Pages

Saturday, October 29, 2016

PHAN THI BÍCH HẰNG= TRUNG CỘNG

VIẾT HIỀN * PHAN THI BÍCH HẰNG

Phan Thị Bích Hằng có lừa bịp hay không?

Viết Hiền
NQL: Cũng như Văn Công Hùng, mình có 0% để tin các nhà ngoại cảm. Nếu có một thế giới tâm linh thì thế giới ấy có một hệ qui chiếu khác, một dạng vật chất khác và đặc biệt một ngôn ngữ khác. Tất cả những gì về thế giới người âm mà chúng ta biết được đều là sản phẩm tưởng tưởng của người dương, tức là chính chúng ta đây. Bởi vậy khi nghe các nhà ngoại cảm nói họ có thể nói chuyện với linh hồn bằng chính ngôn ngữ của người đang sống ( lại còn nói chuyện được bằng điện thoại, hi hi) thì mình tin rằng đó là hoặc sự bốc phét, lừa bịp hoặc là những ngộ nhận hoang tưởng của người mắc chứng tâm thần phân liệt mà thôi.


Viết Hiền là một nhà báo đang sống ở Quy Nhơn, anh là người đã chứng kiến một vụ lên đồng nhập hồn vào vua Quang Trung và anh em của ngài, và có bài viết phản biện sau đây với chị Phan Thị Bích Hằng, mình coi đây là 1 kênh tham khảo... 
Bạn hãy đọc kĩ bài viết và các tài liệu dưới đây trước khi lên tiếng phản đối hay ủng hộ.
 

Mấy hôm nay, một vấn đề đã và đang được dư luận và cộng đồng FB đặc biệt quan tâm là Chương trình "Trở về từ ký ức" do nhà báo Thu Uyên và nhóm PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện. Qua phóng sự, một vấn đề gây “sốc” nhất là việc nhà ngoại cảm (NNC) Phan Thị Bích Hằng tìm hài cốt của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. Tuy nhiên, qua giám định của Viện pháp y quân đội thì đó chỉ là mảnh sành vụn, nắm đất và một chiếc răng lợn. Sau chương trình, đã có khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả ý kiến của “những người trong cuộc”…

Tôi có xem Chương trình "Trở về từ ký ức" và theo dõi khá nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này, trong đó có ý kiến của các ông, bà: Vũ Thế Khanh (Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA); Nguyễn Phúc Giác Hải (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người); Phạm Minh Hạc (Đại tá, nhà báo Hàn Vũ Thụy (Phó chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lí thuộc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam); Quan Thị Lê Lan (Phó chủ nhiệm thường trực Bộ môn Cận tâm lý, chỗ ông Thụy); GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người); Luật sư Trần Đình Triển; Đại tá - TS Đỗ Kiên Cường; Thạc sĩ Thôi miên Y khoa Nguyễn Mạnh Quân; NNC Phan Thị Bích Hằng; nhà báo Thu Uyên…


Theo đó, cô Bích Hằng nói: “Họ (VTV) mới nhìn vào một góc của sự thật, giống như con voi, họ mới nhìn thấy cái vòi mà đã đưa ra những phán đoán không đúng. Tất cả sự thật sau này sẽ được chứng minh còn đến giờ phút này tôi chỉ cảm thấy hơi đáng tiếc cho sự vội vàng, hồ đồ của họ”. Trong khi đó, các ông, bà: Thế Khanh, Giác Hải, Vũ Thụy, Lê Lan… lại “phản pháo” kịch liệt với những ngôn từ to tát, như: “Nói Phan Thị Bích Hằng như vậy là vô trách nhiệm” (ông Thế Khanh); “Nói NNC Phan Thị Bích Hằng lừa bịp là một sự xúc phạm” (ông Giác Hài); “Việc dựa vào 1-2 vụ việc không chính xác rồi “đánh” vào NNC Bích Hằng là thiếu khách quan, khoa học; … là sự phỉ báng cực kỳ vô luân” (ông Vũ Thụy)…
 
 Thế nhưng, ngược lại Ths Nguyễn Mạnh Quân thì tuyên bố: “Nếu NNC nào tìm mộ liệt sĩ đúng 3%, sẽ dâng cho họ toàn bộ tài sản, danh dự, cả Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên. Còn nếu họ tìm không đúng 3%, thì sẽ … cắt lưỡi NNC!”. Còn Đại tá - Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường thì khẳng định: “Cần cấm giới ngoại cảm hành nghề. Bất cứ ai tuyên bố có khả năng tiên tri, thấu thị hoặc áp vong, họ chính là kẻ lừa đảo, cho dù là lừa đảo chủ ý… Ngay cả ông tiến sỹ giám đốc UIA hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì, cho dù ông rất hăng hai nghiên cứu và tung hô giới ngoại cảm”…

Trước hết, tôi lấy làm lạ trước những phát biểu “đao to, búa lớn” của các ông, bà: Thế Khanh, Giác Hải, Lê Lan, Vũ Thụy,,, và cả cô Bích Hằng. Bởi lẽ, Chương trình "Trở về từ ký ức" không hề có câu nào quy chụp cho Bich Hằng là lừa bịp, mà chỉ nêu lên cụ thể việc Bích Hằng tìm hài cốt của đ/c Phùng Chí Kiên, nhưng qua giám định của Viện pháp y quân đội thì đó là mảnh sành vụn, nắm đất và một chiếc răng lợn. 
 
Nếu cô Bích Hằng và các ông bà Thế Khanh, Giác Hải, Vũ Thụy, Lê Lan… muốn thanh minh thì tốt nhất là họ nên chứng minh cụ thể hài cốt của đ.c Phùng Chí Kiên mà cô Bích Hằng “tìm thấy” là có thật, chứ không phải mảnh sành, nắm đất hay răng lợn. Đồng thời, cũng xin thưa, để thanh minh cho việc làm của mình, cô Bích Hằng và các ông, bà nói trên “lập luận” về cái gọi là xác xuất của NNC nhiều khi chỉ chính xác 60-70% và đúng được 30-40% là tốt rồi. Nhưng, xin lưu ý một điều, trước khi “tìm” được hài cốt của đ.c Phùng Chí Kiên, cô Bích Hằng cho biết, bằng năng lực của mình đã “gặp” và “nói chuyện” với đ.c Kiên, đồng thời được đ.c Kiên “chỉ dẫn” nên mới tìm được cái “đầu lâu” (không răng) và sau đó là 01 chiếc răng. Vậy, việc Viện Pháp y Quân đội xác định: Hài cốt được cho là của đ.c Kiên mà cô Bích Hằng “tìm thấy” là mảnh sành, nắm đất và chiếc răng lợn là sao?



Cũng xin lưu ý, trước đó, trong cuộc tìm kiếm mộ của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, cô Bích Hằng cũng cho biết là “gặp”và “nói chuyện” với Lý Thường Kiệt, song kết quả ngôi mộ đó không phải mộ Lý Thường Kiệt, mà là mộ người khác (?).


Nhân đây, cũng xin đề cập đến một số cuộc “nói chuyện với người cõi âm” mà cô Bích Hằng thực hiện tại tỉnh Bình Định, trong đó có 2 cuộc “gặp” và “nói chuyện” với thân sinh của Vua Quang Trung và 3 anh em Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Một cuộc “nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng diễn ra tại Bình Định cuối tháng 7.2011 và một cuộc diễn ra gần cuối tháng 11.2011.


Trước hết, xin được nói ngay rằng, cũng giống như các cuộc “nói chuyện với người cõi âm” để tìm mộ, trước khi về Bình Định, cô Bích Hằng đã tìm hiểu, đọc một số sách và tài liệu sử liên quan đến Nhà Tây Sơn và 3 ngài Tây Sơn Tam Kiệt. Trên cơ sở đó, cô Hằng đã chọn lọc những chi tiết “độc” để “phán” và làm cho những người xung quanh phải tin. Tuy nhiên, đối với những người tỉnh táo và có kiến thức về lịch sử thì dễ dàng nhận thấy ngay là kiến thực lịch sử của cô Bích Hằng khá “lơ mơ”, hầu như chỉ “nói dựa” và “độ chế lịch sử” theo kiểu “đầu Ngô, mình Sở” rất tùy tiện. Tôi xin phân tích một số trường hợp mà cô Bích Hằng thực hiện “nói chuyện với người cõi âm” như sau:


A- CUỘC “NÓI CHUYỆN” CỦA CÔ BÍCH HẰNG VỚI 2 VỊ THÂN SINH CỦA 3 ANH EM TÂY SƠN VÀ VUA QUANG TRUNG:

1- Trong cuộc “nói chuyện” với 2 vị thân sinh của Vua Quang Trung, cô Bích Hằng cho biết: “Hai cụ nói người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây Sơn, nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này…”.

Quả thật, khi nghe cô Bích Hằng “phán” điều này, hầu hết những người xung quanh, nhất là các đ/c lãnh đạo tỉnh Bình Định đều “rụng rời chân tay” và “khiếp vía”. Bởi lẽ, lâu nay dân Bình Định hầu như chỉ biết đến 3 anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (trong đó Nguyễn Nhạc là anh Hai, Nguyễn Huệ thứ Ba và Nguyễn Lữ thứ Tư).

Thực ra, việc Nhà Tây Sơn có mấy anh em đã từng có những ý kiến khác nhau. Giống như người dân Bình Định, nhiều tài liệu đều cho rằng Nhà Tây Sơn có 3 anh em. Tuy nhiên, một số nguồn tư liệu lại cho rằng gia đình Vua Quang Trung không chỉ có 3 anh em, mà có khá đông anh em và thứ tự cũng khác nhau (Nhạc thứ 2, Lữ thứ 3, Huệ thứ 4). Một tài liệu của các nhà truyền giáo phương Tây thì ghi tên Nguyễn Lữ là “Đức Ông Bay” (thứ Bảy), còn Nguyễn Huệ là “Đức Ông Tam” (thứ Tám). Đáng lưu ý, tại Hội thảo “Tây Sơn – Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung” (tổ chức tại TP Huế vào đầu tháng 6.2008), từ nguồn tư liệu của triều Thanh, một nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết cho là nhà Tây Sơn có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa.
 
 Chi tiết này dựa vào bản “kê khai lý lịch” của Nguyễn Quang Hiển gửi quan chức triều Thanh khi đi sứ vào năm 1790. Thế rồi, dựa vào thông tin này (thông qua báo chí và mạng), cô Bích Hằng đã “nhét vào miệng” của vị thân sinh Vua Quang Trung để “phán”. Bởi lẽ, thực ra, thông tin trên chỉ là 1 trong những giả thuyết về gia đình 3 anh em Tây Sơn và cũng chỉ là 1 tài liệu tham khảo. Hơn nữa, cũng xin lưu ý, bản “kê khai lý lịch” của Quang Hiển cũng có thể là “đồ giả” đánh lừa nhà Thanh. Vì ngay đến vua mà Quang Trung cũng “dám” cho Phạm Công Trị đóng giả để thay mình đi sứ kia mà.

2- Cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: “Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng: Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý). Cho nên cũng không cần phải oán than nữa”.

Về cái chết của Vua Quang Trung có nhiều giả thuyết và “câu chuyện chiếc áo bào” cũng là 1 giả thuyết, (thậm chí đậm chất giai thoại). Theo đó, nhiều tài liệu sử đều ghi là vua Quang Trung chết vì “bạo bệnh” (không cụ thể là bệnh gì); còn tác giả Hoa Bằng thì cho rằng ngài chết vì bệnh “huyết vựng”. Gần đây, các nhà nghiên cứu Y học đã phân tích và cho rằng: Nguyên nhân cái chết của Quang Trung là do xuất huyết não dưới màng nhện, dẫn đến viêm phổi sặc.


Thế nhưng, cô Bích Hằng lại “nhét” câu chuyện chiếc áo bào “vào miệng” Quang Trung. Bởi lẽ, nếu đúng như vậy thì hóa ra Quang Trung đã “biết” việc Càn Long “ban tặng” áo bào? Và, nếu vậy thì Quang Trung phải oán thù Càn Long chứ sao lại bảo “Cho nên cũng không cần phải oán than nữa” (?).

3- Cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: “Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi…”. Sau đó Vua Quang Trung nói: “ Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy” (?)

Ô hay, sao Lê Chiêu Thống (tức Lê Duy Kỳ) mà lại là anh vợ Vua Quang Trung, thưa cô Bích Hằng? Xin thưa, Lê Duy Kỳ là cháu nội Vua Lê Hiển Tông và gọi công chúa Ngọc Hân bằng cô ruột. Vì vậy, Vua Quang Trung phải gọi Lê Chiêu Thống (Lê Duy Kỳ) là cháu vợ, chứ sao lại là anh vợ? Tội quá cô Bích Hằng ơi!


4- Theo cô Bích Hằng, Vua Quang Trung nói tiếp: “ Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện…”


Lạ nhỉ? Cô Bích Hằng lại “nói dựa” rồi. Bởi lẽ, cái gọi là “trống trận Quang Trung” hay “trống trận Tây sơn” cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguồn gốc, xuất xứ ra đời. Thậm chí, có ý kiến cho rằng “trống trận Quang Trung” hay “trống trận Tây sơn” là do người đời sau này “sáng tác” (mang tính biểu diễn) để ca ngợi công đức của Quang Trung và nhà Tây Sơn. Điều đáng nói, cô Bích Hằng “cho” Quang Trung nói “Muốn khởi đàn bằng màn múa võ Bình Định” ư? Ô hay, cô Hằng có biết 2 chữ “Bình Định” xuất hiện khi nào không? Địa danh này là do nhà Nguyễn đặt sau khi đã “bình định” được Nhà Tây Sơn và đất Tây Sơn. Tội nghiệp quá cô Bích Hằng ơi!

