Sunday, November 13, 2011

NGUYỄN THIÊN THỤ * LẠC LONG QUÂN & ÂU CƠ


LẠC LONG QUÂN & ÂU CƠ

NGUYỄN THIÊN THỤ


Nguồn gốc nước ta khởi đầu từ truyện họ Hồng Bàng là truyện đầu tiên trong Linh Nam Chich Quái của Trần Thế Pháp , một tác giả đời Trần. Xin kể sơ lược truyện đó như sau:

Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh. Đế Minh liền lập Nghi làm kẻ nối ngôi. Lại phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương để trị đất Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy Phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.

Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất. Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: "Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi". Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi.

Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, cai trị Bắc phương. Nhân khi thiên hạ vô sự bèn sai quần thần là bọn Xuy Vưu thay mình trông coi quốc sự rồi đi tuần xuống nước Xích Quỷ ở phía Nam. Khi đó, Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước không có chúa. Đế Lai bèn để ái nữ là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành tại rồi đi chu du thiên hạ, ngắm các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, ngọc ngà vàng bạc... các thứ đá quý, các cây trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai rất ái mộ, vui quên trở về.

Dân phương Nam khổ vì bị người Bắc phương quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng gọi Long Quân rằng: "Bố ơi ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân". Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ có dung mạo đẹp đẽ kỳ lạ, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống. Cung điện tự nhiên dựng lên. Âu Cơ vui lòng theo Long Quân. Long Quân giấu Âu Cơ ở Long Đài. Nham Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông biến hóa thành trăm hình vạn trạng yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi... làm cho bọn đi tìm đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về.

Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc.

Sau trăm con chia hai, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Chia nước làm 15 bộ (còn gọi là quận) là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận.

Chia các em ra cai trị, lại đặt các em làm tướng văn tướng võ, văn là lạc hầu, võ là lạc tướng. Con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương, trăm quan gọi là bồ chính, thần bộc, nữ lệ gọi là xảo xứng (còn gọi là nô tỳ). Bề tôi gọi là hồn, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo. Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi. Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Đáp: "Giống sơn man và giống thủy tộc có thù với nhau, thường ghét nhau cho nên hại nhau đó". Khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình Long Quân, theo dạng thủy quái.

Từ đó, dân không bị tai họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy. Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói.

Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đó trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy. (1)

Ngô Sĩ Liên chép gọn hơn:

" Kể từ Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng, nối con cháu Thần Nông, lấy con gái vua Đỗng Đình, tỏ rõ đạo vợ chồng,, nắm ngay gốc phong hóa, vua thì lấy đức mới cảm hóa dân, rủ áo khoanh tay, dân thì cày ruộng ăn, đào giếng uống, sớm làm tối nghỉ, chẳng phải là phong tục củaViêm Đế ư?

Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc, mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hương nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã phú thọ lại nhiều con trai ,từ xưa đến nay chưa từng có vậy." (2)

Truyện kể như vậy truyền mãi về sau. Các sử gia và nhà viết truyện đều phê phán nhiều điểm. Từ đời Trần, nuớc ta đã có Lê Văn Hưu nhưng sách của ông bị thất lạc, sau Ngô Sĩ Liên tìm được một ít di cảo và biên thêm các sự kiện lịch sử đời sau. Đa số các sử gia và học giả đã có nhiều ý kiến. Tựu trung có ba ý kiến: về nguồn gốc , về liên hệ Lạc Long Quân Âu Cơ và việc chia 100 con.

1. NGUỒN GỐC KHÔNG XÁC THỰC

Đa số đều nghi ngờ tính xác thực của các truyện từ đời Hùng vương về trước. Ngô Thời Sỹ (1726-1780), trong sách Việt sử tiêu án đã nhận xét rằng: “Lại lấy con toán mà kể xem từ khoảng đời Kinh Dương Vương, đời Hùng Vương, 20 đời vua 2.622 năm, nhiều ít trừ đi bù lại, mỗi vua được 120 tuổi. Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế.” (3)

Cùng thời với Ngô Thời Sỹ là Lê Quý Đôn (1726-1784) viết trong sách Vân đài loại ngữ như sau: "...Tôi nhận xét đời Hùng Vương, trên nối theo đời Hồng Bàng, văn tự không có truyền lại, 15 bộ đặt ra thấy lẫn lộn với những danh hiệu quận huyện mới lập ra vào thời nhà Hán, nhà Ngô đáng nghi là do các nhà nho đời sau đã lén vay mượn, thật không phải chép đúng sự thật..”(4)

Cương Mục cho rằng "Đế Minh chưa từng đi tuần thú phương Nam (5)

Tài liệu này cho biết biên giới rộng " tây giáp Ba Thục, bắc giáp Động Đình. .. là chép khoa trương, là hư truyền . (6)

Vào đầu thế kỷ thứ 20, sử gia Trần Trọng Kim nhận xét về chuyện Hùng Vương “không chắc là chuyện xác thực”.(7)

Chuyện đó cũng là bình thường vì nước nào cũng có những thần thoại. Thần thoại chỉ là lich sử của thời tiền sử, không có tài liệu nên không thể chính xác. Những truyền thuyết vào thời tiền sử hầu hết là không chính xác, ngay cả thế kỷ XX cũng biết bao huyền thoại, bao chuyện giả dối, lừa bịp, chân giả khó phân, không nên lấy danh nghĩa duy lý hay khoa học mà bài bác. Nên xem như là những chuyện cổ tích, những nét văn hóa của các dân tộc.

Dân tộc Hy La có rất nhiều thần thoại, ai bảo họ là mê tín, dị đoan. Dân tộc Nhật Bản tự hào là con cháu Thái Dương Thần nữ, dân Trung Quốc tự hào dòng dõi Tam hoàng Ngũ Đế, ai bảo họ là kém cỏi? Thần thoại chính là nền tảng tâm linh của dân tộc. Tôn giáo cũng vậy, cũng có nhiều thần thoại. Tin hay không tin là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, sử gia cần ghi rõ đây là thần thoại là được. Đó là điều mà Ngô Sĩ Liên thực hành. Cái tai họa cho thời này là xuyên tạc lịch sử, biạ đặt, dối trá để che đậy âm mưu xấu xa, hoặc đề cao một cá nhân, một đảng phái.

2. LIÊN HỆ LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ

Ngô Thời Sĩ cho rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ loài ở nước loài ở cạn lấy nhau, thần với người ở lẫn, lời đó tựa hồ không hơp lẽ thương".... Bấy giờ Đế Lai, ( là con Đế Nghi) đi tuần đến chơi xem phong cảnh núi sông. Nàng Cơ một mình ở hành cung .Người trong nước khổ về việc người Bắc phương quấy nhiễu, lại gọi Long Quân ra. Long Quân ra trông thấy nàng Cơ đẹp mà bằng lòng lấy , đưa về cho ở trong biển. Sử kiêng , chỉ nói là lấy con gái Đế Lai, là vì xấu hổ việc chim chuột trai gái không khác gì cầm thú, đều là việc không nên nói ra. không bằng bỏ đi là hơn. (8).

Các tài liệu đều nói Âu Cơ là con gái Đế Lai, như thế là chú lấy cháu ruột , tức là phạm tội loạn luân. Ngô Sĩ Liên cho rằng:
Đế Lai là con Đế Nghi, cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”. (9)

Thiết tưởng lấy Nho giáo và phong tục thời Quân chủ hoặc cận hiện đại mà phê bình thời thượng cổ là không đúng vì chưa chắc đã có chuyện ấy xảy ra. Có thể là chuyện một nhân vật khác chứ không phải Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nước nào cũng có thần thoại. Trong kho thần thoại La Hy thiếu gì việc người và thần lấy nhau. Đã là tiền sử thì khác hẳn với cận đại và hiện đại.

Dù có chuyện ấy đi nữa, thời thái cổ âu cũng là bình thường. Thử hỏi Thượng Đế sinh ra Adam, rồi lấy xương Adam tạo thành Eva. Thượng Đế lại tạo ra bộ phận sinh dục và tính dâm dục cho nên Adam và Eva hành lạc mà sinh ra con cái. Thân thể và khúc xương sườn vốn là đồng huyết đấy ạ. Con cái Adam Eva hành dâm với ai để sinh ra loài người bây giờ? Chuyện này sẽ đưa đến vấn nạn là tất cả loài người phải chung một giòng máu, và như thế loài người không thể lấy nhau vì đồng huyết . Lại nữa sẽ có câu hỏi khác: Nếu con người do Thượng đế sinh ra khởi từ Adam thì tại sao có nhiều loại máu khác nhau và zen khác nhau?

Thôi thì bỏ qua chuyện kinh Thánh, nói về khoa học. Một số khoa học cho rằng tổ tiên loài người là vượn, hay một động vật nào đó. Loài người sống như bầy thú hoang. Lúc này loài người chưa đông, tất anh em, họ hàng lấy nhau. Trên Thiên Đường, Địa Ngục, Satan đã lấy con gái làm vợ. Và ngay thế kỷ XIII, họ Trần chủ trương an h em họ hàng lấy nhau. Điều này rõ ràng là sai trái nhưng họ Trần có công chống xâm lăng nên nhân dân ta thể tất cho.

Nay tại miền núi, nhiều dân tộc vì ít người nên anh em, họ hàng trong bộ lạc lấy nhau. Thời thái cổ, con người sống như loài vật, là điều mà Marx tự hào là thời cộng sản nguyên thủy thì đó là chuyện đương nhiên. Lại nữa loài người nếu quả thật là vượn thì chuyện nọ kia là chuyện thường, nho gia phê bình như vậy là quá khắt khe.

Sau này loài người đông đảo, kinh nghiệm cho thấy những người cùng huyết thống mà lấy nhau dễ sinh ra bệnh tật và gia tộc thoái hóa. Kinh nghiệm đó đưa đến quy định của pháp luật.

3. VIỆC CHIA LY GIA ĐÌNH

Trong Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp cho ta biết hai việc.
(1). Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau, một lần rồi xa cách, không kề cận sớm hôm như chúng ta hiện nay. Lạc Long Quân ở Thủy cung, còn Âu Cơ thì muốn về phương Bắc. Khi mẹ con Âu Cơ muốn về thì bị binh nhà vua ngăn chận, mẹ con Âu Cơ không thể về đất Bắc được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: "Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này". Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: "Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình"


(2). Lạc Long Quân muốn chia rẽ hai người ở hai phương trời vì do thủy hỏa bất hơp. .Long Quân nói: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia lá. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên".Dân Việt Nam và người ngoại quốc đều dè bỉu mà bảo rằng Việt Nam có truyền thống chia cắt.

Theo thiển kiến, những ý nghĩ đó chẳng qua "suy bụng ta ra bụng người". Các tác giả ,các sử gia và các học giả chỉ hiểu tâm trạng và hoàn cảnh nhân thế, không hiểu được cái khác biệt, cái bao la rộng lớn, ngoài trời còn có trời. Mỗi thế giới, các chúng sinh có một lối yêu đương khác nhau. Loài vật khác loài người. Đức Phật không cần kính hiển vi mà thấy vi trùng trong nước. Đức Phật không cần viễn vọng kính mà thấy tam thiên đại thiên thế giới. Tại sao?Tại vì Ngài đã đạt thiền định đỉnh cao, có thể nhìn suốt quá khứ, hiện tại, vị lai và nhìn thấy, nghe thấy các cõi Trời. Theo Phật giáo, Tam giới gồm Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Dục giới và Sắc giới vẫn còn ái ân nhưng mỗi thế giới mỗi khác.

Người cõi Diêm-phù-đề có sự mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Câu-da-ni và người Phất-vu-đãi, cũng có mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Uất-đan-viết, thì không có vấn đề hôn nhân, không có sự lấy chồng, lấy vợ của con trai và con gái. Loài rồng và Kim sí điểu cùng A-tu-luân, thì cũng có hôn nhân, có giá thú giữa con trai và con gái. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên. cho đến Tha hóa tự tại thiên cũng có hôn nhân và có giá thú giữa người nam và người nữ. Chư Thiên từ đây trở lên không còn có nam và nữ. “Người cõi Diêm-phù-đề, vì giữa nam và nữ giao hội nhau, thân và thân xúc chạm nhau, nên sanh ra âm dương. Những người Câu-da-ni, người Phất-vu-đãi, người Uất-đan-viết cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Các loài rồng, Kim sí điểu cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Loài A-tu-luân thì thân với thân gần gũi nhau phát sanh khí mà trở thành âm dương. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên thì cũng lại như vậy. Diệm-ma thiên, thì gần gũi nhau mà thành âm dương. Đâu-suất thiên thì cầm tay nhau mà thành âm dương. Hóa tự tại thiên thì nhìn kỹ nhau mà thành âm dương. Tha hóa tự tại thiên thì láy mắt nhìn nhau mà thành âm dương. Chư Thiên từ đây trở lên thì không còn dâm dục nữa.(10)

Xem vậy, việc sinh trăm trứng có thể là đúng và Lạc Long Quân là giống rồng nên chỉ một lần ân ái là đủ, không cần phải ngày đêm kề cận " như chim liền cánh, như cây liền cành" cho đến răng long đầu bạc như chúng ta. Trong cõi nhân sinh này, không phải là cõi tiên nhưng đã có bao cảnh vợ chồng sống trong cách biệt bởi vì hoàn cảnh, vì công việc, vì bổn phận.

Có những cặp vợ chồng buôn ngược bán xuôi hay chồng làm thủy thủ, hay chồng là binh sĩ, là tướng quân phải đánh giặc ngoài biên ải mà đành xa nhau hàng tháng, hàng năm. Có những vợ chồng phải xa nhau, vợ nhìn chồng lên thuyền vượt trùng dương đi tìm tự do mà khó mong ngày trở lại. Ngày xưa, các cụ ông đi làm quan, các cụ bà ở nhà chăm lo ruộng đồng, dạy dỗ con cái, nuôi nấng cha già mẹ yếu và lo việc thờ cúng tổ tiên.

Đó là sự phân công của gia đình , và của xã hội. Việc Lạc Long Quân chia đàn con kẻ lên rừng, người xuống biển chính là phân công khai thác và bảo vệ tổ quốc, chứ không phải là chia rẽ. Thuở hồng hoang, trời đất mênh mông, với trí tuệ thần thánh, với trăm đứa con trai hùng mạnh và tài ba, Lạc Long Quân và Âu Cơ đã nghĩ đến đại sự cho dòng giống và đất nước. Phải có kế hoạch lớn và chí khí lớn. Phải chia ra mà hướng về chân trời xa. Làm trai phải xông pha bốn phương trời tang bồng hồ thỉ. Trăm đứa con chứ không phải hai ba đứa túm rụm như bầy thỏ lấp ló trong hang hay mấy con khỉ nhỏ leo trèo trên cành cây nhởn nhơ .Trai anh hùng lãnh đạo nhân dân đấu tranh với thiên nhiên, đoàn kết, thương yêu nhau để vệ quốc và kiến quốc. . Tổ tiên ta vì nhiệm vụ, vì đất nước mà hy sinh bản thân. Đó là bài học Lạc Long Quân và Âu Cơ truyền lại cho chúng ta.

_____

CHÚ THÍCH
(1). Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam Chich Quái.Bản dịch của Lê Hữu Mục. Khai Trí, Saigon, 1960.
(2) .Ngô Sĩ Liên, Toàn Thư I. Cao Huy Giu, Đào Duy Anh dịch. KHXH,Hà Nội, 1967, 40.
(3). Ngô Thời Sỹ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Sài Gòn;tr.16.
(4). Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ I, Phủ QVK đặc trách Văn Hóa. Saigon, 1972, 254.
(5). Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục,Cương Mục I, Viện Sử Học, Hà Nội, 1998. bản e book của Lê Bắc. tr.3.
(6). Cương Mục, tr. 4.
(7). Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Nxb Tân Việt, in lần thư 7, 1964, tr. 25.
(8). Ngô Thời Sĩ. 11-13.
(9). Ngô Sĩ Liên, Toàn Thư I, tr.60.
(10). Trường A Hàm, quyển 20, phẩm Đao Lợi Thiên, Đại Chính 1, trang 133,
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham30-08.htm




No comments: