Pages

Tuesday, September 11, 2012

LUẬT SƯ TRẦN VĂN TUYÊN


 

Trần Văn Tuyên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Luật sư Trần Văn Tuyên (1 tháng 9, 1913 - 28 tháng 10, 1976) là một trong các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, cựu dân biểu Hạ viện, sau làm Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là một trong các trưởng thuộc thế hệ sáng lập Hướng đạo Việt Nam . Ông đã bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bắt ngay sau khi Sài Gòn thất thủ và đã chết trong trại tù.

Tiểu sử

Tác phẩm

  • Hiu quạnh 1943
  • Đế quốc đỏ 1957
  • Tỉnh Mộng 1957
  • Hồi Ký Hội-Nghị Genève 1954, 1964
  • Chánh Đảng 1967
  • Người Khách Lạ 1968

Tham khảo

  1. ^ a b c Trần Văn Ngô và ctv. Who's Who in Vietnam. Sài Gòn: Vietnam Press, 1974. tr 889
  2. ^ Nhà cách mạng Trần Văn Tuyên
  3. ^ Luật sư Trần Văn Tuyên, Cựu Dân biểu Hạ viện VNCH, cựu Phó Thủ tướng và là một trong số những lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị bắt sau khi Sài Gòn thất thủ
  4. ^ Nguyễn An Tiêm. "Sổ luân lưu". Khởi Hành Năm XV, số 169. Tháng 11, 2010. tr 7

 

Nhà tù chót của LS.Trần Văn Tuyên (1913- 1976)
VIÊN LINH sao lục
 
Hơn một năm sau khi ở tù cộng sản, nhà văn hóa, người lo việc nước Trần Văn Tuyên (sinh ngày 1 tháng 9, 1913), gục ngã trên mặt bàn trong trại tù tập trung Hà Sơn Bình, hai ngày sau thì từ trần.


Cố luật sư, Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên, chụp trước Quốc Hội VNCH. (Hình do Tạp chí Khởi Hành cung cấp.)

Theo tin tức do Việt Cộng đưa ra, đó là ngày 28 tháng 10, 1976. Như thế cho tới hôm nay, nhà lãnh tụ tên tuổi nhất của Việt Nam Quốc Dân Ðảng của miền Nam đã khuất bóng vừa đúng 34 năm; và ở đời được 63 năm. Cuộc đời ông vào tù ra khám nhiều lần, song cứ theo một bài thơ ông để lại, hình như ông không “lấy đó làm điều:”
Thân già tuổi tác trời cho sống
Ta vẫn yêu đời thỏa chí trai
Cùm xích nung sôi hồn cách mạng
Giao thừa chóng đến đợi sao mai.
(Trần Văn Tuyên, Giao Thừa Trong Ngục, Khởi Hành 10, 1998)
Thế hệ '40, '50 (những người trưởng thành vào những năm 1940, những năm 1950) lưu tâm tới tình hình đất nước của một Việt Nam tranh đấu, hầu như không ai là không nghe nói đến Trần Văn Tuyên. Nhưng sau đó, và nhất là sau khi đất nước thu vào một mối (“một mối u sầu một mối tang thương” như thơ Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực), ít người còn biết rõ con người ấy là ai. Cho nên bài viết này chỉ là một ghi chép thu gọn, nhằm giúp trí nhớ bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ, về chân-thân người yêu nước Trần Văn Tuyên qua mô tả của nhiều nhân vật chứng nhân của một thời kỳ quốc cộng phân tranh.
1. “Trong số những người thân thuộc này, tôi nghĩ tới chiến sĩ Trần Văn Tuyên, mà trong 40 năm qua tôi vẫn xem là một huynh trưởng, một người bạn vong niên, một nhà văn hóa, một nhà văn học, một nhà ái quốc, một nhà cách mạng chân chính đã nêu cao truyền thống dân tộc và giữ vững tinh thần bất khuất của giống nòi Lạc Việt.
Ngày 6 tháng 12, 1947: Hội đàm Bollaert-Bảo Ðại tại Vịnh Hạ Long.
Sau cuộc hội đàm Vịnh Hạ Long, cựu hoàng Bảo Ðại cử hai vị cộng sự viên thân tín từ HongKong về nước tiếp xúc với các nhân sĩ quốc nội, nhằm thành lập chính phủ quốc gia đầu tiên. Hai cộng sự viên than tín đó là ông Lưu Ðức Trung và ông Trần Văn Tuyên. Năm 1951 Thủ Tướng Trần Văn Hữu ký nghị định cử ông Trần Văn Tuyên và chúng tôi (Thái Văn Kiểm) đi Pháp tham dự lễ kỷ niệm 2000 năm thành lập Paris (Paris tên cũ là Lutetie-Lutece được thành lập năm 51 trước C.N.).
Trong các hoạt động hiệp hội, đoàn thể, LS Tuyên là sáng lập viên phong trào Hướng Ðạo Việt Nam, phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Công Quyền, cố vấn Tổng Công Ðoàn Tự Do. Ông có dạy học ở trường Thăng Long Hà Nội.”
(Thái Văn Kiểm, Liệt sĩ Trần Văn Tuyên)
2. “Sau hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh người huynh trưởng Trần Văn Tuyên bên đống lửa trại Chùa Láng (gần Hà Nội) năm xưa. Anh cũng mặc đồng phục Hướng Ðạo như chúng tôi. Cũng quần soọc tím, áo sơ mi nâu bạc màu, cũng thắt khăn quàng nơi cổ như mọi HÐ khác. Lúc ấy hướng đạo sinh của các đoàn đã ngồi thành vòng tròn khá lớn quanh đống lửa trại. Anh Tuyên vừa bước qua vòng tròn, mọi tiếng rì rào nổi lên khắp dẫy, như một dòng điện truyền lan: ‘Anh Tuyên! Anh Tuyên đấy!’ Anh là hình ảnh một trong những thần tượng Hướng Ðạo của chúng tôi.”
(Mặc Thu, Nhớ về Trần Văn Tuyên)
3. “Tầm thước, nhanh nhẹn, tóc húi cao, mắt sáng tinh anh sau cặp kính cận dầy cộm, luôn tươi cười cởi mở, anh Trần Văn Tuyên là mẫu người trí thức thông minh, rõ rệt là một hiền nhân. Rất uyên bác, đọc nhiều sách khảo cứu, có cả một thư viện trong nhà, anh thông thạo Pháp, Anh và Hán tự Anh viết báo, làm luật sư, lưu vong sang Tầu, ở tù nhiều lần, làm bộ trưởng Thông Tin, làm phó thủ tướng Ðặc Trách Kế Hoạch, dân biểu, trưởng khối đối lập, thủ lãnh luật sư đoàn.”
(Nguyễn Tường Bá, vài kỷ niệm về anh Trần Văn Tuyên. Vẫn theo LS Nguyễn Tường Bá, báo New York Times gọi Trần Văn Tuyên trong tù là “một Solzhenitsyn của nhà tù Gulag Việt Nam)
4. Khởi Hành phỏng vấn ông Trần Tử Miễn, con trai út của LS Tuyên. Lời ông Miễn:
“Ông theo gương chí sĩ Nguyễn Thái Học, gia nhập Quốc Dân Ðảng năm 16 tuổi. Ông cảm phục Abraham Lincoln, Thomas Jefferson (người nói báo chí là Ðệ Tứ Quyền), và Tôn Dật Tiên, cha đẻ của thuyết Tam Dân của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng: Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc. Ba tiêu đề này, Việt Cộng trộm mấy chữ sau: Ðộc lập Tự do Hạnh phúc để lừa phỉnh. Cũng chính vì ba chữ này mà một số anh em Việt quốc đi theo hàng ngũ Việt Cộng (trước cuộc di cư 1954). Về tình bằng hữu, cha tôi thân thiết với cố Dân Biểu Trần Văn Văn (thân phụ anh Trần Văn Bá) cả hai cha con đều bị Việt Cộng sát hại trước và sau 1975.
Cha tôi không bao giờ chấp nhận chính phủ ba thành phần. Trước 30 tháng 4 độ hai tháng, Tòa Ðại Sứ Mỹ có liên lạc nói họ dành 50 chỗ cho gia đình cha tôi và thân hũu trên máy bay để di tản. Nhưng ông không có ý định ra đi. Vì các lý do: Mình sinh ra ở đây, thà chết ở đây. Tất cả anh em VNQDÐ đều quyết định ở lại, vậy mình càng không bỏ rơi anh em.”
(Thụy Khanh phỏng vấn, Saint Germain les Corbeit, 21 tháng 9, 1998)
5. Lời Trần Văn Tuyên: “Xét quá trình hoạt động, tôi không thấy có tội gì với nhân dân Việt Nam. Nếu tôi có tội thì đó là cái nhìn của đảng Cộng Sản Việt Nam.” (Trần Văn Tuyên, Bản khai lý lịch tại trại tù Long Thành, 16 tháng 5, 1975)
“Một ánh sáng chói lòa. Tôi giật mình ngẩng đầu nhìn, tưởng lựu đạn hay plát-tích nổ. Bên cạnh tôi, một đám khói trắng bùng lên. Tôi nhìn khách, không thấy khách. Cũng không phải là lựu đạn hay plát-tích. Cũng không phải là pháo bông ăn mừng cách mạng thành công. Ngẩn ngơ, tôi thủng thẳng bước đi. Mình cảm thấy lòng mình cũng bơ vơ, cơ khổ: không còn nơi dung thân, không có nơi gieo ý, không có nơi xây dựng!
Như khách, tôi cũng nhận thấy con người mới chỉ thấy hoang tàn, tang tóc của cách mạng mà chưa thấy phần xây dựng của cách mạng. Và ngày ngày, mỗi buổi chiều, tôi tới vườn Diên Hồng ngồi đợi khách. Nhưng cách mạng! Anh còn đây hay đã đi đâu?”
(Trần Văn Tuyên, Người Khách Lạ, tập truyện ngắn, 30 tháng 10, 1965)
Chú thích: Các trích dẫn trên đây chỉ là phần ngắn gọn cho hợp khuôn khổ Trang Thời Sự Nhân Văn, từ những bài dài in trong Khởi Hành chủ đề Trần Văn Tuyên, số 24, xuất bản tháng 10, 1998.

