Saturday, September 1, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * TRƯỜNG XƯA


Hoài Niệm Trường Xưa
(Thân tặng Thầy Nguyễn Hữu Thứ)

            Tôi là dân Quốc Học chính cống. Suốt bảy năm trung học, từ 1945 đến 1952, tôi chỉ độc có học mỗi một trường Quốc Học. Thế nhưng duyên nợ với chính ngôi trường như hiện nay đang in bóng trên đường Lê Lợi bên giòng sông Hương thì lại không nhiều so với mối gắn bó của bản thân tôi với những mái trường khác có liên hệ thân thiết với trường Quốc Học.
            Dạo đó trường Quốc Học mang tên là trường Trung học Khải Định. Vào một ngày đầu thu rợp bóng cờ sao, tôi vào học lớp đệ thất. Lớp chúng tôi gồm những học sinh trong số 200 trúng tuyển chính thức nên được xếp vào học ở cuối dãy nhà lớn gần préau, tức là sân chơi có mái lợp. Lớp thoáng mát, bàn ghế đều bằng gỗ lim, có hàng hiên cao rộng. Về sau, trường lấy thêm 600 học sinh dự khuyết, chia làm 12 lớp nữa, xếp vào dãy nhà trệt bên rìa sân banh, đối diện với nhà kho và nhà bếp. Trong trí óc thơ dại của chúng tôi dạo đó tuyệt nhiên không có ý niệm phân biệt chính thức với dự khuyết, mà chỉ có sự so sánh hơn thua giữa lớp học ở nhà trên cao rộng với lớp học ở nhà ngang thấp lè tè. Tất nhiên là chẳng mấy khi chúng tôi xuống chơi "lớp tụi nó" mà chỉ có "tụi nó" ngày ngày mon men lên lớp chúng tôi giương những cặp mắt láo liên nhìn ngang nhìn ngữa. 
Trường Khải Định là một trong những truờng Trung học lớn nhất nước nên quy mô rộng lớn, kiến trúc uy nghi, trang bị đầy đủ. Phòng vạn vật của thầy Thân Trọng Hy là nơi hấp dẫn chúng tôi nhất. Giờ ra chơi nào chúng tôi cũng chạy lên phòng vạn vật, say sưa ngắm nghía những con thú nhồi bông, những con rắn ngâm ruợu, những con chim dang rộng đôi cánh giống như chim thật đang bay. Không biết thầy Hy lúc đó đang nghiên cứu đề tài gì mà tuần nào thầy cũng bắt chúng tôi mỗi đứa phải nộp một tờ tường trình kê rõ các thứ cá đang bày bán ở các chợ trong thành phố Huế. Chúng tôi một phần thì vì lười biếng, một phần thì vì bị mắng mỏ khi len lỏi vào hàng tôm hàng cá hỏi han lôi thôi, nên "phiếu điều tra" rốt cuộc đều giao cho mẹ và chị hoặc người nhà làm hộ.
            Trường có nhiều loại phòng học chuyên dụng, học vạn vật thì cả lớp chuyển đến phòng vạn vật, học vẽ thì đến phòng vẽ, học lý hóa thì đến các phòng Lý Hóa 1, Lý Hóa 2. Những lúc chuyển lớp như thế, chúng tôi vui đùa chẳng khác gì trong giờ ra chơi. Phòng vẽ của trường Khải Định hồi đó có những bực cấp hình cánh cung, học sinh ngồi trước giá vẽ y như họa sĩ thực thụ. Phòng vẽ này theo tôi thì hơn hẳn phòng vẽ của trường Mỹ thuật Huế sau này. Phòng Lý Hóa 2 còn gọi là "amphithéâtre" thì đúng là vóc dáng giảng đường của một trường Đại học, bàn ghế được sắp xếp theo từng dãy từ thấp lên cao như trong các rạp hát hiện đại. Phòng Lý Hóa 2 này thường để cho học sinh đến quan sát biểu diễn thí nghiệm, hoặc để hội họp học sinh trong các buổi sinh hoạt và bầu bán hiệu đoàn. Năm đó Việt Minh mới lên cầm quyền nên các hoạt động hiệu đoàn vô cùng sôi nổi. Chúng tôi là lớp nhỏ tuổi nhất trường nên nhìn các anh các chị ban Tú tài hùng hồn diễn thuyết với tấm lòng khâm phục chân thành của tuổi thơ. Hồi đó anh Lê Văn Giáp người Nghệ đứng ra làm chủ tịch lâm thời, vận động thành lập ban học sinh cứu quốc và tổ chức bầu cử chủ tịch chính thức. Đến ngày bầu cử, hai anh Lê Văn Giáp và Nguyễn Văn Đãi được đề cử vào chức vụ đó. Bọn nhỏ chúng tôi chẳng để ý gì đến xu hướng chính trị của hai anh, chỉ bàn với nhau là bầu anh Đãi vì một lẽ đơn giản anh Đãi là người Huế. Kết quả anh Đãi trúng cử. Trong buổi họp bầu, có chị Vượng người Bắc được đề cử vào chức vụ ủy viên tài chánh. Khi kiểm phiếu có một phiếu ghi là gibbon, mọi người trong phòng họp đều cười ồ, chỉ duy chị Vượng bình thản phát biểu : "Gibbon là vượn mà tên tôi là Vượng, vậy thì anh không giỏi quốc văn rồi". Tôi vô cùng khâm phục tài ứng phó của chị Vượng.
            Văn phòng Hiệu trưởng là một ngôi nhà uy nghi riêng biệt ở gần cổng chính. Hiệu trưởng lúc bấy giờ là giáo sư Phạm Đình Ái. Thầy Ái không dạy lớp chúng tôi mà chúng tôi cũng không hề dám bén mãng đến văn phòng Hiệu trưởng nên chúng tôi không được gần gũi với thầy. Riêng tôi được người lớn cho biết phu nhân của thầy là con gái cụ Thượng Tiến, trước đây đã được Triều đình tuyển chọn vào ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, chỉ vì vua Bảo Đại là người tân học, tự chọn lấy vợ, nên bà mới phải nhường ngôi vị này cho bà Nam Phương. Người ta nói rằng bà đẹp lắm. Tôi chưa bao giờ được giáp mặt, nhưng vẫn có thể phần nào hình dung được nhan sắc của bà qua mấy người cháu gái gọi bà bằng cô sau này đã từng một thời nổi tiếng chim sa cá lặn. Thầy Phạm Đình Ái về sau đi theo kháng chiến và đã đóng góp nhiều hiểu biết khoa học vô cùng thiết thực cho việc chế tạo vũ khí đạn dược. Sau hiệp định Genève, thầy trở về thành, và sau này thầy là Thượng Nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
            Trong số giáo sư quốc văn thời đó có thầy Nguyễn Lân, bút hiệu Từ Ngọc. Tôi vốn mê đọc sách, kể cả loại tiểu thuyết Phổ thông bán nguyệt san mà người lớn khó tính thường cấm không cho con em mua đọc, viện lẽ là văn chương loại đó chỉ để dành cho các cô bán hàng chợ Đông Ba. Chính vì lẽ không bỏ sót một số Phổ thông bán nguyệt san nào nên trước khi được vào học trường Trung học Khải Định tôi đã biết tiếng nhà văn Từ Ngọc qua tác phẩm "Khói Hương". Tôi lại còn nhớ đến một tác phẩm khác của thầy Nguyễn Lân, tác phẩm loại khảo cứu mang tựa đề "Những Trang Sử Vẻ Vang" với lời đề tặng ở đầu sách "Âu yếm mong bốn con, Lân Tuất, Tề Chỉnh, Lân Dũng, Lân Cường, sau này sẽ tìm thấy ở những trang sử vẻ vang một nguồn sống mạnh mẽ và xứng đáng". Hồi đó, đọc lời đề tặng, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn là thầy có 4 nguời con, 3 trai 1 gái, mà Tề Chỉnh chắc chắn là con gái. Xong năm học 1945-1946, thầy Nguyễn Lân đổi về Bắc, từ đó tôi không biết tin tức gì về thầy cũng như mấy người con của thầy, tuy nhiên tôi rất biết ơn tác phẩm "Những Trang Sử Vẻ Vang" của thầy, và nhất là lúc nào tôi cũng nghĩ đến niềm mong mỏi của thầy đối với các con qua lời đề tặng ở đầu sách. Tôi xem lời đề tặng đó cũng như là lời khuyên nhủ của thầy đối với bọn học trò nhỏ chúng tôi, phải biết noi gương anh dũng của người xưa, để biết sống có khí phách, có đạo nghĩa, "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất".
            Dạo đó, tôi không học quốc văn với thầy Nguyễn Lân mà học quốc văn với thầy Phan Thanh Hy. Thầy Hy đang còn trẻ. Đối với chúng tôi, thầy Hy lúc đó đúng nghĩa là người anh hơn là người thầy. Mỗi chủ nhật, thầy thường dẫn chúng tôi qua nhà thương Huế thăm các anh Vệ quốc đoàn bị thương ở mặt trận Nam Trung bộ đang nằm điều dưỡng tại đây. Chúng tôi theo sự chỉ dẫn phân phối của thầy, mỗi đứa chăm sóc một anh Vệ quốc quân, giúp các anh đọc sách, viết thư, và giặt áo quần cho các anh bị thương nặng không có thân nhân chăm sóc. Thầy Phan Thanh Hy đã dạy cho chúng tôi một bài học cụ thể về lòng yêu nước, nghĩa đồng bào. Các anh lính Vệ quốc nằm trên giường bệnh lúc đó đều rất trẻ, tuổi đời chưa quá 20, đều là cựu học sinh ban Thành chung hoặc ban Tú tài của các trường trung học Khải Định, Pellerin, Providence, Việt Anh, Phú Xuân, Thuận Hóa, Hồ Đắc Hàm. Các anh nào có nghĩ gì đến các mưu đồ chính trị. Các anh chỉ có tấm lòng hăng say của tuổi trẻ, các anh chỉ muốn cống hiến linh hồn trong sáng và thể xác kiện khang cho Tổ quốc, cho đồng bào. Mới hôm nào tựu trường, chúng tôi còn gặp một số các anh nhởn nhơ trong préau trường Khải Định, mà nay các anh đang nằm đó, thương tích đầy mình mà tâm hồn vẫn hào sảng :"Người Vệ quốc quân một lần ra đi, nào có mong chi đến ngày trở về; ra đi, ra đi, bảo tồn sông núi, ra đi, ra đi, thà chết chớ lui". Đối với các anh, đâu có phải vì áo cơm mà phải lụy đến hình hài. Các anh cống hiến máu xương cho quyền lợi của đất nước, của giống nòi. Và chúng tôi thương yêu các anh, khâm phục các anh, cũng chỉ vì trong thăm thẳm đáy tâm tư của chúng tôi đang manh nha mầm mống tốt tươi của tình tự dân tộc. Cuối năm 1946, thành phố Huế tản cư toàn diện. Tôi không biết các anh trôi dạt về nơi nào, anh nào còn, anh nào mất.
Giữa năm 1947, tôi hồi cư về Huế và gặp lại thầy Phan Thanh Hy. Lần này, thầy dạy chúng tôi Pháp văn. Về sau, thầy vào Sài Gòn học Luật, và trở thành một luật sư nổi tiếng ở tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Thầy là cháu bốn đời cụ Phan Thanh Giản. Cụ Phan là một nhà nho chân chính. Tôi không đồng ý việc nhà cầm quyền cộng sản sau năm 1975 đã bỏ tên đường Phan Thanh Giản. Trong chúng ta có thể có nhiều người không đồng ý việc cụ Phan không đánh mà lại chịu giao ngay 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho thực dân Pháp. Nhưng cụ đã lấy cái chết để tạ tội với vua, với nước. Cái chết đầy tiết tháo của cụ đã đủ để trả món nợ công danh một cách sòng phẳng và giữ chỗ đứng vững chắc cho cụ trong lòng dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, cụ là vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ, và cụ đã lưu lại cho hậu thế nhiều văn thơ tuyệt bút. Lúc lên đường ra kinh nhậm chức, cụ có bài thơ "Giả vợ ở nhà đi làm quan":
                        "Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
                       "Lòng này ghi tạc có non sông.
                        "Đường mây cười tớ ham rong ruỗi,
                        "Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
                        "Ơn nước nợ trai đành nổi bận,
                        "Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
                        "Mấy lời dặn bảo lúc lâm biệt
                        "Rằng nhớ, rằng quên, lòng hỡi lòng.

Lúc đi sứ sang Yên Kinh, qua lầu Hoàng Hạc, cụ có bài thơ sau:
                        "Tích thời hạc dĩ hà niên khứ?
                        "Thiên tải nhân tùng nam cực lâm.
                        "Anh Võ châu tiền phương thảo lục,
                        "Tình Xuyên các thượng bạch vân thâm.
                        "Bán thiên lạc nhật phù giang hán,
                        "Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm.
                        "Mãn mục quan san bội trù trướng,
                        "Du du trần mộng thập niên tâm.
Hai bài thơ trên, một Nôm một Hán, đã đủ để nói lên cái tài tình và cái uyên bác trong thơ của cụ. Hậu thế chúng ta không nên nông nổi, chỉ vì chính kiến bất đồng mà đã vội vàng đối xử bất công với người xưa.
            Dạo đó, người phụ trách môn công dân giáo dục lớp chúng tôi là thầy Đoàn Nồng. Thầy Đoàn Nồng là một nhà hùng biện. Giờ lên lớp, thầy đưa cho chúng tôi một bài giáo khoa ngắn gọn, bảo chúng tôi liệu thu xếp với nhau để chép vào vở học. Thầy dành toàn bộ thời gian lên lớp để giảng bài. Thầy nói thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng cao hứng lại nắm tay đấm xuống bàn thình thịch để nhấn mạnh lời nói. Chúng tôi say sưa ngồi nghe. Thầy thường đẩy đưa câu chuyện về tệ nạn xã hội thời thực dân Pháp đô hộ nước ta. Thầy cho chúng tôi biết những tổ chức buôn bán độc quyền thuốc phiện và rượu của nhà nước, thời đó gọi tắt là RO (régie d'opium) và RA (régie d'alcool). Thầy nói tỉ mỉ về những mánh khoé chèn ép của tư bản Pháp đối với tư bản bản xứ như công ty rượu Văn Điển và công tư chuyển vận Bạch Thái Bưởi. Thầy cũng đề cập đến sự vô liêm sỉ của các viên Tri huyện và Lý trưởng thời thực dân đã dùng mọi thủ đoạn gian ác để bắt dân đen phải mua rượu ty để đạt chỉ tiêu số lượng do nhà đoan Pháp gán ép. Chúng tôi được người lớn cho biết sỡ dĩ thầy Đoàn Nồng ăn nói hùng hồn lưu loát như vậy vì thầy vốn là người "làm quốc sự". Thầy Đoàn Nồng là một trong những nhân vật chủ chốt ở Huế của các hoạt động thanh niên học sinh ủng hộ các cụ Phan Sào Nam và Phan Tây Hồ. Sau năm 1946, thầy Đoàn Nồng đi theo kháng chiến, và chỉ sau này, vào những năm cuối thập niên 80, tôi mới lại được nghe một vài người quen nhắc nhở đến thầy Đoàn Nồng. Thầy đã về già và đã nghỉ hưu.
            Trái với thầy Đoàn Nồng, ở trường Trung học Khải Định lúc đó có thầy Nguyễn Trung Thuyết cũng là người "làm quốc sự" nhưng lại thâm trầm ít nói. Thầy dạy chúng tôi môn lý hóa. Suốt giờ lên lớp, thầy chỉ chuyên tâm giảng bài. Chỉ một lần duy nhất, trong giờ giảng của thầy, anh Lê Văn Giáp, Chủ tịch lâm thời ban học sinh cứu quốc, đến xin phổ biến thông cáo của nhà nước về phong trào thanh niên khỏe, cứ mỗi lần anh Giáp đọc đến 3 tiếng thanh niên khỏe thì thầy Nguyễn Trung Thuyết lại gằn giọng chữa lại là thanh niên khóc. Nét mặt thầy Thuyết lúc đó thật là lạ lùng, vừa cứng rắn, vừa bi phẫn. Chúng tôi nhìn thầy Thuyết, nhìn anh Giáp, trong lòng băn khoăn lo lắng không hiểu đã có chuyện gì xẩy ra giữa hai người. Anh Lê Văn Giáp không có phản ứng gì, đọc thông báo xong là anh chào thầy Thuyết, chào chúng tôi, rồi đi nhanh sang lớp khác. Chỉ nhiều tháng sau, khi nghe người lớn bàn tán về phong trào Ngũ Xã, về tòa báo đường Quan Thánh, về vụ Ôn Như Hầu, và về cuộc chém giết đẫm máu huynh đệ tương tàn ở Vĩnh Phúc Yên, Phú Thọ, Việt Trì..., chúng tôi mới lờ mờ hình dung được con người đích thực của thầy Nguyễn Trung Thuyết ẩn tàng bên trong cái vỏ bề ngoài khô khan, khắc khổ, ít nói, ít cười. Giữa năm 1947, hồi cư về Huế, tôi được tin thầy Nguyễn Trung Thuyết đã bị Việt Minh thủ tiêu. Ở đây, tôi xin kính dâng thầy một nén hương lòng để cùng các anh chị nhóm Phuợng Vỹ hoài niệm mái trường xưa, tưởng nhớ đến một người thầy, một người anh, một người đồng chí, một người Việt Nam chân chính oai hùng.
            Vào một buổi sáng cuối năm 1945, đang giờ học, cả trường Khải Định bỗng dưng nhốn nháo khi rất nhiều lính Tàu vàng ùn ùn kéo vào trường xuyên qua cổng chính đi thẳng vào préau. Lính Tàu mặc quân phục màu vàng đất, súng ống lổn nhổn đầy người. Từng toán, từng toán kéo qua sân trường, vào hết trong sân chơi. Mỗi toán lại có mấy nguời lính gồng gánh nồi niêu dao thớt, thật là lôi thôi lếch thếch. Chúng tôi được các thầy giám thị cho biết là lính Tàu được chính phủ cho vào tạm trú ở préau trong một vài ngày. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi chỉ được phép quanh quẩn ở trong phạm vi lớp học và hàng hiên, không được ra ngoài sân trước cũng như không được xuống dưới préau. Ngày hôm sau khi tình hình đã ổn định, chúng tôi mới được đi lại tự do trong giờ ra chơi. Chúng tôi bèn mon men xuống préau để xem lính Tàu vàng. Họ ăn mặc lôi thôi, áo quần nhầu nát, chân quấn xà cạp, da mặt bủng beo, dáng dấp còm cỏi. Đúng là một đạo quân thiếu cơm. Rất nhiều người trong bọn họ bị "ghẻ hờm", vết loét to bằng miệng chén. Người lớn cho chúng tôi biết đây là đạo quân của tướng Long Vân ở Vân Nam, sang đây giải giới quân Nhật. Họ chỉ trú đóng ở sân chơi trường Khải Định vỏn vẹn có 3, 4 ngày. Sau đó, họ được thu xếp vào ở các biệt thự và các cư xá rải rác bên hữu ngạn sông Hương, trả lại sân chơi cho học sinh trường Khải Định. Ngày bốn buổi, trên đường đi về trường học, ngày nào cũng như ngày nào, chúng tôi thường gặp lính Tàu vàng lũ năm lũ ba kéo nhau đi dạo phố, ăn quà vặt, láo liên nhìn ngang nhìn ngửa, chỉ trỏ líu lo rồi cười hô hố. Trong các vườn cây bao quanh các biệt thự, lính Tàu vàng đào hố xí lộ thiên, mùi hôi thối bay ra nồng nặc. Trong trí óc thơ dại của chúng tôi đã sớm nẩy nở mối hoài nghi về sự chiến thắng của đạo quân ô hợp đó khi đem họ so sánh với dáng dấp uy dũng của mấy quân nhân Nhật Bản trước đây thường ngồi gác trước cổng trường Hồ Đắc Hàm. Ít tháng sau thì quân Tàu xanh kéo sang thay thế quân Tàu vàng. Quân Tàu xanh mới là quân chính quy của Tưởng Giới Thạch, phong độ so với quân Tàu vàng thì khá hơn nhiều. Chúng tôi nghe người lớn nói đây là kế hoạch điệu hổ ly sơn của Tưởng Giới Thạch, nhằm giải giới quân Tàu vàng của Long Vân để lấy lại Vân Nam. Điạ thế Vân Nam hiểm trở, lại ở xa trung ương, nên vào những lúc tao loạn, nhà cầm quyền Vân Nam thường nổi lên cát cứ. Ngày xưa, dưới triều Thanh sơ, Tây vương Ngô Tam Quế đã dựng cờ độc lập ở đây. Đến thời Thanh mạt, Tổng đốc Sái Ngạc đã bỏ Viên Thế Khải theo Tôn Dật Tiên khiến cho đế nghiệp của họ Viên hóa thành bọt xà phòng. Nhân buổi nhiễu nhương, hết Trung Nhật chiến tranh đến Đệ nhị thế chiến, Đường Kế Nghiêu rồi tiếp đến Long Vân đã giữ vững Vân Nam làm giang sơn riêng biệt của mình. Đến nay, Tưởng Giới Thạch mới dùng mưu lấy lại. Đất Vân Nam là nơi dung thân của các nhà cách mạng Việt Nam. Những năm 1945, 1946, họ lần lượt về nước trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Qua họ, ngay từ thuở mới vào học trường Trung học Khải Định, tôi đã được nghe xưng tụng cảnh đẹp hồ Côn Minh, tượng đài Sái Ngạc và lầu Túy Hương với đôi câu đối bất hủ:
“Túy ý hôn hôn, thả quy khứ,
“Hương sầu nồng nồng, thỉnh lai hề,
nhắc nhở thiên hạ nhớ đến mấy chữ Quy khứ lai hề trong một bài phú nổi tiếng của Đào Uyên Minh.
            Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 để cho người Pháp đem quân vào phía bắc vĩ tuyến 16. Nhà cầm quyền ở Huế sắp xếp cho quân Pháp vào trú đóng tại trường Trung học Khải Định. Thế là chúng tôi phải dọn qua học tạm trong Đại Nội. Bắt đầu từ đây, thầy trò chúng tôi giã từ ngôi trường uy nghi cổ kính để bước chân vào một cuộc đời mới, cuộc đời nổi trôi phiêu bạt theo liền với mệnh nước nổi trôi. Đại Nội, rồi Việt Anh, rồi đi tản cư. Hồi cư về thì Chaigneau, Việt Anh, rồi Đồng Khánh. Cho đến năm cuối cùng bậc trung học, mang danh là học sinh trường Trung học Khải Định, tôi vẫn chưa từng được trở lại học ở ngôi trường xưa. Duyên nợ với chính ngôi trường như hiện nay đang in bóng trên đường Lê Lợi bên bờ sông Hương quả thật là ngắn ngủi, vỏn vẹn chỉ có bảy tháng trời mà thôi! Nhưng sao mà thương, mà nhớ đến thế! Trong thăm thẳm tột cùng của đáy tâm tư, chuyện cũ  của  gần nửa  thế  kỷ, nhớ  nhớ, quên  quên, dằng dặc, miên viễn, là chuổi dài hoài niệm mái trường xưa thân thương in đậm dấu ấn của một thời trẻ dại, ngây thơ nhưng nhiệt tình.
                                                            Toronto, tháng 7, 1993
                                                           Minh Vũ Hồ Văn Châm



No comments: