Pages

Monday, September 10, 2012

HÀ THÚC SINH * SONG THAO

NGHE SONG THAO KỂ CHUYỆN
Hà Thúc Sinh
Phàm đọc một tác giả như hầu chuyện một người bạn. Người bạn lâu năm, ta quen cách ăn cách nói, ta yên tâm mà đối xử. Bạn nháy mắt một cái ta biết ý rồi, bạn ho một cái ta càng biết ý hơn, nói chi khi bạn cười bạn khóc. Không 51 cũng 49 phần trăm ta đã “nắm” được tâm tình bạn, và cứ thế, ta biết góp thêm những cái ta cho là nó có tham dự vào nỗi cao hứng của ta, bằng không thì “thôi, bỏ chuyện đó đi Tám, mình làm chén rượu”. Chuyện vãn với anh bạn quen thú là như thế. Nhưng với người bạn lạ, a, bạn tưởng là tôi sẽ không thích thú lắng nghe. Chẳng vậy đâu. Đôi khi trong cái thói quen lung khởi quá đáng của anh, ta cứ kiên nhẫn, vì có thể vẫn có lắm bất ngờ thú vị xảy ra; kể cả trong lối nói tưởng là thông tục hay ba hoa ấy đừng tưởng không có những điều bắt ta dừng lại, gật gù.
Thế nào thì “Bỏ Chốn Mù Sương” của nhà văn Song Thao vẫn là một người bạn mới của tôi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả sách lẫn người.
Cứ xem ngay truyện đầu, Như Giọt Rượu Nồng, ôi thôi, tôi đã có ngay cảm tưởng được hầu chuyện một anh bạn tự biết mình thông minh. Anh nói quá xá, nhiệt tình quá xá, như người có cái ruột để ngoài da, kẹt xe dưới trời tuyết, ngoái sang thấy anh bạn đồng hành trên xe bên cạnh, là tôi, mặt mày băn khoăn, táo bón; và cứ thế, như một người vui vẻ, anh đem một câu chuyện chẳng cần biết tôi thích hay không, kể ào ạt xem ra muốn giúp tôi đốt được chăng mối băn khoăn trăn trở khi nhìn về con đường nhầy nhụa phía trước. Mới đầu tôi choáng váng. Bực nữa. Chà, trong cái thế giới sex ngập tới răng này, anh còn nhồi thêm chi vào tai tôi chuyện cái anh chàng Alain “hoàn toàn sống theo bản năng” kia nhỉ? Ấy nhưng bạn chớ tưởng tôi không theo anh sát sạt đó nghe. Tôi là tên đàn ông bình thường! Tôi có cáu kỉnh với tên Alain nhưng mà cái kinh nghiệm của hắn về đàn bà, thú thật tôi cũng ước ao chi lạ. Chậc chậc, sống mà thấu được “bộ ngực săn dòn đầy ắp của gái Hạ Uy Di. Cái lẳng lơ khiêu khích của gái Mễ Tây Cơ. Cái mông chắc nịch tròn trịa của gái Nam Mỹ. Sự nồng nàn nóng bỏng của gái Ba Tây. Vẻ hồn nhiên vô tội của gái Bắc Âu...'' thì quả đời như thế không là đáng sống lắm sao? Không là một ưu đãi của trời đó sao?
Nhưng tôi thích hơn cái “đằng sau khuôn mặt dễ nhìn này là một b óc biết suy nghĩ” của cô Jennifer. Cô có lối chống trả dễ thương quá xá. Tiếc sao tôi đang chăm chú muốn nghe thêm về cô, thì người kể chuyện tự dưng đánh rơi cô đâu mất tiêu. Thật là một sự đãng trí đáng cho những phụ nữ đoan trang quy trách!