 

Người Tù Khổ Sai Trần Văn Tuyên

Quốc Gia VNCH có hai ông Thủ Tướng Chính Phủ bị bọn Cộng Sản Việt Nam giam chết trong tù: Ông Thủ Tướng Phan Huy Quát và ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên.
Thủ Tướng Phan Huy Quát đi Tù và Chết trong Nhà Tù Chí Hoà, Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên trước khi đi Tù và Chết trong Trại Tù Khổ Sai ở miến Bắc, còn có lần Ði dự Hoà Ðàm với Pháp ở Ðà-lạt và cùng với một số ký giả làm cuộc “Ký Giả đi Ăn Mày” ở Sài Gòn.
Ðây là bài về ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên.
TỪ ÐIỂN TÁC GIẢ VIỆT NAM. Nguyễn Quang Thắng. Nhà Xuất Bản Văn Hóa, ấn hành ở Việt Nam Tháng Chín 1999.
TRẦN VĂN TUYÊN
Quí Sửu 1913 – Bính Thìn 1976.
Luật sư, một trong những người sáng lập Hội Hướng Ðạo Việt Nam, sinh ngày 1-9-1913 tại tỉnh Tuyên Quang, nguyên quán huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông.
Học ở Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Luật Ðại Học Luật Khoa Hà Nội, dạy học tại Trường Trung Học Thăng Long, tham gia hoạt động chống Pháp từ những năm 1930-1931. Năm 1934, ông cùng Ðặng thái Mai, Võ nguyên Giáp… thành lập Liên Minh Dân Chủ và Phong Trào Ðông Dương Ðại Hội. Năm 1942 ông bị Pháp bắt giam một thời gian vì “tội thành lập Ðảng Thanh Niên Hưng Quốc”. Sau khi được xử trắng án và tự do, ông thi đỗ ngạch Tri Huyện Tư Pháp, được bổ làm Tri Huyện huyện Thanh Miện, Hải Dương, đến năm 1944 thì từ chức.
Sau Tổng Khởi Nghiã Tháng 8 năm 1945, ông tham chính, giữ chức Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Năm 1946 ông tham gia Hội Nghị Trù Bị Ðà Lạt, phụ trách Ban Lễ Nghi của phái đoàn Việt Nam, cùng với các ông Nguyễn Tường Tam, Võ nguyên Giáp, Hoàng xuân Hãn.
Ðầu năm 1946 ông lưu vong sang Trung Hoa, năm 1950 ông về Sài Gòn, có thời làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, năm 1950-1951 ông giữ chức Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng trong chính phủ Trần văn Hữu. Năm 1954 ông là Cố Vấn Ðặc Biệt trong Phái Ðoàøn Việt Nam (chính quyền Bảo Ðại) dự Hội Nghị Genève nhằm chấm dứt Chiến tranh Ðông Dương. Năm 1959-1960, ông cùng 17 nhân sĩ ( Báo chí nước ngoài gọi là Nhóm 18 Caravelle) ra tuyên cáo đòi chính quyền Ngô Ðình Diệm thay đổi chính sách. Sau cuộc đảo chính hụt ngày 11 Tháng 11 năm 1960, ông bị Mật Vụ Ngô Ðình Nhu bắt giam, đến sau ngày 1 Tháng 11 năm 1963 mới được giải thoát. Năm 1965 ông giữ chức Phó Thủ Tướng Ðặc Trách Kế Hoạch, năm 1967 ông là Dân Biểu Quốc Hội, Trưởng Khối Dân Tộc-Xã Hội tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn, Cố Vấn Phong Trào Ðấu Tranh Cải Thiện chế độ Lao Tù, Thủ Lãnh Luật Sư Ðoàn Sài Gòn.
Ngày 26 Tháng 10, 1976 ông mất tại Hòa Bình.
Các tác phẩm của ông: Hiu quạnh (1944), Tình mộng (1953), Hội Nghị Genève ( 1954), Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (1958), Chính đảng (1968), Người khách lạ ( 1969), Con đường Cách Mạng Việt Nam (1969)
Ngưng trích.
Ðây là bài “Ít dòng Nhật Ký về Hội Nghị Trù Bị Ðà Lạt 1946ông Trần Văn Tuyên viết ở Sài Gòn.
Trần Văn Tuyên. Trích:
Ngày đi. 16-4-1946. Khởi hành ở phi trường Gia Lâm, 7 giờ 30 sáng. Pháp cho mượn 2 chiếc máy bay Junker cũ kỹ. Hai anh Trưởng và Phó Phái Ðoàn (Nguyễn Tường Tam, Võ nguyên Giáp) cùng đáp một chiếc cất cánh sau. Bọn tôi đi chuyến đầu gồm Tạ quang Bửu, Dương bạch Mai, Kiều công Cung, tất cả 12 người.
Gần tới Paksé, gặp bão, nhưng trời nắng đều. Tới Paksé lúc 11 giờ 20. Không ra thăm thành phố. Máy bay chở hai anh Tam, Giáp đến sau 20 phút.
12 giờ 30 máy bay chúng tôi bay đi Ðà Lạt trước. Tới trường bay Liên Khàng lúc 3 giờ chiều. Có các ông Pignon, Davec, Brisson và Lê văn Kim, ông Kim lúc đó là tùy viên báo chí của Ðô Ðốc D’Argenlieu, Cao Ủy Pháp, ra đón. Thêm nột nhà nhiếp ảnh Tiệp Khắc, một phóng viên Bỉ, cô Anna Lê Trung Cang, chủ nhiệm nhật báo Ðiện Tín ở Sài Gòn.
Ðói, khát, không có gì để ăn uống. Ông Davec kiếm được 10 quả “thanh lí” và một ấm nước nhỏ.
Chờ chuyến bay thứ hai đến để cùng về Ðà Lạt nhưng mãi không thấy đến. Nhiều người lo ngại đã xẩy ra chuyện bất trắc. Không liên lạc được với Paksé, cũng không liên lạc được với Sài Gòn. Lo ngại càng tăng. Ðã có người lo sợ một “thủ đoạn” ác độc của người Pháp. Trời về chiều, chờ không được, sợ tối nguy hiểm, đành phải về Ðà Lạt trước.
30 cây số đường rừng, giữa đồi núi và rừng thông trùng điệp. Xe hỏng máy cách Ðà Lạt 5 cây số. Trăng mọc trên ngàn thông, bao phủ bởi sương trắng. Cảnh vật thật tuyệt diệu.
6 giờ tối mới về đến Ðà Lạt. Thành phố vắng tanh, tối đen và yên lặng. Mọi người về Hotel Du Parc, riêng hai anh Trịnh văn Bính, Dương bạch Mai sang Hotel Lang Biang.
Cơm dọn sẵn cho 30 người ăn. Nhưng mọi người chỉ ăn qua loa. Mệt! Hoang mang… Băn khoăn về số phận của toán thứ hai, những người chính của phái đoàn. Ăn cơm xong, anh em họp lại trong buồng tôi. Ða số tỏ ý lo ngại. Một số cho rằng Pháp chơi xấu, có thể hi sinh một chiếc máy bay và hai phi công, đâm máy bay vào núi. Thế là hết chuyện đàm phán. Vì họ đã thủ tiêu được những người lãnh đạo mà họ lo sợ nhất: Nguyễn Tường Tam, Ngoại Trưởng Chính Phủ Liên Hiệp, Lãnh Tụ Cách Mạng chống Pháp cực đoan (VNQDÐ) và Võ nguyên Giáp, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Giải Phóng, Chủ Tịch Quân Ủy Hội Kháng Chiến chống Pháp.
Có anh lo sợ cho số phận những người trong phái đoàn đã đến Ðà Lạt. E ngại người Pháp bắt luôn tất cả đem đi cầm tù. Anh Kiều Công Cung đề nghị với tôi đưa cho mỗi người 100$, xuống chợ mua mỗi người một  chiếc xe máy, ngay đêm hôm ấy, băng về Phan Rang.
Một giờ sáng mới được tin chiếc máy bay thứ hai bị hỏng máy quạt, phải ở lại Paksé, chờ hôm sau Sài Gòn đem máy quạt lên thay mới bay tới được.
Hỏng máy thật hay là đòn tâm lý!
Ngưng trích.
Ông Trần Văn Tuyên, ảnh chụp năm 1974, khi ông là Dân biểu Quốc Hội VNCH, ông dự Cuộc Biểu Tình có tên là “Ký Giả đi Ăn Mày” tại Sài Gòn.

