Saturday, September 1, 2012

XUÂN VŨ * CHIẾC ÁO MỘNG MƠ

Chiếc Áo Mộng Mơ Bữa nay toàn trại đi công tác dã ngoại. Hắn được ở nhà với nhiệm vụ trực ban. Đáng lý ra với cấp bậc Trung đội phó, hắn không được đeo băng tay trực ban Tiểu đoàn, nhưng vì Ban chỉ huy Đại đội phải có đủ mặt ở thao trường cho nên hắn được chỉ định tạm thời canh trại trong vài tiếng đồng hồ. Cần gì đến vài tiếng đồng hồ! Cơ hội chỉ đến trong nháy mắt. Chỉ nháy mắt là đủ thì giờ đễ tậu chiếc áo mộng mơ từ lâu. Đó là chiếc sơ mi trắng loại vải xoàng. Người dân nào cũng có thể mua mặc được, nhưng ở trong quân đội thì phải từ Tiểu đoàn trưởng trở lên mới có quyền xài. Nói chi hắn. Hắn mới được đeo quân hàm một gạt trơn, không có tí sao sia gì hết, còn lâu hắn mới được quân trang phát cho cái sơ mi trắng tay măng-sét kia. Áo sơ mi trắng chỉ là áo lót bên trong áo đại cán, cũng như áo cổ vuông màu cứt ngựa của lính. Lính nực nội thì cởi áo ba mươi sáu đường gian khổ, lòi áo cổ vuông. Còn ông cán cởi áo đại cán thì lòi sơ mi trắng. Không cần có cặp mắt tinh đời, các cô chỉ liếc sơ vào đám ba quân thì cũng nhận ra ai là kẻ anh hào. Hắn mơ chiếc áo trắng kia từ ngày hòa bình lập lại. Hắn mơ được mặc nó để về thăm quê một chuyến. Chưa có chiếc áo đó thì ngày về quê còn xa lăng lắc vì hắn chưa dám nghĩ tới. Đơn vị đã dời về ngoại ô Hà Nội, hằn cũng có thừa tiêu chuẩn nghỉ phép rồi, thế nhưng hắn còn lần lữa vì chưa tậu được chiếc áo sơ mi trắng. Tiền tiêu vặt không đủ mua kem đánh răng và xà phòng gội đầu, thì có đâu đặt thợ đóng chiếc áo quý giá như thế. Đời lính mà mặc được áo trắng thì xấu như ma lem cũng trở nên đẹp đẽ. Bao nhiêu đêm dài trằn trọc, hắn nghĩ không ra kế hoạch. Thì hôm nay là cơ hội tốt lành cho hắn đấy. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng mới bảo người cần vụ giặt phơi hai cái áo trắng trên sào ở phía sau trại. Từ nhà bếp ngó ra thì khuất một cây bưởi và hai cây táo. Không còn ngần ngại gì nữa, đồng chí ta bèn len theo ven tường đến sào quơ ngay một chiếc, vò lọn cầm nơi tay. Đã có kế hoạch sẵn, nếu có bị ai bắt gặp thì cứ nói là áo của đồng chí Tiểu đoàn trưởng rơi xuống cát bẩn nên mình nhặt lên đem đi giặt giùm để tỏ lòng tôn kính cán bộ. Nhưng may quá, đồng chí thực hành ý định một cách nhanh chóng, đến đổi khi chiếc áo còn ướt mèm được dồn vào ba lô rồi mà không ai hay tí nào. Hắn không ngờ rằng công việc tậu chiếc áo mộng mơ quá dễ dàng như vậy. Khi đơn vị đi thao trường về, ai lo việc nấy. Hắn trao trả nhiệm vụ canh trại cho Đại đội trưởng. Hắn đứng nghiêm giơ tay chào Đại đội trưởng: "Báo cáo đồng chí Đại đội trưởng, tôi là Trung đội phó X... hoàn thành nhiệm vụ canh gác. Xin chờ lệnh Thủ trưởng!" Đại đội trưởng gật đầu khen: "Tốt" gọn hơ. Hắn hồi hộp quá! Hình như anh nuôi ngó hắn với cặp mắt là lạ. Hắn còn thấy cả Đại đội trưởng của hắn hội ý rất lâu với Tiểu đoàn trưởng. Bỏ mẹ rồi, anh nuôi bắt được hắn rút chiếc áo nên đã báo cáo với Đại đội trưởng rồi chớ gì. Hắn hối hận suýt nữa lên văn phòng thú tội. Hắn muốn làm sao moi chiếc áo ra và vứt nó đi bất cứ nơi nào, miễn là không ai thấy. Nhưng ở trại có cả trăm người và sinh hoạt khít khao, hắn không có cách nào lôi cái của nợ đó ra được. Chăn và ba lô buổi sáng đã sắp xếp theo đúng nội quy hết cả, muốn đụng tới chúng phải có lý do. Muốn mở ba lô phải xin phép cán bộ, làm cách nào phi tang cho được? Tới chiều, vụ mất áo sơ mi của Tiểu đoàn trưởng mới vỡ lở ra. Các cán bộ đại đội nêu ý kiến là tập hợp đơn vị lại và cho xét tất cả ba lô. Hắn điếng hồn, ăn nói lập cập, đi đứng luýnh quýnh như đạp gai, nhưng hình như không ai tỏ vẻ nghi ngờ hắn. Ai lại đi nghi ngờ anh Trung đội phó đã từng có thành tích đi vào Nam năm 1950 và từ ngày hòa bình lập lại đến giờ nhất định bám lấy đơn vị, không về phép. Tiểu đoàn trưởng là một người dễ dãi, không coi chiếc áo sơ mi trọng lắm. Ông ta gạt phắt ý kiến của Đại đội, cho rằng làm như vậy rất xấu mặt chiến sĩ của ông. Hú vía! Hắn thở phào. Đêm đến, trong giờ tự tu, hắn ngồi trước quyển sổ tay, cắn bút mãi không biết viết gì. Viết dối về tình cảm và hành động của mình thì không viết được, còn viết sự thực ra thì không dám. Hắn nhổ một ít cọng râu rồi xếp sổ đứng dậy. Liền sau đó, Đại đội trưởng hắn đến. Tuy cái áo chẳng đáng giá nhiều, nhưng đây là một vấn đề quan trọng về tư tưởng. Đại đội trưởng hỏi tới hỏi lui xem có ai ra vào khi đóng quân lức hắn làm trực ban không? Hắn hơi nhột nên bịa ẩu rằng có mấy tên khố rách áo ôm vào định xin cơm ở nhà bếp, nhưng hắn đuổi ra vì hắn nghi là tụi địa chủ có nợ máu, sống vất vưởng nhờ lượng khoan hồng cách mạng. Nghe hắn báo cáo, Đại đội trưởng mừng rỡ, cho rằng mình đã phăng được mối. Đại đội trưởng liền cho người đi liên hệ với chính quyền địa phương để biết xem ở vùng quanh đây có bao nhiêu địa chủ bị đấu, mấy tên phải đi cải tạo, mấy tên còn lang thang ở làng. Đây là vấn đề giai cấp đấu tranh chớ không phải một vụ cắp bình thường. Chi ủy phái người tới cho Đại đội trưởng biết là có mấy tên địa chủ giả nghèo giả khổ để ăn xin, rồi thừa cơ ăn cắp đồ đem ra bán ở chợ trời. Một vật giá mười đồng, chúng chỉ lấy một đồng thôi. À ra thế! Cái chợ trời có nghĩa là thế đó. Hắn nghe được lấy làm đắc chí. Hắn bèn xung phong đi truy lùng địa chủ. Đến gần mười giờ đêm, sau khi đơn vị đã tắt lửa, hắn "tìm được" chiếc áo sơ mi trắng còn ướt đem về nộp cho Đại đội trưởng. Đại đội trưởng khen hắn lần nữa! "Tốt". Lần này kèm thêm tiếng "giỏi", rồi Đại đội trưởng đem chiếc áo trao lại cho Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn trưởng cám ơn và khen Đại đội trưởng đã tích cực truy tận ổ bọn phản động. Hắn thoát tội. Hắn trắng án, cái án ngầm không ai treo cho hắn mà chính tay hắn tự buộc cho. Rồi hắn xin đi phép. Hắn rất thong dong thư thái. Hắn đáp tàu điện Hà Nội đi luôn xuống phố Huế tìm lối vô chợ trời. Hắn ngó trước ngó sau rồi đi xộc vào khu trung tâm. Giào ồi! Vô số áo trắng, áo đen, áo dạ, áo "tây đi", và quần nữa, quần ga bạc đin, quần kaki... Nếu hắn biết trước rằng ở chợ trời người ta bán buôn các thứ của quý này thì hắn đã không vất vả. Không hiểu hắn ham hố những thứ mà hắn không có quyền hưởng này từ hồi nào? Ai lây cho hắn, hay tự nhiên sự ham muốn đó nẩy mầm và lớn lên trong người hắn, như cái hạt cây gì đó rơi xuống đất tất có ngày mọc lên? Có lẽ hồi 1950, hắn được gởi vào Nam Bộ. ... Một đoàn cán bộ gồm cả trăm người. Người nào cũng giữ giấy riêng trong mình. Đồng chí Trưởng đoàn muốn vậy, đề phòng trường hợp có ai bị hy sinh hoặc có sơ xuất thì không mất tất cả. Trong giấy cố nhiên có ghi chức vụ từng người. Chức vụ được ghi bằng ký hiệu, chứ không bằng chữ. Cho đúng kiểu nhà binh Trung Quốc chăng? Trên đường đi, một hôm hắn thấy anh Đại đội phó lén sửa Đại đội phó thành Tiểu đoàn phó. Dễ lắm, chỉ cần một gạch ngang trên ký hiệu thôi. Nó như thế này. Cấp Trưởng thì vòng tròn, sổ đứng, một gạch ngang như trái cam có cuống và một lá, Phó thì nửa vòng tròn, sổ đứng và một gạt ngang, như trái quít có cuống và lá. Cho nên muốn lên chức thì cần thêm một cái lá. Một lá là Tiểu đội, hai lá là Trung đội, ba lá là Đại đội, v.v.. Chỉ cần thêm lá là quơ được khối uy tín và quyền lợi. Ở tận ngoài Bắc mò vô Nam, ai biết được ai gốc gác là thằng cha căng chú kiết nào. Người có trách nhiệm cứ đếm lá mà bắt hình dong thôi. Cái lá quít đó bao gồm cả lá đa. Chỉ có những thằng ngu mới không gắn thêm lá cho cam quít mình tươi hơn. Hắn mới ra trường Võ bị Lục quân Trần Quốc Tuấn, nên cái cuống quít của hắn chỉ được hai lá, còn trái quít thì trống đít. Khó gì cái sự đời ấy! Hắn bèn kẻ thêm hai lá và chữa quít ra cam, thế là từ Trung đội phó lên Tiểu đoàn phó, vọt một phát bốn bậc. Hắn dại gì không vọt? Chỉ cần một nét bút thôi. Thế là hắn vọt. Mà có riêng gì hắn đâu! Vô tới Nam Bộ thì anh nào cũng đã âm thầm thêm cành thêm lá cho quả quít nhà cả rồi, từ Trưởng đoàn cho tới đoàn viên. Cho nên anh nào cũng giữ tuyệt đối bí mật cái giấy giới thiệu của mình đến lúc đoàn phân tán đi nhận công tác mỗi người mỗi tỉnh. Thực ra thì họ cũng biết tẩy nhau cả, nhưng kín miệng là yêu nước. Họ có thừa lòng yêu nước. Về sau, nếu đi chầu Thiên Tử, thấy bạn mình mũ cao áo rộng thì cũng thông cảm theo kiểu hai ông mãnh biết tỏng nhau, lén mượn huy chương đeo đi ăn tiệc, chẳng ngờ lại ngồi chung mâm. Từ Trung đội phó hắn trở thành Tiểu đoàn trưởng!! Ở Nam Bộ lúc đó chỉ có bốn năm Tiểu đoàn chánh thức, còn lại là Đại đội địa phương. Mà hắn là Tiểu đoàn trưởng! Tiêu chuẩn: đi đâu có chiến sĩ chèo xuồng, được hội nghị với Bộ tư lệnh, còn xin làm con nuôi cho mấy bà mẹ vốn sẵn lòng "thương con xa nhà thiếu thốn tình cảm" thì mẹ nào nỡ lòng mà không nhận, và tự phong em nuôi với mấy chị Phụ Nữ Cứu Quốc từ tỉnh đến xã, thì chị nào lại từ chối cái sự bỗng dưng được một đứa "em" Tiểu đoàn trưởng oai như trời!... Nhưng mà chưa ghê gớm lắm, hắn và Đại đội phó của hắn chưa phải là những tay bán trời không mời Thiên Lôi! Có cả một vị ở ngoài Bắc mang ba lô cho một ông kẹ nào đó vô Nam nói chiến thuật Mao Trạch Đông vanh vách, và tự giới thiệu là Chánh ủy Trung đoàn Sông Lô I. Có lẽ chưa oai lắm, ông Chánh ủy tự xưng luôn là Bí thư của Võ Đại tướng. Ối giời! Còn ai bằng nữa. Cho nên Bộ tư lệnh miền Tây, vốn toàn dân Bắc Kỳ, liền đá một anh Nam Kỳ đang ngồi ghế Chánh ủy Trung đoàn độc nhất của miền Tây để kính cẩn mời ông "Bí thư Võ Đại tướng" đăng quang, nhận chức Chánh ủy Trung đoàn... Cứt cọp trở thành cọp cũng dễ. Khi đi họp ở Bộ tư lệnh, các ông cán gốc Việt Bắc đều tương ngộ bất kỳ, những dịp để tự kiểm điểm thành quả cách mạng của "đằng mìn" tại đất Nam Kỳ béo bở. Ông nào cũng gác đờ co, đi xuồng mui ống bốn chèo, quần áo bảnh bao, túi giắt parker, tay đeo Movado, lưng mang sà cột, oai phong lẫm liệt, anh em "đằng mìn" đều phớn phở lạc quan cách mạng quá mức yêu cầu. Quả, đất Nam Bộ đãi