Lê
Văn Siêu viết về Thăng Long cổ kính
|
||
Người Việt xin giới thiệu trích đoạn sau đây, được trích từ trang 65 đến 72 trong tác phẩm Văn Minh Việt Nam của tác giả Lê Văn Siêu do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1964, nhà Xuân Thu xuất bản lại năm 1989 tại Hoa Kỳ. Trân trọng mời bạn đọc theo dõi. Lời tuyên cáo dời đô của vua Lý Thái Tổ, chúng ta cần hiểu là những lời tóm tắt về quan niệm của ngài đối với một đô thành, và dùng để dẫn đạo cho việc kiến trúc. Lời ấy đã có những ý này: tính việc to lớn, tính việc muôn đời cho con cháu, ngôi nước lâu dài, giữa khu vực của trời đất, có thế hổ cứ long bàn, chính ngôi Đông Tây Nam Bắc, chỗ hướng bội của núi sông, chỗ yếu hội bức tẩu của bốn phương. Chúng ta hãy xem bản đồ thành Thăng Long coi những kiến tạo có thỏa mãn những điều kiện thần bí về địa lý không. Chúng ta thấy nội thành đặt đúng trên núi Nùng, sau lưng là cái não thủy Tây Hồ, bên tả là Tam Đảo, bên hữu là Ba Vì, Tay Hổ (bên hữu) thuộc âm, bắt đầu từ chùa Bát Mẫu chạy vòng tới dãy núi Ninh Bình Thanh Hóa và ra đến cửa bể Thần Phù. Tay Long (bên tả) thuộc dương, bắt đầu bằng cửa ô Tam Phụ, (sau đồi là Yên Phụ) để chạy tới dãy núi Yên Tử, Đông Triều và Hương Hải (tức Hongay). Thẳng mặt chính nam là hồ Bảy mẫu đầm sen, cửa ô Kim Liên, đi suốt hồ Linh Đường tới hồ Chùa Bầu (Hà Nam) mới là hết thế địa lý của minh đường. Tay long dài, tay hổ ngắn. Theo phép địa lý, đó là đất hiền lương, long hổ tương nhượng, nghĩa là vợ chồng hòa thuận, anh em nhường nhịn nhau, không kình chống nhau, không ganh đua nhau cho đến loạn gia cương mà đặt sang thế quốc gia thì là anh em đồng bào trong nước biết kính trên nhường dưới. Đó là cái thế địa lý mà trong lời tuyên cáo dời đô, vua Lý Thái Tổ đã nói là: chỗ hướng bội của núi sông, chỗ yếu hội bức tẩu của bốn phương, có thế hổ cứ long bàn, chính ngôi Đông Tây Nam Bắc. Nay chúng ta xem lại sự xây dựng: Đường vòng chạy xung quanh nội thành biểu tượng cho Thái cực. Hai nhánh sông Tô Lịch, bên hữu có hồ Lãng Bạc là úng thủy, bên tả thông ra đường lưu thủy là sông Nhị Hà, đó là biểu trưng cho lưỡng nghi. Cung điện của nhà vua ở giữa có bốn mặt đều nhau, ấy là tứ tượng. Thêm bốn kiến trúc bốn cổng ấy là bát quái. Tất cả các đường bắt đầu từ vòng Thái cực mà đi, chi chít không biết bao nhiêu, ấy là biến hóa vô cùng vậy. Đó chính là cái ý 'giữa khu vực của trời đất' mà Vua Lý Thái Tổ đã nói. Chúng ta lại để ý: sau thành nội, sau trường nuôi voi ngựa là một đường thẳng tắp, từ trung tâm đi ra, gặp thành ngoại, gặp con đê. Ấy là có hậu, với ý nghĩa tồn tại lâu dài. Trước thành nội có một đường thẳng, đường ấy chạy lệch sang một bên để tránh mũi tên (xuyên tâm) đâm thẳng vào nội điện. Nhưng đường ấy đi thẳng ra đến cửa ô Kim Liên thì cửa ô ấy chiếu thẳng và rất đúng vào chính điện. Nếu kẻ một đường thẳng nối theo đường sau trường nuôi voi ngựa, và suốt xuống ô Kim Liên thì trung tâm vòng Thái cực ở trên đường thẳng ấy. Hai cửa ô Lương Yên và Thịnh Hào ở trên hai cạnh của hình góc nhọn từ trung tâm vòng Thái cực ra, mà đường thẳng vừa nói là đường phân giác. Bốn cửa ô Thịnh Hào, Cầu Giấy, Thụy Chương, Yên Phụ cũng ở trên những cạnh của những góc đều nhau đi từ trung tâm vòng Thái cực ra. Trong nội thành các kiến tạo đã được sắp đặt theo đúng tám hướng: kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Ấy là cái thế: 'dữ tứ thời hợp kỳ tự' (cùng bốn mùa giao hợp mà sắp đặt trật tự); 'dữ quỷ thần hợp kỳ linh' (cùng quỷ thần giao hợp mà thiêng liêng). Chấn và Đoài (Đông và Tây) là dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh (cùng với mặt trời mặt trăng hóa hợp mà cùng sáng), Khôn và Kiền (Tây Nam và Tây Bắc) là dữ thiên địa hợp kỳ đức (cùng với thiên địa hợp với cái đức của mình). Chúng ta để ý thấy mỗi hướng có một ý nghĩa và ở mỗi hướng lại có một sự xây dựng theo ý nghĩa ấy. Kiền (ở Tây Bắc) dĩ quân chi (chủ vào việc quân) phải cứng rắn cương quyết thì có Giảng vũ đường, chùa Trấn Bắc, Trấn Vũ. Đối với Kiền là Tốn (ở Đông Nam) Tốn dĩ thuận chi (chủ vào việc thuận hảo) phải mềm dẻo thì có Văn miếu, Trường thi, Quốc tử giám. Khảm (ở chính Bắc) dĩ hãm chi, chủ dùng mưu mẹo để thắng địch (Địch ở phương Bắc) thì có não thủy Tây Hồ. Đối với Khảm là Ly (ở chính Nam) Ly dĩ lệ chi chủ sự sáng sủa đẹp đẽ thì có ô Kim Liên (bông sen vàng rực rỡ). Khôn (ở Tây Nam) dĩ tái chi, chủ lấy sự chịu đựng kiên nhẫn để thủ thắng thì có làng Thịnh Hào. Đối với Khôn là Cấn (ở Đông Bắc). Cấn dĩ chỉ chi là việc nên ngưng thì phải ngưng ngay chớ tham, thì có làng Nhật Tân, Quảng Bá. Đoài (chính Tây) dĩ duyệt chi, lấy mềm dẻo làm cho bằng lòng và chịu theo thì có chùa Nhất Trụ. Đối với Đoài là Chấn (chính Đông) Chấn dĩ cổ chi, là việc cổ động thì có chùa Thạch Cổ (cái trống bằng đất). Xem như vậy, chúng ta thấy rằng mặc dầu chỉ có mấy nét nguệch ngoạc, đây đã là một tác phẩm kiến trúc vĩ đại gồm cả quan niệm thái cực của đạo Nho, quan niệm địa lý của đạo Lão và quan niệm nghệ thuật siêu thoát của đạo Phật. Điều đặc biệt hơn cả, là sự bao gồm ấy đã được thực hiện theo một tinh thần Việt Nam riêng biệt, cái tinh thần của người lợi dụng được địa hình sẵn có, mà bố trí các kiến tạo, để tự chúng nói lên những ý gì người ta vẫn đã nói một cách rất trừu tượng. Quý vị độc giả hãy tìm và ngắm tất cả các bản đồ kiến trúc đô thị của tất cả các nước đông tây kim cổ. Quý vị sẽ chỉ thấy được ở bản này hơn bản khác về sự sắp đặt các nhà cửa dinh thự, các khu, các công viên, công ốc, v.v. cho tiện sự sinh hoạt vật chất chính trị, tôn giáo, văn hóa của dân và tiện cho việc thành phố phát triển về sau. Làm gì có bản đồ nào gói ghém những ý nghĩa triết lý vào trong những vị trí và chiều hướng của kiến tạo? Đứng về phương diện nhân sự hoàn toàn mà nghiên cứu bản đồ, thì thấy có nhiều cái lạ lắm. Nếu chúng ta lấy thước vạch một đường thẳng suốt đường sau trường nuôi voi ngựa, tới cửa ô Kim Liên thì đường thẳng ấy chạy đúng hướng Bắc Nam và qua trung tâm vòng Thái cực. Lại nếu từ trung tâm vòng Thái cực ấy, chúng ta kéo các đường thẳng ra tới các cửa ô Thịnh Hào, Cầu Giấy, Lương Yên, Thụy Chương, Yên Phụ, chúng ta sẽ có những hình góc bằng nhau: góc AOB = góc BOC = COD và DOE = EOF, khiến khó tin được là tình cờ, nhưng nếu là có dụng ý thì cũng khó tìm ra được cái mục đích để làm gì. Mỗi góc AOB, BOC, COD là 1 phần 8 của vòng tròn. Cả vòng tròn, chia ra làm 8 như thế, nếu bỏ riêng 3 phần 8 của ba góc đã nói, còn lại 5 phần 8. Ta chia ra làm hai thì góc COG bằng 1 phần 2 ấy, nếu chia ra làm bốn thì góc DOF bằng 1 phần 4 ấy, và nếu chia ra làm tám thì mỗi góc DOE và EOF bằng nhau sẽ là 1 phần 8 ấy. Chúng ta nhớ lại công thức toán học cổ mà các thợ cả trong nghề thợ mộc vẫn áp dụng để tính liên hệ giữa vòng tròn và đường kính là = quân bát, phát tam, tồn ngũ, quân nhị. (Công thức hiện thông dụng của Hi Lạp là C = D (chu vi = Pi x đường kính). Giải nghĩa ra là muốn biết đường kính của một cái cột tròn thì dùng dây đo vòng tròn của cột, chia đoạn dây ấy ra làm 8, bỏ bớt đi 3 phần, còn lại năm phần thì chia ra làm 2 = đường kính là 1 phần 2 ấy. Ở đây, chắc đã có sự dùng công thức ấy sang phạm vi bề mặt vòng tròn, nhưng dùng giấy mà không dùng dây, cũng quân bát, phát tam, tồn ngũ, quân nhị, rồi lại quân tứ, quân bát. Mỗi một phần hai, phần tư, phần tám ấy ở thời xưa, đã có thể được dùng làm đơn vị để đo lường diện tích như thế nào? Hhoặc đã có thể được dùng trong kỹ thuật tạo tác ra sao? Để thay cái thước độ góc (raporteur) của văn minh Tây Phương như thế nào? Chúng tôi chưa biết rõ, dám mong quý vị độc giả sẽ tìm tòi và chỉ dậy thêm cho. Chúng tôi xin ghi nhận ở đây cái phần tinh vi kỷ hà (précision géométrique) trong việc tạo tác. Không rõ những hướng của mỗi cửa ô có được đặt đúng theo nhãn tuyến từ trung tâm vòng Thái Cực ra không vì bản đồ không có chi tiết. Nhưng chúng tôi cho rằng khi người ta ở trung tâm, đã định đặt các cửa ô theo những độ góc có tính toán như thế, thì hướng của mỗi cửa tất cũng phải theo đường nhãn tuyến từ trong ra. Nếu quả đúng như vậy thì mỗi cửa ô theo la bàn đã được đặt theo những chữ gì? Có một điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ là: đến đời nhà Lý này, các sư và các quan đi sứ cũng đã được qua các nước Trung Hoa và Ấn Độ, cùng thăm các đô thị của các nước ấy rồi. Sao không thấy có sự bắt chước theo những bố trí của các đô thị ấy để về làm thành Thăng Long, mà lại sáng tác ra theo một điệu riêng khiến phần nhân tạo hóa hợp với phần thiên nhiên đã có một cái dáng cái duyên riêng như thế? Lại vị trí của các cửa ô với đường thành ngoại, làm sao mà cong quẹo lạ kỳ? Cả những đường trong thành nữa, đã đành là theo địa hình có sẵn, nhưng còn có ẩn dấu một thâm ý gì nữa chăng? hoặc về phương diện phù chú thần bí, hoặc về phương diện kỳ thác những dấu hiệu hay những chữ mà người sau không tìm ra? Dầu sao việc xây dựng một thành đô như vậy cũng đã chứng tỏ một cách hùng hồn ý thức tự cường tự lập của người xưa. Ý thức này đã càng ngày càng được đanh thép hơn, nhờ sự thấu đáo đạo Phật đến phần tinh túy của nó. Người ta vẫn thường lầm mà cho rằng đạo phật là tiêu cực và người tu phật chỉ là muốn thoát vòng phiền não của cuộc sống thực tại. Nếu như thế thì sao lại có nổi ý niệm đại hùng, đại lực, đại từ bi? Triết lý hành động của đạo phật đã được gồm trong hai câu này trong bài kệ của Huệ Sinh Thiền Sư: Tri không không giác hữu Tam muội nhiệm thông chu Thượng Tọa Mật Thể dịch: Biết không rồi biết có Tam muội mặc dung thông. Người đã đến được cõi giác thì không hành động vì hạnh phúc của riêng mình, hay vì quan niệm xấu tốt, hay dở, thiện ác theo ước lệ của xã hội, mà đã vượt khỏi tất cả để hành động, quyết liệt và hùng mạnh như những luồng bão táp hay những ngọn lửa tam muội đốt hết mọi thứ. Sự hành động ấy đã là hành động không điều kiện và không gây nghiệp, hành động để hòa vào đại ngã và thực hiện đại ngã, dẫu nghiệp có ràng buộc thì giác giả cũng tự thấy vượt ra ngoài vòng ràng buộc ấy. Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh Nam nhị tự hữu xung thiên chí Hữu hướng Như Lai hành xứ hành. Đó là lời của Quảng Nghiêm thiền sư. Ngô Tất Tố dịch: Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh Tài trai có chí xông trời thẳm Dẵm vết Như Lai uổng nhọc mình. Đúng như lời của Krishma thúc giục chàng chiến sĩ Arjuma (trong kinh Bhagavadgita) khi chàng này ngần ngại không muốn lao mình vào vòng chém giết. Krishma bảo cho chàng chiến sĩ biết: 'Con người chỉ thoát nghiệp bằng cách làm trọn nghiệp. Người chiến sĩ phải tranh đấu vì công lý không thể trầm tư trong tịch diệt đời đời. Trốn nghiệp không bao giờ thoát nghiệp, đó chỉ là hành vi hèn nhát của kẻ không xứng đáng làm người, không thể nào đến Nát Bàn được.' Phật Giáo ở thời Lý cực thịnh đã nung nấu tinh thần con người như thế, thì mới khiến chúng ta hiểu được việc Lý Thường Kiệt đem binh đi phạt Tống bình Chiêm. Mà phạt Tống lại với đại nghĩa là để cứu vớt trăm họ lầm than vì nhà Tống đặt ra những thuế khóa nặng nề quá. Đến đây thì quốc gia Việt Nam với tinh thần tự cường tự lập vừa nói, đã kể là hoàn toàn vững mạnh rồi. Đời Trần thừa hưởng di sản ấy, lại góp công chỉnh đốn chữ nôm, dùng chữ nôm làm thơ văn và gọi chữ nôm ấy là 'chữ quốc ngữ', ta thấy mỗi thế hệ đều đã đóng góp vào sự xây dựng chung. Thật không hổ thẹn là một 'văn hiến chi bang' vậy. |
Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Pages
▼
No comments:
Post a Comment