Tuesday, May 17, 2011

VIỆT NAM BUỐN NGƯỜI





Bùi Tín Blog
Công ty quốc doanh Việt Nam
trước vành móng ngựa Hoa Kỳ
Hình: Getty Images/iStockphoto

Ðường dẫn liên hệ

Một tin chấn động dư luận: ngày 14 tháng 4 mới đây Tòa án quận Harris của bang Texas, Hoa Kỳ, đã mở phiên công khai xét xử vụ án «Hai công ty tư nhân Mỹ và 2 công ty quốc doanh Việt Nam cùng nhau buôn người lao động Việt Nam trái phép sang Hoa Kỳ».

Báo chí Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Ý đều đưa tin mới lạ này, với những bình luận nghiêm khắc về tệ buôn người đang bị Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ.

Tất nhiên báo lề phải trong nước phải ngậm tăm, vì nếu đăng tỷ mỷ về vụ án này thì bình luận ra sao, nói rõ chuyện thì còn gì là danh dự quốc gia, còn gì là thể diện của đảng Cộng sản độc quyền cai trị, còn gì là bộ mặt của CNXH mà Đại Hội XI vừa qua còn ba hoa lấy được về tính ưu việt.

Các báo quốc tế cho rằng tuy tại phiên tòa ở Texas các công ty Việt Nam vắng mặt, nhưng từ đơn kiện của tập thể lao động Việt Nam, từ bản cáo trạng cho đến lời biện hộ của luật sư, và nhất là bản luận tội và kết án của phiên tòa đã rất nhiều lần nêu bật tội lỗi của các công ty Việt Nam; các công ty quốc doanh này thực sự đứng trước vành móng ngựa của phiên tòa.

Hai công ty Mỹ bị truy tố là công ty Coast to Coast và công ty FLP chuyên xây dựng ngành công nghiệp, đều ở bang Louisiana, đã hợp tác chung vốn với 2 công ty quốc doanh Việt Nam mang tên công ty Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Interserco và công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam Vinamotors có trụ sở ở Hà Nội, để tuyển mộ và đưa một số thợ hàn, thợ cơ khí sang Hoa Kỳ lao động.

Trong vận động và ký giao kèo tuyển mộ, phía các công ty trên đây hứa hẹn rằng lao động sang làm việc tại Hoa Kỳ sẽ hưởng lương cao, phúc lợi đầy đủ, mọi quyền lợi xã hội bảo đảm, đời sống dễ chịu, mỗi năm có thể nhận đến 35 ngàn đôla tiền lương, thừa sức để trả tốn phí ban đầu, còn thừa để nuôi gia đình và tạo vốn làm ăn lâu dài, bảo đảm cuốc sống mai sau. Họ bảo đảm rằng mỗi lao động làm việc trong 30 tháng ở Mỹ sẽ đạt thu nhập 100 ngàn đôla Mỹ, do đó sẽ sống dư dật cùng gia đình lâu dài về sau.

Chỉ vài tuần làm việc trên đất Hoa Kỳ, công nhân Việt Nam hoàn toàn vỡ mộng, nhà ở chật chội, kém vệ sinh, mỗi phòng nhỏ 10 người chen chúc, ăn không đủ no, không đủ chất, lao động cật lực vẫn không nhận được một phần 3 lương đã hẹn, đã vậy tiền thuê nhà ở, giá bữa ăn, chi phí di chuyển các công ty tự định quá cao, trừ hết vào tiền lương, nên cuối cùng thu nhập chỉ vài trăm đôla mỗi tháng, không đủ để trang trải dần nợ nần do chi phí tuyển mộ ban đầu, thường lên đến từ 7 ngàn đến 10 ngàn đôla. Có lao động than vãn: tưởng là thiên đường, hóa ra là địa ngục!