B- CUỘC NÓI CHUYỆN CỦA CÔ BÍCH HẰNG VỚI 3 NGÀI “TÂY SƠN TAM KIỆT”:

Có khá nhiều điều vô lý, thậm chí nhiều đoạn muốn … cười chảy nước mắt, cười … vỡ bụng. Tuy nhiên, do “cuộc nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng lần này khá nhiều và khá dài nên chỉ xin đề cập đến vài vấn đề. (Xin quý vị cô, bác, anh chị và các bạn đọc nội dung cuộc nói chuyện này ở phần dưới).

1- Trước hết, xin thưa, việc cô Bích Hằng “mời” được 3 đ/c Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ “lên nói chuyện” tại đất Tây Sơn - Bình Định là điều thật lạ! Bởi ngay nhiều đệ tử nhà phật cũng từng “băn khoăn,thắc mắc” rằng: Thấy cô Bích Hằng hình như cũng là Phật tử nhưng hình như cô không hiểu về giáo lý nhà Phật. Bởi lẽ, cô Bích Hằng “gặp” và “nói chuyện” được với thân sinh của Vua Quang Trung và cả 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt, vậy có nghĩa là họ những oan hồn còn vất vưởng vì chưa siêu thoát hay sao? 
 
 
Mặt khác, Tây Sơn không phải là đất của Quang Trung và Quang Trung sau khi băng hà được chôn tại đất Phú Xuân chứ đâu có phải ở Tây Sơn (đất của Nguyễn Nhạc) mà cô Hằng “gặp” được Quang Trung? Hơn nữa, cô Bích Hằng không biết rằng, sinh thời, 3 đ/c Nhạc, Huệ, Lữ mặc dù “cùng chi bộ” nhưng mất đoàn kết nghiêm trọng, thậm chí từng “Huynh đệ tương tàn”, vậy làm sao cùng một lúc có thể “cùng nhau lên nói chuyện” với cô được? Đáng lưu ý, qua “cuộc nói chuyện”, 3 đ/c Thái Đức Nguyễn Nhạc, Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ giống như nhìn thấy hết từng con người, từng đ/c trên “trần gian Bình Định” (cả chức vụ, công việc), từng cảnh vật, thậm chí “chỉ đạo” từng vị trí, từng câu, từng chữ câu đối liễn, để tỉnh Bình Định xây dựng Đàn tế Trời - Đất (?).

2- Theo cô Bích Hằng, Hoàng Đế Quang Trung nói: “Về nghi lễ thì hỏi Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất nhà và chú ấy là người thụ nho giáo… Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một, đó là: - Thái Đức Hoàng Đế: Hùng Kê Quyền; - Quang Trung Hoàng Đế: Yến Phi Quyền; - Đông Định Vương: Miên Quyền (còn gọi là nhu quyền)”. Còn Thái Đức Hoàng Đế thì nói: “Chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện nhu quyền. Đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên Quyền” (?).

Ô hay! Cũng lạ nhỉ cô Bích Hằng! Nguyễn Lữ đâu có “thụ nho giáo”? Sinh thời, ông đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani) nên mới gọi là “Thầy Tư Lữ”. Đồng thời, lâu nay dân Bình Định đều biết Hùng Kê Quyền là do Nguyễn Lữ sáng tạo ra, chứ đâu phải Nguyễn Nhạc? Ô hô! Quả là kiểu nói dựa và suy diễn, lắp ghép tùy tiện.

3- Sinh thời, Quang Trung rất coi trọng chữ Nôm và yêu cầu phải sử dụng nó như Quốc ngữ. Vậy mà cô Bích Hằng lại “cho” Quang Trung “chỉ đạo” nói và viết toàn chữ Hán, tiếng Hán, như: “Sơn Hà Xã Tắc”, “BẢO SƠN THIÊN ẤN”; “Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa”; “Thiên thu hiển hách đối Nam sơn”… Thậm chí, Bích Hằng còn “cho” Quang Trung giải nghĩa mấy từ tiếng Hán rất… tào lao, như: “Đàn này phải bố trí theo thế, các ngươi có biết thế gì không? Đó là thế “Thiên - Địa - Nhân”. Thiên là Trời, Địa là Thần và Nhân chính là con người” (?). Hu hu!

4- Theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: “Trước khi cho các ngươi lui, ta dạy rằng: muốn xây dựng sự nghiệp trước tiên phải có LỰC, khi đã có LỰC mới tạo được THẾ, nếu không có LỰC và THẾ thì có TÂM cũng không làm được gì nên 3 anh em ta lúc nào cũng đan xen vào nhau. Ba anh em ta cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn…” (?). Cô Bích Hằng “cho” Quang Trung nói vậy là trái với lịch sử rồi. Xin thưa, lịch sử cho biết: Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho Nhà Tây Sơn sụp đổ nhanh chóng là do nội bộ lục đục và “mất đoàn kết nghiêm trọng”. Nhiều nguồn sử liệu cho biết, Nguyễn Nhạc không chỉ thông dâm với em dâu của mình (vợ Nguyễn Huệ), mà còn cản trở bước đi của em mìn.
 
 Theo đó, trước những chiến công và thắng lợi của Nguyễn Huệ ở Bắc Hà, nhất là sau khi Nguyễn Huệ được Vua Lê ban thưởng đất đai và gả công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Nhạc buộc Huệ phải quay trở vào Phú Xuân, sau đó cử 1 đội quân tinh binh ra Bắc Hà để “nắn gân” cậu em. Nguyễn Huệ cũng không vừa, viết Hịch kể tội Nguyễn Nhạc, rồi đem 6 vạn quân vào vây thành Quy Nhơn và nã pháo vào trong thành. Cho đến khi Nguyễn Nhạc lên thành than khóc mới chịu rút quân. Thậm chí, một số nguồn sử liệu còn cho biết, khi Quang Trung qua đời, một phái đoàn của Thái đức Hoàng đế ra Phú Xuân để viếng đã bị “ách” lại. Không chỉ có vậy, con cháu của Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ sau đó trở nên thâm thù đến mức giết hại lẫn nhau…

5- Theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) nói: “Nhà Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt nhưng trời không cho tất cả, không thể là “tứ tử trình làng” nên còn có tam kiệt thôi… Tất cả ba anh em ta đều yểu thọ…”.

Lạ nhỉ! Thực ra trong 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt chỉ có Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ bi coi là “yểu thọ”. Nhưng, riêng Nguyễn Nhạc thì không thể gọi là “yểu thọ”. Bởi lẽ, trong số 3 ngài, tuổi của Nguyễn Nhạc cách khá xa so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Theo đó, Nguyễn Nhạc là thứ Hai, còn Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tới thứ Bảy, thứ Tám. Nên nhớ, Nguyễn Nhạc có con gái lớn gả cho Vũ Văn Nhậm. Và, nhiều tư liệu sử đều ghi nhận Nguyễn Nhạc qua đời khi đã già yếu.

6- Về việc xây dựng Đàn tế Trời – Đất (đang triển khai ở Tây Sơn – Bình Định), theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: “Ta có 2 lộc là 2 chiếc Quyền Trượng giao cho họ Trần ( Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn…”.

Cũng theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương thì nói: “Con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi Đàn Tế nhà Tây Sơn ở dưới chân Đàn phải xin tuổi hạc, tuổi quy, xin thọ như hạc, trường thọ như quy. Nơi 4 góc ở 4 chân Đàn ai có đủ phúc thì người đó được đặt quy. Nay ta ban cho:

+ Đối với Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV): thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương xã tắc, thì ngươi cũng được phép đặt một con.

+ Đối với họ Nguyễn Hữu Luân (Công ty Phương Trang Đà Lạt - Lâm Đồng) : mệnh ngươi mong manh lắm nên cho ngươi đặt bên Thanh long 1 con quy.

+ Đối với quan đầu tỉnh Nguyễn Văn Thiện (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định): lấy ấn thì đặt 1 con quy ở bên Bạch hổ.

+ Còn 1 con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đặt ở cửa hậu.

Mỗi lần lên Đàn phải một bên rung chiêng, một bên thúc trống”…

Lạ quá! Nếu đúng đây là lời của Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ thì quả là quá “siêu”! Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã mất cách đây trên 220 năm (Quang Trung mất năm 1792, còn Đông Định Vương mất năm 1787) thì làm sao có thể biết đươc họ, tên, chức vụ, nghề nghiệp của các ông: Trần Bắc Hà, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Hữu Luân, Lê Hữu Lộc đang sống và làm việc trên “cõi trần tục”? 
 
Trong đó, ông Nguyễn Hữu Luân ở tận Lâm Đồng mà sao Đông Định Vương cũng biết? Và, làm sao Đông Định Vương “đánh giá phẩm chất đạo đức” của những người này một cách chính xác rằng họ “có đủ phúc” để “cho phép” đặt con quy tại công trình xây dựng Đàn tế Trời - Đất ở Bình Định? Nếu ý kiến trên của Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ là có thật thì sao 2 ngài không “chỉ” luôn vị trí mộ (hay chỗ ở) của ông, bà song thân, cùng với mộ của 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt, nhất là mộ của Quang Trung? Vì suốt mấy chục năm nay, các nhà khoa học, nhà sử học đã phải tốn công, tốn sức nghiên cứu, tìm kiếm, tổ chức hàng chục, hàng trăm hội thảo để tìm mộ các ngài?

Nhân đây, cũng xin hỏi thẳng các ông, bà Vũ Thế Khanh, Nguyễn Phúc Giác Hải, Phạm Minh Hạc, Hàn Vũ Thụy, Quan Thị Lê La… và các ông, bà ở UIA, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, rằng: Nội dung cuộc “nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng và thân sinh của vua Quang Trung và ba ngài Tây Sơn Tam kiệt mà tôi đã nêu ở trên liệu có đúng sự thật? Nếu đúng thì “cơ chế”, cách thức, kỹ năng “nói chuyện với người cõi âm” thế nào? Nhân tiện xin hỏi riêng ông Vũ Thế Khanh, rằng: Ông từng “khoe”, bên cạnh việc “phát hiện” các NNC, ông còn có khả năng đào tạo NNC đến mức có thể áp vong? như thế nào? Ngược lại, nếu vấn đề trên là không đúng thì có thể nói Phan Thị Bích Hằng là lừa bịp?

Cũng xin lưu ý, theo các ông, bà ở UIA, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người thì cô Bích Hằng là NNC giỏi nhất,có năng lực nhất (?). Vậy qua 2 câu chuyện cô Bích Hằng “nói chuyện với người cõi âm” ở Bình Định, liệu năng lực thực sự của cô Bích Hằng ở mức nào và các NNC Việt Nam khác thì còn ở mức nào?...

Cuối cùng, xin mời quý cô, bác, anh chị và các bạn đọc thêm nội dung “cuộc nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng và thân sinh Quang Trung, cùng ba ngài Tây Sơn Tam kiệt.

…………………………………………………………………………………………………………………

TRÍCH LƯỢC THÔNG TIN VỀ CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG VỚI THÂN SINH CỦA BA ANH EM TÂY SƠN VÀ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

(TẠI BÌNH ĐỊNH VÀO CUỐI THÁNG 7.2011)

Cuối tháng 7.2011, tại Bình Định đã diễn ra Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ và các anh hừng nghĩa sĩ nhà Tây Sơn. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết đã “gặp” và “nói chuyện”với hai cụ thân sinh ba ngài Tây Sơn Tam kiệt và cả Hoàng đế Quang Trung.

Theo đó, trước bàn thờ Liệt tổ Liệt tông nhà Tây Sơn, cô nói:
- Hai cụ nói rất hài lòng vì đàn lễ chuẩn bị long trọng. người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây sơn. Nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này. Hai cụ tiếc vì sự nghiệp nhà Tây sơn không được lâu dài.

Tiếp đó, cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: - Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng: Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý). Cho nên cũng không cần phải oán than nữa. Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi.

Sau đó Vua Quang Trung nói: - Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy.

Có người cứ hỏi ta về ngày mất, đúng là ngày cuối cùng của tháng 7, ngày 29 tháng 7, nhưng giỗ vào ngày 1/8 cũng được vì tháng 7 này là tháng thiếu, năm mất là năm Nhâm tý. Bà thân sinh ra Hoàng đế nói rằng:


- Đàn lễ tuy đủ nhưng vẫn thiếu một thứ. Đó là một mâm trầu, được bày theo kiểu trong này, lá trầu có têm vôi. Vì trước đây, khi Ngọc Hân công chúa về làm dâu, nhà tôi cũng chưa kịp mang trầu cau ra để làm lễ hỏi, nay muốn mang trầu ra mời thông gia. Xưa kia nhà ta cũng làm nghề buôn trầu nên trầu cau là thứ không thể thiếu được trong đàn lễ này. Ta cũng muốn có thêm một đĩa gừng cay và muối để ta dạy con cháu biết đoàn kết, bảo ban nhau..

Vua Quang Trung nói tiếp: - Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện…

…………………………………………………………………………………………………………………

THÔNG TIN GHI CHÉP TỪ CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG VỚI BA ANH EM TÂY SƠN TAM KIỆT TẠI BÀN THỜ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

- BẢO TÀNG QUANG TRUNG HUYỆN TÂY SƠN

(17h00 NGÀY 26/11/2011, TỨC MÙNG 1/11 NĂM TÂN MÃO)
+ Nhà ngoại cảm (NNC) Phan Thị Bích Hằng:
- Xin Đức Hoàng Đế cho chúng con biết vị trí mà hiện nay tỉnh Bình Định đã cho thiết lập một bục lớn để tối nay hành lễ, trước hết vị trí đó có phải núi Ấn mà xưa kia thiên đình đã rao ấn cho nhà Tây Sơn không? Con xin Hoàng Đế cho chúng con được biết?

Đây là toàn bộ hình thái chung, đây là toàn cảnh khu vực. Chúng con biết hôm nay là ngày 1/11 năm Tân Mão còn lý do vì sao thì chúng con không biết. Con tấu lạy Đức Hoàng Đế. Hoàng Đế bảo con phải lấy nước ở 5 núi, 9 sông, chúng con nghe xong con có truyền đạt lại cho quan đầu tỉnh là Nguyễn Văn Thiện (hiện đang là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - VH) đã triển khai lấy đủ đất ở 5 núi: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), núi Ba Vì (Hà Nội), núi Đại Huệ (Nghệ An), núi Bạch Mã (Huế), núi Chúa (Kiên Giang) và 9 sông: Kỳ Cùng (Lạng sơn), sông Đà (Hòa Bình), sông Hồng (Hà Nội), sông Lam (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình), sông Hương (Huế), sông Côn (Bình Định) sông Cửu Long và sông Sài Gòn.

+ Hoàng Đế Quang Trung:
- Các ngươi có biết ngày hôm nay là ngày gì không? Việc này để Thái Đức huynh trưởng của ta nói cho biết. Ngày 1/11/1771 Tân Mão niên cách đây 240 năm đúng vào giờ Dậu chuyển sang giờ Hợi thì Thái Đức và thầy Chương (đúng ra là thầy Trương, tức Trương Văn Hiến. Bà Bích Hằng nói tiếng Bắc nên “biến” thành Chương) đã làm lễ tế ở trên đỉnh của Hòn Ấn. Các ngươi có biết vì sao ta tề tựu các ngươi về đây vào ngày hôm nay không? Cái chính là đúng 240 năm thì hào khí Tây Sơn được đánh thức dậy. Và hôm nay các ngươi có biết các ngươi còn thiếu gì không, ta chưa thấy các ngươi để chỗ nào để châm đuốc cả. Các ngươi có biết tục của người Thượng mỗi khi tế lễ phải đốt 3 ngọn đuốc thật lớn để tế thần lửa.

Đây là đàn trung tâm nằm ở giữa. Bên phải đi vào phía tả thanh long là nhà của Ban quản lý và phía hữu bạch hổ là nhà thờ các tướng Tây Sơn. Ta lưu ý các ngươi:

- Thứ nhất: Về nghi lễ thì hỏi Đông Định Vương vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất nhà và chú ấy là người thụ nho giáo.

- Thứ hai: Sắp đặt như thế nào đó là việc của Thái Đức Hoàng Đế, dù sao Thái Đức Hoàng Đế cũng là huynh trưởng của ta. Dù ta là Hoàng Đế nhưng đối với Thái Đức Hoàng Đế ta chỉ là Bắc Bình Vương, ta chưa bao giờ nhận là là Hoàng Đế với Thái Đức cả.
- Thứ ba: Chọn người, dùng quân là việc của ta:

Ta khá khen các ngươi đã tìm được Hòn Ấn, tìm được đúng nơi thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã từng đến vào ngày 10/06 Tân Mão, Thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã được lệnh trên Thiên xuống và khi đến đó nhận được cái ấn. Khi có một tiếng sét đánh xuống thì thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã nhìn thấy chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Vậy các ngươi đã nhìn thấy chữ “Sơn Hà Xã Tắc” để ở đâu chưa? Các ngươi chỉ nói hình thái chung vậy nhưng ở bên trong các ngươi định đặt cái gì? Các ngươi đã có ý chưa? 
 
Ta cũng khá khen việc bố trí bên Bạch Hổ là nơi thờ tự các tướng lĩnh Tây Sơn như thế là đúng. Bên này để chữ “Nhân” để cho mọi người đến. Đàn này phải bố trí theo thế, các ngươi có biết thế gì không? Đó là thế “Thiên - Địa - Nhân”. Thiên là Trời, Địa là Thần và Nhân chính là con người. Bố trí thế này, Nhân phải lùi xuống, thấp hơn, Địa cao hơn một chút và Thiên là cao nhất. Ở ngoài vào thì các ngươi ghi gì đây? Đông Định Vương hỏi là các ngươi ghi gì đây? Ngọ Môn vẫn là Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ. Đông Định Vương dạy việc này để ta, các ngươi định rằng cứ để nhìn thế này hay sao? Vậy thì bút để đi đâu, giấy các ngươi để chỗ nào? Các ngươi phải có nhà, nhà phải có tên. Vậy không thể gọi đây là Đàn Tế Trời được, không đúng. Phải ghi ở trên đàn Thiên có chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Trên án thờ có hình cái ấn, trên ấn có chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Đây là ý của Đông Định Vương.

Lùi xuống chỗ dưới Ngọ Môn cổng chính có một bức hoành, ở đó ghi chữ là “BẢO SƠN THIÊN ẤN”; nghĩa là “nơi này là ngọn núi quý có ấn của Trời”. Ta có 2 lộc là 2 chiếc Quyền Trượng giao cho họ Trần ( Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn.

Phía trước Ngọ Môn trụ bên tả thanh long ghi hàng chữ: “Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa”; bên hữu bạch hổ ghi hàng chữ “Thiên thu hiển hách đối Nam sơn”.

Ba cửa sau do hậu thế các ngươi tùy ý tự tác, mỗi người được quyền ghi một câu. Nên nhớ trước khi lên Đàn Tế Trời phải có ba bậc, mỗi bậc khi tế lễ phải đốt một ngọn đuốc. Các ngươi có hiểu thần Ma Ní là gì không? Nhà Tây Sơn lập nên nghiệp nhờ người Thượng, nên phải suy tôn thần của người Thượng (Ma Ní). Nhân: phải làm đồ cúng tế cỗ bàn bình thường. Địa: phải có lễ mặn. Thiên: phải có bông, trái quả đầy đủ.

Ta chỉ cho họ Nguyễn (có lẽ là Nguyễn Văn Thiện?) biết thủy bao sinh dưỡng vậy ta rất lấy làm hoan hỉ về có hồ bán nguyệt nhưng phía bên này còn thiếu thác nước. Tháp thác thiên vương phải có ở bên Thanh Long. Vận mệnh nhà Tây Sơn ứng với những năm có số 7. Dẹp loạn kết thúc vào năm 1777. Năm huynh trưởng ta nhận được ấn là 1771, vậy thì phải xây tháp 7 tầng, tầng trên có thác nước hồ lô chảy tràn nước xuống. Ta không theo đạo Phật, thờ nho giáo nên không xây 9 tầng, ta không phải là Trời nên không xây 13 tầng, chỉ xây 7 tầng, bên tháp của ngài thờ nghĩa quân tức là quân sĩ đối xứng tháp phải cao hơn đàn tế và cao hơn tầm người đứng tế.

Phải có sân để luyện quyền, tiền hoặc hậu đều được. Ta giao cho quan đầu tỉnh phải có trách nhiệm bố trí việc này. Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một, đó là:
- Thái Đức Hoàng Đế: Hùng Kê Quyền.
- Quang Trung Hoàng Đế: Yến Phi Quyền.
- Đông Định Vương: Miên Quyền (còn gọi là nhu quyền).

Kết hợp ở thế tam tam thụ thụ:
Hùng Kê Quyền là Lực.
Yến Phi Quyền là Thế.
Nhu quyền là Tâm.
Muốn làm gì cũng phải có tâm, thế, lực.

+ Thái Đức Hoàng Đế nói:
- Chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện nhu quyền. Đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên Quyền. Giữa cái nóng dận của ta với tính quyết liệt của chú Huệ thì phải có cái nhu của chú Lữ. Ba thế của Tây Sơn Tam Kiệt là như thế. Nhưng sẽ không làm nên cơ nghiệp nếu 3 anh em không kết hợp sẽ thành độc lư thương.

+ Đông Định Vương:
- Các người đặt Đàn Tế Trời ở đó là chí lý lắm. Đúng là Tây khởi nghĩa, Bắc thu công, đúng như thầy Chương đã dạy. Ở phía sau, hướng Bắc đặt một cái bàn gọi là bàn hạ lộc dành cho bá tánh muốn vào lễ phải đi qua cửa này. Y phục trang nghiêm, phẩm hàm mũ mão chỉnh tề thì đi cửa trước. Còn tất cả mẹ xa, con đỏ, lê dân trăm họ, cổ cày, vai bừa vừa đi làm đồng về cũng có quyền đi vào đàn thờ nhưng phải đi phía sau. Dù có quan trường phẩm hàm đến đâu khi về nhà vẫn là cha, là chồng, là con. Đây cũng có nghĩa là Bắc thu công.

Nếu do địa hình dốc không thể đặt bàn hạ lễ tế được thì phải có lư hương để cắm hương.
Ta chưa thấy các ngươi dương kỳ ở đâu. Vậy các ngươi phải đặt cột cờ ở phía trước đàn trung tâm.

+ Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng:
- Vừa rồi chúng con có làm lễ cầu siêu vào ngày 14/10 Âm lịch và làm lễ hoàn mãn cho đô đốc Bùi Thị Xuân tại Đền thờ Đô đốc. Chúng con xin ngài cho biết Đô đốc có hoan hỉ không ạ? Cũng tại Đền thờ Đô đốc anh Trần Bắc Hà có mang về một đôi voi bằng gỗ đang đặt ở ngoài thềm đền thờ. Vậy Đô đốc có hoan hỉ không, có phạm gì không ạ? Đôi voi để ở đó có được không?

+ Đông Định Vương:

- Nhà Tây Sơn ở đâu có voi ở đấy. Voi là hình ảnh luôn gắn liền với nhà Tây Sơn nên Đô đốc rất hoan hỉ, con gái Đô đốc sắp thành ngài rồi đấy.


Ở đây (Đền thờ Đô đốc) là nơi cho con người dương thế nhiều hơn. Họ chỉ đến đây để ngó nghiêng nên nơi đây không phải là nơi để tĩnh tâm, nặng lòng tưởng đến nhà Tây Sơn. Ơn cha có rồi, nghĩa mẹ có rồi, các ngươi đã về làm lễ ở Gò Lăng nên ta lấy làm cảm kích. Các ngươi còn nghĩ tới cả chuyện đoàn tụ cho Đô đốc và hoàn thi hài cho Đô đốc việc đó ta cảm kích lắm lắm, còn hơn cả 9 bậc phù đồ.

Nhưng ơn cha, nghĩa mẹ đã có đủ, còn thiếu công thầy và ta đau lòng mỗi khi nghĩ về thầy Chương rất dầy công dạy dỗ 3 anh em ta nhưng không có nơi nào để thắp một nén nhang tưởng niệm thầy Chương. Vậy thì hãy lập một bát hương để cho thầy Chương. Nếu nhà Tây Sơn có làm nên sự nghiệp mà quên thầy Chương thì chẳng phải là vong ân bội nghĩa lắm sao?

Thầy đi theo nhà Tây Sơn, thầy mang tiếng là bất hiếu vì cha thầy theo chúa Nguyễn. Bây giờ nhà Tây Sơn lại quên thầy thì có phải là nhà Tây Sơn bất hiếu, bất nghĩa, bất nghì luôn không? Các ngươi hãy giúp Tây Sơn Tam Kiệt trọn nghĩa với thầy. Đây cũng là trọn đạo.


Phải lập bát hương riêng của thầy, trên triều là đạo vua tôi, khi về nhà là đạo thầy trò, nên ta vẫn phải quỳ lạy thầy. Nên vẫn phải có bàn thờ riêng của thầy. Đạo luật không cho phép bàn thờ riêng của thầy được cao hơn Hoàng Đế nhưng phải có bàn thờ riêng.

+ Thái Đức Hoàng Đế:

- Vào năm chúa Nguyễn Phúc Thuần vẫn còn ở Gia Định thì ta và thầy Chương đã lên hòn núi mà xưa kia anh em ta vẫn gọi là hòn Vải để bàn sự nghiệp lớn. Lúc chúng ta lên tới nơi thì có mây đen vần vũ, mưa gió sấm sét, sau khi hết thì có ánh chớp, khi thầy trò ta lên theo nơi có ánh chớp thì thấy có ấn của Trời ở đó. Đó là ấn mang chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Vì vậy ta nhớ ngày đó là ngày mùng 10 tháng Mùi năm Tân Mão, ngày đó là ngày Tân Mão. Nên hôm nay khi các ngươi về đây đúng vào ngày này ta lấy làm hoan hỉ, sau 240 năm mà hào khí Tây Sơn được sống lại. Ba quân tướng sĩ cảm kích các ngươi lắm.

+ Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng:
- Xin cho chúng con nhắc lại câu chữ Ngài vừa dạy để thực hiện cho chính xác ạ.
+ Đông Định Vương:
- Nếu sai đi một nét thì nghĩa nó khác đi.

BẢO SƠN THIÊN ẤN: ở Ngọ Môn.
VẠN CỔ ANH LINH CHIÊU VIẸT ĐỊA: bên thanh long.
THIÊN THU HIỂN HÁCH ĐỔI NAM SƠN: bên bạch hổ.

TÂY KHỞI NGHĨA BẮC THU CÔNG là câu sấm truyền của thầy Chương khi sự nghiệp chinh phục ở phía Bắc thành công thì sự nghiệp mới khải hoàn, trọn vẹn, giang sơn thu về một mối.

Nhà Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt nhưng trời không cho tất cả, không thể là tứ tử trình làng nên còn có tam kiệt thôi. Tất cả ba anh em ta đều yểu thọ. Con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi Đàn Tế nhà Tây Sơn ở dưới chân Đàn phải xin tuổi hạc, tuổi quy, xin thọ như hạc, trường thọ như quy. Nơi 4 góc ở 4 chân Đàn ai có đủ phúc thì người đó được đặt quy.

Nay ta ban cho:

+ Đối với Trần Bắc Hà: thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương xã tắc, thì ngươi cũng được phép đặt một con.
+ Đối với họ Nguyễn Hữu Luận: mệnh ngươi mong manh lắm nên cho ngươi đặt bên Thanh long 1 con quy.
+ Đối với quan đầu tỉnh Nguyễn Văn Thiện (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định): lấy ấn thì đặt 1 con quy ở bên Bạch hổ.
+ Còn 1 con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đặt ở cửa hậu.
Mỗi lần lên Đàn phải một bên rung chiêng, một bên thúc trống.
+ Hoàng đế Quang Trung:

- Trước khi cho các ngươi lui, ta dạy rằng: muốn xây dựng sự nghiệp trước tiên phải có LỰC, khi đã có LỰC mới tạo được THẾ, nếu không có LỰC và THẾ thì có TÂM cũng không làm được gì nên 3 anh em ta lúc nào cũng đan xen vào nhau. Ba anh em ta cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn. Nhưng ta tiếc rằng đến đời con thì không giữ được đạo lý đó. 
 
Lúc nào ta cũng trân trọng huynh trưởng, dù sau này ông có thoái lui làm vương thì lúc nào trong lòng ta ông cũng là Thái Đức Hoàng Đế nên các ngươi phải nhớ điệp văn bao giờ cũng là Thái Đức Hoàng Đế đầu tiên rồi mới đến Quang Trung rồi Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Các ngươi đừng đặt Quang Trung lên trên ta lấy làm hổ thẹn với huynh trưởng của ta./.

NGÔ MINH * CHA TÔI

Cha tôi bị đội CCRĐ bắn như thế nào

   Ngô Minh

Theo blog Ngô Minh 

 Ba tôi là ông Ngô Văn Thắng, một ngư dân có chữ ở làng Thượng Luật. Tôi không biết ông học ở đâu và học đến cấp nào, nhưng tôi thấy,  mỗi khi rỗi việc , ông ngồi lấy bút lông chấm mực tàu , cặm cụi viết chữ Nôm (hay Hán ?) lên những tờ giấy  bổi, rồi cất vào cái tráp sơn mài đen láng.

 

Ông  giữ chức lý trưởng làng Thượng Luật thời Chính phủ Lâm thời của Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng, trong hai năm, từ  năm 1947- 1948.  Hồi đó  làm lý trưởng phải được sắc phong . Ông hay nhâm nhi rươụ nói chuyện  văn chương thời cuộc cùng các cụ trong làng. Mới  53 tuổi  mà ông đã để râu trắng dài, nói cười  vuốt râu như lão trượng. Mỗi bữa ăn, ông ngồi một mình hoặc với khách một mâm trên sập gụ. Năm mạ con tôi ngồi  mâm trải chiếu dưới sàn nhà. 

 Phong độ, vóc dáng nho nhã , trí thức thế nhưng ông lại làm nghề đánh cá chuyên nghiệp. Ông là người đi biển giỏi .Thời ba mươi tuổi ông  đi biển  suốt ngày đêm, nên có tiền để mua thuyền lưới thuê bạn  chài cùng đi biển. Ngày đi biển, đêm về ông  thắp đèn dầu ngồi đọc sách. 

  Ông làm lý trưởng  cho chính phủ thân Pháp nhưng ông lại ủng hộ Việt Minh. Thời sau cải cách, các anh tôi thường khai trong lý lịch việc ông làm lý trưởng là để nguỵ trang việc ủng hộ Việt Minh. Vì thời chống Pháp, ông có một căm hầm bí mật  nuôi bộ đội, cán bộ kháng chiến xã Hưng  Đạo  ( tức ba xã Hưng Thuỷ, Ngư Thuỷ, Sen Thuỷ thuộc huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình bây giờ) ngay ở trong nhà. 

Có lần cả trung đội Việt Minh về ở ngày trong hầm nhà tôi để đi đánh đồn Hoà Luật ở xã Cam Thuỷ trên đường Quốc lộ 1A, hay đồn Sen Bàng, đồn Dốc Sỏi. Mạ tôi ở trong Hội mẹ chiên  sĩ, cùng ba bốn mẹ nữ như mẹ Thiệt, Mẹ Nồng, Mẹ Tá …thường gánh chổi  rèng ( một loại cây có mùi thơm, mọc nhiều trên cát , người  ta chặt về đạp cho rụng hết lá rồi bó thành chổi quét sân, đem bán) , cùng ba bốn  anh Việt Minh quân báo đóng giả con gái  cùng gánh chổi  rèng  đi với các mẹ . Dưới chổi rèng là súng lục và lựu đạn , về chợ Cưỡi để tiêu diệt tên ác ôn tên là Tao, là đứa chuyên cướp bóc bà con đi chợ , ăn chặn và hãm  hiếp phụ nữ. Phục kích mấy tuần liền cuối cùng Việt Minh đã diệt được tên Tao khốn nạn, làm chấn động cả vùng. 

  Từ giữa năm 1952 cho đến cuối năm 1953, căn nhà của ba mạ tôi như một trạm quân y dã chiến. Bộ đội, thương binh, bệnh binh thường  được chuyển về trong nhà tôi  điều trị, an  dưỡng. Ba anh em tôi là Thạnh, Thường, Cường  được đi học  trường tư thục ở làng . Ba tôi cùng mấy ông  gọi là có của trong làng bỏ tiền ra thuê thầy, nuôi thầy  ngay ở trong nhà để dạy học. Một tuần thầy ở và dạy ở nhà  này, tuần khác thì  thầy  dạy ở nhà khác. 

 

Bộ đội Việt Minh ở trong nhà tôi thường  chép tặng  ba anh em tôi  những bài hát kháng chiến. Các anh còn tặng  chúng tôi ảnh của lãnh tụ  như Malencốp , Hồ Chủ tịch, Mao Trạch Đông cắt từ các báo. Tất cả những bài hát, ảnh tặng đó ba anh em đều  bỏ  trong các xắc đựng sách vở chung . Vào khoảng trung tuần tháng 7 năm 1953, bọn Pháp mở trận càn lớn về làng tôi . Lúc đó trong nhà tôi có một tiểu đội  bộ đội ta bị thương đang điều trị. Khoảng 12 giờ đêm, các anh  quân báo đã báo có địch, nhưng các anh bộ đội chủ quan, cứ  ngủ yên. . Khoảng  4 giờ sáng chị Ngô Thị Vượng cuả tôi dậy để lo cơm nước  cho các anh và gia đình . 

 Chị vừa ra suối lấy nước, thì phát hiện  ra bọn địch  đang càn vào làng. Tiếng chó sủa  khắp cả  xóm.  Chị  hốt hoảng chạy vô nhà đánh thức  các anh  thương binh dậy. Một tiếng sau thì địch đã vây làng. Lúc đó  ở nhà tôi các lại trang  phục vủa  Việt Minh như  quần áo ướt , vòng nguỵ trang,  súng ống, ruột tượng gạo … vứt bừa bãi. Ba tôi  thức dậy, ra đứng gác tước cửa để các anh chuẩn bị súng ống, lưu đạn để đối phó với địch. 

Sàn nhà tôi lát bằng ván gỗ, nên ba tôi  cạy ván lên bảo các anh ném tất cả những thứ quần áo ướt, ruột tượng  gạo… và những gì không  mang theo xuống dưới ván rồi đóng lại như cũ. Ba tôi hướng dẫn cho  tiểu đội thương binh rút khỏi nhà tôi, ra  sau bờ  dứa cách đó  cây số. Chị Vượng trong lúc  hoảng loạn đã mang cả các xắc đựng sách vở cùng với  các bài hát Việt Minh và anh lãnh tụ cộng sản của ba em , chạy ra đầu làng  tránh giặc. Địch bán rát, chị hoảng quá, vứt  luôn cả cái xắc  bên đường. Thế là bọn địch nhặt được.                 

   Anh Dũng, người Cảnh Dương, Quảng Trạch, tiểu đội trưởng cùng anh em rút ra sau làng. Tiểu đội thương binh đã gặp địch và hai bên đánh nhau tới hai tiếng đồng hồ . Nhưng vì  là thương binh, sức yếu , vũ khí chỉ có  hai khẩu  súng trường và năm  qưả lựu đạn , cuối cùng các anh Phúc, Doan và Cẩn  hi sinh ( mộ các anh hiện đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện lệ Thuỷ ở xã Mai Thuỷ )  còn lại  bị địch bắt. Anh Dũng, tiểu đội trưởng bị cụt một cánh tay  ở làng Thượng Luật quê tôi . 

Sau khi bắt được  mấy người Việt Minh, bọn địch bắt dân tập trung lên Động Cao là động cát phía tây làng. Chứng  giơ cái xắc chị Vượng  đã vứt bên đường ,  hỏi dân làng  nhà ai có cái xắc này . Một cái xắc của  ba học sinh  mới lớp  một , lớp  bốn  mà đã  chứa đầy tài  liệu Việt Minh . Chúng thề là  sẽ tìm ra  ba thằng Việt Minh nhóc này. Nhưng cả làng không ai nói gì, nên  doạ nạt  một hồi rồi chúng  rút về, cầm theo cái xắc. 

Năm 1980, anh Dũng, tiểu đội  trưởng bị bắt trong trận càn 1953 ở làng tôi  dẫn một đoàn tàu đánh cả từ Cảnh Dương,  Quảng Trạch  gần Đèo Ngang về cập bến làng tôi.  Anh hỏi thăm nhà mẹ Vượng ( tức nhà tôi, quê tôi thường xưng danh  theo tên con đầu)  . Gặp mạ tôi, anh đã khóc. Anh cụt một tay, đang là  huyện uỷ viên Huyện Quảng Trạch  trực tiếp chỉ đạo nghề cá, đang dẫn đoàn tàu  của huyện đi tìm ngư trường thí điểm . Anh kể rằng , năm 1953, mấy anh trong tiểu đội anh cùng với  anh bị  địch bắt  đem về giam ở đồn Hoà Luật . Một  năm sau  thì được trao tả tù binh  sau chiến thắng Điện Biên Phủ .  

Ba tôi không vô đảng công sản, nhưung ông nỏ tiền mua lựu đạn, súng để cho bộ đội đi đánh đồn Hoà Luật, lại bảo  mạ tôi  giấu dưới  cá, mắm gánh lên chợ Chè ( xã Hồng Thuỷ) giao cho bộ đội đánh đồn. Ông bỏ tiền ra mua hai khẩu  móc-chê 60 ly ( súng cối) tặng cho du kích xã Hưng Đạo. 

 Do  việc ủng hộ  tiền của , súng ống cho Việt Minh mà trong Cải cách ruộng đất, Đội đã quy cho ba tôi là ủng hộ Quốc dân Đảng. Thật vô lý. Y như các ông Đội  này không phải là Việt Minh vậy.  Các ông  Khuyên, ông Đồng, người Sen Thuỷ là lãnh đạo xã Hưng Đạo, rất nhiều  thời gian ở  nhà tôi, sau này một thời làm lãnh đạo chủ chốt của Khu vực Vĩnh Linh đã nhiều lần kể lại việc đó. Ông Khuyên , ông Đồng  trong Cải Cách ruộng đất cũng bị quy là địa chủ, bị đấu  tố cực nhục. Ở xã Sen Thuỷ , Đội nêu khẩu hiệu :” Toàn dân căm ghét Khuyên , Đồng”. May là hai ông  không bị xử bắn. Sau này, nhờ thành tích kháng chiến đó , mạ tôi đã được Chính phủ tặng “Huy chương Kháng chiến  chống Pháp hạng ” do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. 

Có lẽ vì thế mà các anh tôi khai ba làm lý trưởng là để nguỵ trang, đóng kịch với giặc . Nhưng tôi lại nghĩ, lý trưởng thời đó phải có trình độ mới được sắc phong. Ba tôi thường cho người  nghèo trong làng thóc, gạo, tiền.  Ông sắm  xe đạp, đèn pin cho hai anh Khương, Ninh lên vùng tự do ở Dương Thuỷ cách làng bảy cây số học văn hoá.   Ông có một ngôi nhà rường ba gian hai chái lợp tranh, hai chiếc thuyền đánh cá cho khoảng 20 bạn nghề  đi biển kiếm ăn hàng ngày.

 Khi thiếu  người đi  biển, ông  cũng đi với  các bạn nghề. Khi đủ  người thì ông suốt ngày đi quăng chài  ven biển bắt cá đối, cá buôi, cá ong…Tôi nhớ có lần ông xách về cả đạy ( cái túi lưới) đầy cá đối cho mạ tôi chạy chợ. Ba tôi là người rất hăng hái trong việc cúng Miếu thờ Thành Hoàng làng, Âm Hồn làng, cúng  miếu thờ Cái Voi ở Cồn Dinh… cầu mong thần linh cho  làng xóm yên ổn, dân làng làm ăn ngày càng khấm khá. 

