Saturday, September 1, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * CHỦ NGHĨA QUỐC GIA


Chủ Nghĩa Quốc Gia
nhìn từ góc độ
Chủ Thể Ðược Phục Vụ
                                                                     

            Tình hình Việt Nam và thân phận người quốc gia chủ nghĩa trong hơn nửa thế kỷ vừa qua là vô cùng phức tạp. Thực vậy, người mác-xít lê-ni-nít cố tình lẫn lộn quốc gia với dân tộc để manh tâm đội lốt quốc gia; một số người chống cộng mù quáng mạo danh là quốc gia chân chính chỉ cốt để thực hiện mục tiêu chống cộng; phần đông người yêu nước quốc gia chủ nghĩa lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tưởng là phục vụ quốc gia; trong lúc đó, hầu hết người quốc gia chính hiệu lại bị nhân dân hiểu lầm, bị cộng sản bôi lọ, bị liên minh thực dân, đế quốc và tay sai cấu kết cùng tập đoàn cộng sản ngày đêm đàn áp, khủng bố và tiêu diệt. Sở dĩ có tình trạng lẫn lộn vàng thau như vậy là vì mọi người đều dễ dàng phóng tâm đồng hóa chủ nghĩa quốc gia với chủ nghĩa yêu nước, lẫn lộn quốc gia với dân tộc, không phân biệt bản thể của quốc gia với bản thể của nhà nước, không phân định minh bạch ranh giới giữa nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ quốc gia, và nhất là không quán triệt sự khác biệt định nghĩa chủ nghĩa quốc gia như là một tổng thể với các thực thể cấu thành quốc gia, và quan trọng hơn cả là không nhận định được một thực tế đáng buồn là chủ thể phục vụ của các chính quyền từ trước đến nay tại Việt Nam chưa bao giờ là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam cả.
           
Vậy trước hết, cần nhắc lại câu hỏi quốc gia là gì?

            Quốc gia bao gồm ba thành tố :
                        -quốc dân,
                        -lãnh thổ,
                        -chế độ.

            Quốc dân là người trong nước, gồm một hoặc một vài sắc tộc chính và nhiều sắc tộc thiểu số. Quốc dân được hình thành và phát triển theo dòng lịch sử, từ những bộ lạc ban sơ kết hợp thành chủng tộc đồng nhất. Danh từ sắc tộc dùng để nói đến các sắc dân sống trong một nước chính xác hơn danh từ dân tộc mà người cộng sản hiện đang dùng và nhiều người khác thường có thói quen dùng lẫn lộn với danh  từ quốc dân.

            Lãnh thổ là đất nước, bao gồm cả vùng trời bên trên và vùng biển và thềm lục địa vây quanh. Lãnh thổ là địa bàn sinh hoạt của quốc dân từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, suốt dọc chiều dài lịch sử. Lãnh thổ có thể biến thiên theo thời gian, tăng giảm diện tích và xê dịch địa điểm, nhưng cơ bản là ổn định và là một thực thể tâm lý bất biến trong lòng quốc dân.

            Chế độ bao gồm các mặt chính trị, văn hóa và xã hội. Theo với đà phát triển lịch sử, trình độ văn hóa quy định sự hình thành các mô thức xã hội thích nghi và những định chế chính trị phù hợp. Văn hóa mỗi ngày một lên cao, mô thức xã hội và định chế chính trị cũng thay đổi. Tính chất khả biến của chế độ về các mặt chính trị, văn hóa và xã hội có tác động hỗ tương mật thiết và sâu đậm, và là động lực thúc đẩy sự phát triển quốc gia, tuy nhiên trong một vài trường hợp cũng có thể gây nên những hậu quả phản động, cản đà phát triển của quốc gia.
           
            Nói một cách tổng quát, các thành tố quốc dân và lãnh thổ mang tính chất ổn định và đặc thù, là những thành tố chủ yếu của thực thể quốc gia. Trong lúc đó, thành tố chế độ có tính chất khả biến, thay đổi theo các điều kiện khách quan, nên chỉ là thành tố thứ yếu của thực thể quốc gia mà thôi. Mặt khác, thành tố chế độ lại chi phối mạnh mẽ các thành tố quốc dân và lãnh thổ, nhất là thành tố quốc dân mà thông thường vẫn được xem như là chủ thể được phục vụ. Nếu đứng về phương diện chủ thể được phục vụ mà nhận xét chế độ, ta sẽ thấy từ quốc gia bao hàm 2 ý niệm rõ rệt: cho toàn dân, và trong cả nước.