Hàng trăm lao động Việt Nam ở bang Texas ở trong hoàn cảnh cùng khổ đã hơn nửa năm, các công ty Việt Nam bỏ mặc họ đúng theo kiểu «đem con bỏ chợ», mặc cho điện thoại, thư từ, đơn tập thể gửi về chính phủ và Bộ lao động, nhiều người vỡ mộng muốn về nước cũng không có cách nào thoát. Lãnh sự quán Việt Nam ở Texas biết rõ chuyện vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Cho đến khi một số bà con trong cộng đồng chỉ vẽ cách phát đơn kiện tới chính quyền sở tại, kiếm giúp các luật sư Mỹ có công tâm, thế là chỉ hơn 1 tháng sau Tòa án đã mở phiên tòa xét xử nhanh chóng và công minh.

Bên nguyên là danh sách hơn 55 lao động Việt Nam, bên bị là 2 công ty Hoa Kỳ và 2 công ty quốc doanh Việt Nam đã cùng nhau toa rập để bóc lột công nhân Việt Nam một cách tàn bạo, như kiểu buôn nô lệ thời Trung cổ.

Chánh án tòa án Harris, bang Texas, đã luận tội, lên án mạnh mẽ các công ty Hoa kỳ và Việt Nam về tội buôn người bất nhân, tàn bạo giữa thời đại văn minh của thế kỷ XXI, và tuyên án các công ty trên phải đền bù cho hơn 50 lao động Việt Nam số tiền tổng cộng là 60 triệu đôla, phải giải quyết đúng luật lao động Hoa Kỳ những vấn đề tồn tại, cải thiện nơi ăn ở, sinh hoạt, đi lại, tiền lương, phụ cấp cho mỗi người, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng một số lao động muốn trở về nước.

Hiện dư luận bà con ta ở bang Texas đang theo dõi xem cuộc sống của lao động xuất khẩu từ Việt Nam ở đây được cải thiện ra sao sau phiên tòa này. Chưa biết các công ty quốc doanh Việt Nam sẽ phải đóng góp bao nhiêu vào số tiền 60 triệu đôla đền bù cho người lao động Việt Nam trong vụ án này. Vì cái tội cám dỗ đường mật khi tuyển mộ, hứa hẹn hươu vượn để mê hoặc người lao động nghèo khổ, thêu dệt rằng đất Mỹ như là nơi Đất Hứa, rồi phủi tay sau khi «đem con bỏ chợ», sau khi đút túi số tiền tuyển mộ thường cao gấp đôi mức ghi trong hợp đồng, những tội này được coi là rất nặng trong phiên tòa, lại thuộc về phía Việt Nam.

Cuối tháng 4 này, tin từ Texas cho biết được cổ vũ bởi thắng lợi ngày 4/4/2011 tại phiên tòa quận Harris, được sự giúp đỡ của giáo sư và sinh viên Trường Luật Texas – College of Law - Texas - đặc biệt là của bà giáo sư Nesmi Bang, người lao động tại đây đã phát đơn kiện đích danh 2 công ty Quốc doanh Việt Nam IntersercoVietnamotors, với nhiều tội danh và bằng chứng mới. Do đó vụ án về buôn người lao động Việt Nam ở Hoa kỳ đang mở rộng phạm vi và quy mô, từ đó có thể lan sang các nước đang có những sự việc tương tự, như ở Đài Loan, Nam Triều Tiên, Saudi Arabia, và Malaysia.

Chờ xem người phát ngôn của bộ ngoại giao ở Hà Nội có dám phủ nhận phiên tòa ở bang Texas, coi đó là vi phạm chủ quyền quốc gia hay không. Rất khó viện cớ như thế vì luật pháp nước Mỹ là rõ ràng, việc buôn người diễn ra trên lãnh thổ Mỹ, luật Mỹ bảo vệ mọi người lao động sinh sống trên đất Mỹ, thường rất nghiêm với các nhà tư bản làm ăn bất lương dù là người Mỹ, và bảo vệ chặt chẽ mọi người lao động dù thuộc bất cứ nước nào.