người có khác. Cán Bắc vô Nam, vô sản trở thành quan vô sản. Vậy là hắn có tất cả những gì hắn mơ ước. Và cả những gì hắn chưa bao giờ dám mơ ước tới. Trừ cái giò heo để giắt lưng. Vô súng ngắn bất thành ... cóc rác gì cả? Trong cách mạng có lắm đồ trang sức, có cả cái giò heo này. Tiểu đoàn trưởng mà không có súng ngắn là nghĩa làm sao? Hắn bảo lội qua suối đánh rơi. Dân Nam Kỳ vốn nhẹ dạ cả tin, nhất là tin Trung ương, nên tin rằng ông Tiểu đoàn trưởng đánh rơi súng dưới suối. Thời may, hắn gặp dịp. Dịp này không ai biết được rằng do hắn tạo nên hay thời cơ dẫn xác đến nộp mạng cho hắn. Hắn thuổng được khẩu súng của ông Tư lệnh khu. Nếu trên đời có lắm chuyện ly kỳ thì đây là chuyện ly kỳ nhất. Hắn dấu súng kỹ trong ba lô và hôm sau hắn được phân công xuống tỉnh. Hắn làm ra vẻ khiêm tốn "Tiểu đoàn trưởng này khác với các Tiểu đoàn trưởng khác, không thèm đeo súng lục" cho thiên hạ biết mặt. Trận trung rõ mặt anh hùng, hơn nhau cây súng giắt lưng quần mà chi! Nhưng thấy có mòi êm tĩnh, một buổi trưa, hắn nổi hứng moi giò heo ra lau chùi tỉ mỉ để cho anh em đồng chí trong Nam chiêm ngưỡng cái đức tính khiêm tốn của cán bộ Trung ương. Cao hứng, hắn bèn đem khẩu súng ra, tháo ráp, làm động tác giả, luôn tiện dạy cho các anh Nam Bộ cù lần kia cách sử dụng súng lục. Rồi nổi hứng lên, bèn sáng tác ra luôn tiểu sử của khẩu súng: "Nó là chiến lợi phẩm của mình thu được trong trận đánh tan đoàn quân ứng chiến của Charton Lepage ở chiến dịch biên giới. Do đó mà Bác đến tận nơi tặng thưởng luôn cho mình." Trong đám khán giả Nam Kỳ, có một anh chúa cù lần. Chàng ta nghe xong chuyện gật đầu lia lịa. Và khi chuyện dứt, chàng ta xin cầm cây súng để xem cho biết nặng nhẹ. Xong lại đem cho nhiều người khác xem. Rồi gã giữ luôn khẩu súng của hắn. Hắn có biết đâu cái chàng cù lần kia là cựu vệ sĩ của ông Tư lệnh. Chàng ta từng lau chùi và thuộc nằm lòng những con số, từng vết trầy trên bá súng và còn biết cả lai lịch của cây súng nữa. Chính chàng ta đã từng mang khẩu súng này đến mòn cả xương hông đi theo ông Tư lệnh tò tò như giữ tù mấy năm ròng. Và cũng chính chàng ta mơ ước ngày nào đó mình sẽ được mang "giò heo" cho mình vì mình và của mình chứ không phải cho ông, vì ông và của ông Tư lệnh. Để đáp nghĩa tớ thầy bấy lâu, ông Tư lệnh đề bạt anh ta lên hai cấp và bổ cho về tỉnh công tác. Ngoài ra còn tặng luôn cây súng lâu nay đã cạ mòn xương hông anh ta nữa. Nhưng anh ta lơ lõng làm sao mà cây súng bị bối mất, khi về tỉnh, anh ta chỉ mang theo có nửa cục oai, với sự cay cú kẻ nào đã ngoạm mất nửa cục kia của mình. Thiệt là đau vô cùng nhưng anh ta không dám nghi ngờ các đồng chí Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó, Đại đội trưởng Việt Bắc có mặt ở chiêu đãi sở hôm đó, lúc anh ta được ông Tư lệnh mời vào từ giã (vào văn phòng không được mang súng). Thì nay anh đã ngộ cố nhân rồi! Thiệt đáng nực cười. Có lắm kẻ mặc áo chợ trời mà quên mất mình được nó ở đâu, và có những kẻ hay thích đi mượn mề đay để đi dạ tiệc. Chuyện mượn mề đay đi ăn tiệc bị lộ tẩy ngay tại bữa tiệc, thì chuyện chộp súng của ông Tư lệnh sao lại không đến tai ông ta? Cái anh Nam Kỳ cù lần lấy lại được nửa cục oai, đã vậy còn làm báo cáo về Bộ Tư Lệnh. Thế là hắn tiêu tùng. Lá quít lá đa rụng sạch, chỉ còn cành trơ. Hắn bị đưa đi bắt rận đề lao binh. Chuyện thật không ai ngờ. Đã vậy người ta lại còn phanh phui ra các thứ giả mạo khác của hắn. Dậu ngã bìm dại gì không leo! Nhưng cũng may, những tên gian dối lại gặp nhiều cơ may hơn kẻ hiền lương. Cái ông Bí thư Võ Đại tướng về mần Chánh ủy Trung đoàn kia một hôm gặp hắn chèo xuồng cho một ông cán nọ (đã vô đề lao binh thì ai muốn sai bảo gì cũng phải nghe, nữa là chèo xuồng cho cách mạng, vinh quang ra phết!). Ông chánh ủy động lòng trắc ẩn bèn xin thằng em về chèo xuồng cho mình. Ông chánh ủy muốn là đảng muốn! Đảng là Chánh ủy, Chánh ủy là Đảng chớ ai trồng khoai đất này. Cho nên hắn thôi chèo xuồng kia để lại chèo xuồng này. Nhưng chèo xuồng cho đồng hương đồng tịch đồng xuồng đỡ khổ hơn. Hơn nữa, cái ông đồng hương này cũng đang có sự bí ẩn cần được giấu kỹ như mèo giấu cứt. Để cho cái thằng em này bị đày đọa nhục mạ, nó uất ức, nó khai ra thì Chánh ủy trở thành chánh quỷ, phe "đằng mìn" hết phất nổi. Ông Chánh ủy nghĩ vậy, nên khi về Trung đoàn, ông lại phục chức cũ nguyên xi cho hắn. Nghĩa là cái cành đa lại đeo hai cái lá như xưa, không được vẽ thêm. Mà vậy cũng là quới lắm rồi! Thằng lính từ được lãnh chức cũ Trung đội phó thì còn mong gì nữa. Và lại được đưa xuống đơn vị tác chiến để lập công chuộc tội. Lập công được vài năm thì hòa bình trở lại. Tập kết ra Bắc! Lê Dương hồi hương. Hắn gặp lại những bạn cũ Nam tiến năm xưa. Thằng nào cũng áo quần nhuỗm nha. Kịp khi phong quân hàm, chúng đều lãnh áo trắng phau phau, giầy cộp đen lấp lánh trông rõ mặt người. Riêng hắn thì giầy bố, áo cứt ngựa. Tủi thân quá! Hắn không dám oán trách ai, kể cả cái gã Nam Kỳ cù lần năm xưa mà hắn gặp lại. Gã này cũng đã lên giầy cộp đàng hoàng. Chắc chắn không phải vì lén thêm lá quít. Con người ta có lúc thịnh lúc suy, lúc vinh lúc nhục, mấy ai nhục suốt đời, mấy ai vinh mãn kiếp, bởi vậy nên trời đã sinh ra voi lại còn sinh ra chó. Hắn buồn, hắn khổ. Đi làm cách mạng cùng lứa, người ta vinh quy bái tổ rần rần. Thư nhà gởi lên cho biết anh hùng quân đội "X" cùng đánh trận Charton Lepage với hắn vừa về thăm làng, đèn treo sao chớp, hương chức hội tề chường đủ mặt trong buổi đón tiếp trọng vọng, mấy nhà đụng thịt chó ăn mừng tở mở. Đứa em gái của hắn cũng quyền cao lộc cả rồi nên trách ông anh sao bạc bẽo, chẳng về thăm họ hàng để người nhà được vinh quang lây tí chút. Hắn trả lời rằng hắn bận lắm, cách mạng còn đang ở thế tiến công, cả một trọng trách đè trỉu lên vai, nếu hắn về thăm nhà, không ai cáng đáng. Thư em gái lại dộng lên hối thúc, còn cho biết thêm rằng chị Lý lấy chồng nhưng chị Đào trước kia vẫn còn đợi anh đấy! Gái Việt Nam thủy chung quá cỡ. Đã thế hắn không thể nào trì hoãn được nữa! Hắn đã mất một cô em gái nuôi xinh như tranh ở Nam Bộ vì cái thằng thổ tả cù lần coi súng kia, bây giờ cách mạng bù lại cho hắn một tấm thủy chung náo nức đợi chờ thì trọng trách nặng mấy cho cân? Cô Đào, em Đào! Anh sẽ về cưới em! Hắn thầm nhủ. Hắn phải về chứ! Có là sắt đá mới để cho người ta đợi mãi. Hắn phải vinh quy bái tổ. Nhưng cái cổng chào dựng ở chợ trời, hắn phải luồn qua đó trước khi về làng. Hắn đi một vòng các sạp. Ôi chao, những chiếc áo bị căng tay như anh hùng rơm giữ dưa, phơi cả lưng lẫn ngực cho khách hàng xem để đánh giá, những cái quần treo hai ống rộng suông như quan điểm nhân dân không chấm đất, những chiếc áo pa-đờ-suy lính tẩy cúc vàng và những đôi giầy bộ đội mới tinh của quân trang vừa nhảy dù, ghếch mõm nằm đây thách thức thằng nào thử động chúng ông xem. Hắn không thấy, hắn không cần thấy gì hết ngoài những chiếc áo sơ mi trắng xinh xinh như mộng treo ở cuối chợ kia. Hắn đến ngay hỏi giá và trả tiền lấy luôn một đôi, chiếc này giống hệt chiếc kia. Người chủ sạp lấy tiền nên quên mất quan điểm nhân dân, xé đánh toạc tờ báo Nhân Dân đang đọc cuộn liền hai cái áo. Tuy không kín nhưng chu đáo hơn các cô mậu dịch viên nhiều. Nhưng hắn sực nhớ ra rằng áo mộng phải đi đôi với giầy cộp. Hắn vụt đến các sạp bán giầy. Cả một lô như những đôi trâu hợp tác xã không ai chăn đang chờ cỏ. Hắn cầm lấy một chiếc, ướm vào chân rồi trả giá qua loa, mua ngay. Vì là giầy cũ nên người bán không gói. Hắn không cần sự niềm nở hoặc sự chu đáo. Hắn ngồi xuống góc sạp tụt dép, tra giầy mới, cởi luôn áo, mặc sơ mi trắng vào, rồi đứng dậy đi nhanh, yên trí không ai thấy. Hắn rời khỏi chợ trời một cách hộc tốc nhưng phấn khởi lạ lùng. Hắn ra bến xe. Hắn về tới làng khi mặt trời chiều treo ở ngọn tre đầu làng. Năm bảy năm trước, hắn từ giã họ hàng ở đây. Bây giờ hắn trở về. Người làng vẫn còn nguyên đó, tuy trên mặt thêm vô số khía sâu. Họ là Xã viên hợp tác, là Bí thư, là Chủ nhiệm. Còn hắn...? Hắn cũng đi trên đường cách mạng chứ có kém ai. Hắn diện áo trắng, kên giầy cộp, mặt mũi phương phi, khác hẳn mọi người ở làng. Cái chàng trai quê mùa ngày xưa đã lột xác, trở thành một ông gì, chắc phải là to lắm trong quân đội. Giầy cộp áo trắng! Mấy ai trong làng đi mà về được như hắn. Bà con đến chào mừng người làng mình vinh quy bái tổ làm rỡ ràng cho mảnh ruộng nghèo khó này. Người ta kháo với nhau rằng ảnh của hắn đã đăng trên báo Nhân Dân, chụp trong kỳ lễ duyệt binh khi đón Bác. Đảng về thủ đô. Những cô gái tên Hồng tên Lý, xưa kia coi hắn là anh chàng vô duyên, bây giờ đâm ra tiếc ngơ tiếc ngẩn. Họ đang đứng sau bụi tre chưa dám chường mặt ra chào ông nghè cách mạng. Cả một sự rộn rịp trên đường quê tóe ra trong buổi chiều oi ả. Có những người lôi nài hắn về nhà uống nước chè xanh. Một bà có con gái dậy thì mời hắn sáng mai đến nhà xơi bún riêu. Rối ra rối rít tíu ta tíu tít. Hắn trôi theo đám người đang níu kéo tranh giành kỳ được hắn. Đường làng đầy lổ chân trâu. Chắc áo trắng nâng hắn nhẹ như bông, như lắp cánh cho hắn, còn đôi giầy thì chẳng khác đôi hia có phép thần. Hắn bước từng bước, hắn nghe từng bước và hắn thích từng tiếng giầy nện. Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ ngắn. Thực tế thì hắn đang khổ sở vì đôi giày da đen cứng. Hắn không quen mang loại này nên chỉ cuốc một quãng, gót chân phồng lên, hắn đi chậm lại, rồi đi khập khễng. Gót bên trái đau hơn. Chiếc áo trắng mộng đã đẫm mồ hôi như lưng xã viên kéo cày cho hợp tác xã. Hắn cố lê tới gốc đa bên vệ đường và ngồi phệt xuống, tụt giầy cởi tất ra xem. Mỗi gót chân đều phồng lên một bọc nước trong bóng như múi dâu ta ở Nam Bộ. Hắn xuýt xoa, hắn nhăn nhói, hắn tắc lưỡi một mình. Vì đâu nên nỗi? Khẩu súng cầm nhầm bị bại lộ phải đi trại giáo hóa, rồi chiếc áo trắng vo tròn đút ba lô suýt bị bắt, cũng đều do giấc mơ hiển vinh này đây. Bây giờ thì đạt rồi. Giầy cộp áo trắng chợ trời nào ai truy được gốc. Hắn định quảy đôi giày trên vai, lội chân không cho đỡ đau, khi về gần tới nhà sẽ tra vào. Một bác nông dân đi làm về ngang chỉ ngó hắn rồi đi thẳng chứ không hỏi han dường như biết tẩy hắn. Thời may, từ đằng kia có một anh bộ đội đi lại. Anh này mặt còn non choẹt, có lẽ lính nghĩa vụ sau hòa bình. Thấy hắn, anh lính niềm nỡ một cách "tôn cán" ngay: "Chào Thủ trưởng, Thủ trưởng làm sao thế?" "À cậu, vết thương cũ nó hành tớ đấy mà!" Hắn đám một cách "ái binh" trở lại. "Thủ trưởng định đi đâu bây giờ?" "Tôi về xã nhà giúp cho Ủy ban chút việc ấy mà. Còn cậu, cậu đi đâu?" "Báo cáo, em về phép nhưng lỡ ham vui, chắc trễ xe. Em chạy nhanh ra chợ, nếu may có gặp được xe mình thì quá giang kẻo trễ phép bị kỷ luật." Anh lính tinh ý, nhìn thấy áo sơ mi trắng và giầy đen thì biết ngay đây là cán bộ trung cấp nên tỏ vẻ lễ phép từ phút đầu: "Chào Thủ trưởng!" Chả là trong điều lệnh nội vụ có ghi: "Cán bộ cấp trên ở đơn vị khác có quyền khen thưởng hoặc hình phạt bằng phân nửa quyền hạn của Thủ trưởng đơn vị chính", nghĩa là anh lính đi ra ngoài đơn vị mà lang bang thì cán bộ bất cứ đơn vị nào cũng có quyền phạt anh ta. Nếu đáng năm ngày cơm lạt thì chỉ phạt hai ngày rưỡi thôi, phần còn lại dành cho Thủ trưởng của đơn vị anh ta. Hắn thấy anh lính sợ bị kỷ luật thì xua tay bảo: "Cậu đừng lo. Để tôi ghi giấy chứng nhận rằng xe hành khách bị sung công đắp đê Mai Lâm." "Vâng ạ!" Anh lính mừng rỡ "Vậy em không phải vất vả nữa. Để em quảy ba lô và xách hộ đôi giày cho Thủ trưởng. Em quê ở làng bên!" Thế là hắn trở thành Thủ trưởng thật sự, có gác-đờ-co vác ba lô và xách giầy. Anh lính được cái ân huệ bất ngờ và to lớn, muốn đền đáp ngay để đời sau con cháu khỏi phải nợ, như nợ ơn Bác ơn Đảng, nên anh ta hết lòng hết sức phụng sự Thủ trưởng, một tiếng "dạ", hai tiếng "vâng", coi như chính vị chỉ huy của mình. Cán binh đủng đỉnh đi trên đường làng, cán hãnh diện đi trước, binh lóm thóm theo sau. Khi hai thầy trò về gần đến nhà, một cụ già nhận ra hắn kêu toáng lên. Rồi cả xóm ùa ra. Anh lính cần vụ vênh váo: "Thủ trưởng tôi đang bị vết thương cũ hành hạ đấy ạ!" "Ấy chết! Đứa nào chạy kêu y tá? Xã mình có đội y tế mới về!" Cụ già sốt sắng bảo. Đây là bác ruột của hắn. Cụ đến bên hắn vuốt nếp áo trắng xuýt xoa: "Đi theo cách mạng có khác. Thôn mình dễ được mấy người! Tiếc bố mày không còn sống để nhìn con thế này." Bà con trong xóm ào ra chật ngõ. Người nào cũng trầm trồ nào là nhà tốt phước, nào là anh giống bố anh, nào anh là người có chí, đi những ngót chục năm mà không sờn lòng... Thôi thì hoa vinh quang rắc đầy người. Vinh quang lây cả đến anh lính cần vụ. Một cậu bé, có lẽ em họ của nhà cán, biết đó là giầy của người nhà, nên giành lấy để xách hộ. Một đứa khác nghịch ngợm hơn, giật ngay và xỏ chân vào đi khập khểnh trên những tảng đá mấp mô đường làng. Mọi người trông theo cười rộ vui vẻ. Ông cụ bảo: "Đi làm cách mạng những mười tám năm giời và phải anh dũng chiến đấu lắm mới được tiêu chuẩn cao thế đấy! Đâu phải ai cũng được...!" Người danh giá về làng có khác. Làng xóm họ hàng chào đón niềm nở, tưng bừng. Người ta nối đuôi nhau đi sau theo anh cán bộ cách mạng như một đám rước, chỉ thiếu kèn trống, nhưng cái ngữ ấy là của phong kiến, cách mạng không cần. Tiếng cười, tiếng khen của người lớn, tiếng kháo nhau của trẻ con còn vui gấp mấy. Sau cùng đến lượt bà mẹ của anh cán bộ. Bà đi làm đồng vừa về nhà, nghe trẻ con mách: "Bà ra mau ngoài ngõ, con bà về, có cận vệ nạt đường, áo trắng giầy cộp. Có cả xe ô tô! Nếu đường rộng và không đứt quãng nó đã chạy vào thấu đây rồi!" Bà tất tả chạy ra, đầu óc mường tượng hình dáng đứa con. Bà lầm thầm trong miệng: "Ơn đảng, ơn Bác!" Bà lập lại câu ấy có đến chục lần, như thầy cúng đọc thần chú mà không hiểu nghĩa gì. Khi chạy ngang nhà cái Đào, bà ngoảnh vào gọi: "Đào ơi! Chồng mày nó đã về đấy!" Từ trong khóm chuối um tùm có tiếng đáp vọng ra: "Anh ấy mới vừa đi sao lại về cụ?" Bà mẹ sực nhớ ra..., bèn cắm cúi chạy đi. Bà con làng xóm đang công kênh con bà đi về phía bà. Mắt bà mờ, chân bà dại hẳn, không bước được nữa. Con đương làng mọi ngày bằng phẳng nay sao lồi lõm lắm thế. "Dễ thường nó lập công to lắm!" Bà không dám nghĩ xa hơn nữa, sợ ngợp vinh quang. Người ta không để cho con bà đi một bước. Người ta kiệu anh ta về đến nhà mới chịu thả xuống. Người cần vụ lẽo đẽo theo sau, khi đến nơi, kính cẩn đặt chiếc ba lô lên phản giữa, rồi quát to làm như mình là cần vụ thiệt của ông cán bộ và nhà này là đơn vị của ông. "Đứa nào chạy đi đun nước!" Đám trẻ dạ ran. Có lẽ chúng chưa bao giờ trông thấy một cán bộ áo trắng, giầy cộp như thế về đến ngõ này, cái làng nghèo xác và đi Nam gần sạch sau ngày hòa bình. Một đứa sáng trí hơn chạy sang nhà Đào. Thì Đào cũng vừa đến nhưng còn lấp ló bên ngoài. Trông thấy người con gái, cả hai anh bộ đội, cán lẫn binh, đều kêu lên cùng một lúc, bằng một tiếng âu yếm như nhau: "Em!" Đào đứng khựng lại sững sờ, môi mấp máy, mắt tròn xoe. Cả hai đều có cái lý của mình khi âu yếm gọi Đào bằng tiếng ấy. Nhưng anh cán áo trắng nhanh trí hiểu ngay sự đời biến chuyển theo duy vật duy tâm và cả chẳng duy cái gì hết, nó biến chuyển lắm khi trật ngoài đường rầy xe lửa cách mạng. Hắn hẹn Đào từ lúc nàng mười sáu. Hắn vô Nam, quơ ngang bắt hụt biết bao nhiêu là chị nuôi em nuôi. Người con gái như cái hoa tươi bị sương gió mà héo dần; không thể chờ đợi một thằng thất tín. Nhưng hắn lại không biết như vậy mà trách người không giữ lời hứa với mình. Hắn nảy ra ác ý. Hắn hất hàm với anh lính. "Cậu mở ba lô lấy mấy cái áo trắng ra hộ tôi. À, mà thôi, cậu lấy mấy thước pô-pơ-lin ngoại ra hộ tôi, tôi mua về tặng cô hàng xóm... Mà này, khoan đã, còn tí nắng ở bờ dậu, cậu đem vứt đôi giầy ra phơi kẻo lúc nãy tôi dẫm vào chỗ nước bùn!" Hắn rối ra rối rít sai bảo anh "cần vụ" chạy điên đầu mà vẫn chưa tha. Đào cắm mặt đi xuống bếp đun nước. Rạ ẩm bốc khói không lên lửa ngọn, Đào dụi mắt lia lịa. Nước mắt nàng cứ ràn rụa không cầm lại được. Nàng ân hận. Giá nàng chậm đi một vài tháng đã hơn không? Nàng vụt nghĩ, nhưng nàng sực tỉnh vì có tiếng gọi của chồng:"Em ơi, nước xong chưa, đem lên cho Thủ trưởng?" Ông cán bộ trung cấp đang ngồi trên ván giữa để hứng những câu khen tưới lên đầu, chợt nghe anh cần vụ nhắc tới mình, bèn đứng dậy đi xuống bếp, với giọng bề trên: "Anh chị lấy nhau hồi nào thế hả? Đẹp đôi chứ!" "Dạ mới đây thôi!" Anh cần vụ lễ phép đáp, còn cô vợ thì cúi mặt, lòng nghe buốt đau.

No comments: