Monday, October 5, 2009

BÌNH LUẬN * TÂM LÝ XÃ HỘI

Đoàn Kết và Chia Rẽ

Gs. Nguyễn Hữu Chi
Tiến sĩ Tâm Lý Chính Trị Học

1. Đoàn Kết Để Làm Gì? Bất cứ người Việït Nam nào (kể cả Việt gian, Việt Cộng, lẫn Việt Kiều), khi thấy cảnh chia rẻ trong xã hội hoặc cộng đồng đều cảm thấy đau lòng vì chúng ta không biết “đồng lòng cùng đi”. Câu hỏi ngớ ngẩn được đặt ra ở đây là: “Đi đâu?”. Chẳng lẽ đi “phanh thây uống máu quân thù”? “Đi” kiểu này thì không lôi cuốn được một số người không thích “uống máu”. Còn “đi” để “hy sinh tiếc gì thân sống” thì khó quá, vì nó trái ngược với bản tính tự tồn của mọi sinh vật trên cõi đời này.

Hơn nữa, sống trong Miền Nam Tự Do, người dân có quyền tự do chọn lựa giữa hai trách nhiệm đối nghịch: hoặc sẵn sàng chết trong vinh quang để bảo vệ lý tưởng tự do, hoặc sống chui rúc để “làm tròn chữ Hiếu”, tức là sống khổ nhục để chăm lo đàn con và bố mẹ già, nhất là khi người già và cô nhi quả phụ ở nước ta không được hưởng tiền trợ cấp. Nhưng khi chúng ta sang tới đây, không ai đòi hỏi chúng ta phải “hy sinh tiếc gì thân sống”, hoặc bắt chúng ta phải “phanh thây uống máu quân thù”. Do đó, vấn đề đoàn kết lại được đặt ra một cách rất ư là khẩn trương. Câu hỏi nêu ra ở đây vẫn là: “Đoàn kết để làm gì?”.



Quả thực, câu hỏi này dễ trả lời lắm vì ai cũng biết một điều hiển nhiên: Trong số hơn 2 triệu người Việt Nam ở hải ngoại, thì có hơn 2 triệu câu trả lời khác nhau. May thay, không ai đồng ý với nhau, nên chúng ta có dịp sống trong cảnh “trăm hoa đua nở” – càng nhiều hoa càng vui. Chỉ những người không biết cười, luôn luôn trang nghiêm nín thở, hoặc những tên không biết “chơi hoa”, mới vuốt bụng thở dài theo kiểu Chu Du: “Tại sao Trời sinh ra ta, lại sinh ra ông Hùng Vương?”. Vì chúng ta bất đồng ý kiến về vấn đề đoàn kết, nên có người bèn đổi lối nói: khuyên chúng ta nên “ngồi lại với nhau”. Tiếc thay, trong nhiều cuộc tổ chức “ngồi lại với nhau”, sau màn đứng lên chào cờ và mặc niệm, chúng ta khoan thai ngồi xuống để thảo luận một vấn đề trọng đại nào đó.

Vấn đề đưa ra để bàn cãi càng cao siêu bao nhiêu, thì chúng ta càng hăng say bàn luận bấy nhiêu. Rất ư là hùng hồn! Hí trường vang vang lời đại cuộc! Thế là sau mấy giờ đồng hồ ngồi mổ sẻ những ý kiến “ngu xuẩn” của những tên “ngớ ngẩn” hoặc những tên “quá ngây thơ, ấu trĩ”, mọi người “thơ thới và hân hoan” kéo nhau ra về. Rồi sau đó lại còn dùng điện thoại để khoe với bạn bè: “tôi đã lột mặt nạ tụi nằm vùng”, hoặc “tôi đã dạy tụi mê tín một bài học về đa văn hóa” v.v… Ôi cộng đồng đã tan hoang, lại còn tan hoang hơn nữa chỉ vì … mấy cái máy điện thoại rẻ tiền! Lại còn có người hỏi nhau: “Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau xung quanh bàn rượu, có phải vui vẻ hơn không?”. Thật là câu hỏi thiển cận. Ai mà chẳng biết rằng “rượu vào” tất nhiên “lời phải ra”. “Lời ra rồi” sẽ thúc đẩy người dự tiệc nên “đồng lòng” đập tan bàn tiệc. Đoàn kết theo kiểu “đổ rượu, đập ly” thì không nên. Chắc chắn là Lý Thái Bạch cũng không chấp nhận giải pháp “bất nhân” này. Bây giờ tôi xin nói chuyện nghiêm chỉnh hơn một chút (theo kiểu ông giáo làng). Thực ra, thiếu đoàn kết vì ba lý do: (1) môi trường xã hội ở hải ngoại; (2) văn hóa truyền thống Việt Nam, và (3) áp lựïc tâm lý. 2. Môi Trường Xã Hội Ở Hải Ngoại Những người di tản sang các nước Tây Phương, đều phải thích ứng. Đó là chuyện sống còn. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta “thích ứng quá đà” nên bị chỉ trích về “tội mất gốc”; nếu chúng ta “thích ứng bất cập” thì bị chê cười vì “tác phong quê mùa hủ lậu”. Thực ra, đa số chúng ta có khuynh hướng thích ứng nửa vời trong chế độ tự do. Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta biết, và thích, dùng quyền tự do ngôn luận để phê phán người khác, nhưng chúng ta không ý thức được tinh thần dung hòa để chấp nhận sự sai biệt giữa những người sống chung quanh ta. Trước đây, chúng ta sống trong một xã hội thiếu tự do, gò bó trong tôn ti trật tự. “Kính trên, nhường dưới” là nguyên tắc căn bản của xã hội cổ truyền. Tối thiểu, chúng ta cũng đại khái biết lời dạy đạo đức “trên ra trên, dưới ra dưới”. Giờ đây, khi ta thoát khỏi định chế khắt khe đó, và đến lập nghiệp trong xã hội tự do, lòng thèm khát tự do trong lòng ta được bộc phát mãnh mẽ như một bình hơi nổ lớn. Thật vậy, sau khi chúng ta đến sống trong thế giới tự do, phản ứng tự nhiên là “thí nghiệm thực tại” (reality testing), tức là ta thăm dò giới hạn tự do. Thí dụ cụ thể nhất là ta cố gắng làm sao có tấm passport Bắc Mỹ để “thực nghiệm” (testing) quyền tự do đi lại. Đối với tự do ngôn luận, nhiều khi vô tình ta vượt giới hạn tự do mà không ý thức được sự va chạm với người sống quanh ta.

Có ngưòi đã vượt ra khỏi tôn ti trật tự cổ truyền, rồi đôi khi dùng lời Mao Trạch Đông chê bai những người có bằng cấp là “những tên khoa bảng không bằng đống phân”. Bị lên án như vậy, nhiều bậc “sĩ phu” vội từ bỏ nhiệm vụ “sĩ phu” để rút lui vào trong bóng tối, sống trong cảnh “vinh thân phì gia” theo đúng truyền thống khoa bảng truớc ngày di tản. Đó là trường hợp mà các nhà xã hội học Tây phương gọi là hiện tượng “self fulfilling prophecy” (tạm dịch là “đoán sao được vậy”). Thực ra, sống trong xã hội tư bản vật chất này, ai cũng nhận thấy nguyên tắc thực tế “tay làm, hàm nhai”, không ai cầu ai, hoặc cần ai.


