Pages

Thursday, July 29, 2010

RFI * BIỂN ĐÔNG


*

Trung Quốc muốn mở rộng chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông

Đường 9 vạch : phạm vi đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông (DR)
Đường 9 vạch : phạm vi đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông (DR)
Lê Phước

Nhật báo Le Figaro hôm nay dành hai bài bình luận về tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, chủ đề thời sự đang thu hút quan tâm của khu vực và thế giới.

Bài thứ nhất có tựa đề : « Bắc Kinh muốn mở rộng chủ quyền biển xuống phía Nam ». Le Figaro cho biết, Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng trong các ưu tiên chiến lược của Trung Quốc. Cách đây vài tuần, Bắc Kinh chính thức tuyên bố Biển Đông là một trong những "quan tâm sống còn" của Trung Quốc, bên cạnh Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ về vấn đề này.

Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton khẳng định nguyên tắc tự do thông thương hàng hải trong khu vực là một « quan tâm cấp quốc gia » của Hoa Kỳ. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Các nước bên bờ Biển Đông cho rằng lệnh cấm này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dần dần muốn áp đặt chủ quyền trên vùng biển tranh chấp. Các chuyên gia thì nhận định tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh đã quá rõ ràng : Trung Quốc muốn dần thiết lập quyền pháp lý trên toàn khu vực.

Tờ báo cho hay, gần đây Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa hải quân. Tàu tuần tra Trung Quốc được trang bị vũ khí hạng nặng. Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền của « vùng đặc khu kinh tế » trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền một phần trong khu vực.

Vào tháng ba, Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự với sự hiện diện của Hạm Đội Bắc Hải. Tờ báo nhận định : sở dĩ Bắc Kinh xem trọng vấn đề Biển Đông như vậy, vì ở đó có nguồn tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên hải sản, vì trên đảo Hải Nam, Trung Quốc cho xây dựng một căn cứ mới dành cho tàu ngầm tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.

Tờ báo cũng nhắc lại là đầu năm nay, Trung Quốc thông báo ý định khai thác du lịch ở quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Việc này đã khiến cho phía Việt Nam phản ứng dữ dội. Tờ báo cũng nhắc lại sự kiện năm 1974, Bắc Kinh đã dùng võ lực để chiếm quyền kiểm soát ở quần đảo này. Cuối cùng, Le Figaro tiên lượng : « Đánh bắt hải sản và du lịch sẽ là chủ đề gây tranh chấp sắp tới ở khu vực này ».

Cũng về Biển Đông, bài viết thứ hai của Le Figaro đề tựa : « Mỹ và Trung Quốc đọ sức trên biển ». Chủ nhật ngày 25 tháng 7 tới, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ có cuộc tập trận chung với qui mô lớn. Cuộc tập trận này có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Georges Washington của Mỹ, với khoảng 20 tàu chiến và tàu ngầm và khoảng 100 máy bay.

Tờ báo cho rằng cuộc phô diễn sức mạnh quân sự này trước tiên nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Từ Việt Nam, hôm qua ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng : « Bình Nhưỡng phải thay đổi cách xử sự ». Bà cũng kêu gọi các nước Châu Á ủng hộ cho nỗ lực của Hoa Kỳ. Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng cuộc tập trận Mỹ-Hàn là nhằm thị uy trước Trung Quốc và Bắc Kinh cảm thấy khó chịu khi Mỹ và Hàn quốc tập trận ngay sát cửa nhà mình. Hôm thứ tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh quan ngại sâu sắc về những hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực. Trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, đại diện của Học viện Quân sự Trung Quốc phân tích : Hoàng Hải là cửa ngõ vào Trung Quốc, trong khi cuộc tập trận Mỹ Hàn chỉ cách Bắc Kinh chừng 500 cây số. Trung Quốc lập tức đáp trả bằng cuộc thao diễn quân sự trên Biển Đông. Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trong khu vực biển giữa Trung Quốc và Hàn quốc.

Với Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang so kè. Mùa xuân vừa rồi, Nhật Bản đã phản ứng quyết liệt việc một hạm đội hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu ngầm và 8 chiến hạm đã đi ngang khu vực đảo phía nam của Okinawa và Myako. Hạm đội này sau đó đã diễn tập trong vùng biển phía nam đảo Okinawa. Tờ báo cho biết thật ra vùng biển gần đó có nhiều quặng khí đốt và hiện tại đảo Okinawa là nơi đồn trú của hơn một nửa số 47.000 lính Mỹ ở Nhật Bản.

Tờ báo nhận định, Trung Quốc luôn theo đuổi chiến lược mở rộng lãnh hải về phía Nam cũng như phía Bắc.Trung Quốc cố tình diễn giải theo cách riêng về Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Tờ báo kết luận : Trung Quốc cho rằng các tàu quân sự ngoại quốc không được vào trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc, nhưng lại cố tình quên khái niệm vùng biển quôc tế.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100724-trung-quoc-muon-mo-rong-chu-quyen-lanh-hai-o-bien-dong

*

Tại Hà Nội, Hoa Kỳ thách thức Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)
Trọng Nghĩa

Phát biểu vào hôm nay (23/07/2010) trước Diễn Đàn An Ninh Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Trong tình hình Trung Quốc vừa xác định khu vực này là "vùng quyền lợi quốc gia thiết thân" của họ, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được cho là một thách thức của Washington đối với Bắc Kinh.

Theo hãng tin AFP, tại Diễn Đàn An Ninh Khu vực, bà Clinton đã xác định một số yếu tố được Hoa Kỳ xem là "lợi ích quốc gia" của mình, bao gồm : "Quyền tự do hàng hải, quyền tiến vào các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông". Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi “tôn trọng quyền lợi của cộng đồng quốc tế’’ trong hồ sơ Biển Đông.

Về các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cụ thể là các hòn đảo hay mỏm đá lớn nhỏ trong vùng, bà Hillary Clinton nhắc lại lập trường cố hữu của Mỹ là không bênh phía nào. Thế nhưng theo bà, Hoa Kỳ chống lại việc đe dọa dùng võ lực và hy vọng là các bên tìm ra được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề.

Trong lãnh vực này, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển phía Nam Trung Quốc là một "ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ", và Washington sẵn sàng hậu thuẫn cho các sáng kiến hay biện pháp tạo niềm tin giữa các bên tranh chấp.

Theo các nhà phân tích, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố của bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ không làm Bắc Kinh hài lòng vì đánh thẳng vào chiến lược Biển Đông mà Trung Quốc nêu lên trong thời gian gần đây. Khái niệm "lợi ích quốc gia" mà Ngoại trưởng Mỹ nêu lên vào hôm nay tại Hà Nội là một cú phản công chống lại với quyết định của Trung Quốc nâng vị trí Biền Đông thành "vùng quyền lợi quốc gia thiết thân" của họ.

Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã không ngần ngại dùng võ lực chiếm đóng một số hòn đảo của các nước khác tại vùng Biền Đông, mà cụ thể là quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 tranh chấp với Việt Nam, một vài hòn đảo khác cũng của Việt Nam tại vùng Trường Sa vào năm 1988, sau đó là đảo Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995, trước đó do Philippines kiểm soát.

Trong những năm gần đây, lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình, Bắc Kinh không ngừng gia tăng tiềm năng quân sự, đặc biệt là hải quân, và sẵn sàng dùng sức mạnh để buộc các nước khác chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Các ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa liên tiếp là nạn nhân của đường lối mới này của Bắc Kinh.

Trung Quốc không muốn quốc tế hoá vấn đề Biển Đông

Cho dù không ngần ngại chèn ép các nước có tranh chấp chủ quyền với họ, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh luôn luôn tìm cách tránh không cho vấn đề này trở thành đa phương, mà chủ trương giải quyết tranh chấp với từng nước riêng lẻ. Để tránh không cho vấn đề Biển Đông bị ‘’quốc tế hóa’’ nhân hội nghị ASEAN lần này, theo các nguồn tin báo chí, trong những ngày qua, Trung Quốc đã cố gắng gây sức ép để hồ sơ không được nêu lên công khai trước diễn đàn.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ vào hôm nay ở Hà Nội trên vấn đề Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc đã thất bại trong cố gắng nhận chìm hồ sơ này. Hãng AFP ghi nhận là trong cuộc họp vào hôm nay, tranh cãi về vấn đề Biển Đông đã diễn ra hết sức sôi nổi.

Theo một số nhà quan sát, đó cũng có thể được xem là một thắng lợi ngoại giao của nước chủ nhà Việt Nam, muốn vấn đề được nêu bật. Nhật báo Mỹ New York Times nhận xét : "Chiến lược của Việt Nam là “quốc tế hóa” cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng cách lôi kéo nhiều nước khác vào cuộc và buộc Bắc Kinh phải đàm phán trong các diễn đàn đa phương. Tuyên bố của bà Clinton theo đó Hoa Kỳ sẵn sàng đóng một vai trò là một thắng lợi đáng kể của Việt Nam”.

Dẫu sao thì khi Trung Quốc bắt đầu công khai cho thấy tham vọng của họ, công bố bản đồ đòi hỏi chủ quyền trên 80% vùng Biển Đông, lao vào thách thức hải quân Mỹ trong khu vực, và nhất là coi Biển Đông là vùng quyền lợi quốc gia thiết thân, thì hồ sơ Biển Đông đã mặc nhiên không còn giới hạn trong khu vực.

Như chuyên gia Úc Carl Thayer được hãng tin Đức DPA trích dẫn đã nhận đinh, Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của họ vói một vài nước Asean để ngăn không cho nêu vấn đề này (ở Diễn Đàn ARF), nhưng không ngăn được Mỹ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100723-tai-ha-noi-hoa-ky-thach-thuc-trung-quoc-tren-ho-so-bien-dong

No comments:

Post a Comment