  Nói đến tín ngưỡng  thờ cúng, ở làng Thượng Luật của tôi từ năm 1957 trở về trước có miếu thờ Thành Hoàng làng và nhiều  loại miếu thờ thần khác ở Rú Mạ, Rú Con. Đó là những khu rừng trên cát xanh tốt rậm rạp, nhiều  cây gỗ to  và dây leo chằng chịt như rừng nguyên sinh ở phía bắc làng. Tuổi thơ  chúng tôi hay  ra chui vào rừng  để tìm tổ chím, hay háí củi. Cứ rằm tháng Bảy, bà con ngư dân làng tôi thường có lễ cúng thắp nhang ở các miếu thờ này. 

 

Nhưng  lớn nhất là Âm Hồn và  miếu thờ cá Voi ở Cồn Dinh. Âm Hồn là một khoảnh đất vuông vắn ở đầu làng, có bệ thờ, bàn cúng  dùng để làng cúng tế những người chết thiêng, chết đường chết chợ, chết trôi trên biển…, nghĩa là chết không có mồ mả, nên hồn lang thang khắp nơi , quấy rối cuộc sống trần gian. Mỗi năm cứ đến ngày xá tội vong nhân ( rằm tháng Bảy) là cả làng đóng góp tiền bạc gạo thịt để cúng tế. Còn Cồn Dinh là một cái  cồn đất cao to đắp bằng đất  thịt  gánh từ trong miền nông ra, do triều đình Nhà Nguyễn sức dân đắp để làm trạm thông tin liên lạc đường biển. Khi có tình hình gì đặc biệt xuất hiện, hay có giặc giã  thì đốt lửa báo hiệu. Từ Huế ra rất  nhiều Cồn Dinh như thế. Thông tin từ cồn  này truyền qua cồn khác.  Triều đình đốt lửa báo cho địa phương, hay địa phương đốt lửa báo về triều tình, theo ám hiệu sẽ  biết chuyện dữ hay lành. Nhờ đó mà triều đình biết sớm để đối phó. Đường bộ cũng có các Dinh để làm trạm ngựa chạy thư. Như Dinh 10 ở huyện Quảng Ninh quê nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là một trạm ngụa triều đình mà cái tên còn  đến hôm nay. Năm đó  ở làng tôi có con cá voi lớn dạt vào mắc cạn rồi chết. 

 Cá voi , gọi là Cá Ông là loại cá thiêng, ngư dân không bao giờ ăn thịt mà  làm lễ tang chôn cất đàng hoàng. Trưởng thôn phải đội mũ rơm, chống gậy đi trước như đưa đám  ông bà vậy. Vì thế ở Cồn Dinh  có một cái mộ Cá Ông và làng lập cái miếu thờ. Nghe nói miếu thiêng lắm. Nhưng thiết chế văn hoá tín ngưỡng tâm linh đó tạo ra  những quy tắc, tập tục  sống và ứng xử của cộng đồng dân làng Thượng Luật rất chặh chẽ. 

Nhưng rồi  chính quyền cách mạng lúc đó cho là mê tính dị đoan nên cho dân quân đập phá tan tành tất cả các miếu thờ, Âm Hồn cũng không cho cúng nữa. Những  Miếu thờ thần linh chôn vùi  xuống cát. Làng tôi vô thần từ đó. Tôn  ti trật tự theo thiết chế tín ngưỡng tâm  linh bị đảo lộn. Vô thần  nên lũ ma cô không còn sợ ai. Và làng tôi cũng tan nát, xác xơ từ đó ! Rú Mạ, Rú Con bị  chặt phá tan tành, bây giờ không còn dấu vết.. Cồn Dinh, Mộ Cá Voi không  ai lo trồng cây bảo vệ nên bị sóng biển  tấn công sạt lở, rồi  biến mất ! Làng tôi mất dần màu xanh, cộng thêm  máy bay Mỹ ném bom huỷ diệt mấy lần,  làng trở nên xác xơ hoang lạnh như trên sa mạc. 

Trở lại chuyện ba tôi. Ông coi tử vi , đoán vận hạn , biết mình sắp bị nạn  lớn vào tuổi 53 , nên  ba rôi lặng lẽ lên xã xin đổi tên bốn anh em tôi là Ngô Văn Thạnh, Ngô Văn Thường, Ngô Văn Cường, Ngô Văn Cần ( ông là nhà nho, đặt tên con theo chữ nho,  Thạnh-Thường-Cường Cần - tức là gia đình khả giả là nhờ lao động  cường cần mà có )  thành Ngô Văn  Khương, Ngô Văn Ninh, Ngô Văn Khôi, Ngô Văn Phục . Khương – Ninh- Khôi- Phục – nghĩa là hai anh đầu  phải vững vàng chắc chắn để hai em sau tựa vào đó mà phục hồi danh dự gia đình.  

Tôi tên khai sinh là Ngô Văn Cường, sau đổi là Ngô Văn Khôi . Khi đi học tôi  học theo bọn trẻ trong làng đổi thành Ngô Minh Khôi. Thế mà sau này thấy tôi học giỏi, thành đạt, là người  đi đại học đầu tiên của xã, lại  là nhà văn , nên mấy thế hệ con cháu của tám nhánh họ Ngô ở làng tôi sau này đều  lấy chữ lót khi  làm  giấy khai sinh  là Ngô Minh…cả. 

 Năm 1956 , quả  nhiên ba tôi bị đại nạn thật. Ông bị nạn lúc 53 tuổi. Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới. Một buổi  chiều, một tốp  dân quân súng ông  giương lê , mặt sát khí đằng đằng đến nhà bắt trói giật  khuỷ tay ba tôi và anh Khương dẫn đi cùng với các ông Ngô Văn Thung, Ngô  Văn Dung , Ngô Văn Toản ở xóm Thượng Nam, là những người chẳng phải giàu có gì, nhưng  tương dối có của ăn của để và có chữ nhất làng. Sau này tôi mới hay họ bắt địa chủ theo chỉ đạo của Đội Cải cách Trung ương theo tỷ lệ 5% dân số.  Họ xô ba tôi về phía trước. 

 

Ba vừa đứng thẳng  lại để giữ thăng bằng họ lấy báng súng thúc , quát nạt:” Thằng địa chủ cường hào ni, mày chống cự hả !”. Tôi lúc đó mới bảy tuổi, không  thể hiểu được tại sao ba tôi hiền lành và đàng hoàng thế lại  bỗng dưng tai ương ập đến khủng khiếp như vậy. Anh Khương lúc đó mới 17 tuổi cũng bị bắt trói khuỷ tay dẫn đi. Họ bảo là bắt  bọn địa chủ cường hào ác bá  theo Quốc Dân Đảng. Họ lấy  luôn tất các tấm ảnh  ba tôi  chụp đây đó và cả cái tráp đựng các tập giấy bổi ghi chữ Hán của ông . Họ cho đó là tài liệu phản động Quốc Dân Đảng. 

 Sau này  lớn lên tôi nghĩ  đó có khi là những bài thơ ông sáng tác. Từ đó đến nay gia đình tôi không  có ảnh ông để thờ.  Họ giam ba và anh tôi  trong một căn nhà tranh lụp xụp cuối xóm trong. Mỗi người bị bắt họ giam một nơi . Sau một thời gian họ tha cho anh Khương về . Có lẽ vì anh lúc đó mới 17 tuổi, chưa đến  tuổi vị thành niên. 

   Tôi đến thăm ba, thấy ba bị cùm cả hai chân, ngồi một chỗ không đứng lên được. Ba nhìn tôi  nước mắt lưng tròng. Ông quàng tay ôm tôi vào lòng liền bị tên đội quát :” Đụ mạ, thằng địa chủ cường hào kia…”. Cái cùm cùm ba tôi là một thanh ván gõ lên nước đỏ au,  khoét hai lỗ thò bàn chân vào được, rồi  họ xẻ dọc, một phía  đóng chốt, một phía bắt khoá. 

Người ta làm ăn thì  đói rách, ngu đần, nhưng nghĩ ra cách hại người thì vô cùng giỏi. Người bị  cùm phải mở được khoá mới co chân lại được. Tôi đọc sách Tàu nghe nói đến gông-cùm mà chưa hình dung ra nó như thế nào. Đi bới cơm cho ba bị bắt, tôi mới biết hình thù cái cùm . Cùm là thứ để xích chân, còn gông là thứ  để xích cổ, dành cho người tù  khi bị giải đi .  Một lần mạ tôi vắt cơm để tôi đi bới cho ba. Mạ dặn là trưa đứng bóng mới đi . Nhưng tôi nhớ ba, muốn đi sớm. Thế là xách mo cơm chạy. Đến cửa , thằng lính Đội đứng gác đỏ mặt dang tay quát 

 -         Mày đi mô ? 

-         Dạ con mang cơm cho ba? 

-         Đồ con địa chủ, chưa tới giờ . Đến để tiếp tế tài liệu cho bọn phản động cường hào hả ? 

Nói rồi  nó tung chân đá  mo cơm  trong tay tôi bay xuống cát. Những hột cơm, những con cá nục mạ tôi kho bay tung toé trên cát. Tôi ôm mặt khóc chạy về nhà sà vào  lòng mạ. Thế là hai mạ con cùng khóc. Tôi không biết thái độ ba tôi như thế nào khi ông  ngồi trong  chỗ giam nhìn ra sân  thấy cảnh con bị đá như thế. Chắc là ông đau lòng lắm. 

 Trong tuổi thơ tôi đó là lần đầu tiên tôi  biết thế nào là cái ác, thế nào là  người ác. Không phải người ác làm sao lại thất nhân tâm đến vậy ? Ký ức đó tạc vào tâm khảm, đến già cũng không phai. Mỗi lần nhớ lại là nổi  gai ốc. Ngôi nhà rường ba gian hai chái ba tôi đổ  bao nhiêu công sức, tiền của để làm bị Đội tháo dở, chia “quả thực” cho bần cố nông.

 

 Người kèo, người  cột, kẻ xuyên, trếng, rồi bàn khoa, cửa đố, rồi  đôi câu đối sơn son thếp vàng trên gỗ...,  họ giành nhau từng tấm phản,  tháo ra vác chaỵ như vớ được vàng . Làng tôi nghèo, chỉ nhà tôi cùng vài nhà nữa mới có sàn nhà  bằng ván gỗ , còn cả làng là nhà  gỗ  dương lợp cỏ rười, trong nhà toàn cát, nên cướp được tấm phản  họ mừng lắm. Họ tranh nhau xúc sạch cả rương thóc, gạo nhà tôi. Mạ tôi van lạy “ Lạy các ông ác bà, Xin các ông các bà  cho mạ con tui lại một ít cấu (gạo) để sống…”, mà chẳng ai thèm nghe. Mấy thùng đựng muối họ cũng  khuân ra sân chia nhau vung vãi. Còn các loại  nồi đồng, mâm đồng, thạp đồng, mâm thau, chậu thau, bát sứ Giang Tây, rồi  mấy bức hoành phi, câu đối treo  ở cột nhà.v.v… Cả bộ ngũ sự trên bàn thờ tiên tổ nhà tôi  hàng trăm bần cố nông  xông vào cướp giật, tranh giành, đánh nhau chí choé. Tay nào là rễ, chuỗi ( từ chỉ cơ sở nồng cốt của Đội cải cách, từ cội rễ mới  xâu chuỗi ) thì được  chia nhiều thứ hơn. Đội bắt mạ con tôi  phải xuống ở nhà bếp . Hai chiếc thuyền  lưới thì  bị tịch  thu đưa cho bần cố nông đi biển . May họ không biết chữ , nên tủ sách ba tôi  để lại họ chỉ vứt lung tung chỏng chơ đầy sân  cát để lấy cái kệ tủ , phá ra từng mảnh chia nhau. 

Sau khi họ đi rồi, mạ tôi  nhặt lên vuốt ve từng cuốn sách rồi xếp vào những cái thúng rách…Hồi đó  ba tôi mua sách  nhiều lắm. Những Hồng Lâu Mộng, Rừng thẳm tuyết dày, Tam quốc diễn nghĩa... của Trung Quốc, những Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Người người lớp lớp của Trần Dần, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Tố Tâm của Hiàng Ngọc Phách, Bức Tranh Quê của Anh Thơ, Truyện Kiều , rồi những cuốn truyện thơ Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa.v.v.. 

Những sách đó ba tôi mua mỗi khi đi chơi Đồng Hới, hay đi họp lý trưởng ở Huế. Nhìn cảnh đi  tranh giành quả thực, tôi cứ nghĩ đến một lũ ăn mày đói khát lâu năm đang vớ được cái ăn trên trời rơi xuống. Thật khốn khổ cho những kiếp người ! Sau này hỏi các ông già trong làng tôi mới biết, Đội trưởng Đôị Cải cách  ruộng đất  là do Trung ương cử về, không qua tỉnh, huyện. Họ có toàn quyền giết ai, tha ai, ngủ với cô nào....  Họ vẫy  tay là con gái nhà lành tối tối phải hiến thân cho họ. Đúng  là trên Đội dưới Trời , không có ai  to hơn. 

  Sau đó ba tôi bị dẫn đi hết nới này đến nơi khác đấu tố. Đội Cải cách mở lớp “học tập”, dạy cho các“chuỗi rễ” cách chỉ tay vào mặt, cách tát, cách giơ nắm đấm và  từng câu đấu tố địa chủ để học thuộc. Người này thì đấu tố  nội dung này, người khác thì  chửi bới nội dung khác. Tất cả các câu hỏi và đấu tố đều được Ban Cải cách Trung ương soạn sẵn từ Hà Nội. Những người đấu tố toàn lũ trẻ hai lăm bốn  mươi tuổi. Các ông bà già bảy tám chục , hiểu  sự đời, thì nhìn ba tôi bị đấu tố là quay mặt đi. Mà  toàn bọn tố điêu, vu khống. 

Tôi không hiểu tại sao họ lại dạy cho con người lấy chuyện điêu toa, dối trá, vu khống trắng trợn người khác làm lẽ sống như  thế ? Chuyện đấu tố địa chủ đã làm cho cuộc sống  làng quê ngàn đời bình yên, thân thuộc  bỗng dưng bị tan tác, chia rẻ, nghi kỵ, thù oán lẫn nhau . Cả làng tôi từ ngày có Đội bỗng tắt ngóm tiếng cười đùa , tiếng hát. Cả làng như có tang. Đêm đêm gió nồm thổi  qua rặng  dương liễu ù  ù như ngoài chiến địa.  Bọn con trai thì tố  “mày bóc lột tao”, “mày đánh đập tao”,” mày là thằng chó đẻ”… Con gái thì tố “mày cho tao ăn cơm thiu thối”, “mày hiếp tao lần này lần khác”, dù mặt mũi , thân hình họ không mảy may làm cho bất cứ người đàn ông xúc động. Có đứa phụ nữ còn tốc váy  lên  vừa vỗ bôm bốp vào hĩm vừa  chỉ vào mặt ba tôi rủa :” Dòng họ nhà mày răng bằng cái  l. của bà ! Trí , phú , cương , hào  đào tận gốc, tróc tận rễ…”…

Những người mà cả  gia đình họ hàng mấy chục năm sống nhờ vào thuyền lưới , cơm cá nhà tôi cũng tố :” Mày bòn rút xương tuỷ nhà tao”, “tao nghèo là do mày “.v.v..Điêù kỳ lạ là những đứa tố điêu, vu khống chẳng hề biết ngượng ngùng,  xấu hổ là gì. Họ tố điều gì ba tôi cũng bị Đội bắt phải cúi đầu  xưng :“Dạ. Thưa  ông . Con biết”. Mỗi lần ba tôi im lặng không nói tức thì báng súng thúc vào hông :” Đồ địa chủ  ác bá, sao mày không đội ơn ông nông dân đi con !”. Ba tôi khi bị dẫn đi gặp ai Đội cũng bắt  phải cúi đầu thưa “ Thưa ông , thưa bà nông dân”. Những ngày đó mạ con tôi chẳng dám ra đường. 

Sau  năm tháng gông cùm, tra khảo, đấu  tố,  sáng ngày mùng 6 tháng 5 âm lịch năm 1956, họ đưa ba tôi ra đầu làng xử bắn. Có người chứng kiến  cuộc xử bắn “địa chủ” kể lại rằng : Đội  bắt người đi chặt  cây tre to làm cọc chôn sâu xuống cát. Họ trói ba tôi vào cột, bịt mắt. Một tiểu đội du kích 12 người cầm súng trường đứng cách mấy mét. Không có bản án  tử hình được công bố, không có bản luận tội. Phạm nhân không được tự bào chữa, hay thuê luật sư bào chữa.  Sau mười hai phát đạn nổ định tai, cha tôi gục xuống. Máu tươi lênh  láng cát làng. Lúc đó mạ con tôi ở nhà, vì Đội  cấm không cho ra nơi xử án. 

Nghe tiếng súng nổ, mạ tôi khóc nấc lên, ngất  lịm đi  rồi bỗng khóc gào thật to, hai tay bới cào tay xuống cát. “Ôi ông ơi, sao ông sống hiền hậu, nhân đức thế mà người  ta nỡ giết ông, ông ơi”, “Trời ơi sao trời lại sinh ra bọn quỷ mặt người độc  ác như thế, trời ơi , Trời có biết không ?”  Hình như mạ tôi muốn  gào bới cho Trời Đất nghe thấy nỗi đau đớn oan khiên này. Sáng  hôm sau thì người chạy thư trên huyện đưa về cái lệnh ”dừng việc xử bắn địa chủ”. Thế là mấy cụ bị bắt cùng ba tôi  như hai ông Huyên, Hứa ( Ngô Văn Thung, Ngô Văn Dung), ông anh con cô con cậu với tôi là Ngô Văn Toản  thoát án  xử tử hình. 

Từ đó tôi đến trường với cái biệt danh: “con địa  chủ bị bắn trong CCRĐ”. Đội Cải cách bắn ba tôi xong họ bó vào mảnh chiếu rách rồi chôn lấp sơ sài ở một góc đồi cát. Sau khi dừng chuyện cải cách, bắn giết, mấy ông anh  con bác và anh Khương mới  đưa hài cốt ba tôi  về chôn ở  cuối khu mộ của các cố tôi. 

Nghĩa là ba tôi chết không có một mảnh ván quan tài, không có điếu văn, tang lễ, không có trống kèn đánh thổi, không có con cháu khóc lóc tiễn đưa  như tất cả những đám tang ở làng tôi hồi ấy. Sao sô phận của ba tôi lại bi thảm đến thế hỡ trời!. Sao lại có bọn người gọi là “cách mạng” mà lại giết hại cả những người  từng hết lòng ủng hộ sự nghiệp của mình như vậy ? Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không  thể hiểu  nổi. 

   Những ngày đó ai  tiếp  xúc với  gia đình tôi đều sợ  bị liên luỵ. Bà con họ hàng nội thân nhà tôi như gia đình anh Thiểu, anh Hiểu, chỉ Hổ, chị Hỷ… đêm đêm thường lén lút  cho con cháu mang sang cho mạ tôi khi năm ba lon gạo, khi vài củ khoai, khúc sắn, khi chục con cá nục. 

Phải lén lút đợi khuya mới ném  vào góc lều, vì Đội cấm. Lính của Đội canh gác, rình mò  ghê lắm. Ai mà tiếp  tế cho địa chủ cường hào cũng là kẻ thù của  giai cấp, sẽ bị tiêu diệt, gia đình sẽ bị bắt ngay. Anh Ngô Tấn Ninh, lúc đó 12 tuổi hỏi mạ:” Tại sao gia đình mình có tí thuyền lưới hơn người, lại bị giết  hở mạ ? Có  phải họ ghen tức vì không được như nhà mình ?”. Mạ bảo :” Đội thì biết gì mà ghen  với tức. Đội muốn  giết ai thì giết !” 

Làng tôi có anh Hảo. bà con gọi là Hảo Điên.  Do thất tình với một người đẹp trong làng anh bị  điên. Đêm ngủ , anh mơ gì đó , thế là bấu, rựt đứt luôn  con cu của mình, phải đi viện cấp cứu . Từ đó suốt ngày anh cởi truồng đi khoe con cu cụt khắp xóm Thượng Bắc, Thượng Nam,  múa hát và đái. Mỗi  lần anh đái phải ba tiếng đồng hồ mới xong, vì  lỗ đái bị tịt. 

 

Theo tôi thì anh  Hảo  không hoàn toàn điên. Vì có một buổi sáng đàn ông cả làng tôi ra biển. Không hiểu lửa củi thế nào mà nhà  tay xã đội trưởng  bốc cháy đùng đùng. Đúng lúc đó anh Hảo đi ngang qua. Thấy lửa , anh  liền xông vào  khuân hết súng và cả thùng lựu đạn ra bỏ dưới gốc cây dương liễu, rồi lại  đi xăng xái  múa hát như không có chuyện gì xảy ra.

 

 Không có anh hôm ấy, lựu đạn mà nổ thì nhất định không ít  người trong xóm thương vong. Mỗi khi đi ngang sau lưng lều tranh của  mẹ con tôi bao giờ anh cũng cười khanh khách , rồi chửi lớn :” Tiên sư bọn ngu dốt, người giỏi  bây giết thì  ai bày cho cách làm để có cái mà đút vào mồn  hả !”.Anh  vung tay chửi đi chửi lại rồi lại cười hực hực. Chửi  xong anh lại vắt  chiếc quần  nâu lên vai, ngồi bệt bên  lối đi đái tới chiều. Vì anh điên nên Đội Cải cách chẳng làm gì được anh cả. Bảo đi đấu tố anh  cũng chẳng đi. 

Lại có anh tên là Chắc, một tay thơ phú vần vè, nói lối giỏi nhất làng, khi vừa có lệnh “ngừng bắn địa chủ”, đã  không còn đấu tố nữa , anh đi đường hát nghêu ngao mấy câu đồng dao tự anh ứng tác : 

  Người giỏi thì giết 

Thằng đần lên ông

 Rồi thì bốc cứt 

Mà ăn ơi làng…

 

Người giàu thì giết 

Thằng bần thì nuôi 

Rồi thì chết đói 

Cả làng mất thôi…

 

Người giaù giết hết 

Cả nước bần hàn

Đời chi lạ rứa 

Ơi giống Lạc Hồng…

Cũng phải nói thêm điều này: Đáng  lẽ diệt được địa chủ cường  hào rồi, ruộng đất, thuyền lưới về tay nông dân rồi thì  họ sẽ no đủ hoặc  giàu có lên mới phải chứ. Nhưng không . Tất cả những người đã hăng hái  đấu tố, được  chia nhiều  quả thực từ gia đình tôi , sau đó  họ  không giàu lên mà cứ nghèo dần đi. 

 

Nghèo  quá phải mang  mấy  thứ quả thực Đội chia  cho đi chợ bán kiến tiền đong gạo nấu cháo ăn qua ngày. Nghèo đến độ chỉ năm sau họ lại đến nhà  xin mạ tôi từng lon gạo. Thuyền lưới nhà tôi bị tịch thu đưa cho bần cố nông, nhưng họ không biết quản lý, không có vốn để sữa chữa, đại tu, không tiền để  mua lưới mới rồi  thuyền  trở thành củi mục , lưới thành tả rách từ bao giờ không ai biết nữa. Thế là Cải cách ruộng đất bị  biến thành cuộc sát phạt  những trí thức, người giàu có, chứ chẳng có  ý nghĩa “người cày có ruộng” gì cả !.  Sau này đọc sách  báo, tôi mới biết cuộc sát phạt này bắt nguồn từ tư tưởng “đấu tranh giai cấp” của Quốc Tế Ba do Stalin chi phối. Sau chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ II, Stalin đã ra lệnh  giết  hại hoặc bắt đi đày tận Xibêri cho đến chết hàng chục vạn trí thức ưu tú của Nga vì ông  nghi ngờ trí thức luôn đối lập, không theo đường lối đấu tranh  giai cấp của mình. Rồi đến  Mao Trạch Đông ở Trung Quốc  với hàng chục cuộc thanh trừng như  “Cải cách ruộng đất”, “chống  phái hữu” rồi “Cách mạng văn hoá” đẫm máu và nước mắt. Hàng mấy chục triệu  trí thức Trung Quốc bị giết, bị đưa đi cải tạo lao động rồi chết dần chết mòn ở các vùng nông thôn  hẻo lánh. 

Tư tưởng độc tài này phát triển cực điểm ở Cămpuchia khi Đảng gọi là Cộng sản của tên đồ tể Ponpot lên nắm chính quyền sau năm 1975. Hơn hai triệu trí thức, người dân thành thị Cămphuchia đã bị tàn sát thảm khốc bằng cuốc, xẻng, dao rựa đập vào đầu, tạo nên những cánh đồng chết, những hồ chôn người tập thể. Thật khủng khiếp. Ở nước ta bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên là “địa chủ” bị xử bắn đầu tiên năm 1953. Bà Năm là một địa chủ  giàu có nhưng vô cùng yêu nước.  

Bà đã giúp đỡ  cách mạng nhiều tiền ,vàng. Bà nuôi trong nhà rất nhiều  cán bộ là lãnh tụ của Việt Minh. Rứa mà Đội Cải cách đem bà Năm ra xử bắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh can :” Chẳng lẽ cách mạng ruộng đất lại mở đầu bằng việc giết một phụ nữ, lại là người đã giúp đỡ cách mạng ?” . Đội  lĩnh ý Cụ Hồ, mang hỏi  các ông cố vấn Tàu. Cố vấn phán :” Giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Thế là bà Năm bị tử hình. Câu chuyện  này tôi đã nghe nhiều người kể , và mới đây đã được nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết ở trong tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường vừa xuất bản của ông. 

 

May mà Cụ Hồ đã phát hiện ra sai lầm, ra lệnh dừng việc đấu tố bắn  giết địa chủ đang làm tan nát nông thôn . Sau đó tiến  hành mấy đợt sửa sai. Sửa sai cũng  chỉ hô hào, rồi  đổi thành phần là địa chủ xuống trung nông, chứ nhà cửa, tài sản, danh dự chẳng ai trả lại cho ba mạ tôi cả. 

 

Phải  nói  rằng, ba  năm CCRĐ, nông thôn miền Bắc đã mất đi hàng vạn người giỏi : lao động giỏi , kinh doanh giỏi, học  hành  giỏi, là chỗ dựa vững chắc cho  cuộc mưu sinh  của  bà con nông dân ở các làng quê. Vì cả miền Bắc lúc đó có  hàng vạn làng, mà mỗi làng như làng Thượng Luật quê tôi có tới 4 người  bị quy là địa chủ , bị bắt  giam cầm và đấu tố đều là người giỏi, trí thức của làng. 

 

Nếu không  dừng việc đấu tố, mà cứ nghe theo lời các cô vấn , chắc chắn nông thôn miền Bắc sẽ  hàng vạn người làm ăn giỏi bị giết. Cầu mong Trời Phật làm sao trên đất nước thân yêu này không sinh ra bọn Đội quyền cao hơn Trời ấy một lần nữa ! 

   Điều tâm linh nữa là tất cả những người du kích đã cầm súng bắn vào ba tôi  trong  cuộc xử án hôm đó, sau này  hầu hết đều chết vì bị  bom đạn chiến tranh. Có người bị chết cả nhà một lúc. Có người sống đến  hoà bình lại chết vì cá mập trên biển. Hương hồn ba tôi nhân hậu, thương người chắc là ông không bao giờ trả thù ai. Nhưng lưới trời lồng lộng. Những  kẻ ác  không bao giờ thoát khỏi lưới trời trừng phạt. Người ta gọi đó là “quả báo” hay “ác giả ác báo”. 

 

Trong  số những người du kích cầm súng  xử bắn ba tôi thời đó, có một người còn sống đến hôm nay, lại trở thành su gia với gia đình anh Ngô Tấn  Nình. Hai bên gả con cho nhau và  sống hoà thuận, sinh cháu ngoan hiền vui vẻ. Có giỗ chạp gì hai nhà lại đến  cùng nhau. Có lẽ lúc đó  ông ta đã bắn không trúng hoặc chỉa súng bắn lên  trời chăng ? Điều đó minh chứng rằng, anh em  chũng tôi không hề lấy việc đau thương mất mát của gia đình làm thù oán. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng có  quy luật của nó : Ở hiền  gặp lành ! Đó là điều  mạ tôi  thường dạy anh em tôi mỗi tối. 

Những tháng ngày khổ đau buồn  bã đó, đêm về mạ tôi thường  mời anh Yêng , một người có giọng ngâm thơ rất tốt vào nhà cùng anh Khương đọc Truyện Kiều, truyện thơ Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cức Hoa  hay Lục Vân Tiên  cho mạ nghe. Mạ vừa  nghe thơ vừa  bỏm bẻm nhai trâù. Dường như thơ đã an ủi chia sẻ  với mạ những tang thương  gia đình. Nhưng lúc đó  tôi luôn ngồi bên mạ. Những âm điệu buồn của giọng ngâm thơ của anh Yêng đã ngấm vào  tâm hồn tôi từ bao giờ…

  ( trích sách 100 NGÀY VƯỢT TRƯỜNG SƠN)


TIN TRUNG CỘNG


  Tầm quan trọng của Hội nghị TƯ 3

Cập nhật: 16:38 GMT - thứ sáu, 8 tháng 11, 2013
Các quyết nghị do Hội nghị Trung ương 3 Trung Quốc đưa ra sẽ có tác động to lớn tới toàn cầu
Hội nghị Trung ương 3 là lần thứ ba ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ với những người cộng sự cao cấp nhất của mình trong cương vị Chủ tịch Đảng Trung Quốc.
Đây là kỳ họp diễn ra sau cánh cửa đóng kín, với sự tham dự của các gương mặt cao cấp của đảng cầm quyền.
Chủ tịch Tập Cận Bình được trông đợi sẽ tiết lộ một khung hoạt động kinh tế mới cho đất nước sau kỳ họp thượng đỉnh.
Tại các khu chợ, những người được hỏi về kỳ họp quan trọng này đều gật đầu thừa nhận là họ đã có nghe nói về nó, thế nhưng họ hướng hy vọng của mình trong việc cải tổ vào những gì thiết thực, liên quan tới đời sống thường nhật.
"Tôi muốn các vấn đề như giá nhà đất phải được thảo luận," một bà hưu trí vừa mặc cả cân dưa chuột, vừa nói. "Tôi hy vọng là vấn đề sẽ được giải quyết cho các gia đình có nhu cầu."

'Kém hiệu quả'

Trước đây, các Hội nghị Trung ương 3 đã làm được nhiều hơn thế; các nhà lãnh đạo trước đây đã lấy kỳ họp thứ ba này làm cơ hội thông báo những thay đổi kịch tính cho nền kinh tế Trung Quốc.
Cựu lãnh đạo cộng sản Đặng Tiểu Bình là người đầu tiên dùng một kỳ họp đảng quan trọng hồi năm 1978 làm thời điểm công bố Trung Quốc sẽ mở cửa giao thương với thế giới.
Mười lăm năm sau, Chu Dung Cơ, phó thủ tướng, sau trở thành thủ tướng, đã hậu thuẫn cho một vòng tái cơ cấu nữa, với việc kết hợp doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước vốn nhận được nhiều trợ giúp. Sự hòa trộn này đã khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
"Giới lãnh đạo các ngân hàng quốc doanh quan tâm tới việc thăng tiến chính trị hơn là lợi nhuận của ngân hàng."
Giáo sư Chu Quốc Trung, Học viện Quản trị Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh
Với một số người, những vấn đề đang tồn tại trong các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang gây tắc nghẽn nghiêm trọng cho sự tăng trưởng kinh tế.
"Các ngân hàng quốc doanh quan tâm nhiều hơn tới việc cho các doanh nghiệp quốc doanh vay, bởi về mặt chính trị thì làm vậy an toàn hơn. Giới lãnh đạo các ngân hàng nhà nước thì quan tâm tới việc thăng tiến chính trị hơn là lợi nhuận của ngân hàng," giáo sư Chu Quốc Trung từ Học viện Quản trị Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh giải thích.
"Cho nên nó dẫn tới tình trạng rất kém hiệu quả trong việc phân bổ các nguồn vốn. Các doanh nghiệp quốc doanh yếu kém thì lại được nhận nhiều vốn hơn, trong lúc chúng ta có những công ty tư nhân hoạt động rất sáng tạo. Họ cần tiền, nhưng lại không được tài trợ. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất cấp bách tại Trung Quốc."
Những người khác tin rằng sự độc quyền của chính phủ trong các lĩnh vực như dầu khí hay truyền thông mới là những vấn đề thực sự.
"Các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các công ty trong các ngành công nghiệp, nhìn chung đều đang nợ nần. Đây là điều không thỏa đáng, bởi các công ty đó chiếm dụng rất nhiều tài nguyên quốc gia, như đât đai, hay các khoản vay," Sinh Hương, Giám đốc Viện kinh tế Unirule, một tổ chức nghiên cứu tư nhân tại Bắc Kinh, nói.
"Họ chẳng làm ra lợi nhuận gì trong chừng hai thập niên qua, nhưng các quan chức thì lại nhận được những khoản lương bổng vô tận. Nhân dân Trung Quốc trao các nguồn lực cho nhóm người này, thế nhưng họ chẳng hề báo đáp nhân dân chút nào."

'Không có đạn bạc'

Ông Tập Cận Bình sẽ phải cân bằng giữa các loại lợi ích khác nhau nếu muốn hướng tham vọng cải cách vào các tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Bất kỳ kế hoạch mới nào cũng sẽ đều là sản phẩm của hàng tháng họp kín giữa các quan chức đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau.
Tại Trung Quốc, cũng không có gì là bí mật quanh chuyện tuyên bố cải tổ thì dễ, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một tiến trình dài hạn.
Vấn đề là việc cải tổ sẽ rất khó thực hiện, nhất là nếu việc đó đe dọa tới những lợi ích địa phương.
Ông Tập Cận Bình vẫn đang bị áp lực từ nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội Trung Quốc trong việc công bố những thay đổi có tính quyết liệt.
Nhưng nếu không làm vậy, thì kỳ họp quan trọng này cũng đáng thất vọng không kém.

Trung Quốc chuyển hướng

Nguyễn-Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA
2013-11-06
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg7169525-305.jpg
Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 11 tháng 4 năm 2012.
AFP


Trong bốn ngày từ mùng chín đến 12 tháng này, đảng Cộng sản Trung Hoa có Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, với tham vọng chuyển hướng về chiến lược và cải cách về kinh tế để vượt qua khó khăn trước mặt. Liệu việc chuyển hướng có thành hay không?Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về việc đó qua cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Cải cách kinh tế để bảo vệ quyền lực

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, như giới lãnh đạo Bắc Kinh long trọng thông báo, tuần này, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có một hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để đưa ra nhiều thay đổi mà họ đánh giá là "chưa từng thấy". Trong cái ý đối chiếu với các vấn đề kinh tế mà Việt Nam đang gặp, xin đề nghị với ông là chúng ta sẽ lại tập trung vào yêu cầu thay đổi đó của Trung Quốc. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, xin ông trước hết trình bày cho bối cảnh để độc giả của chúng ta hiểu ra vì sao họ phải đổi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh tin là Hội nghị kỳ ba của Khóa 18 sẽ có quyết định lớn lao như hai Hội nghị kỳ ba trước đây. Lần trước là Hội nghị kỳ ba của Khoá 11 vào cuối năm 1978, lần sau là Hội nghị kỳ ba của Khoá 14 vào đầu năm 1993.
Về lần trước vào cuối năm 1978, thì từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào Tháng Chín năm, ông Đặng Tiểu Bình mất hai năm "đảo chính" để tập trung quyền lực sau 10 năm hỗn loạn vì Cách mạng Văn hóa. Nhờ vậy, ông tiến hành việc hiện đại hóa với khẩu hiệu "cải cách và khai phóng". Từ đó, Trung Quốc áp dụng quy luật thị trường thay cho lề lối tập trung kế hoạch đã phá sản và mở ra 30 năm tăng trưởng khá ngoạn mục.
Một chế độ độc tài muốn có tự do kinh tế một cách chọn lọc trong một thế giới mở. Do đó mà việc cải cách bị hạn chế trong vòng đai chính trị.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Về lần sau vào năm 1993 là khi thế hệ lãnh đạo thứ ba như Giang Trạch Dân lên cầm quyền sau vụ khủng hoảng Thiên an môn, để định chế hóa hệ thống chính trị và tiếp tục áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc hầu duy trì được tăng trưởng trong ổn định chính trị. Quyết định đáng kể của Hội nghị kỳ ba lần đó là việc tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước, trong có mấy năm mà từ 10 triệu cơ sở xuống còn 30 vạn. Đáng lẽ Việt Nam nên chú ý đến quyết định này mà tiến hành cải cách doanh nghiệp một cách dứt khoát hơn thì đã tránh được vấn đề ngày nay.
Vũ Hoàng: Qua hai Hội nghị kỳ ba mà ông vừa nhắc tới, vào năm 78 và 93, người ta thấy ra nét chung là mọi quyết định chuyển hướng kinh tế đều xuất phát từ những cân nhắc chính trị, nên phải chăng, cải cách kinh tế là để bảo vệ quyền lực chính trị của đảng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng thế và đấy là mâu thuẫn hữu cơ của một chế độ độc tài muốn có tự do kinh tế một cách chọn lọc trong một thế giới mở. Do đó mà việc cải cách bị hạn chế trong vòng đai chính trị. Lần này, dù là sau tấm màn chính trị mờ ám và thống kê kinh tế mờ ảo nên có thể đoán sai, tôi nghĩ rằng sự thể cũng sẽ như vậy và cùng lắm thì sẽ có loại cải cách kinh tế của hai chục năm trước, chứ chưa thể tiến xa vào lĩnh vực chính trị vì sợ rủi ro.
Vũ Hoàng: Vì sao ông lại có nhận xét như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không thể quên khung cảnh bất ổn xã hội dưới hiểm nguy kinh tế rất cao với ảnh hưởng chính trị khá nghiêm trọng. Tôi xin nêu ra bốn thí dụ nhỏ cho thấy việc này.

000_Hkg7053994-250
Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong quá trình bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / Ed Jones.
Thứ nhất, Bắc Kinh biết sợ phản ứng thị trường nên vẫn duy trì người được quốc tế đánh giá cao về chuyên môn là ông Chu Tiểu Xuyên làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương dù ông ta hết là Trung ương Ủy viên sau Đại hội 18 vào cuối năm ngoái. Đấy là tín hiệu cải cách bề mặt để khỏi gây hốt hoảng, chứ người từng kêu gọi cải cách về chính trị là Bí thư Uông Dương của tỉnh Quảng Đông lại không vào Thường vụ Bộ Chính trị và giờ đây chỉ là Phó Thủ tướng hạng ba. 
Thứ ba là người có ý cải cách kinh tế mạnh nhất là Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường nay lại đòi duy trì mức tăng trưởng là 7,2% một năm để kiềm chế nạn thất nghiệp dù biết là cần giảm đà tăng trưởng thì mới có thể đổi hướng. Nói cách khác thì dù chệch hướng vẫn đạp ga lao tới. Thí dụ sau cùng là từ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau khi thanh trừng Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, ông vẫn sử dụng lại hình ảnh và phong cách Mao Trạch Đông y như họ Bạc, để duy trì quyền lực đảng bằng tinh thần ái quốc đầy chất bảo thủ kiểu Mao. Nói chung, họ vẫn dè dặt dù tình hình đòi hỏi nhiều quyết định táo bạo từ kinh tế đến chính trị.
Vũ Hoàng: Thưa ông, về kinh tế thì đâu là vấn đề khiến Trung Quốc phải chuyển hướng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Là nước đi sau có thể học theo các nước tiên tiến để huy động những yếu tố "khiếm dụng", trước đây không sử dụng hết vì không biết, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng cao y như nhiều nước chậm tiến trên thế giới. Vì lý do chính trị, họ vét tiết kiệm rất nhiều và số nhân công rất đông của người dân để dồn vào đầu tư làm lực đẩy. Sản xuất dư thừa thì xuất khẩu cho nhà nước nắm lấy một nguồn ngoại tệ rất lớn và phô diễn sức mạnh của xứ sở.
Sau 30 năm thì chiến lược đó đi hết sự vận hành và phơi bày nhiều vấn đề sinh tử nên lãnh đạo phải chuyển. Như đã trình bày trước đây, tôi thiển nghĩ là có năm vấn đề nghiêm trọng nhất. 1) Sản xuất dư thừa nên gây hoang phí, lỗ lã, bong bóng đầu cơ, với một lượng tín dụng gấp đôi Tổng sản lượng, bên trong là một núi nợ xấu sẽ đổ khi bong bể. 2) Lề lối trưng thu tiết kiệm của dân chỉ là hình thái bóc lột mới, nó gây bất công xã hội và bất ổn kinh tế vì đánh sụt mức tiêu thụ nội địa. 3) Trong khi phương tiện dư dôi kia là dân số lao động rất đông và lãnh lương rất thấp lại bắt đầu cạn và đòi mức sống khá hơn. 4) Yêu cầu sản xuất bằng mọi giá chỉ là tăng trưởng không cân đối, thiếu phẩm chất, và gây ra hai loại ô nhiễm là ô nhiễm môi sinh và tham nhũng. 5) Ở trên cùng thì các thế lực kinh tế và chính trị cấu kết với nhau để cản trở những yêu cầu cải cách mà lãnh đạo đã thấy từ 10 năm trước mà không làm gì được.

Kế hoạch Tam-Bát-Tam

Vũ Hoàng: Để giải quyết năm loại vấn đề mà ông vừa tóm lược thì Đại hội kỳ Ba này có thể làm những gì, ít nhất về mặt kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để chuẩn bị tâm lý, các chuyên gia của chế độ được tiết lộ về "Kế hoạch Tam-Bát-Tam", ba tám ba, là ba hướng cải cách nhắm vào tám lĩnh vực để đạt ba đột phá. Ba hướng cải cách là thị trường, chính phủ và doanh nghiệp. Tám lĩnh vực cần sửa là hành chính, cạnh tranh, đất đai, ngân hàng, thuế vụ, doanh nghiệp, công nghệ xanh để bảo vệ môi sinh, và mở rộng khu vực dịch vụ. Ba chỉ tiêu đột phá là 1) hạ thấp rào cản để thu hút đầu tư quốc tế và nâng sức cạnh tranh, 2) xây dựng mạng an sinh xã hội và 3) cho phép trao đổi quyền sử dụng đất.

Tôi thiển nghĩ rằng đấy là tham vọng lớn, có khi để các trung tâm nghiên cứu của chế độ hay trí thức trong đảng tác động lên lãnh đạo, nhưng tội sẽ đặc biệt chú ý đến bốn hòn đá thử vàng là 1) cải cách tài chính gồm có ngân hàng và ngoại hối để thật sự đền bù tiết kiệm và nâng sức cạnh tranh; 2) cải cách xã hội gồm có thuế vụ và chế độ an sinh để lo cho dân nghèo và nâng mức tiêu thụ nội địa; 3) cải cách chế độ hộ khẩu để giải phóng sức dân và đô thị hoá một cách khoa học; 4) sau cùng mới cả cải cách doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp nhà nước, để giới hạn lạm dụng và trưng thu của bộ máy nhà nước. Còn lại, việc cải tổ chế độ đất đai là điều cần thiết mà cực kỳ nan giải vì đụng vào quyền lợi của quá nhiều đảng viên từ trung ương tới địa phương.
Vũ Hoàng: Ông có bi quan quá hay không khi thấy rằng nhiều biện pháo cải cách sẽ bị hạn chế vì những quyền lợi này?
Để chuẩn bị tâm lý, các chuyên gia của chế độ được tiết lộ về "Kế hoạch Tam-Bát-Tam", ba tám ba, là ba hướng cải cách nhắm vào tám lĩnh vực để đạt ba đột phá.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng thời Đại hội Ba vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình có hậu thuẫn khá mạnh ở dưới và chỉ phải ứng phó với tham vọng của một số đảng viên trên thượng tầng. Ngày nay, tình hình đổi khác vì không chỉ một số cá nhân gian hùng có thể chặn đà cải cách của tập thể mà cả một mạng lưới quyền lợi đan kết với nhau để duy trì hiện trạng và cản trở cải cách. Nếu mạnh tay tiến hành thì lại gây phân hóa trong đảng và dẫn tới khủng hoảng chính trị. Vì vậy mà người ta không có nhiều kỳ vọng và Trung Quốc khó vượt qua được thách đố trước mặt.
Vũ Hoàng: Trong một kỳ trước, ông nói rằng các nước cùng chuyển hướng phải phối hợp với nhau thì mới dễ thành công. Một câu hỏi được nhiều thính giả nêu ra là nếu trong đà cải cách, Bắc Kinh tự ý quyết định không cho nước Mỹ vay tiền hoặc giảm bớt số nợ trị giá gần một ngàn ba trăm tỷ đô la thì tình hình sẽ ra sao? Ai lợi và ai thiệt?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu hỏi này rất hay mà hơi rắc rối nên tôi đi thật chậm để thính giả của chúng ta nắm vững sự thật khoa học và lẽ đúng sai về chính trị hay tuyên truyền.
Trong 20 năm liền sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và các nước buôn bán với nhau nhiều hơn kể từ 1992 đến 2012, thì nước nào tiết kiệm nhiều lại cần đến nước tiêu thụ nhiều và tiết kiệm ít. Thí dụ như tiết kiệm nhiều là Á Châu, mà đứng đầu là Trung Quốc, thì cần sức tiêu thụ của Mỹ. Luồng giao dịch đôi bên là cán cân chi phó, theo nguyên lý kế toán là phải quân bình, bằng nhau. Thặng dư của cán cân mậu dịch thì quân bình với cán cân vãng lai, trong đó có giao dịch tư bản. Cụ thể là bán hàng cho Mỹ lấy tiền về thì lại gửi qua Mỹ dưới hình thức đầu tư hoặc cho vay. Chưa có sức đầu tư thì cho vay là cách an toàn hơn cả. Trong quan hệ này, đôi bên đều có lợi và cần nhau chứ chẳng có chuyện ai hay ai dở, ai mạnh ai yếu. Từ năm 2012 thì mọi sự đảo ngược.
Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì Mỹ cần nâng tiết kiệm, giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu để trả nợ nên Tầu khó xuất khẩu và càng phải chuyển để nâng mức tiêu thụ nội địa. Nếu đôi bên phối hợp nhịp nhàng khi chuyển hướng thì sẽ tránh được giao động và thiệt hại, chứ không thể có chuyện uy hiếp nhau bằng cách không mua hàng hoặc chẳng cho vay nữa.
Bây giờ nếu vì lý do kinh tế, Bắc Kinh muốn bớt cho Mỹ vay tiền - hoặc còn đòi nợ như nhiều người không hiểu nên cứ lo sợ - thì Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh có thể làm gì? Thứ nhất là mua ít công khố phiếu hơn để dồn tiền mua cổ phiếu Hoa Kỳ. Khi ấy mọi sự chẳng thay đổi gì ở cả hai bên. Thứ hai, Bắc Kinh bán công khố phiếu Mỹ để mua tài sản của một khối kinh tế khác, giả dụ như Âu Châu. Khi ấy mọi sự vẫn chẳng thay đổi cho Hoa Kỳ hay cho cán cân thương mại Trung Quốc mà Bắc Kinh bị rủi ro hơn với tài sản Âu Châu và các nước Châu Âu lại bị thiệt. Thứ ba là giảm số công khố phiếu Mỹ mà mua nguyên nhiên vật liệu như dầu khí hay kim loại. Khi ấy, họ ôm vào trong lòng sự bất trắc của thị trường thương phẩm, có khi lời to có khi lỗ nặng, là chuyện đang xảy ra. Nói vắn tắt lại vì thời lượng có hạn, chủ nợ Bắc Kinh rất cần khách nợ Mỹ và sẽ cần hơn nữa trong những năm tới khi hoàn cảnh cải cách của họ còn khó khăn hơn.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

TQ và Hội nghị Trung ương 'cột mốc'

Cập nhật: 07:27 GMT - thứ tư, 6 tháng 11, 2013
Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường
Hai ông Tập và Lý đang có tham vọng cải cách sâu rộng kinh tế xã hội Trung Quốc
Liệu năm 2013 sẽ là một cốc nữa cho Trung Quốc như năm 1978 hay ít nhất cũng là năm 1993?
Trong hai lần Hội nghị Trung ương 3 vào các năm 1978 và 1993, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua những chính sách cải cách kinh tế quan trọng.
Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 18 lần này được tung hô là có tầm quan trọng như hồi tháng 12 năm 1978 khi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế theo hướng thị trường dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
Điều này khó có khả năng nhưng vẫn có rất nhiều trông đợi rằng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phát động các cuộc cải cách cũng đạt tầm vóc như hồi năm 1993.
Khi đó, phần lớn khu vực kinh tế nhà nước đã bị giải thể với số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm từ trên 10 triệu xuống dưới 300.000 vào giữa những năm 1990.

Kế hoạch 383

Hội nghị Trung ương 3 thường là lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo những cải cách quan trọng. Đây là thời điểm ban lãnh đạo mới đã lên nắm quyền được một năm – tức là họ đã củng cố quyền lực đủ mạnh để công bố các kế hoạch lãnh đạo cho nhiệm kỳ 10 năm.
Hội nghị lần này, diễn ra từ ngày 9 đến 12/11, có thể sẽ đúc kết từ ‘kế hoạch 383’ vốn được những nhà chiến lược của chính quyền Trung Quốc đưa ra với mục đích chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc cho đến năm 2020.
Thượng Hải
Trung Quốc muốn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước để giúp tăng trưởng kinh tế
Trước hết, bản kế hoạch này đề ra ba cải cách: mở cửa thị trường, chuyển đổi chính phủ và cải cách doanh nghiệp.
Sau đó là tám lĩnh vực cần được xử lý, bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy cạnh tranh, cải cách chính sách đất đai, mở cửa khu vực ngân hàng trong đó tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, cải cách hệ thống tài chính gồm cả thiết lập an sinh xã hội cơ bản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ xanh và mở cửa khu vực dịch vụ.
Trong số này, kế hoạch 383 xác định cần phải đạt được ba đột phá quan trọng: hạ thấp các rào cản thị trường để thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh, thành lập một gói chương trình an sinh xã hội cơ bản và cho phép mua bán đất đai, vốn là sở hữu công.
Ba mục tiêu này có vị trí quan trọng trong số các cải cách mà Trung Quốc cần phải thực hiện để phát triển một cách ổn định và bền vững hơn.
Trước hết, tăng cạnh tranh sẽ giúp tăng sản lượng, nhưng muốn làm được điều này thì phải cải cách số doanh nghiệp nhà nước còn lại vốn đã bám rễ chặt trong các khu vực quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng và viễn thông.
Thứ hai, an sinh xã hội cho người dân sẽ giúp tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc bằng cách giúp đỡ người nghèo và cả tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Điều này sẽ rất cần thiết khi Trung Quốc tìm cách chuyển đổi tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng nội địa.

Lợi nhuận từ đất đai

Nông dân phản đối chính quyền ở tỉnh Vân Nam
Đất đai là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bất ổn ở nông thôn Trung Quốc
Cải cách chính sách về đất đai cũng là một nội dung then chốt của kế hoạch này. Kế hoạch 383 đề xuất quyền bình đẳng giữa dân thành thị và nông thôn trong việc mua bán đất đai công hữu.
Điều này có nghĩa là đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước hay chính quyền địa phương, nhưng những ai đã thuê đất dài hạn có thể bán nó và thu lợi mà đa phần lợi nhuận về đất đai hiện nay thuộc về chính quyền.
Thu hồi đất là một nguyên nhân chính gây khiếu kiện ở các vùng nông thôn Trung Quốc, và dường như vấn đề cho các cá nhân được sở hữu đất không được đề cập đến mặc dù nó đã được tranh luận rất nhiều.
Tương tự, mặc dù một trong các nội dung cải cách là tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái nhưng việc cho phép thêm nhiều dòng vốn ngắn hạn ra khỏi biên giới không được xem là một ưu tiên.
Đây cũng là một điểm gây tranh luận nhiều. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường tài chính của mình nhưng mở cửa đến mức độ nào thì chưa rõ.
Cũng có nhiều quan ngại về quy mô nợ của nền kinh tế Trung Quốc, tham nhũng và cải cách nền pháp trị – tất cả những vấn đề này đều cần được giải quyết. Cho nên có một danh sách dài các cuộc cải cách cần được thực hiện.
Đôi khi nhiều cải cách có thể có tác động lớn hơn và lâu dài hơn một hay hai cải cách đột phá.
Con đường mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chọn lựa sẽ được thế giới theo dõi sát sao vì nó sẽ có tác động đến phần còn lại của thế giới vốn đang tìm kiếm sự ổn định và tăng trưởng ở những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

No comments:

Post a Comment