Pages

Wednesday, October 8, 2008

NGÀY VĂN HÓA VIỆT NAM

*

Tường thuật :
Ngày gặp gỡ văn hóa Việt Nam hải ngoại

(lần đầu tiên được tổ chức tại Bruxelles, tháng 08-2008)




NS Lê Mộng Nguyên tường thuật trên Radio Free VietNam - New Orleans ngày thứ tư 17 th.09-2008 những ngày gặp gỡ văn hóa Việt Nam tại thủ đô nước Bỉ :




Vì thời giờ hạn định trong khuôn khổ một chương trình phát thanh ngày thứ tư mỗi tuần của RFV do Phân bộ Paris phụ trách, cho nên tôi chỉ tường thuật sơ qua Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Thường Niên Việt Nam Hải Ngoại mà Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ (Strasbourg, Pháp) đã tổ chức lần đầu tiên tại Trung Tâm Văn Hóa Maison Notre-Dame du Chant d’Oiseau, Bruxelles (thủ đô Vương quốc Bỉ), từ chiều thứ sáu 29 tháng 08 đến sáng thứ hai ngày 01 tháng 09-2008.



Trong lời chào mừng sáng ngày thứ bảy 29 tháng 08 của GS Nguyễn Đăng Trúc – thay mặt Ban Tổ Chức – có một đoạn cuối đầy ý nghĩa, như sau : “Chúng ta qui tụ nhau hôm nay trong Ngày Văn Hóa Truyền Thống của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại…không phải để đề xuất đường lối dựa vào một quan điểm, một lập trường được chỉ đạo bởi bất cứ ai, cũng không dự kiến tạo nên một cơ chế, một tổ chức trong khuôn khổ của một hiệp hội, tôn giáo, chính đảng hay chế độ chính trị nào, nhưng chúng ta đồng ý kiến với nhau để gặp gỡ và thông tri cho nhau những sáng tác, những sinh hoạt văn hóa mà cá nhân hay cộng đồng chúng ta đang thực hiện.”



Nêu cao tinh thần tự do tư tưởng và tự do phát biểu, mục đích của Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa đã đạt được vẹn toàn qua những bài thuyết trình rất cao nhã về mặt trí thức chung quanh chủ đề “Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại : thực tại và ý nghĩa ” :
1) Đề tài thứ nhất : Thử đi tìm Hồn Việt qua cách khảo sát ngôn ngữ để góp phần phát huy căn tính Việt tộc được Linh Mục Hồng Kim Linh, TS văn chương tại Institut Catholique - Paris và tại Đại học Sorbonne, Paris (Pháp) đảm nhiệm.
2) Đề tài thứ hai : Văn hóa Việt Nam trong thời toàn cầu hóa do Giáo sư TS triết học và thần học luân lý Nguyễn Thái Hợp thuyết trình.




3) Đề tài thứ ba : Chung đụng văn hóa xã hội tại Việt nam trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến do Nhạc sĩ, Luật sư GS-Tiến sĩ Quốc gia, Viện sĩ Hàn Lâm Lê Mộng Nguyên trình bày đại khái về cuộc xung đột của hai nền văn hóa Á Âu giữa hai thế chiến, đã ảnh hưởng sâu mạnh vào sự thoái lui của thực dân Pháp ở Việt Nam sau Điện Biên Phủ thất thủ ngày 07 tháng 05 và Hiệp Định Genève ký kết ngày 20 tháng 07 năm 1954. Tác giả nhắc lại một thời đại đảo điên vào thập niên 30 mà xã hội VN thấm nhuần triết lý Khổng, Phật và Lão với những giá trị cổ truyền, phải chống đối với cải tân của Âu Tây do nước Pháp đem lại (dù muốn dù không) cho dân bản xứ , như những quan niệm về quyền tự do của mỗi người và quyền tự quyết của mỗi dân tộc, mà một ngày sau sẽ là nguyên nhân dấy loạn của dân thuộc địa nổi lên chống bạo tàn, giành lại tự do và độc lập cho nước nhà. Bản chất nguồn gốc cuộc giải phóng này nằm trong sự thành hình của một phần tử tinh nhuệ mới (la nouvelle élite) thuộc hạng trung lưu trí thức Âu Tây hóa (la moyenne bourgeoisie intellectuelle occidentalisée), đã giữ một vai trò ưu tiên (vì hấp thụ nền văn hóa cải tân dựa trên Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp 1789) trong giai đoạn khởi công giải thoát chính trị và xã hội của nhân dân VN, bên cạnh và chung sức với những tầng lớp đang lên của thợ thuyền nông dân và kỹ nghệ.


4) Đề tài thứ tư : Thân phận lưu vong do TS Văn chương, cao học kinh tế, TS Luật học Bùi Hạnh Nghi (nguyên giám đốc ngân hàng Napoli tại Đức) phụ trách thuyết trình về hai phương diện chính trị và địa lý, và qua hai điểm tiêu cực (buồn bã ở xứ người…) và tích cực (tầm mắt phóng xa…).
5) Đề tài thứ năm : Tiến sĩ triết học, GS tại Đại học Minh Đức (VN) trước 1975, và ĐH Strasbourg-Phân khoa Thần học (Pháp) Nguyễn Đăng Trúc nói về Văn hóa và thân phận lưu đày của con người. Bài thuyết trình của ông Hội trưởng Convergence (Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ) làm nổi bật quan niệm về “ý thức nhân tính và phát huy nhân tính” (theo diễn giả) phải là “nội dung thiết yếu và tối thượng của văn hóa, cũng như cái “Nghiệp lưu đày (đã) gắn liền với nhân tính” : từ thời khai sinh của các nền văn hóa Hy Lạp, văn hóa Trung Hoa (Lão, Khổng), qua Đức Phật và truyền thống Phật giáo, Do Thái giáo và Ki tô giáo… cho đến truyền thống văn hóa Việt Nam, trong huyền thoại (kiếp lưu vong của Âu Cơ, Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm…) hoặc trong Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Diễn giả nhấn mạnh về văn hóa nhân tính“biểu hiện lòng bao dung và liên đới”, nêu cao phẩm giá con người, không hạn định bởi thời gian và không gian… “vượt lên trên những đánh giá và luật lệ của các định chế xã hội…”, và kết luận : “Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang sống thân phận lưu đày trong hoàn cảnh lịch sử cụ thế của đất nước và trọng trách gìn giữ cũng như phát huy văn hóa”.



Chiều thứ bảy 30 tháng 08-2008 từ 15 giờ đến 17 giờ để dành cho phần phát biểu tự do và tham luận của một số nhân vật đã ghi trước, như TS Nguyễn Văn Hướng (bút hiệu Hoài Việt) đã nói về “Thi họa Việt, Pháp và sự trao đổi văn hóa Việt, Pháp”, TS Khoa học Hoàng Đức Phương phát biểu về : “Văn hóa, chất liệu kết hợp để thoát hiểm”, và nhân dịp đã đưa ra một vài định nghĩa rất hay và đáng chú ý về văn hóa, chẳng hạn : “Văn-Hóa là tiếng Tầu (có gạch nối) : Văn là đẹp, hóa là cách sống nhẹ nhàng và thanh tao. Nếp sống là tiếng Việt : Hiện tượng này thì hành động kia (phản xạ tự nhiên).” Theo bản Sơ Đồ Biến Thái Văn Hóa do ông thiết kế ngày 28/05/2008 tại Paris : phát minh khoa học bắt nguồn từ ngày phát minh ra lửa làm cho nếp sống tâm linh của con người được thảnh thơi và nếp sống vật chất được sung túc (no ấm)… Văn Hóa ổn định cuộc sống thực tế trong cộng đồng và ổn định chính trị bằng cách đòi hỏi thay đổi cơ cấu xã hội (nhờ Tư Duy và Tư Tưởng nguồn gốc của những học thuyết), nhằm đem lại hạnh phúc cho đời và con người.


Dược sĩ Nguyễn Hiền, hội trưởng Hội Văn Hóa Cái Đình (Hòa Lan), tham luận với đề tài : “Cộng đồng người Việt hải ngoại và sự phát triển văn hóa Việt Nam”, Kỹ sư Lý hóa Trịnh Khải, nguyên tổng thanh tra Bộ Giáo Dục VNCH, trình bày “Văn hóa và chính trị qua chế độ cộng sản VN với chiến lược xâm lăng Trung cộng” , TS Triết học Nguyễn Khắc Tiến Tùng, GS tại Đại Học Đức quốc, nói về chủ đề văn chương : “1946-1954, một giai đoạn văn sáng tác bị lãng quên” và sau hết là nhà Kinh tế học Đinh Lâm Thanh, người sáng lập Hội Văn Hóa Người Việt Tự Do, tổ chức nhà xb Sài Gòn tại California (Hoa Kỳ), trình bày đề tài : “Tương quan văn hóa và chính trị” : Theo ông … “Hai lãnh vực văn hóa và chính trị, bất luận dưới thời nào cũng phải được kết hợp, dung hòa, đồng thời bổ túc lẫn nhau để đưa đời sống con người đến Chân Thiện mỹ (Nhân bản, Tự do) hoặc phục vụ tối đa cho quyền lực phe nhóm đảng phái (Quân phiệt, Cộng sản)… Và kết luận xác đáng : Xin ghi nhớ, chúng ta là những chiến sĩ trong cuộc chiến giữa hai nền văn hóa nhân bản và văn hóa vô sản. Kẻ thù với khả năng dư thừa sẵn có, chúng đang lấn áp chúng ta trên mọi lãnh vực. Nếu những nhà làm văn hóa không tiếp tay với Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia thì xin im lặng, đừng lên tiếng đòi hỏi loại bỏ yếu tố chính trị ra ngoài vòng chiến, vì thái độ và hành động này không khác gì việc nối giáo cho giặc, phá hoại công cuộc tranh đấu chung của toàn thể dân tộc VN hiện nay”.



Tối thứ bảy 30 tháng 08-2008 từ 21 giờ đến 23 giờ, tại Nhà Hát Lớn của Trung Tâm Maison Notre-Dame du Chant d’Oiseau – Bruxelles dưới chủ đề Lược khảo về nhạc tiền chiến và trình diễn nhạc của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Ban Tổ Chức giao phó sứ mệnh làm MC điều hợp chương trình cho ông Phạm Hồng Lam. Sau lược sử diễn tiến của nhạc tiền chiến trong quá khứ, nghĩa là trước chiến tranh Quốc Gia - Cộng Sản vào khoảng năm 1955-1956, ông Phạm Hồng Lam bắt đầu trình bày tiểu sử Lê Mộng Nguyên, Tác giả và Tác phẩm, và cử tọa quan khách đông đảo gần 150, đều công nhận (thích thú) rằng ông Phạm Hồng Lam là một nhà ký sự hóm hỉnh, đã làm nổi bật một cách hào hứng và hài hước, đầy tinh thần và tài năng một mối tình rất lãng mạn của hai đứa trẻ yêu nhau trong thời khói lửa, qua bức tranh linh động của Trăng Mờ Bên Suối : “Ai hay chia lìa, Sương khói biên thùy, Hiu hắt người đi sa trường xa…” Về phần trình diễn nhạc LMN, ban nhạc gồm có Lâm Chi Thiên Lý (đàn piano – synthétiseur), Đoàn Công Dũng (guitare espagnole) và Quách Vĩnh Thiện là người nhạc sĩ đã độc tấu Tây Ban Cầm một cách lão luyện và tài năng bài Apace hoặc TMBS cùng Việt Nam ThắmTươi (Vietnam Radieux Mon Pays) của Lê Mộng Nguyên trong những phút nghỉ ngơi giữa hai thuyết trình sáng và chiều thứ bảy 30 tháng 08-2008 đã nói trên. Trong Đêm Nhạc LMN, người ca sĩ rường cột Đoàn Công Đức đã trình bày với giọng ca Baryton (tuyệt vời) 3 bài của người nghệ sĩ xứ Huế : TMBS, Chiều Vàng Năm Xưa và Một Chiều Thương Nhớ, và bài Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương. Mai Thị Ngọc Hương và Nguyễn Thị Lệ Thu (cùng với một số nữ tham dự viên yểu điệu khúc nghê thường) đã trình bày với giọng ca êm dịu và đầy nhung nhớ hai bài Mơ Đà Lạt và Nhớ Huế của Lê Mộng Nguyên. Đêm trình diễn nhạc tiền chiến, khai mạc với hợp ca Việt Nam Minh Châu Trời Đông của Hùng Lân, được bế mạc với ban hợp ca (gồm ca sĩ Đoàn Công Đức, MC Phạm Hồng Lam và tác giả cùng cử tọa khán giả) trình bày Việt Nam Thắm Tươi (Sau Ngày Hồi Phục Đất Nước Tự Do) của Lê Mộng Nguyên trong bầu không khí hân hoan của quí đồng hương đã tham dự vào một đêm văn nghệ thành công mỹ mãn.



Sáng chủ nhật 31 tháng 08-2008 : Trình bày Dự án Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Thường Niên Việt Nam Hải Ngoại do Kỹ sư Nguyễn Minh Chính điều hợp, qua 2 điểm : - Phúc trình về tiến trình vận động dự án - Trình bày nội dung, và sau thảo luận…, đã đưa đến : 1. quyết định rằng NGÀY GẶP GỠ VĂN HÓA THƯỜNG NIÊN VIỆT NAM HẢI NGOẠI nằm trong khuôn khổ Câu Lạc Bộ Văn Hóa, được đặt dưới sự điều hành bởi một Ban Điều Hợp (BĐH) gồm 12 người do các tham dự viên hiện diện đề cử cho nhiệm kỳ 2008-2009 (với 5 vị cố vấn thường trực); 2. quyết định rằng NGGVHTNVNHN lần thứ hai cũng sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Maison Notre-Dame du Chant d’Oiseau, Bruxelles (Vương quốc Bỉ). GS Nguyễn Đăng Trúc, Hội trưởng Convergence trong dịp này, đã trình bày một Dự án thành lập Học Viện Nhân Văn Và Nghệ Thuật VNHN.



Chiều chủ nhật 31 tháng 08, từ 15 giờ đến 19 giờ : Sau khi GS Nguyễn Văn Thành thuyết trình về “Con đường bao dung trong văn hóa và huyền sử VN”, và lời giới thiệu thân thế do Kỹ sư Nguyễn Minh Chính, GS Lê Mộng Nguyên giới thiệu NS Quách Vĩnh Thiện phổ thơ Nguyễn Du toàn bộ : một công trình vĩ đại về phần sáng tác và thực hiện 7 CD gồm 77 bài hát qua 3254 câu thơ của Đoạn Trường Tân Thanh. Để chấm dứt, tôi đã xin mời quí vị thính giả của Đài Việt Nam Tự Do – New Orleans thưởng thức trong chương trình ngày Thứ Tư 17 tháng 09-2008 của Phân Bộ Paris, bài nhạc Việt Nam Thắm Tươi của Lê Mộng Nguyên qua hòa âm và hòa tấu Tây Ban Cầm – synthétiseur của NS Quách Vĩnh Thiện.

Lê Mộng Nguyên (Paris)

http://ca.youtube.com/watch?v=_apLp74Xhw4


===

No comments:

Post a Comment