Lãnh đạo đảng CS Việt Nam trả lời ra sao với công nhân và lao động Việt Nam khi họ vẫn tự nhận rằng về bản chất đảng CS là đảng của công nhân và lao động? Kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XII sắp diễn ra, có đại biểu nào chất vấn chính phủ, chất vấn bộ trưởng lao động về sự kiện trớ trêu, oái oăm này, khi công ty quốc doanh XHCN của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bị truy ra trước vành móng ngựa Hoa kỳ và bị kết tội đã hành sử với lao động nước mình như đối với một bầy nô lệ? Và tiền nộp phạt sẽ lấy ở đâu, nếu không lấy từ ngân sách quốc gia?

Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 vừa qua, bà con công nhân và lao động nước ta cay đắng nghe những bài diễn văn hùng hồn, đầy mỹ từ để so sánh với cuộc sống khó khăn khi giá cả leo thang, lạm phát gia tăng, người lao động bị buôn bán như nô lệ, trong khi các vị «đầy tớ của nhân dân» sống cuộc đời giàu sang, phè phỡn, vượt quá cả các vị đế vương thời xa xưa.

Một nghịch lý trong muôn ngàn nghịch lý của thời đương đại, khi còn tồn tại độc quyền đảng trị.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/cong-ty-quoc-doanh-vn-05-13-2011-121800639.html



Thực hư xuất khẩu lao động và buôn người

Khung cửa hẹp của công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Mỹ có vẻ đã khép lại, qua vụ hai đại gia Nhà nước Interserco và Vinamotors bị kiện ở tòa án liên bang Hoa Kỳ về tội buôn người và vi phạm hợp đồng.

AFP photo

Một công nhân Việt Nam tại nhà máy sản xuất các linh kiện máy phát điện và tua-bin của GE tại khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng hôm 15/10/2010

Ai vi phạm hợp đồng?

Đại diện các công ty bị kiện phản bác rằng: “người lao động đã nói sai sự thật.” Những thông tin ban đầu từ báo chí Việt Nam nói gì về vụ việc này?

Thanh Niên Online ngày 16/4 trích báo Mỹ Houston Chronicle đưa tin: “Một nhóm lao động Việt Nam đã khởi kiện 2 công ty Việt Nam ra tòa án liên bang tại Texas, Mỹ và đòi bồi thường 100 triệu USD. Interserco và Vinamotors, có trụ sở tại Hà Nội, bị kiện vì vi phạm các luật lệ về chống buôn người của Mỹ. 13 người đứng tên trong vụ kiện tố cáo rằng họ đã xem quảng cáo trên truyền hình VN về các việc làm được trả lương cao ở Mỹ, và mỗi người đã chi hàng ngàn USD để được sang làm thợ hàn tại xưởng đóng tàu Houston Ship Channel ở bang Texas.

Theo đơn kiện, khi sang tới Mỹ, họ bị giam trong nhà bếp, bị hiếp đáp và phải sống trong các điều kiện tồi tệ. Các nguyên đơn nói họ bị sa thải sau 8 tháng dù hợp đồng lao động, được ký vào tháng 2/2009, có thời hạn 30 tháng.”

Trong cuộc phỏng vấn của Đài ACTD hôm 16/4, luật sư Tony Buzbee xác nhận đã đại diện công nhân nạp đơn khởi kiện tại tòa án liên bang thuộc khu vực Galveston để tố cáo những công ty này phạm luật cấm buôn người và vi phạm hợp đồng với công nhân. Luật sư Tony Buzbee cho biết đang xúc tiến thủ tục pháp lý để thông báo cho 2 công ty bị cáo biết là họ đang bị kiện và họ sẽ phải trả lời trước tòa. Luật sư Tony Buzbee tin tưởng có thể chứng minh trước tòa là Interserco và Vinamotors dính líu vào đường dây buôn người. Ông nói:

Tôi hy vọng là chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ giúp chúng tôi làm sáng tỏ vụ việc này cũng như để ngăn chặn tệ nạn buôn người và giúp đỡ những nạn nhân đang gặp khó khăn này.

LS Tony Buzbee

“Tôi hy vọng là chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ giúp chúng tôi làm sáng tỏ vụ việc này cũng như để ngăn chặn tệ nạn buôn người và giúp đỡ những nạn nhân đang gặp khó khăn này.”

Theo nhận định ban đầu của LS Nguyễn Văn Hậu trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM, có lẽ đây là lần đầu tiên người đi lao động xuất khẩu kiện công ty đưa mình đi tại tòa án nước tiếp nhận lao động. LS Hậu nhấn mạnh:

“Tôi nghĩ rằng nếu họ chứng minh được việc buôn người thì những người vi phạm phải được xét xử theo luật pháp Việt Nam cũng như nước sở tại. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu có yếu tố hình sự thì họ sẽ bị xét xử theo qui định pháp luật không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước sở tại.”

Báo Thanh Niên Online cũng có nhắc tới sự kiện, trước khi khởi kiện ở tòa án Liên bang, nhóm lao động xuất khẩu này đã được một tòa án ở Texas ra phán quyết buộc các công ty cung cấp lao động ở Mỹ là Coast To Coast và ILP phải bồi thường một số tiền rất lớn.

LS Trần Thị Minh Tâm, người trực tiếp giúp các công nhân Việt Nam đòi bồi thường trong vụ kiện ở Quận Harris Tiểu bang Texas nói với Đài ACTD:

“Có 2 cái judgments. Sau khi chúng tôi đi ra mediation và tòa hòa giải, tức là the mediator, và có tất cả nhân chứng thì Án Lệnh được đưa ra. Đó là một Agreed Judgment, nên họ không chống án được. Công ty Coast To Coast bị phạt 10 triệu và công ty ILP bị phạt 50 triệu. Theo như lời luật sư của Coast To Coast thì một công ty không còn hoạt động, nhưng 2 công ty đó chỉ là môi giới mà thôi. Nhân vật chính trong vụ này là 2 công ty Interserco và Vinamotor.

Hai ngày sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về vụ kiện vi phạm luật lệ buôn người tại Hoa Kỳ, ngày 18/4 Thanh Niên Online đã gặp gỡ với đại diện các công ty bị kiện ở Mỹ và được họ khẳng định: “Các lao động đã nói sai sự thật.” Đại diện công ty Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế Interserco và Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam Vinamotors khẳng định, thông tin các lao động khiếu kiện đều là bịa đặt và chính lao động mới là người đã vi phạm hợp đồng ký kết.

NLĐ có được cung cấp đủ thông tin?

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và du lịch trực thuộc Vinamotors, nói trên Thanh Niên Online rằng, công nhân lưu trú trong khu gia cư đầy đủ tiện nghi, điều này được kiểm chứng bởi đoàn công tác của liên bộ Ngoại giao, Lao động Thương binh Xã hội trong chuyến viếng thăm Mỹ hồi tháng 5/2010.

000_Hkg1781614-250.jpg
Công nhân may gia công hàng xuất khẩu tại Công ty may 10. AFP photo

Về việc các lao động nói, họ bị sa thải sau 8 tháng làm việc, ông Dũng giải thích thủ tục I-129 của Bộ Lao động Mỹ chỉ có hiệu lực trong vòng 10 tháng sau đó phải xin gia hạn visa tiếp. Nếu không được gia hạn visa thì phải về nước, người lao động trước khi lên đường sang Mỹ đã được cung cấp thông tin chính xác về thời hạn làm việc thực tế và khả năng tiếp nhận “có thể được gia hạn giấy phép hoặc không”.