            Cho toàn dân nên cái gì là quốc gia thì là cho tất cả mọi người dân trong cả nước, không có biệt lệ, không có đặc ân, không có hạn chế, không có phân biệt đối xử.

            Trong cả nước nên cái gì là quốc gia thì là áp dụng đồng đều ở tất cả các địa phương, không ưu tiên cho địa phương nào mà cũng không kỳ thị địa phương nào.

            Trên cơ sở định nghĩa cổ điển đó của danh từ quốc gia, và trong bối cảnh lịch sử của quốc gia Việt Nam từ trước đến nay, đặc biệt là trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, ta thử xác định lại thực tế của các dữ kiện quan yếu để phân tích một cách khách quan tiến trình phát triển của đất nước, ngõ hầu rút ra những kết luận chính xác làm tiền đề cho những qui định cơ bản trong việc hình thành chủ nghĩa quốc gia Việt Nam.

Quốc gia và chuyên chính nhất nguyên dưới chế độ quân chủ.

            Trên cơ sở cho toàn dân và trong cả nước, ta thấy rõ ràng là dưới chế độ quân chủ chuyên chính, ở nước ta chưa có tinh thần quốc gia. Đời nhà Trần, mở khoa thi Thái học sinh, lấy Trạng nguyên (người đỗ đầu) thì phân biệt Kinh/Trại, Kinh Trạng nguyên cho các lộ ở trung châu và Trại Trạng nguyên cho các lộ phía nam và mạn ngược. Con trai con gái họ Trần kết hôn với nhau, con gái tôn thất tuyệt đối không gã cho con trai bách tính. Đời vua Lê chúa Trịnh, quân đội thì phân biệt Ưu binh và Nhất binh, Ưu binh được tuyển mộ ở Hoan Ái (Nghệ An, Thanh Hoa) là đất Thang Mộc, Nhất binh được tuyển mộ ở tứ trấn Bắc Hà. Buổi đầu thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ (con nhà xướng ca vô loài không được đi thi) là thí dụ điển hình về phân biệt đối xử đối với các hạng người trong nước. Triều Nguyễn thì có lệ không lập Hoàng hậu, và có thêm lệ là chỉ tuyển Hoàng phi từ Quảng Bình trở vào nam mà thôi. Trường hợp công chúa Lê Ngọc Bình của đất Đông Đô được vua Gia Long sách lập làm Đệ tam cung là một biệt lệ có tính cách chính trị. Các cử nhân tân khoa trúng tuyển tại trường thi Thừa Thiên được bổ dụng ngay, còn các cử nhân trúng tuyển ở các trường thi Hương khác (1) đều phải tu nghiệp thêm một năm tại Quốc Tử giám trước khi được bổ dụng làm Hành tẩu. Người Hoàng tộc được đặc biệt ưu đãi. Khi nhỏ, ngày ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, học sinh tôn thất mặc áo dài xanh còn học sinh bách tính mặc áo dài đen nếu được vào Đại Nội ăn bánh trong những ngày lễ Vạn Thọ hay Hưng Quốc Khánh niệm. Lớn lên, dù chẳng có tài cán gì, con nhà tôn thất đều được thu xếp cho một chức quan, con trai lớn dòng trưởng được tập tước, nếu cha được phong vương thì con được phong quận công, cháu được phong huyện công, xuống nữa được phong hầu, rồi trợ quốc khanh, tá quốc khanh. Sự thiếu mặt của các tính chất cho toàn dân và trong cả nước còn kéo dài mãi đến cuối thời Pháp thuộc. Người Pháp chia cắt lãnh thổ Đại Nam làm nhiều mảnh, lập ra các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, mỗi kỳ riêng biệt một chế độ hành chánh, tài chánh, tư pháp (2); lại lấy phủ Cần Bột (Kampot) và đất đai phía tây kinh Vĩnh Tế trả lại cho Cao Miên; lấy đường phân thủy Trường Sơn làm phân ranh Lào-Việt, sáp nhập tất cả các phủ huyện phía tây đường phân ranh ấy (Trấn Ninh, Trấn Biên, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Cam Cát, Cam Môn) vào vương quốc Luang Prabang để lập ra xứ bảo hộ Ai Lao. Ngoài ra,  nghị định của Toàn quyền Đông Dương về quy chế sĩ quan bản xứ có những quy định khác nhau cho người cùng một nước, hạn chế cấp bậc tối đa cho người Nam Kỳ là Đại tá, cho người Bắc Kỳ là Thiếu tá, và cho người Trung Kỳ là Trung úy. Nói tóm lại, dưới thời quân chủ chuyên chính, dù độc lập hay bảo hộ, tinh thần quốc gia chưa có mà tinh thần cục bộ thì phát triển nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhà vua và triều đình, và của tập đoàn thống trị thuộc địa. Tình trạng này còn kéo dài trong vùng Pháp chiếm đóng từ sau Thế chiến II đến năm 1955, kể luôn cả thời kỳ Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Thực vậy, mặc dù có lúc đã có một cuộc tập hợp rộng rãi những người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa trong cả nước thuộc đủ thành phần chính trị, tôn giáo, xã hội, đằng sau lưng Bảo Đại, sau Hội nghị Chính trị Hồng Kông, nhưng rút cục, quốc gia Việt Nam dưới chế độ Quốc Trưởng không khác biệt với thời thuộc địa, cũng chỉ vì người Pháp lươn lẹo, không thật tâm thi hành giải pháp Bảo Đại, và cũng chính vì Bảo Đại không phải là con người của thời thế, hóa ra độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ chỉ có trên giấy tờ mà thôi.

