Pages

Tuesday, November 29, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN=PHAN=VIỆT CỘNG=SYRIA=

KHẢI NGUYÊN * CHUYỆN HAI CON MÈO CHẾT


Chuyện Hai Con Mèo Chết (*)


Khải Nguyên



Một buổi tối khoảng tháng 3 năm 1982 các đội thuộc khu A (Z 30D/K2) được cho đi xem chiếu film. Phần nhiều những buổi xem chiếu film không có mặt người viết với lý do kiếu bệnh. Thật ra những lúc ấy mới là thời gian được yên tĩnh nghỉ ngơi trong nhà giam, vì lúc nào cũng hừng hực hơi người, ồn ào, ngộp ngạt và không khí nghi ngờ lẫn nhau bao trùm, có người đã gọi đó là thứ “đáy địa ngục trần gian”!

Những người không đi xem chiếu film của đội 3 và 4 còn lại trong nhà số 2 khoảng 5-7 người gồm ốm thật và “ốm vờ”. Những người đi xem film ra khỏi nhà để tập họp, cửa nhà khóa lại. Người còn lại trong nhà, ốm thiệt thì nằm bẹp tại chỗ như cái xác không hồn còn thoi thóp thở, kẻ ốm vờ cũng phải ra điều là bệnh, không ồn ào nói cười để tránh bị nghi ngờ để ý.

Trong sự yên tĩnh buồn tẻ của nhà giam, Chí, Linh và Nghĩa đã lặng lẽ chuẩn bị xong nước chanh đường (dĩ nhiên là không có nước đá), thuốc rê... Chí đi ngang chỗ tôi nằm ra dấu, ý bảo tôi lại chỗ Chí nằm, tôi sẽ làm công việc “máy chiếu film”. Đây là cách nói để đặt tên những người kể cho bạn tù nghe các bộ tiểu thuyết, kiếm hiệp, trinh thám, tiếu lâm, chuyện chưởng, chuyện film... thượng vàng hạ cám đủ mọi thể loại, hầu giải khuây giết thời gian trong những lúc không phải lao động khổ cực.

Tôi vốn dĩ không phải là “máy chiếu film chính”, chỉ năm thì mười họa muốn lợi dụng việc này để làm cớ trao đổi với anh em những chuyện cấm kỵ trong đời tù tại các trại tập trung. Nói khác đi, trong Xã Hội Chủ Nghĩa có tên gọi quen thuộc là “chuyện phản động”. Nhiều người đã phải chết rũ trong tù chỉ vì chuyện phản động!

Chuyện film duy nhất của tôi là “Tám mươi ngày vòng quanh thế giới” (loại truyện ngắn Anh ngữ dễ đọc, dường như của Jules Verne). Những "máy chiếu film" nổi tiếng cự phách như Tô Quang Vượng, Hà Khắc Huỳnh của Khu B đã từng làm say mê nhiều người hằng đêm và những ngày thứ bảy, Chủ Nhật với những pho truyện như “Nhất Phiến Cô Thành”, “Lãnh Diện Băng Tâm”, “Cô Gái Đồ Long”, “Thủy Hử”...

Đang chăm chú trong câu chuyện kể với nhau về tình hình ở trong trại, những biến chuyển bên ngoài do tin tức thu lượm từ các thân nhân đến thăm nuôi cho biết, bỗng Chí hô lên: “Ê coi con mèo làm gì kỳ quá kìa?” Tất cả chúng tôi nhìn theo hướng tay Chí chỉ, ở lối đi giữa hai hàng sàn ngủ, con mèo đang nhảy chồm lên liên hồi, vật vã... rồi lăn ra nằm ngay đơ.

Mọi người đổ xô tới xem thì con mèo đã chết tốt! Ai nấy ngỡ ngàng vì cái chết đột ngột của nó, tất cả đều cho rằng có thể nó bị rắn rít cắn, nhưng vẫn không tìm thấy có dấu vết gì.

Câu chuyện bàn tán về nguyên do cái chết của con mèo còn đang sôi nổi thì con mèo thứ hai lại từ gầm sàn ngủ gần đó chạy ra, vẫn cùng một cách giẫy dụa như con trước rồi lăn ra chết luôn! Bây giờ thì ai cũng bàng hoàng xúc động vì thương hai con mèo, ái ngại và thương cho chủ nuôi chúng là Danh Mổ Bụng. Đi xem chiếu film về thấy hai con mèo đã chết, chắc Danh Mổ Bụng sẽ buồn lắm, vì hàng ngày anh nựng nịu chơi đùa với chúng như chơi với các con của anh hay thân thiết như những người bạn chí cốt trong cuộc đời lao lý trầm luân!

Chí và Linh vốn là những người trẻ rất sôi động và nghịch ngợm ngay cả trong đời sống ở tù, nhất mực đòi đem làm thịt hai con mèo ăn. Mọi người đều ngăn cản và phản đối vì nghĩ rằng nếu hai con mèo bị rắn cắn chết thì còn nọc độc, ăn thịt mèo sẽ bị trúng độc chết. Cuối cùng quyết định chung là đem hai con mèo đến đặt tại chỗ chủ nuôi chúng nằm để chờ Danh Mổ Bụng về làm gì thì làm.

Danh Mổ Bụng chỉ là hỗn danh người trong tù đặt cho Danh, nó vừa có nghĩa tả chân vừa mang ý nghĩa về thành tích của anh, Danh có vẻ hài lòng chấp nhận nó như có một chút hãnh diện nữa là khác. Tên thật của anh là Nguyễn Văn Danh. Danh bị bắt vì là thành viên của một tổ chức Phục Quốc. Ở trong trại tập trung, Danh vẫn luôn chứng tỏ mình là người có lập trường dứt khoát không chấp nhận Cộng Sản. Danh thường bị Trại lưu ý và liệt vào thành phần xấu vì có những thái độ chống đối cải tạo, thế nên Danh bị quản giáo và trực trại ghét lắm, trù dập, hằn học mỗi khi thấy mặt Danh.

Trong nhóm 13 người trốn trại trước đó mấy năm, Danh là người ốm yếu nhất. Cái cuộc trốn trại thật hết sức “táo bạo và liều mạng”! Danh bị bắn vào bụng và bị bắt lại. Sau khi lành vết thương, ra khỏi trại kỷ luật bị đưa về lại đội cũ, dấu ấn của cuộc vượt ngục bất thành vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm Danh và bây giờ hằng ngày Danh vẫn sờ tay thấy nó như con đỉa dài no tròn bám chặt trên da. Bụng Danh có một thẹo lớn của vết mổ, cái thẹo kéo dài từ ngực tới dưới phần rốn, lồi cộm lên và đen ngòm trông rất ghê sợ!

Chẳng hiểu ai là người đầu tiên ghép liền tên Danh với hai chữ “Mổ Bụng”. Có thể chỉ do một ai đó gọi đùa trong một phút cho vui, thế rồi nhiều người cứ quen miệng gọi “Danh Mổ Bụng” thay vì gọi tên Danh như trước và anh cũng không phản đối việc gọi tên mới. Tên Danh Mổ Bụng trở thành tên gọi hằng ngày của Danh ở trong trại giam từ bao giờ không ai để ý biết, cái tên ấy phổ biến thậm chí chính các cai tù cũng gọi anh là Danh Mổ Bụng!

Từ ngày về lại đội cũ sức khỏe của Danh Mổ Bụng càng suy yếu đi thêm, anh cũng có thái độ trầm hẳn xuống chứ không còn sôi nổi như trước, anh không còn thể lao động nặng được như đào đất, khiêng đá v.v... Rồi không rõ do đâu Danh Mổ Bụng được Trại giao làm công việc cắt tóc cho các tù thuộc Khu A. Cũng kể từ ngày đó trở đi Danh Mổ Bụng bị mọi người trong khu A xa lánh anh dần, những bạn thân rời bỏ anh và hầu như không còn ai là bạn thân nữa! Danh Mổ Bụng ngày càng thu hẹp đời sống của mình ở trong trại, ít còn giao tiếp với ai.

Một hôm nọ Danh Mổ Bụng kiếm đâu được hai con mèo con đem về nuôi làm bầu bạn. Từ khi có hai con mèo ngày ngày anh chỉ chơi với hai con mèo, chăm sóc trìu mến chúng như con. Nhờ có hai con mèo Danh Mổ Bụng sống vui vẻ trở lại dần và vì đời sống trong tù thật buồn chán nên cả nhà ai cũng thích hai con mèo của Danh Mổ Bụng. Hai con mèo là nguồn vui chung cho cả gia đình nhà số 2, nó còn có ích lợi lớn là diệt lũ chuột nhắt, loại kẻ thù truyền kiếp mà tù nhân nơi nào cũng căm ghét vì chúng chuyên phá hoại, trộm cắp, vày vò đồ ăn thức uống, áo quần và đồ đạc của tù nhân. Hai con mèo cũng còn làm được một việc khá quan trọng nữa cho Danh Mổ Bụng, chúng như là một gạch nối lại sự liên hệ giữa Danh Mổ bụng với mọi người khác trong nhà.

Sau biến cố mồng bốn Tết Nguyên Đán Tân Dậu (1981) khoảng độ một tháng, nhóm 29 người của khu A và C bị chuyển đi trong đêm về Chí Hòa và sau đó chuyển đến Xuân Phước. Nhóm 7 người khu B bị chuyển sang Khu A gồm có: Mai Trọng Tố và tôi cho vào Đội 3, Văn Liên Sở và Nguyễn Mậu Thanh vào Đội 4 (bốn chúng tôi cùng ở nhà số 2), Tô Quang Vượng, Phan Phú Nghiễm và Nguyễn Văn Đạt (Đạt Phè) bị chuyển vào nhà số 1. Vượng và Nghiễm ở Đội 1, Đạt Phè ở Đội 2. Chuyển sang khu A được ít tuần lễ thì Vượng và Nghiễm bị đưa vào nhà kỷ luật cùm hai ba tháng.

Tôi được chỉ định chỗ nằm ở sàn trên kế bên Nguyễn Phú Biển, giáp với cầu tiêu, sàn dưới chỗ tôi nằm là chỗ Danh Mổ Bụng. Trước khi tôi được xếp vào chỗ nằm ấy, một mình Biển nằm hết cả gian tầng trên, cách xa Biển còn 4 chỗ bỏ trống mới có người khác nằm.

Ngay trong ngày đầu đến Đội 3, anh em trong nhà thấy có người mới đến đã niềm nở tiếp đón thăm hỏi bọn tôi, rồi tìm cách kéo tôi ra ngoài sân nói chuyện. Nhiều người đặt câu hỏi cho tôi: "Tại sao Văn Liên Sở cũng bị đưa đi chung sang Khu C với chúng tôi ?" Có người kín đáo cho tôi biết Nguyễn Phú Biển và Danh Mổ Bụng làm “ăng-ten” đấy, họ ân cần dặn dò tôi đủ thứ, nào là phải cẩn thận, coi chừng và đừng liên hệ với hai người ấy nguy hiểm lắm, cả nhà đều cô lập họ v.v...

Tôi nói cám ơn tất cả mọi người và để trả lời câu hỏi về Văn Liên Sở, tôi nói với mọi người rằng quyết định chuyển khu là của Trại làm sao tôi biết. Tôi không xác định Sở là người thế nào, sự quan sát và xét đoán về Sở tùy nơi mỗi người.

Tôi không sống theo như lời khuyên của anh em trong nhà vì nghĩ rằng mình là “người mới”, cảnh giác dĩ nhiên là thái độ cố hữu trong tù, tôi cứ tỉnh bơ như không hay biết mọi việc. Tôi rủ Biển đánh cờ, chia sẻ với Biển muỗng mắm, tán đường, thìa mỡ vì từ lâu Biển không có thăm nuôi. Nhưng Biển nhất mực không chịu nhận món gì của ai kể cả của tôi. Biển chịu đựng rất hay, trại phát thứ gì thì ăn thứ ấy. Thấy Biển ho tôi cho thuốc và Biển chịu nhận thuốc. Chẳng phải là tôi tốt bụng gì đâu, cách xử sự chỉ là xã giao thân thiện thông thường. Vả lại, vì Biển ho nhiều hằng đêm tôi cũng không ngủ nổi, hoặc nếu Biển bị bệnh phổi thì tôi sẽ là kẻ lây bệnh đầu tiên trong nhà.

Cái cánh cửa nhà cầu cứ thình thình đập rung cả sàn nằm suốt đêm vì 120 người sử dụng. Đó là cực hình mỗi đêm cho tôi, chưa kể đến những đêm có nhiều người bị bệnh tiêu chảy hay kiết lỵ!

Tôi phục Biển lắm về sự chịu đựng thiếu thốn. Đêm Biển ngủ ngon lành và tôi được biết rằng chính Biển đã chọn xin Cán bộ cho phép được nằm chỗ ấy chứ không phải bị chỉ định phải nằm kế Biển như tôi.

Hai Đội 3 và 4 đi xem film về, Danh Mổ Bụng vừa bước vào nhà là Chí đã la to lên: Ê, ông Danh Mổ Bụng, hai con mèo của ông chết rồi! Danh Mổ Bụng nhìn Chí vẻ còn bán tín bán nghi cho rằng Chí dỡn chơi? Linh cũng lên tiếng: Chí nó nói thiệt đấy, tụi tui để chúng ở chỗ ông nằm đấy. Ông cho tui với thằng Chí làm thịt ăn nghe?

Danh Mổ Bụng không nói tiếng nào đi thẳng về chỗ mình, ôm hai con mèo lên, ...lặng người đi một lúc rồi thút thít khóc kệ cho mọi người trong nhà bàn tán. Trong nhà ồn ào như có đám tang lớn!

Đội trưởng đội 4 kiêm nhà trưởng Nguyễn văn Thơ kêu Chí và Linh hỏi nguyên do sao hai con mèo của Danh Mổ Bụng bị chết. Linh thuật lại: Mấy ông vừa đi xem film độ nửa tiếng, tụi tui đang ngồi nói chuyện chơi chỗ thằng Chí nằm thì một con nhảy ra từ gầm sàn nằm, nó chồm lên chồm xuống ít cái rồi chết. Độ 10 phút sau con kia cũng y như vậy rồi chết, tụi tôi bật quẹt soi tìm khắp các gầm sàn không thấy rắn rít gì. Câu chuyện bàn tán về cái chết của hai con mèo cứ rì rào đến rất khuya.

Danh Mổ Bụng không cho Chí và Linh hai con mèo chết để ăn thịt mặc dù Chí và Linh năn nỉ nài xin thiệt tình.

Ngày hôm sau tin hai con mèo chết được truyền đi rất nhanh khắp khu A rồi sang Khu B và C. Không biết Danh Mổ Bụng đã đem xác hai con mèo chết đi chôn ở đâu hay trình cho Ban Giám Thị Trại thế nào, chẳng ai biết.

Đến giờ đếm số chiều tối, trực trại là Lợi Bần Cố Nông tuyên bố trước sân tập họp khu A: Đội 3 và 4 nhà 2 tối nay họp để tìm ra thủ phạm giết chết hai con mèo. Tình hình có vẻ nghiêm trọng rồi chứ không đơn giản như mọi người nghĩ về cái chết của hai con mèo.

Các Đội khu A vào nhà xong, trật tự khóa cửa, Lợi Bần Cố Nông cho trật tự mở cửa nhà 2 để vào giám sát sinh hoạt. Nhà Trưởng Nguyễn văn Thơ cho cả nhà ngồi tập trung vào hai gian giữa để bắt đầu họp. Lợi Bần Cố Nông không nói gì trước giờ họp, ngồi gờm gờm nhìn từng người như thể dò xét suy đoán mỗi cá nhân. Không khí thật nặng nề!

Mở đầu buổi họp, nhà trưởng Thơ nói: “Đêm nay có cán bộ trực trại làm chủ trì buổi họp tại nhà 2 để mổ xẻ vấn đề hai con mèo của anh Danh bị giết chết. Theo lệnh của Cán bộ trực trại thì chúng ta phải sinh hoạt mỗi tối từ 7 đến 10 giờ, bắt đầu từ hôm nay cho đến khi nào tìm ra được thủ phạm giết hai con mèo mới thôi. Yêu cầu mọi người đóng góp ý kiến tích cực, đào sâu vấn đề và xoáy vào trọng tâm...”

Các tổ trưởng bao giờ cũng là người tiên phong phát biểu, tựu trung mọi người phát biểu đều có ý chung giống nhau là:

- Lên án kẻ nào đã hành động dã man giết hai con mèo là quá ác, vì chúng chỉ là những con vật và có ích lợi cho cả nhà. Nếu chúng có ăn vụng mất chút ít thức ăn cũng không đáng phải giết chết tàn nhẫn như vậy.

- Nếu có kẻ nào ganh ghét với Danh Mổ Bụng vì được phép nuôi mèo trong trại mà giết hai con mèo cũng là ác quá! Hai con mèo đâu có tội tình gì, ghét chủ nuôi chúng mà giết chúng là hèn hạ! Mọi người cần mạnh dạn đấu tranh để tìm ra thủ phạm, vạch mặt tên xấu xa đó ra cho mọi người biết.

- Nếu muốn ăn thịt mèo vì thèm mà giết hai con mèo là độc ác quá! Thèm thế nào thì thèm chứ giết hai con mèo để ăn thịt là điều quá quắt đê tiện, đáng lên án và phải được trừng trị đích đáng! Thèm thịt mà đi giết hai con mèo để định ăn thị được thì việc gì xấu mà không dám làm?

- Ai đã lỡ hành động giết chết hai con mèo hãy thành thật tự giác nhận để xin cán bộ khoan hồng và xin lỗi Danh Mỗ Bụng, chắc cũng không phải bắt thường gì đâu, chứ đừng để đến khi trại tìm ra sẽ bị kỷ luật rất nặng, “Cách mạng” bao giờ cũng “rộng lượng khoan hồng, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại".

- Kẻ giết hai con mèo nhất định phải có thù oán hay ghen ghét gì với Danh Mổ Bụng chứ không phải vì thèm thịt mà giết hai con mèo. Nay giết mèo được thì mai mốt cũng giết người được. Đã được “Cách Mạng khoan hồng cho vào trại để cải tạo rèn luyện bản thân trở thành người tốt, lương thiện mà không chịu cải tà quy chánh”! Đề nghị Danh Mổ Bụng cho biết những ai có xích mích gì từ lâu nay hoặc có nghi ngờ cho ai giết hai con mèo không?

Suốt gần 3 tiếng đồng hồ mọi người phát biểu cũng loanh quanh mấy nội dung như thế. Danh Mổ Bụng không chịu nói ra những người có xích mích và nói không nghi cho ai giết chết hai con mèo. Tình thế không đem ra một dấu tích thủ phạm mà lại có vẻ hướng vào sự thù oán giữa Danh Mổ Bụng và người khác là nguyên nhân để kết tội cho thủ phạm giết chết hai con mèo.

Hết tổ này đến tổ khác của hai Đội 3 và 4 thay phiên phát biểu cho thật sôi nổi trước mặt Lợi Bần Cố Nông. Rồi cũng đến lượt mình phải phát biểu, tôi nói : Theo tôi, bất cứ vì nguyên nhân nào mà giết chết hai con mèo đều đáng trách cả. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng để chứng minh ra được bằng chứng của thủ phạm, tránh sự kết án oan cho người nào như vì có một vài xích mích với Danh Mổ Bụng chẳng hạn, làm như vậy là tội nghiệp người ta...

Tôi vừa nói tới đó thì Lợi Bần Cố Nông đứng phắt lên, chỉ tay thẳng vào mặt tôi và quát to:

- “Câm mồm ngay! Từ "lay" tôi cấm không cho anh được phát biểu điều gì lữa. Muốn "nái nạc" hướng cuộc họp đi ra ngoài trọng tâm hả? Anh "nà" sót "nại" của vụ Tết "lăm" 81 đây”.

Sau đó cuộc họp chấm dứt với bầu khí căng thẳng nặng nề. Ai về chỗ người đó mặt mày ủ rũ. Nhà giam im lặng chỉ còn vài tiếng dép đi lẹp xẹp. Nhà trưởng Thơ đi theo Lợi Bần Cố Nông ra ngoài một hồi lâu mới trở vào nhà.

Những ngày kế tiếp suốt tuần, nhà 2 đều họp mỗi đêm theo lệnh trực trại. Có đêm vào nhà ngồi chủ trì, có đêm Lợi Bần Cố Nông chỉ đứng bên ngoài nhà nghe, hoặc đi vòng vòng vừa nghe vừa quan sát sinh hoạt bên trong nhà giam. Tôi vẫn phải ngồi tịnh khẩu tham dự các buổi họp hằng đêm suốt tuần, vừa mệt mỏi vì nhàm chán vừa buồn ngủ!

Trực trại có tên gọi "Lợi Bần Cố Nông" là do tù nhân trong trại đặt cho hắn để phân biệt với "Lợi Heo" chấp pháp. Chẳng mấy ai cần tìm hiểu để biết cái họ của các cai tù. Muốn phân biệt cho khỏi lộn cai tù này trùng tên với cai tù khác, người ta cứ chọn ghép thêm một vài chữ nào đó với tên để gọi, miễn sao có thể diễn tả được tính khí và diện mạo vừa mang diễu tính vừa khinh miệt vì sự căm ghét đối phương trong lúc bị sa cơ thất thế.

Lợi Bần Cố Nông lúc làm quản giáo đội nông nghiệp thì có vẻ hiền lành như một người nhà quê chân thật, nhưng sau vụ diệt "ăng-ten" tại khu A hôm mồng 4 Tết Tân Dậu (1981), toàn trại đứng lên tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù, chống ăn chặn thực phẩm, thuốc men, quần áo của tù nhân và phản đối đánh đập tù nhân... Lợi Bần Cố Nông được cho làm trực trại, từ đó hắn tỏ ra hách dịch lặt vặt và nhiều hận thù với tù nhân, coi các tù nhân là "những kẻ ác ôn đầy nợ máu với nhân dân, là lính đánh thuê, tay sai thực dân, đế quốc và phản bội tổ quốc..." giống như những gì Đảng đã nhồi nhét từ nhiều năm tháng vào đầu óc quân dân miền Bắc!

Có thể Lợi Bần Cố Nông liệt tôi vào hạng nguy hiểm vì hắn quan sát việc tôi sinh hoạt trong ngày mồng một Tết Nguyên Đán Nhâm Tuất (1982) vừa qua. Sự thể là các đội thuộc khu A phần lớn là thành viên các tổ chức Phục Quốc bị bắt, nhiều người là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo từ Long Xuyên, Châu Đốc, gia đình ở xa và miền quê rất khó khăn, cơm ăn cho gia đình còn không có, biết lấy gì để đi thăm nuôi người thân ở tù xa xôi được.

Ba ngày Tết bao giờ cũng là những ngày buồn tủi nhất cho đời tù nhân cải tạo, nhất là những tù nhân ở các trại tập trung cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.

Chiều 30 Tết, Mai Trọng Tố đến chỗ tôi nằm thì thầm nói: Tình hình đã êm êm rồi đấy, bác (Tố cứ hay gọi bác và xưng em với tôi theo kiểu miền Bắc) tổ chức ăn Tết cho anh em trong nhà bớt buồn kẻo tội nghiệp những anh em Châu Đốc, Long Xuyên quá! Tôi bị xiêu lòng vì đề nghị của Mai Trọng Tố.

Mặt khác, trước ngày quản giáo đội 3 là Dưỡng Tài Tử đổi đi, đang trong lúc lao động cho gọi tôi ra nói riêng cho biết như sau:

- "Lẽ ra với cương vị là quản giáo thì tôi không được cho anh biết điều gì. Tôi sắp phải đổi đi xa, chưa biết sẽ đi đâu, có thể phải đi Cambuchia. Có lẽ tôi phải khai bệnh để ra khỏi ngành chứ đào ngũ thì ảnh hưởng cho ông Thiếu Tá chú tôi đã bảo đảm cho tôi vào công an. Nói thật với anh, trên thế giới này không có bọn nào quân phiệt như bọn này (ý nói Đảng Cộng Sản Việt Nam)... Tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ anh rồi, tất cả chỉ là nghi vấn thôi. Mọi chuyện phải để trong đầu, đừng để lộ ra ngoài, anh muốn làm gì cũng phải ra khỏi nơi này. Có thể năm tới anh được tha đấy. Tôi đi rồi, người khác đến coi đội, nếu họ có nhờ anh làm thư ký hay đội phó thì nên nhận lời làm giúp cho họ, ai đến thì cũng phải cần tới anh, làm một ít thời gian cho bớt cực rồi về... Chỗ anh đang nằm đấy có được không hay muốn đổi đến chỗ nào thì cho tôi biết trước khi tôi đi".

Tôi suy đoán Dưỡng Tài Tử nói vậy có thể vì trong đội 3 chỉ còn lại Tố, Thiệp và tôi là Sĩ Quan, hầu hết là anh em bị bắt từ Miền Tây sau này, không có ai học đến bậc Trung học, Thiệp thì bị tê liệt không lao động được. Tố vừa lên làm đội trưởng sau khi đội trưởng cũ là Ký được tha về.

Chúng tôi gọi Dưỡng là Dưỡng Tài Tử vì Dưỡng có nước da trắng hồng, để tóc dài, dáng dấp phong lưu như tay ăn chơi ngoài đời. Làm quản giáo một đội trọng điểm như đội 3, hầu như suốt mấy tháng liền Dưỡng chẳng bao giờ tập họp đội để sinh hoạt. Mọi việc lao động giao cho đội trưởng và ban điều hành muốn làm sao thì làm. Ra bãi lao động, Dưỡng hay bỏ đội đi với bạn bè đến gần giờ về mới trở lại đội. Chúng tôi thường mừng rằng ở đội trọng điểm lại sướng hơn các đội khác và mong được Dưỡng cứ coi đội hoài hoài.

Một lần đội được đi phụ thu hoạch ngô cho một đội nông nghiệp. Dưỡng Tài Tử gọi tôi và tổ trưởng của tôi là Trạch ra bảo: Đội mình không được đi làm công việc như hôm nay bao giờ, hôm nay hai anh có nhiệm vụ lấy thùng luộc bắp thật nhiều cho đội ăn một bữa thật no. Nói xong Dưỡng Tài Tử bỏ đi lên nhà lô cùng quản giáo Đương của đội 9. Tôi và Trạch lấy bắp luộc, mẻ đầu chín, tôi chọn mấy cái bắp non ngon và bảo Trạch đem lên nhà lô cho Dưỡng Tài Tử và Đương để đền ơn sự tốt bụng của hai người.

Hôm gần Tết, tôi không nhớ là ngày thứ mấy trong tuần mà được nghỉ. Dưỡng Tài Tử vào trại kêu đội trưởng lấy tổ tôi đi ra hồ kéo lưới bắt cá cho cơ quan. Trời mưa lất phất, gió thổi lạnh, trên đường đi chúng tôi bực trong lòng lắm vì cả trại được nghỉ chỉ có chúng tôi bị bắt đi làm!

Đến bờ hồ, Duỡng Tài Tử bảo Trạch lấy hai cái thùng giấu trong bụi cây, kéo được mẻ lưới nào thì bắt những con cá to bỏ vào hai thùng ấy, khéo đừng cho ai thấy. Chúng tôi đều nghĩ rằng Dưỡng Tài Tử muốn cùng bạn bè chơi gác cơ quan. Nhưng hồ không có bao nhiêu cá, kéo lưới suốt buổi chỉ có mười mấy con trọng trọng đem giấu cả tại hai thùng thiếc trong bụi cây, cá con được độ vài tô. Chúng tôi rét run cầm cập. Khi cán bộ nhà bếp cơ quan cùng Dưỡng Tài Tử ra hồ hỏi chúng tôi kéo lưới được nhiều cá không? Dưỡng Tài Tử bảo làm đếch gì có cá, chúng mày đã lưới trộm hết mẹ nó rồi, thôi mấy con lẹp này cho các anh ấy cho rồi. Nhưng trưởng bếp cơ quan cũng lấy cá con chứ không cho chúng tôi. Dưỡng Tài Tử cho chúng tôi đi tắm sơ và bảo đội trưởng đưa tổ kéo lưới về trại, bỏ quần áo ướt phủ lên trên cá chứa ở hai thùng và đem về trại chia cho đội ăn.

Dưỡng Tài Tử thân với chúng tôi như tình đồng đội. Đêm đói Dưỡng đến gõ đầu giường Tố xin mì, đau lấy thuốc. Cũng có hôm Dưỡng đem vào cho chúng tôi cả ký đường trắng và mấy ký đậu xanh, trà, thuốc lá Hoa Mai. Có thể Dưỡng đã "thuổng" được của hậu cần?

Tôi đề nghị với Tố khi hai đội trong nhà họp bàn ăn Tết thì nêu ra ý kiến rằng ngày Mồng Một Tết, tất cả nhà ăn cơm chung với nhau, ai có mứt hay kẹo bánh gì cùng bỏ ra ăn chung hết, người không có thăm nuôi cũng cùng ăn chung luôn cho có tình thân thiện đoàn kết. Đề nghị ấy được cả nhà đồng ý và hăng hái hưởng ứng ăn Tết chung.

Buổi tối Mồng Một Tết tôi bày trò hái "hoa dân chủ" bằng cách viết những lời chúc và một số trò vui, bỏ các thăm giấy vào một cái loong cho mọi người bốc. Đại loại, nội dung như :

- "Người bốc được thăm này sẽ phải hát một bài hát xuân. Nếu không hát được thì phải uống hết một "gô" nước trong một hơi"...

- "Người bốc được thăm này trong năm nay sẽ được tha về với gia đình, nếu chưa có vợ sẽ cưới được vợ đẹp và hiền"... Người bốc được thăm này phải đấm lưng cho Cụ Lến ba đêm liền (nếu Cụ Lến bốc được thăm này thì "cu Lợi" phải đấm lưng cho Cụ) vân vân... (Lợi trẻ nhất nhà, vào tù lúc 14 tuổi, không biết chữ, nay em đã biết đọc, biết viết).

Cuộc vui khá hào hứng cho cả nhà. Sau đó Tố cho tôi biết, hôm ấy nhiều anh em cảm động đã khóc, họ nói rằng chưa bao giờ hưởng được cái Tết trong tù có đầy tình người như vậy!

Có ngờ đâu rằng việc làm hôm ấy đã đem đến cho tôi biết bao là hệ lụy trong đời tù đày ngay tháng sau đó. Có anh em thân tình đã thương trách tôi sao dại dột quá vậy! Vâng, có thể quả là tôi đã dại dột thật đấy. Sống trong hoàn cảnh tù đày như vậy mà còn phô bày cái khả năng nhỏ mọn của mình ra cho đối phương biết, có khác nào tự mình thành thực khai ra trước quân thù?

Nhưng tôi không thấy có ân hận nào về những gì mình đã làm. Ngược lại, cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ đến hình ảnh anh em được hưởng đôi chút hương xuân an ủi trong dịp Tết năm đó, tôi có được niềm vui kín đáo trong lòng mình. Một chút hạnh phúc riêng cho tâm hồn tôi.

Đội 3 trước kia là đội 7 cũ. Khi trại chưa chia ra thành các khu A, B và C, đội 7 mở màn cuộc trốn trại 5 người rất ngoạn mục. Khoảng tháng 12 năm 1979, giờ mở cửa đếm số (tức đếm số lượng tù nhân) các nhà buổi sáng là 6 giờ.

Mùa Đông mặt trời mọc chậm nên 6 giờ sáng trời còn tối. Vừa mở cửa là mọi người chạy ào ra. Phần vì suốt đêm ở trong nhà ngộp ngạt hơi người, hơi thuốc rê thuốc lào, mùi hôi khai của thùng chứa phân nên ai cũng muốn ra ngoài để hít thở, khua tay múa chân vài động tác ban sáng cho khoan khoái. Cũng có người sợ không dám đi cầu tại thùng chứa phân trong nhà nên ráng nhịn chờ đến khi mở cửa sẽ tranh thủ ra đi cầu trước lúc tập họp lại báo cáo "quân số" (chẳng hiểu sao người ta cứ gọi là báo cáo quân số thay vì báo cáo nhân số).

Sáng mở cửa ra, mọi người đem "ca cóng" đặt tại vị trí để chờ nhận chia nước nóng và phần ăn buổi sáng như khoai, sắn khô độn cơm, "bánh bẹp" (bột mì hấp), bo-bo, bắp luộc... tùy theo từng bữa khác nhau.

Sau khi đi mở cửa một loạt các nhà trong khu, trực trại mới quay trở lại để nhận báo cáo từ các nhà trưởng về số tù nhân còn hiện diện. Thời gian trực trại đi mở cửa mỗi sáng như vậy cho 6 - 7 căn nhà thường phải mất 15 - 20 phút. Nhận báo cáo của nhà trưởng và đếm lại số lượng tù cũng mất khoảng 5 phút cho một nhà. Lợi dụng khoảng thời gian ấy, những người trốn trại đã tính toán rằng họ có khoảng trên dưới 30 phút, từ khi mở cửa cho đến lúc trực trại trở lại đếm số nhà 4 có đội 7 ở.

Năm người trốn trại hôm ấy đã ra khỏi nhà 4 đầu tiên (bấy giờ chưa có Khu A và C), chạy thẳng ra dẫy cầu tiêu, thay vì đi cầu thì đã xé hàng rào cây sau nhà cầu, lách người chui ra êm ả. Dạo ấy tre trồng dọc hàng rào quanh trại chưa lên cao và dầy chằng chịt như mấy năm sau này. Một chi tiết khác, chưa tới 6 giờ sáng là hai vọng gác góc Tây Bắc và Đông Bắc, lính gác đêm thường bỏ vọng trống, về sớm trước khi có người đến thay phiên. Đó là mấy lợi điểm, thêm nữa vì chưa có vụ trốn nào nên trại lơ là.

Giữa hai vọng gác cách nhau trên dưới 300 mét. Đèn hàng rào đã tắt từ 6 giờ sáng, lính gác có còn cũng khó quan sát thấy người trốn trại vì vị trí giữa hai vọng gác đó quá xa.

Chính vì thế mà cuộc trốn trại của 5 người đội 7 hôm đó chỉ được phát hiện khi trực trại đến nhận báo cáo tại nhà số 4 mới biết thiếu tù. Lúc đầu còn lệnh cho ra cầu tiêu tìm xem có ai đi cầu chưa về chăng. Nhà trưởng đến nhà cầu không thấy ai, nhưng thấy có đôi dép còn bỏ lại phía sau nhà cầu, về báo cáo cho trực trại. Sau đó sự thể mới được báo lên trên để trại báo động cho đi truy đuổi.

Trong lúc công an đi truy đuổi có mấy tiếng súng nổ, một số anh em lo cho số phận của 5 người trốn trại. Nhiều người khác khi nghe súng nổ thì lại tỏ ra vui mừng, cho đó chỉ là trò thị uy, vì biết chắc rằng 5 người đã ra thoát khỏi trại cả giờ đồng hồ trước rồi!

Từ đó về sau, giờ mở cửa sáng có lệnh cấm không được ai chạy đi đâu mà phải vào ngồi tại vị trí sắp hàng ngay để chờ đếm số.

Năm người trốn trại lần đó thoát hết, nhưng khoảng nửa năm sau có một người bị bắt đem về lại trại. Khi chuyển đến đội 3 ở chung với Huỳnh Văn Ân tôi có dịp hỏi vì sao anh bị bắt lại. Sống gần Ân, tôi nhận thấy anh rất hiền lành, cười nhiều ít nói. Ở nơi Ân tôi không nghĩ anh là người có gan dạ dám trốn trại và đã thực hiện cách tài tình như trên. Anh Ân nói:

- Khi trốn trại thoát, anh đã tìm đường về được địa phương ở, không dám về nhà ngay, cứ trốn trong đồng ruộng mấy tháng mới tìm cách gặp người nhà. Gặp được mấy lần thì bị lộ, anh bị bắt. Anh lại trốn thoát một lần nữa trước khi giải đi lên Huyện.

- Lần trốn sau vì không biết nơi nào để đi, anh vẫn phải sống loanh quanh ngoài đồng ruộng như trước một thời gian thì bị phát hiện vây bắt lần nữa, rồi bị giải về trại cũ. Số phận của 4 người kia anh không rõ ra sao, vì sau khi trốn thoát mạnh ai nấy đi, không có kế hoạch chung nào nên không có sự liên lạc với nhau sau khi trốn trại.

Đội 3 trốn trại nhiều nhất tại K2, đến tháng 4 năm 1982 tôi bị chuyển đi K3 thì tại K2 đã có 5 vụ trốn trại. Riêng đội 3 tức đội 7 cũ đã có 4 vụ cả thảy. Vụ quan trọng nhất và cũng là vụ mà mọi người đều cho là táo bạo và "liều mạng" nhất.

Khoảng giữa mùa Hè năm 1980, độ 1 giờ 30 chiều, trời nắng chang chang, các đội tập họp ngoài sân với cái nóng như thiêu đốt buổi trưa hè, ngồi chờ gọi đi lao động. Thường thì các đội thuộc khu A bao giờ cũng đi sau cùng, chẳng hiểu sao dạo ấy trực trại lại cho các đội khu A ra cổng trước.

Đội 3 trưa hôm đó được ra cổng đầu tiên. Sau đội 3 là hai đội khác mới ra vừa khỏi cổng. Đội 3 đi xa cổng trại độ 150 mét, còn cách cơ quan lối trên trăm mét, đội đang di chuyển đến vị trí lao động là cái hồ cá đang đào dở dang. Toán 13 người hè nhau cùng chạy một lượt, băng qua con suối cạn để chạy vào bìa rừng hướng núi Mây Tầu.

Vì quá gần cơ quan và toán Công an bảo vệ đi theo các đội còn tụ tập đông ngay trước cổng trại để chờ nhận đội đưa đi lao động. Nhóm Công an này liền được điều động đuổi bắt những người chạy trốn. Mặt khác rất không may cho họ, có thể họ đã không tính tới trước khi quyết định chạy trốn, đó là bầy chó của cơ quan nuôi đã đuổi theo họ xuống tận tới suối, cắn áo quần giữ nhiều người lại. Vì vậy nhiều người không leo lên được bờ suối bên kia và đã bị bắt ngay tại đấy!

Hai người bị bắn chết (tôi không nhớ tên). Hai người bị thương là Danh Mổ Bụng và Phan Dưa. Chỉ có một người chạy thoát. Nghe nói anh này là một Hải Quân Trung Úy đã cải tạo về, bị bắt lại vì tội tham gia Phục Quốc.

Theo lời kể lại của Phan Dưa thì khi bị bắt đem về sân cơ quan, những người bị thương hay không đều bị trói thúc ké lại để nằm giữa sân cho cả bọn Công an đánh "hội đồng", họ đánh thả dàn suốt đêm. Tất cả đều bị đánh "hội chợ" ngất đi tỉnh lại nhiều lần!

Bị đánh túi bụi nhiều quá, khắp mình tê dại, chẳng còn biết đau hay sợ hãi gì nữa. Những cú đá hay đánh bằng gậy gộc, báng súng... lúc đó giống như đánh vào những khối thịt bèo nhèo hay những cái xác không hồn nằm co quắp thở thoi thóp!

Dưa vạch bụng cho tôi xem những vết thẹo do lưỡi lê công an đã rạch bụng Dưa trong khi chân anh đã bị bắn bể đầu gối! Khi đã lành thẹo, đầu gối Phan Dưa còn một lỗ lõm đen sâu hút, có thể bỏ quả cau ăn trầu lọt vào được! Nhờ còn trẻ, Phan Dưa có sức nên vẫn đi tập tễnh được, không cần phải chống gậy. Dưa nói còn sống được là nhờ có Bác sĩ Của hay Hạc (cũng là tù nhân) tận tình cứu chữa.

Có thể Nguyễn Phú Biển cho rằng tôi không muốn giữ khoảng cách với anh trong giao tiếp hằng ngày, Biển hay rủ tôi đi dạo ngoài sân để tâm sự. Một hôm Biển thổ lộ:

- Cái án 10 năm tù về tội cướp chỉ là ngụy tạo. Thật ra Biển tham gia vào một tổ chức Phục Quốc từ cuối năm 1975. Dạo ấy cứ có tin nói rằng ở trên Saigon, Bộ Chỉ Huy Trung Ương do Tướng Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu và đã mấy lần anh được lệnh đi đón phái đoàn Trung Ương nhưng chẳng thấy bao giờ! Anh bị một người trong toán dưới quyền anh làm phản, ban đêm đến nhà bắn chết hết cả vợ con anh, may là lúc đó anh không có trong nhà. Sau khi chôn cất vợ con xong, anh bị bắt nên khai rằng vì trong băng cướp ăn chia không đều nên thanh toán lẫn nhau. Biển cho tôi xem hai vết thẹo đen ở hai cổ chân và nói sau sáu tháng bị cùm trong biệt giam tối tăm, vết thương lở loét, anh đã giả điên bốc cứt ăn nên mới khỏi bị cùm chân cho ra ngoài xà lim...?

Một hôm khác Biển dặn dò tôi rằng:

- Nếu tôi có bị trại kêu lên hỏi gì thì cứ nói thế này, thế nọ... vì anh đã báo cáo về tôi lên trại như thế. Điều ấy có nghĩa là Biển xác nhận rằng anh đã được giao công tác theo dõi và báo cáo mọi sinh hoạt của tôi cho Ban Giám Thị trại, nhưng anh không có ý hại tôi nên đã báo cáo sai sự thật về tôi. Biển bảo rằng lần này thì anh sẽ không bị lầm về Sĩ Quan Cộng Hòa nữa. Tôi hỏi lại, anh nói như vậy là nghĩa thế nào? Biển giải thích:

- Trước đây tôi tin lầm anh Lợi Râu (Trung Úy Cảnh gốc Hiến Binh, có râu rậm) làm đội trưởng nên đã thổ lộ với anh ta, tôi nhờ anh Lợi Râu giúp cho tôi trốn trại...Thế là tôi bị kêu làm việc mãi và cúp thăm nuôi cả hơn năm nay! Tôi tin là lần này tôi không còn bị lầm nữa.

- Nếu mai đây anh có được lên làm trong ban điều hành đội, anh đề nghị giúp tôi xin được chân nấu nước cho đội khi đi lao động, chừng đó tôi sẽ được cho gia đình thăm nuôi lại. Tôi sẽ báo về tổ chức của tôi lên thăm và đem nhiều đồ để mua chuộc cán bộ... Anh tạo điều kiện giúp cho tôi trốn trại. Tôi rất quý trọng anh, tôi muốn mời anh cùng trốn với tôi và vào hoạt động với chúng tôi... Tổ chức sẽ sắp xếp kế hoạch đón đi cho tôi và anh được an toàn...?