Theo Thanh Niên Online, khi hết hạn visa và không được gia hạn, công nhân được yêu cầu về nước vào thời điểm 1/3/2009, một số lao động đã về nước, nhưng một số khác đã tham gia kiện cáo công ty sử dụng lao động. Tờ báo cho biết, tổng số thời gian làm việc tại Mỹ của nhóm lao động xuất khẩu, người ít nhất 9 tháng, người nhiều nhất 14 tháng.

Tổng thu nhập của các lao động từ 12.000 USD tới 30.000 USD. Tuy vậy thông tin từ phía các đại diện Vinamotors và Interserco không đề cập tới sự kiện công nhân Việt Nam nói là bị khấu trừ tiền lương tới 2.000 USD mỗi tháng cho các chi phi về chỗ ở, dụng cụ làm việc và tiền xe chở tới nơi làm việc.

Trả lời Nam Nguyên, Luật sư Trần Vũ Hải hiện sống và làm việc tại Hà Nội nhận định, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cần phải làm việc bài bản hơn và chuyên nghiệp hơn. Theo ông, mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ đạt tới mức vài trăm ngàn lao động xuất khẩu mỗi năm mà phải là hàng triệu người. LS Trần Vũ Hải nhấn mạnh:

Lao động xuất khẩu phải được giáo dục về luật pháp văn hóa của nước đến làm việc, đặc biệt phải làm rõ cam kết của người sử dụng lao động cũng như điều kiện mà người lao động phải tuân thủ.”

LS Trần Vũ Hải

“Cục lao động ngoài nước cần hợp tác với các chuyên gia lao động, luật sư quốc tế, nhất là khi nhà nước Việt Nam được coi là Nhà nước của giai cấp công nhân và nông dân tức là khuynh hướng bảo vệ người lao động nhiều hơn so với giới chủ. Lao động xuất khẩu phải được giáo dục về luật pháp văn hóa của nước đến làm việc, đặc biệt phải làm rõ cam kết của người sử dụng lao động cũng như điều kiện mà người lao động phải tuân thủ.”

Các thông tin từ báo chí Việt Nam không nêu rõ có bao nhiêu công nhân do Vinamotors và Interserco đưa đi lao động ở Mỹ cũng như số người đã về nước. Theo luật sư Tony Buzzbee nói với đài chúng tôi thì khoảng 50 người đã đến Mỹ, số người đứng tên kiện lên tòa án liên bang là 13.

Yếu tố tội phạm buôn người, ngược đãi công nhân là đề tài được dư luận thế giới chú ý đặc biệt. Các chuyên gia nhận định rằng bên nguyên đơn đã tạo được sự ủng hộ rộng rãi của công luận. Ít nhất trong giai đoạn hiện nay, những người thợ hàn đến từ Việt Nam sẽ được bảo vệ không lo sợ bị bắt bị trục xuất như đe dọa của các công ty xuất khẩu lao động từ quê nhà.

Dư luận chưa quên sự kiện 2005 ở đảo Samoa thuộc Mỹ, một chủ nhân người Hàn Quốc bị kết án 40 năm tù vì tội ngược đãi hơn 200 công nhân xuất khẩu lao động từ Việt Nam và Trung Quốc. Sau phiên tòa, một số lớn công nhân đã được cấp visa làm việc dài hạn ở Hoa Kỳ, trở thành thường trú nhân và được bảo lãnh thân nhân sang đoàn tụ ở Hoa Kỳ.

Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/react-on-human-trafficking-nn-042...




Việt Nam Và Một Số Công Ty Bị Kiện Buôn Người Tại Texas

Thứ Hai, Ngày 18 tháng 4-2011 Tin Houston -

Vụ kiện trong tuần qua tại Galveston County liên quan đến hàng chục người thợ hàn là nạn nhân bị lừa, mất tiền, mất cả việc làm, sau khi được xuất cảng lao động sang Hoa Kỳ hiện làm xôn xao dư luận cộng đồng người Việt địa phương. Việc buôn người này do các công ty làm ăn và môi giới, trong đó có những công ty quốc doanh của Cộng sản Việt Nam theo vụ kiện do hai luật sư Tammy Trần và Anthony Buzbee đệ đơn khởi tố, đòi bồi thường $100 triệu tại tòa án liên bang.