Ngay đến các cụ già cũng không cần đàn con giữ “tròn chữ hiếu” vì các cụ được chính phủ gửi “tiền già” đến nhà đều đều mỗi tháng. Chỉ trong các xã hội nghèo đói, “chứ hiếu” mới quan trọng: cha mẹ cần phải nhồi “chữ hiếu” vào đầu các con từ ngày biết nói, nếu muốn được sống thoải mái trong lúc xế chiều. Nói tóm lại, sống trong các xứ tự do và phồn thình, ta thấy dây liên hệ giữa hai thế hệ trở nên lỏng lẻo, có khi “trên, dưới” đổi ngược vị thế: “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”. Bên ngoài phạm vi gia đình, mọi người phải “tự lập cách sinh”. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi nghe thấy một người thốt ra một câu bất hủ trong lúc trà dư tửu hậu: “Sang tới đây, tao đéo sợ thằng nào ráo chọi”. Ông này sang đây làm nghề thợ điện, có bằng hành nghề chuyên nghiệp, nên rất thành công về tiền bạc.


Nhưng ông ta bị mặc cảm vì rơi trong cảnh “phân cấp tréo cẳng ngỗng” (status discrepancy). Của chìm của ông lên đến cả triệu, nên xã hội Bắc Mỹ có thể coi ông thuộc thành phần giầu có (upper class), nhưng ông vẫn bị một số người Việt Nam coi là một thành phần thợ thuyền (blue-collar worker). Vì mặc cảm đó, nên ông dễ bị mếch lòng, rồi làm mếch lòng những người khi thốt ra câu hớ hênh “chạm nọc” ông (không biết hớ hênh vì vô tình hay hữu ý). Đó là thí dụ điển hình trong đám người “lên voi”. Còn người “xuống chó” thì lại kiêu hãnh cùng mình vì trước kia đã từng là một vị “sĩ phu”, bây giờ phải làm nghề chân tay để sinh sống. Vị “sĩ phu” lỗi thời này thường hay dạy khôn người khác, nên dễ nổi nóng khi không ai muốn “học khôn” – nhất là những người đã “học” nhiều năm trong các “trường cải tạo”. Thế là ông “sĩ phu” này nổi cơn tam bành, chê bai tùm lum.


Chê bai mãi thấy không ai nghe, ông bèn đi theo chữ “thiền”, và mạt sát những kẻ nào không biết “thiền đúng kiểu”. Sau khi trình bày nỗi khó khăn trong công cuộc xây dựng cộng đồng, tôi phải trình bày điểm son của chúng ta. Tuy chúng ta hăng xay cãi nhau, nhưng chúng ta vẫn được dân bản xứ khen ngợi là biết đoàn kết và biết nâng đỡ lẫn nhau. Các cộng đồng khác “lạc hậu” hơn nhiều. Thí dụ cụ thể nhất là cộng đồng Tàu. Ta thường nghĩ rằng người Hoa biết đoàn kết. Thực tế là người Hoa chia năm xẻ bẩy, theo vùng, theo bang, theo họ hàng, theo thổ ngữ… Họ đánh nhau dữ dội đến nỗi phải mời tôi ra ứng cử Hội Đồng Hoa ở Ottawa để “gỡ mối tơ lòng” cho họ. Tôi từ chối vì hai lý do: (1) Không biết tiếng Hoa, và (2) Không phải là người Hoa. Ông bạn Hoa tôi nói rằng: “

Đó là chuyện nhỏ vì (1) trong những cuộc họp của Hội Đồng Hoa, chúng tôi dùng English để đối thoại, và (2) người Việt và người Hoa thì cũng “same, same” như nhau.” Nghe ghê chưa. Hy vọng khi “Đảng ta” đọc bài báo này sẽ tỉnh ngộâ. Ngoài cộng đồng Hoa ra, tôi thấy cộng đồng Ukrainian cũng chẳng khác gì. Cộng đồng này bỏ ra cả triệu bạc để xây một nhà thờ Orthodox, nhưng mải cãi nhau nên cả mấy năm trời cũng không hoàn thành dự án xây cất nơi an cư lạc nghiệp cho Chúa. Họ cãi nhau đến mức có người phải viết kiến nghị yêu cầu tôi sa thải một giáo sư chánh ngạch người Ukranian. Lúc đó tôi đang làm phân khoa trưởng nhưng không có quyền làm chuyện “ruồøi bu” như vậy.


Dân Hoa hơn dân Ukrainian là biết “đóng cửa dạy nhau”. Cũng như người Hoa, cộng đồng Việt Nam cũng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Chúng ta biết che dấu chuyện chia rẽ nội bộ. Thí dụ như ở Ottawa, ban chấp hành một ngôi chùa lớn không thích sư vì sư muốn giữ độc quyền quản trị chùa và thùng Phước Sương. Sau một thời gian căng thẳng, sư bèn đưa nhóm Phật tử “biết thương thầy” đi nơi khác, rồi cố gắng xây cất một ngôi chùa khác to hơn và đẹp hơn ngôi chùa cũ rất nhiều. Câu chuyện này cho ta thấy trong tổ chức chùa chiền tuy có nhiều mâu thuẫn nội bộä, nhưng không ai muốn hại uy tín người Việt Nam vì các phật tử biết ngưng kịp thời, không châm ngòi nổ như dân Ukrainian. Nhờ đó, ở Ottawa có một ngôi chùa, rồi sau đó ngôi chùa này sinh ra hai ngôi chùa, hai chùa sinh ra ra bốn ngôi chùa … Cứ thế phong trào Phật giáo bành trướng trong bầu không khí “trăm hoa đua nở”. “Trăm hoa đua nở” đẹp vô cùng. Ai dám bảo chia rẽ sẽ đưa đến suy bại.

Ta phải coi chừng những kẻ nào kêu gào “trăm người như một” tức là kẻ đó muốn cai trị ta như một đàn cừu non ngu dại. 3. Văn Hóa “Quỳ” hay Văn Hóa “Đối Kháng” ? Cách đây mấy năm, có một vị Hồng Y khuyên các “con chiên” ở Mỹ không nên trưng lá Cờ Vàng trong những cuộc họp mặt, lễ nghi. Một số “con chiên” không tán thành ý kiến của Ngài, rồi viết nhiều bài bình luận đăng trên các báo Công Giáo và internet. Không ngờ bị “con chiên” phản đối, Ngài bèn than phiền: “Người Việt nam có thói đối kháng!” Thế là các “con chiên” đùng đùng nổi cơn “đối kháng” thứ thiệt, vì cho rằng Ngài đã khiêu khích những người đã từng sống chết với lá Cờ Vàng.