Nghe những chuyện Biển nói quả thực tôi rất phân vân, nửa tin nửa không. Tôi chỉ cười, không phản đối, không chấp nhận và nói bâng quơ rằng anh nói với tôi những chuyện này làm gì, rồi tôi tìm cách lảng qua chuyện khác.

Muốn tìm hiểu thêm về Nguyễn Phú Biển, tôi đã hỏi Chí và Linh rằng trong suốt thời gian vụ tranh đấu Tết Nguyên Đán Tân Dậu (1981) những người trong nhà tham gia tích cực thật sự là những ai, Lành có tích cực không mà bị đưa đi trong nhóm 29 người? Trong thời gian ấy Nguyễn Phú Biển làm gì, đã nằm chỗ hiện nay Biển đang nằm chưa?

Chí và Linh nói:

- Ông Lành không biết trước gì về kế hoạch hành động, khi sự việc nổ ra ông ấy tham gia hơi ồn ào. Tất cả bọn em chủ động không đứa nào bị gì hết. Ông Biển nằm tại đó lâu rồi và những ngày lộn xộn ông ấy nằm im tại chỗ, đâu có dám nhúc nhích gì, nếu rục rịch gì là tụi em chơi luôn. Tôi nhớ lại trong những ngày biến động Tết Tân Dậu, chính tôi đã có lần nhìn thấy tại nhà 9 (nay đổi thành nhà số 2), từ vị trí Biển nằm, một hôm có một miếng giấy bay ra ngoài. Và chính Biển đã có lần nói với tôi rằng những thằng ấm ớ tôi cho đi. Mấy sự kiện này đã làm cho tôi nghĩ rằng Biển chỉ nhận công tác với trại để đoái công chuộc tội khi bị Lợi Râu báo cáo rằng anh có ý đồ trốn trại. Biển đã tương kế tựu kế cho bớt bị để ý và thực tâm Biển không muốn hại anh em. Nếu không thì Linh, Chí, Nghĩa, Sang Chảy, Lợi Lác, Phiệt vân vân... khó mà thoát không bị cùm hay chuyển đi trong đợt 29 người về Chí Hòa?

Có thể tôi đã suy luận sai trong trường hợp này? Tuy nhiên trước khi rời trại bị chuyển đi K3, tôi đã nói với Mai Trọng Tố (lúc đó đang làm đội trưởng đội 3) rằng nếu Biển có nói với Tố và có thể thì giúp cho Nguyễn Phú Biển như hắn đã tâm sự với tôi. Nhưng nhớ cẩn thận đừng để liên lụy gì với tổ chức của hắn. Tôi chuyển đi K3 được một ít ngày thì nghe tin Nguyễn Phú Biển trốn thoát.

Sau này có dịp gặp lại Tư Đen ngoài đời, tôi hỏi về chuyện Nguyễn Phú Biển trốn ra sao. Tư Đen nói:

- Sau khi tôi chuyển đi ra K3 rồi thì Biển được xếp nấu nước cho đội. Hôm Biển trốn thì đội trưởng Mai Trọng Tố bị bệnh không đi lao động, nằm nghỉ bệnh ở trại. Tư Đen lúc đó làm đội phó dẫn đội đi làm. Trong lúc Biển đi gánh nước để đem về nấu cho đội thì trốn. Tư Đen không bị làm khó dễ gì về việc Biển trốn trại và quả thực Tư Đen không hề biết gì về âm mưu trốn trại của Nguyễn Phú Biển.

Lợi Râu làm tổ trưởng khi tôi còn ở chung đội 10 cũ (sau thành đội lâm sản), sau đó được chuyển sang khu A làm đội trưởng đội 7. Khi tôi chuyển đến khu A thì Lợi Râu đã được tha về trước đó cả hơn năm. Không rõ chuyện hư thực ra sao, nhưng anh em ở đội 3 kể lại rằng nếu Lợi Râu chưa được tha về trước mà còn ở lại đến vụ Tết Tân Dậu (1981) thì tên Lợi Râu cũng phải được liệt vào danh sách thanh toán như 5 người bị trừng trị trong dịp đó.

Khi Lợi Râu còn ở chung trong đội 10, Lợi Râu là một thuộc nhóm khoảng 10 người với tôi, cùng nhau âm thầm chuẩn bị tìm cách bắt liên lạc với bên ngoài. Nếu đích thực có đơn vị còn đang chiến đấu quanh vùng thì chúng tôi sẽ tìm cách cướp súng của bảo vệ đội lúc lao động để vào khu kháng chiến. Nhưng chuyện ấy không thành vì hầu như tất cả chỉ là tin đồn được thổi phồng về các đơn vị còn đang chiến đấu tại vùng núi Mây Tầu?

Hồi đó có người cho tôi hay rằng: Cuối tháng 4-75 khi Tiểu Khu Bình Tuy được lệnh rút về Phước Tuy, anh ta dẫn Đại Đội di chuyển theo lệnh Tiểu Khu để về tập trung tại Phước Tuy nhưng thiếu mất Trung Úy Bé và Đại Đội của Bé. Ngày hôm sau, Trung Úy Bé liên lạc bằng máy về Phước Tuy và yêu cầu cho đem 4 xe GMC vào rừng đón đơn vị của Bé. Đoàn xe 4 cái GMC đi không thấy xe nào trở về Phước Tuy!

Sau đó mấy năm thì anh ta được tin Bé đã lên Trung Tá, chỉ huy cánh quân còn hoạt động cấp Trung Đoàn ở trong vùng rừng núi giữa Phước Tuy và Bình Tuy. Bé là bạn với anh và Bé có cho người về móc nối với gia đình anh, vì thế nên anh đã trốn trại từ Phước Long dự tính để vào hoạt động với Bé. Nhưng không may dọc đường từ Phước Long về Vũng Tầu anh và một người bạn cùng trốn trại đã bị bắt lại. Sau này thì mất liên lạc với Bé? Anh cả quyết Bé còn trong đó!

Chuyển đến đội 3 được ít lâu thì Minh Mập ăn cơm chung với tôi. Minh Mập nằm tầng dưới, gần với Danh Mổ Bụng. Tôi không rõ do đâu tôi và Minh Mập lại có quyết định ăn cơm chung với nhau. Có thể Minh Mập thấy mỗi lần ăn cơm tôi phải leo lên leo xuống đem thức ăn qua chỗ Minh Mập nằm nên đề nghị tôi ngồi chỗ Minh Mập ăn chung luôn cho tiện. Minh Mập có nghề sửa TV, Radio nên được làm việc quanh trong trại, đi khắp đó đây thoải mái, rộng thời giờ nấu nướng tôi cũng được nhờ nhiều. Có người cũng cho tôi hay Minh Mập làm "ăn-ten" cho trại.

Một hôm Minh Mập cho tôi hay rằng chính tai Minh Mập đã nghe cán bộ giáo dục Bình nói với Văn Liên Sở ở Trạm y tế rằng: "trong vụ Tết anh chủ động tham gia, bây giờ còn nói gì...".

Minh Mập nói nghe lén được thế là vì lúc đó hắn đang núp trốn tại phòng kế bên định ngủ. Minh Mập cho tôi biết thêm rằng Sở trước kia quen làm đội trưởng đã lâu, nay làm đội viên đi cuốc đất không nổi nên cứ khai bệnh để lấy cớ lên gặp cán bộ giáo dục và chấp pháp để xin được làm đội trưởng lại. Hơn nữa trong đội 4 mọi người vẫn giữ khoảng cách tiếp xúc với Sở. Sở nhận ra mình bị anh em trong nhà và cả khu A cô lập, không ai muốn gần anh. Ta thì không ai tin Sở, địch thì vẫn nghi ngờ anh!

Nhờ Minh Mập mà tôi được biết nhiều chuyện của giữa các Cán bộ với nhau cũng như một số chuyện của nhiều tù nhân khác trong giới đội trưởng, nhà trưởng, trật tự... trong trại. Nếu Minh Mập làm "ăng ten" như người ta đã nói chắc chắn tôi đã bị hại nặng vì những chuyện tôi đã nói hoặc nhờ anh làm.

Khi vụ tranh đấu xẩy ra dịp Tết Tân Dậu thì Sở là đội trưởng rau xanh của tôi và là nhà trưởng nhà số 4. Lúc đó tinh thần tranh đấu phát lên hăng quá vì từ suốt bao lâu mọi người phải chịu sự đè nén, áp bức căng thẳng. Một số anh em trong nhà đòi đánh Sở và mấy người khác như Thêm và Bạch (Hải Quân) ở đội 16.

Tôi đã lên tiếng phản đối và can ngăn không để xảy ra, tôi nói rằng: "Bây giờ là lúc tất cả chúng ta 120 người trong nhà phải là một, nếu khác chúng ta sẽ chết. Xin mọi người cần bình tĩnh và tạm gác hết mọi việc đã qua với nhau".

Sau đó tôi kéo Sở vào cầu tiêu, tôi hỏi:

- Anh Sở bây giờ anh nghĩ thế nào?

Sở trả lời:

- Tôi thề tôi đi theo anh em, tôi có bị cùm tôi cũng đi theo anh em.

Tôi nói:

- Việc này chỉ có anh và tôi biết thôi nhé. Tôi bảo đảm không để ai đụng đến anh đâu. Nhưng chuyện không phải chấm dứt ở đây, nó sẽ còn dài dài sau này. Mai đây anh có bị trại kêu lên hỏi, anh chỉ cần trả lời rằng lúc đó anh sợ bị đánh quá nên nằm đắp mền kín, nhắm mắt quay mặt vào vách, không dám nhìn ai và không biết việc gì xảy ra trong nhà hết.

Sở hứa với tôi sẽ không khai ra ai làm gì trong những ngày ấy. Nhưng có lẽ Sở muốn chứng tỏ là anh thật tình đi theo anh em trong nhà nên thỉnh thoảng cũng hô to những khẩu hiệu tranh đấu với anh em. Tiếng Sở khá lớn khiến Công an nhận được ra tiếng của Sở. Có lúc đêm khuya Cán bộ trực trại là Trị đến đứng ngoài nhà 4 dằn mặt:

- "Anh Sở, anh Nghiễm, anh Vượng, anh Thán dậy hô hẩu hiệu nữa đi chứ ? Hô to lắm mà?"

Có thể Sở đã giữ lời hứa như trên với tôi nên hậu quả sau vụ Tết Tân Dậu anh đã có tên chuyển sang khu A trong nhóm 7 người với chúng tôi?

Trở lại chuyện hai con mèo chết, sau một tuần nhà số 2 họp để điều tra tìm thủ phạm giết hai con mèo của Danh Mổ Bụng vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng nào. Hôm họp cuối cùng có trực trại Lợi Bần Cố Nông chủ trì. Trước khi kết thúc buổi họp, Lợi Bần Cố Nông kêu tôi, Chí và Linh đứng lên. Nhìn chằm chặp vào mặt tôi với vẻ đầy đắc thắng pha cả hận thù, Lợi Bần Cố Nông nói:

- Hôm lay tôi tiến hành "nập" biên bản để kỷ "nuật" anh về tội anh "nà" thủ phạm giết 2 con mèo để đe dọa sinh mạng những người học tập tốt, khống chế những người học tập tiến bộ khác.

- Chính anh đã sai anh Minh đi tìm hóa chất để anh giết hai con mèo. Anh đã đi tìm hai con mèo trong buổi chiều hôm ấy để giết và đến tối không đi xem film. Tại sao không ở chỗ mình mà nại đến chỗ người khác ngồi khi hai con mèo chết ? Có phải anh đến đó để quan sát xem hai con mèo anh thuốc có bị độc chết không chứ gì ? Trong khi họp thì "nại" định "nái" cuộc họp "nạc" hướng đi để không đi đúng vào trọng tâm buổi họp, anh tưởng tôi không biết hả ? "Lếu" không có tôi chủ trì hôm đó thì anh đã thao túng, "nàm" rối "noạn" sinh hoạt và đưa cuộc họp đi "nạc" đề tài rồi. Anh "nà" sót "nại" của vụ Tết "lăm" 81 đây, "nà" tình báo Trung Quốc và CIA đây, tôi sẽ nhốt cho anh đầu gối quá tai...

- Tôi đồng thời hôm "lay" cũng tiến hành "nập" biên bản kỷ "nuật" hai anh Chí và "Ninh" về tội tự hủy hoại thân thể. Đã biết hai con mèo chết vì trúng thuốc độc mà hai anh vẫn đòi "nàm" thịt ăn. Anh có ý kiến gì không?

Lợi Bần Cố Nông nhìn tôi và hất hất hàm, môi hơi trề ra.

Tôi đưa tay cao tỏ ý xin phát biểu.

Lợi Bần Cố Nông: Cho phép anh "lói" đấy.

Tôi nói: Tôi đề nghị nếu cán bộ đồng ý để cho tôi nói hết ý của tôi mà không bị cắt ngang thì tôi sẽ phát biểu. Còn như nếu tôi đang nói mà cán bộ cắt ngang không để cho tôi nói những gì tôi muốn trình bày trong vấn đề này thì tôi sẽ không phát biểu điều gì hôm nay.

Lợi Bần Cố Nông chấp nhận đề nghị điều kiện của tôi và gật đầu cho tôi nói.

Không khí buổi họp bấy giờ có vẻ giống như tại phòng xử của một phiên tòa. Mọi người nhìn tôi ánh mắt như thầm chia sẻ và ái ngại, lo lắng cho tôi hoặc thắc mắc không biết tôi sẽ nói gì để biện hộ cho mình có thể thoát khỏi những điều mà Lợi Bần Cố Nông đã gán buộc cho tôi?

Nhìn thẳng vào mắt Lợi Bần Cố Nông, tôi giữ cho giọng thật bình tĩnh nói:

- Tôi cám ơn Cán bộ. Trước hết tôi khẳng định rằng tôi không phải là thủ phạm giết hai con mèo của anh Danh như Cán bộ đã gán tội cho tôi và quyết định kỷ luật tôi. Những gì tôi sắp nói tới đây có thể sẽ làm phiền cho một số người vì bất đắc dĩ tôi phải đề cập tới tên. Tôi xin các anh em ấy hãy miễn lỗi cho tôi vì tôi không thể không làm phiền đến anh em được trong trường hợp của tôi hôm nay.

Tôi có một điều thiết tha xin các anh em mà tôi sắp đề cập đến hãy vì lương tâm của mỗi người nói ra mọi điều đúng với sự thật. Tôi chỉ xin nói đúng sự thật chứ tôi không xin ai thêm bớt để bào chữa điều gì hay gán ghép điều gì cho tôi. Tôi xin cám ơn trước các anh em ấy.

Để trả lời cho câu hỏi của cán bộ Lợi rằng tại sao tôi đi tìm hai con mèo vào buổi chiều tối hôm hai con mèo bị chết, tôi xin mời anh Đủ nói giùm. (Ông Nguyễn văn Đủ đã khoảng ngoài 60 tuổi, bị đau bao tử kinh niên, thường không phải ra bãi lao động, được ở nhà quét dọn vệ sinh, cũng có tiếng trong đội xầm xì là ăng-ten).

Ông Đủ nói :

- Tôi xin nói đúng sự thực, có sao tôi nói vậy. Chiều hôm ấy sau khi ăn cơm xong, tôi và anh ấy đang nằm nói chuyện chơi, tôi thấy có con chuột con nó chạy ngay trên mái nhà gần đấy. Tôi bảo anh ấy đi tìm hai con mèo cho nó bắt con chuột. Anh ấy đi tìm trong nhà không thấy rồi ra ngoài sân tìm cũng không thấy hai con mèo. Rồi anh ấy vào cho tôi biết như vậy và nằm chơi với tôi cho đến giờ tập họp đếm số. Thật tình anh ấy đi tìm hai con mèo chiều hôm đó là do tôi nói chứ không phải tự ý anh ấy đi.

Tôi nói:

- Tôi xin cám ơn bác Đủ (trong tù lệnh bắt mọi người phải gọi anh và xưng tôi với nhau bất luận già hay trẻ).

Để trả lời cho câu hỏi của Cán bộ Lợi rằng tại sao tối hôm hai con mèo chết tôi đã không nằm ở chỗ mình mà lại đến chổ anh Chí để theo dõi hai con mèo chết, xin anh Chí nói giùm là vì sao tôi đã đến chỗ anh nằm tối hôm ấy.

Chí phát biểu:

- Tôi với thằng Linh xin lỗi, anh Linh (Chí cười làm cả nhà cười theo) và anh Nghĩa muốn nghe anh ấy kể chuyện 60 ngày đi du lịch vòng quanh thế giới nên tôi mời anh ấy đến để kể chuyện cho chúng tôi nghe. Anh ấy hứa với tụi tui lâu lắm rồi, hôm đó anh ấy mới chịu kể. Đang kể nửa chừng thì tôi thấy một con mèo chạy từ gầm sàn ra giẫy chết. Một hồi lại thấy con kia cũng chạy ra chết luôn. Tôi với thằng Linh muốn làm thịt hai con mèo ăn thì anh ấy cản tụi tui...

Chí nói tới đó thì Lợi Bần Cố Nông khoắc tay ra hiệu thôi không cho Chí nói tiếp nữa.

Tôi hỏi Lợi Bần Cố Nông có còn cho tôi tiếp tục trình bày không, y gật đầu.

- Bây giờ tôi xin anh Minh nói cho mọi người biết rằng tôi đã ra lệnh cho anh Minh đi kiếm hóa chất độc như thế nào, để cho tôi giết chết hai con mèo của anh Danh như lời cán bộ Lợi đã quy buộc cho tôi.

Chung Phối Minh (người Hoa dáng mập mạp nên thường được gọi là Minh Mập) nói:

- Sự thực là như thế này, cách đây đã mấy tháng, tôi đọc báo Saigon Giải Phóng thấy nói rằng Thành Phố Hồ Chí Minh có phát động chiến dịch diệt chuột bằng chất thạch anh. Cái hóa chất này tôi sửa Radio cho Cán bộ tôi cũng có thấy trong Radio có cái chất đó. Tôi thấy nó nguy hiểm cho tôi có khi phải sờ vào nó lúc sửa máy mà không biết có sao không.

Trong lúc ngồi ăn cơm tôi kể chuyện cho anh ấy nghe như vậy đó. Chớ anh ấy không có biểu tôi làm gì hết trơn à. Anh ấy không biết cái chất gì hết mà là tôi kể chuyện cho anh ấy nghe. Sự thực là vậy đó. Anh ấy không bao giờ biểu tôi lấy cái chất ấy. Tôi chỉ kể chuyện đó với anh ấy có một lần vậy thôi.

Tôi cám ơn Minh rồi nói tiếp:

- Điều tôi sắp nói đây sẽ đụng chạm đến mấy người và có thể xúc phạm đến danh dự nữa, tôi mong những ai tôi phải nói đến tên bây giờ thông cảm cho tôi. Thực sự tôi không muốn làm điều này. Nhất là anh Danh, tôi xin anh Danh đừng trách tôi khi nói ra một số điều. (Danh Mổ Bụng không nhìn tôi mà lại cúi mặt xuống khi nghe tôi nói đến tên anh). Sau khi hai con mèo chết được vài bữa, một đêm tôi đi tiểu, khi đi đến ngang chỗ anh Danh nằm, anh Danh vén mùng lên và lấy tay kéo tôi đứng lại, anh ngồi dậy thì thầm nói với tôi như sau: "anh là người em kính trọng nhất trong nhà...em nói thật em rất kính trọng anh, vì thế em có điều này muốn hỏi ý kiến anh. Hai con mèo của em bị chết chính là do thằng Thiệp nó giết! Cái thằng Thiệp nó ác và xấu lắm, anh không biết đâu! Em định lên báo cáo cho trại biết là nó đã giết chết hai con mèo của em. Theo anh nghĩ em có nên làm như vậy không?"

Khi nghe anh Danh hỏi vậy tôi đã trả lời anh rằng:

- Tôi thành thực cám ơn anh đã có lòng kính trọng và tin tưởng tôi để hỏi ý kiến. Tôi không dám khuyên anh nên hay không nên làm. Việc đó hoàn toàn do anh tự quyết định, nhưng có một điều nếu anh có bằng chứng thật sự chính xác thì hãy báo cáo, nếu không lỡ oan cho người ta thì tội nghiệp lắm!

Thưa anh Danh, có phải những điều tôi vừa nói là đúng sự thực không, xin anh lên tiếng xác nhận giùm.

Danh Mổ Bụng đứng lên nói: "Tôi xác nhận tất cả những điều anh ấy vừa nói ra là đúng hoàn toàn sự thật".

Tôi nói:

- Cám ơn anh Danh và cám ơn Cán bộ. Phần phát biểu của tôi đã đủ những điều tôi muốn trình bày hôm nay.

Thiệp được gọi là Thiệp Què vì bị liệt hai chân không bao giờ phải đi lao động. Nghe nói hồi ở trại Đồng Ban (Tây Ninh) Thiệp trốn trại bị bắt lại, anh bị đánh một trận nhừ tử cùng với Khán (đội 4), cả hai cùng bị liệt chân, sau được chuyển về Hàm Tân Z 30D/K2. Thiệp cũng bị anh em trong nhà xì xầm là làm "ăng ten" và không ai muốn đến gần Thiệp. Hôm đó Thiệp không phát biểu gì sau khi tôi nêu ra việc Danh nghi đích danh cho Thiệp giết hai con mèo. Thái độ đó của Thiệp thật khó hiểu?

Lợi Bần Cố Nông đứng dậy, không nói điều nào, vùng vằng bỏ ngang cuộc họp đi ra và không thấy trở lại. Nhà trưởng Thơ đi theo Lợi ra ngoài nhà, độ 5 phút sau quay trở vào và cho giải tán sinh hoạt.

Từ ngày đó trở đi tôi có bị đau cũng không được nghỉ đi lao động ở nhà để khám bệnh một ngày nào nữa. Mỗi khi tập họp đội đi lao động, trực trại Lợi Bần Cố Nông không thấy tôi ra tập họp thì để đội 3 ngồi lại sân trại, ra lệnh cho đội trưởng vào nhà bắt tôi ra đi lao động. Quản giáo thấy vậy thì bảo đội trưởng vào nói tôi cứ đi ra bãi sẽ cho tôi nghỉ chứ không thể ở nhà khám bệnh được!

Mỗi lần đi lao động về lúc nào cũng có hai trật tự lảng vảng quanh tôi. Có lần tôi đã kêu thẳng Lê Lịch lại gần, một trong hai anh trật tự được chỉ định theo dõi tôi hằng ngày, tôi hỏi rằng: Các anh theo tôi suốt thời gian qua đã có phát hiện được tôi làm điều gì vi phạm nội quy trại chưa? Lê Lịch lúng búng nói, xin anh thông cảm chúng tôi phải làm chỉ là theo lệnh trên. Tôi nói: Tôi không có trách gì các anh đâu, nhưng tôi chỉ hỏi để biết được xem mình có điều vi phạm nào để tự sửa chữa. Lê Lịch không nói gì thêm, bỏ lảng đi ra xa tôi.

Chẳng bao lâu sau đó, đột nhiên tôi có lệnh chuyển đi ra trại K3 với 3 người khác thuộc Khu C. Đến K3 tôi được cho vào đội làm bếp, hàng ngày phải đem rau ra suối ngoài trại rửa một mình, chẳng có ai canh giữ! Rồi một buổi sáng tôi được kêu ra nhận giấy tha ra trại thật bất ngờ. Nhận giấy là được về nhà ngay chứ không phải ra ở cách ly, lao động thêm mấy tuần như các đợt tha tôi thường thấy. Sau này được biết cùng đợt tha với tôi, người ta đã đọc danh sách trước đó 3 tuần tại K2. Những người có tên tha đợt ấy đã đưa ra ở cách ly và lao động cho đến hôm tôi về mới được thả về cùng ngày với tôi.

Khoảng năm 1985-1986 tôi gặp Lộc Lác đạp xe lang thang gần cầu Trương Minh Giảng, kéo nhau vào quán cà phê. Lộc Lác cười hề hề nói rằng chính anh là người đã đầu độc hai con mèo của Danh Mổ Bụng chết? Đầu óc tôi lúc đó đang lung bung vì tìm đường vượt biên nên rất tiếc đã bỏ lỡ cơ hội, không hỏi cho rõ chi tiết việc Lộc Lác đã đầu độc hai con mèo thế nào!

Nếu đúng như lời Lộc Lác nói thì quả thực tôi hoàn toàn không bao giờ ngờ được là anh ta đã thực hiện điều đó. Lộc vì ghẻ lở quanh năm nên bị gọi là Lộc Lác, lúc nào cũng chỉ cười hề hề, rảnh giờ nào thì ngồi đan hết cái rổ này đến cái rổ khác cho anh em trong nhà, có vẻ con người như vô thưởng vô phạt, chẳng hề mất lòng ai bao giờ. Vậy mà là người làm chuyện tày trời được?

Không biết giờ đây Danh Mổ Bụng có biết ai là người thật sự đã giết chết hai con mèo của anh hay vẫn còn nghi ngờ cho Thiệp Què như đã nói với tôi trong lúc đêm khuya chăng?

Sống trong sự ngờ vực lẫn nhau là thảm họa tinh thần khốn nạn nhất cho con người. Nhất là những người từng phải ở trong các trại tập trung, nó còn gây ra hệ lụy lâu dài mãi cho đời sống về sau khi đã ra khỏi cảnh tù đày.



Khải Nguyên

_______________________
(*) Ghi chú : Đây là câu chuyện thật, để giữ an toàn cho nhiều người còn đang sống tại VN, nên tên các nhân vật trong truyện đều là hư cấu. Nếu có sự trùng hợp tên thật với ai ngoài đời là điều ngoài ý muốn của người viết.

PHƯƠNG ANH * SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


  
NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT
SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN
KINH HOÀNG
PHƯƠNG ANH
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chỉ một thời gian ngắn, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi bằng thuyền càng ngày càng tăng. Mặc cho bao hiểm nguy đang chờ đón họ. Không ai có thể thống kê được đã có nhiêu người đã bỏ thây trên biển cả và bao nhiêu con thuyền đã chìm dưới lòng đại dương mênh mông.
Đó là chưa kể những người bị hải tặc bắt đi mất tích. Những câu chuyện thương tâm, những bi kịch trên các chuyến vượt biển rất ít khi được kể lại. Phần lớn, đều muốn quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, vết thương lòng của họ thật khó phai mờ. Có những người vẫn còn bị ám ảnh hay sống trong nỗi dằn vặt bởi chuyến vượt biển hãi hùng.
Sau đây xin gửi tới quí vị câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong vụ án Bolinao 52 vào năm 1988, khi thuyền vượt biên của chị bị một chiến hạm Mỹ từ chối không vớt, gây nên thảm cảnh vô cùng khủng khiếp.
Cũng là một phụ nữ rất bình thường như bao nhiêu người khác, chị Trịnh Thanh Tùng sinh năm 1956, cha và anh là sĩ quan cao cấp, phục vụ trong trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thế rồi, biến cố 30-4, cha và anh ruột đều đi tù cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, chị kể lại:
“Sau 75 thì mấy ông Cộng Sản vô không cho đi học nữa, phải đi buôn bán, phụ mẹ. Ba thì đi ở tù, anh cả cũng ở tù tới 14 năm… mấy mẹ con ở nhà khổ lắm… bị lấy nhà… họ đuổi ra, không cho ở nhà của mình (khóc)… sau đó phải đi bán buôn, đi làm ruộng... rồi ba tui đi ở tù về thì má tui mất. Anh cả thì vẫn ở tù, tháng tháng phải xách đồ đi thăm nuôi… nhắc tới khổ lắm!”
* Chuyến vượt biển định mệnh
Vào ngày 22 tháng 5 năm 1988, sau khi ly dị một thời gian, chị quyết định dắt con trai chưa đầy 5 tuổi xuống thuyền vượt biên cùng với người anh trai, chị kể tiếp: “Lúc đó tui ly dị và dẫn đưá con đi theo, anh trai tui mới ở tù ra cũng đi theo luôn và anh dẫn theo thêm một đưá con của ảnh… Đi cực lắm, đi rồi lại về, năm lần bảy lượt mới được… mà rốt cuộc cũng bị gì đâu… 4 người đi ngõ Bến Tre, chờ cho đến khi lên tàu lớn…khi đi rất ngon lành, tàu chạy nguyên một đêm, ban ngày ra chạy khoảng nửa ngày thì máy tắt, ông tài công sưả…lúc đó ai cũng còn “sặc sừ”, sau đó máy chạy lại, được một chút thì mưa to gió lớn quá…
Ông tài công nói tắt máy vì sợ sóng lớn đánh tàu bị lật, sau khi hết mưa thì cho máy chạy lại thì máy không còn nổ nữa, lúc đó là khoảng 4, 5 giờ chiều, sửa hoài cũng không nổ, vì thế ông tài công nói là không đi được thì thôi để máy trôi vô bờ, lúc đó tụi này thấy núi xa xa…thì mình nghĩ cũng đúng, và ổng còn nói là ai có giấy tờ gì thì xé đi, đồ ăn uống gì thì ăn cho hết đi, rồi lên bờ thì mạnh ai nấy chạy.
Nghe ông ta nói như vậy thì ai cũng ăn, sau đó mọi người đều ngủ. Sáng ra, tui thấy biển xanh như mực, nó không trôi vào mà trôi ra, lúc đó ông tài công sửa máy nhưng nó không chạy và từ đó trôi luôn…”
Theo lời chị cho biết, chiếc ghe cứ trôi trên biển như thế và nhìn thấy rất nhiều tàu qua nhưng không chiếc nào dừng lại…Giữa biển cả mênh mông, chỉ có trời và nước, mọi người đều bắt đầu kiệt sức…chị nói tiếp:
“Không có ai ngừng lại để vớt mình hết, duy nhất ngừng lại là chiếc tàu Mỹ, không có chiếc tàu nào dừng lại hết, toàn là đi ngang qua thôi, gặp nhiều lắm…Ngày thứ 10, gặp tàu Nhật thì có mấy người trên tàu nhảy xuống, đến ngày 19 thì gặp tàu Mỹ ngừng lại cho đồ ăn…
Ngày thứ tư là tui hết đồ ăn rồi, chỉ còn gói bột cam và ống sữa. Khi biết chiếc tàu bị trôi thì gia đình chủ tàu đã dành đồ ăn cho riêng họ, nước cũng vậy, khát nước thì họ chỉ phát cho chút xíú, rốt cuộc cũng hết nước.”
* Chuyến đi hãi hùng
Thế rồi, trên chiếc ghe nhỏ với 110 người ấy, ngoài những người đã hoảng loạn nhảy xuống biển, thì bắt đầu có người chết:  “Người nào chết thì thẩy xuống biển, chết trước nhất là con bé nhỏ 3 tuổi, ngồi kế tui vì nó khóc nhiều quá, nó đòi ăn, đòi uống hoài, nó là đưá chết đầu tiên…Khi gặp tàu Mỹ, ở trên chiếc tàu đó có người Việt Nam, ông ta tên Nghiêm hay Nghiệm gì đó vì tui thấy bảng tên của ông ta, ông ta là lính trên chiếm hạm đó.
Ông Việt Nam đó nói là chiếc tàu của ông ta đang trên đường đi công tác ở vùng Vịnh, không thể giúp tụi tui được, chỉ cung cấp thức ăn trong vòng hai ngày, sau đó, sẽ được đưa vào Nam Dương hay Phi Luật Tân…
Họ cung cấp thức ăn trong hai ngày mà trong khi đó, mình đói 19 ngày rồi, mà chiếc ghe phải có người tát nước, ngày nào nước cũng vô mà không ai chịu tát hết, thành ra, ai tát nước thì mới được phát đồ ăn, đồ ăn có trong hai ngày, ngày thứ ba thì cũng chờ…rốt cuộc không thấy gì hết và không còn đồ ăn nữa.”
Được biết, vì để sống còn, giữa biển cả mênh mông, không nước, không lương thực, chị đã phải uống nước tiểu của con trai mình và chấp nhận ăn thịt đồng loại để giữ mạng sống cho mình và con trai. Chị kể:
“Có người nói là khi nào tôi chết thì lấy thịt tôi làm thức ăn để cho mọi người sống sót còn tới bến bờ chứ nếu không thì không ai biết như thế nào…Nghe nói vậy thì mình không biết ai nói câu nói và ai đã làm chuyện đó…
Ai cũng phải tát nước hết, thành ra, ngoại trừ con nít thôi, ai cũng phải tát hết, cho nên tui quả quyết rằng 52 người còn sống sót người nào cũng phải ăn hết, anh Minh đưa cho tui hai phần vì tui có con nhỏ, nhưng tui cũng phải tát nước.. có những người không chịu làm thì anh ta đánh người ta…
Sáng ra, anh kêu dậy tát nước mà chưa kịp dậy là anh ta múc nước biển đổ lên người mình. Mỗi một đêm, sáng ra là nước ngập nửa ghe rồi.”
* Công khai câu chuyện
Cuối cùng, đến ngày thứ 37, như một phép mầu, một chiếc tàu đánh cá Phi đi qua đã vớt những thuyền nhân khốn khổ này và đưa vào đảo Bolinao, sau đó, họ được chuyển tới trại tạm cư Palawan và câu chuyện của họ được khám phá.
Vị hạm trưởng chiến hạm Mỹ bị đưa ra toà án quân sự, và những thuyền nhân sống sót lần lượt đi định cư, trong số đó có chị Trịnh Thanh Tùng. Đến Mỹ năm 1991, sau một thời gian ổn định cuộc sống, chị trở thành cô thợ cắt tóc bình thường như bao phụ nữ khác, chỉ biết cố gắng nuôi dậy đưá con trai sao cho nên người.
Những tưởng cuộc sống sẽ bình lặng nhưng không đơn giản như thế, vì mỗi khi đêm xuống, trong một thoáng nào đó, sâu thẳm trong trái tim chị, hình ảnh những người đồng hành trên chiếc ghe năm xưa vẫn còn ám ảnh: “Tui nhớ mãi có một chị đó ngồi ngoài sau chiếc ghe, và ngoài đó thì nắng quá, chị đó người Hoa, không nói tiếng Việt, chị ngồi đó mà chết luôn, người chị khô và đen, y như là bức tượng chứ không phải là người, mắt mũi miệng của cổ sùi bọt trắng bóc, giống như bọt kem đánh răng vậy. Tui nhớ nhất là chị Năm, nằm cạnh tui, chị cứ nói là: “lạnh quá, Tùng ơi, ôm chị đi.” Tui đưa áo mưa của tui cho chị ấy luôn và ôm chị, sáng ra thì chị ấy chết…”
Cho đến một ngày, một người bạn của chị nói với chị rằng, có đạo diễn Nguyễn Hữu Đức nhắn tin trên Đài phát thanh địa phương đang đi tìm những nhân chứng trong vụ án Bolinao 52 năm xưa.
Suy nghĩ mãi, cuối cùng, chị đồng ý cho gặp mặt và cũng từ đó, câu chuyện về chuyến vượt biển kinh hoàng mới được chị công khai cho mọi người và nhất là cậu con trai nay đã trưởng thành. Và, điều quan trọng hơn cả, tâm nguyện của chị là:
“Tui muốn đi về Bolinao để cảm ơn họ, mặc dù sống ở đó có 7 ngày nhưng tui ráng nhớ chỗ đó để khi có dịp trở lại, vì theo tui, đó là nơi tui được sanh ra lần thứ nhì, ước nguyện của tui là được trở về thăm lại chỗ đó. Trước khi tui đi Bolinao, tui cảm thấy mình chưa làm xong điều gì hết, tui muốn trở về để thăm và ra ngoài biển, vái những người bạn của tui cũng như vái những người đã giúp cho tui sống.”
Với một tâm hồn bình dị, đơn sơ và đầy lòng vị tha, khi chị gặp lại một trong những người thuỷ thủ trên chiến hạm Mỹ năm xưa đã ngoảnh mặt làm ngơ, để gây ra thảm cảnh đau lòng, chị chỉ hỏi ông ta rằng: “Tôi đã hỏi ông ta tại sao không giúp, thì ông ta nói rằng ông chỉ thừa hành lệnh thôi, tất cả những người trên chiếc tàu đều giống như ông ta thôi, đều cảm thấy có tội khi bỏ chiếc ghe mà đi…Chính ông bác sĩ trên tàu của họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng giường để đón qua, nhưng họ rất sững sờ khi thuyền trưởng ra lệnh đi, vì họ biết chiếc ghe này sẽ chết..”
* Trở lại Bolinao
Giờ đây, sau khi đã về lại Bolinao, nơi chị được cưu mang chỉ có 7 ngày, gặp lại ân nhân đã cứu mạng, cùng ra biển thắp nhang cho 58 người thiệt mạng, lòng chị cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản:
“Sau khi trở về, tui cảm thấy sống bình yên hơn…Tui chỉ ước mơ cho con tui thành tài, mình qua đây đâu phải cho mình đâu, mà để lo cho con mình. Nghĩ về quãng đời qua của mình, tui nghĩ con người ai cũng có số, mình muốn cũng không được, cuộc đời nó đưa đẩy thì mình phải chấp nhận như vậy…
Can đảm thì cũng không phải là can đảm gì vì gặp hoàn cảnh như vậy thì mình phải làm như vậy thôi… Khi tui ở trên ghe, không bao giờ tui nghĩ tui sẽ chết, tui được như vậy là Trời Phật thương mình lắm rồi, mình không cần phải giàu, không cần phải đi xe đẹp, không cần phải mặc quần áo sang…cuộc sống bình lặng như vầy là được rồi.”
Riêng với cậu con trai vượt biên với chị chưa đầy 5 tuổi năm xưa, nay đã là lính thuỷ quân lục chiến trong quân đội Hoa Kỳ, thì cho đến bây giờ anh mới được nghe mẹ kể lại. Chúng ta hãy nghe anh Phan Thanh Lâm tâm sự:
“Tôi chỉ nhớ rằng trên thuyền, tôi rất yếu, chỉ nằm thôi, và đã bị đói khát, tôi phải ăn cả kem đáng răng, nhưng sau cùng, mẹ tôi cũng tìm cho tôi đồ ăn, mà tôi không biết đó là thức ăn gì, cho đến bây giờ tôi mới hiểu ra… Nhưng tôi nghĩ, chẳng qua vì chúng tôi phải sống mà thôi. Tôi không ngờ suốt mười mấy năm qua, bà đã phải chịu đựng sự dằn vặt như thế. Mẹ tôi đã hy sinh cho tôi rất nhiều và bà ấy là một người mẹ tuyệt vời. Nếu mẹ tôi không can đảm đưa tôi qua đây, để tôi được như ngày nay, thì tôi không biết rằng tương lai của tôi ở Việt Nam sẽ ra sao nữa”...

GOC CỦA PHAN


SƠN TRUNG * NGƯỜI GHÉT ĂN MÀY

 

NGƯỜI GHÉT ĂN MÀY

SƠN TRUNG 

Ông phú hộ họ Cao là một trong những người giàu nhất phố Hiến. Ông là một thương gia buôn bán tơ lụa và đồ cổ ngoạn. Ông lại còn là một nhà buôn đường biển. Thuyền của ông thường ra vào buôn bán ở Thăng Long, Thuận Hóa, Hội An, Đồng Nai. Thỉnh thoảng ông cũng sang buôn bán ở Hải Nam hay Tiểu Tây Dương tức là vùng quần đảo Nam Trung Quốc và An Nam. Những chuyến đi của ông có khi kéo dài gần nửa năm trời. Nhà của ông rất rộng lớn, gồm tòa ngang dãy dọc thênh thang. Ông và vợ con ở trong ngôi nhà chính, và ngôi nhà ngang. 
Các cột và cửa bức bàn đều chạm trỗ rất mỹ thuật. Các bà vợ thứ thì ở trong một ngôi nhà đàng sau ngôi nhà chính, mỗi bà một phòng. Sau nữa là nhà ở các gia nhân và bếp núc. Bên cạnh ngôi nhà ngang là kho hàng hóa. Xung quanh nhà có tường cao bao bọc. Nhà nuôi một đàn chó rất dữ. Trong nhà ông nuôi khoảng năm sáu gia nhân khỏe mạnh và biết võ nghệ để chống trộm cướp và vận chuyển hàng hóa. Mỗi tối, các gia nhân thay nhau canh gác nghiêm ngặt như là một trại lính. Ngoài ra, trong nhà, ông nuôi một thầy đồ Nghệ để dạy văn cho các con ông, và một võ sư dạy võ cho con ông và các gia nhân. Bà vợ cả và con gái lớn của ông trông coi của hàng tơ lụa ở ngoài phố. Thỉnh thoảng ông cũng ra đây trông coi, kiểm soát mọi việc.


Cao phú hộ là một người chăm chỉ kinh doanh. Ông không hút thuốc, không uống rượu, không chơi bài bạc. Ông không muốn giao thiệp với người ngoài vì sợ họ vay mượn hoặc nhờ vả. Ông cũng sợ bọn cướp giả dạng ăn mày để dò xét nhà ông, hoặc giả làm khách sang để vào cướp của cải. Cửa nhà ông luôn đóng kín. Ông dặn trước với vợ con và gia nhân rằng ông chỉ tiếp các quan lớn hoặc nhà giàu trong vùng mà thôi. 
Khách lạ và sang trọng phải đưa thiếp cho gia nhân trình ông thì mới được vào. Ông có cái tật là ghét những người nghèo, đặc biệt là ghét ăn mày. Ông cho rằng những người nghèo là do lười biếng, cờ bạc, rượu chè. Bần cùng sinh đạo tặc. Người nghèo thường sinh ra trôm cướp, bất lương. Ông thường đem bản thân ông làm thí dụ. Ông đâu phải sinh trưởng trong cảnh giàu sang mà sinh ra kiêu căng, khinh người. Quan niệm ông là do trải qua thực tế. Ông vốn xuất thân nghèo khổ, nhưng nhờ chí phấn đãu mà dựng được sự nghiệp ngày nay. Ông cấm tiệt ăn mày đến nhà. Ông không bao giờ giúp đỡ người nghèo hoặc bố thí cho ăn mày vì ông cho rằng làm thế là khuyến khích họ lười biếng. Vì vậy khi người nghèo và ăn mày đến thì bị gia nhân xua đuổi. Nếu đuổi nhiều lần mà họ không đi, gia nhân có quyền xua chó ra cắn. Đó là luật lệ bất di bất dịch đã được thiết lập ra trong mấy chục năm kể từ ngày ông về làm chủ ngôi nhà này.


Cao phú ông thuở nhỏ trải nhiều gian truân. Quê ông ở vùng dồi núi Hải dương. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế. Lúc bấy giờ Cao lên mười. Bà dì ghẻ này rất độc ác, thường hành hạ, đánh đập con chồng tàn nhẫn. Uât ức và căm thù, Cao bèn ôm quần áo và thu vén một ít tiền bạc vào trong một cái bị rồi trốn đi. Ngày đêm đi mãi miết, một hôm Cao đến một vùng dất xa lạ, Cao bèn dừng chân tại một miếu hoang. Trong miếu lúc bấy giờ đã có sẵn một đám ăn mày, già có trẻ có. Chúng nhìn chăm chú vào cái bị của Cao và chúng nhường cho Cao một chỗ ngả lưng. Khi Cao tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao. Đám ăn mày trong miếu đã đi hết mà cái bị của Cao cũng biến mất. Không quần áo, không tiền bạc, Cao đành phải đi xin khắp chợ và quê. 
Vài ngày sau, Cao đến một thị trấn, và đêm đến Cao ngủ ngoài chợ. Tại đây có rất nhiều ăn mày. Ban ngày chúng là ăn mày nhưng ban đêm chúng làm chủ khu chợ. Chúng chiếm các lều trại, và đánh đuổi những dân mới đến như Cao. Chúng đòi Cao nộp cho chúng năm đồng chinh để được ngủ một đêm. Cao không có tiền nên chúng đánh đập Cao và đuổi Cao đi. Cao phải ngủ trước một mái hiên nhà nọ. Sáng sớm, Cao phải dậy đi thật sớm. Ngày đi đêm nghỉ, sau mấy tháng, Cao đã đến phố Hiến. Nơi đây buôn bán tập nập.
 Phố xá nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Cao đi ăn xin và được một số tiền. Cao bèn mua quần áo mới và đi khắp nơi kiếm việc. Cuối cùng Cao đã được một quán cơm nhận Cao làm việc. Công việc cũng nhàn hạ, Cao chỉ có việc bưng đồ ăn cho khách và đứng hầu khách, hoặc làm các việc vặt cho bà chủ. Khi bà chủ hay cô chủ đi chợ, Cao đi theo gánh cá thịt rau đưa. Khi rảnh thì Cao lo việc đun bếp, bổ củi. Bà chủ cho Cao ở luôn tại quán, thỉnh thoảng cho Cao một số tiền. Cao tích cực làm việc nên được bà chủ tín nhiệm. Một thời gian sau, bà chủ già yếu, bị bệnh rồi mất, con cái bỏ nghề cũ, sang nhượng cửa hàng cho một người khác. Cao bèn xin làm phu khuân vác cho một hãng tàu buôn. 
Thấy Cao khỏe mạnh và chăm chỉ, thông minh, ông chủ hãng giao cho Cao việc chỉ huy đám phu khuân vác, sau Cao lên phụ trách việc coi kho hàng và đi biển cùng ông chủ. Từ đó Cao học tập nghề buôn bán đường biển, quen thuộc thủy đạo, và gỉỏi việc điều khiển tàu biển, rành việc buôn bán, giao dịch. Cao được ông chủ tín nhiệm, gả con gái cho. Từ đó Cao trở thành con rể ông chủ. Khi ông chủ già yếu, giao hẳn cơ nghiệp cho Cao vì ông chủ chỉ có một con gái duy nhất. Từ khi ông chủ mất đi, Cao bắt đầu chấn chỉnh mọi việc trong ngoài. Cao xây tường quanh nhà, tuyển thanh niên mạnh khỏe vào canh gác nhà cửa, và phụ trách việc chuyển vận hàng lên tàu hoặc xuống tàu, tuyển gái đẹp phụ trách buôn bán ở các cửa hàng. Đối với các người giúp việc, Cao trả luơng cho họ rất hậu và đối xử tử tế. Mỗi khi vợ con họ đau ốm, Cao thường cho họ tiền bạc, rước thầy chẩn bệnh và cung cấp thuốc men cho họ. Vì vậy mọi người rất quý mến Cao.


Chuyến đi này Cao đã chuẩn bị mấy tháng rồi. Cao mua trà, cao, quế, lụa, vải vóc các thứ định sang bán tại các nuớc ở phía nam Trung quốc như là Tiểu Tây dương, Tân Gia Ba. . . Khi về Cao mua vàng bạc, ngọc, ngà, và vải vóc để bán. Công việc mua bán rất thuận lợi hứa hẹn một tương lai sáng chói.
Trên đường trở về đuợc ba ngày thì hai bên thuyền bỗng xuất hiện một đàn 'cú biển' . Đó là những con cá rất lớn có cái mặt và tiếng kêu giống chim cú. Những người đi biển rất sợ loài cá này. Nó là một thứ chim cú báo tử. Những tiếng kêu của nó kéo dài trong đêm khuya khiến cho mọi người sợ hãi. Ai nấy nín thở đón nhận một tai họa sắp giáng xuống đầu họ. Trưa hôm sau, trời bỗng trở nên im lặng một cách kinh dị. Mặt biển yên tĩnh như nước hồ Gươm. Trời oi bức như cả không gian đang nằm trong chão nóng. 
Bỗng nhiên đằng tây mây hồng bừng lên rực rỡ lạ thường. Mây hồng từng lớp hiện lên rất đẹp. Rồi từ từ từng đám mây chuyển màu từ hồng sang tía rồi vàng. Và cuối cùng mây đen phủ ngập không gian. Sấm sét nổi lên. Mặt biển như rung rinh, và dần dần từ xa, những đợt sóng bốc cao lên tận trời xanh để rồi đổ xuống như những dãy nhà lầu bị động đất lún xuống và biến mất dưới làn nước xanh. Hết đợt sóng này lại đến lớp sóng khác. Những lớp sóng này như muốn nhận chìm thuyền ông xuống tận đáy biển. Có những lúc thuyền ông như đi trong lòng một ống cống lớn mà bốn bề đều là nước. Nhưng lớp sóng khác lại đẩy thuyền ông lên. Cứ như vậy suốt buổi. Ai cũng lo lắng không biết lúc nào thì thuyền chìm thật sự. Ông Cao đã từng đi biển nhiểu lần nhưng không lần nào nguy hiểm như lần này. Ông Cao rất lo lắng và sợ hãi vì ông biết giờ lâm tử đã đến. Khắp thuyền ai cũng niệm chú Quan Âm, hoặc kêu gọi tên mẹ cha và vợ con.


Thuyền ông đã gãy bánh lái, và cột buồm. Thuyền cứ chồm lên trời rồi lại rút xuống đáy biển. Và thuyền cứ trôi theo cơn bão, tài công không còn điều khiển đuợc thuyền. Nhưng rồi trời tạnh mưa, gió ngừng thổi, sóng cũng êm và phương đông mặt trời thẹn thùng lấp ló sau đám mây, và không gian như lóe lên một chút ánh sáng yếu ớt. Thuyền vẫn trôi đi theo giòng nước. Đầu bếp chuẩn bị nấu ăn. Nước đã làm ướt hết thuyền nhưng nhờ sự khôn ngoan của ông mà gạo nước, thức ăn và than củi vẫn khô. Ấy là ông đã tính trước những hiểm nguy trong nghề nên trước đó ông đã mua những thùng rượu Bồ Đào mỹ tửu bán hết rượu ông giữ lại thùng.
 Ông đặt vào những thùng này những thứ cần thiết như gạo, thức ăn, lương khô, than củi, và lấy chai gắn lại. Ông cũng đặt riêng những hòm đựng vải vóc, ngọc ngà có gắn chai để khỏi thấm nước. Nhờ sáng kiến đó, mọi người ăn uống đầy đủ và lấy lại sức khỏe sau bao đêm bão tố hãi hùng. Nhưng rồi buổi chiều, mây đen lại nổi lên, gió thổi nhè nhẹ rồi cơn bão lại đến. Thuyền ông như mũi tên lướt trên biển. Những đợt sóng thần lại nổi lên như trái núi. 
Mọi người nghe muôn vạn tiếng thét, tiếng la khóc nổi lên bốn bề. Và trước mắt họ bỗng hiện lên những hình ảnh ma quỷ nhe răng trợn mắt và những thây người đầy dòi bọ nhảy múa. Giữa cơn bão tố , mọi người nghe một tiếng nổ rất lớn như trái đất vỡ tan thành muôn mảnh. Mặt biển chao động như sụp đổ. Cùng lúc đó một lỗ hổng rất lớn xuất hiện làm thành một vòng xoáy. Tiếng nuớc réo ầm ầm như thiên binh vạn mã. Những bọt nước rất lớn nổi lên và chạy xung quanh xoáy rồi tất cả chui tọt xuống hố nước vĩ đại. Ông ra lệnh mọi người đeo phao cấp cứu là những tấm ván dày hay thân gỗ tạp có những dây đeo vào thân. Thuyền ông càng lúc càng tiến dần vào vũng xoáy rồi chui tọt vào vũng xoáy vô tận.


Không biết bao lâu, ông tỉnh dậy. Ông thấy xung quanh ông có nhiều người lạ. Họ ăn mặc giống như người Mường, người Mán. Họ nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà ông không hiểu họ là người nuớc nào. Nơi ông nằm là một ổ rơm, dường như ông đang nằm nơi điếm canh của một thôn xã nào đó. Họ cho ông ăn uống đầy đủ. Sau mấy ngày ông đã đi đứng được, họ đưa ông lên một cơ quan địa phương. Quan địa phương cho lính đưa ông xuống nhà giam. 
Sau mấy hôm, họ đưa ông lên thẩm vấn. Họ cho ông giấy bút để khai. Lúc nhỏ ông thất học, nhưng từ khi làm việc cho chủ thuyền buôn, ông đã học được ít nhiều chữ Hán. Ông viết rằng ông họ Cao, người An Nam quốc, đi buôn bán ở Tiểu Tây Dương, khi về bị bão đánh chìm tàu, và nguyện vọng của ông là được trở về An Nam quốc. Họ nghi ông là gián điệp ngoại bang nên giam giữ ông bốn năm , sau nhận thấy ông thật thà, nên phóng thích ông. Khi ông ra về, viên quan địa phương cấp cho ông một giấy chứng nhận ghi rằng quan trấn thủ Thiên Tân bắt được một người An Nam, xưng họ Cao, đi thuyền bị đắm trôi vào đất Thiên Tân. Nay xét tên này vô tội nên phóng thích. Nhờ xem tờ giấy này, ông mới biết là mình trôi đến bắc Trung quốc rồi bị giải về Thiên Tân. 
Ông vội vàng nhắm phương Nam trực chỉ. Ngày đi đêm nghỉ. Ông phải đi hành khất kiếm tiền độ nhật. Trên đường đi nhiều khi ông phải nằm liệt một xó ở các miếu hoang vì đau ốm gượng đi không nổi. Thân già dầm giải nắng mưa khiến cho ông xác xơ như là ông lão bảy tám chục tuổi. Đã thế, ông thường xuyên bị bọn sơn tặc và bọn lưu manh chận đường cướp của.Thấy ông không có tiền bạc, chúng tức giận đánh đập ông và xé luôn giấy chứng nhận của ông. Vì không có giấy tờ, ông lại bị quan binh bắt giam vì nghi ông là gian tế.
 Lần này ông bị giam năm năm . Lúc này quân Thanh xâm chiếm Thăng Long và bị vua Quang Trung đánh cho một trận xiểng niểng nên họ thù ghét người An Nam quốc và họ nghi ông là gián điệp nhà Tây Sơn. Đến khi bang giao giữa nhà Thanh và Tây Sơn tốt đẹp, họ mới phóng thích ông. Ở trong tù quá lâu lại cực khổ trăm bề nên ông rụng hết răng, nói không ra tiếng và đi đứng không vững, phải chống gậy. Từ đó về đến Nam quan ông mất thêm hai năm. Và ông lần mò từ Nam quan về phố Hiến phải mất thêm sáu tháng nữa. Khi ông về đến cây đa đầu làng thì ông đã ngoại sáu mươi. Phong cảnh bây giờ khác xưa. Phố Hiến sau loạn kiêu binh, sau việc quân Tây Sơn ra bắc dẹp Trịnh và sau những biến loạn do Nguyễn Hữu Chỉnh, Trịnh Bồng và Vũ Văn Nhậm cai trị thì đã sa sút.


Ngôi nhà ông vẫn uy nghi như xưa. Vẫn hàng tường cao bao bọc. Vẫn khói lam chiều tỏa nhẹ trên mái nhà. Vẫn cái cổng tam quan với cửa gỗ chắc nịch. Khi ông tới gần cổng thì một bọn hai ba tráng đinh xa lạ ra chận lại. Chúng cầm roi xua đuổi ông. Chúng lớn tiếng bảo: 'Cấm ăn mày vào! Ăn xin thì cút đi! Nếu còn đứng đó thì chúng tao xua chó ra đuổi'. Ông cứ tiến tới. Ông gọi tên vợ ông, con ông! Nhưng giọng ông không thoát ra khỏi cuống họng! Dù ông ta có kêu rõ tiếng cũng chẳng ai nghe vì vợ con ông ở bên trong rất xa ngõ. Ông vẫn đứng mãi đó. Bọn trai tráng tức giận mở cửa xút chó đuổi ông. Năm sáu con chó há miệng 

đỏ lòm chạy ra, mắt nhìn ông hau háu. Ông sợ hãi cúi đầu chạy. Ông chạy mãi đến bờ sông thì đuối sức ngã lăn ra. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chết một ông lão ăn mày nằm còng queo trên bờ sông. Thương tình một ông già vô danh, họ bó chiếu rồi chôn ông ở ven sông. 

VIỆT CỘNG TẠI MỸ





 VIỆT CỘNG TẠI MỸ
Hôm qua có người bạn đi chơi bên Quận Cam về kể tôi nghe thế này ...

"Ông biết không? Quận Cam lúc này "người ở bển" TRÀN QUA nhiều lắm."

"Thì tốt chứ. Bây giờ bên Việt Nam tanh banh hết rồi ... từ thực phẩm, không khí, bệnh tật, tiền bạc đến tương lai con cái ... nên những năm trở lại đây người ta tìm cách THÁO CHẠY khỏi Việt Nam cho dù đi đâu cũng được. Đi được Mỹ thì phải là THỨ GIÀU à nha."

Thằng bạn không đồng ý:
"Thứ giàu không biết chứ THỨ DỮ thì chắc luôn."

"Nhưng mà làm sao?"

"Loạn lắm ông ơi. Chưa bao giờ ở Cali nói riêng, xứ Mỹ nói chung mà tôi thấy chuyện chậu kiểng trong nhà nó vô bưng đi tỉnh bơ. Cây trái trong vườn họ leo lên hái ăn hay đứng bên ngoài khều ăn tỉnh bơ. Chủ nhà thấy thì vác cây xua như đuổi nai đuổi chuột. Họ cứ nhe răng cười rồi bỏ đi theo kiểu 'Ăn Gian hông được bỏ'. Rồi chủ nhà đi vắng thì họ vào trộm tiếp."

Tôi thấy lạ quá nên hỏi thêm:
"Thế sao không báo cảnh sát?"

Người bạn phân trần thế này tôi mới vỡ lẽ ra một điều tôi chưa bao giờ suy nghĩ ra từ vùng miền Đông nước Mỹ tôi đang sống ...

"Ông biết không? Gọi cảnh sát thì cảnh sát đến liền. Cảnh sát đề nghị chủ nhà giúp việc điều tra bằng cách viết tường trình mô tả để họ truy lùng, và cam kết sẽ ra tòa để làm chứng nếu cảnh sát bắt được thủ phạm."

"Vậy thì tốt quá! Xứ có luật pháp mà. Thế có giải quyết được không?"

"Giải quyết cái gì ông ơi. Dân tình ở Nam Cali mà nghe nói phải VIẾT tường trình, NÓI trước tòa là họ NGẠI rồi. Cho nên họ chọn giải pháp "xua đuổi chó" cho nó lành. Với lại họ viện lý do 'Báo cáo kẻ xấu thì bọn nó theo TRẢ THÙ' ..."

Người Việt Bờ Tây nó khác Người Việt Bờ Đông vậy đó. Người Việt Bờ Tây nhất là Quận Cam suy nghĩ 'rất là Việt Nam'. Vẫn suy nghĩ y như bà bán hàng trên đường Lê Lợi thấy cảnh giựt đồ mỗi ngày và thậm chí còn quen mặt với đám giựt đồ. Nhưng khi khổ chủ hỏi nhờ làm chứng thì họ đều khai KHÔNG THẤY vì sợ trả thù.

Người Việt ở Bờ Tây có tỉ lệ về Việt Nam và tần xuất về Việt Nam cao hơn Bờ Đông rất nhiều vì họ vẫn sống và suy nghĩ rất là Việt ... Cộng dù họ đã xa xứ gần nửa thế kỷ.

Tôi thở dài nói với ông bạn ...
"Dân sống trong nước LÁNH NÉ cái ÁC của chính quyền vì sợ trả thù nên chạy sang đây. Bọn CHẠY SANG sau lại hiểu được tâm lý đó nên chúng nó tiếp tục gieo rắc cái KHỐN NẠN đó sang đây."

Thằng bạn hỏi:
"Thế ông nghĩ một ngày nào đó tụi nó có sang vùng mình không?"

Tôi cười:
"Tôi nghĩ là không. Hay khó thể xảy ra trong vòng 2 thập niên tới. Bởi vì dân Việt sống ở Quận Cam trên hai mươi năm mà nói chuyện sang miền Đông của mình thì như đi xuất ngoại. Không có thằng cõng đám mới qua thì làm sao tụi nó qua vùng mình...

 Tuy nhiên, HOUSTON TEXAS sẽ là nơi kế tiếp mà họ tràn sang.

Thập niên trước đây người Nam Cali làm đầu mối cõng dân tư sản đỏ sang quân Cam để họ bán nhà quận Cam chạy sang Houston. Lúc đó bán một cái nhà ở quận Cam có thể mua một cái nhà khác to hơn cộng thêm cái tiệm để làm ăn.

Bây giờ thì CON ĐƯỜNG HƯƠU CHẠY sẽ đi tắt đón đầu sang Houston vì đám cò mồi ở Cali đã bám được rễ ở đó sau một thập niên.

Dừng lại để ĐỐI ĐẦU VỚI CÁI ÁC thì nó mới dừng được. Sợ bị TRẢ THÙ để CHẠY TRỐN nó thì biết đến phương trời nào.

Hy vọng dân Houston sẽ khác. Truyền thống có súng trong nhà sẽ BẮN RỤNG vài đứa ăn trộm trước khi cần phải gọi cảnh sát. Cho nên họ không phải lo TIẾNG ANH TIẾNG U ... ra tòa báo cáo ... PHIỀN QUÁ !

Trần Phong Vũ

Từ những thông tin tại chỗ, ông ghi nhận được cả những sinh hoạt từng ngày, từng mùa của những người mới tới. Từ chuyện tìm nơi an ninh, sang trọng để mua nhà lớn nhà nhỏ tới việc chọn trường ốc cho con cháu,…
Suy nghĩ từ bài viết của Tuấn Khanh tiêu đề: “Khu Định Cư Mới của ‘Việt cộng’ Ở Quận Cam, USA”
Bạn bè từ quốc nội vừa gửi cho tôi bài viết mới của tác giả Tuấn Khanh với tựa đề nêu trên. Đọc đi đọc lại tới lần thứ ba, tôi không khỏi suy tư.Trước hết vì những điều tác giả thấy xảy ra ngay tại Sài Gòn Nhỏ, nơi được mệnh danh là thủ đô của tập thể người Việt Nam tị nạn hải ngoại và cũng là nơi cư ngụ của gia đình, con cái tôi. Chỉ một sự kiện bài được một tác giả trẻ đã thành danh ở trong nước viết đã là một thôi thúc khiến tôi phải quan tâm và không thể không lên tiếng. Ngoài giá trị chứng từ của một bài viết nặng ký, tác giả còn cho tôi thấy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, thương nòi và thái độ bao dung nhưng thẳng thăn, can trường dám nói lên sự thật của ông.
Tuấn Khanh là ai?
Ông tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh sinh ngày 1-10-1968, và là một tác giả nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Ngoài đam mê âm nhạc, Tuấn Khanh còn là một nhà báo có hạng. ông đã cộng tác với nhiều tờ báo trong nước, như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động.
Ông đã được đài truyền hình Rai Italia của Ý trao tặng giải thưởng về âm nhạc. Vào năm 2001, ông được chọn là một trong 10 nhân vật trẻ của Đông Nam Á trong một cuộc bình chọn do tạp chí East Magazine tổ chức. Năm 2005, đài VTV mời Tuấn Khanh điều khiển trò chơi truyền hình mang tên Trò chơi âm nhạc. Năm 2007 ông là thành viên Ban giám khảo chương trình Việt Nam Idol.
Gần đây, Tuấn Khanh tuyên bố sẽ chấm dứt sáng tác tình ca phù phiếm để chuyển qua những đề tài xã hội. Điều đáng chú ý là ông sẽ không xin phép kiểm duyệt các đĩa nhạc do ông thực hiện. Điều này có nghĩa là những sáng tác của ông hoàn toàn tự do bay bổng không chịu bất cứ ràng buộc nào của bộ Thông Tin Tuyên Truyền nhà nước.
Trong mấy năm qua, kể từ khi Bắc Kinh công khai có những hành vi xâm lăng biển đảo của Việt Nam(1), tác giả Tuấn Khanh đã viết những ca khúc chống Tàu cộng, khơi gợi tình yêu nước, chống ngoại xâm và được giới trẻ trong nước nhiệt liệt hưởng ứng. Điển hình như bài “Trái Tim Việt Nam”(2) hiện được google post lên mạng như một tác phẩm tiêu biểu của ông dưới dạng một video link có kèm hình ảnh hàng trăm thanh niên nam nữ quốc nội đang cuồng nhiệt tham dự một cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bản nhạc có những lời ca như “Việt Nam phải vẹn tuyền / Không thẹn cùng tổ tiên… Hãy cất tiếng nói để mãi lưu truyền / Lời thề giữ lấy nước Nam vẹn tuyền… Em có nghe chăng nước non Việt Nam / Rên xiết phân ly trong tay kẻ gian…Nếu có chết ngày nào / Thì cho thấy đất nước tôi Tư Do…”
Ngoài việc sáng tác nhạc, ông cũng viết nhiều bài mang tính phản biện liên quan tới hiện tình đất nước. Bên cạnh những bài mang nội dung chống bọn bá quyền Bắc Kinh, ông còn viết những bài về thảm họa cá chết hàng loạt ở Vũng Áng, Hà Tĩnh mới đây.
Đánh giá về tính đấu tranh, dư luận trong nước cho rằng nhạc của Tuấn Khanh và cả những bài viết của anh, đã tác hại cho chế độ không kém nhạc Việt Khang. Nhưng sở dĩ nhà nước bắt giam Việt Khang mà không dám động đến ông chỉ vì ảnh hưởng của ông trong cũng như ngoài nước quá lớn. Hà Nội sợ bứt giây động rừng nên đành ngậm miệng. Tương tự như trường hợp cô giáo Trần Thị Lam với bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” Không bắt, không trù giập được thì “tha làm phúc”!
Nội dung bài viết mới của Tuấn Khanh
Mở đầu, Tuấn Khanh viết:
“Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt… Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của ‘Việt cộng’.
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình. Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng.
Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”
Đường vào t.p. Huntington Beach. Nguồn: www.donovanblatt.com
Đường vào t.p. Huntington Beach. Nguồn: www.donovanblatt.com
Cũng như phần đông bà con tị nạn ở Mỹ, tôi từng nghe rất nhiều tin đồn tương tự về chuyện thời gian gần đây những đại gia trong nước, trong số không thiếu những tay tham nhũng gộc thuộc cơ chế cầm quyền Hà Nội, Sài Gòn đã và đang ồ ạt qua sinh sống và mua những căn nhà cả triệu mỹ kim ở các khu sang trọng tại Sài Gòn Nhỏ thuộc miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tuy nghe vậy nhưng không mấy ai biết rõ thực hư ra sao. Vì thế khi đọc bài viết của tác giả Tuấn Khanh từ quốc nội gửi ra tôi không khỏi ngạc nhiên sửng sốt. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi mang cảm giác này. Ngày từ cuối năm 2015, thời gian Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị Đại Hội đảng lần thứ 12, tôi đã từng một lần choáng váng khi đọc trên mạng Chân Dung Quyền Lực(i) đưa tin chi tiết kèm theo hình ảnh tiết lộ về sản nghiệp đồ sộ của ông Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có những căn biệt thự khang trang, bề thế ở ngay Quận Cam vào thời gian ông ta còn giữ chức phó Thủ tướng dưới trào Nguyễn Tấn Dũng.
Bài viết của Tuấn Khanh không chỉ nói tới những đại gia Việt Nam ẵm tiền từ trong nước qua tậu biệt thự ở nam California mà còn ở nhiều nơi khác như Texas chẳng hạn. Tác giả cho hay:
“Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà tác giả Trầm Tử Thiêng từng gọi là ‘một Việt Nam bên ngoài Việt Nam’”.
Tuân Khanh cho biết thêm:
“Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.”
Đứng trên lãnh vực kinh doanh, thương mại thuần túy, chẳng ai trách giới luật sư hay các cơ quan truyền thông quảng bá cho những dịch vụ này. Giản dị vì đây thuộc phạm vi nghề nghiệp của họ, là một trong những dịch vụ làm ăn để kiếm sống của giới này. Vả chăng ngoài những tay tham nhũng trong hệ thống cầm quyền đảng và nhà nước CSVN và đông đảo những kẻ thời cơ biết ăn chia với những kẻ quyền thế để làm giầu trên xương máu dân đen rồi tìm đường qua Mỹ, cũng còn có nhiều đồng bào qua định cư tại đây là bà con thân nhân của những người đã bỏ nước đi tị nạn sau cơn hồng thủy 75.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào đàng sau những hiện tượng khác lạ trong giới làm truyền thông, cách riêng các hệ thống truyền hình đang nở rộ ở nam bắc California, những người còn quan tâm tới thân mệnh quê hương, dân tộc không thể không nhận ra những chỉ dấu cần đặt câu hỏi. Có người nói, cách tốt nhất để phân biệt lập trường chính trị giữa các đài truyền hình, phát thanh là hãy quan sát cách chọn tin, đưa tin, nội dung các chương trình hội luận thời sự và dàn xướng ngôn của mỗi đài là đủ rõ. Trên thực tế có đài chỉ loan tin thế giới và những loại tin “cán chó” ở quốc nội mà luôn tránh né những tin được đảng và nhà nước CSVN coi là “nhạy cảm”. Cụ thể trong thời gian gần đây, những đài này không hề đưa tin về những cuộc biểu tình với hàng chục ngàn đồng bào ở Nghệ Tĩnh trương cao khẩu hiệu đỏi hỏi nhà cầm quyền phải minh bạch thảm họa cá chết đồng loạt và trục xuất vĩnh viễn Formosa khỏi Vũng Áng. Giới hâm mộ âm nhạc trong cộng đồng cũng than phiền về một trung tâm nọ đã dùng tiền và những lời hứa hẹn để mua đứt những ca sĩ nổi tiếng từng hát những bản nhạc đấu tranh chống Trung cộng xâm lược và một chính quyền “hèn với giặc, ác với dân” từng làm rung động lòng người thưởng ngoạn trong và ngoài nước. Giữa kẻ bị mua và tổ hợp dùng tiền từ đâu đó, âm mưu làm bặt đi những tiếng hát đấu tranh được coi là vưu vật của cộng đồng tị nạn, ai nặng tội hơn đối với những người không chấp nhận CS, mọi người đều đã rõ(ii).
Với những lời lẽ mỉa mai, châm biếm, tác giả Tuấn Khanh đã can đảm, công khai chỉ rõ bộ mặt gian manh, giả danh yêu nước thương nói của những kẻ từng lớn tiếng tuyên bố là “chống Mỹ cho đến cái lai quần” là “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” nhưng ngày nay lại là những kẻ đang tìm đường qua ấn thân trên đất nước kẻ thù và cũng là nơi định cư cả triệu đồng bào một thời bị họ coi là “ngụy” là “tay sai đế quốc Mỹ”!
Bài viết cho hay:
“Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho họ và cho con cái của họ.”
Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời…”
Đan cử chứng từ của một người bạn đang sống đời tị nạn ở Mỹ, Tuấn Khanh viết:
“Anh Mến, một người sống ở Kansas hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng ông chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2, 3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc iPhone đời mới nhất để gửi về, so với ông đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi.”
Trước câu hỏi ngẩn ngơ, ngỡ ngàng của người bạn tên Mến là “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?” tác giả bản nhạc “Trái Tim Việt Nam” cảm thấy lúng túng, khó giải thích cho bạn hiểu, dù cả hai đều là người Việt và cùng đang dùng ngôn ngữ mẹ để đối thoại với nhau.
Xác định rằng việc kiếm tiền trong nước không dễ dàng thì lý giải sao cho thông trước bắng chứng ông Mến đã thấy tận mắt là có những người Việt vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ đã có thể mua một lúc 2, 3 căn nhà “to đùng” bằng “tiền tươi” không cần phải vay ngân hàn! Nhưng nếu bảo rằng dễ thì biết trả lời với bạn ra sao khi ở Việt Nam ngày nay hàng triệu gia đình dân vẫn đang phải sống dưới mức nghèo khó? Mà bằng cách nào có thể giấu bạn khi hàng ngày gần như mỗi người đều thấy trên mạng hình ảnh những em bé phải giãi nắng dầm mưa được cha mẹ bọc trong bao nylon kéo qua sông suối, hoặc run rẩy bước trên những cây cầu khỉ mong manh, sau đó lê la ngồi học dưới những mái trường dột nát, kể cả những lớp học lộ thiên!
Tác giả viết:
“Thật khó mà giải thích với ông Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.”
Tuy đang sống trên đất nước xa xôi bên kia bờ biển Thái Bình, nhờ tai mắt của bạn bè thân sơ, tác giả Tuấn Khanh vẫn có được những thông tin thật chính xác để nhận biết những gì đang xảy ra bên ngoài đất nước liên hệ tới những con người, những sự việc trong sinh hoạt hàng ngày bên cạnh anh. ông thấy được con số những người bỏ nước qua sống ở Mỹ hiện nay không còn là mấy chục hay một vài trăm… mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người. Hiển nhiên nó đã trở thành một cao trào. Trong số những người đi, không chỉ giới hạn những thành phần tạm coi như là làm ăn lương thiện, nay có tiền thấy cần phải rời xa mảnh đất của tổ tiên nhưng bất hạnh đã trở thành hang ổ những cạm bẫy không chỉ đe dọa an sinh mạng sống bản thân mà còn di lụy tới tương lai con cháu họ sau này. Hơn thế, nó còn bao gồm cả những khuôn mặt lớn nhất của chế độ hiện nay, những kẻ thừa mứa tiền bạc, đến lúc phải tìm kế “hạ cánh an toàn”. Điều mỉa mai đối với tác giả là nơi “hạ cánh an toàn” của những tay đầu sỏ này không phải là quê hương của ông bạn “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” Đại Hán mà lại là xứ Cờ Hoa, đất nước của “ba đời Tổng Thống” mà họ từng tuyên bố vung vít đã đánh bại và không giấu diếm thái độ khinh khi, miệt thị!
Từ những thông tin tại chỗ, ông ghi nhận được cả những sinh hoạt từng ngày, từng mùa của những người mới tới. Từ chuyện tìm nơi an ninh, sang trọng để mua nhà lớn nhà nhỏ tới việc chọn trường ốc cho con cháu, dĩ nhiên là trường tốt không chỉ về mặt học vấn mà cả về chuẩn mực luân lý, đạo đức…
Một đoạn trong bài, tác giả Tuấn Khanh ghi lại lời bạn anh:
Cổng trường St. Polycarp ở Stanton. Bảng chỉ dẫn có cả tiếng Việt Nam. Nguồn: Google Maps

Cổng trường St. Polycarp ở Stanton. Bảng chỉ dẫn có cả tiếng Việt Nam.

Nguồn: Google Maps
“Trường St. Polycarp(3) ở thành phố Stanton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn, “Anh có làm ở đây không, ông nên nói với ban giám hiệu.”
Đúng là cung cách hành xử của một công dân biết rõ quyền của mình. Có điều là khi đang nắm quyền sinh ở trong nước tuồng như các ông lớn, bà bé này vì vô tình hay hữu ý đều chỉ biết đến quyến nạt nộ dân đen thôi!
Sau khi ghi lại câu chuyện trên đây, thấy chuyện người, Tuấn Khanh nghĩ tới chuyện xảy ra thường xuyên ở quê nhà, ông viết:
“Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau đó không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách. Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh,”
Nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà văn John Mason và cũng là một nhà hùng biện “You were born an original. Don’t die a copy – Bạn được sinh ra như một nguyên bản, xin đừng chết như một phó bản”, tác giả Tuấn Khanh đẩy suy tư của ông đi thật xa tít tắp tới bến bờ lịch sử đất nước, giống nòi với “những người muôn năm cũ” và gần gũi như mấy triệu bà con đã liều mình vượt biên vượt biển, coi nhẹ mạng sống tìm đường chạy thoát khỏi nơi có thể làm họ mất bản sắc, cho dẫu đấy là nơi chốn nhau cắt rốn của mình.
Ông viết:
“Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình… Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.”
Con người luôn bao dung, giầu tình thương và tinh thần nhân bản nơi Tuấn Khanh đã khiến ông nhận ra không phải chỉ những người từ bao đời nay vốn mang sẵn tính “thiện bẩm sinh” mà ngay cả những kẻ do cảnh ngộ nhất thời bị biến thành máu lạnh, sẵn sang làm điều gian ác nhưng khi đã “buông dao đồ tể” bỏ nơi tăm tối tìm về ánh sáng… cũng chỉ là để tìm lại chính mình.
Nhận định của tác giả trong đoạn văn trên đây khiến tôi nghĩ tới tâm sự của ca sĩ Mỹ Lệ trong một bài viết trên mạng vừa đọc được hôm rồi mang tiêu đề “Vì sao người Việt Quốc Nội lại đua nhau ‘tháo chạy’ khỏi thiên đường Cộng Sản?”
Được biết Mỹ Lệ là một ca sĩ nổi tiếng. Bà có hai con gái ở tuổi lên 10. Vì thương con, lo lắng cho tương lai của con, bà gác sự nghiệp ca hát qua một bên, tìm mọi cách cho con qua Đức du học. Mỹ Lệ tâm sự: “Là một người mẹ không ai muốn xa con, nhất là khi con mới hơn 10 tuổi. Nhưng, chỉ có cách đó, tôi mới bảo vệ được con mình khỏi bị đầu độc!”
Nói tới từ “đầu độc” ở đây, Mỹ Lệ không chỉ nói theo nghĩa tinh thần, tâm linh hay trí tuệ. Điều này vốn dĩ là mối lo tâm phúc của những người dân phải ép mình sống dưới chế độ cộng sản. Bà muốn nói tới những loại thực phẩm “bẩn” mà từ trên xuống dưới người ta đang toa rập với nhau tiếp tục chế biến, nuôi trồng bằng mọi thứ độc dược giết người để bán ra thị trường. Nó len lỏi vào tủ lạnh, vào xó bếp, trên mâm ăn để giữa người với người, thản nhiên giết nhau tư từ trên đất nước ta hôm nay.
Tinh thần nhân bản và lòng yêu thương của Tuấn Khanh không thể cột chặt ông ở khía cạnh bao dung. Vì thế khi nghĩ tới cảnh hàng hàng lớp lớp người ta chen nhau bỏ nước ra đi cho dù để bảo vệ nguyên bản, ông không khỏi thảng thốt nêu lên câu hỏi: “Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là chính mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình?”
Kết thúc, Tuấn Khanh  viết:
“Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?
Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó sẽ là gì?”
Rời màn hình tôi tự hỏi: liệu những lời tâm huyết của người tác giả này có chạm được tới trái tim, khối óc của những con người vô cảm, những kẻ thờ ơ với con người, với vận mạng dân tộc, nhưng tên tay sai chạy cờ, những dư-luận-viên, nhất là những kẻ đang nắm giữ vận mạng đất nước hôm nay?
Nam California cuối tháng 8, 2016
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và phụ chú.
DCVOnline:
(1) Trong lịch sử cận đại, Trung Cộng xâm lăng Việt Nam vào những năm 1974 – hải chiến Hoàng Sa với Hải quân Việt Nam Cộng hoà; 1979 xâm lăng trên đất liền ở các tỉnh vùng viên giới phía bắc nước CHXHCN Việt Nam; 1988 hải chiến Gạc Ma giữa tàu khu trục của Trung Cộng và tàu vận tải của CHXHCN Việt Nam.
(2) Tên của video clip, dài 3 phút, là “Trái Tim Việt Nam”, Tuấn Khanh sáng tác và hát, Talamot thực hiện video clip bằng hình ảnh những cuộc biểu tình trong tháng 12, 2007. Video do talamotWEARE1 đưa lên mạng YouTube ngày 23 tháng 12, 2007; có 167.286 lượt xem (tính đến tháng 8, 2016)
(3) Trường St. Polycarp do các linh mục dòng Columban thành lập năm 1959. Từ 1962 đến 1978 ban giảng huấn là nữ tu dòng Tông đồ Thánh thiện. Hiện nay trường có từ lớp 1 đến lớp 8. Khẩu hiệu của trường St. Polycarp là “Mater Mea, Fiducia Mea”, “Mẹ tôi, Niềm tin của tôi”. “Mẹ” ở đây là bà Maria, mẹ của Jesus Christ. Ngoài 650 USD phí hành chánh mỗi năm cho mỗi học sinh, học phí là 5.600 USD cho mỗi em; gia đình có 2 con theo học sẽ trả 9000 USD; gia đình 3 con hay nhiều hơn con sẽ đóng học phí 11.500 USD. Nguồn: http://www.stpolycarpschool.org/

Học sinh trường St. Polycarp ở Stanton. Nguồn: http://www.stpolycarpschool.org/
Học sinh trường St. Polycarp ở Stanton. Nguồn: http://www.stpolycarpschool.org/
Trần Phong Vũ:

(i) Theo giới thạo tin trong nước thì trang mạng này là do tay chân Nguyễn Tấn Dũng lập ra nhằm hạ bệ một loạt những khuôn mặt có thể sẽ là khắc tinh của ông ta trong địp Đại Hội đảng CS thứ 12 hồi đâu năm nay, trong số, ngoài Nguyễn Xuân Phúc còn có cả Trần Đại Quang.
(ii) Người viết tự hứa sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.

TỰ DO NGÔN LUẬN * TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG

KHAI MỞ TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG !!! 

XÃ LUẬN BÁN NGUYỆT SAN TỰ DO NGÔN LUẬN SỐ 252 (01-10-2016)

01 Tháng Mười 20162:25 CH(Xem: 426)
KHAI MỞ TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG !!! XÃ LUẬN BÁN NGUYỆT SAN TỰ DO NGÔN LUẬN SỐ 252 (01-10-2016)




Có thể nói hôm 26 tháng 09 vừa qua là ngày khai mở trận chiến cuối cùng cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Dọn đường gần cho việc này chính là sự kiện hôm 22-09, hơn 1.100 hộ gia đình thuộc giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh –dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Trần Đình Lai và sự cố vấn của luật sư Trần Vũ Hải– đã gửi lên Quốc hội và chính phủ Việt Nam đơn yêu cầu trích cho họ 2.000 tỷ trong số 11.500 tỷ mà Formosa đã bồi thường. Theo danh sách liệt kê đính kèm, tiền đòi bồi thường của từng hộ gia đình được tính dựa trên thiệt hại thu nhập trung bình trong 6 tháng vừa qua (4 đến 9), thiệt hại tài sản vật chất dùng cho việc sản xuất kinh doanh và thiệt hại thu nhập trung bình trong 5 năm tới do hậu quả tàn phá môi trường biển mà Công ty Formosa –vốn nằm cạnh giáo xứ Đông Yên– là thủ phạm. Lá đơn cho biết: nếu trong vòng 15 ngày, Việt cộng không nhanh chóng đền bù thiệt hại cho dân xã Kỳ Lợi, họ sẽ đồng loạt tiến hành khởi kiện Formosa ra tòa án.


Nhà cầm quyền còn đang choáng váng thì chỉ 4 hôm sau, 600 ngư dân, đa phần là giáo dân giáo xứ Phú Yên thuộc giáo phận Vinh (nằm tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Đặng Hữu Nam và sự giúp đỡ của nhiều luật sư, ngay từ sáng sớm đã vượt qua quãng đường 200 km, vào đến tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, nơi nhà máy của Formosa đang hoạt động, để nộp đơn khởi kiện tên tội phạm môi trường sừng sỏ thế giới này. Tất cả diễn ra trong âm thanh đệm -từ giữa sân tòa- của những lời cầu nguyện, những ca khúc “Kinh Hòa bình”, “Trả lại cho Dân”, của những câu hô: “Yêu cầu khởi tố Formosa”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, trong màu sắc rực rỡ của hàng trăm bộ đồng phục in hình xương cá, của hàng chục băng rôn, khẩu hiệu: “Yêu cầu trả biển sạch cho ngư dân”, “Hãy trả lại việc làm cho chúng tôi”, “Ai đã ưu đãi cho Formosa làm trái pháp luật?”, cũng như trong tình cảm thắm thiết là lời hứa hẹn sẽ cùng khởi kiện của đồng đạo từ các giáo xứ lân cận như Đông Yên, Mạnh Sơn, Quý Hòa, Dũ Lộc…. Cuộc nộp đơn đã phải kéo dài đến trưa hôm sau, với 506 bộ hồ sơ được tòa án nhận.


Sở dĩ có sự kéo dài thời gian như thế, đó cũng do cơn hoảng loạn của cái nhà cầm quyền luôn ngoác miệng tự xưng “của dân, do dân, vì dân” nhưng thực chất là “cướp dân, dọa dân, ví (vây) dân”! Thật thế, ngay trong ngày 26-09-2016, khi đoàn xe đang trên đường chở bà con đến tòa án Kỳ Anh, giữa lúc cư dân địa phương, đồng bào quốc nội lẫn hải ngoại và cộng đồng mạng sôi nổi ủng hộ, với những sự đóng góp tiền bạc trước đó và những lời kêu gọi trợ giúp từ đây cho những ngư dân xác xơ, kiệt quệ, ly tán vì biển chết, nay bất đắc dĩ lâm thế “vô phúc đáo tụng đình” tại một tòa án cách xa nơi mình ở hơn 200 km, thì nhà cầm quyền Việt cộng trung ương và Nghệ An, Hà Tĩnh lại triển khai nhiều biện pháp đối phó, ngăn chặn mang tính chất nghi kỵ, thù nghịch (vốn nằm trong máu của những kẻ 71 năm qua đã cướp quyền từ tay nhân dân bằng bạo lực). An ninh địa phương gọi điện hăm dọa nhiều chủ xe chở bà con từ hôm trước và hứa sẽ “cho biết tay” những tài xế không theo lệnh ở nhà. Công an mật vụ thì đeo bám, lập chốt dọc đường ghi hình đoàn xe, như kiểu “săn bắt cướp”. Bộ công an từ Hà Nội còn trâng tráo gọi điện, yêu cầu linh mục quản xứ Đông Yên Trần Đình Lai hủy kế hoạch khoản đãi bà con bữa cơm trưa sau chặng đường dài, ngoài ra bộ còn điều xe cùng lực lượng tăng cường từ Hà Nội vào Hà Tĩnh. (Y như cách đây 60 năm, ngày 14-11-1956, Hồ Chí Minh đã sai Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 312 vào Quỳnh Lưu tiêu diệt chính tổ tiên của đoàn người khiếu kiện hôm nay, khi họ đứng lên chống lại cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu và tàn bạo do chính y phát động). An ninh, cảnh sát vây kín tòa án Kỳ Anh, hùng hổ chen vào, ngang ngược trắng trợn ghi hình mặt mũi từng ngư dân như cố tình khiêu khích, hăm dọa trả thù, một số còn trà trộn vào để gây hấn, tạo bạo loạn. Máy phá sóng cũng được điều tới, giữa lúc trên mạng, đám dư luận viên vô liêm sỉ tiếp tục thóa mạ linh mục Đặng Hữu Nam, gọi ngài Ngài là “con quỷ đội lốt người”, “kẻ phản dân, hại nước” !


Nhưng ai mới thật là con quỷ đội lốt người, kẻ phản dân hại nước, ta hãy nhìn lại tiến trình của sự việc từ khi Formosa và Tàu cộng hủy hoại biển miền Trung vào đầu tháng 4 đến giờ.


Ngay khi thảm họa được phát hiện, Nguyễn Phú Trọng đã nhanh nhẩu đến Hà Tĩnh không phải để thăm viếng ủy lạo ngư dân đang bàng hoàng, mà là để ghé nhà Formosa, khen ngợi nó (“Hà Tĩnh đang đi đúng hướng”), như ngầm đưa ra một thông điệp trấn an: Các đồng chí Tàu chớ lo sợ! một thông điệp sắc lạnh: Đây là nơi cấm kỵ, không được đụng vào! Tiếp đến, quan chức đủ bộ hết đổ cho "thủy triều đỏ", "tảo nở hoa", lại hăm dọa: “Nói cá chết là gây tổn hại cho đất nước?". Quá phẫn uất, nhân dân bày tỏ thái độ phản đối thói vô trách nhiệm của đám chóp bu trước thảm họa môi trường thì bị rình rập, khủng bố, bắt như bắt giặc, đánh như đánh thù; ngay cả những vị lãnh đạo tinh thần lên tiếng bênh vực nạn nhân cũng bị thóa mạ cách vô liêm sỉ. Chưa hết, cán bộ, lãnh đạo đua nhau xúi dân ăn cá thấm độc, tắm biển nhiễm độc bằng những trò trình diễn đầy tính lường gạt, mà không hề cho dân biết độc hại ra sao, nguy hiểm thế nào. Đúng là quảng cáo cho thần chết mà nạn nhân là đồng bào của họ. Rồi lại cấm y sĩ xác nhận những trường hợp lâm bệnh do tiếp xúc với nước biển như các thợ lặn; cấm báo chí lên tiếng về thảm họa miền Trung, phạt nặng những tờ đăng bài viết bày tỏ sự thông hiệp với nạn nhân cá, nạn nhân người.




Rồi 3 tháng sau, vào tận những giờ cuối cùng của ngày cuối cùng tháng 6, khi sắp tràn ly nước phẫn nộ của công luận, nội các Nguyễn Xuân Phúc mới “họp báo chính phủ” tuyên bố thủ phạm là Formosa, sau khi đã ngang nhiên đình chỉ -vài hôm trước đó- việc thi hành bộ Luật Tố tụng hình sự mới để chính tên tội đồ này khỏi bị khởi kiện và truy tố như một pháp nhân. Rồi cùng lúc với việc tuyên bố thủ phạm, nhân dân té ngửa ra là nhà nước đã bí mật thương lượng trên lưng của họ và nỗi đau của họ, đã tự tiện giành quyền nạn nhân của họ để ngửa tay nhận món tiền bố thí –mà còn lấy làm đắc ý và hãnh diện– là 500 triệu đôla bèo bọt. Lố bịch hơn nữa, chính phủ còn đưa ra lời kêu gọi nhân dân hãy khoan hồng độ lượng với Formosa, đừng đưa nó ra tòa tội nghiệp! Ngay sau đó, công luận lại biết được rằng số tiền gọi là hoàn thuế cho tên tội phạm môi trường này cũng xấp xỉ với số tiền nó đã quẳng vào mặt nạn nhân (gồm cả nhân dân và nhà nước). Như đổ thêm dầu vào lửa, mới đây bộ Tài nguyên Môi trường còn họp báo để tuyên bố lếu láo rằng biển miền Trung đã tự làm sạch mà không cần nhà nước phải ra tay tẩy độc chất, nạo vét biển; nhân dân từ đây tha hồ ăn cá lại, tắm biển lại, nuôi hải sản lại !?!


Thế nhưng, giờ đây nhân dân đã ném tất cả những lời lẽ dối trá ấy vào sọt rác, quăng những hành động trấn áp ấy lại sau lưng, vì đó chỉ là của lũ quỷ đội lốt người, bọn phản dân hại nước, để tiến hành cuộc chiến đấu cuối cùng, mà mở đầu là trận đánh pháp lý.


Trước hết là khai thác “sai lầm pháp lý chiến lược” của nhà cầm quyền, theo kiểu nói của luật sư Lê Công Định trong một bài viết gần đây. Sai lầm pháp lý chiến lược ấy là đám chóp bu Ba Đình đã vội vã thương lượng với Formosa một khoản tiền bồi thường hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý về mọi phương diện, bất chấp thiệt hại thực tế của các nạn nhân (mà nói cho đúng là toàn thể dân tộc). Thay vì đứng về phía nhân dân xử lý thảm họa môi trường và buộc kẻ vi phạm tuân thủ luật pháp quốc gia, đám cầm quyền Hà Nội lại chọn giải pháp bao che kẻ thủ ác vì những lý do khó hiểu (phải chăng sợ đàn anh Tàu cộng, phải chăng thi hành điều khoản mật ước Thành Đô?), và nhục nhã trở giáo đối địch với nhân dân mình. Trong cuộc chiến vì môi trường hiện thời, sai lầm ấy nay trở thành điểm yếu của bên lẽ ra nắm giữ ngọn cờ chính nghĩa là nhà nước, nếu họ biết lựa chọn đứng bên cạnh đồng bào của mình (như chính phủ và bộ tư pháp Hoa Kỳ đã đứng bên cạnh nhân dân Mỹ trong vụ tràn dầu ở vịnh Mexico). Đang khi đó, kiên trì tận dụng giải pháp pháp lý nay trở thành thế mạnh của bên yếu thế ban đầu chính là các nạn nhân của thảm họa ở miền Trung.


Cũng theo luật sư Định, do sai lầm pháp lý chiến lược của mình, đảng và nhà cầm quyền Hà Nội đã dại dột biến vấn đề thuần túy dân sự thành vấn đề chính trị. Họ sẽ mãi mãi nhức óc mệt trí vì nỗi ám ảnh chính trị này, bởi trận chiến pháp lý-chính trị chống Formosa chỉ mới bắt đầu, trừ phi họ phải sớm từ bỏ Formosa như từ bỏ con tàu Titanic chắc chắn sẽ bị đánh chìm bởi cơn phẫn nộ của toàn thể dân tộc. Bên cạnh đó có một sai lầm pháp lý chiến thuật là việc cấm khởi kiện tập thể. Từ từ trước đến nay, Việt cộng cho đó là khôn ngoan, vì sẽ làm nhiều ngàn người có ý định khởi kiện cùng một đối tượng giống nhau phải e dè do ngại đáo tụng đình đơn độc. Nay các nguyên đơn chẳng còn e ngại nữa, bởi họ đang đứng trước câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại", đã biết đoàn kết để cùng kéo nhau kiện tụng. Tòa án nào chịu thấu? Hàng ngàn rồi hàng chục ngàn đơn kiện của các nạn nhân sẽ tràn ngập tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, khiến nó sẽ bị tê liệt và sẽ nổi danh toàn cầu vì nghiễm nhiên trở thành nơi nóng bỏng nhất của ngành tư pháp toàn thế giới.


Nhiều người nghĩ rằng cuộc chiến pháp lý ấy nên diễn ra ở nước ngoài mới may ra giành lại công lý cho nạn nhân, chẳng hạn kiện lên Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc hay lên Tòa án Hình sự quốc tế – ICC vốn vừa tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan tới hành vi hủy hoại môi trường. Thiển nghĩ chiến trường phải ở Việt Nam, nơi thảm họa đang xảy ra và nạn nhân đang sinh sống. Và công cụ pháp lý phải là vũ khí chiến lược, cần được sử dụng một cách uyển chuyển nhưng kiên trì và quyết liệt.


Liệu nhà nước Việt cộng –vốn xưa nay không hề chùn tay trước việc tàn sát đồng bào ruột thịt và chẳng e ngại sử dụng bất cứ phương tiện xấu xa thô bỉ, bất nhân thất đức nào- dám đàn áp hàng ngàn nguyên đơn khắp nơi đến tòa án Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện không? Có thể lắm, nhưng nếu đàn áp xảy ra, những vụ kiện thuần túy dân sự thế này sẽ nhanh chóng bùng lên thành cơn lốc chính trị thổi phăng cái chế độ ngày càng bộc lộ bản chất phản dân hại nước và nô lệ Tàu cộng. Khi đó, Formosa sẽ bị tống cổ khỏi Vũng Áng, Hoa Sen sẽ bị chặn đường vào Ninh Thuận, Luật Tôn giáo sẽ bị tiêu trừ, Luật về Hội hết âm mưu tròng cổ, thủ phạm đích thực vụ em Đỗ Đăng Dư sẽ bị trừng phạt và đảng Việt cộng (từ Hồ Chí Minh trở xuống) sẽ phải trả lời trước công lý nhân dân.


BAN BIÊN TẬP

VƯỜN THƠ

 
ChỈ Riêng Em BiẾt
Chỉ riêng em biết vì sao               
Vầng trăng kia tròn rồi khuyết       
Những ngày chúng ta cách biệt        
Vầng trăng phải chia đôi đầu         
Chỉ riêng em biết vì đâu    
 Niềm vui chơi trò cút bắt     
 Mùa thu lá vàng hiu hắt   
Rụng bên hiên nhà bơ vơ                   
Và em lại ngồi làm thơ      
 Cho ai nào đâu dám nói     
Giấu trong tim niềm khắc khoải       
Tình yêu có bao giờ già                  
Thời gian sẽ mang đi xa        
Những gì ta không thể giữ                  
Chỉ còn lại trong quá khứ                 
Một nỗi đợi chờ riêng em                  
Tại sao ngày cứ dài thêm                        
Chỉ riêng một mình em biết…           
       HỒ ThỤy MỸ HẠnh    

only I MYSELF know it
Only I myself know why
That moon is now full, now crescent in the sky;
The days we are separate not seeing each other's face
It must be divided into two to appear in either place.
Only I myself know the ground
For pleasure in the hide-and-seek to be found;
Tree leaves turn yellow in autumn desolate
To fall by the veranda lonely in an unfortunate fate.
And I myself sit down to write poetry
For whom I dare not disclose although supposedly;
Hiding it deep in my heart to agonize;
Love never ages and dies.
Time will carry far away
Whatever we cannot continue to keep with us to stay.
There will still remain in the past
An wait only on my side that will forever last.
Why each day seems longer to get?
Only I myself know it – you bet...
Translation by THANH-THANH



HÃY MƠ NHƯ NGƯỜI ĐIÊN

Hãy mơ như người điên
Bơi giữa đường ngập nước
Nhìn dòng người xuôi ngược
Bì bõm thiên đường nghiêng

Hãy mơ như người điên
Đi ta bà thế giới
Tìm cội nguồn từ thuở
Nhật nguyệt đã ở riêng

Là người điên khi mơ
Được trở về đất cũ
Để nhớ từ nơi đó
Bao mơ ước vây đời

Có ai níu quá khứ
Làm hành trang tương lai
Khi tương lai nằm xuống
Chỉ người điên mới hay!

Khi mơ là người điên
Trên chuyến xe hồi xứ
Hết kiếp làm cô lữ
Ngồi bên mộ hàn huyên

Hãy mơ như người điên
Gặp người điên cũ mới
Ở một nơi không đợi
Cùng cười vui bình yên

Hãy mơ như người điên
Để biết đất trời cũng điên
Như cái ta xấu hổ
Điên mà không biết ta điên


NGHIÊU MINH


NGUYỄN CAO QUYỀN * DÂN QUÂN BIỂN

Biển đông và chiến lược “dân quân biển”

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Ngày 21//9/2016 tư lệnh hải quân của 80 quốc gia đã họp bàn tại Hoa Kỳ về nguy cơ xung đột tại Biển Đông. Trong buổi họp này, tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cũng được mời tham dự.
Thời gian gần đây, nguy cơ chiến tranh Trung Mỹ gia tăng, vì yêu sách của Trung Quốc đòi kiểm soát tới 90% diện tích của Biển Đông. Yêu sách này đe dọa tự do hàng hải và thương mại quốc tế, vì thế mà đô đốc Mỹ Jeffrey Harley nhận định “Một cuộc xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn không thể nào tránh khỏi”. Còn Rand Corporation của Hoa Kỳ thì thấy rằng “Quân đội Hoa Kỳ sẽ chiếm ưu thế trong bất cứ một cuộc chiến nào trong thời điểm hiện nay hơn là phải đợi thêm một thập kỷ nữa”.
Nhận định thực tế người ta thấy những lo lắng nêu trên là hệ quả của việc Trung Quốc đang thử nghiệm lực lượng “dân quân biển” trên Biển Đông để quấy rối tàu thuyền quốc tế. Biển Đông sẽ là nơi xảy ra chiến tranh nếu không có sự thay đổi từ hai phía và nguy cơ xung đột sẽ có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Dân quân biển là gì?
Tháng 10/2015 khi tàu khu trục Mỹ USS Lassen chạy cách đá Subi, một đảo nhỏ nhân tạo do Trung Cộng xây dựng lên ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cho một số tàu buôn và tàu đánh cá khuấy động chung quanh để phản đối. Trung Cộng càng ngày càng dựa vào các lực lượng không chính quy như thế để hình thành cái mà chúng gọi là lực lượng “dân quân biển”. 
Năm 2012, lực lượng dân quân biển Trung Cộng đã tham gia vào việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines và năm 2014 các lực lượng này đã giúp Trung Cộng đẩy lùi các tàu Việt Nam khỏi dàn khoan dầu HD 981 gần quẩn đảo tranh chấp Hoàng Sa. 
Cho đến nay, Washington vẫn chưa chính thức thừa nhận sự có mặt của lực lượng dân quân biển trong các chuyện rắc rối ở Biển Đông. Thật ra đây là một âm mưu thâm độc của Bắc Kinh.
Các đơn vị dân quân biển là những người đánh cá được chính quyền Bắc Kinh huấn luyện quân sự và giúp đỡ kinh phí. Trên đảo Hải Nam đã có những trung tâm huấn luyện dân quân biển, chẳng hạn như thị trấn Đàm Môn (Tanmen). Một thành phố khác ở vùng Quảng Tây, thành phố Bắc Hải, là quê hương của hai phân đội dân quân biển (200 người) vào năm 2013. Đến năm 2015 thì con số này đã nhanh chóng tăng lên 10 phân đội (2000 người). 
Dân quân biển là công cụ hữu ích cho kế hoạch của Trung Quốc để thúc đẩy không đổ máu các yêu sách trên biển. Các yêu sách này cho phép Bắc Kinh phủ nhận sự dính dáng của họ trong những vụ chạm chán tại Biển Đông và một vài nơi khác. 
Các đơn vị dân quân biển được bộ chỉ huy quân sự PLA địa phương quản lý. Thời gian qua, trong một số vụ chạm chán quốc tế, các lực lượng dân quân biển đã phối hợp chặt chẽ với hải quân và cảnh sát biển của Trung Quốc.
Thiết tưởng không nên chờ lực lượng dân quân biển giảm bớt đi vì Bắc Kinh mới cho giải ngũ 300.000 binh sĩ lục quân để lấy tiền cung cấp cho dân quân biển. Các quan chức địa phương dọc theo bờ biển của Trung Quốc đang mở rộng các đơn vị dân quân biển hiện có và xây đựng đơn vị mới.
Nhìn vào nội tình của Trung Quốc, ta thấy Bắc Kinh đang kết hợp các đội tàu cá với tàu thương mại và các tàu thực thi pháp luật để thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các quan sát viên quốc tế cảnh báo việc Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự có đủ sức mạnh để chi phối và kiềm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Các đảo nhân tạo có thể sử dụng làm cơ sở hậu cần cho quân đội sau này. Mục đích chính của động thái này là để cụ thể hóa tham vọng của Bắc Kinh, và đồng thời làm cho ngư dân các nước nhỏ láng giềng sợ hãi không dám tiếp tục ra khơi để kiếm kế sinh nhai.
Ngư dân của Trung Quốc đang được chính quyền giúp đỡ và khuyến khích thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép. Họ cũng được nhà nước cung cấp súng và giúp tiền mua tàu lớn để đánh cá xa bờ biển và bảo vệ chủ quyền.
Phản ứng của các nước láng giềng tại vùng Đông Á
Phản ứng của Việt Nam: Tại Hội Nghị ASEAN tháng 8/2015 họp tại Kuala Lumpur Mã Lai Á, thiếu tướng Việt Cộng Lê Văn Cương nói “Trung Cộng đang có nhiều ý đồ và kế hoạch độc chiếm Biển Đông. Việc họ đưa tên lửa vào vùng biển này không nguy hiểm bằng việc họ đang quân sự hóa các tàu thuyền dân sự nhằm che mắt thế giới. 

Lực lượng ngụy trang này đang phát triển rất mạnh trên đất nước Trung Hoa. Đây thực chất là một đôi hải quân chiến đấu được sơn màu dân sự. Họ có khả năng tác chiến và họ có thể nổ súng trong bất cứ trường hợp cần thiết nào. Bắc Kinh nhất quyết sẽ xây dựng một hạm đội dân quân biển. Thủ đoạn này cực kỳ nguy hiểm nên các nước ASEAN phải lưu tâm và nhanh chóng đối phó”.
Về phần Việt Nam thì Hà Nội cho biết là từ lâu họ đã thành lập lực lượng bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của đất nước. Năm 2009 trung tướng Việt Cộng Hoàng Châu Sơn, cục trưởng Cục Dân Quân Tự Vệ cho hay Việt Cộng đã ban hành luật xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ an ninh của tổ quốc. Các công dân nam nữ từ 18 tuổi phải tham gia lực lượng này 4 năm. Sau đó mới được cấp giấy phép trở về đời sống dân sự để sống cuộc sống bình thường.
Phản ứng của Nam Dương: Nam Dương có dân số đông và là nước duy nhất của ASEAN mà Trung Cộng phải gờm. Hồi tháng 6/2016, Trung Cộng đã không có một sự trả đũa nào đối với việc hải quân Nam Dương đã bắt và giữ tàu Trung Cộng xâm nhập trái phép vùng biển NATUNA. 
Gần đây tàu bè Trung Cộng lại xuất hiện tại vùng biển này và tuyên bố là ngư trường truyền thống của Đại Hán. Sau ba lần xâm nhập như vậy Nam Dương thay thế các tầu tuần duyên của mình bằng tầu chiến hải quân. Từ đó đế nay thì Trung Cộng đã chấm dứt mọi khiêu khích.
Tổng thống Widodo của Nam Dương đã tham gia tích cực hội nghị thượng đỉnh ASEAN và kêu gọi ASEAN thống nhất. Ông khuyến khích sự liên kết chặt chẽ giữa Nam Dương và các nước láng giềng có tranh chấp biển đảo với Trung Cộng như Việt Nam và Philippines.
Ngoài những động thái nêu trên, Nam Dương cũng đương tìm cách xích lại gần Mỹ để nhận viện trợ. Việc Nam Dương mua phi cơ F.16 của Hoa kỳ là một việc thiết yếu cho khả năng phòng thủ. Bằng chứng là việc mua bán này đã làm cho Bắc Kinh lo sợ và lên tiếng phản đối. 
Phản ứng của Nhật Bản: Chiến lược dân quân biển của Trung Quốc tại Biển Đông được thế giới gọi là chiến lược “Cắt lát Salami”. Mỹ chưa có hành động gì nhiều để phải đối nhưng Nhật Bản thì từ lâu đã có đối sách.
Đài truyền hình Nhật hôm 10/10/2016 cho biết: Tokyo đã cho khai triển một loại tầu tuần tra mới và hiện đại trên Biển Đông. Kế hoạch này là việc hạ thủy chín chiếc tầu mới từ nay đến năm 2018. Đặc điểm của loại tàu mới này là có thể chịu được các tác động va chạm với tầu của Trung Quốc. Trên tầu có gắn thêm thiết bị giám sát và theo dõi của công nghệ hiện đại. 
Ba trong chín chiếc tầu hiện đại này sẽ được hạ thủy vào tháng 11 tới đây và sẽ tuần tra ở vùng biển Miyako thuộc tỉnh đảo Okinawa. Cùng với kế hoạch này, Nhật Bản cũng đóng thêm một chiếc tàu cỡ lớn, khoảng 6500 tấn, có thể mang theo phi cơ trực thăng, và tăng gấp bốn lần lực lượng bao vệ vùng biển có tranh chấp là vùng Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này của Nhật Bản được đánh giá là rất hợp thời khi mà hai chiếc tầu của Trung Cộng vừa đâm chìm một tầu tuần tra của Nam Hàn hôm 7/10/2016 vừa qua.
Trong tình hình quốc tế hiện nay khả năng đối đầu trên biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là tại các khu vực có nhiều tranh chấp nên hải quân Nhật Bản đã đặc biệt chú trọng đến các khu vực này.
Trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương, Nhật cố gắng kết với lợi ích chung của các nước trong vùng và lôi cuốn Mỹ cùng can dự vào những cam kết đó, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng, Nga và Bắc Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, Nhật tin rằng lực lượng hải quân của họ, bất luận là về phương diện nào cũng đứng trên Bắc Kinh và nếu chiến tranh xảy ra thì Nhật sẽ không thể nào thua cuộc. Đó là lý do mà Nhật đã đưa một phụ nữ “liễu yếu đào tơ” nhưng bên trong là một "người đàn bà thép" ra làm bộ trưởng quốc phòng.
Phản ứng của Úc Đại Lợi và Singapore: Úc và Hoa Kỳ đã chia sẻ kinh phí và chi hơn 1,5 tỷ đôla mỗi năm để mở rộng và xây dựng thêm căn cứ Darwin là nơi mà hơn 2500 thủy quân lục chiến Mỹ đã dùng làm cơ sở để canh chừng cho an ninh thế giới từ mấy năm nay. 
Bên cạnh đó, hồi tháng 5/2016 Úc cũng tuyên bố là Singapore sẽ chi 1,7 tỷ đôla để gia tăng công suất đào tạo quân sự trong tiểu bang Queensland. Với sự giúp đỡ của Úc tiểu bang này đã đạo điều kiện cho 14.000 binh sĩ Singapore được hoàn tất huấn luyện mỗi năm.
Phản ứng của Malaysia và Philippines: Malaysia đòi chủ quyền trên một phần Biển Đông nằm về hướng Bắc Bornéo. Thủ tướng Malaysia tuyên bố để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông các bên thương lượng phải tin cậy lẫn nhau trên căn bản bình đẳng và hỗ tương tôn trọng.
Còn Tổng Thống Duterte của Philippines thì thừa nhận là ông có thể bị luận tội nếu nhượng bộ về chủ quyền, cho nên chuyến đi sang Trung Cộng lần này không có gì khác hơn là các thương lượng về kinh tế.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Mặc dầu chưa chính thức công nhận vấn đề dân quân biển nhưng không phải là Hoa Kỳ không biết đến. Ta hãy nghe bà Hillary Clinon nói gián tiếp gì về vấn đề này khi còn làm ngoại trưởng. Bà đã có lần tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bao vây Trung Quốc với những lá chắn phi đạn. Chúng tôi sẽ triển khai thêm chiến hạm tới khu vực. Đối với Trung Quốc chúng ta phải kiềm chế họ, hoặc chúng ta phải chống lại họ để tư vệ”.
Về những lời tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông bà nói: "Các ông không thể tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển đó. Nếu Trung Quốc có thể làm như thế thì Mỹ cũng có thể gọi Thái Bình Dương là Mỹ Đại Dương vì Mỹ đã hao quân tốn của bao nhiêu để giải phóng vùng biển này”. Đây là lời tuyên bố khi bà chưa đắc cử tổng thống.
Ngoài lời tuyên bố trên, có lẽ cũng cần lưu ý độc giả thêm về câu nói ngày 10/10/2016 của tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Trước sự đe dọa một cuộc chiến thứ ba của thế giới gây ra bởi Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên ông tướng này đã nói: “We will beat you harder than ever before”. (Tạm dịch: "Chúng tôi sẽ đánh các ông mạnh mẽ hơn tất cả các lần trước như đã xảy ra”. ) 
*
Mặc dầu có những lời tuyên bố đáng báo động nói trên nhưng ở Mỹ dư luận vẫn cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc lúc nào cũng vừa là đối thủ vừa là đối tác tiềm tàng. Ngày nay, khi ý thức hệ cộng sản đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử, thì thiên hạ đã đủ khôn ngoan để thấy rằng: dù có muốn giữ vững cương vị số 1 của thế giới hay trở thành cường quốc số 1 của thế giới, cũng không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh bạo lực./. 
Tháng 10 năm 2016

THƯ CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC SAI GÒN

Thư hiệp thông của ĐTGM TGP Sài Gòn đến anh chị em Gp Vinh

ĐTGM Phaolô Bùi Văn ĐọcQua phương tiện truyền thông và những thông tin từ giáo phận Vinh, tôi hết sức đau buồn trước tình trạng tang thương, khốn khổ và chết chóc mà những tín hữu cũng như người dân trên địa bàn Giáo phận Vinh đang phải gánh chịu trong những ngày qua. Họ là nạn nhân của thiên tai và cũng là hậu quả của nhân tai do con người gây ra. Biến cố này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, nhấn chìm hơn chục ngàn nhà cửa, nhiều ruộng vườn và cuốn trôi hầu hết tài sản mà những người dân nghèo đã chắt chiu trong nhiều năm trời. Cũng chính những người dân này, từ mấy tháng nay, đang phải khốn đốn với sự kiện ô nhiễm biển nặng nề do Formosa gây ra, và hiện không biết sẽ sống làm sao trước một tương lai thật mù mịt. Đứng trước nỗi đau lớn lao ấy, tôi xin được hiệp thông chia sẻ với Đức Cha và toàn giáo phận Vinh...
*

ĐTGM: Phaolô Bùi Văn Đọc
T4, 19/10/2016 - 15:32
Toà Tổng Giám Mục ngày 18. 10. 2016
Kính gởi:
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP
Giám Mục Giáo phận Vinh
Kính thưa Đức Cha,
Thay mặt cho quý Đức Cha, hàng linh mục và anh chị em giáo dân Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin gửi tâm tình yêu thương và chia sẻ của tôi đến quý Đức Cha, quý cha và tất cả giáo dân cùng bà con là nạn nhân của trận lụt vừa qua, từ ngày 13/10/2016 tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và tại nhiều giáo xứ thuộc tỉnh Quảng Bình.
Qua phương tiện truyền thông và những thông tin từ giáo phận Vinh, tôi hết sức đau buồn trước tình trạng tang thương, khốn khổ và chết chóc mà những tín hữu cũng như người dân trên địa bàn Giáo phận Vinh đang phải gánh chịu trong những ngày qua. Họ là nạn nhân của thiên tai và cũng là hậu quả của nhân tai do con người gây ra. Biến cố này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, nhấn chìm hơn chục ngàn nhà cửa, nhiều ruộng vườn và cuốn trôi hầu hết tài sản mà những người dân nghèo đã chắt chiu trong nhiều năm trời. Cũng chính những người dân này, từ mấy tháng nay, đang phải khốn đốn với sự kiện ô nhiễm biển nặng nề do Formosa gây ra, và hiện không biết sẽ sống làm sao trước một tương lai thật mù mịt.
Đứng trước nỗi đau lớn lao ấy, tôi xin được hiệp thông chia sẻ với Đức Cha và toàn giáo phận Vinh. Tôi cầu xin Thiên Chúa đầy lòng thương xót ban cho Đức Cha, quý cha và tất cả anh chị em những ơn cần thiết để sớm vượt qua khó khăn này. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mân Côi, Người Mẹ của tất cả chúng ta, xin Chúa an ủi và nâng đỡ mọi người đang trong hoàn cảnh hiện tại.
Tôi cũng mời gọi các đoàn thể, đặc biệt là ban Caritas tích cực vận động bà con trong Tổng giáo phận Thành phố quảng đại và khẩn trương giúp đỡ những nạn nhân trong biến cố lũ lụt này.
Bản thân tôi, Đức Cha Giuse và quý cha cùng giáo dân Tổng giáo phận Thành phố luôn ở bên Đức cha và toàn thể giáo phận trong lời cầu nguyện và tình yêu thương tương trợ.
Hiệp thông trong Đức Kitô,
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục TGP Tp.HCM

QUẢNG TÍN * NHÀ TÙ CỘNG SẢN

Chính quyền Hà Nội, hãy xây thêm nhà tù!

Quảng Tín (Danlambao) - Với một chế độ độc tài, luôn bóp ngặt tự do ngôn luận của người dân, những người cộng sản với quyền lực vô song của mình sẽ đàn áp và bắt giam tất cả những chính kiến đi ngược lại tư tưởng và đường lối của họ. Cái điều 88 cũng giống như chiếc thòng lọng treo lơ lửng trước mặt những nhà hoạt động đấu tranh cho Quyền con người như Mẹ Nấm, cho dù họ chủ trương với đường lối đấu tranh ôn hòa và bất bạo động.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với hơn mười năm đấu tranh miệt mài không ngưng nghỉ của mình để chống lại bất công xã hội và vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội, chắc có lẽ chị cũng đã tiên liệu trước được rằng, sẽ có ngày chị bị chính quyền cộng sản gán cho cái tội danh mơ hồ được ghi ở cái điều 88: “Tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”. 
Với tầm ảnh hưởng của một Blogger đã từng nhận được giải thưởng danh giá “Người bảo vệ nhân quyền” năm 2015 của tổ chức Civil Rights Defenders, chính quyền Hà Nội tất nhiên sẽ xem Mẹ Nấm như một mối nguy hiểm tiềm tàng và cần phải triệt hạ đối với họ. 
Và thảm họa môi trường do “nhà máy tội ác” FORMOSA gây ra trong thời gian gần đây đã bộc lộ hết bản chất dung túng và bao che của chính quyền đối với tội ác mà nhà máy này gây nên. FORMOSA giờ đây giống như một tử huyệt mà chính quyền Hà Nội sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dân. 
Việc chính quyền Hà Nội mới đây đưa đảng Việt Tân và danh sách tổ chức khủng bố như một động thái mở đường, là một cái cớ để chính quyền chụp mũ, trấn áp các nhà hoạt động và đấu tranh trong nước.
Với chính quyền Hà Nội: “Việt Tân là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của tổ chức này sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam” (theo truyền thông lề đảng). Động thái này rõ ràng là một mối đe dọa thực sự đối với các nhà hoạt động và đấu tranh chống bất công và đói Quyền con người tại Việt Nam. Vì bất cứ tổ chức hay cá nhân nào đều có thể bị chính quyền Hà Nội quy chụp là có liên quan đến đảng Việt Tân.
Và Mẹ Nấm, với vai trò là điều phối viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, chị đã phát động nhiều chiến dịch để yêu cầu chính quyền Hà Nội đưa công ty FORMOSA ra khởi tố, tất nhiên chị là mục tiêu mà chính đầu tiên mà chính quyền Hà Nội phát lệnh bắt giữ đầu tiên, điều mà giới quan sát trong nước có lẽ đã không quá bất ngờ.
Đã hơn tám ngày kể từ ngày Mẹ Nấm bị bắt giam, đã có một làn sóng phản đối mạnh mẽ đối với chính quyền Hà Nội và kêu gọi trả tự do cho Mẹ Nấm từ phía các nhà hoạt động xã hội, các Facebooker bất đồng chính kiến và các Blogger nổi tiếng… Tất cả đều thể hiện sự đồng cảm đối với Mẹ Nấm, và một tinh thần đoàn kết tuyệt vời của những con người khao khát tự do, đấu tranh chống bất công và đòi hỏi Quyền con người.
Ngục tù cộng sản là một trải nghiệm mà chắc có lẽ là không một ai mong muốn, nhưng có ở chốn lao tù đó, Mẹ Nấm sẽ được an ủi phần nào nếu biết được rằng phía sau lưng chị là hàng ngàn con người sẵn sàng đứng lên làm thay những công việc mà chị còn đang dang dỡ. Một người bị lao tù và hàng ngàn người khác đã và đang sẵn sàng đứng lên.
Khi một chính quyền ngày càng phơi bày rõ ràng bản chất thối nát của nó, việc người dân dần vượt qua được nỗi sợ hãi để cất lên tiếng kêu gào tự do của mình là một điều tất yếu. Và với một chính quyền luôn coi những người dân bất đồng chính kiến như những mối nguy hiểm tiềm tàng và sẵn sàng bắt giam họ, thì có lẽ chính quyền Hà Nội, ngay lúc này, nên xây thêm thật nhiều nhà tù, vì tất cả họ đã sẵn sàng.
* PS: Hình ảnh minh họa được sử dụng với sự đồng ý của Facebooker Hiếu Trung Lê - một nhà bất đồng chính kiến đang thách thức điều 88 của chính quyền Hà Nội.

BÙI LỘC * NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Số phận của Nguyễn Phú Trọng rồi cũng sẽ giống như Caucesscu

Bùi Lộc (Danlambao) - Phó chủ tịch UBND Tình Nghệ An Lê Xuân Đại ký văn thư số 7533/UBND-NC ngày 7.10.2016, yêu cầu “Cụ Giám Mục Vinh” trục xuất Cha Nam ra khỏi Giáo phận Vinh, chắc hẳn ông không tự ý làm vì ông chả dại uống thuốc liều thách thức trước sức chịu đựng đã quá tải của dân chúng địa phương; nhưng ông phải làm theo chỉ thị của Trung ương, của Caucesscu Phú Trọng.
Caucesscu, tổng bí thư đảng cs Rumani đã ra lệnh cho quân đội xả súng vào người biểu tình chống chế độ, nhưng nòng súng đã quay ngược lại bắn ngay vợ chồng tên tổng bí thư này trước ánh mắt kinh ngạc tột cùng của vợ hắn.
Sức chịu đựng của nhân dân Rumani chưa bằng một góc của nhân dân Việt nam. Họ không có “Cải cách ruộng đất,” họ không có “Nhân văn giai phẩm,” họ không có “Tết Mậu Thân.” Họ cũng không bị đày ải đi “kinh tế mới” để chiếm nhà của người dân trong hết mọi thành phố Miền Nam như ở Việt nam và đặc biệt họ không có Formosa gây cá chết hàng loạt cũng như chim trời sống nhờ cá biển.
Trước đây dân chúng Hà Tĩnh đã nghe theo cs để tranh đấu với hy vọng đổi đời qua cuộc biểu tình mang tên Xô viết Nghệ Tĩnh: “Hãy đứng lên tiêu diệt bọn bóc lột để giành lại của cải tài sản cho mình. Nếu mất chúng ta chỉ mất xiềng xích, nếu được, chúng ta sẽ có tất cả.”
Hôm nay đã hơn 80 năm cũng tại mảnh đất Hà Tĩnh này kể từ năm 1932, khi người dân cả tin nghe theo lời đường mật của tên đại xách động Hồ chí Minh và đồng bọn, đã hy sinh bao xương máu, nuôi hy vọng đập tan được xiềng xích và cuộc đời sẽ khá hơn. Xiềng xích thực dân phong kiến vừa rơi khỏi cổ thì một loại xiềng xích khác khủng khiếp hơn lại tròng ngay lên cổ. Đó là xiềng xích vô sản.
Hai cuộc chiến thần thánh theo cs nói, đánh tan Thực dân Pháp và bọn thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ sừng sỏ nhất thế giới. Hai tên đế quốc này đã phải cúp đuôi chạy, nhưng trong suốt thời gian chiếm đóng, chúng chẳng hề chiếm đất của ai, nhà ai người ấy ở. Chúng khai phá đồn điền, ai đi làm chúng trả lương. Có cả chế độ hưu bổng. Cuộc sống bảo đảm. Đặc biệt khi chúng bỏ đi, chúng không hề hủy hoại và đầu độc môi trường.
Trong chiến tranh, Hoa Kỳ có dùng thuốc khai quang để khai quang hai bên đường và những nơi nghi ngờ cs ẩn núp. Đề tài này đã được bàn nhiều. Cs tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông cho tới hôm nay vẫn còn những clips videos về đề tài này trên internet hết sức trơ trẻn. CSVN còn rùm beng kiện cả quân đội Mỹ ra Tòa án Hoa kỳ, nhưng rốt cuộc chẳng đi tới đâu. Đố ai kiếm được một con chim chết vì thuốc khai quang này, vậy mà sản phụ ở mãi tận đâu đâu lại sinh quái thai vì loại thuốc này.
Ngược lại những công trình của anh hai Trung Quốc đến để xây dựng giúp nhân dân ta và nhà nước ta đã tống cổ dân chúng ra khỏi mảnh đất mà họ đã sinh sống không biết bao đời để giải tỏa mặt bằng. nhiều công trình, đặc biệt nhà máy luyện kim Formosa mới chạy thử, chưa chính thức đi vào hoạt động đã hủy hoại môi trường ảnh hưởng đến không những mọi sinh vật và ngay cả con người cũng bị tác hại vô cùng nghiêm trọng.
Bây giờ, cũng ngay tại cái nôi cs Hà Tĩnh này, 10.000 người bị tuyệt đường sống đã đứng lên biểu dương uy lực của mình chỉ để đòi lại môi trường sạch cho sự sống còn của mình.
Cộng sản cảm thấy run sợ trước khí thế của người dân, nên Caucesscu Phú Trọng một mặt cho Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đến tham dự ngày Khai mạc Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam với những lời ve vuốt: “Ở đâu có đồng bào Công giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu và phát triển.” Mặt khác ra lệnh cho Phó UBNH Nghệ an viết văn thư yêu cầu “Cụ Giám mục Giáo phận Vinh trục xuất LM. Đặng Hữu Nam ra khỏi Giáo phận nhằn cô lập vị Linh mục này và hy vọng Giáo dân Vinh hết dám biểu tình.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói mà chẳng hề nhớ lại Phát Diệm của Đức Cha Lê Hữu Từ. Hồ chí Minh đã vào gặp Đức Cha xin rửa tội giả vờ theo đạo để tìm cách phá đạo. Chủ tịch mặt trận nói mà cũng chẳng nhớ tới vụ Quỳnh Lưu vào năm 1956, cs các anh đã tàn sát đẫm máu những người Công giáo. Anh nói và anh cũng quên luôn gần một triệu người Miền Bắc đa số là Công giáo đã bỏ phiếu bằng chân vô Nam năm 1954, và đúng như lời anh nói “họ vào Nam để cùng đoàn kết với đồng bào Miền Nam thương yêu nhau và cùng nhau xây dựng phát triển đất nước.”
Khi họ và những người Miền Nam đang cùng nhau đoàn kết thương yêu và phát triển đất nước thì các anh vào phá đám, gây chia rẽ và hận thù. Khi thắng cuộc, các anh lại cho thành lập mặt trận tổ quốc, tổ cò này nọ, lợi dụng những tên Judas để dựng lên những đám tôn giáo quốc doanh nhằm khống chế các tôn giáo.
Ngày nay khi các anh cho những công ty nước ngoài, đặc biệt Trung quốc, kẻ chống lưng cho mấy anh, vào tàn phá đất nước, hủy hoại môi trường, triệt đường sống của người dân. Người dân đứng lên chỉ để đòi lại sự sống còn mà các anh không bảo vệ lại còn đàn áp họ.
Ai cũng biết chúng đã cho các anh ăn ngập mặt nên bắt buộc các anh phải đàn áp người dân và bênh vực chúng. Nhưng khi thấy một số đông dân chúng ngoài sức tưởng tượng của mấy anh đứng lên, các anh mới bắt đầu run nên một mặt các anh tìm cách ve vuốt Hội đồng Giám mục Việt Nam; mặt khác các anh tìm cách điểm mặt những khuôn mặt nổi mà các anh cho là có thể đe dọa sự sống còn của đảng. Các anh đang nhắm vào Linh Mục Đặng Hữu Nam, một khuôn mặt cương quyết không lùi bước. Ông đang giúp người dân nộp đơn đưa Formosa ra trước công lý để tím lại sự công bình, tìm lại nhũng gì họ đã mất.
Một hai người hay một vài trăm người, người ta còn sợ, nhưng cả chục ngàn người cùng đứng lên thì họ hết sợ và thực ra họ chẳng còn gì để mất ngay cả mạng sống họ nếu cứ đà này họ cũng sẽ mắc bệnh vì môi trường ô nhiễm hay ngay cả không có thức ăn để sống còn thì có gì khiến họ phải sợ hãi để không dám đứng lên tranh đấu đòi lại sự sống cho mình và thế hệ con cháu mình.
Ông Phú Trọng ơi, ông có muốn số phận ông và vợ ông giống như số phận của vợ chồng Caucesscu của Rumani không hay ông còn muốn được sống. Nếu ông không muốn giống Caucesscu thì ông hãy tìm cách trả lại cho người dân không những ở Hà Tĩnh và các tỉnh Miền Trung mà ngay trên cả nước nữa những gì là của họ thì chắc họ sẵn sàng tha mạng cho ông. Người Việt nam rất nhân hậu, nhưng đừng bắt họ phải chịu đựng quá sức họ nữa.

THƯ EINSTEIN GỬI CON GÁI


Thư của Albert Einstein gửi con gái về một nguồn sức mạnh vô hình

Internet
05:49' CH - Thứ sáu, 22/04/2016
Sau hai thập kỷ kể từ ngày Albert Einstein qua đời, con gái ông đã đồng ý công bố bức thư cảm động mà nhà khoa học đại tài đã viết cho bà. Nội dung bức thư có thể khiến ai trong chúng ta cũng phải bất ngờ và cảm động...
Vào cuối những năm 1980, Lieserl Einstein – con gái của Albert Einstein đã hiến tặng cho Đại học Hebrew 1.400 bức thư do cha cô viết lúc sinh thời. Điều kiện duy nhất của Lieserl là không ai được công bố bức thư cho đến khi cha cô qua đời tròn hai thập kỷ.

einstein-cac-con-gai
Albert Einstein và con gái
Trong thời đại của Einstein, ai cũng biết rằng ông không chỉ là nhà vật lý học thiên tài mà còn có khả năng lý luận Triết học. Tư tưởng sáng suốt của Einstein trong cả sự nghiệp riêng lẫn cuộc sống nói chung đã trở thành “kim chỉ nam” cho vô số người. Khi bức thư ông viết cho con gái được công bố, người ta lại càng thêm ngưỡng mộ nhà khoa học thiên tài. Sau đây chúng tôi xin trích đăng một trong những đoạn thư ý nghĩa và cảm động nhất mà Einstein đã viết cho con gái đầu lòng:
“Khi cha công bố thuyết ương đối, rất ít người có thể hiểu được. Giờ đây điều mà cha sắp tiết lộ với nhân loại rồi cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và thành kiến của cả thế giới.
Vì vậy, cha mong con giữ kín những bức thư này trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ cho tới khi xã hội đủ tiến bộ để có thể chấp nhận những điều mà cha sắp giải thích dưới đây.
Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải. Đó chính là TÌNH YÊU.

einstein-chan-dung-2
Nhà vật lý học vĩ đại đồng thời cũng là một tư tưởng gia
Khi các nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ qua lực vô hình nhưng mạnh mẽ nhất này. Tình yêu là ánh sáng soi chiếu tâm hồn những người biết trao và nhận nó. Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta cuốn hút lẫn nhau. Tình yêu là sức mạnh, bởi nó phát triển bản tính tốt đẹp nhất trong ta, giúp nhân loại không bị che mắt bởi sự ích kỷ mù quáng. Tình yêu hé lộ và gợi mở. Tình yêu có thể khiến chúng ta sống và chết. Tình yêu là Chúa và Chúa cũng chính là tình yêu.
Loại lực này giải thích mọi điều và thổi ý nghĩa vào cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu. Có lẽ là do chúng ta vẫn duy trì nỗi sợ trước một thứ con người không thể nào hiểu và kiểm soát được.
Để giúp khái niệm tình yêu trở nên dễ hình dung hơn, cha đã thực hiện một sự thay thế đơn giản trong phương trình nổi tiếng nhất của mình. Thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với tốc độ ảnh sáng bình phương. Chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng: tình yêu chính là năng lượng bất khả chiến bại, bởi nó là vô hạn.

einstein-vo
Albert Einstein và vợ Elsa Lowenthal
Sau những thất bại liên tiếp của nhân loại trong nỗ lực điều khiển các nguồn lực của vũ trụ, đã đến lúc chúng ta phải nuôi dưỡng mình bằng một loại năng lượng khác…
Nếu loài người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa của sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những giống loài khác, tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất.
Có thể chúng ta chưa sẵn sàng để tạo ra một quả bom tình yêu, một thiết bị đủ mạnh để hoàn toàn phá huỷ sự ghét bỏ, ích kỷ và tham lam đang tàn phá hành tinh này. Dù vậy, mỗi con người vẫn luôn mang trong mình một chiếc máy phát tình yêu vô cùng mạnh mẽ và luôn sẵn sàng để được giải phóng.
Khi chúng ta học cách cho và nhận nguồn năng lượng vũ trụ này, Lieserl ạ, chúng ta phải thừa nhận rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả, vượt qua bất kỳ chướng ngại nào, bởi tình yêu chính là nguyên tố quan trọng nhất của sự sống.
Cha vô cùng ân hận vì đã không thể nói lên những điều trong trái tim mình, nơi mà từng nhịp đập trong cả cuộc đời này đều dành cho con. Có lẽ đã quá muộn để nói lời xin lỗi, nhưng thời gian cũng chỉ là tương đối, cha vẫn cần phải nói với con rằng cha yêu con, và nhờ có con mà cha mới có thể đi đến câu trả lời cuối cùng!”
Cha của con,
Albert Einstein”.

”...When I proposed the theory of relativity, very few understood me, and what I will reveal now to transmit to mankind will also collide with the misunderstanding and prejudice in the world.
I ask you to guard the letters as long as necessary, years, decades, until society is advanced enough to accept what I will explain below.
There is an extremely powerful force that, so far, science has not found a formal explanation to. It is a force that includes and governs all others, and is even behind any phenomenon operating in the universe and has not yet been identified by us. This universal force is LOVE.
When scientists looked for a unified theory of the universe they forgot the most powerful unseen force.
Love is Light, that enlightens those who give and receive it.
Love is gravity, because it makes some people feel attracted to others.
Love is power, because it multiplies the best we have, and allows humanity not to be extinguished in their blind selfishness. Love unfolds and reveals.
For love we live and die. Love is God and God is Love.
This force explains everything and gives meaning to life. This is the variable that we have ignored for too long, maybe because we are afraid of love because it is the only energy in the universe that man has not learned to drive at will.
To give visibility to love, I made a simple substitution in my most famous equation. If instead of E = mc2, we accept that the energy to heal the world can be obtained through love multiplied by the speed of light squared, we arrive at the conclusion that love is the most powerful force there is, because it has no limits.
After the failure of humanity in the use and control of the other forces of the universe that have turned against us, it is urgent that we nourish ourselves with another kind of energy…
If we want our species to survive, if we are to find meaning in life, if we want to save the world and every sentient being that inhabits it, love is the one and only answer. Perhaps we are not yet ready to make a bomb of love, a device powerful enough to entirely destroy the hate, selfishness and greed that devastate the planet.
However, each individual carries within them a small but powerful generator of love whose energy is waiting to be released.
When we learn to give and receive this universal energy, dear Lieserl, we will have affirmed that love conquers all, is able to transcend everything and anything, because love is the quintessence of life.
I deeply regret not having been able to express what is in my heart, which has quietly beaten for you all my life. Maybe it’s too late to apologize, but as time is relative, I need to tell you that I love you and thanks to you I have reached the ultimate answer! “.

Your father Albert Einstein"

Tuesday, October 18, 2016

TÙNG DUY * RỪNG QUẾ

Thơm ngát rừng quế Văn Yên


TP - Ngôi nhà thơm mùi gỗ quế của ông Bàn Thừa An ở bản Khe Dứa (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái) vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét độc đáo nhà ở truyền thống của người Dao. Hai con trai lớn của ông mới lấy vợ, được “hồi môn” cả đồi quế rộng mấy héc ta. Mỗi năm thu hơn 10 tấn vỏ tươi trị giá vài trăm triệu đồng.
Thơm ngát rừng quế Văn YênMùa quế.
Ðổi đời nhờ cây quế
Trồng quế mỗi độ xuân sang của người Dao đã là truyền thống. Năm này qua năm khác, đồi quế trở thành rừng, là tài sản đặc biệt của cộng đồng người Dao nơi đây. Ðến nay ở 27 xã, thị trấn của huyện đã có hơn 23.000 ha quế, trong đó có 8 xã đặc biệt có thổ nhưỡng cho quế sinh trưởng và chất lượng rất cao. Những hộ trồng và sản xuất giỏi như ông Hoàng Văn An, Hoàng Văn Minh, Bàn Tiến Hiến, Đặng Nguyên Tài (ở Đại Sơn), Đặng Nho Quyên, La Tài Quan (ở Mỏ Vàng), Triệu Tiến Bảo (ở Viễn Sơn) nổi tiếng với quế, xây nhà đẹp như biệt thự trong núi, gương làm giàu từ quế lan tỏa khắp vùng. Chỉ vài năm, tốc độ giảm nghèo của mấy xã vùng cao này đã giảm hàng chục phần trăm.
Đưa quế về bản.
Hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến đứng chân trên vùng đất quế (hơn 10 xưởng chưng cất tinh dầu). Giờ ông An cũng như hàng ngàn hộ dân Văn Yên không còn phải lo việc tiêu thụ quế ở đâu xa, chỉ cần bóc tỉa, cắt cành, hái lá mang ngay xuống những con đường bê tông chạy khắp những cánh rừng quế mà bán cho tư thương. 1.700 đồng/kg cành lá tươi, gần 5ha quế, nhà ông An cũng có thu nhập mỗi năm cả trăm triệu, cuộc sống ở cái thôn nghèo Khe Dứa đã đổi thay với ti vi, xe máy, nhà tầng và tiền tích lũy. Người Dao yêu thương cây quế, gìn giữ và chăm sóc đồi cây nâng niu bởi đó là nguồn sống có công sức lao động chăm chỉ ở nơi thiên nhiên ban tặng thổ nhưỡng quý giá.
Con số 400-500 tỷ đồng hằng năm doanh thu từ quế mà ông Trần Thế Hùng (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, nguyên Bí thư Huyện ủy Văn Yên) nói với nhà báo mới đây là một thông điệp về tiềm năng làm giàu đã trở thành thực tế từ thu nhập sản xuất nông lâm nghiệp vùng cao trên đất quế. Có thể khẳng định rằng, đời sống người dân Văn Yên đã có diện mạo tốt đẹp chẳng thua kém gì nhiều địa bàn miền xuôi. Không ly hương, ly nông, người Dao, người Tày, người Kinh ở Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Châu Quế Hạ và nhiều xã khác đoàn kết nhau dựng xây đời sống mới tươi tắn với cây quế đặc thù của mình.
“Vàng xanh” xuất ngoại
“Đưa quế sang sông” - một kế hoạch dài hơi ngày nào khi đường giao thông lên Văn Yên còn khó khăn, quế phải vượt sông Hồng tìm đường tiêu thụ và tìm vùng đất mở rộng diện tích. Nay đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua, Văn Yên thêm sức sống rõ nét với vùng diện tích tăng lên hằng năm. Từ 2,7 đến 3,2% tỷ trọng hàm lượng tinh dầu, dám tự tin chất lượng sánh với quế Trà My (Quảng Nam - khoảng 2,3%), hay quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), cây quế Văn Yên giàu tinh chất trở thành sản phẩm số một mà những đại gia chế biến tìm đến. Tổng sản lượng quế đạt: 5.160 tấn/năm (lá quế 63.400 tấn, gỗ quế 25.800m3).
Gỗ quế dùng làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn nhà, ván bóc, ván thanh, chả có cái gì từ cây quế là bỏ đi, tất cả hữu dụng như thể vàng “xanh” mà rừng tri ân lại công sức người dân chăm quế. Rồi thứ vàng tinh chất ấy xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Mỹ, Anh, Hà Lan, khắp Đông Âu... Cái giá tinh dầu trung bình 520.000 - 525.000 đồng/kg, quế vỏ qua sơ chế 32.000 - 35.000 đồng/kg, cành lá quế khô 2.000 - 2.100 đồng/kg, gỗ quế 800.000 - 1.000.000 đồng/m3, con số vài trăm tỷ đồng mà lãnh đạo tỉnh Yên Bái chưa từng dám mơ ước từ quế, nay tự tin khẳng định thương hiệu và nâng tầm cây quế Văn Yên lên cao hơn nữa bằng nhiều chiến lược có tầm nhìn xa. 
Chế biến quế.
Tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên nhiều năm qua đã tập trung chỉ đạo quy hoạch, phát triển giống quế địa phương, xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Quế Văn Yên (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận) với khoảng 23.000 ha quế. Liên kết về sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp đảm bảo bền vững phát triển kinh tế quế. Văn Yên cũng đã thực hiện bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngon đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế và 14,5 ha quế tập trung ở các xã để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hằng năm làm tiền đề phục vụ du lịch trên địa bàn huyện.
  
Nguồn kinh tế chủ lực
Nói với Tiền Phong, ông Trần Huy Tuấn, tân Bí thư Huyện ủy Văn Yên, khẳng định kinh tế chủ lực trên miền đất khó có cây quế đang mang lại giá trị vượt trội, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao để không bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu. Sản xuất, chế biến, tiêu thụ với đề án bài bản, bền vững cùng với việc hỗ trợ, tiếp sức cho các vùng, hộ gia đình trồng quế đã được huyện có chương trình hành động rất cụ thể, trong đó việc quảng bá thương hiệu, xây dựng giao thông nông thôn để bà con an tâm chăm sóc quế, tiêu thụ quế được ưu tiên hàng đầu. 
 
Thị trấn Văn Yên ngày nay.
Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất nhì cả nước. Triển lãm, hội chợ quế, sản phẩm quế, chợ quê đất quế, du lịch vùng quế - Lễ hội quế Văn Yên đêm nay (26/9) còn thêm một điểm nhấn hấp dẫn tuyệt đẹp khi cuộc thi “Người đẹp vùng quế” được tổ chức ngay tại bản Khe Dứa (xã Viễn Sơn) dưới chân đồi quế xanh ngát. Bàn Thị Nga, Đặng Thị Thu…, những cô gái người Dao xinh xắn vừa đi chăm quế trên đồi về bản, ngượng ngùng sính vội bộ trang phục rất đẹp của phụ nữ Dao như lần đầu làm dáng bên cây quế cho nhà báo chụp ảnh. Cái cảm xúc đằm thắm, hồn nhiên, thật thà dễ gần có hương quế lan tỏa.
Cái “cần câu” nhiều hàm ý của người Dao trên núi để có được cơm ăn, áo ấm và làm giàu bằng sức lao động mà quế chẳng phụ công người. Cây quế đã là nguồn kinh tế chủ lực cho Văn Yên. Người Dao truyền cho con cháu bí quyết trồng và khai thác quế. Nơi nào có người Dao thì quế mọc xanh tốt. Quế trồng gối nhau trên đồi, thu hoạch bóc tỉa cây này, đợi cây kia lớn, quanh năm có thu nhập.
Người đẹp vùng quế Bàn Thị Nga và Đặng Thị Thu
Dưới tán rừng quế, những chàng trai, cô gái Dao tươi tắn nụ cười lúc gặp gỡ sau giờ lao động. Ai đó đang tâm sự dưới ánh trăng loang xuống bìa rừng tán quế… Thơm ngát rừng quế Văn Yên, những hình ảnh nên thơ đã từng đi vào cả văn chương đất quế khơi gợi ham muốn du lịch cho khách miền xa một lần đặt chân đến miền sơn cước này. “Đêm Viễn Sơn trăng sáng đẹp sao, đón khách lên chơi với người Dao, lên đây thăm quê hương Yên Bái, thăm vùng núi thăm rừng quế hương ngạt ngào…” – cố nhạc sỹ Trọng Loan cài vào bài hát nổi tiếng của ông đầy ắp vẻ đẹp của đại ngàn quế Văn Yên như gọi mời du khách. 
(Văn Yên, tháng 9/2015)
Từ những năm 1970, người Dao nơi đây đã trồng cả “Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” khi chính Bác đã gợi ý cho một người con Văn Yên về tận Quảng Ninh học cách trồng quế. Trai lấy vợ, gái gả chồng, của hồi môn là một vườn quế. Vốn liếng tạo lập cuộc sống mới cho vợ chồng trẻ, bây giờ nét đẹp vẫn còn nguyên vẹn, mà xóa đói giảm nghèo. Giao cho những cặp vợ chồng trẻ một đồi quế như giao cho một thế hệ trách nhiệm với quế mà làm ăn kinh tế.
Tùng Duy

NGUYỄN NGỌC CHÍNH * THƯƠNG XÁ TAX


Monday, October 17, 2016

NĂM XICH LÔ * CỘNG SẢN TÀN CUỘC

Khi loài thú sủa và điên là dấu hiệu tàn cuộc

Năm xích lô (Danlambao) - Bản chất con người khó/không thể thay đổi, bệnh ung thư vẫn có thể chữa nhưng tật thì bất trị. Cá nhân hoặc tập thể gian ác cướp chính quyền nhưng óc chỉ như loài cóc nhưng gian ác có 1-0-2 như ở đất nước có hình cong cong giống chữ S. Họ/đảng là nơi hội tụ của những tên lưu manh trộm cướp, là tai ương của xã hội. Tôi không thể phủ nhận tài tham nhũng và gian dối lẫn gian ác của họ trên nỗi đau khổ cùng cực của người dân. Tôi loay hoay tự hỏi pha chút ưu tư là cái ác không những vẫn tồn tại mà còn được đào tạo có hệ thống để bảo vệ và phát triển chế độ hèn-ác đó một thời gian tuy ngắn với lịch sử nhưng là một đời người trung bình.
Thế lực thù địch
Trước khi cướp chính quyền như nói trên, họ la làng "nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh", "chính quyền tham nhũng thối nát",... và họ đắp mô, gài mìn, chặt đầu ngay cả trẻ thơ, đêm về bắt cóc giết dân, khủng bố tạo bất ổn lo sợ trong đời sống vốn yên bình của nhân dân miền Nam là bình thường nhưng khi quyền trong tay thì họ đàn áp khủng bố người dân chỉ vì yêu cầu sự minh bạch của nhà nước, chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước hoặc tác nhân hủy hoại môi sinh,... Nhân dân sai hay nhà nước sai? Điều luật nào cấm những đòi hỏi chính đáng này? Nếu nhân dân sai thì lý luận "nhà nước do dân bầu ra" bị phá sản từ căn bản vì dân sai thì nhà nước đó chắc chẳng ra gì. Nếu nhân dân không sai thì nhà nước này... bị ngập. Vậy có xứng đáng lãnh đạo? Hèn chi phải có điều 4 trong Hiến pháp, nói bình dân học vụ là em éo được yêu ai ngoài đảng.
Bạn nghĩ sao khi một đảng phái xúi giục đấu tranh giai cấp, tạo mâu thuẫn và chủ trương chém giết ngay chính trong gia đình. Xin lập lại một cách minh bạch là chém giết, đấu tố, khủng bố ngay chính trong anh chị em bà con thân thuộc; nó khác với bạo động (tôi không đi vào chi tiết vì chỉ cần thiết khi tranh tụng trên pháp lý). Bạo động không đồng nghĩa với chém giết, bạo động chỉ là một động thái nói lên tinh thần và lập trường dứt khoát và phản ứng quyết liệt bằng ăn miếng trả miếng nếu bị đàn áp bằng bạo lực của nhà cầm quyền đối xử thô bạo với đòi hỏi chính đáng, luật pháp không cấm của người dân. Nhìn đi và xét tới, có phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của đất nước Việt Nam chúng ta từ 1990 khả dĩ ghép là bạo động? Người dân bạo động hay kẻ cầm quyền chính là kẻ khủng bố? Kẻ nắm quyền bất xứng mới luôn lo sợ phản ứng của người dân mà họ gọi là "thế lực thù địch" để bắt giam người dám nói sự thật của chế độ là "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chó ngựa". Hãy nhìn những thể chế dân chủ trên thế giới và tự hỏi là những nước đó chính quyền có sợ dân đứng lên lật đổ họ bằng bạo lực hay bất bạo động không? Trong khi đó chế độ "dân chủ gấp vạn lần" luôn nhìn dân với ánh mắt nghi ngờ và lo sợ?
Những gì người dân nói sai chỗ nào, không đúng thực tế ở đâu cần chứng minh và lý luận thuyết phục thì nhà cầm quyền mới có khả năng quy ghép là "tuyên truyền chống nhà nước X gì đó". Tại sao nhà cầm quyền nói như kẻ bệnh tâm thần kinh niên nhưng cấm đoán người dân nói lên tư tưởng của mình. Một khía cạnh khác là khi thấy việc gì chưa đúng hoặc sai thì tại sao không lên tiếng? Không lên tiếng thì họ cũng bị bắt bớ tù đày vì kẻ cầm quyền cho là đồng phạm, là dung túng tội ác; lên tiếng thì bị cho là tuyên truyền chống nhà nước (!?). Chế độ này đẩy người dân vào đường cùng mà người dân vẫn kiên nhẫn chịu đựng thì tôi cũng chịu thua. Đâu đó tôi nhớ tiếng vọng của tiền nhân đất nước nhắc nhở "chết vinh hơn sống nhục".
Sự kiện người dân xuống đường ở miền Trung có gì sai khi đời sống của họ và gia đình bị hủy hoại? Họ có đòi lật đổ nhà cầm quyền? Không. Họ có đòi hỏi "luân chuyển" cán bộ? Không.
Nhân dân đòi gì ngoài sự minh bạch của nhà nước, giải quyết thỏa đáng những gì họ bị tác hại gần nửa năm qua vụ Formosa. Một nhà nước chẳng thể giải quyết một nhà máy thì còn gì để nói. Một kẻ có tham vọng chưa hẳn là sai nhưng cũng tùy tham vọng đó sẽ ra sao. Nếu bạn tham vọng hạnh phúc cho nhân dân, độc lập của đất nước thì chế độ hiện nay với sự thất vọng của nhân dân chắc chắn phải bị đào thải. 
Thái độ của nhân dân chúng ta
Tôi là dân thấp cổ bé miệng, lao động chân tay nhưng tôi có được quyền công dân như cán bộ của đảng hay không? Chẳng lẽ đảng CSVN sống ngoài vòng pháp luật? Nếu là có thì tôi có quyền lên tiếng và đòi hỏi chẳng cần ông bà hay đoàn thể của đảng cho phép có được không? Nếu không thì quyền làm chủ của tôi là thứ gì? Tôi và nhân dân thừa hiểu chế độ này ra sao nhưng trên công khai và bán chính thức tôi coi như đang nói với thiếu nhi vô giáo dục.
"Những nhà đấu tranh cho đất nước dân chủ tự do có nói xấu chế độ hay nêu thực tế của chế độ?". "Nói xấu" hoặc tuyên truyền chống đối là do áp đặt/quy kết của nhà cầm quyền? Chế độ tự biết mình xấu mới có thái độ tiểu nhân và hãy can đảm dẫu biết các ngài chỉ là tay sai của Bắc kinh, thử so sánh và chứng minh chế độ tư bản có cấm hoặc bắt giam ai nói sự thật? Chế độ này tàn ác hơn cả chế độ Quốc xã của Hitler vì Hitler bị nhân loại lên án khi giết cả triệu con người, chế độ này nướng/giết dân cho cuộc chiến phi lý tương tàn và điều ghê tởm hơn Hitler là họ giết chính dân của họ.
Để chứng minh một nhà nước không phải là tay sai của Bắc kinh, không như người dân nói là hèn với giặc – ác với dân; tôi thách đảng CSVN trong tối thiểu hãy thực hiện một cuộc tranh luận công khai trên truyền thông quốc tế để chứng minh cho người theo dõi có nhận định khách quan mà không sợ bị tác động tuyên truyền nào khác. Thách thức vậy thôi, chớ tôi biết là cái gọi là đảng CSVN của quý vị chỉ là thứ hèn với giặc – ác với dân, đó là bản chất của đảng. Đảng chỉ có gan đàn áp nhân dân khi súng nắm trong tay, với giặc thì có trang bị tận răng cũng quỳ lạy khi mới nghe nói chớ chưa thấy bóng.
Kết
Chế độ CS đem gì cho đất nước và dân tộc VN? Hiện nay VN chúng ta thua từ Thái, Mã, Sing,... và tương lai còn đứng sau Cam. Lào. Thua là một chuyện nhưng nỗi lo hơn nữa là VN thân yêu của chúng ta sau này còn nói với nhau bằng ngôn ngữ tôi đang viết?
"Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" là tinh thần tương trợ đáng quý nhưng với chế độ CSVN thì bạn có lý luận tới cỡ nào cũng như đàn gảy tai trâu. Chúng ta phải tích cực/cụ thể hơn trong đấu tranh để những hy sinh mất mát của anh chị đó không là vô nghĩa. Đảng CSVN càng đàn áp thì ý chí chúng ta càng cao để tiếp bước tiền nhân bảo vệ đất nước và hơn nữa là thực hiện nguyện vọng của dân tộc chúng ta đó là Tự do Dân chủ. Đó là trách nhiệm của chúng ta!
17.10.2016

TRẦN ĐẮNG * HỒ CHÍ MINH

Đạo đức Hồ Chí Minh: thiển cận, kém học thức

Trần Đắng (Danlambao) - Những phẩm chất đạo đức cơ bản trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh:
1. Trung với nước, hiếu với dân.
2. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
3. Yêu thương con người.
Tóm lại là làm tốt, làm đúng, làm hay, v.v... theo chiều dương, thuần túy dương, không bao giờ có hay khuyến khích làm dở, làm xấu, làm sai, làm tệ, v.v…vậy có nghĩa là trong đạo đức Hồ  Chí Minh không có chiều âm, giá trị âm. Trong thực tiễn, làm cái có chiều âm, tức sai, tệ, dở, đáng buồn, ngu xấu thì sống, còn cứ chăm chăm chiều dương thì chết. Thế nên tôi nói đạo đức HCM nông cạn, bị cái tốt chặn lại. Kiến thức HCM cũng biết bài tôi viết ra đây không có gì xa lạ, nhưng nâng lên thành cách xử thế, thành tính cách, thành tư tưởng thì HCM không có, có vẻ thiếu học thức.
Xin đưa ra vài chứng minh:
Về mặt cá nhân, quan hệ cá nhân, trong sử Trung Quốc có danh tướng nổi tiếng bách chiến bách thắng là Hàn Tín (229-196 TCN). Lúc bấy giờ có hai phe là Hán (do Lưu Bang làm vua) và Sở (do Hạng Vũ làm vua). Hàn Tín mà theo phe nào thì phe đó thắng. Hàn Tín giỏi quân sự nghiêng ngửa thiên hạ. Nhưng khi chiến thắng rồi, Lưu Bang mưu giết Hàn Tín do ông giỏi, uy tín cao, nói dân nghe, dân mà nghe theo thì Hàn Tín dễ làm phản, lật đổ ngai vàng mà tự mình làm vua. Sự việc Trần Hy làm phản, trước đó có thể đã có thư từ với Hàn Tín, nhờ Hàn Tín làm chân trong, Hàn Tín có đồng ý hay không thì không biết, nhưng thư mật đã rơi vào tay Lã hậu để trở thành chứng cớ Hàn Tín mưu phản. Rốt cuộc Lã Hậu giết Hàn Tín. Hàn Tín tin rằng mình có công to, trong Tam Kiệt (Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà), công ông lớn nhất, nên Lưu Bang sẽ không giết mình. Qua truyện này, ta có kết luận gì? Đó là Hàn Tín tin vua, tài làm đại tướng giỏi xuất chúng, giỏi hơn vua thì chết thảm. Quả thật, tục ngữ ta viết: "Làm phúc quá tay, ăn mày không kịp" không sai.
Trương Lương (giỏi chính trị) thì bỏ đi tu tiên, không tham gia chính trị sau khi diệt quân Sở, nên tính mạng bảo toàn.
Còn Tiêu Hà, người lo về hậu cần, kinh tế cho Lưu Bang, khi còn chiến tranh với Sở, ông phải dốc nhiều “con tin” của mình ra để Lưu Bang khỏi nghi ngờ: con, em, cháu của ông tham gia ra trận. Sau khi chiến thắng, thấy Lưu Bang giết công thần như Hàn Tín, Bành Việt, ông lại càng lo giữ mình hơn & giữ một cách phi đạo đức mới xong: ông kiêu ngạo, hống hách, nhũng nhiễm dân, cướp đất của dân, để dân ghét, bấy giờ Lưu Bang mới tin ông không có uy tín, nói dân không nghe, không thể mưu phản được, Lưu Bang mới yên lòng. Như vậy ta thấy phải kiêu ngạo, tham nhũng, hống hách thì được sống, và làm như vậy là khôn ngoan, giả dại qua ải. Lúc nào cũng cực kỳ khiêm tốn như Hồ Chí Minh, đạo đức cao như Minh “râu” là cận thị, chỉ thấy gần, không thấy xa, không có học cao.
Nước nào cũng muốn mình bá chủ, chính vì thế, quốc gia nào mạnh lên là các quốc gia khác, các nước láng giềng phá. Thời chiến tranh VN, trước 1975, vua Campuchia, Sihanouk ủng hộ Bắc Việt. Hai bên có cảm tình với nhau. Vì sao vậy? Vì Sihanouk ghét thấy Nam Việt giàu mạnh lên sẽ hiếp đáp mình, ông tìm cách làm cho miền Nam VN yếu đi.
Nước nào cũng muốn mình thành công rực rỡ, dân tộc chủ nghĩa, ái quốc hạng nặng cho nên các nước khuynh loát nhau, xâm lược nhau. Ví dụ, Ngũ Tử Tư, tên thật là Ngũ Viên (? – 484 TCN), một trung thần, tướng quốc (như thủ tướng) nước Ngô. Năm 496 TCN, Hạp Lư bị quân Việt đánh bị thương ở Huề Lý, không lâu sau thì chết. Con là Phù Sai lên nối ngôi. Phù Sai phong cho Bá Hi làm thái tể. Năm 494 TCN, Phù Sai đem quân đánh nước Việt, đánh bại quân Việt ở đất Phù Tiêu. Đại thần nước Việt là Văn Chủng đem lễ vật đến xin Phù Sai cho giảng hòa. Ngũ Viên can ngăn không nên nhưng Phù Sai không nghe. Năm 489 TCN, nhân Tề Cảnh công mới mất, Phù Sai định đem quân đánh nước Tề. Ngũ Viên khuyên Phù Sai nên đánh nước Việt trước vì Việt là cái bệnh trong gan trong ruột. Phù Sai không nghe, đem quân lên phía Bắc đánh Tề. Năm 485 TCN, Phù Sai một lần nữa đánh Tề, Ngũ Viên lại khuyên can. Phù Sai tức giận, sai ông đi sứ sang Tề. Ngũ Tử Tư đoán được sau khi về nước cũng sẽ bị giết, bèn đem con gửi cho đại phu Bão Mục nước Tề, rồi trở về. Sau khi ông về Ngô, thái tể Bá Hi gièm pha, khuyên Phù Sai giết ông. Phù Sai bèn đưa thanh kiếm Trúc Lân cho Ngũ Viên, ép tự tử. Ngũ Viên trước khi chết Ngũ Viên tin chắc Việt sẽ diệt Ngô, bèn bảo rằng:
- "Thế nào cũng phải trồng trên mộ ta một cây tử đề có thể làm quan tài. Hãy móc mắt ta treo trên cửa phía đông của nước Ngô để cho nó thấy giặc Việt vào tiêu diệt nước Ngô."
Rồi tự tử. Phù Sai biết được lời nói của ông, bèn đem thây ông nhét vào túi da ngựa, thả trôi trên sông Giang. Người nước Ngô thương Ngũ Tử Tư lập đền thờ trên sông Giang, nhân gọi nó là Tư Sơn.
Hơn 10 năm sau khi Ngũ Viên qua đời (473 TCN), đúng như lời tiên đoán của ông, Việt Câu Tiễn đem quân tiêu diệt nước Ngô.
Ở đây, ta thấy lòng yêu nước của Ngũ Tử Tư đối lập, xung khắc với lòng yêu nước của Việt Vương Câu Tiễn, Văn Chủng, & mưu lược gia, đại thần của Câu Tiễn là Phạm Lãi. Ôi thôi, tha hồ mà phang những đòn chí tử vào nhau, kết quả là càng yêu nước, càng trung thành với vua (nay là trung với nước) càng tài đức cao, càng “yêu thương con người”, tức yêu đồng bào thì Ngũ Tử Tư càng mau chết!
Những chuyện tương tự thế này không phải là hiếm, tôi kể ra một để thấy là đạo đức Hồ  Chí Minh không dùng trong một số trường hợp được. Đạo đức HCM còn sai, không đúng hết. Một thứ đạo đức còn chưa đúng hết, còn sai mà bắt dân phải học tập, lấy làm gương thì “chú phỉnh” Hà Nội là những kẻ nông cạn hạng nặng.
Thanh Hóa 18-10-2016
18.10.2016

THÔNG TIN VÀ BÌNH LUẬN QUỐC TẾ




Trên truyền hình Nga, Thế Chiến III đã nổ ra

media 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với ngoại trưởng Nga Lavrov về hồ sơ Syria tại New York, Mỹ, ngày 22/09/2016.REUTERS/Darren Ornitz
Thế Chiến III chưa nổ ra, nhưng bất cứ người dân Nga nào, khi bật các kênh truyền hình của Nga lên xem, đều thấy thế giới đã bước vào cuộc đại chiến mới.
Hãng tin AFP cho biết, trên kênh truyền hình Nhà nước Rossia 1, người dẫn chương trình tối Chủ Nhật vừa rồi thông báo đội pháo phòng không của nước này ở Syria sẽ « tiêu diệt » các máy bay Mỹ.
Chuyển sang kênh tin tức Rossia 24, khán giả truyền hình lại được xem một phóng sự về việc chuẩn bị chỗ ẩn náu, đề phòng các vụ tấn công hạt nhân nhắm vào Matxcơva.
Ở Saint-Pétersbourg, kênh tin tức Fontaka đưa tin rằng thống đốc muốn áp dụng chế độ phân phối bánh mỳ theo hạn định để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong tương lai, mặc dù nhà chức trách giải thích là chỉ muốn ổn định giá lúa mì.
Trên đài phát thanh, thính giả được nghe các cuộc tranh luận về cuộc diễn tập « bảo vệ dân thường » mà theo Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp thì phải huy động tới 40 triệu người trong vòng 1 tuần. Chương trình diễn tập bao gồm các hoạt động giải cứu người dân đang mắc kẹt trong các tòa nhà và dập tắt các đám cháy.
Đối với những người tắt tivi để đi dạo ở Matxcơva, rất có thể đập vào mắt họ trên các con phố là những bức tranh graffiti khổng lồ thể hiện lòng « yêu nước » do các nghệ sĩ ủng hộ tổng thống Vladimir Putin của tổ chức « Set » thực hiện, chẳng hạn bức tranh trên tường với hình ảnh các chú gấu, biểu tượng cho nước Nga, đang phân phát áo chống đạn cho các chú chim bồ câu, biểu tượng cho hòa bình.
Lý do của « cơn sốt truyền thông » về việc « Thế Chiến III sắp xảy ra »
Đó là do ngày 03/10/2016, Washington và Matxcơva đã chấm dứt đối thoại về hồ sơ Syria, sau khi lệnh hưu chiến mà hai nước đã thương thuyết ở Genève hồi tháng Chín đổ vỡ. Sau đó, các vụ oanh kích của Nga và Syria đã biến Aleppo thành « địa ngục trần gian », theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Việc này đã tạo ra làn sóng phê phán của phương Tây.
Tại Syria, quân đội Nga tiếp tục hành động riêng rẽ, triển khai tại căn cứ hải quân ở thành phố Tartous hệ thống phòng không S-300 có khả năng tiêu diệt các chiến đấu cơ, gửi đến các tàu hộ tống có trang bị tên lửa có khả năng đánh chìm các tàu chiến. Nói cách khác, đây là sự phô trương lực lượng, không phải nhắm vào Hồi giáo cực đoan hay lực lượng nổi dậy ở Syria mà nhắm vào hải quân và không quân Mỹ.
Đối đầu
Ở Matxcơva, các phóng viên Nga và phương Tây liên tục nhận được các thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga cho biết các vụ đối đầu liên tục xảy ra, còn truyền thông Nga thì lại khuếch đại, thổi phồng các thông tin này. Phát ngôn viên của quân đội Nga, tướng Igor Konachenkov đã đưa ra các lời cảnh báo không chỉ cho Nhà Trắng, mà cả Lầu Năm Góc và bộ Ngoại Giao Mỹ. Ngày 06/10, tướng Igor Konachenkov đã đe dọa Mỹ : « Tôi xin nhắc lại với các thống tướng Mỹ là các tên lửa phòng không S-300 và S-400 có phạm vi hoạt động bao phủ các căn cứ của Nga ở Hmeimim và Tartous có thể « gây bất ngờ » cho bất cứ thiết bị bay không được nhận diện. »
Trên kênh truyền hình Nhà nước Rossia 1, người dẫn chương trình Dmitri Kissilev, đồng thời là ông chủ của hãng tin Ria Novosti, đã tóm tắt lại suy nghĩ của tướng Igor Konachenkov cho những người mà ông gọi là « những người dân thường như các bạn và tôi » như sau : « Chúng ta « bắn hạ » máy bay Mỹ ». Sau đó, ông tiết lộ « kế hoạch B » của Mỹ ở Syria : « Kế hoạch B, nói một cách khái quát là Mỹ sẽ trực tiếp dùng sức mạnh để chống lại sức mạnh của chế độ Bachar al-Assad và không lực Nga».
« Chúng ta có phải sợ các hành vi khiêu khích không ? Chính Mỹ đã dùng cách này để kích động chiến tranh ở Việt Nam ». Dmitri Kissilev đã kết luận như vậy trước khi cảnh báo phương Tây là các tên lửa mà Nga triển khai ở Kalinigrad, gần Ba Lan có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Trên trang tin tức trên mạng Gazeta.ru, nhà phân tích chính trị Gueorgui Bovt đã tóm tắt như sau : « Giờ đây, Nga đã sẵn sàng, đặc biệt là về tâm lý, trước vòng xoáy các cuộc đối đầu với phương Tây ».
Nhà chính trị này đã dự báo hai kịch bản và lưu ý đến những khó khăn kinh tế của Nga. Kịch bản thứ nhất, khá lạc quan, cho thấy « hai cường quốc sẽ thống nhất về những điều kiện mới để cùng tồn tại, điều này có nghĩa là sẽ có trật tự thế giới mới theo mô hình hiệp định Yalta - tạm gọi Yalta 2 ». Ông muốn liên hệ tới sự chia sẻ khu vực ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô cũ sau đệ nhị thế chiến. Theo kịch bản thứ hai, thảm họa sẽ xảy ra : Nga sẽ phản ứng theo kiểu « nếu chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, thì hãy chủ động tấn công trước».
Trả lời hãng tin Ria Novosti, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ là Mikhail Gorbachev, người đã cùng cựu tổng thống Mỹ Ronald Regan chấm dứt chiến tranh lạnh cách đây 30 năm, mới đây đã cảnh báo : thế giới đang tiến sát đến « vùng báo động đỏ » một cách đầy nguy hiểm.
Ngày 12/10/2016, sau nhiều ngày khẩu chiến dữ dội, lần đầu tiên căng thẳng đã có dấu hiệu dịu bớt đi. Nga thông báo tổ chức một cuộc họp quốc tế về vấn đề Syria vào ngày thứ Bảy 15/10 ở Lausane, Thụy Sỹ. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov để giải quyết khủng hoảng ở Syria.


Thương mại Trung Quốc lãnh gáo nước lạnh


media 
Tại cảng Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), 13/10/2016.STR / AFP
Công nghiệp tiên tiến bỏ Hoa lục rút về các nước phát triển. Các nước đang phát triển trở thành đối thủ cạnh tranh mãnh liệt hơn. Đó là hai vấn nạn của guồng máy kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của hải quan và chuyên gia quốc tế.
Ngoại thương Trung Quốc trong tháng 9 gây thất vọng cho Bắc Kinh. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày hôm nay, 13/10/2016, xuất khẩu bị thụt lùi 10% trong một năm qua với 184,5 tỷ đô la trong khi nhập khẩu giảm 1,9% với 142,5 tỷ.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 9 cũng giảm đến 30%, tuy thu về 42 tỷ đô la nhưng thua xa thành quả 60 tỷ cùng thời kỳ cách nay một năm. Cụ thể xuất khẩu sang Mỹ giảm 7,8% và sang Liên Hiệp Châu Âu sụt 4,3%. 
Theo AFP, kết quả này là một bất ngờ đối với Trung Quốc và các chuyên gia tài chính quốc tế. Đa số các nhà phân tích cho rằng tệ lắm thì xuất khẩu chỉ lùi độ 3,3% trong tháng 9 sau khi giảm 2,8% trong tháng 8. Nhập khẩu cũng giảm đi đáng kể, không tới 1/3 so với mức dự báo.
Phát ngôn viên hải quan Trung Quốc Hoàng Tụng Bình nhìn nhận ngành ngoại thương Trung Quốc có vấn đề. Trong cuộc họp báo hồi tháng 4, khi công bố thành quả xuất nhập khẩu của ba tháng đầu năm 2016, viên chức này đã tỏ ra bi quan cho kinh tế Hoa lục mà ông gọi là « đứng trước nhiều biến chuyển phức tạp ». Trong quý một, xuất khẩu giảm 4%, nhập khẩu giảm 8,2% so với cùng thời kỳ năm 2015.
« Ngành mũi nhọn bỏ đi, đối thủ cạnh tranh ráo riết »
Trong cuộc họp báo hôm nay, Hoàng Tụng Bình lập lại nhận xét cũ : Trao đổi thương mại của Trung Quốc « đang đối đầu với những chướng ngại hiển nhiên ».
Trước các áp lực này, đồng tiền Trung Quốc bắt buộc phải hạ giá với hai hệ quả : có thể trợ lực cho xuất khẩu nhưng cùng lúc tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu và nguyên liệu, ông Hoàng Tụng Bình thừa nhận.
Chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cũng lo ngại : giảm nhập khẩu khoáng sản là tín hiệu « kinh tế Trung Quốc mất sức ».
Lời cảnh báo của Ôn Gia Bảo
Theo giải thích của phát ngôn viên Hải Quan Trung Quốc, những khó khăn trên phát xuất từ ba nguyên nhân : một là chính sách « bảo hộ mậu dịch » của các nước giàu và hai là do các nước đang phát triển cạnh tranh ác liệt với Trung Quốc. Cũng theo viên chức này thì ngành công nghiệp « mũi nhọn » bỏ Trung Quốc, hồi hương. Trong khi hàng hóa của các quốc gia đang lên, nhờ giá thành rẻ, lấn áp hàng hóa Trung Quốc.
Mối đe dọa thứ ba là, cũng theo phát ngôn viên Hoàng Tụng Bình, các thủ tục bảo hộ thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới chống hàng Trung Quốc sẽ làm cho ngành ngoại thương của Trung Quốc bị thiệt hại.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ từ 6,6% trong năm nay rơi xuống 6,2% trong năm 2017.
Thời thủ tướng Ôn Gia Bảo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phất phới trên 10%. Tuy nhiên, ông cảnh cáo, nếu tỷ lệ tăng trưởng xuống « dưới 8% thì Trung Quốc sẽ gặp loạn

Tàu tác chiến cận bờ của Mỹ đã đến Singapore và sẵn sàng chiến đấu


media 
Tàu USS Coronado (LCS 4) tại căn cứ Hải quân Changi, Singapore, ngày 16/10/2016.ROSLAN RAHMAN / AFP
Theo một sĩ quan hải quân cao cấp của Hoa Kỳ, tàu tác chiến cận bờ mới nhất của Mỹ được triển khai tại Đông Nam Á đã sẵn sàng chiến đấu, sau một loạt sự cố kỹ thuật làm dấy lên nghi ngờ về khả năng hoạt động hiệu quả của các tàu này tại các vùng nước nông ven biển.
Trang Bloomberg cho biết, chuẩn đô đốc Don Gabrielson, chỉ huy lực lượng 73 của Mỹ đồng thời là điều phối viên khu vực Singapore, tuyên bố là tàu tác chiến cận bờ USS Coronado “ đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ”. Ông cũng cho biết thêm là các vấn đề về hoạt động, bảo dưỡng, thiết kế và huấn luyện của tàu đã được đề cập tới. “ Mọi con tàu đều có các vấn đề về bảo dưỡng. Mỗi khi các bạn nhận một tàu thuộc lớp mới và các bạn có mô hình mới để quản lý tàu và huấn luyện thủy thủ đoàn, thì sẽ có những điều các bạn phải học ".
Hôm qua, có mặt trên con tàu tại Singapore, chuẩn đô đốc Gabrielson đã tuyên bố : " Con tàu đã vượt Thái Bình Dương để tới đây ".
USS Coronado là tàu chiến ven bờ đầu tiên thuộc lớp Independence được Mỹ triển khai tới khu vực Đông Nam Á và là tầu chiến thứ ba được đặt tên là Coronado. Tàu có buồng lái rộng hơn và có khoang chứa nhiên liệu với sức chứa lớn hơn các tàu tác chiến cận bờ khác. Singapore được chọn là nơi bảo dưỡng tàu và tiến hành tập trận với các quốc gia trong khu vực.
Các con tàu được thiết kế cho các vùng nước nông ven biển bao quanh nhiều đảo và bãi cạn ở Đông Nam Á, là mũi nhọn trong chính sách tái cân bằng quân sự của Mỹ trong khu vực. Đây là một nỗ lực của chính quyền Obama nhằm đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thế nhưng các tàu này đã đối mặt với các sự cố kỹ thuật và trang thiết bị. Hải quân Mỹ giờ đây đang tính điều chỉnh chương trình trị giá 29 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Gabrielson khẳng định các vấn đề về bảo dưỡng các tàu tác chiến cận bờ không ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á và Mỹ đang đặt mục tiêu có 4 tàu tác chiến cận bờ tại khu vực này trong những năm tới. Chuẩn đô đốc Gabrielson cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của tàu tác chiến cận bờ không phải là nhắm tới riêng Trung Quốc. Thông điệp chung của Hoa Kỳ là " những gì diễn ra tại khu vực này có ảnh hưởng tới cả thế giới ”.
 

SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đàn Ong Hà Tĩnh

Ảnh của tuongnangtien

Tôi có chút giao tình với anh Trần Ngọc Thành nên mỗi khi gặp gỡ chúng tôi đều tìm một cái quán (thật) vắng để ngồi tâm sự vụn, và uống với nhau vài chục ly rượu nhạt. Phải là một nơi “thật” vắng vì sau khi cạn mấy chai đầy (dù là rượu nhạt) thế nào ông đại diện Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cũng chợt nhớ đến giọng ca ... thiên phú của mình:
  • Tui sẽ hát bài “Đi Đâu Cũng Nhớ Về Hà Tĩnh” để riêng tặng ... Tiến nha!
Thoạt đầu, tôi rẫy nẩy:
  • Như rứa tội chết anh Thành à. Em nỏ biết Hà Tĩnh ở nơi mô đâu nà?
  • Can chi chuyện đó, trước sau gì rồi cũng sẽ biết thôi mà. Quê hương là của chung mọi người chớ nào có phải của riêng ai đâu...
Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Đà Lạt, và sống (sắp) tàn đời ở California . Cả ba vùng đất này đều là nơi tập trung của dân tứ xứ nên không thể coi là bản quán của bất cứ ai. Nhận (đại) nơi chôn nhau cắt rốn của anh em bạn bè làm quê (mình) luôn cũng ... khoẻ, nhất là khi bằng hữu đã mở rộng lòng.
Với tâm cảm này, và sau khi nghe anh Trần Ngọc Thành hát (cỡ) trăm lần thì Hà Tĩnh “thấm” vô hồn tôi (rồi biến luôn thành “quê mình”) hồi nào không biết. Chỉ biết, từ đó, tôi ... đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh.
Hồi đầu năm, tình cờ đọc được bản tin ngăn ngắn (“Những Tân Bộ Trưởng Là Con Em Hà Tĩnh”) mà “niềm vui vỡ oà” và “hạnh phúc lâng lâng.” Xin ghi lại toàn văn, cùng hình ảnh, coi cho nó đã:
Điều đặc biệt, các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, những nhân sự đứng đầu Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đều là người Hà Tĩnh.
Sau khi Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ nhiệm kỳ mới với 27 thành viên đã chính thức ra mắt vào ngày 9/4.
Thứ 7, ngày 9/4, ông Lê Minh Hưng, người huyện Hương Sơn, chính thức trở thành Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong lịch sử ngành ngân hàng, ông Hưng là Thống đốc trẻ nhất từ trước đến nay, ông nhâm chức khi mới 46 tuổi.
Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hồng Hà quê tại huyện Can Lộc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Hà sinh năm 1963, tiến sĩ khai thác mỏ. Người tiền nhiệm của ông Hà là nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cũng xuất thân là người Hà Tĩnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Từng đảm trách chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhưng ông Nguyễn Chí Dũng, tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư là người huyện Lộc Hà. Một địa danh ven biển của dải đất miền Trung.
Sinh ra ở huyện Cẩm Xuyên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là gương mặt thân quen đối với mọi người. Bà tiếp tục giữ trọng trách tư lệnh ngành y khi trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ.
Người Hà Tĩnh không chỉ vinh quang bởi các Bộ trưởng, tư lệnh ngành mà Hà Tĩnh còn được biết đến là tỉnh có nhiều ủy viên Trung ương nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với số lượng 16 người.

Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Đã thiệt!
Chỉ có tiếc có điều là cái niềm vui (vỡ oà) và cái cảm giác hạnh phúc (lâng lâng) về Hà Tĩnh tôi lại không giữ được lâu. Cứ như niềm vui đã nằm trong thiên tai vrồi vậy! Ngày qua, mọi cơ quan truyền thông (trong cũng như ngoài nước) đều ái ngại đi tin:
Hà Tĩnh Xả Lũ Quá Nhanh Người Dân Trở Tay Không Kịp
Ba tỉnh miền Trung chìm trong biển nước
Ngay sau đó cả cộng đồng mạng xôn xao vì những thiệt do bão lụt, và mọi người đều hối hả với những hoạt động cứu trợ – qua ghi nhận của Bà Đầm Xoè:
Tính đến cuối ngày 15, đã có 20 người bị chết và mất tính, 26.000 ngôi nhà bị ngập và nước cuốn trôi, nhiều vùng bị cô lập đã hai ngày nay. Sau thảm họa Formosa thải độc làm chết biển, chết cá, hải sản, nhân dân miền Trung như bị một cú đánh chí mạng làm sụn sương sống, còn lâu mới gượng dậy được. Nay lại bị thiên tai khủng khiếp chưa từng có vùi dập. Những gì còn lại gọi là tài sản, của cải cầm hơi cũng đã  tuột khỏi tay họ, trôi theo dòng nước về với sông suối biển cả.
Chính phủ mới ra chỉ thị và thông báo yêu cầu cứu trợ cho miền Trung. Các hội đòan ăn tiền thuế, tức ăn mồ hội nước mắt của dân, chưa thấy hội đoàn nào lên tiếng. Chắc họ đang chờ chỉ thị của đảng, nhà nước hoăc họ còn ngỏn cổ lên ngóng hoặc phát giấy mời đến họp bàn…
Trong khi đó mấy anh em có tiếng trong phòng trào đấu tranh dân chủ, người đang quyên tiền, quần áo, lương thực thuốc men, người đã đang trên đường đến chia sẻ cùng bà con.
Tôi biết, nhưng người này, họ chẳng giầu có gì. Họ làm ăn gì cũng bị chính quyền tìm cách ngăn chặn phá hoại trong nhiều năm nay, nhưng họ có tấm lòng vì dân vì nước, thương người như thế thương thân. Biết tin miền Trung bị lũ lụt nặng hoành hoành, trong đó có nguyên nhân xả nước hết cỡ từ các đập thủy điện ở trên thượng nguồn, họ tức tốc lên đường, nhanh chóng có mặt ở nới đau thương để giúp đỡ, chia sẻ gánh năng đau thương cùng bà con.

Tôi thật sự cảm động khi nghe sáng nay trên FB Dung Vova đăng tấm ảnh anh chia tay hai con nhỏ với tâm sự:
“Bố phải đi Miền Trung, kể cả chỉ mang theo vài chục kí lương khô! Hẹn gặp bà con ở đó !
Ai ủng hộ lương khô, thuốc lọc nước cho bà con miền trung thì có thể gửi qua đây, trên đường tôi gửi giùm: 0021000912104 – NH VCB chi nhánh Hà Nội. Lê Văn Dũng Cám ơn”.
FB Hà Thanh, người mới bị tại nạn gãy xương bả vai, đang bó bột, không thể đi được, nhưng lòng anh vẫn hướng về bà con:
“Anh không đi được xin đóng góp 500 ngàn chia sẻ với bà con. Chúc các bạn lên đường gặp nhiều thuận lợi may mắn nhé”.
FB Thảo Teresa, lo lắng, cảm thương, uất hận:
“Miền trung đau thương tiếp tục ghánh chịu mưa lũ. Nằm ngẫm số phận con dân nước Việt sao điêu đứng đau thương mãi thế này. Nhân tai chưa xong lại thiên tai,
thảm hoạ Formosa vẫn còn nguyên đó, dân tôi mấy tháng nay chợ búa tiêu điều có bán cũng chả ai dám mua kiếm được một đồng chảy máu mắt…. Vậy mà tối qua cái thằng đầu bạc mắt gian nó vẫn lên tivi cao giọng bàn về cái văn kiện mả mẹ của nó, bàn về suy thoái chỉnh đốn cái đảng quần què này. Nó chẳng hề một lời nhắc tới đồng bào miền Trung”.


FB Nguyễn Lân Thắng, chỉ có một thông báo ngắn gọn:
“Lên đường… miền Trung ơi chờ nhé…”.
Lúc này là 11 h đêm, xe anh đang hối hả lăn bánh tiến vào miền Trung.
Fb Dũng Mai, chiều nay đang truyền dịch, cũng chỉ mong cho đỡ mỏi mệt để lên đường.
“Ruột gan nóng như lửa đốt trước những hình ảnh ngập lụt ở Quảng Bình, Hương Sơn Hà Tĩnh…mà những Fbker bè bạn gửi về.
Phải làm gì lúc này để giúp đồng bào miền Trung, nơi bà con đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tài sản mất hết, đói và rét nữa?
Tôi nghĩ đến một chuyến cứu trợ cấp tốc của nhóm MAI info hoặc gửi tiền để anh em nhóm Áo Tơi của thày Lê Quốc Châu và nhóm VÌ HƯƠNG SƠN của thày Trần Đình Trợ – là những người có tấm lòng lại đang sống và làm việc Thiện tại miền Trung, đem tới chăn màn, quần áo, thực phẩm cho đồng bào của tôi trong đó.
Mọi người đều nóng như hơ khiến tôi chợt nhớ đến nội dung bản tin ngăn ngắn (“Những Tân Bộ Trưởng Là Con Em Hà Tĩnh”) đọc hồi đầu năm:
Người Hà Tĩnh không chỉ vinh quang bởi các Bộ trưởng, tư lệnh ngành mà Hà Tĩnh còn được biết đến là tỉnh có nhiều ủy viên Trung ương nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với số lượng 16 người...
Chưa thấy có “động thái” gì từ những nhân vật đã mang lại “vinh quang” cho dân Hà Tĩnh, nơi mà ai cũng biết là quê hương của cụ  Phan Đình Phùng – tác giả của hai câu thơ nổi tiếng:
Dân đói kêu trời vang ổ nhạn
Quân gian dậy đất tựa đàn ong

Sunday, October 16, 2016

CHUẨN BỊ THẾ CHIẾN THỨ III





Hoa Kỳ cố thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria


media 

Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov tại bàn họp ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 15/10/2016.REUTERS/Jean-Christophe Bott
Hôm nay, 16/10/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Luân Đôn để cùng với các nước châu Âu tìm cách thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria, sau khi cuộc hôm qua tại Lausanne ( Thụy Sĩ ) kết thúc mà không đạt kết quả nào.
Cuộc họp tại Lausanne đã không đề ra được một kế hoạch để tái lập lệnh ngưng bắn ở Syria, vào lúc mà Hoa Kỳ và Nga tố cáo nhau là phá hoại hòa bình, còn trên trận địa thì chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng cuộc họp hôm qua đã đưa ra những ý tưởng mới, sẽ được cụ thể hóa trong những ngày tới, để đạt đến một lệnh ngưng bắn mới, vững chắc hơn là những lệnh hưu chiến trước đây.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ hôm nay tiếp tục các nỗ lực của ông với cuộc gặp Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và một số đồng nhiệm châu Âu khác tại Luân Đôn. Anh Quốc, Pháp, Đức và Ý là những quốc gia thuộc Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria ( ISSG ). Nhưng Hoa Kỳ cho rằng nhóm này có quá nhiều thành viên nên không thể ra những quyết định nhanh chóng và cuộc họp ở Lausanne có lợi ở chổ là chỉ quy tụ những tác nhân chính của cuộc khủng hoảng Syria.
Trong khi đó, nước Nga vẫn không giảm sự trợ giúp cho chế độ Bachar al-Assad. Các khu phố ở Aleppo hôm qua một lần nữa đã bị oanh kích dồn dập, theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria. Còn trên trận địa, cũng theo tin từ Đài Quan sát Nhân quyền Syria, các chiến binh của phe đối lập Syria được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ hôm nay đã chiếm được thành phố Dabiq, một cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, nằm gần biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ.






Syria : ngoại trưởng Mỹ thú nhận bất lực


media 
Quân đội Syria kiểm soát khu vực Suleiman al-Halabi, đông bắc Alep. Ảnh ngày 30/09/2016.GEORGES OURFALIAN / AFP
Vì sao khủng hoảng Syria kéo dài đã hơn 5 năm và ngày càng khốc liệt ?. Những ai theo dõi cuộc chiến này đều biết là do Hoa Kỳ bất lực không can thiệp quân sự. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thú nhận nội tình nước Mỹ chia rẽ làm Washington bị « trói tay ».
Từ một tháng nay, quân đội Damas, không quân Nga, lực lượng tình nguyện Iran, Hezbollah-Liban, Shi-a Irak dồn dập tấn công vào Aleppo. Theo kêu cứu của người đứng đầu chiến dịch nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Stephen O’Brien, khu phố do phe nổi dậy kiểm sóat cùng với 250.000 dân biến thành « địa ngục trần gian », và phải khẩn cấp chấm dứt tình trạng này, tức là phải ngưng bắn.
Thế nhưng, từ chính miệng ngoại trưởng Mỹ, mọi cố gắng vận động ngoại giao của ông hầu mang lại hoà bình cho Syria đều thất bại vì « không có hoạt động quân sự » đi kèm.
Trong một cuộc trao đổi với các tổ chức xã hội công dân Syria tại NewYork, hồi tuần qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết vô cùng thất vọng vì ông đề xuất phải sử dụng vũ lực chống chế độ độc tài Damas, nhưng không được lắng nghe. Cuộn băng ghi lại cuộc thảo luận này được New York Times phổ biến hôm 30/09.
Vào năm 2013, tổng thống Barack Obama đã « ấn định làn ranh đỏ » đe dọa sẽ tấn công quân sự nếu Bachar al-Assad dùng vũ khí hóa học trấn áp dân chúng. Thế nhưng, chủ nhân Nhà Trắng thay đổi ý kiến vào giờ chót trong khi hải quân và không quân của đồng minh Pháp ở Địa Trung Hải đã sẵn sàng chờ bật đèn xanh để cùng can thiệp với Mỹ.
Gần đây nhất, ngoại trưởng Mỹ đạt được một thỏa thuận trao đổi thông tin giữa Washington và Matxcơva để cùng oanh kích chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech. Tuy nhiên, thỏa thuận cũng tan vỡ vì bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter không đồng ý.

Putin nắm hết các lá chủ bài
Ngoại trưởng John Kerry nhìn nhận hành pháp của siêu cường bị trói tay mà trách nhiệm lớn nhất là Quốc hội. Trong khi ở phe bên kia, không có gì cản trở nước Nga của Vladimir Putin can thiệp vào Syria. Washington « không có cơ sở pháp lý » để hành động, trong khi Matxcơva có lời yêu cầu của Damas làm bình phong. Putin bất chấp « luật quốc tế » miễn là củng cố chế độ Bachar al Assad và giúp Damas tái chiếm Aleppo.
Theo giới phân tích, khi sử dụng mưa bom áp đảo, mục tiêu của Nga là buộc phe nổi dậy phải hợp tác với Daech để chiến đấu. Như thế, Matxcơva sẽ có cớ để củng cố lập luận « đối lập với khủng bố là một » và biện minh cho sự hiện diện của Nga tại Syria.
Thứ Bảy 01/10, bệnh viện lớn nhất trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát bị oanh kích bằng hai thùng « phuy » chất nổ mà tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon gọi là « tội ác chiến tranh ».
Theo hai quan chức cao cấp của Mỹ, trước đối phương đông hàng chục ngàn quân gồm quân đội Damas, Iran, Hezbollah và lính đánh thuê từ Irak và Afghanistan có không quân Nga yểm trợ, lực lượng nổi dậy ở Aleppo không thể chống cự lâu dài. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhận định : Aleppo sẽ thất thủ trong nay mai.
Nhật báo New York Times chua chát nhận định : Sát hại thường dân ở Aleppo có thể xem là phạm tội ác chiến tranh. Nhưng những kẻ ra tay có nhiều cơ may đạt được mục tiêu chính trị của họ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161003-syria-ngoai-truong-my-thu-nhan-bat-luc






Nga cố chiếm thượng phong tại Syria thừa dịp Mỹ bận bầu cử


media 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp đồng nhiệm Syria Bashar al-Assad tại Kremlin, Matxcơva, ngày 20/10/2015REUTERS/Alexei Druzhinin/RIA Novosti/Kremlin
Với nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama sắp kết thúc, nước Mỹ bận bịu công việc bầu cử, và lợi dụng thời cơ chính sách Syria của Washington lâm vào bế tắc, nước Nga của Vladimir Putin đang tăng gia nỗ lực giúp đồng minh Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền tại Damas. Vấn đề là dù biết rõ điều đó, nhưng phía Mỹ như vẫn bất lực trong việc đề ra một chính sách mới thỏa đáng hơn cho Syria.
Trong nhiều tuần lễ nay, bấp chấp những tiếng nói phê phán vang lên từ Mỹ và các nước phương Tây, kể cả từ Liên Hiệp Quốc, lực lượng của chính quyền Damas, được Mátxcơva yểm trợ đã tăng cường chiến dịch tấn công nhằm đánh chiếm phần còn lại của thành phố lớn Aleppo còn nằm trong tay lực lượng nổi dậy Syria.
Về phần mình, nước Nga cũng tăng cường chi viện cho đồng minh al-Assad, với hai động thái mang tính chất biểu tượng cao là đưa dàn tên lửa phòng không hiện đại S-300 đến Syria, tạo nên một mối đe dọa không nhỏ cho phi cơ Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trong vùng, đồng thời phái hàng không mẫu hạm đến vùng biển ngoài khơi Syria để tăng cường cho lực lượng Hải Quân của mình.
Trên bình diện ngoại giao, một thỏa thuận ngừng bắn mà Washington dày công thương thuyết với Mátxcơva đã mặc nhiên tan vỡ trong thực tế, với cả hai bên đều quy trách nhiệm cho nhau về sự đổ vỡ. Điện Kremlin vẫn tiếp tục khẳng định rằng Nga vẫn sẵn sàng đối thoại để vãn hồi hưu chiến, nhưng quan chức Mỹ không mấy tin tưởng vì cho rằng mục tiêu thực thụ của Mátxcơva là giúp chế độ al-Assad lấy lại được Aleppo để giành thế thượng phong để có thể bước vào đàm phán với chính quyền mới tại Washington trong thế mạnh.

Dù biết được điều đó, nhưng Hoa Kỳ vẫn tỏ ra rất lúng túng trong việc tìm giải pháp, nhất là khi từ trước đến nay, chính quyền Obama đã cho thấy rõ thái độ e ngại, không muốn dấn thân sâu hơn vào Syria, cũng như ưu tiên cho ngoại giao hơn là võ lực.
Trong những ngày qua, các ứng viên tổng thống Mỹ đều đòi chính quyền Obama phải mạnh tay hơn với Mátxcơva và Damas, nhưng vấn không nói được là cụ thể là phải làm như thế nào. Ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton đã gợi lên vấn đề thiết lập một vùng cấm bay, nhưng giới phân tích cho rằng khó có thể thực hiện điều này trong thực tế.

Theo hãng tin Pháp AFP, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng nếu trở thành tổng thống, bà Clinton có thể sẽ cứng rắn hơn tổng thống Obama trong đối sách nhắm vào Mátxcơva và Damas.
Còn lập trường của ông Trump thì quả là rất mù mờ. Ông từng nêu lên một chủ trương dứt khoát, có thể phái đến 30.000 lính Mỹ qua tiệu diệt lực lượng thánh chiến Daech ngay tại Irak và Syria. Tuy nhiên, ông lại rất mơ hồ về trường hợp của al-Assad, và đã nhấn mạnh ông sẵn sàng làm việc với ông Putin, cho rằng Mỹ phải tách xa khỏi các đồng minh cố hữu, và thôi đóng vai trò của một sen đầm quốc tế.

Đối với bà Danielle Pletka thuộc viện nghiên cứu Mỹ American Enterprise, một trung tâm tham vấn theo xu hướng bảo thủ, thì hiện nay, không một ứng cử viên tổng thống nào có một đối sách chặt chẽ và thuần nhất nhằm đối phó với cả Nga lẫn Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên là cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều sẵn sàng tận dụng lợi thế.
Chuyên gia này cho rằng nếu ông Putin đã cảm thấy được khuyến khích (để tung hoành) trong tám năm vừa qua, thì sẽ không có lý do gì mà ông không tiếp tục đi xa hơn nữa trước thái đô mập mờ, thiếu quyết đoán mà tổng thống tương lại của nước Mỹ đã bộc lộ.







Syria : Mỹ ngưng đàm phán với Nga


Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest trong cuộc họp báo ngày 26/09/2016REUTERS/Kevin Lamarque
Tố cáo tổng thống Vladimir Putin chọn giải pháp leo thang chiến tranh Syria, chính quyền Mỹ tuyên bố « mất kiên nhẫn » với đối tác Nga. Hôm qua, 03/10/2016, Hoa Kỳ thông báo « đình chỉ » thương lượng một thỏa hiệp ngưng bắn tại Syria.
Từ một tháng nay, Hoa Kỳ và Nga tố cáo nhau làm thất bại thỏa thuận hưu chiến. Ngày 29/09 vừa qua, đúng một năm sau khi Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria, Washington đe dọa đình chỉ mọi hợp tác với Nga trên hồ sơ Syria. Lời đe dọa này đã được thực hiện. Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố quyết định này đã được cân nhắc kỹ càng.

Phát ngôn viên John Earnest nói: « Tất cả mọi người đã mất kiên nhẫn với nước Nga. Nước Nga đã đánh mất hết uy tín sau khi đưa ra một loạt cam kết để rồi không một lần tỏ ý muốn tôn trọng. Vào năm 2015, chỉ mới một năm thôi, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Putin đã cường điệu tuyên bố khoe khoang. Một năm sau, tổng thống Putin không buồn xuất hiện tại Liên Hiệp Quốc.
Theo tôi, một trong những lý do mà ông ấy vắng mặt, là vì ông e rằng, và ông đã đóan đúng, đó là cộng đồng quốc tế có ý lên án hành động của ông ấy tại Syria. Trong khi cả thế giới họp Đại Hội Đồng tại New York thì chuyện đã rõ trắng đen, nước Nga là đồng lõa của vụ tấn công vào đoàn xe viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc. Như thế, chẳng còn gì để Mỹ thảo luận với Nga nữa về một cuộc ngưng bắn làm giảm bạo lực tại Syria. Thật là một thảm kịch ».
Cụ thể, Hoa Kỳ bỏ dự án thành lập trung tâm điều phối quân sự để cùng chống thánh chiến Hồi giáo được dự trù trong thỏa thuận Mỹ-Nga ngày 09/09. Thỏa thuận đã ta vỡ sau khi không quân Nga và Damas gia tăng oanh kích Aleppo.

Mỹ có thể cấp thêm vũ khí và hậu cần cho các nhóm nổi dậy
Tại thành phố Aleppo, bệnh viện lớn nhất trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát bị Nga oanh kích lần thứ hai vào ngày 03/10. Tổ chức nhân quyền Syria OSDH và một hiệp hội thiện nguyện y tế Mỹ-Syria cho biết bệnh viện hoàn toàn bị phá hủy. Ít nhất 2 nhân viên y tế tử thương.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Kalifeh cho biết thêm chi tiết :
« Bị oanh kích hai lần trong vòng một tuần lễ, bệnh viện lớn nhất ở khu phố phía đông của Aleppo, do phe nổi dậy kiểm soát, đã bị bom phá hủy trong đợt tấn công hôm thứ Hai 03/10. Người phụ trách hiệp hội y tế Mỹ trợ giúp bệnh viện M10 này cho biết cơ sở không thể hoạt động thường trực. Thiệt hại quá lớn để có thể phục hồi.
Tại khu vực đông Aleppo, chỉ còn 5 bệnh viện hoạt động, nhưng đó là những mục tiêu hủy diệt của máy bay Nga.

Thứ trưởng ngoại giao Nga Guennadi Gatilov cáo buộc chiến binh phe nổi dậy, mà ông gọi là bọn khủng bố, sử dụng nhà thương và các cơ sở dân sự làm bia đỡ đạn. Chiến sự vẫn tiếp diễn với những trận giao tranh bằng đại pháo từ 10 ngày nay. Sau khi tiến quân vào phía bắc và vào giữa khu vực đông thành phố, lực lượng chính phủ dàn trải củng cố vị trí vừa chiếm được.

Theo nguồn tin từ chiến trường, quân đội Damas và lực lượng Hezbollah Liban đã được tăng cường bố trí ở tuyến đầu. Chiến sự sẽ gia tăng cường độ trong những ngày tới ».
Theo AFP, tuy bị Nga tố cáo ủng hộ « khủng bố », Mỹ tiếp tục truy kích lãnh đạo Al Qaida-Syria. Ngày hôm qua, al-Nostra, tên mới là Mặt Trận Fateh al-Cham thông báo là một lãnh tụ của tổ chức này, Abu Faraj, người Ai Cập, đã bị bắn chết trong một đợt oanh kích ở Idlep.
 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161004-syria-my-ngung-dam-phan-voi-nga

Đại tướng Mỹ cảnh cáo đanh thép Trung Quốc và Nga

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Đại Tướng Mark Milley đã tuyên bố hết sức cứng rắn nhằm vào những nước mà ông gọi là "địch thủ của Mỹ".


Trang Military.com đưa tin, tướng Milley tuyên bố hôm 4/10:


"Tôi muốn nói rõ với những kẻ muốn làm tổn hại chúng ta. Quân đội Mỹ - bất chấp tất cả thách thức, nhịp độ tác chiến và mọi thứ chúng ta đang làm - sẽ chặn đứng và đánh kẻ địch bầm dập nặng nề hơn bất kỳ đòn đánh nào trước đây. Đừng mắc sai lầm gì cả."


Trình bày tại cuộc mít-tinh hội họp thường niên của Hiệp Hội Lục Quân Mỹ, Đại Tướng Mark Milley thừa nhận các lực lượng vũ trang Mỹ và đồng minh đang bị thách thức "chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua".

Theo ông, cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ tập trung sức lực đã trở thành cơ hội cho "kẻ thù" tận dụng và trở nên nguy hiểm.

"Nga, Iran, Trung Quốc, Triều Tiên đã tìm hiểu về chúng ta. Họ tìm hiểu học thuyết, chiến thuật, trang bị, tổ chức, huấn luyện và ban lãnh đạo của Mỹ.


Sau đó, họ sửa đổi học thuyết của chính mình, hiện đại hóa quân đội một cách 'thần tốc' để tránh đối đầu với sở trường của Mỹ, đồng thời hy vọng đánh bại chúng ta một lúc nào đó trong tương lai."

Đánh giá của Đại tướng Milley rất đáng chú ý trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11. Một Tổng Tư Lệnh mới sẽ được chọn ra sau đó.

Hậu bầu cử Mỹ cũng là giai đoạn mà giới phân tích cảnh báo rằng các đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc sẽ tranh thủ để gia tăng hoạt động quân sự nhằm thu được các lợi ích.


Ông Milley cảnh cáo: "Chúng ta có thể và sẽ duy trì khả năng triển khai quân lực nhanh chóng, và chúng ta sẽ hủy diệt bất kỳ kẻ thù nào, ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào."


*** 
 Cũng trong cuộc họp nầy , Trung Tướng Joseph Anderson và Tướng William Hix đã nhận xét thục tế rằng một cuộc Đại Thế Chiến Thứ Ba khó mà tránh khỏi , hầu như chắc chắn rằng nó sẽ phải xảy ra trong một tương lai gần kề . Hoa Kỳ và các quốc gia Đồng Minh như Nhật Bản , Ấn Độ , Anh Quốc , Pháp Quốc , Đức Quốc ..v..v... đã chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với Đại Thế Chiến Thứ Ba bất cứ lúc nào . Thiết tưởng chúng ta nên hiểu biết rằng Mỹ Quốc ( Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ) và các Đồng Minh rất thông minh và khôn ngoan như con MẮT trên đỉnh kim tự tháp phiá đằng sau Tiền giấy vải Một Mỹ Kim ( Một Đôla Mỹ ) . Con mắt thần nhìn xa , thấy rộng , nhìn thấy và biết trước về tất cả mọi sự , mọi điều và mọi chuyện !!!!!! Không biết nhìn thấy xa đằng trước , biết trước và lo liệu trước , phòng thủ trước thì chắc hẳn sẽ bị tai họa , thảm họa và thua bại nặng nề gần kề !!!!!! Vì vậy , từ hai trăm năm nay ( Mỹ Quốc là quốc gia tân lập mới chỉ có mấy trăm năm nay , chứ không phải mấy ngàn năm như Trung quốc , Việt Nam và nhiều quốc gia khác ) Mỹ Quốc đã luôn luôn khẳng định và quyết chắc rằng : " Chúnhg tôi có thể bị thua bại vài trận chiến nhỏ , trận đánh nhỏ hoăc ở vài chiến trường nhỏ ; - Nhưng các trận chiến lớn , các chiến trường lớn và các cuộc chiến tranh toàn diện Thế Giới thì chúng tôi Phải Thắng !!!! " .

Vì vậy , khi Đại Thế Chiến Thứ Ba bùng nổ thì nó sẽ là Ngày Tận Thế cho Chủ Nghĩa Cộng Sản và cũng là Ngày Tận Thế cho các Chế Độ Cộng Sản và các Chế Độ Độc Tài gian ác , lọc lừa trên thế giới !!!!!! Xin qúy vị đừng sợ và đừng nghĩ rằng nó là ngày tận thế của toàn thể nhân loại ... Xin qúy vị hãy nhận biết rằng Cộng Sản rất lọc lừa , gian trá , khoác lác và bịp bợm !!!!! Trường hợp hiển nhiên và rõ ràng rằng Cộng Sản Việt Nam đã mua các máy bay của Nga Sô và của Hán chệt Tàu cộng thì hầu hết tất cả các máy bay đó đã bị các vi rút trong các bộ phận và trong các hệ thống điện toán của máy bay rồi do bởi Nga Sô và Hán chệt Tàu Cộng bí mật sắp đặt , ấn định , cài số giống như bom nổ chậm , bom định giờ vậy , không biết chúng sẽ bị rơi rớt , bị nổ toang , bị cháy tiêu tan lúc nào !!!! Cộng Sản Tàu chệt , Hán chệt đã hại chết Cộng Sản VN và giết hại Dân Tộc VN , chúng đã ngấm ngầm , kín đáo , bí mật đổ các chất độc hoá học cực độc hại , các thuốc độc cực mạnh xuống các bờ biển Việt Nam , các sông và các hồ của VN , ngay cả các hồ của Hà Nội như Hồ Tây ..v..v...để giết hết tôm cá , hải sản , thủy sản và tàn sát , giết tuyệt chủng giống nòi Việt Nam bằng các đồ ăn , thức uống độc hại !!!!!


 Qúa tàn ác , qúa tàn độc !!!!! Thế mà Cộng Sản Việt Nam vẫn tôn thờ Mao trạch Đông và Hán chệt Hồ ( Hồ chí Minh giả hiệu , Hồ Quang , Hồ tập Chưong ở Ba Đình , Hà Nội // - Hồ chí Minh thứ nhất quê ở Nam Đàn , Nghệ An tên là Nguyễn tất Thành thì đã chết , đã qua đời năm 1932 rồi !!!! ) , và CSVN vẫn khăng khăng thờ Chu - ân Lai , Đặng Tiểu Bình , ngay cả Hồ Cẩm Đào , Tập cận Bình hiện giờ là Đại Thánh , là ông cố tổ , là thủy tổ của Dân Tộc Việt Nam !!!!!! Thật qúa khốn nạn , qúa ngu xuẩn , dốt nát , u muội , đần độn không thể tưởng tượng !!!!! Rõ ràng trí óc , óc não của các lãnh đạo Cộng Sản VN qúa bé nhỏ , thua kém xa các con bọ đất , bọ trùn , giun , sán !!!!! Hán chệt Trung Cộng chỉ có một chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ( tàu sân bay ) , cỡ trung bình , lạc hậu , cũ kỹ , lỗi thời , giống như chủ nghĩa và chế độ cộng sản vậy , thế mà bọn cướp , lũ giết người CS Tàu lao , Tàu chệt đó khoác lác phô trương hỡm hờ rằng ta đây hùng mạnh , uy lực nhất thế giới !!!!! Trạm phi thuyền không gian của Trung Cộng trên vũ trụ mới đó mà cũng bị rớt mất tiêu !!!!

Còn Nga Sô thì đưa mấy chiếc xe tăng T54 cũ kỹ , lỗi thời đem bọc cho chúng một lớp thép mỏng dính ở bên ngoài , được họa theo kiểu và hình dáng mới , rồi tuyên bố xạo ke khoác lác rằng ta mới chế tạo ra một loại thiết giáp mới , siêu đẳng và tàng hình !!!!!! Thật là lừa xạo , bịp bợm , khoác lác , gian trá , ác độc và quái gở không thể tưởng tượng !!!!! Môt số kẻ hoạt động , tiếp sức , tiếp máu , tiếp huyết , làm việc cho Cộng Sản Vn , và các kẻ làm đặc công trí vận , dân vận , làm dư luận viên ngấm ngầm do CSVN cài vào trong các cộng đồng VN thì nói và dụ dỗ rằng : -- qúy vị và đồng bào hải ngoại trên thế giới hãy về Việt Nam mà nhìn xem một VN mới , đã thay đổi hoàn toàn mới lạ khác hẳn với bốn mươi năm về trước ( đồng bào hải ngoại nào mà tin những lời dụ dỗ lừa bịp nầy của các đặc công CSVN thì các kẻ ấy là chó ngoan , chó con , chó ghẻ nghe lời kẻ cướp , kẻ giết người mà nhào vô bụi để ăn phân chồn , liếm nước tiểu của qủy !!!! Về Việt Nam để phá tiền của mình và vợ con mình , nuôi dưỡng Cộng Sản và chơi đĩ , chơi điếm , đĩ cái và đĩ đực khắp nơi nơi sao ??? !!! ) ....

. Cộng Sản Việt Nam đã lọc lừa, tìm đủ mọi cách gian trá để vay mượn tiền của các ngân hàng lớn thế giới : -- Chúng nghĩa ra các điều , các chuyện - nào là tạo dựng , kiến thiết công viên nầy , tượng đài nọ , trường học kia , nào là xây dựng bệnh viện nọ , làm đường sá kia . đào kênh nọ , xây cầu mới kia ..v..v... để chúng tìm cách vay mượn thật nhiều tiền của các ngân hàng quốc tế khắp nơi trên thế giới .... Các ngân hàng thì cần có kẻ đến vay mượn , vay mượn càng nhiều , và trả tiền lời càng lâu dài thì càng tốt cho các ngân hàng !!!! ...

Nếu ngân hàng nào mà có ít kẻ vay mượn tiền , vay mượn ít tiền thì ngân hàng đó kém phát triển hoặc là sẽ bị sập tiệm , bị chìm xuồng !!!! ... Khi có các ngân hàng quốc tế hoặc của quốc gia phồn thịnh nào đó chịu cho CSVN vay mượn về dự án công trình nào đó thì các cán bộ , các đảng viên các cấp của Cộng Sản Việt Nam lấy đi 75 % hay 80 % của tổng số tiền đã vay mượn đó đem chia nhau bỏ vào túi riêng , bị tiền riêng của cán bộ , của đảng viên từ trung ương xuống tỉnh , thành phố , quận huyện , xã phường , thôn xóm ... Chúng đem tiền về xây nhà to , cửa rộng , mua xe xịn , xe khủng và kinh doanh thương mại riêng tư ( đó là chưa kể các thứ tiền , các khoản tiền mà chúng đòi buộc dân chúng phải đút lót , phải hối lộ cho chúng !!!! ) ...

Số tiền còn lại khoảng 20% hay 25% là cho dự án , cho công trình ... Vì vậy mà có những công trình , những dự án chưa xây xong hoặc mới làm xong được vài năm thì đã sập đổ , nát rữa hay xuống cấp trầm trọng !!!!! .. Số tiền mà Cộng Sản Việt Nam thiếu nợ của các ngân hàng quốc tế và thế giới thật là qúa khủng khiếp , qúa nặng nề !!!! Chúng chồng đống to lớn cao hơn rặng núi Hoàng Liên Sơn và rặng núi Trường Sơn !!!!! Và CSVN đã đặt số tiền nợ khủng khiếp đó lên đầu , lên cổ của hơn 90 triệu nhân dân quốc nội , để bắt buộc các cháu , chắt , chút , chít của họ phải còng lưng làm nô lệ , làm mọi rợ của chúng mà trả các số tiền nợ khủng khiếp đó cho các cán bộ và đảng viên Cộng Sản !!!!!!! Ôi , qúa thê thảm và qúa đau đớn cho hơn 90 triệu nhân dân Việt Nam !!!!! ** Chúng tôi nói vắn gọn , mong qúy vị hiểu nhiều . Kính xin qúy vị phổ biến thật rộng khắp mọi nơi .

Nga chuẩn bị chiến tranh?

(NLĐO) – Căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh và có những dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng cho chiến tranh.
Biên phòng Nga bắn tàu cá Triều Tiên, 9 người thương vong



  • Truyền hình Nga rầm rộ dọa Mỹ
  • Quan chức Nga được lệnh "hồi hương" người thân ở nước ngoài
  • Nga - Trung bắt tay đối phó tên lửa Mỹ
  • Nga không ngán Mỹ ném bom rải thảm ở Syria
  • Hầu như không ai tin Điện Kremlin đang thực sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Các nhà phân tích xem đó là cách thu hút sự chú ý trong nước và để răn đe các nước phương Tây can thiệp quân sự vào Syria.
    Dẫu vậy vẫn có một số điểm đáng quan ngại từ phía Nga, nhất là khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga trở nên tồi tệ hơn do tình hình ở Syria cùng với những suy đoán Washington có thể khởi động các cuộc không kích chống lại quân đội Syria.
    Dưới đây là một số dấu hiệu từ Nga:
    1. Coi chừng chiến tranh hạt nhân
    Kênh truyền hình NTV của Nga đưa tin gây sốt: “Nếu ngày đó xảy ra, mọi người nên biết hầm trú ẩn tránh bom gần nhất”.
    Ông Evgeny Kiselyov, người dẫn chương trình kiêm người đứng đầu hoạt động tuyên truyền của nước Nga, gần đây đã dành ra 40 phút để nói về khả năng Nga sở hữu hạt nhân nếu Mỹ can thiệp quá nhiều ở Syria.
    Ông Kiselyov cũng nói với khán giả về 3 tàu khu trục tên lửa của Nga trong tuần này đã di chuyển về phía Syria hầu mong chặn đầu khả năng Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu quân sự ở nước này.

    
40 triệu người Nga tham gia cuộc diễn tập phòng vệ dân sự toàn quốc trong tháng 10. Ảnh: SNOPES.COM
    40 triệu người Nga tham gia cuộc diễn tập phòng vệ dân sự toàn quốc trong tháng 10. Ảnh: SNOPES.COM
    2. Diễn tập phòng vệ quân sự
    Bên cạnh đó, trong tháng 10, Nga đã tổ chức một cuộc diễn tập phòng vệ dân sự toàn quốc để chuẩn bị ứng phó thảm họa, bao gồm thảm họa hạt nhân.
    Cuộc diễn tập có 40 triệu người tham gia, được phát sóng trên truyền hình với cảnh các em học sinh ùn ùn sơ tán và được chỉ cách nhanh chóng đeo mặt nạ phòng độc.
    3. Nêu rõ cơ quan chỉ huy
    Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố đất nước sẽ hoạt động như thế nào trong thời gian chiến tranh, làm rõ các cơ quan chính phủ sẽ nắm quyền chỉ huy.
    4. Triền khai tên lửa
    Trong tuần này, Nga triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới tỉnh Kaliningrad - vùng lãnh thổ thuộc Nga nhưng nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
    Bước đi này của Nga được cho là nhằm phản ứng với việc đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu.
    5. Liên tục thử tên lửa
    Cũng trong tuần này, quân đội Nga tiến hành phóng thử liên tục 3 quả tên lửa đạn đạo cùng 1 ngày. Hai trong số tên lửa đó có khả năng được phóng từ tàu ngầm hạt nhân ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương.
    H.Bình (Theo ABC NEWS)

    Báo Nga: Nhật đang chuẩn bị chiến tranh

    Thứ hai, 16/09/2013, 12:39 PM

    Tokyo đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm tăng cường sức mạnh lực lượng hải quân với việc liên tiếp hạ thủy các chiến hạm lớn tối tân, mua sắm thêm nhiều loại vũ khí mới.

    » Chiến đấu cơ Nhật chặn máy bay Trung Quốc
    » Tại sao dễ xảy ra chiến tranh Trung - Nhật


    Cách đây không lâu, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã tổ chức một buổi lễ chính thức hạ thủy tàu sân bay trực thăng mới "Izumo" DDH -183. Và năm tiếp theo, lực lượng phòng vệ biển lên kế hoạch để mua các xe thiết giáp đổ bộ lưỡng cư, trong điều kiện cần thiết có thể được sử dụng để đổ bộ quân lên các hòn đảo trong trường hợp có tranh chấp vũ trang.




    Hạ thủy tàu trực thăng đổ bộ Izumo

    Tàu sân bay trực thăng "Izumo" có chiều dài 248m, chiều rộng 38 m, lượng giãn nước khoảng 24.000 tấn. Tàu có thể mang trên mình nó 14 trực thăng chiến đấu hoặc cứu hộ. Trên boong tàu, cùng một lúc có thể cất cánh được 5 máy bay trực thăng chiến đấu, trong đó có cả máy bay đổ bộ hiện đại gấp mở của Mỹ MV-22 Osprey. Tàu được công ty đóng tàu Universal Shipbuilding Corp và IHI Marine United thực hiện). Dự án này có trị giá khoảng 1,22 tỷ USD. Tàu sẽ được đưa vào biên chế cho lực lượng phòng vệ hải quân Nhật bản vào năm 2015


    Trước tàu "Izumo" DDH 183 các tàu đổ bộ trực thăng lớn nhất ở Nhật Bản tình từ sau chiến tranh thế giới thứ hai là tàu đổ bộ trực thăng "Hyuga» DDH-181 và "Ise» DDH-182, các tàu đều có lượng giãn nước 18.290 tấn, chiều dài 197 mét, rộng 33 m và mức ngấn nước là 9,7 m Những chiến hạm này được đưa vào phục vụ vào năm 2009 và 2011.Hiện nay, Nhật Bản đang chuẩn bị để đóng một tàu đổ bộ tương tự như "Izumo» - DDH-184.




    Tàu sân bay trực thăng Hyuga

    Trên tàu sân bay trực thăng "Izumo” sẽ có một không đoàn máy bay trực thăng 9 chiếc bao gồm: 7 chiếc trực thăng chống ngầm SH-60K «Sihouk» (Sikorsky/ Mitsubishi SH-60K Seahawk) và hai chiếc trực thăng chống thủy lôi loại MCH-101 (AgustaWestland/Kawasaki MCH-101), những máy bay này sẽ thay thế các máy bay đang sử dụng hiện tại trong Hải quân là MH-53E (Sikorsky/ Mitsubishi S-80M-1 (MH-53E) Sea Dragon).


    Khác biệt so với các tàu sân bay AVL Hyuga, tàu sân bay trực thăng "Izumo" không trang bị ngư lôi. Nhưng được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa: hai bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng không SeaRAM (Mk 15 Mod 31) tầm ngắn và tổ hợp súng phòng không tự động hai súng sáu nòng Phalanx Block IA nhằm đánh chặn tên lửa ở tuyến phòng thủ cận gần.


    Những sự kiện đã nêu gây lên những phản ứng trái chiều từ các nước láng giềng của Nhật, tất nhiên đầu tiên là Trung Quốc. Sự phát triển và tăng cường thêm sức mạnh hải quân của Nhật Bản có thể dẫn đến sự mất cân bằng lực lượng vốn đã mong manh ở trên biển Hoa Đông. Quá trình hoàn thiện tàu "Izumo” lại trùng với diễn biến căng thẳng tiếp theo trong tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku.


    Chính quyền Nhật Bản tuyên bố rằng, tàu sân bay trực thăng không sử dụng cho tấn công, mà có mục đích phòng thủ biển đảo và cứu hộ. Nhưng rõ ràng các nhà quân sự Nhật đã không nói hết sự thật khi tuyên bố rằng tàu đổ bộ chỉ dành riêng cho mục đích phòng ngự. Các chuyên gia quân sự khẳng định rằng, tàu đổ bộ với đường băng dài như vậy hoàn toàn không có khó khăn để chuyển đổi thành tàu sân bay, nếu như Nhật có máy bay tiêm kích F-35 cất cánh thẳng đứng thì điều đó gần như đã sẵn sàng. Ngoài ra, tháng 7 tờ báo The Japan Times công bố thông tin cho rằng, bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật bản dự kiến sẽ đóng thêm hai tàu khu trục vào giai đoạn 2013 – 2015. Trong biên chế của lực lượng phòng vệ biển Nhật bản đã có 6 chiếc tàu khu trục như vậy, được trang bị hệ thống công nghệ thông tin đánh chặn tên lửa Aegis.


    Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực. Trong lính vực công nghệ quân sự, các chiến hạm của Nhật được trang bị không kém hơn Trung Quốc ở bất cứ điểm nào, có những mặt vượt trội hơn. Sức mạnh của hải quân Trung Quốc thực tế dựa vào số đông của các hạm đội chiến hạm nổi và tàu ngầm, trong khi chất lượng và kinh nghiệm thực tế không được đánh giá cao.


    Tại Bắc Kinh, người Trung Quốc không khỏi lo lắng liên quan đến sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc coi lễ hạ thủy tàu "Izumo” là biểu hiện rõ ràng của sự phục sinh chế độ quân phiệt Nhật bản. “Tàu sân bay trực thăng mang tên "Izumo” đó là tên gọi đã từng được sử dụng làm kỳ hạm của các hải đoàn Hải quân Nhật Bản trong cuộc chiến tranh xâm lược chống Trung Hoa” - tờ Nhân dân Nhật báo nhận định.


    Điểm thêm vào tình hình đang nóng lên rõ rệt là quân đội Nhật Bản dự kiến vào năm 2014 sẽ mua của Mỹ các xe đổ bộ lưỡng cư AAV-7. Để thực hiện mục tiêu này chi tiêu quốc phòng sẽ được tăng cường từ ngân sách quốc gia. Các xe đổ bộ lưỡng cư bánh xích có khả năng cơ động trên biển và tiến hành đổ bộ lên bãi biển hoặc hải đảo. Các xe lượng cư AAV-7 được lính thủy đánh bộ Mỹ sử dụng tiến hành các hoạt động đổ bộ ở khắp mọi cuộc chiến tranh trên thế giới.



    Xe đổ bộ lưỡng cư AAV -7
    Đánh giá các hoạt động tích cực của Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng, văn phòng thông tin Bộ quốc phòng trung Quốc nhận định: Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến sự mở rộng sức mạnh quân sự Nhật Bản, các nước láng giềng nhật Bản và cộng đồng quốc tế cần phải thận trọng đánh giá các hành động trong mỗi quan hệ với Nhật Bản. “Nước Nhật cần rút ra những bài học từ lịch sử, duy trì chiến lược phòng thủ, nghiêm ngặt tuân thủ lời hứa phát triển hòa bình”- Bài viết nhận định.


    Sự gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia do mâu thuẫn về chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư theo cách gọi của Trung quốc). Xung đột ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu vào tháng 9.2012, sau khi chính quyền Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa quần đảo này. Động thái trên được thực hiện sau khi quần đảo được mua lại từ các chủ sở hữu tư nhân. Khi đó Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối Nhật Bản. Các động thái tiếp theo của cả hai bên tiếp tục gia tăng căng thẳng trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Theo quan điểm của Trung Quốc, quần đảo đã nằm trong thẩm quyền quản lý từ nhiều thế kỷ trước. Các nhà lịch sử Trung Quốc cho rằng người Hoa đã sở hữu và khai thác vùng đảo này từ thời nhà Minh. Chỉ đến năm 1895 Nhật Bản mới sát nhập quần đảo này vào lãnh thổ của mình. Theo hiệp định Shimonoseki thì Trung Quốc cũng mất chủ quyền ngay cả đảo Đài Loan.


    Chiến tranh thế giới thứ hai thứ II kết thúc, quần đảo Senkaku được đặt dưới sự kiểm soát tạm thời của Mỹ. Hiệp định ký kết vào năm 1971, đã chuyển giao các quần đảo về dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản (Trung Quốc từ chối công nhận tính hợp pháp của hiệp định này). Cũng có những tài liệu quan trọng khác cho phép Trung Quốc có cơ sở lý luận xa hơn trong tranh chấp. Tuyên bố Potsdam, được ký kết sau khi Nhật Bản đầu hàng, có xác định trả lại cho Trung Quốc của tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, được cho rằng bao gồm cả quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Hầu hết các chuyên gia quân sự đều không khẳng định khả năng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện vì những hòn đảo nhỏ ít nhất là trong những năm tới. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai quốc gia có thể được duy trì trong thời gian dài. Tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku, trực tiếp hoặc gián tiếp đang kích động ra một cuộc chạy đua vũ trang càng ngày càng mạnh trong khu vực.


    Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán về vấn đề tranh chấp quần đảo. Trên thực tế, trong năm qua không có tiến bộ nào trong giải quyết bằng phương pháp ngoại giao các xung đột xung quanh quần đảo Senkaku. Ngược lại, hai bên tiếp tục thử thách nhau bằng sức mạnh: vùng biển của quần đảo đang tranh chấp thường xuyên xuất hiện các tàu tuần tra của Trung Quốc và Nhật Bản. Cách đây không lâu Trung Quốc một lần nữa lại thể hiện quan điểm sức mạnh của mình bằng việc cử một số tàu Cảnh sát biển vào vùng nước Senkaku. Sau đó, các hãng tin Nhật Bản cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Trung Quốc đến Tokyo yêu cầu một lời giải thích bởi sự xuất hiện trên vùng biển của quần đảo Senkaku những khách không mời.


    Những ngày gần đây, các tàu hải cảnh và quân sự Trung Quốc lại tiến hành các hoạt động trong vùng nước của quần đảo đang tranh chấp, đẩy căng thẳng lên cao. Bộ Ngoại giao Nhật lập tức lên tiếng phản đối lần vi phạm tiếp theo của sự cố tàu Trung Quốc xâm phạm vùng nước Senkaku. Và câu chuyện chạy đua vũ trang, mua sắm vũ khí trang bị phương tiện chiến tranh lại tiếp tục bước vào vòng xoáy mới.
    » Chiến đấu cơ Nhật chặn máy bay Trung Quốc
    » Tại sao dễ xảy ra chiến tranh Trung - Nhật
    » Nhật đưa 5 tàu tiếp cận đảo tranh chấp với Trung Quốc
    » Tỷ lệ người Nhật, Trung Quốc ghét nhau 'đạt kỷ lục'
    » Giáo sư Nhật hiến kế 'nhường Nga, đấu Trung'
    » Thượng viện Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng
    Theo Trịnh Thái Bằng/ Tiền Phong
    http://www.vtc.vn/bao-nga-nhat-dang-chuan-bi-chien-tranh-d128316.html

    Saturday, October 15, 2016

    TS. PHAN VĂN SONG * LỜI ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

    Bài Học Ngài Đạt Lai Lạt Ma:
    Tình Thương và Đức Tin
    Đức Tin Mù Quáng Là Một Sự Ngu Xuẩn (Đạt Lai Lạt Ma)
    Phan Văn Song
    Tin tức tuần nầy, lắm nổi đau thương. Quân đội Nga cùng quân của độc tài Bachar Al-Assad đội bom liên tục vào thành phố Alep, giết hại thường dân Syriens và đang triệt hạ dần dần sức kháng cự của dân nổi dậy. Đồng thời không quân liên quân Pháp Mỹ cũng đang dội bom tới tấp vào thành phố Mossoul, giết hại thường dân Irak và đang dần dần triệt hạ sức kháng cự của quân đội của nhóm Daesh quá khích! Giải phóng Alep, thế giới tự do Pháp Mỹ Âu Châu chống đối, cho rằng Nga và nhà cầm quyền Syrie đương thời sai! Giải phóng Mossoul, thế giới tự do ủng hộ cho rằng Daesh quá khích phải được dẹp bỏ. Đâu là sự thực? Người dân Irak ở Mossoul, người dân Syriens ở Alep lãnh đủ. Đâu là lẽ phải? Tin vào lẽ phải nào? Và Tình thương nhơn loại? Dưới những trận mưa bom, tại sao ta đau sót cho dân Alep? Mà tại sao ta không thương dân chúng Mossoul? Ai là nạn nhơn? Nạn nhơn mà cũng có hai loại sao? Nạn nhơn của chánh nghĩa, nạn nhơn của tà phái.   
    Riêng Việt Nam ta tuần nay, cũng chứng kiến một cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng đồng bào vùng Hà Tỉnh và cả bốn tỉnh miền Trung, nơi có Nhà Máy Formosa, trách nhiệm của cuộc đầu độc khổng lồ vừa qua cả một vùng biển Việt Nam ta, vì không tôn trọng quy trình sản xuất, xả bừa bải chất độc vào nước biển. Lần đầu tiên một cuộc biểu tình của dân chúng mà bọn Công An của nhà cầm quyền Cộng Sản bán nước không dám đàn áp. Vững tin vào công lý, vững tin vào đoàn kết, vững tin vào sự thật! Người dân Việt Nam đã dám xuống đường nắm quyền tự chủ, đòi hỏi công lý và sự thật. Một chơn trời mới đang hé mở! Một Việt Nam mới đang thành hình! Một người Việt mới đang đứng dậy!
    Tình Thương nhơn loại và Đức Tin vào lẽ phải, nhiều quan điểm? Hay Tình Thương Nhơn Loại và Đức Tin chánh nghĩa chỉ có một nguyên lý, phổ biến, đại đồng, toàn thể, muôn thuở!
    .

    1/ Tình Thương:
    Mọi bà con chúng ta mặc dù khác biệt tôn giáo nhau đều biết bài học căn bản về Tình thương. Người đi Đạo Chúa, như chúng tôi, đã được học câu sau đây: “Con hãy mến Chúa với tất cả con tim, với tất cả tấm lòng, với tất cả lý trí của con. Và con hãy thương yêu nhơn loại, như thương yêu con vậy!” Ma-ti-ơ 22: 34 - 40 (Kinh Thánh-Bible)
    .
    Căn bản của Đạo Thiên Chúa là Tình Thương. “Mến Chúa, Thương Người” Dễ dàng qua! Dễ dàng như một quân nhơn tuân lệnh. Nhưng sự thật, rất khó!
    Trong bài giảng thứ nhứt của tông đồ Giăng đã nói: “Ai là người nói, vừa yêu Thiên Chúa vừa thương một người anh em, tuy hắn ta là một tên lưu manh. Làm sao ta có thể yêu Thiên Chúa một người ta không thấy và ta lại không thương yêu một người huynh đệ mà ta thấy?”
    Vậy thì, Tình Thương là gì? Tình thương chỉ là những cố gắng không làm những gì mà ta không thích tha nhơn làm phiền chúng ta, và ta làm tất cả cho tha nhơn, những gì, ta mong tha nhơn làm cho ta. Nói như vậy, một người đi đạo Thiên Chúa, đã được học lời Chúa dạy, đã là người biết vâng lời Chúa dạy, đã là học trò của Chúa, mà không biết ban Tình Thương (cho tha nhơn), là có tội! Một tội rất lớn, về mặt đạo đức! Về mặt tinh thần nữa!
    Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo - La Bible dạy chúng ta ba loại Tình Thương - Amour – Love
    Tình Thương thứ nhứt, tên hy lạp là Eros. Tạm dịch Việt ngữ Tình Yêu. Đây là Tình Yêu giữa hai người, hai cá nhơn. Lôi cuốn, cuồng nhiệt, thèm khát nhau, dục vọng “cho lăn lóc đá, cho mê mẫn đời” (Kiều) Nhưng luôn luôn, với ý đồ xấm chiếm lẫn nhau, người nọ xâm chiếm người kia, nhục dục có thể, đam mê là cái chắc! Hoàn toàn xâm chiếm lẫn nhau, cuộn tròn vào nhau, hòa nhập vào nhau, xâm nhập lẫn nhau, nhốt kẻ nầy vào kẻ kia, không để người nầy thoát được người kia. Và Tình Yêu nầy, thường được các thi sĩ, nhạc sĩ, từ ngàn xưa đến ngày nay, ca tụng. Thế nhưng, nếu không toại, biến thành những ca khúc bi ai, tuyệt vọng, đổ vỡ. Bao nhiêu tự tử, vì ghen tương hay bao nhiêu giết chóc, bao nhiêu án mạng vì giận vì hờn, vì ghen vì tức!
    .
    Tình Thương thứ hai, tên hy lạp là Philae, tạm dịch là Tình Thương. Thương người, thương nhơn loại, tình huynh đệ, nghĩa đồng loại, đồng bào. Tình Thương không trói buộc người nọ với người kia. Tình Thương có trao đổi, hai chiều, có qua có lại. Tình huynh đệ, tình bạn bè, chí cốt, có khi lẫn lộn tý tình yêu, nhưng tương trọng, tương quý, xây dựng trên ngưởng mộ, trên trao đổi, quý trọng, gần gũi, tương hợp, trên tình trên nghĩa… và luôn luôn, do một sự gặp gỡ, trao đổi, lựa chọn lẫn nhau.
    Và cuối cùng, Tình Thương mà Jésus đã dạy con cái Chúa Agape, xin tạm dịch là Mến Chúa. Tiếng Việt ta giàu có có ba từ ngữ để diển tả từ Amour - Love của Âu Mỹ. Nhưng Agape cũng còn có thể dùng để tả cái tình nhơn loại, cái nghĩa đồng bào, Tình Thương tha nhơn, nhưng một tình thương không đòi hỏi phải có trả lời, phải có trao đổi. Hoàn toàn một chiều, tình thương nhơn loại, tình thương đồng loại, đồng bào, tha nhơn. Tình Thương cho không, biếu không, tặng không… Tặng, biếu, cho, không đòi hỏi trao đổi. Và không cần trao trả. Cho tha nhơn, nhưng cũng có thể cho cảkẻ thù. Và đó là Tha thứ - Le Pardon - Forgiveness.
    .
    2/ Đức Tin, Bài Học Ngài ĐạtLai LạtMa:
    Ngài ĐạtLai LạtMa đã tiếp và cho phép Tuần Báo “Obs” (Tên thông dụng ngày nay của tuần báo Nouvel Observateur-Người Quan Sát Mới) một buổi phỏng vấn. Sau đây là tường thuật của phóng viên Ursula Gauthier đăng trên số 2707, tuần 22 đến 28 tháng chín nầy. Phan Văn Song chúng tôi, xin phỏng dịch để hầu quý bà con thân hữu:
    “Lần nầy, sức ép của Lãnh Sự Quán Trung Cộng vô hiệu. Tại Strasbourg-Đông Bắc nước Pháp, Ngài ĐạtLai LạtMa nhận sự tiếp đón niềm nở của cả hai cơ quan, vừa của thành phố lẫn của âu châu (Strasbourg là nơi có Tòa Quốc hội Âu Châu). Suốt cả hai ngày cuối tuần, Ngài bỏ công sức để giảng dạy một án văn triết lý của thế kỷ thứ II cho một đám đông gồm 8000 người ngưởng mộ Ngài, tụ họp tại Nhà Hát Lớn Zénith, của thành phố êm đẹp nấy của nước Pháp. Cũng tại đấy, Ngài tiếp chúng tôi trong một phòng khách nhỏ, kín đáo, ấm cúng, trên lầu.
    .
    Khi chúng tôi nhắc đến bi kịch Tây Tạng, đến làn sóng tự thiêu, ánh mắt đang tươi của Ngài bổng tối sầm lại. Từ năm 2009, 145 người dân Tây Tạng đã biến thành 145 bó đuốc để phản đối Beijing-Bắc Kinh, vì quyết tâm giữ lời khuyên là đấu tranh bất bạo động của người lãnh đạo tinh thần của họ: « Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với tôi, Ngài Đạt Lai Lạt Ma thở dài nói: “Tự vận, đối với người Phật tử, là một hành động hung dữ, một bạo động. Tôi không thể chấp nhận được. Nhưng nếu tôi tỏ lời phản đối, những gia đình đã đau khổ vì đã mất mát người thương, nay sẽ bị tổn thương thêm… Tôi đành im.”
    Ngay cả trên bình diện chánh trị, Ngài cũng nhìn nhận sự bế tắc hoàn toàn: “Kết quả của những tự thiêu? Ngoài “thông tin – kêu gọira – (Ngài dùng từ publicité-quảng cáo, PVS) - tất cả vô hiệu đối với phe các lãnh đạo “cứng rắn” của Tàu!»
    Giới trẻ Tây tạng hiện đang mất nhẫn nại, càng ngày càng khó chấp nhận sự chiếm đóng của người Tàu: “Một người có trách nhiệm, đến từ Lhassa (thủ phủ Tây Tạng) gặp tôi và báo cho tôi biết rằng, nếu lúc xưa các người dân tây tạng có tuổi thường khá bằng lòng với cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, trái lại, giới trẻ rất nóng ruột và đầy bất mãn, muốn hành động ngay. Tôi còn sống, may ra họ còn tự kềm chế, không có bạo động. Nhưng sau khi tôi mất? Câu trả lời của tôi lúc ấy và ngay cả bây giờ đều một lời: nguyên tắc bất bạo động phải được tôn trọng dù tôi còn sống hay tôi mất. Tôi mong rằng người dân Tây tạng không quên nguyên tắc nầy, là một nguyên tắc căn bản của văn hóa Tây tạng chúng tôi.”
    .

    Làm sao đối diện với bạo quyền Beijing-Bắc Kinh, bằng mọi giá, không thay đổi chánh sách và lập trường? “Chúng ta chớ quên rằng quyền lực ở Trung Hoa thuộc vào người dân Trung Hoa, không phải là sở hữu riêng của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Nhơn dân Trung Hoa mãi mãi trường tồn. Còn Đảng Cộng Sản có chắc sống mãi chăng? Sau 10 năm, 20 năm, 30 năm? Cách lựa chọn của chúng tôi là đối thoại và giữ liên lạc với các bạn bè người Trung Hoa ủng hộ lập trường và chánh nghĩa của người Tây tạng, và nhóm bạn bè ngườiTrung Hoa ấy mỗi ngày mỗi đông hơn!”
    Tuy là một nhà lãnh đạo tinh thần, với hàng ngàn đệ tử và người ngưởng mộ trên thế gìới, Ngài vẫn giữ một phong thái đầy nét bình dân. Ngài không ngần ngại, ngồi diển thuyết với một cái khăn ướt đặt trên đầu “để làm nguội bớt bộ óc”. Ngài không muốn quan trọng hóa con người của Ngài. Ngài thường cho rằng thế giới quá quan trọng hóa những “bề ngoài”, thích hào dáng, nhìn vào thành công, thích quyền lực, thích tiện nghi tân thời vân vân …, và bỏ quên những giá trị “bề trong” của con người, những giá trị “con người” - như đi tìm sự đối thoại, đi tìm gặp gở, lòng vị tha, đi tìm cái nhìn lạc quan, và lòng thương người biết chia sẻ…Và chính cái văn hóa “duy vật” ấy đã tạo ra bao nỗi đau thương tạo bao xáo trộn của xã hội ngày nay.
    Những giá trị như lòng vị tha, tình yêu tha nhơn, chúng ta đừng xem đấy như chỉ là những lời hứa hẹn, những giấc mơ suông. “Khoa học ngày nay đã chứng minh đấy những đức tánh có sẳn, trời ban của con người” Ngài quả quyết với chúng tôi. Một sai lầm thứ hai là xem đây như những đức tánh do Đức Tin – Tôn Giáo mang đến tuy phần Đạo Đức ấy có trong tất cả những Tôn Giáo. Để tránh những bi kịch đã xảy ra trong thời gian vừa qua, Ngài mong rằng những giá trị ấy phải được truyền dạy, đặt thành một chương trình giáo dục của thế giới, từ ngay từ tuổi trẻ từ hạ tầng đến thượng tầng giai cấp mọi xã hội.
    Những quyết định của Ngài nay đã tạo thành một mẫu mực. Năm 2011, Ngài từ nhiệm mọi sứ mệnh chánh trị. Từ nay, các nhà lãnh đạo dân cử sẽ quản trị định mệnh của các người Tây Tạng tỵ nạn Cộng sản lưu vong. “Dân chủ sẽ là thế chế chánh trị tốt nhứt, để bảo đảm cái thực thi của cộng đồng ấy. Riêng về cái cơ chế ĐạtLai LạtMa, có từ hơn bốn thế kỷ nay, tôi đã sung sướng và hãnh diện, xóa bỏ nó!» Ngài hãnh diện kể cho chúng tôi nghe. “Cái thế chế đó lẫn lộn Thần quyền và Thế quyền, rất phong kiến, đã lỗi thời, nên phải phá bỏ. Người kế nhiệm tôi, nếu có, sẽ không có một trách nhiệm chánh trị nào”.
    .

    Think, Think, Think- Hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ” Ngài không ngớt chỉ tay lên trán nhắc nhở: “Think, Think...” “Tất cả những cầu nguyện, những lễ nghi, những cúng bái hay những ưu ái, lễ giáo, tôn trọng giành cho các vị lãnh đạo tinh thần không đem lại những thay đổi quan trọng cho tinh thần hay đạo đức của các giáo hữu, lòng thành của con người, hay của bá tánh loài người, hay sự tốt lành cho thế giới như Đức Phật đã chỉ dạy. Đức Tin mù quáng, kể cả đối với những bản văn, những văn kiện, những bài kinh, bài giảng dù là bài giảng giá trị nhứt của một vị cao kiến nhứt, với tất cả những gì gọi là thiêng liêng nhứt của Phật Giáo đi nữa, cũng chỉ là một sự Ngu Xuẩn.”. Và Ngài dẫn giài tiếp: Hãy để Đức Tin Mù Quáng cho những kẻ không có cơ hôi phát huy sự thông minh của họ. Còn những ai, may mắn, có được “cái máy toàn hảo là khối óc” thì nên sử dụng ngay đi, để phục vụ sự hiểu biết. Một tỷ lần vái lạy không bằng một ngày nghiên cứu chăm học.
    Đối với sự sùng bái đạo giáo. Riêng đối với Phật Giáo, Ngài cứng rắn chỉ trích mọi hành vi sùng đạo quá lố, “rất xa” với cái “sự thật”, cái “tinh túy – l’essence” của Đạo là Tình Yêul’AmourTình Thương (Chia sẻ với) Tha Nhơnla Compassion. “Lắm lúc, khi tôi nhìn thấy phương cách và phong cách của vài anh lãnh đạo tôn giáo, kể cả Phật Giáo, quá lố bảo vệ Đức Tin, tôi trộm nghĩ, lắm lúc thế giới có thể sanh hoạt yên lành hơn nếu không có Tôn Giáo”.
    .
    Riêng về Hồi Giáo, Ngài không xem đấy là một biệt lệ: “Những hành vi phi pháp, “ngoài xã hội” của những người hồi giáo “quá khích” không cho phép chúng ta vội vàng đánh giá toàn thể Hồi Giáo. Nếu như vậy, chúng ta hãy đánh giá Phật Giáo là một tôn giáo đầy thù hận, do vài hành vi đầy hận thù của vài ông sư quá khích ở Miến Điện. Dù có dẫn chứng bằng vài câu trong Kinh Coran có lời khuyên hung dữ hay răn đe vẫn không chứng minh gì cả. Chúng ta, người Phật tử trong kinh kệ chúng ta, cũng có vài đoạn nói về cái “nghiệp ác”. Nhơn danh “cái nghiệp-dharma” mà chấp nhận sự hung dữ. Tất cả những việc ấy không liên quan gì cả với cái tinh túy-l’essence của đạo cả. Tất cả do nền giáo dục, sự thông minh trong nghiên cứu kinh kệ, trong trao đổi, trau dồi nghiên cứu, tham luận.”. Nói tóm lại, một tư tưởng mở - một open mind- một esprit ouvert.
    Think, Think, Think như Ngài đã dạy.
    Cám Ơn Ngài ĐạtLai Lạtma.
    .

    Để Thay Lời Kết:
    Xin phép dịch bài thơ của tu sĩ Saint Vincent de Paul (1581-1660) để chia sẻ cùng quý vị.
    Ở Sàigòn ngày xưa ta có một bệnh viện Saint Vincent de Paul, chắc vài quý bà con còn nhớ!
    Tôi chỉ xin phép đổi “từ Heureux” (Tu sĩ Vincent de Paul dùng chữ đầu trong bài Giảng trên núi của Jêsus trong Kinh Thánh: Heureux qui… Phước thay cho những ai…) sang “Cám Ơn”.
    .
    Cám Ơn những ai! Heureux ceux qui.           
    Cám ơn những ai đã trọng bàn tay khô cằn và bàn chơn méo mó của tôi. Heureux ceux qui respectent mes mains décharnées et mes pieds déformés.
    Cám ơn những ai đã nói chuyện với tôi, dù ngày nay đôi tai của tôi không nghe kịp. Heureux ceux qui conversent avec moi, bien que j’aie désormais quelque peine à entendre leurs paroles.
    Cám ơn những ai đã hiểu ngày nay mắt tôi đã mờ, và óc tôi đã chậm. Heureux ceux qui comprennent que mes yeux commencent à s’embrumer et mes idées à s’embrouiller
    Cám ơn những ai đã bỏ thời gian và giữ nụ cười để nói chuyện với tôi. Heureux ceux qui, en perdant le temps à bavarder avec moi, gardent le sourire.
    Cám ơn những ai đã không nói rõ tôi rằng đây là lần thứ ba anh đã kể chuyện nầy rồi. Heureux ceux qui jamais me font observer: “C’est la troisième fois que vous me raconter cette histoire”
    Cám ơn những ai đã thốt tiếng yêu thương tôi và nói rằng tôi còn là con người hữu ích. Heureux ceux qui m’assurent qu’ils m’aiment et que je suis encore bonne ou bon à quelquechose.
    Cám ơn những ai đã giúp tôi đi sống với mùa thu của đời tôi. Heureux ceux qui m’aident à vivre l’automne de ma vie.
    Cám ơn quý bà con và thân hữu đã chia sẻ bài viết tuần nầy.

    Hồi Nhơn Sơn tháng 10 2016
    Phan Văn Song



    Saturday, October 15, 2016

    MIỀN TRUNG

    16/10/2016


    Những tấm lòng của những người đấu tranh cho dân chủ đối với lũ lụt miền Trung

    Ghi nhanh qua fb của Nhóm Bà Đầm Xòe
    clip_image001
    Lũ lụt ở miền Trung đang hoành hành tàn phá
    Tính đến cuối ngày 15, đã có 20 người bị chết và mất tích, 26.000 ngôi nhà bị ngập và nước cuốn trôi, nhiều vùng bị cô lập đã hai ngày nay. Sau thảm họa Formosa thải độc làm chết biển, chết cá, hải sản, nhân dân miền Trung như bị một cú đánh chí mạng làm sụn sương sống, còn lâu mới gượng dậy được. Nay lại bị thiên tai khủng khiếp chưa từng có vùi dập. Những gì còn lại gọi là tài sản, của cải cầm hơi cũng đã  tuột khỏi tay họ, trôi theo dòng nước về với sông suối biển cả.

    Chính phủ mới ra chỉ thị và thông báo yêu cầu cứu trợ cho miền Trung. Các hội đòan ăn tiền thuế, tức ăn mồ hội nước mắt của dân, chưa thấy hội đoàn nào lên tiếng. Chắc họ đang chờ chỉ thị của đảng, nhà nước hoăc họ còn ngỏng cổ lên ngóng hoặc phát giấy mời đến họp bàn…
    Trong khi đó mấy anh em có tiếng trong phòng trào đấu tranh dân chủ, người đang quyên tiền, quần áo, lương thực thuốc men, người đã đang trên đường đến chia sẻ cùng bà con.
    Tôi biết, những người này, họ chẳng giàu có gì. Họ làm ăn gì cũng bị chính quyền tìm cách ngăn chặn phá hoại trong nhiều năm nay, nhưng họ có tấm lòng vì dân vì nước, thương người như thể thương thân. Biết tin miền Trung bị lũ lụt nặng hoành hoành, trong đó có nguyên nhân xả nước hết cỡ từ các đập thủy điện ở trên thượng nguồn, họ tức tốc lên đường, nhanh chóng có mặt ở nơi đau thương để giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng đau thương cùng bà con.
    clip_image002
    “Bố phải đi Miền Trung, kể cả chỉ mang theo vài chục kí lương khô! Hẹn gặp bà con ở đó
    Tôi thật sự cảm động khi nghe sáng nay trên FB Dung Vova đăng tấm ảnh anh chia tay hai con nhỏ với tâm sự:
    “Bố phải đi Miền Trung, kể cả chỉ mang theo vài chục kí lương khô! Hẹn gặp bà con ở đó !
    Ai ủng hộ lương khô, thuốc lọc nước cho bà con miền trung thì có thể gửi qua đây, trên đường tôi gửi giùm: 0021000912104 – NH VCB chi nhánh Hà Nội. Lê Văn Dũng Cám ơn”.
    FB Hà Thanh, người mới bị tại nạn gãy xương bả vai, đang bó bột, không thể đi được, nhưng lòng anh vẫn hướng về bà con:
    “Anh không đi được xin đóng góp 500 ngàn chia sẻ với bà con. Chúc các bạn lên đường gặp nhiều thuận lợi may mắn nhé”.
    FB Thảo Teresa, lo lắng, cảm thương, uất hận:
    “Miền trung đau thương tiếp tục ghánh chịu mưa lũ. Nằm ngẫm số phận con dân nước Việt sao điêu đứng đau thương mãi thế này. Nhân tai chưa xong lại thiên tai,
    thảm hoạ Formosa vẫn còn nguyên đó, dân tôi mấy tháng nay chợ búa tiêu điều có bán cũng chả ai dám mua kiếm được một đồng chảy máu mắt… Vậy mà tối qua cái thằng đầu bạc mắt gian nó vẫn lên tivi cao giọng bàn về cái văn kiện mả mẹ của nó, bàn về suy thoái chỉnh đốn cái đảng quần què này. Nó chẳng hề một lời nhắc tới đồng bào miền Trung”.
    clip_image003
    “Lên đường… miền Trung ơi chờ nhé…”.
    FB Nguyễn Lân Thắng, chỉ có một thông báo ngắn gọn:
    “Lên đường… miền Trung ơi chờ nhé…”.
    Lúc này là 11 h đêm, xe anh đang hối hả lăn bánh tiến vào miền Trung.
    Fb Dũng Mai, chiều nay đang truyền dịch, cũng chỉ mong cho đỡ mỏi mệt để lên đường.
    “Ruột gan nóng như lửa đốt trước những hình ảnh ngập lụt ở Quảng Bình, Hương Sơn Hà Tĩnh… mà những Fbker bè bạn gửi về.
    Phải làm gì lúc này để giúp đồng bào miền Trung, nơi bà con đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tài sản mất hết, đói và rét nữa?
    Tôi nghĩ đến một chuyến cứu trợ cấp tốc của nhóm MAI info hoặc gửi tiền để anh em nhóm Áo Tơi của thầy Lê Quốc Châu và nhóm VÌ HƯƠNG SƠN của thầy Trần Đình Trợ – là những người có tấm lòng lại đang sống và làm việc Thiện tại miền Trung, đem tới chăn màn, quần áo, thực phẩm cho đồng bào của tôi trong đó.
    clip_image004
    Dũng Mai lòng như lửa đốt
    Hiện tại lúc này tôi vẫn đang phải truyền huyết thanh nhưng thật sự chỉ muốn rút kim để lên đường ngay lập tức.
    Cầu cho ông trời ngớt mưa gió, nước lụt rút đi cho đồng bào tôi đỡ khốn khổ”.
    11 giờ đêm FB Dũng Mai thông báo:
    “THÔNG BÁO DANH SÁCH ĐÓNG GÓP CỨU TRỢ LŨ LỤT MIỀN TRUNG
    Thay mặt MAI info, Dũng Mai xin Thông báo bản tin số 1
    Từ 19 giờ ngày hôm nay 15/10/2016, Quỹ Cứu Trợ Khẩn Cấp đã có sự chung tay như sau:
    1/ Bạn Van Trang: 2.000.000Vnđ (hai triệu đồng)
    2/ Chị
    Cam Ly Le: 2.000.000Vnđ (hai triệu đồng)
    3/ Bạn của MAI info (dấu tên): 2.000.000Vnđ (hai triệu đồng)
    4/
    Dũng Mai: 2.000.000Vnđ (hai triệu đồng)
    5/ Nhóm MAI info: 10.000.000Vnđ (mười triệu đồng)
    6/ Anh
    Hong Duc Nguyen: 500.000Vnđ (năm trăm ngàn đồng)
    7/
    Vũ Tường Vân: 2.230.000Vnđ (hai triệu hai trăm ba mươi ngàn đồng.
    8/
    Minh Đào: 1.000.000Vnđ (một triệu đồng)
    9/
    Bảo Nhi Lê: 1.000.000Vnđ (một triệu đồng)
    – Danh sách anh chị em ủng hộ đồng bào miền Trung sẽ được bổ sung ngay tại Status này.
    – Số tiền đợt 1 sau 3 giờ Thông báo thu được là 22.730.000Vnđ và Quỹ Cứu Trợ Khẩn Cấp sẽ được gửi tới tài khoản tại Hà Tĩnh của thày giáo
    Trần Đình Trợ và một phần chuyển vào tài khoản của Lã Việt Dũng ngay trong ngày mai.
    KÍNH BÁO
    P/s: Đây là Thông báo không phải là kêu gọi hoặc xin tiền”.
    FB NGuyễn Anh Tuấn đã đau đớn và căm giận, chỉ ra tai họa lũ lụt ở miền Trung là do đâu và nếu chúng ta cứ làm ngơ, tai họa còn ập đến là không thể tránh khỏi”
    “Nếu bạn biết địa hình miền Trung là dốc ra biển.
    Nếu bạn biết hàng ngàn năm qua, miền Trung chỉ có bão, lũ nhỏ, nhưng ko có lụt.
    (Lụt nếu có chỉ xảy ra trong ngắn ngày, với các thung lũng nhỏ, chứ không phải trên cả huyện, cả tỉnh như bây giờ)
    Nếu bạn biết rừng Trường Sơn vốn rậm rạp, có khả năng giữ nước, chống lũ như thế nào.
    Nếu bạn biết thuỷ điện tích nước, làm chết tất cả cây rừng trên diện rộng.
    Rồi, cũng chính thuỷ điện, khi mưa to, nước nhiều, lại xả thêm ra trong khi khu dân cư bắt đầu bị ngập, khiến lụt thêm trầm trọng.
    Nếu bạn biết, địa hình miền Trung như thế, ko phù hợp để làm thuỷ điện.
    Nếu bạn biết làm thuỷ điện, các nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền ra một lần, rồi ngồi hưởng cả trăm năm, nên họ tìm mọi mưu ma chước quỷ để làm.
    Nếu bạn biết các tội ác đó đang diễn ra hàng ngày. Phá Nước, hại Dân bằng rất nhiều kiểu cách.
    Thì Bạn có thể tiếp tục làm ngơ, và tin rằng gia đình mình sẽ tránh được tất cả?”.
    Trong khi lúc này, quan tỉnh Hà Tĩnh, ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh bình tâm cho biết, đập Hố Hô xả hết cỡ  khiến người dân không kịp trở tay như vậy. Ngập lụt chia cắt 2 tỉnh miền Trung, 20 người chết và mất tích. Đây là trận Mưa lũ lịch sử, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiều nơi cô lập hoàn toàn, nước dâng cao ngập mái nhà. Đã có 20 người chết và mất tích”.
    Nhân dân khốn khổ, khốn nạn như vậy mà thông tin của ông ta ráo hoảnh như người đứng ngoài cuộc quan sát.
    Ôi, các bạn, những người quả cảm trong đấu tranh chống độc tài đảng trị, cũng là con người yêu nước, thương nòi. Tôi kính trọng các bạn. Tôi cầu mong cho chế độ độc tài đảng trị sớm sụp đổ để những người như các bạn mang lại nhiều lợi ích cho dân cho nước.

    HẾT CỘNG SẢN

    16/10/2016


    Ngoại trưởng Mỹ: Không còn ‘tàn dư cộng sản’ ở Việt Nam

    clip_image001
    Ngoại Trưởng Kerry phát biểu tại cuộc hội thảo về môi trường biển tại Washington DC ngày 15 tháng 9, 2016 vừa qua. (Hình: Getty Images)
    PALO ALTO, California (NV) – Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho rằng không còn chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam hiện nay, mà đó chỉ là một xứ độc tài đảng trị nhưng theo đuổi chủ nghĩa tư bản “cuồng nhiệt”.

    Hôm thứ Hai vừa qua, Ngoại Trưởng John Kerry đến vùng “thung lũng điện tử” của California tham dự một cuộc hội thảo bàn tròn về an ninh mạng cũng như vai trò của Internet đã và đang làm thay đổi thế giới, do tổ chức Virtuous Circle mời ông làm diễn giả.
    “Tôi đã chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam và chúng ta đã đến đó để ngăn chặn nơi này bị cộng sản hóa và chúng ta đã thiệt hại hơn 58.000 sinh mạng trong một nỗ lực kéo dài 10 năm, một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cách mà chúng tôi làm bằng cách bình thường hóa quan hệ mà tôi và ông John McCain cùng bắt tay nhau khởi xướng, gỡ bỏ cấm vận gồm cả thương mại và bây giờ không còn tàn dư Cộng Sản Chủ Nghĩa (ở Việt Nam) vốn chỉ là một lý thuyết kinh tế và kế hoạch”.
    Ông John Kerry nói trong buổi hội luận nói trên như thế và cho rằng Việt Nam hiện chỉ là một nước hăm hở đuổi theo tư bản chủ nghĩa mà trong đó người dân tiếp cận được với Internet.
    Ông Kerry nhìn nhận rằng nước Việt Nam bây giờ vẫn còn là “một nước độc tài độc đảng và vẫn còn đàn áp nhân quyền bên cạnh những vấn đề khác.” Tuy vậy, theo ông “theo thời gian, nó đang có dấu hiệu thay đổi.”
    Ngoại Trưởng Kerry từng quay lại Việt Nam nhiều lần từ khi còn là một nghị sĩ và cả khi ông mới nhận ghế ngoại trưởng không bao lâu. Hồi tháng 5 vừa qua, ông cũng tháp tùng Tổng Thống Barack Obama đến Việt Nam.
    Ông John Kerry là một trong những người có vẻ tin tưởng rất nhiều vào sự thay đổi dân dần tại Việt Nam dù trong thực tế chế độ Hà Nội vẫn sử dụng hệ thống công an đàn áp nhân dân dưới nhiều hình thức.
    Ngày 28 tháng 9, 2016 vừa qua, phát biểu tại hát biểu tại Trung Tâm Wilson, Washington DC, ngoại trưởng Mỹ khi bênh vực cho Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ông nêu ví dụ Việt Nam, rằng những gì đang diễn ra tại đây là “không thể tin được”.
    Theo ông, nếu không thông qua Hiệp Ðịnh TPP sẽ không chỉ gây tổn hại cho hoạt động thương mại của Mỹ, mà còn là cơ hội khuyến khích các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Triều Tiên lấn tới, trong khi các các đồng minh và đối tác khu vực hoài nghi quyết tâm của Mỹ.
    Mới ngày 4 tháng 10, 2016 vừa qua, khi đến Brussels, Bỉ, ngoại trưởng Mỹ đã lạc quan cho rằng Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ “nâng các tiêu chuẩn” tại Việt Nam. Dịp này ông cũng đã cho rằng, “Cộng Sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam.”
    Vậy là guồng máy tuyên truyền của nhà cầm quyền lâu nay đang cố gắng bịp nhân dân Việt Nam, khác với những gì ông Kerry nhìn thấy?

    BẠCH HÒAN * MIỀN TRUNG NGẬP LỤT

    16/10/2016


    Người dân miền Trung còn gì?

    Quảng Bình 8.000 ngôi nhà bị ngập.
    Hà Tĩnh 24.158 ngôi nhà bị ngập.
    Những tấm hình người dân đứng trên nóc nhà, bơi trong dòng nước lũ đục ngầu, tôi thấy có người vẫn cười. Có phải vì đã quá quen? Có phải vì bất lực mà cười trừ? Hay đó là những nụ cười trong cay đắng?
    clip_image002

    Tôi chưa tìm thấy thông tin nhà máy thuỷ điện Hố Hô đóng góp vào ngân sách Hà Tĩnh mỗi năm bao nhiêu tiền. Nhưng tôi biết, một túi nước 38 triệu khối treo lơ lửng ở độ cao 72m là mối đe doạ khủng khiếp với người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình mỗi mùa mưa đến. Năm 2010, thuỷ điện Hố Hô đã khiến 20.000 hộ dân Hà Tĩnh phải sơ tán khẩn cấp. Nay, họ lại xả lũ khiến hơn 24.000 hộ dân rơi vào cảnh ngập lụt.
    Formosa đã cướp mất sinh kế trên biển của người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người dân xứ ấy bây giờ sống bám vào ruộng vườn, trâu bò, heo gà... Nhưng, hồ Bộc Nguyên xả lũ với lưu lượng đến 200 m3/giây, hồ thượng Sông Trí xả lưu lượng 100m3/giây, nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng 500-1.800m3/giây. Những bám víu cuối cùng của người dân đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
    Ở Hà Tĩnh, 99.000 con gia cầm, 2.000 con trâu, bò, heo bị chết và cuốn trôi… Ở Quảng Bình, 43.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi, 270 ha diện tích nuôi trồng thủy sản chuẩn bị thu hoạch bị lũ cuốn, hàng chục tàu thuyền bị chìm, lật úp và trôi ra biển…
    Những người dân miền Trung bây giờ còn lại thứ gì? Còn lại mạng sống ư? Còn sống là còn hi vọng ư? Ở Thôn 6, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có một người đàn ông tên Trần Văn Trung. Anh Trung sinh năm 1985, hơn tôi một tuổi. Lũ bất ngờ ập về, anh giúp hàng xóm di dời tài sản và bị sẩy chân ngã xuống dòng lũ dữ. Bây giờ thì thi thể anh đã được tìm thấy. Anh Trung mất rồi.
    Có 20 người đã chết và mất tích vì mưa lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.
    Đập thuỷ điện đã xả lũ từ đêm qua khiến người dân không kịp trở tay. Nhưng, đến tận 3 giờ chiều nay, Bộ Công thương mới có công điện, trong đó chỉ đạo các chủ hồ đập thuỷ điện phải vận hành đúng quy trình được phê duyệt và thường xuyên thông báo cho các địa phương vùng hạ du.
    Cũng phải thôi. Trâu bò heo gà là của dân. Nhưng thuỷ điện lại là của họ…
    B.H.

    LÊ DŨ CHÂN * TỔ QUỐC

    Xin đừng quên tổ quốc

    Lê Dủ Chân (Danlambao) - Sau thời "đổi mới kinh tế", từ năm 1987 đến nay xã hội Việt Nam ngoài hai tầng lớp cai trị là đảng viên đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền lực và tài sản quốc gia và bị trị là tuyệt đại bộ phận nhân dân vô sản đã hình thành một tầng lớp thứ ba, càng ngày càng lớn mạnh đó là tầng lớp tư sản trung lưu. Họ cũng thuộc lớp người bị trị nhưng nhờ vào lỗ hổng của chế độ sau thời mở cửa, nhờ vào kiến thức, kỷ năng sẵn có mà ăn nên làm ra và có thế đứng trong xã hội.
    Tầng lớp này là cái sườn tạo nên ngôi nhà XHCN, là đào kép trong vở tuồng "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Họ lần lần chiếm lĩnh những vị trí, nghành nghề, cơ sở thiết yếu trong xã hội cũng như những địa bàn quan trọng như trung tâm thủ đô, trung tâm các thành phố, đô thị trên cả nước. Mặc dầu là thiểu số nhưng họ là gạch nối trung gian giữa tầng lớp cai trị là các quan chức cộng sản và tầng lớp bị trị là đại đa số người dân nghèo khổ, bạch đốc vô văn đang sống lây lất trên khắp cả nước. Thiếu đi tầng lớp này nước Việt Nam sẽ hiện nguyên hình là một nhà tù vĩ đại trong đó hơn 90 triệu dân bị cưỡng bách lao động khổ sai để nuôi sống tập đoàn cai tù là đảng cộng sản và nhà nước của nó.
    Không ai có thể chối cải được rằng, cho đến hôm nay ngoài tầng lớp cai trị có khoảng 4 triệu đảng viên đảng coộng sản ra, đại bộ phận người dân Việt gồm hai thành phần của tầng lớp bị trị là vô sản và tư sản trung lưu đã thấy rõ bộ mặt thật của đảng cộng sản, đã xác định được đảng cộng sản là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồi tệ hôm nay của đất nước. 
    Thế nhưng, đều đáng buồn là giới tư sản trung lưu hình như đã quên đi mình cũng thuộc về gia cấp bị trị, quên đi mình mới chính là lực lượng nòng cốt phải nhận lấy trách nhiệm trước tổ quốc và nhân dân trong công cuộc tranh chống độc tài toàn trị, chống bất công xã hội đang diễn ra trên đất nước này!
    Có người cho rằng nguyên nhân chính là do sự sợ hãi làm cho họ, tầng lớp trung lưu tư sản trở nên hèn yếu, bạc nhược trước cuộc sống. Cá nhân tôi không phủ nhận nguyên nhân trên, nhưng cho rằng sự sợ hãi chỉ là hệ lụy của một trong những yếu tố cấu thành bản chất của con người nói chung và người Việt nói riêng đó là tính tư kỷ. Tính tư kỷ bao giờ cũng phát triển theo tỉ lệ thuận với sự hạn chế của tự do và sự thiếu thốn về vật chất. 
    Độc tài càng chuyên chính, nghèo đói càng gia tăng, cuộc sống càng khó khăn thì tính tư kỷ, lòng ích kỷ càng phát triển. 
    Tầng lớp tư sản trung lưu trong xã hội chúng ta hôm nay nằm trong tình trạng đó. Mặc dầu không theo, không thích và đã thấy được những bất cập và sai lầm của chế độ, nhưng họ vẫn quay lưng lại với trách nhiệm thời đại của mình trước tổ quốc và nhân dân, bởi vì họ sợ, không phải họ sợ cường quyền, bạo lực mà họ sợ mất đi những gì mà bản thân, gia đình, con cái của họ đang có được nhờ vào chế độ này.
    Đó là lý do tại sao tại thủ đô Hà Nội, thành phố Sài Gòn cũng như các đô thị lớn khác có dân số từ hai ba triệu đến tám chín triệu người, là nơi tập trung những "đại gia", "tiểu gia", giáo sư, luật sư, bác sĩ, kỷ sư, giáo viên, ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ thành danh, doanh nhân, chủ nhân những cơ sở sản xuất, cơ sở thương mãi nhỏ lớn, sở hữu những căn nhà "mặt tiền" trên những đường phố khang trang trị giá vài chục tỷ đồng... nhưng khi xuống đường biểu tình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc, để đòi tự do dân chủ, dân quyền, nhân quyền, công bằng xã hội, môi trường sinh sống trong lành cho người dân thì chỉ có dân oan, người lao động và lớp trẻ mới vào đời hoặc chưa vào đời là những người "không có gì để mất" tham gia!
    Và đó cũng là một trong những lý do tại sao cái chế độ độc tài, rừng rú, man rợ này còn tồn tại trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đến ngày hôm nay!
    Con người sinh ra, lớn lên ai cũng muốn có danh và lợi. Tuy nhiên danh và lợi có được nhờ vào chế độ độc tài, bán nước hại dân như chế độ cộng sản hiện nay tại đất nước chúng ta không ít thì nhiều cũng đã vấy máu, mồ hôi, nước mắt của người dân bị trị. Hy vọng giới trí thức trung lưu hữu sản Việt Nam hôm nay nhận thức được điều này để ĐỒNG LÒNG ĐỨNG LÊN cùng với người dân vô sản lật đổ chế độ độc tài, rừng rú, man rợ này trước là bảo vệ cho bản thân, gia đình, tương lai con cháu của mình, sau nữa là bảo vệ cho quốc gia và dân tộc khỏi đi vào tròng lệ thuộc ngoại ban. 
    Nước mất là mất tất cả không lẽ các người không biết.
    14/10/2016

    TRẦN QUỐC VIỆT * CỐT KHỈ

    Truyện ngụ ngôn Aesop - Cốt khỉ hoàn cốt khỉ

    Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vua sai người dạy bọn khỉ học khiêu vũ. Nhờ tài bắt chước cực khéo những cử chỉ của con người nên chúng tỏ ra là những học trò giỏi nhất. Khi được mặc áo quần lộng lẫy và đeo mặt nạ, chúng khiêu vũ không thua gì cung nữ. Cuộc trình diễn thường được tán thưởng nhiệt liệt cho tới lần nọ một người cận thần tinh nghịch lấy trong túi ra nắm hạt dẻ ném lên sân khấu.
    Bọn khỉ thấy hạt dẻ liền quên cả khiêu vũ và trở lại cốt khỉ chứ không còn là nghệ sĩ. Kéo phăng mặt nạ ra và xé toang áo quần, chúng lao vào đánh nhau để giành hạt dẻ. Cuộc trình diễn khiêu vũ vì thế chấm dứt giữa bao tiếng cười và chế diễu của khán giả.
    Nguồn:
    Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh “The Dancing Monkeys”.

    Bản tiếng Việt:


    NGUYÊN THẠCH * TRUNG CỘNG, VIỆT CỘNG LÂM TỬ

    Hồi chuông báo tử cho Trung Cộng và Việt Cộng

    Nguyên Thạch (Danlambao) - Sự chuyển mình của thế giới qua nhận thức về Tàu cộng cùng sự nguy hiểm của nó có liên quan trầm trọng đến những vấn đề như: Nhân phẩm, nhân sinh, chất độc hại tung ra thế giới, mổ cướp nội tạng dã man, ngang ngược lấn chiếm biển đảo không thuộc chủ quyền của họ, đe dọa an ninh của các quốc gia lân bang. Trật tự cho một Thế giới mới sẽ dấy nên trào lưu BÀI TÀU CỘNG - BOYCOTT CHINA nhằm bảo tồn hành tinh này, đó là quan điểm và hành động nhất quán của nhân loại văn minh.
    Dân tộc Việt Nam không thua gì dân tộc Nhật Bản hay Đại Hàn nhưng sau hơn 70 năm dưới sự cai trị của ĐCSVN, đất nước chúng ta đã tụt hậu và thua sút hẳn các nước lân bang và cả thế giới. Khi Tàu cộng bị đánh sập thì Nguyễn Phú Trọng cùng ĐCSVN phải ra đi, đó là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra. Người Việt nội ngoại sẽ cùng nhau góp tay xây dựng lại một Việt Nam Dân Chủ Nhân Bản và phú cường.
    *
    Qua những sự kiện thời sự được xem là nóng bỏng nhất hiện nay, người viết xin tóm tắt như sau:
    1- Ứng cử viên Tổng thống của Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã thể hiện quyết tâm không chấp nhận Trung cộng lấn chiếm một cách bất hợp pháp và tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông, từ quyết tâm này có thể sẽ dẫn đến “Thế giới chiến thứ III” (1)
    2- Tướng Mark Milley, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ chính thức công bố sẵn sàng Thế Chiến Thứ 3 để đáp trả đánh bại các kẻ thù Nga, Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn hay bất cứ kẻ thù nào, ở bất cứ nơi đâu trên toàn Thế giới. Tình hình đang rất nghiêm trọng... Tướng Mark Milley tuyên bố: "We will beat you harder than ever before" (Chúng tôi sẽ đánh các người nặng nề hơn bất cứ lúc nào trước đây.) (2)
    3- Mỹ đã đưa vũ khí, các chiến hạm, tàu sân bay tối tân nhất, tàu ngầm có khả năng phóng hỏa tiễn đạn đạo có mang đầu đạn nguyên tử. (3)
    4- Mỹ - Nhật - Pháp tái hình thành "liên minh 8 nước", Trung Quốc đang "run"? (4)
    5- Tổng thống Nga Vedra Putin ra lệnh kêu gọi công dân Nga ở nước ngoài như du học sinh, doanh nhân, cán bộ viên chức nhà nước phải trở về Nga để phòng thủ khi bị bao vây và tấn công (5)
    Dựa trên những sự kiện thực tế như đã nêu. nó tạo cho người viết những cảm nhận và đưa ra những giả thuyết sau đây và được xem là hợp lý, mặc dù tình hình của những sự xung đột có thể có những diễn tiến khác đi mà không ai có thể cả quyết là nó sẽ đi về hướng nào, cũng như kết quả kết cuộc sẽ ra sao, trong đó kể cả những nhà thông thái hoạch định chiến lược cũng thể tránh được những sai số nhất định.
    Thế thì những điều mà tác giả ghi ra đây chắc chắn sẽ làm rất nhiều người ngạc nhiên và xa hơn nữa là thái độ phủ nhận vì những điều mà tác giả trình bày này, nó được xem là những nhận định không phổ quát, nghĩa là nó khác hẳn với những nhận định phổ thông của đại chúng.
    Tôi xin đi ngay vào vấn đề:
    Trở lại vấn đề VN mà trước đây tôi đã nhận định rằng: Việt Nam không thể tự nó giải quyết chuyện giải thể chế độ cộng sản hay nói một cách khác là lật đổ chế độ toàn trị này mà phải do những tác động ngoài nước. Tác động ấy, không ai khác hơn là Hoa Kỳ là chính cùng một số quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ hỗ trợ.
    - Sự chuyển mình của thế giới qua nhận thức Tàu cộng cùng sự nguy hiểm của nó về nhân phẩm nhân sinh, chất độc hại tung ra thế giới, mổ cướp nội tạng dã man, ngang ngược lấn chiếm biển đảo không thuộc chủ quyền của họ, đe dọa an ninh của các quốc gia lân bang. Trật tự cho một Thế giới mới sẽ dấy nên trào lưu BÀI TÀU CỘNG - BOYCOTT CHINA nhằm bảo tồn hành tinh này, đó là quan điểm và hành động của nhân loại văn minh. (6)
    - Cộng sản Việt Nam rồi cũng sẽ chẳng khá gì hơn khi đảng đã hiện nguyên hình lòi mặt chuột đục phá đất nước chứ chẳng giúp được gì cho tiến trình phát triển quốc gia mà thế giới đã chửi xéo “Việt Nam là một quốc gia không muốn phát triển!”. Giờ đây, đảng bị xem là kẻ thù của cả dân tộc quốc nội lẫn hải ngoại. Không bạn bè, không đồng minh, không thân hữu ngoài đàn anh Trung cộng nhưng oái ăm thay, người “đồng chí duy nhất” cũng luôn rình mò, mưu mẹo, toan tính trở mặt và luôn chực hờ cướp giựt và thôn tính. Cộng sản VN cô đơn và thất thế hơn bao giờ hết, số phận của nó cũng chẳng may mắn gì hơn thằng đàn anh, thằng ông nội Tàu cộng đang bị bao vây, tứ bề thọ địch. Chủ không vững thì tôi tớ cũng lung lay. Người Việt hãy giữ vững chính nghĩa, giữ vững niềm tin xây dựng lại đất nước trong một ngày không xa. (7)
    Ai cũng biết rằng do đặc thù của Cơ Chế độc tài toàn trị không có Tam quyền phân lập mà cũng chẳng có Đệ tứ quyền là Tự do ngôn luận, tự do thông tin. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là địa hình của VN nằm ngay bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ đông dân, có quá trình lịch sử luôn dòm ngó những động tĩnh của nước này. Sự khó khăn của VN càng tăng khi quốc gia láng giềng càng trở nên hùng hậu về quân sự. Đã thế, lại thêm những điều tệ hại hơn là đảng và nhà nước hiện hành với thái độ nhu nhược hèn yếu, sẵn sàng qui thuận ngoại bang kề cận với mật ước là Trung Cộng sẽ sẵn sàng cứu giúp Việt Cộng mỗi khi có biến động, và đổi lại là CSVN đồng ý cho nước lớn này thống trị, nên ước muốn thoát ách độc tài dưới bàn tay của ĐCSVN càng trở nên gian nan gấp bội. Đây có lẽ là lý do khiến người dân VN chùn bước, ngại hy sinh, sự chùn bước này qua biểu hiện bằng sự im lặng, thái độ thối thoát, không muốn đấu tranh, họ lo sợ trực diện trước hai kẻ thù tàn bạo sẵn sàng đàn áp không nương tay, đó là ĐCSVN và thế lực ngoại bang hung hãn Tàu cộng.
    Tuy nhiên, trong sự im lặng nặng nề của đa số dân chúng VN, nó còn ẩn chứa sự bất mãn tột cùng, lòng căm thù ví như triệu đợt sóng ngầm trong lòng đại dương êm ả nhưng sẵn sàng dậy nên hàng đợt sóng thần để cuốn trôi bè lũ thống trị khỏi hệ thống xã hội hiện nay. Những sự căm thù ấy đã biểu hiện qua các cuộc xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Thái Hà, Bình Thuận, Đồng Nai cùng một số địa phương nhỏ khác khắp nước mà rõ nét nhất gần đây là sự tập hợp của giáo dân, ngư dân cùng dân chúng ở Vũng Áng Hà Tĩnh, cũng như 4 tỉnh miền Trung phản đối thế lực ngoại bang tàn phá môi sinh trong sự nối giáo bao che của ĐCSVN.
    Sự bất mãn cũng như phản ứng cùng khắp của người dân đã nói lên ý nguyện rằng dân chúng VN muốn có sự thay đổi trong guồng máy nhà nước mà mục đích cuối cùng là thay thế hẳn chế độ. Ý nguyện này tạm thời bị trì trệ bởi ĐCSVN còn có được “sự đỡ đầu” của Trung cộng, nhưng khi chỗ dựa này bị lung lay hoặc bị đánh sập thì sự bảo kê hẳn sẽ không còn. Từ đó ĐCSVN như một con bệnh yếu đuối sẵn sàng ngã quị bất cứ lúc nào.
    Dân tộc Việt Nam không thua gì dân tộc Nhật Bản hay Đại Hàn nhưng sau hơn 70 năm dưới sự cai trị của ĐCSVN, đất nước chúng ta đã tụt hậu và thua sút hẳn các nước lân bang và cả thế giới. Khi Tàu cộng bị đánh sập thì Nguyễn Phú Trọng cùng ĐCSVN phải ra đi, đó là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra. Người Việt nội ngoại sẽ cùng nhau góp tay xây dựng lại một Việt Nam Dân Chủ Nhân Bản và phú cường.
    _____________________________
    Ghi chú:

    SƠN TRUNG * CÁC PHẠM TRÙ TRIẾT HỌC


    CÁC PHẠM TRÙ TRIẾT HỌC 
    SƠN TRUNG


    Các triết gia khi phân tích các sự vật đều nhận thấy rằng có những cặp đôi xem ra mâu thuẫn nhau nhưng chúng cũng có tương tác, tương tùy và kết hợp với nhau.

    Âm dương trong kinh Dịch chính là một cặp phạm trù. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh đã nêu lên những cặp phạm trù: hữu vô, nan dị, trường đoản,cao hạ ... (1)

    Trong triết học Tây phương, người ta nhận định rằng từ đời cổ đến nay, có ba triết gia chú trọng về các cặp phạm trù. Đó là
    Các phạm trù của Aristotle
    Các phạm trù của Immanuel Kant
    Các phạm trù của Georg Hegel

    Marx và Engels  theo Hégel mà nói về các cặp phạm trù.

    I. PHẠM TRÙ TRONG TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO
    Thời Đức Phật tại thế, Ấn Độ có nhiều triết phái tranh luận về triết lý. Đức Phật không thích tranh luận về những vấn đề viễn vông, không ich lợi cho nhân sinh và đạo Pháp. Các vị Bà La môn cực đoan tranh luận với nhau và họ cũng đến hỏi đức Phật về các vấn đề trên:

    -"Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". (Trung Bộ Kinh II, 63. Tiểu kinh Màlunkyà)

    Hoặc họ  bàn cãi về chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với bốn luận chấp (Trường Bộ Kinh I, Kinh Phåm Võng, Trong phẩm thứ hai).


    Phật không muốn tham gia vào những tranh luận đó nhất là những đề tài mâu thuẫn với nhau. Ngài nói:

    "Tất cả là có", này Kaccàyana, là một cực đoan. "Tất cả là không có" là cực đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo. (Tương Ưng 2, XV. Kaccàyanagotta)


    Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Thế nào là các hành và các hành này là của ai?" Hay này các Tỷ-kheo, các Ông có thể nói: "Các hành và người có các hành này khác", hai câu hỏi ấy đồng nghĩa, chỉ có văn sai khác. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là một", chỗ ấy, này các Tỷ-kheo, không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: "Sinh mạng và thân thể là khác", chỗ ấy, này các Tỷ-kheo, không có Phạm hạnh trú. Này các Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo, nói rằng: "Do duyên vô minh, có các hành"


    (Tương Ưng II, Chuong I, TươngƯng Nhân Duyên)

    Các đệ tử cua Đức Phật cũng trình bày với Đức Phật những thắc mắc siêu hình nhưng đức Phật không trả lời,Ngài dạy:


    Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm "Thế giới là hữu biên". Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm "Thế giới là vô biên". Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm "Thế giới là hữu biên", hay dầu cho có quan điểm "Thế giới là vô biên", thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. . . ..

    Và này Malunkyaputta, điều gì Ta không trả lời? "Thế giới là thường còn", này Malunkyaputta là điều Ta không trả lời. "Thế giới là vô thường" là điều Ta không trả lời. "Thế giới là hữu biên" là điều Ta không trả lời. "Thế giới là vô biên" là điều Ta không trả lời. "Sinh mạng này và thân này là một" là điều Ta không trả lời. "Sinh mạng này và thân này khác" là điều Ta không trả lời. "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là điều Ta không trả lời. "Như Lai không có tồn tại sau khi chết" là điều Ta không trả lời. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là điều Ta không trả lời. "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là điều Ta không trả lời.

    Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.

    Và này Malunkyaputta, điều gì Ta trả lời? "ñây là khổ", này Malunkyaputta là điều Ta trả lời". "ñây là khổ tập" là điều Ta trả lời. "ñây là khổ diệt" là điều Ta trả lời. "ñây là con đường đưa đến khổ diệt" là điều Ta trả lời. (TRUNG BỘ 2, 63. Tiểu kinh Màlunkyà)



    Qua đoạn kinh văn trên, ta thấy đức Phật không trả lời các vấn đề triết học phức tạp của đương thời, bi vì Ngài không chú trọng lý thuyết, Ngài chú trọng dạy đệ tử hành động, chú trọng tu tập, thực hành con đường diệt khổ.


    Tư tưởng của Ngài không lập dị, khác đời. Tư tưởng của Ngài cũng là tư tưởng của những bậc thiện trí thức:
    Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không". Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "có", Ta cũng nói là "có".

    (Tương Ưng III, Tập III- Thiên Uẩn [22] Chương I Tương Ưng Uẩn (f)V. Phẩm Hoa)



    Đương thời, đức Phật chỉ trích những kẻ đề cao không tánh, luôn luôn nói ''không'' trong khi họ có nhiều thứ:
    Ở đây, này Visàkhà, có hạng Sa-môn tên là Niganthà,. . trong ngày Uposatha, họ khích lệ đệ tử như sau: "Này các Ông, hãy quăng bỏ tất cả áo quần và nói như sau: "Ta không có bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào. Bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào, không có cái gì là của ta. " Nhưng cha và mẹ của người ấy biết người ấy là con của mình. Và người ấy biết họ là cha mẹ của mình. Vợ và con người ấy biết người ấy là chồng, là cha của mình, và người ấy biết họ là vợ, là con của mình. Các người nô tỳ làm công biết người ấy là chủ của họ. Và người ấy biết họ là nô tỳ, là nhân viên của mình. Như vậy, trong thời gian đáng phải khích lệ đúng với sự thật, trong thời gian ấy, lại được khích lệ bằng điều nói láo. (Tăng Chi Bô I, Chương III, Ba pháp. Phẩm nhỏ, 234-235)



    Thật vậy, đức Phật không tham gia vào những cuộc tranh luận giữa thường kiến và đoạn kiến. Ngài không đề cập đến Hữu và Không, hoặc chủ trương ‘’tất cả là có’’ hay ‘’tất cả là không’’. Ngài nói:

    Bậc hiền không tìm đến,
     Cả Hữu và Phi Hữu (Tiểu Bộ Kinh I, Kinh Tập, 432)


    Mặc dầu không tham dự vào các cuộc tranh luận với các giáo phái đương thời, đức Phật đã bày tỏ quan điểm của Ngài về thế giới. Ngài chú trongvề vô thường và luân hồi.


    1. Vô thường:
    Đức Phật không phủ nhận hiện hữu của sự vật nhưng Ngài cho rằng vạn vật vô thường, nghĩa là vạn vật hiện hữu trong một thời gian, không gian nào đó rồi sẽ thay đỗi theo quy luật sinh, lão bệnh, tử hoặc sinh thành hoại diệt. Thân thể ta, tánh mạng ta, tài sản ta, tuổi xanh của ta, tự ngã của ta, sắc, thọ, tưởng, hành thức của ta cũng phai màu, nhạt sắc và biến hoại. Tư tưởng này giống tư tưởng biến dịch của Khổng môn và Lão giáo. Heraclitus cũng nhận định vũ trụ là vô thường " ‘’Không bao giờ ta tắm hai lần trong một dòng sông"



    Đó là một sự thật, mà sự thật thì không bi quan, chủ quan. Sự thật này rất hiển nhiên nhưng không phải ai cũng hiểu được. Người ta muốn giàu bền, trẻ mãi, khoẻ mãi. Rồi già đến, bệnh đến, thất bại, chia lìa, mất tài sản., mất địa vị, con người sinh ra đau khổ. Đức Phật nhấn mạnh điều này là để thức tỉnh người đời chìm đắm trong chấp hữu để rồi đau khổ, bệnh tật. Do đó đức Phật đã dạy ngũ uẩn là vô thường:

    Này các Tỷ-kheo, biết sắc là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt; vị ấy thấy tất cả sắc xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. . . Này các Tỷ-kheo, biết thọ là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt, vị ấy thấy tất cả thọ xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn .(Tương Ưngg III, V. V. Phẩm Tự Mình Làm Hòn đảo.)



    Ngài luôn dạy về vô thường, vô ngã như đoạn kinh sau:
    Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, có người không có (tà) kiến như sau: "ñây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi". Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chi mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái để đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Vị ấy không nghĩ như sau: "Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại". Vị ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc; vị ấy không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy là có cái không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn. (Trung bộ Kinh I, Kinh xà du).



    2. Luân hồi:
    Con người và súc sanh ở thế gian này, cùng chư thần linh ở cõi trời, ma quỷ và vong linh trong địa ngục đều luân hồi. Luân hồi tức vô thường, nhưng luân hồi là vô tận nếu chúng sinh không chứng đạt Niết Bàn. Luân hồi là có thực ở trong thế giới hữu hình và vô hình theo quan điểm của Phật giáo. Trọng điểm của đạo Phật là luân hồi cho nên Đức Phật đã nói nhiều về luân hồi:

    Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
    Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, sữa mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?
    - Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ mà chúng con đã uống trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển! (Tương Ưng II, Tập II - Thiên Nhân Duyên[15] Chương IV.Tương Ưng Vô Thỉ .I. Phẩm Thứ Nhất, 211)



    Những đoạn kinh trên cho thấy rằng đức Phật nhận định đúng thực trạng và bản chất của sự vật chứ không phải lúc nào Ngài cũng nói không. Đức Phật nhấn mạnh vô thường và luân hồi, và sự an lạc, bất diệt chỉ tồn tại ở Niết Bàn. Có hai thế giới: một thế giới vô thường, luân hồi, và một thế giới an lạc của Niết Bàn do sống đạo hạnh, tu tập thiền định và trí tuệ.Sự thực luân hồi có ngay trong cuộc sống. Sinh,lão, bệnh ,tử là luân hồi. Sinh trưởng trụ diệt là luân hồi. Cây trưởng thành sinh chồi nẩy lộc là luân hồi...
    Cái nhìn của đức Phật là cái nhìn biến động của biện chứng pháp. Lý luận của Ngài giống cách lý luận của Lão Tử Đạo Đức Kinh và tinh thần của Bất nhị pháp môn. Ngài nói:

    -Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn. (Tương Ưng V. Chương IV.Tương Ưng Căn (b) V. Phẩm Về Già. 229)
    -Phàm pháp gì đã sanh rồi phải diệt. (Trường Bộ III, Kinh Đại Bổn, 42)
    -Không có cái gì sanh mà không già và chết. ( Tương Ưng Bộ Kinh I, Kinh Kosala, 86)

    Sau khi đức Phật tịch diệt, các ngài Long Thọ (Nagarjuna- khoảng từ 150 tới 200 năm sau Công Nguyên ), Mã Minh (aśvaghosha, zh. 馬鳴, sinh khoảng năm 80 CN – mất khoảng năm 150 CN). Hai vị này là hai tổ phái Đại Thừa Phật giáo chú trọng thuyết không tánh (Sunyata).Tác phẩm của Ngài Long Thọ rất nhiều nhưng quan trọng nhất là ở bộ Trung Luận (Madhyamaka Sàstra), là cơ sở chủ yếu của Triết học Trung Quán (Madhyamaka philosophy) và Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita Sutras) . Ngài Mã Minh nổi danh với tác phẩm Đại thừa khởi tín luận (sa. mahāyānaśraddhotpāda-śāstra).

    Tánh Không ấy, do vậy, ở ngoài tất cả ngã tính như thường, đoạn; sinh, diệt; khứ, lai; nhất, dị; tốt, xấu; toàn, bất toàn; v.v... như hai bài kệ đầu của Trung Quán Luận đã nói:

    1. "Bất sanh diệc bất diệt,
    Bất thường diệc bất đoạn,
    Bất nhất diệc bất dị,
    Bất lai diệc bất xuất"

    2. "Năng thuyết thị nhân duyên
    Thiện diệt chư hý luận
    Ngã khể thủ lễ Phật
    Chư thuyết trung đệ nhất"


    (Không sanh cũng không diệt,
    Không thường cũng không đoạn,
    Không đồng nhất cũng không dị biệt,
    Không đến cũng không đi.


    Nói rõ thuyết nhân duyên ấy,
    Khéo dập tắt các hý luận.
    Con cúi đầu lễ Phật
    Bậc thuyết giảng đệ nhất trong các bậc thuyết giảng)

    Thật ra ngài Long Thọ nêu lên thuyết Tánh không cũng chỉ là quảng diễn thuyết Vô thường. Vô thường thì nay có mai không cho nên tất cả là không. Thuyết này cũng khuyên răn người đời chớ tham luyến. Không tánh thật ra chủ trương Hữu Vô là hai mặt của một sự vật.

    Ngài Long Thọ trong Trung Luận cũng như Kinh Dịch cho rằng Hữu và Không kết hợp chặt chẽ:
    Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành. 
    Nhược không vô nghĩa giả, nhất thiết tác bất thành.

    以有空義故一切法得成

    若空無義者一切 則不成.



    Bàn về Trung Luận, Trần Trọng Kim viết:
    Hữu và Không, Không với Hữu không khác nhau. Hữu là Hữu của Không, Không là không của Hữu. Hữu, Không hai cái toàn nhiên hỗn hợp với nhau. Thấy rõ chỗ ấy là Trung Đạo, là không chấp hữu, chấp không. (Phât Giáo, 112)
    Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh có đoạn:
    Sắc bất dị không, không bất dị sắc.
    Sắc tức thị không, không tức thị sắc.


    色不異空,空不異色

    色卽是空, 空卽是色



    (Săc chẳng khác không, không chẳng khác sắc.
     Sắc ấy là không, không ấy sắc)

    Huệ Năng rất giỏi về tánh Không. Ngài nói:

    Thiện trí thức. Đừng nghe ta nói không mà chấp không. Cần thiết là đừng chấp không. Vi nếu dùng Không Tâm ngồi tịnh thì mắc vào cái không vô ký. Thiện Trí thức!Thế giới hư không bao hàm các sắc tướng vạn vật, nào nhật nguyệt, tinh tú, núi sông, đất bằng, suối nguồn, khe rạch, cỏ cây, rừng rú, ngườI dữ, ngườI lành, pháp ác, pháp thiện, thiên đường, địa ngục cho đến các biển lớn và núi Tu Di đều ở trong hư không đo cả. Tánh không của con người cũng như vậy (Pháp Bảo Đàn Kinh, 64-65)



    Thật vậy, cái mà ta thấy là không không có nghĩa là không có gì. Không gian có nhiều chất khí và nhiều lực do đó mà chim bay và phi cơ có thể qua lại, lên xuống. Trong bát nước trong mà đức Phật thấy có nhiều sinh vật nhỏ sinh sống. Một miếng gỗ không phải là im lặng mà có nhiều tế bào Thành phần nhỏ nhất của vật chất là nguyên tử. Và nguyên tử còn có những phần tử nhỏ khác nữa đang hoạt động.
     Nhiều học giả và Phật tử đều chấp không và chấp hữu, nhất là chấp không. Cách lý luận của Bất nhị pháp môn hay thuyết Tánh không có thể gây ra hiểm lầm cho rằng Thế giới vô nghĩa, cuộc sống phi lý, không Phật, không Thánh Thần, không Niết Bàn, không địa ngục, không kiếp trước, không đời sau. Hết đời này sẽ là tro bụi.



    Tư tưởng bi quan đó sẽ gây ra những tai hại cho bản thân và xã hội. Thật ra tính không (Sunyata) là trung đạo, cũng như Kinh Dịch nói rằng trong âm có dương, trong dương có âm, âm cần dương, dương bổ túc cho âm. Hữu và Không cũng vậy. Đức Phật dạy trung đạo, không chấp hữu và chấp không. Chấp hữu thì sinh tham luyến, chấp không thì bi quan, vì cuối cùng sẽ chỉ thấy ru`ng râ?m tối tam, hoặc ngõ cụt không lối về. ‘’Đức Phât chủ truong trung đạo.Ng ài khuyên ta n ên tr ánh xa các cực đoan, nhìn đời một cách toàn diện không chấp không cũng như chấp hữu..

      Không và  Vô vi với Phật và Lão mang một ý nghĩa tích cực.




    II. CÁC PHẠM TRÙ TRONG TRIẾT HỌC MARX


    Marx đã kế thừa tư tưởng về phương pháp biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel và lý luận về chủ nghĩa duy vật của Ludwig Andreas von Feuerbach và phát triển nên phương pháp luận này. Các nhà triết học Marx-Lenin cho rằng phương pháp duy vật biện chứng là cơ sở triết học cho hệ tư tưởng của họ.

    Triết học Marx có những cặp phạm trù như:

    -Cái riêng -cái chung

    -Nguyên nhân- Kết quả

    -Tất nhiên- Ngẫu nhiên

    -Nội dung -Hình thức

    -Bản chất -Hiện tượng

    -Khả năng -Hiện thực...

    Chủ nghĩa Marx là Duy vật chủ nghĩa, nghĩa là thiên về vật chất, coi thường tinh thần, văn hóa, luân lý đạo đức..

    Trong triết học, chủ nghĩa duy vật là một hình thức của chủ nghĩa duy vật lí (physicalism) với quan niệm rằng thứ duy nhất có thể được thực sự coi là tồn tại là vật chất; rằng, về căn bản, mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất. Khoa học sử dụng một giả thuyết, đôi khi được gọi là thuyết tự nhiên phương pháp luận, rằng mọi sự kiện quan sát được trong thiên nhiên được giải thích chỉ bằng các nguyên nhân tự nhiên mà không cần giả thiết về sự tồn tại hoặc không-tồn tại của cái siêu nhiên. Với vai trò một học thuyết, chủ nghĩa duy vật thuộc về lớp bản thể học nhất nguyên. Như vậy, nó khác với các học thuyết bản thể học dựa trên thuyết nhị nguyên hay thuyết đa nguyên. Xét các giải thích đặc biệt cho thực tại hiện tượng, chủ nghĩa duy vật đứng ở vị trí đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa duy tâm.(Wikipedia)

    Mặc dù có nhiều trường triết học và nhiều sắc thái khác nhau, mọi triết lý được cho rằng thuộc về 2 phạm trù chính, mà đối ngược với nhau: Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa duy tâm. Mệnh đề cơ bản của hai phạm trù này liên quan tới bản chất của thực tế, và sự khác biệt căn bản là câu trả lời của hai câu hỏi cơ bản: "Hiện thực bao gồm những gì?" và "Nó hình thành như thế nào?" Đối với chủ nghĩa duy tâm thì linh hồn hoặc trí óc hoặc các ý tưởng là cơ bản, vật chất là thứ hai. Đối với chủ nghĩa duy vật thì vật chất là cơ bản còn trí óc hay linh hồn là thứ nhì, là sản phẩm của vật chất với vật chất.


    Tuy Duy vật chống Duy Tâm, nhưng rồi Duy vật cũng phải thừa nhận giá trị tinh thần, ý thức. Karl Marx, nhất là Lenin mạnh miệng đề cao giá trị tinh thần.


    Do thực tại khách quan luôn luôn biến động vận động nên nhận thức của nó cũng luôn luôn biến đổi theo, nhưng xét đến cùng thì vật chất bao giờ cũng quyết định ý thức. Nhưng ý thức đã ra đời thì nó có tác động lại vật chất. Với tính độc lập tương đối của mình ý thức tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.

    Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng về bản chất, ý thức là sự phản ánh khách quan vào trong bộ óc con người một cách năng động, sáng tạo.

    “Ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn như vậy đến chừng nào con người còn tồn tại

    ” Các MácEngels[2]

    Trong cuộc đấu tranh, bút chiến về quan hệ vật chất và ý thức Ph.Ăng-ghen đã bảo vệ quan điểm của Các Mác và phê phán lại rằng khi đấu tranh với những người theo chủ nghĩa duy tâm, Mác buộc phải nhấn mạnh vào cái nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, nhưng không có nghĩa là hạ thấp vai trò của ý thức, tinh thần. Chỉ có chủ nghĩa duy vật tầm thường, không biện chứng mới phủ nhận, coi nhẹ tác động của tinh thần mà thôi.[3]

    "Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn tạo ra thế giới khách quan" -(Lênin.Wikipedia)


    Theo Lênin thì nếu coi tư tưởng (ý thức) là có tính vật chất tức là một bước sai lầm đến chỗ lẫn lộn chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm.(4)

    Lê nin cũng nói rằng : Sự đối lập giữa vật chất và ý thức chỉ có ý nghĩa tuyệt đối trong những phạm vi hết sức hạn chế, trong trường hợp này chỉ giới hạn trong vấn đề nhận thức luận cơ bản là thừa nhận cái gì có trước và sau? Ngoài giới hạn đó thì không còn nghi ngờ gì nữa đằng sau sự đối lập đó là tương đối.[5]


    Triết học Marx có nhiều mâu thuẫn, lúc thì coi nhẹ ý thức, lúc thì đề cao ý thức. Cuối cùng thì họ cũng như phái Duy Tâm cho là thức rất quan trọng. Dù Marx nói vật chất có trước tinh thần, nhưng cuối cùng tinh thần tác động trở lại ý thức. Chuyện nhỏ như thế mà học phái Marx làm ra vẻ quan trọng, đánh trống thổi kèn ầm ỉ.

    Sau này, các đảng viên cộng sản chỉ chuyên tụng khúc đầu" vật chất có trước, tinh thần có sau" để đề cao vô sản,xưng tụng dân lao động mà khinh miệt trí thức. Nếu họ nói" tinh thần tác động đến vật chất" hóa ra vật chất thấp kém hơn tinh thần, hóa ra cái nhãn hiệu Duy vật mất hết giá trị.
    Hơn nữa, khi nói các cặp phạm trù mâu thuẫn nhưng chúng cũng có kết hợp. Tại sao Marx lại chủ trương đấu tranh giai cấp mà không nói đến hòa hợp? Ông chỉ đưa chứng cớ vu vơ để biệnn luận cho chủ nghĩa độc tài tàn bạo, phản dân chủ, gây chiến tranh toàn cầu.   Cuộc đấu tranh là không có thực và vô lý vì từ 1917, chỉ có Anh quốc là có chủ nghĩa tư bản. Tư bản không có thì vô sản cũng không có. Nhưng vì che giấu, ngụy biện, lừa bịp, nói một đằng làm một nẻo mà vô số người đi theo cộng sản. Thực tế chỉ các nước nghèo, bị đô hộ mới theo cộng sản, còn các nước tư bản, rất it người theo cộng sản .Cộng sản chời cờ gian bạc lận mà nổi đình đám , âu cũng số kiép dân nghèo Á Phi và Nam Mỹ!


    ______

    CHU THICH

    (1). 有無相生、難易相成、長短相 形,高下相傾、音聲相和、前後相隨。

    hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ.Có” và “Không” sinh lẫn nhau; “Dễ” và “Khó” tạo nên lẫn nhau; “Ngắn” và “Dài” làm rõ lẫn nhau; “Cao” và “Thấp” dựa vào nhau; “Âm” và “Thanh” hòa lẫn nhau; “Trước” và “Sau” theo nhau.(Đạo Đức Kinh, ch.II)

    (2). Biện chứng của tự nhiên, Engels, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 1971, trang 251-252

    (3)Triết học Mác - Lenin, chương trình cao cấp, tập II, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1994, trang 50 .

    (4). VI. Lê nin: Toàn tập, tập 18, Nhà xuất bản Tiến bộ, Matcova, 1980, trang 300

    (5). Lê nin: Toàn tập, tập 18, Nhà xuất bản tiến bộ, Matcova, năm 1980, trang 173


    Posted by sontrung at 8:12 AM No comments:


    No comments:

    Post a Comment