Bạn tưởng giận vậy rồi tôi bỏ luôn ông bạn mới, tống ga đi thẳng. Làm gì có chuyện đó. Trước mặt còn kẹt xe quá xá mà. Tôi nghe tiếp và đây là điều đã làm tôi yên tâm...vậy vậy. Ít nhất anh đã không kể một câu chuyện sex khơi khơi mà rõ là có chủ đích. Alain bông lơn đưa ra một đề nghị vô luân: “Mày muốn đổi vợ mày không?”. Chà, chuyện xoàng Tây Mỹ. Thế anh phản ứng thế nào. Tôi hồi hộp chờ. Anh “muốn vung tay đấm mạnh vào bộ mặt nham nhở của Alain”. Nguy! Tây to hơn mình. May. Anh khôn. Phản ứng “quá đáng” ấy chỉ xảy ra trong tâm tưởng - tâm tưởng một anh chàng Á Đông vốn thấm nhuần cái đạo vợ chồng. (Ấy nhưng sao tôi không tránh được cảm tưởng anh hơi...gian trong vụ này. Anh khai thác hơi nhiều cái món đạo đức Á Đông, mà xem ra có vẻ ngấm ngầm lấy điểm bà xã?) Dĩ nhiên cấu kết câu chuyện “phải đạo” như thế, thôi cũng được; tôi xin chia xẻ với bà nhà, và mừng cho anh!
Xe vẫn kẹt. Nhưng tôi đã nhuốm bệnh tò mò rồi đấy. Tôi ra bộ hờ hững nhưng thực thì đang đeo anh sang truyện kế tiếp “Bỏ Chốn Mù Sương”. Gì chứ gái thông minh mà còn thận trọng nữa ai chẳng thích. Cô Ánh là gái thông minh và thận trọng. Cô được chị bạn khen đẹp, cho điểm 10. Xem cô thận trọng thế nào. “...chị ngâm thơ xong cứ đứng tần ngần trước gương nhìn mặt mình như tiếc nuối. Nếu đôi mắt chị to hơn một chút, khuôn mặt tròn trịa hơn một chút, sống mũi cao hơn một chút, da mặt ít sần sùi hơn một chút thì chị có thể là một người đàn bà dễ nhìn (!). Ngắm dung nhan chị tôi nghĩ là chị có phần quá dễ dãi khi cho điểm nhan sắc tôi nên tôi đành bấm bụng hạ số điểm xuống ba bốn phân cho sát với thực tế”. Thực mà nói tôi không thích can dự lắm vào chuyện tình của mấy cô gái không là của tôi. Tôi tảng lờ nhìn ra ngoài cửa xe, kệ anh muốn nói hươu nói vượn tùy. Có điều quả tôi đang có tí manh tâm, ước sao mình hớt được con nhỏ thông minh này, để giúp cô em biết vui biết buồn, ngày cô bỏ lại cái khu học xá có nhiều mẩu đối thoại thật rộn rã ấy.
Thôi, chắc tôi phải đi thôi. Nhưng đi đâu? Trước mắt tôi còn kẹt mấy dặm xe. Tuyết vẫn đổ quá xá quà xa. Anh bạn mới lại lăng xăng nhảy sang hàng mớ truyện khác. Anh muốn nghe chuyện “Theo Dòng Thác” không? Thôi thôi. Tôi xưa nay kỵ nước và xà phòng, xin tha cho. Thế mà chết chửa. Anh cứ lôi xuyệch tôi sang Âu Châu. Rõ là một người rộng chân rộng cẳng. Anh còn nói tiếng Đức với cái nhà cô Kristina cho đó nữa chứ. Có điên đầu tôi không! Anh, Pháp thì còn vớ va vớ vẩn được. Đức tôi chịu gì thấu. Sao? “Đôi tay Cảnh mở hội hoa đăng. Dòng suối màu sữa uốn mình thức giấc. Thịt da lên gai ngây ngất. Dạt dào tiếng thác vỗ. Rung động nỗi khát khao. Bùng nổ những đê mê đang triền miên vỗ về hai khối da ngà”. Xin anh! Không âm mưu xúi tên văn sĩ nghèo là tôi trộm tiền vợ bay sang Âu Châu đấy chứ? Anh