Thế là từ ngày đó, Cờ Vàng phơi phới tung bay khắp nơi trong các cộng đồng Công giáo. Thế rồi hàng ngàn lá Cờ Vàng kéo nhau bay đến tận La Mã, và được choàng lên vai Đức Giáo Hoàng! Với lá Cờ Vàng khoác trên vai, Đức Thánh Cha giơ tay ban phước lành cho nhóm người có “thói đối kháng”. Câu chuyện “Cờ Vàng” này làm tôi nghĩ nhiều về văn hóa người Việt. Có thật người Việt Nam không biết đoàn kết vì “thói đối kháng” hay không? Mấy năm trước đây, một học giả viết cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” đểõ “chứng minh” rằng văn hóa Việt Nam là một thứ “văn hóa quỳ”. Lẽ dĩ nhiên “văn hóa quỳ” đi ngược với “văn hóa đối kháng”. Đã thích quỳ thì không thích đối kháng, mà đã thích đối kháng thì không thích quỳ. Hơn nữa, “thói quỳ” dễ đưa đến đoàn kết “trăm người như một”, còn “thói đối kháng” thường tạo ra chia rẽ theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Vậy, người Việt có “thói quỳ” hay “thói đối kháng”? Trên cõi đời này, có ai “thích” quỳ đâu? Nhưng nếu bị bắt phải quỳ, thì cũng đành phải quỳ, để tự bảo vệ “tấm thân đáng giá ngàn vàng” của mình. Đó là màn khởi đầu trong “lịch sử quỳ” vì sợ hãi. Nếu toàn dân bị bắt quỳ từ năm này sang năm khác, và khi đầu gối đã trở nên dầy như da voi, thì “chế độ quỳ” trở thành “truyền thống quỳ” hoặc “văn hóa quỳ”. Đến lúc này, người dân sẽ mất hết nhân tính, tự coi mình như con giun, con dế, nên đều cảm thấy hãnh diện khi được phép “quỳ” trước một tên lãnh tụ khát máu.


Phải chăng văn hóa nước ta đã thoái hóa đến độ trở thành “văn hóa quỳ”? Phải chăng dân ta đã “quỳ” qua nhiều thế hệ, nên không biết “đối kháng” là gì? Phải chăng toàn dân đã biết “đoàn kết trong văn hóa quỳ”? Để tìm hiểu thêm về vấn đề đoàn kết, tôi vội lội ngược giòng thời gian. Tôi thấy cách đây đã lâu lắm rồi, các cụ thấy dân ta hay chống đối nhau, bèn khuyên con cháu phải đoàn kết chặt chẽ, như một “bó đũa”. Thời đó, tụi con nít chúng tôi rất cảm phục khi đọc câu chuyện “bó đũa” đăng trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư. Bây giờ “đầu đã có sạn”, tôi mới thấy đó chỉ là một câu chuyện ngất ngơ nửa vời. Ai mà chẳng biết rằng “bó đũa” nào cũng cứng hơn cả ngàn đôi đũa rời.

Nhưng tại sao các cụ không cho con cháu biết kẻ nào sẽ đứng ra “trói” những đôi đũa rời thành một bó cứng? Tại sao các cụ không cho con cháu biết rằng hành động “trói đũa” là một hành động dã man, tàn bạo. Thật vậy, nếu tất cả đũa trong nước đều bị “trói chặt” lại thành một bó, tất nhiên không ai kiếm đâu ra được một đôi đũa rời để gắp đồ ăn bỏ vào mồm. Không có đũa, cả nước sẽ phải ăn bốc như một người hành khất chân chính mà thôi! Đó là bài học ngụ ngôn về “Bó Đũa” mà sau này toàn dân ta mới có dịp “học tập” đến nơi đến chốn. Giờ đây, không ai biết dân Việt Nam sống theo “văn hóa quỳ” hay “văn hóa đối kháng”. Văn hóa là một thứ rất mung lung và huyền ảo, làm sao mà ta biết được? Theo nhân chủng học, ta có thể suy luận từ huyền thoại lập quốc của mỗi nước để tìm hiểu một văn hóa nước đó. Thí dụ như ở nước Anh, ông Richard Coeur de Lion (gốc Pháp) đã được coi như là người đã có công đưa nước Anh vào thời đại mới.

Sau khi chém giết dân Hồi Giáo tơi bời ở Trung Đông, “người hùng” này hồi hương, rồi mời một số lãnh tụ băng đảng khét tiếng “ngồi lại với nhau” xung quanh một cái “bàn tròn”, theo kiểu “cá mè một lứa”: không ai ngồi đầu bàn chủ tọa, vì bàn tròn không có “đầu”, và cũng không có “đuôi” luôn. Truyền thống bình đẳng bình quyền đó dần dần đưa tới chế độ đại nghị, và cuối cùng đưa đến nền dân chủ sau này. Hiện nay cái “bàn tròn” biến hóa thành Viện Quý Tộc, đại diện các “con ông cháu cha”, với nhiệm vụ chính là … “ngồi chơi sơi nước”, không có quyền hành gì cả. (“Con ông cháu cha” trong các nước XHCN “tiến bộ” đâu có chịu “lép vế” như vậy). Tuy nước Anh là nước đa chủng tộc (English, Irish, Scotish, Welsh – bốn ngôn ngữ khác nhau), nhưng không ai đặt ra vấn đề “ly khai” hoặc “đoàn kết”, nhờ các vị lãnh đạo chính trị nước Anh đã khôn khéo “mua” luôn những kẻ nào manh nha đòi độc lập. Bắc Ái Nhĩ Lan, Scotland trở thành hai vùng tự trị.

Đó là một cách “đấm mõm” các lãnh tụ địa phương để những tên “đầu sỏ” này có dịp “ngồi chiếu trên” ăn hút phè phỡn. Còn sắc tộc Welsh (vùng Wales) rất nhỏ bé, không có lực lượng gì cả, nên chỉ được ban cho một cái “bánh vẽ”: theo giấy tờ, chúa tể vùng này là Đông Cung Thái Tử (“Prince of Wales”), một người Anh không có quyền và cũng không có tiền. Trong xã hội Anh, truyền thống “mua” sau này trở thành truyền thống “nuốt không trôi thì nhả”, tức là truyền thống “bán đại hạ giá để khỏi lỗ quá nhiều”. Nhờ truyền thống này, cuộc tranh đấu giành độc lập xảy ra trong các thuộc địa Anh (như ở Mỹ trước đây, hoặc ở Nam Phi, Mã Lai, Ấn Độ … sau này) không kéo dài và đẫm máu như chiến tranh của Pháp ở Đông Dương và Algerie. Rõ ràng là dân Anh có truyền thống mua bán rất thực tế hơn dân Pháp. Chẳng thế mà Nã-Phá-Luân mới chê xã hội Anh chỉ là một “xã hội chạp phô” (“a country of small shopkeepers”).

Canada cũng theo truyền thống “bàn tròn” như “nước mẹ” Anh-Cát-Lợi, tuy Canada không có quý tộc. Vì vậy, “bàn tròn” – mệnh danh là Thượng Nghị Viện – chỉ là một “bàn tiệc” để trả ơn hậu hĩnh các chính khách vô dụng hoặc già nua lú lẫn. Truyền thống “đút lót đàng hoàng” này cũng áp dụng cho các chủng tộc hoặc nhóm người nào đó biết “kêu Trời” thảm thiết như “Xin Trời cứu con, vì con là nạn nhân của chế độ bất công, khổ cực lắm!” Nói tóm lại, nhờ truyền thống “đút lót đàng hoàng”, nên dân Canada được thế giới khen ngợi là dân “biết điều”, biết trọng “nhân quyền”. Mỹ Quốc thì hết chỗ nói. Nước này được lập quốc nhờ phong trào … “trốn thuế”. Theo chủ trương “cách mạng”, không ai có quyền bắt dân Mỹ đóng thuế nếu không có sự thỏa thuận của người dân. Đó là hiệu lệnh trong cuộc xuống đường mệnh danh là “bữa tiệc trà” (tea party) ở Boston. Cách mạng Mỹ nói lên nguyên tắc “mua bán” sòng phẳng như vậy! Đó là nguồn gốc văn hóa dân chủ tư bản và tự do cạnh tranh. Truyền thống này vẫn được duy trì đến tận ngày nay, mà không cần phải “giáo huấn” người dân về vấn đề “đoàn kết”, hoặc bất cứ về vấn đề gì khác.


Thực ra, mọi người dân đều đồng tình tuân theo Hiếp Pháp, vì Hiến Pháp có ghi rõ rằng: ai cũng có quyền “mưu cầu hạnh phúc” (pursuit of happiness) và quyền mang súng để bảo vệ hạnh phúc của mình. Hơn nữa, người Mỹ còn tin rằng: “Nhà Nước chỉ giúp những người tự giúp mình mà thôi”. Vì thế, mọi người đồng lòng hì hục làm giầu, và khoái trò đeo súng bên hông để tự bảo vệ tiền trốn thuế (hoặc lập băng đảng, rồi dùng súng dọa nạt những kẻ không biết bắn súng). Hơn nữa, người Mỹ rất ngại ngùng khi phải nâng đỡ những người yếu thế không có khả năng “tự giúp mình”. Vì thế, “kêu Trời thảm thiết” theo kiểu Canadian thì cũng chẳng đi đến đâu. Có lẽ vì nước Mỹ chưa leo tới “đỉnh cao trí tuệ loài người”, nên chưa thấu triệt được truyền thống “thương dân như thương con” mà ta thường thấy trong các chế độ XHCN. Còn Dân Nhật thì sao? Dân này vỗ ngực là con cháu Thần Mặt Trời, nên khi mặt trời còn sáng, thì “anh em” đoàn kết rất ư là khăng khít, nhưng đến khi lặn mặt trời thì “anh em” mang kiếm chặt đầu nhau như chẻ tre. Nhật Hoàng tuy là con cháu “chính tông” của Thần Mặt Trời, nhưng không biết đánh lộn nên bị các sứ quân Nhật coi như cỏ rác.


Thời đó, Nhật Hoàng sống trong cảnh rất nghèo đói; có khi muốn có chút tiền còm mua cháo nuôi vợ con, Ngài phải ra ngồi đầu phố viết chữ nho bán cho những người qua lại, không khác chi những ông đồ nghèo ở Việt Nam khi xưa. Trong khi đó, các sứ quân cứ tiếp tục so tài đánh lộn, cho đến khi Tư Bản Mỹ vác súng sang “hỏi thăm sức khỏe”, rồi tặng cho con dân Thần Mặt Trời hai quả bom nổ sáng hơn Mặt Trời. Lúc đó các vị võ sĩ đạo kiêu hùng mới bừng mắt tỉnh ngộ, bèn vội vàng đổi nghề mài gươm, quay sang nghề rũa bù-loong dùng trong việc xây cất kỹ nghệ. Các sứ quân Nhật quả thật là những lãnh tụ thức thời. Khi cần, thì các tay múa kiếm này biến ngay võ trường thành thị trường tư bản. (Nghĩ đến Gia Long và các người kế vị không biết “mở mắt” mà bực cả cái mình). Ta cũng nên biết, truyền thống Samurai (võ-sĩ đạo) dựa trên căn bản trung thành và hỗ trợ lẫn nhau, nên vấn đề chia rẽ không cần phải đặt ra trong phạm vi lãnh thổ của mỗi sứ quân.

Truyền thống này cũng giúp kỹ nghệ Nhật phát triển một cách đặc biệt: mỗi “sứ quân”sau khi “gác kiếm cung” bèn tự tìm lấy một vùng kỹ nghệ thích hợp với sở trường của mình, để múa võ kinh doanh. Vì thế, nguyên tắc “tư bản cạnh tranh” ở Nhật thực sự chỉ là “tư bản cấu kết”, hoặc nôm na hơn, “tư bản chia nhau ăn có”. Kỹ nghệ xe hơi Mỹ không biết bí quyết “chia nhau ăn có”, nên mải cạnh tranh nhau cho đến lúc xập tiệm cả đám. Còn ông Ý, ông Tây, thì hết thuốc chữa. Hai dân này không biết “quỳ” vì bệnh “chia rẽ” trầm trọng. Do đó, từ ngày “cách mạng” đến giờ, truyền thống địa phương (Ý) hoặc vô chính phủ (Pháp) vẫn còn được duy trì cho đến tận ngày nay. Việt Nam ta thì hết xẩy! Huyền thoại dân ta oai hùng lắm. “Con Rồng, cháu Tiên” chứ đâu phải là trò đùa.


Tiếc thay, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau không được bao lâu đã “bái bai” nhau, chia đôi đàn con, rồi bỏ nhau ra đi, không thèm chú ý đến vấn đề “đoàn kết”, “thương yêu nhau đến tuổi bạc đầu”. Sau đó, Hùng Vương Thứ Nhất lên ngôi. Ngài biết rõ “thói đối kháng” trong đám “trung thần”, nên luôn luôn sợ đảo chính. Rất có thể những thằng em cấu kết với nhau, rồi xúm lại “đánh đòn hội chợ" thì biết chạy đi đâu cho thoát! Nhà Vua rất sợ, và … rất khôn. Ngài bèn năn nỉ xin bố mẹ kéo các em đi chỗ khác chơi cho tiện. (Đây là cuộc di tản đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Sau đó thì đến Nguyễn Hoàng, rồi TT Ngô Đình Diệm kéo dân đi di tản vào Nam. Rồi “đến ngày Giải Phóng”, toàn dân lại “đồng lòng cùng đi [di tản]”. Phải chăng dân ta không chịu “quỳ” vì có “thói đối kháng”, nên sẵn sàng đi ra khơi mà không “tiếc gì thân sống”?).

Xin trở lại với vua Hùng Vương Thứ Nhất. Rất có thể, vị lãnh tụ này nghĩ rằng “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nên không muốn đối xử các em một cách quá ư tàn tệ như vậy. Do đó, tôi xin đưa ra giả thuyết thứ hai như sau: Gia đình họ Hùng rơi trong cảnh phân tán như vậy là vì Lạc Long Quân và Âu Cơ biết lũ con của mình là những tên tham vọng và bướng bỉnh. Nên ông Rồng, bà Tiên bèn quyết định chia đám con hư đốn này ra làm hai nhóm, mỗi người chịu trách nhiệm một nửa, rồi kéo “phần” của mình đi theo lên núi hoặc xuống biển, để tiện việc … quản thúc. Nếu quả thực chuyện xẩy ra như vậy, thì Lạc Long Quân và Âu Cơ đúng là bậc cha-mẹ gương mẫu biết dạy dỗ con cái! Rất có thể anh em tranh giành nhau vì không biết ai là trưởng (để lên ngôi) và ai là thứ (để quỳ mọt gối). Làm sao mà biết được chuyện ngôi thứ này, khi người mẹ đẻ ra 100 quả trứng, giống nhau như đúc. Trong khi mệt mỏi, làm sao bà biết được quả trứng nào lọt ra trước, quả trứng nào ra sau để phân lựa con cả, con thứ. Vì thế, con nào được chọn làm con trưởng để lên ngôi cũng bị dân chúng nghi ngờ và thắc mắc. Giải pháp hay nhất là “kẻ nào khoẻ thì làm vua, kẻ nào thua thì làm giặc”. “Làm giặc” mà không thành công thì cho đi đầy biệt xứ (đi Tây hay đi Mỹ cũng được). Phải chăng “truyền thống đảo chính” và “đối kháng mãnh liệt” đã bắt đầu từ đó?

Rất có thể ông Rồng, bà Tiên thấy đàn con “lai” (lai Rồng và lai Tiên) ngoan ngoãn và dễ thương, bèn thỏa thuận chia đều trách nhiệm nuôi con không cần đến Tòa Án Gia Đình phân xử, sợ làm xúc động đàn con ngây thơ của mình… Rất có thể … vân vân và vân vân. Vì không có sử liệu, xin độc giả cứ tự nhiên tiếp tục “phịa” vô tội vạ cho vui! Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng trong thực tế, lịch sử Việt Nam vẫn tiếp tục nghiền nát ngưòi dân “anh hùng”! (Làm “nghề anh hùng” khổ lắm ai ơi!!!) Xin trở lại thời Hồng Bàng. Sau khi giải quyết vấn đề gia đình để tránh tình trạng “huynh đệ tương tàn”, Hùng Vương Thứ Nhất thảnh thơi cai trị đất nước, và tạo một dân tộc “quỳ” theo lề lối người Hoa. Sau này, “truyền thống quỳ” bị hóa giải một phần bởi chế độ “Sứ Quân” (tương đương với “nạn Tướng Vùng” ở Miền Nam trước này 30-4-75).

Sau chuyện ly dị trong gia đình Hồng Bàng, lại đến chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh ghen tuông, đánh nhau tơi bời hoa lá, chỉ vì một người đàn bà, làm cho “người dân anh hùng” muôn vàn cơ cực. Rồi đến huyền thoại Thần Kim Quy, cũng chỉ là một chuyện vợ chồng ly cách, lừa bịp và phản bội! Còn các triều đại sau này ư? Nhiều trung thần lập quốc bị tai vạ vì các quan đại thần vừa quỳ, vừa tâu xấu với vua về các bạn đồng nghiệp của mình, chỉ vì tội ghen ăn. Toàn dân khổ sở chỉ vì “Thiên Tử” ưa nịnh hót, “thần tử” tham lam vô độ, ai cũng thích “quỳ” để được đớp “miếng đỉnh chung”. Biết nói làm sao bây giờ? Với truyền thống như vậy, chuyện Trịnh-Nguyễn phân tranh, chuyện anh em Tây Sơn tranh giành quyền lợi, chuyện Cộng Sản Quốc Gia đồng lòng tiêu diệt “dân ta anh hùng” thì cũng dể hiểu. Trong thời đại gần đây, dân ta tưởng đã gạt bỏ được “truyền thống quỳ”ø sau khi học hỏi Cách Mạng Nhân Quyền ở Pháp (1789), Cách Mạng Sô-Viết ở Nga (1917), Cách Mạng Quốc Dân Đảng ởû Quảng Đông (hồi 1940), Cách Mạng Bần Cố Nông ở Trung Hoa (1949).

Tiếc thay, đến lúc cuối cùng, “truyền thống quỳ” được thay thế bằng “truyền thống sợ hãi” khi toàn dân được “trói” lại thành “một bó đũa biết quỳ”. Vì thế, sau này những người dân “anh hùng” trong nước sống khăng khít với nhau như một “bó đũa” mà không cần phải nêu ra vần đề “đoàn kết” như các Việt kiều cư ngụ trong các nước tự do Âu Mỹ. Nhờ sự “lãnh đạo sáng suốt” của “Đảng ta” như vậy, “văn hóa quỳ” lại được phát huy làm sáng tỏ khí thế “anh hùng” của “Đảng ta” và “dân tộc ta” trên khắp năm châu. Vài mẫu đất ở phía Bắc, mấy hòn đảo ở phía Đông, vùng thung lũng ở phía Tây … chỉ là chuyện “lặt vặt” không đáng kể. Nói tóm lại, dân ta bị “giằng co” giữøa “văn hóa đối kháng” và “văn hóa quỳ”. Mâu thuẫn văn hóa đó tạo ra một tâm trạng đặc biệt rất khó phân tách. Đây là một đề tài dễ làm trạnh lòng những độc giả hiên ngang và tự trọng. Vì thế, tôi phải cẩn thận, tìm cách “viết ra làm sao”, “lách khéo léo kiểu nào” để khỏi bị “đánh đòn hội chợ” .

Các cụ gọi “Viết-lách” là vậy. “Viết” mà không biết “lách” thì chỉ có chết! 4. Dân Tộc Tính Theo quan điểm nhân chủng học, môi trường văn hóa mỗi nước uốn nắn lối suy tư của mỗi người, và để lại một vết sâu trong tâm trạng những người sống trong cùng một hoàn cảnh. Tìm ra được những vết sâu đó, tức là đã tìm ra được những nét đặc thù của một dân tộc, mà ta thường gọi là “dân tộc tính”. Thí dụ như ở xã hội Mỹ, giáo sư E. Erickson đã thấy người Mỹ có khuynh hướng “bám váy mẹ” từ ngày còn bé, và luôn luôn muốn thành công đểõ làm vừa lòng người mẹ. Sau khi lớn lên, lòng thèm muốn đó biến dạng (sublimate) thành một ước ao được mọi người khen ngợi.


Có lẽ vì vậy, nên các nhà lãnh đạo Mỹ chú trọng đến “chỉ số dân yêu” (popularity index) khi theo dõi những cuộc thăm dò dư luận. Trái lại, các lãnh tụ Pháp không chú trọng đến vấn đề này một cách quá đáng như vậy. Phải chăng vì tinh thần cá nhân chủ nghĩa cực đoan bắt nguồn từ thời Cách Mạng 1789, nên dân Pháp không cần để ý đến người xung quanh mình. Đối với người Pháp, ai yêu, hay ai ghét thì cũng vậy: “Je m’en fous”. Về nhân cách người Đức, giáo sư E. Fromm cho rằng dưới thời Hitler, dân Đức có đặc tính “tàn ác” (sadism), có khi lại còn thích tìm “thú đau thương” (masochism).

Với tâm trạng này, những tên Nazis giết hàng triệu người mà không bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ sát nhân ghê tởm. Trong khi đó, dân Đức hàng ngày chứng kiến các vụ tàn ác ngoài phố, ào ào hoan hô hỗ trợ, hoặc giúp mật vụ đi lùng bắt nạn nhân vô tội để mang đi giết. Thế mà sau này khi được báo chí ngoại quốc phỏng vấn, thì đa số dân Đức đều nói rằng: “Tôi không biết gì hết”. Những người dân này thực ra không muốn nói dối ai đâu, họ chỉ tự “dối lòng mình” mà thôi. Đó là một phản ứng tâm lý tự nhiên khi con người muốn chôn sâu những điều mình hổ thẹn hoặc sợ hãi vào tiềm thức để cho quên đi và không nghĩ tới nữa (Freudian denial – đây là một điểm quan trọng trong tâm lý chúng ta nên ghi nhớ: đừng vội phản đối khi nghe một người khác chê bai ta.) Giáo sư E. Hagen dựa vào tâm lý học để giải thích diễn tiến phát triển kinh tế ở Nhật. Ông cho rằng trí sáng kiến là một yếu tố rất quan trọng trong mọi ngành kinh tế. Trong buổi giao thời, những người “mất quyền thế” sẽ là thành phần sáng tạo, vì những người này phải đi tìm “đường mới” để tiến thủ.

Khi nước Nhật bị Mỹ bắt buộc phải “mở hải cảng”, các sứ quân ào ào nhập cảng súng ống Tây phương, để có phương tiện hữu hiệu tiêu diệt lẫn nhau. Những tên võ sĩ Samurai trước đây dựa vào tài múa kiếm để leo lên thang danh vọng, bây giờ mất hết “đất dụng võ”. Những người hùng thất thế này trở thành những “người sáng tạo” (innovator) đưa nước Nhật vào thời đại kỹ nghệ tân tiến. Từ đó, các xưởng kỹ nghệ ở Nhật đã được tổ chức như một doanh trại Samurai khi xưa: chủ hết lòng lo cho thợ, thợ thì hết lòng trung thành với chủ. Gần đây, một số nhà nghiên cứu về môi trường văn hóa Liên Xô cho rằng người Nga có khuynh hướng “vô chính phủ”(anarchism),ï thèm khát “tự do cực đoan”.


Tuy nhiên, sau mấy năm sống trong không khí “tự do rừng” dưới sự hướng dẫn vụng về của Yeltsin, người Nga thấy chế độ tự do mới thành lập đã đưa tới cảnh kinh tế suy sụp, xã hội suy đồi. Họ đành phải trao quyền kiềm chế lòng mình cho một chính phủ mạnh. Bây giờ người ta mới hiểu tại sao đa số dân Nga chiêm ngưỡng ông Putin, một tên chúa trùm trong cơ quan mật vụ nổi tiếng trong những vụ thủ tiêu người đối lập. 5. Tính Tình Người Việt Đa số chúng ta đều đã đọc hoặc nghe tới cuốnViệt Nam Sử Lược do cụ Trần Trọng Kim soạn thảo trong hồi tiền chiến. Cụ đã nghiên cứu xã hội Việt Nam từ cổ chí kim, rồi đưa ra vài nhận xét về tính tình người Việt như sau (trang 6-7): “Người Việt Nam … lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. ” Đọc đến đây tôi thấy sướng tỉnh người. Nhưng ngay sau đó, cụ lại phang cho tôi một búa tạ vào đầu khi cụ viết: “


Tuy vậy [người Việt Nam] vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ… Tâm địa nông nổi hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc… Kiêu ngạo và hay nói khoác…”. Bây giờ tôi xin trình bày nhận xét của nhà học giả lão thành này, theo nhãn quan tâm lý học như sau: (1) “tính tinh vặt”, “quỷ quyệt”, “nhút nhát, hay khiếp sợ”, “không kiên nhẫn”: Đó là một hội chứng tâm lý mà ta thường nhận thấy trong tâm trạng những tên cò mồi, láu cá vặt, không đủ kiên nhẫn để nghĩ đến ngày mai; hoặc là những tên mánh mung, nhút nhát, giật được một chút tiền còm rồi chạy biến. Nếu những tên lưu manh này không bị bản tính “nhút nhát” làm cho “khiếp sợ”để chùn tay lại, thì chúng có thể trở thành những chúa trùm trộm cướp, hoặc những tên độc tài khát máu. Nói chung, đó là đặc tính người vị kỷ (egocentrism), đã cắt đứt hết dây liên hệ tình cảm với người xung quanh (sociopath). (2) “bài bác nhạo chế”: Đó là thói quen của những người có khuynh hướng hung hãn (aggressivity), thích làm tổn thương người khác bằng lời nói sắc bén.


Vì bị kiềm chế bởi bản tính “nhút nhát, hay khiếp sợ”, loại người này không dám giở trò dao búa, nên chỉ biết “hung hãn bằng mồm” mà thôi (oral aggressivity). Ta cũng biết tật “dèm pha”, “nói xấu sau lưng người khác”, “nói cạnh, nói khoé” cũng là những hành vi “hung hãn bằng mồm”. Cũng như “dọa nạt”, hoặc “phê bình, kiểm thảo” đều làm cho nạn nhân cảm thấy sợ sệt, tuy rằng những kẻ “hung hãn” chỉ cần “múa võ mồm” cũng đủ làm dân ta sợ. Được “mời” ra “trụ sở” thì ai mà không khiếp đảm! (3) “tâm địa nông nổi”, “hay làm liều” và “mê cờ bạc”: Đó là dấu hiệu thiếu khả năng kìm chế lòng ham muốn của mình (lack of self control). Thêm vào đó là khuynh hướng tự tử (suicide tendency) vì tính thích liều mạng. Nếu đặc tính này đi cùng với bản tính “quỷ quyệt” thì đó là một tai họa chung cho xã hội. Như trong vụ Tết Mậu Thân, “Bác và Đảng ta” đã đánh “một canh bạc” rất lớn, rất “liều” và rất “quỷ quyệt”, nên thua cháy túi, nhưng cuối cùng lại thắng lớn. (4) “Khoe khoang”, “trương hoàng bề ngoài”, “kiêu ngạo và hay nói khoác”: Câu nhận xét này làm những người thích “nổ” như tôi cũng phải giật mình. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải cười chua xót khi được nghe những câu khoe khoang thông thường: nào là “Đảng ta sáng suốt”, nào là “tư tưởng Bác cao siêu”, nào là dân ta có biệt tài nấu bếp vì đã nấu được “một cái bánh trưng to nhất thế giới”, v. v. Đối với các nhà tâm lý học, những câu khoe khoang bề ngoài hoặc tự khen quá lố chứng minh người khoe khoang thiếu tự tin một cách trầm trọng (lack of self esteem) vì mặc cảm tự ti (inferiority complex). Càng khoe khoang mình là “người anh hùng” bao nhiêu, càng chứng tỏ mình sợ mọi người cho mình là “thằng hèn” bấy nhiêu! Vỗ ngực cho rằng ta đã leo lên tới “đỉnh cao trí tuệ” chỉ vì sợ người khác cho mình là “cóc ngồi đáy giếng” mà thôi. Những “anh hùng” giả tạo thường có thái độ “kiêu ngạo”, cốt để lấp liếm cái giả tạo của mình. Danh sách những tật xấu mà cụ Trần Trọng Kim đã moi ra không biết có phản ảnh tâm tình người Việt Nam hay không. Cụ nói vậy thì chúng ta biết vậy. Tuy nhiên, chúng ta toàn là hạng người đàng hoàng, đạo đức cùng mình, v. v. làm sao có những tật xấu đó được. Nhưng trái lại, những người đứng sau lưng chúng ta, tuy không biết nhiều về chúng ta, lại “thấy rõ” những tật xấu của chúng ta. Phải chăng những người đó có tật xấu thích “bài bác” sau lưng chúng ta? Hay chúng ta “tự dối lòng” (Freudian denial) nên không dám “nhận tội”? 6. Tâm Trạng Mâu Thuẫn Bây giờ được cụ Trần Trọng Kim “che dù”, tôi bèn vung tay múa bút mà không sợ bị buộc tội “mạ lỵ giống nòi”. Tôi bèn mạnh dạn đưa ra vài nhận xét tâm lý về “hội chứng người Việt” liên quan tới vấn đề đoàn kết và chia rẽ. Tại sao chúng ta không đoàn kết, tuy rằng ai ai cũng thuộc lòng câu thần trú “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”? Phải chăng khuynh hướng “Biết một đằng, làm một nẻo” là một nét đặc thù trong tâm trạng người Việt? Có đúng như thế không? Như cụ Trần Trọng Kim đã nhận thấy, chúng ta thuộc lòng sách Khổng Mạnh về “ngũ thường”, mà hàng ngày vẫn sống theo tiêu chuẩn ngược hẳn. Tuy vậy, xin mọi người đừng nghĩ rằng dân ta là hạng người “đạo đức giả”. Vì thực ra trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẵn sàng chấp nhận “mâu thuẫn”, và phải cố gắng tìm một lối sống thích ứng với cảnh ngộ “mâu thuẫn”. Trong văn hóa chúng ta, còn gì mâu thuẫn hơn là hình ảnh vừa “quỳ”, vừa “đối kháng”? Khi dân ta bị bắt buộc phải “quỳ” trước mặt kẻ có quyền thế, thì cũng đành phải “quỳ”, tuy không ai “thích quỳ”. Nhưng đồng thời dân ta sẵn sàng chửi đổng vua, quan, và truyền thống phụ quyền. Ta hãy nghe chuyện Trạng Quỳnh hay Trạng Lợn, hoặc đọc thơ bà Đoàn Thị Điểm sẽ rõ. Đấy là không kể những chuyện tiếu lâm, những câu ca dao, tục ngữ làm nhức óc những người “ăn trên, ngồi trốc”. Hình như chúng ta có một truyền thống hơi lạ: đội lên đầu một số người “tai to mặt lớn”, rồi lại mang thần tượng đó xuống bổ ra thành củi để nướng đùi chó. Không biết “Bác Hồ” sau khi được đám đàn em thăng “Bác” lên chức “Bồ Tát” rồi, thì có bị dân chúng chửi thầm hay không? Dân ta sợ thì vẫn sợ, nhưng chửi thì vẫn chửi, tuy là chửi thầm! Tìm cách thích ứng với mâu thuẫn là vậy.

Nếu ta quan sát đời sống hàng ngày trong dân gian, ta sẽ thấy rất nhiều hành vi “tréo cẳng ngỗng”. Tại sao nhiều người Việt Nam “rất yêu nước ta” và “rất ghét nước Tàu”, lại thờ Quan Công, một tên tướng Tàu mang tài chặt đầu người như chẻ tre vì lòng trung thành với Lưu Bị? Tại sao chúng ta đi thờ ông tướng Tàu đó, mà không đốt được một cây nhang trong nhà để tưởng nhớ Lê Lai, một vị trung thần cứu quốc đã phải thí mạng mình để giúp Lê Lợi chạy thoát khỏi vòng vây? Tại sao có nhiều người không thích “tham, sân, si” lại ham mê cờ bạc cho đến khi mất hết nhà cửa, rồi lại nghĩ rằng mình đã sống theo đúng chữ “có có, không không”? Chúng ta sống trong mâu thuẫn, có lẽ vì chúng ta nửa sống trong hiện tại, nửa sống theo hư tưởng. Viết đến đây, tôi lại nhớ ngay một bà lên đồng trong làng tôi. Sau một hồi lạy lục, “Đức Thánh Trần” bèn “nhập hồn” vào bà đó.


Thế là “Đức Thánh Trần” nhảy tưng tưng, như người cưỡi ngựa, kéo quân đi dẹp giặc Tàu. Sau khi “cưỡi ngựa” một hồi rất ư là thỏa thuê, bà ngồi đồng tỉnh dạy và không nhớ gì cả. Điều đáng ghi nhận là sự lẫn lộn giữa thực tế và hình ảnh trong óc không có ảnh hưởng gì đến lý trí của bà lên đồng. Bà ta vẫn tỉnh táo sau khi “xuất đồng”. Theo lý thuyết phân tâm học, người lên đồng không phân biệt được giữa thực tế và hư tưởng (hullacinations). Ta có thể coi người đó đã rơi trong tình trạng “tâm ly phân liệt” (schizophrenia, hoặc split personality). Tôi phải nhấn mạmh thêm về điểm này: những người sống vui vẻ trong mâu thuẫn, hoặc tưởng mình là Đức Thánh Trần trong giây lát, không phải là người mắc bệnh điên. Thực ra chúng ta sống trong mâu thuẫn vì tâm trạng chúng ta gồm có hai nhân vật khác hẳn nhau. Mỗi nhân vật được chúng ta phát động ra (activate) tùy theo từng thời điểm “thuận tiện” cho chúng ta. Chúng ta sống theo hai “nhân vật” này không có nghĩa là chúng ta sống như con “thò lò”, khi thì “lá mặt”, khi thì “lá trái”.

Chúng ta đều biết, người “lá mặt, lá trái” là người gian dối, bịp bợm. Nhưng chúng ta không muốn bịp bợm ai khi chúng ta rơi trong tình trạng “tâm ly phân liệt”. Tuy nhiên, sống trong tình trạng “tâm ly phân liệt” không phải hoàn toàn thoải mái, nhất là khi ta cảm thấy bị điều khiển bởi hai “nhân vật đối nghịch nhau” (conflicting personalities). Bị lôi kéo như vậy, ta lo sợ không biết có giữ nổi “hòa khí” giữa hai nhân vật vô hình trong lòng ta hay không. Theo thuyết phân tâm học, dưới áp lực đó, chúng ta sợ rơi vào tình trạng “thực ngã tan vỡ” (ego disintegration). Khi thực ngã đã bị vở tan tành, thì nạn nhân mất hết liên lạc với thực tại, và sẽ hành động theo các “hồn ma” xát nhập vào tri thức cũng như tiềm thức của mình. Nhưng đại đa số chúng ta (trên 99,99%) không rơi trong tình trạng quá đáng như vậy.

Thường thường chúng ta chỉ bị ám ảnh nỗi lo sợ này mà thôi, tùy theo cường độ – từ tâm trạng “khiếp đảm” (schizophrenic paranoia nếu nặng), đến “lo âu triền miên” (latent anxiety nếu nhẹ), hoặc “lo sợ vẩn vơ, và hoài nghi” (gần như bình thường). Trong đời sống hàng ngày, áp lực lo âu làm chúng ta phải luôn luôn giữ “thế thủ” trong những liên hệ xã hội. Chúng ta sống theo “nhãn quan đẳng cấp” (hierarchical thinking), phân chia mọi người ra làm hai loại, kẻ khỏe và kẻ yếu, rồi hành động tùy theo trường hợp. Nếu “đối phương” có vẻ yếu thế hơn ta, thì ta chọn tác phong “đối kháng hung hãn” (aggressivity).


