Pages

Wednesday, August 29, 2012

SƠN TRUNG * NHÀ VỆ SINH VIỆT NAM


NHÀ VỆ SINH VIỆT NAM

Nhà vệ sinh là một đặc điểm của văn minh các quốc gia. Ai ai cũng cần nhà vệ sinh ấy thế mà Truyện tiếu lâm Ngôi chúng cư năm tầng không nhà vệ sinh là một điều báng bổ XHCN.
Nhà xí Hà Nội là một đề tài văn hóa rất quan trọng nên được nhiều người viết.

Sau 1975, đọc báo Nhân Dân , tôi thấy Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện ca tụng văn minh ngàn năm văn vật đã được thế giới đến tham quan và khen ngợi. Bảo vật mà ông ông viện sĩ, bác sĩ đi Tây về khen ngợi đó là hố xí hai đáy. Ông viện sĩ này gỉỏi khoa học ( vì là đã đỗ bác sĩ bên Tây) mà cũng giỏi nghệ thuật " bốc thơm" . Cái văn minh này chính các bà "phụ nữ giải phóng miền Nam" được đảng cho ra thăm lăng bác và tham quan đất Thăng Long ngàn năm văn vật cũng phải kinh hoàng, không dám yêu XHCN văn minh và đẹp đẽ như vậy!

Năm 2001, Việt Báo, tờ điện báo Việt nam cũng loan tin theo giọng điệu của viện sĩ Nguyễn Khắc Viên:
Nhiều chuyên gia từ Nhật Bản, Thụy Điển, Australia, Trung Quốc... đã tới Việt Nam tìm hiểu "nhà tiêu sinh thái kiểu Việt Nam” (hố xí hai ngăn). Chuyên gia y tế nước ta đã được Mexico và một số nước châu Mỹ La Tinh mời sang giới thiệu và giúp họ áp dụng kiểu hố xí này.
http://tim.vietbao.vn/h%E1%BB%91_x%C3%AD/

Trong một truyện ngắn Hố xí hai ngăn của NGUYỄN QUANG LẬP trên điện báo" Quê Choa" ngày 18.06.2009 có đoạn:
Hồi này có phong trào hố xí hai ngăn. Anh Cu Chành nói các anh trên trung ương nói đây là phát minh khoa học của Việt Nam, Nhật Bản thừa nhận đây là một trong 7 công trình khoa học vĩ đại nhất của thế kỉ 20. Anh Cu Chành nói hố xí hai ngăn là thành quả CNXH. Ngăn này ỉa, ngăn kia ủ phân rất chi là khoa học, vệ sinh cực kì. Bọn tư bản chúng nó ở nhà cao tầng, không làm hố xí hai ngăn, phân chảy ra đường ống trôi ra sông, rồi lại múc nước sông nấu ăn, có tởm không bà con. Bà con nói ua chầu chầu tư bản ngu chi ngu lạ.
http://quechoablog.wordpress.com/2009/06/18/h%E1%BB%91-xi-hai-ngan/
vn.myblog.yahoo.com/mjtdot1988/article?mid=902&fid=-1...

Đọc các tài liệu như trên, các ông công an nhất là công an văn hóa sẽ chia hai phe. Môt phe khen ngợi những nhà báo, nhà văn này yêu tổ quốc, yêu XHCN, đã nói lên cái ưu tú của nền khoa học truyên thống của ta. Nhưng một số công an khác, lập trường đảng và lý luận Mac Lê cao như núi Thái Sơn sẽ bặm môi, trừng mắt bảo rằng :" mấy thằng nhà văn phản động, ăn nói xiên xỏ. Chúng viết như thế là chúng muốn nói chế độ ta thối như phân? Đảng ta chỉ có tài làm thầy thiên hạ vể nghề đổ thùng?

Riêng tôi thì rất ngạc nhiên khi đọc bài báo ký tên Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện. . Người như viện sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là nghiêm túc, không phải là hạng Ba Giai Tú Xuất, thứ ba que xỏ lá.Ông là người nhiệt thành theo đảng, được đảng khen ngợi và phong là viện sĩ quốc tế chứ đâu phải chơi! Trong khi bạn ông là Trần Đức Thảo chống đảng, ông và vợ Trần Đức Thảo đồng sàng đồng mộng theo bác và đảng, sau này khoảng 1990 thì ông bà mới " đổi mới tư duy" mà thôi!