Quốc gia và chuyên chính nhất nguyên dưới chế độ quốc tế vô sản.

            Dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, giai cấp công nhân vô sản một mình làm chủ đất nước thông qua đại diện là đảng cộng sản giữ chức năng lãnh đạo và cơ chế nhà nước giử chức năng thừa hành. Đảng và Nhà nước là hai hệ thống song hành, một chìm một nổi, ở tất cả các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, trong tất cả các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ trung ương đến địa phương, theo đúng chức năng đã định mà áp đặt quyền lực thống trị chuyên chính lên toàn bộ nhân dân cả nước. Với chức năng lãnh đạo, cấp ủy đảng chỉ thị và kiểm soát cơ quan nhà nước cấp tương ứng. Thành thử, chỉ có đảng viên đảng cộng sản một mình một chợ nắm giử chính quyền, không chia sẻ với một ai khác. Người ngoài đảng chỉ được sử dụng trong các địa hạt chuyên môn, nếu có cần phải đặt để vào các chức vụ chỉ huy trong phạm vi hành chánh thì cũng không thể hơn chức vụ Trưởng phòng. Ngay cả các đảng viên không phải là cấp ủy, nghĩa là đảng viên quần chúng, vẫn có nhiều đặc quyền hơn người công dân ngoài đảng, vì chỉ có họ mới được quyền bầu cử đại biểu vào các cơ cấu chính quyền và Đại hội đảng, tức là gián tiếp bầu các cấp ủy đảng, còn quần chúng ngoài đảng thì chỉ được bầu Quốc hội, các cơ quan Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp, nghĩa là các cơ chế không có quyền quyết định chính trị. Đảng viên có lớp học chính trị  riêng , có chế độ cung cấp riêng, đặc biệt ưu đãi hơn quần chúng ngoài đảng. Chỉ có đảng viên mới được ứng cử, vì muốn ứng cử thì phải được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu, mà không phải là đảng viên thì làm thế nào mà được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu. Nhưng khốc liệt nhất của chuyên chính vô sản là chuyên chính về mặt tư tưởng. Học thuyết Mác Lê là hệ tư tưởng độc tôn, chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội. Tất cả mọi người đều phải tham gia các lớp học tập về "quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, ba dòng thác cách mạng trên thế giới, duy vật biện chứng, duy vật sử quan, học thuyết Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh...". Không còn có chỗ cho các hệ tư tưởng nào khác. Các triết gia kim cổ, thảy thảy đều bị báo chí sách vở của Đảng và Nhà nước bài xích, rầm rộ và công khai; các tôn giáo có gốc rễ lâu đời trong nước hay mới được du nhập từ ngoài vào, thảy thảy đều bị chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước từ từ triệt hạ, âm thầm và tinh tế. Nói tóm lại, chủ nghĩa Mác Lê "bách chiến bách thắng, chủ nghĩa Mác Lê "vô địch", đã thể hiện trọn vẹn quyền lực chuyên chính quốc tế vô sản tại Việt Nam, dành đặc quyền đặc lợi cho thiểu số đảng viên cộng sản độc tôn cầm quyền, ghìm đại khối nhân dân trong nghèo đói, lạc hậu, sợ hãi, lừa dối, đố kỵ và ngu dốt. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quốc gia không có chỗ đứng; chỉ có tinh thần quốc tế vô sản và bản chất chuyên chính nhất nguyên mà thôi, thể hiện qua các cơ chế Đảng và Nhà nước.