Trái lại, nếu “đối phương” có vẻ mạnh thế hơn ta, và nếu ta cảm thấy hàng động hung hãn của ta có thể nguy hiểm cho ta, thì ta đổi chiến lược: với vẻ điêïu bộ hiền hòa, nhã nhặn, hy vọng “kẻ mạnh” sẽ tha ta. Khuynh hướng “thượng đội, hạ đạp” bắt nguồn từ đó, rồi gây ra những va chạm hàng ngày trong cộng đồng người Việt. Sau đây tôi xin trình bày vài hành vi cụ thể làm thí dụ: · Tác phong Tào Tháo: Nhiều khi chúng ta rất ngại ngùng vì nghi ngờ khi gặp người không quen biết. Trong cộng đồng, chúng ta thường “thấy” chỗ nào cũng nhan nhản “Việt Cộng nằm vùng”. Khi bàn đến chuyện chính trị thế giới, chúng ta thường đưa những giả thuyết lờ mờ về một nhóm người có thế lực “ngồi trong bóng tối giật dây” – hoặc là tụi tư bản tài phiệt, hoặc là CIA, hoặc là người theo đạo Do Thái, hoặc là những con buôn vũ khí, v. v. . (conspiracy theory). Trong đời sống gia đình, có khi chúng ta còn nghi ngờ luôn cả người “chia chăn, sẻ gối” với chúng ta, mà không cần chứng cớ. ·


Luôn luôn giữ thế thủ: Trong các cuộc “ngồi lại với nhau”, chúng ta chỉ sợ bạn bè “chơi” chúng ta bằng lối “nói xỏ, nói xiên”. Vì thế, một câu nói vô tình làm chúng ta phản ứng một cách quá đáng: (1) hoặc chúng ta nổi giận, to tiếng làm tan vỡ hòa khí trong bàn tiệc; (2) hoặc chúng ta tảng lờ theo kiểu “nín thở qua sông”, nhưng trong bụng thì “thâm gan tím ruột”, tìm cách “trả miếng” sau này. · Nắm thế áp đảo: Theo binh thư, kẻ nào tấn công trước, kẻ đó giữ thế áp đảo chiến trường. Vì vậy, trong những cuộc họp mặt bạn bè, chúng ta thường “nửa đùa nửa thật” tìm cách làm hại uy tín người đối thoại, trước khi người này có dịp “kê tủ đứng vào mồm” chúng ta. Hơn nữa, muốn cho mọi người biết rằng chúng ta đang nắm “thế thượng phong” (tức là có địa vị cao trong xã hội), chúng ta phải tìm đủ mọi cách “chứng minh” chúng ta “hơn người” (khôn hơn, giầu sang hơn, con cái khôn ngoan hơn, học giỏi hơn, v. v. . ). Những người ngồi nghe sẽ “trả miếng” bằng một nụ cười “thán phục”, nhưng trong bụng lại chê thầm, cho rằng chúng ta là kẻ “khoe khoang, khoác lác”. · Kể chuyện pha trò để chửi bóng gió và chọc tức lẫn nhau: Đó cũng là phương pháp làm hạ uy tín những người mà chúng ta cho rằng “không đáng làm bạn” với chúng ta, chỉ vì người đó không cùng quê hương, hoặc không cùng tín ngưỡng với chúng ta.


Nhiều khi chúng ta chỉ trích những người chống Cộng hăng say hơn ta, hoặc kém ta. Có khi chúng ta có những hành động ác cảm đối với những người mà chúng ta tin rằng họ là “kẻ đối nghịch” với chúng ta. · Đạo đức cùng mình: Đây là phương pháp thông thường dùng để phê bình người khác, vì chúng ta muốn chứng tỏ chúng ta là người biết sống theo nguyên tắc “ngũ thường” hơn mọi người (để chiếm “thế áp đảo trong lãnh vực đạo đức”). Khổ nhất là cảnh “người sang sau” được “người sang trước” sponsor. Sau khi sang tới đây, “người sang sau” phải ngồi nghe “người sang trước” dạy lễ phép, kiểu “gọi dạ bảo vâng” (chứ không phải dạy những bài học thiết thực như phương pháp thích ứng vào xã hội mới). Đôi khi “người sang sau” không chịu học bài “Luân Lý Giáo Khoa Thư” đó, “người sang trước” bèn xỉa xói: “Tao mang mày sang đây, thế mà mày không biết ơn tao, v. v. ”.


Thế là chế độ đại gia đình bị rạn vỡ. · Đỗ lỗi nhưng không nhận lỗi: Hành động này rất là thông thường đối vời người lo sợ triền miên (latent anxiety) nên họ có khuynh hướng “đổ lỗi cho người khác” (extrapunitive) vì không có đủ can đảm để “tự phán xét chính bản thân mình” (intrapunitive). Theo nhãn quang đẳng cấp, thà buộc tội người khác để nắm thế “thượng phong” như một ông quan tòa, còn hơn là tự hạ mình “thú tội” như một phạm nhân trước “tòa án nhân dân”. · Kỳ thị chủng tộc lộn ngược: Chúng ta thường thấy những người da trắng khen chúng ta “hiền lành, dễ thương”. Quả thật, chúng ta có tác phong rất là “hiền lành, dễ thương” khi giao dịch với người da trắng. Trái lại, chúng ta còn lâu mới tỏ ra “hiền lành, dễ thương” khi có việc phải tiếp xúc với người đồng chủng. Ngay trong những nhà hàng Việt Nam, hoặc trên chuyến máy bay Air Viêt Nam, chúng ta đã từng thấy khách da trắng được tiếp đón vồn vã, còn khách da vàng thì ráng mà ngồi “chịu trận”.

Chúng ta đối sử “bên trọng, bên khinh” như vậy vì chúng ta nhìn đời theo nhãn quang đẳng cấp: chúng ta cho rằng nước tiền tiến (da trắng) giầu có hơn nước ta, tất nhiên người dân sinh trưởng trong các nước đó (người da trắng) phải có nhiều khả năng và đáng kính phục hơn chúng ta, tuy rằng trong thực tế, người da trắng không hơn chúng ta về khả năng cũng như đạo đức. Lối nhìn đời thiên lệch như vậy đâu có gì là trái với truyền thống: “thượng đội, hạ đạp”. Những hành vi mà tôi nêu ở trên để làm thí dụ. Không có nghĩa là chúng ta đều có tác phong đó. Đây là món “buffet tâm lý”, xin các bạn tự tiện chọn lựa, và gắp những “món” nào thích hợp với “khẩu vị” của mình nhất. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không bao giờ quên “gắp” những “món” đặc biệt nào đó để bỏ vào đĩa những người khác. Thực ra, “món” nào cũng có thể đưa cộng đồng chúng ta vào cảnh chia rẽ triền miên. Trước khi chấm dứt, tôi xin thú thực là ngoài những “món tâm lý” nói trên, còn rất nhiều yếu tố khác phá hoại tình đoàn kết giữa chúng ta. Làm sao mà kể ra hết được... Rất có thể vì dân tộc ta bị dân Chàm báo oán!

=

No comments: