Pages

Monday, October 31, 2016

THỐNG NHẤT VÀ MÂU THUẪN TRONG TỤC NGỮ,VÀ CA DAO= BIỂN ĐÔNG

NGUYỄN THIÊN THỤ * THỐNG NHẤT VÀ MÂU THUẪN TRONG TỤC NGỮ,VÀ CA DAO


THỐNG NHẤT VÀ MÂU THUẪN   TRONG TỤC NGỮ,VÀ CA DAO


Xem tục ngữ và ca dao, chúng ta thấy đó là một kho tàng rất phong phú của văn chương Việt Nam. Đi sâu vào nội dung, chúng ta thấy rõ sự thống nhất trong tâm tình và tư tưởng dân tộc, nhưng bên cạnh cũng có nhiều mâu thuẫn. Mục đích của chúng tôi trong bài này là trình bày vài nét về sự thống nhất và mâu thuẫn này, và giải thích lý do cấu tạo các xu hướng đó.


Vũ trụ là thống nhất và hòa hợp. Tùy theo quan điểm mà ta cho là thống nhất hay mâu thuẫn. Thí dụ ngày và đêm, ngắn và dài, giàu và nghèo là những cặp mâu thuuẫn nhưng với cái nhìn của Phật giáo và  của Đạo đức Kinh, tất cả chỉ là các mặt khác nhau của một thực tại. Nam và nữ, nóng và lạnh là sự hòa hợp cần thiết của vũ trụ và loài người. Tuy nhiên, không thời đại nào , xã hội nào lại không có mâu thuẫn.  Xã hội nào cũng có nhiều giai cấp, nhiều mâu thuẫn. Nhất là trong xã hội tự do tư tưởng, bao nhiêu cái đầu là có bấy nhiêu ý kiến khác nhau, thành thử tư tưởng, tình cảm khác nhau là việc đương nhiên. Xã hội thời trước không hề cấm văn chương, cấm ngôn luận và cấm hội họp. Trai gái có thể gặp gỡ trong lao động hay trọng lễ hội. Xã hội ta rất phóng khoáng và nhân đạo. Vua chúa Việt Nam  không bao giờ đốt sách, chôn sống học trò, bỏ tù hàng triệu người, và bắt toàn dân làm nô lệ trong các công trường và nông trường.

I. BÌNH DÂN VÀ BÁC HỌC
   
Một số  nhà nghiên cứu văn học, tách bạch rõ ràng hai loại văn học là văn chương bình dân và văn chương bác học. Văn chương bác học do các nhà khoa bảng sáng tạo, còn văn chương bình dân được truyền bá trong lũy tre xanh. Do đó, khi viết về ca dao, tục ngữ, những vị đó kết luận rằng ca dao tục ngữ là tác phẩm của quần chúng nhân dân, của những tác giả vô danh ở nơi ruộng đồng và sông núi. Dương Quảng Hàm cho rằng tục ngữ, ca dao không có nguồn gốc rõ rệt. Ca dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai; chắc là lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm xúc mà làm nên, rồi người sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến bây giờ.

      Từ khi phong trào bình dân nổi lên, một số văn gia, học giả theo phe Bình Dân hay phe cộng sản, cho rằng văn chương truyền khẩu là do quần chúng lao động sáng tác.Nhận định đó không chính xác lắm bởi vì tục ngữ, ca dao là công trình sáng tác của nhân dân, mà trong nhân dân có nhiều hạng người, có trí thức, có bình dân, có hạng khoa bảng, có kẻ hàn nho. Thí dụ câu hò trên sông Hương được dân chúng truyền tụng là của Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961):
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng trên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non 

Và câu " Thương người như thể thương thân" là của Nguyễn Trãi.

Thực tế, trong cuộc hò hát đối đáp giữa trai gái, phần lớn là nông dân, nhưng họ có một tâm hồn thi sĩ và có tài sáng tạo thi ca. Ở thôn quê thuở trước, có nhiều người không học lại có tài làm thơ. Nhưng trong đám thanh niên trai trẻ, cũng có những nho sinh, hay ông tú, cậu chiêu. Ngoài ra, hai phe nam nữ còn có những vị quân sư giúp họ những khi khó khăn. Những vị quân sư này, cố vấn này phần lớn là thi sĩ, nho sĩ. . Chẳng hạn, có những câu ca rất hóc búa, người bình thường khó mà trả lời, phải là những tay nho học đọc thông hiểu rộng mới giải đáp được:

    -Mấy lời hỏi thử học trò,
    Ai dàn quân Bái Thượng, ai chèo đó Ô giang?
    -Vua Nghiêu có chín con trai,
    Đan Chu là một, tám người nữa ai?

Ngày xưa, phụ nữ không đến trường, nhưng có khá nhiều phụ nữ giỏi Hán và nôm như Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan. . . Như vậy, xét về nhân sự, các nam nữ hát trống quân, quan họ, hát huê tình là một tập hợp nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, nông dân hay nho sĩ.
Xét nghệ thuật ,  chúng ta khó biết câu nào là của người bình dân, câu nào là của nho sĩ. Có những câu giản dị:
Mẹ ơi chớ đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.

Ru em, em thét cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.

Tuy nhiên, trong ca dao  có những câu nhiều điển tích, ta có thể đoán định các tác giả là nho sĩ:
    -Mừng nay mưa nắng thuận trời,
    Trị vì Ngu Hạ dân đời Thương Chu.
    Nơi nơi kích nhưỡng ca cù,
    Khắp trong vũ điện Thang Chu thuận hòa.
    Đâu đâu già trẻ gần xa,
    Người người kính chúc thiên gia vững vàng.
    Ai ai trung hiếu lưỡng toàn,
    Năm năm mừng được phong niên thái bình.

    -Nay mừng tứ hải đồng xuân,
    Tam dương khai thái muôn dân hòa bình.
    Sĩ thời chăm việc học hành,
    Một mai khoa bảng để giành công danh.
    Công thời phượng các long đình,
    Đủ nghề Sư Khoáng, rứt nghề công thâu.
    Nông thời cuốc bẫm cày sâu,
    Thu hòa, hạ mạch phong thu có ngày.
    Thương thời buôn bán liền tay,
    Rứt tài Tử Cống ai tày cho đang!

Nhìn chung, ca dao, tục ngữ là tác phẩm của nhân dân qua các thời đại, là một công trình tập thể của các tầng lớp nhân dân, gồm sĩ nông, công thương, nam nữ, và Bắc Nam, Trung, tất cả cùng hòa điệu, tạo thành một sức sống của  dân tộc Việt Nam.

II. TRÍ THỨC VÀ NÔNG DÂN

    Nước nào cũng có những nông dân lo việc trồng trọt, chăn nuôi, và các trí thức lo việc giáo dục, và hành chánh. Đây là hai hạng người cần thiết trong mọi xã hội. Chúng ta không biết từ xưa, người Việt có chữ viết riêng hay không, nhưng từ khi Triệu Đà chiếm nước ta và xưng độc lập, có lẽ từ lúc này chúng ta đã học chữ Hán. Nhưng phải từ đời  Lý, kẻ sĩ mới được triều đình tôn trọng.  Năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường để chọn những người minh kinh bác học.  Đến đời Trần, các vị vua là Phật tử nhưng có đầu óc cởi mở, đã chú trọng Nho học, dùng Nho học là phương cách phát triển văn hóa giáo dục. Từ đó, Nho học được tôn trọng, và nho sĩ trở thành những nhân vật quan trọng.
    Trạng nguyên thi có câu:
    Vạn ban giai hạ phẩm,
    Duy hữu độc thư cao.
    ( Vạn ban đều thấp kém,
    Chỉ có kẻ  đọc sách  là cao quý nhất ).
Nguyễn Công Trứ đã nói lên vai trò của kẻ sĩ trong xã hội ngày trước:


    Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
    Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.
    Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
    Từ Chu Hán, sĩ này là quý. .  .

Sự thật thì không có sự ngăn cách giữa kẻ sĩ và nông dân. Nông dân nuôi con ăn học, con thi đỗ, làm quan. Như vậy, nông dân là cha, kẻ sĩ là con. Trí thức vốn xuất thân từ nông dân, từ hàng lao động. Ngay cả hàng vua chúa, đại thần, tướng quân cũng xuất thân từ hàng lao động mà ra, thành thử trong xã hội Việt Nam không có đối lập giữa các giai cấp. Nho sĩ là những người con ưu tú của nhân dân. Các bậc cha mẹ, các cô thôn nữ đã yêu mến các nho sĩ, vì nho sĩ là tương lai dân tộc, là rường cột nước nhà:

    -Chẳng tham ruộng cả, ao sâu,
    Tham vì anh tú rậm râu mà hiền.
    Chẳng tham ruộng cả ao liền,
    Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.

    -Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
    Tham năm ba chữ cho tày thế gian.

    -Đêm nằm thử nghĩ mà coi,
    Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng.

    -Đôi bên bác mẹ thì già,
    Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
    Mùa hè cho chí mùa đông,
    Mùa nào, thức ấy cho chồng ra đi.
    Hết gạo thiếp lại gánh đi,
    Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao?
    Hỏi thăm đến ngõ thì vào,
    Tay đặït gánh xuống, miệng chào thưa anh. .  .

Tuy nhiên trong nhân dân cũng có những kẻ chống đối, chỉ trích nho sĩ. Họ là những kẻ “trọng nông”:


 Nhất sĩ nhì nông,
    Hết gạo chạy rông
    Nhất nông nhỉ sĩ.
Họ chỉ trích nho sĩ là những kẻ ăn bám xã hội, là hạng người vô ích:
    Ai ơi chớ lấy học trò,
    Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
    Ngày thì cắp sách đi rong,
    Tối về lại giữ đèn chong một mình.

Ngày xưa thi cử khó khăn, rất it người thi đỗ, làm quan. Một số thất bại trên đường cử nghiệp, cam phận hàn nho, suốt đời khốn khó.Những nông dân, nhất là những phú hộ có nhà cửa, ruộng vườn và tiền bạc thì đâm ra khinh nho sĩ là những kẻ nghèo hèn trong xã hội:
    -Ra đường ông tú, ông chiêu,
    Về nhà móntg tay mỏ sẻ cậy niêu đã mòn.
    -Số thầy là số lôi thôi,
    Quanh năm chỉ những chùi nồi cả năm.
    -Thầy đồ mà chẳng ăn khoai,
    Đến khi luộc chín còn hai củ hà.
-Quân tử là quân tử tàu,
Aên cơm thì ít, ăn rau thì nhiều.
-Quan văn mất một đồng tiền,
Xem bằng quan võ mất quyền quận công.
-Ra đường võng giá nghêng ngang,
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu  mày?
Cám rang tôi để cối xay,
Hễ chó ăn mất thì mày với ông!

Cái đau khổ của nho sĩ, bi kịch của nho sĩ là phải giữ cái bề ngoài lịch sự tao nhã nhưng thực tế thì ăn mặc đều thiếu thốn. Còn nông dân, và dân buôn thúng bán mẹt y phục giản dị nhưng no cơm ấm áo:

    -Quần hồ, áo cánh mà chi,
    Quần hồ, áo cánh, có khi ăn mày
    -Quần dài thời ăn mắm thối,
    Quần đầu gối thì ăn mắm thơm.

    Trong xã hội xưa, đa số dân chúng tôn trọng kẻ sĩ nhưng một số khinh kẻ sĩ là nghèo đói, túng thiếu. Đó là một sự thực. Và đó cũng là quan điểm thực dụng, hoặc quan điểm trọng kim tiền. Thực ra nông dân và nho sĩ có nhiều điểm giống  nhau.  Cả hai đều sống trên đồng ruộng, và cả hai đều sống nhờ vào canh tác. Nho sĩ bận học nhưng vợ con canh tác hoặc ruộng đất cho nông dân làm rẽ. Cha nho sĩ là nông dân, anh em nho sĩ cũng là nông dân, mẹ và em gái là những người ươm tơ dệt vải hoặc tiểu thương buôn bán ngoài chợ. Tất cả đều chung một ngưồn gốc, không có việc phân chia đẳng cấp như một số nhà văn, nhà chính  trị thiển cận và quá khích đã thêu dệt.

Cả hai đều nghèo, không ai khinh ai. Chỉ có bọn trọc phú, trung nông hoặc phú nông, ngoài canh tác còn buôn bán, cho vay nặng lãi để làm giàu là khinh bỉ nho sĩ nghèo. Đó cũng là mâu thuẫn giữa hai phái kim tiền và đạo đức. Chính một số kẻ sĩ đã chỉ trích bọn hào phú thôn quê  “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú”. Do đó mà có mâu thuẫn giữa nho sĩ và bọn trọc phú chứ không phải là mâu thuẫn giữa nông dân và nho sĩ. Nho sĩ bao giờ cũng trọng nghề nông vì quốc gia ta dĩ nông vi bản. Nho sĩ bao giờ cũng mong muốn đất nước no ấm, giàu mạnh, trong đó điều quan trọng là mưa thuận gió hòa, và được mùa:

    Nay mừng những kẻ nông phu,
    Cầu cho hòa cốc phong thu bình thời.
    Vốn xưa nông ở bậc hai,
    Thuận hòa mưa gió, nông thời lên trên.
    Quý hồ nhiều lúa là tiên,
    Rõ ràng phú túc, bình yên cả nhà.
    Bốn mùa xuân hạ thu qua,
    Muốn cho tiền lúa đầy nhà hán sương.
    Bước sang hạ giá thu tàng,
    Thu thu tiễn hoạch, giàu ngang Thạch Sùng.
    Quý nhân cùng kẻ anh hùng,
    Rắp toan muốn hỏi nhà nông ê hề.
    Thực thà chân chỉ thú quê,
    Chuyên nghề nông nghiệp là nghề vinh quang.
    Gặp thời là được thọ khang,
    Tam đa, ngụ phúc rõ ràng trời cho.

Nhà nho cũng đã có nhiều người giúp ích cho nông dân như Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Bắc Việt ), và Nguyễn Thông lo việc doanh điền và định cư cho nhân dân miền Nam tại Bình Thuận khi Pháp chiếm miền Nam.
   
III. LAO  ĐỘNG  VÀ HƯỞNG NHÀN
   
Một số người Việt Nam chủ trương sống là lao động, là tranh đấu:
    Tay làm hàm nhai,
    Tay quai, miệng trễ.

Đây là điều tất yếu. Nước Việt Nam nghèo khổ, đa số sống về nông nghiệp. Mùa màng thường bị thiên tai, lại nữa, đất nước thường bị chiến tranh, sống chết, tai họa, nghèo đói là chuyện xảy ra thường xuyên. Vì vậy, muốn tồn tại, con người phải lao động, phải tranh đấu. Không thể bỏ phí thời giờ cũng như bỏ hoang ruộng đồng:
    -Đời người chỉ một gang tay,
    Ai hay ngủ ngày, chỉ được nửa gang.
    -Ai ơi, chớ bỏ ruộng hoang,
    Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu!

Mặt khác, nhân sinh quan đã tạo ra một lối sống. Trong khi một số tin tưởng vào số mệnh, một số tin vào ý chí con người, và cũng có người tin tưởng cả hai:

    -Trời nào có phụ ai đâu,
    Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
-Có chí làm quan, có gan làm giàu.
-Đại phú do thiên, tiểu phú do cần.

Trái lại, trong xã hội Việt Nam có một số người chủ trương sống nhàn hạ, và vui chơi. Nếu vì mưu sinh, con người cũng nên làm vừa phải,  không nên lao động quá mức:

    Một mình ăn hết bao nhiêu,
    Mò cua bắt ốc cho rêu bám đùi!

Đi xa hơn, họ theo khuynh hướng dục lạc và hưởng thụ khác với chủ trương khắc kỷ:
    -Chơi hoa cho biết mùi hoa,
    Hoa lê thì trắng, hoa cà thì xanh.
    -Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
    Cái già sồng sộc nó thì theo sau.
    -Một năm là mấy tháng xuân,
    Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi!
    -Ai ơi, chơi lấy kẻo chầy,
    Xem hoa bốn mắt, đi giầy ba chân.

Khuynh hướng sau này thể hiện rõ rệt trong văn chương triều Nguyễn, nhất là trong những bài hát nói:
   Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
    Nếu không chơi thiệt ấy ai bù?
(Nguyễn Công Trứ )

    Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
    Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.
    Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
    Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
            ( Cao Bá Quát)

    Tuy nhiên hai khuynh hướng này ở một số người là không đối nghịch. Hai khuynh hướng này hòa hợp nhau. Làm việc mệt nhọc thì nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi xong thì lại tiếp tục công việc. Các nho sĩ sau khi thi đỗ, làm quan thì có quyền lui về ẩn dật như nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ:

    Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
    Thảnh thơi thơ túi rượu bầu !
    Nho sĩ lúc chưa gặp thời cũng có thể ngao du sơn thủy:
    Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất,
    Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn.
    Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đòn,
    Đồ thích chí  chất đầy trong một túi.. .

Không cần phải chờ lúc hưu trí, con người cũng có thể tìm vui sau giờ làm việc. Người nông  dân Việt Nam quanh năm cực nhọc, nhưng họ có thể nghỉ ngơi sau vụ mùa, trong dịp tết hay trong những ngày lễ hội:
    -Tháng giêng ăn tết ở nhà,
    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè. .  .
    -Tháng giêng là tháng ăn chơi,
    Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Khuynh hướng hưởng thụ và lao động đều hiện hữu ở các xã hội. Cổ nhân ta nhìn thấy mối tương quan chặt chẽ giữa vật chất và tinh thần.  Nghèo khổ thì sống khiêm cung, có tiền có bạc thì sinh ăn chơi:

 

    -Phú quý sinh lễ nghĩa.
    -Nhàn cư  vi bất thiện.
    -No cơm, ấm cật, dâm dật mọi nơi.
    Đầu óc tả tơi, mọi nơi chẳng dật.
    -No cơm, ấm cật, dâm dật mọi nơi.
    Quần áo  tả tơi, mọi nơi chẳng dật.

Người giàu hưởng thụ đã đành, người nghèo cũng ăn chơi.
    Mẹ già hết gạo treo niêu,
    Anh còn áo trắng, khăn điều vắt vai.
   
    Thằng chồng em nó chẳng ra gì,
    Tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hỗ chàng,
Nó giận ,nó phá, tan hoang cửa  nhà.
Nói đây thời có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một và cân bông.
Em bán đi trả nợ cho chồng,
Còn ăn, hết nhịn hả lòng chồng con . . .

Ca dao và tục ngữ đã phản chiếu rất thực về cuộc sống Việt Nam. Trong khi đa số sống cần kiệm và lao động hết mình, một số lại ca tụng nhàn lạc. Đó cũng là nét chung của nhân loại.Nhưng nghỉ ngơi và làm việc cũng không là mâu thuẫn mà chúng lại hòa hợp nhau, bổ túc cho nhau trong cuộc đời.


IV. ĐẠO ĐỨC VÀ PHÓNG TÚNG

    Dân Việt Nam theo đạo đức cổ truyền, người phụ nữ bao giờ cũng gìn vàng giữ ngọc như lời khuyên của Nguyễn Đình Chiểu:
    Trai thì trung hiếu làm đầu,
    Gái thì tiết hạnh là câu trau mình.
Vì giáo dục gia đình và xã hội, người phụ nữ Việt Nam sống đời tiết hạnh chứ không theo dục tính như xã hội Tây phương. Trong cuộc sống, người phụ nữ phải thận trọng khi giao tiếp với nam giới:
     
    Sáng ngày em đi hái dâu,
    Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
    Hai anh đứng dậy hỏi han,
    Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
    -Thưa rằng ;Tôi đi hái dâu,
    Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
    -Thưa rằng: Bác mẹ tôi răn,
    Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Chúng ta khó nói rằng Nho giáo cấm hay cho phép nam nữ yêu đương. Nhưng chuyện trai gái yêu đương trở thành một thông lệ trong mọi xã hội. Gặp gỡ, hẹn hò, thương nhớ đã có từ lâu trong Kinh Thi Trung Hoa. Nhưng xã hội ta, cha mẹ quyết định việc hôn nhân và con cái không có quyền tự do luyến ái. Tuy nhiên, một số cha mẹ cho phép trai gái tìm hiểu nhau, và phong tục cũng chấp nhận việc này, cụ thể như việc hát quan họ, hát huê tình ở thôn quê ngày xưa là những dịp để trai gái trong làng gặp gỡ nhau. Kim Trọng yêu Thúy Kiều, Nguyệt Nga yêu Lục Vân Tiên, và xa nữa xã hội không thiếu truyện tình Trương Chi- My nương, và Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Phần nhiều là lén lút hẹn hò, gặp gỡ nhưng người phụ nữ bao giờ cũng là người anh dũng tử thủ bảo vệ thành trì:
    Yêu nhau hót cổ, choàng lưng,
    Việc ấy xin đừng để có mẹ cha!

    Một đôi khi người phụ nữ chủ động chào hỏi người con trai, nhưng đó là đùa vui hoặïc cũng là bản tính vui vẻ, tự nhiên của người phụ nữ nông thôn:

    -Hỡi anh đi đường cái quan,
    Dừng chân đứng lại cho tôi than đôi lời!
    -Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn,
    Cho em về với một đoàn cho vui.
    -Ai về Cầu Ngói Dạ Lê,
    Cho em về với thăm quê bên chàng!

Đa số phụ nữ theo Nho giáo giữ đạo tam tòng tứ đức.Việc ly hôn là điều ít xảy ra trong xã hội xưa. Hạnh phúc của người phụ nữ là ở chồng con. Người phụ nữ bao giờ cũng giữ nhân nghĩa, chung thủy:
    -Chồng ta áo rách ta thương,
    Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
    -Ghe bầu trở lái về đông,
    Làm thân con gái thờ chồng nuôi con.

Vì hạnh phúc gia đình, vì chồng con, người phụ nữ Việt Nam đã hy sinh rất nhiều:

    Có con phải khổ vì con,
    Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
    -Có con phải khổ vì con,
    Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.
    -Vì chàng thiếp phải mò cua,
    Những như thân thiếp thì mua mấy đồng.
    -Vì chàng thiếp phải mua mâm,
    Những như thân thiếp bốc ngầm cũng xong. . .

Tuy nhiên xã hội nào cũng có một vài phụ nữ lẳng lơ. Một số người vì hoàn cảnh, một số người là bệnh kinh niên, trở thành bản tính, bản năng:
    -Chỉ đâu mà buộc ngang trời,
    Thuốc đâu mà chữa con ngưòi lẳng lơ!
    -Gái đâu có gái lạ đời,
    Chỉ còn có một ông trời không chim!
    -Anh đánh thì tôi chịu đòn,
    Tính tôi hoa nguyệt mười con chẳng chừa!

Trương Tửu đã cho rằng người phụ nữ sống theo tình cảm và bàn năng hơn là sống theo luân lý và pháp luật của nhà nho.

    Người cộng sản chủ trương chống Nho giáo và quân chủ cho nên tìm cách bôi xấu Nho giáo. Sự dâm dục là bản năng chứ không phải là mục đích chống Nho giáo. Trộm cướp, giết người, tham ô là do thiếu đạo đức, là không giữ được thiện tâm chứ không phải có mục đích chống Nho giáo.Thực ra không phải ai cũng theo Nho giáo, Phật giáo và Lão Trang. Một số dân trên sơn cước hay vùng hẻo lánh sống theo khuôn mẫu của họ. Một số đọc tứ thư, ngũ kinh, đeo tượng Phật nhưng không có lễ nghĩa và từ tâm. Họ không chống Nho, Lão, Phật, họ sống theo bản năng. Dẫu sao, đa số nhân dân Việt Nam đã theo Nho giáo, đã có một trình độ văn hóa và đạo đức. Nho giáo không chôn sống học trò, đốt sách, giết hàng triệu người và bỏ tù hàng triệu người. Nho giáo xây dựng xã hội, làm đẹp cho nhân loại chứ không giết hại nhân loại.

    Trương Tửu đã viết về phụ nữ Việt Nam nhưng ông đã sai lầm coi như đa số sống theo bản năng. Ông quan niệm như vậy là do ba lý do:
    -Ông theo quan điểm của Freud
    -Ông theo Marx và muốn tỏ rõ rắng phu nữ Việt Nam đã theo chủ nghĩa duy vật.
    -Ông không hiểu hoặc cố ý bóp méo ý nghĩa của các câu ca dao. Thí dụ câu:

    Không chồng mà chửa mới ngoan,
    Có chồng mà chửa thế gian sự thường.

Câu trên có ý khôi hài chứ không phải khuyên phụ nữ sống theo bản năng, hay có mục đích chống Nho giáo và phụ quyền.



Wednesday, November 27, 2013

NGÂN BÌNH * BẢN ÁN TREO

Bản án treo
canhdep04
Ngân Bình
Biển bước vào nhà tôi khi ngoài trời đang đổ mưa tầm tã. Khuôn mặt phờ phạc với hai con mắt lờ đờ đỏ hoe chứng tỏ Biển đã trải qua một đêm thức trắng với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Biết thế nhưng tôi vẫn hỏi:
- Ủa! Trời mưa rầm rầm mà cậu qua nhà tôi giờ này chi vậy? Có chuyện gì cấp bách lắm sao?
- Dạ… Chị… chị… làm ơn…
Giọng nói ngượng ngùng, đứt quãng của Biển khiến tôi muốn bật cười nhưng cố làm tỉnh.
- Muốn gì thì nói đại đi.
- Chị làm ơn… đừng… đừng nói với vợ em.
Tôi chồm tới, nhìn thẳng vào mặt Biển, lạnh lùng:
- Cậu biết tính tôi rồi mà. Thấy gì nói nấy. Luôn luôn tôn trọng sự thật. Không thêm, không bớt nửa lời. Và quan trọng hơn hết là không thích giữ riêng cho mình một điều bí mật nào.
Hất cao mặt, tôi dài giọng:
- Trời ơi! Thấy mà không nói, giữ trong lòng hoài có ngày sinh bệnh chết. Câu nói đó là của bác sĩ chứ không phải của tôi đâu nha!


Biển gãi đầu, nhăn nhó thảm não:
- Dạ em biết… nhưng mà… chị làm ơn giúp em một lần… Xin chị đừng nói lại với vợ em.
- Ủa! Cậu cũng biết sợ vợ hả?
Tiếng cười tôi bật ra như tiếng mở nút chai rượu champage. Chát chúa. Khô khan.
- Hứ! Sợ vợ mà còn bày đặt léng phéng.

Biển quỳ phục xuống cạnh sofa, nơi tôi đang ngồi tréo ngoảy. Nhìn đôi mắt van nài như long lanh những ngấn nước, không đành hành hạ Biển thêm, tôi dịu giọng chất vấn:
- Nói cho tôi nghe, cậu bắt đầu có bồ từ lúc nào?
Khuôn mặt sượng trân của Biển cho tôi biết Biển rất khổ sở, ngượng ngùng trong lời thú nhận.
- Dạ! Hơn một năm rồi…


- Hơn một năm?
Tôi trợn mắt nhắc lại.
- Hai người gặp nhau ở đâu? Và cậu đến với con nhỏ đó lúc nào.

Biển ngồi bệt xuống đất, tay xoa xoa đầu gối:
- Dạ.. là bạn học của em từ năm lớp tám. Ra trường, mỗi đứa đi một nơi. Năm ngoái, tình cờ gặp lại ở nhà người bạn cũ. Emily đang thất nghiệp nên nhờ em chở đi xin job.
- Nó chưa có chồng hả?
- Dạ có, nhưng ly dị rồi.

- Có con không?
- Dạ có… đứa con gái hai tuổi. Anh chồng không trả tiền “child support”, Emily không đủ tiền nuôi con, rất khổ. Tội nghiệp lắm.


- Thấy tội nghiệp nên cậu ra tay, làm anh hùng cứu mỹ nhân. Tôi hỏi thiệt, nó “cua” cậu hay cậu “cua” nó?
Biển im lặng. Tôi đoan chắc:
- Vậy là cậu “cua” nó phải không?
- Dạ không phải!
- Vậy thì nó “cua” cậu? Điều này cho tôi biết cậu và Đông Hà sống với nhau không có hạnh phúc!

Biển nhổm người lên, hốt hoảng đính chính:
- Dạ không phải. Vợ chồng em rất hạnh phúc. Em rất thương yêu Đông Hà.
Tôi nghiêng đầu, cắn môi suy nghĩ:
- Thường, đàn ông ngoại tình là vì họ có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Vì khi có hạnh phúc thì người ta không cần phải ngoại tình. Cậu đang dối tôi phải không?


- Dạ! Em không dám. Thật ra… chỉ là… một phút yếu lòng. Em biết mình sai, muốn chấm dứt… nhưng… không ngờ…

Tôi nhìn trân trân cái miệng ấp a, ấp úng của Biển mà nghe tim mình nhoi nhói:
- Đừng nói với tôi là cậu có con với cô ta nha!
- D…ạ… em lỡ…
Nhìn thái độ của Biển tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Giơ hai tay lên trời, tôi nói như hét:
- Vậy thì cậu hãy xách gói ra khỏi nhà trước khi Đông Hà biết chuyện này. Cậu biết tính vợ cậu rồi mà. Chẳng bao giờ nó tha thứ cho cậu đâu.

Tôi giận dữ đứng lên, một tay chống nạnh, một tay chỉ ra cửa:
- Cậu nói yêu vợ mà lại làm chuyện tày trời. Tôi thật không hiểu đàn ông mấy người, sao lại có thể tồi tệ, hư đốn đến như thế. Cậu về đi, đừng lãi nhãi nữa, tôi mà nổi nóng nhấc điện thoại lên là xem như tối hôm nay cậu ra công viên mà ngủ. Về đi! Mau lên!


Đứng trong cửa sổ, nhìn dáng Biển thất thểu với từng bước chân chậm chạp không hồn dưới cơn mưa chưa ngớt hột mà lòng tôi xốn xang. Nghĩ đến Đông Hà, tôi thấp thỏm lo âu “Làm sao để cứu vợ chồng nó khỏi cảnh đổ vỡ đây?”.
* * *
- Ủa! Emily, em cũng đi đám cưới hả? Có ông xã em đi không?
Tôi vội vàng quay lại nhìn. Đây là cô gái được xếp cùng bàn với tôi. Và đây cũng là người cặp kè với Biển trong nhà hàng mà tôi bắt gặp từ tuần trước. Thảo nào, lúc ngồi vào bàn, tôi bắt gặp nét quen quen trên khuôn mặt xinh đẹp được trang điểm rất cẩn thận của cô gái đang ngồi đối diện – khác xa hôm đi với Biển chỉ quần jeanS, áo sơ mi trắng – nhưng nghĩ mãi không nhớ đã gặp ở đâu.


Khi cô gái bước ra khỏi phòng vệ sinh, hai người phụ nữ xếp hàng trước mặt tôi châu đầu to nhỏ với nhau, nhưng cũng đủ cho tôi đang đứng sau lưng họ nghe rõ từng câu một.

- Con nhỏ này lần trước bị đánh ghen ở chợ Việt Nam đó phải không? Tưởng đâu hai vợ chồng nó thôi nhau rồi chứ. Bộ chồng nó không biết sao?
- Chuyện ầm ỹ vậy ai mà không biết? Nhưng có nhầm nhò gì với thằng đó.
- Trời! Từ trước đến giờ mới thấy một người chồng không biết ghen.
- Ghen gì? Chính nó xúi vợ đi cặp với nhiều người để đem tiền về cho nó đánh bài. Tội nghiệp con nhỏ. Phải còng lưng làm việc để kiếm tiền cung phụng thằng chồng vô trách nhiệm. Đã không được cám ơn còn bị hành hạ tơi tả. Vậy mà không chịu dứt, cứ chui đầu vào sống cho thêm khổ, lại vừa mới sinh thêm một đứa con trai nữa, giống thằng cha nó in hệt.



Trở ra phòng tiệc, tôi mở ví lấy điện thoại đon đả xin chụp ảnh với những người ngồi cùng bàn để làm kỷ niệm. Đặc biệt là khi chụp chung với vợ chồng Emily, tôi lại còn đạo diễn cho anh chồng đứng phía sau ôm vai vợ thật âu yếm. Qua vài ba câu xã giao, tôi nhận thấy Emily có giọng nói thật mềm mại, ngọt ngào, và hớp hồn người đối diện hơn hết là đôi mắt nâu thật lẵng. Chồng Emily, một người đàn ông lặng lẽ, kém xã giao, với khuôn mặt xanh xao, thất sắc như không còn sinh khí. Ngược với những cặp vợ chồng khác, suốt bữa tiệc Emily vui vẻ tiếp cho chồng từng món ăn mà chẳng thấy anh chàng đáp lại lời cám ơn dù chỉ bằng một nụ cười.

Nhớ lại những điều vừa nghe về hoàn cảnh của Emily, tôi không nén được tiếng thở dài. Nhưng, cho dù thương cảm thế mấy tôi vẫn không quên chuyện cô ta đang xen chân vào hạnh phúc của Đông Hà. Những lời đối thoại của hai người phụ nữ trong phòng vệ sinh gieo trong lòng tôi một sự nghi ngờ. Hình như có uẩn khúc mờ ám nào đó trong liên hệ tình cảm giữa người phụ nữ xinh đẹp đã có chồng này và Biển.


Về đến nhà gần nửa đêm, nhưng tôi vẫn nôn nóng ngồi vào bàn, mở máy, mày mò với những tấm ảnh vừa mới chụp. Vào “photoshop” tôi cắt riêng hình của chồng Emily ra, đồng thời loại bỏ cả tôi để trong tấm ảnh chỉ còn vợ chồng cô ta. Tôi đang làm một việc phải làm để mở cái gút thắt quá tải của Biển và cứu vớt hạnh phúc gia đình của Đông Hà thoát khỏi nguy cơ tan vỡ. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của tôi.
Nếu như ngày đó tôi đừng rù rì vào tai Đông Hà hằng ngày câu ca tụng Biển “một người đàn ông có nhân cách, đàng hoàng, đạo đức như Biển không phải dễ tìm đâu em” thì chắc gì Đông Hà nhận lời cầu hôn của Biển – người đã kiên nhẫn theo đuổi Đông Hà suốt ba năm, dù trong khoảng thời gian đằng đẵng này cô không mở một lối hy vọng nào cho Biển. Thấy Biển hiền lành, đứng đắn lại rất thông minh, tài giỏi trong lãnh vực nghề nghiệp, tôi cố gắng vun bồi tình cảm của hai người. Thương Đông Hà mồ côi mẹ, lại không có một người thân nào bên cạnh, nên tôi muốn tìm cho Đông Hà một nơi nương tựa vững chắc, dù biết Đông Hà không có ý định lập gia đình, vì “nhìn thấy mẹ đau đớn, khổ sầu, sống mà như chết kể từ ngày ba bỏ mẹ con em chạy theo người đàn bà khác, em rất oán hận ba và không tin vào lòng chung thủy của đàn ông”.

 Với ý nghĩ đó, nếu biết mình bị phản bội, chắc chắn phản ứng của Đông Hà sẽ rất mạnh mẽ và quyết liệt.


* * *
- Con trai của cậu được mấy tháng rồi?
- Dạ!… sáu tháng.
- Bữa trước cậu nói, bắt đầu gặp lại người bạn gái cũ hồi năm ngoái vào dịp họp bạn cũ vào tháng… tháng mấy, tôi quên rồi.
- Dạ tháng tư.

- Vậy cậu làm thử bài toán xem. Tháng ba năm trước đến tháng tư năm nay, tổng cộng là mười ba tháng. Như vậy đúng ra con cậu chỉ có bốn tháng thôi, chứ đâu đã sáu tháng. Cô ta sinh sớm hai tháng à?
Biển nhìn tôi rồi nhìn vào khoảng không với nét đăm chiêu. Lôi từ trong ví ra tấm ảnh, đưa cho Biển, tôi hỏi:
- Cậu nhìn xem người đàn ông này có quen không?
Biển nhìn vào ảnh rất lâu, đôi mày nhíu lại như cố nhớ một điều gì. Tôi thúc giục:

- Cậu đã gặp người này lần nào chưa?
- Hình như chưa, nhưng khuôn mặt có nét quen quen. Ai vậy chị?
Tôi mỉm cười, đưa tấm ảnh khác cho Biển. Vừa nhìn thấy, như giẫm phải đống lửa, Biển bật dậy, miệng mấp máy nói không ra lời, khuôn mặt tái xanh , bàng hoàng.

- Bây giờ cậu có nhận ra thằng con của cậu giống người đàn ông trong bức ảnh này không? Vợ chồng người ta đầm ấm như vậy mà cậu dám nói với tôi là cô ta đã ly dị chồng. Tôi hỏi thật, cậu đã đưa cho cô ấy bao nhiêu tiền?

Màu xanh trên làn da của Biển đã chuyển sang tím ngắt trước sự thật phũ phàng vừa được phơi bày. Tôi nở một nụ cười đắc ý.
- Chắc không bao giờ cậu ngờ rằng, mình đã bị lừa một cách tàn nhẫn như thế phải không? Thứ nhất, cô ta không hề ly dị mà vẫn sống với chồng. Thứ hai, đứa con trai đó không phải của cậu, bằng chứng là cô ta gặp cậu chỉ có bảy tháng sau là sinh con, mà đứa con lại giống anh chồng của cô không sai một nét.

Cậu đưa tiền cho cô ta để nuôi dưỡng đứa con mà cậu nghĩ là của cậu, nhưng thật ra số tiền đó chồng cô ta dùng để đánh bạc. Cậu nói thật cho tôi biết, trong thời gian qua, có khi nào cô ta áp lực cậu phải đưa nhiều tiền hơn số tiền cậu vẫn đưa hằng tháng không?

Biển đưa tay chậm những giọt mồ hôi ướt đẫm vầng trán cao. Giọng nói như lạc đi:
- Emily thường hăm dọa, nếu em không đưa tiền, cô ấy sẽ tìm gặp vợ em và nói hết sự thật.
- Với số tiền thất thoát hằng tháng như thế Đông Hà không nghi ngờ gì à?
- Đông Hà không bao giờ quan tâm đến tiền bạc, tất cả giao hết cho em.

Tôi gằn giọng:
- Có khi nào cậu cảm thấy xấu hổ vì đã lợi dụng lòng tin của vợ để làm chuyện xằng bậy không?
Biển úp mặt trong hai bàn tay, im lặng.


- Thật ra, tôi không có quyền và cũng không muốn xen vào chuyện gia đình của cậu. Nhưng vì ngày xưa chính tôi là người dẫn Đông Hà đến, đặt tay nó vào trong tay cậu và Đông Hà đã tin tưởng mà giao phó cả cuộc đời của nó cho cậu. Cậu cũng đã từng hứa với tôi sẽ mang hạnh phúc đến cho người con gái cậu hết lòng yêu thương. Nhưng bây giờ, điều gì sẽ xảy ra nếu như Đông Hà biết được người chồng nó hoàn toàn tin cậy đã hành động chẳng khác gì người cha mà nó đã từng đánh mất lòng kính trọng và oán hận suốt đời?

Nhìn nét mặt đau đớn, thẫn thờ của Biển tôi hiểu được nỗi ray rứt, ân hận trong lòng Biển, nhưng giả vờ đặt câu hỏi ngược:
- Có lẽ cậu đang hối tiếc vì bị mất đi một người tình xinh như mộng, phải không?
- Không! Em giận mình sao quá ngu si, nhưng đồng thời cũng cảm thấy vui mừng vì thoát được tai kiếp.

- Vậy thì bây giờ cậu hãy tìm Emily, đưa tấm ảnh này cho cô ta. Cậu không cần nói ắt cô ta cũng hiểu mưu mô của mình đã bị vạch trần. Nhưng phần cậu, cậu tính sao với Đông Hà? Đừng nghĩ rằng Đông Hà không biết gì có nghĩa là cậu không có lỗi với vợ.
- Dạ em biết tội của em rất lớn. Em cũng biết Đông Hà sẽ không bao giờ tha thứ cho em. Xin chị hứa với em…

Tôi ngắt lời:
- Tôi không hứa, vì tôi chỉ mới tạm bỏ qua chứ chưa tha cho cậu. Tôi sẽ máng vào cổ cậu một bản án treo, vì biết đâu cậu vẫn còn mê mẫn người đàn bà đó và có ngày sẽ lò dò trở lại.
Biển mím chặt môi, lời nói thoát ra một cách cương quyết:
- Không bao giờ. Em không bao giờ ngu dại một lần nữa để đánh mất hạnh phúc mình đang có. Chị tin em đi.

- Tin hay không thì bản án treo vẫn còn nơi cổ cậu. Cậu mà còn tiếp tục léng phéng thì án treo sẽ trở thành án tử.


Ra khỏi nhà hàng, trước khi chia tay, tôi ân cần vỗ nhẹ lên bờ vai của Biển:
- Nếu cậu thật tâm muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì tôi xin tặng cậu hai câu rất hay mà tôi đã đọc được từ một trang sách “Có những vết cắt, dù đã lành nhưng vẫn để lại sẹo. Có những ký ức, dù đã xóa mờ nhưng vẫn mãi là nỗi đau”. Đối với Đông Hà, điều quan trọng nhất trong đời sống vợ chồng là lòng chung thủy. Cậu hãy nhớ điều đó.

Biển nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn rồi thoăn thoắt đi về phía tiệm hoa phía bên kia đường. Tôi hình dung ra khuôn mặt rạng rỡ của Đông Hà khi nhận từ tay chồng những đóa hồng rực rỡ đang ngào ngạt tỏa hương. Cầu xin cho cô em hiền lành này mãi mãi được bình an dẫu trong cuộc đời đôi khi có lăn tăn vài đợt sóng nhỏ.
Ngân Bình


TIN THẾ GIỚI


Đọ sức trên Biển Hoa Đông : Trung Quốc bất lực trước đòn thị uy của Mỹ

Máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng "phòng không " của Trung Quốc - Creative Commons / US Air Force
Máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng "phòng không " của Trung Quốc - Creative Commons / US Air Force

Trọng Nghĩa
« Quân đội Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ quá trình bay (của hai chiếc B-52), đã thực hiện trong một thời hạn hợp lý việc nhận dạng và xác định rõ đó là loại máy bay Mỹ nào ». Trên đây là nội dung thông cáo vào hôm nay, 27/11/2013, của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, liên quan đến sự kiện hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã đột nhập mà không hề báo trước vào vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa thành lập bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Phản ứng này được coi là một lời thừa nhận sự bất lực của Bắc Kinh trong việc buộc nước khác công nhận hành vi đơn phương mở rộng khu vực vùng gọi là « nhận dạng và phòng không » của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên một vùng cho đến nay vẫn được coi là không phận quốc tế.
Các nhà phân tích ghi nhận hai yếu tố trong phản ứng ngắn gọn ban đầu của Bắc Kinh trước hành động rõ ràng là thách thức Washington : Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất thận trọng, tránh đổ lỗi cho Mỹ, đồng thời tìm cách vớt vát thể diện cho Bắc Kinh khi khẳng định rằng : « Trung Quốc có khả năng thực hiện việc kiểm soát hiệu quả không phận của mình ».
Theo giới quan sát, dù không nói ra, nhưng khi quyết định cử hai chiếc B-52 thâm nhập vào vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương quy định trên Biển Hoa Đông, Mỹ đã muốn truyền đạt thông điệp ngầm rằng Washington hoàn toàn không có ý định để cho Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Hoa Kỳ đang muốn tăng cường ảnh hưởng.
Quyết định của Mỹ, theo hãng tin Pháp AFP, đã gửi một đến Bắc Kinh một lời cảnh cáo rõ ràng rằng Washington sẵn sàng đẩy lùi mọi hành vi bị cho là hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực. Động thái của Mỹ cũng là tín hiệu cho thấy hậu thẫn mạnh mẽ của Mỹ đối với Nhật Bản, hiện đang bị Trung Quốc tranh giành vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phi vụ không báo trước của hai chiếc B-52 vào hôm qua đã công khai đi ngược lại các đòi hỏi quan trọng nhất của Trung Quốc khi thiết lập vùng phòng không mở rộng trên Biển Hoa Đông. Đó là mọi phi cơ bay qua khu vực này phải nộp trước kế hoạch bay, tự động báo cáo danh tính, duy trì liên lạc vô tuyến và làm theo hướng dẫn của chính quyền Trung Quốc. Nếu không tuân thủ, quân đội Trung Quốc có quyền can thiệp.

Vấn đề đặt ra là quy định vùng phòng không mở rộng là một chuyện, nhưng có phương tiện để buộc nước khác tôn trọng vùng đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Cần phải có đến nào là phi cơ radar, nào là máy bay chiến đấu có khả năng phản ứng nhanh chóng và bay trên một hành trình dài để ngăn chặn bất kỳ kẻ xâm nhập nào, hay để buộc đối tượng thay đổi đường bay và áp tải phi cơ lạ ra khỏi vùng phòng không. Thông thường, các biện pháp cưỡng chế như trên – mà tột cùng là việc bắn hạ phi cơ lạ - chỉ áp dụng trên không phận của nước có liên quan.

Sự kiện hai chiếc B-52 của Mỹ thâm nhập vùng phòng không do Trung Quốc áp đặt trên Biển Hoa Đông mà không hề gặp phản ứng có thể được hiểu là vì Bắc Kinh tránh gây sự cố, hoặc là vì quân đội Trung Quốc chưa có khả năng để buộc các nước tôn trọng vùng phòng không của mình.
Trong cả hai trường hợp, câu hỏi đặt ra là phải chăng Bắc Kinh đã xem thường phản ứng của Mỹ, và của cộng đồng quốc tế khi tự động mở rộng vùng phòng không ra ngoài Biển Hoa Đông. Dẫu sao thì trong vụ này, Trung Quốc tự nhiên biến thành kẻ sinh sự, bị Hoa Kỳ tố cáo là đã mưu toan « đơn phương thay đổi nguyên trạng tại vùng Biển Hoa Đông ».
tags: Biển Hoa Đông - Châu Á - Hoa Kỳ - Nhật Bản - Quốc tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131127-do-suc-tren-bien-hoa-dong-trung-quoc-bat-luc-truoc-don-thi-uy-cua-my

Nhật sẽ không tuân thủ quy định vùng phòng không của Trung Quốc

Phi trường Haneda tại Tokyo : Các hãng hàng không Nhật không tuân thủ quy định về vùng phòng không của Trung Quốc - REUTERS
Phi trường Haneda tại Tokyo : Các hãng hàng không Nhật không tuân thủ quy định về vùng phòng không của Trung Quốc - REUTERS

Anh Vũ
Một ngày sau khi có ý định chấp nhận quy định về vùng phòng không của Trung Quốc, hôm nay 27/11/2013, các hãng hàng không Nhật Bản thông báo sẽ không cung cấp hành trình bay cho phía Trung Quốc khi bay qua « vùng phòng không » mới do Bắc Kinh vừa thiết lập trên bầu trời biển Hoa Đông. Trong khi đó cũng có tin nói Tokyo dự tính cũng mở rộng vùng phòng không của mình để đáp trả.

Hôm qua, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản như Japan Airlines (JAL), All Nippon Airways (ANA) ban đầu cho biết sẽ tuân thủ quy định về vùng phòng không của Trung Quốc, nhưng ngay sau đó chính phủ Nhật đã lưu ý các hãng hàng không này nên thay đổi ý định.
Hôm nay, phát ngôn viên của Japan Airlines thông tin cho AFP biết : « Sau tuyên bố của chính phủ nói rằng các hãng hàng không tư nhân không nên tuân thủ sự chỉ đạo của Bắc Kinh, chúng tôi đã quyết định không chấp nhận những đòi hỏi đó ».
Đại diện hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản này cũng nói, từ đêm qua hãng đã từ chối cung cấp lịch trình bay cho Trung Quốc. All Nippon Airways cũng hành động tương tự như vậy. Hiệp hội hàng không Nhật cũng cho biết đã nhận được cam kết từ phía Trung Quốc là các chuyến bay thương mại sẽ không bị cản trở gì nếu tuân thủ quy định về vùng phòng không mới được lập hôm 23/11/2013.
Quyết định đơn phương lập vùng phòng không của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của các nước có liên quan. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã thông báo không chấp nhận đòi hỏi của Bắc Kinh. Úc còn triệu mời đại sứ Trung Quốc lên để phản đối.

Về phần Hoa Kỳ, ngay đêm qua, đã đưa hai máy bay ném bom B52 bay vào vùng phòng không mới của Bắc Kinh mà không cung cấp lịch bay cho Trung Quốc. Bắc Kinh quả quyết đã giám sát liên tục hành trình bay của 2 chiếc B52 nói trên.

Hôm nay, tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin nhưng không dẫn nguồn cụ thể nói rằng, chính phủ Nhật dự tính cũng sẽ cho mở rộng vùng phòng không của mình trên Thái Bình Dương.


Nhật báo này cũng cho biết bộ Quốc phòng Nhật đang cân nhắc khả năng triển khai thêm các chiến đấu cơ trong khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật cho biết Tokyo chưa thấy cần thiết phải mở rộng vùng phòng không trong tình hình hiện nay.
Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vùng phòng không mới này, hôm qua, Liên hiệp quốc đã gợi ý hai nước nên đàm phán để tìm giải pháp cho các tranh chấp lãnh thổ.
  http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131127-nhat-se-khong-tuan-thu-quy-dinh-vung-phong-khong-cua-trung-quoc

Bắc Kinh bị chế nhạo về vụ B-52 thâm nhập vùng phòng không


REUTERS /Chris Meyers/Files

Mai Vân
Nhìn về phía Trung Quốc, Bắc Kinh không che giấu nỗi bực tức trước việc 2 chiếc B-52 của Mỹ phớt lờ đòi hỏi của Trung Quốc để bay vào vùng phòng không mở rộng trên biển Hoa Đông, và được Washington giải thích là một hoạt động huấn luyện bình thường.

Nếu Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản ứng một cách rất dè dặt, thì cư dân mạng Trung Quốc lại không ngần ngại chế nhạo chính quyền. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde nhận định từ Bắc Kinh :
« Hai chiếc máy bay B-52 của Mỹ vào hôm nay đã được một số cư dân mạng so sánh với « các con ngỗng trời », tức là loài chim mà người ta nhìn bay qua mà không có phản ứng gì.
Như trong tất cả những vấn đề liên can đến lòng tự ái dân tộc, thì dư luận Trung Quốc thường chia rẽ giữa một bên là những người nghĩ là Trung Quốc chưa bảo vệ đúng đắn quyền lợi của mình, và bên kia những người cho là Trung Quốc đã đi quá trớn.
Quan điểm thứ hai này, đã được một người ký tên là Xiaosizaijiang, bộc lộ trên mạng Vi bác như sau khi nói về sự kiện vùng nhận dạng và phòng không mà Trung Quốc đơn phương thiết lập đã làm Washington và Tokyo nổi giận : « Chúng ta đã làm những chuyện ngoài khả năng của mình và bây giờ phải chịu hậu quả. Chúng ta đang đối mặt với thách thức, và ai cũng đợi xem Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ tấn công máy bay Mỹ bằng cái miệng của mình như thế nào ».
Các nhà quan sát còn ghi nhận là việc hai chiếc B-52 bay qua '‘vùng nhận dạng và phòng không’' ngoài Biển Hoa Đông còn trùng hợp với sự kiện chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc khởi hành đi xuống vùng biển phía Nam, và sẽ đi qua các vùng đảo tranh chấp.
Hành động thách thức của Hoa Kỳ diễn ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Báo chí Trung Quốc, trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 3, khẳng định là vùng nhận dạng và phòng không mới này không ảnh hưởng đến những chuyên bay bình thường, nhưng đối với những chuyến bay có ý đồ xấu hay khiêu khích, thì tất cả các nước đều phải có phản ứng’. Thế nhưng trước mắt, thì phản ứng chưa thấy. »
000_Hkg9157744-305.jpg
Máy bay quân sự Nhật Bản bay biểu diễn ở căn cứ Iruma, Saitam hôm 3/11/2013.
AFP
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131127-vung-phong-khong-chinh-quyen-trung-quoc-bi-che-nhao-vi-khong-phan-ung-truoc-vu-b-52-

 

Máy bay quân sự Nhật và Nam Hàn bay qua vùng phòng không TQ

RFA 28.11.2013
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Phi cơ quân sự của Nhật Bản và Nam Hàn đã bay qua vùng phòng không chính phủ Bắc Kinh mới quy định mà không gặp cản trở nào từ phía Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo sáng nay ở Tokyo, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nhật bản là ông Yoshihide Suga đã loan báo tin này, đồng thời còn nói rằng không quân và lực lượng tuần duyên Nhật Bản sẽ tiếp tục các hoạt động bình thường như từng làm trước ngày Trung Quốc loan báo thiết lập vùng “xác định phòng không”, và đưa ra những quy định buộc tất cả các phi cơ bay qua không phận đó phải làm những thủ tục Bắc Kinh đặt ra.
Tại Seoul, Bộ Quốc Phòng Nam Hàn cũng cho hay 2 ngày trước đây, một chuyến bay của quân đội đã bay qua vùng xác định phòng không mà Trung Quốc mới tự ý thiết lập. Các viên chức quân sự Nam Hàn còn cho biết đây là một phi vụ giám sát thường xuyên quanh đảo đá chìm Ieodo, là khu vực đảo mà Nam Hàn và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền.
Phát ngôn viên quân sự Nam Hàn nói với báo chí rằng máy bay quân sự của họ sẽ tiếp tục bay ở không phận quanh đảo này như đã từng làm trong những năm qua và không thi hành những đòi hỏi của Bắc Kinh.
Cũng cần nhắc lại hồi đầu tuần này, 2 chiếc B-52 của Hoa Kỳ đã vào khu vực phòng không mà Trung Quốc mới quy định, không thống báo trước cho Trung Quốc và cũng không gặp sự cố nào.
Cả 3 chính phủ Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản đều nói không công nhận những gì mà Trung Quốc đặt ra.

  Nợ công và nợ xấu sẽ tiếp tục đè nặng lên những thế hệ tương lai của Việt Nam ?

Đếm tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội.
Đếm tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội.
Reuters
Thụy My
 
Theo các con số chính thức, nợ công của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 55,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nghĩa là còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên hiện nay ngay báo chí nhà nước cũng đã đặt dấu hỏi về con số này, và đưa ra tỉ lệ nợ công lên đến 95% GDP.

Trong khi đó, vừa rồi Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu. Theo tính toán của một tờ báo trong nước, cứ mỗi ba tháng Việt Nam phải trả nợ một tỉ đô la.
Phải chăng ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt, và hậu quả sẽ như thế nào khi nợ nần tứ phía, tham nhũng lan tràn ? Trong tạp chí kinh tế hôm nay, RFI Việt ngữ đã trao đổi về vấn đề này với tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Việt Nam.
RFI : Như anh đã biết, nợ của Việt Nam nếu tính cả những doanh nghiệp mà chủ yếu là của nhà nước thì lên tới 95% GDP, có nghĩa là vượt ngưỡng an toàn mà ngưỡng này được xem là 60%. Anh nhận xét tình hình này như thế nào ?
TS Phạm Chí Dũng : Tôi xin nói trước về vấn đề ngưỡng an toàn so với GDP của Việt Nam. Hiện nay theo một số quan chức Việt Nam thì ngưỡng an toàn nằm ở mức 70% chứ không phải 60%. Trong khi đó theo ngưỡng an toàn tiêu chuẩn quốc tế về nợ công trên GDP, thì nợ công là 65%. Nhưng thật ra hiện nay đang có mâu thuẫn rất lớn về đánh giá giữa hai luồng quan điểm, khác nhau hoàn toàn về vấn đề nợ công trên GDP.
Luồng quan điểm thứ nhất thuộc về chính phủ Việt Nam với màu sắc luôn luôn tô hồng, theo như các báo cáo của chính phủ. Đó là tỉ lệ nợ công trên GDP hiện nay chỉ chiếm 55,4%, mà nếu vay nợ thêm thì tỉ lệ nợ công trên GDP cũng chỉ khoảng 60% tức là vẫn còn an toàn, dưới mức 70% cho phép.
Trong khi đó theo một quan điểm độc lập khác thì tỉ lệ nợ công quốc gia trên GDP Việt Nam hiện nay tới 95%. Đánh giá này được nêu ra tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân tại Nha Trang vào tháng 4/2013. Một số chuyên gia phản biện độc lập - tôi nhớ là ở Ba Lan, và kể cả ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã rất bức bối, và lần đầu tiên nêu ra tỉ lệ nợ công hiện nay lên tới 95% GDP. Với điều kiện tính luôn cả nợ và nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước – hiện nay lên tới 1,3 triệu tỉ đồng Việt Nam, tức là khoảng 65 tỉ đô la - lại không được tính vào nợ công quốc gia của Việt Nam.
Nghịch lý là như vậy. Mà khi không tính vào thì tất nhiên tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam chỉ có 55,4% thôi. Nhưng nếu tính tất cả nợ công của kinh tế nhà nước thì tỉ lệ đó phải lên tới ít nhất 95% GDP. Còn theo đánh giá của một chuyên gia quốc tế nữa thì tỉ lệ nợ công/GDP không phải là 95% nữa mà là 106%. Đó là một con số khủng khiếp, và điều đó nhắc chúng ta nhớ lại tỉ lệ nợ công/GDP của Philippines trước đây.

Nợ công của Philippines vào thời Tổng thống Marcos – được coi là một trong những đời tổng thống tham nhũng nhất của Philippines – lúc đó là 120%, tương đương 120 tỉ đô la, và toàn bộ GDP hàng năm của Việt Nam hiện nay.
Và nếu như mâu thuẫn ở Việt Nam không thể giải quyết được thì người ta đành phải chấp nhận là có một sự chênh biệt tới 50%, giữa báo cáo chính phủ với những đánh giá phản biện về thực tế, hiện tồn ở Việt Nam hiện nay.

 Do đó cần phải xem lại rất kỹ, rất sâu về nguyên nhân gây ra ung họa ở đâu. Chính là do các tập đoàn nhà nước, chẳng hạn như Vinashin, Vinalines…Mà bản thân những tập đoàn như Vinashin thì chúng ta đã biết họ nợ ít nhất là 84.000 tỉ đồng Việt Nam, tương đương 4 đến 5 tỉ đô la, tức khoảng 6% GDP của Việt Nam.
\
Đó chỉ mới là một tập đoàn. Còn nhiều tập đoàn khác - chẳng hạn đã xuất hiện những cái tên như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kể cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam nữa. Tập đoàn này cho tới nay trở thành quán quân về nợ ngân hàng, với tổng số 118.000 tỉ đồng, là tập đoàn nhà nước được các ngân hàng ưu ái vô cùng, thuộc loại được ưu ái nhất Việt Nam.
RFI : Thưa anh, trong tình hình nợ công đã cao như vậy mà còn phải gánh thêm những món nợ - dù Nhà nước không bảo lãnh. Theo luật quản lý nợ công thì những khoản nợ này không được tính vào nợ công quốc gia, nhưng nếu chính phủ phát hành trái phiếu thì cũng là một cách làm tăng nợ lên ?
Thực chất việc phát hành trái phiếu chỉ là dùng giấy để mua nợ chứ không phải là dùng tiền thật mua nợ. Cho nên đó là một thủ pháp mà tục ngữ Việt Nam gọi là « đánh bùn sang ao », mà thực tế không giải quyết bất kỳ vấn đề nào, một nội dung nào về vấn đề nợ xấu. Có nghĩa là nợ xấu vẫn y nguyên ! Vậy thì phát hành trái phiếu là cho ai ?
Có hai kênh để phát hành trái phiếu. Một là kênh phát hành nội địa cho dân chúng, cho các doanh nghiệp, ngân hàng. Thứ hai là kênh phát hành quốc tế. Chẳng hạn trường hợp tập đoàn tàu thủy Việt Nam Vinashin, chính phủ đã có quyết định cho tập đoàn này phát hành 600 triệu đô la trái phiếu quốc tế. Như vậy là cũng dùng giấy để giải quyết nợ. Nhưng vấn đề còn lại là có bán được trái phiếu hay không. Tôi không cho là có nhiều hy vọng lắm về việc doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài kỳ vọng vào việc Vinashin có thể phục hồi một cách vững chắc, để họ có thể mua trái phiếu quốc tế của Vinashin.

Điều đó cho thấy kênh phát hành trong nước hiện nay cũng đang bế tắc, vì gần như tiền không vào lưu thông và tình trạng găm giữ tiền trong dân chúng rất phổ biến, thị trường bất động sản đóng băng. Đó là một minh chứng cực kỳ điển hình. Cho nên việc phát hành trái phiếu nội địa có nhiều khả năng không thành công, các ngân hàng cũng như vậy.
Vấn đề còn lại là nếu tính đúng tính đủ theo năm tiêu chí của Liên Hiệp Quốc về nợ công thì phải cộng luôn cả nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không xử lý được vào nợ công. Lúc đó tỉ lệ nợ công sẽ không phải là 55% nữa mà sẽ lên ít nhất là 95% GDP.
Nếu như Nhà nước Việt Nam với chính sách hiện nay cứ tiếp tục vay những nguồn vốn được coi là tài trợ quốc tế, chẳng hạn như ODA từ Nhật Bản v.v…dù với lãi suất ưu đãi, vẫn là một gánh nặng đổ lên đầu con cháu. Đời con, đời cháu sẽ tiếp tục phải trả, chứ không phải là thế hệ lãnh đạo hiện nay.
RFI : Ngay cả trong trường hợp trái phiếu phát hành để hỗ trợ cho những tập đoàn quốc doanh lỗ lã có bán chạy đi nữa, nhưng đây không phải là dòng vốn rót vào sản xuất – doanh nghiệp tư nhân không vay được – thì đây có phải là hiện tượng lành mạnh không ?
Đó không phải là một hiện tượng lành mạnh đối với khu vực sản xuất, và đối với thực lực của nền kinh tế Việt Nam. Vì đó chẳng qua, tôi nhắc lại, là một thủ pháp để chuyển nợ thành một tờ giấy nào đó mà thôi. Và giấy xét cho cùng cũng chỉ là giấy, vì trái phiếu không có ý nghĩa gì ; trong trường hợp phát hành quá nhiều trái phiếu thì vô hình chung lại đẩy mạnh lạm phát. Và nếu không phát hành trái phiếu mà in thêm tiền cũng là lạm phát.
Cho nên ở đây chính phủ buộc phải chọn một phương cách tạm gọi là tương đối an toàn là phát hành trái phiếu. Nhưng tôi muốn nói thêm một khía cạnh thế này : việc phát hành trái phiếu mà không phải dùng tiền mặt để mua nợ xấu cho thấy ngân quỹ Việt Nam đã eo hẹp, và có nhiều dấu hiệu cạn kiệt đến mức như thế nào !
Trong cuộc suy thoái từ năm 2008 đến đầu 2009, tháng 3/2009 chính phủ Việt Nam đã tung ra một gói kích cầu khoảng 143.000 tỉ đồng, tương đương 8 tỉ rưỡi đô la theo tỉ giá hối đoái vào thời điểm đó. Đây là một con số khổng lồ và đã vực dậy nền kinh tế, nhưng đặc biệt vực dậy các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản, còn nền kinh tế chỉ ăn theo những thị trường này mà thôi.
Tuy nhiên trong suốt ba năm suy thoái vừa qua, điều đáng ngạc nhiên là tiền đi đâu ? Cuối cùng thì các doanh nghiệp đã không thể kỳ vọng là Nhà nước có thêm một gói kích cầu nào nữa. Gói kích cầu đó đã được hy vọng vào năm 2012, khi nền kinh tế quá khó khăn. Nhưng đến năm nay thì gần như đã chấm dứt hy vọng, vì không có bất kỳ một tín hiệu nào về việc chính phủ có thể tung ra một gói kích cầu. Từ đó người ta mới đánh giá thế này : Chính phủ hết tiền rồi !
Các doanh nghiệp nói như vậy, và thực chất là nguồn tiền quá eo hẹp. Huy động mãi mới chỉ được gói kích thích 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản mà thôi.
Điều đó cho thấy việc tung ra trái phiếu là một kênh chẳng đặng đừng. Một kênh bất đắc dĩ mà chính phủ phải thực hiện, và cuối cùng cũng chỉ là một việc gần như vô nghĩa, tức là không giải quyết thực chất vấn đề nợ xấu.
Liên quan đến việc này, tôi cũng muốn nói thêm là công ty Quản lý Tài sản Quốc gia, viết tắt là VAMC được thành lập vào đầu năm 2013, có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là xử lý nợ xấu đang tồn đọng tại các doanh nghiệp và ngân hàng. Nhưng sau một hồi bàn thảo rất gay cấn, cuối cùng vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỉ mà thôi. Trong khi nhiệm vụ của VAMC là phải giải quyết ít nhất 100.000 tỉ đồng nợ xấu, theo con số báo cáo !
Với vốn điều lệ chỉ có 500 tỉ mà phải giải quyết gấp hai chục lần số nợ xấu thì làm sao có thể được ? Thế là cuối cùng người ta cũng đành ngã sang một phương án như chính phủ đang thực hiện hiện nay. Có nghĩa lại tiếp tục phát hành trái phiếu. VAMC sẽ có một loại trái phiếu đặc biệt, và dùng loại trái phiếu đó để trả lại cho các ngân hàng – những ngân hàng đang ôm nợ xấu. Và các ngân hàng đó phải chuyển lại một số tài sản thế chấp và nợ xấu cho VAMC.
Cho nên trong mấy tháng vừa rồi, có những báo cáo đánh giá là tổ chức này (VAMC) đã mua được 30 đến 35.000 tỉ đồng nợ xấu. Nhưng điều đó có ý nghĩa như thế nào ? Hay chỉ thuần túy là một việc diễn ra trên giấy và chuyển từ tài khoản này sang tài khoản kia. Còn thực chất nợ xấu vẫn là một hằng số, nếu không muốn nói là tăng lên theo thời gian và không hề thay đổi.
Thậm chí theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước – buộc phải báo cáo trước Quốc hội kỳ họp thứ 6 khóa 13, thì Ngân hàng Nhà nước đã phải làm một động tác, một văn bản được coi là « đảo nợ » và chuyển 300.000 tỉ đồng từ nợ xấu lên nhóm nợ đỡ xấu hơn. Như vậy trái phiếu không giải quyết được gì cả.
RFI : Mới đây ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã đánh giá chuyện anh vừa nói là xử lý nợ xấu bằng cách « ngậm sâm ». Tức là tổ chức VAMC chỉ « cấp cứu » thôi, chứ không phải là xử lý nợ xấu triệt để. Muốn triệt để phải chờ sự phục hồi của nền kinh tế, mà theo ông là khoảng hai, ba năm tới. Theo anh vấn đề này có thể giải quyết thế nào ?
À, đây là một ẩn số cực kỳ lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Nợ xấu hiện nay đang là vấn đề cốt tử để quyết định vận mệnh của nền kinh tế Việt Nam, và có thể cả vận mệnh của nền chính trị Việt Nam trong tương lai không quá xa !
Ông Trương Văn Phước trước đây từng là Tổng giám đốc Eximbank. Nhận định của ông theo tôi độ khách quan chỉ khoảng một nửa thôi ,vì ông vẫn là một quan chức.
Muốn đánh giá một cách thực chất vấn đề nợ xấu của Việt Nam và thời gian để giải quyết nợ xấu, có lẽ phải dựa vào những ý kiến độc lập hơn nhiều. Nhưng dù sao tôi cho là ý kiến của ông Trương Văn Phước từ trước tới nay vẫn là một trong những ý kiến tương đối sâu sắc và có thể tham khảo được.
Vấn đề ông đưa ra là từ hai tới ba năm có thể giải quyết được nợ xấu, theo tôi là quá lạc quan. Đó là theo lộ trình của Nhà nước và những điều mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố trước Quốc hội, đến khoảng năm 2014-2015 có thể giải quyết được nợ xấu.
Nhưng theo một chuyên gia khác là ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia Việt kiều và có thể nói là một người khách quan nhất trong lãnh vực tài chánh ngân hàng, thì thời gian để giải quyết nợ xấu phải mất ít nhất 5 năm, tính từ năm 2012. Đánh giá của ông Bùi Kiến Thành được đưa ra vào năm 2012. Có nghĩa là sớm nhất phải đến 2017 mới có thể giải quyết được.
Như vậy đã có một sự chênh biệt khá đáng kể, ít nhất hai, ba năm giữa đánh giá của một chuyên gia phản biện độc lập với khối ngân hàng nhà nước về thời gian giải quyết nợ xấu. Còn giải quyết như thế nào, thực chất hiện nay VAMC không thể gọi là một phép mầu, một cây đũa thần.
Và đúng là như ông Trương Văn Phước đã dùng từ bóng bẩy nhưng ý nhị, là chỉ cho ngậm sâm. Đối với những cơ thể đã ốm o, dặt dẹo và thường là mang trọng bệnh thì mới cho ngậm sâm. Nhưng ngậm sâm chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, sau đó nếu không giải quyết được gì nữa, lúc đó cơ thể sẽ lờn thuốc. Sẽ không có bất kỳ một loại sâm, một loại thuốc quý nào có thể làm cơ thể hồi phục. Lúc đó sẽ lụn bại, sụp xuống rất nhanh.
RFI : Thưa anh, báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 mang tiêu đề « Thách thức còn ở phía trước » kêu gọi cổ phần hóa triệt để doanh nghiệp nhà nước, mở rộng tham gia của tư nhân, đưa ra lộ trình doanh nghiệp nhà nước hiện giờ 25-27% GDP xuống dưới 10% vào năm 2020. Anh thấy việc này có khả thi không ?
Thực ra tôi không quan tâm lắm tới chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cho tới thời điểm này. Vì việc đó đã làm từ lâu và không có kết quả, chỉ theo tính chất phong trào mà thôi, và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không mấy quan trọng. Còn những doanh nghiệp quan trọng thì Nhà nước vẫn nắm. Cho nên điều đó không tạo ra ý nghĩa nhiều lắm trong chiến dịch cổ phần hóa suốt mười mấy năm vừa rồi.
Chẳng hạn những lãnh vực như xăng dầu, điện lực độc quyền đến như thế nhưng Nhà nước vẫn không cổ phần hóa. Mà không cổ phần hóa thì giá chỉ có tăng mà không có giảm. Còn những lãnh vực cổ phần hóa như bưu chính thì như chúng ta đã thấy, trong thời gian khá dài giá đã giảm đáng kể, chẳng hạn giá cước sử dụng internet.
Nếu không bỏ độc quyền thì việc cổ phần hóa sẽ không có ý nghĩa lắm. Thành thử việc cổ phần hóa sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian sắp tới, theo tôi không quan trọng bằng việc phải cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất bằng việc xóa bỏ, hoặc ít nhất là cũng xóa dần thế độc quyền của một số doanh nghiệp, chẳng hạn như những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện, nước thì mới có ý nghĩa. Chứ còn vẫn mãi độc quyền, không có một cải cách nào cả, thì sẽ khó thể tham gia vào những định chế đa phương thương mại quốc tế, và cũng không phát huy được nội lực của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.
RFI : Thưa anh, vừa rồi một nhà kinh tế kiêm blogger là Alan Phan cho biết ông không tin vào một chính sách nào của Nhà nước nữa, vì thật ra các tập đoàn lợi ích đã lũng đoạn rồi. Ông cho rằng với những gánh nặng doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngân hàng, ngân sách, thì Việt Nam dù có tham gia TPP đi nữa thì cũng không thể trở thành một con rồng trong thời gian tới…
Có hai vấn đề. Một là lòng tin, và hai là hiệu quả TPP.
Thứ nhất là lòng tin, thì đánh giá của ông Alan Phan theo tôi cơ bản là đúng. Tại vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã than thở về chuyện mất lòng tin hoàn toàn vào thị trường, và chẳng còn mấy lòng tin vào Nhà nước. Theo thăm dò chính thức, có ít nhất 50-60% doanh nghiệp đã không còn lòng tin vào những chính sách của Nhà nước nữa rồi.
Nhưng theo tôi thì tỉ lệ này vẫn còn rất khiêm tốn. Vì khi nói chuyện với một số doanh nghiệp thì tôi nhận ra rằng nếu đưa ra những tiêu chí rõ ràng để khảo sát tâm lý, thăm dò ý kiến của họ và phân tích cho rõ ràng, thì có thể nói họ hầu như không có niềm tin. Tôi cho rằng ít nhất 80-85% doanh nghiệp và người dân không còn tin vào những chính sách kinh tế của Nhà nước nữa.
Nhất là sau ba năm suy thoái và để cho các nhóm lợi ích, đặc biệt là nhóm lợi ích ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và vàng bạc lũng đoạn hoàn toàn thị trường. Cho nên bây giờ mới để xảy ra một trận lũ, hậu quả, dư chấn của một cuộc khủng hoảng gần như là ngổn ngang, phơi bày tất cả những gì trần trụi ra và đang phải giải quyết mà chúng ta vừa đề cập tới. Hậu quả lớn nhất của nó là vấn đề nợ xấu.
Vấn đề thứ hai là TPP. Tôi còn nhớ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đề cập về lòng tin chiến lược. Lòng tin chiến lược là gì ? Điều đó đã được sách vở nói đến, kể cả một cuốn sách mô tả về hội nghị Shangri-la và những lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rất là chi tiết. Nhưng ở đây lại liên quan đến lòng tin đối với Chính phủ, với chính sách của Nhà nước.
Khi mà lòng tin của các doanh nghiệp và người dân không còn bao nhiêu, thì liệu có nổi một lòng tin chiến lược bền vững hay không ? Hay đó chỉ là một câu sáo rỗng và rất xa vời ? Nói chung là một ảo ảnh hoàn toàn không thể hiện thực hóa.
Mà không hiện thực hóa thì chúng ta cần phải nhìn lại điều đang muốn nhấn sâu vào : TPP. Việt Nam tham gia vào TPP để làm gì ? Để có thể đạt được lợi thế nhiều nhất chăng ? Hay là chúng ta phải nhìn lại cả một quá trình nền kinh tế Việt Nam tham gia vào định chế WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) suốt bảy năm, nhưng đã gần như không có hiệu quả, ngoài một số chỉ tiêu xuất khẩu.
Mà xuất khẩu tăng về lượng nhưng lại không tăng giá, và thực chất vẫn tạo ra một sự phân hóa rất lớn về mặt thu nhập giữa các tầng lớp người dân Việt Nam. Đặc biệt là người nông dân Việt Nam cho đến nay đang phải lãnh hậu quả, dù sản lượng lúa đạt nhưng giá lúa vẫn thấp.
Tôi cho là trong thời gian sắp tới có nhiều khả năng Việt Nam sẽ được chấp nhận tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, xuất phát từ tín hiệu Nhà nước Việt Nam được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tham gia vào TPP nhưng vẫn còn vướng khá nhiều rào cản kỹ thuật do quốc tế quyết định. Đó là những rào cản kỹ thuật về xuất xứ hàng hóa của hàng xuất khẩu ra nước ngoài – phải mang tính chất nội khối chứ không phải ngoại khối TPP. Thứ hai là những rào cản kỹ thuật về nhãn mác, về sở hữu trí tuệ, kể cả vấn đề nghiệp đoàn lao động mà người Mỹ và phương Tây đang đặt ra cho Việt Nam như một điều kiện để tham gia TPP.
Nghiệp đoàn lao động lại liên quan mật thiết với vấn đề nhân quyền như đã được quy định trong điều 69 của Hiến pháp Việt Nam, nhưng chưa bao giờ được luật hóa một cách cụ thể.
Do vậy theo tôi đánh giá chung, trong vòng từ ba đến bốn năm tới dù có được tham gia TPP, nền kinh tế Việt Nam vẫn không nhận lãnh được những kết quả tương xứng như mong muốn, mà tiếp tục suy thoái, tiếp tục phân hóa dày đặc giữa các giai tầng ở Việt Nam.
RFI : Tóm lại là tình hình có vẻ u ám, quốc doanh không hiệu quả thậm chí làm ra thêm nợ nần, thị trường chứng khoán gần như bế tắc, bất động sản đóng băng. Doanh nghiệp tư nhân chết rất nhiều, những doanh nghiệp còn sống thì ngân hàng có cho vay cũng ít dám vay. Trở lại vấn đề nợ công, liệu có một lối thoát nào khả dĩ, theo anh ?
Lối thoát khả dĩ nhất hiện nay có lẽ là phải chống tham nhũng một cách triệt để, thu hồi tài sản do tham nhũng để trả nợ nước ngoài. Không còn cách nào khác ! Tại vì không còn nguồn tiền nào khác để trả nợ cho nước ngoài, trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt như thế này, các thị trường đầu cơ gần như đóng băng, và trong tương lai gần không có gì triển vọng hơn.

Chỉ còn cách lôi những tập đoàn tham nhũng, những cá nhân tham nhũng ra mà xử. Tại vì họ đã ăn đủ, ăn dày, ăn sâu, ăn đậm quá nhiều năm rồi, đã làm cho người dân quá khốn khổ rồi ! Nay cần phải làm những vụ lớn như Bạc Hy Lai ở Trung Quốc, lấy tài sản tham nhũng bù đắp gánh nặng nợ nần của quốc gia, trả nợ cho nước ngoài. Còn việc phát hành trái phiếu quốc tế, tôi không tin là hiện thực hóa thành công.
RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Việt Nam, đã vui lòng nhận lời tham gia tạp chí kinh tế hôm nay của chúng tôi.
Nạn bạo hành đối với phụ nữ ở Việt Nam
Thanh Phương
Như mọi năm, hôm nay, 25/11/2013 là Ngày quốc tế diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ. Nhân đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thực trạng bạo hành đối với phụ nữ ở Việt Nam và những giải pháp cần phải thực hiện để diệt trừ tệ nạn này, qua phần phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Phụ nữ và Trẻ vị thành niên ( CSAGA ), Hà Nội.
Ngày quốc tế diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức thiết lập trong nghị quyết được thông qua ngày 17/12/1999. Thật ra từ năm 1981, những nhà hoạt động về nữ quyền đã chọn ngày 25/11 là ngày chống bạo lực đối với phụ nữ để tưởng niệm ba chị em nhà Mirabal, những nhà hoạt động nữ quyền ở Cộng hòa Dominicana đã bị ám sát theo lệnh của Tổng thống nước này Rafael Trujillo.
Ngày 20/12/1993, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua Tuyên bố về diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ. Thế nhưng, cho tới nay, tệ nạn này vẫn còn phổ biến ở nhiều nước, kể cả những nước dân chủ phương Tây như Pháp. Riêng tại Việt Nam, quốc gia vẫn mang nặng tâm lý “trọng nam khinh nữ”, nhiều phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực, mà chủ yếu là do bị chồng bạo hành.
Theo báo cáo nhân quyền Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tháng 4 vừa qua, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam là khá phổ biến. Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng : “Bản báo cáo năm 2010 của Liên Hợp Quốc cho thấy 58% phụ nữ đã kết hôn là nạn nhân của các hành vi bạo hành cơ thể, bạo lực tình dục hoặc bạo lực cảm xúc trong gia đình. Các cơ quan chức năng coi hành vi bạo lực gia đình là các vụ việc dân sự, trừ trường hợp nạn nhân bị thương tích lên tới hơn 11% (...) Nhiều phụ nữ vẫn chấp nhận cuộc sống hôn nhân bị bạo hành hơn là phải đối đầu với sự kỳ thị xã hội và gia đình cũng như e ngại về sự bất ổn về kinh tế ”.

Cũng theo báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, luật pháp Việt Nam quy định cụ thể các hành vi cấu thành bạo lực gia đình, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chính phủ và các bộ ngành khác nhau. Bên cạnh đó, luật cũng quy định các mức hình phạt từ cảnh cáo, quản chế đến ba năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và các luật sư cho rằng nhiều quy định còn tỏ ra yếu kém và chính phủ không chịu công bố chính thức các số liệu về việc bắt giữ, truy tố, kết án và trừng phạt loại tội phạm này.
Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Ở các thành phố lớn, có đường dây nóng được điều hành bởi các tổ chức phi chính phủ trong nước dành cho các nạn nhân, trong số này có Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ vị thành niên ( CSAGA ). Nhân ngày quốc tế diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ, mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc của trung tâm CSAGA.
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131125-nan-bao-hanh-doi-voi-phu-nu-o-viet-nam

Người già nên về VN hay ở nước ngoài?

Cập nhật: 14:49 GMT - thứ tư, 27 tháng 11, 2013
Người già ở Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
Chính sách hỗ trợ người già ở Việt Nam còn hạn chế
Có nhiều ý kiến cho rằng người già sống ở những nước tư bản không thể hạnh phúc bằng người già Việt Nam do họ không có được cuộc sống ấm cúng và sự quan tâm của con cháu.
Vậy thực chất vấn đề có gì khác?
Lý tưởng tam đại đồng đường và thực tế xã hội
Truyền thống tam, tứ đại đồng đường với nhiều thế hệ gia đình chung sống trong cùng một mái nhà từ lâu đã ăn sâu bén rễ trong đời sống người Việt.
Nhưng thực tế cho thấy đã có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình chung sống giữa các thế hệ.Người già thường cho rằng mình là người trên, có quyền được can thiệp vào mọi khía cạnh cuộc sống của con cháu.Trong khi, những người trẻ hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương tây lại muốn có cuộc sống độc lập, tự quyết hơn.

Tôi đã được nghe rất nhiều lời than phiền của những người quen bao gồm cả người già và người trẻ.
Từ những mâu thuẫn xuất phát từ nguyên nhân liên quan tới ý thức hệ, văn hóa ứng xử giữa hai thế hệ, những can thiệp vào chuyện nuôi dạy con cháu cho tới những va chạm lặt vặt xung quanh chuyện miếng cơm manh áo mỗi ngày…
Có thể nói tam đại đồng đường không phải lúc nào cũng ấm cúng như lý tưởng.

Hắt hủi

Một số gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng con cháu luôn bận rộn tới nỗi không có thời gian dành cho người già, khiến họ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Có những người già đủ điều kiện tài chính đóng góp cho các trung tâm chăm sóc người già do tư nhân thành lập để không phiền tới con cháu, nhưng chính những định kiến về chuẩn mực tam đại đồng đường đã trở thành những rào cản xã hội khiến họ không thể có lựa chọn theo ý mình.

Đa số người Việt luôn quan niệm đầu tư cho con cái đồng nhất với đầu tư cho tuổi già của chính bản thân họ. Điều này đã phần nào là nguyên nhân khiến cha mẹ luôn gây áp lực học hành lên con cái từ khi chúng còn là những đứa trẻ, với kỳ vọng sau này con trở nên giỏi giang thành đạt để cha mẹ còn có phận nhờ. Có những bậc cha mẹ cả đời lao động quần quật, hy sinh hết những nhu cầu hưởng thụ cá nhân với mục tiêu gây dựng một cơ ngơi sẵn sàng cho con cái. Nhưng khi nắm chắc phần tài sản cha mẹ để lại trong tay, những đứa con mới chợt nhận ra cha mẹ già chỉ là một gánh nặng vô dụng và quay ra bạc đãi, hắt hủi mẹ cha...

Báo chí đã ghi nhận rất nhiều những hoàn cảnh đau lòng khi cha mẹ buộc lòng phải nhờ đến pháp luật phân xử chuyện tranh chấp tài sản với chính những đứa con ruột của mình.
Vô số trường hợp cha mẹ lúc cuối đời vẫn phải gạt nước mắt chứng kiến cảnh con cái đấu đá nhau chỉ vì vài mét đất…Có người nhận xét rằng những thay đổi của lối sống hiện đại đã khiến lòng hiếu thảo của con cháu ngày một cạn kiệt. Người già sống giữa quây quần con cháu nhưng không nhận được sự quan tâm đủ đầy có hẳn là điều hạnh phúc?

Chính sách an sinh của Việt Nam với người già

Qua qua sát, có thể nói người già không phải là mối bận tâm của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.Trong tổng số 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có rất ít tỷ lệ người cao tuổi thuộc khối quân nhân, thành phần có công với chế độ hoặc công chức hưu trí là được hưởng lợi từ nguồn quỹ bảo hiểm và chính sách.

Các thành phần còn lại hầu như chẳng có nguồn thu đáng kể gì khi hết tuổi lao động, đặc biệt là nông dân. Đây chính là một điều bất bình đẳng trong chính sách dành cho người già. Luật quy định những người đủ quy định 80 tuổi trở lên mà không có một nguồn thu nhập gì sẽ được nhà nước hỗ trợ 95% bảo hiểm y tế, và được trợ cấp số tiền mỗi tháng là 180 ngàn VND.

Người già ở Hà Nội
Ít người già ở Việt Nam được trợ cấp đủ sống

Với số tiền được trợ cấp này, nếu khéo thu vén người cao tuổi Việt Nam có thể gần đủ chi phí cho bữa sáng đạm bạc theo thời giá hiện tại.
Nhà nước chỉ trợ cấp cho những người già chứng minh được họ neo đơn, hòan toàn không có gia đình để nhờ cậy.Với các chính sách an sinh xã hội như vậy, đa số người già Việt Nam khi không thể lao động thì chỉ còn cách trông vào con cháu làm chỗ dựa lúc cuối đời.

Dù muốn dù không họ cũng bị đẩy vào thế trở thành gánh nặng cho con cháu, ngay cả khi con cháu họ cũng nghèo túng và đang nặng gánh mưu sinh để chính bản thân mình tồn tại.
Trong từng góc chợ, không khó khăn gì thấy cảnh người già gập tấm lưng còng trên những gánh rau để góp nhặt từng đồng bạc lẻ.
Tại từng ngõ hẻm, không khó để bắt gặp cảnh người già phải thu nhặt từng món đồ ve chai thiên hạ bỏ đi.
Báo chí cũng lên tiếng nhiều về trường hợp người già tại các làng quê nghèo khó đã phải chấp nhận đầu quân cho các cai ăn mày thành phố…

Nhiều người già Việt Nam phải chấp nhận nhiều tủi nhục để đánh đổi lấy miếng cơm manh áo khi cuộc sống nghèo túng không cho họ có nhiều lựa chọn.
Thực tế tại Việt Nam, những người già thuộc thành phần khá giả cũng có nhiều lựa chọn trong việc hưởng thụ cuộc sống lúc xế chiều, nhưng tỷ lệ này quá ít khó có thể đại diện được cho cả xã hội nói chung

Và tuổi già tư bản

Tôi đã có cơ hội được đi thăm một số nước châu Âu, những nơi có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới và tiếp xúc với khá nhiều người già. Điều có thể khẳng định ngay, là mặc dù không phải ai cũng khá giả, nhưng người già tư bản đều sống khá ung dung với những chính sách an sinh xã hội.

Tại Thụy Sỹ, mỗi công dân cư trú hợp pháp đều được cung cấp một mã số AVS (Assurance Vieillesse et Survivants- tạm dịch là Quỹ bảo hiểm hưu trí) để bảođảm cho thu nhập của họ lúc về già.
Bất cứ một khoản thu nhập nào của người lao động cũng sẽ bị trừ một khoản trực tiếp cho loại bảo hiểm bắt buộc này, và số tiền đó sẽ được dùng để chi trả cho cuộc sống của họ khi hưu trí theo luật định.
Với những trường hợp người lao động không bao giờ đi làm và đóng thuế trong suốt cuộc đời, luật quy định tới 63 tuổi, họ vẫn có quyền được nhận số tiền tối thiểu 1.160 CHF/ 1 tháng để sinh sống, chưa kể những trợ giúp khác về bảo hiểm y tế, nhà cửa, và có người hỗ trợ trong trường hợp người già không thể tự phục vụ bản thân. Người già Thụy Sỹ có rất nhiều lựa chọn sinh hoạt xã hội, cộng đồng. Rất nhiều người chọn công việc tình nguyện trong các tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ những người khó khăn, một số lại chọn gia nhập các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi.


Chính phủ cũng liên tục mở những khóa học ngoại ngữ, vi tính, khiêu vũ, thể thao… với chi phí tượng trưng dành cho người lớn tuổi để họ có thêm cơ hội gặp gỡ giao lưu và không phải đứng ngoài lề xã hội. Trong các sinh hoạt lễ hội cộng đồng, người già cũng luôn được ưu tiên bố trí vị trí và phương tiện vận chuyển. Thực tế, với văn hóa tôn trọng tự do cá nhân của phương tây, chưa chắc bản thân người già đã cảm thấy hạnh phúc khi phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cháu.


Khi không muốn sống một mình hoặc không đảm bảo sức khỏe, người già tại Thụy Sỹ có thể chọn một nhà dưỡng lão có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và nhân viên chăm sóc được đào tạo bài bản.
Họ sẽ được sống gần những người bạn già, chi phí do một phần đóng góp theo khả năng và các quỹ xã hội chi trả.
Con cháu và gia đình vẫn dành những ngày rảnh rỗi đến nhà dưỡng lão thăm ông bà mà không gặp bất cứ một vấn đề nào về chuyện thị phi dư luận. Sẽ là phiến diện nếu chúng ta đứng ở một phía để nhận xét tuổi già ở Việt Nam hay tư bản sướng hơn, vì điều đó còn phụ thuộc vào văn hóa, quan điểm sống điều kiện kinh tế tại mỗi nước. Riêng với cá nhân tôi, tuổi xế chiều mà không phải lo đối phó với chuyện miếng cơm manh áo, không phải trông chờ vào tấm lòng hiếu thảo của con cháu để sinh tồn là một điều may mắn lớn.
Dẫu biết rằng tuổi già ở đâu cũng có những ngậm ngùi…

No comments:

Post a Comment