lại còn nói dối nữa. Gớm, “gái Bắc Âu hồn nhiên vô tội” là thế đấy à? Nhưng mà này, anh ấm ớ lắm thôi. Đã đến cái giai đoạn nhìn xuống mà ngâm “rày rày sẵn đúc...”, đến nỗi người ta phải phong cho anh là “ông thần thác”, thế mà khi người đẹp ngước nhìn, anh lại còn giả vờ giả vịt “anh chẳng bao giờ hiểu được ánh mắt đó” là nghĩa làm sao. Anh quê quán đâu thế? Hà Nội à? Rõ là trai Hà Ni mới có được cái ỡm ờ thế đấy. Thôi tôi đi đây. Còn kẹt. Ừ nhỉ. Nhưng cho tôi nghỉ chút chớ. Đầu tôi đang lộn xộn với mấy cái bill cuối tháng này. Tôi năn nỉ nhưng anh bạn nào có cho tôi nghỉ. Anh lôi tôi đi tiếp, cho hưởng luôn một không khí “Giao Thừa Ở Một Nơi Khác”. A, mà anh đang kể chi đó? “Người Đàn Ông Bên Cạnh”? Cái cô gì nhỉ? Cô ấy từ hôn anh chàng Nguyễn chỉ vì anh này ưa nhìn gái đẹp, loại người mà cô mỉa mai “Anh đừng làm bộ nữa. Em tưởng đàn ông các anh ưa nhìn những chỗ không có áo chứ!” Cô cũng thông minh, nhưng cô lại tự biến mình thành kẻ đối lập với sự thông minh bẩm sinh. Tệ hơn, sự thông minh không đủ để cô hiểu rằng chính những kẻ thích nhìn vẻ đẹp mới là kẻ đến gần được bàn tay sáng tạo của Thượng Đế. Rồi tưởng sao, cô đi lấy một anh Tàu, rồi cô than cô mất đi tiếng “mình” thân thương, cả đời “tôi chỉ có một người đàn ông bên cạnh”. Cái “tem” hay. Cô nào chê trai Việt lắm vào, anh nên kể cho họ nghe câu chuyện, để thấy sự bạc phước luôn là hậu quả từ một chọn lựa sai lầm.
Ồ, cái tranh đẹp quá! Ai vậy? Đinh Cường à? Nhất. Tay nhà nghề có khác. Thôi đừng kể nữa. Để tôi xem tranh. Anh Thái Tuấn thì tôi biết anh từ ngày còn để chỏm, tiên chỉ, xin yêu mà miễn bình. Hoàng Xuân Sơn à? Tay này tài hoa rất mực. Nhưng ông vẽ gì đây? Đầu ngỗng ngóc lên từ chiều sâu... mộng mị. Chà, bí hiểm bí hiểm. Tranh Hồ Đình Nghiêm? Lần đầu được thấy. Cũng liêu trai tây phương quá xá chớ. Có điều hơi nhem. Thành hơi hãi. Giữa đường, dưới đêm trăng tuyết, gặp em thế này thì cũng ấn tượng lắm lắm. Cái bìa thì khỏi giới thiệu. Nhìn biết của Nghiêu Đề rồi. Ông này có dạo tôi chọc quê, gọi ông là “chủ công ty gói bánh lá (ta quen gọi bánh giò)”. Tranh nào của ông cũng mướt, có điều chả hiểu sao cứ phải xua người đẹp vào sau những bụi chuối. Âm mưu chi chăng? Hay đó là cuộc thử nghiệm về sức hấp dẫn giữa... kiến và da thơm?
Gì nữa đây? Anh lại lai rai kể chuyện vượt biên, chuyện gia đình... Và chính một trong mấy chuyện về gia đình quả có bắt tôi phải nghiêm chỉnh lắng nghe. Truyện “Cô Ngân”.
Đây là câu chuyện mà thảm kịch đời của một nhân vật nữ, sâu xa cũng bắt nguồn từ một ẩn ức (?). Tôi không tin câu chuyện có sự lôi cuốn ở nghệ thuật kể. Khá rườm rà. Nhưng nội dung thì chứa hình ảnh một phụ nữ Việt Nam cho dù lấy tây, nhưng hồn Việt nơi cô sợ rằng không thiếu phụ nữ ngày nay có lấy ta, còn giữ được như thế.
Cô sinh trong một gia đình phú nông có phần nệ cổ. Cô xấu hơn các em. Và do đó mỗi khi trong nhà có tiếng heo tiếng gà bị vật thịt xôn xao - dấu hiệu một cô em gái được nhà chồng rước đi - thì cô vui đến...nước mắt giàn giụa. Sự xốn xang ấy, dồn nén ấy khiến có lúc ngủ chung với thằng cháu nhỏ tinh quái, nó “tò mò luồn tay vào ngực cô (...) cô làm như say ngủ (...) Ngực cô tròn trịa nhỏ nhắn”. Nó ''mân mê “hạt đậu xanh” rồi kề miệng vô (...) Mắt cô Ngân vẫn nhắm tít, miệng cô hơi mỉm cười (...).
Dù ai cũng có cô, có dì, nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm này. Tuy thế, xét sâu về mặt ẩn ức tình dục, ta khó có thể đặt vấn đề đạo đức vào đây mà ổn. Tôi chỉ xem đó như một động lực có tham dự vào sức đẩy cô Ngân, một người ghét tây, ghét Nhật, dấn thân vào con đường cách mạng, rồi khi nhận chân được Việt minh, cô về đem cả nhà dinh tê. Rồi cô vào tù Hỏa Lò, rồi cô...lấy tây, bị gia đình từ bỏ, và theo chồng hồi hương đến sống nơi hòn đảo Corse xa xôi, tuyệt vô âm tín với gia đình.
Nhiều chục năm sau, khi Sài Gòn mất, từ nơi xa xôi cô mới ra mặt xốn xang lo lắng như một hòn máu về những hòn máu khác. Lúc ấy người ta mới biết cô vẫn hoàn toàn là một người Việt Nam, nghĩa là lý do sự vắng mặt chẳng qua vì cô vẫn ghim cứng trong lòng cái truyền thống gia đình Việt Nam: “Anh cả giả cha”. Cô sợ anh cả mà không dám liên lạc, chỉ đến khi cả gia tộc lâm vòng hoạn nạn, cô cuống lên, mới biên thư “xin bố Nhương (anh cả) tha thứ và cho phép cô được thư từ liên lạc với gia đình”. Còn đời cô sống với người chồng tây như thế nào? Cô nuôi cả một bày con đông nên ông nên bà, được lối xóm tây đầm kính trọng đến kinh ngạc. Thành quả ấy cô thú nhận “thật ra cô thấy những việc cô làm cho gia đình (của riêng cô) chẳng có gì là ghê gớm cả. Cô chỉ bắt chước đúng cuộc sống của bà nội: quên mình hy sinh cho chồng con...”
Tôi ngừng nghe chuyện kể của tác giả Song Thao nơi đây với chút ý nghĩ bâng khuâng thế này: Anh có giọng kể duyên dáng, ví von thông minh, có nhiều chi tiết mới lạ quanh đời sống được khám phá bất ngờ... Nhưng với tác phẩm đầu tay này, xem ra anh còn sung sức quá, do vậy có thể vì đó mà có nhiều chỗ hồi ức, nhiều đoạn diễn tả tâm trạng hay tâm tình các nhân vật, anh chấm ngòi bút hơi mạnh, hơi sâu vào bình mực...Điều đó cho người đọc niềm tin rằng ở những tác phẩm tới, có thể nhờ chút “mỏi tay”, anh sẽ hạn chế được lượng mực, và người đọc không lo gì mà sẽ không được đọc thêm nhiều truyện ngắn mới vẫn rộn rã, nhiệt tình nhưng dưới một hình thức ngắn gọn, chặt chẽ và xa thể ký sự hơn.
Nhiều đàn bà của anh đã nhẩy sang xe tôi đến ngộp, tôi muốn gạt ra. Thế mà cái “Cô Ngân” ấy thì ở lại!
Saigon Times, Rosemead, California, ngày 8/10/1993
Nắng Mới, Montreal, Canada, số 23, tháng 8/1993

No comments:

Post a Comment