Quí vị vừa đọc một đoạn trích trong hồi ký của ông Trần Văn Tuyên kể lại chuyện ông và ông Nguyễn Tường Tam, trong phái đoàn Chính Phủ Liên Hiệp – (Việt Minh,) Tháng 4 năm 1946, từ Hà Nội bay đến Ðà Lạt để dự hoà đàm với Pháp. Lúc này ông Nguyễn Tường Tam là Ngoại Trưởng Chính phủ Liên Hiệp do Hồ chí Minh làm Chủ Tịch. Ông Nguyễn Tường Tam là Trưởng Ðoàn, Võ Nguyên Giáp  là Phó Truởng Ðoàn.
Tháng 4 năm 1946 khi các ông Trần Văn Tuyên, ông Nguyễn Tường Tam đi dự hoà đàm với Pháp ở Ðà Lạt, tôi 14 tuổi, tôi mù tịt về chuyện Việt Pháp hòa đàm. Bẩy mươi năm sau ở Kỳ Hoa Ðất Tríchõ, đọc chuyện ông Trần Văn Tuyên kể, tôi thấy thương các ông Việt Nam quá là thương. Ai đời đi đàm phán tranh quyền độc lập với Pháp xâm lược chiếm nước mà phải đi nhờ máy bay của Pháp, đi nhờ ô-tô của Pháp, ăn ở do Pháp cung cấp. Ông TV Tuyên viết “Pháp cho mượn hai chiếc Junker..” tôi thấy không đúng, Pháp nó không cho phái đoàn VM mượn máy bay, nó chỉ dùng máy bay của nó chở phái đoàn từ Hà Nội đến Ðà Lạt.
Phái đoàn ta chịu đủ mọi thứ bất lợi và kém vế. Họp trong thành phố Ðà Lạt là nơi bọn Pháp nắm quyền, làm chủ, ở thành phố này Pháp có quân đội, có cảnh sát. Pháp nó muốn bắt nhân viên nào trong phái đoàn VN Hà Nội là nó bắt. ÔngTV Tuyên kể:
Bài đã dẫn. Trích: 24-4-46. Anh Phạm ngọc Thạch, một nhân viên của phái đoàn, bị Pháp bắt ngày hôm qua. Ngay trước trụ sở phái đoàn Việt Nam. Lúc 1 giờ trưa. Pháp nói là họ đã báo trước cho chính phủ Hà Nội là họ không chấp nhận Thạch trong phái đoàn Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Sâm và Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng bị trục xuất về Sài Gòn. Pháp lấy cớ hai người ấy dùng máy vô tuyến riêng để liên lạc với Hà Nội. Ngưng trích.
Không biết ông Nguyễn Văn Sâm đây có phải là ông Nguyễn Văn Sâm bị Việt Minh bắn chết trên xe buýt ở Sài Gòn và đường Nguyễn Văn Sâm ở Sài Gòn có phải là đường mang tên ông này không. Tôi chắc là phải. Trong đoạn hồi ký trên còn có nhân vật « Lê Văn Kim , tùy viên báo chí của Ðô đốc D’Argenlieu. » Tôi chắc ông « Tùy viên báo chí » này những năm 1960-1970 là « Thiếu Tướng Lê Văn Kim.»
Chuyện làm tôi vừa thương các ông vưà tức cười – tức cười là vưà cười vừa tức: cười mà tức anh ách – là chuyện nửa đêm, các ông chính khách Việt Nam ta bàn nhau mỗi ông thủ túi 100 đồng – đồng bạc Ðông Dương, tức tiền của Pháp – ra tiệm bán xe đạp ở chợ Ðà Lạt, mỗi ông mua một cái xe đạp rồi nhẩy phốc lên yên, các ông phây phây cho xe thả dốc từ thành phố Ðà Lạt sương mù bon bon ve ve veo veo rẹt rẹt xuống tỉnh Phan Rang! Mèn ơi..! Các ông tưởng nửa đêm đi xe đạp xuống đèo là dzễ ợt, là ngon ăn lắm sao? Các ông lạc quan quá đi mất. Mười ông xe đạp tuột dốc xuống Ðèo Ngoạn Mục, tức Ðèo Bellevue, bảo đảm 8 ông, cùng với xe, bay tuốt xuống vực, 2 ông nằm chèo queo bên vệ đường.  Bảo đảm năm chăm phần chăm! Ban đêm đi xe đạp xuống đèo các ông bay xuống vực nhanh hơn ban ngày nhiều!
Rất may là Tháng Tư năm 1946, ở Ðà Lạt, ông TV Tuyên không nghe theo lời đề nghị làm cuộc “Thiết mã bán dạ hạ san”, nôm na là “Nửa đêm ngựa sắt xuống núi.” Nếu buổi tối lịch sử 55 năm xưa ấy ông Trưởng Ban Nghi Lễ Trần Văn Tuyên mở cặp da lấy tiền, phát cho mỗi ông trong phái đoàn 100 đồng bạc Ðông Pháp Ngân Hàng – Banque de L’Indochine Francaise – và các ông này, cho là 10 ông còn gân tự cho mình có thể đi xe đạp cả trăm cây số, nửa đêm kéo đến đập cửa tiệm bán xe đạp ở chợ Ðà Lạt…, lịch sử sẽ ghi tội ác tày trời của bọn D’Argenlieu, Pignon: tội thủ tiêu các ông chính khách Việt Nam trong phái đoàn hoà đàm và liệng xác những ông này xuống vực!
Theo lời kể của ông TV Tuyên, tôi thấy trong cuộc hoà đàm năm xưa ở Ðà Lạt có các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường:
Trích: Những ngày cuối cùng.
3-5-1946. 3 giờ chiều họp đại hội công đồng, 2 phái đoàn Việt Pháp.
Anh Hồ Hữu Tường ngao ngán ghé tai tôi, nói: “Khổ lắm!” Ngưng trích.
Sau năm 1954 ông Hoàng Xuân Hãn sang sống ở Pháp, ông sống bình an, chết trong bình an, ông Nguyễn Mạnh Tường bị bọn Hồ Chí Minh, Lê Duẩn đầy ải, chết trong tức tưởi ở Hà Nội, ông Hồ Hữu Tường sống ở Sài Gòn, bị bọn Bắc Cộng bắt đi tù năm 1977, ông chết trong Trại Tù Khổ Sai Hàm Tân.
Và đây là vài chuyện xẩy ra trong cuộc gọi là « Hoà đàm Việt Pháp » ở Ðà Lạt Tháng 4, Tháng 5 năm 1946:
Sách đã dẫn. Trích:
Tại bữa cơm, Ðô đốc D’Argenlieu tiếp đãi tử tế. Ăn xong, ông móc túi lấy bản diễn văn ra đọc. Ông nói rất nhiều về chủ trương Liên Bang Ðông Dương của Pháp.
Theo quyết định của anh em, anh Nguyễn Tường Tam trả lời bằng tiếng Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Huyên làm thông ngôn.
Vụ nói bằng tiếng Việt này làm cho Pháp hết sức ngạc nhiên. Sau này, trong một buổi họp, Ðô đốc D’Argenlieu đã mỉa mai những người Việt Nam vô ơn, bạc nghĩa, ăn bánh mì mòn cả răng ở Paris, nay lại làm bộ không biết nói tiếng Pháp.
Thực ra, chúng tôi đã quyết định như vậy vì nhiều lí do thực tế:
1 – Tinh thần dân tộc.
2 – Ðể người nói có thì giờ suy nghĩ.
3 – Và nếu cần, để người thông dịch sửa chữa những sơ hở của người nói.
Ngưng trích.
Ðây là chuyện ông Trưởng Ðoàn Nguyễn Tường Tam nằm mộng theo lời kể của ông Trần Văn Tuyên:
Anh Tam kể chuyện nằm mộng thấy một con thiêu thân và một giọt nước đường.
Con thiêu thân muốn hút nước đường nhưng ngập ngừng không dám. Một con nhện sa xuống nuốt con thiêu thân.
Không thấy một con chim sa xuống nuốt con nhện và người cầm súng bắn con chim.
Giấc mộng oái oăm thay.
Ngưng trích.
Cứ như lời kể thì “giấc mộng : nước đường, thiêu thân, nhện” của ông Trưởng Ðoàn Nguyễn Tường Tam năm xưa đó “oái oăm” thật.
Ông Trần Văn Tuyên kể chuyện ông và Võ Nguyên Giáp:
Buổi trưa, anh Võ nguyên Giáp mời ăn cơm.{CTHР: VN Giáp mời một mình ông Trần Văn Tuyên.} Ðã từ lâu chúng tôi không gặp riêng nhau để nói chuyện. Kể chuyện cũ, nhắc đến những người bạn chung còn hay đã mất, nhắc lại những kỷ niệm về chị Minh Thái (Vợ anh Giáp, chết trong tù của Pháp, trong khi anh sống ở Trung Hoa.)
Anh thực thà nhận có phần lỗi vì không thường gặp tôi để biết rõ tình thế, để đến nỗi có những chuyện “hồ nghi”. Anh khuyên tôi hãy trở về hàng ngũ anh em tranh đấu, và biết tôi thích đọc sách, anh hứa sẽ cho mượn mấy quyển sách vừa mới nhận được.
Câu cuối cùng của anh là câu tiếng Pháp “Alors, tu restes mon ami?”
Chúng tôi siết tay nhau lần chót. Từ đó, mỗi kẻ một đường.
Dòng thời gian nhẹ một ánh bay…! Những ngày như lá, tháng như mây…! Ông Trần Văn Tuyên dự Hoà Ðàm Việt Pháp ở Ðà Lạt Tháng Tư năm 1946, ông viết về cuộc hòa đàm ấy khi ông ở Sài Gòn chắc là vào những năm 1960-1965, năm 2000 ở Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi đọc những lời ông kể trong quyển Từ Ðiển Tác Giả Việt Nam, sách xuất bản năm 1999 ở Sài Gòn.
Năm 2005 tôi đọc lời kể về những ngày cuối cùng của ông Trần Văn Tuyên trong trại tù khổ sai cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Người viết, người kể chuyện là ông Hoàng Minh Lê Hồng Tuấn, một người tù chứng kiến những ngày sống cuối cùng của ông Trần Văn Tuyên. Ông Hoàng Minh Lê Hồng Tuấn đi HO sang Kỳ Hoa Ðất Trích, đã từ trần, ông để lại tập Hồi Ký mà các bạn ông đặt tên là Di Bút của một Người Tù.
Mời quí vị đọc một số trang
DI BÚT CỦA MỘT NGƯỜI TÙ. Hồi ký của Hoàng Minh Lê Hồng Tuấn
Ðăng trên Tạp Chí CON ONG-Houston, Texas.  Số 164165, Tháng 3, Tháng Tư 2005.
Tù chưa bao lâu mà sức đề kháng của anh em đã sút giảm thấy rõ, kéo theo sự bạc nhược về tinh thần. Mỗi lần nhìn Niên trưởng Dương Ðức Thụy tôi lại thấy đau xót như nhìn sự tàn tạ của chính tôi, của chế độ nay đã bị diệt vong. Niên trưởng thường hay ngậm ngùi nhắc lại cái ngày xưa của mình, rồi buông thõng một câu .. Si les vieux pouvaient..” Anh Trần Văn Tuyên thì tỏ rõ thái độ của người quân tử bị mắc bẫy tiểu nhân. Thái độ nhẫn nhục bên ngoài không che được cái cuồng nộ bên trong. Những buổi trưa vắng người, tôi thường ra góc sân vắng ngồi cho thảnh thơi tâm trí, tôi hay gặp anh Tuyên ở đó. Anh hay ngẩng đầu nhìn lên ngọn cau. Tôi hỏi anh tại sao anh kẹt lại? Anh nói nếu anh muốn đi thì anh đã đi từ lâu, nhưng anh không làm thế được. Nhục lắm. Hỏi anh liệu Miền Nam còn trung lập được bao lâu nữa, cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” liệu còn tồn tại được bao lâu nữa, và số phận của đám Mặt Trận này sẽ ra sao? Anh nói: “Nếu chúng nó thông ra thì chúng nó đừng làm cái trò đấu tố khốn nạn chúng đã làm ở miền Bắc năm 1954, 1956. Cái tàn ác nhất của bọn cộng sản là chính sách đấu tranh giai cấp. Thằng Trường Chinh còn đó, nó lại đang nắm nhiều quyền hành. Thằng đó ác lắm. Số phận bọn Mặt Trận Giải Phóng rồi cũng chẳng khác gì anh em mình bây giờ.”
Anh luôn luôn nghĩ đến tình trạng đáng thương của đồng bào miền Nam nay bị xâu xé, bóc lột, đầy ải không khác cảnh ngộ đồng bào miền Bắc hồi năm 1954, 1956. Anh bảo đó là một đại họa cho đất nước. Anh bảo những người Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không cộng sản rồi sẽ bị thanh trừng. Cộng sản luôn luôn làm như vậy để trừ hậu hoạn.
Anh Tuyên rất dị ứng với những “danh từ mới”. Mấy anh buồng trưởng thì lại xử dụng những danh từ mới ấy rất trơn tru. Anh Nhâm, buồng trưởng của anh Tuyên, cũng không tránh khỏi cái “nghiệp” đó nên tôi thường nghe anh Tuyên than phiền về tình trạng “hội nhập” quá nhanh của các vị ấy với cái gọi là “chế độ mới”. Phạm Thành Ngọc thì rất tếu, anh nhái tiếng Bắc kỳ mới” một cách diễu cợt rất tức cười. Anh Nhâm biết nhưng cứ tảng lờ như không biết, cứ tuôn ra những “từ” như “thành khẩn, khẩn trương, khắc phục, đăng ký, điển hình, tiên tiến, bảo quản, tích cực, tiêu cực, làm tốt, lên lớp..vv…” 
Vũ Văn Quý thì chỉ có hai đề tài: Những chuyện linh tinh, vui vui, buồn buồn trong Quốc Hội của ta và chửi cộng sản. Bất cứ cái gì của cộng sản anh cũng nhìn ngay ra mặt xấu và tìm ra ngay được những lời tàn tệ nhất để diễn tả. Những lần lên hội trường xem TiVi, anh thường kéo tôi ngồi vào một góc với anh để trong suốt buổi xem, rỉ rả rót vào tai tôi những lời phê bình vừa cay nghiệt vừa tức cười về những hình ảnh trên TiVi.
Ngày 23 tháng 11 năm 1976 trời mưa tầm tã. Chúng tôi đang ngồi nghe đọc báo thì cán bộ Thoại đội mưa vào gọi buồng trưởng ra ngoài hành lang. Một lát sau, Phạm Thái vào thông báo sẽ có một buổi sinh hoạt buồng vào ngày mốt, nội dung sẽ cho biết sau.