Năm 2009, vụ buôn người được tòa Harris County phán quyết hai công ty Coast to Coast Resources và ILP Agency bồi thường $60 triệu cho những người thợ hàn bị các công ty cung cấp nhân dụng của Mỹ bóc lột sức lao động, cho thấy cũng những nạn nhân này là nguyên cáo của vụ kiện hôm Thứ Tư vừa qua tại Galveston. Theo hồ sơ vụ kiện của văn phòng Luật Sư Tammy Trần và Luật Sư Anthony Buzbee thì 9 trong số 13 người đàn ông bên nguyên đơn sống ở Galveston County. Những người khác, bao gồm 50 người đàn ông cư trú ở Louisiana và Texas.

Vụ kiện cáo buộc nhà cầm quyền Hà Nội, công ty Interserco, và Vinamotors, đã tham gia vào một thương vụ bán người với công ty Hoa Kỳ đồng chủ mưu. Công ty Coast to Coast và ILP bị kiện vào Tháng 3 năm 2009 tại tòa án quận Harris County sau hai năm tranh chấp, và theo vụ kiện, tòa đã xử phạt $60 triệu. Hồ sơ kiện cho biết những người lao động này khi đặt chân đến Mỹ, mỗi ngày có xe do tài xế không nói tiếng Việt đến đón để đưa đến chỗ làm hay đi chợ. Họ ít liên lạc được với bất cứ ai khác và bị đe dọa công an sẽ bắt giữ hoặc đánh đập nếu họ nói chuyện với người bên ngoài.

Năm 2008, theo hồ sơ vụ kiện cho thấy các công nhân đã nghe theo các quảng cáo truyền hình Việt Nam, hứa hẹn công việc thợ hàn lương $15 một giờ. Để được 30 tháng làm việc, người lao động trả trước một khoản lệ phí từ $7000 đến $15,000. Có người đã phải cầm căn nhà đang ở, xa quê, rời vợ con để đổi lấy công việc làm lao động mong nuôi sống gia đình. Ngày 23 tháng 2 năm 2009 là ngày các công nhân đã đi làm được tám tháng khi họ bị sa thải. Các công nhân được lệnh thu gom đồ đạc để bay trở về Việt Nam.

Họ không được trả lại các khoản tiền đã đóng, cùng chi phí của mình hoặc kiếm tiền cho gia đình họ. Các bị cáo cũng đã thay thế những người lao động cũ với một toán người lao động mới đến. Trên thực tế, sau khi đến Mỹ, họ chỉ được làm một thời gian ngắn rồi được lệnh phải về lại Việt Nam. Qua email và điện thoại, Luật Sư Tammy Trần cho biết bà thấy trong một căn chung cư 2 phòng thì có 4 người phải ở chung. Công ty môi giới mướn với giá $500 một tháng nhưng tính tiền 4 người lao động $2,000 một tháng.

Chỗ ở chật hẹp và tồi tệ. Số tiền $2,000 một tháng có thể trả cho một căn nhà rất lớn và đẹp ở Texas. Vụ kiện với những kết quả điều tra dựa trên căn bản luật về buôn người, trong đó hồ sơ đã kiện ngụy quyền Cộng sản Việt Nam vì có phần trong hai công ty mẹ là Interserco, và Vinamotors. Vì kiện hai công ty mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có cổ phần nên phải nộp đơn tại tòa án liên bang. Hiện các luật sư đang tìm cách để xin cho những người lao động này T Visas tức visa cho những nạn nhân của nạn buôn người để họ được ở lại, được phép đi làm và xin cho vợ con sang Hoa Kỳ đoàn tụ. http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=38&tabId=192&ArticleID=57307

No comments: