc ngữ bằng cách phát triển từ vựng và nghiên cứu tiếng Việt. Lại vừa đối lập với hai vị học giả này, trong cách đưa tinh thần phản biện vào triết học, sử học, văn học và xã hội học. Sự khảo sát phong cách và tư tưởng Phan Khôi là đối tượng của một bài khác.

Phan Khôi và cộng sản

Khi lên án Phan Khôi, người ta thường dẫn bảo ông đã nói hoặc viết câu này câu kia chống Đảng chống Bác, là không đúng. Thực ra Phan Khôi chỉ chống cái dốt, cái độc tài, cái ngu dân và cái thần tượng hoá, từ trước khi có Bác có Đảng viết hoa. Ngay từ khi cộng sản mới nhen nhúm ở Việt Nam, ông đã viết những bài về cái ngu và cái dốt của họ: như bài Quân cách mạng đời nay (Trung Lập số 6151 (20/5/1930), nói về ông tướng cách mạng Trần Đại Lộc, dơ tay lên trán đỡ đạn và bài Quốc ngữ của bọn cọng sản (Trung Lập, số 6235 (1/9/1930), nói về việc cộng sản muốn sửa cách viết: Pháp viết là Fáp, viết là, đ viết là d. Và nếu chỉ muốn thay đổi quốc ngữ, cũng chẳng sao, nhưng họ lại chủ trương đấu tranh giai cấp mới phiền. Phan Khôi ghét đấu tranh giai cấp từ thời ấy (1928-1930), cùng chí hướng với Nguyễn An Ninh, vì Ninh thâm hiểu lý thuyết cộng sản và đả kích mạnh mẽ đấu tranh giai cấp.

Bình sinh, Phan không sợ ai bao giờ: 1906, Phan đã kiện triều đình vì thi cử gian lận. 1928, ông viết bài Cái dốt của triều đình Huế, [Đông Pháp, số 717 (8/5/1928)], đại ý nói: Làm Hán Việt từ điển, mà không biết từ điển với tự điển khác nhau như thế nào: Tựchữ, mà từ lời. Trong tự điển mỗi mục từ chỉ có một chữ. Trong từ điển mỗi mục từ có thể có nhiều chữ ghép lại. Nhưng không phải chữ ghép nào cũng được coi là từ để đem vào từ điển được. Ví dụ, thiên mã thì gọi là từ được, vì đó là một cách nói đặc biệt (expression), gần như một điển cố, chỉ việc vua Võ Đế nhà Hán có con ngựa hay lắm, vua đặt tên là thiên mã, tức là ngựa nhà trời. Còn tẫn mã (ngựa cái) hay dịch mã (ngựa trạm) thì không thể đem vào từ điển được, vì nếu cứ lấy những chữ ghép tràn như vậy, thì phải bao nhiêu từ điển cho đủ !

Bàn về việc cấm sách, ông viết: Ở thế kỷ hai mươi, đâu đâu người ta cũng hô lớn nào tự do, nào tôn trọng quyền ngôn luận, quyền xuất bản, mà lại có cái chuyện cấm sách mới lạ. "Vậy thì chúng tôi viết đây để làm chi? (...) Một cuốn sách không cấm thì người ta coi như thường, không chú ý. Đến cấm đi một cái, thì hết thẩy ai nấy đều chú ý vào nó. Cấm đi, là muốn cho người ta đừng đọc, mà không ngờ lại làm cho người ta càng đọc! (...) có nhiều cuốn sách hiển thánh rồi. Việt nam vong quốc sửHải ngoại huyết thư đã hiển thánh hai mươi năm nay (...) Không có cái thú gì bằng cái thú trong lúc trời mưa, đóng cửa cho chặt lại, rồi... đọc sách cấm! Cái thế lực của sách cấm là như vậy, còn cấm sách nữa thôi?... (Cấm sách, sách cấm, Đông Pháp, số 763 (1/9/1928).

Ông nói phiếm những việc dưới thời Pháp thuộc, cách đây 90 năm, mà lại trúng với việc thời nay. Trong thuật ngữ văn học, người ta gọi ông là một nhà văn có tính hiện đại.

Nhân chuyện cấm sách, lại nhớ đến một số bài của Phan Khôi, đăng trên báo Trung Lập, Sài Gòn, 1930, được Lại Nguyên Ân sưu tầm đầy đủ. Nhưng khi in thành sách, gia đình tự kiểm duyệt bỏ đi một số bài. Bản trên mạng lainguyenan.free.fr đầy đủ.

Trong số mấy bài bị bỏ, có bài Khoái cho ông Mussolini, (Trung Lập, số 6207 28/7/1930) vì khen Mussolini nên bị loại, oan. Việc khen Mussolini, năm 1930, là bình thường, chẳng có gì đáng xấu hổ, mà phải cắt, vì lúc ấy, bộ mặt trái của đảng Phát xít chưa được thế giới biết đến. Phan khen cái gì? Ông khen Mussolini đã cấm tiệt thói ăn mày: khi nước Ý có nơi bị động đất, gần 2000 người chết, vậy mà Mussolini cấm không được lập hội này hội kia xin tiền. [Gần đây nước Nhật vừa động đất, vừa sóng thần, vừa bể lò nguyên tử, mà họ có ngửa tay xin tiền ai đâu?]. Mussolini chẳng được cái nết gì, nhưng ít ra cũng được việc dạy dân không ăn mày. Việc ấy, dân ta, đến cả lãnh tụ, cũng còn đang cần phải dạy. Phan Khôi hiện đại là ở chỗ đó.

Bài "Hơn hai trăm năm còn thúi" (Trung Lập, số 6152 (21/5/1930), cũng bị cắt, vì ông kể chuyện ngày 11/5/1930, "có một nhà nọ đào móng đặng xây nhà, trong khi đào, phát lộ ra một cái quan tài xưa coi bề ngoài còn chắc. Người ta bèn mở ra xem thấy thi thể đã nát rồi, chỉ còn có bộ xương và quần áo. Quần áo cái dáng vẫn tươi tốt, nhưng khi động tới liền hoá ra tro. (...) Thế nhưng lạ một điều là lúc dỡ ra, hơi hám xông lên vẫn còn thú nực thúi nồng (...) Vậy mời biết giống người ta là giống thúi hơn hết thẩy mọi loài. (...) Cái thúi hai trăm năm còn chưa mấy chút; có cái thúi đến muôn năm, là kẻ "di xú vạn niên" kia". (Trung Lập, số 6152 (21/5/1930).

Bài này chẳng đả động đến ai, chỉ nói chuyện... người, vậy mà vì "nhậy cảm" cũng phải cắt đi. Ý Phan muốn nói đến những kẻ nhất thời "vàng ngọc dát đầy, tiền hô hậu ủng", nhưng chả biết mai sau thế nào? Có "di xú vạn niên" chăng?

Cái gương tầy liếp Thủy Hoàng đốt sách còn trơ trơ ra đó? Bọn nhà văn thường nhớ dai và bênh nhau xuyên thế kỷ. Đụng đến sách vở, hậu quả khó lường.

Đến bài Thúi thây, thì bị cắt là đúng, vì đụng tới lãnh tụ tối cao quốc tế, Phan viết:

"An Nam ta hay mắng những người biết ăn mà không biết làm là "đồ thúi thây". Kỳ thiệt An Nam ta thuở nay có mấy ai mà thây bị thúi bao giờ. Duy thấy bây giờ cái thây ông Lê Ninh nước Nga bị thúi đó thôi. Việc đời hay tréo nhau là vậy, ông Lê Ninh lại là người ăn ít mà làm nhiều! Không biết hồi họ ướp xác ông thế nào mà ngày nay đến nỗi thúi ra. Cứ theo tin mới đây thì xác ấy không thể để được nữa mà phải thiêu ra tro. Nếu vậy thì ra khoa học ngày nay lại dở hơn ngày xưa.

Ai có tri thức khá một chút, há không biết bên Ai Cập đời xưa có cái thuật ướp xác để lâu kêu là "momie" hay sao? (...) Xứ Nga lạnh hơn Ai Cập, sao xác ông Lê Ninh lại thúi? (...)

Đến như xứ An Nam mình, thuộc về ôn đới, khí hậu điều hòa, có lẽ giữ xác được lâu mà không thúi chăng? Song ngặt vì An Nam ta lại không có cái xác nào đáng ướp hết; cái thây nào cũng đáng để cho thúi quách hết thẩy". (Thúi thây, Trung Lập, số 6216 (7/8/1930)

Tóm lại, những việc Phan viết cách đây hơn 80 năm mà cứ mới như bây giờ. Đó là tính hiện đại trong ngòi bút Phan Khôi. Người ta còn gọi là nhà văn tiên tri nữa.

Phê Bình Lãnh đạo văn nghệ và Nắng Chiều

Thời kỳ NVGP, Bài Phê bình lãnh đạo Văn Nghệ là tác phẩm tiêu biểu. Phan Khôi kê khai những nét chính trong đời sống văn nghệ thời bấy giờ: kiểm duyệt lời nói, chữ viết, cấm phê bình, chỉ đạo sáng tác, đán áp nhà văn, thánh hóa lãnh tụ, bè phái văn nghệ, trong 7 điểm:

1- "Tôi muốn nói sự thực"- Nhưng người ta bảo: "có những sự thực không nên nói".

2- "Tôi muốn phê bình"- Nhưng người ta bảo, "phê bình nội bộ thì được, không nên viết lên báo, bên địch chúng thấy chúng sẽ xuyên tạc"

4- Sự giáo dục sáng tác: "Nhược bằng bắt hết mọi người viết, phải viết theo lối với mình thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết".

"Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu!"

5- Sự đàn áp nhà văn: "Hỏi độc tội một Trần Dần thôi là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hóa những người trong Giai Phẩm, cái ngón ấy đã thành công".

6- Sự tôn sùng lãnh tụ: "Tôi còn nhớ có vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ Người viết hoa, lấy lẽ rằng chữ Người viết hoa chỉ để xưng Hồ chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ Người không phải để xưng Hồ chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như ở trong chiêm bao, chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê mỗ tố cáo ông Nguyễn mỗ trước ngai vàng: "Trong phép viết chỉ có chữ nào thuộc về Hoàng thượng mới phải đai, thế mà tên Nguyễn mỗ viết thư cho bạn dám xài những chữ không phải thuộc về Hoàng thượng. Nhân may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình đang ngồi ở trong phòng họp hội Văn nghệ".

7- Sự gian lận trong giải thưởng văn học 54-55: "Cả ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong ban trung khảo. Nếu ở trong ban trung khảo mà thôi còn khá, thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở ban sơ khảo nữa, sao lại có thể như thế? Trường thi phong kiến xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn sạch tiếng. Một người nào có con em đi thi thì người ấy có được cắt cử cũng phải hồi tỵ, không được chấm trường. Bây giờ đến cả chính mình đi thi mà cũng không hồi tỵ, một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã liêm chính cả rồi, một lẽ trắng trợn vì thấy mọi cái miệng đã bị vú lấp."

Bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ hầu như người Việt Bắc Nam, trưởng thành trong khoảng 1954, ai cũng biết.

Còn một tác phẩm nữa, hầu như không ai biết, vì nó bị chôn mất rồi. Đó là cuốn Nắng chiều. Không được in. Nhưng việc Phan Khôi đem Nắng chiều đến Hội Nhà Văn, để in, năm 1957, có thể so sánh với việc Tư Mã Thiên viết sử ký. Nhờ Đoàn Giỏi mà ngày nay chúng ta biết đến sự hiện diện của Nắng chiều: "Tháng 12/1957, Phan Khôi đưa đến nhà xuất bản Hội nhà văn một xấp bản thảo dầy, bên ngoài đề hai chữ "Nắng chiều" (Đoàn Giỏi, Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi, Văn Nghệ số 15 (tháng 8/1958), in lại trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí). Đoàn Giỏi giả giọng đả kích, để công bố cho hậu thế biết nội dung tác phẩm cuối cùng của Phan Khôi. Và ông đã phải trả giá nặng nề không kém gì một thành viên NVGP.

Nắng chiều, theo Đoàn Giỏi, gồm những bài bút ký và tạp văn viết trong kháng chiến, và mấy bài viết sau 1954: Cầm vịt, Tiếng Chim, Cây Cộng sản, Thái văn Thu, Chuyện ba ông vua Càn Long, Quang Trung và Chiêu Thống, Giới thiệu Nguyễn Trường Tộ... Và ông đã giới thiệu từng văn bản một: Truyện Thái văn Thu, đả kích bạo lực cách mạng và sự đàn áp NVGP. Chuyện ba ông vua... đả kích chế độ phong kiến ngày nay. Bài Nguyễn Trường Tộ, so sánh chế độ hiện hành với những triều đại phong kiến trước.

Riêng hai bài Cầm vịtTiếng chim, Phan Khôi đã "đánh vào vấn đề căn bản của chủ nghiã Mác-Lê Nin", đểxác định: Xã hội không có đấu tranh giai cấp. Của ai người nấy ăn. Vấn đề đấu tranh giai cấp chỉ là kiểu rình phần ăn của kẻ khác.

Đoàn Giỏi trích một đoạn trong bài Tiếng chim của Phan Khôi:

"Một lần ở Cẩn Nhân, tôi ngồi nơi nhà sàn, thấy hai con quạ rình bắt con gà con, một con bắt được bay ra đứng ở bờ ruộng, xé con gà ra ăn; còn con kia bị gà mẹ chống cự, bắt không được, cũng bay ra đứng cạnh con quạ thứ nhất, nó nhìn sững và đi đi lại lại, rồi cũng bay đi tuốt, nó không hề nói: "Mầy phải cho tao với!"

VàĐoàn Giỏi giải thích như sau: "Vấn đề thứ nhất Phan Khôi đặt ra là không có người bóc lột người. Vấn đề thứ hai là của ai người ấy ăn. Cho đến thứ quạ kia còn biết giành giật cái miếng không phải của nó là không ổn, và không hề nói: Mầy phải chia cho tao với" (Đoàn Giỏi, bài đã dẫn).

Bài thứ nhì được Đoàn Giỏi giới thiệu khá kỹ, là bài Cây Cộng sản, ông viết:

"... Cây Cộng sản, ngay câu đầu, Phan Khôi đã chỉ ngay vào Việt Bắc, quê hương cách mạng: "Có một thứ thực vật nữa cũng như sen nhật bản, ở xứ ta trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy chỉ thấy trong mấy tỉnh Việt Bắc không chỗ nào là không có". Đầu tiên Phan Khôi thấy nó rải rác mấy nơi ở tỉnh Phú Thọ, và nhiều nhất là ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nó mọc trên thị trấn bị ta phá hoại "như rừng, ken kít nhau". Nơi gọi là Cỏ Bù-xít vì nó có mùi hôi như con bọ xít, nơi gọi là Cây Cứt lợn, nơi gọi là Cây chó đẻ. "Tên đều không nhã tí nào hết" thứ cây ấy những người có học không gọi bằng Cây Cứt lợn dại, mà gọi bằng Cây Cộng sản".

Rồi Đoàn Giỏi kể tiếp về gốc gác cái tên này: Phan Khôi bịa ra là trước kia xứ ta không có cây này, người Pháp đem đến giồng ở các đồn điền cà phê, cao su, rồi chẳng bao lâu nó lan ra, không diệt được, tình trạng này bắt đầu từ những năm 1930-31, cùng lúc Đông Dương Cộng sản đảng bắt đầu hoạt động, "phong trào Cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là "herbe communiste", đáng lẽ dịch là cỏ Cộng sản, nhưng nhiều người gọi là Cây Cộng sản. Nó còn một tên nữa rất lạ..."

Hỏi tên này là gì ? Thì Phan Khôi lại bịa lời một ông già Thổ: "ông nói tên nó là "Cỏ cụ Hồ". Thứ cỏ này trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường xá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy".

Tại sao Phan Khôi đem Cây Cứt lợn, cũng gọi là Chó đẻ, là Bọ xít "toàn những tên không nhã tý nào nào hết" để gọi nó là Cây Cộng sản và Cỏ cụ Hồ?" (Đoàn Giỏi, bài đã dẫn).

Câu hỏi "ngây thơ" của Đoàn Giỏi chứng tỏ sự "đồng loã" của ông với tác giả Nắng Chiều. Dù Đoàn Giỏi lúc ấy là nhà văn của Đảng, nhưng vì bài viết này, độc giả đã quý ông như một thành viên của NVGP.

Cũng về tập bản thảo Nắng chiều, Chế Lan Viên lại một lần nữa hiện ra, đậm nét qua ngòi bút của Đào Vũ: "Đồng chí Chế Lan Viên lúc ấy có đọc bản thảo kia", "Đồng chí Chế Lan Viên lúc ấy có phân tích nhiều mặt về những ám ý xấu xa, phản động trong những “tìm tòi” ấy của Phan Khôi; và tỏ ý rất công phẫn. Chúng tôi cũng đồng tình". Khi "Phan Khôi nói với chị Chế Lan Viên nên về khuyên bảo anh ấy đừng đi theo lãnh đạo", thì "Đồng chí Chế Lan Viên lên tận phòng của y cho một bữa nên thân. Những nào: Đừng cậy già mà nói láo, đây ba mươi năm nữa cũng già, đồ đốn mạt đồ hèn v.v…" (Đào Vũ, Tính cách vô lại và bộ mặt chính trị nhơ nhớp của Phan Khôi ngày nay, Văn nghệ, số 12, tháng 5/1958).

Những ngày tháng cuối

Như chúng ta đã biết, gia đình Phan Khôi giầu có, nhờ bà Cố dựng nghiệp tỷ phú; và chính ông cũng giầu, vì viết nhiều và là một trong những nhà văn được trả nhuận bút cao nhất thời ấy. Truyện đấu tranh giai cấp Phan viết như đùa, không ngờ lại là bi kịch mà gia đình ông đã trải qua khi ông đang ở Việt Bắc. Đào Vũ kể:

"Đồng chí cùng quê với Phan Khôi ôn lại chuyện nhân dân địa phương căm thù định đến tàn phá nhà Phan Khôi từ phong trào bình dân [1936] và cho biết, ý định ấy mãi đến sau cách mạng [sau 1945] mới thực hiện được: Những nương dâu phì nhiêu kia của Phan Khôi bà con nông dân đã giành lấy về tay chia nhau trồng trọt, tre nhà Phan Khôi, vì căm thù, bà con đốn không còn một gốc, nhà của Phan Khôi, bà con đập lấy gạch về xây bao nhiêu hầm khắp làng để che chở cho dân làng kháng chiến trường kỳ. - Giữa Phan Khôi và nông dân địa phương từ bao lâu, đã diễn ra một cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt" (Đào Vũ, bài đã dẫn).

Sau Nhân Văn, Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, Trần Duy viết:

"Cũng từ dạo ấy, tôi thấy sức khoẻ của ông Phan Khôi sa sút. Có lúc thấy ông đi không vững. Có lúc thấy ông khó thở. Ông nói với tôi ông bị sốt thường xuyên, xin được đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy giới thiệu. Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo.

Người này quát lớn:

"Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!"

Vợ ông, bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói:"Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!" (Trần Duy, Tưởng niệm về Phan Khôi, Talawas 18/6/2008)

Bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo, Phan Khôi dọn về 10 Nguyễn Thượng Hiền, và sau đó là 73 Phố Thuốc Bắc.

Lâm Bích Thủy, con gái nhà thơ Yến Lan, nhớ về căn nhà này:

"Gia đình tôi ở phía dưới, giữa 5 gia đình khác, kề vách là gia đình cụ Khôi. Phía ngoài căn nhà cụ là chân cầu thang của hộ bà Cán, đến bể nước công cộng. Căn dành cho gia đình cụ là một cái buồng khép kín, rộng chừng 9 m2, bằng 3/4 gian nhà tôi, có thể đấy là nơi thờ cúng của chủ trước. Giữa nhà tôi và nhà cụ là một cửa sổ nhỏ, to bằng bàn cớ tướng. Tôi thường ngồi cạnh cửa sổ nhà cụ giặt giũ.

Ban đầu mới dọn về, tôi thấy ba tôi và các chú nhà thơ hay vào phòng cụ Khôi uống trà, bàn chuyện thời sự, bình luận những bài thơ vừa đăng báo; bọn trẻ chúng tôi chạy vô chạy ra nhà cụ để chơi với các anh các chị con cụ, mọi người đều thân thiện, cởi mở. Thế rồi, dần dần tôi thấy có một điều gì đó, lung lắm. Các cô các chú không xởi lởi như trước nữa. Trong cư xử tỏ ra dè dặt, dò xét. Nhà cụ Khôi cứ vắng dần bóng người lớn, vắng dần tiếng trẻ. Không khí trong ngôi nhà nặng nề, xét nét, xa lạ. Tôi hỏi má tôi "tại sao vậy?". Bà nói nhỏ sợ người khác nghe: " Ông Khôi đang bị coi người cầm đầu nhóm Nhân văn - Giai phẩm, con không nên vào nhà cụ, có người đang theo dõi nhà mình đấy…". Tôi không hiểu Nhân văn - Giai phẩmlà tội gì, nặng đến mức nào mà ai cũng sợ liên lụy đến như thế. Tuy không nói ra nhưng ai cũng muốn chứng minh rằng mình không hề có quan hệ thân mật với gia đình cụ Khôi. Họ tránh nhà cụ như thể nhà có bệnh dịch lây lan. (...)

Dường như gia đình cụ hiểu được điều băn khoăn của mọi người nên tế nhị lấy báo dán kín cửa sổ lại. Lâu lâu tôi thấy cụ ngang qua nhà, vẫn dáng người cao, nhưng gầy yếu hơn trong bộ đồ tây màu vàng nhạt, tóc còn lơ thơ vài cọng bạc trắng, ẩn sau chiếc mũ phớt màu nâu. Trên tay cụ giờ có thêm chiếc ba-toong, gặp ai cụ không nhìn, mắt hướng thẳng phía trước như chưa hề biết họ.

Như trước đây, tôi vẫn ngồi giặt bên bể nước, cạnh cửa sổ nhà cụ. Tôi liếc nhìn cụ qua cửa sổ. Cụ ngồi trên giường, giờ cụ trầm ngâm, buồn buồn, mắt nhìn đâu đâu, tôi thương cụ quá chừng. Có lần tôi nghe cụ ngâm bằng giọng Quảng Nam: "Làm chi cũng chẳng làm chi / Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao / Làm sao cũng chẳng làm sao / Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi…" (Lâm Bích Thuỷ, Thủy chung tình bạn sau linh cữu, tài liệu Talawas).

Cái chết của Phan Khôi

Phan Cừ, Phan An viết: "11 giờ trưa ngày 16/1/1959 (mồng 8 tháng Chạp âm lịch). Ông nằm quay mặt vào tường lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, trong sự túc trục chăm sóc của bà vợ Nguyễn Thị Huệ (...) Cỗ xe song mã màu đen quàn thi hài ông, đi sau là vợ con, cháu cùng một vài bạn hữu tiễn ông lần cuối đến nghiã trang Hợp Thiện ở phía đông thành phố Hà Nội. Trong chiến tranh, phần mộ của ông bị thất lạc". (Phan Cừ, Phan An, Phan Khôi niên biểu, Chưong Dân thi thoại, Đà nẵng, 1996. trang bđd).

Phan Thị Thái viết: "Mộ cha tôi được ghi dấu bằng tấm bia nhỏ mang tên: Chương Dân (...) Khoảng một năm trước khi mất, thầy tôi rất buồn. Mỗi dịp nghỉ hè về thăm thầy, tôi thường thấy người ngồi bàn viết lách hoặc đọc sách.

Có khi nằm đọc rồi ngủ quên nhưng hai tay vẫn giữ chặt quyển sách dày cộm, hầu hết là sách chữ Hán. Hầu như thầy tôi không có thì giờ rảnh. Sáng sáng đi vài ba đường quyền, ăn uống điểm tâm rồi ngồi vào bàn làm việc cho đến tối. Chỉ có một tuần trước khi mất, vì quá đuối sức, người đành phải lìa chiếc bàn và quyển sách. Gia tài lớn mà thầy tôi để lại cho chúng tôi là sách và rất nhiều các bài viết, các bài nghiên cứu về tiếng Việt và chữ Hán. Chúng tôi đã gìn giữ tất cả trước tác của thầy tôi trong nhiều năm và sau đó đã chuyển giao cho Viện Hán Nôm để các đồng nghiệp của ông tiếp tục công việc nghiên cứu, dịch thuật". (Phan Thị Thái, Nhớ cha tôi, học giả Phan Khôi, 19/12/1996, Kiến Thức Ngày Nay).

Lâm Bích Thuỷ viết:

"Chở linh cữu cụ là một chiếc xe có hai con ngựa kéo bị che hai bên mắt, khoảng bảy hoặc tám người, kể cả người đánh xe ngựa và ba tôi − nhà thơ Yến Lan. Nhưng điều để lại sau đám tang là sự dè bỉu và mỉa mai đối với ba tôi mà người thời bấy giờ gọi là "thằng". Sáng hôm sau, ngoài phố, họ kháo nhau bằng những câu: "Nghe nói ngoài gia đình còn có thằng cha nhà thơ nào đó cả gan đưa đám lão Phan Khôi". Giải thích điều này ba tôi nói: "Đó là đạo lý của người Việt Nam Nghĩa tử là nghĩa tận". (Lâm Bích Thuỷ, bđd)

Theo Lại Nguyên Ân, nghiã trang Hợp Thiện, không bị chiến tranh tàn phá, mà bị chiếm đất dần để xây nhà. Năm 1970, nghiã trang này được chuyển lên Bất Bạt. Những ngôi mộ bị dời đi, có đánh số, nhưng sau gia đình không tìm lại được.

Tại sao? Có phải vì trong suốt thời gian này, gia đình không ai đến viếng chăng ?

Tất yếu của định mệnh ? Hay cố tình xoá dấu Phan Khôi ?

Điều mà Phan Khôi làm cho bà Cố cách đây hơn nửa thế kỷ, tức là kiện cái chế độ phong kiến, để mộ của bà cố được trở về chôn ở mảnh đất gia tiên, hiện chưa ai làm cho ông. Phan Khôi có mười con, và bao nhiêu cháu ?

Nếu ngày nay có một việc làm hữu ích về phía chính quyền, thì không phải là những lễ kỷ niệm, với những bài ca tụng vô bổ, mà là sự tìm lại hài cốt Phan Khôi, trong đám mộ ở Bất Bạt, xác định ADN, để dựng lại ngôi mộ Phan Khôi, xứng đáng với địa vị của một văn hào Việt Nam trong thế kỷ XX.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110517-phan-xvi-phan-khoi-bai-3-con-duong-van-hoa

No comments:

Post a Comment