Theo mấy tài liệu trên, phải chăng dân ta đa số yêu nước, yêu chủ nghĩa cộng sản và chống Âu Mỹ, chống tư bản ghê gớm thế sao? Hay đó chỉ là lời lẽ dối trá của bọn ninh thần quen thói uốn lưỡi cong môi, nói đen thành trằng, bảo thối thành thơm?Mấy tài liệu trên " xạo" quá trời, xạo hơn trạng Quỳnh và Ba Giai , Tú Xuất! Cái xạo của Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất truyền đến thời Cờ đỏ sao vàng trở thành đỉnh cao trí tuệ, "nổ văng miểng", nổ hơn bom nguyên tử. Tuyên truyền, phét lác trở thành tập quán của XHCN. Họ nói "trạng" đủ thứ chỉ còn thiếu điều tự hào là đã xuất khẩu hàng triệu cái cầu tiêu hai đáy, hàng triệu tấn phân thơm tho của Việt Nam sang Mỹ, Nhật, Pháp Úc. . . để cho bọn tư bản làm mỹ phẩm và nước hoa, mỗi năm kiếm hàng trăm tỷ đô la!



Ôi! Một số người nói láo, nói thánh, nói tướng là do vui tính, ưa nói đùa. Một số là lừa bịp thiên hạ. Một số là do mặc cảm tự ty. Trong trận Điện Biên Phủ, Trung Quốc khoe khoang họ chỉ huy hết. Việt Nam cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp cũng giỏi lắm, đã cự lại chiến thuật biển người. của Trung Quốc! Trong quân đội, lệnh trên ban ra, ai dám cãi? Hồ Chí Minh dám cãi lại Mao Trạch Đông ư? Võ Nguyên Giáp dám cự lại Lã Quý Ba, Vy Quốc Thanh ư? Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, ai đúng đây?

Trong trần thế, ai cũng muốn làm anh hùng. Ông thủ tướng có thể khiêm cung, nhưng anh tài xế, ông đi ăn chực vẫn có niềm tự hào của họ.
Truyện Tiếu lâm kể rằng người Mỹ sang Việt Nam cứ chê Việt Nam cái gì cũng nhỏ, và khoe cái gì của Mỹ cũng to. Anh Việt Nam tức giận bèn lấy một con cua đinh là một lọai rùa biển bỏ vào giường. Người Mỹ hỏi con gì, người Việt Nam bảo đó là con rệp Việt Nam. Khiếp chưa!

Từ nửa thế kỷ nay, Việt Nam đã mời Liên Xô, Trung Quốc , Cuba sang làm cố vấn, làm chuyên gia, nhục quá! Việt Nam không thể thua kém! Việt Nam phải đi làm thầy thiên hạ chứ kém cạnh gì, phải không quý bạn ? Ông viện sĩ, ông nhà văn kia cũng chỉ thể hiện cái khao khát làm anh hùng năm châu bốn biển. Dù họ là những kẻ " bưng bô" nhưng cũng là người có tinh thần thần tự hào dân tộc, nào là " nhân dân ta anh hùng, " đảng ta anh hùng", " lãnh tụ anh minh".. . Dẫu sao ta cũng có một điều để tự hào là đảng viên cộng sản Việt Nam đã làm thầy thiên hạ dù là làm thầy về bộ môn phân!

Trái với luận điệu trên, một số nhà văn đã viết về văn minh Việt Nam, đặc biệt là văn minh Hà Nội, trong đó có Tô Hoài. Chắc không ai chỉ trích Tô Hoài nói sai, nói xấu nhân dân ta, đảng ta Tô Hoài là tay sai Mỹ vì Tô Hoài là dân Thăng Long chính cống, là đảng viên lâu năm, và nhà văn lớn của XHCN!

Nguyễn Hưng Quốc cũng viết về hố xí Việt Nam trong bài Nhà vệ sinh và nhà cầm quyền của đài VOA, khá đầy đủ, trong đó có đoạn:
“Chỉ có 18% số hộ gia đình, 12% số trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, gần 37% số trạm y tế xã có và đang sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.”

Và một nhận xét từ một nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam nổi tiếng tại Úc, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:

“Vấn đề nhà xí ở nước ta không còn là vấn đề nhỏ nữa mà có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước. Người phương Tây khi đi du lịch ở nước ta thì nỗi ám ảnh lớn nhất là... nhà xí. Tôi đã đọc (với tâm trạng vừa giận vừa thông cảm) không biết bao nhiêu bài bút ký, nhật ký, phóng sự, khuyến cáo... mà họ viết ra với văn phong giễu cợt, mỉa mai. Tôi nghĩ nếu không cải thiện được vệ sinh công cộng và nhà xí thì nước ta vẫn chứng kiến cảnh 75% du khách “một đi không trở lại”. Vấn đề nhà vệ sinh và vệ sinh công cộng đã trở thành sĩ diện quốc gia, thành vấn đề văn hóa chứ không đơn giản là vấn đề cá nhân hay nội bộ nữa.”

Tôi chỉ xin lưu ý một khía cạnh: Hiếm có chính quyền nào quan tâm đến chuyện ỉa đái của dân chúng như là chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xin thưa ngay để quý bạn đọc đỡ khó chịu: Chữ “ỉa đái” này là chữ tôi bắt chước nhà sử học kiêm Dân biểu Quốc Hội nổi tiếng ở Hà Nội, ông Dương Trung Quốc.

Trong bài “Bàn chuyện ỉa đái” đăng trên báo Lao Động số 42 vào ngày 28.10.2007, Dương Trung Quốc cho biết, sau khi suy đi tính lại các chữ thanh tao như “nhà vệ sinh”, “nhà tiêu” hay “WC”, “toilet”, “toilette”, “restroom”, ông quyết định: “tôi cứ nghĩ đến cách của ông bà ta từng nói thẳng coi đó là một trong "tứ khoái" nên cứ dùng đúng tên gọi dễ hiểu nhất của nó mà bàn.”

Cũng trong bài viết ấy, Dương Trung Quốc cho biết, theo đề nghị của nhiều người và nhiều cơ quan ngôn luận, ông đã nêu vấn đề nhà vệ sinh ra trước Quốc Hội và yêu cầu đưa vấn đề ấy vào chương trình nghị sự của Quốc Hội.

Được Quốc Hội đưa ra bàn luận? Rõ ràng chuyện nhà vệ sinh là một vấn đề vô cùng quan trọng. Một vấn đề thuộc loại “quốc sự”.
http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2009-08/2009-08-04-voa41.cfm

Nhìn thấy hố xí, phân là con người Á châu phải bịt mũi, nín thở. Tuy nhiên, các văn gia nước ta có ba thái độ.
Thái độ thứ nhất là bịt mũi như Trần Tế Xương:
"Thối om sọt phẩn nhiều cô gánh"
Thái độ thứ hai là vỗ tay hoan hô như bác sĩ viện sĩ hàn lâm kia, và ông Nguyễn Quang Lập.
Thái độ thứ ba là " bình thường hóa" như nhà văn kiêm dân biểu Dương Trung Quốc tuyên bố:
là nên dùng từ iả đái, không cần dùng văn từ hoa mỹ.

Ông quả thật là nhà văn hiện thực XHCN, mang đủ tính đảng (cộng sản) và tính giai cấp (Vô sản).Ông Dương Trung Quốc cũng là một sử gia, tôi muốn xem các tác phẩm của ông có ngôn ngữ và sắc thanh hương như thế nào! Một vị văn hóa cao cấp và địa vị cao như ông mà như thế chả trách dân Hà Nội nay đa số nói tục, chửi thề chính là " đồng chí, anh em" với ông Dương Trung Quốc!

Và trong các đảng viên, một số đã theo phong cách văn chương ngôn ngử của ông, phong cách " vô sản hóa" có từ thời Việt Minh nổi lên, các trí thức sống với cộng sản phải mặc áo nâu, không đánh răng, lấy vợ nông dân, chửi thề, nói tục để chứng minh mình đã " vô sản hóa", đã "tiến bộ"! Những người này đã dùng ngôn ngữ khác hẳn ngôn ngữ của Hà Nội thanh lịch đài các mà họ gọi là phong kiến, tiểu tư sản! Phong cách vô sản này thành phổ biến như trong văn chương, hiện đại XHCN.Bác Hồ đã gọi ai cũng bằng "thằng", và bọn văn nô theo Tố Hữu cũng đã dùng mọi ngôn ngữ chống lại Nhân Văn Giai phẩm, đặc biệt trong đó có nhà giáo Nguyễn Công Hoan đã sáng tác một bài thơ đặc biệt:

Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc, chớ hòng ai.
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc,
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài!
Lô-gích, trước toan làm kiếp chó,
Nhân Văn, nay lại hít gì voi!
Sống dai thêm tuổi, cho thêm nhục,
Thêm nhục cơm trời, chẳng thấy gai!
( Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc ,15)

Cái ngôn ngữ của XHCN là như thế nên ta không lạ khi họ gọi" nhà iả gái, nhà đái gái", "nhà đái trai , nhà ỉa trai", " xưởng đẻ".. .

Nhà văn Phan Lạc Tiếp trong quyển 40 NĂM NGÀY TRỞ LẠI cũng có đoạn nói đến việc đổ thùng giữa đêm. "Đổ thùng" hay " đổi thùng"? Xin đọc một đoạn của nhà văn XHCN Tô Hoài trong tác phẩm Chiều Chiều của ông.

NHÀ XÍ HÀ NỘI
Tô Hoài


Mấy lâu nay thành phố vận động các nhà làm hố xí hai ngăn. Việc ỉa đái của đất Kẻ Chợ từ thời Tây đã cứ không dưng như mưa nắng, như trời đất hết mùa hạ sang mùa thu. Hồi xửa xưa, chỉ độc mấy phố hàng Đào, hàng Gai, các nhà quan cách khá giả trổ ngõ sau ra phố tắt, ra vườn hoang, mọi đi lại, chợ búa, con cháu ở quê ra, người vào lấy phân tro đều đi cửa khuất ấy. Rồi quan đốc lý Tây cho thầu phân, các nhà làm hố xí đằng sau, nửa đêm có phu gọi cửa “đổi thùng! đổi thùng!” – mà người nghe lúc ngái ngủ nhầm là “đổ thùng!”. Nhà có cửa nách cho phu thùng, nhà chật chội thì mỗi đêm phu cứ xách thùng phân qua suốt các phòng ra cửa trước.”

“Năm 1956, về hoà bình rồi, buổi tối tôi vào hiệu vằn thắn phố Huế, đương ăn còn thấy người công nhân vệ sinh quảy đôi thùng phân đi ra, qua ngay giữa nhà. Đấy là nơi có phố, còn lều quán chưa thành phường thì vẫn ngồi nấp bờ đầm, bờ sông, bụi rậm. Làng tôi ở ven nội, người lớn trẻ con đều ra các chân tre đầu đồng, mỗi hôm có mụ “mũi thung” - những người đàn bà lam lũ trên mặt nổi vết chàm có lông như miếng da lợn, họ ở các làng vùng trong quảy thúng tro đi gắp phân về bán.”

“Nhà người Tây có hố xí máy, còn người ta ở Hà Nội thì cả trăm năm thuộc Pháp các phố cứ “đổi thùng” cho mãi đến những năm 1958.”

“Không biết ai cải tiến ra cái hố xí hai ngăn đến bây giờ còn người khen, người thì bài bác kịch liệt, đòi truy cho ra đứa có sáng kiến ấy để bỏ tù. Tôi là người đứng giữa có thực nghiệm với tư cách nhà có một hố xí hai ngăn và bây giờ trông nom hơn hai trăm cái hố xí hai ngăn của hàng phố, tôi thấy không phải tội ở người nghĩ ra mà tại những đứa xây và đứa cai quản với thói kẻ cắp bớt xén, thói lười biếng.”

“Lý nhẽ và lề lối nghe ra thuận tai, vẫn cái hố xí mọi khi đem chia thành hai ngăn. Đầy ngăn này, đậy nắp lại cho phân ngấu. Khi ngăn kia sắp ứ lên thì ty vệ sinh đến hốt hố bên. Hàng tuần, đem tro và mùn đất rắc vào hố phân, lại trát vôi cho khít nắp.”

[…]

“Cái tưởng là sẽ tốt đẹp ấy đều đặn tử tế được vài tháng đầu. Các người ở ngoại thành vào lấy trộm phân khốn khổ lắm. Công nhân vệ sinh bắt quang sọt, công an phạt tiền. Nhưng vẫn có người đi chui, có các nhà cho vào múc lậu.”

“Chỉ ít lâu, đến khi chểnh mảng chẳng thấy công nhân đưa mùn đất, không đến trát nắp, lại những thùng xe cũng đỗ bất thường. Cả hai hố đã phè ra, chủ nhà phải ngồi ở cửa hóng người hốt phân chui, lại phải dúi tiền để các bác ấy làm phúc vào lấy cho.” (tr. 300-302).

Ông Tô Hoài hơn người ở chỗ là ông đã sâu sát quần chúng và đi vào thực tế hơn các nhà văn khác. Các "nhà văn, nhà báo chuyên nói láo ăn tiền" nhưng Tô Hoài đã được đảng giao trọng trách quản lý sự bài tiết của nhân dân thành phố ở trong một khu phố nào đó ở Hà Nội chứ không phải non kém! Đây là tự thuật của ông:

“Bẩn kinh khủng. Mùi hôi thối không trông thấy, nhưng có thể tưởng tượng như một cái cống, một cái bễ đương ngùn ngụt tuôn hôi thối nồng nặc ngạt thở. Hai bên tường, không quét vôi, lở lói dưới hàng gạch lâu đời đã vỡ khấp khểnh xanh xám nhờn nhợt […]. Dưới rãnh, những con dòi trắng hếu bò lổm ngổm. Nhưng không thấy nhặng xanh bay ngang mặt, có lẽ bí hơi quá, nhặng cũng không dám vào.”

“Đến cuối hẻm, tôi quay ra. Cảm tưởng vừa xuống âm ty. U ám, nhơn nhớt, nghẹt cổ. Ở Hà Nội, phố nào cũng đằng trước mặt hoa da phấn, đằng sau là cái lối vào chuồng phân như thế này, cả bao nhiêu năm nay thế.” (tr. 306-7).

Mao Trạch Đông trọng cục phân vì phân có thể dùng bón cây, còn trí thức vô dụng, vì bọn này luôn chống ông cho nên ông căm thù khinh miệt trí thức, ông bảo " trí thức không bằng cục phân". Vì vậy ở Trung Quốc và Việt Nam, người ta giết, bỏ tù trí thức, đày đọa văn nghệ sĩ theo khẩu hiệu "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ". Và ở miền Bắc, thời chiến tranh,họ bắt trí thức , văn nghệ sĩ đi thực tế nghĩa là lao dịch, trong đó có việc đổ phân để nhớ lời Mao chủ tịch dạy rằng thân phận họ không bằng cục phân! Tô Hoài viết:

Một trong những công việc chính của họ là đào hố phân rồi hằng ngày đi nhặt phân, từ phân người đến phân thú vật, về đổ vào các hố ấy, lại nhặt lá cây bỏ vào, trộn đều, ủ lại cho chúng ngấu lên.

Cũng theo lời kể của Tô Hoài, mỗi buổi sáng, nhà thơ Phùng Quán ở trong xóm đi ra, “gánh đôi quang lồng một, hai thanh tre gánh phân đặt trên mặt sọt.” Một buổi chiều, gánh phân về,

Quán kể nông nỗi đi gắp phân như là đọc một mẩu chuyện trên báo. Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra cổng đồng còn tối đất. Những con trâu con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự nhiên, tới rệ cỏ ven hào nước thì đứng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, trẻ con trong xóm mắt nhắm mắt mở lốc nhốc kéo ra ngồi bĩnh đấy. Hai thanh tre của Quán mở ra gắp lên sọt tuốt cả phân trâu phân người. Tìm ra những con đường phân này cũng chẳng phải tài giỏi riêng Quán, mà sáng nào cũng có người nhặt phân từ các ngõ xóm ra cổng đồng, đi muộn có khi hết.” (tr. 70).

*
Dân Bắc ưa dùng phân người. Ca dao hiện đại có câu:
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh,
Anh về phân Băc, phân xanh đầy đồng!

Nhưng đó là dân ta lầm lẫn. Quê đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Quảng Điền (Thừa Thiên). Đại tướng Văn Tiến Dũng mới là người sinh ở làng Cổ Nhuế,thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội , toàn làng chuyên nghề nhặt phân bắc tức là phân người!

Ở Trung, người ta đi ra đồng, hay vào rừng. hoặc đào hồ trong vườn, it lâu thì lấp lại, đào hố khác. Miền Nam thường làm cầu tiêu trên sông rạch để nuôi cá giồ, cá tra. Tại Sài gòn và tỉnh thành miền Nam trước 1975 , dân chúng thường dùng cầu tiêu máy, theo kiểu thời Pháp thuộc. Trung Kỳ chỉ dùng phân trâu bò heo không dùng phân người. Nam Kỳ thì không dùng phân người và phân heo, phân bò, họ dùng phân hóa học. Nhưng sau 1975, văn minh Bắc kỳ xâm nhập miền Nam, vùng Sàigòn, Bà Điểm, Hóc Môn trồng trồng hoa, rau muống, và các loại rau trái khác đã mua phân của xe sở Vệ sinh mà bón cây.

Công ty đổ thùng sau 1975 ở Sài Gòn rất mánh lới. Họ chỉ rút một phần cho mau rồi đi sang địa điểm khác, còn chừa lại để lần sau mình kêu, họ lại đến rút một phần nhỏ nữa. Trước 1975, vài năm mình phải gọi công ty Vệ sinh một lần, nay mỗi năm phải gọi họ vài lần và tốn tiến gấp ba bốn lần trước 1975 cho mỗi chuyến. Ôi kinh tế thị trường! Ôi con người và chế độ cộng sản!



No comments:

Post a Comment