Quốc gia và dân chủ đa nguyên thời Đệ nhất Cộng Hoà.

Trong thời gian từ 1955 đến 1975, ở phía nam vĩ tuyến 17, do hiệp nghị Genève 1954 giữa các đại cường, và do trưng cầu dân ý 1955 của nhân dân Việt Nam, quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã được thành lập và tồn tại gần 20 năm. Việt Nam Cộng Hòa đầy dẫy những thí dụ sống động về các yếu tố cấu thành chủ nghĩa quốc gia, nhất là trong giai đoạn đầu mà dân chúng miền nam quen gọi là Đệ nhất Cộng Hòa. Thực vậy, bản thân người khai sinh nền cộng hòa đã là mẫu người quốc gia chủ nghĩa chân chính. Ngô Đình Diệm năm 1946 từ chối không nhận làm Bộ Trưởng Nội vụ (sau đó được giao cho Huỳnh Thúc Kháng) vì nhận định Hồ Chí Minh chỉ khoác áo quốc gia lừa bịp công luận chứ thâm tâm thì tận dụng phương tiện dân tộc để đạt cứu cánh đưa Việt Nam vào hàng ngũ quốc tế vô sản. Ngô Đình Diệm năm 1948 từ chối không nhận làm Thủ Tướng (sau đó được giao cho Trần Văn Hữu) vì nhận định Bảo Đại chỉ là con cờ người Pháp dùng làm chiêu bài lôi kéo người Việt Nam yêu nước về với mình để dễ bề tiêu diệt kháng chiến, chứ một khi kháng chiến bị tiêu diệt rồi thì đừng hòng đòi hỏi người Pháp trao trả độc lập. Ngô Đình Diệm năm 1955 đánh dẹp Bình xuyên, giải giới các tổ chức võ trang chính trị và tôn giáo, cải tổ cơ cấu quân đội và thay đổi nhân sự hành chánh vì quan niệm rằng quốc gia phải nhất thống, quốc gia phải có chủ quyền, quốc gia không thể là hỗn loạn vô chính phủ. Ngô Đình Diệm ban hành các Dụ 52 ngày 29- 8-1956 và 53 ngày 6-9-1956 bắt buộc người gốc Hoa thổ sinh phải nhập Việt tịch và cấm ngoại kiều (chủ yếu là Hoa kiều) làm 11 nghề, và ra lệnh đóng cửa các trường học dạy chương trình Hoa ngữ, vì nhận thấy sự phi lý hiển nhiên trong sự kiện những người sinh ra và lớn lên nhờ ăn cơm uống nước của Việt Nam, hít thở không khí của Việt Nam, lại không chịu hội nhập vào xã hội Việt Nam, không nói được tiếng Việt Nam, cứ khư khư giữ chặt những đặc quyền đặc lợi thủ đắc dưới thời Pháp thuộc. Ngô Đình Diệm cuối năm 1963 bị thảm sát vì cương quyết bảo toàn chủ quyền quốc gia, chống lại những áp đặt thay đổi về chiến lược, về tổ chức, về nhân sự, và nhất là chống lại kế hoạch đưa quân Mỹ vào Việt Nam, bởi lẽ Ngô Đình Diệm quan niệm rất đúng rằng một khi quân Mỹ có mặt trên chiến trường thì cuộc chiến đấu của người Việt quốc gia yêu nước không cộng sản chống lại người Việt  quốc tế mác-xít lê-ni-nít không còn chính nghĩa nữa trước con mắt trọng tài của quốc dân Việt Nam. Nhưng ngược lại, chế độ Ngô Đình Diệm cũng còn những mặt hạn chế, trái với tinh thần quốc gia chân chính, vì trong khá nhiều lãnh vực đã bộc lộ tính chất cục bộ, kỳ thị, thiếu dân chủ, phân biệt đối xử, nghĩa là không phục vụ quốc gia theo đúng tinh thần cho toàn dân và trong cả nước. Ngô Đình Diệm thích chọn cộng sự viên gốc gác Bình Trị Thiên và dòng dõi quan lại, đề cao người Nghệ Tịnh và Nam Ngãi là trung nghĩa khí khái, nghi kỵ người Bắc và người Hoàng tộc (nhất Bắc Kỳ, nhì các Mệ) cho là giảo quyệt, không coi trọng người Nam vì định kiến cho rằng người Nam tính tình bộc trực và nhất là thiếu tinh thần quốc gia, dễ dàng nghe theo lời người nước ngoài. Dư luận về tiêu chuẩn nhân sự thời đệ nhất cộng hòa là "người Trung, công giáo, cần lao" không phải là không có căn cứ. Ngô Đình Diệm lãnh đạo theo tinh thần gia trưởng, tự xem mình là cha mẹ dân, thương dân như cha mẹ thương con, tự đặt mình lên trên hiến pháp, lên trên quốc gia ("Sau hiến pháp còn có tôi"). Nhưng trầm trọng hơn hết là vấn đề tôn giáo. Thay vì đấu tranh trên cơ sở dân chủ/chuyên chính, hữu sản/vô sản, đa nguyên đa đảng/độc tài độc đảng, kinh tế thị trường/kinh tế hoạch định, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đem ý hệ Cơ Đốc ra đối đầu với ý hệ Mác Lê trong cuộc phân tranh quốc cộng nên dần dà mất sự hưởng ứng nhiệt tình buổi đầu của đại khối quần chúng cũng như của phần đông những người quốc gia chủ nghĩa. Gần một trăm năm mươi năm về trước, nước Pháp đã có đạo luật tách rời quốc gia với giáo hội. Vậy mà nay ở miền Nam Việt Nam lại xảy ra tình trạng không phải chỉ là kỳ thị tôn giáo hay công giáo độc tôn không thôi, mà là quốc gia bị tôn giáo phủ lấp, tức là điều trái với khái niệm quốc gia mọi người ngày nay hiểu. Bản thân Ngô Đình Diệm vốn là người quốc gia chủ nghĩa nên cũng không chấp nhận sự kiện tôn giáo phủ lấp quốc gia, do đó, buổi đầu chấp chính đi kinh lý một số địa phương thấy dân chúng treo cờ Tòa Thánh lấn áp quốc kỳ, Ngô Đình Diệm đã chỉ thị Bộ Nội vụ ban hành nghị định 78/NV/NA/85 tháng 9 năm 1957 và nghị định 189/NV/NA/PS ngày 12-5-1958 qui định thể thức treo quốc kỳ và giáo kỳ, trong tinh thần đặt quốc gia lên trên hết. Thế nhưng chế độ Ngô Đình Diệm càng về sau càng bộc lộ tinh thần cục bộ và bản chất chuyên chính, không còn tìm đâu ra tinh thần dân chủ đa nguyên buổi đầu. Một số nguời có thế lực bên cạnh Ngô Đình Diệm lại chủ trương lấy Công giáo làm quốc giáo, do đó mà có sự phân biệt đối xử quá đáng, trong lúc cờ Tòa Thánh được treo rợp trời nhân dịp lễ Ngân khánh của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, thì 2 ngày trước lễ Phật đản 8-5-1963, phủ Tổng Thống ban hành văn thư cấm treo cờ Phật giáo, gây phẫn nộ trong quần chúng Phật tử, tạo cơ hội cho người Mỹ James Scott gài lựu đạn trước đài phát thanh Huế châm ngòi nổ phát động một chiến dịch chống đối chính quyền sôi động hơn nửa năm trời và kết thúc vào ngày 2-11-1963 với sự kiện anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết chết, ám muội và thê thảm.

Quốc gia và Dân chủ đa nguyên thời Đệ nhị Cộng Hòa.

            Sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, Hội đồng Quân nhân Cách mạng tạo dựng một chế độ mà dân chúng miền nam quen gọi là Đệ nhị Cộng Hòa, một chế độ bề ngoài có vẻ dân chủ pháp trị nhưng thực chất lại là quân phiệt, dân chủ nửa vời, và lệ thuộc nước ngoài. Quốc gia thời Đệ nhị Cộng Hòa hoàn toàn bị quân đội phủ lấp, bị Toà Đại sứ Mỹ áp lực, bị cộng đồng người Hoa thao túng, và chơi vơi giữa dòng nước xoáy của 2 tôn giáo kình địch Phật và Chúa. Thực tình thì hiến pháp ngày 1-4-1967 tạo dựng một định chế nửa phần tổng thống, nửa phần đại nghị, đã có nhiều mặt tích cực và tiến bộ về tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng và địa phương phân quyền, thế nhưng quân đội đã phủ lấp quốc gia nên thực trạng sinh hoạt chính trị không phải như hiến pháp qui định. Mặt khác, để khắc phục sự trì trệ của thủ tục công vụ và tài chánh, từ 1964, người Mỹ đã giúp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lập thêm qui chế cán bộ để dễ dàng tuyển dụng nhân viên, và thể thức chi tiêu "xây dựng nông thôn" để các địa phương mau chóng thanh lý ngân khoản tại chỗ. Những qui chế nhân sự và thể thức tài chánh này rất cần thiết cho việc thực hiện cấp kỳ những dự án phát triển địa phương phục vụ dân sinh. Ngoài ra lại còn những quỹ ứng trước ngoại ngân sách như Quỹ Tạm Ứng Bộ Chiêu Hồi, Quỹ Khẩn Hoang Lập Ấp Bộ Xã Hội mà các bộ sở quan toàn quyền sử dụng không phải qua thủ tục chiếu hội. Các chương trình tự túc phát triển xã, điện khí hóa nông thôn, người cày có ruộng, khẩn hoang lập ấp, đã thực sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền Nam; quang cảnh trên đồng thì máy cày, dưới nước thì máy đuôi tôm cho thấy cuộc sống của người dân quê thay đổi rõ rệt. Những sự kiện này biểu hiện thiện chí của người Mỹ. Có điều đáng tiếc là người Mỹ không hề có ý định đánh bại cộng sản Bắc Việt, nhưng lại quyết tâm đưa quân vào Nam Việt chỉ để tìm đáp số cho bài toán chiến tranh nhân dân, và điều này làm cho cuộc chiến đấu của chính quyền miền Nam chống lại sự xâm nhập của quân cán miền Bắc gặp phải thái độ thờ ơ của quần chúng nông thôn và các giới nhân sĩ và trí thức thành thị. Trận Khe sanh 1967-1968 chứng minh vũ khí, chứ không phải con người, là yếu tố quyết định trên chiến truờng; chương trình bình định và phát triển 1969-1970 chứng minh thực trạng kinh tế, chứ không phải lý luận ý hệ, là hấp lực hữu hiệu tranh thủ lòng người. Đó là đáp số cho bài toán chiến tranh nhân dân. Tìm ra đáp số rồi thì người Mỹ lại quyết tâm đưa quân ra khỏi Nam Việt, bỏ mặc nhân dân miền Nam tự lo liệu lấy thân, trong lúc chính trường vô cùng rối rắm, Quân đội phủ lấp Quốc gia, từ Tổng Thống, Thủ Tuớng và đa số Tổng Bộ Trưởng, đến Tư Lệnh Cảnh sát, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng, Trưởng Cuộc Cảnh sát quận và Ủy viên An ninh xã, thảy thảy đều là quân nhân. Tư Lệnh vùng chiến thuật chỉ biết có Tổng Thống và cố vấn Mỹ, ngoài ra chẳng còn kiêng nể ai, ngoại trừ Thủ Tướng vốn là Đại Tướng. Người của quân đội chia nhau làm chủ đất nước, người tài trí đã hiếm hoi mà người tâm huyết thì hầu như vắng bóng. Tóm lại, dân chủ và đa nguyên chỉ thấy viết ra trong hiến pháp. Trong thực tế, nền Đệ nhị Cộng Hoà rõ ràng mang tính chất dân chủ nửa vời, chuyên chính và quân phiệt. Quốc gia thời Đệ nhị Cộng Hòa hoàn toàn lệ thuộc người nước ngoài. Nếu về phương diện chính trị và quân sự, Việt Nam Cộng Hòa lệ thuộc người Mỹ thì về phương diện kinh tế, Việt Nam Cộng Hòa bị cộng đồng người Hoa khống chế. Thực vậy, sau cái chết của Ngô Đình Diệm, cộng đồng người Hoa ở miền Nam sống trở lại những ngày vàng son cũ thời Pháp thuộc, các bang hội lại được tự do hoạt động, thi đua nhau xây cất chùa miếu, trường học, bệnh viện, tổ đình, hội quán, và dân số đã gia tăng từ 800.000 người năm 1956 lên 2.200.000 người năm 1972. Thống kê năm 1972 cho biết người Hoa chiếm lĩnh 80% thị trường hàng chế biến, 100% ngành buôn sỉ, 50% ngành bán lẻ, 90% hàng hóa xuất nhập khẩu, và 80% tín dụng ngân hàng. Người Hoa làm chủ hầu hết các cơ  sở kỹ nghệ tân tiến (3) và các đại tửu lầu, cung cấp 2/3 vốn đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế tư nhân của Việt Nam Cộng Hòa, xuất bản 10 nhật báo và 5 tuần báo Hoa ngữ (4), điều hành một hệ thống trường học đầy đủ từ cấp 1 tới cấp 3 giảng dạy bằng tiếng phổ thông (quan thoại) theo chương trình giáo dục của Đài Loan (5). Người Hoa khai dụng tài nguyên và nhân lực của miền Nam, tuy đã tích cực đóng góp vào sự phồn vinh của Việt Nam, nhưng người Hoa lại sống bên lề xã hội Việt Nam, ở ngoài vòng pháp luật Việt Nam, không thi hành bổn phận công dân, cũng không tuân thủ qui chế ngoại kiều. Người Hoa hủ hóa chính quyền để tự tung tự tác bòn rút sức người sức của Việt Nam, tùy tiện ấn định giá cả hàng hóa, đã đóng thuế cho Việt cộng lại còn triệt để chấp hành chỉ thị của phân bộ Quốc Dân Đảng Trung Hoa tại Việt Nam (Hưng Trung Hội) chuyển tiền đều đặn về Đài Loan, biến Việt Nam Cộng Hòa thành thuộc địa kinh tế.


Kết luận.

        Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam là một đề tài rộng lớn. Bàn về chủ nghĩa quốc gia Việt Nam cần phải có nhiều pho sách, không thể một vài bài tham luận mà có thể đề cập đến tất cả mọi khía cạnh của vấn đề. Bởi vậy, bài này giới hạn việc phân tích chủ nghĩa quốc gia Việt Nam xuyên qua các dữ kiện quan yếu trong lịch sử cận đại Việt Nam để nhận xét chính quyền nhìn từ góc độ chủ thể được phục vụ.

            Nói chung, từ quốc gia bao hàm hai ý niệm cơ bản là cho toàn dân và trong cả nước. Như vậy, xuyên qua việc kiểm điểm các dữ kiện lịch sử quan yếu, ta có một kết luận khá rõ rệt là các chế độ chính quyền xưa nay tại Việt Nam chưa bao giờ thực sự phục vụ đúng đối tượng, hay nói một cách khác, chủ thể phục vụ của các chính quyền Việt Nam xưa nay chưa bao giờ thực sự là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam cả. Tuy cũng đã từng có những nhà lãnh đạo tài giỏi và đức độ biết lấy dân làm gốc, quán triệt tư tưởng của Mạnh tử: ‘Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’, như các vua nhà Lý biết thương dân như con đẻ, Đoan Quận công biết chăm lo cho dân Thuận Quảng được an lạc, ngoài đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không nhà nào cài cửa; nhưng nhìn chung, đã chuyên chính thì không thể nào có quyền lợi đồng đều cho tất cả mọi người trong cả nước, đã chuyên chính thì có tệ doan đặc quyền đặc lợi cho thiểu số có quyền. Muốn cho chủ thể được phục vụ đúng là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam, thì chính quyền phải thực sự thuộc về toàn dân, nghĩa là phải có dân chủ. Quốc gia phải là tối thượng, quốc gia đứng trên hết, đứng trên nhà nước, đứng trên đảng phái, đứng trên tôn giáo, đứng trên quân đội, đứng trên thần linh (6).

                                                Tháng 5, 1999
                                     Minh Vũ Hồ Văn Châm

Ghi chú:
           
(1). Dưới Triều Nguyễn có các trường thi Hương sau đây: Trường Hà (Hà Nội), Trường Nam (Nam Định), Trường Nghệ (Vinh), Trường Thừa (Huế), Trường Bình Định, và Trường Gia Định (Sài Gòn).
(2).  Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, theo luật Pháp, tiêu tiền Đông Dương. Trung Kỳ và Bắc Kỳ là Bảo hộ, ngoài đồng bạc Đông Dương còn tiêu tiền của Nam Triều, một quan ăn 600 đồng, nhưng từ Thanh Hóa vào nam thì dùng tiền đồng, từ Ninh Bình trở ra thì dùng tiền kẽm. Ngoài ra, Trung Kỳ và Bắc Kỳ áp dụng những bộ luật hình và luật hộ khác nhau.
            (3)  Vinatexco, Vinatéfilco, Vimitex, Donafitex (hàng dệt); Vicasa (cán sắt); Viso (bột giặt); Sakimco (cán thép); Vị Hương Tố (bột ngọt); Hynos, Perlon, Leyna (kem đánh răng); Viễn Đông (phim ảnh); Con Ó (pin); Sakybomi (bột mì).

(4)  Nhật báo buổi sáng: Viễn Đông, Thế Giới, Đại Hạ, Á Châu, Luận Đàm, Trung Quốc, Dân Tinh, Quần Thanh.
Nhật báo buổi chiều: Vạn Quốc vãn báo, Việt Hoa vãn báo.
            Tuần báo: Quang Hạ, Trung Nam, Hoa Nam, Cầu Cầu, Du Lạc.
           
(5)  Trường học Hoa Kiều:
                        Trường cấp 1: Thánh Tâm, Dật Tiên, Trung Chánh, Sanh Huy, Pháp Vân, Sùng Mãn, Nam Hải, Đức Trí, Khoan Tánh, Dương Minh, Nghĩa An, Trung San, Sùng Hoa.
                        Trường cấp 2 và 3: Quảng Đông Chợ Lớn, Quảng Đông Sài Gòn, Phúc Kiến, Nghĩa An, Sùng Chính, Trí Dũng, Sanh Chí, Quốc Dân, Lĩnh Nam, Chí Sanh, Nam Dương.
                        Trường tỉnh: Hệ thống các trường Tân Sanh tại các tỉnh lẻ.
           
 (6) Thí dụ: Nếu cùng có mặt cùng một lúc ở cùng một địa điểm, thì quốc kỳ là chính, đảng kỳ là phụ; quốc kỳ là chính, giáo kỳ là phụ; quốc kỳ là chính, quân kỳ, hiệu kỳ là phụ; bàn thờ Tổ quốc là chính, bàn thờ thần linh, bàn thờ tổ tiên là phụ.

No comments: