Saturday, September 1, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * DÂN CHỦ


Phong Trào Đấu Tranh DânChủ
   Và Khả Năng Hình Thành
Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội


Cửa miệng thế gian có câu bá nhân bá tánh. Đó là thường tình của con người. Vì vậy, bất kỳ cộng đồng nào cũng phải thường xuyên đối mặt với vấn đề dị biệt ý kiến giữa các thành viên cộng đồng trong việc quản lý và điều hành cộng đồng. Trên bình diện rộng lớn hơn, quốc gia, dân tộc cũng vậy, trong phần thế giới loài người tiến bộ hôm nay, giai tầng lãnh đạo xứ sở nào cũng phải giải quyết các dị biệt về quan điểm của các thành phần dân chúng để tìm sự đồng thuận tương đối trong việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, cũng như trong việc hoạch định phương thức điều hành sinh hoạt xã hội để phục vụ hữu hiệu quần chúng nhân dân. Sự đồng thuận tương đối đó là một hiện tượng đại đồng tiểu dị về mặt quan điểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, sự đồng thuận tương đối này hoàn toàn vắng bóng. Mô hình tổ chức quốc gia và phương thức điều hành xã hội không theo ý muốn đại khối quần chúng mà lại do một thiểu số cá nhân áp đặt để thụ hưởng đặc quyền đặc lợi. Đó là các chế độ chính trị chuyên chính. Xưa kia là chuyên chính phong kiến, chuyên chính của các vương hầu, lãnh chúa, tướng quân. Ngày nay là chuyên chính vô sản, chuyên chính trên danh nghĩa là của giai cấp công nhân vô sản nhưng trong thực tế là chuyên chính của giai cấp quý tộc tư bản đỏ.

Nhưng con người là một sinh vật biết suy nghĩ, biết phản ứng với các điều kiện sinh hoạt trái với ý muốn. Do đó, nhân loại không ngừng tìm cách cải tiến môi trường sinh sống. Song hành với đà cải tiến các điều kiện sinh hoạt, mô hình tổ chức nhân quần và quy ước sinh hoạt xã hội cũng thay đổi theo. Nếu các định chế này không tiệm tiến thay đổi một cách đương nhiên và ôn hoà, mà bị ngăn trở để cố tình duy trì tình trạng đình trệ có lợi riêng cho thiểu số thống trị thì sẽ phát sinh những mâu thuẫn xã hội mỗi ngày một thêm trầm trọng. Sự kiện các mâu thuẫn này cứ bị giới chức cầm quyền cố tình làm ngơ không giải quyết thỏa đáng sẽ mang lại hậu quả là sự bùng nổ những đột biến chính trị có tính chất bạo lực như cách mạng tư sản ở Pháp (1789), cách mạng dân tộc ở Tàu (1911), cách mạng vô sản ở Nga (1918), hay việc phát sinh những diễn biến xã hội có tính cách hòa bình nhưng cũng đủ uy lực gây ra những hỗn loạn tạo sức ép đòi hỏi giới chức cầm quyền đổi mới cơ chế quản lý quốc gia như ở Liên Xô và Đông Âu gần đây.

Tình trạng nước ta hiện nay giống y hệt tình trạng các quốc gia kể trên với những mâu thuẫn xã hội trầm trọng ở giai đoạn tiền hỗn loạn hay tiền cách mạng, chỉ chờ cơ hội để nổ tung. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh những mâu thuẫn mỗi ngày một thêm gay gắt này tụ hội chung quanh sự kiện đảng Cộng Sản Việt Nam đã như bộ da tắc kè luôn đổi màu từng giai đoạn để lừa bịp mọi người, mọi giới, mọi tổ chức, mọi giai tầng của xã hội Việt Nam để bòn rút tiền bạc, của cải, trí tuệ, công sức, máu xương, thậm chí sinh mạng của họ, trong mục đích phục vụ lợi ích riêng của đảng Cộng Sản. Sự lừa bịp này đã từng có những giai đoạn rất hoàn hão và rất mực thành công, mang lại những thành quả thắng lợi đáng kể cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng cái kim dấu trong túi áo lâu ngày cũng phải lòi ra, mặt khác, quần chúng nhân dân bị áp bức không nương tay, tài sản, trí tuệ và sức lao động của họ bị khai thác, bị bóc lột đến tận xương tủy, nên mắt họ phải sáng ra, tai họ trở nên thính hơn, đầu óc họ cũng bớt mê muội. Bởi lẽ đó, các lốt bịp bợm của giai tầng lãnh đạo cộng sản dần dà bị bóc trần hết lớp này đến lớp khác, và cho đến ngày hôm nay thì đảng Cộng Sản Việt Nam hầu như đã hiện nguyên hình là con quỷ dữ.

Khởi nguyên, đảng Cộng Sản Việt Nam kích động lòng căm thù của dân nghèo để phát động cuộc đấu tranh giai cấp, nêu cao các khẩu hiệu cách mạng vô sản chống phong kiến, chống địa chủ, chống cường hào. Sau khi cướp được chính quyền, đảng Cộng Sản vội vàng trút bỏ bộ da quốc tế cộng sản để khoác lên mình cái lốt quốc gia dân tộc, tự giải thể đảng Cộng Sản Đông Dương, và lập lờ thay vào đó một tổ chức nhu mì mang tên là Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác Xít. Gặp lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược, đảng Cộng Sản dương cao ngọn cờ yêu nước, kích động tình tự dân tộc, thành lập chính quyền liên hiệp kháng chiến để động viên nhân tài vật lực cả nước vào công cuộc chống ngoại xâm. Khi đã vững chân và đã dựa được lưng vào hậu phương Trung Cộng, đảng Cộng Sản Việt Nam phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, và tiến hành chương trình rèn quân chỉnh cán, bề ngoài là để bồi dưỡng và chấn chỉnh lực lượng, nhưng thực chất bên trong là để truy diệt trí phú địa hào là các thành phần xã hội đã tích cực góp công góp của cho sự nghiệp kháng chiến. Khi được quản lý nửa phần đất nước phía bắc, đảng Cộng Sản tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn còn dè dặt thu mình trong cái lốt đảng Lao Động, một mặt nêu cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội để củng cố gốc rể ở miền bắc, và mặt khác đưa ra chiêu bài cách mạng dân tộc dân chủ để thôn tính miền nam. Khi đã thống nhất toàn bộ hai miền nam bắc, đảng Cộng Sản Việt Nam trở lại nguyên hình, thẳng tay tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư doanh, đánh diệt tư sản mại bản, hợp tác hóa ruộng đất, bề ngoài rêu rao là tiến hành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền nam cho ngang tầm với miền bắc, nhưng thực chất bên trong là cạn tàu ráo máng vơ vét công khố, chiếm hữu công sản, tước đoạt ruộng vườn, nhà cửa, và vật tư của nhân dân miền nam. Đảng Cộng Sản trở thành ông chủ độc tôn của đất nước và đảng viên đảng Cộng Sản dần dà tư sản hóa để trở thành giai cấp quý tộc tư bản đỏ.

Từ những cán bộ nghèo khó buổi đầu, xuất thân từ giai cấp công nông, hăng say với lý tưởng cách mạng vô sản, sinh hoạt ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân, được nhân dân cưu mang đùm bọc, đến những đảng viên có chức có quyền ngày hôm nay, vừa giàu sang, vừa quyền thế, vừa gian hiểm, vừa lọc lừa, vừa xa hoa, vừa trụy lạc, bức tranh nhân sự của đảng Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác. Lúc trước là xuất phát từ nhân dân, xây dựng từ hạ tầng, do dân, vì dân. Ngày nay cách mạng thành công (nắm được chính quyền), ăn trên ngồi trốc, từ trên cao nhìn xuống dưới, mắt chẳng còn thấy ai , cứ nước cờ chuyên chính vô sản mà tự tung tự tác đè đầu cưỡi cổ nhân dân, ức hiếp, chèn ép nhân dân, khai thác, bóc lột nhân dân, nghĩa là xa rời quần chúng nhân dân, trực diện đối kháng với quần chúng nhân dân, và bị quần chúng nhân dân khinh khi và căm ghét. Cốt lõi của nưóc cờ chuyên chính vô sản này là định chế độc đảng. Đảng Cộng Sản dành độc quyền lãnh đạo Nhà Nước ở mọi cấp mọi ngành, từ trung ương đến địa phương, trong cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Lúc trước đảng Cộng Sản xây dựng lực lượng đấu tranh dựa vào liên minh công nông, nuôi dưỡng động lực đấu tranh bằng mục tiêu thực hiện công bằng xã hội, chấm dứt cảnh người bóc lột người, xiển dương tinh thần mỗi người vì mọi người. Ngày nay đảng Cộng Sản xây dựng lực lượng dựa vào giai cấp quý tộc tư bản đỏ vừa thành hình, củng cố thành trì quyền lực bằng công an và bộ đội, nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bằng đặc quyền đặc lợi xuyên qua các hình thức ưu đãi kinh tế. Công an và bộ đội, bất kể đơn vị lớn nhỏ nào cũng có quyền làm kinh tế song hành với công vụ. Đảng viên và gia đình, bất kể là cá nhân hay tập thể, đều có quyền làm kinh tế tư doanh, đặc biệt là có quyền làm xuất nhập khẩu, sử dụng ngoại tệ, và ký kết hợp đồng với các cơ quan Nhà Nước. Thành trì quyền lực của đảng Cộng Sản lại còn được che chở bởi một vòng lũy bên ngoài, dày dặc và kiên cố, đó là tập thể mánh mung phe phẩy, nước đục thả câu, dựa hơi cộng sản mà bóc lột công sức dân đen và khai thác tài nguyên đất nước. Hơn thế nữa, thành trì cộng sản chuyên chính toàn trị còn được gia cố bởi kỷ thuật và vốn liếng đầu tư của tư bản nước ngoài, bởi tiền bạc và dụng cụ, thuốc men cứu trợ của các tổ chức từ thiện quốc tế, và của cộng đồng tỵ nạn cộng sản bao gồm những người chạy trốn cộng sản nhưng lại nhẹ dạ dễ xúc động trước cảnh nghèo đói lầm than của thân nhân và đồng bào sống trong lòng cộng sản.

Thành trì quyền lực của đảng Cộng Sản được xây dựng và củng cố càng vững chải thì sự bóc lột quần chúng nhân dân và sự lãng phí tài nguyên quốc gia càng gia tăng. Đành rằng kinh tế quốc dân trong những năm gần đây có phần phát triển, nhưng mức sống của dân đen không khả quan hơn, sự phân phối của cải trong xã hội mỗi ngày một mất cân đối, sự cách biệt giàu nghèo mỗi ngày một thêm gay gắt. Tình trạng này đưa đến hậu quả tất yếu là các mâu thuẫn xã hội mỗi ngày một thêm trầm trọng. Xã hội bị phân hóa làm hai thành phần đối kháng, một bên là đảng viên đảng Cộng Sản có chức có quyền và có tiền, và các đồng minh theo đóm ăn tàn, một bên là đại khối quần chúng nhân dân thấp cổ bé miệng và các đảng viên hết thời, không chức không quyền và không tiền. Loại đảng viên quần chúng này khá đông đảo, chiếm tỷ lệ 90% trong số 3 triệu đảng viên trong toàn quốc, xưa nay vốn là chổ dựa an toàn của đảng Cộng Sản, và ngày nay trở thành lực lượng đồng minh của phe đối kháng. Phác họa sơ đồ trận địa hai bên đối kháng trên một mặt phẳng tưởng tượng thì phe thống trị gồm một điểm trung tâm màu đỏ là Bộ Chính Trị và Trung Ương đảng Cộng Sản, chung quanh là vòng tròn các đảng viên có chức có quyền, được bảo vệ bởi các vòng thành công an và bộ đội, bên ngoài có vòng lũy đảng viên và gia đình, tiếp đến là hệ thống các công sự chiến đấu hổ trợ như Công đoàn, Nông hội, Mặt trận Tổ Quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Binh, Tôn giáo yêu nước v.v., và sau cùng là tập thể mánh mung phe phẩy theo đóm ăn tàn. Ngoài ra, phe thống trị còn được hà hơi tiếp sức bằng cầu không vận đầu tư và viện trợ của nước ngoài, vật phẩm cứu trợ của các tổ chức từ thiện quốc tế, tiền bạc du lịch du hí và gửi về cho thân nhân của các cộng đồng người tỵ nạn cộng sản. Toàn bộ hệ thống các vòng tròn đồng tâm này được nối kết bằng một mạng lưới chính quyền mà đặc điểm là các cơ quan Nhà Nước hoàn toàn do Đảng Cộng Sản chỉ huy ở mọi cấp, mọi ngành. Trong lúc đó trận địa phe chống đối gồm nhiều điểm trung tâm tản mác, quy tụ những lực lượng mang màu sắc khác biệt nhau, ngấm ngầm có, công khai có, hoạt động cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Tựu trung, ngoài các đảng phái chính trị và các giáo hội, các đoàn thể tương tế, cứu trợ, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, lực lượng phe đối kháng đảng Cộng Sản cầm quyền đáng quan tâm là tập thể đảng viên cộng sản phản tỉnh, và đại khối quần chúng nhân dân lao động chán ghét chính quyền.

Quan sát đồ hình bài binh bố trận cũng như phân tích chiến thuật chiến lược của hai phe đối kháng thì nhận thấy ngay thế trận của phe cộng sản thống trị được tổ chức chặt chẻ, phân bố liên hoàn, thống nhất chỉ huy, có phòng thủ, có trấn áp, có tiến công, có địch vận. Thế trận của phe đối kháng thì khí thế rất hăng say, nhưng bố trí rời rạc, riêng rẻ, không có bộ chỉ huy chung, không có hành động chung, không có mục tiêu chung, nặng hình thức trình diễn mà nhẹ phần đấu tranh thực tiễn hữu hiệu, thiên về kêu gọi, lý thuyết, tranh biện, hội luận, thỏa hiệp, cầu xin, khiếu kiện, mà ít chú trọng đến việc kiện toàn cơ cấu tổ chức,  xây dựng và phát triển lực lượng chiến đấu, luồn lách tìm kiếm sự đồng tình và hổ trợ của các thế lực chính trị và kinh tế nước ngoài. Nói chung, phe thống trị nhuộm thắm màu đỏ, phe đối kháng khoác lên người rất nhiều màu sắc khác nhau. Trong tình huống như vậy, muốn đấu tranh ngang ngữa và cuối cùng đạt được thắng lợi, phe đối kháng phải cùng nhau thỏa hiệp để xác định và chấp nhận một số tiêu chuẫn đấu tranh làm mẩu số chung để hàng ngũ chiến đấu cùng mang một màu cờ sắc áo khi đối trận với cộng sản. Nói khác đi, các tụ điểm đối kháng rời rạc, riêng rẻ, tản mác trong và ngoài nước, ngay từ bây giờ, cần phải kết hợp thành một mặt trận liên hoàn được tổ chức chặt chẻ, có chỉ huy thống nhất, có sách lược đấu tranh đúng phương hướng, có cùng chung cứu cánh tốt đẹp phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc, thực thi dân chủ, thăng tiến dân sinh.

Trước khi đi sâu vào việc thảo luận khả năng hình thành một mặt trận đấu tranh chung như vậy, thiết tưởng việc phân tích các mặt lợi hại, nhận định các phần chân giả, và cân nhắc tính chất khả thi của một vài kế hoạch đang được nhiều người, nhiều nhóm quan tâm bàn luận là một điều cần thiết.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc chủ trương vận động các đại cường chấp nhận cho Việt Nam hưởng quy chế trung lập vĩnh viễn theo quốc tế công pháp. Chủ trương này được Tiến sĩ Nguyễn Bá Long ủng hộ, cổ súy, và theo lời của G.s. Thúc trong buổi Hội Luận Paltalk ngày 14-10-2006 thì công việc vận động này đuợc xem như là mục tiêu tranh đấu ưu tiên trong giai đoạn trước mắt của Phong Trào Hiến Chương 2000. Về mặt lý thuyết, chủ trương này là tuyệt hảo. Người không động đến ta, ta không động đến người. Tha hồ ăn no ngủ kỹ. Việt Nam trung lập cam kết không theo Tàu mà cũng không theo Mỹ. Tàu với Mỹ có đánh nhau vỡ đầu sứt trán thì cũng chẳng mắc mớ gì đến ta. Thái Lan có xung đột với Căm Bốt hay Trung Quốc có chèn ép Lào thì Việt Nam vẫn trung lập, cam kết không về hùa với ai mà cũng không giúp đỡ ai. Thế là Việt Nam hòa bình muôn thuở, độc lập muôn năm, dân tộc trường tồn, nhân dân hạnh phúc. Lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế, sự việc có được như vậy không? Những vị trong nhóm chủ trương vận động quy chế trung lập vĩnh viễn cho Việt Nam đều xuất thân khoa bảng, chữ nghĩa bề bề. Tiếc rằng khi luận bàn thế sự, liệt vị là sư tử cầm bút, quá thiên về lý thuyết hàn lâm, mà không nhìn sự việc bằng con mắt chiến lược thực tế. Việt Nam bề ngang thì hẹp, bề dọc thì dài, một bên là biển, một bên là Lào với Căm Bốt. “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”, chính dãy Trường sơn giữa Việt Nam, Lào và Căm Bốt là không gian sinh tồn của dân tộc ta. Xưa kia vua Lê Thái Tổ dẹp xong giặc phương bắc là đem ngay binh mã lên thượng du tiễu phạt Bế Khắc Thiệu, đánh Bồn Man và Lão Qua, chiếm đóng Trấn Ninh. Các chúa Nguyễn cát cứ ở Phú Xuân là lập ngay dinh Ai Lao để khống chế Vạn Tượng. Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc thương lượng với ngưới Anh Cát Lợi Chapman viện trợ vũ khí để đánh Chân Lạp. Nguyễn vuơng Phúc Ánh vừa mới vững chân ở Gia Định là vội sai Nguyễn Văn Thoại sang bảo hộ Chân Lạp. Vua Minh Mạng mở đất đến bờ Mê Kông và lập Trấn Tây Thành. Tại sao người xưa đã hành động như vậy? Tại vì dân tộc ta quay mặt ra biển đông, nếu không có mặt tây an toàn để dựa lưng thì làm sao có thể đứng vững trên đời. Nếu việc vận động quy chế trung lập vĩnh viễn cho Việt Nam đạt kết quả, Tàu cam kết không động đến ta, ta cam kết không can thiệp công việc của Lào, rồi Lào để cho Tàu lập căn cứ quân sự ở Seno, mở xa lộ từ Cảnh Hồng đến Savannakhet, đem 10 triệu dân định cư  trên các cao nguyên Xieng Khoang và Boloven, tương lai Việt Nam sẽ ra sao? Người không động đến ta, nhưng người đứng sau lưng ta, chĩa đao vào nách ta, dí kiếm vào bụng ta, đao kiếm không chạm vào thịt da ta nhưng mũi đao kiếm hướng thẳng vào tử huyệt của ta, thế là ta hết đường cựa quậy. Tóm lại, quy chế trung lập vĩnh viễn chỉ tốt cho Việt Nam khi quốc tế chấp nhận áp dụng cho toàn bộ Đông Nam Á, hoặc ít ra thì cũng cho cả 3 nước Việt Miên Lào.

Tháng 9 năm 2006, từ trong nước, Luật sư Trần Lâm đề nghị tách đảng Cộng Sản ra làm hai như là một giải pháp đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết phải mở rộng tự do dân chủ tại Việt Nam, mà không gây nên bất cứ xáo trộn xã hội nào. Những nhận xét của Ls. Trần Lâm về sự bất mãn của đảng viên quần chúng và đảng viên nghỉ hưu, của bộ đội phục viên, cũng như về nổi oan ức thống khổ của đại khối nhân dân bị chính quyền chèn ép và bóc lột, tất cả đều không có gì mới lạ. Những nhận xét của Ls. Lâm về sự vận hành của các cơ cấu chính quyền xuyên qua câu phát biểu ngạo mạn của vua tham nhũng Đào Đình Bình dùng để minh họa vai trò bù nhìn vô tích sự của Quốc Hội: “Trung Ương cử tôi, tôi sai phạm thì Trung Ương xử trí tôi”, nghĩ cho cùng thì cũng là lời nói lòng vòng mang tính chất biện minh cho chế độ hơn là lời cáo trạng đảng Cộng Sản. Sao không nói huỵch toẹt là Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản tự xem mình là chí tôn, đạp đầu Quốc Hội, đứng trên Nhà Nước, phủ lấp Quốc Gia, và điều đó là bản chất của định chế chuyên chính toàn trị hiện thời, là cội nguồn của tệ trạng tham nhũng. Mặt khác, những đề nghị của Ls. Lâm về giải pháp một đảng phân cực từ đảng Cộng Sản để thành lập một đảng mới hoạt động song hành nhưng có chủ trương, đường lối đối lập với đảng Cộng Sản, là những đề nghị không rõ ràng, không dứt khoát, có tính cách van xin, có lời lẽ e dè, run sợ. Sau khi rào đón “tôi không dám làm cái việc tìm hiểu nội bộ của lãnh đạo tối cao, nhưng tôi đã thấy rõ ràng là trong Đảng đã có sự phân hóa về nhận thức đường lối, về cách thức điều khiển Quốc Gia ngay từ các cấp dưới”, Ls. Lâm đề nghị các đồng chí lãnh đạo tối cao hình thành ra hai đảng: với Đảng Cộng Sản hiện nay, người tốt ở lại, người xấu ra đi, với Đảng mới, sẽ kết nạp thêm người đồng quan điểm, những người đấu tranh cho dân chủ, những người cần cho sự phát triển. Ls. Trần Lâm dự kiến: “Toàn bộ xã hội sẽ tồn tại và vận hành như hiện nay, mọi cơ quan nhà nước, bề ngoài vẫn như không có gì thay đổi. Có cái khác, ở từng cấp, từng tổ chức, ở đâu cũng có đảng viên của hai đảng, họ cùng làm việc, họ cùng giám sát lẫn nhau”. Như thế là thế nào? Muốn có dân chủ, phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước. Nhưng theo giải pháp Trần Lâm, ở đâu cũng có đảng viên của hai đảng, vậy vẫn có tình trạng Đảng lãnh đạo các cơ quan nhà nước, cái khác là trước chỉ có một đảng duy nhất, nay thì có đến hai đảng cùng sản sinh từ một lò, tùy thời thế mà thay phiên nhau làm đảng cầm quyền và đảng đối lập.. Phải chăng giải pháp Trần Lâm chỉ là lá bài hai mặt, là con thò lò đảng Cộng Sản sẽ sử dụng trong trò chơi dân chủ giả tạo vào giữa năm 2007 sắp tới? Giải pháp Trần Lâm chỉ có điểm đáng quan tâm là không gây ra xáo trộn xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể thay đổi chế độ mà xã hội không bị xáo trộn nếu những người lãnh đạo đảng Cộng Sản, sáng suốt nhận thức thời thế bất lợi, tự động rút lui với tinh thần thể thao trong đấu tranh chính trị, chuyển giao chính quyền cho một chính phủ chuyển tiếp. Chính quyền chuyển tiếp sẽ dẹp bỏ hệ thống đảng Cộng Sản trong các cơ quan nhà nước, tổ chức tổng tuyển cử tự do để bầu Quốc Hội lập hiến đa nguyên đa đảng. Nhưng tin tưởng và đợi chờ người cộng sản tự nguyện rút lui thì chẳng khác nào mò trăng đáy nước.

Tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng Sản là loại người vừa gian tham ác hiểm, vừa trí trá lọc lừa. Đối trận đấu tranh chính trị với loại người mang đầu óc của con cáo già và miệng lưỡi của con rắn độc, phe đối kháng phải luôn luôn cảnh giác để khỏi vướng mắc vào những cạm bẫy gây thương tích cũng như khỏi bị phỉnh gạt ăn phải những viên kẹo tẩm thuốc độc gây tử vong. Không những thế, phe đối kháng cũng đừng vội vàng phóng tâm tin tưởng vào thiện chí đổi mới các cơ chế lỗi thời, bãi bỏ các biện pháp hành chánh sai trái, cải cách các lề lối công vụ phiền hà, sửa đổi các pháp lệnh hà khắc, mà chính quyền cộng sản rêu rao ầm ỉ là để “xây dựng Nhà Nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.Sự thực thì mỗi khi đưa ra cải cách gì mới thì không phải là do thiện chí muốn cỡi mở, mà chủ yếu là để tuyên truyền, để đánh lạc hướng dư luận, còn thực chất thì trước đó rất lâu chính quyền cộng sản đã sửa soạn sẵn các biện pháp ràng buộc khác. Thí dụ rõ nét là việc chính phủ cộng sản trong phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2006 đã ủy nhiệm Bộ Trưởng Tư Pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Nghị quyết hủy bỏ Nghị định 31/CP ngày 14-4-1997 về quản chế hành chính. Trong thực tế thì trước đó chính quyền cộng sản đã ban hành Pháp lệnh Xử lý Vi phạm Hành chánh ngày 01-10-2002, Nghị định 38/CP ngày 18-03-2005 về việc tập họp đông người và Nghị định 56/CP ngày 06-06-2006 về văn hóa và thông tin để ngăn cản và đàn áp những người chống đối chính quyền, đòi hỏi cải tiến dân sinh, thực thi dân chủ. Theo sự phân tích của Luật sư Lê Thị Công Nhân, một nhà đấu tranh dân chủ năng nổ hiện ở trong nước, hiệu lực và phạm vi áp dụng của các văn bản pháp lý này còn tinh vi, đầy đủ, rộng rãi và ghê gớm hơn Nghị định 31/CP bội phần. Một đim nữa cần nêu lên là các lực lượng trong phe đấu tranh dân chủ không cần và không nên minh thị ghi lên giấy trắng mực đen rằng phương pháp đấu tranh của tổ chức mình là hòa bình bất bạo động như trong Tuyên bố ngày 16-10-2006 thành lập Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam. Minh thị khẳng định như vậy sẽ hạn chế hoạt động của tổ chức, tự gò bó tổ chức trong khuôn khổ một phương thức đấu tranh nhiều khi không hợp thời và không hữu hiệu. Hơn nữa, minh thị khẳng định như vậy sẽ gạt bỏ ra khỏi hàng ngũ rất nhiều bạn đồng minh. Đấu tranh bất bạo động là một phương thức tốt trong trường hợp đối phương có tinh thần mã thượng, không ăn gian nói dối, không hà hiếp kẻ yếu thế, biết giữ lời cam kết, biết tôn trọng luật chơi, chấp nhận đấu tranh thẳng thắn chính đại quang minh. Đối với một đối phương gian hiểm lọc lừa, lại ngoan cố lì lợm, phương thức đấu tranh hữu hiệu không nhất thiết luôn luôn là phương thức hòa bình, bất bạo động, ngược lại, tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh, tùy tương quan lực lượng, tùy thái độ phản ứng của đối phương, phe đối kháng trong những trường hợp cần thiết sẽ không thể không sử dụng bạo lực cách mạng.

Khi phân tích các yếu tố có tác động qua lại trong cuộc đối đầu giữa chuyên chính và dân chủ thì không thể bỏ qua mối tuơng quan giữa phát triển kinh tế và cải tiến dân chủ. Các lý thuyết gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách phương Tây chủ trương rằng trong mọi chế độ chính trị, một khi kinh tế phát triển thì dân chủ sẽ phát sinh. Kinh tế phát triển sẽ mang lại một cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn cho người dân, nhờ vậy người dân bắt đầu ý thức được vai trò xã hội của mình, hiểu rằng mình phải làm tròn bổn phận với xã hội thì đồng thời mình cũng phải được thụ hưởng các quyền lợi xã hội dành cho mình. Nói cách khác, kinh tế phát triển thì dân sinh phát triển và dân trí phát triển theo. Kinh tế phát triển làm nẫy sinh nhanh chóng một giai cấp trung lưu gồm trí thức tiểu tư sản, và những người buôn bán nhỏ, những tiểu chủ cơ sở kinh tế thương mại hoặc sản xuất tư doanh. Giai cấp trung lưu này sẽ làm đầu tàu lôi kéo mọi người đòi hỏi quyền làm chủ vận mạng của mình. Chính quyền không thể cứ một mực thúc ép người dân đổ mồ hôi sôi nước mắt làm tròn bổn phận mà không nới lỏng vòng giây chuyên chính, cải tiến chế độ, tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Trên cơ sở nhận thức đó, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush ngày 11-8-2006 tại Texas đã tuyên bố là mọi độc tài sẽ chấm dứt sau WTO, Việt Nam phải chấp nhận quy luật kinh tế thị trường, kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tự do dân chủ. Mới đây, vào ngày 17-11-2006, tại Hà Nội, cùng ăn trưa với Thủ Tướng Úc John Howard, Tổng Thống Hoa Kỳ lại đã tiết lộ cho báo chí biết là Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng có mấy người con đang là du sinh tại Mỹ, trong số đó có người kết hôn với một công dân Mỹ gốc Việt. Rõ ràng là Tổng Thống Hoa Kỳ đang làm ra vẻ lạc quan tin tưởng rằng giúp đỡ cho Việt Nam phát triển kinh tế thị trường, tức là kinh tế tự do, thì sẽ có hệ luận tất yếu là tự do kinh tế sẽ dẫn đến tự do chính trị, và Việt Nam sẽ từ bõ chuyên chính để chuyển đổi sang định chế dân chủ. Đành rằng hầu hết các quốc gia thịnh vượng trên thế giới đều là những nước dân chủ, nhưng điều đó không phải là không có ngoại lệ, nghĩa là trên thế giới ngày nay, bên cạnh các quốc gia thịnh vượng và dân chủ vẫn có những nước độc tài giàu có. Điều này có nghĩa là chỉ riêng một yếu tố kinh tế phát triển không nhất thiết sẽ đương nhiên mang lại tự do dân chủ. Thí dụ rõ nét nhất là trường hợp Trung Cộng sau cải cách kinh tế cởi mở của Đặng Tiểu Bình, kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng bản chất chuyên chính của chế độ không mảy may thay đổi. Giới chức lãnh đạo chính thể độc tài vẫn tìm ra các độc chiêu gia tăng phát triển kinh tế mà vẫn kìm kẹp hoặc trì hoãn phát triển tự do chính trị. Riêng đối với các nước tiếp nhận viện trợ nước ngoài để phát triển kinh tế mà không có kèm theo những ràng buộc hoặc áp lực nhất định, thì trong rất nhiều trường hợp, sự hổ trợ phát triển kinh tế đã không mang lại tự do chính trị mà còn làm cho chế độ độc tài được vững mạnh thêm.

Trở lại trường hợp Việt Nam, vấn đề được đặt ra là vào lúc này, sự giúp đỡ từ bên ngoài về chuyển giao kỷ thuật, vốn liếng đầu tư, ngân khoản vay mượn để phát triển kinh tế, cần được tiến hành như thế nào để giúp thúc đẩy công việc cải tiến dân sinh, qua đó thực hiện tự do chính trị, nghĩa là phát triển dân chủ. Trong thời gian qua, từ khi Đảng và Nhà Nước Cộng Sản mở cửa kinh tế, không ai phủ nhận là kinh tế Việt Nam đã phát triển với tốc độ khá nhanh, nhưng đời sống của đại khối nhân dân lao động vẫn không khả quan hơn. Nông dân mất quyền làm chủ đất đai. Nông phẩm làm ra, ngoài phần khấu trừ để đóng thuế, còn lại bao nhiêu phải bán cho cơ quan thu mua nhà nước với giá quy định. Đời sống nông dân nói chung là nghèo khó cơ cực. Thành phần công nhân cũng không khá hơn. Trong Tuyên Bố Thành Lập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ngày 20-10-2006 có đoạn như sau: “Công nhân thường xuyên bị chủ ức hiếp, đe dọa sa thải, thậm chí đánh đập, làm nhục mà không có ai bênh vực, bảo vệ. Mức lương công nhân Việt Nam lại thấp nhất so với các nước trong khu vực có cùng trình độ tay nghề. Phần lớn công nhân không được bảo hiểm y tế, ốm đau không được chăm sóc thỏa đáng”. Sở dĩ có tình trạng tồi tệ này là vì chính quyền không trợ giá nông phẩm, lại ép giá thu mua để hạ giá sản xuất cho dễ cạnh tranh trong việc xuất khẩu nông sản, trong lúc đó lại cấu kết với giới chủ nhân hạ lương công nhân để giảm thiểu giá thành sản phẩm công nghiệp. Tóm lại, kinh tế phát triển nhưng nông dân và công nhân bị bóc lột thậm tệ, đời sống mổi ngày một thêm cơ cực, trong lúc đó thì các tổ hợp xuất nhập khẩu hưởng lợi tối đa. Dù là quốc doanh, tư doanh hay liên doanh với tư bản nước ngoài, các thành phần này đều ở trong hàng ngũ phe thống trị trong thế trận đối đầu giữa chuyên chính và dân chủ. Chỉ có giai cấp quý tộc tư bản đỏ là giàu có thêm, nhân dân lao động tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó thì làm sao xã hội có cơ hội phát sinh tầng lớp trung lưu trí thức để phát triển dân chủ. Đã thế, chính quyền cộng sản lại cấm đoán mọi thứ tự do. Không có tự do báo chí. Trong nước có khoảng 650 tờ báo in và chừng 100 trang báo mạng, tất cả đều là báo chính quyền. Chỉ có 2 tờ của phe đối kháng, nhưng thường xuyên bị trù dập. Không có tự do hội họp. Nghị định 38/CP cấm tụ tập trên 5 người. Không có tự do đi lại. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, đã có vé máy bay mà vẫn bị ngăn cản vô cớ, không cho lên máy bay đi dự hội nghị. Không được lên mạng trao đổi thông tin. Những người hoạt động đòi hỏi cởi mở chính trị lại còn có nguy cơ bị vu vạ là phạm tội xã hội hay bị bệnh tâm thần để bị đưa vào tập trung trong các cơ sở giáo dục và các cơ sở chữa bệnh, hoặc bị chụp mũ tội khủng bố để bị đưa vào các trại giam. Nói tóm lại, ở Việt Nam ngày nay, tuy có phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa có phát triển dân chủ, và sự hổ trợ của quốc tế mà không kèm theo ràng buộc thích đáng và áp lực đúng mức thì thành trì độc tài mỗi ngày một ổn cố thêm. Tình trạng này, chính quyền Hoa Kỳ nên lưu tâm điều chỉnh lại chính sách, nếu không, những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam sẽ nghi ngờ thiện chí giúp đở của Hoa Kỳ có hậu ý khác với mục tiêu tốt đẹp “giúp đỡ phát triển kinh tế để phát triển dân chủ” mà các chính khách Hoa Kỹ thường nói ra.

Dù sao thì những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam không nên phiền lòng về việc chính giới Hoa Kỳ dành ưu tiên cho mục tiêu phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ. Điều đáng quan tâm hơn là trong chuyến công du Hà Nội vừa rồi, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã thân hành đến thăm viếng Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh tại trụ sở Đảng Cộng Sản Việt Nam và chụp hình với Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết dưới bóng pho tượng bán thân của Hồ Chí Minh. Đừng vội phê phán việc làm này trái với lễ tiết ngoại giao. Cũng đừng dễ dãi đồng tình với lời giải thích của Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc. Cần phải bình tâm chú ý đến đầu óc thực dụng của người Mỹ cũng như bản chất không câu nệ tiểu tiết cốt sao đạt mục đích của lớp người vừa mạnh thế lực vừa giàu tiền của để suy đoán phần nào dụng tâm trong hành động khác thường của Tổng Thống Mỹ. Nhiều người còn nhớ rằng, sau Thế chiến II khá lâu, vị Tổng Thống đương nhiệm của Hoa Kỳ đã từ Washington D.C. bay lên tận phi trường Anchorage, Alaska đón chào Nhật Hoàng đang dừng chân ở đó để máy bay lấy tiếp liệu trên đường sang Âu Châu. Thái độ cởi mở trong hành động khác thường của Tống Thống Mỹ được xem như là một lời tạ lỗi đối với mối sỉ nhục Nhật Hoàng gánh chịu trước đây khi phải lên chiến hạm Mỹ ký giấy đầu hàng. Nhưng quan trọng hơn nữa là hành động của Tổng Thống Mỹ lúc bấy giờ phải chăng là một thông điệp gửi quốc dân Nhật Bản cam kết không lật đổ chính thể quân chủ của Nhật, và điều này đã giúp lôi kéo quần chúng Nhật Bản ra khỏi tâm lý cựu thù để trở thành đồng minh tin cậy. Bởi vậy, những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam có quyền nêu lên nghi vấn rằng hành động không bình thường của Tổng Thống Bush thân hành thăm viếng người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam phải chăng là sự biểu hiện ý muốn hợp tác lâu dài với chính quyền cộng sản không những trong lãnh vực phát triển kinh tế mà còn trong nhiều lãnh vực khác, đặc biệt là lãnh vực an ninh quốc phòng. Vì lợi ích thiết thực của nước Mỹ, chính giới Mỹ tìm đối tác bản xứ ở các thành phần có khả năng và có thực lực để thi hành các kế hoạch phục vụ quyền lợi riêng của nước Mỹ. Bởi vậy, muốn tranh thủ sự đồng tình, sự hổ trợ, sự hợp tác của chính giới Mỹ, phe đối kháng với cộng sản phải chứng minh được là hàng ngũ mình không những hợp lòng dân mà chủ yếu là có khả năng, có thực lực, có ưu điểm hơn hẳn tập đoàn quý tộc tư bản đỏ đang thống trị nhân dân Việt Nam, đang ghìm đầu họ dưới đáy vực lầm than cơ cực. Ngoài ra, phe đối kháng phải có tinh thần tự lực cánh sinh, xây dựng thực lực để dựa vào sức mình là chính, đừng như thân cây tầm gửi, mọi việc đều trông cậy vào người để rồi hoàn toàn lệ thuộc vào người.

Ở một đoạn trên đã có đề cập đến đồ hình trận địa của hai phe đối kháng chuyên chính và dân chủ. Nói chung, thế trận của phe cộng sản chuyên chính được tổ chức chặt chẻ, phân bố liên hoàn, thống nhất chỉ huy, có phòng thủ, có trấn áp, có tiến công, có địch vận. Thế trận của phe đấu tranh dân chủ thì khí thế rất hăng say, nhưng bố trí rời rạc, riêng rẻ, không có bộ chỉ huy chung, không có chương trình hành động chung, nặng hình thức trình diễn mà nhẹ phần đấu tranh thực tiễn hữu hiệu, thiên về kêu gọi, lý thuyết, tranh biện, hội luận, thỏa hiệp, cầu xin, khiếu kiện, mà ít chú trọng đến việc kiện toàn cơ cấu tổ chức,  xây dựng và phát triển lực lượng chiến đấu, vận động tìm kiếm sự đồng tình và hổ trợ của các thế lực chính trị và kinh tế nước ngoài. Với tình hình như vậy, muốn đấu tranh thắng lợi, phe đối kháng cần kết hợp lại để hình thành một mặt trận đấu tranh có tổ chức chặt chẻ, có chỉ huy thống nhất, có quần chúng trong nước đông đảo, và có sự đồng tình và hổ trợ từ bên ngoài. Hiện nay, trong hàng ngũ phe đối kháng với cộng sản có quá nhiều tổ chức, phe nhóm. Muốn kết hợp lại cần phải có một số tiêu chuẩn mà mọi tổ chức, mọi phe nhóm đồng tình chấp nhận làm mẩu số chung để đặt nền tảng cho sự kết hợp.

Trước hết là tinh thần quốc gia dân tộc. Điều hiển nhiên là thành phần lãnh đạo cũng như lực lượng nòng cốt của bất kỳ tổ chức, bất kỳ đoàn thể, bất kỳ hiệp hội nào cũng xuất phát từ cộng đồng căn bản của mình, do đó, mục tiêu tranh đấu ưu tiên là quyền lợi của quần chúng cội nguồn. Nói khác đi, mỗi thành phần trong hàng ngũ phe đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đều có mục tiêu tranh đấu riêng. Nông dân đòi quyền sở hữu đất đai, công nhân đòi tăng lương tối thiểu, tín đồ đòi quyền đi lễ chùa, lễ nhà thờ, tiểu thương tiểu chủ đòi quyền buôn bán, kinh doanh, văn nghệ sĩ đòi quyền tự do viết lách, sáng tác, nhóm bảo hoàng muốn dựng lại chế độ quân chủ, phe cấp tiến chủ trương thiết lập chế độ cộng hòa, v.v. Mỗi người một ý, mỗi nhóm một mục tiêu. Nhưng tất cả đều là người Việt Nam yêu nước thương nòi, mang nặng tinh thần quốc gia và tình tự dân tộc. Nếu song hành với các mục tiêu riêng rẻ của từng tổ chức, từng đoàn thể, từng đảng phái, từng giáo hội, tất cả các thành phần trong tập thể đối kháng với cộng sản đồng thuận dành ưu tiên cho mục tiêu đấu tranh vì quyền lợi của quốc gia dân tộc thì  khả năng kết hợp có cơ may thành hình. Nông dân đòi đất, công nhân đòi lương, tín đồ đòi tự do hành đạo, thương nhân đòi tự do buôn bán, văn nghệ sĩ đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tác, mỗi giới, mỗi nhóm đòi một thứ, nhưng không ai là không đau nổi đau mất đất, mất biển, không ai là không căm giận nhà cầm quyền cộng sản đã vì quyền lợi riêng mà hy sinh quyền lợi quốc gia dân tộc. Nghe tin ngư dân Thanh Hóa bị tàu tuần Trung cộng bắn chết, thấy trên tivi cảnh phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan bị ngược đãi, những người trong hàng ngũ phe đối kháng với cộng sản, không ai là không xót xa cho thân phận làm công dân trong một chế độ không tôn trọng nhân quyền và dân quyền, một chế độ chỉ ức hiếp và bóc lột dân mà không hề bảo vệ và đùm bọc dân. Những người trong hàng ngũ đối kháng với cộng sản, dù cho thuộc đoàn thể nào, tôn giáo nào, giai cấp nào chăng nữa, nếu chịu khó suy nghĩ một chút, sẽ thắc mắc tại sao cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào, sang công du Việt Nam, sau khi xong việc ở Hà Nội, đều có vào thăm Đà Nẵng, và chỉ thăm Đà Nẵng mà thôi. Rõ ràng là người Tàu luôn ấp ủ âm mưu chia cắt Việt Nam, ngăn cản Việt Nam thống nhất, kìm hãm Việt Nam phát triển, không muốn Việt Nam mạnh lên để trở thành tiểu bá khu vực. Nổi lo âu này không phải là không có cơ sở. Xưa kia, đời nhà Thanh đã có cuộc vận động của Tăng Kỷ Trạch với Jules Ferry để chia cắt Đại Nam ở Quảng Bình. Sau Thế chiến II, Đồng Minh phân định Đông Dương làm 2 khu vực giải giới quân đội Nhật Bản theo vĩ tuyến 16. Hiệp nghị Genève năm 1954 chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Bây giờ Trung cộng để lộ tham vọng lấn chiếm Đà Nẵng, dùng làm căn cứ quân sự song hành với quân cảng Du Lâm bên Hải Nam để khóa chặt lối vào vịnh Bắc Bộ. Chủ Tịch Trung Cộng vào Đà Nẵng ngày 15-11-2006. Tổng Thống Hoa Kỳ vào Sài Gòn ngày 20-11-2006. Phải chăng Tàu và Mỹ đã ngấm ngầm thỏa hiệp trên đầu nhân dân Việt Nam để chia vùng ảnh hưởng theo vĩ tuyến 16? Những nổi trăn trở, ưu tư nói trên đây là tâm trạng chung của tất cả mọi người trong hàng ngũ đối kháng với cộng sản. Đó là tinh thần quốc gia dân tộc. Đó là một trong các thành tố căn bản dùng làm mẩu số chung để kết hợp các phe phái không cộng sản thành một mặt trận thống nhất.

Sau tinh thần quốc gia dân tộc, các thành tố khác của mẩu số chung làm căn bản kết hợp là ý niệm tự do dân chủ và ý thức công bình xã hội. Tự do là làm theo ý mình muốn, muốn làm gì và làm như thế nào thì làm, miễn là trong khuôn khổ luật pháp và không phương hại tới người chung quanh. Trong lãnh vực chính trị, ý niệm tự do được thể hiện trọn vẹn dưới chính thể dân chủ. Dân chủ là đối vị của chuyên chính., bởi thế, đã là chuyên chính thì không có tự do. Ngày nay, phong trào đấu tranh dân chủ nở rộ trong nước là để đối kháng với bản chất chuyên chính toàn trị của chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa do đảng Cộng Sản áp đặt lên đầu nhân dân Việt Nam. Sau tháng tư năm 1975, cộng đồng tỵ nạn cộng sản ở nước ngoài tiếp tục chống cộng. Vì cộng sản đồng nghĩa với chuyên chính nên phong trào chống cộng ở hải ngoại dần dà chuyển đổi sang chống chuyên chính, trở thành phong trào mang bản sắc chủ yếu là đấu tranh dân chủ, với các hoạt động phụ họa, cổ vũ, và hổ trợ cho công cuộc đấu tranh dân chủ trong nuớc. Tuy nhiên, hoàn cảnh trong và ngoài nước, hai bên có khác nhau, nên phương thức, đường lối đấu tranh hai bên cũng phần nào khác nhau. Đối mặt với bộ máy công an ngày đêm rình mò và sẳn sàng trù dập không nương tay, cuộc đấu tranh trong nước mang tính chất ôn hòa, bất bạo động, thiên về kêu xin, thỏa hiệp, họa hoằn ở thế chẳng đặng đừng mới khiếu kiện, đình công, biểu tình phản kháng. Trong lúc đó, ở nước ngoài, sống dưới định chế tự do dân chủ, các cộng đồng tỵ nạn cộng sản tha hồ ăn to nói lớn, rầm rộ t° chức hội thoại để phát biểu chính kiến, đưa ra những chương trình hành động và những đòi hỏi nhiều khi không phù hợp với thực tế. Nhưng dù sao thì các hoạt động đấu tranh ở nước ngoài cũng đã hổ trợ đắc lực cho phong trào trong nước, nhất là về mặt vận động dư luận quốc tế và một phần nào về mặt yểm trợ phương tiện. Có điều là còn rất nhiều người chưa có một quan niệm chính xác về các danh từ quốc gia và cộng sản, lầm lạc nghĩ rằng quốc gia là đối vị với cộng sản nên đồng hóa quốc gia với chống cộng, quá chú trọng vào việc tách bạch vẽ lằn ranh quốc cộng nhiều khi không đúng chổ hoặc vướng mắc tính chất kỳ thị địa phương để kết án nặng nề những nỗ lực đoàn kết dân tộc. Cần nhận thức rõ ràng, chính xác rằng quốc gia là đối vị với quốc tế và địa phương. Quốc gia đương nhiên là chống cộng vì cộng sản là quốc tế. Nhưng mặt khác các thành phần chống cộng không phải đương nhiên là quốc gia. Chống cộng mà làm tay sai cho nước ngoài, hay chống cộng mà chủ trương phân ly, cát cứ, đi ngược lại quyền lợi quốc gia dân tộc thì đâu phải là quốc gia. Trong lúc đó, trong hàng ngũ cộng sản cũng có thể có người quốc gia. Đó là những người cộng sản phản tỉnh. Trước đây, họ đứng trong hàng ngũ cộng sản và lầm lạc chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản mà tưởng rằng chiến đấu cho quyền lợi quốc gia dân tộc. Tập thể những người cộng sản phản tỉnh hiện ở trong nước là một lực lượng đáng kể trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ. Tóm lại, cùng với tinh thần quốc gia dân tộc, ý niệm tự do dân chủ rõ ràng là một thành tố đương nhiên và căn bản dùng làm mẩu số chung để kết hợp chặt chẻ các phe phái đối kháng với cộng sản thành một mặt trận thống nhất.

Cuối cùng là ý thức công bình xã hội. Trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ, các tổ chức có lực lượng quần chúng đông đảo nhất đều ở trong nܧc: nông hội, công đoàn, giáo hội, tập thể đảng viên hưu trí và bộ đội phục viên. Đại đa số các thành phần xã hội này đều nghèo khó, không chức không quyền và không tiền. Khoảng cách giàu nghèo giữa họ và tầng lớp quý tộc tư bản đỏ thật vô cùng lớn lao. Họ có cùng chung tâm trạng suy bì ghen tỵ với cuộc sống giàu có thừa mứa của giới cầm quyền và của giới phe phẩy theo đóm ăn tàn. Họ có cùng chung khát vọng mưu cầu một cuộc sống dư dã thoải mái hơn. Nói chung, nổi phẫn uất của họ tích lũy từ trước tới nay là do họ bị chèn ép, bị bạc đãi, bị thua thiệt, bị bóc lột, bị trấn áp liên tục. Sự phản kháng của họ là để chống lại những biện pháp cấm đoán hành đạo hành nghề, tước đoạt đất đai, nhà cửa, hợp tác hóa phương tiện sản xuất. Mục tiêu tranh đấu của mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể, mỗi thành phần xã hội, tùy hoàn cảnh mà có sự khác biệt nhau nhưng tựu trung đều quy về một điểm chung rất mực tương đồng là đòi hỏi công bình xã hội. Vì lẽ các tập thể quần chúng đông đảo này đều có chung ý thức đòi hỏi công bình xã hội nên sự kết hợp họ đứng chung một mặt trận để tranh đấu là điều có thể thực hiện đuợc. Hơn nữa, chính các tập thể này là kho tàng cung cấp nhân lực cho phe đối kháng xây dựng lực lượng quần chúng để đấu tranh chính trị với cộng sản. Trong tình thế hiện nay của đất nước, cũng như với hiện trạng quân bình  giữa các tương quan quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, các giới lãnh đạo đấu tranh dân chủ, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cho dù cực đoan tới đâu chăng nữa, cũng không ai nghĩ tới khả năng sử dụng phương thức bạo lực vũ trang để lật đỗ chính quyền cộng sản. Phương thức tối ưu là phát động các phong trào quần chúng để làm áp lực đấu tranh chính trị, đòi hỏi cải tiến dân sinh, thực hiện dân chủ. Vạn nhất tới khi tình thế chin muồi, mâu thuẫn xã hội gay gắt tới mức tối đa, mà nhà cầm quyền cộng sản vẫn ù lì, ngoan cố không khoan nhượng, thì chính các lực lượng quần chúng này sẽ là thành phần xung kích sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ chế độ chuyên chính toàn trị của đảng Cộng Sản.

Trên cơ sở những phân tích nói trên, các tổ chức, các hội đoàn, các đảng phái, các giáo hội, các nông hội, các công đoàn, các cơ sở từ thiện, các cơ quan phi chính phủ, v.v. trong hàng ngũ phe phái đối kháng với cộng sản, nên đồng thuận về một sự phân công phân nhiệm rất căn bản như sau: các thành phần trong nước lãnh đạo phong trào đấu tranh, hoạch định sách lược hành động, xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng; các thành phần hải ngoại hổ trợ các mặt truyền thông, tài chánh, vận động dư luận quốc tế, tìm kiếm đồng minh nước ngoài. Trường hợp các tổ chức vừa có cơ sở ở cả bên trong lẫn bên ngoài nước, sự phân công phân nhiệm trong nội bộ của tổ chức sẽ linh động, uyển chuyển hơn, vừa có bộ phận công khai, vừa có bộ phận bí mật, tùy tình thế mà hoạt động, trong nước thì cơ bản phải hoạt động dưới dạng chìm, cắm sâu bám chặt gốc rể vào các lực lượng quần chúng, ở ngoài nước mới phần nào rầm rộ hoạt động trên mặt nổi để đánh động dư luận quốc tế và tìm kiếm hổ trợ của đồng minh. Lại còn cần phải kiểm điểm hàng ngũ, chỉnh đốn hệ thống tổ chức, rà soát lại khả năng và mức độ trung kiên các cán bộ nòng cốt, thanh lọc các thành phần cơ hội, bất tài, chuộng hư danh, ham địa vị, và đặc biệt chú tâm vô hiệu hóa các mưu toan xâm nhập, ly gián, phá hoại từ bên ngoài. Các cá nhân có lòng với phong trào dân chủ chống chuyên chính, cũng như thành phần lãnh đạo các tổ chức tranh đấu, cần tỉnh táo và sáng suốt nhận định thực chất các “tổ chức chiến hữu” để phân biệt chân với giả, thật với cuội, để khỏi rơi vào bẫy sập phản gián của công an cộng sản. Sau khi đã kiểm điểm hàng ngũ, chỉnh đốn tổ chức, phe phái đấu tranh dân chủ kết hợp thành mặt trận dựa trên sự đồng thuận về một mẩu số chung gồm các thành tố: tinh thần quốc gia dân tộc, ý niệm tự do dân chủ, và ý thức công bình xã hội. Các thành viên mặt trận vẫn giữ nguyên tổ chức, vẫn hoạt động bình thường như trước, vẫn tiếp tục phục vụ quyền lợi quần chúng của mình. Cái khác là sau khi đứng chung mặt trận, phe phái đấu tranh dân chủ sẽ phối hợp hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ và hữu hiệu  hơn, và về mặt mục tiêu tranh đấu, trong cái riêng còn có cái chung vô cùng cao đẹp mà mọi người, mọi giới, ai ai cũng tán đồng.

Tóm lại, thoát thai từ Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ, Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội có khả năng được hình thành.

                                                Ngày 26 tháng 11 năm 2006

                                                   Minh Vũ Hồ văn Châm





No comments: