Pages

Tuesday, September 11, 2012

TƯỞNG NIỆM VƯƠNG ĐỨC LỆ

TƯỞNG NIỆM THI SĨ VƯƠNG ĐỨC LỆ 
(1937 - 2008)
PHAN ANH DŨNG 
biên soạn
E-mail

                                                                      Tiểu Sử
                                                                                  
- Tên thật: Lê Ðức Vượng
- Sinh ngày 15 tháng 11, 1937 tại Bạch Mai, Huyện Hoàn Long, Tỉnh Hà Đông.
- Qua đời ngày 20 tháng 1, 2008 tại Annandale, Virginia.
- Học Trung Học Chu Văn An Hà Nội và sau 1954, tại Sài Gòn. Đã theo học Luật Khoa và Văn Khoa.
- Năm 1962, ông bắt đầu đi dạy, sau đó làm Ký-Giả cho Việt Nam Thông Tấn Xã, rồi làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Long An (1964-1969).
- Trong Tết Mậu Thân, ông bị hỏng một mắt, trở về làm BiênTập Viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn.
- Năm 1989, ông tham gia nhóm Diễn Đàn Tự Do (Đoàn Viết Hoạt), bị bắt và bị giam cho tới cuối năm 1995.
- Định cư tại Hoa-Kỳ, Tiểu Bang Virginia từ năm 2000, hoạt động với nhà xuất bản Tủ Sách Tiếng Quê Hương (Uyên Thao), Tổng Thư Ký Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới - Hoa Thịnh Đốn, và viết bài bình luận cho Đài Phát Thanh Sài Gòn Houston (Texas).
                                                           
TÁC PHẨM ÐÃ XUẤT BẢN:
- Hoa Mười Phương, tuyển tập thơ với 14 tác giả, Sài Gòn 1959
- Ðường Lên Thiên Thai, Thơ, Sài Gòn 1962
- 40 Bài Thơ của Mai Trung Tĩnh và Vương Ðức Lệ, Sài Gòn 1960 [Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc (1960-1961)]
- Tình Thơ Vương Ðức Lệ, Sài Gòn 1970
- Thiên Nga Trên Ngọn Ðỉnh Trời, Sài Gòn 1974
- Thơ Vương Ðức Lệ, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2000
- Thơ Tình Vương Ðức Lệ, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2003
- Thơ Giữa Đời Thường, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia

        

                              Một Số Hình Ảnh

                                 


         
   
  
         


             
           

Nửa Đêm Trong Bệnh Viện Fairfax
Mong con, cha mẹ đợi?
Nhớ em, ba chị chờ?
Và chú em út cũng còn trông anh sao?
Mong manh chỉ một đường sinh tử
Hai ngả âm dương một lối vào
Gom tất cả tương lai và quá khứ
Mở càn khôn hiện tại đón chiêm bao!
Cũng chỉ là một giấc mê dài
Bàn tay nào đây
Ai lay tôi tỉnh dậy?
*
Anh  chị còn đang đợi
Hai em cũng đang chờ?
Vợ con và các cháu
Bằng hữu tình thân, sơ
Xa xôi cũng một đường sinh tử
Xích lại gần thêm sợi tử sinh
Có những tiếng sụt sùi
Có những lời nức nở
Có những giọt lệ cứ thế
trôi lăn qua từng hơi thở
Cũng chỉ là một giấc mê dài
Bàn tay nào đây
Ai lay tôi tỉnh dậy?
Tôi trừng trừng mở mắt
Bước lại phía nào đây?
Phía bên này âm cảnh giới?
Phía bên kia dương cảnh giới?
Cũng chỉ là một giấc mê dài
 Bàn tay nào đây
 Ai lay tôi tỉnh dậy?
Vương Đức Lệ (Virginia, 12/5/07 - Trong Cỏ Thơm số 39)
Bên Dòng Nại  Hà
Bên  kia  dòng  Nại  Hà
Là  hồn  ma  bóng  quế
Bên  này  bờ  dâu  bể
Là  từng  lớp  phế  hưng
Ta  thấy  mọc  trên  lưng
Trùng  trùng  gai  thống  khổ,
Ta  nhìn  ta  đáy  mộ
Chỉ  thấy  trời  mênh  mông
Nghìn  năm  nghe  sóng  vỗ
Ôm  trái  sầu  kim  cổ
Suốt  đời  cùng  long  đong 
Có  tiếng ve  kêu  giấc  hạ  buồn
Bàn  chân  lưu  lạc  mộng  tha  hương
Có  ta  về  với  sầu  châu  thổ
Vô  tận  Em  chờ  tóc  điểm  sương.
Em  tự  nghìn  xưa  lạc  bước  về.
Xuân  tình  lay  tỉnh  một  hôn  mê
Vần  thơ  khép  lại  thiên  tình  sử

Trời  đất  tương  tư  bóng  nguyệt đề
Vương  Đức  Lệ
(Trong Cỏ Thơm số 41 - Đông 2007)
                        
                            
                                  


        Nhà Thơ Vương Đức Lệ đã vĩnh viễn ra đi - Linh Vang
 
Nhà thơ Vương Đức Lệ vừa mới mất trưa nay. Tôi được anh Uyên Thao gửi e-mail báo tin buồn, lúc 4 giờ pm.
Anh Vương Đức Lệ nổi tiếng về thơ (đoạt Giải Văn Chương Việt Nam năm 1960), nhưng tôi lại thích đọc tạp bút Chuyện Nhỏ Chuyện To của anh hơn, đăng hàng tháng trên nguyệt san Kỷ Nguyên Mới. Không bỏ sót bài nào. Giở báo ra là đi tìm mục ấy trước nhất. Nghe nói không phải riêng tôi mà nhiều độc giả khác cũng thích đọc Chuyện Nhỏ Chuyện To của anh. Vì văn phong hiền lành, dí dỏm. Lần đầu tiên gặp anh vào năm 2005 khi Ng và tôi qua chơi vùng Washington DC, tôi thấy anh hiền lành như văn thơ của anh vậy, tôi lại càng cảm mến anh hơn, dù là với tôi, xem chừng anh ít nói. Tôi gặp anh ít nhất là ba lần. Tôi nhận xét anh thật đúng là một người lịch lãm. Tôi vẫn thường nói như vậy với nhà thơ Việt Bằng khi hai chúng tôi nhắc tới anh, khi biết hai nhà thơ đã từng học chung ở Chu Văn An, cùng thời. Tôi cũng nói thêm, chắc thời trẻ, anh VĐL đẹp trai lắm, với dáng cao cao, cái nhìn đôn hậu.
Khoảng 15, 16 tháng trước, bác sĩ cho biết anh VĐL mắc bệnh ung thư phổi. Tôi được chị nhà văn Lê Thị Nhị là em gái của anh báo tin sớm nhất, vì chị biết là chị sẽ bận rộn trong thời gian sắp tới nên có nhờ tôi xin bài vở cho KNM.
Trong thời gian chữa bệnh, vào ra bệnh viện nhiều lần, đau ốm như vậy mà anh vẫn có bài viết đều đặn cho KNM (để tôi đọc). Bệnh càng ngày càng nặng, anh vẫn bình thản viết về tình trạng sức khỏe, quá trình chữa trị bệnh của anh.

Vãn cuộc hay còn dở cuộc chơi?
Này, thân xác ấy hỏa thiêu thôi
Mấy cây nhang thắp, người lai vãng
Phơi nỗi buồn ra, giấu nỗi vui.
(Vương Ðức Lệ: Thở Dài)
Tôi phục là anh đã viết cho tới ngày cuối cuộc đời, như nhà thơ May Sarton, vẫn viết journal cho tới ngày bà ra đi.
Trên giường bệnh ngẫu hứng
Tử Thần bắt hụt ta lần nữa
Bạn mới mừng chung khóa nỗi vui
Bạn cũ buồn riêng ly rượu phạt
Ôm vai, bá cổ ngẩn ngơ cười!
Đã mấy lần rồi tai giả điếc
Tử Thần lay gọi mãi, không nghe!
Bởi còn lưu luyến duyên phàm tục,
Mải đợi người xưa lạc bước về.
Mai này chạm mặt giờ lâm tử
Nhớ, cũng xin đừng nhận cố nhân!
Đôi ngả âm dương nghìn cách trở
Bấy giờ lộng giả mới thành chân!
(Vương Đức Lệ 2007)
Khi đọc bài viết Đi Trước, Đi Sau của nhà văn Hoàng Hải Thủy trong Kỷ Nguyên Mới số 86, tháng 12, năm 2007, tôi đã linh cảm nhưng không nói ra với ai, là ngày ra đi của anh Vương Đức Lệ chắc hẳn đã gần kề.
Anh ra đi, tôi biết chắc, là trong sự thương tiếc của nhiều người, như anh đã biết và viết “…Vương Quân tôi vẫn luôn luôn cảm nhận được mình là người may mắn và hạnh phúc vẫn quanh đây. Thân nhân, bằng hữu vẫn thăm viếng, gọi điện thường xuyên. Những ngày cuối tháng 15 cũng như những ngày đầu tiên điều trị trong bệnh viện. Những ánh mắt và những cử chỉ thật nồng nàn, ân cần. Có lẽ đây chính là điều khiến Vương Quân tôi không đến nỗi chán sống chăng? Ít ra Vương Quân tôi cũng cảm nhận được hương vị ngọt ngào của cuộc sống…”
Linh Vang

                      Mời đọc Những Bài Thơ của Vương Đức Lệ tại website của Nhà Thơ Việt Bằng
              

      
                     Mời quý vị nghe ca khúc NHỚ MẸ TA XƯA ( bấm vào tên bản nhạc để nghe)
                                 Nhạc: Văn Sơn Trường, Thơ: Vương Đức Lệ, Tiếng hát: Quỳnh Lan

           
                   Mời quý vị nghe ca khúc DÒNG SÔNG THƠ ẤU ( bấm vào tên bản nhạc để nghe)
                                   Nhạc: Vũ Đức Nghiêm, Thơ: Vương Đức Lệ, Tiếng hát: Vũ Trung Hiền
 

Thi Sĩ Vương Đức Lệ Đã Đi Rồi - Nguyễn Thụy Long
"Tôi và Vương đức Lệ biết nhau từ rất lâu. Nay nghe anh qua đời từ vùng đất xa xôi, tôi cũng bàng hoàng. Anh là bạn đồng nghiệp với tôi, anh làm thơ, tôi viết văn làm  báo từ thuở trước, trước 30-4-1975.
Sau 1975 chúng tôi đều treo bút, không sống bằng nghề cầm bút nữa, đi học tập cải tạo rồi về làm bao nhiêu thứ nghề khác để sống, và muốn sống bằng nghề cầm bút cũng chẳng ai cho, tuy rằng chế độ mới cai trị miền Nam vẫn nói là con đường văn nghệ luôn luôn rộng mở cho tất cả những văn nghệ sĩ, không phân biệt."
                            Mời đọc tiếp bài viết của Nhà Văn Nguyễn Thụy Long (pdf)
Đọc thơ của Vương Ðức Lệ - Vĩnh Hảo

" Thơ ông đượm mùi tù đày và nỗi chết. Có vẻ như ông đang nhìn ngắm, quan sát con người và cuộc đời bằng khoé mắt của một người hấp hối. Nhưng không hẳn như vậy đâu. Dù ông cứ nói về sự biến hoại, vô thường, hư huyễn, giả trá, chết chóc, quan tài, mồ mả... mà lòng ông vẫn cứ thản nhiên như thường. Ông vừa nói vừa cười đó mà. Ông chỉ nhìn sự vật ở mặt trong của chúng. Ông thấy màu tóc bạc trong màu tóc xanh. Thấy sự tàn tạ trong nét tươi hồng. Cái thấy như vậy có vẻ như bi quan mà thực ra, lại là cái thấy rất bi tráng. Cái giọng thơ vừa buồn vừa ngạo nghễ, bất cần đời, khi dể cuộc đời mà cũng yêu cuộc đời tha thiết như thế, hầu như là nét đặc trưng của thơ Vương Ðức Lệ. "   
                                                   Mời đọc tiếp bài viết (pdf)
Khóc Vương Đức Lệ
Ôi người bạn trẻ năm nào
Những câu lục bát viết sao não nùng
Sang đây dù có lạnh lùng
Vẫn không điệp điệp trùng trùng gió thu
Những năm đầy đọa ngục tù
Câu thơ lục bát cho dù xanh xao
Người về đầu vẫn ngửng cao
Gặp nhau tưởng giấc chiêm bao lại cười
Nghĩ thôi ngắn ngủi cuộc đời
Tôi còn đây để khóc người nữa ư!
Gặp nhau ngỡ lúc di cư
Ngỡ còn gần gũi đâu từ quê hương.
Hà Thượng Nhân
Lãng   Đãng    Hồn   Thơ
- Vô cùng thương tiếc anh Lê Đức Vượng
Những gì còn lại trong em
Giận mình bên vách, trốn tìm, đuổi  nhau
Rồi xa cách một địa cầu,
Nhớ ngày đoàn tụ, nhớ câu tâm tình
Đường dài nắng ngọc lung linh
Qua giòng nước bạc ta nhìn thấy anh
Bước lui bước tới loanh quanh
Great Falls đổ giữa mầu xanh cây cành
Potomac đẹp như tranh
Mùa thu lá nhỏ, mộng lành dệt đan
Giờ em thương tiếc vô vàn
Giờ anh bỏ cuộc, địa đàng quạnh hiu
Cảnh chiều mây xám trôi theo
Cảnh đời tro bụi bay vèo thế thôi
Con chim cú gọi tên người
Tại anh băng giá hay trời vào đông
Bỏ đi tìm cõi vô cùng
Hồn thơ còn lại ấm lòng người sau
Lê Thị Ý
CHUYỆN NHỎ, CHUYỆN TO - Lê Thị Nhị
" 13 giờ 50, ngày Chủ Nhật, 20 tháng 1 năm 2008, anh tôi, nhà thơ Vương Đức Lệ hay Vương Quân của mục Chuyện Nhỏ, Chuyện To... của Kỷ Nguyên Mới đã nhắm mắt ngủ một giấc ngàn thu thật êm đềm, sau khi nhìn vợ và con gái lần cuối cùng.
Chiều hôm Thứ Sáu, khi tôi hỏi anh: “Báo kỳ này sắp xong rồi, anh có Chuyện Nhỏ, Chuyện To... không đấy?”
Tay anh run run lấy cái ống thở dưỡng khí ra khỏi mũi, đáp rất nhanh:
- Có chứ! Tôi sẽ đọc cho Cẩm viết (Cẩm là vợ của anh)
Nhưng cho đến giờ này, anh đã đi xa, đi xa quá rồi, mà anh vẫn không để lại cho tôi “Chuyện Nhỏ, Chuyện To...” Tôi đành phải viết thay anh từ nay vậy."

                                    Xin mời đọc tiếp bài viết của Nhà Văn Lê Thị Nhị (pdf)
Tiễn Biệt
Thương tiếc thi sĩ Vương Đức Lệ
Anh đi chiều lạnh mùa đông
Tôi nghe đau xót trong lòng tiếc thương
Giọt châu trên mắt còn vương
Khóc tình tri kỷ trong vườn văn thơ
Thi nhân ôm cả trời mơ
Về miền tiên cảnh qua bờ tử sinh
Biệt người thân với gia đình
Chia tay bằng hữu đoạn tình thơ văn
Đêm rằm lành lạnh vầng trăng
Không trung một ánh sao băng lu mờ!
Hoàng Trùng Dương
(Đêm rằm tháng chạp năm Đinh Hợi)
                Những giòng viết nhanh cho Cậu
Nhìn những dòng chữ phân ưu và cáo phó của cậu trên các website, tôi vẫn không tin được là cậu đã thật sự ra đi.
Dù rằng mấy ngày nay tôi đã khóc vật vã, khóc lặng lẽ, khóc đứng, khóc ngồi, khóc nằm, khóc cả trong lúc thức và trong giấc ngủ. Nói chung tâm hồn tôi nặng trĩu nỗi buồn. Tôi vẫn biết ngày này phải đến.  Tôi đã khóc nhiều từ khi biết cậu bệnh nặng thế nhưng sao nước mắt vẫn tuôn rơi thành giòng không thôi.
Tôi nhớ đến những kỷ niệm vui với cậu, để mỉm cười với ảnh cậu. Tôi chẳng rành lắm về kỹ thuật bóng đá, thế mà suốt mùa World Cup năm 2006, tôi đã cùng cậu bàn luận sôi nổi về mỗi trân đấu.  Đặc biệt trong năm ấy là cú húc đầu của Zidane vào ngực Materazzi. Cậu cũng có vẻ thích thú nói chuyện với cô cháu gái lắm vì nàng cứ xem được tin gì trên internet bàn luận về cú húc đầu thì lại phone kể lại cho cậu nghe.  Rồi thì đủ chuyện về nhân sinh quan được đem ra nói.  Nàng thích lắm mỗi khi được cậu khen Vân tồ nói không tồ tí nào!
Mỗi khi tôi phone cho cậu, biết là cậu trả lời nhưng tôi vẫn hỏi: “Cậu đó hả?” để được nghe cậu nói : “ Ư.. ư..” ngân dài.  Chỉ tiếng Ư đó thôi, tôi nhận biết ngày hôm ấy cậu đang vui hay buồn, khỏe hay không khỏe.  Tiếng Ư của cậu thật độc đáo như reo vui mừng rỡ, khiến cho người gọi hỉ hả lắm.  Nhiều lúc cậu gọi yêu tôi là “ Ĩ Ân”.  Tiếng gọi thân mật từ thuở bé cậu vẫn gọi tôi để trêu tôi. (Ĩ là cậu đọc trại đi từ Cái Đĩ Thằng Cu của người miền Bắc gọi con gái và con trai khi còn bé và Ân  là Vân đọc cho xuôi tai với tiếng Ĩ).  Cái tên gọi ấy trở thành cái gì thân thương theo suốt quãng đời thơ ấu của tôi với hình ảnh cậu.
Câu chuyện của tôi và cậu mỗi lúc một ngắn đi và thưa lại, dù tôi rất muốn gọi cho cậu mỗi ngày. Tôi không còn đề tài nào có thể làm vui cậu khi sức khỏe cậu mỗi ngày kém đi.  Tôi cảm thấy mình ăn nói vô duyên nhạt nhẽo. Câu hỏi thăm cậu khỏe không luôn được cậu trả lời khỏe nhưng chữ khỏe không còn khẳng định chắc chắn nữa.  Tôi biết cậu nói để tôi khỏi lo. Dần dần tôi không còn dám hỏi cậu khỏe không nữa mà thay vào đó là hôm nay cậu thế nào, cậu thấy sao?  Câu trả lời của cậu sẽ là vẫn vậy hoặc mệt. Lúc đó tôi đã khóc bên đầu dây, tránh không bật thành tiếng để cậu nghe thấy. Tôi thương cảm và đau lòng trước sự thất vọng của cậu khi thấy sau mỗi đợt chữa trị không có kết quả khả quan hơn. Tôi đã tìm nhiều chuyện nói để mang lại sự hy vọng và can đảm cho cậu nhưng tôi nghĩ mình không thành công lắm vì chính bản chất tôi không là người lạc quan.
Hôm nay cậu ra đi đã 3 ngày rồi, mỗi tối tôi vẫn mong sẽ thấy đựợc cậu trong giấc ngủ, và tôi tin chắc là tôi sẽ gặp lại cậu. Tôi phải thầm cám ơn ông Hoàng Hải Thủy đã viết bài "Đi Trước, Đi Sau" đăng trên Kỷ Nguyên Mới. 
Tôi cảm thấy nguôi ngoai hơn khi nghĩ rồi chắc chắn mình cũng sẽ ra đi và gặp lại cậu ở thế giới cậu đang ở. Chỉ là một sự tạm biệt thôi phải không cậu? Cậu đón cháu cậu nhé!  Hiện giờ thì cháu nhớ cậu lắm cậu ơi!  Cậu đã khỏe rồi không còn đau đớn lo sợ và thất vọng nữa. Cậu yên nghỉ trên ấy cậu nhé. Cháu và mọi người sẽ mang mãi trong lòng hình ảnh cậu yêu cho đến cuối đời. 
Vô vàn thương nhớ cậu.
Hàn Bích Vân (Tối 23-1 2008) 
                          Thầy Chương - Song Thao
"Anh Nguyễn Thiệu Hùng bút hiệu Mai Trung Tĩnh và anh Lê Đức Vượng bút hiệu Vương Đức Lệ. Hai anh đã in chung tập thơ "40 bài thơ Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ" và tập thơ này đã đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.
Cả hai anh đều đã bị Cộng Sản đầy ải trong ngục tù tại Saigon cùng với một số nhà văn nhà thơ khác trong nhóm Diễn Đàn Tự Do của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. Anh Mai Trung Tĩnh được thả năm 1994 mang bệnh tim, mù một mắt và sưng gan do hậu quả của những năm lao tù. Ngày 7 tháng 6 năm 1995, anh cùng vợ và hai con đã tới Hoa Kỳ và mất tại Virginia vào lúc 2 giờ sáng ngày 20 tháng 2 năm 2002 vì di chứng của những bệnh cũ. Anh Vương Đức Lệ cũng được sang được Hoa Kỳ rất muộn, nhiều năm sau khi thoát khỏi lao tù. Tôi nghĩ tới thầy với những ngày lao tù bệnh tật dưới chế độ Cộng Sản, nghĩ tới cái chết tức tưởi của thầy chỉ ít ngày sau khi được thả vì quá đau yếu. Cả thầy lẫn trò đều chung nỗi truân chuyên của những người làm văn nghệ gặp cơn gió chướng."
                                                          Mời đọc tiếp bài viết (pdf)
Những ngày trong tù với Vương Đức Lệ - Đoàn Thanh Liêm (26/01/2008)
" Vương Đức Lệ với tôi chỉ gặp nhau ở trong tù, nhưng mà lại có duyên rất gần gũi thân thiết với nhau. Bọn tôi ở chung với nhau 2 đợt: lần đầu vào năm 1991-92 tại trại giam số 4 Phan Đăng Lưu (tức là Khám Lớn Gia Định cũ) đối diện với Chợ Bà Chiểu. Và lần thứ nhì thì lại ở chung với nhau vào năm 1993-94 tại Trại Z 30D ở Khu Rừng Lá Hàm Tân, Phan Thiết.
Tại số 4 Phan Đăng Lưu, trong thời kỳ chờ ra Tòa án xét xử, thì chúng tôi ở chung phòng với nhau, có 3-4 nguời, suốt cả ngày 24/24 giờ, lâu lâu mới được dẫn ra trước cửa “tắm nắng” chừng 15-20 phút. Thành ra ngày đêm bọn tôi tha hồ tâm sự đủ thứ chuyện đời với nhau. Lệ quả là một nhà thơ, chàng có thể “xuất khẩu thành thơ” bất kể giờ giấc nào. Người nghệ sĩ nhìn đời khác hẳn với người thường. Chàng luôn có thái độ thanh thoát, chẳng hề bận tâm đến hoàn cảnh o ép hạn chế trong nhà tù. Nhiều khi lại kể chuyện khôi hài thật là dí dỏm, khiến các bạn cùng phòng tha hồ cười ngặt nghẽo."   
                                           Mời đọc tiếp bài viêt ( pdf)
            Diễn Đàn Tự Do và Người Tù Vương Đức Lệ
                 - Trang Báo ở Sài Gòn đăng về vụ Diễn Đàn Tự Do (nguồn: website của GS Đoàn Viết Hoạt)
      - Vương Đức Lệ nói về trại giam trong buổi Hội Ngộ Cựu Nhân Viên Truyền Thông Việt Nam Cộng Hòa năm 2004
                          
      Tưởng Niệm Thi Sĩ Vương Ðức Lệ - Tạ Quang Khôi
" Hồi còn ở Saigon, tôi không có hân hạnh được quen biết Vương Ðức Lệ, dù Anh là một nhà thơ nổi tiếng, đã được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1960-61, cùng Mai Trung Tĩnh với tác phẩm “40 Bài Thơ”. Nhưng tôi lại có một kỷ niệm rất sớm với hai nhà thơ này."
                                                        Mời đọc tiếp bài viết (pdf)
Bóng Thời Gian - Giờ Chót Với Vương Đức Lệ - Lê Văn Phúc
" ... Khi về hưu, lên vùng “Đất tình nhân Virginia” tá túc, tôi lại quen biết với một số văn nhân thi sĩ, nghệ sĩ như thi sĩ/nhà văn Hà Bỉnh Trung, nhà văn Hoàng Hải Thủy, nhà văn Uyên Thao, nhà văn Lê Thị Nhị, nhà văn Tạ Quang Khôi, nhà văn/nhà báo Đào Trường Phúc, nhà văn/nhà thơ Ngô Vương Toại, nhà thơ Lê Thị Ý, nhà thơ Hoàng Song Liêm, nhà văn/nhà thơ/nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam, nhạc sĩ Nguyễn Túc-Linh Phương, đôi tài tử song ca Nga Mi -Trần Lãng Minh, hoạ sĩ thư họa Vũ Hối, nhà văn/nhà thơ/hoạ sĩ Trương Anh Thụy, giáo sư /dịch giả Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Phạm văn Tuấn, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, bác sĩ/nhạc sĩ Văn Sơn Trường, bác sĩ/ thi sĩ Phó Ngọc Văn, bác sĩ/nhân quyền Nguyễn Quốc Quân...
Thế thì còn nhà thơ Vương Đức Lệ, tôi quen trong trường hợp nào?
Câu chuyện nó như thế này: ... "
Mời đọc tiếp bài viêt của Nhà Văn Lê Văn Phúc ( pdf)
Xứ Lạ
Ta vẫn làm dân xứ lạ
Ngẩn ngơ đất khách quê người
Ôi trái tim sầu hóa đá
Bao giờ? Biết thuở nào nguôi?
Ta vẫn làm dân xứ lạ
Giữa trời, giữa đất bao la
Dạt cánh bèo trôi biển cả
Mịt mù thương nhớ bờ xa.
Ta vẫn làm dân xứ lạ
Cuối đời làm cánh rong xanh
Biển sâu bạc đầu sóng vỗ
Thân xô ghềnh đá tan tành
Ta vẫn làm dân xứ lạ
Suốt đời làm kẻ tha hương
Gối chiếc đêm nằm trăn trở
Khôn nguôi nỗi nhớ dị thường
Ta vẫn làm dân xứ lạ
Ngậm ngùi thân lại thương thân
Ta thấy ta ngồi hóa đá
Ngó quanh nào thấy mộ phần
(thơ Vương Đức Lệ)
Tôi thường hay đọc thơ khổ bốn câu, mỗi câu 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ…
Hôm nay chợt đọc những khổ thơ mỗi câu 6 chữ và trong tôi liền có cảm giác rất lạ.
Nó không dứt khoát như câu 5 chữ ngắn gọn. Nó không dịu dàng, uyển chuyển như câu 7 hay 8 chữ.
Với câu 6 chữ, âm hưởng câu thơ nghe như day dứt… Và đó là một hiệu ứng (effect) mà nhà thơ đã tạo ra rất đạt.
(Tôi loay hoay vẫn chưa nghĩ ra được từ nào diễn tả cho chính xác! Tạm gọi như thế là “day dứt”.)
“TA VẪN LÀM DÂN XỨ LẠ” cứ lặp đi lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ khiến ta nghe ra một chuỗi thinh âm sầu não miên man đồng vọng …
Lê Anh Dũng
             
"Nhà Thơ Vương Đức Lệ là người mà Miên Du thường hay nói chuyện văn thơ, là người khuyến khích Miên Du viết văn  ... Miên Du đã ghi xuống nhạc phẩm " Vết Nứt Rêu Phong" để tặng riêng cho Nhà Thơ Vương Đức Lệ."  Xin bấm vào tên bản nhạc để nghe tiếng hát của ca sĩ Hương Giang. 

No comments:

Post a Comment