Sau bữa ăn trưa, tôi đang ngồi một mình thì Phạm Duy Tuệ và Ðặng Văn Tiếp tới, nói rằng sẽ có một buổi sinh hoạt để anh em phát biểu ý kiến, nói lên nhận thức của mình trong quá trình học tập cải tạo.
Mưa đã tạnh nhưng trời đất sũng nước. Chúng tôi gặp nhau ngoài sân bàn về buổi sinh hoạt sắp tới. Anh Ðỗ Sinh Tứ đến đứng với các anh Trần Văn Tuyên, Phạm Duy Tuệ, Trần Cảnh Chung, Ðặng Văn Tiếp và tôi ở góc sân, một lúc thì có Nguyễn Xuân Phong ghé vào. Chúng tôi đứng nói chuyện mãi cho đến lúc kẻng đánh báo giờ điểm danh, vào chuồng.
Khi xếp hàng vào chuồng, anh TV Tuyên bảo tôi: “Chúng nó giở trò cho anh em mình tự chửi bới với xâu xé nhau đấy.”
Vào buồng, lần đầu tiên tôi thấy các anh trong Việt Quốc nói chuyện một cách “nghiêm túc”. Các anh Phan Minh Thám, Phan Vỹ, Trần Thích nói nho nhỏ với nhau. Có lẽ các anh cũng nghĩ như anh TV Tuyên. Buồng trưởng Phạm Thái vẫn bộ mặt bì bì vô cảm, ngồi một mình, quay mặt nhìn ra cửa sổ. Thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Mân nằm cạnh tôi, anh ngồi tưạ lưng vào tường, khoanh tay, nhắm mắt. Anh người nhỏ bé, đi lại nhẹ nhàng, ăn nói nhỏ nhẹ, giọng miền Trung ấm áp. Anh sống như một cái bóng.
Buổi sáng như thường lệ anh Tuyên ra hồ tắm sáng, anh vẫn tắm buổi sáng như vậy từ khi ra đây, mặc dầu bây giờ trời đã chớm đông.
Buổi sinh hoạt được tổ chức trong buồng. Cái bàn gỗ tạp vẫn để sát tường hôm nay được lau chùi kê ra giữa buồng. Một cái ghế được đem vào. Chúng tôi tề tựu đông đủ. Anh Tuyên ngồi sau anh Ðồng Tuy, tôi ngồi sau lưng anh Tuyên, bên cạnh anh Tuyên là anh Triệu Huỳnh Võ và anh Vũ Văn Vỵ.
Cán bộ kéo đến, đứng lố nhố bên ngoài. Khi cán bộ Thoại mới nói mấy câu mở đầu, tôi thấy anh Tuyên một tay ôm đầu, một tay chống xuống sạp. Hai anh ngồi kế chưa kịp ôm anh thì anh ngã ra sau, anh ngã vào ngực tôi. Tôi đỡ gọn anh vào lòng. Chỉ nghe anh nói được ba tiếng: “Không sao đâu!” Rồi anh thiếp đi. Tôi bồng anh, cùng với anh Vỵ, đặt anh nằm vào chỗ nằm của anh Ðồng Tuy ở góc buồng, gần cửa sổ lớn, lấy mền đắp cho anh, anh Vỵ xoa dầu nóng cho anh. Anh nằêm thiêm thiếp, nhắm mắt.
Buổi họp tiếp tục, bây giờ có mấy anh thành phần đảng phái quốc gia tự nhận đảng của mấy anh là đảng phản động. Mấy anh này kể ra “quá trình chống phá cách mạng của Ðảng anh và bản thân anh” rồi nói lên những suy nghĩ bây giờ nhờ được cải tạo. Hầu hết các anh nói những lời chung chung và hưá sẽ cải tạo tốt. Chỉ có hai anh Phạm Thái và Ðoàøn Thái là tích cực nhận tội, tự sỉ vả mình, nên được cán bộ ghi nhận là “có nhiều trăn trở.” Một số anh em khác cũng phải phát biểu, như anh Nguyễn Văn Thành, nghị viên Ðàlạt, các anh Ðoàn Quang Tuyên, Phan Vỹ, Trần Thích. Theo nhận xét của Niên trưởng Vũ Văn Vỵ lời nói của hai anh Phan Vỹ, Trần Thích là khôn ngoan và khéo nhất.
Trong suốt buổi họp, anh Vỵ mấy lần xin phép rời chỗ đến xem anh Tuyên. Anh Tuyên vẫn nằm thiêm thiếp, dấu hiệu duy nhất của sự sống nơi anh là ngực anh phập phồng nhẹ nhẹ.
Buổi sinh hoạt chấm dứt. Chúng tôi xúm lại chỗ anh Tuyên nằm. Anh Vỵ chạy ra nói với cán bộ Thoại. Cán bộ Thoại vào buồng nhìn anh Tuyên nằm rồi đi ra. Nhiều anh em buồng 1 họp xong chạy sang thăm hỏi anh Tuyên, trong số có Trần Cảnh Chung. Chung tỏ ra rất lo âu, anh là bạn của con anh Tuyên, Trần Tử Huyền.
Nửa giờ sau cán bộ Thoại trở lại với một cán bộ y tá. Cán bộ này nghe tim, bắt mạch, chích cho anh Tuyên một mũi thuốc.
Anh Tuyên nằm lại tại chỗ của anh Tuy. Anh cứ nằm bất động, không một lần tỉnh lại hay cựa quậy. Anh Vỵ cứ quanh quẩn bên chỗ anh Tuyên. Tôi cảm động vì mối giao tình của hai anh. Anh Vỵ khóc, những giọt nước mắt cứ lăn trên gò má răn reo của người tù già. Anh Vỵ và tôi hai lần thay quần cho anh Tuyên. Không có dấu hiệu nào cho thấy anh Tuyên biết được những việc xảy ra quanh anh. Anh Vỵ chốc chốc lại ghé tai gần mũi anh Tuyên xem anh còn thở hay không.
Sáng hôm sau, cán bộ Thoại vào phòng với cán bộ y tế. Rồi xe ô tô của trại đến cổng khu, cán bộ Thoại ra lệnh mang anh Tuyên ra xe.
Tôi cuộn anh Tuyên trong cái mền anh đang đắp, bồng anh ra xe. Trần Cảnh Chung nhẩy lên chiếc xe tải chở vật liệu xây cất, dẹp một chỗ để anh Tuyên nằm. Anh Tuyên vẫn thiêm thiếp.
Xe chạy. Anh em bị lùa vào khu. Cửa cổng khoá lại. Hôm ấy không ai làm gì được. Tất cả lóng ngóng chờ tin anh Tuyên. Mãi đến chiều cán bộ Thoại mới vào cho biết anh Tuyên được đưa ra bệnh viện tỉnh.
Chúng tôi đã quen với bộ bà ba trắng, mái đầu bạc, cái chân sưng tấy của anh Tuyên. Bây giờ vắng anh, tôi thấy tôi vừa mất đi một cái gì rất thân thiết. Anh Ðặng Văn Tiếp nói anh Tuyên khó qua khỏi vì như thế là anh Tuyên bị đứt gân máu, xuất huyết não. Tôi ngậm ngùi nói tội thay, ở sông, ở biển không chết, chết trong vũng trâu đằm..
Từng đi bốn bể, chín chu
Trở về xó bếp chuột chù gặm chân.
Vào buồng, Buồng trưởng Phạm Thái long trọng” cho chúng tôi biết anh Tuyên “được ban quản đốc Trại chiếu cố đưa về bệnh viện tỉnh cứu chữa.”
Ðầu chỗ nằm của anh Tuyên có vài quyển sách, một số giấy tờ. Anh Tuyên có quyển “Communism and how to fight it?” Anh Vỵ lấy đem về chỗ anh.
Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, cán bộ Thoại vào, nói tuy được tận tình cứu chữa, nhưng bệnh quá nặng, anh Tuyên đã mất lúc 2 giờ sáng (ngày 29 tháng 11, 1976). Chúng tôi lặng người đi.
Cán bộ Thoại đi rồi, anh em Buồng 1 sang bàn chuyện nay cử ai đại diện anh em đi đưa anh Tuyên đến nơi an nghỉ. Anh Ðặng Văn Tiếp đưa ra ý kiến nên có đại diện dân cử, đảng phái, tôn giáo.
Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau, Trại trưởng Dũng vào buồng 1, ra lệnh tập họp anh em hai buồng lại nghe y nói chuyện. Lố nhố bên ngoài là Trại Phó, An ninh, Trựïc trại, Giáo dục. Trại trưởng Dũng nói anh Tuyên chết vì bệnh, tuổi già. Việc cử đai diện này nọ đi đưa đám là không được. Y hỏi: “Các anh còn đoàn thể, đảng phái gì nữa? Các anh đại diện ai, đại diện cái gì? Ðã vào đây mà các anh còn chưa bỏ tư tưởng phản động! ” Rồi Y gằn giọng: “Các anh vi phạm kỷ luật của Trại..!” Y nói nhiều câu đe doạ trừng phạt rồi đi ra.
Nhưng rồi trại cũng cho vài người trong 2 buồng đi đưa đám anh TV Tuyên. Buồng 2 có hai người đi là Phạm Thái với tư cách Buồng trưởng, anh Vũ Văn Vỵ là bạn thân của người quá cố.
Tôi nhờ anh Vỵ lậy anh Tuyên dùm tôi ba lậy, nhiều anh em khác cũng nhờ anh Vỵ lậy dùm như thế. Ðồ của anh Tuyên được đem ra cho cán bộ kiểm kê, lập biên bản, cất vào kho tang vật. May mà anh Vỵ đã lấy được mấy quyển sách và số giấy tờ của anh Tuyên.
Chiều hôm ấy trời mưa rất lớn. Mãi đến khoảng 9 giờ tối anh em đi đưa đám anh Tuyên mới trở về buồng. Sau khi thay đồ, Buồng truởng Phạm Thái yêu cầu anh em ngồi lên nghe anh tường trình về đám ma. Anh mở đầu bằng những câu ca tụng sự khoan hồng và nhân đạo cuả Ðảng và Nhà nước, thể hiện trong việc tận tình cứu chữa anh Tuyên và việc chôn cất anh rất đàng hoàng, có cả lễ nghi tôn giáo, mộ có bia ghi tên người quá cố…
Phạm Thái nhắc đi, nhắc lại sự khoan hồng, lòng nhân đạo của Ðảng và Nhà Nước, sự tống tiễn chu đáo của Trại, giọng nói của anh đều đều, vô cảm, hoà nhịp với tiếng mưa rơi làm cho cảnh buồng giam đã ảm đạm đêm nay trở thành vô cùng thê thảm. Chúng tôi ủ rũ ngồi nghe, thương người vưà nằm xuống, giận tình đời đen bạc, khinh bỉ bọn thò lò sáu mặt, rồi thương thân mình. Những lời ca tụng lòng nhân nghĩa của “Cách mạng” như dao cưá, muối xát vào tim chúng tôi.
Cái chết của anh Trần Văn Tuyên gây xúc động sâu xa trong lòng chúng tôi. Với nhiều anh em chúng tôi, anh TV Tuyên là người bạn quí, là người anh gương mẫu, là người cha hiền. Thái độ khinh thị và những lời đe doạ của Trại trưởng Dũng làm chúng tôi tủi nhục, uất ức. Nhưng chúng tôi như những con cua gẫy càng, bị nhốt trong giỏ, còn chống cự gì được nữa!
Anh Vỵ bảo tôi rất có thể chúng nó chẳng đưa anh Tuyên đi cứu cấp, chữa trị gì cả, chúng nó chỉ cho xe chở anh đến chỗ nào đó, quăng anh nằm đấy. Anh chết rồi chúng nó đem về cho chôn. Anh Trần Cảnh Chung cũng cho là anh Tuyên chẳng được mang đi cứu cấp gì cả, chúng nó đem đi để nằm đâu đó cho chết. Anh Vỵ kể khi quàn xác anh Tuyên, chúng có chụp ảnh trước và sau khi quàn. Anh chỉ thấy có giấy chứng anh Trần Văn Tuyên đã chết của Trại, không thấy có giấy tờ gì của bệnh viện.
Ngưng trích
Dân biểu Trần Văn Tuyên, người bận com-lê đứng trước hàng dây thép gai, trong cuộc biểu tình “Ký giả đi Ăn Mày,” Sài Gòn năm 1974.
Tôi, Công Tử Hà Ðông, cũng nghĩ như các ông bạn tù của ông Trần Văn Tuyên: Bọn Cai Tù không đưa ông Tuyên đi cứu cấp. Sợ phản ứng của những tù nhân, chúng đã nói dối, chúng đã làm giả. Tôi thán phục sự nhận biết sắc bén của những ông tù VNCH: mới chỉ có một ông tù chết, các ông đã thấy ngay sự dối trá, hèn và tàn ác của bọn Cai Tù Cộng sản. Bọn chúng coi mạng sống của người bị chúng bỏ tù không ra cái gì cả. Ðây là chuyện chúng đối xử với người tù Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận khi ông bị ngất trong phiên toà xử “tội chống Cộng” của Tổ chức Già Lam. Tôi biết rõ chuyện này.
Năm 1982 một tổ chức chống Cộng bị bọn Công An Thành Hồ phá và bắt. Tổ chức tương đối lớn, đông người, có võ trang, tức có súng, dự định mở chiến khu đánh lại bọn cộng sản. Nhiều người của tổ chức bị bắt ở Sài Gòn, Hố Nai, Huế, Nha Trang. Trong số những người bị bắt có nhiều tu sĩ Phật Giáo và những người tín đồ Thiên Chuá Giáo. Những người bị bắt năm 1982 không chịu khai ra những lãnh tụ của họ. Cuộc điều tra kéo dài mãi cho đến năm 1984. Một người trong tổ chức bị bọn điều tra giam trong sà-lim ở Nhà Tù Chí Hoà đến ba năm. Chúng giam người này trong sà-lim với lời nói thẳng: “Khai nhóm lãnh đạo thì cho ra khỏi sà-lim, không khai thì cứ nằm trong đó.” Ba năm qua, chịu đựng khổ cực hết nổi, người bị giam phải cung khai. Trong một ngày bọn Công An Thành Hồ đi bắt ba người: Sư Nữ Thích Trí Hải, Sư Ông Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Sư Ông Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương. Một tháng sau chúng bắt thêm Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận.
Tổ chức chống Cộng ấy xuất phát từ Chùa Già Lam, Phú Nhuận, nên được anh em tù gọi là Nhóm Già Lam. Ðây là tổ chức chống Cộng có võ trang đông người, nhiều người nổi tiếng, bị giam lâu nhất ở Nhà Tù Chí Hoà. Bị bắt từ năm 1982, rồi có người bị bắt thêm năm 1984, bị giam mãi đến năm 1988 bọn Công An Thành Hồ mới đưa Tổ chức Già Lam ra toà xử.
Phiên toà kéo dài hai ngày. Buổi chiều ngày xử thứù hai, Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận, bị ngất, ngã trong phòng xử. Bọn Công An áp giải tù vào khiêng Thượng Toạ ra ngoài. Chiều hôm ấy chúng tuyên án: Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương tử hình, TT. Thích Ðức Nhuận tù 10 năm, nhiều người tù 20 năm, 18 năm, 15 năm. Người tù nhẹ án nhất trong tổ chức là 4 năm: Sư Nữ Thích Trí Hải.
Tối xuống, những người tù Già Lam từ toà án trở về nhà tù Chí Hoà mà không có TT. Ðức Nhuận cùng về. Mọi người đều nghĩ Thượng Tọa được đưa đi bệnh viện cứu cấp, nếu không được đưa đi BệnhViện Chợ Rẫy thì ít nhất ông cũng được đưa về nằm trong cái gọi là trạm xá y tế của nhà tù Chí Hoà. Hai tử tù Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương bị đưa ngay sang khu Tử Hình.
Tất cả mọi người trong phòng tù đều cho là Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận được đưa đi cứu cấp. Hôm sau khoảng 11 giờ trưa chúng tôi thấy Thượng Tọa được đưa vào phòng. Trông ông xanh xao, vàng ủng, yếu đến dễ sợ. Vào phòng ông kể chuyện, anh em chúng tôi mới biết…
Thượng Tọa không được cứu cấp chi cả. Chiều qua khi ông ngã ngất ở toà án, hai tên công an khiêng ông ra, cho ông vào xe chở tù. Xe này do Liên Xô chi viện, là xe chở nhóm tù Già Lam ra toà. Trong xe có một ngăn kín dùng để nhốt những tù nhân nguy hiểm, hung dữ. Chúng bỏ Thượng Toạ vào ngăn đó, đóng cửa lại và bỏ mặc ông trong đó. Khi những người Tù Già Lam lên xe trở về Chí Hoà, không ai biết có TT. Ðức Nhuận ở trong ngăn tù kín trong xe. Trong ngăn, TT có kêu người bên ngoài cũng không nghe tiếng. Xe về đến Nhà Tù Chí Hoà, bọn áp giải tù quên mất có một người tù bị chúng nhốt trong ngăn cách ly. Chúng bỏ quên TT. Ðức Nhuận trong xe.
Nhờ không bị còng tay, còng chân, không bị xiềng vào cái ghế sắt nên TT. Ðức Nhuận chỉ khổ mà không chết. Sáng hôm sau thấy trên mui xe có một lỗ hổng thông hơi, ông đứng lên ghế, thò tay qua lỗ thông hơi ra ngoài, vẫy vẫy. Ông gầy ốm, bàn tay và cổ tay ông nhỏ síu nên mới thò qua được lỗ thông hơi. Một tên công an đi qua bãi đậu xe, trông thấy có bàn tay người trên nóc xe vẫy vẫy, bèn đi lấy chìa khoá mở cửa xe, đưa ông vào phòng tù. Nếu Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận không thò được bàn tay ra trên nóc xe tù, ông đã chết khô trong xe.
o O o
Những ngày như lá, tháng như mây…
Bấy giờ là Tháng mấy, năm bao nhiêu? Em nhớ không Em? Hôm nay anh nhớ: Vào khoảng 11 giờ trưa một ngày Tháng 10, hay Tháng 11 năm 1988, anh ở trần, quần sà lỏn, ngồi giữa đám anh em người nào cũng quần sà lỏn, ở trần. Phòng tù đông tù, láo nháo những người, lao xao tiếng người, qua hàng chấn song sắt anh nhìn thấy thằng Cai Tù áo vàng đưa Thuợng Tọa Thích Ðức Nhuận về phòng. Ðến lúc ấy tất cả mọi người vẫn tưởng  Thượng Toạ về phòng từ cái gọi là trạm xá y tế của Nhà Tù. Năm phút sau khi ông vào phòng, anh em tù được biết suốt đêm qua ông bị chúng nó bỏ quên trong xe chở tù.
Tháng 10, tháng 11 năm 1988, ở Sài Gòn, thành phố thủ đô thân thương của chúng ta, thành phố đôi ta gặp nhau, yêu nhau và đôi ta thành vợ chồng, anh mới 50 tuổi, em mới 40 xuân xanh. Thực ra thì năm ấy anh 54, 55, em 52, 53 chi đó, nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy: 55 tuổi anh mới 50, 50 tuổi em mới 40: năm ấy đôi ta còn trẻ lắm. Qua bao nhiêu đau thương, bao nhiêu vỡ tim, bao nhiêu dâu biển, bánh xe tị nạn đưa đôi ta đến Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, anh đọc những trang người tù kể chuyện xưa và trong 543 sát-na anh thấy anh ốm nhách, anh ở trần, anh quần sà lỏn, anh râu ria, anh ngồi giữa đám anh em lao nhao, lao xao trong Phòng Tù Số 20 Khu FG Nhà Tù Chí Hoà, anh nhìn thấy Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận xanh xao đứng ngoài hàng lang chờ thằng cai tù Việt Cộng nó lạch cạch khoá sắt mở cửa phòng tù cho ông vào. Suốt đêm qua bọn cai tù cộng sản ác ôn bỏ quên ông trong xe tù của chúng. Từ lúc 3 giờ chiều hôm qua khi ở phòng xử toà án, ông ngã ngất đến lúc này là 11 giờ trưa ông không được uống một miếng nước. Nếu trong mười mấy giờ vưà qua ông có chết, bọn cai tù sẽ nói chúng có đưa ông đi cấp cứu đàng hoàng, nhưng ông chết..
Như chúng đã nói như thế về  Người Tù Trần Văn Tuyên!
Và 30 năm sau những ngày sống u ám, tuyệt vọng của đôi ta ở Sài Gòn, hôm nay anh ngồi bình an trên đất Mỹ đọc chuyện xưa, nhớ chuyện xưa, anh viết những dòng này. Em yêu ơi.. Bọn cộng sản ác ôn chúng nó bỏ tù, chúng nó giết ông Thủ Tướng Phan Huy Quát của chúng ta ở Nhà Tù Chí Hoà, chúng nó bỏ tù, chúng nó giết ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên của chúng ta ở một trại tù khổ sai miền Bắc. Không phải chúng chỉ bỏ tù, chúng chỉ giết có hai ông ấy, chúng bỏ tù 5,546,834 nhân vật quốc gia của chúng ta, chúng giết 3,765, 832 người trong số đó. Anh không thù, anh không hận chúng nó sao được!
Dzậy mà em thấy đấy, ở Mỹ này có những thằng dám mở mồm bảo, khuyên anh “Quên hận thù bọn cộng sản đi. Ðừng kể chuyện Tù Ðầy nữa!” Những thằng khốn nạn ấy không bằng loài chó!
Anh sẽ còn tính chuyện phải quấy với những thằng khốn kiếp đó dài dài!


No comments:

Post a Comment